5+ Cảm nhận bài thơ Thu vịnh (điểm cao)



Tổng hợp bài Cảm nhận bài thơ Thu vịnh của Nguyễn Khuyến hay nhất với dàn ý chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

5+ Cảm nhận bài thơ Thu vịnh (điểm cao)

Quảng cáo

Cảm nhận bài thơ Thu vịnh - mẫu 1

   Nguyễn Khuyến có nhiều bài thơ thu viết bằng chữ Hán và chữ Nôm. "Thu vịnh" là một trong ba bài thơ Nôm nổi tiếng: "Thu điếu", "Thu ẩm" và "Thu vịnh". Chùm thơ này đã đưa Nguyễn Khuyến lên vị trí hàng đầu trong các nhà thơ viết về mùa thu của quê hương, làng cảnh Việt Nam.

   Đáng lưu ý là các chi tiết trong bài thơ này đều rút ra từ cảnh vật quen thuộc nơi quê hương tác giả. Vùng đồng chiêm trũng một năm chỉ làm được một vụ, còn toàn là ngập nước. Trong làng vô số ao chuôm với những bờ tre quanh co bao bọc những mái tranh nghèo. Mở đầu là cảnh bầu trời bao la, bát ngát:

    "Trời thu xanh ngắt mấy từng cao

    Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu".

   Nền trời thu xanh ngắt là xanh mà có chiều sâu. Mấy từng cao là rất cao, tưởng tượng thấy nhiểu lớp, nhiều tầng nối tiếp nhau cao. Trời thu không mây, xanh thăm thẳm và rộng không cùng. Trên cái nền ấy nổi bật lên hình ảnh thanh tú sinh động của cần trúc (cây trúc non dáng cong cong như chiếc cần câu) đang đong đưa khe khẽ trước gió thu. Gió hắt hiu là gió nhẹ và như chứa chất gì đó bên trong. Tất cả đều như có một mối cảm thông thầm lặng, sâu kín, rất êm, rất nhẹ, tinh tế và khó nắm bắt... Cái động của "cần trúc" càng làm tăng thêm cái thinh lặng, sâu thẳm của màu trời. Màu trời như dồn tất cả cái sâu lắng vào bên trong của "cần trúc ", để cho nó vừa đủ đong đưa mà cũng vừa đủ đứng yên. Đó là cái động và cái tĩnh trong nhau của mùa thu.

Quảng cáo

   Hai câu đề chấm phá hai nét cảnh thu đơn sơ, thanh thoát nhưng nhịp nhàng với tâm hổn tác giả. Trong đó, mọi chi tiết, sắc màu, đường nét, cử động đều hài hoà, giao cảm với nhau. Mới nói đến trời thu nhưng đã chứa cả hồn thu trong đó.

    "Nước biếc trông như từng khói phủ

    Song thưa để mặc bóng trăng vào".

   "Nước biếc" là màu nước đặc trưng của mùa thu. Khí trời mùa thu se lạnh. Lúc sáng sớm hay lúc hoàng hôn, nước trong ao hồ thường được phủ lên một lớp sương mỏng xa trông như khói. Ở đây, cảnh mặt nước khói sương ấy qua tâm hồn Nguyễn Khuyến đã thành một dáng thu ngâm vịnh. "Từng khói phủ" không như "làn khói phủ ". Khói đã trở nên dày hơn, nhiều lớp hơn, có chiều cao, có độ sâu, như có gì chứa chất, và cái đó được phủ lên, trùm lên, che khuất vào trong. "Nước biếc " có "từng khói phủ" là nước không còn màu biếc nữa, lẫn vào làn khói lam mờ, hoá mông lung, huyền ảo. Đó là dáng thu trên mặt đất, sau dáng thu ở bầu trời.

   "Song thưa" gợi ý nhẹ, thanh, cởi mở. "Bóng trăng" vào qua "song thưa" để ngỏ thì "bóng trăng" trở nên mênh mông hơn, thoải mái hơn. Nhưng tất cả đều lặng lẽ và bên trong cái im lìm ấy lại là cái gì đang chờ đợi, đang sắp sửa. Nếu ở câu trên là một trạng thái có chiều cao, có độ sâu, trùm lên, phủ lên thành một khối, một thể tích gì đấy, thì ở câu này lại là một trạng thái mở ra, tràn vào, bày ra một bề rộng, một cái diện. Cái diện ấy, mặc dù hình như bị giới hạn bởi cửa sổ "song thưa", nhưng vẫn có mênh mông ở bên trong, ở tinh thần và âm điệu... Song dù khối hay diện cũng đều lặng yên, chất chứa suy tư.

   Cảnh vật trong bốn câu thơ đầu dường như không cùng trong một thời điểm. Nhìn thấy cảnh trời xanh, "cần trúc lơ phơ" là lúc đang trưa. "Nước biếc" có sương khói phủ là lúc hoàng hôn và bóng trăng tràn qua song cửa là lúc trời đã vào đêm... Cảnh trí được vẽ ra liên tục nhưng không cùng một thời điểm, một không gian. Có điều, mối dây liên kết tất cả lại là tâm tình thống nhất của tác giả.

   Ngòi bút theo chiều tâm tư nhà thơ mà chọn mấy nét cảnh vật kia. Tuy khác nhau nhưng hình như đều cùng nhất trí gợi lên một trạng thái lặng yên, nhiểu cảm thông và ẩn giấu vào bên trong. Đó là tâm tư tác giả, là linh hồn của mùa thu.

   Tâm trạng ấy chi phối tiếp cách nhìn, cách nghĩ của Nguyễn Khuyến:

    "Mấy chùm trước giậu, hoa năm ngoái

    Một tiếng trên không, ngỗng nước nào?

Quảng cáo

   Sau khi nhìn mặt nước phủ sương, nhìn ánh trăng vào cửa sổ, nhà thơ trông ra bờ giậu ngoài sân. Ở đó, lác đác mấy chùm hoa. Và nhà thơ bỗng dưng thấy... đó là "hoa năm ngoái".

   Trên kia cảnh vật mới là qua con mắt nhìn, chừng nào còn khách quan, đến đây trái tim xúc cảm đã can thiệp vào cảnh vật và cảnh vật khoác thêm màu sắc chủ quan của tác giả. Hoa trước mắt, năm nay hẳn hoi mà cảm thấy là... "hoa năm ngoái". Điểu gì đã xảy ra trong lòng người? Con người đang ở trong hiện tại mà như lùi về quá khứ hay quá khứ hiện về trong thực tại?

   Âm điệu câu thơ theo nhịp 4/1/2: Từ "Mấy chùm trước giậu" đến "hoa năm ngoái" có một đoạn ngẫm nghĩ trong lòng nhà thơ, một đoạn suy tư và sau đó đột nhiên xuất hiện cảm giác "hoa năm ngoái" chứ không phải là hoa năm nay. Cảm giác ấy khiến nhà thơ nghe tiếng ngỗng trên không vẳng xuống mà băn khoăn tự hỏi "ngỗng nước nào?" Mặc dù tiếng ngỗng ấy đã trở nên quen thuộc mỗi độ thu về.

   Nếu như trong bốn câu thơ trên, cảnh vật hài hoà, cảm thông nhau trong một nỗi niềm u uất, thì ở đây, con người hài hoà, cảm thông với cảnh vật. Cảnh vật thể hiện tâm tư con người và con người thể hiện lòng mình trong cảnh vật. Như vậy, cảnh vật không chỉ ở con mắt nhìn mà còn ở trái tim rung cảm của nhà thơ. Nhìn mùa thu, nhìn hoa trước sân, nghe tiếng chim trên trời vẳng xuống mà nổi dậy cả một niềm xót xa, lặng lẽ mà như nẫu ruột, chết lòng. Chiều sâu của tâm hồn người lắng vào chiều sâu của câu thơ là vậy.

   Trước cảnh thu, hồn thu, cảm hứng thơ trỗi dậy khiến nhà thơ "toan cất bút", nhưng nghĩ đi nghĩ lại, lại thấy "thẹn với ông Đào " nên đành thôi.

    "Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,

    Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào",

   Nhà thơ "thẹn" nỗi gì vậy? "Thẹn" vì tài thơ thua kém Đào Tiềm hay là mình chưa có được nhân cách cứng cỏi, khí phách như ông?

   Logic bài thơ là từ cảnh đến tình, từ tình đến người. Lời thơ trong câu kết có cái gì đó lửng lơ mà kín đáo. Câu thơ do đó càng làm tăng thêm chất suy tư, nhịp nhàng trong cả bài thơ.

Quảng cáo

   Tác giả miêu tả cảnh thu ở quê hương mình, từ màu trời, ngọn trúc, mặt nước, ánh trăng đến chùm hoa trước giậu, tiếng ngỗng trên không... để đi đến cảm xúc đầy suy tư chất chứa trong cảnh vật. Thông qua đó, nhà thơ gửi gắm tâm trạng xót xa trước cảnh đất nước đã rơi vào tay giặc, quá khứ tốt lành không còn nữa mà mình thì thương đau, bất lực.

   "Thu vịnh" là một bài thơ hay. Nó góp phần làm nên tình yêu quê hương đất nước trong thơ Nguyễn Khuyến, cụ thể là tình yêu thiên nhiên thôn dã mà chất chứa ân tình. Trình độ nghệ thuật của bài thơ đã đạt đến mức tinh vi, cổ điển, không dễ mấy ai sánh được.

Cảm nhận bài thơ Thu vịnh - mẫu 2

Nguyễn Khuyến có nhiều bài thơ viết về mùa thu bằng chữ Hán và chữ Nôm. Thu vịnh là một trong ba bài thơ Nôm nổi tiếng: Thu điếu, Thu ẩm và Thu vịnh. Chùm thơ này đã tôn vinh Nguyễn Khuyến lện vị trí hàng đầu trong các nhà thơ viết về mùa thu của quê hương, làng cảnh Việt Nam.

Bài thơ có tựa đề “Thu vịnh”, nhưng thật ra nội dung bài thơ chẳng phải là vịnh mùa thu. Mùa thu chẳng qua là nguồn thi hứng bất chợt để nhà thơ gửi gắm nỗi niềm day dứt sầu muộn của mình. Nhưng ngay khi tả cảnh, dường như nhà thơ cũng không chú ý đặc tả. Ta có thể thấy điều đó ngay từ hai câu đề:

Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao

Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu.

Xanh ngắt là xanh thăm thẳm, mấy tầng cao là rất cao, tưởng như có nhiều lớp, nhiều tầng. Trên cái nền là bầu trời bao la nổi bật lên hình ảnh thanh tú của cần trúc (cây trúc non dáng cong cong như chiếc cần câu) đang đong đưa khe khẽ trước gió thu. Hai câu đề chấm phá hai nét phong cảnh đơn sơ, thanh thoát nhưng hoà điệu nhịp nhàng với tâm hồn tác giả.

Hai câu luận:

Nước biếc trông như tầng khói phủ,

Song thưa để mặc bóng trăng vào.

Hai câu đề là khung cảnh ban ngày, trời cao trong, nhiều ánh nắng. Hai câu thực lại là khung cảnh ban đêm. Điều này càng xác minh rõ nhà thơ không có ý định tả thực một bức tranh thiên nhiên, trong một khoảng thời gian cụ thể, xác định. “Nước biếc” là một hình ảnh khá mòn, ước lệ. Màu xanh phải thẩm, đậm đặc trong và sâu mới thành “biếc”. Còn màu khói thường là màu trắng hoặc màu xám. Vậy sao nước biếc lại trông như tầng mây khói phủ được? Từ “trông như” ở đây rõ ràng không phải được dùng với chức năng so sánh. Nó diễn tả sự biến dạng, đổi thay. Nước biếc, vốn trong, nay không còn trong, không còn biếc nữa. Cảnh khói sương tầng tầng lớp lớp lấn át bao trùm tất cả, chẳng còn thấy màu nước biếc ở đâu nữa. Đêm về, ánh trăng thu vằng vặc qua cánh cửa sổ chiếu sáng, người nằm đó thao thức ngắm trăng, nghĩ ngợi. Đây là cảnh tượng quen thuộc ở bất kì làng quê nào. Hình ảnh “song thưa” và “ánh trăng” giúp cho ý thơ thanh thoát, sáng trong.

Các hình ảnh trên đều cùng gợi lên trạng thái lặng yên, ẩn giấu sự cảm thông, giao hoà giữa tâm hồn tác giả và hồn thu.

Tâm trạng chủ đạo ấy chi phối cách nhìn, cách nghĩ của Nguyễn Khuyến:

Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái,

Một tiếng trên không, ngỗng nước nào?

Ở trên, cảnh vật được miêu tả qua con mắt nhìn có vẻ khách quan, đến đây cảm xúc của trái tim đã khoác lên cảnh vật màu sắc chủ quan. Hoa nở trước mắt hẳn hoi mà cảm thấy là hoa năm ngoái. Điều gì đã xảy ra trong lòng người? Con người đang ở trong hiện tại mà như lùi về quá khử hay bóng dáng quá khứ hiện về trong thực tại?

Nếu như trong bốn câu thơ trên, cảnh vật hài hoà, giao cảm với nhau thì đến đây, con người hoà hợp với cảnh vật trong một nỗi niềm u uất. Cảnh vật thể hiện tâm tư con người và tâm tư con người thể hiện qua cách nhìn cảnh vật. Như vậy, cảnh vật được miêu tả qua đôi mắt và trái tim rung cảm của nhà thơ. Mùa thu tới, nhà thơ nhìn hoa trước sân, nghe tiếng chim kêu trên trời vẳng xuống mà trỗi dậy cả một niềm xót xa, lặng lẽ mà như nẫu ruột, chết lòng. Chiều sâu của tâm hồn thi sĩ lắng đọng vào chiều sâu của câu thơ là vậy.

Nhà thơ toan cất bút, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, bỗng nhiên thấy thẹn với ông Đào nên đành thôi:

Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,

Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.

Hai câu kết vừa bộc lộ trực tiếp nỗi lòng tác giả vừa giữ mối liên kết toàn bài. Thừa lúc “nhân hứng” (nhân dịp có hứng) để “toan cất bút” viết thơ nhưng “nghĩ ra” (suy nghĩ kĩ) lại chùn bước mà thôi viết. Lí do là “thẹn với ông Đào”. Ông Đào ở đây chính là Đào Tiềm, một thi sĩ tài năng, tấm lòng trong sáng, nhân cách cứng cỏi. Tác giả tự thấy bản thân chưa đủ khí phách như Đào Tiềm nên khiêm tốn không thể viết lên vần thơ yêu nước. Nguyễn Khuyến có tấm lòng yêu nước thương dân bao la nhưng không có sức mạnh để cải thiện chế độ đương thời nên đành gửi hồn mình cho thiên nhiên. Nhưng chính tấm lòng đó càng khiến cho nhà văn đẹp hơn trong mắt người đời.

Bài thơ “Thu vịnh” mang đến bức tranh thu vừa đẹp vừa đặc trưng thông qua ngôn ngữ giản dị, diễn đạt sáng tạo, hình ảnh giàu biểu cảm. Bài thơ đã thể hiện tình yêu thiên nhiên, đất nước của Nguyễn Khuyến.

Cảm nhận bài thơ Thu vịnh - mẫu 3

Những ai sống ở đất Bắc có chút ít tâm hồn thi sỉ hẳn không thể hờ hững trước mùa thu, cảnh thu dù không phải bao giờ mùa thu cũng đẹp… Nhưng cứ mỗi độ thu về là đất trời như đổi thay, không gian như chuyển động, trời như đổi thay, trời xanh trong hơn, gió heo may, nắng lá rơi đầy… lòng người bâng khuâng, xao xuyến, nhớ nhung hoài niệm… Với thi nhân, mùa thu xưa nay như người bạn tri âm để gửi gắm nỗi niềm để tâm tình chia sẻ… Từ Lí Bạch, Đỗ Phủ, Thôi Hiệu…; từ Nguyễn trãi, Nguyễn Du, từ Tản Đà đến Xuân Diệu… các nhà thơ lớn ấy, ít nhiều đều để lại cho đời những vần thơ thu trác tuyệt…

Với riêng Nguyễn Khuyến, có lẽ chỉ dẫn chùm thơ thu (sáng tác bằng chứ Nôm) : Thu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh, cũng đủ để ông trở thành thi sĩ. Và trong ba bài thơ ấy có lẽ “Thu vịnh” tiêu biểu hơn cả cho cốt cách thi nhân của ông.

Bài thơ có tựa đề “Thu vịnh”, nhưng thật ra nội dung bài thơ chẳng phải là vịnh mùa thu. Mùa thu chẳng qua là nguồn thi hứng bất chợt để nhà thơ gởi gắm nỗi niềm day dứt sầu muộn của mình. Giáo sư Lê Trí viết: “Thu vịnh có tả cảnh mùa thu chứ không phải vịnh mùa thu”. Quả vậy. Nhưng ngay khi tả cảnh, dường như nhà thơ cũng không chú ý đặc tả. Ta có thể thấy điều đó ngay từ hai câu đề:

Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao

Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu.

Có thể đây là một bức tranh tả thực về một ngày thu ở nông thôn quê, một ngày thu đẹp, nhiều ánh nắng. Phải nhiều ánh nắng thì trời mới “xanh ngắt”. “Xanh ngắt” vừa diễn tả màu sắc, vừa gợi hình khối – nó diễn tả độ cao và độ sâu thăm thẳm. Bầu trời càng cao, càng sâu hơn khi Nguyễn Khuyến, điểm thêm hai chữ “mấy từng” vào bức tranh thu. Nhưng một ngày hè đẹp trời cũng có thể tạo nên một khung cảnh như thế, chẳng cứ gì mùa thu. Còn hình ảnh “cần trúc lơ phơ gió hắt hiu” thì gợi cảm về sự mềm mại, thanh mảnh, khẽ khàng. Cây trúc vốn đã thanh, vào thu lại thưa lại uốn cong như một cần câu đúng là “cần trúc”, mong manh, một cảm giác buồn vắng, cô đơn. Có lẽ hồn thu chủ yếu ở từ này. Hình ảnh của câu phá gây ấn tượng về một không gian cao rộng, nhiều tầng, một vẻ đẹp có chiều sâu, tĩnh lặng, đượm buồn, cao khiết.

Hai câu thực:

Nước biếc trông như từng khói phủ

Song thưa để mặcc bóng trăng vào

Hình như không thật khớp với hai câu trên về mặt thời gian. Hai câu đề là khung cảnh ban ngày, trời cao trong, nhiều ánh nắng. Hai câu thực lại là khung cảnh ban đêm. Điều này càng xác minh rõ nhà thơ không có ý định tả thức một bức tranh thiên nhiên, trong một khoảng thời gian cụ thể, xác định. “Nước biếc” là một hình ảnh khá mòn, ước lệ. Màu xanh phải thẩm, đậm đặc trong và sâu mới thành “biêc”. Còn màu khói thường là màu trắng hoặc màu xám. Vậy sao nước biếc lại trông như tầng mây khói phủ được? Từ “trông như” ở đây rõ ràng không phải được dùng với chức năng so sánh. Nó diễn tả sự biến dạng, đổi thay. Nước biếc, vốn trong, nay không còn trong, không còn biếc nữa. Cảnh khói sương tầng tầng lớp lớp lấn át bao trùm tất cả, chẳng còn thấy màu nước biếc ở đâu nữa. Đây có thức là câu ngâm vịnh không khi ta xác định “Thu vịnh” không hẳn là một bức tranh tả thực trong một không gian cụ thể như trên kia đã nói. Và tâm trạng nào ẩn chứa đằng sau bức tranh với ý nghĩa biến dạng, thay đổi này? Câu tiếp sau sẽ giúp ta hiểu rõ hơn điều ấy:

Song thưa để mặc bóng trăng vào.

Về ý nghĩa câu thơ này, giáo sư Lê Trí Viễn giảng: “Song thưa gợi ý thanh nhẹ, cởi mở”. Bóng trăng vào là cái gì mát mẻ. Trong suốt, tràn ngập vào tậm bên trong cửa sổ. “Để mặc” tức không ngăn cản, mặc cức, tha hồ: cửa sổ song thưa mặc cho ánh trăng như tràn vào. Nói song thưa tức là nói không chặt, để hở nhưng tiếp theo bóng trăng vào thì song thưa để ngỏ thì bóng trăng hóa ra mênh mông hơn, thoải mái hơn. Song thưa và bóng trăng vừa ý nhau, cảm thông nhau hơn. Lại thêm “để mặc”, cho cửa sổ và ánh trăng tha hồ mà buông thả cho nhau, làm thanh làm mát cho nhau…Đó là một cách cảm thụ.

Tuy nhiên đặt trong hệ thống toàn bài, có thể cảm thụ theo một hướng khác. Phải chăng từ “để mặc” có thể hiểu là sưh thờ ơ, lãnh đạm. Nói đến song thưa, đến trăng, nhưng trung tâm cảm hứng không nằm ở đấy mà nằm ở chỗ khác. Ở đây điều chủ yếu không phải là song thưa để mặc ánh trăng với song thưa. Tác giả dường như không quan tâm lắm đến chuyện đó, bởi vì tâm hồn ông đang hướng ở chỗ khác, đang nghĩ đến chuyện khác. Nước biếc, khói sương, song thưa, ánh trăng… chẳng qua chỉ là khung cảnh để nhà thơ gởi gắm nỗi niềm. Hai câu luận tiếp theo đã khẳng định thêm điều ấy:

Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái.

Một tiếng trên không ngỗng nước nào.

Đây mới thật là trung tâm cảm hứng của tác giả. Linh hồn bài thơ “Thu vịnh” chủ yếu bộc lộ nơi đây.

Nhìn một nơi, nghĩ một nơi, tâm hồn Nguyễn khuyến không ổn định. Nhìn thấy chùm hoa trước giậu mà nghĩ đến hoa năm ngoái. Tất nhiên khái niệm “năm ngoái” cũng không hẳn là một thời gian xác định, nhưng rõ ràng là tác giả đang nghĩ tới quá khứ, quá khứ nào không rõ nhưng chắc chắn không phải hiện tại. Nghe tiếng ngỗng trên không mà lại nghĩ đến ngỗng nước. Trong tâm tư tác giả, thì cả hoa, cả ngỗng dường như không tồn tại. Vì sao vậy? Ở đây chưa hẳn là một thái độ hư vô nhưng rõ ràng ẩn chứa một thái độ phủ định hiện thực. Bởi thế nên khung cảnh miêu tả ở mấy câu trên cũng mang màu sắc hư ảo, mùa thu mà cũng không hẳn chỉ là mùa thu. Cái hư đã nằm trong cái thực, lấn át cả cái thực, có hoa, có ngỗng mà cũng như không. Tất cả dường như là ảo giác!. Cái không có khuynh hướng lấn át cái có.

Đặt bài thơ trong hoàn cảnh ra đời lúc bấy giờ ta càng cảm thông với tâm trạng tác giả. Sống trong cảnh nước mất, nhà tan mà bất lực không có cách gì cứu vãn thì còn cái gì có ý nghĩa nữa đây ngoài nỗi đau mất nước. Canh cánh bên lòng tâm sự nhớ nước, thương nhà Nguyễn Khuyến ngoảnh về quá khứ để mà nhớ nhung, để mà hoài niệm, luyến tiếc. Đằng sau câu thơ là cả một bầu tâm sự day dứt, khôn nguôi của một nhà thơ bất đắc chí trước hiện thực. Tâm trạng này chẳng phải chỉ là một lần xuất hiện trong thơ ông. Có những vần thơ ông đã viết ra bằng cả trái tim chảy máu, nhức nhối:

Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ

Ấy hồn thục Đế thác bao giờ?

Năm canh máu chảy đêm hè vắng

Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ.

Có phải tiếc xuân mà đứng gọi

Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ.

(Cuốc kêu cảm hứng).

Đặc thù của thơ là khả năng gợi cảm của nó. Với Nguyễn kHuyến càng như vậy. Đặc biệt ở “Thu vịnh” người đọc cảm thấy vẻ đẹp chủ yếu không chỉ ở màu sắc, âm thanh, khung cảnh… dù vẫn là âm thanh, màu sắc… thanh đạm. Trong trẻo đậm đà màu sắc thôn dã mà còn ở nỗi niềm thương nhớ xót xa gởi gắm ở bên trong.

Nhân hứng cũng vừa toan cất bút.

Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.

Hai câu kết vừa bộc lộ trực tiếp nỗi lòng tác giả vừa giữ mối liên kết toàn bài. Giữa cảnh thu với : “Trời thu xanh ngắt” với “cần trúc lơ phơ” với “hoa năm ngoái” với “ngỗng nước nào” và nỗi thẹn kia có mối quan hệ với nhau như thế nào? Nghệ thuật Đường thi là nghệ thuật biểu hiện mối quan hệ ấy. Sao nói vịnh mùa thu mà “nghĩ ra lại thẹn” với Đào Tiềm? Thẹn vì thơ thua kém tài, hay thẹn vì nhân cách thua kém? Cảm thụ câu thơ cuối cùng này như thế nào tùy thuộc vào cách hiểu các câu thơ trên. Trong mối kiên kết cảm xúc của bốn phần trong bài thất ngôn bát cú thì nỗi thẹn ở đây có lẽ là nỗi thện về nhân cách, bởi vì, dù “Thu vịnh” làm trước hay sau khi về ở ẩn, thì Nguyễn Khuyến đều tự cảm thấy xấu hổ thua kém Đào Tiềm ở thái độ thiếu dứt khoát, thiếu khảng khái cứng cỏi, do dự, bất lực. “Tam nguyên Yên Đổ” mà làm gì trong cảnh nước mất nhà tan! Khi không còn tư cách và tài năng của một nhà nho không được đem ra để cứu nước giúp đời, thì cũng còn đâu tư cách của thi nhân để mà thưởng thức ngâm vịnh? Nỗi cắn rứt lương tâm ấy canh cánh bên lòng khiến cho nhà thơ như muốn phủ định tất cả. Điều đó như lấn át cả thi hứng về mùa thu, nên “vừa toan cất bút” thì đã phân vân, ngập ngừng, do dự… Bởi vì, “nghĩ ra lại thẹn” … “lại thẹn”, nỗi thẹn ấy theo mãi nhà thơ cho đến phút chót của cuộc đời.

Ơn vua chưa chút báo đền

Cúi trông hổ đất ngửa lên thẹn trời

(Di trúc).

Như thế, Nguyễn Khuyến đâu chỉ thẹn với riêng ông Đào Tiềm. Ông thẹn cả với trời đất, với cả đất nước, non sông và thẹn cả nhân cách nhà thơ của chính mình, cả con người thi sĩ của mình nữa.

Thế nên, thơ vịnh mùa thu lại là thơ để bày tỏ nỗi buồn đau thế sự, để tự chế giễu cái bất lực kém cõi, bạc nhược đáng hổ thẹn của mình. Nhưng đây là vì nhà thơ quá giàu tự trọng, giàu lương tri nên mới cả nghĩ như thế. Còn chúng ta, và bao nhiêu thế hệ đọc và hiểu thơ ông thì cảm thông và kiinhs trọng xiết bao trước nỗi buồn đau và hổ thẹn của một nhân cách cao quý. Và đó là một trong những lý do căn bản khiến cho “Thu vịnh” sống mãi với thời gian.

Săn shopee siêu SALE :

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, GÓI THI ONLINE DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 12

Bộ giáo án, đề thi, bài giảng powerpoint, khóa học dành cho các thầy cô và học sinh lớp 12, đẩy đủ các bộ sách cánh diều, kết nối tri thức, chân trời sáng tạo tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official




Các loạt bài lớp 12 khác
Tài liệu giáo viên