Thực hiện một trong hai đề bài sau: Đề 1: Viết bài văn nghị luận phân tích đoạn trích Kiều mắc lừa Hồ Tôn Hiến

Thực hiện một trong hai đề bài sau: Đề 1: Viết bài văn nghị luận phân tích đoạn trích Kiều mắc lừa Hồ Tôn Hiến

Câu 2 trang 87 SBT Ngữ Văn 9 Tập 1: Thực hiện một trong hai đề bài sau:

Quảng cáo

Đề 1: Viết bài văn nghị luận phân tích đoạn trích Kiều mắc lừa Hồ Tôn Hiến (trích Truyện Kiều, Nguyễn Du).

Đề 2: Viết bài văn nghị luận phân tích đoạn trích Chí khí anh hùng (trích Truyện Kiều, Nguyễn Du).

Nửa năm hương lửa đương nồng,

Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương

Trông vời trời bể mênh mang,

Thanh gươm, yên ngựa, lên đường thẳng dong

Nàng rằng: “Phận gái chữ tòng,

Chàng đi thiếp cũng quyết lòng xin đi”.

Từ rằng: “Tâm phúc tương tri

Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?

Bao giờ mười vạn tinh binh,

Tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường;

Làm cho rõ mặt phi thường,

Quảng cáo

Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.

Bằng nay bốn bể không nhà.

Theo càng thêm bận, biết là đi đâu?

Đành lòng chờ đó ít lâu

Chầy chăng là một năm sau, vội gì!”

Quyết lời dứt áo ra đi,

Gió đưa bằng tiện đã lìa dặm khơi.

(In trong Truyện Kiều, Đặng Thanh Lê giới thiệu và chú thích, in lần thứ 4, có bổ sung, NXB Giáo dục, 1984)

Trả lời:

Đề 1:

Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết

- Xác định đề tài, người đọc, mục đích viết:

+ Đề tài bài viết là chủ đề và nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của một đoạn trích (Kiều mắc lừa Hồ Tôn Hiến/ Chí khí anh hùng trong Truyện Kiều (Nguyễn Du).

Quảng cáo

+ Người đọc và mục đích viết: học sinh, giáo viên; mục đích làm sáng tỏ để thấy được cái hay cái đẹp trong nội dung và nghệ thuật của các đoạn trích thơ.

- Thu thập tư liệu: thực hiện theo hướng dẫn trong SGK, phần Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học, Bài 2 (Giá trị của văn chương).

Chú ý xác định tính chính xác, độ tin cậy của tư liệu. Có thể dùng bảng sau để ghi chép tóm tắt thông tin tư liệu khi thu thập:

Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý

- Đối với đoạn trích Chí khí anh hùng, em có thể tìm ý theo những gợi ý sau:

+ Chủ đề chính: chí khí anh hùng của nhân vật Từ Hải. Chí khí ấy được biểu hiện qua cách tác giả miêu tả hình tượng người anh hùng Từ Hải, sử dụng kết hợp ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật. Chí khí ấy giúp người đọc hiểu được ước mơ, lí tưởng anh hùng của Nguyễn Du trong hoàn cảnh tù túng của xã hội phong kiến lúc bấy giờ

Quảng cáo

+ Nét đặc sắc về nghệ thuật của đoạn trích được thể hiện qua cách tác giả miêu tả hình tượng người anh hùng theo khuynh hướng lí tưởng hóa; cách tác giả sử dụng kết hợp ngôn ngữ tác giả với ngôn ngữ nhân vật để vừa khắc họa lí tưởng anh hùng của nhân vật vừa bộc lộ thái độ trân trọng, ca ngợi, khẳng định của tác giả đối với Từ Hải.

Lưu ý: Đối với truyện thơ, khi xác định những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật, cần chú ý đến đặc điểm của thể loại truyện thơ (cốt truyện, nhân vật, lời thoại).

- Có thể tham khảo dàn ý bài văn nghị luận phân tích đoạn trích Chí khí anh hùng như sau:

Mở bài:

- Giới thiệu đoạn trích, tác phẩm, thể loại, tác giả.

- Nêu ý kiến khái quát về chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm.

Thân bài:

a. Tóm tắt vị trí của đoạn trích trong toàn bộ tác phẩm Truyện Kiều (Nguyễn Du): Đoạn trích là phần văn bản được trích từ câu 2213 đến câu 2230 trong Truyện Kiều. Bị đẩy vào lầu xanh lần thứ hai, trong lúc tâm trạng đang vô cùng chán chường, tuyệt vọng, Kiều gặp Từ Hải.Họ gặp nhau như những người tri kỉ. Từ Hải đánh giá Kiều rất cao, Kiều cũng nhận ra Từ Hải là một đấng anh hùng. Từ đã bỏ tiền chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh. Tuy nhiên tình yêu không thể giữ chân Từ Hải được lâu, sau nửa năm “hương lửa” mặn nồng, Từ Hải từ giã Kiều ra đi để lập sự nghiệp anh hùng với lời hẹn ước sẽ quay về sau một năm.

b. Những nét đặc sắc liên quan đến hình thức nghệ thuật của đoạn trích

- Cách miêu tả hình tượng người anh hùng theo khuynh hướng lí tưởng hóa.

+ Lí lẽ 1: Trong văn học trung đại, người anh hùng thường là những nhân vật lí tưởng, xuất chúng, phi thường. Vì thế để miêu tả họ, các tác giả thường dùng những từ ngữ, hình ảnh có tính chất khuôn mẫu, ước lệ và gợi liên tưởngđến không gian rộng lớn, bao la, kì vĩ khoáng đạt của vũ trụ. Tất cả những từ ngữ, hình ảnh mới phù hợp với tầm vóc, lí tưởng, khát vọng, hoài bão lớn lao của người anh hùng.

⇒ Bằng chứng: Khắc họa chân dung Từ Hải, tác giả dã sử dụng những từ ngữ, hình ảnh mang cảm hứng vũ trụ để miêu tả phù hợp lí tưởng, chí hướng tung hoành, vẫy vùng trong bốn bể của nhân vật, từ đó góp phần nâng cao tầm vóc của nhân vật như: lòng bốn phương, trời bể mênh mang, mười vạn tinh binh, tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường, bốn bể,…Ngoài ra, tác giả còn sử dụng những từ ngữ, hình ảnh có tính chất ước lệ để tô đậm vẻ đẹp lí tưởng của hình tượng người anh hùng, chẳng hạn như: trông vời trời bể mênh mang, gió đưa bằng tiện đã lìa dặm khơi,…

+ Lí lẽ 2: Vẻ đẹp của người anh hùng còn được tập trung khắc họa qua những hành động, suy nghĩ dứt khoát, mạnh mẽ, quyết liệt để tô đậm hùng tâm, tráng chí của nhân vật.

⇒ Bằng chứng: thoắt đã động lòng bốn phương, thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong, quyết lời dứt áo.

- Kết hợp khéo léo ngôn ngữ của tác giả với ngôn ngữ nhân vật để vừa khắc họa lí tưởng anh hùng của nhân vật vừa bộc lộ thái độ, đánh giá đối với nhân vật.

+ Lí lẽ 1: Sử dụng ngôn ngữ người kể chuyện để gián tiếp bộc lộ thái độ trân trọng, kính phục của Nguyễn Du với người anh hùng Từ Hải.

⇒ Bằng chứng: dùng những từ ngữ có sắc thái ngợi ca, tôn kính để gọi Từ Hải (trượng phu, lòng bốn phương), dùng hình tượng chim bằng để nói về Từ Hải.

+ Lí lẽ 2: Chủ yếu dùng ngôn ngữ đối thoại của nhân vật để thể hiện lí tưởng, chí khí anh hùng của nhân vật Từ Hải: quyết liệt, dứt khoác ra đi vì lí tưởng, không quyến luyến, bịn rịn trong buổi chia tay; tự tin ước hẹn chắc nịch về một tương lai huy hoàng, rực rỡ à Bằng chứng: Từ rằng: “Tâm phúc tương tri/ Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình; Làm cho rõ mặt phi thường/ Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia; Đành lòng chờ đó ít lâu/ Chầy chăng là một năm sau vội gì?...

c. Trình bày luận điểm về chủ đề của đoạn trích:

- Chủ đề chính của đoạn trích (chí khí anh hùng của nhân vật Từ Hải) được tập trung làm rõ từ những yếu tố đặc sắc về hình thức nghệ thuật của đoạn trích.

+ Lí lẽ 1: Chọn được sự việc đặc biệt để thể hiện một cách ấn tượng chí khí hào hùng của nhân vật Từ Hải: sự việc chia tay giữa Thúy Kiều và Từ Hải giữa lúc tình cảm đương mặn nồng. Trong bối cảnh ấy, thông thường người trong cuộc sẽ bịn rịn, quyến luyến không rời. Tuy nhiên, Từ Hải trước lời nguyện cầu tha thiết, chan chứa tình cảm của Kiều, dù vẫn rất ân cần khuyên nhủ nhưng dứt khoát mạnh mẽ, hết lời dặn dò, động viên, thấu hiểu Kiều và hẹn ngày trở về với bao niềm tin mãnh liệt vào sự thắng lợi.

⇒ Bằng chứng: “Tâm phúc tương tri/ Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình”

+ Lí lẽ 2: Cách tác giả miêu tả nhân vật người anh hùng theo khuynh hướng lí tưởng hóa, kết hợp tài tình giữa ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật để tô đậm vẻ đẹp lí tưởng của nhân vật à Tập trung hướng đến việc làm rõ chí khí anh hùng của nhân vật Từ Hải.

- Việc tô đậm chí khí ấy là một sự sáng tạo của Nguyễn Du, từ đó giúp người đọc hiểu rõ hơn về ước mơ, lí tưởng anh hùng của tác giả trong hoàn cảnh tù túng của xã hội phong kiến lúc bấy giờ.

+ Lí lẽ 1: Trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Từ Hải chỉ được xây dựng với chân dung của một tên cướp. Tuy nhiên, đến Truyện Kiều, Nguyễn Du lại khắc họa chân dung Từ Hải là một người anh hùng phi thường với bút pháp miêu tả ước lệ, mang đậm cảm hứng vũ trụ.

⇒ Bằng chứng: “Lúc ấy có một hảo hán tên Hải họ Từ, tự là Minh Sơn, có tính khoáng đạt rộng rãi, giàu sang coi nhẹ, tì thiếp coi thường, lại còn tinh cả lục thao tam lược, nổi danh cái thế anh hùng, Trước cũng theo nghề nghiên bút, thi hỏng mấy khóa, sau mới xoay ra thương mại, tiền của có thừa, lại thích kết giao với những giang hồ hiệp khách” (hồi 17, Kim Vân Kiều truyện)

+ Lí lẽ 2: So Kim Vân Kiều truyện, đoạn trích Chí khí anh hùng là một sáng tạo của Nguyễn Du, qua đó tác giả gửi gắm ước mơ về một ngườfia nh hùng có sức mạnh phi thường để có thể thực thi công lí trong cảnh đời tù túng của xã hội cũ.

⇒ Bằng chứng: Trong Kim Vân Kiều truyện, cuối hồi thứ 27, Thanh Tâm Tài Nhân chỉ kể về sự việc Từ Hải sau khi cứu được Kiều ra khỏi lầu xanh thì “sắm một căn nhà ở với Thúy Kiều. Được năm tháng bèn từ biệt ra đi. Chưa biết sau khi đi thế nào, hãy xem hồi sau phân giải”. Như vậy, trong Kim Vân Kiều truyện, tác giả không miêu tả cảnh tiễn biệt để tô đậm khí phách hào hùng của nhân vật.

Kết bài:

- Khẳng định lại ý kiến về chủ đề và những nét đặc sắc liên quan đến hình thức nghệ thuật của tác phẩm.

- Nêu suy nghĩ, cảm xúc, trải nghiệm cá nhân về tác phẩm hoặc bài học rút ra từ tác phẩm.

Bước 3: Viết bài

Dựa trên dàn ý đã lập, em tiến hành viết bài.

Trước khi viết, em cần đọc lại một số lưu ý được trình bày trong sách giáo khoa, phần Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học và Bảng kiểm kĩ năng viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học: chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật (Bài 2) để hiểu rõ hơn về yêu cầu của kiểu bài.

Trong khi viết, em nên thường xuyên đọc lại những phần đã viết, đối chiếu với những tiêu chí của bảng kiểm để đảm bảo bài viết luôn đáp ứng các yêu cầu của kiểu bài.

Bài văn mẫu tham khảo:

Nếu thơ chữ Hán của Nguyễn Du là tấm gương rọi chiếu tấc lòng của người nghệ sĩ tài hoa trong những tháng năm cuộc đời có nhiều đau thương và biến động dữ dội thì Truyện Kiều là nơi thi hào gửi gắm nhiều trăn trở, suy tư, cả những nỗi niềm xót xa, bi phẫn trước thực trạng đau khổ của con người trong xã hội phong kiến. Đoạn trích “Kiều mắc lừa Hồ Tôn Hiến” là một đoạn tiêu biểu trong Truyện Kiều đã thể hiện rõ nội dung ấy.

Đoạn trích gồm hai phần: Phần 1 là từ đầu đến câu “Vương sư dòm đã tỏ tường thực hư”: Thuý Kiều mắc lừa Hồ Tôn Hiến, Từ Hải đầu hàng. Phần hai là phần còn lại: Từ Hải bị phục binh, chết đứng giữa trận tiền.

Nhân vật Thúy Kiều hiện lên rõ nét với những chi tiết miêu tả hành động, ngôn ngữ, suy nghĩ. Suy nghĩ của Thuý Kiều: nếu hàng triều đình thì vừa vì nước, vì nhà vừa trung vừa hiếu và có cơ hội làm mẹ cha rõ ràng:

“Cũng ngôi mệnh phụ đường đường,

Nở nang mày mặt, rõ ràng mẹ cha.

Trên vì nước, dưới vì nhà,

Một là đắc hiếu, hai là đắc trung.

Chẳng hơn chiếc bách giữa dòng,

E dè sóng gió, hãi hùng cỏ hoa”.

Lời nói khéo léo, thuyết phục được Từ Hải:

“Ngẫm từ gây việc binh đao,

Đống xương Vô Định đã cao bằng đầu.

Làm chi để tiếng về sau,

Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào!

Sao bằng lộc trọng, quyền cao,

Công danh ai dứt lối nào cho qua?”

Hành động khóc và nhận lỗi, “liều sống thác một ngày”, gieo đầu bên xác Từ Hải.

Những chi tiết ấy cho thấy Thuý Kiều là người tốt, rất muốn vừa “đắc trung”, vừa “đắc hiếu”, không muốn gây việc binh đao khiến nhiều người phải chết oan. Nàng cũng là người thông minh, khéo léo nên đã dùng lí lẽ thuyết phục được Từ Hải. Tuy nhiên, nàng cũng là phụ nữ “thật dạ tin người” nên đã mắc mưu của Hồ Tôn Hiến. Khi nhận thấy vì nghe lời mình mà chồng phải chết đứng, nàng đã toan tự vẫn. Điều này cho thấy nàng chung tình với chồng và không phải là người ham sống sợ chết.

Bên cạnh đó, nhân vật Từ Hải cũng xuất hiện rõ nét. Qua cách hành động, suy nghĩ của nhân vật thể hiện trong đoạn trích có thể thấy Từ Hải là đấng anh hùng đã từng tung hoành ngang dọc, “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Đến khi biết mình mắc mưu Hồ Tôn Hiến, chàng đã xông pha giữa trận tiền giữ vững bản lĩnh của một vị tướng quân. Ngay cả cái chết của vị tướng quân này cũng được tác giả miêu tả một cách rất đặc sắc:

“Khí thiêng khi đã về thần,

Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng!

Trơ như đá, vững như đồng,

Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng rời”.

Trái với Từ Hải, Hồ Tôn Hiến hiện lên qua văn bản trên là một con người mưu mô, sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích. Hắn biết Thuý Kiều vốn là phụ nữ nhẹ dạ, cả tin nên đã dùng lễ riêng để nói ngọt cho nàng tin lời chiêu hàng. Nhưng rồi hắn đã trở mặt “Lễ tiên, binh hậu, khắc cờ tập công”, “Lễ nghi dàn trước, bác đồng phục sau để tiêu diệt Từ Hải và quân lính của chàng.

Nguyễn Du đã rất hiểu nhân vật của mình và đã khéo léo lựa chọn các chi tiết tiêu biểu để xây dựng thành công các nhân vật ấy. Đoạn trích ngắn trên cũng đã giúp chúng ta thấy rõ được tài năng này của nhà thơ. Thông qua hình tượng nhân vật chính (Thuý Kiều) và một số từ ngữ, chi tiết quan trọng (từ ngữ: “thật dạ tin người”,...; chi tiết suy nghĩ của Kiều và lời nàng thuyết phục Từ Hải, chi tiết Hồ Tôn Hiến phục binh khiến Từ Hải sa cơ chết đứng giữa trận tiền, chi tiết Kiều khóc và phục xuống bên cạnh Từ Hải và chàng “ngã ra”,...). Đoạn trích gửi gắm thông điệp: Hãy giữ gìn những gì tốt đẹp mà mình đã có, cần cẩn trọng, tránh mắc lừa và rơi vào cạm bẫy của kẻ thù. Thông điệp này vẫn còn giá trị đến ngày nay.

Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm

Sau khi viết, em tự đánh giá lại bài viết của mình bằng Bảng kiểm kĩ năng viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học: chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật đã sử dụng ở bước 3. Sau đó, hãy trình bày (những) kinh nghiệm của bản thân có được từ việc thực hiện bài viết này.

Đề 2:

Có thể tham khảo dàn ý bài văn nghị luận phân tích đoạn trích Chí khí anh hùng như sau:

Mở bài:

– Giới thiệu đoạn trích, tác phẩm, thể loại, tác giả.

– Nêu ý kiến khái quát về chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm.

Thân bài:

1. Tóm tắt vị trí của đoạn trích trong toàn bộ tác phẩm Truyện Kiều (Nguyễn Du): Đoạn trích là phần văn bản được trích từ câu 2213 đến câu 2230 trong Truyện Kiều. Bị đẩy vào lầu xanh lần thứ hai, trong lúc tâm trạng đang vô cùng chán chường, tuyệt vọng, Kiều gặp Từ Hải. Họ gặp nhau như những người tri kỉ. Từ Hải đánh giá Kiều rất cao, Kiều cũng nhận ra Từ là một đấng anh hùng. Từ đã bỏ tiền chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh. Tuy nhiên tình yêu không thể giữ chân Từ Hải được lâu, sau nửa năm “hương lửa” mặn nồng, Từ Hải từ giã Kiều ra đi để lập sự nghiệp anh hùng với lời hẹn ước sẽ quay về sau một năm.

2. Những nét đặc sắc liên quan đến hình thức nghệ thuật của đoạn trích:

– Cách miêu tả hình tượng người anh hùng theo khuynh hướng lí tưởng hoá.

+ Lí lẽ 1: Trong văn học trung đại, người anh hùng thường là những nhân vật lí tưởng, xuất chúng, phi thường. Vì thế để miêu tả họ các tác giả thường dùng những từ ngữ, hình ảnh ấy có tính chất khuôn mẫu, ước lệ và gợi liên tưởng đến không gian rộng lớn, bao la, kì vĩ, khoáng đạt của vũ trụ. Tất cả những từ ngữ, hình ảnh mới phù hợp với tầm vóc, lí tưởng, khát vọng, hoài bão lớn lao của người anh hùng.

→ Bằng chứng: Khắc hoạ chân dung Từ Hải, tác giả đã sử dụng những từ ngữ, hình ảnh mang cảm hứng vũ trụ để miêu tả phù hợp lí tưởng, chí hướng tung hoành, vẫy vùng trong bốn bể của nhân vật, từ đó góp phần nâng cao tầm vóc của nhân vật như: lòng bốn phương, trời bể mênh mang, mười vạn tinh binh, tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường, bốn bể,... Ngoài ra, tác giả còn dùng những từ ngữ, hình ảnh có tính chất ước lệ để tô đậm vẻ đẹp lí tưởng của hình tượng người anh hùng, chẳng hạn như: trông vời trời bể mênh mang, gió đưa bằng tiện đã lìa dặm khơi,....

+ Lí lẽ 2: Vẻ đẹp của người anh hùng còn được tập trung khắc hoạ qua những hành động, suy nghĩ dứt khoát, mạnh mẽ, quyết liệt để tô đậm hùng tâm, tráng chí của nhân vật

→ Bằng chứng: thoắt đã động lòng bốn phương, thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong, quyết lời dứt áo.

– Kết hợp khéo léo ngôn ngữ tác giả với ngôn ngữ nhân vật để vừa khắc hoạ lí tưởng anh hùng của nhân vật vừa bộc lộ thái độ, đánh giá đối với nhân vật.

+ Lí lẽ 1: Sử dụng ngôn ngữ người kể chuyện để gián tiếp bộc lộ thái độ trân trọng, kính phục của Nguyễn Du với người anh hùng Từ Hải.

→ Bằng chứng: dùng những từ ngữ có sắc thái ngợi ca, tôn kính để gọi Từ Hải (trượng phu, lòng bốn phương), dùng hình tượng chim bằng để nói về Từ Hải,...

+ Lí lẽ 2: Chủ yếu dùng ngôn ngữ đối thoại của nhân vật để thể hiện lí tưởng, chí khí anh hùng của nhân vật Từ Hải: quyết liệt, dứt khoát ra đi vì lí tưởng, không quyến luyến, bịn rịn trong buổi chia tay; tự tin ước hẹn chắc nịch về một tương lai huy hoàng, rực rỡ

→ Bằng chứng: Từ rằng: “Tâm phúc tương tri/ Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình; Làm cho rõ mặt phi thường/ Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia; Đành lòng chờ đó ít lâu/ chầy chăng là một năm sau vội gì?,...”

3. Trình bày luận điểm về chủ đề của đoạn trích:

– Chủ đề chính của đoạn trích (chí khí anh hùng của nhân vật Từ Hải) được tập trung làm rõ từ những yếu tố đặc sắc về hình thức nghệ thuật của đoạn trích.

+ Lí lẽ 1: Chọn được sự việc đặc biệt để thể hiện một cách ấn tượng chí khí hào hùng của nhân vật Từ Hải: sự việc chia tay giữa Thuý Kiều và Từ Hải giữa lúc tình cảm đương mặn nồng. Trong bối cảnh ấy, thông thường người trong cuộc sẽ bịn rịn, quyến luyến không rời. Tuy nhiên, Từ Hải trước lời nguyện cầu tha thiết, chan chứa tình cảm của Kiều, dù vẫn rất ân cần khuyên nhủ nhưng dứt khoát mạnh mẽ, hết lời dặn dò, động viên, thấu hiểu Kiều và hẹn ngày trở về với bao niềm tin mãnh liệt vào sự thắng lợi.

→ Bằng chứng: Từ rằng: “Tâm phúc tương tri/ Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình,...”

+ Lí lẽ 2: Cách tác giả miêu tả nhân vật người anh hùng theo khuynh hướng lí tưởng hoá, kết hợp tài tình giữa ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật để tô đậm vẻ đẹp lí tưởng của nhân vật → Tập trung hướng đến việc làm rõ chí khí anh hùng của nhân vật Từ Hải.

– Việc tô đậm chí khí ấy là một sự sáng tạo của Nguyễn Du, từ đó giúp người đọc hiểu rõ hơn về ước mơ, lí tưởng anh hùng của tác giả trong hoàn cảnh tù túng của xã hội phong kiến lúc bấy giờ.

+ Lí lẽ 1: Trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Từ Hải chỉ được xây dựng với chân dung của một tên cướp. Tuy nhiên, đến Truyện Kiều, Nguyễn Du lại khắc hoạ chân dung Từ Hải là một người anh hùng phi thường với bút pháp miêu tả ước lệ, mang đậm cảm hứng vũ trụ.

→ Bằng chứng: “Lúc ấy có một hảo hán tên Hải họ Từ, tự là Minh Sơn, có tính khoáng đạt rộng rãi, giàu sang coi nhẹ, tì thiếp coi thường, lại còn tinh cả lục thao tam lược, nổi danh cái thế anh hùng. Trước cũng theo nghề nghiên bút, thi hỏng mấy khoá, sau mới xoay ra thương mại, tiền của có thừa, lại thích kết giao với những giang hồ hiệp khách.” (hồi 17, Kim Vân Kiều truyện).

+ Lí lẽ 2: So Kim Vân Kiều truyện, đoạn trích Chí khí anh hùng là một sáng tạo của Nguyễn Du, qua đó tác giả gửi gắm ước mơ về một người anh hùng có sức mạnh phi thường để có thể thực thi công lí trong cảnh đời tù túng của xã hội cũ.

→ Bằng chứng: Trong Kim Vân Kiều truyện, cuối hồi thứ 17, Thanh Tâm Tài Nhân chỉ kể về sự việc Từ Hải sau khi cứu được Kiều ra khỏi lầu xanh thì “sắm một căn nhà ở với Thuý Kiều. Được năm tháng bèn từ biệt ra đi. Chưa biết sau khi đi thế nào, hãy xem hồi sau phân giải”. Như vậy, trong Kim Vân Kiều truyện, tác giả không miêu tả cảnh tiễn biệt để tô đậm khí phách hào hùng của nhân vật.

Kết bài:

– Khẳng định lại ý kiến về chủ đề và những nét đặc sắc liên quan đến hình thức nghệ thuật của tác phẩm.

– Nêu suy nghĩ, cảm xúc, trải nghiệm cá nhân về tác phẩm hoặc bài học rút ra từ tác phẩm.

Bước 3: Viết bài

Dựa trên dàn ý đã lập, em tiến hành viết bài.

Trước khi viết, em cần đọc lại một số lưu ý được trình bày trong sách giáo khoa, phần Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn họcBảng kiểm kĩ năng viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học: chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật (Bài 2) để hiểu rõ hơn về yêu cầu của kiểu bài.

Trong khi viết, em nên thường xuyên đọc lại những phần đã viết, đối chiếu với những tiêu chí của bảng kiểm để đảm bảo bài viết luôn đáp ứng các yêu cầu của kiểu bài.

Bài văn mẫu tham khảo:

Tố Hữu đã từng dành những lời ngợi ca sâu sắc nhất cho một nhà đại thi sĩ rằng:

“Tiếng thơ ai động đất trời

Nghe như non nước vọng lời ngàn thu”

Người đó không ai khác chính là Nguyễn Du cùng với kiệt tác Truyện Kiều. Mỗi một đoạn, mỗi câu thơ trong Truyện Kiều đều là “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu” mà thi gia dầy công chắp bút. Ở đó, ẩn sau số phận cuộc đời mỗi nhân vật đã được nhà đại thi hào của dân tộc chúng ta gửi gắm biết bao giá trị nhân đạo, nhân văn sâu sắc. Và trong số những trích đoạn của “Truyện Kiều”, đoạn trích “Chí khí anh hùng” chính là một trong những minh chứng tiêu biểu nhất với sự phản ánh chân thực giấc mơ tự do công lí , khát vọng làm nên sự nghiệp lớn của người anh hùng…

Đoạn trích “Chí khí anh hùng” nằm ở phần hai: Gia biến và lưu lạc, từ câu 2213 đến câu 2230. Lúc ấy, khi mà Thúy Kiều đang tuyệt vọng, chìm đắm trong cuộc sống đau khổ, ê chề nơi lầu xanh thì Từ Hải đã xuất hiện và cứu nàng ra khỏi chốn tửu sắc đầy thị phi ấy. Nhờ có Từ Hải, Thúy Kiều được báo ân báo oán, được hưởng hạnh phúc vợ chồng như những người phụ nữ bình thường khác. Nhưng tình yêu giữa Thúy Kiều và Từ Hải vẫn không thể nào che khuất đi ước mơ gây dựng một sự nghiệp lớn lao ở con người này. Đó chính là lí do mà khi mối tình của họ vừa chớm nở được “nửa năm” thì Từ Hải đã tiếp tục lên đường với khát khao cháy bỏng gây dựng sự nghiệp của mình. Đoạn trích “Chí khí anh hùng” chính là miêu tả cảnh Từ Hải từ biệt Thúy Kiều để ra đi.

Khác với Thanh Tâm Tài Nhân trong “Kim Vân Kiều truyện” chỉ thuật lại trong đôi ba dòng ngắn ngủi “Từ Hải sắm một căn nhà ở với Kiều được năm tháng rồi từ biệt ra đi” thì Nguyễn Du với ngòi bút xuất chúng của mình đã dựng nên một cảnh li biệt giữa đôi trai gái để hoàn thiện giấc mộng anh hùng “đầu đội trời, chân đạp đất” lớn nhất của cuộc đời mình. Bốn câu thơ đầu khắc họa thật đậm, thật rõ nét hình ảnh của Từ Hải trước lúc lên đường:

“Nửa năm hương lửa đương nồng,

Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.

Trông vời trời bể mênh mang,

Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong”

Nửa năm chính là khoảng thời gian Kiều và Từ Hải chung sống hạnh phúc bên nhau. Nguyễn Du đã làm khó bậc anh hùng ấy khi đặt chàng trong hai khoảng không gian đối lập: Một bên là không gian khuê phòng “hương lửa đương nồng” với cuộc sống vợ chồng đằm thắm mặn nồng, có thể níu kéo bất kì một người đàn ông nào. Trái lại, một bên là không gian vũ trụ bao la có sức vẫy gọi mãnh liệt. Từ Hải được đặt trong hoàn cảnh thử thách chí lớn, khi chàng phải lên đường giữa lúc hạnh phúc gia đình trọn vẹn, viên mãn. Đường đường là đấng “trượng phu” – một người đàn ông có hoài bão chí lớn, chàng không một chút níu kéo giằng xé hay do dự mà khẳng khái đưa ra quyết định của chính mình. Những từ ngữ, hình ảnh: “thoắt”, “động lòng bốn phương” đã thể hiện một quyết định nhanh chóng, dứt khoát, bừng lên cái chí anh hùng giữa trời bể mênh mông của Từ Hải. Cái ánh mắt trông vào “trời bể mênh mang” là ánh nhìn hướng đến một khoảng không gian xa hơn rộng hơn nơi mà bậc hào kiệt thỏa chí vẫy vùng với những đam mê, lí tưởng. Hình ảnh “Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong” không chỉ tái hiện hình ảnh con người mạnh mẽ, hào hùng đặt trên nền kì vĩ của không gian mà còn vẽ lên tư thế tự tin, ngạo nghễ, hiên ngang với thái độ mạnh mẽ, dứt khoát quyết tâm làm nên sự nghiệp lớn của người anh hùng mang hùng tâm tráng chí. Bốn câu thơ đầu thể hiện một khát vọng thực hiện chí lớn của chàng anh hùng họ Từ. Khát vọng ấy không những được đặt trong một bối cảnh đặc biệt để thấy một Từ Hải không quyến luyến, bịn rịn, không vì tình yêu mà quên đi lí tưởng cao cả; mà còn được đặt trong một không gian vũ trụ rộng lớn để tôn lên tầm vóc người anh hùng.

Lẽ thường, cuộc chia tay nào cũng đầy nước mắt, cũng đọng những dùng dằng chẳng nỡ của kẻ ở với người đi. Với Từ và Kiều cũng không phải là ngoại lệ. Nàng không muốn một thân một mình, giường đơn gối chiếc trong căn nhà lạnh lẽo, nàng một mực muốn được sẻ chia, được gánh vác sự nghiệp với Từ Hải. Lời lẽ nghe sao mà tha thiết thế:

“Nàng rằng: “Phận gái chữ tòng,

Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi”

Nho giáo đã viết, phận nữ nhi: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Kiều một lòng xin đi theo âu cũng là hợp tình hợp lí với đạo Nho truyền thống. Hơn nữa, trong hoàn cảnh của Thúy Kiều lúc này, Từ Hải chính là điểm tựa tinh thần duy nhất. Từ đã dang tay cứu vớt cuộc đời Kiều, cho Thúy Kiều những ngày tháng hạnh phúc nên theo quy luật tâm lý thông thường, Kiều luôn muốn gắn mình với Từ Hải. Đó là tình yêu, là sự cảm thông, là đức hi sinh thủy chung son sắt với chồng của nàng Kiều. Ấy thế nhưng, trái với những mong mỏi của nàng, Từ ngay lập tức đáp lại:

“Từ rằng: “Tâm phúc tương tri,

Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?”

Bằng một câu hỏi tu từ, Từ Hải như vừa trách vừa khuyên Kiều không cần phải sống theo đạo tam tòng cổ hủ của đời xưa, mong vợ mình vượt lên khỏi cái suy nghĩ đó để là người sánh vai với đấng anh hùng như chàng. Từ Hải đã từ chối khéo léo để Kiều hiểu ra vấn đề, từ đó thấy được sự thấu hiểu sâu sắc của chàng đối với vợ mình, khẳng định tình cảm giữa hai người là tri âm tri kỉ chứ không phải tình yêu đơn thuần. Hơn thế nữa, Từ Hải còn vẽ ra viễn cảnh tương lai qua trí tưởng tượng và sự tự tin ngạo nghễ của người anh hùng:

“Bao giờ mười vạn tinh binh,

Tiếng chuông dậy đất bóng tinh rợp đường.

Làm cho rõ mặt phi thường,

Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.”

Bút pháp ước lệ tượng trưng cùng những hình ảnh, âm thanh được phóng đại: “mười vạn tinh binh”, “tiếng chiêng dậy đất”, “bóng tinh” và biện pháp hoán dụ “mặt phi thường”,… tất cả đã khắc họa lên sự kì vĩ, hùng tráng, vang dội của những chiến công sánh vai với chân dung của người anh hùng tài năng xuất chúng. Có thể thấy, Từ Hải ở thực tại nhưng dường như đang sống ở những ngày chiến thắng. Mục đích của chàng là để khẳng định danh tiếng của bản thân giữa đời và hơn hết, Từ Hải muốn có sự nghiệp để đón rước Kiều về làm vợ với nghi lễ trang trọng nhất: “rước nàng nghi gia”. Đó là chí khí anh hùng gắn liền với tình yêu thương, coi trọng Kiều. Tuy nhiên, mặc dù cứng rắn như vậy nhưng chàng vẫn kín đáo thể hiện sự quan tâm, lo lắng của mình dành cho Thúy Kiều:

“Bằng nay bốn bể không nhà,

Theo càng thêm bận, biết là đi đâu?

Đành lòng chờ đó ít lâu,

Chầy chăng là một năm sau vội gì!”

Biết trước rằng con đường mình đi “bốn bể không nhà”, có khi màn trời chiếu đất nhưng chàng vẫn quyết tâm đi và dùng nó làm lý do để khuyên Kiều ở nhà. Chàng mong vợ thấu hiểu, cảm thông cho nỗi khổ tâm của mình cũng chính là của người anh hùng khi sự nghiệp vừa bắt đầu còn nhiều khó khăn, gian khổ. Sau những lời lẽ đầy quan tâm ấy là lời hứa hẹn ước một năm sẽ thực hiện giấc mộng công danh của Từ Hải. Điều đó cho thấy, Từ Hải không chỉ có khát vọng, hoài bão mà còn có quyết tâm với ý chí, nghị lực phi thường. Thông qua cuộc đối thoại giữa Thúy Kiều và Từ Hải, Nguyễn Du đã thể hiện quan niệm về người anh hùng là sự thống nhất giữa một con người đời thường giản dị với một đấng trượng phu đầy quyết tâm hoài bão. Từ Hải không chỉ mang khát vọng lớn lao mà còn rất mực tâm lý, vừa yêu, hiểu lại trân trọng Thúy Kiều.

Đoạn trích kết lại với hai câu thơ gây ấn tượng sâu đậm bởi hình ảnh ước lệ:

“Quyết lời dứt áo ra đi,

Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi.”

Nhịp thơ 2-2-2 cùng với các động từ mạnh liên tiếp: “quyết”, “dứt”, “ra đi” đã miêu tả sự dứt khoát, mạnh mẽ của Từ Hải. Từ Hải không một chút băn khoăn, do dự, đắn đo mà luôn mạnh mẽ, dứt khoát trong mọi hoàn cảnh. Sử dụng điển tích điển cố “chim bằng” cùng với hình ảnh ẩn dụ, Nguyễn Du đã càng tô đậm sự kì vĩ, phi thường, tư thế lồng lộng của Từ Hải giữa vô cùng của tự nhiên. Nguyễn Du dường như đã lựa chọn những hình ảnh đẹp đẽ nhất để miêu tả và tôn vinh Từ Hải bằng cái nhìn lạc quan, bay bổng của mình.

Qua ngòi bút của Nguyễn Du, “Chí khí anh hùng” đã được vẽ lên bằng bút pháp ước lệ tượng trưng, với hình ảnh “bốn bể”, “chim bằng” … lấy cái bao la, rộng lớn của vũ trụ để hình dung về khao khát làm nên sự nghiệp lớn của Từ Hải. Mặt khác, ông còn thổi hồn vào tác phẩm của mình những cảm hứng sáng tạo lãng mạn, chính là tình cảm, là tình yêu thương, là tấm chân tình của Từ Hải và Thúy Kiều dành trọn cho nhau bằng niềm tin tưởng vào tương lai. Từ Hải và Thúy Kiều không chỉ là tình yêu đôi lứa, mà nó đã trở thành “tâm phúc tương tri”, hiểu nhau sâu sắc, nàng hiểu ta cũng như ta hiểu nàng. Không những thế, tác giả Nguyễn Du đã cho thấy sự tinh tế, tài tình của mình khi lí tưởng hóa hình ảnh người anh hùng mang tầm vóc vũ trụ cứu giúp đời Từ Hải – một đấng trượng phu có lí tưởng cao cả nhưng vẫn rất bình dị, và là biểu tượng của khát vọng tự do, của tư tưởng nhân văn cao đẹp. Và từ đó, ông gửi gắm trọn vẹn giấc mơ công lí, khát vọng tự do trong cuộc sống, gửi gắm giấc mơ của mình vào hình tượng người anh hùng Từ Hải nói riêng và đoạn trích “Chí khí anh hùng” nói chung.

Như vậy, qua đoạn trích “Chí khí anh hùng”, đại thi hào Nguyễn Du đã khắc họa thành công hình tượng người anh hùng với khát vọng lớn lao vùng vẫy “bốn bể năm châu” cùng ý chí sắt đá, tư thế hiên ngang, lẫm liệt làm chủ vũ trụ. Nhờ đó mà dưới ngòi bút của Nguyễn Du, nhân vật luôn có một sức sống đậm sâu trong lòng bạn đọc muôn đời.

Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm

Sau khi viết, em tự đánh giá lại bài viết của mình bằng Bảng kiểm kĩ năng viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học: chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật đã sử dụng ở bước 3. Sau đó, hãy trình bày (những) kinh nghiệm của bản thân có được từ việc thực hiện bài viết này.

Lời giải sách bài tập Ngữ Văn 9 Bài 5 Viết trang 86, 87 hay khác:

Xem thêm giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 9 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH ĐỀ THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 9

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi dành cho giáo viên và sách dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài giải sbt Văn 9 Chân trời sáng tạo của chúng tôi được biên soạn bám sát nội dung sách Bài tập Ngữ văn 9 Tập 1 và Tập 2 (NXB Giáo dục).

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Giải bài tập lớp 9 Chân trời sáng tạo khác
Tài liệu giáo viên