Top 30 Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình của người khác (hay nhất)

Tổng hợp trên 30 bài văn nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình của người khác hay nhất giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Top 30 Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình của người khác (hay nhất)

Quảng cáo

Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình của người khác - mẫu 1

Nguyễn Trãi là một nhà thơ kiệt xuất của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Ông để lại cho đời sau nhiều tác phẩm có giá trị lớn. Nếu như "Bình Ngô đại cáo" của ông mang đầy nhiệt huyết, lòng tự tôn dân tộc thì bài thơ "Cảnh ngày hè" là một bức tranh về vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi.

Mở đầu bài thơ "Cảnh ngày hè" là sáu câu thơ miêu tả cảnh ngày hè:

"Rồi hóng mát thuở ngày trường

Hòe lục đùn đùn tán rợp giương

Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ

Hồng liên trì đã tiễn mùi hương

Lao xao chợ cá làng Ngư phủ

Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương"

Quảng cáo

Tác giả đã đón nhận cảnh ngày hè trong tư thế ung dung thoải mái nhất khi ở ẩn, lúc nhà vua không còn trọng dụng tới nữa. Bức tranh cảnh ngày hè được vẽ lên thật rực rỡ và tươi đẹp với nhiều màu sắc. Đó là màu xanh của cây hòe, màu đỏ của hoa lựu, màu hồng của hoa sen, màu vàng lung linh của ánh nắng chiều. Tất cả hòa quyện lại với nhau. Tạo nên cảnh vật đặc trưng của mùa hè. Không chỉ cảm nhận bằng thị giác, Nguyễn Trãi còn cảm nhận cảnh vật bằng thính giác khướu giác và tâm hồn của một người nghệ sĩ. Ông thấy mùi hương của ao sen, thấy âm thanh "lao xao" của làng chài, "dắng dỏi" của tiếng ve. Bức tranh cảnh ngày hè đã trở nên sinh động hơn, đặc sắc hơn với âm thanh và mùi vị. Mặc dù khung cảnh mà tác giả miêu tả là cuối ngày, khi mặt trời lặn nhưng mọi vật vẫn tràn đầy sức sống với những từ ngữ "đùn đùn", "giương", "phun", "tiễn", "lao xao", "dắng dỏi". Những từ ngữ đó cũng góp phần thể hiện những điều trong lòng tác giả - ước mong được cống hiến cho nhân dân, cho đất nước. Nhiệt huyết đó như muốn phun ra, trào ra và lan tỏa đi khắp nơi. Trong sáu câu thơ này, tác giả đã không đi theo tính quy phạm của văn học phong kiến nữa. Ông miêu tả cảnh ngày hè với những sự vật vô cùng thân thuộc gần gũi với cuộc sống hằng ngày.

Quảng cáo

Hai câu cuối của bài thơ đã được Nguyễn Trãi gửi gắm trọn vẹn tâm tư và suy nghĩ:

"Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng

Dân giàu đủ khắp đòi phương"

Tuy tác giả đón nhận cảnh ngày hè với tư thế ung dung trong một ngày nhàn rỗi nhưng ông vẫn luôn suy nghĩ, lo lắng cho nhân dân, cho đất nước. Cảm nhận cảnh ngày hè nhưng tác giả vẫn quan tâm tới cuộc sống của nhân dân. Thế nên ông nghe thấy âm thanh tấp nập, lao xao của làng chài. Ông quan tâm tới nhân dân, lo cho dân cho nước. Chính vì vậy, ông ước mong mình có cây đàn của vua Ngu Thuấn. Với cây đàn đó, Nguyễn Trãi có thể mang tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân và đất nước.

Bài thơ "Cảnh ngày hè" được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật có chen hai câu thơ lục ngôn. Tuy vậy, nhà thơ lại không tuân theo bố cục: Đề - Thực - Luận - Kết của thể thơ Đường luật. Chính vì thế, bài thơ mang nét đặc sắc riêng của một nhà thơ kiết xuất của dân tộc Việt Nam. Không chỉ thế, bài thơ còn có hình ảnh hoa lựu khiến ta liên tưởng tới hai câu thơ của Nguyễn Du:

Quảng cáo

"Đầu tường hoa lựu lập lòe đơm bông"

Câu thơ của Nguyễn Du mang đậm chất tạo hình nhưng câu thơ của Nguyễn Trãi lại thể hiện được cá tính về nhiệt huyết của mình. Điều đó cho thấy rõ hơn tài năng của Nguyễn Trãi về thơ văn.

Bài thơ "Cảnh ngày hè" đặc sắc về cả nội dung và nghệ thuật. Qua đó, ta thấy được vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi. Ông là người yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước. Nhưng trên hết, ông là một người vừa có tài, vừa có tâm bởi ông luôn lo lắng cho nhân dân, cho đất nước. Ông muốn cống hiến nhiệt huyết của mình để nhân dân hạnh phúc, ấm no, đất nước giàu mạnh. Tư tưởng của Nguyễn Trãi như một bài học gửi gắm cho thế hệ trẻ về lòng yêu nước, ước mong cống hiến cho đất nước.

Dàn ý Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình của người khác

Bước 1: Chuẩn bị trước khi nghe

- Tìm hiểu trước đề tài của bài thuyết trình, liệt kê những gì em đã biết, đang quan tâm và muốn tìm hiểu thêm về đề tài của bài thuyết trình.

- Xác định mục đích nghe.

- Chuẩn bị giấy, bút… để ghi chép và đánh dấu hoặc gạch chân những thông tin quan trọng trong khi nghe.

Bước 2: Nghe và ghi chép

- Theo dõi và ghi lại những nội dung chính.

- Theo dõi các lập luận, bằng chứng mà người nói sử dụng để làm rõ các ý chính của bài thuyết trình; ghi tóm tắt các nội dung đó bằng từ/ cụm từ…

- Chú ý điệu bộ, cử chỉ, tốc độ của giọng người nói và những nội dung được lặp đi lặp lại, nhấn mạnh để xác định ý chính của bài thuyết trình.

- Ghi chú hoặc nêu câu hỏi về những điểm em chưa hiểu rõ hoặc chưa nghe kịp.

Bước 3: Đọc lại, chỉnh sửa và phản hồi

- Đọc lại và trao đổi nội dung tóm tắt với các bạn khác và điều chỉnh.

- Đối với những chỗ chưa rõ, nêu câu hỏi hoặc đề nghị người thuyết trình giải thích/ trình bày lại để bảm đảm bảo em hiểu đúng ý người nói.

Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình của người khác - mẫu 2

Tình mẫu tử, từ xưa đến nay vẫn luôn là điều thiêng liêng nhất trong cuộc đời của mỗi con người. Bởi đó là một tình cảm nuôi lớn chúng ta từng ngày, đem đến cho chúng ta những cái ôm ấm áp mỗi đêm, những làn gió mát rượi giữa buổi trưa hè nóng nực từ cái quạt của mẹ và tiếng hát ru du dương vang lên mỗi đêm khuya tĩnh lặng. Có lẽ vì vậy mà tình mẫu tử vẫn luôn luôn là đề tài xuyên suốt trong văn học, được các nhà thơ khai thác và thể hiện rất thành công, bài thơ “Trong lời mẹ hát” của Trương Nam Hương chính là một minh chứng xuất sắc cho điều đó.

Đến với bài thơ Trong lời mẹ hát, một bài thơ tuy không quá dài nhưng lại chứa rất nhiều hàm ý sâu sắc khiến mỗi bản thân chúng ta phải suy ngẫm lại bản thân mình:

“Thời gian chạy qua tóc mẹ

Một màu trắng đến xôn xao

Lưng mẹ cứ còng dần xuống

Cho con ngày một thêm cao.”

Thật vậy, thời gian vô tình lắm, cứ thế trôi qua mà không bao giờ ngoái lại nhìn dù chỉ một lần. Thời gian đã làm cho những mái tóc của mẹ trở nên bạc trắng, những lo âu và vất vả khiến cho người mẹ yếu đi khiến phận làm con trông mà xót lòng.

Có thể thấy rằng, mẹ vẫn yêu thương con bằng cả trái tim của mình, không quản ngại bao khó khăn, gian nan, vất vả chỉ để cho con có một cuộc sống đầy đủ nhất. Sự hi sinh cao cả đó, quả thực chúng ta không thể nói hết bằng lời. Phép nhân hóa và nghệ thuật dùng từ láy điêu luyện của tác giả đã đưa hồn vào hai câu đầu của bài thơ thật khéo léo và cẩn thận tới từng chi tiết, làm rung động trái tim bao đứa con xa mẹ mà nhớ mà thương, ...

Đứa con cứ như ngọn trúc xanh của mùa xuân vụt lên phơi phới còn tấm lưng của mẹ thì ngày một không còn được thẳng nữa. Con đâu có biết là có quá nhiều khó khăn đè nặng trĩu trên tấm lưng gầy yếu ấy. Nghệ thuật đối lập trong 2 câu thơ “còng – cao” đã làm nổi bật rõ hơn về hình ảnh người mẹ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để tương lai con có thể trưởng thành cả về mặt nhận thức lẫn đạo đức, thực sự là một người có ích cho xã hội. Nhưng dù ngoài kia có biến động như thế nào, thì tình yêu của con dành cho mẹ vẫn là bất tận, những tình yêu mẹ ấp ủ, xây dựng, bồi đắp thêm mà bao thời gian qua đã trao cho con một cách âu yếm, nhẹ nhàng mà thầm kín.

Một người con chỉ biết để ý đến công việc và tìm kiếm nửa kia cho bản thân mình, mà quên đi mất ở quê hương vẫn còn một bóng dáng gầy còm ngày ngày tựa cửa trông con về thăm. Còn chi nữa, ngoài tình yêu ấy mẹ dành cho con? Còn chi nữa, ngoài đôi mắt nheo đuôi của mẹ dành cho con? Tất cả những thứ gọi là tình cảm mà ta đa đang tìm kiếm chân thật nhất chỉ có trong lòng mẹ, tình yêu luôn được cất giấu trong trái tim và lòng vị tha cao cả của mẹ.

Đứa con khi đang mải mê với những nơi xa lạ, thì cũng đã chợt quên đi tình mẹ cha ấm êm ở quê nhà. Khi chợt tỉnh giấc mộng nồng say, thì đứa con đó mới chợt nhớ ra tình yêu vĩnh hằng, bất biến từ thuở còn non. Quả là một tình cảm thực sự rất thiêng liêng và cao quý. Lời thơ của tác giả như lắng xuống trong những câu thơ cuối, trong hình ảnh “Thời gian chạy qua tóc mẹ/ Một màu trắng đến nôn nao/ Lưng mẹ cứ còng dần xuống/ Cho con ngày một thêm cao”. Hình ảnh mái tóc bạc trắng cùng tấm lưng ngày một còng đi đã khiến biết bao quý bạn đọc xót xa, ngậm ngùi, đánh thức tình cảm và ý thức trách nhiệm của con với đấng sinh thành:

“Mẹ ơi trong lời mẹ hát

Có cả cuộc đời hiện ra

Lời ru chắp con đôi cánh

Lớn rồi con sẽ bay xa ...”

Khổ thơ cuối trên đã bộc lộ rõ tình cảm của con dành cho mẹ. Trong những lời hát ru tràn đầy yêu thương của mẹ, pha trong những giấc mơ là cả một cuộc đời trước mắt. Phép nhân hóa chính là biện pháp nghệ thuật hết sức đặc sắc khi cho rằng lời ru đã “chắp con đôi cánh”. Đó chính là đôi cánh của sự động viên, một sự khích lệ to lớn như để khích lệ tinh thần con chiến đấu với dòng đời tràn đầy những khó khăn, luôn đứng sau hỗ trợ khi con có vấp ngã trên đường đời. Nó như một câu nói nhẹ nhàng của mẹ bên con: “Đi đi con, hãy mang theo đôi cánh này cùng với những ước mơ to lớn nhất mà con từng mơ thấy những đêm say giấc, hãy sử dụng nó làm cho con trở nên mạnh mẽ và tự tin hơn”. Khi có được đôi cánh ấy, con có thể bay xa tới những nơi tuyệt nhất của cuộc đời để xây nên một cơ nghiệp thật to lớn. Và hãy đừng quên, lời ru của mẹ năm xưa đã giúp cho đạt được ước mơ ấy. Thật cảm ơn biết bao những câu hát mẹ tặng cho con.

Có thể khẳng định rằng, tình mẫu tử chính là thứ tình cảm thiêng liêng nhất, không một điều gì khác có thể sánh bằng mà bất cứ một con người nào cũng không thể thiếu đi được. Và bài thơ Trong lời mẹ hát của Trương Nam Hương như một dòng suối nguồn trong trẻo về tình mẫu tử thiêng liêng, và tin chắc rằng vẫn sẽ tiếp tục chảy mãi trong lòng người đọc cho đến tận mai sau.

Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình của người khác - mẫu 3

Tố Hữu là nhà thơ lớn của nền thơ hiện đại Việt Nam. Với bảy tập thơ lớn, thơ ông được xem là biên niên sử bằng thơ của cách mạng Việt Nam. Đối với Tố Hữu, con đường thơ ca cũng là con đường cách mạng. Thơ ông song hành với con đường cách mạng và phản ánh những chặng đường cách mạng quan trọng của dân tộc. Bài thơ Nhớ đồng là nỗi niềm thương nhớ đồng quê, cảnh vật con người, đồng bào đồng chí của người tù cộng sản trẻ tuổi trong những ngày tháng bị giam ở nhà lao Thừa Thiên Huế.

Tháng 7 năm 1939 Tố Hữu bị thực dân Pháp bắt và giam tại nhà tù Thừa Thiên Huế. Tuy bị giam cầm trong tù ngục nhưng ông vẫn làm thơ. Bài thơ Nhớ đồng được sáng tác trong hoàn cảnh đó và được trích trong tập thơ: Từ ấy trong phần xiềng xích. Đây là một bài thơ tiêu biểu của tập thơ Từ ấy.

“Cô đơn thay là cảnh thân tù/ Tai mở rộng và lòng sôi rạo rực..” đó là cảm giác rõ nhất khi Tố Hữu bị bắt, cách biệt với cuộc sống bên ngoài. Vì vậy một âm thanh, một tiếng động nào bên ngoài dội vào cũng gợi lên trong lòng nhà thơ một nỗi nhớ da diết khôn nguôi. Không phải là tiếng chim tu hú khắc khoải gọi hè như trong bài thơ Khi con tu hú, mà là một tiếng hò quen thuộc của đồng quê:

Gì sâu bằng những trưa thương nhớ

Hiu quạnh bên trong một tiếng hò!

Bài thơ gợi từ tiếng hò thân thuộc trở thành điệp khúc trở đi trở lại: Nỗi thương nhớ; nỗi hiu quạnh. Bằng cách lặp đi lặp lại 4 lần hình ảnh một tiếng hò nhà thơ đã nói lên được sự đồng cảm với tâm trạng cô đơn, cảm giác lạnh lẽo của người tù.

Tiếng hò như một điểm nhấn gợi nhớ, khiến cho bao nhiêu hình ảnh quen thuộc của đồng quê hiện về:

Đâu gió cồn thơm đất nhả mùi

Đâu ruồng che mát thở yên vui

Đâu từng ô mạ xanh mơn mởn

Đâu những nương khoai ngọt sắn bùi?

Âm thanh tiếng hò gợi nhớ về quê hương. Thế giới bên ngoài là đồng quê, hình ảnh con người, mùi hương, màu sắc, âm thanh. Đó là những hình ảnh thân thuộc, da diết của quê hương, xứ sở. Trong xa cách, nỗi nhớ của nhà thơ dường như da diết hơn. Trong xa cách, hình ảnh, mùi vị, âm thanh, màu sắc của quê hương càng trở nên gần gũi lạ thường.

Nỗi nhớ đồng quê ấy còn là nỗi nhớ con người lao động – những người dân quê cần cù, chất phác, quen “dãi gió dầm mưa”, “hiền như đất”, “rất thật thà”:

Đâu những lưng cong xuống luống cày

Mà bùn hy vọng nức hương ngây

Và đâu hết những bàn tay ấy

Vãi giống tung trời những sớm mai?

Đó là những người dân cày quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Đó người nông dân với luống cày vất vả, gian nan, lưng còng theo năm tháng. Thế nhưng, ở họ, toát lên một vẻ đẹp sáng ngời của phẩm chất trong sáng, dù có ở trong bùn đen nhưng vẫn nức hương. Chính họ, chính những người lao động chân chất thôn quê ấy còn là những người gieo những tia hi vọng vào tương lai.

Nhà thơ tiếp tục nỗi nhớ của mình với các hình ảnh: sương, lúa, tiếng xe lùa nước, giọng hò. Tất cả đều là hình ảnh, âm thanh thân thuộc của đồng quê. Và nhà thơ nhớ da diết những hình ảnh ấy. Từ nỗi nhớ ấy, nghĩ về cảnh tù đày của bản thân, một chút chạnh lòng chợt len lỏi trong tâm khảm nhà thơ cách mạng:

Đâu dáng hình quen, đâu cả rồi

Sao mà cách biệt, quá xa xôi

Chao ôi thương nhớ, chao thương nhớ

Ôi mẹ già xa đơn chiếc ơi!

Tất cả những gì quen thuộc nhất, thân thương nhất, nhưng giờ đây “đâu cả rồi”. Một câu hỏi lớn vang lên không lời đáp như là một nhát dao đâm vào lòng người tù, trở nên đau đớn, xót xa. Giờ đây, khi ở trong lao, mọi thứ đã cách biệt và trở nên xa xôi hơn bao giờ hết. Chao ôi thương nhớ, điệp khúc lặp lại hai lần trong câu thơ đã thể hiện nỗi nhớ da diết khôn nguôi của nhà thơ. Và trong nỗi nhớ thương ấy, hiện lên hình ảnh người mẹ già – người mà tác giả nhớ nhất trong nỗi nhớ của mình.

Mạch thơ tiếp diễn với nỗi nhớ thương da diết, dâng trào. Khi người ta nhớ, người ta thương mà không được nhìn, không được ngắm, không được trở về để yêu thương thì càng khiến con người thêm day dứt, thêm cồn cào ruột gan. Và sau những thoáng buồn thương cho cảnh ngộ của mình trong tù, người chiến sĩ thiết tha yêu cuộc sống lại kiên trì – đấu tranh với những giây phút yếu mềm để vượt lên. Anh nhớ lại hình ảnh của chính mình của “những ngày xưa”, từ cái thời “băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời”, “theo mãi vòng quanh quẩn” để có ngày đến với cách mạng, gặp gỡ lí tưởng cộng sản. Và thế là người tù lại khát khao tự do, thèm muốn được thoát khỏi lao tù để lại được dấn thân vào trường tranh đấu vì sự nghiệp cách mạng.

Rồi một hôm nào, tôi thấy tôi

Nhẹ nhàng như con chim cà lơi

Say hương đồng vui ca hát

Trên chín tầng cao bát ngát trời

Hình ảnh con chim sơn ca như là một biểu tượng cho ước muốn được tung bay trên bầu trời tự do bát ngát, được trở lại với hoạt động trong lòng dân, được trở về với cuộc sống con người tự do. Đây là tâm trạng vui nhất của người chiến sĩ trong tù.

Diễn biến tâm trạng của tác giả trong bài thơ được thể hiện khá chân thực, trọn vẹn và liền mạch. Nỗi nhớ được đánh thức từ một “tiếng hò đưa hố não nùng”. Tiếng hò gợi dậy thế giới đồng quê bên ngoài từ cảnh sắc đến những dáng hình quen thuộc. Rồi nhớ về những ngày còn được thỏa sức hoạt động cho cách mạng, cuối cùng lại trở lại thực tại đau thương của cảnh nhà tù và khát vọng muốn được tự do, được cống hiến. Cả bài thơ thấm đượm nỗi nhớ thương da diết, khôn nguôi; khiến độc giả thêm cảm phục hình ảnh người chiến sĩ cách mạng – nhà thơ Tố Hữu.

Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình của người khác - mẫu 4

Hồ Xuân Hương là một hiện tượng hiếm hoi “nhà thơ nữ viết về phụ nữ”, người manh nha cho việc đòi nữ quyền. Vẻ đẹp và số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến được phản ánh qua thơ Hồ Xuân Hương, tiêu biểu phải kể đến bài thơ “Bánh trôi nước”.

Hồ Xuân Hương sinh ra vào khoảng cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX, hiện nay lai lịch của bà vẫn còn là một điều bí ẩn. Nức tiếng là người có tài, thông minh, xinh đẹp lại giỏi thơ Nôm. Thế nhưng cuộc đời của Hồ Xuân Hương năm lần bảy lượt đều gắn với phận “làm lẽ” nhưng không được hưởng hạnh phúc. Bà được mệnh danh là “Bà chúa thơ Nôm”, sáng tác bao gồm cả chữ Nôm và chữ Hán. “Bánh trôi nước” là bài thơ tiêu biểu viết về vẻ đẹp và số phận bi thương của người phụ nữ trong xã hội xưa khi không được quyết định cuộc sống của chính bản thân mình đồng thời là tiếng nói đòi bình đẳng cho người phụ nữ

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son.”

“Bánh trôi nước” được viết bằng chữ Nôm, theo thể thất ngôn tứ tuyệt, tức là bài thơ gồm bốn câu, mỗi câu bảy chữ. Thể thơ này có nguồn gốc từ thơ Đường ở Trung Quốc, tuân theo những niêm luật chặt chẽ.

Thể thất ngôn tứ tuyệt súc tích, ngắn gọn, ngôn ngữ giản dị, mang nhiều tầng ý nghĩa đã làm nên giá trị quý báu của “Bánh trôi nước” về cả mặt nội dung và nghệ thuật.

Về nội dung, bài thơ mang nhiều tầng ý nghĩa: tả thực chiếc bánh trôi nước, ẩn dụ hình ảnh người phụ nữ. Câu đầu miêu tả chiếc bánh trôi với hình dáng thật đẹp “vừa trắng lại vừa tròn”, qua đó ca ngợi vẻ đẹp trong trắng, dịu dàng, điềm đạm của người phụ nữ. Nhưng “bảy nổi ba chìm” cũng là số phận lênh đênh, lận đận.Câu thơ thứ ba, hình dáng của chiếc bánh đẹp hay xấu, tròn hay méo đều phụ thuộc vào bàn tay người nhào nặn. Mượn hình ảnh ấy, Hồ Xuân Hương thể hiện niềm thương cảm cho số phận vô định của nữ nhi thời bấy giờ : phải phó mặc cuộc đời mình vào tay người đàn ông, hạnh phúc hay khổ đau đều do người chồng quyết định. Qua đó, bà khẳng định vẻ đẹp tâm hồn và phẩm chất truyền thống cao quý của phụ nữ Việt Nam.

Về giá trị hiện thực, “Bánh trôi nước” đã thành công phản ánh, đả kích chế độ phụ quyền và tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã đối xử bất công với người phụ nữ.

Về mặt nghệ thuật, Hồ Xuân Hương mượn hình ảnh chiếc bánh trôi gần gũi với đời thường để ẩn dụ hình ảnh người phụ nữ, nhận thấy qua các từ ngữ đặc tả chiếc bánh (“trắng”, “tròn”, “bảy nổi ba chìm”, “rắn nát”, “lòng son”), thành ngữ “bảy nổi ba chìm” để thể hiện số phận long đong của người con gái, điệp từ “vừa” để nhấn mạnh vẻ đẹp của họ. Ngôn ngữ trong bài thơ giản dị, đậm chất dân gian (“mặc dầu”), mở đầu bằng hai từ “Thân em” giống với cách mở đầu quen thuộc của ca dao than thân. Giọng thơ nhịp nhàng cũng là yếu tố làm nên giá trị của “Bánh trôi nước”

Qua đó, “Bánh trôi nước” thể hiện tài quan sát, liên tưởng, tưởng tượng của bà. Bên cạnh đó, điểm mới của bài thơ này so với các sáng tác đương thời là lời bênh vực, tiếng nói đấu tranh của chính một nhà thơ nữ như Hồ Xuân Hương, đại diện cho phụ nữ - những con người thấp cổ bé họng, không được tôn trọng trong chế độ phong kiến.

Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình của người khác - mẫu 5

Những truyện ngắn của Trương Gia Hoà gây ấn tượng với độc giả bởi một cốt truyện rất nhẹ nhàng và đậm chất thơ. Trong đó là những tình cảm ngọt ngào, nồng ấm của tác giả với những người thân yêu của mình. Truyện ngắn Những chiếc lá thơm tho là một câu chuyện như thế. Với những kỷ niệm ngọt ngào của tuổi ấu thơ bên bà, tác phẩm đã gieo vào lòng người đọc những tình cảm thật tốt đẹp.

Cốt truyện rất nhẹ nhàng, đơn giản, đó là những kỷ niệm tuổi thơ êm đẹp của tác giả với người bà thân yêu của mình. Tác giả nhớ về những ngày còn nhỏ thường được bà bày cho những trò chơi với chiếc lá, rồi những kỷ niệm vui buồn của cuộc đời với người bà thân yêu. Những chiếc lá thơm tho sẽ là hành trang nâng bước trưởng thành của nhân vật. Qua câu chuyện tác phẩm ca ngợi tình cảm bà cháu khăng khít, gắn bó, ca ngợi tình cảm gia đình thiêng liêng. Những kỷ niệm tuổi ấu thơ ngọt ngào vừa là miền ký ức giá trị, lại vừa là hành trang quý giá nâng bước con người trên cuộc đời.

Trước hết truyện ngắn Những chiếc lá thơm tho ca ngợi tình bà cháu đặc biệt là ca ngợi hình ảnh người bà tảo tần, ấm áp với tình yêu thương con cháu tha thiết. Người bà hiện lên quá những hồi ức của đứa cháu là một người phụ nữ giản dị, luôn gần gũi với con cháu, bày cho cháu những trò chơi thú vị “Bà hay bày cho tôi cách chơi với những chiếc lá. Những con cào cào, con chim sẻ, con rết thắt bằng lá dừa. Những cái lồng đèn bằng lá cau kiểng”. Những trò chơi đã gắn kết tình bà cháu lại thật khăng khít đồng thời cũng giúp cháu hiểu thêm về những sự vật xung quanh cuộc sống. Những thứ giản dị như chiếc lá, một nụ hoa nếu chúng ta biết trân trọng nó cũng mang đến những giá trị quý giá. Người cháu nhớ lại những ngày ốm còn được bà xông cảm bằng những loại lá quý như lá bưởi, lá sả, lá ngải cứu… không biết nhờ có mùi của chiếc lá hay là nhờ những giọt mồ hôi của bà mà cháu nhanh khỏi thế. Để bây giờ khi lớn lên rồi, chẳng thể tìm được những nồi nước xông cảm quý giá như vậy… Những kỷ niệm mờ nhoè trong ký ức cứ hiện ra theo dòng hồi tưởng của nhân vật tôi. Điều đó giúp người đọc cảm nhận được tình cảm gắn bó tha thiết của hai bà cháu. Chắc hẳn rằng bà đã quan tâm, chăm chút và yêu thương cháu nhiều như thế nào thì mới đọng lại trong tâm hồn nhân vật tôi nhiều ký ức đẹp đến thế. Kỷ niệm bên bà là những kỷ niệm đẹp đẽ nhất khiến tác giả không thể nào quên.

Từ tình cảm bà cháu, truyện ngắn Những chiếc lá thơm tho là một bài ca ý nghĩa về tình cảm gia đình. Nhân vật tôi luôn trân trọng những ký ức đẹp bên bà cùng những người thân trong gia đình. Những ngày ông bệnh nặng, cả gia đình đều buồn rầu, rồi khi ông ra đi tuy rất hụt hẫng nhưng bà và gia đình đã lo chu toàn để ông được yên nghỉ nơi chín suối. Những kỷ niệm được ghép nối một cách rất tùy hứng nhưng lại rất có dụng ý, tất cả đều xoay quanh tuổi thơ, gia đình. Vì thế có thể nói truyện ngắn còn là một bài ca về tình cảm gia đình, giá trị của tình thân ruột thịt. Nhà văn cũng như muốn nhắc nhở chúng ta hãy trân trọng những ký ức đẹp đẽ của quá khứ, bởi đó là quãng thời gian sẽ không bao giờ trở lại.

Truyện ngắn Những chiếc lá thơm tho được viết bằng người kể chuyện ngôi thứ nhất, nhân vật tôi – đồng thời là tác giả. Điều này giúp mạch truyện được kể một cách tự nhiên hơn, chân thực hơn. Ngôn ngữ kể chuyện giản dị, mộc mạc, mốc thời gian quá khứ, hiện tại đồng hiện trong nhau. Có thể nói đây là một trong những truyện ngắn ý nghĩa về tình cảm gia đình.

Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình của người khác - mẫu 6

Trong cuộc sống, chúng ta luôn nhắc đến những tình cảm cao quý trong cuộc sống, có thể là tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình thân thương hay những tình cảm bạn bè đầy hồn nhiên, trong sáng của lứa tuổi học trò. Nhưng có lẽ tình cảm thiêng liêng và cao quý nhất trong cuộc sống là tình mẫu tử. Có ai được hỏi mà không trả lời là yêu thương mẹ của mình nhất, người đã nuôi nấng, chăm lo cho chúng ta từ khi sinh ra cho đến khi trưởng thành, những cái ôm nhẹ nhàng, ấm áp, những lời ru dịu dàng trong những trưa hè nắng nóng, không để chúng ta thiếu thốn hay cảm thấy buồn bã, người luôn thấu hiểu chúng ta là mẹ. "Tình mẫu tử" chỉ có ba từ ngắn ngủi nhưng ẩn sâu trong đó là những nét đẹp của một tình cảm thiêng liêng, đầy ấm áp. Chính vì vậy, nhà thơ Trương Nam Hương đã thành công khi khắc họa tình mẫu tử chân thực và sâu sắc bài thơ “Trong lời mẹ hát”.

Những dòng thơ đầu tiên, tác giả nhớ về tuổi thơ đầy ấm áp thơ mộng khi nhận được tình cảm yêu thương của người mẹ dành cho những đứa con của mẹ:

Tuổi thơ chở đầy cổ tích

Dòng sông lời mẹ ngọt ngào

Đưa con đi cùng đất nước

Chòng chành nhịp võng ca dao.

Tuổi thơ của ai cũng vậy, từ khi sinh ra cho đến khi lớn lên từ những chăm sóc, nuôi nấng của mẹ, hình ảnh người mẹ quen thuộc bên những lời ru ngọt ngào, những câu truyện cổ tích đầy màu sắc để nuôi dưỡng tâm hồn con được trong trẻo và ấm áp, sự nuôi dưỡng đó không ngại khó khăn, vất vả, mẹ ru con ngủ những trưa hè oi ả, những tiếng ru à ơi nhẹ nhàng ấm áp khiến con chìm vào giấc ngủ ngon. Con đã lớn lên như thế, lớn lên qua lời ru và sự chăm sóc nuôi dưỡng của mẹ. Có thể thấy tình cảm của mẹ là tình cảm vô giá mà có lẽ những đứa trẻ sau này sẽ hiểu và yêu thương mẹ hơn.

Con gặp trong lời mẹ hát

Cánh cò trắng, dải đồng xanh

Con yêu màu vàng hoa mướp

“Con gà cục tác lá chanh”.

Những câu thơ này chính là nói lên vẻ đẹp trong lời ru, những câu ca dao đầy ấm áp của mẹ, người con đã thấy những hình ảnh quen thuộc của làng quê trong câu hát, những rung cảm về cánh đồng xanh mướt, đàn cò trắng lấp ló đứng trên cánh đồng. Hay những màu vàng của hoa mướp, hình ảnh thú vị con gà cục tác, lá chanh được tác giả miêu tả và khắc họa khá thú vị bởi đó là những hình ảnh độc đáo pha chút bình dị mà mộc mạc của một làng quê đầy ấm áp.

Trong lời mẹ hát - một bài thơ không quá dài nhưng có ý nghĩa nhân văn sâu sắc đến con người trong xã hội và khiến cho con người phải nhìn nhận lại bản thân mình với một cái nhìn đúng nghĩa:

"Thời gian chạy qua tóc mẹ

Một màu trắng đến xôn xao

Lưng mẹ cứ còng dần xuống

Cho con ngày một thêm cao."

Thời gian trong bài thơ này thật lạ, nó vô tình đến nỗi được tác giả khắc họa chạy qua tóc mẹ, cứ thế trôi nhanh, thật nhanh mà có lẽ không thể quay đầu lại nhìn dù chỉ là một lần. Thời gian chảy trôi qua tóc mẹ, làm cho mái tóc xanh mượt ngày nào của mẹ giờ đây trở nên bạc trắng, bạc của những âu lo, bạc của những vất vả trong cuộc sống đã đè nặng trên đôi vai mòn mỏi của mẹ, mẹ đã già yếu đi dần, khiến cho người con đi làm không khỏi xót xa. Mẹ già đi thì cũng là lúc con ngày một cao lớn, trưởng thành và đang bước đi trên con đường đời, sau này con cũng sẽ hiểu rằng, gánh nặng của cuộc sống từ những điều nhỏ nhất để thử thách con người vượt qua.

Tình cảm yêu thương của mẹ là vô hạn, yêu thương con bằng cả trái tim, dù có phải làm việc như thế nào, dù có khó khăn đến đâu, mẹ vẫn cố gắng để cho con có một cuộc sống đủ đầy, một cuộc sống tốt mà không phải ghen tị với ai. Đó là sự hi sinh cao cả đầy ấm áp của mẹ, đó là tình cảm vô giá không thể nói và thể hiện ra ngày một ngày hai, đó là một tình cảm to lớn vô cùng, thiêng liêng quý giá. Tác giả sử dụng phép nhân hóa và dùng từ láy độc đáo làm ấn tượng đối với độc giả và lay động trái tim bao người con.

Cuộc sống nhiều thay đổi, người con đã dành thời gian vào công việc, quên đi những tình cảm bình dị, những yêu thương bình dị của mẹ mà khi ở nơi xa lạ, người con đã vô tình quên đi tình mẹ nơi quê nhà. Những hình ảnh bình dị, mộc mạc của mẹ, mái tóc bạc trắng, lưng đã mỏi, sức đã yêu dần đi những câu thơ đã khiến cho biết bao thế hệ bạn đọc cảm thấy xót xa, ngậm ngùi, đánh thức tình cảm và ý thức trách nhiệm của con với đấng sinh thành:

"Mẹ ơi trong lời mẹ hát

Có cả cuộc đời hiện ra

Lời ru chắp con đôi cánh

Lớn rồi con sẽ bay xa ..."

Đến đây, người con đã bộc lộ những tình cảm chân thật của mình dành cho người mẹ, trong hình ảnh giản dị từ cuộc đời, lời ru của mẹ, sự chăm sóc nuôi nấng của mẹ là sức mạnh để cho con bước vào đời, vươn cao và bay xa đến những tầm cao mới. Phép nhân hóa chính là biện pháp nghệ thuật hết sức đặc sắc khi cho rằng lời ru đã “chắp con đôi cánh”. Câu nói đã tiếp thêm động lực, sức mạnh cho người con để con vững tin hơn vào cuộc sống, vững chân trên con đường mà mình đã đi, dù có ra sao, thành công hay thất bại thì vẫn có mẹ ở đây, ở phía sau con chắp cánh cho ước mơ của con và giúp con vượt qua những khó khăn.

Tình mẫu tử chính là tình cảm cao quý nhất trên thế gian, thiêng liêng và ấm áp đến lạ, không gì có thể so sánh được. Cuộc sống chúng ta, hãy biết yêu thương mẹ hơn, quan tâm mẹ hơn để hiểu được những công lao to lớn mà mẹ đã dành cho mình. Bài thơ Trong lời mẹ hát có lẽ là bài thơ vô cùng thành công đối với Trương Nam Hương - đã in dấu một tình cảm thiêng liêng đầy ấm áp của cuộc sống mà bạn đọc không thể bỏ qua.

Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình của người khác - mẫu 7

Chào mọi người, em tên là… học sinh lớp…Mỗi lĩnh vực trong đời sống đều mang đến cho con người nguồn cảm hứng và những cảm xúc khác nhau. Văn học cũng vậy, nó là lĩnh vực mà khi tiếp cận, con người có thể sống cùng, vui cùng, khóc cùng nhân vật, cảm thụ được những tư tưởng đạo lý mà người nghệ sĩ gửi gắm. Với tôi, có lẽ trong suốt hành trình văn học mà tôi đã trải qua, tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc nhất.

Nhắc đến nhà văn Nguyễn Thành Long, ông là một cây bút chuyên viết về tiểu thuyết và truyện ngắn từ thời kháng chiến chống Pháp. Từng trang văn của Nguyễn Thành Long đều đậm đà chất thơ, giàu ý vị nhẹ nhàng, tình cảm, khiến người đọc như bước vào một thế giới tinh mơ, thanh thảo, bên cạnh đó cũng giàu chất triết lý sâu xa trong từng câu từ. Và truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” cũng là một trong số đó.

Tác phẩm là kết quả của chuyến đi Lào Cai thực tế của tác giả vào năm 1970, nó được in trong tập “Giữa trong xanh” (1972). Với tác phẩm này, nhà văn đã làm nổi bật lên đề tài về cuộc sống mới hòa bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Từ đó, ca ngợi những con người sống và làm việc thầm lặng, cống hiến cho đất nước cho cuộc sống.

Truyện mở đầu bằng hoàn cảnh của chuyến xe khách từ Hà Nội lên Lào Cai với ông họa sĩ già, bác lái xe, cô kĩ sư trẻ. Ông họa sĩ và cô kĩ sư đã được bác lái xe đã giới thiệu về anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn. Cuộc gặp gỡ tuy chóng vánh, anh thanh niên đã để lại biết bao ấn tượng cho mọi người. Anh tặng hoa cho cô kĩ sư, pha trà và trò chuyện với họ về cuộc sống và công việc của mình, như sở thích nuôi gà, trồng hoa, làm bạn với công việc. Đặc biệt, khi ông họa sĩ muốn vẽ chân dung anh thanh niên, anh đã từ chối và giới thiệu với ông những người khác mà anh cho là xứng đáng hơn. Khi chia tay, ông họa sĩ hứa sẽ quay trở lại còn cô kĩ sư thì thấy xúc động. Người thanh niên đã làm rung động trái tim của những vị khách mới quen.

Truyện được chia làm ba đoạn, với ba sự kiện: Đoạn 1 là việc bác lái xe giới thiệu về anh thanh niên qua lời kể của mình, đoạn 2 là cuộc gặp gỡ, trò chuyện giữa anh thanh niên với ông họa sĩ và cô kĩ sư, và đoạn 3 là cuộc chia tay đầy ấn tượng. Song sóng với đó, người đọc có thể cảm nhận được nét vẽ chấm phá rõ nét về cảnh sắc thiên nhiên Sa Pa và vẻ đẹp con người Sa Pa.

Thiên nhiên Sa Pa đẹp dịu dàng, giàu chất thơ ấm áp với nắng, con đèo, cây hoa tử kinh, rừng, ấy bị nắng xua, các vòm lá ướt sương, “rơi xuống đường cái, luồn cả vào gầm xe.”

Chỉ với một vài nét vẽ cơ bản, tác giả đã vẽ nên bức tranh thiên nhiên Sa Pa với vẻ đẹp thơ mộng, thanh thảo, bằng ngôn ngữ trong sáng, đường nét như “mạ bạc”, “nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng”, “cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương”. Bức tranh ấy như gợi mở phần nào về con người nơi đây.

Vẻ đẹp con người nơi núi rừng Sa Pa không phải là những vị thần trong truyền thuyết, cũng không phải những người anh hùng lẫy lừng vang danh sử sách muôn đời, họ là những con người âm thầm làm việc, ngày qua ngày. Đó là anh thanh niên mà qua lời kể của bác lái xe là người “cô độc nhất thế gian”, rất “thèm người”, làm việc trên đỉnh núi Yên Sơn cao 2600m, quanh năm làm bạn với mây mù và cây cỏ, trong hoàn cảnh sống khắc nghiệt. Trong ấn tượng của bác hoạ sĩ, đó là người mà “Trong cái im lặng của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sa Pa, Sa Pa mà chỉ nghe tên, người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước.”. Người thanh niên ấy có lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm với công việc cao, tự tìm thấy niềm vui trong công việc của mình; có sự chân thành, cởi mở và lòng hiếu khách đáng quý khi tặng củ tam thất cho vợ bác lái xe, vui sướng khi có khách đến chơi nhà. Và ở anh là sự khiêm tốn và một nếp sống ngăn nắp gọn gàng mà anh tự tạo ra với những thói quen đọc sách, trồng hoa, nuôi gà, ... Anh thanh niên là nhân vật trung tâm của truyện, và chỉ bằng những nét vẽ đơn giản, nhà văn đã khắc hoạ lên một con người giàu ý chí, tinh thần cống hiến, yêu đời, yêu cuộc sống.

Ngoài ra còn có những nhân vật như ông hoạ sĩ, cô kỹ sư, bác lái xe, ông kĩ sư vườn rau, anh cán bộ nghiên cứu bản đồ sét. Họ là những nhân vật đã góp phần đem đến những gam màu sắc đa dạng cho câu chuyện.

Truyện đã khẳng định vẻ đẹp của con người lao động và ý nghĩa của những công việc thầm lặng trong cuộc sống, Cốt truyện đơn giản, nhân vật được xây dựng qua điểm nhìn của nhân vật khác là một yếu tố đặc sắc của tác phẩm. Qua truyện này, bài học về tinh thần hi sinh, cống hiến cho cuộc sống, cho cuộc đời đã được nhà văn gửi gắm đến người đọc.

“Lặng lẽ Sa Pa” là một truyện ngắn hay và giàu cảm xúc. Nó xứng đáng là một tác phẩm mà mỗi chúng ta nên đọc và cảm nhận một lần trong cuộc sống.

Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình của người khác - mẫu 8

Chào mọi người, em tên là… học sinh lớp…. “Thương người như thể thương thân” - đạo lý đó luôn nhắc nhở chúng ta hãy yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Vào sáng thứ bảy tuần trước, lớp em đã có buổi từ thiện đến trường tiểu học Hùng Sơn thuộc xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An.

Khi nghe thầy cô phổ biến về điều kiện khó khăn trong học tập cũng như trong kinh tế của gia đình các em học sinh trường tiểu học Hùng Sơn. Lớp em đã có kế hoạch quyên góp các vật dụng sinh hoạt hằng ngày như quần áo, đồ dùng học tập như bút, thước, sách vở… Tuy là những món đồ cũ nhưng chúng em luôn hi vọng rằng sẽ giúp một phần nào đó cho cuộc sống của các bạn nơi vùng cao.

Đúng sáu giờ sáng có mặt và tập trung tại trường, chúng em với niềm hăm hở và háo hức hơn so với ngày thường khi ngồi trên xe đi đến một miền đất mới, được gặp các bạn mới. Ngồi ở trên xe, cả lớp hát những bài hát vui nhộn và quen thuộc như “Lớp chúng mình”, “Em là búp măng non” tạo nên không khí thật náo nhiệt và “độ nóng” cho chuyến đi. Sau gần hai tiếng ngồi trên xe, tuy có hơi mệt một chút vì đường gồ ghề và nhiều ổ gà nhưng nụ cười luôn nở trên môi các bạn. Được thông báo trước, các thầy cô và các bạn ở đây đã chuẩn bị rất chu đáo và đón tiếp đoàn chúng em rất nhiệt tình và niềm nở. Các bạn mặc bộ quần áo đẹp hơn. Sân trường, lớp học được quét dọn sạch sẽ, bảng đen được lau chùi kĩ càng, bàn ghế được sắp xếp ngay ngắn.

Mọi thứ thật tươm tất và sẵn sàng để đón những vị khách từ xa đến. Ngoài kia, những vườn rau xanh tươi tốt của những lớp học bán trú được chăm sóc và làm cỏ sạch sẽ. Luống rau sạch sẽ mang lại những bữa ăn đạm bạc nhưng giàu tình đoàn kết và sự che chở lẫn nhau của các bạn ở vùng cao phải sống xa cha mẹ. Trước khi đến đây, chúng em được biết gia đình các bạn rất khó khăn, đồng thời điều kiện đi lại rất nguy hiểm. Những lúc trời mưa thì lũ quét, bùn lầy, trời nắng thì đất nứt nẻ, khô cằn. Và có thể, chính những điều đó đã tôi luyện cho các bạn học sinh nơi đây sự chăm chỉ, chịu khó.

Sau khi gửi lời chào và lời hỏi thăm tới các thầy cô và các bạn, đoàn chúng em mang những thùng mì tôm, những bao gạo, tập sách vở… từ trên ô tô xuống. Các thầy cô rất vui và xúc động, gửi lời cảm ơn sâu sắc. Các bạn học sinh thì rất hăm hở, cẩn thận nhận món quà từ chúng em. Khi phát quà xong, trời cũng đã trưa. Mọi người chia nhau đi hái rau và nấu cơm. Mọi người đều vui vẻ trò chuyện và sẻ chia công việc với nhau giúp chúng em cảm thấy rất thân thiết và gần gũi. Bữa cơm tuy rất đơn giản, nhưng mọi người ăn rất ngon miệng với tiếng cười rôm rả.

Những việc nhỏ nhoi mà bản thân có thể làm nhưng có thể đem đến niềm vui cho người khác làm bản thân mình cảm thấy có ích hơn đối với xã hội, với cuộc sống. Ở cuộc sống này có những con người đang cần lắm những tấm lòng như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: “Sống trên đời sống, cần có một tấm lòng”.

Khi đã thu dọn xong mọi thứ, chúng em chuẩn bị ra về cho buổi học ngày mai. Trước khi ra về, mọi người đều lưu luyến, bịn rịn chẳng muốn rời. Buổi từ thiện đã để lại cho em những kỉ niệm khó quên và có những người bạn mới thật thú vị. Hy vọng rằng sau này em có thể tham gia nhiều hoạt động từ thiện hơn nữa để làm những việc có ích.

Em rất thích những cuộc từ thiện ở quê hương, hay trường học của em, những buổi tình nguyện từ thiện giúp em rất nhiều trong cuộc sống. Đó là những bài ngoại khóa, hay những bài học thực tế để em có thể hiểu cuộc sống này nhiều hơn nữa.

Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình của người khác - mẫu 9

Chào mọi người, tôi tên là… học sinh lớp…. Các bạn ạ, người Việt Nam có truyền thống yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Vì vậy, nhiều sự kiện xã hội quan trọng được tổ chức hàng năm. Tôi cũng có cơ hội tham gia một số hoạt động này.

Miền Trung là vùng đất phải hứng chịu nhiều thiên tai. Mặc dù người dân đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa như gia cố nhà cửa, tích trữ lương thực ở nơi cao hay sơ tán khỏi tâm bão. Tuy nhiên, bão lũ vẫn tiếp tục gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như cuốn trôi nhà cửa, tài sản hoặc khiến nhiều người thiệt mạng, mất tích. Kết quả là nhiều sự kiện xã hội đã được tổ chức cho mảnh đất miền Trung thân yêu.

Một hoạt động vô cùng ý nghĩa dành cho “Miền Trung” cũng đã được bắt đầu ở trường tôi.Cuối tuần trước, hiệu trưởng đã gặp các giáo viên chủ nhiệm của các lớp. Sau đó, giáo viên chủ nhiệm quay lại gặp các bạn trong lớp. Các thầy cô và học sinh của trường thấy hoạt động này có ý nghĩa nên đã hưởng ứng nhiệt tình. Chúng tôi có thể quyên góp thực phẩm, quần áo, sách hoặc tiền. Mỗi người góp một phần nhỏ để tạo nên một lực lượng lớn.

Khi nghe cô giáo chủ nhiệm kể lại chuyện đó, tôi rất xúc động. Về đến nhà, tôi kể lại chuyện đó cho bố mẹ. Sau khi lắng nghe, tất cả các bậc phụ huynh đều hưởng ứng về hoạt động đầy ý nghĩa này. Mẹ đưa tôi đến hiệu sách mua đồ dùng học tập. Cha tôi cũng cho tôi một số tiền nhỏ để ủng hộ. Tôi đã đóng gói quần áo mới và sách mới mà không dùng đến để mang đến trường ủng hộ.

Sáng hôm sau tôi vui vẻ mang các đồ dùng đã chuẩn bị đến trường. Điều tương tự cũng xảy ra với các bạn cùng lớp của bạn. Nhiều đồ dùng học tập và quần áo mới đã được mang đến. Hoạt động diễn ra trong tuần. Giáo viên chủ nhiệm lớp có trách nhiệm thu thập số liệu thống kê và gửi cho giáo viên phụ trách. Cuối tuần này chuyến xe từ thiện rời trường mang quà đến cho người dân ở các tỉnh miền Trung, đặc biệt là các em học sinh. Tôi tin rằng người dân vùng miền Trung sẽ rất vui và ấm áp khi nhận được những món quà này.

Tôi rất hạnh phúc khi làm được một việc tốt. Tôi cũng hy vọng rằng nhiều hoạt động như thế này sẽ được tổ chức để chia sẻ và hỗ trợ những người khó khăn.

Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình của người khác - mẫu 10

Chào mọi người, em tên là… học sinh lớp…. Các bạn thân mến, sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, nó đã để lại bao đau thương và mất mát về cả mặt tinh thần lẫn vật chất đối với mỗi cá nhân trong cộng đồng, đặc biệt là những đứa trẻ mất đi gia đình, người thân của mình, lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Thật tình cờ khi em đọc được những bài báo liên quan đến thông tin đó, em đã đăng kí tham gia và may mắn trở thành viên của dự án “True love” gây quỹ ủng hộ trẻ em mồ côi, khó khăn do dịch Covid-19 tại Hồ Chí Minh.

Biết được chiến lược của ban Tổ chức đề ra, em đã vô cùng cảm thấy thích thú và hi vọng trải nghiệm quý báu này sẽ góp công sức nhỏ bé để giúp đỡ các em bé mồ côi, khó khăn thêm động lực, tiếp sức mạnh hướng về tương lại phía trước. Ngoài ra, Ban tổ chức mong muốn lan tỏa các thông điệp tích cực; phát huy tinh thần tương thân, tương ái, văn minh, nghĩa tình của người dân Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng nhằm giúp đỡ, chăm lo cho thanh thiếu nhi, người dân bị ảnh hưởng sau dịch Covid-19, các tấm gương kiên trì vượt qua khó khăn; đồng thời, tạo sân chơi giải trí lành mạnh cho đoàn viên, thanh niên, người hâm mộ thể thao, bóng đá trong nước và quốc tế. Ban Thư ký Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TPHCM dự kiến sẽ gây quỹ và hỗ trợ được ít nhất 1.500 trẻ em, người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố.

Theo Ban Tổ chức, Đội hình huyền thoại của CLB Borussia Dortmund sẽ tới Việt Nam thi đấu với Các ngôi sao Việt Nam (Vietnam All Stars). Trận đấu diễn ra trên Sân vận động Thống Nhất (TPHCM) vào 19 giờ 00 ngày 28/9. Sau khi kết thúc trận đấu, số tiền gây quỹ được sẽ trao đến địa phương nơi có những em bé mồ côi, gặp khó khăn. Và khi đó, những học sinh tham gia tự nguyện như chúng em sẽ theo các đoàn đến từng điểm nhà các em, động viên, hỏi thăm và trao các phần quà để ủng hộ tinh thần các bé.

Trong suốt quá trình chuyến đi thiện nguyện, em vẫn nhớ mãi hình ảnh em bé Trần Mai A với đôi mắt rưng rưng khi nhắc về khoảng thời gian khó khăn mất cả cha lẫn mẹ, em phải sống với bà nội già yếu, không còn khả năng làm ra kinh tế. Việc phải chăm lo cho bà, vừa phải đi nhặt đồng nát kiếm ăn, thật quá sức với một trẻ nhỏ mới 8 tuổi. Em bé có nói một câu mà khiến tim em như ngưng lại, nghèn ngào lúc ấy. Em nói “Em chỉ ước cha và mẹ sống lại”. Tham gia những hoạt động này, em mới thấm thía được nhiều bài học về những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống. Đại dịch Covid diễn ra quá nặng nề và đau thương, cướp đi rất nhiều “bờ vai” vững chắc của các em nhỏ, mà không có gì có thể đánh đổi lại được. Cuộc sống của các em thật khắc nghiệt và khó khăn. Những nỗi đau mà các em phải trải qua chắc sẽ không bao giờ quên được.

Thông qua dự án này, em cũng hy vọng bản thân mình đã góp sức và lan tỏa được niềm hạnh phúc, động lực sống giúp cho những em bé được an ủi phần nào. Cũng nhờ việc làm đó mà em cảm thấy đáng sống và cảm thấy mình sống có ý nghĩa hơn. Mong rằng trong tương lai gần, em sẽ có cơ hội tham gia nhiều chuyến đi, nhiều dự án thiện nguyện hơn nữa để góp phần làm đẹp cho đời.

Xem thêm các bài viết Tập làm văn lớp 8 hay khác:

Săn shopee siêu SALE :

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, GÓI THI ONLINE DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 8

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi dành cho giáo viên và gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài Soạn văn 8 hay nhất, ngắn gọn của chúng tôi được biên soạn bám sát nội dung sgk Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo Tập 1 và Tập 2 (NXB Giáo dục).

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Tài liệu giáo viên