5+ Phân tích Muốn làm thằng Cuội (điểm cao)



Đề bài: Phân tích bài thơ "Muốn làm thằng Cuội" của Tản Đà.

5+ Phân tích Muốn làm thằng Cuội (điểm cao)

Dàn ý Phân tích bài thơ Muốn làm thằng Cuội

Quảng cáo

1. Mở bài

- Khái quát về tác giả Tản Đà: Một tác giả như một dấu gạch nối giao thời giữa thơ cũ và thơ Mới

- Giới thiệu chung về bài thơ Muốn làm thằng Cuội: bài thơ là tâm sự của tác giả về thực tại

2. Thân bài

a. Hai câu đầu

- “Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!”: lời cảm thán gợi không gian: Đêm thu, trăng sáng

- Nhà thơ bộc lộ trực tiếp suy tư của bản thân về trần thế: “buồn lắm”, “Trần thế em nay chán nửa rồi”: Lí do là vì cõi trần lắm bon chen, bất công, đất nước mất độc lập, tự do, thân phận nô lệ.

- “Chán nửa”: trong sâu thẳm vẫn tha thiết yêu cuộc sống

- Xưng hô: chị- em (nhún nhường mà bất trị- ngông)

⇒ Biểu cảm trực tiếp, giọng thơ như lời than thở nhấn mạnh tâm trạng buồn sầu da diết, không nguôi, niềm bất hoà sâu sắc với xã hội

b. Bốn câu giữa

- Bày tỏ mong muốn thoát li lên cung Quế (cung trăng) - nơi đẹp đẽ, thanh cao trong sáng - ở cạnh chị Hằng - người đẹp.

⇒ Ước muốn rất ngông

- Niềm mong muốn được vui trong cảnh bầu bạn, thả hồn cùng mây gió

⇒ Đó chỉ là niềm vui gượng, vui nhạt vì nó chỉ có trong mộng tưởng.

c. Hai câu kết

- Cảnh: thi sĩ mãi mãi ở trên cung trăng cùng chị Hằng, đêm rằm trung thu tháng 8 thi sĩ kề vai chị Hằng trông xuống thế gian cười

⇒ Hình ảnh bất ngờ, thi vị thể hiện cao độ hồn thơ ngông của Tản Đà.

- Thi sĩ thoả mãn vì đã đạt được khát vọng, thoát li mãnh liệt, xa lánh hẳn được cõi trần bụi bặm

- “Tựa nhau trông xuống thế gian cười”: sự mỉa mai khinh bỉ cõi trần gian

⇒ Khao khát sự đổi thay XH theo hướng tốt đẹp, thoả mãn nhu cầu sống cá nhân.

3. Kết bài

- Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm: Với Lời lẽ giản dị, trong sáng, giọng điệu nhẹ nhàng hóm hỉnh, sức tưởng tượng phong phú, bài thơ là lời tâm sự của một con người bất hòa sâu sắc với thực tại tầm thường mà xấu xa

- Liên hệ trình bày suy nghĩ bản thân

Quảng cáo

Phân tích bài thơ Muốn làm thằng Cuội của Tản Đà - mẫu 1

Tản Đà là một nhà thơ có phong cách nghệ thuật đặc biệt trong làng thi sĩ Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX. Bài "Muốn làm thằng Cuội" là bài thơ kiệt tác, tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Tản Đà thi sĩ:

"Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!
Trần thế em nay chán nửa rồi.
Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi
Có bầu có bạn can chi tủi
Cùng gió, cùng mây thế mới vui
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám
Tựa nhau trông xuống thế gian cười"

Mở đầu bài thơ là một tiếng kêu "buồn lắm chị Hằng ơi!". Một tiếng kêu đầy ắp tâm sự. Ba tiếng "Chị Hằng ơi!" rất biểu cảm, ý vị làm giọng thơ thiết tha thân mật. Câu thơ man mác sự buồn và chán. Tản Đà đã từng viết "Đời đáng chán hay không đáng chán?" Nay thì đã "chán nửa rồi".

Bài thơ in trong tập "Khối tình con" xuất bản năm 1961, qua đó ta thấy rõ nguyên cớ sâu xa, buồn và chán vì trần thế, vì cuộc đời xấu xa, vì chế độ thực dân nửa phong kiến ngột ngạt, thối nát, tù hãm. Vì công danh dở dang: "Tài cao, phận thấp, chí khí uất". Buồn vì non nước đang bị ngoại bang thống trị "lệ ai giàn giụa với giang sơn". Đó là nỗi buồn của một hệ thống trong vòng nô lệ lầm than. Là một thi sĩ đa cảm, đa tình, nỗi buồn đã kết thành mối sầu: "Nửa ngòi bút ngỗng ba sinh lụy"

Một mối tơ tằm mấy đoạn vương"
(Đề khối tình con thứ nhất)

Một chữ "xin" rất chân thành tha thiết, như nài nỉ:

"Cung quế đã ai ngồi đó chửa?

Cành hoa xin chị nhắc lên chơi"

Hai câu thực đã làm rõ đề bài "Muốn làm thằng Cuội" ở nơi cung trăng, cung quế. Câu hỏi tu từ gợi nhiều man mác bâng khuâng. "Cành đa" đã trở thành cái thang bắc lên chín tầng mây xanh để "chị nhắc lên chơi" cung quế. Đó là giấc mộng thoát li. Mộng vì chán đời, ngán đời. Mộng có tính phủ định:

"Nghĩ đời lắm lúc không bằng mộng
Tiếc mộng bao nhiêu lại ngán đời"

(Nhớ mộng) Có lên được cung quế mới đỡ "tủi", mới thỏa thích, "thế mới vui". Có chị Hằng bầu bạn; có gió, có mây cùng chơi với. Điệp ngữ (có, cùng) và phép đối được sáng tạo, có cả tiểu đội bình và đôi. Cách ngắt nhịp 2/2/3 tạo nên giọng thơ nhún nhảy lâng lâng. Thấm đẫm vần thơ là chất phong tình lãng mạn. Đọc lên nghe rất thú vị:

"Có bầu có bạn can chi tủi
Cùng gió, cùng mây thế mới vui"

Đúng như nhà phê bình văn học Lê Thanh trong cuốn "Tản Đà thi sĩ" (1939) đã nhận xét "Thơ của ông (Tản Đà) là chất thơ trong như lọc với cảnh tượng không rõ rệt, những hình ảnh mờ mờ, ông vẽ những bức tranh tuyệt bút; với những tư tưởng lâng lâng, với những cảm giác mơ mộng, ông làm nên những câu thơ tuyệt mĩ...".

Cái ngông, cái phong tình của thi sĩ đã dâng lên cực điểm. Đêm Rằm tháng Tám, là đêm trung thu đẹp nhất, chẳng còn buồn vị cô đơn nữa, thi sĩ được cùng chị Hằng "Tựa nhau trông xuống thế gian cười". Cáicử chỉ "tựa nhau" và nụ cười ấy cũng là một giấc mộng đẹp. Thoáng một chút mỉa mai (cho trần thế) nhưng đầy thú vị được thoát li, được thỏa thích nơi cung quế:

"Rồi cứ mỗi năm Rằm tháng Tám
Tựa nhau trông xuống thế gian cười"

Cái kết thoát li. Một cách nói phong tình, tài hoa. Có đọc bài thơ Hầu Trời mới thấy được, cảm được cái hay, thú vị của bài "Muốn làm thằng Cuội".Nửa đêm, Tản Đà tỉnh dậy đun nước pha trà, rồi ngâm thơ... Trời nghe giọng ngâm bèn sai hai tiên nữ xuống cõi trần rước thi sĩ bay lên. Thi sĩ đọc thơ cho Trời và bầy tiên nghe. Tất cả đều tấm tắc khen:

Quảng cáo

"Văn đã giàu thay, lại lắm lối
Trời nghe Trời cũng bật buồn cười!
Chư Tiên ao ước tranh nhau dặn:
Anh gánh lên đây bạn chợ Trời!"

(Hầu Trời)

Bài "Muốn làm thằng Cuội" là một bài thơ có thi đề độc đáo, thú vị. Giọng thơ nhẹ nhàng, thanh thoát, chơi vơi. Trí tưởng tượng phong phú, kì diệu. Chất mộng ảo, sắc màu lãng mạn thấm đẫm bài thơ.

Tuy có nói đến buồn, nói đến chán, có nói đến thoát li, có thấm vị phong tình... nhưng toàn bài thơ thoát lên một tinh thần phủ định thực tại xã hội thực dân nửa phong kiến xấu xa, khao khát được sống trong sạch hơn, thanh cao hơn, để mãi mãi giữ trọn thiên lương cao đẹp. Giá trị đích thực của bài thơ "Muốn làm thằng Cuội" là ở chỗ ấy.

Phân tích bài thơ Muốn làm thằng Cuội của Tản Đà - mẫu 2

Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu là nhà thơ lớn nhất của dân tộc ta trong những năm đầu thế kỉ XX. Thơ Tản Đà là tiếng lòng của một cái tôi bất hòa sâu sắc với thực tại tầm thường, tù túng, muốn tìm cách thoát ly bằng mộng tưởng. Với một hồn thơ vừa phóng túng, vừa sầu mộng và rất ngông, Tản Đà đã thổi một luồng gió lãng mạn vào trong thi ca, dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kì đang sắp sửa (Hoài Thanh).

Bài thơ "Muốn làm thằng Cuội" nằm trong cuốn Khối tình con I, xuất bản năm 1917. Bài thơ là lời nhà thơ nói với chị Hằng trong một đêm thu và xin chị cho lên cung trăng cùng chị để tránh xa cái trần thế đáng chán này.Bài thơ vẫn được viết theo thể thơ truyền thống của thi ca lúc bấy giờ: thể Đường luật bát cú.

Đọc kĩ bài thơ, ta thấy nhà thơ vẫn tuân thủ nghiêm chỉnh những quy tắc chặt chẽ của thể thơ cổ điển nhưng không gò bó, khô cứng, mà tự nhiên, thoải mái, lời thơ mặn mà, tình tứ và rất có duyên.Bài thơ mở đầu bằng một lời than thở, một tâm trạng, một nỗi lòng:

Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!

Trần thế em nay chán nửa rồi

Trong câu thơ của Tản Đà, ta đọc được một nỗi sầu da diết khôn nguôi. Vì sao Tản Đà, một thanh niên đang phơi phới tuổi xuân, tài danh cũng đã nổi, lại trở nên sầu muộn như thế? Trong bài Giải sầu (1918), Tản Đà cũng đã từng viết: Từ độ sầu đến nay, ngày cũng có lúc sầu, đêm cũng có lúc sầu.

Mưa dầm lá rụng mà sầu, trăng trong gió mát mà càng sầu; một mình tĩnh mịch mà sầu, đông người cười nói mà càng sầu; nằm vắt tay lên trán mà sầu, đem thơ văn ngâm vịnh mà càng sầu… sầu không có mối, chém sao cho đứt sầu không có khối, đập sao cho tan… Phải chăng cái sầu trong thơ Tản Đà là cái sầu vẩn vơ, vô cớ? Không! Đó là nỗi buồn thời thế, buồn nhân sinh! Nỗi buồn ấy chỉ có thể có được ở những linh hồn cao khiết còn giữ được của một thời cái cốt cách vững vàng, cái phong thái thung dung (Hoài Thanh) như Tản Đà.

Cùng với nỗi buồn, Tản Đà chán ngán cuộc đời: Trần thế em nay chán nửa rồi. Thái độ chán đời của Tản Đà là thái độ bất hòa sâu sắc với cuộc đời, với cái xã hội phong kiến thực dân ngột ngạt tầm thường. Thái độ ấy bộc lộ một cá tính mạnh mẽ của một tâm hồn thanh cao không chịu uốn mình theo một khuôn phép của xã hội, không cam chịu một thân phận nô lệ thấp hèn.

Tâm trạng của Tản Đà, suy cho cùng, là nỗi đau đớn rất đáng quý, là nỗi buồn đẹp để người đời phải ngẫm suy. Bất hòa sâu sắc với thực tại, Tản Đà tìm cách thoát li thực tại. Khát vọng thoát li thực tại không chỉ có ở Tản Đà, mà nó là khát vọng của cả một lớp thanh niên trí thức đang sống trong không khí tù túng, u uất. Không ít nghệ sĩ đã tìm cách thoát li trong rượu, trong thơ, trong cuộc sống giang hồ tài tử, trong cõi bồng lai tiên cảnh mơ hồ của mộng tưởng. Với Tản Đà, cá tính ngông khiến thi nhân tìm cho mình một cách thoát li cũng rất đặc biệt, rất ngông:

Cung quế đã ai ngồi đó chửa?

Cành đa xin chị nhắc lên chơi.

Thật là một địa chỉ thoát li lí tưởng, vừa xa lánh hẳn cái trần thế đáng chán kia, vừa được sống trong một thế giới bồng lai tiên cảnh thành khiết, bên một thiếu nữ đẹp và bao dung như chị Hằng. Còn gì hơn thế!Điều đáng chú ý ở đây là việc bày tỏ khát vọng thoát li. Đầu tiên là một lời ướm hỏi: Cung quế đã ai ngồi đó chửa? Tiếp đến là một gợi ý: Cành đa xin chị nhắc lên chơi.

Giọng điệu thơ thật tự nhiên, vừa dí dỏm, vừa tha thiết, mặn mà, làm sao nỡ từ chối? Chẳng biết chị Hằng đã đồng ý chưa mà nhà thơ lại thích thú đến thế khi tưởng tượng ra cảnh sống bên cạnh tiên nga:

Có bầu, có bạn, can chi tủi,

Cùng gió, cùng mây, thế mới vui!

Vì sao Tản Đà cảm thấy sung sướng và hạnh phúc đến thế? Bởi lẽ ông đã tìm được tri kỉ: có bầu, có bạn, được hòa đồng với cuộc sống: cùng gió, cùng mây, không còn phải cô đơn, buồn tủi nữa.Thế có nghĩa là trước đây, ở trần thế, ông luôn cảm thấy mình lẻ loi, cô đơn, buồn tủi: Đông người cười nói mà càng sầu? Sống giữa chốn phồn hoa đô thị nhộn nhịp, hỏi đã mấy ai hiểu được nỗi lòng thi nhân?

Chung quanh những đá cùng cây

Biết người tri kỉ đâu đây mà tìm!

Nhớ lại từ thế kỉ trước, Bà huyện Thanh Quan cũng đã từng phải cô đơn, buồn tủi giữa đám tuỳ tùng, giữa những người xung quanh bà:Một mảnh tình riêng, ta với ta! Nếu như nữ sĩ xưa chỉ biết ôm mối sầu tủi, buồn thương trong lòng, thì Tản Đà không cam chịu, ông tìm đến với chị Hằng, cùng chị làm bầu bạn tâm tình để cho tâm hồn mình thư thái lại, để cho lòng mình rộng mở mà đón nhận thiên nhiên, đón nhận vẻ đẹp thanh tao của cuộc sống không vấy bẩn bụi trần.

Mối u uất trong tâm hồn thi nhân dường như đã được giải toả.Giấc mộng lên cung trăng của thi nhân thật lãng mạn, đầy chất đa tình và ngông. Giấc mộng thoát ly này hẳn phải khiến nhiều người ngỡ ngàng? Trong thơ văn xưa, đã có không ít người mơ lên cung trăng, thả hồn vào cõi tiên, nhưng liệu đã có ai như Tản Đà, đem theo nguyên vẹn cái: thói phong tình bất kính như thế? Mạch cảm xúc lãng mạn và ngông được đẩy lên cao độ bằng một hình ảnh tưởng tượng đầy bất ngờ và ý vị:

Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám

Tựa nhau trông xuống thế gian, cười.

Trong con mắt của Tản Đà, cõi trần bụi bặm kia giờ đây chỉ còn bé tí. Và nhà thơ bật cười thích thú với cái ý nghĩ đó. Một cái cười vừa thỏa mãn, vừa mỉa mai, bao dung. Thỏa mãn vì đã thực hiện được mộng tưởng thoát li, đã xa lánh được hẳn cái xã hội tầm thường, tù túng. Mỉa mai, bao dung vì cõi trần giờ đây chỉ còn bé tí, đâu có thể giam hãm được một tâm hồn đang bay bổng lên trên nó. Hai câu kết là đỉnh cao của một tâm hồn lãng mạn và ngông của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu tiên sinh.

Bài thơ khép lại trong niềm sung sướng đến mãn nguyện của thi nhân vì đã thực hiện được giấc mộng thoát li. Thế mà mấy mươi thập kỉ sau người đời vẫn còn phải bàn luận về nó.

Phân tích bài thơ Muốn làm thằng Cuội của Tản Đà - mẫu 3

Trên văn đàn Việt Nam ba mươi năm đầu thế kỉ XX, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu nổi lên như một hiện tượng đặc biệt, làm kinh ngạc và xôn xao dư luận. Là người của hai thể kỉ (theo cách nói của Hoài Thanh), ở tiên sinh vừa có lớp dấu ấn của nhà nho thế hệ cuối, vừa thoát thai một con người tự do dân chủ thời hiện đại. Cái tư chất phóng túng và gia đình của nhà nho tài tử là mảnh đất thích hợp cho “cái tôi” cá nhân lãng mạn tự do nảy nở.

“Cái tôi” đó ở Tản Đà, vừa bị trói buộc bởi chính những tư tưởng phong kiến của nhà thơ, vừa cảm thấy bế tắc trước thực trạng xã hội, luôn vùng vẫy tự giải thoát. Và trong thơ văn, nó đã bùng lên thành cảm hứng mãnh liệt muốn thoát li thực tại.Muốn làm thằng Cuội là bài thơ nằm trong mạch cảm hứng thoát li đó của Tản Đà, cùng với những bài Trời nắng, Tống biệt, Hầu trời (thơ)… và những Giấc mộng lớn, Giấc mộng con (mà Xuân Diệu gọi là “du kí”)… Xuất hiện trong tập Khối tình con năm 1916, có thề nói "Muốn làm thằng Cuội" là bài mở đầu cho lối thơ phóng túng, đầy ý tưởng lãng mạn cua Tản Đà.

Chúng ta thử hình dung lại không khí văn đàn những năm 20 đầu thế kỉ này, khi những áng văn xuôi quốc ngữ còn chập chững, chưa xa lắm đối với văn biền ngẫu, khi những giọng thơ nghiêng trang, mực thức kiểu thơ Đường còn phổ biến và trên báo chí đầy rẫy các truyện cổ diễn Nôm, thì một giọng thơ phóng túng như Tản Đà không thể không khiến cho người đọc ngỡ ngàng:

Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!

Trần thế em nay chán nửa rồi…

Vẫn là lối thơ cũ: Thất ngôn bát cú Đường luật, thi liệu cổ: tràng, nhưng cách sử dụng câu chữ tài tình của thi nhân đã làm hồn thơ biến đổi, mới mẻ hẳn. Đối diện với mặt trăng – nguồn cảm hứng của muôn đời thi sĩ, có lẽ chỉ duy nhất Tản Đà là Muốn làm thằng Cuội! Cái ý tưởng vô cùng lãng mạn – bay lên cung trăng lại được diễn tả thành một ước muốn có phần ngộ nghĩnh: Muốn làm thằng Cuội.

Cái khác đời, cái ngông của Tản Đà là ở đó. Phải chăng thi nhân quá ngán sự đời, muốn mượn danh thằng Cuội để tha hồ nói láo cho vui? Nhưng trong bài thơ, ý định bông lơn cứ hòa lẫn với tâm trạng chán chường thực tại, làm cho giọng thơ có một vẻ rất đặc biệt: buồn da diết mà cứ tưng tửng như không! Hóa thân vào chủ thể trữ tình của bài thơ, thi nhân giãi bày nguyện vọng của mình:

Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!

Trần thế em nay chán nửa rồi

Cung quế đã ai ngồi đó chửa?

Cành đa xin chị nhắc lên chơi.

Tự cô chí kim, có lẽ Tản Đà mới có giọng suồng sã, thân mật “chị chị em em" với Hằng Nga như vậy. Nhà thơ cố tình hiểu chệch ý nghĩa giống cái trong từ Chị Hằng mà dân gian thường gọi thành ý nghĩa ngôi thứ trong cách xưng hô, biến nàng trăng xa vời thành bà chị thân thiết của mình và lấy đó làm đối tượng để… tâm sự.

Những lời nói cửa miệng: buồn lắm chị ơi! Em chán nửa rồi. Ai ngồi đó chửa? Chị nhắc lên chơi… đưa vào thơ một cách nhuần nhuyễn khiến những câu thơ Đường luật mất hẳn vẻ trang trọng, trở thành lời bộc lộ tâm tình hồn nhiên, dân dã. Thi nhân đã làm sống dậy những truyền thuyết thơ mộng trong dân gian về Hằng Nga – cung Quảng, chú cuội – cây đa… nhưng lại muốn xóa nhòa khoảng cách cõi tiên và cõi tục:

Cung quế đã ai ngồi đó chửa?

Cành đa xin chị nhắc lên chơi.

Chỉ một từ nhắc rất dân dã mà người thơ như trở thành bé bỏng, thành một chú Cuội không chỉ ngồi gốc cây đa mà còn muốn vắt vẻo cành đa để cận kề người đẹp cõi tiên. Đối với chàng thi sĩ đa tình, mộng và thực đã hòa làm một. Chàng có thể nỉ non với chị Hằng, than vãn về nỗi buồn trần thế, rủ rê người đẹp bầu bạn với mình để vui thú cùng mây gió.

Có bầu có bạn can chi tủi,

Cùng gió, cùng mây thế mới vui.

Hóa ra câu tuyên ngôn rất “vị nghệ thuật” của Xuân Diệu thời thơ mới: Là thi sĩ nghĩa là ru với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây đã được Tán Đà thi sĩ thực hành từ 20 năm trước! Nhà thơ nói với chị Hằng, nói cùng ai đó, mà cũng dường như tự nói với mình: chán trần thế thì lên tiên, lên tiên làm bạn với tiên, vui như thế can chi tủi! Và như thế tăng sức thuyết phục, bài thơ chốt lại bằng một viễn cảnh vô cùng thú vị:

Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám,

Tựa nhau trông xuống thế gian cười.

Thi nhân đang sống trong một ảo, sống hết mình nên cảnh mộng mà người vẽ ra cứ hồn hậu như đời thực. Ở đây, ta cảm giác có sự đảo lộn tình thế. Hình như không phải nhà thơ là người được chị Hằng thương xót cho lên thượng giới nữa, mà chính Hằng Nga đã bị chàng thi sĩ rất ngông này kéo tuột từ trên cung Quảng xuống với những thú vui trần thế: có bầu có bạn, tựa nhau… cười.

Và người đọc cũng không thể không mỉm cười khi hình dung cảnh tượng: Cứ mỗi đêm rằm tháng tám, chờ lúc tất cả bàn dân thiên hạ ngẩng đầu ngắm trăng mà ao ước, chàng thi sĩ Tản Đà lại má sát má, vai kề vai với nàng trăng nheo mắt cả cười nhìn xuống cõi nhân gian bé tí.

Sau này, cảm hứng về chị Hằng, chú Cuội còn đẩy trí tưởng tượng của Tản Đà đi xa hơn nữa. Trong tập du kí Giấc mộng con, Tản Đà kể chuyện lên thượng giới gặp Đông Phương Sóc, được ông này cho biết về thân thế của mình như sau: Nguyên xưa ông ở trên này là một vị Khuê tinh, Thượng đế có lòng yêu lắm. Một khi ông dám làm thơ liệng sang cung Quảng Hàn, bị thằng Cuội bắt được đem trình Thượng đế. Ngài giận mới đày ông xuống hạ giới. Ông đã bị xuống hạ giới mà lại còn làm thơ, làm bài hát nói láo, như vẫn còn bờm xơm với Hằng Nga, làm cho Thượng đế càng giận, tăng thêm cái hạn đày ông hai mươi năm nữa…

Nói về Giấc mộng con để thấy rằng Muốn làm thằng Cuội chỉ là một bài thơ nhỏ mở đầu cho hàng loạt tác phẩm theo mạch cảm hứng thoát li thực tại của Tản Đà. Trong hoàn cảnh phức tạp của xã hội lúc bấy giờ, ý tưởng thoát lên tiên, trốn vào thơ hay vào mộng chưa phải sự bế tắc của xã hội.

"Muốn làm thằng Cuội" là một phản ứng đáng được ghi nhận của Tản Đà. Hơn nữa, bài thơ hé mở cho ta thấy tâm hồn đa cảm, lãng mạn và ngòi bút phóng túng của nhà thơ. Cái tài của thi nhân ở chỗ dùng ngay những câu dung dị như lời nói cửa của thi nhân ở chỗ dùng ngay vào những ý tưởng độc đáo, biến chúng thành những câu đầy chất thơ.

Có thể nói, tư tưởng mãnh liệt tự nó đã phá vỡ cái vỏ khuôn mẫu, trói buộc để tìm lấy cách thể hiện thích hợp. Muốn làm thằng Cuội nảy sinh từ trong quy luật đó. Ngay ở trong bài thơ nhỏ này của Tản Đà, ta có thể thấy mầm mống của sự đổi mới dòng “thơ cũ”, báo hiệu cho thời kì Thơ mới về sau mà Tản Đà được coi là người mở đường không ai thay thế nổi

Xem thêm các bài Văn mẫu thuyết minh, phân tích, dàn ý tác phẩm lớp 8 khác:

Mục lục Văn mẫu | Văn hay lớp 8 theo từng phần:

Săn shopee siêu SALE :

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, GÓI THI ONLINE DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 8

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi dành cho giáo viên và gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài Tuyển tập những bài văn hay | văn mẫu lớp 8 của chúng tôi được biên soạn một phần dựa trên cuốn sách: Văn mẫu lớp 8Những bài văn hay lớp 8 đạt điểm cao.

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


muon-lam-thang-cuoi.jsp


Giải bài tập lớp 8 sách mới các môn học
Tài liệu giáo viên