Phân tích vẻ đẹp cổ điển và hiện đại trong bài thơ Tràng giang của Huy Cận (hay, ngắn gọn)



Đề bài: Phân tích vẻ đẹp cổ điển và hiện đại trong bài thơ “Tràng giang” của Huy Cận.

Bài giảng: Tràng Giang - Cô Thúy Nhàn (Giáo viên VietJack)

Quảng cáo

Nét đẹp cổ điển và hiện đại thường được các thi nhân kết hợp hài hòa, tạo nên chất thơ thú vị đem đến cho nền văn học dân tộc những trang thơ vừa cổ kính, trang nhã vừa sáng tạo mới mẻ. Một trong những bài thơ tiêu biểu là “Tràng giang” của Huy Cận tả cảnh thiên nhiên buồn mà đẹp, đồng thời cũng là tiếng lòng của một tâm hồn yêu tha thiết cuộc đời và tình cảm sâu nặng với quê hương.

Huy Cận là một trong những nhà thơ xuất sắc của phong trào thơ mới, mang trái tim yêu thương, có tâm hồn thi sĩ nên khi đứng bên bến Chèm sông Hồng nhìn cảnh sông nước mênh mông, cùng với nỗi buồn sâu thẳm và nỗi nhớ quê hương mà sáng tác nên bài thơ để lại cho người đọc nhiều dư vị cảm xúc bởi nét cổ điển và hiện đại được kết hợp tài tình.

Quảng cáo

Vậy thế nào là vẻ đẹp cổ điển? Thế nào là vẻ đẹp hiện đại? Nói đến cổ điển là nhắc đến xa xưa có từ lâu đời đến nay vẫn được gìn giữ và phát huy, nó được thể hiện trong thi liệu, tứ thơ, thể thơ hay là các bút pháp Đường thi ảnh hưởng, mang nét cổ kính, trang nhã. Còn hiện đại là sự cách tân nghệ thuật, nội dung thể hiện cái tôi cá nhân riêng biệt, phát huy tính sáng tạo đến cực độ trái ngược với cổ điển là sự phá vỡ tính quy phạm, chuẩn mực trong thơ ca. Trong bài thơ “Tràng giang” nét đẹp cổ điển và hiện đại được kết hợp với nhau trong từng câu thơ, khổ thơ xuyên suốt toàn bài.

Ngay từ tên nhan đề đã gợi nét cổ điển và hiện đại. Cổ điển bởi tràng giang là một từ Hán Việt, không phải là tên một con sông cụ thể mà chỉ có tính chất gợi. Chữ tràng là cách đọc chệch đi của chữ “trường” tức là dài gợi cho ta nhớ đến con sông Trường Giang của Trung Quốc, sự lặp lại âm “ang” hai lần gợi ra cho ta một không gian mênh mông, dài rộng.

Cổ điển và hiện đại trong tứ thơ. Nếu các nhà thơ trung đại thường ẩn mình sau vẻ đẹp thiên nhiên để thể hiện sự khao khát giao hòa, giao cảm với cuộc đời, Huy Cận cũng ẩn mình sau đó nhưng bộc lộ tâm trạng của cái tôi cá nhân mang nỗi buồn, nỗi sầu nhân thế của một kiếp người cô đơn nhỏ bé khác con người trung đại với tư thế lớn lao, hùng tráng.

Trước khi vào bài có một câu đề từ phía sau nhan đề “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài” thể hiện cảm hứng xuyên suốt, cảm xúc chủ đạo của bài thơ là nỗi buồn, nỗi nhớ bâng khuâng, da diết giữa cảnh sông nước, mây trời bao la. Đó là nét cổ điển thể hiện ở cảm hứng con người khi cô độc một mình đối mặt với vũ trụ rộng lớn để nhận thức về cái hữu hạn của kiếp người và cái vô vạn của không gian, thời gian.

Quảng cáo

Khổ thơ thứ nhất vẻ đẹp cổ điển được thể hiện rõ nét tập trung ở bút pháp lấy động tả tĩnh trong hai câu thơ đầu: “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp/ Thuyền xuôi mái nước song song”. Sự chuyển động ở đây rất nhẹ nhàng, khẽ khàng của “Sóng gợn” gợi lên sự yên tĩnh, vắng lặng trên mặt nước trải rộng mênh mông.Chỉ một nét chấm phá mở ra không gian rộng lớn và yên tĩnh vô cùng. Ta đã từng bắt gặp hình ảnh ấy trong câu thơ của Nguyễn Khuyến “Sóng biếc theo làn hơi gợn tí”. Từ láy “điệp điệp” ở cuối câu mang chất hiện đại. Nếu xưa nay các nhà văn, nhà thơ thường dùng từ “trùng điệp” hay “trùng trùng điệp điệp” để chỉ các vật nhiều và cụ thể thì Huy Cận không nói sóng điệp trùng mà sử dụng “buồn điệp điệp” để hình ảnh hóa nỗi buồn thật độc đáo. Con thuyền cũng là thi liệu xuất hiện nhiều lần trong thi ca cổ là “Cô phàm”, “Cô chu” nhưng hình ảnh con thuyền ở đây trôi theo dòng nước, từ “xuôi” cho thấy sự chán nản, buông bỏ, phó mặc, thuyền cứ để mặc cho nước đưa đi cũng như tâm trạng nhà thơ. Hai câu đầu nhường nét hiện đại cho hai câu cuối: “Thuyền về nước lại sầu trăm ngả/ Củi một cành khô lạc mấy dòng”. Nghệ thuật tiểu đối được sử dụng “thuyền về nước lại”, thuyền-nước vốn là hai sự vật đi liền với nhau nhưng ta lại cảm nhận thấy giữa chúng có sự xa xôi, cách trở. Đặc biệt nghệ thuật nhân hóa được nhà thơ sử dụng thành công cho dòng nước cũng có cảm xúc, đó là “sầu trăm ngả” tan ra lênh láng trên mặt sông chảy về mọi hướng vô tận. Câu thơ cuối là một sự sáng tạo đặc biệt khi nghệ thuật đảo ngữ được sử dụng. Đúng ra phải là một cành củi khô nhưng Huy Cận biến thành “Củi một cành khô”. “Một” để chỉ số ít, “cành khô” để chỉ tàn úa, khô héo không có sức sống, “lạc mấy dòng” cho thấy sự bơ vơ, lạc lõng. Cành củi kia từ chốn rừng xanh lại bị trôi dạt một mình trên dòng sông. Hình ảnh ấy gợi mở ra một nỗi buồn sâu thẳm của người thanh niên cũng như cả thế hệ trí thức lúc bấy giờ đang “Băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời” trước bối cảnh đất nước.

Điểm nhìn dưới sông đã được chuyển sang bên kia sông của tác giả mở ra một khung cảnh mới với nét đẹp cổ điển được thể hiện trong các hình ảnh: sông, trời, nắng và gió. Sự hiện đại ngay trong câu thơ đầu khi hai từ láy “Lơ thơ”_từ gợi hình ảnh và “đìu hiu”_từ gợi cảm giác cùng được sử dụng khiến người đọc dễ hình dung ra cảnh bến sống hiu hắt và cô quạnh gợi cho ta nhớ đến câu thơ trong Chinh phụ ngâm “Non Kì quạnh quẽ trăng treo/ Bến phì gió thổi đìu hiu mấy gò”. Cảnh vật đã thay đổi nhưng sự vắng vẻ, u tịch vẫn còn đó bởi “Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều” mang nhiều trạng thái cảm xúc: vừa gợi ở “đâu đó” có tiếng chợ chiều, chữ “đâu” vừa phủ định làm gì có tiếng ở làng xa nào cho thấy tâm trạng khắc khoải của nhà thơ, khao khát muốn tìm thấy tiếng động của cuộc sống nhưng cũng thể hiện tâm trạng thất vọng tràn trề. Không dừng lại ở đó nhà thơ mở rộng tầm quan sát của mình lên cả bầu trời: “Nắng xuống, trời lên sâu chót vót/ Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”. Sự sáng tạo độc đáo ở cụm từ “sâu chót vót” thông thường người ta nói cao chót vót còn với Huy Cận nó là sâu, bởi theo nhà thơ trời càng cao thì càng sâu, nắng với trời sẽ chẳng thể tách rời ấy vậy mà “Nắng xuống, trời lên” tạo nên một khoảng cách sâu chót vót. Đó là một cách rất mới mẻ, hiện đại. Với câu thơ cuối nếu hai hình ảnh đầu của sông, trời vừa dài, rộng mênh mông thì sau cùng là “bến cô liêu”, cô liêu là tính từ chỉ sự vắng vẻ, trơ trọi. Cái bến ấy giống như thi nhân đang cô đơn giữa thiên nhiên, cô độc giữa cuộc đời.

Khổ thơ thứ ba với hình ảnh “bèo dạt” là nét đẹp cổ điển được dùng trong thơ xưa để chỉ số phận con người bấp bên, nổi trôi. Nguyễn Du đã từng dùng hình ảnh cánh bèo để thể hiện cho cuộc đời Thúy Kiều: “Nghĩ mình mặt nước cánh bèo/ Đã nhiều lưu lạc lại nhiều gian truân”. Nhưng bèo trong thơ Huy Cận không phải một cánh, vài ba cánh hay là một đám bèo mà là “hàng nối hàng” đó là sự khác biệt mới mẻ cho thấy lòng người rợn ngợp trước thiên nhiên.Câu thơ không chỉ tả thực mà còn mang nét nghĩa ẩn dụ tượng trưng khi nhà thơ đang sống trong cảnh mất nước, nô lệ ông cũng như bao người trí thức khác đang vật vờ, trôi dạt không biết đi đâu về đâu. Cảnh mênh mông tràng giang được nhân lên bởi hai lần phủ định câu trên, câu dưới cho thấy cuộc sống ở đây không có sự kết nối, giao hòa. Nghệ thuật cổ điển lấy không để nói có được sử dụng “không một chuyến đò ngang”, “Không cầu gợi chút niềm thương nhớ” chỉ có nỗi khắc khoải về tình người, lòng người của nhà thơ. Câu thơ kết “Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng” đã vẽ nên một bức tranh thật đẹp mà cũng thật buồn. Bốn hình ảnh trong bốn câu thơ cộng hưởng với nhau để tạo nên một bức tranh phong cảnh đượm buồn gợi về những kiếp người nổi trôi, không định hướng tương lai. Đó là hồn thơ tiêu biểu cho phong cách sáng tác của Huy Cận trước cách mạng tháng tám trong tập “Lửa thiêng”.

Có lẽ khổ thơ hay nhất trong bài tập trung nét nghệ thuật đặc sắc mang phong vị cổ điển và hiện đại được thể hiện ở khổ thơ cuối:

    “Lớp lớp mây cao đùn núi bạc

    ...Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”.

Mây và cánh chim là hai hình ảnh dùng để gợi về chiều hoàng hôn trong thơ ca trung đại. Đó là một thi liệu quen thuộc bởi khi xưa Đỗ Phủ đã từng viết: “Lưng trời sóng gợn lòng sông thẳm/ Mặt đất mây đùn cửa ải xa”. Từ “đùn” ở đây cũng được Huy Cận sử dụng tạo cảm giác uể oải, chậm chạp như những đám mây đang đùn đẩy nhau. Hình ảnh cánh chim cũng là một thi liệu cổ điển ta đã từng bắt gặp trong thơ của Lí Bạch là “Chúng điểu cao phi tận” hay cánh chim mỏi trong thơ Hồ Chí Minh “Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ”. Trong thơ Huy Cận nó còn mang nét hiện đại ở dấu hai chấm tách đôi câu thơ thể hiện mối quan hệ giữa cánh chim và bóng chiều. Chim nghiêng cánh nhỏ kéo bóng chiều cùng sà xuống mặt nước tràng giang hay bóng chiều đè nặng lên cánh chim khiến nó phải chao nghiêng đôi cánh. Cánh chim nhỏ dưới bóng chiều buông xuống mang nặng tư tưởng tác giả, ẩn dụ cho những kiếp người nhỏ bé bị bão táp cuộc đời xô đẩy, ngả nghiêng. Cũng là ẩn dụ cho cái tôi cá nhân phiền não của thi nhân trải nỗi buồn ra khắp không gian. Hai câu thơ cuối thật ấn tượng bởi nó được gợi từ hai câu thơ trong bài “Lầu Hoàng Hạc” của Thôi Hiệu: “Nhật mộ hương quan hà xứ thị/ Yên ba giang thượng sử nhân sầu” (Quê hương khuất bóng hoàng hôn/ Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai” nếu tiền nhân đời Đường bên Trung Hoa nhìn khói sóng trên sông mà nhớ quê hương thì Huy Cận thật sáng tạo khi “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”. Nỗi nhớ thương quê hương của tác giả luôn thường trực trong ý thức, thấm thía trong từng cảm giác. Nỗi nhớ ấy chưa hề vơi cạn mà cũng hiện lên lớp lớp như con sóng qua từ láy “dợn dợn” để hô ứng với “vời con nước” thay vì dùng từ “rợn rợn” thể hiện nỗi buồn bâng khuâng của “lòng quê’.

“Tràng giang” được Huy Cận kết hợp độc đáo giữa bút pháp cổ điển và hiện đại, giữa tâm hồn thi sĩ với nỗi sầu của bậc trí thức, mang đậm đà tính dân tộc và rất Việt. Bài thơ thật sâu sắc thể hiện cái tôi cá nhân mang nặng tình yêu đất nước thầm kín, yêu thiên nhiên tha thiết của tác giả nên lời nhận xét của Xuân Diệu rất xác đáng: “Tràng giang là một bài thơ ca hát non sông đất nước, do đó dọn đường cho lòng yêu giang sơn Tổ quốc”.

Quảng cáo

Xem thêm các bài Văn mẫu phân tích, dàn ý tác phẩm lớp 11 khác:

Tủ sách VIETJACK shopee lớp 10-11 cho học sinh và giáo viên (cả 3 bộ sách):

Săn shopee siêu SALE :

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, GÓI THI ONLINE DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 11

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi dành cho giáo viên và gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


trang-giang.jsp


Giải bài tập lớp 11 sách mới các môn học
Tài liệu giáo viên