Kiến thức trọng tâm tác giả tác phẩm Ngữ văn 6 đầy đủ

Kiến thức trọng tâm tác giả tác phẩm Ngữ văn 6 đầy đủ

Nhằm mục đích giúp học sinh nắm vững kiến thức các tác phẩm Ngữ văn lớp 6, VietJack biên soạn bản tổng hợp kiến thức trọng tâm tác giả tác phẩm Ngữ văn 6 đầy đủ về nội dung tác phẩm, đôi nét về tác giả, bố cục, tóm tắt, dàn ý, sơ đồ tư duy, ...

Học kì 1

Học kì 2

Tác giả - Tác phẩm: Con Rồng cháu Tiên

A. Nội dung tác phẩm

Tóm tắt tác phẩm: Ngày xưa, ở miền đất Lạc Việt có một vị thần nòi rồng, sống ở dưới nước gọi là Lạc Long Quân. Thần giúp dân trồng trọt, chăn nuôi và diệt trừ yêu quái. Ở vùng núi cao, có nàng Âu Cơ xinh đẹp tuyệt trần, nghe tiếng miền đất đã đến tìm thăm. Hai người gặp nhau và trở thành vợ chồng. Âu Cơ có mang sinh ra bọc trăm  trứng, nở ra một trăm người con hồng hào, đẹp đẽ, không cần bú mớm mà lớn nhanh như thổi. Vì không quen sống trên cạn nên Lạc Long Quân đem 50 con xuống biển, Âu Cơ đem 50 con lên núi. Hai người dặn nhau và hứa hẹn nếu có việc gì thì gọi nhau giúp đỡ. Người con trưởng theo Âu Cơ lên làm vua lấy hiệu là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang, mười mấy đời truyền nối không thay đổi. Bởi sự tích này, người Việt ta từ đó thường xưng là con Rồng cháu Tiên.

B. Đôi nét về tác phẩm

1. Thể loại: Truyền thuyết là loại truyện dân gian kể về các nhân vật và sự kiện có liên quan đến lịch sử thời quá khứ, thường có yếu tố tưởng tượng, kì ảo. Truyền thuyết thể hiện thái độ và cách đánh giá của nhân dân đối với các sự kiện và nhân vật lịch sử được kể. 

2. Bố cục: 3 phần

- Phần 1: Từ đầu đến “cung điện Long Trang”: Giới thiệu Lạc Long Quân và Âu Cơ.

- Phần 2: Tiếp theo đến “lên đường”: Chuyện Âu Cơ sinh nở kì lạ và Lạc Long Quân và Âu Cơ chia con.

- Phần 3: Còn lại: Giải thích nguồn gốc Con Rồng cháu Tiên.

3. Giá trị nội dung

Truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên giải thích và suy tôn nguồn gốc cao quý, thiêng liêng của cộng đồng người Việt. Đề cao nguồn gốc chung và biểu hiện ý nguyện đoàn kết, thống nhất của nhân dân ta ở mọi miền đất nước. 

4. Giá trị nghệ thuật

- Sử dụng nhiều chi tiết tưởng tượng, kì ảo

- Xây dựng hình tượng nhân vật mang dáng dấp thần linh.

C. Đọc hiểu văn bản

1. Giới thiệu về Lạc Long Quân và Âu Cơ

- Lạc Long Quân: 

 +  Thần nòi rồng, con trai thần Long Nữ

 +  Thần mình rồng, sống ở dưới nước, thỉnh thoảng sống ở trên cạn, có nhiều phép lạ, sức khỏe vô địch.

 +  Thần giúp dân trồng trọt, chăn nuôi và cách ăn ở. Diệt trừ Ngư Tinh, Mộc Tinh, Hồ Tinh.

- Âu Cơ: Ở vùng núi cao phương Bắc, thuộc dòng họ Thần Nông, xinh đẹp tuyệt trần.

=> Nguồn gốc và hình dáng kì lạ và cao quý.

- Hai người gặp nhau, yêu nhau và kết duyên thành vợ chồng, cùng sống với nhau trên cạn.

2. Sự sinh nở kì lạ của Âu Cơ và hai người chia con.

a) Sự sinh nở kì lạ của Âu Cơ

- Âu Cơ có mang sinh ra bọc trăm trứng, trăm trứng nở ra một trăm  người con hồng hào, đẹp đẽ, không cần bú mớm mà lớn nhanh như thổi.

=> Người Việt ta sinh ra từ bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ.

b) Lạc Long Quân và Âu Cơ chia tay và chia con.

- Lí do: Lạc Long Quân không quen sống trên cạn nên nói lời chia tay.

- Hai người chia con: 50 con theo Lạc Long Quân xuống biển, 50 con theo Âu Cơ lên núi. Hai người nói lời hẹn, nếu có việc thì giúp đỡ lẫn nhau.

=> Mong muốn cai quản các phương và giải thích người Việt ta sinh sống trên khắp mọi miền. Đồng thời, thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc.

3. Giải thích nguồn gốc Con Rồng cháu Tiên

- Việc lập nước Văn Lang:  Con cả của Âu Cơ lên làm vua lấy hiệu là Hùng Vương, đóng đô ở đất Phong Châu, đặt tên nước là Văn Lang.

- Từ đó mười mấy đời truyền ngôi.

- Nhân dân ta thường xưng là Con Rồng cháu Tiên.

4. Ý nghĩa của chi tiết tưởng tượng kì ảo

- Tô đậm tính chất kì lạ, lớn lao, đẹp đẽ của nhân vật, sự kiện.

- Thần kì hóa, linh thiêng hóa nguồn gốc giống nòi, dân tộc, để chúng ta thêm tự hào, tin yêu, tôn kính tổ tiên, dân tộc mình.

- Làm tang sức hấp dẫn cho tác phẩm.

D. Sơ đồ tư duy

Con Rồng cháu Tiên

Tác giả - Tác phẩm: Bánh chưng, bánh giầy

A. Nội dung tác phẩm

Tóm tắt truyện: Hùng Vương thứ sáu có mười hai người con trai, về già muốn truyền ngôi cho người xứng đáng. Vua không biết chọn ai nên đã làm một cuộc thi vào ngày lễ Tiên vương ai làm vừa ý nhà vua sẽ được truyền ngôi cho. Các lang đều đua nhau tìm những của ngon vật lạ, độc nhất đem đến lễ Tiên vương. Chỉ có Lang Liêu là người buồn nhất. Chàng là con trai thứ mười tám, mẹ chàng bị vua ghẻ lạnh, ốm và chết. Các anh đều sai người tìm những của quý ở trên rừng, dưới biển. Còn Lang Liêu gắn bó với đồng áng, ruộng lúa, trồng khoai bây giờ không biết lễ Tiên vương thứ gì. Một đêm, trong giấc mộng Lang Liêu được thần lấy lúa gạo làm bánh mà lễ. Tỉnh dậy, chàng lấy gạo nếp, đậu xanh và thịt lợn làm hai thứ bánh, một thứ bánh tròn tượng trưng cho trời, một bánh hình vuông tượng trưng cho đất. Đến ngày lễ Tiên Vương, các lang mang sơn hào hải vị, riêng Lang Liêu mang hai thứ hai đó ra. Nhà vua nhìn thấy bèn hỏi và Lang Liêu kể chuyện giấc mộng, vua rất vừa ý bèn đặt tên hai thứ bánh là bánh chưng và bánh giầy. Từ đó, vào ngày tết cổ truyền của Việt Nam không thể thiếu hai thứ bánh để lễ bàn thờ tổ tiên. 

B. Đôi nét về tác phẩm

1. Thể loại: Truyền thuyết.

2. Bố cục: 3 phần

- Phần 1: Từ đầu đến “chứng giám”: Nhà vua ra cuộc thi để chọn ra người truyền ngôi.

- Phần 2: Tiếp theo đến “hình tròn”: Các Lang và Lang Liêu tìm các lễ vật 

- Phần 3: Phần còn lại: Ý nghĩa và tục lễ làm bánh chưng, bánh giầy.

3. Giá trị nội dung: 

- Giải thích nguồn gốc của bánh chưng, bánh giầy.

- Phản ánh thành tựu văn minh nông nghiệp ở buổi đầu dựng nước với thái độ đề cao lao động, đề cao nghề nông và thể hiện sự thờ kính Trời, Đất, tổ tiên của nhân dân ta.

4. Giá trị nghệ thuật

- Truyện có nhiều chi tiết nghệ thuật tiêu biểu cho truyện dân gian ( nhân vật chính – Lang Liêu – trải qua cuộc thi tài, được thần giúp đỡ và được nối ngôi vua…)

- Sử dụng các chi tiết tưởng tượng kì ảo

- Lối kể chuyện dân gian theo trình tự thời gian. 

C. Đọc hiểu văn bản

1. Nhà vua ra cuộc thi để tìm người truyền ngôi

- Hoàn cảnh: Giặc ngoài đã yên, nhà vua có thể tập trung chăm lo cho nhân dân được no ấm; nhà vua đã già muốn truyền ngôi 

- Ý của vua: Người nối ngôi phải nối được chí vua, không nhất thiết là con trưởng. Nhà vua có mười hai người con trai không biết chọn ai xứng đáng

- Cách thức: Điều vua đòi hỏi mang tính chất một câu đố thử tài ( nhân ngày lễ Tiên Vương, ai làm vừa ý vua sẽ được truyền ngôi) 

=> Nhà vua thật anh minh, lỗi lạc , muốn truyền ngôi cho người phải có chí, có đức.

2. Các Lang và Lang Liêu tìm và làm lễ vật

- Các Lang đua nhau tìm những củ ngon vật lạ, lên rừng xuống biển để tìm những lễ vật độc nhất

- Lang Liêu là chàng hoàng tử buồn nhất. Chàng là người thiệt thòi nhất. Từ khi lớn, chỉ chăm lo đến việc đồng áng, gắn bó với lúa gạo, khoai. 

- Chàng là người duy nhất hiểu được ý thần “Trong trời đất, không có gì quý bằng hạt gạo”; “Hãy lấy gạo làm bánh mà lễ Tiên vương”. Thần ở đây chính là nhân dân. Bởi nhân dân rất quý trọng hạt gạo làm ra để nuôi sống mình. 

- Lang Liêu làm theo lời thần chỉ:

 + Chàng chọn thứ gạo nếp thơm lừng, trắng tinh, hạt nào hạt nấy tròn mẩy, đem vo sạch, lấy đậu xanh, thịt lợn làm nhan, dùng lá dong trong vườn gói thành hình vuông, nấu một ngày một đêm. 

 + Cũng thứ bánh ấy, chàng đổi kiểu đồ lên, giã nhuyễn nặn thành hình tròn. 

3. Ý nghĩa của tục lệ bánh chưng, bánh giầy

- Lang Liêu mang hai thứ bánh lên lễ Tiên vương.

- Nhà vua ngạc nhiên khi nhìn hai thứ bánh ấy, hỏi Lang Liêu và chàng kể chuyện giấc mộng. 

- Bánh Lang Liêu được chọn làm tế Trời, Đất, và Tiên vương.

- Sau đó, ai ăn xong cũng tấm tắc khen. Nhà vua bèn đặt tên cho hai thứ bánh đó là bánh chưng và bánh giầy.

- Tục lệ của nước ta được hình thành từ đó: Vào ngày lễ Tết cổ truyền, không thể thiếu bánh chưng, bánh giầy để lễ ông bà, tổ tiên. 

D. Sơ đồ tư duy

Bánh chưng, bánh giầy

Tác giả - Tác phẩm: Thánh Gióng

A. Nội dung tác phẩm

Tóm tắt truyện: Hùng Vương thứ sáu, ở làng Gióng có hai vợ chồng chăm chỉ làm ăn và có tiếng là phúc đức. Hai ông bà chưa có con và ao ước có một đứa con. Một hôm, đi làm đồng, bà nhìn thấy một vết chân to liền lấy chân ướm thử. Về nhà, bà có mang, sau mười hai tháng sinh ra một câu bé mặt mũi khôi ngô, tuấn tú. Nhưng đứa trẻ lên ba vẫn chưa biết nói, biết cười, đặt đâu thì nằm đấy khiến ông bà rất buồn. Lúc đó, giặc Ân sang xâm chiếm nước ta, nhà vua muốn tìm người tài cứu nước. Nghe thấy tiếng sứ giả, cậu bé Gióng cất tiếng nói và đòi gặp. Gióng đưa ra yêu cầu và sứ giả về tâu. Từ đó, Gióng lớn nhanh như thổi, ăn cơm mấy cũng không no, áo mặc mấy cũng không vua. Hai vợ chồng nhờ hàng xóm giúp đỡ, ai cũng sẵn lòng vì họ mong Gióng đánh đuổi giặc. Thế giặc mạnh, sứ giả mang những vật Gióng yêu cầu. Gióng vươn vai thành tráng sĩ xông pha đánh giặc. Gióng đi đến đâu giặc tan đến đấy. Gióng đang đánh thì roi sắt gãy, Gióng nhổ bụi tre bên đường đánh đuổi giặc đến núi Sóc. Gióng cởi bỏ áo giáp sắt một mình một ngựa bay lên trời. Vua nhớ ơn lập đền thờ và phong làm Phù Đổng Thiên Vương. Ngày nay, đền thờ ở làng Phù Đổng vẫn mở hội to và vẫn còn những chiến tích để lại như bụi tre đằng ngà, làng cháy…

B. Đôi nét về tác phẩm

1. Thể loại: Truyền thuyết

2. Bố cục: 4 phần:

- Phần 1: Từ đầu đến “nằm đấy”: Sự ra đời kì lạ của Gióng.

- Phần 2: Tiếp theo đến “cứu nước”: Gióng cất tiếng nói đòi đi đánh giặc và sự lớn lên kì lạ của Gióng.

- Phần 3: Tiếp theo đến “lên trời”: Gióng đánh giặc Ân và bay về trời.

- Phần 4: Phần còn lại: Nhân dân ghi nhớ công ơn Thánh Gióng.

3. Giá trị nội dung

- Hình tượng Thánh Gióng với nhiều màu sắc thần kì là biểu tượng rực rỡ của ý thức và sức mạnh bảo vệ đất nước.

- Thể hiện quan niệm và ước mơ của nhân dân ta ngay từ buổi đầu lịch sử về người anh hùng cứu nước chống ngoại xâm. 

4. Giá trị nghệ thuật

- Sử dụng nhiều chi tiết tượng tượng kì ảo

C. Đọc hiểu văn bản

1. Sự ra đời kì lạ của Gióng

- Hai vợ chồng già có tiếng là phúc đức nhưng chưa có con

- Bà vợ ra đồng nhìn thấy vết chân to ướm thử về nhà bà có mang

- Mười hai tháng sinh ra cậu bé khôi ngô, tuấn tú.

- Lên ba tuổi vẫn chưa biết nói, biết đi, đặt đâu thì nằm đấy.  

=> Gióng ra đời khác thường để làm những việc phi thường.

2. Gióng cất tiếng nói và sự lớn lên kì lạ

- Nghe thấy tiếng của sứ giả Gióng cất tiếng nói đòi đi đánh giặc

- Gióng đòi những vật: ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt => Thể hiện thành tựu văn hóa, kĩ thuật.

=> Câu nói đòi đi đánh giặc của Gióng thể hiện ý thức, lòng yêu nước tiềm ẩn trong con người. Ý thức đánh giặc cứu nước tạo cho người anh hùng những khả năng, hành động khác thường. Gióng chính là hình ảnh của nhân dân khi tổ quốc cần. 

- Sự lớn lên kì lạ của Gióng: 

 + Gióng lớn nhanh như thổi: cơm ăn mấy cũng không no, áo vừa mặc xong đã căng đứt chỉ

 + Gióng lớn lên nhờ cả làng góp gạo, ai cũng mong Gióng lên nhanh đã đánh đuổi giặc. 

=> Gióng lớn lên bằng những thức ăn, đồ mặc của nhân dân. Sức mạnh của Gióng được nuôi dưỡng tư những cái bình thường, giản dị.

3. Gióng đánh giặc Ân và bay về trời.

- Thế giặc mạnh, đúng lúc sứ giả mang những vật Gióng yêu cầu. 

- Gióng vươn vai thành tráng sĩ mình cao hơn trượng nhảy lên lưng ngựa phi ra đánh giặc

- Khi roi sắt gãy, tráng sĩ nhổ bụi tre bên đường tiếp tục quật giặc. 

- Kết quả: giặc chết như ngả dạ, giẫm đạp lên nhau mà chạy trốn. 

=> Gióng hiện lên oai phong, lẫm liệt. Qua đó, tác giả dân gian muốn ca ngợi lòng yêu nước chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta.

- Gióng bay về trời: đánh giặc xong Gióng một mình môt ngựa bay về trời. Gióng đã trở về với cõi vô biên bất tử. => Hình tượng Gióng được bất tử hóa và hóa thân vào non nước, đất trời. 

=> Thể hiện thái độ ca ngợi, tôn trọng của nhân dân ta với người anh hùng có công lao chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước.

4. Nhân dân ghi nhớ công ơn Gióng

- Nhà vua ghi nhớ công ơn phong làm Phù Đổng Thiên Vương và lập đền thờ tại quê nhà.

- Hàng năm vẫn mở hội to để tưởng nhớ người anh hùng.

- Hiện nay, vẫn còn những dấu tích: bụi tre đằng ngà, những vết chân ngựa, làng cháy…

D. Sơ đồ tư duy

 Thánh Gióng

Xem thêm các loạt bài Để học tốt Ngữ văn lớp 6 hay khác:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH LUYỆN THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 6

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi, sách dành cho giáo viên và khóa học dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài Soạn văn lớp 6 | Soạn bài lớp 6 của chúng tôi được biên soạn một phần dựa trên cuốn sách: Để học tốt ngữ văn 6 và bám sát nội dung sgk Ngữ văn 6 Tập 1 và Tập 2.

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Giải bài tập lớp 6 sách mới các môn học
Tài liệu giáo viên