Phân tích bài thơ Lưu biệt khi xuất dương (siêu hay)



Đề bài: Phân tích bài thơ Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu

Phân tích bài thơ Lưu biệt khi xuất dương (siêu hay)

Bài giảng: Lưu biệt khi xuất dương - Cô Thúy Nhàn (Giáo viên VietJack)

Phân tích bài thơ Lưu biệt khi xuất dương - mẫu 1

Quảng cáo

Năm 1858 thực dân Pháp xâm lược Việt Nam chúng thi hành chính sách bóc lột sức lao động, đàn áp các cuộc đấu tranh của nhân dân ta trong bể máu, khiến cho lòng dân vô cùng căm phẫn. Chính điều đó đã thôi thúc các nhà yêu nước nung nấu con đường giải phóng dân tộc. Tiêu biểu trong thời kì đầu là Phan Bội Châu_ông vừa là nhà cách mạng yêu nước đồng thời là một nhà văn hóa lớn. Ông để lại nhiều trước tác trên nhiều lĩnh vực trong đó thi ca chiếm một nội dung quan trọng. Nổi bật trong thơ của Phan Bội Châu là bài “Lưu biệt khi xuất dương”. Bài thơ đã lưu lại tình cảm, cảm xúc của tác giả lúc từ biệt trước khi sang Nhật đồng thời thể hiện tinh thần, ý chí quyết tâm cứu nước của người chiến sĩ cách mạng.

    “Lưu biệt khi xuất dương” được Phan Bội Châu sáng tác khi khát vọng cứu nước đang thực hiện một cách thuận lợi, hội Duy Tân vừa mới được thành lập khi đó ông chủ trương đưa một số thanh niên Việt Nam có ý chí, tinh thần ham học hỏi sang Nhật học tập sự văn minh, khoa học của họ để về giúp nước giúp dân. Đây là một tư tưởng tiến bộ nhưng lịch sử lại không lựa chọn do còn phạm phải những sai lầm, tuy nhiên điều đó đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho dân tộc.

Bài thơ được viết bằng chữ Hán theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật với bố cục rõ ràng, mạch lạc theo cấu trúc đề-thực-luận-kết thể hiện được cái “chí” của nhà thơ. Hai câu thơ đầu là quan niệm mới mẻ về chí làm trai và tư thế, tâm thế, tầm vóc của con người trong vũ trụ.

Quảng cáo

    “Sinh vi nam tử yếu hi kì

    Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di”

(Làm trai phải lạ ở trên đời/ Há để càn khôn tự chuyển dời). Chí làm trai của đấng nam nhi phải có khát vọng, hoài bão lớn lao, phải làm được việc hiếm việc lạ ở trên đời. Tư tưởng này đã được kế thừa của các tiền nhân như Phạm Ngũ Lão trong bài thơ “Thuật hoài” có viết: “Nam nhi vị liễu công danh trái/ Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu”. Chính vì cái lẽ ấy mà không chịu để cho trời đất tự chuyển dời thể hiện tầm vóc lớn lao của con người trong vũ trụ bao la như tư thế “hoành sóc” (cầm ngang ngọn giáo) hiên ngang của người nam tử. Gắn với bối cảnh của thời đại, thực tế của đất nước lúc bấy giờ chí làm trai theo Phan Bội Châu phải xoay chuyển được “càn khôn” chủ động lập lại thời thế không chịu chấp nhận nỗi nhục mất nước, không chịu làm nô lệ.

Nếu như hai câu thơ đầu là tuyên ngôn về chí làm trai với tư tưởng muốn bứt phá ra khỏi giới hạn bé mọn của bản thân, mong muốn cứu nguy cho dân tộc đồng thời khẳng định vị thế của mình trong trời đất thì hai câu thực nói về ý thức trách nhiệm của cá nhân trước thời cuộc.

    “Ư bách niên trung tu hữu ngã

    Khởi thiên tải hậu cánh vô thùy”

(Trong khoảng trăm năm cần có tớ/ Sau này muôn thuở há không ai?). Trong câu 3 đối với câu 4 lấy cái hữu hạn của “bách niên” để đối với cái vô hạn của “thiên tải”, lấy cái phủ định để khẳng định ý chí quyết tâm của tác giả cho thấy vai trò, sự chủ động của cá nhân trước bối cảnh lịch sử. Ở trong khoảng trăm năm (trong khoảng thời gian của đời người) cần thiết phải có ta. Ta phải làm việc lớn, gánh vác việc đời của thời đại mình thì trăm năm sau mới có thế hệ khác. Nếu không sau này “há không ai?”đây là một câu nghi vấn, hỏi nhưng cũng là để tự mình trả lời, tự mình thể hiện mình. Điều đó cho thấy tinh thần tự nhiệm, tự mình của tác giả đồng thời cũng khẳng định sự nối tiếp thế hệ anh hùng của dân tộc “Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau/ Song hào kiệt thời nào cũng có”.

Quảng cáo

Để minh chứng cho con đường cứu nước của mình là đúng đắn ở hai câu luận tác giả nêu lên tình cảnh của đất nước và chỉ ra những điều xưa cũ không còn phù hợp với thời đại mới.

    “Giang sơn tử hĩ sinh đồ chuế

    Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si”

(Non sông đã chết sống thêm nhục/ Hiền thánh còn đâu học cũng hoài). “Non sông đã chết” dân tộc đã bị xâm lăng, đất nước đã mất chủ quyền sống cũng chỉ thêm nhục nhã. Câu này tác giả nói đến lẽ sống và cái chết để khẳng định lí tưởng sống có nghĩa là phải lật lại “càn khôn”, lấy lại hồn nước, làm cho dân tộc được độc lập tự do. “Hiền thánh”ở đây chỉ Nho học. Nó đã không còn nữa, phải gác nó lại theo học cái học thực tế để canh tân đất nước. Có người nói Phan Bội Châu phủ nhận vai trò của Nho giáo, điều này là không đúng bởi ông cũng xuất thân nơi “Cửa Khổng sân Trình” nhưng bối cảnh thời đại bây giờ Nho giáo trở nên lạc hâu, lỗi thời cần thay đổi. Chữ “hoài” trong bản dich thơ chưa thể hiện được bản chất “si” (U mê, mê muội một điều gì đó mất lí trí) trong nguyên tác. Hai câu thơ là lời nhắn nhủ của tác giả đến thế hệ trẻ phải đổi mới quan niệm, tư tưởng không nên theo lối mòn, sáo rỗng không có ích cho sự nghiệp cứu nước.

Hai câu kết thể hiện khát vọng hành động cứu nước, khắc họa tư thế hiên ngang, hào hùng của con người ở buổi lên đường:

    “Nguyện trục trường phong Đông hải khứ

    Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi”

Quảng cáo

(Muốn vượt bể đông theo cánh gió/ Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi). Ở câu thơ thứ nhất mang hai nét nghĩa trừu tượng và cụ thể. Với nét nghĩa trừu tượng thể hiện mong muốn vượt lên chính mình, vượt qua giới hạn bản thân làm nên việc lạ ở trong khoảng trăm năm. Với nét nghĩa cụ thể để chỉ phong trào Đông Du, chỉ những người thanh niên yêu nước mong muốn học tập cái mới để giúp nước. Tuy nhiên bản dịch thơ trong sách giáo khoa từ “Cánh gió” chưa lột tả được thần sắc của “trường phong” là cơn gió lớn, cơn gió dài nó là sự quyết tâm, quyết liệt ra đi cứu nước của tác giả. Câu cuối “nhất tề phi” là cùng bay lên ở đây là chỉ con sóng hay chỉ khát vọng của tác giả hay chỉ cả hai khát vọng của ta cùng với hàng ngàn con sóng cùng bay lên giữa biển khơi rộng lớn. Theo em cách hiểu thứ ba là hợp lí vì tác giả “xuất dương” mang trong mình hoài bão lớn lao. Hai câu kết với hai hình ảnh kì vĩ “trường phong” và “thiên trùng bạch lãng”làm cho chí khí, tư thế của người chiến sĩ vượt lên thực tại đen tối với đôi cánh của lí tưởng cách mạng vươn ngang tầm vũ trụ được thể hiện qua vị ngữ “nguyện trục”, “nhất tề phi” khiến ta liên tưởng đến hai câu thơ trong “Hành lộ nan” (Đi đường khó) của Lí Bạch: “Trường phong phá lãng hội hữu thì/ Trực quải vân phàm tế thương hải” (Cưỡi gió vượt sóng ắt có lúc/ Dong thẳng buồm mây vút bể xanh).

    “Lưu biệt khi xuất dương” thể hiện được lí tưởng cứu nước cao cả, nhiệt huyết sục sôi với tư thế đẹp đẽ và khát vọng lên đường cháy bỏng của người chiến sĩ cách mạng trong buổi đầu cứu nước. Về nghệ thuật bài thơ được làm theo luật bằng, đúng niêm, đúng luật của thể thơ đã được quy ước, tuy nhiên có nét cách tân đổi mới điều đó được thể hiện ở đại từ “Ngã” (ta). Ở trong thơ trung đại cái tôi cá nhân bị lu mờ, ít thấy tác giả xuất hiện trực tiếp do người trung đại không coi mình là trung tâm mà chỉ là một bộ phận trong chỉnh thể lớn.Nhưng ở đây tác giả đã tự tin thể hiện bản lĩnh, chí hướng, khát vọng, quyết tâm của con người trong thời đại mới. Sử dụng ngôn ngữ phóng đại với hình ảnh kì vĩ, lãng mạn thể hiện được cái chí của mình.

Vần thơ đã khép lại bấy lâu nay nhưng hồn thơ, thần sắc của bài thơ cùng với hình ảnh của một Phan Bội Châu quyết tâm, hăm hở, chủ động ra đi tìm đường cứu nước đã để lại tiếng vang, ảnh hưởng sâu rộng trong lịch sử. Phan Bội Châu không những về sự nghiệp vận động giải phóng dân tộc là một nhân vật tiêu biểu cho giai đoạn chống Pháp của nhân dân Việt Nam đầu thế kỉ XX mà còn là nhà thơ, nhà văn với những đóng góp có giá trị cho nền văn học nước nhà.

Phân tích bài thơ Lưu biệt khi xuất dương - mẫu 2

Sau khi tham gia thành lập Duy tân hội, đầu năm 1905, theo chủ trương cùa tổ chức, Phan Bội Châu nhận nhiệm vụ xuất dương tới Trung Quốc rồi Nhật Bản, mở đầu phong trào Đồng du, đặt cơ sớ đào tạo cốt cán cho cách mạng trong nước và cầu Nhật giúp Việt Nam đánh Pháp. Lúc này đất nước đã mất chủ quyền ; ngọn lửa của phong trào Cần vương đã tắt, báo hiệu sự bế tắc của con đường cứu nước theo tư tướng phong kiến do các sĩ phu lãnh đạo. Thời cuộc thay đổi đòi hỏi phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc phải có phương hướng, nội dung và hình thức hoạt động mới. Phan Bội Châu lúc này còn tương đối trẻ (38 tuổi), là hình ảnh tiêu biểu của một thế hệ cách mạng mới, quyết tâm vượt mình, vượt qua giáo lí đã lỗi thời của đạo Khổng để đón nhận luồng tư tưởng tiên phong trong giai đoạn, mong tìm ra hướng đi mới cho sự nghiệp khôi phục giang sơn. Phong trào Đông du được nhóm lên cùng với bao hi vọng… Lưu biệt khi xuất dương được viết ra trong bữa cơm ngày Tết mà Phan Bội Châu tổ chức tại nhà mình để chia tay các đồng chí trước lúc lên đường. Về sau, trên Bình sự tạp chí (Hàng Châu, Trung Quốc) số 34 (2-1917), Phan Bội Châu cho đăng bài thơ này dưới nhàn đề Đông du kí chư đồng chí (Gửi các đồng chí khi Đông du) với một vài sửa đổi vể câu chữ (so với bản được lưu hành trước đó).

Phan Bội Châu tuy văn tài lỗi lạc nhưng không bao giờ xem văn chương là cứu cánh của đời mình. Ông chỉ muốn dùng nó để xốc người đời (đặc biệt là tầng lớp thanh niên) đứng dậy làm cách mạng, cứu nước, cứu dân. Với định hướng này, sáng tác của ông có được một âm hưởng đầy kích thích, khiến người đọc không thể ngồi yên một khi đã được tiếp xúc với nó. Bài Lưu biệt khi xuất dương chính là một ví dụ điển hình.

Bài thơ được mở ra không phải với những tình cảm bịn rịn, nhớ nhung. Hiện lên lồ lộ là lí tướng và hoài bão của một con người đang quyết xoay chuyển càn khôn, vũ trụ:

Sinh vi nam tử yếu hi kì,

Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di.

(Làm trai phải lạ ở trên đời,

Há để càn khôn tự chuyển dời.)

Lưu biệt là để lại cho người đưa tiễn một cái gì đó như lời dặn dò hay bài thơ trước lúc rong ruổi đường xa. Ở đây, bản thân bài thơ là lời dặn dò, là tiếng nói khích lệ. Nhà thơ hiểu rằng hơn lúc nào hết, cả người ở lại lẫn người ra đi cần có một niềm tin, nếu chưa phải vào kết quả hành động thì cũng vào cái đúng của hành động mà mình đã lựa chọn. Quan niệm về chí làm trai cùa các nhà nho xưa đã được nhắc lại trên tinh thần này. Không thể nói điều được nhà thơ phát biểu ở hai câu thơ là hoàn toàn mới mẻ. Trước Phan Bội Châu, bao nhiêu con người ưu tú đã nói về chí làm trai với nhiệt tình cháy bỏng và với một hình thức ngôn từ rất gây ấn tượng. Ngay câu thơ thứ nhất của Phan Bội Châu, có thể nói, cũng thoát thai từ hai câu chữ Hán mở đầu bài Chí nam nhi của Nguyễn Công Trứ: "Thông minh nhất nam tử — Yếu vi thiên hạ kì" (Một người trai thông minh ắt phải làm được những việc khiến thiên hạ phải thấy kì lạ). Vậy vấn đề ở đây không phải là xét tính độc đáo của tư tưởng mà là xét mục đích của việc phát biểu tư tưởng trong một hoàn cảnh cụ thể. Nêu lên tín niệm của các trang nam tử muôn đời, thực chất Phan Bội Châu đang muốn nhắc nhở, cật vấn chính bản thân: lẽ nào để trời đất tự xoay vần tới đâu thì tới, còn mình là kẻ đứng ngoài, vô can? Là câu hỏi nhưng cũng là một lời đáp. Tính hai mặt này của lời thơ đã ngay từ đầu tạo được cho thi phẩm một không khí dồn nén và thúc giục rất rõ rệt. Từng chữ, từng lời cứ bện chặt lấy tâm trí người đọc, khiến họ không thể lảng tránh vấn đề đã được nhà thơ đặt ra một cách tâm huyết.

Hai câu tiếp theo của bài thơ vẫn đi theo mạch đó:

Ư bách niên trung tu hữu ngã,

Khởi thiên tải hậu cánh vô thuỳ.

(Trong khoang trăm năm cần có tớ,

Sau này muôn thuở, há không ai?)

Câu trước không chỉ đơn giản xác nhận sự có mặt của nhân vật trữ tình giữa thế gian mà còn hàm chứa một tâm niệm: ta hiện diện không phải như một sự kiện ngẫu nhiên, vô ích, và vì vậy, ta phải làm được một điều gì đó có ý nghĩa cho đời. Câu sau có thể diễn ý: Ngàn năm sau lẽ nào chẳng có kẻ nối tiếp công việc của người trước? Như vậy, hai câu 3 – 4 đã thể hiện thật đậm nét cái tôi đầy trách nhiệm của nhà thơ: thấy việc không thể không làm, không ỷ lại cho ai. Hơn thế, cái tôi ấy thấy rõ lịch sử là một dòng chảy liên tục, có sự góp mặt, sự tham gia gánh vác bổn phận của nhiều thế hệ. Đây có thể xem là một nét mới trong tư tưởng của Phan Bội Châu so với không ít bậc tiền bối vốn nhìn lịch sử như một vòng chu chuyên khép kín, khi đại nghiệp không thành dễ rơi vào tình trạng thở than tuyệt vọng. Tác giả hoàn toàn dự cảm được tính chất khó khăn của sự nghiệp cứu nước mà mình đứng ra đảm trách, nhưng dự cảm đó không làm ông nao núng. Ông có sẵn lòng tin không chỉ vào mình mà còn vào bao kẻ sau mình. Tư tưởng của ông và tính cách của ông là vậy. Ta hiểu vì sao sau này, lúc kiểm điểm cuộc đời, dù cay đắng cho bản thân, Phan Bội Châu vẫn có được lời nói hết sức vô tư, hồn hậu: "Chúc phường hậu tử tiến mau!" (Từ giã bạn bè lần cuối cùng – 1940). Cảm nhận ý nghĩa các câu thơ theo hướng đó, ta dễ nhận ra cái "non” của từ tớ trong ban dịch (nguyên tác là ngã). Phan Bội Châu không phải là kẻ tự thị. Ông phát ngôn nhân danh những kẻ làm trai, những người yêu nước nói chung trong cuộc đời!

Bốn câu đầu bài thơ nghiêng về nói tới cái lẽ thường của đấng nam nhi, dù đọc chúng, người đọc vẫn nhận ra nỗi bức xúc trong tâm trạng tác giả. Sang hai câu 5-6, nỗi bức xúc ấy được biểu hiện trực tiếp hơn, qua việc nhà thơ nêu lên hiện trạng thê thảm của đời sống lúc bấy giờ:

Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế,

Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si!

(Non sông đã chết, sống thêm nhục,

Hiền thánh còn đâu, học cũng hoài!)

Đúng là những câu thơ đau đớn. Đau đớn cho việc mất nước. Đau đớn cho sự tồn tại trơ trơ nhục nhã của mình khi cơ đồ của dân tộc đã bị đắm chìm. Đau đớn cho cái học, kiểu học mà bản thân từng một thời theo đuổi, giờ đã thành vô ích, vô vị…

Là người chịu ảnh hưởng của Tân thư (tức sách báo tuyên truyền cho tư tưởng dân chủ tư sản phương Tây, tư tưởng cải cách xã hội theo mô hình Âu-Mỹ,… được dịch qua hoặc được viết bằng Hán văn, đưa tới từ Trung Quốc), Phan Bội Châu tuy không phủ nhận hoàn toàn Nho giáo nhưng không còn giữ thái độ sùng kính đối với nó. Cái gì tỏ ra không còn có ích cho sự nghiệp cứu nguy giống nòi thì ông dứt khoát giã từ. Có thể xem đây là hệ quy chiếu mà ông đã dùng để nhìn nhận, đánh giá mọi vấn đề của đời sống xã hội và mọi ứng xử của kẻ sĩ lúc ấy.

Trước đây, Nguyễn Khuyến từng than: "Sách vở ích gì cho buổi ấy – Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già" (Ngày xuân dặn các con). Câu thơ đầy chiêm nghiệm, có niềm tủi thẹn và thoáng nghi ngờ về tính hữu dụng của cái học từ chương "nhai văn nhá chữ" trong bối cảnh đất nước đã lọt vào tay giặc (mà nhà thơ gọi bóng gió là ngày loạn). Với Phan Bội Châu, thái độ không dừng ở mức nghi ngờ. Tình thế đất nước vào buổi ông lên đường đã khác nhiều, hơn nữa, với cá tính mạnh mẽ của một con người ưa hành động, tràn đầy nhiệt huyết, ông đã đưa vào bài thơ của mình những từ, cụm từ đầy cảm hứng phủ định, rất gây ấn tượng: tử hĩ (chết rồi), nhuế (thừa), si (ngu). Phải nói rằng với cách dùng từ ngữ mạnh bạo như thế, thơ ông có khả năng táađộng tới độc giả rất sâu sắc. Đằng sau sự hấp dẫn của cách nói là sự hấp dẫn của cốt cách một con người! Các từ nhục, hoài trong bản dịch thơ sự thực chưa truyền lại đầy đủ khí lực dồi dào của các từ nhuế, si trong nguyên tác.

Phải hành động, phải hành động – tự mạch thơ toát lên lời giục giã. Hai câu cuối đến như một cơn gió mạnh, bốc nhà thơ thoát khỏi những tủi thẹn, day dứt, đau buồn. Việc lạ (kì) mà nhân vật trữ tình nung nấu thực hiên được khởi đầu từ điểm này chăng:

Nguyện trục trường phong Đông hải khứ,

Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi.

(Muốn vượt bể Đông theo cánh gió,

Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi)

Người có hiểu biết về phong trào Đông du hẳn sẽ nhận ra tính tự nhiên, hợp lô gích của việc nhà thơ liên tưởng tới Đông hải cùng hình ảnh thiên trùng hạch lãng. Nhật Bản – niềm hi vọng mới của các sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu – ở phía đông, giữa biển khơi, cách nước ta muôn dặm hải trình. Chính vì vậy, sang Nhật cũng đồng nghĩa với chuyện vượt bể. Tuy nhiên, trong hai câu thơ, các hình ảnh chủ yếu mang ý nghĩa biểu tượng. Câu thơ dịch không hoàn toàn bám sát ý nguyên tác, đã chuyển một khát vọng, một dự cảm, một liên tưởng bất chợt thành sự tường thuật – miêu tả thực tế, do vậy, chưa truyền đạt được phong độ hào hùng, niềm hăm hở dấn thân cùng trí tưởng tượng bay bổng của nhà thơ. Tâm thế cùng tư thế của nhân vật trữ tình lúc này là muốn lao ngay vào một trường hoạt động mới mẻ, sôi động ; bay lên làm quẫy sóng đại dương hay bay lên cùng những đợt sóng trào sôi vừa thoáng hiện trong tâm tưởng.

Trong bài thơ, có rất nhiều từ, cụm từ chỉ các đại lượng không gian, thời gian lớn cùng một số hình ảnh kì vĩ thể hiện bối cảnh mang tính chất vũ trụ đã được sử dụng: càn khôn, giang sơn, hách niên trung, thiên tải hậu, Đông hải, trường phong, thiên trùng hạch lãng,… Nhớ lại các bài như Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão, Nổi lòng của Đặng Dung, Chim trong lồng của Nguyễn Hữu Cầu,… ta thấy đây là bối cảnh khá đặc trưng của thơ tỏ chí thời trung đại. Như vậy, bối cảnh vũ trụ hoàn toàn không phải là hiện tượng cá biệt ở một vài bài thơ nào đó, bởi con người trong thơ xưa về cơ bản chưa phải là con người cá nhân cá thể mà là con người vũ trụ. Tuy nhiên, với trường hợp bài Lưu biệt khi xuất dương, vẫn có thể nói rằng bối cảnh ấy có tác dụng tô đậm các phẩm chất rất riêng và nổi bật của nhân vật trữ tình: tự tin, dám đối thoại cùng trời đất, lịch sử ; ý thức rõ về cái vinh, cái nhục ở đời ; có khát vọng khẳng định cái tôi trong hành động dấn thân vì đất nước, dân tộc,… Nói tóm lại, phải có bối cảnh ấy thì chí "vá trời lấp biển" của nhà thơ mới được khắc tạc ấn tượng đến như thế.

Lưu biệt khi xuất dương là bài thơ từ biệt mà cũng là bài thơ mời gọi lên đường. Nó hoàn toàn tương xứng với tầm vóc của một con người được cả dân tộc ngưỡng vọng và tin tưởng vào thời điểm lịch sử khi đó.

Phân tích bài thơ Lưu biệt khi xuất dương - mẫu 3

     Năm 1858 thực dân Pháp xâm lược Việt Nam chúng thi hành chính sách bóc lột sức lao động, đàn áp các cuộc đấu tranh của nhân dân ta trong bể máu, khiến cho lòng dân vô cùng căm phẫn. Chính điều đó đã thôi thúc các nhà yêu nước nung nấu con đường giải phóng dân tộc. Tiêu biểu trong thời kì đầu là Phan Bội Châu Ông vừa là nhà cách mạng yêu nước đồng thời là một nhà văn hóa lớn. Ông để lại nhiều trước tác trên nhiều lĩnh vực trong đó thi ca chiếm một nội dung quan trọng. Nổi bật trong thơ của Phan Bội Châu là bài “Lưu biệt khi xuất dương”. Bài thơ đã lưu lại tình cảm, cảm xúc của tác giả lúc từ biệt trước khi sang Nhật đồng thời thể hiện tinh thần, ý chí quyết tâm cứu nước của người chiến sĩ cách mạng.

     “Lưu biệt khi xuất dương” được Phan Bội Châu sáng tác khi khát vọng cứu nước đang thực hiện một cách thuận lợi, hội Duy Tân vừa mới được thành lập khi đó ông chủ trương đưa một số thanh niên Việt Nam có ý chí, tinh thần ham học hỏi sang Nhật học tập sự văn minh, khoa học của họ để về giúp nước giúp dân. Đây là một tư tưởng tiến bộ nhưng lịch sử lại không lựa chọn do còn phạm phải những sai lầm, tuy nhiên điều đó đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho dân tộc.

     Bài thơ được viết bằng chữ Hán theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật với bố cục rõ ràng, mạch lạc theo cấu trúc đề-thực-luận-kết thể hiện được cái “chí” của nhà thơ. Hai câu thơ đầu là quan niệm mới mẻ về chí làm trai và tư thế, tâm thế, tầm vóc của con người trong vũ trụ.

“Sinh vi nam tử yếu hi kì

Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di”

     Chí làm trai của đấng nam nhi phải có khát vọng, hoài bão lớn lao, phải làm được việc hiếm việc lạ ở trên đời. Tư tưởng này đã được kế thừa của các tiền nhân như Phạm Ngũ Lão trong bài thơ “Thuật hoài” có viết: “Nam nhi vị liễu công danh trái/ Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu”. Chính vì cái lẽ ấy mà không chịu để cho trời đất tự chuyển dời thể hiện tầm vóc lớn lao của con người trong vũ trụ bao la như tư thế “hoành sóc” (cầm ngang ngọn giáo) hiên ngang của người nam tử. Gắn với bối cảnh của thời đại, thực tế của đất nước lúc bấy giờ chí làm trai theo Phan Bội Châu phải xoay chuyển được “càn khôn” chủ động lập lại thời thế không chịu chấp nhận nỗi nhục mất nước, không chịu làm nô lệ.

     Nếu như hai câu thơ đầu là tuyên ngôn về chí làm trai với tư tưởng muốn bứt phá ra khỏi giới hạn bé mọn của bản thân, mong muốn cứu nguy cho dân tộc đồng thời khẳng định vị thế của mình trong trời đất thì hai câu thực nói về ý thức trách nhiệm của cá nhân trước thời cuộc.

“Ư bách niên trung tu hữu ngã

Khởi thiên tải hậu cánh vô thùy”

     Trong câu 3 đối với câu 4 lấy cái hữu hạn của “bách niên” để đối với cái vô hạn của “thiên tải”, lấy cái phủ định để khẳng định ý chí quyết tâm của tác giả cho thấy vai trò, sự chủ động của cá nhân trước bối cảnh lịch sử. Ở trong khoảng trăm năm (trong khoảng thời gian của đời người) cần thiết phải có ta. Ta phải làm việc lớn, gánh vác việc đời của thời đại mình thì trăm năm sau mới có thế hệ khác. Nếu không sau này “hát không ai?”đây là một câu nghi vấn, hỏi nhưng cũng là để tự mình trả lời, tự mình thể hiện mình. Điều đó cho thấy tinh thần tự nhiệm, tự mình của tác giả đồng thời cũng khẳng định sự nối tiếp thế hệ anh hùng của dân tộc “Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau/ Song hào kiệt thời nào cũng có”.

     Để minh chứng cho con đường cứu nước của mình là đúng đắn ở hai câu luận tác giả nêu lên tình cảnh của đất nước và chỉ ra những điều xưa cũ không còn phù hợp với thời đại mới.

“Giang sơn tử hĩ sinh đồ huế

Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si”

     “Non sông đã chết” dân tộc đã bị xâm lăng, đất nước đã mất chủ quyền sống cũng chỉ thêm nhục nhã. Câu này tác giả nói đến lẽ sống và cái chết để khẳng định lí tưởng sống có nghĩa là phải lật lại “càn khôn”, lấy lại hồn nước, làm cho dân tộc được độc lập tự do. “Hiền thánh”ở đây chỉ Nho học. Nó đã không còn nữa, phải gác nó lại theo học cái học thực tế để canh tân đất nước. Có người nói Phan Bội Châu phủ nhận vai trò của Nho giáo, điều này là không đúng bởi ông cũng xuất thân nơi “Cửa Khổng sân Trình” nhưng bối cảnh thời đại bây giờ Nho giáo trở nên lạc hậu, lỗi thời cần thay đổi. Chữ “hoài” trong bản dịch thơ chưa thể hiện được bản chất “si” (U mê, mê muội một điều gì đó mất lí trí) trong nguyên tác. Hai câu thơ là lời nhắn nhủ của tác giả đến thế hệ trẻ phải đổi mới quan niệm, tư tưởng không nên theo lối mòn, sáo rỗng không có ích cho sự nghiệp cứu nước.

     Hai câu kết thể hiện khát vọng hành động cứu nước, khắc họa tư thế hiên ngang, hào hùng của con người ở buổi lên đường:

“Nguyện trục trường phong Đông hải khứ

Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi”

     Ở câu thơ thứ nhất mang hai nét nghĩa trừu tượng và cụ thể. Với nét nghĩa trừu tượng thể hiện mong muốn vượt lên chính mình, vượt qua giới hạn bản thân làm nên việc lạ ở trong khoảng trăm năm. Với nét nghĩa cụ thể để chỉ phong trào Đông Du, chỉ những người thanh niên yêu nước mong muốn học tập cái mới để giúp nước. Tuy nhiên bản dịch thơ trong sách giáo khoa từ “Cánh gió” chưa lột tả được thần sắc của “trường phong” là cơn gió lớn, cơn gió dài nó là sự quyết tâm, quyết liệt ra đi cứu nước của tác giả. Câu cuối “nhất tề phi” là cùng bay lên ở đây là chỉ con sống hay chỉ khát vọng của tác giả hay chỉ cả hai khát vọng của ta cùng với hàng ngàn con sóng cùng bay lên giữa biển khơi rộng lớn. Theo em cách hiểu thứ ba là hợp lí vì tác giả “xuất dương” mang trong mình hoài bão lớn lao. Hai câu kết với hai hình ảnh kì vĩ “trường phong” và “thiên trùng bạch lãng”làm cho chí khí, tư thế của người chiến sĩ vượt lên thực tại đen tối với đôi cánh của lí tưởng cách mạng vươn ngang tầm vũ trụ được thể hiện qua vị ngữ “nguyện trục”, “nhất tề phi” khiến ta liên tưởng đến hai câu thơ trong “Hành lộ nan” (Đi đường khó) của Lí Bạch: “Trường phong phá lãng hội hữu thì/ Trực quải vân phàm tế thượng hải” (Cưỡi gió vượt sóng ắt có lúc/ Dòng thẳng buồm mây vút bể xanh).

     “Lưu biệt khi xuất dương” thể hiện được lí tưởng cứu nước cao cả, nhiệt huyết sục sôi với tư thế đẹp đẽ và khát vọng lên đường cháy bỏng của người chiến sĩ cách mạng trong buổi đầu cứu nước. Về nghệ thuật bài thơ được làm theo luật bằng, đúng niêm, đúng luật của thể thơ đã được quy ước, tuy nhiên có nét cách tân đổi mới điều đó được thể hiện ở đại từ “Ngã” (ta). Ở trong thơ trung đại cái tôi cá nhân bị lu mờ, ít thấy tác giả xuất hiện trực tiếp do người trung đại không coi mình là trung tâm mà chỉ là một bộ phận trong chỉnh thể lớn.Nhưng ở đây tác giả đã tự tin thể hiện bản lĩnh, chí hướng, khát vọng, quyết tâm của con người trong thời đại mới. Sử dụng ngôn ngữ phóng đại với hình ảnh kì vĩ, lãng mạn thể hiện được cái chí của mình.

     Vần thơ đã khép lại bấy lâu nay nhưng hồn thơ, thần sắc của bài thơ cùng với hình ảnh của một Phan Bội Châu quyết tâm, hăm hở, chủ động ra đi tìm đường cứu nước đã để lại tiếng vang, ảnh hưởng sâu rộng trong lịch sử. Phan Bội Châu không những về sự nghiệp vận động giải phóng dân tộc là một nhân vật tiêu biểu cho giai đoạn chống Pháp của nhân dân Việt Nam đầu thế kỉ XX mà còn là nhà thơ, nhà văn với những đóng góp có giá trị cho nền văn học nước nhà.

Phân tích bài thơ Lưu biệt khi xuất dương - mẫu 4

Phan Bội Châu được coi là một trong số những anh hùng kiệt xuất có tầm ảnh hưởng lớn đối với cách mạng Việt Nam trong những năm đầu của thế kỉ XX. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình ông chưa một lần được hưởng niềm vui chiến thắng nhưng tình yêu đất nước, khát vọng hòa bình và ý chí đấu tranh của ông luôn là ngọn lửa tiếp thêm nhiệt huyết, đam mê cho nhiều thế hệ sau này. Mà trước hết, thơ ca là mặt trận để ông bộc lộ điều ấy. Lưu biệt khi xuất dương là một bài thơ như thế. Ra đời vào thời điểm, nhà thơ chuẩn bị lên đường sang Nhật để thực hiện chí lớn, tác phẩm đã thể hiện niềm khát khao mãnh liệt, mong chờ một sự nghiệp kinh bang tế thế thay đổi vận mệnh cho nước nhà:

Làm trai phải lạ ở trên đời

Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi

Bài thơ mở đầu bằng một quan niệm rất quen thuộc của Nho giáo: chí làm trai.v

Làm trai phải lạ ở trên đời,

Há để càn khôn tự chuyển dời.

   Nếu đặt trong mạch nguồn của thơ ca trung đại, việc đề cập đến lý tưởng xã hội này là điều rất dễ thấy. Danh tướng đời Trần Phạm Ngũ Lão và sau này là bậc nho sĩ tài tử Nguyễn Công Trứ đã từng đề cập.

Công danh nam tử còn vương nợ,

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu

(Tỏ lòng – Phạm Ngũ Lão)

Đã mang tiếng ở trong trời đất,

Phải có danh gì với núi sông.

(Đi thi tự vịnh – Nguyễn Công Trứ)

Cái chí của đấng nam nhi ở đây là công, là danh. Họ trông vào đó mà tìm kiếm sự nghiệp, khẳng định bản thân mình trước cuộc đời, trước mọi người. Nhưng cách thể hiện của Phan tiên sinh trong bài thơ này lại gây một ấn tượng mạnh. Cái chí của kẻ làm trai lại trở nên kì vĩ, lớn lao. Bởi nó được đặt trong một không gian đặc biệt, đó là vũ trụ. Nếu nhìn từ không gian ấy, bậc nam nhi sẽ còn có nhiều khao khát hơn là công và danh. Chữ lạ trong bản dịch thơ tuy hay nhưng chưa làm toát lên được ý nghĩa từ chữ trong văn bản gốc. Làm trai phải lạ cần được hiểu là làm được những việc kì lạ, kiệt xuất, phi thường. Muốn làm được điều ấy, người quân tử phải được đặt trong một không gian không thể là trên đời được, mà phải là càn khôn. Vì “đời” tưởng rộng mà hóa ra lại hẹp, mới chỉ là thế giới loài người, còn “càn khôn” là vũ trụ bao la. Cho nên cái hay trong hai câu đề là không gian ấy đến câu thứ hai mới xuất hiện, nó làm tôn lên hình ảnh một bậc nam nhi đại trượng phu, hào kiệt dõng dạc hô vang ở câu đầu rằng phải lạ. Có nghĩa là đấng nam tử đâu chỉ trông chờ, thụ động, phó mặc cho tạo hóa xoay vần, mà phải chủ động, dấn thân thay đổi cả càn khôn, trời đất, cải tạo cả vũ trụ, giang sơn. Mạnh mẽ hơn là phải biết sống hiển hách, dám mưu đồ những việc lớn, kinh thiên động địa, đất nước lâm nguy thì ra tay cứu nước, thay đổi lịch sử. Cảm hứng sử thi, lãng mạn đã nâng tầm chí làm trai lên một diện mạo mới. Đặt trong bối cảnh ra đời bài thơ, hình ảnh đấng nam nhi mang tầm vóc vũ trụ ấy đã mở đầu cho một khúc khải hoàn ca đầy hùng tráng, phi thường về ý chí và tinh thần yêu nước.

Hai câu đề đã mở ra không gian rộng lớn, đến hai câu thực lại mang tới độ tối đa trong thời gian của đời người:

Trong khoảng trăm năm cần có tớ,

Sau này muôn thuở, há không ai?

Trong quan niệm chung về đấng nam nhi ở trên, Phan Bội Châu đã nêu lên được ý thức cá nhân đầy khảng khái của bản thân mình. Đến hai câu này, ý thức cá nhân ấy càng rõ hơn. Có thể hiểu trong khoảng một trăm năm này, không thể thiếu được ta. Ta phải trở thành nhân vật lịch sử, ta có sứ mệnh xoay chuyển càn khôn để thay đổi cả bộ mặt lịch sử của thế kỉ này. Ta bỗng vút lên giữa cái vô cùng vô tận của không gian và thời gian như thế, bảo sao lại không tráng lệ, lộng lẫy. Chữ tớ dịch khá thú vị, vừa có chút dí dỏm vừa vẫn khẳng định cái tôi đầy mạnh mẽ. Ý thức cá nhân được vươn cao, vươn rộng theo không gian và còn vươn dài theo cả thời gian nâng tầm nhận thức cao cả về sứ mệnh của con người trước lịch sử. Cái tôi như thế thật là vừa lãng mạn vừa kiêu hùng!

Xoay chuyển càn khôn, làm chủ lịch sử tưởng chừng như đã quá to tát, ấy vậy mà cái phải lạ của bậc anh hào còn khiến người ta bất ngờ hơn:

Non sông đã chết, sống thêm nhục

Hiền thánh còn đâu, học cũng hoài.

Trong bối cảnh của sự chuyển giao thời đại, dẫu có mới mẻ đến đâu cũng vẫn phải có sự thay đổi dần dần. Nhưng nhận thức của Phan tiên sinh lại khiến người ta thấy thật phi thường. Đúng non sông đã chết là cách nhân hóa rất chân thực cho hiện tại của nước nhà. Kẻ thù ngoại bang chiếm lấy chủ quyền thì coi như đất nước đã chết. Câu thơ uất nghẹn trước thực trạng đau thương của dân tộc. Nhưng cái mạnh mẽ của đấng nam nhi trước Tổ quốc như thế buộc phải nhận ra sống chỉ thêm nhục. Vì thế cái cần nhất, cái lý tưởng nhất của một thời hiền thánh giờ cũng chẳng còn ý nghĩa, có đọc sách cũng ngu thôi. Vậy là hai thứ quan trọng ấy mà còn tiếp tục sống, tiếp tục học thì chẳng khác nào đã để tự mình phó mặc cho số phận, để càn khôn nó tự chuyển dời, để tiếp tục sống một trăm năm đầy vô nghĩa. Có lẽ vậy mà, cuộc đời Phan Sào Nam tuy sống trọn vẹn trong cảnh đất nước lầm than, trải qua bao lần thất bại đau đớn nhưng ông vẫn cống hiến đầy hiển hách, vinh quang. Hai câu thơ đã chứng tỏ một sự chuyển mình của thời đại, nếu nói không quá lên, thật là vĩ đại. Nhận ra lẽ vinh nhục trong cảnh đất nước ấy là thường tình, nhưng dám chối bỏ, phủ định cả một nền học thức của một kẻ vốn xuất thân từ cửa Khổng, sân Trình như cụ Phan, thì đó là một điều rất phi thường.

Vậy không thể sống như thế với thực tại, muốn mưu đồ việc xoay chuyển càn khôn phải tiến đến hành động. Và hành động ấy chỉ có thể là xuất dương.

Muốn vượt bể đông theo cánh gió,

Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi.

Hai câu kết thật đẹp! Hình ảnh miêu tả có phần ước lệ tượng trưng tạo nên một cảnh tượng biển trời, gió bão, sóng bạc thật hùng vĩ. Nó làm toát lên cái hùng tâm tráng trí của kẻ sĩ yêu nước cháy bỏng mà ở câu thơ cuối: thiên trùng bạch lãng nhất tề phi, bản dịch chưa làm toát lên được. Đúng hơn là biển mênh mông, gió bát ngát, sóng bạc muôn trùng và ý chí, khát vọng của con người cùng nhau hòa quện làm một mà nhất tề phi (cùng bay lên). Tâm thế ra đi cũng rộng lớn, tráng lệ như biển trời vậy. Có cái hào sảng, quyết tâm, mạnh mẽ, nhiệt huyết khi lên đường. Người ở lại – bạn bè bằng hữu, chắc chắn cảm nhận được khát vọng, lý tưởng trong hành động kiệt xuất của con người kiệt xuất ấy.

Bài thơ khép lại trong một niềm hân hoan, hứng khởi trào dâng mãnh liệt của nhà chí sĩ cách mạng trong buổi ra đi tìm đường cứu nước. Sự kết hợp đầy mới mẻ giữa cách thể hiện đậm chất thơ văn trung đại với những tư tưởng nội dung đậm hơi thở của nhịp sống đương thời đã hình tượng hóa một cách lãng mạn và hào hùng của người chí sĩ yêu nước những năm đầu thế kỉ XX. Giọng thơ nhiệt huyết, lay động này đã tiếp thêm sức mạnh, đã thổi bùng khát khao cho biết bao kẻ sĩ thời ấy có mong muốn thực hiện chí lớn vì sự nghiệp dân tộc của mình.

Xem thêm các bài Văn mẫu phân tích, dàn ý tác phẩm lớp 11 khác:

Tủ sách VIETJACK shopee lớp 10-11 cho học sinh và giáo viên (cả 3 bộ sách):

Săn shopee siêu SALE :

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, GÓI THI ONLINE DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 11

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi dành cho giáo viên và gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


luu-biet-khi-xuat-duong.jsp


Giải bài tập lớp 11 sách mới các môn học
Tài liệu giáo viên