SBT Ngữ văn 10 Bài tập 7 trang 16, 17 - Kết nối tri thức

Với giải sách bài tập Ngữ văn lớp 10 Bài tập 7 trang 16, 17 sách Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ văn 10.

Giải SBT Ngữ văn 10 Bài tập 7 trang 16, 17 - Kết nối tri thức

Bài tập 7 trang 16, 17 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

Tác phẩm văn học và đọc văn học thật là một hiện tượng diệu kì. Theo các nhà khoa học quan sát, khi chưa đọc, văn bản in chỉ là một vật, một khách thể, nhưng khi đã đọc thì dần dần khách thể đó biến mất, sách vẫn còn đó nhưng đồng thời lại “biến mất” để nhường chỗ cho thế giới hình tượng, sách từ bên ngoài chuyển vào trong nội tâm người đọc, người đọc hoá thân vào nhân vật trong sách. Tại sao khi đọc sách ta bỗng toàn tâm toàn ý suy nghĩ vào những điều chưa bao giờ nghĩ tới? Hoá ra ta suy nghĩ bằng những ngôn từ, hình tượng của nhà văn, còn nhà văn thì phát biểu bằng tâm hồn, trí tuệ của ta! Cho nên tuy biết rõ tác phẩm là của nhà văn mà ta vẫn thấy có toàn quyền giải thích, hứng thú giải thích và khi nói là ta giải thích, ta ấy đâu phải là chính ta! Nhà văn chiếm chỗ trong tâm trí ta, còn ta thì chiếm tác phẩm của họ! Cho nên tác phẩm văn học là một sản phẩm lạ lùng, nó gần như xoá bỏ ranh giới giữa ta và tác giả. Người đọc không phải “đệm? mà đã “chơi” tác phẩm trên bản nhạc của nhà văn, do vậy tuỳ theo người “chơi” mà tác phẩm có sự khác nhau.

(Trần Đình Sử, Đọc văn học văn, NXB Giáo dục, 2001, tr. 6 — 7)

Câu 1 trang 16 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Xác định câu chủ đề của đoạn trích. Vì sao bạn xác định như vậy?

Quảng cáo

Trả lời:

Có thể xác định câu đầu tiên là câu chủ đề của đoạn trích: “Tác phẩm văn học và đọc văn học thật là một hiện tượng diệu kì”.

Lí do xác định như vậy:

- Nội dung đoạn trích tập trung bàn về hai khái niệm: “tác phẩm văn học” và “đọc văn học”.

- Tất cả các lí lẽ và bằng chứng được nêu trong đoạn trích đều nhằm làm sáng tỏ tính chất “diệu kì” của tác phẩm văn học và hoạt động đọc văn học.

Câu 2 trang 16 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Theo những gì được tác giả dẫn giải, sự “diệu kì” của tác phẩm văn học và hoạt động đọc văn học thể hiện ở những điểm nào?

Quảng cáo


Trả lời:

Theo những gì được tác giả dẫn giải, sự “diệu kì” của tác phẩm văn học được thể hiện ở các điểm:

- Tác phẩm văn học không phải là một vật thể bất động (khi bất động, đó chỉ là văn bản - cơ sở tồn tại ban đầu của tác phẩm), mà có sự vận động và biến hoá qua sự đọc, qua từng trường hợp đọc.

- Tác phẩm văn học chứa đựng hình tượng và hình tượng ấy được chuyển hoá vào tâm trí người đọc để biến thành xúc cảm, nhận thức và gây ra những hành động tương ứng với xúc cảm, nhận thức ấy.

Sự “diệu kì” của hoạt động đọc văn học thể hiện ở các điểm:

- Làm sống dậy và cụ thể hoá thế giới hình tượng tồn tại tiềm tàng trong tác phẩm, chuyển hoá nó thành “câu chuyện” của chính bản thân người đọc, buộc người đọc phải “toàn tâm toàn ý” suy nghĩ về nó, cũng có nghĩa là bận lòng, bận trí về “những điều chưa bao giờ nghĩ tới” trước khi đọc văn học.

- Xoá bỏ ranh giới giữa độc giả và nhà văn; độc giả thì “suy nghĩ bằng những ngôn từ, hình tượng của nhà văn”, còn nhà văn thì phát biểu quan niệm, cảm nhận của mình nhờ những hoạt động tích cực của tâm hồn, trí tuệ độc giả.

- Đọc văn học cho phép độc giả có những cách cụ thể hoá khác nhau, diễn giải khác nhau về hình tượng trong tác phẩm. Tất cả những điều này làm cho thế giới hình tượng trở nên có tính chất mở, phát triển phong phú thêm lên qua từng trường hợp đọc.

Câu 3 trang 16 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Dựa vào những trải nghiệm của mình khi đọc văn học, hãy bày tỏ ý kiến về nhận định sau: “Nhà văn chiếm chỗ trong tâm trí ta, còn ta thì chiếm tác phẩm của họt.!”

Quảng cáo

Trả lời:

Dựa vào những trải nghiệm của mình khi đọc văn học để bày tỏ ý kiến về nhận định: “Nhà văn chiếm chỗ trong tâm trí ta, còn ta thì chiếm tác phẩm của họ!” Các câu hỏi có thể đặt ra để hình thành ý kiến của bạn:

- Trước khi đọc, có phải ta chưa hề nghĩ tới những câu chuyện, sự việc, vấn đề được đề cập, thể hiện trong tác phẩm?

- Sức hút khó cưỡng của tác phẩm có phải là minh chứng sống động cho điều được gọi là “nhà văn chiếm chỗ trong tâm trí ta”?

- Có phải trong khi đọc, ta đã tuỳ ý liên hệ, mở rộng, kết nối những điều được nói tới trong tác phẩm với trải nghiệm của riêng ta? Đây có phải là biểu hiện của hiện tượng người đọc “chiếm tác phẩm” của nhà văn hay không?

Câu 4 trang 16 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Hãy viết thêm từ 1 - 2 câu triển khai ý “tuỳ theo người “chơi” mà tác phẩm có sự khác nhau” được nêu ở cuối đoạn trích.

Quảng cáo

Trả lời:

Tuỳ theo người “chơi” mà tác phẩm có sự khác nhau. Hiểu như vậy, người đọc có vai trò rất lớn. Đọc văn không bao giờ giản đơn chỉ là đọc văn bản, mà còn bao hàm sự ý thức cả cái cách mà mình hiểu tác phẩm nào đó, là tìm ra cái tác phẩm “của mình”.

Câu 5 trang 17 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Lập luận của tác giả đoạn trích có thể giúp bạn hiểu thêm gì về các thuật ngữ văn bản và tác phẩm?

Trả lời:

Lập luận của tác giả đoạn trích có thể đưa lại những hiểu biết sau về các thuật ngữ văn bản và tác phẩm:

- Văn bản và tác phẩm chỉ các khái niệm thống nhất nhưng không đồng nhất với nhau.

- Văn bản là cơ sở hay điều kiện tồn tại của tác phẩm, cũng có thể xem là giai đoạn tồn tại đầu tiên của tác phẩm khi chưa xuất hiện người đọc.

- Tác phẩm là văn bản trong sự tiếp nhận của độc giả, có đời sống, sinh mệnh riêng trong thời gian và không gian, ngày càng được bồi đắp thêm những giá trị mới.

Câu 6 trang 17 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Theo bạn, vì sao những từ, cụm từ như “biến mất”, “đệm”, “chơi” lại được tác giả đặt trong ngoặc kép?

Trả lời:

“Biến mất”, “đệm”, “chơi” được tác giả đặt trong ngoặc kép là vì những từ, cụm từ đó không còn mang nghĩa gốc khi được đưa vào văn bản (đoạn trích) và người đọc cần hiểu chúng theo nghĩa ẩn dụ (tác giả đã sử dụng các hình ảnh ẩn dụ để giúp người đọc dễ hiểu, dễ tiếp thu ý tưởng, suy luận trừu tượng của mình).

Câu 7 trang 17 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Phân tích quyền hạn và chức năng của người đọc trong mối quan hệ với tác phẩm văn học.

Trả lời:

Để phân tích quyền hạn và chức năng của người đọc trong mối quan hệ với tác phẩm văn học, bạn cần trả lời được các câu hỏi chính sau:

- Người đọc đóng vai trò gì trong việc tạo nên đời sống đích thực cho tác phẩm? Nếu không có người đọc, tác phẩm sẽ rơi vào tình trạng như thế nào?

- Khi thâm nhập một tác phẩm văn học, những hoạt động tinh thần gì sẽ được người đọc thực hiện?

- Người đọc có quyền như thế nào khi đưa ra những nhận định, giải thích của riêng mình về giá trị của tác phẩm?

- Việc giải thích của tác giả và người đọc về nội dung, ý nghĩa tác phẩm có nhất thiết phải trùng nhau hoàn toàn?

- Người đọc có quyền suy diễn về nội dung, ý nghĩa của tác phẩm bất chấp những dữ kiện được trình bày trong tác phẩm hay không?

Xem thêm các bài giải sách bài tập Ngữ văn lớp 10 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Tủ sách VIETJACK shopee lớp 10-11 cho học sinh và giáo viên (cả 3 bộ sách):

Săn shopee siêu SALE :

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, GÓI THI ONLINE DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 10

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi dành cho giáo viên và gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Giải bài tập lớp 10 Kết nối tri thức khác
Tài liệu giáo viên