5+ Hình tượng người nông dân nghĩa sĩ Cần Giuộc (hay, ngắn gọn)

Đề bài: Qua bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, em hãy phân tích hình tượng người nông dân nghĩa sĩ mộc mạc, chất phác nhưng nghĩa khí, dũng cảm lần đầu tiên xuất hiện trong một tác phẩm văn học

Dàn ý mẫu

Quảng cáo

I. Mở bài

- Giới thiệu vài nét về tác giả Nguyễn Đình Chiểu: “Một vì sao có ánh sáng khác thường phải chăm chú nhìn mới thấy và càng nhìn càng thấy sáng” (Phạm Văn Đồng)

- Tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc: Tác phẩm làm nổi bật hình tượng người nông dân nghĩa sĩ mộc mạc, chất phác nhưng nghĩa khí, dũng cảm lần đầu tiên xuất hiện trong một tác phẩm văn học

Quảng cáo

II. Thân bài

1. Hình tượng những người nông dân nghĩa sĩ mộc mạc, chất phác

- Nguồn gốc xuất thân:

   Từ nông dân nghèo khổ, những dân ấp, dân lân (những người bỏ quê đến khai khẩn đất mới để kiếm sống)

    + “ cui cút làm ăn; toan lo nghèo khó ”: hoàn cảnh sống cô đơn, thiếu người nương tựa, âm thầm lặng lẽ lao động mà vẫn nghèo khó suốt đời

    + NT tương phản: chưa quen >< chỉ biết, vốn quen >< chưa biết.

⇒ Nguyễn Đình Chiểu nhấn mạnh việc quen (đồng ruộng) và chưa quen (chiến trận, quân sự) của những người nông dân Nam Bộ để tạo sự đối lập tầm vóc anh hùng trong đoạn sau.

⇒ Những người nông dân nghĩa sĩ họ chỉ là những người nghèo khó và lương thiện, chính hoàn cảnh đã buộc họ phải đứng lên trở thành những người chiến sĩ và cuối cùng là “nghĩa sĩ”

- Lòng yêu nước của những người nong dân nghĩa sĩ cũng mộc mạc

    + Khi TD Pháp xâm lược người nông dân cảm thấy: Ban đầu lo sợ ⇒ trông chờ tin quan ⇒ ghét ⇒ căm thù ⇒ đứng lên chống lại.

    + Vốn là những người nông dân nghèo khó không biết đến việc binh đao, họ lo sợ là chuyện bình thường

    + Sự chờ đợi “quan”: như “trời hạn trông mưa”

    + Thái độ đối với giặc: “ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ”, “muốn tới ăn gan”, “muốn ra cắn cổ” ⇒ Thái độ căm ghét, căm thù đến tột độ được diễn tả bằng những hình ảnh cường điệu mạnh mẽ mà chân thực

- Nhận thức về tổ quốc: Họ không dung tha những kẻ thù lừa dối, bịp bợm ⇒ họ chiến đấu một cách tự nguyện: “nào đợi đòi ai bắt…”

⇒ Diễn biến tâm trạng người nông dân, sự chuyển hóa phi thường trong thái độ, chính lòng yêu nước và niềm căm thù giặc, cộng với sự thờ ơ thiếu trách nhiệm của “quan” đã khiến họ tự giác, tự nguyện đứng lên chiến đấu

Quảng cáo

2. Tuy mộc mạc, chất phác nhưng ở họ vẫn sáng ngời nghĩa khí, dũng cảm

- Những người nông dân nghĩa sĩ sáng ngời tinh thần dũng cảm chiến đấu hi sinh

    + Tinh thần chiến đấu tuyệt vời: Vốn không phải lính diễn binh, chỉ là đân ấp dân lân mà “mến nghĩa làm quân chiêu mộ”

    + Quân trang rất thô sơ: một manh áo vải, ngọn tầm vông, lưỡi dao phay, rơm con cúi đã đi vào lịch sử ⇒ làm rõ nét hơn sự anh dũng của những người nông dân nghĩa sĩ

    + Lập được những chiến công đáng tự hào: “ đốt xong nhà dạy đạo”, “ chém rớt đầu quan hai nọ”

    +“đạp rào”, “xô cửa”, “liều mình”, “đâm ngang”, “chém ngược”…: động từ mạnh chỉ hành động mạnh mẽ với mật độ cao nhịp độ khẩn trương sôi nổi

    + Sử dụng các động từ chéo “ đâm ngang, chém ngược” → làm tăng thêm sự quyết liệt của trận đánh.

⇒ Tượng đài nghệ thuật sừng sững về người nông dân nghĩa sĩ đánh giặc cứu nước.

- Những người nông dân nghĩa sĩ đi vào lịch sử bởi dự anh dũng hi sinh

    + “xác phàm vội bỏ”, “da ngựa bọc thây”: cách nói tránh sự hi sinh của những ifn nghĩa sĩ

    + Chính họ, những người tự nguyện chiến đấu với những vũ khí thô sơ nay lại hi sinh anh dũng trên chiến trường để lại niềm tiếc thương nhưng tự hào cho người ở lại

⇒ Hình tượng những người nông dân nghĩa sĩ với sự chiến đấu và hi sinh sanh dũng xứng đáng đi vào sử sách

Quảng cáo

III. Kết bài

- Khằng định lại vấn đề: Trong khoảng một nghìn năm của văn học trung đại Việt Nam, chưa bao giờ người nông dân đi vào tác phẩm văn học với vai trò của những người anh hùng như thế

- Liên hệ cảm nhận bản thân

Bài văn mẫu 1

    Nhắc đến Nguyễn Đình Chiểu, ta không chỉ nhớ về tác phẩm Lục Vân Tiên mà ông còn có rất nhiều bài văn tế có giá trị nghệ thuật, một trong những tác phẩm đó là Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Tác phẩm đã khắc họa thành công chân dung người nông dân nghĩa sĩ mộc mạc, chất phạc nhưng vô cùng nghĩa khí, dũng cảm đầu tiên xuất hiện trong tác phẩm văn học.

    Tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh thực dân Pháp nổ súng xâm lược ta, nhân dân nổi dậy khởi nghĩa. Nghĩa quân Cần Giuộc đã giành thắng lợi bước đầu. Sau đó giặc không ngừng phản công dữ dội, trước sự phản công đó 20 nghĩa sĩ bị giết chết. Bấy giời, tuần phủ Gia Định lúc bấy giờ là Đỗ Quang đã yêu cầu Nguyễn Đình Chiểu viết một bài văn tế để đọc trong lễ truy điệu của các nghĩa sĩ Cần Giuộc.

    Hình ảnh người nông dân trong văn học trung đại Việt Nam không phải lần đầu tiên xuất hiện, mà ta đã bắt gặp trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi:

    Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới

    Trong tác phẩm này Nguyễn Trãi đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của nhân dân đối với đất nước song ông lại chưa làm rõ được vẻ đẹp anh dũng kiên cường của họ. Chỉ đến Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc vẻ đẹp chân chất giản dị mà hết sức kiên cường, dũng cảm của họ mới được thể hiện một cách đầy đủ nhất.

    Trước khi thực dân Pháp xâm lược họ là những người nông dân chất chất, mộc mạc: “Nhớ linh xưa/ Cui cút làm ăn, toàn lo nghèo khó/ Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường cung; chỉ biết ruộng trâu ở trong làng bộ”. Họ - những người nông dân vốn chỉ sinh sống trong không gian hết sức nhỏ bé, đó là ngôi làng họ từng sinh ra và lớn lên. Sau lũy tre làng ấy họ cần cù, chăm chỉ làm ăn, cuộc sống tuy nghèo khó nhưng rất đỗi yên bình, họ chưa biết đến kiếm cung. Tay họ vốn chỉ quen việc cày, việc bừa, còn việc tập khiên, tập súng mắt họ chưa từng ngó lấy một lần. Họ rất xa lạ với công việc nhà binh, chỉ quen với việc đồng áng. Họ là những con người hết sức giản dị, mộc mạc.

    Điều khiến họ trở thành những người nông dân nghĩa sĩ ấy chính là khi quân giặc xâm lược, niềm mong mỏi về sự cứu giúp của triều đình chìm trong vô vọng “trông tin quan như trời hạn trông mưa”. Lòng họ cuộn trào nỗi căm thù giặc sâu sắc: “Bữa thấy bòng bong che trắng lộp, muốn tới ăn gan; ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra căn cổ”. Trước tình cảnh ấy, làm sao người nông dân có thể chịu đứng yên, nhìn chúng giày xéo đất tổ. Cho nên ho đã đi đến quyết định vùng lên chống lại những kẻ xâm lược bất nhân. Như vậy với lòng căm thù giặc, ý thức trách nhiệm với đất nước đã khiến cho họ từ những người nông dân hiền lành thành những người có nghĩa khí, không màng đến sự sống chết của bản thân, sẵn sàng hi sinh vì nghĩa lớn. Đây chính là vẻ đẹp truyền thống trong tâm hồn người Việt, khi giặc xâm lăng mới có cơ hội được bộc lộ rõ nét.

    Điều kiện đi đánh giặc của họ hết sức nghèo nàn, thiếu thốn: “Mười tám ban võ nghê, nào đợi tập rèn; chín chục trận binh thư, không chờ bày bố”. “Ngoài cật có một manh áo vải, nào đợi mang bao tấu, bầu ngòi; trong tay cầm một ngọn tầm vông, chi nài sắm dao tu, nón gõ”. Thì ra bước vào trận quyết đấu họ lại chỉ được trang bị hết sức thô sơ như vậy. Họ không phải những người lính chuyên nghiệp, được rèn luyện binh đao, chẳng qua họ chỉ là những người dân cày, vì nước mà tình nguyện lên đường. Quần áo vũ khí họ cũng không được trang bị, có thứ gì họ mặc thứ ấy: manh áo vải trong tay và chỉ có thêm chiếc gậy tre dao phay hoặc rơm con cúi. Họ phải làm thế nào để có thể chống đỡ được những vũ khí lợi hại của kẻ thù.

    Mặc dù được trang bị hết sức thô sơ, nhưng không vì thế mà làm chùn bước những người nông dân nghĩa sĩ. Nguyễn Đình Chiểu đã tái hiện vô cùng sinh động không khí hào hùng của trận đánh. Họ mang theo “hỏa mai bằng rơm con cúi” vậy mà cũng đốt được ngôi nhà dạy đạo; gươm đao của họ chỉ là lưỡi dao phay nhưng đã giết chết hai tên quan của giặc. Hành động của họ vô cùng mau lẹ, dứ khoát “đạp rào lướt tới” “xô cửa xông vào” không sợ những kẻ có vũ khí mạnh, liều mình vào chỗ hiểm nguy như chẳng có chuyện gì xảy ra. “Kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã tà, ma ní hồn kinh; bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu sắt, tàu đồng súng nổ”. Họ là những con người vô cùng kiên gan, dũng cảm, họ bất chấp hiểm nguy, hòng tiêu diệt bằng được những kẻ ngoại xâm. Lời văn vô cùng mãnh liệt, rắn rỏi, thủ pháp đối được vận dụng tài tình đã tái hiện lại một cách đầy đủ không khí của trận chiến, nó xứng đáng là “một thiên anh hùng ca tuyệt diệu. Ngòi bút thật hoàn toàn xứng đáng với hành động cao cả của nghĩa sĩ nông dân” (Lê Trí Viễn). Dù trong trận chiến ấy, những người nghĩa sĩ nông dân có thất bại nhưng hình ảnh anh dũng, quả cảm của họ vẫn con sống mãi trong lòng những người ở lại. Đồng thời cái chết của họ cũng là lời khẳng định cao nhất, ý nghĩa nhất cho sự quả cảm, họ sẵn sàng hi sinh vì độc lập của nước nhà.

    Xây dựng chân dung người nghĩa sĩ nông dân tác giả đã sử dụng ngôn tử giản dị, dễ hiểu, nhưng lời ăn tiếng nói của người dân. Thủ pháp đối lập được vận dụng triệt để vừa cho thấy những khó khăn đồng thời thấy được vẻ đẹp nhân cách của họ. Giọng điệu khi hào hùng, khi cảm thương, xót xa.

    Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu đã khắc họa thành công hình ảnh những người nông dân nghĩa sĩ. Họ hiện lên vừa giản dị, mộc mạc, vừa anh dũng kiên cường. “Lần đầu tiên trong lịch sử văn học và lịch sử tư tưởng dân tộc đã đề cập trực tiếp đến người nông dân chân lấm tay bùn và đưa họ từ chỗ vô danh tiểu tốt lên thẳng vinh quang của vũ đài lịch sử, trở thành nhân vật trung tâm của cuộc chiến chống ngoại xâm cứu nước của lịch sử”.

Bài văn mẫu 2

   Hình tượng người nông dân từ bấy lâu đã đi vào trong văn học qua những vần thơ con chữ. Nhưng phải đến trong thơ ca của Nguyễn Đình Chiểu_Cây bút tài hoa của nhân dân Nam Bộ, “Ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc” mới thực sự để lại dấu ấn đậm nét và chân thực nhất. Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ Việt Nam đầu tiên nói đến phong trào nhân dân, đề cao người nông dân, người du kích chống Pháp ý thức về nhiệm vụ và quyền lợi của mình. Tiêu biểu là tác phẩm “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” hình tượng người nông dân nghĩa sĩ hiện lên với những nét mộc mạc, chất phác nhưng nghĩa khí dũng cảm lần đầu tiên xuất hiện trong một tác phẩm văn học.

   Bài văn tế ra đời trong hoàn cảnh cam go của những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Ngày rằm tháng 11 năm 1861, trong trận tấn công đồn Cần Giuộc nghĩa binh bị hy sinh khoảng hai mươi người và phải rút lui. Theo lệnh của tuần phủ Gia Định là Đỗ Quang, Nguyễn Đình Chiểu viết bài tế này trước là để tế và bày tỏ lòng biết ơn, sự thương xót đối với các nghĩa sĩ, sau là để khích lệ tinh thần yêu nước chống giặc của nhân dân.

   Người nông dân nghĩa sĩ Cần Giuộc hiện lên với nét mộc mạc chất phác.Trước tiên họ là những người nghèo khổ với dáng điệu hiền lành đến tội nghiệp chỉ biết “cui cút làm ăn, toan lo nghèo khó”. Những con người làm lụng vất vả quanh năm để mưu sinh cho cuộc sống “chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ”. Họ sống một cuộc sống lạc hậu bó hẹp với ruộng đồng, với công việc của mình “việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy tay vốn quen làm; tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ mắt chưa từng ngó”. Thủ pháp liệt kê, nhịp điệu 2/2/2... và nghệ thuật tiểu đối trong câu cùng với những từ ngữ giản dị mang màu sắc thôn dã đã khắc họa được hình ảnh những dân Nam Bộ với vẻ chất phác, đơn sơ trong suy nghĩ và tính cách của con người.

   Cuộc sống vốn bình yên nhưng vì sao họ lại phải trở thành người nghĩa sĩ mà “tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ”? Là bởi “Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây/ Một bàn cờ thế phút sa tay” kéo theo biết bao những đau thương, mất mát mà người dân phải gánh chịu. Chính điều đó đã khiến cho những người nông dân Cần Giuộc ghét giặc như một lẽ tự nhiên “Ghét thói mọn như nhà nông ghét cỏ/ Bữa thấy bòng bong che trắng lốp muốn tới ăn gan/ Ngày xem ống khói đen sì muốn ra cắn cổ”. Đọc những câu văn khiến ta nhớ đến hình ảnh của Trần Quốc Tuấn ở thế kỉ XIII với lòng căm thù giặc sâu sắc “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù”. Tinh thần yêu nước, căm hờn lũ giặc vẫn được tiếp nối biết bao đời nay. Cách viết cách nói so sánh của Đồ Chiểu hoàn toàn phù hợp với tâm lí nghề nghiệp và lối suy nghĩ của người nông dân “Trông tin quan như trời hạn trông mưa”, “Ghét thói mọn như nhà nông ghét cỏ” đã phản ánh chân thực sự căm ghét quân Pháp_những kẻ xâm lược hòng muốn chiếm lấy nước ta.

   Tuy họ là những người nông dân chất phác nhưng khi giặc xâm lăng Tổ quốc họ là người có nghĩa khí dũng cảm, xả thân quên mình vì nước. Họ tự nguyện đánh giặc “Nào đợi ai đòi ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình; chẳng thèm trốn ngược trốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ.” Phải họ căm ghét, họ quyết tâm đánh giặc cái khí thế, cái tinh thần ấy tương phản mạnh mẽ với thực lực của người nông dân. Họ chỉ là những “người dân ấp dân lân, mến nghĩa làm quân chiêu mộ” đâu có được xuất thân dòng dõi nhà binh, đâu có được rèn luyện chiến đấu, họ nào biết súng gươm ấy vậy mà họ quên mình vì “tấc đất tấc vàng” của quê hương.

   Người chiến sĩ ấy đánh giặc chẳng có súng đạn, bao tấu, bầu ngòi. Trong tay họ vũ khí chiến đấu là những vật dụng, đồ nghề của nhà nông là ngọn tầm vông, là dao tu, là nón gõ hay hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, rồi là lưỡi dao phay... những công cụ thô sơ đó tương phản với trang thiết bị của địch là súng đạn vô tình, có tầu sắt, có đồng hồ súng nổ. Cuộc chiến đấu của các nghĩa binh rõ ràng là không có tổ chức, không có hiệu lệnh, đội ngũ, kỷ luật, vũ khí lại thô sơ, họ chỉ mặc cho mình “một manh áo vải”. Chính những “cái không” ấy làm nổi bật lên “cái có” vô giá tiềm ẩn trong con người Cần Giuộc. Bởi họ có ý thức quyết tâm cao độ đánh giặc, có một tinh thần yêu nước không đổi, có một lòng căm thù giặc đến vô cùng. Điều đó đã làm nên sức mạnh vô song để họ đạp rào lưới tới, coi giặc cũng như không, không sợ đạn to đạn nhỏ mà liều mình xông vào như chẳng có, rồi kẻ đâm ngang, người chém ngược làm cho quân giặc khiếp sợ. Họ đã “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Những người nông dân Cần Giuộc với tinh thần đánh giặc quả cảm, anh dũng họ nối tiếp tư tưởng “Thà chết vinh còn hơn sống nhục” của dân tộc đã làm nên sức mạnh kì vĩ, dù hiệu quả trận đánh không đáng kể song khí thế nghĩa quân như gáo nước lạnh tạt vào mặt quân thù với sự cảnh cáo và khẳng định quyền tự chủ, lòng yêu nước của nhân dân ta.

   Bài văn tế là khúc bi tráng ca về hình tượng người nông dân-nghĩa sĩ Cần Giuộc những con người mang nét đẹp mộc mạc chất phác mà anh dũng, hào hùng. Hình tượng vừa đẹp vừa đáng cảm phục, nể trọng bởi sự hy sinh cao cả. Những con người ấy vừa đáng thương vừa đáng tiếc để lại trong lòng người đọc, người nghe sự cảm mến, kính phục mà cũng xót xa, trách móc. Gửi vào tiếng khóc là sự xót thương của tác giả dành cho những người hùng dân tộc là khát khao, mơ ước có được một cuộc sống bình yên, ấm no cho nhân dân, đất nước sạch bóng quân thù của cụ Đồ Chiểu.

   So sánh với các đỉnh cao của văn học yêu nước chống giặc ngoại xâm của thế kỉ trước như thơ thần “Nam quốc sơn hà”, “Dụ chư tì tướng hịch văn”, “Bình Ngô đại cáo”... đây là lần đầu tiên hình tượng người nông dân Việt Nam đi vào trong tác phẩm văn học với vóc dáng, tính cách, công việc, tình cảm, cảm xúc được bộc lộ rõ nét và chân thành, thuần phác nhất với tất cả những đặc điểm của người nông dân Việt và những đặc trưng của người Nam Bộ thân thương. Người nông dân nghĩa sĩ trong “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” trở thành biểu tượng điển hình, là trung tâm cho sự ca tụng, ngợi ca cho tình cảm yêu nước và lòng căm thù giặc, cổ vũ và động viên tinh thần chiến đấu của con người Việt Nam. Điều đó đã thể hiện được quan điểm sáng tác “Văn dĩ tải đạo”.

   Cùng với các bài văn tế khác như “Văn tế Trương Định”, “Văn tế Phan Tòng”, “Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh”... thì “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” là tác phẩm tiêu biểu và thành công nhất cho thể loại này làm nên tên tuổi của Đồ Chiểu. Hình ảnh người nông dân nghĩa sĩ Cần Giuộc được hiện lên sinh động qua cách sử dụng ngôn ngữ bình dân, cùng với kết cấu ngôn ngữ phủ định trùng điệp. Khép lại trang sách nhưng những con người ấy còn mãi lưu giữ trong trái tim, trong kí ức của một thời sử dân tộc. Đó là tấm gương sáng, là truyền thống quý báu tiếp nối tiếp của dòng máu con Lạc cháu Hồng.

   Như vậy lần đầu tiên trong lịch sử văn học dân tộc hình tượng người nông dân được khắc họa chi tiết, tài tình như thế. Người nông dân nghĩa sĩ Cần Giuộc đã thực sự hiện lên là những con người mộc mạc, chất phác nhưng nghĩa khí dũng cảm. Họ là hình ảnh đáng tự hào làm nên truyền thống yêu nước lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt.

Xem thêm các bài Văn mẫu phân tích, dàn ý tác phẩm lớp 11 khác:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH LUYỆN THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 11

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi, sách dành cho giáo viên và gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.

viet-bai-lam-van-so-3.jsp

Giải bài tập lớp 11 sách mới các môn học
Tài liệu giáo viên