Giải Lịch Sử 11 trang 90 Kết nối tri thức

Với Giải Lịch Sử 11 trang 90 trong Bài 13: Việt Nam và Biển Đông Sử 11 Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời các câu hỏi & làm bài tập Lịch Sử 11 trang 90.

Giải Lịch Sử 11 trang 90 Kết nối tri thức

Quảng cáo

Câu hỏi 1 trang 90 Lịch Sử 11: Khai thác Tư liệu 3 (tr. 89) và thông tin trong mục, hãy trình bày chủ trương của Việt Nam khi giải quyết các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Hãy trình bày chủ trương của Việt Nam khi giải quyết các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông

Lời giải:

- Chủ trương của Việt Nam khi giải quyết các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông:

+ Nhà nước Việt Nam thực hiện các biện pháp toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế và quân sự nhằm bảo vệ quyền, chủ quyền và các lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông.

+ Đối với các tranh chấp chủ quyền, Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông thông qua biện pháp hoà bình với tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế.

+ Để tăng cường tiềm lực quốc gia phục vụ hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo, Việt Nam thực hiện phát triển kinh tế biển gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh trên biển và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển.

Câu hỏi 2 trang 90 Lịch Sử 11: Nêu một số ví dụ thực tiễn về việc thực hiện chủ trương này của Việt Nam mà em biết.

Lời giải:

Một số ví dụ:

- Ví dụ 1: Việt Nam đã ban hành văn bản pháp luật khẳng định chủ quyền biển, đảo:

+ Tuyên bố về các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam (tháng 5/1977);

+ Sách Trắng: “Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa” (tháng 9/1979);

+ Sách Trắng: “Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, lãnh thổ Việt Nam” (tháng 12/1981)….

+ Năm 2012, Luật Biển Việt Nam được thông qua. Trong đó, khoản  3, Điều 4 trong Luật biển Việt Nam đã khẳng định: nhà nước Việt Nam thực hiện giải quyết tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước khác bằng biện pháp hòa bình.

- Ví dụ 2: Việt Nam đã tham gia Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc.

- Ví dụ 3: Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc áp dụng có hiệu quả Công ước Luật Biển 1982 để giải quyết các tranh chấp về phân định biển với các nước láng giềng. Việt Nam đã chủ động cùng các quốc gia có liên quan đàm phán, phân định các vùng biển chồng lấn theo quy định của Công ước, góp phần tạo môi trường ổn định, hoà bình, hợp tác và phát triển, như: kí thoả thuận hợp tác cùng phát triển dầu khí với Malaixia (1992), phân định biển với Thái Lan (1997), phân định vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc (2000), phân định thềm lục địa với Inđônêxia (2003).

- Ví dụ 4: Việt Nam đã thúc đẩy và thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Quảng cáo

Luyện tập 1 trang 90 Lịch Sử 11: Lập sơ đồ tư duy về tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông trên các mặt quốc phòng, an ninh, kinh tế đối với Việt Nam.

Lời giải:

(*) Sơ đồ tham khảo:

Lập sơ đồ tư duy về tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông trên các mặt quốc phòng an ninh kinh tế đối với Việt Nam

Luyện tập 2 trang 90 Lịch Sử 11: Sử dụng tư liệu lịch sử để chứng minh rằng: Việt Nam là Nhà nước đầu tiên xác lập, quản lí liên tục và thực thi, bảo vệ chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Lời giải:

Luyện tập 2 trang 90 Lịch Sử 11: Sử dụng tư liệu lịch sử để chứng minh rằng: Việt Nam là Nhà nước đầu tiên xác lập, quản lí liên tục và thực thi, bảo vệ chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Việt Nam là Nhà nước đầu tiên xác lập chủ quyền và thực hiện quản lý liên tục đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

- Trước năm 1884:

+ Các tập bản đồ của các triều đại quân chủ Việt Nam như Hồng Đức bản đồ, Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (1686), Giáp Ngọ bình Nam đồ (1774), Đại Nam nhất thống toàn đồ (1838) và của người phương Tây như: An Nam đại quốc họa đồ (1838), Bộ Át lát thế giới (1827) đã thể hiện quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam.

+ Một số công trình sử học và địa lí của Việt Nam thời quân chủ cũng ghi chép tường tận về cương vực, lãnh thổ, hình thế đất nước và những hoạt động thực thi, bảo vệ chủ quyền của các chính quyền vua Lê - chúa Trịnh, chúa Nguyễn, triều Tây Sơn và triều Nguyễn ở quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa như: Đại Việt sử kí tục biên, Phủ biên tạp lục, Đại Nam thực lục, Hoàng Việt địa dư chí, Đại Nam nhất thống chí…

+ Hoạt động xác lập chủ quyền, quản lý liên tục mang tính nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa được khẳng định thông qua việc thành lập và hoạt động của các đội dân binh Hoàng Sa và Bắc Hải.

+ Việc tổ chức đơn vị hành chính Hoàng Sa trong hệ thống tổ chức hành chính nhà nước lúc bấy giờ cũng được thực hiện: thời chúa Nguyễn, Hoàng Sa thuộc phủ Quảng Nghĩa (Quảng Ngãi); thời nhà Nguyễn, Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi.

- Từ năm 1884 đến năm 1975:

+ Từ 1884 - 1945: chính quyền thực dân Pháp (khi đó là đại diện ngoại giao của triều Nguyễn) tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam, quản lý và bảo vệ quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa theo đúng thông lệ pháp lí quốc tế.

+ Từ năm 1954 đến năm 1975, hai quần đảo được đặt dưới sự quản lý hành chính của chính quyền Sài Gòn.

+ Từ ngày 13 đến ngày 28/4/1975, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã tiếp quản các đảo và triển khai lực lượng thực thi chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa.

- Từ sau năm 1975 đến nay: nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tiếp tục quản lý và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Nhà nước Việt Nam qua các thời kì lịch sử có những hoạt động đấu tranh kiên quyết nhằm bảo vệ, thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

- Trước năm 1884:

+ Từ thời chúa Nguyễn, Vương triều Tây Sơn, các đội Hoàng Sa, Bắc Hải có nhiệm vụ tuần tiễu giữ gìn vùng biển, ứng chiến với nạn cướp biển và những xâm phạm tại quần đảo Hoàng Sa,..

+ Dưới triều Nguyễn, các đội thuỷ quân chuyên trách công việc bảo vệ, thực thi chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa được tổ chức.

- Từ năm 1884 đến năm 1954:

+ Năm 1939, chính quyền thực dân Pháp gửi công hàm phản đối việc Nhật Bản kiểm soát một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

+ Năm 1946, chính quyền thực dân Pháp cho hải quân trú đóng ở các đảo chính thuộc quần đảo Trường Sa và yêu cầu quân đội Trung Hoa Dân quốc rút khỏi các đảo đã chiếm đóng trái phép.

- Từ năm 1954 đến năm 1975:

+ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ra tuyên bố khẳng định chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là những vấn đề thiêng liêng và bất khả xâm phạm.

+ Tháng 1/1974, quân đội Sài Gòn thất bại trong chiến đấu bảo vệ quần đảo Hoàng Sa trước cuộc tấn công của quân đội Trung Quốc.

- Từ năm 1975 đến nay:

+ Tháng 3/1988, nhiều chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã hi sinh anh dũng khi chiến đấu bảo vệ chủ quyền tại các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao trước cuộc tấn công của quân đội Trung Quốc.

+ Từ tháng 3/1988 đến nay, nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam kiên trì đấu tranh ngoại giao và pháp lí để khẳng định, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và môi trường hoà bình, hợp tác trên Biển Đông.

Quảng cáo

Luyện tập 3 trang 90 Lịch Sử 11: Giải thích vì sao Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hoà bình?

Lời giải:

- Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hoà bình, vì:

+ Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, xu thế liên kết và hội nhập quốc tế sâu rộng đang diễn ra, thì: giải pháp hòa bình dựa trên hệ thống pháp luật quốc tế là xu hướng chung trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế.

+ Việt Nam Việt Nam có truyền thống yêu chuộng hòa bình.

Vận dụng 1 trang 90 Lịch Sử 11: Là một học sinh, em cần làm gì để góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc?

Lời giải:

(*) Tham khảo:

- Những việc học sinh có thể làm để góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc:

+ Chủ động tìm hiểu các tư liệu lịch sử, pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế,… để có nhận thức đúng đắn về vấn đề: chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông.

+ Quan tâm đến đời sống chính trị - xã hội của địa phương, đất nước.

+ Thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, đặc biệt là các chủ trương, chính sách liên quan đến vấn đề chủ quyền biển, đảo; đồng thời vận động mọi người xung quanh cùng thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

+ Phê phán, đấu tranh với những hành vi xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam; những hành vi đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc;

+ Tích cực tham gia, hưởng ứng các phong trào bảo vệ chủ quyền biển đảo, ví dụ như: “Vì Trường Sa thân yêu”, “Góp đá xây Trường Sa”, “Đồng hành cùng ngư dân trẻ ra khơi”, “Tuổi trẻ hướng về biển, đảo của Tổ quốc”… 

Vận dụng 2 trang 90 Lịch Sử 11: Sưu tầm tư liệu từ sách, báo và internet, hãy viết bài (khoảng 300 chữ) về hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam hiện nay.

Lời giải:

(*) Tham khảo:

Biển, đảo Việt Nam là một bộ phận cấu thành chủ quyền quốc gia, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh, là tuyến phòng thủ hướng đông của đất nước, tạo khoảng không gian cần thiết giúp kiểm soát việc tiếp cận lãnh thổ trên đất liền.

Kế thừa và phát triển ý thức chủ quyền biển, đảo của ông cha trong lịch sử dựng nước và giữ nước, cũng như nhận thức đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách về biển, đảo. Quản lý, khai thác đi đôi với bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển, làm cho đất nước giàu mạnh là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Những năm qua, trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, quân và dân Việt Nam đã triển khai tích cực các hoạt động bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển. Chúng ta đã chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp phù hợp, bảo vệ được chủ quyền biển, đảo, vùng trời và giữ được hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Đồng thời, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng nêu “nhận thức của toàn hệ thống chính trị, nhân dân và đồng bào ta ở nước ngoài về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia được nâng lên rõ rệt. Chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển được giữ vững”.

Hiện nay, sức mạnh tổng hợp của quốc gia, thế và lực của ta trên các vùng biển, đảo đã tăng lên nhiều. Thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, “thế trận lòng dân” trên biển, đảo không ngừng được củng cố, tăng cường. Các lực lượng quản lý, bảo vệ biển, đảo từng bước được xây dựng, phát triển ngày càng vững mạnh hơn, trong đó Hải quân nhân dân Việt Nam được Đảng, Nhà nước ưu tiên đầu tư tiến thẳng lên hiện đại, có sự trưởng thành, lớn mạnh vượt bậc, đủ sức làm nòng cốt bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Bộ đội Hải quân cùng các lực lượng thực thi pháp luật khác trên biển (cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, kiểm ngư…) không quản ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy; kiên cường bám trụ nơi “đầu sóng, ngọn gió”; đêm ngày tuần tra, kiểm soát, khẳng định, bảo vệ chủ quyền, giữ bình yên biển, đảo, thực sự là điểm tựa tin cậy cho nhân dân yên tâm vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế. Đặc biệt, mỗi khi phải đối mặt với tình huống phức tạp, căng thẳng, các lực lượng trên biển luôn nêu cao ý chí quyết tâm “còn người, còn biển, đảo”, “một tấc không đi, một li không rời”; thực hiện đúng đối sách, phương châm, tư tưởng chỉ đạo; khôn khéo, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích quốc gia, an ninh, trật tự trên biển; không để xảy ra xung đột; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước và mở rộng quan hệ hợp tác với các nước.

Bên cạnh thuận lợi cơ bản, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc hiện nay vẫn đang đứng trước những khó khăn, thách thức. Tình hình quốc tế, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, những nhân tố mới xuất hiện tác động trực tiếp đến tình hình Biển Đông. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo giữa các nước trong khu vực diễn ra gay gắt, tiềm ẩn nguy cơ xung đột, mất ổn định. Ở trong nước, sự phối hợp, thống nhất nhận thức và hành động về chủ quyền biển, đảo của một bộ phận nhân dân chưa cao. Các thế lực thù địch ra sức lợi dụng vấn đề biển, đảo hòng chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ. Trong điều kiện kinh tế, ngân sách có hạn, chúng Việt Nam chưa thể cùng lúc đầu tư xây dựng được ngay các lực lượng quản lý, bảo vệ biển đủ mạnh, trang thiết bị, phương tiện còn hạn chế, khó duy trì sự hiện diện thường xuyên, liên tục trên toàn bộ vùng biển rộng lớn. Cơ chế phối hợp, chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất các lực lượng quản lý, thực thi, bảo vệ chủ quyền biển, đảo còn những bất cập nhất định...

Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc hiện nay đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn. Song, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Việt Nam luôn chung sức, đồng lòng, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển để phát triển đất nước.

(*) Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo!

 

Quảng cáo

Lời giải bài tập Lịch Sử 11 Bài 13: Việt Nam và Biển Đông hay khác:

Xem thêm lời giải bài tập Lịch Sử lớp 11 Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 11 hay khác:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH LUYỆN THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 11

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi, sách dành cho giáo viên và gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Giải bài tập lớp 11 Kết nối tri thức khác
Tài liệu giáo viên