SBT Ngữ Văn 9 Kết nối tri thức Bài tập 1 trang 36

Giải SBT Ngữ Văn 9 Kết nối tri thức Bài tập 1 trang 36

Bài tập 1 trang 36 SBT Ngữ Văn 9 Tập 1: Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:

Quảng cáo

CHỊ EM THUÝ KIỀU

(Trích Truyện Kiều, Nguyễn Du)

Rằng: năm Gia Tĩnh triều Minh,

Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng.

Có nhà viên ngoại họ Vương,

Gia tư nghỉ cũng thường thường bậc trung.

Một trai con thứ rốt lòng,

Vương Quan là chữ nối dòng Nho gia

Đầu lòng hai ả tố nga,

Thuý Kiều là chị em là Thuý Vân.

Mai cốt cách tuyết tinh thần,

Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.

Vân xem trang trọng khác vời

Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang.

Hoa cười ngọc thốt đoan trang,

Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da

Kiều càng sắc sảo mặn mà,

Quảng cáo

So bề tài sắc lại là phần hơn.

Làn thu thuỷ nét xuân sơn,

Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh.

Một hai nghiêng nước nghiêng thành,

Sắc đành đòi một tài đành họa hai

Thông minh vốn sẵn tính trời,

Pha nghề thi hoạ, đủ mùi ca ngâm

Cung thương lâu bậc ngũ âm,

Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương

Khúc nhà tay lựa nên xoang,

Một thiên Bạc mệnh lại càng não nhân

Phong lưu rất mực hồng quần,

Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê

Êm đềm trướng rủ màn che,

Tường đông ong bướm đi về mặc ai.

(Nguyễn Du, Truyện Kiều, Nguyễn Thạch Giang khảo đính, chú giải,

NXB Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội, 1991, tr. 14 – 17)

Quảng cáo

Câu 1 trang 38 SBT Ngữ Văn 9 Tập 1: Đoạn trích trên thuộc thể loại nào?

A. Truyện truyền kì

B. Truyện thơ Nôm

C. Khúc ngâm

D. Thơ trữ tình

Trả lời:

Đáp án B. Truyện thơ Nôm.

Câu 2 trang 38 SBT Ngữ Văn 9 Tập 1: Căn cứ vào nội dung, hãy cho biết vị trí của đoạn trích trong tác phẩm Truyện Kiều.

A. Phần giữa của truyện

B. Phần cuối của truyện

C. Phần đầu của truyện

D. Không thể xác định

Trả lời:

Đáp án C. Phần đầu của truyện.

Quảng cáo

Câu 3 trang 38 SBT Ngữ Văn 9 Tập 1: Biện pháp tu từ nào được sử dụng trong hai câu thơ sau?

Làn thu thuỷ, nét xuân sơn,

Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh.

A. Nhân hoá, ẩn dụ

B. Nói giảm nói tránh, ẩn dụ

C. Điệp ngữ, nói quá

D. So sánh, hoán dụ

Trả lời:

Đáp án A. Nhân hoá, ẩn dụ.

Câu 4 trang 38 SBT Ngữ Văn 9 Tập 1: Câu thơ nào sau đây sử dụng điển tích, điển cố?

A. Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh

B. Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười

C. Một hai nghiêng nước nghiêng thành

D. Một thiên Bạc mệnh lại càng não nhân

Trả lời:

Đáp án C. Một hai nghiêng nước nghiêng thành.

Câu 1 trang 38 SBT Ngữ Văn 9 Tập 1: Nội dung chính của đoạn trích là gì?

Trả lời:

Đoạn trích giới thiệu về thời gian xảy ra câu chuyện (năm Gia Tĩnh triều Minh) và các nhân vật chính của câu chuyện. Gia đình Vương viên ngoại – một gia đình trung lưu – có 3 người con: con gái đầu lòng là Thuý Kiều, con gái thứ hai là Thuý Vân, con trai út là Vương Quan. Thuý Vân rất xinh đẹp, nhưng không sánh nổi vẻ đẹp của chị. Không những xinh đẹp, Kiều còn rất tài hoa: chơi rất điêu luyện loại đàn hồ cầm và tự soạn một bản nhạc có tên là Bạc mệnh. Hai chị em đã đến tuổi lấy chồng, nhưng vẫn chưa hề vướng bận chuyện tình duyên.

Câu 2 trang 38 SBT Ngữ Văn 9 Tập 1: Tính chất truyện và tính chất thơ thể hiện như thế nào trong đoạn trích Từ đó, nêu nhận xét khái quát về thể loại truyện thơ.

Trả lời:

- Tính chất truyện thể hiện trong đoạn trích: có người kể chuyện (ngôi thứ ba); có ngôn ngữ người kể chuyện (toàn bộ đoạn trích chỉ có lời người kể chuyện); lời kể giới thiệu về thời gian, không gian, giới thiệu và miêu tả đặc điểm của nhân vật, làm rõ mối quan hệ giữa các nhân vật.

- Tính chất thơ thể hiện trong đoạn trích: thể thơ lục bát (với các đặc trưng về vần, nhịp, thanh điệu của thể thơ này); dùng từ ngữ giàu tính biểu cảm, sử dụng nhiều biện pháp tu từ có giá trị biểu đạt cao.

- Từ hai tính chất trên, có thể thấy truyện thơ là thể loại văn học có đặc điểm nổi bật: kể chuyện bằng thơ, ở đó tính chất truyện và tính chất thơ hòa quyện, xuyên thấm vào nhau.

Câu 3 trang 38 SBT Ngữ Văn 9 Tập 1: Nhận xét về cách Nguyễn Du miêu tả nhân vật Thuý Kiều và Thuý Vân.

Trả lời:

– Giới thiệu chung về nhân vật (Thuý Kiều là chị, em là Thuý Vân/ Mai cốt cách tuyết tinh thần/ Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười).

– Miêu tả nhân vật Thuý Vân trước, nhân vật Thuý Kiều sau với hàm ý: Thuý Vân đã đẹp như thế, nhưng Thuý Kiều còn đẹp hơn bội phần. Cách miêu tả này nhằm gây ấn tượng mạnh cho người đọc.

– Miêu tả sự hài hoà giữa sắc đẹp và tài năng của Thuý Kiều, làm cho nhân vật trở nên hoàn hảo.

– Lấy thiên nhiên làm chuẩn mực để khắc hoạ vẻ đẹp của con người (hoa cười ngọc thốt, mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da, làn thu thuỷ, nét xuân sơn, hoa ghen, liễu hờn,...).

Câu 4 trang 38 SBT Ngữ Văn 9 Tập 1: Người kể chuyện có thái độ như thế nào đối với các nhân vật được nói đến trong đoạn trích?

Trả lời:

– Cảm nhận chung: Chỉ qua một đoạn giới thiệu ngắn, các nhân vật đã để lại trong lòng người đọc ấn tượng đẹp. Chính thái độ thiện cảm của người kể chuyện đối với các nhân vật đã tạo nên hiệu quả nghệ thuật ấy.

– Những lời nhận xét, bình phẩm càng cho ta thấy rõ thiện cảm của người kể chuyện đối với nhân vật. Chẳng hạn “Vương Quan là chữ nối dòng Nho gia” (con nhà truyền thống gia giáo); “Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười” (người kể chuyện đánh giá Thuý Kiều và Thuý Vân là những cô gái hoàn hảo). Những cụm từ được dùng để nói về Thuý Vân (trang trọng khác vời, đầy đặn, nở nang, đoan trang, mây thua, tuyết nhường) và các cụm từ dùng để tả Thuý Kiều (sắc sảo mặn mà, hoa ghen, liễu hờn, nghiêng nước nghiêng thành, thông minh, làu bậc ngũ âm, nghề riêng ăn đứt,..) đều cho thấy người kể chuyện không tiếc lời ngợi ca, thể hiện tình cảm nồng hậu đối với nhân vật.

Câu 5 trang 38 SBT Ngữ Văn 9 Tập 1: Phân tích đặc điểm ngôn ngữ của đoạn trích.

Trả lời:

- Sử dụng nhiều từ ngữ Hán Việt (viên ngoại, gia tư, Nho gia, tố nga, cốt cách, tinh thần, trang trọng, đoan trang, thu thuỷ, xuân sơn, thi hoạ, cung thương, ngũ âm, bạc mệnh, cập kê,...); điển cố (nghiêng nước nghiêng thành) khiến cho lời văn có tính chất hàm súc, trang nhã.

- Dùng các biện pháp tu từ như nhân hoá (hoa cười ngọc thốt, mây thua tuyết nhường, hoa ghen, liễu hờn); đối giữa hai vế của các câu thơ (bốn phương phẳng lặng >< hai kinh vững vàng; khuôn trăng đầy đặn >< nét ngài nở nang; mây thua nước tóc >< tuyết nhường màu da; làn thu thuỷ >< nét xuân sơn; hoa ghen thua thắm >< liễu hờn kém xanh; pha nghề thi hoạ >< đủ mùi ca ngâm) để gia tăng khả năng biểu đạt của ngôn ngữ.

Lời giải sách bài tập Ngữ Văn 9 Ôn tập học kì 1 hay khác:

Xem thêm giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 9 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH ĐỀ THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 9

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi dành cho giáo viên và sách dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài giải sbt Văn 9 Kết nối tri thức của chúng tôi được biên soạn bám sát nội dung sách Bài tập Ngữ văn 9 Tập 1 và Tập 2 (NXB Giáo dục).

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Giải bài tập lớp 9 Kết nối tri thức khác
Tài liệu giáo viên