Sơ đồ tư duy Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu (dễ nhớ, hay nhất)

Sơ đồ tư duy Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu (dễ nhớ, hay nhất)

Nhằm mục đích giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa được kiến thức, nội dung các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 7, chúng tôi biên soạn bài viết Sơ đồ tư duy Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu dễ nhớ, hay nhất với đầy đủ các nội dung như tìm hiểu chung về tác phẩm, tác giả, bố cục, dàn ý phân tích, bài văn mẫu phân tích, .... Hi vọng qua Sơ đồ tư duy Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu sẽ giúp học sinh nắm được nội dung cơ bản của Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu.

A. Sơ đồ tư duy Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu

Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu

B. Tìm hiểu Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu

I. Tác giả

- Nguyễn Ái Quốc (1890-1969), là tên gọi rất nổi tiếng của chủ tịch Hồ Chí Minh, được dùng từ năm 1919 đến năm 1925

- Bút danh Nguyễn Ái Quốc gắn với tờ báo Người cùng khổ, nhiều truyện kí và tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, viết trên đất Pháp, bằng tiếng Pháp trong thời gian từ 1922 đến 1925

II. Tác phẩm

1. Thể loại: truyện ngắn

2. Hoàn cảnh ra đời

“Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu” được viết ngay sau khi nhà cách mạng Phan Bội Châu bị bắt cóc (18-6-1925) ở Trung Quốc giải về giam ở Hỏa Lò và sắp bị xử án, còn Va-ren thì chuẩn bị sang nhậm chức Toàn quyền Đông Dương.

3. Tóm tắt

Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu là câu chuyện về cuộc gặp gỡ giữa Va-ren - tên toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ và Phan Bội Châu - hiện là một người tù bị bắt giam vì hoạt động cách mạng. Trong cuộc gặp gỡ tại nhà tù giam giữ Phan Bội Châu, Va-ren ra sức dùng lời lẽ dụ dỗ người chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu phản bội dân tộc, làm tay sai cho Pháp. Nhưng với tinh thần dân tộc, ý chí cách mạng của mình, Phan Bội Châu đã đáp trả Va-ren bằng thái độ dửng dưng, khinh bỉ thậm chí là nhổ vào mặt tên toàn quyền Đông Dương ấy.

4. Bố cục: 3 phần

- Phần 1 (từ đầu đến “vẫn bị giam trong tù”): Lời hứa của Va-ren với Phan Bội Châu.

- Phần 2 (tiếp đó đến “không hiểu Phan Bội Châu”): Cuộc gặp gỡ giữa Va-ren và Phan Bội Châu.

- Phần 3 (còn lại): Thái độ của Phan Bội Châu qua lời của các nhân chứng.

5. Giá trị nội dung

“Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu” đã khắc họa được hai nhân vật có tính cách đại diện cho hai lực lượng xã hội hoàn toàn đối lập nhau ở nước ta thời Pháp thuộc. Va-ren: gian trá, lố bịch, đại diện cho thực dân Pháp phản động ở Đông Dương. Phan Bội Châu kiên cường, bất khuất, xứng đáng là “bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập”, tiêu biểu cho khí phách dân tộc Việt Nam.

6. Giá trị nghệ thuật

- Sử dụng triệt để biện pháp tương phản, đối lập nhằm khắc họa hai hình tượng nhân vật đối lập

- Lựa chọn các chi tiết miêu tả độc đáo, giàu ý nghĩa tượng trưng

- Sáng tạo hình thức ngôn ngữ độc thoại

- Giọng văn sắc sảo, hóm hỉnh

- Giàu khả năng liên tưởng, hư cấu

III. Dàn ý bài phân tích tác phẩm

1. Lời hứa của Va-ren với Phan Bội Châu

- Lời hứa của Va-ren: Va-ren nửa chính thức hứa sẽ chăm sóc cụ Phan Bội Châu

⇒ Lời hứa mập mờ, chứa đựng sự hài hước, lố bịch.

- Thực chất của lời hứa: ngài chỉ muốn chăm sóc đến khi nào ngài yên vị thật xong xuôi bên ấy đã.

⇒ Coi lời hứa không quan trọng bằng việc ổn định công việc, địa vị của mình.

- Lời bình của tác giả: liệu quan Toàn quyền Pháp Va-ren sẽ “chăm sóc” cụ ấy vào lúc nào và ra làm sao.

⇒ Sử dụng hàng loạt các từ nghi vấn, qua đó cho thấy thái độ mỉa mai, giễu cợt của tác giả.

2. Cuộc gặp gỡ giữa Va-ren và Phan Bội Châu

- Cách giới thiệu về hai nhân vật của tác giả có sự tương phản, đối lập rõ rệt, qua đó làm nổi bật tính cách của mỗi nhân vật:

+ Va-ren: người phản bội giai cấp vô sản Pháp, kẻ đã ruồng bỏ quá khứ, ruồng bỏ lòng tin, ruồng bỏ giai cấp mình

⇒ Kẻ đê hèn, phản bội.

+ Phan Bội Châu: hi sinh cả gia đình và của cải để không nhìn thấy bọn cướp nước mình, sống xa lìa quê hương, bị bọn thực dân nhử vào muôn cạm bẫy, bị kết án tử hình vắng mặt…

⇒ Một người tù, một nhà cách mạng vĩ đại

- Cuộc gặp gỡ giữa Va-ren và Phan Bội Châu:

+ Va-ren: độc thoại một mình: tuyên bố thả Phan Bội Châu với điều kiện phải trung thành, hợp lực cộng tác với Pháp, khuyên Phan Bội Châu từ bỏ lí tưởng chung, bắt tay với Va-ren.

⇒ Va-ren là kẻ bịp bợm, xảo trá

+ Phan Bội Châu: im lặng

3. Thái độ của Phan Bội Châu

- Im lặng, dửng dưng trước những lời nói của Va-ren.

- Đôi ngọn râu mép nhếch lên một chút rồi hạ xuống ngay và điều này chỉ diễn ra một lần.

- Mỉm cười kín đáo, vô hình và im lặng, như cánh ruồi lướt qua.

⇒ Nâng cấp thái độ khinh bỉ của Phan Bội Châu trước kẻ thù.

⇒ Thái độ ngạc nhiên, coi thường và nhân cách cứng cỏi, bản lĩnh, không chịu khuất phục của người tù.

IV. Bài phân tích

Bác Hồ không chỉ được biết đến với những bài thơ dung dị, giàu ý nghĩa mà trong thời gian hoạt động ở nước ngoài đặc biệt là Pháp, tại đây Nguyễn Ái Quốc đã có những tác phẩm viết bằng chữ Pháp có tính chiến đấu mạnh mẽ. Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu là một tác phẩm như vậy. Tác phẩm đã cho thấy vẻ đẹp phẩm chất, nhân cách của người anh hùng Phan Bội Châu đồng thời vạch trần bộ mặt gian xảo của tên Va-ren.

Truyện ngắn Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu được viết sau khi nhà yêu nước Phan Bội Châu bị bắt cóc vào ngày 18/6/1925 ở Trung Quốc và bị giải về giam ở Hỏa Lò, Hà Nội để chuẩn bị đem ra xét xử, còn Va-ren thì chuẩn bị lên đường sang Việt Nam nhậm chức Toàn quyền Đông Dương. Nguyễn Ái Quốc viết tác phẩm với mục đích kêu gọi cổ vũ phong trào biểu tình đòi thả Phan Bội Châu ở Việt Nam lúc bấy giờ, và nó đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ và yêu mến của nhân dân Việt Nam bởi lối châm biếm thâm thúy, ngòi bút đả kích mạnh mẽ đến Ve-ren và chính quyền Pháp.

Với nhan đề Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu, thì cụm từ “những trò lố” đã có ý vạch trần những hành động và lời nói lố lăng, cùng với bản chất nham hiểm dối trá của Va-ren. Mở đầu cho những trang văn châm biếm, lần lượt bóc trần những hành động giả tạo, kệch cỡm của tên toàn quyền trong suốt câu chuyện, đồng thời mở ra chủ đề chính của tác phẩm không chỉ là phơi bày bộ mặt cáo già, lố bịch của tên toàn quyền Va-ren mà còn thể hiện tấm lòng trân trọng, ngưỡng mộ tính cách kiên cường, bất khuất của lãnh tụ Phan Bội Châu dù trong cảnh thất thế mà vẫn giữ cho mình một phong thái hiên ngang chính trực, một lòng trung với cách mạng, với dân tộc với đất nước.

         Câu chuyện được bắt đầu bằng tình huống hết sức gay cấn, là cuộc gặp gỡ giữa hai nhân vật: vị lãnh tụ cách mạng Phan Bội Châu và bên kia là Va-ren, kẻ sang Việt Nam nhận chức toàn quyền Đông Dương. Trên thực tế không có cuộc gặp gỡ nào giữa hai nhân vật này, mà thực chất đây chỉ là tình huống hư cấu, tác phẩm được viết trước khi Va-ren sang Việt Nam nhận chức. Cách xây dựng tình huống như vậy nhằm vạch trần bộ mặt bịp bợm, hèn hạ của Va-ren và làm nổi bật vẻ đẹp nhân cách của cụ Phan Bội Châu.

Trò lố của Va-ren được tác giả vạch trần ngay từ đầu tác phẩm. Ngay ở trò lố đầu tiên trước khi hắn đặt chân đến Đông Dương. Va-ren nửa chính thức hứa sẽ chăm sóc vụ Phan Bội Châu. Lời hứa của quan toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ gây xôn xao dư luận ở Pháp cũng như ở Việt Nam, bởi đó là lời hứa đáng giá ngàn vàng. Nhưng nực cười thay, ngài chỉ hứa cho xong chuyện chứ không bao giờ thực hiện lời hứa đó, bởi ngài chỉ muốn chăm sóc đến khi nào yên vị thật xong xuôi ở bên ấy đã. Và hành trình thực hiện lời hứa “kéo dài chừng bốn tuần lễ”, trong bốn tuần lễ đó Phan Bội Châu vẫn bị giam trong tù. Rốt cục, lời hứa của hắn chẳng khác gì một trò hề. Nguyễn Ái Quốc đã dùng những từ ngữ mỉa mai châm chọc “nửa chính thức hứa” để bàn luận, phỉ nhổ vào những trò bịp bợm, mị dân mà hắn bày ra trước khi đặt chân đến Đông Dương.

Và bộ măt thực sự của hắn đã bị vạch trần trong cuộc đụng độ, chạm trán với cụ Phan Bội Châu. Hắn thực hiện việc chăm sóc Phan Bội Châu bằng việc dụ Phan Bội Châu hàng, thuyết phục 20 triệu đồng bào theo hắn. Để thực hiện mục đích đó hắn thao thao bất tuyệt cùng màn độc diễn vô cùng công phu, hoàn hảo. Hắn cực kì tinh vi, ma quái trong các chiêu lừa lọc. Hắn huênh hoang rao bán, mặc cả tự do với Phan Bội Châu. Hắn tự đặt mình vào tư thế hào hiệp, đầy chủ động, ra vẻ ban ơn với hành động trơ trẽn, kệch cỡm “tay trái nâng gông to kệch đang siết chặt Phan Bội Châu trong nhà tù ảm đạm”, hắn hùng hồn tuyên bố với Phan Bội Châu: “Tôi mang tự do đến cho ông đây”. Nhưng nực cười thay, cái tự do mà hắn mang đễn cho Phan Bội Châu là thứ tự do trong xiềng xích, tự do trong nô lệ. Tự do với điều kiện phản bội quốc gia, đầu hàng kẻ cướp nước “nhưng có đi phải có lại … hứa với tôi sẽ trung thành với nước Pháp”. Một thứ tự do đáng phỉ nhổ. Hắn ra sức tâng bốc, vuốt ve, nịnh bợ, mua chuộc Phan Bội Châu “Tôi biết rõ tâm hồn cao thượng của ông … làm như vậy ông sẽ được tất cả”. Hắn tuôn ra những lời nói đầy thiết tha, xúc động: “Than ôi!”, “Vả lại, trời ơi!”, “Ô!”. Hắn cả gan dùng những từ tốt đẹp nhất để nói với Phan Bội Châu: “tự do”, “danh dự”, “công lí”, “hi sinh”. Hắn dám huyên thuyên với Phan Bội Châu: “tôi và ông ta nắm chặt tay”, “chúng ta có thể cùng nhau …”. Đáng thương thay lòng dạ đen tối của kẻ tiểu nhân làm sao đủ tầm vóc để hiểu được bậc anh hùng! Thật nực cười và lố bịch làm sao, hắn say sưa, hết mình với vai diễn mà không biết được rằng một kẻ tầm thường, trơ trẽn, hèn hạ, thấp kém như hắn làm sao tìm được tiếng nói chung với một bậc đại trượng phu. Bằng chính màn hùng biện trơn tru, bài bản nhất, hắn đã tự “vạch áo cho người xem lưng”. Bản chất bỉ ổi của kẻ phản bội, tâm địa xấu xa của tên thực dân cướp nước được bóc trần. Trên sân khấu, hắn giống như một thằng hề lố lăng, kệch cỡm.

Trong màn hài kịch trên, Phan Bội Châu hoàn toàn im lặng, sự im lặng đó thể hiện rõ thái độ của nhà cách mạng. Trước hết, ông coi Va-ren không có mặt, bởi vậy, những lời nói của Va-ren chỉ như nước đổ lá khoai. Qua đó còn thể hiện thái độ khinh bỉ “đôi ngọn râu mép người tù nhếch lên một chút rồi lại hạ xuống ngay, mỉm cười một cách kín đáo, vô hình và im lặng, như cánh ruồi lướt qua vậy”. Thái độ ứng xử đó một lần nữa khẳng định phẩm chất đẹp đẽ của ông: suốt một đời hi sinh cho cách mạng, cho độc lập, tự do của đất nước. Không có bất cứ điều gì có thể lay chuyển ý chí cách mạng, tinh thần sắt đá đó của ông. Đặc biệt những dòng kết thúc tác phẩm càng làm nổi bật hơn nữa phẩm chất của cụ Phan Bội Châu: nếu ở trên ta thấy ông im lặng, khinh bỉ thì sau ông thể hiện phản kháng quyết liệt: nhổ vào mặt Va-ren, chi tiết này cho thấy sự khinh bỉ đã được đẩy lên đến tột cùng. Như vậy, cách khép lại tác phẩm đã tạo ra độ mở cho câu chuyện và làm nổi bật chủ đề tác phẩm.

Kết thúc đoạn đối thoại tác giả đã có một lời bình khá thú vị mà chúng ta cần xem xét rằng “Nhưng xét binh tình, thì đó chỉ vì Phan Bội Châu không hiểu Va-ren cũng như Va-ren không hiểu Phan Bội Châu”, đó là một lời bình thật hóm hỉnh và sâu sắc. Hai chữ “không hiểu” ấy đã được tác giả khéo léo giải thích rằng không phải là do khác biệt về ngôn ngữ bởi vốn dĩ đã có người thông ngôn, mà ở đây “không hiểu” là bởi hai con người này hoàn toàn khác nhau về lý tưởng, về mục đích sống, thế nên vĩnh viễn họ cũng chẳng thể có một cuộc nói chuyện “thấu hiểu” được. Và dù cho Va-ren có nói nhiều hơn nữa những lời bịp bợm dối trá thì đối với Phan Bội Châu y cũng chỉ là một kẻ xa lạ, một kẻ không đáng để bận tâm, không cần lãng phí hơi sức tiếp chuyện.

Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu với lối viết trào phúng, lời dẫn chuyện hóm hỉnh hài hước, dùng thể loại bút ký, cùng với các nhân vật hư cấu, ngòi bút tưởng tượng tài hoa, sắc sảo của Nguyễn Ái Quốc đã dựng lên một cuộc chạm trán sinh động, đặc sắc giữa hai con người ở hai chiến tuyến khác nhau. Từ đó làm nổi bật lên nét tính cách, thái độ và bản lĩnh kiên cường của Phan Bội Châu trước tên toàn quyền Va-ren xảo trá, đê tiện, luôn ba hoa khoác loác, thích làm trò lố bịch.

V. Một số lời bình về tác phẩm

Va-ren và Phan Bội Châu thì vận dụng tài quan sát và kí họa, tạo ra những đoạn văn tường thuật sắc sảo hệt như quay một cuốn phim tư liệu về hành trình của Va-ren, đồng thời khai thác triệt để thủ pháp đối lập để làm nổi bật hai nhân cách: Va-ren thì bắng nhắng, ba hoa và ti tiện, Phan Bội Châu thì uy nghi, lẫm liệt.

(Nguyễn Đăng Mạnh, Nhà văn Việt Nam hiện đại – Chân dung và phong cách, NXB Trẻ, TP. HCM, 2000)

Xem thêm sơ đồ tư duy của các tác phẩm, văn bản lớp 7 hay, chi tiết khác:

Đã có lời giải bài tập lớp 7 sách mới:

Săn shopee siêu SALE :

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, KHÓA HỌC DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 7

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi dành cho giáo viên và khóa học dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài Tuyển tập những bài văn hay | văn mẫu lớp 7 của chúng tôi được biên soạn một phần dựa trên cuốn sách: Văn mẫu lớp 7Những bài văn hay đạt điểm cao lớp 7.

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Giải bài tập lớp 7 sách mới các môn học
Tài liệu giáo viên