5+ Dàn ý Hình ảnh ông đồ (hay, ngắn gọn)



Dàn ý Hình ảnh ông đồ trong bài thơ Ông đồ hay nhất, ngắn gọn được chọn lọc từ những bài văn hay của học sinh trên cả nước giúp bạn viết bài văn hay hơn.

5+ Dàn ý Hình ảnh ông đồ (hay, ngắn gọn)

Quảng cáo

Bài giảng: Ông đồ - Cô Phạm Lan Anh (Giáo viên VietJack)

Dàn ý Hình ảnh ông đồ trong bài thơ Ông đồ

Dàn ý - mẫu 1

A. Mở bài:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm: Bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên là bài thơ tiêu biểu trong phong trào Thơ mới giai đoạn đầu.

- Khái quát hình ảnh ông đồ: Hình ảnh ông đồ là hình ảnh trung tâm của bài thơ, tuy nhiên, hình ảnh này có sự thay đổi lớn qua 2 giai đoạn: thời kì đắc ý và thời kì suy tàn.

B. Thân bài:

Luận điểm 1: Hình ảnh ông đồ thời kì đắc ý

- Hình ảnh ông đồ xuất hiện trong thời gian “Tết đến xuân về”, khi “hoa đào nở”:

   + Ông đồ và hoa đào như một cặp hình ảnh báo hiệu mùa xuân đến, năm mới bắt đầu.

   + Cặp từ “mỗi năm…lại” như thể hiện sự xuất hiện của ông đồ vào mùa xuân như một việc quen thuộc, một điều đã trở thành thói quen, thường lệ của chính ông đồ và những người xung quanh.

Quảng cáo

   + Hình ảnh ông đồ với mực tàu giấy đỏ giữa chốn phố sá nhộn nhịp đã trở thành hình ảnh thân thuộc, là một phần không thể thiếu của ngày Tết truyền thống, in sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam.

- Ông đồ thời này là trung tâm của mọi sự chú ý bởi những nét “phượng múa rồng bay”, người người đều “tấm tắc ngợi khen tài”.

⇒ Hình ảnh ông đồ tượng trưng cho một nét truyền thống văn hóa lâu đời của Việt Nam. Cả người thuê viết và người cho chữ đều đã và đang giữ gìn, phát huy nét truyền thống thanh cao, tao nhã và đầy văn minh ấy.

Luận điểm 2: Hình ảnh ông đồ thời kì suy tàn

- Khung cảnh đìu hiu, vắng vẻ:

   + Cụm từ “mỗi năm mỗi vắng” thể hiện mức độ, không phải ông đồ và truyền thống cho chữ ngay lập tức bị lãng quên mà điều ấy diễn ra dần dần, theo thời gian mà ngày càng phai nhạt và biến mất.

   + Câu hỏi tu từ như một lời thốt lên đầy xót xa về sự thay đổi của xã hội, của lòng người.

- Hình ảnh ông đồ ngồi đơn độc, lạc lõng giữa đường phố tập nập:

Quảng cáo

   + Giấy – “không thắm”, “mực” – “đọng trong nghiên sầu”, “lá” – “rơi trên giấy”… Một loạt các hình ảnh được miêu tả đều mang một nỗi buồn chung: nỗi buồn bị lãng quên.

   + Hình ảnh lá vàng rơi và mưa bụi như làm tăng thêm sự ảm đạm, gợi cảm giác úa tàn, lãnh lẽo.

   + Tâm trạng ông đồ: buồn bã, chán nản, u uất, dường như tất cả đang nghẹn ứ lại, dồn nén và kết thành một khối sầu thảm muôn thuở.

   + Hình ảnh ông đồ lạc lõng giữa xã hội tượng trưng cho sự mai một của một nét văn hóa truyền thống, sâu hơn đó là sự xuống dốc của văn hóa xã hội, của lòng người đối với những giá trị truyền thống của dân tộc.

Luận điểm 3: Mở rộng vấn đề

- Sự đối lập của hình ảnh ông đồ trong 2 khoảng thời gian khác nhau đã làm nổi bật lên tình cảnh đáng thương, đáng buồn của ông đồ. Ông bị xã hội bỏ rơi ngay trước mắt, vẫn nhưng “hoa tay”, “nét vẽ” ấy, vẫn ông đồ già ấy, vẫn khung cảnh ấy, nhưng lòng người đã đổi thay.

Quảng cáo

- Qua đó, ta thấy được tấm lòng đồng cảm, thương xót của tác giả đối với không chỉ ông đồ mà sâu hơn, đó là đối với cả một giá trị truyền thống của dân tộc. Đó chính là cảm hứng nhân đọa và niềm hoài cổ đặc trưng trong thơ của Vũ Đình Liên.

C. Kết bài:

- Khái quát lại hình ảnh ông đồ: Hình ảnh ông đồ là đại diện cho một lớp người đang tàn tạ cũng như những giá trị truyền thống đang bị lãng quên.

- Liên hệ và đánh giá: Qua đó thể hiện niềm cảm thương của tác giả trước sự tha hóa của xã hỗi và nỗi tiếc nhớ cảnh cũ người xưa.

Dàn ý - mẫu 2

I. Mở bài

Giới thiệu đối tượng cần phân tích.

Vũ Đình Liên là nhà thơ mở đường cho phong trào Thơ mới của dòng văn học dân tộc. Các sáng tác của ông đã góp phần làm mới nền thơ ca đương thời, mà “Ông đồ” là nét bút tiêu biểu xuất sắc nhất. Ông đồ là hình ảnh trung tâm của bài thơ, là hình ảnh khiến ta thực sự phải suy ngẫm về sự thay đổi của lòng người trước nét đẹp truyền thống của dân tộc.

II. Thân bài

1. Hình ảnh ông đồ thời hoàng kim của Nho giáo

Phân tích hai khổ thơ đầu

a. Khổ 1:

“Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua"

- Thời gian: Tết đến xuân về, khi “hoa đào nở”.

- Không gian: với “mực tàu”, “giấy đỏ”, “bên phố đông người qua”.

- Ông đồ cùng hoa đào xuất hiện như cặp hình ảnh báo hiệu tiết xuân của đất trời, báo hiệu một năm mới lại bắt đầu.

- Cặp từ “Mỗi năm…lại…” thể hiện sự xuất hiện của ông đồ vào mỗi dịp xuân đến đã trở nên quen thuộc, như một nhịp sống không thể thiếu mỗi khi sắc đào hồng khoe sắc trên cành xanh. Ông đồ với mực tàu và giấy đỏ giữa dòng người đông đúc nới phố xá ngày xuân đã in đậm như một thói quen khi Tết đến, đã thành thường lệ của dịp xuân sang.

b.Khổ 2:

“Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài:

“Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa, rồng bay””

- Ông đồ xuất hiện trong không gian ngày Tết như trung tâm của phố xá đi du xuân.

- Nghệ thuật so sánh trong hai câu thơ cuối khổ đã cho thấy tài nghệ của ông đồ. Đó là nghệ thuật viết chữ_nét đẹp văn hóa dân gian của Việt Nam phát triển rực rỡ khi Nho giáo vẫn còn hưng thịnh.

- “Như phượng múa rồng bay”: nét chữ phóng khoáng, bay bổng, thể hiện một nét đẹp cao quý.

- Lời ngợi ca cho thấy sự tôn trọng của tác giả đối với ông đồ_người lưu truyền nét đẹp cổ truyền của dân tộc, đồng thời cũng thể hiện ý thức giữ gìn giá trị truyền thống ấy của Vũ Đình Liên.

2. Hình ảnh ông đồ thời kì suy tàn

Phân tích ba khổ thơ cuối.

a. Khổ 3:

“Nhưng mỗi năm mỗi vắng

Người thuê viết nay đâu?

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu...”

- Không gian: đìu hiu, vắng vẻ.

- Cụm từ “mỗi năm một vắng” không chỉ thể hiện khung cảnh hiu quạnh mà còn thể hiện sự suy tàn dần của nét đẹp truyền thống. Theo thời gian, truyền thống cho chữ ngày xuân ngày càng bị quên lãng, bị phai nhạt dần.

- Câu hỏi tu từ “Người thuê viết nay đâu?” là nỗi lòng đầy xót xa của tác giả trước sự mai một của nét văn hóa cổ truyền, về sự thay đổi của lòng người.

- Giấy “không buồn thắm”, mực “đọng trong nghiên sầu”: hình ảnh đượm nỗi buồn làm cho không gian ngày xuân của ông đồ trở nên đìu hiu và quạnh quẽ, nỗi buồn của một người, của một nét đẹp bị lãng quên

b. Khổ 4:

“Ông đồ vẫn ngồi đấy

Qua đường không ai hay

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài trời mưa bụi bay”

- Hình ảnh “lá vàng rơi” mang đượm nét buồn của tiết trời khô héo, gợi lên không goan ảm đạm, lạnh lẽo.

- Ông đồ, vẫn giữa dòng phố xá du xuân, nhưng lạc lõng, đơn độc như một cái bóng vô hình. Không ai để ý và cũng chẳng ai hay có một ông đồ với mực tàu và giấy đỏ như thế.

- Dường như ta thấy một ông đồ: buồn bã, chán nản như một khối sầu thảm giữa cái rộng ràng của phố phường ngày xuân.

c. Khổ 5:

“Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?”

- Mỗi năm một vắng, nay đã thành “không thấy ông đồ xưa”. Không gian xuân trước kia là ông đồ và hoa đào, nay chỉ còn lại sắc hồng của đào xuân mà không thấy nét chữ của ông đồ.

- Hai chữ “ông đồ” nay đã đi kèm thêm chữ “xưa”, nó gợi lên một cái gì đó cũ kĩ, như là lỗi thời lạc hậu, một điều gì đó chỉ còn là dĩ vãng.

- Hai câu thơ cuối là tiếng nói của tác giả trước sự xuống dốc của nét đẹp truyền thống và sự thay đổi của lòng người. Câu hỏi tu từ như xoáy sâu vào lòng người đọc và sự mai một truyền thống dân tộc, khiến lòng người day dứt mà ăn năn.

3. Đánh giá, mở rộng vấn đề

- Nghệ thuật khắc họa hình tượng: Ông đồ được đặt trong mối liên hệ so sánh giữa xưa và nay. Xưa-nay đối lập cũng như ông đồ ngày càng bị quên lãng. Tác giả đã khéo léo sử dụng những hình ảnh để gợi lên không gian và thời gian.

- Hình ảnh ông đồ là biểu tượng cho sự mai một của giá trị văn hóa cổ truyền. Ông đồ bị bỏ rơi giữa dòng người tấp nập cũng là hình ảnh của nét đẹp truyền thống bị phai mờ giữa dòng sống hiện đại. Có lẽ là lòng người đã đổi thay, có lẽ bởi lòng người không còn mặn mà với những điều mà họ cho là xưa là cũ nữa.

- Ta thấy được tấm lòng của nhà văn, lòng ngợi ca và tôn trọng văn hóa truyền thống, một lòng muốn gìn giữ mà không biết làm sao để níu kéo lòng người, chỉ có thể mượn đến thơ mà nói, mượn thơ mà giãi bày.

- Qua đó, tác giả cũng đặt ra một hiện trạng xã hội đang dần quên lãng nét đẹp dân gian truyền thống của dân tộc, đặt ra vấn đề cấp thiết cho xã hội là cần thay đổi thái độ và cách ứng xử với nét văn hóa cổ truyền.

III.Kết bài

- Nêu cảm nhận của bản thân.

Hình ảnh ông đồ trong bài thơ khiến lòng người thực sự phải day dứt. Từng lời thơ, từng nét chữ khiến ta thấy hổ thẹn với truyền thống dân tộc, thấy thương những nghiên mực giấy đỏ, thấy chính mình phải có trách nhiệm với nét đẹp văn hóa cổ truyền ấy.

Dàn ý - mẫu 3

1. Mở bài

Giới thiệu về bài thơ "Ông Đồ": Bài thơ "Ông Đồ" là một bài thơ hay và tiêu biểu cho hồn thơ Vũ Đình Liên, bằng lối thơ năm chữ đơn giản, ông đã khắc hoạ nên hình ảnh ông đồ đầy đặc sắc để lại cho người đọc nhiều chiêm nghiệm.

2. Thân bài

+ Khi hoa đào nở rợp khắp bầu trời báo hiệu một năm mới sắp bắt đầu người qua lại thường thấy bóng dáng ông Đồ ngồi viết chữ.

+ Ai ai cũng thuê ông, mong xin cho mình một chữ an khang, thịnh vượng, phát tài.

+ Những nét chữ thanh cao như rồng bay phượng múa → Ai cũng gật gù ngợi khen, cảm phục hoa tay→ Tài năng đích thực của người nghệ sĩ

+ Thời gian trôi đi→ Những người thuê viết dường như đã vô tình quên lãng những giá trị đẹp đẽ xưa kia→ Buồn thương.

+ Niềm tiếc thương hay lời trách móc những kẻ đã quên lãng đi cái " hồn" văn hoá đẹp đẽ của dân tộc.

3. Kết bài

Thông qua hình ảnh ông đồ , Vũ Đình Liên đã thể hiện được niềm cảm thương chân thành về một lớp người và lòng hoài niệm một thời đã qua .

Dàn ý Hình ảnh ông đồ

Phân tích hình ảnh ông đồ - mẫu 1

Người ta nói thời gian chính là cơn sóng dữ có thể xóa tan mọi thứ. Nó có thể khiến người ta quên đi những thứ mà ta đã từng quen thuộc. Và có phải vì thế mà nhiều những nhà thơ đa cảm lại hay có sự ám ảnh với thời gian. Vũ Đình Liên cũng vậy, 1 nhà thơ ám ảnh với thời gian, ám ảnh với những văn hóa cổ truyền của dân tộc bị thời gian lãng quên. Chính vì thế, mà ông đã tạo nên một hình ảnh ông đồ đầy sống động trong bài thơ “Ông Đồ".

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực Tàu, giấy đỏ

Bên phố đông người qua


Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài

"Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa rồng bay"

Ngay từ đầu, Vũ Đình Liên đã tạc nên một ông đồ đầy tài năng và được tất cả mọi người yêu mến. Ông đồ hiện lên như một người nghệ sĩ tài hoa, chơi đùa với chính con chữ. Với hình ảnh so sánh ‘’phượng múa rồng bay’’, người nghệ sĩ đấy không chỉ ‘’thảo’’ nên những con chữ uốn lượn, đầy tinh tế như thân rồng, mình phượng mà còn như tạo nên linh hồn trong từng con chữ mình viết ra. Từng chữ, từng chữ như đang biết chuyển động, như đang bay trên chính trang giấy. Có phải vì thế mà người ta phải tắm tắc, ngợi khen chẳng hết lời. Dù vào mỗi đầu năm mới tới, khi những cánh hoa đào hé nở, hình ảnh quen thuộc ông lão bày bút, mực bên góc đường lại hiện ra nhưng người mua vẫn tấp nập, tới thuê viết và thưởng thức nét chữ tài hoa đó. Từ chỉ lượng không xác định "bao nhiêu" lại càng khẳng định sự tấp nập của những người thuê viết. Có thể nói, ông đồ hiện lên như một người nghệ sĩ trên góc phố quen thuộc, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật được người người kính ngưỡng

Nhưng thời gian thật quá tàn nhẫn. Nó tàn phá mọi thứ và cũng dần xóa nhòa đi hình ảnh Ông Đồ trong trí nhớ người mua chữ.

Nhưng mỗi năm mỗi vắng

Người thuê viết nay đâu?

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu

Ông đồ vẫn ngồi đấy

Qua đường không ai hay

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài trời mưa bụi bay

Dần dần, nho học suy vi, thất thế, mọi người dần quên đi hình ảnh ông lão với mực tàu, giấy đỏ bên đường. Câu hỏi tu từ bỗng phát ra như một lời than trách, tiếc thương của chính tác giả ‘’Người thuê viết nay đâu?’’. Những người từng mua chữ ông, những người đã từng thán phục trước những nét chữ tài hoa của ông giờ ở đâu. Họ đã đi đâu, tại sao không tới mua nữa khiến cho giấy kia phải buồn, nghiên kia phải sầu. Hình ảnh nhân hóa, đem linh hồn gửi cho giấy đỏ, mực tàu càng nhấn mạnh thêm nỗi buồn thương, đau đớn cho một hình ảnh đã từng là thân quen. Năm này qua năm khác, ông đồ vẫn ngồi đó bên góc phố thân quen cùng với mực tàu giấy đỏ nhưng điều khác biệt người mua viết nay đã không còn, chỉ còn lại ông với thiên nhiên sầu thảm. Người ta nói ‘’ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ ‘’. Có phải vì thế mà giấy buồn, nghiên phải sầu, lá vàng cũng rơi cùng với những hạt mưa phùn lất phất. Tất cả tạo nên một khung cảnh vạn vật như cùng buồn thương với chính Ông Đồ……

Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

Thời gian lại dần trôi qua. Vẫn là lúc năm mới quen thuộc, vẫn con phố cũ đấy, người ta cũng dần không còn nhìn thấy hình ảnh Ông Đồ đáng thương, bị quên lãng.Đau đớn thay, Cảnh vật vẫn vậy, hoàn cảnh vẫn thế nhưng con người nay đã đi đâu. Câu hỏi tu từ vang lên ở kết thúc của bài thơ như một câu chất vấn, trách móc đầy đau thương của tác giả ’’Hồn ở đâu bây giờ?’’. Những con người từng tấm tắc ngợi khen, từng chen chúc thuê viết nay ở đâu, những linh hồn dân tộc, những con người Việt Nam nay lại quên đi chính những nét truyền thống quen thuộc sao ?. Tóm lại, ông đồ là người nghệ sĩ nhưng cũng là một người nghệ sĩ đáng thương, một ông lão tội nghiệp bị quên lãng dần với thời gian

Có thể nói, bằng thể thơ 5 chữ hiện đại, bằng những hình ảnh vừa quen thuộc lại mới lạ, ngôn ngữ mộc mạc giản dị, Vũ Đình Liên đã vẽ nên hình ảnh người nghệ sĩ Ông Đồ đầy tài hoa và tội nghiệp. Đồng thời, nhà thơ cũng thể hiện niềm xót thương, và tình yêu với những nét văn hóa cổ truyền của dân tộc.

Phân tích hình ảnh ông đồ - mẫu 2

Vũ Đình Liên là một nhà thơ tài năng có niềm hoài cảm đẹp đẽ với những giá trị xưa cũ. Trong lòng nhà thơ luôn chứa chất những ưu tư, nỗi luyến tiếc quá khứ với những vẻ đẹp chân mỹ. Bài thơ "Ông Đồ" là một bài thơ hay và tiêu biểu cho hồn thơ Vũ Đình Liên, bằng lối thơ năm chữ đơn giản, ông đã khắc hoạ nên hình ảnh ông đồ đầy đặc sắc và để lại cho người đọc nhiều chiêm nghiệm.

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực Tàu, giấy đỏ

Bên phố đông người qua

Ngày xưa, khi mà con người coi trọng nét đẹp con chữ, nền Nho giáo đang phát triển, người người thường tìm đến những ông đồ để xin chữ như một truyền thống tốt đẹp. Xin chữ không chỉ là cầu may mắn, an yên, xin chữ còn xuất phát từ tấm lòng trân trọng cái đẹp, trân trọng nghệ thuật tuyệt mỹ. Ông đồ không chỉ là tên gọi của những người theo Nho học và có vốn Nho học mà còn để chỉ một nghề cho chữ, vì thế mà cứ mỗi độ xuân về, khi hoa đào nở rợp khắp bầu trời báo hiệu một năm mới sắp bắt đầu người qua lại thường thấy bóng dáng ông đó ngồi viết chữ. Mực tàu, giấy đỏ bày biện giữa phố đông để cho chữ như một công việc quen thuộc. Nhìn những nét chữ thanh cao như rồng bay phượng hoa, ai cũng gật gù ngợi khen, cảm phục hoa tay, tài năng của ông đồ già. Phải chăng, tác giả phải trân trọng và yêu quý tài năng của ông đồ mới viết nên những vần thơ tinh tế và gợi cảm như thế. Tứ thơ như hiện ra trước mắt người đọc những nét chữ cùng đôi bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ nhuần nhuyễn mà điêu luyện vô cùng:

Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài

"Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa rồng bay"

Nhưng rồi, quá khứ vàng son kia đã đi đâu, khi mà nghệ thuật không được "sủng ái" nữa thì người nghệ sĩ trở nên thất thế. Xuân đi rồi xuân đến, ông đồ vẫn ngồi đó chỉ có người thưởng thức, người yêu cái đẹp xưa kia đã vô tình.

Nhưng mỗi năm mỗi vắng

Người thuê viết nay đâu?

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu...


Ông đồ vẫn ngồi đấy

Qua đường không ai hay

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài trời mưa bụi bay

Những người thuê viết dường như đã vô tình quên lãng những giá trị đẹp đẽ kia. Những nét chữ bay bổng trên giấy đỏ xưa kia cũng không còn bởi thiếu người thuê viết. Hình ảnh nhân hoá "giấy đỏ buồn không thắm", "mực đọng trong nghiên sầu" càng tô đậm thêm nỗi chán chường, buồn bã của thực tại. Đến nét bút, tờ giấy còn buồn bã khi bị bỏ rơi lãng quên thì huống gì là tâm hồn của một con người, đặc biệt là của người nghệ sĩ với những sự nhạy cảm đáng thương. Cảnh vật dường như cũng mang bầu tâm sự, nặng nỗi lòng thê lương như đang đồng cảm với người nghệ sĩ:

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài trời mưa bụi bay

Rồi thời gian cứ thế qua đi, vô tình khiến lòng người cũng đổi thay theo tháng năm. Năm nay đào vẫn khoe sắc thắm, xuân lại về trên muôn nẻo quê hương, nhưng bóng dáng ông đồ xưa không ai thấy nữa. Câu thơ cất lên như một niềm tiếc nuối khôn nguôi của tác giả:

"Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?"

Những người xưa kia từng xin ông từng con chữ, tấm tắc ngợi khen những nét chữ kia nay đã đâu rồi? Làm sao có thể không nghẹn ngào, xót xa cho được. Câu hỏi tu từ "Hồn ở đâu bây giờ?" là niềm tiếc thương hay lời trách móc những kẻ đã quên lãng đi cái " hồn" văn hoá đẹp đẽ của dân tộc. Đồng thời, câu thơ còn tô đậm thêm nét đáng thương của ông đồ, một nghệ sĩ đầy tài năng và đáng được trân trọng nhưng lại trở thành nạn nhân của sự lãng quên.

Hình ảnh ông đồ được tác giả khắc hoạ đầy tinh tế. Qua đó, ta thêm hiểu được những giá trị truyền thống đẹp đẽ, thêm đồng cảm và trân trọng hơn những chân giá trị cũ, đích thực. Bài thơ như một lời nhắn nhủ chân tình tới mọi người về sự trân quý quá khứ.

Phân tích hình ảnh ông đồ - mẫu 3

Nhà thơ Vũ Đình Liên là một trong những nhà thơ tiên phong cho phong trào thơ Mới. Tác phẩm của Vũ Đình Liên có những tác phẩm có giá trị nghệ thuật vô cùng sâu sắc, để lại tiếng vang cho tới ngày nay. Bài thơ “ông đò” là một trong những bài thơ thể hiện sự thành công đó của Vũ Đình Liên.

Nội dung của bài thơ thể hiện sự hoài cổ của tác giả Vũ Đình Liên với một truyền thống tốt đẹp mang nét văn hóa riêng của dân tộc Việt Nam nhưng bị mai một dần

Bài thơ “ông đồ” được tác giả sáng tác khi mà nền nho giáo ngày càng bị công chúng quên lãng, những tinh hoa xưa chỉ còn lại chút tro tàn. Ông đồ và chữ Nho cũng không còn tồn tài nhiều nữa. trong hai khổ thơ đầu tiên tác giả Vũ Đình Liên đã nhắc lại thời kì hoàng kim của nho giáo khi mà chữ viết của các ông đồ luôn được trân trọng:

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực Tàu, giấy đỏ

Bên phố đông người qua


Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài

Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa rồng bay

Trong hai khổ thơ này đã nói lên thời gian và địa điểm mà ông đồ thường làm việc. đó chính là những khi năm hết tết đến vào dịp mùa xuân khi có hoa đào nở, ông đồ thường viết chữ cho những người dân hi vọng vào một năm mới ăn khang, thịnh vượng, bình an, sức khỏe.

Trong khổ thơ có hoa đào vô vùng thắm tươi, lại có màu đỏ của giấy và mực tàu làm cho mọi nét trong bức tranh tả hình ảnh ông đồ thời kì hoàng kim trở nên vô cùng tươi vui, sống động, tràn ngập sức sống. Thời gian được viết với hai từ “mỗi năm” thể hiện sự lặp đi lặp lạ như một việc vô cùng quen thuộc.

Công việc viết chữ của ông đồ thường xuyên diễn ra trong những năm mà phong trào nho giáo phát triển mạnh mẽ nhất, nên năm nào cũng có những ông đồ ngồi viết chữ, ở những nơi có đông người qua lại, nơi mà mọi người tới xin chữ một cách dễ dàng nhất.

Tác giả Vũ Đình Liên thể hiện nghệ thuật viết chữ của ông đồ như rồng bay phượng múa, một nghệ thuật so sánh độc đáo phần nào làm tôn lên thú xin chữ viết chữ, nhấn mạnh cái tài nghệ, vẻ đẹp thanh cao đáng trân trọng của một nét đẹp thời xưa. Đồng thời thể hiện sự cao quý qua những lời khen ngợi của những người qua đường. thông qua cách miêu tả cách sử dụng từ ngữ cho thấy sự tôn trọng của tác giả với những người lưu trữ truyền thống văn hóa của dân tộc.

Trong hai khổ thơ tiếp theo tác giả khắc họa một hình ảnh bức tranh ông đồ thời kì lạc long, khi nho giáo thất sủng, dòng đời mà chữ Nho đã trở thành một quá khứ của thời kỳ hoàng kim, chỉ còn lại tàn tích.

Nhưng mỗi năm mỗi vắng

Người thuê viết nay đâu?

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu...


Ông đồ vẫn ngồi đấy

Qua đường không ai hay

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài trời mưa bụi bay

Câu thơ được nhắc lại thời gian và địa điểm thể hiện một mùa xuân nữa lại tới, cảnh vật hoa đào vãn tươi thắm nhưng chỉ có hình ảnh ông đồ già quen thuộc không thấy nữa. Những con người không quan tâm tới văn hóa nho giáo ngày càng nhiều. Người dân đã quên đi dần nét văn hóa quen thuộc, đáng trân trọng, những câu thơ này thể hiện cảnh tàn lụi của một nét đẹp văn hóa nho giáo, với những tờ giấy buồn đỏ thắm, mực đọng trong nghiên sầu, thể hiện sự hững hờ của người đời trong thời kì hiện đại. Nhân hóa giấy và bút cũng có cảm xúc như con người cũng thấy buồn khi mình bị bỏ rơi và quên lãng. Những câu thơ vô cùng xúc động thể hiện sự đa tài của tác giả.

Trong khổ thơ cuối tác giả đã dùng những từ ngữ rất thành kính trân trọng để bày tỏ nỗi lòng của tác giả với nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

Mở đầu bài thơ tác giả Vũ Đình Liên đều viết “mỗi năm hoa đào nở” cong trong khổ thơ kết thúc câu thơ có chút thay đổi nhưng kết cấu không hề thay đổi. năm nay đào vẫn nở, một màu xuân mới lại đến nhưng hình ảnh ông đồ thì không còn. Âm điệu câu thơ và toàn bài bỗng trầm xuống. Hoa đào vẫn cứ nở đều khoe sắc thắm, sinh động mỗi độ tết đến xuân về nhưng hình ảnh ông đồ nay còn đâu? Biến mất một giá trị văn hóa của nước ta. Trong câu thơ cuối có câu hỏi tu từ “ Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đây bây giờ?” thể hiện phần nào sự tiếc thương của tác giả với một nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Qua bài thơ “ông đồ” của Vũ Đình Liên đã khắc họa nhân vật ông đồ với nghệ thuật vô cùng tinh tế, giản dị nhưng thấm đẫm niềm xót xa của tác giả đối với một giá trị văn hóa của dân tộc.

Xem thêm các bài Văn mẫu thuyết minh, phân tích, dàn ý tác phẩm lớp 8 khác:

Mục lục Văn mẫu | Văn hay lớp 8 theo từng phần:

Săn shopee siêu SALE :

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, GÓI THI ONLINE DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 8

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi dành cho giáo viên và gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài Tuyển tập những bài văn hay | văn mẫu lớp 8 của chúng tôi được biên soạn một phần dựa trên cuốn sách: Văn mẫu lớp 8Những bài văn hay lớp 8 đạt điểm cao.

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


ong-do.jsp


Giải bài tập lớp 8 sách mới các môn học
Tài liệu giáo viên