Top 3 Phân tích quá trình bị tha hóa của Chí Phèo trong truyện ngắn Chí Phèo (hay, ngắn gọn)



Đề bài: Phân tích quá trình bị tha hóa và thức tỉnh của nhân vật Chí Phèo

Bài giảng: Chí Phèo (Phần 2: Tác phẩm) - Cô Thúy Nhàn (Giáo viên VietJack)

Quảng cáo

Viết về đề tài người nông dân đã có rất nhiều cây đại thụ thành công trên nhiều khía cạnh, đó là một thử thách lớn cho các nhà văn đến sau như Nam Cao nhưng với ý thức "Văn chương không cần đến sự khéo tay, làm theo một cái khuôn mẫu. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo ra cái gì chưa có" mà tác phẩm “Chí Phèo” của ông vượt lên thử thách sống mãi với thời gian. Điều làm nên giá trị nổi bật nhất của tác phẩm là ở chỗ: “Khi miêu tả người nông dân bị lưu manh hóa, Nam Cao không hề bôi nhọ người nông dân mà trái lại đã đi sâu vào nội tâm nhân vật để khẳng định nhân phẩm của họ, ngay cả khi họ bọ xã hội cướp đi cả nhân hình, nhân tính”. Quá trình Chí Phèo bị tha hóa và thức tỉnh là một nét tiêu biểu minh chứng cho điều đó và có giá trị nhân văn sâu sắc. Một mặt vừa đanh thép tố cáo xã hội phong kiến trước năm 1945, một mặt khẳng định bản chất tốt đẹp của con người chỉ bị khuất lấp chứ không bao giờ bị bất đi.

Chí bản chất vốn là một con người hiền lành, lương thiện ngay từ khi sinh ra đã “trần truồng và xám ngắt trong một cái váy đụp để bên cái lò gạch bỏ không” được một anh đi thả ống lươn nhặt được đem về cho người đàn bà góa mù. Người đàn bà này lại bán hắn cho bác phó cối, bác ta mất Chí bơ vơ sống như cây như cỏ đi ở hết nhà này nhà nọ. Đến năm hai mươi tuổi hắn làm canh điền cho Bá Kiến, trong nhà có bà ba vợ ông lí thường hay dở trò với hắn. Ông chồng thì vốn hay ghen nhưng lại sợ vợ nên tìm cách đẩy Chí vào tù ở những năm tháng hoài bão, khát vọng của chàng trai trẻ. Chính chế độ hà khắc của nhà tù thực dân phong kiến đã biến một anh canh điền trở thành một thằng lưu manh để cho thế lực hắc ám như Bá Kiến hoàn thành nốt công đoạn biến hắn thành một con quỉ.

Quảng cáo

Quá trình tha hóa của Chí được bắt đầu sau bảy, tám năm đi ở tù nay hắn trở về làng Vũ Đại chẳng khác gì con quỉ dữ với ngoại hình “Trông đặc như thằng sắng cá! Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết”. Diện mạo bên ngoài của Chí được tác giả đặc tả qua mấy câu văn con người hắn hiện lên thật đáng sợ và quá khác biệt với trước đây. Chí không còn là anh canh điền hiền lành mà là một thằng đầu bò chính cống với hành động hung hãn, lời nói thô tục vừa về đến làng hôm trước hôm sau đã thấy ngồi uống rượu với thịt chó từ trưa đến xế chiều. Hắn say khướt rồi xách vỏ chai đến nhà Bá Kiến rạch mặt ăn vạ. Nhưng hắn bị Bá Kiến_kẻ xảo trá, quỷ quyệt thu phục chỉ bằng vài lời nói dối ngọt ngào, vài lời nịnh bợ để hắn nguôi ngoai cơn giận ra về. Để rồi lần thứ hai đến Chí không gây gổ, ăn vạ mà điệu bộ hiền lành như đất gãi đầu, gãi tai đòi Cụ Bá cho đi ở tù nhưng thực chất là đòi miếng ăn chỗ ở-nhu cầu chính đáng của con người. Mục đích và yêu cầu ấy thật đáng trân trọng nhưng một lần nữa lại bị Bá Kiến lợi dụng biến Chí thành tay sai đắc lực là tên chuyên đi đòi nợ cho hắn. Kể từ đó cuộc đời của Chí triền miên trong cơn say “Những cơn say của hắn tràn cơn say này sang cơn say khác, thành một cơn dài, mênh mông, hắn ăn trong lúc say, ngủ trong lúc say, thức dậy vẫn còn say,…” mà trong lúc say thì hắn có thể làm bất cứ cái gì mà người khác sai bảo. Chính điều đó đã biến hắn trở thành “con quỷ dữ của làng Vũ Đại” “Phá bao nhiêu cơ nghiệp, đập nát bao nhiêu cảnh yên vui, đạp đổ bao nhiêu hạnh phúc, làm chảy máu và nước mắt của bao nhiêu người lương thiện” hắn đã khiến cho “tất cả dân làng đều sợ hắn và tránh mặt hắn mỗi khi hắn đi qua”. Chị Dậu dù phải bán con bán chó bán sữa nhưng quyết không bán lương tâm, nhân phẩm đạo đức còn Chí bán cả linh hồn cho quỷ dữ. Vạch ra một cách logic quá trình lưu manh tha hóa của Chí Phèo- hiện tượng độc đáo cho dòng văn học hiện thực tố cáo xã hội phong kiến nửa thuộc địa tàn nhẫn bất công, chà đạp lên tinh thần và thể xác của lao động nghèo khổ, đẩy họ đến bước đường cùng.

Tưởng rằng những tháng ngày sau đó của Chí vẫn chìm đắm trong men say, sống mãi với kiếp thú vật nhưng Nam Cao là một nhà văn giàu tình thương, có tấm lòng nhân đạo lớn ông không nỡ cho nhân vật của mình say mãi mà không có phút giây tỉnh để làm người. Chính vì vậy nên ông đã để thị Nở-người con gái quá lứa lỡ thì, xấu ma chê quỷ hờn đến đưa Chí ra khỏi cơn say, đánh thức lương tri làm người bị khuất lấp đã lâu trong con người hắn. Đêm hôm ấy khi uống rượu dưới nhà tự Lãng say mèm trên con đường về nhà hắn gặp thị “Một người đàn bà ngồi tênh hênh”. Với bản năng của một người đàn ông và trận ốm lúc nửa đêm cùng bát cháo hành và tấm lòng của thị đã thức tỉnh phần người bấy lâu bị vùi lấp ở Chí.

Từ khi đi ở tù về đây là lần đầu tiên Chí hết say và tỉnh táo để nghĩ về quá khứ, tương lai và cảm nhận âm thanh của cuộc sống. “Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá! Có tiếng cười nói của những người đi chợ. Anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá”. Những âm thanh quen thuộc ấy ngày nào chả có cớ sao hôm nay hắn mới để ý bởi đây là lần đầu tiên hắn tỉnh, lần đầu tiên hắn biết sợ rượu như người ốm sợ cơm. Chí khi ấy nhận thức được bản thân mình đã ở cái dốc bên kia của cuộc đời, hắn đã già mà vẫn còn cô độc và cơ thể như đã bị hư hỏng nhiều, tương lai cuộc sống mờ mịt bởi hắn đã chịu quá nhiều bất hạnh. “Chí Phèo như đã trông thấy trước tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau”. Nam Cao đã đi sâu vào nội tâm của nhân vật không ngờ con quỷ dữ ấy cũng có ngày biết nghĩ biết sợ trước cho tương lai của mình. Chí đang dần hồi sinh kiếp người hắn nghĩ lại ngày xưa cũng đã từng có một thời mơ ước cuộc sống của người nông dân “Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải, chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”. Chí đã từng mơ về một hạnh phúc gia đình bình dị như thế nhưng đã bị bọn địa chủ cường hào chà đạp, vùi dập để cho giờ ngẫm lại thấy nuối tiếc vô cùng.

Quảng cáo

Thị Nở xuất hiện với tấm lòng nhân ái cùng bát cháo hành đã khiến cho Chí từ ngạc nhiên, xúc động đến khao khát hoàn lương. Nếu như cuộc tiếp xúc đầu tiên với một cô gái để lại cho Chí ít nhiều rung cảm thì bát cháo hành tình yêu và sự săn sóc của thị khiến đã trở thành liều thuốc giải độc và chữa lành cơn sốt bất thường trong người Chí, chữa lành cả tâm hồn đã bị bóp méo để rồi giờ đây Chí khao khát được làm người lương thiện “Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao! Thị Nở sẽ mở đường cho hắn”. Hắn thấy mắt hình như ươn ướt, đó là một điều đơn giản và dễ hiểu bởi đây là lần đầu tiên hắn được săn sóc bởi một tay “đàn bà”. Hắn ân hận thấy lòng thành trẻ con muốn làm nũng với thị như với mẹ. Sao hắn hiền đến thế khác hẳn với một thằng Chí mà bao người vẫn sợ thường ngày. Bản chất con người lương thiện đã trỗi dậy lấn át đi con quỷ dữ. Để từ đó hắn khao khát có một hạnh phúc gia đình “Giá như thế này mãi thì thích nhỉ” đây là một câu tỏ tình xuất phát từ một trái tim chân thành, thuần phác, giản dị không hoa mĩ cầu kì trong ngôn từ. Chí đang ngẩn người nghĩ và mơ về tương lai của hạnh phúc có thị. Chí sẽ chấm dứt cuộc sống cô độc và tàn nhẫn bắt đầu lại đời người khi còn chưa muộn. Nam Cao quả là nhà nhân đạo chủ nghĩa của dòng văn học hiện thực dù cho khoảng thời hạnh phúc ấy ngắn ngủi trong năm ngày đếm trên đầu ngón tay nhưng đã cho thấy giá trị đạo đức tốt đẹp của con người chưa bao giờ bị mất đi có chăng chỉ là bị khuất lấp, vùi dập và chỉ cần có cơ hội nó sẽ trỗi dậy để sống lại làm một người lương thiện tử tế.

Đặc biệt là đỉnh cao của sự thức tỉnh nằm ở cuối tác phẩm với hành động cầm dao đâm chết Bá Kiến và tự sát khi Chí bị thị Nở từ chối, bị xã hội cự tuyệt quyền làm người. Chí lựa chọn cái chết cho mình và kẻ thù là khi hắn thức tỉnh, ý thức nhân phẩm đã trở về hắn không chấp nhận được kiếp sống quỷ dữ, thú hoang nên phải kết liễu nó để làm lại cuộc đời. Nút thắt của câu chuyện đã được tháo gỡ bởi án mạng hai xác chết để lại ám ảnh cho độc giả. Như vậy Chí thức tỉnh không chỉ ở những ngày hạnh phúc mà còn là khoảnh khắc đau đớn, tuyệt vọng và căm uất vô cùng.

Viết về quá trình bị tha hóa và thức tỉnh của Chí Phèo ngòi bút của Nam Cao như vừa khơi sâu vào hiện thực vừa mang nét trữ tình đặc sắc. Nhà văn đã khắc họa ngoại hình và lột tả thế giới nội tâm nhân vật thật tài tình, ngôn ngữ gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân để lại ấn tượng trong lòng độc giả về một tên Chí Phèo lưu manh nhưng vẫn khao khát làm người lương thiện.

Quá trình bị tha hóa và thức tỉnh của nhân vật Chí Phèo có giá trị nhân đạo sâu sắc Nam Cao đã khẳng định bản chất lương thiện và khao khát hạnh phúc là bản tính tự nhiên tốt đẹp tồn tại mạnh mẽ trong tâm hồn con người không bao giờ bị hủy diệt ngay cả khi con người ta bị tha hóa bị đẩy vào mức đường cùng nhưng chỉ cần có cơ hội là trỗi dậy đòi quyền sống mãnh liệt. Qua đó cũng cho ta bài học nhận thức sống trên đời cần có sự quan tâm chia sẻ và dành cho nhau tình yêu thương bởi tình yêu thương làm cho người gần người hơn và có thể cảm hóa những trái tim, tâm hồn đang lầm đường lạc lối trở về con đường chính đạo.

Quảng cáo

Xem thêm các bài Văn mẫu phân tích, dàn ý tác phẩm lớp 11 khác:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH LUYỆN THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 11

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi, sách dành cho giáo viên và gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


chi-pheo-1.jsp


Giải bài tập lớp 11 sách mới các môn học
Tài liệu giáo viên