Top 5 Phân tích nghệ thuật trào phúng trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia (hay, ngắn gọn)



Đề bài: Phân tích nghệ thuật trào phúng trong đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia”

Quảng cáo

Nếu như trong thời kì văn học trung đại ta được biết đến nghệ thuật trào phúng qua những sáng tác thơ ca của cụ Tam nguyên Yên Đổ-Nguyễn Khuyến hay Tú Xương thì trong nền văn học Việt Nam hiện đại nó lại được thể hiện xuất sắc trong thể loại tiểu thuyết với tác phẩm “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng-ông thầy trào phúng. Tiêu biểu là đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” thể hiện thành công nghệ thuật trào phúng qua các khía cạnh như: tình huống, nhân vật, chi tiết nghệ thuật đặc sắc đã tái hiện lại bức tranh xã Việt Nam lúc bấy giờ.

Nghệ thuật trào phúng là gì? Nghệ thuật trào phúng trong văn học là sáng tác sử dụng tiếng cười để châm biếm, đả kích thói hư tật xấu trong xã hội qua đó thể hiện thái độ của người viết là chê bai, phê phán hay răn bảo mang ý nghĩa giáo dục. Nó đòi hỏi nhà văn trào phúng tài năng phải phát hiện và xây dựng tình huống mẫu thuẫn, chân dung và chi tiết trào phúng đặc sắc.

Quảng cáo

“Số đỏ” là cuốn tiểu thuyết làm nên thành công nghệ thuật trào phúng của Vũ Trọng Phụng. Câu chuyện kể về nhân vật chính là Xuân tóc đỏ một kẻ bị coi là hạ lưu nhưng bằng lời nói dối ngọt ngào và thủ đoạn mưu mô đã nhảy lên được tầng lớp thượng lưu danh giá của xã hội Âu hóa lúc bấy giờ. Qua đó nhà văn phê phán những con người nhố nhăng trong xã hội đang buổi giao thời Đông Tây lũng loạn.

“Hạnh phúc của một tang gia” là lời tựa đề chương XV trong “Số đỏ”. Đoạn trích tiêu biểu cho nghệ thuật trào phúng sắc sảo trong đám tang của cụ cố Hồng. Nghệ thuật trào phúng được thể hiện qua các phương diện sau:

Thứ nhất trào phúng ngay trong nhan đề của đoạn trích. “Hạnh phúc của một tang gia”. Hạnh phúc là trạng thái cảm xúc sung sướng khi thỏa mãn được mong muốn. Tang gia là gia đình có người qua đời. Xưa nay tang gia phải là đau khổ, buồn bã bao phủ lên là không khí bi thương, sầu não, lệ nhòa. Gia đình có người mất phải khóc lóc, thương tâm vậy mà ở đây lại trái ngược hoàn toàn. Tang gia mà lại hạnh phúc. Cái chết đem đến cho cả dòng họ một niềm vui vỡ òa. Nhan đề đã thể hiện nét trào phúng rõ rệt, nó đi ngược lại với lẽ tự nhiên, nó khiến cho con người ta bất ngờ, tò mò muốn tìm hiểu bởi sự mâu thuẫn khác thường và lôi cuốn.

Thứ hai: trào phúng trong chân dung các nhân vật. Tang gia mà từ con cái, cháu chắt người trong người ngoài đều vui mừng. Bởi đối với họ ai nấy cũng cảm thấy đây là một dịp may hiếm có, một cơ hội đặc biệt để thỏa mãn ý muốn của mỗi người. Cái chết ấy đồng nghĩa với tờ di chúc sẽ được đi vào thực thi chứ không còn là những dòng chữ trên tờ giấy. Tất cả mọi người sẽ sung sướng vì được chia tài sản, đó là hạnh phúc của tiền bạc danh lợi chứ không phải là tình cảm thương xót chân thành của người thân yêu dành cho người đã khuất. Là người lớn tuổi nhất ở gia đình trong hoàn cảnh bố mất, thi hài còn đang nằm dưới nhà mà cụ cố Hồng vẫn nằm trên gác “nhắm nghiền mắt lại để mơ màng đến cái lúc cụ mặc bộ đồ xô gai, lụ khụ chống gậy, vừa ho khạc vừa khóc mếu, để cho thiên hạ phải chỉ trỏ: “Úi kìa, con giai nhớn đã già đến thế kia kìa””. Đối với ông ta đám tang này là một cơ hội để khoe danh khoe của chứ không phải là tình thương của người con dành cho bố.

Quảng cáo

Cái chết của cụ cố Tổ làm cho nhiều người sung sướng trong đó hả hê nhất là ông Phán mọc sừng: “ông đã được cụ cố Hồng nói nhỏ vào tai rằng sẽ chia thêm một số tiền vài trăm nghìn đồng” bởi chính đôi sừng vô hình trên đầu ông ta làm cho cụ tổ uất ức mà chết, niềm vui ấy chạy trong từng mạch máu thế mà đến phút giây cuối cùng khi vĩnh biệt người chết lại khóc “Hứt hứt” oặt người đi. Ngay trong tên gọi “Phán mọc sừng” cũng đã thấy sự mỉa mai, châm biếm không hề nhẹ. Tại sao Vũ Trọng Phụng không gọi là Phán bị cắm sừng mà lại là mọc sừng? Đó là một dụng ý nghệ thuật. Bởi con người ta có thêm đôi sừng vô hình trên đầu là ý nói về việc bị người yêu hoặc vợ ngoại tình. Đây là một điều không ai mong muốn xảy ra nhưng đối với ông Phán là ông mọc sừng tức thể hiện sự tự nguyện và ông lấy làm hãnh diện nên đã làm ngay với Xuân một cuộc doanh thương trước đó chỉ để quảng bá về đôi sừng của mình.

Ông Văn Minh-cháu nội đích tôn hớn hở mời luật sư đến vì cái chúc thư không còn là lí thuyết viển vông nữa. Hắn vò đầu bứt tóc với điệu bộ bối rối phù hợp với tang gia nhưng thực chất là đang không biết đối xử với Xuân thế nào cho phải trước hai cái tội nhỏ, một cái ơn to. Nhà văn đã vạch trần bộ mặt giả dối bất nhân bất nghĩa bất hiếu của nhân vật.

Bà Văn Minh thì suốt ruột vì mãi không được mặc bộ xô gai tân thời. Đối với cô Tuyết đây là dịp để trưng diện “bộ y phục Ngây thơ-cái áo dài voan mỏng, trong có cooc-sê, trông như hở cả nách và nửa vú- nhưng mà viền đen và đội mũ mấn xinh xinh” và để chứng minh cho thiên hạ là cô chưa đánh mất cả chữ trinh mà vẫn còn một nửa. Cậu Tú Tân thì điên người lên vì hào hứng “đã sẵn sàng mấy cái máy ảnh mà mãi cậu không được dùng đến” đám tang là dịp để cậu thực hiện sở thích nghệ thuật của mình. Đúng là một lũ con cháu bất hiếu không có tình người, một đám người của một gia đình lố lăng. Mỗi người chỉ bằng một vài nét chấm phá mà tất cả đều hiện lên thật sống động. Tất cả những con người ấy trong gia đình ấy là một xã hội thu nhỏ với những thói hư tật xấu tập trung hết ở đây.

Chân dung của những người ngoài gia đình dù chẳng được hưởng lợi lộc gì từ tài sản nhưng cũng vui mừng không kém. Đó là sự vui vẻ ra mặt của hai cảnh sát min đơ và min toa đang thất nghiệp lại kiếm lời từ một cái chết. Đó là Xuân tóc đỏ mưu mô quỷ kế giết được cụ cố Tổ lại đến dự đám tang với một vòng hoa khiến cho mọi người phải thán phục. Đó còn là bạn bè của cụ cố Hồng và sư cụ tăng phú được dịp phô diễn huân chương và khoe mẽ tài năng. Quả thực đây là “một đám ma to làm cho người chết nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng”. Qua đó Vũ Trọng Phụng lên án xã hội không có tình người, mất đi giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc.

Thứ ba: trào phúng qua các chi tiết nghệ thuật đắt giá trong đám tang. Với cảnh chuẩn bị đám tang của cụ cố là ngày hội của gia đình và làng xóm. Người ta tưng bừng đi đưa giấy cáo phó, náo nức gọi phường kèn, tíu tít thuê xe đám và sốt ruột khi chưa thấy phát tang. Không khí đám tang như đám rước hội “Kèn Tây, kèn Ta, kèn Tàu lần lượt tahuy nahu mà rộn lên”, thành phần đưa đám đầy đủ cả từ già đến trẻ, từ cảnh sát đến sư sãi, từ thằng lưu manh giả nhà cải cách xã hội cho đến nhà thiết kế thời trang…Đưa đám là quãng thời gian mặc niệm để đưa người chết về nơi an nghỉ cuối cùng vậy mà trong lúc nà, ở nơi này “họ chim nhau, cười tình với nhau, bình phẩm nhau, chê bai nhau, ghen tuông nhau, hẹn hò nhau..” mặt người vẻ buồn rầu hợp với người đi đưa nhưng trong thâm tâm của họ không một chút thương tiếc cho người đã khuất. Nhà văn như nhà quay phim tài ba lia ống kính quay chậm từng cảnh, từng người, từng gương mặt, từng trái tim trong đám tang. Đặc biệt ở cảnh hạ huyệt là lúc các nhân vật thể hiện vai diễn của mình xuất sắc nhất, diễn nhập vai là tang gia nhất. Cậu Tú Tân bắt bẻ từng người hoặc chống gậy hoặc còng lưng hoặc lau nước mắt thế nọ thế kia để chụp ảnh làm kỉ niệm. Bạn bè thì rầm rộ nhảy lên những đống mả khác mà chụp để ảnh khỏi giống nhau. Chỉ với chi tiết nho nhỏ này nhưng có giá trị to lớn nó làm rõ hơn mục đích đến đám tang của những người đưa đám. “Cụ cố Hồng ho khạc mếu máo và ngất đi”. Ông Phán khóc oặt người mãi không thôi nhưng vẫn không quên dúi vào tay Xuân tờ năm đồng bạc gấp làm tư để trả công hắn ta đã giết được cụ tổ. Ông tỏ ra mình là một người giữ chữ tín. Kẻ bất lương đeo mặt nạ của một người con có hiếu được tác giả dùng ngòi bút lột tả sạch sẽ. Đằng sau đó là sự thô bỉ đến vô liêm sỉ của giới thương lưu trong xã hội tư sản thành thị thực dân nửa phong kiến. Màn hài kịch được miêu tả thật sinh động, hóm hỉnh đem đến cho người đọc cảm xúc vừa cười vừa buồn. Cười vì sự bịp bợp, sảo trá, ngụy trang đến thành thục. Buồn vì cách ứng xử của con người lúc bấy giờ chỉ biết chạy theo vật chất và giá trị văn hóa vớ vẩn.

Bản thân sâu thẳm bên trong mỗi con người là cái khó nắm bắt, khó khám phá nhất nhưng bằng ngòi bút trào phúng tài năng, lối khắc họa chân thực từng chân dung nhân vật, Vũ Trọng Phụng đã lột tả được lối sống Tây hóa của tầng lớp tư sản. Có thể nói ông là cây bút trào phúng bậc thầy về sự thật với tuyên ngôn văn học đáng kính: “Các ông muốn cuốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Tôi và các nhà văn có cùng chí hướng như tôi, muốn tiểu thuyết là thực sự ở đời (...) Các ông muốn theo tiểu thuyết tuỳ thời, chỉ nói cái thiên hạ thích nghe, nhất là sự giả dối. Chúng tôi chỉ muốn nói cái gì đúng sự thực, thành ra nguy hiểm, vì sự thực mất lòng". Đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” là một trong những sự thật lúc bấy giờ được nhà văn tái bút thành công với nghệ thuật trào phúng.

Quảng cáo

Xem thêm các bài Văn mẫu phân tích, dàn ý tác phẩm lớp 11 khác:

Tủ sách VIETJACK shopee lớp 10-11 cho học sinh và giáo viên (cả 3 bộ sách):

Săn shopee siêu SALE :

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, GÓI THI ONLINE DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 11

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi dành cho giáo viên và gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


hanh-phuc-cua-mot-tang-gia.jsp


Giải bài tập lớp 11 sách mới các môn học
Tài liệu giáo viên