Top 30 Viết bài nghị luận xã hội về một tư tưởng, đạo lí (hay nhất)

Tổng hợp trên 30 bài nghị luận xã hội về một tư tưởng, đạo lí hay nhất giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Top 30 Viết bài nghị luận xã hội về một tư tưởng, đạo lí (hay nhất)

Quảng cáo

Viết bài nghị luận xã hội về một tư tưởng, đạo lí - mẫu 1

Cuộc sống là một con đường dài không bằng phẳng mà mỗi chúng ta đang từng ngày đi qua. “Con đường” ấy có những khúc uốn lượn, gồ ghề để thử sức xem liệu chúng ta có xứng đáng được đi tới chân trời hạnh phúc? Chân trời hạnh phúc ấy chính là ước mơ, hi vọng của mỗi người, nhưng nếu chỉ hi vọng mà không hành động thì ước mơ chỉ là ước mơ. Nếu hành động mà ngại khó khăn thì ước mơ không bao giờ trở thành hiện thực. Nhà giáo, nhà văn Nguyễn Bá Học đã đưa ra một lời khuyên vô cùng quý giá đối với con người: “Đường di không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi, e sông”. Mỗi khi gặp khó khăn, chúng ta hãy nhớ tới câu nói này để tự răn lòng mình, đế’ khó khăn nào cũng vượt qua, gian khổ nào cũng chiến thắng.

Trước hết, đứng từ phương diện nghĩa đen của câu nói trên chúng ta có thể hiểu đó là một lời khuyên, một lời giáo huấn đối với những người phải vượt qua con đường lắm sông, nhiều suối. Nếu cứ nghĩ đến con đường với bao núi cao, vực sâu e rằng lòng người sẽ nản. Vì vậy, Nguyễn Bá Học đã đưa ra lời khuyên: cần phải vượt qua chính mình, con đường dẫu lắm chông gai nhưng chỉ cần lòng người không nản ắt sẽ vượt qua. Nhưng có phải Nguyễn Bá Học chỉ nói tới chuyện sông núi và con đường? Không! Nếu chỉ hiểu đến đó có nghĩa là ta chưa hiểu gì cả. Hiểu rộng hơn: “Đường đi” chính là cuộc sống của mỗi người. Mỗi người trải qua một cuộc sống khác nhau nên con đường ấy cũng không giống nhau. Nhưng nó chung nhau ở một điểm, đó là con đường nào cũng “ngăn sông cách núi” bởi đời người không ai đi thẳng tới đỉnh vinh quang mà không trải qua những khó khăn, gian khổ. Mỗi người cần phải vượt qua chính mình, vượt qua những suy nghĩ tầm thường, vượt qua những e ngại mới có thể đi đến thành công. Chính bản thân chúng ta sẽ quyết định “con đường” và cách đi trên “con đường” của riêng mình. Nếu ngại gian nan, vất vả, tất nhiên sẽ không thể đạt được những mơ ước, ngược lại, dám đương đầu với mọi khó khăn, thử thách, chắc chắn sẽ nhận được thành quả xứng đáng.

Quảng cáo

Tôi không thể tìm được ví dụ nào. Điển hình cho câu nói này chính là lịch sử dân tộc Việt. Sở dĩ tôi nhìn thấy ý nghĩa của câu nói là bởi hiện thực cuộc sống mà tôi đang trải qua. Để hôm nay, tôi có thể ngồi đây, học tập và tự do nói lên những suy nghĩ của mình, tôi hiểu đất nước và con người Việt Nam đã phải trải qua muôn vàn cơn nguy biến. Số phận dân tộc giống như một “con đường” khổng lồ mà mỗi người dân là một “con đường” nhỏ quy tụ lại trong đó. Để “con đường” lớn đi tới đinh vinh quang mỗi “con đường” nhỏ phải “đồng tâm hiệp lực” vượt qua sự “ngăn sông cách núi”. Nói như vậy có lẽ hơi hình tượng nhưng tôi hiểu rằng dù chiến tranh đã đi qua chúng ta vẫn không thôi tự hào và cảm phục những con người kiên cường, bất khuất, không bao giờ “ngại núi, e sông”.

Cuộc sống hòa bình hôm nay chính là đỉnh vinh quang của con đường mà dân tộc ta vươn tới từ quá khứ đau thương nhưng hào hùng. Một ngàn năm bị đô hộ bởi giặc Tàu, một trăm năm bị đô hộ bởi giặc Tây để hôm nay được hạnh phúc từng ngày... đã có biết bao con người không quản ngại khó khăn, gian khổ và chấp nhận hy sinh.

Quảng cáo

Tôi tự hào nhớ tới những vị anh hùng dân tộc mà cuộc sống và sự nghiệp của họ là minh chứng sống động cho việc không hề “ngại núi, e sông”, từ Quang Trung, Lê Lợi, Ngô Quyền, Nguyễn Trãi đến Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc, Võ Nguyên Giáp... Còn nhớ, quá trình ra đi tìm đường cứu nước của chủ tịch Hồ Chí Minh phải trải qua biết bao chông gai, thử thách. Người đã sông giữa quần chúng cần lao, trong giới thợ thuyền, những người nông dân nghèo khổ đến các nông thôn hẻo lánh ở nước ngoài để tìm bằng được con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Người đã trải qua những mùa đông lạnh giá với viên gạch hơ trên bếp lò. Vừa làm thuê để kiếm sống, Người vừa chăm chỉ học thêm tiếng nước ngoài phục vụ cho mục đích tìm đường cứu nước của mình. Trải qua biết bao khó khăn, sau mười lăm năm tìm đường cứu nước, đến năm 1924, Người rời nước Nga Xô Viết trở về Quảng Châu - Trung Quốc để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam. Để rồi từ đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Hồ Chủ Tịch, toàn dân, toàn quân ta đã giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Cả nước được độc lập, thống nhất, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi rực rỡ ngày nay. Rõ ràng, phải có một ý chí kiên cường, một lòng quyết tâm không gì lay chuyển, Bác của chúng ta mới thực hiện được ước mơ của mình; “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là nước được độc lập, tự do, nhân dân, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Tôi nhớ về Bác khi đi tìm hiểu câu nói: “Đường không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại, núi e sông” là bởi: Con đường Bác đi là con đường lớn, con đường vì tất cả mọi người, con đường của tất cả mọi người. Ước mơ của Bác là ước mơ vĩ đại bởi nó hướng đến quần chúng cần lao, hướng đến dân tộc Việt Nam với biết bao sinh linh đang chịu kiếp nô lệ lầm than. Bác không đi con đường của riêng mình, không mơ ước điều gì cho riêng mình thế nhưng Bác đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để’ thực hiện được ước nguyện vì nước, vì dân của mình. Chúng ta là những con người bình thường, “con đường” và ước mơ của chúng ta đa phần chỉ hướng tới bản thân mình. ấy vậy mà để đạt được mục tiêu của cuộc đời mình nhiều khi chúng ta còn nản chí, e ngại những khó khăn và sợ sự gian khổ. Lấy tấm gương là Bác, quả có gì đó hơi cao siêu nhưng chúng ta cần hiểu cả cuộc đời của Người là hình mẫu của con người nhân văn thời đại mới. Trong con người Hồ Chí Minh là sự thống nhất giữa lòng yêu thương con người với lòng tin, sự tôn trọng và ý chí cùng hành động triệt để giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người.

Khi con người “ngại núi, e sông” hậu quả sẽ trở nên khó lường. Gia Long, Bảo Đại, hay Nguyễn Thân, Hoàng Cao Khải, Phạm Quỳnh... là những cái tên đã làm xấu đi hình tượng dân tộc Việt Nam. Chúng chỉ vì cái lợi trước mắt, sợ phải đương đầu với khó khăn, sợ phải hi sinh mà đem Tổ quốc trao vào tay giặc. Hành động phản quốc vô đạo ấy bất nguồn từ nhận thức lệch lạc, từ sự e ngại gian khổ, từ tư tưởng chỉ muốn hưởng thụ... Tất cả đã dẫn đến sai lầm nghiêm trọng, để Tổ quốc phải chịu bao đè nén, đau thương. Từ xa tới gần, mỗi chúng ta cần phải hiểu, sự nhu nhược, ngại khó, ngại khổ sẽ dẫn đến lạc hậu, dốt nát, ảnh hưởng đến chính mình và ảnh hưởng tới cả dân tộc.

Quảng cáo

Là học sinh, chúng ta phải thực hiện nhiệm vụ và bổn phận của mình, luôn tự nhắc nhở bản thân:

“Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên”.

Và “Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi, e sông”.

Nói như vậy có nghĩa là, nhiệm vụ chính của chúng ta là học tập, sẽ không có lí do gì để chúng ta không cố gắng học tốt, chỉ có tích cực trau dồi kiến thức chúng ta mới trở thành những chủ nhân có ích cho đất nước. Đứng trước một bài tập khó hay đứng trước những phút chúng ta lười biếng hãy nhớ tới câu nói của thầy Nguyễn Bá Học để vượt qua, để vươn lên thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Chúng ta là những con người hạnh phúc bởi đang được sống trong sự hòa bình, phát triển. Chúng ta được học tập, được vui chơi, được tự do mơ ước chứ không “phải xếp vào balo mọi mơ ước dịu hiền nhất... Mà đánh giặc”. Vì vậy, hãy cố gắng ở mức cao nhất để trở thành những con người ưu tú, mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Câu nói của thầy giáo Nguyễn Bá Học là một lời khuyên vô cùng hữu ích đối với tuổi trẻ thời đại mới. Cuộc sống đang phát triển từng ngày, từng giờ, thế hệ trẻ cần có một quyết tâm, một ý chí mạnh mẽ vượt qua mọi khó khăn mà vươn tới chân trời tri thức đang rộng mở. Phải luôn nhớ rằng: “Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi, e sông”. Hãy vượt qua chính mình để vươn tới những đỉnh vinh quang đang chờ chúng ta chinh phục.

Dàn ý Viết bài nghị luận xã hội về một tư tưởng, đạo lí

- Mở bài: Nêu vấn đề bằng một trong các cách: phản đề, so sánh, đặt câu hỏi,…

- Thân bài:

Giải quyết vấn đề:

+ Giải thích câu cách ngôn bằng cách đặt câu hỏi: Là gì? Tại sao?

+ Phân tích: Thể hiện như thế nào?

+ Chứng minh: Bằng chứng cụ thể là gì?

+ Bình luận: Có giá trị và tác động như thế nào?

- Kết bài: Tổng hợp vấn đề bằng một trong các cách: tóm lược, phát triển, vận dụng, liên tưởng…

Viết bài nghị luận xã hội về một tư tưởng, đạo lí - mẫu 2

Con người ta sống được là nhờ vào sự quan tâm, đùm bọc lẫn nhau của gia đình, làng xóm và cộng đồng. Thế nhưng ngày nay, đời sống ngày càng được nâng cao, con người ngày càng có xu hướng vun vén cho cuộc sống gia đình mà quên đi cuộc sống của cộng đồng. Bên cạnh những người có lòng vị tha, tinh thần đoàn kết, hết mình đóng góp cho xã hội vẫn còn có những người vô tâm, thờ ơ, thậm chí là mang một cái nhìn ghẻ lạnh đối với người khác. Chính vì vậy, phê phán thái độ thờ ơ, ghẻ lạnh đối với con người cũng quan trọng và cần thiết như ca ngợi lòng vị tha, tình đoàn kết. Bởi vì hai hành động ấy đều hướng đến việc xây đắp, bồi dưỡng những tình cảm tốt đẹp giữa con người với con người.

Xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống xô bồ và tấp nập, đôi khi vòng xoay cơm áo gạo tiền đã làm con người ta xa nhau hơn. Tình cảm giữa người với người cũng vì thế mà trở nên xa lạ và phản cảm hơn. Họ thờ ơ, ghẻ lạnh với nhau, không có sự quan tâm, không có tình cảm, hờ hững và lạnh nhạt với nhau. Vì thế, phê phán thái độ thờ ơ, ghẻ lạnh, lên án lối sống lạnh nhạt, nhắc nhở con người phải biết quan tâm, chia sẻ với nhau. Đó chính là hành động để thức tỉnh lối sống chưa tốt.

Thật đáng buồn trước thái độ thờ ơ của những người cảnh sát giao thông trước sự cố tràn dầu do một chiếc xe Container bị lật đổ tại quận Bình Thạnh, TPHCM. Hàng chục chiếc xe máy đã bị trượt ngã khi đi qua đoạn đường đó nhưng những người cảnh sát giao thông khu vực thì vẫn thờ ơ ngồi trên xe máy của mình nhìn người dân chạy vào vùng nhớt và bị ngã xe. Điều đó thật đáng phê phán!

Việc thờ ơ trước sự việc em Nguyễn Thị Bình bị đánh đập, hành hạ suốt 10 năm trời của gia đinh, cơ quan, chính quyền các cấp cũng đáng phê phán, khi một em nhỏ mới chỉ 13 tuổi đầu đã bị trà đạp về nhân phẩm và hành hạ về thể xác.

Điều đáng mừng là chúng ta đã nhận thức được đúng đắn về việc phải phê phán thái độ thờ ơ, ghẻ lạnh của con người bằng việc tổ chức rất nhiều các hoạt động để tuyên truyền và vận động nhân dân. Tuy chỉ ở một lĩnh vực là tuyên truyền, đấu tranh ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam thế nhưng chiến dịch truyền thống "Tiếng nói cộng đồng: Trái tim và công lý" đã để lại một tiếng vang lớn khi nói lên tiếng nói chính nghĩa, phê phán thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm của các công ty hóa chất Mỹ sản xuất chất độc màu da cam sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam trong việc giải quyết hậu quả chất độc màu da cam.

Cha ông ta ngày xưa đã có câu ca dao, tục ngữ phê phán thái độ thờ ơ, quay lưng lại trước nỗi đau khổ của người khác: "Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại". Vì vậy, mỗi một thành viên trong gia đình, mỗi một công dân trong một quốc gia phải ý thức được sự quan trọng và cần thiết của việc phê phán thái độ thờ ơ, ghẻ lạnh giữa con người với con người.

Thế nhưng cuộc sống là vậy, thật hạnh phúc biết bao khi bên cạnh những con người vô tâm, thờ ơ vẫn có rất nhiều người tốt. Họ không chỉ sống cho riêng mình, cho cá nhân mình mà sống vì xã hội, vì cộng đồng, Vì vậy, việc ca ngợi lòng vị tha, đoàn kết cũng là một nhiệm vụ quan trọng để khẳng định, ngợi ca một lối sống đẹp, tuyên truyền, nhân rộng tình yêu thương giữa con người với con người.

Nếu như bạn làm được một việc tốt nhưng không được ai biết đến, không được ai ủng hộ, chắc chắn bạn sẽ có một chút chạnh lòng. Nhưng chỉ cần có những người biết, động viên và khích lệ bạn cố gắng hơn, chắc chắn bạn sẽ có động lực để làm những việc tốt hơn nữa. Cũng giống như một đứa trẻ con, khi chúng chập chững bước được những bước đầu tiên, có mẹ động viên "Cố gắng lên con", đứa bé ấy sẽ đi được một đoạn xa hơn nữa.

Cuộc sống vị tha là một cuộc sống mà chúng ta sống vì lợi ích của người khác, không còn sống cho riêng mình nữa. Đó là một cuộc sống đẹp mà ai cũng ca ngợi. Bởi vì từ lâu, do bản năng chấp ngã mãnh liệt, chúng ta bị khuynh hướng vị kỷ tồn tại chi phối mọi ý nghĩ, lời nói, việc làm. Từ đó, trong cuộc sống, chúng ta chỉ biết sống cho mình, làm bất cứ điều gì cũng vì lợi ích của mình trước. Khi còn bé, chúng ta tranh giành miếng ăn, miếng uống, tình thương đối với anh em. Lớn lên, có thể dùng mọi thủ đoạn để tranh giành tiền tài, quyền lực cho mình. sống vị tha rồi có khi mới biết thế nào là Hạnh phúc.

Chính vì sự quan trọng của việc ca ngợi tấm lòng vị tha, đoàn kết nên đã có rất nhiều chương trình được tổ chức nhằm vinh danh những người tốt, có đóng góp to lớn cho xã hội, đất nước như chương trình "Vinh quang Việt Nam", "Vì người nghèo", bên cạnh việc tổ chức quyên góp, ủng hộ những người có hoàn cảnh khó khăn còn là cơ hội để ngợi ca tình đoàn kết, ca ngợi truyền thống "lá lành đùm lá rách" của dân tộc.

Thế nhưng, con người dù có ca ngợi lòng vị tha và cái tốt đến mức nào thì thế giới vẫn không dứt hết được những điều bất công, xấu xa. Tuy nhiên, nếu như con người không ca ngợi những điều tốt đẹp thì thế giới này sẽ sớm bị diệt vong còn nếu con người ca ngợi lòng vị tha, tình đoàn kết và những điều hay thì cuộc sống sẽ trở nên cực kì tốt đẹp, mối quan hệ giữa người với người sẽ thay đổi, người với người gần nhau hơn.

Nếu như phê phán thái độ thờ ơ, ghẻ lạnh là hành động hướng tới việc thức tỉnh những người có lối sống chưa tốt thì ca ngợi lòng vị tha, tình đoàn kết lại là hành động hướng đến nêu gương những người có lối sống đẹp. Hai hành động đều rất quan trọng vì đều hướng đến việc xây đắp, bồi dưỡng những tình cảm tốt đẹp giữa con người với con người.

Chính vì thế mà mỗi chúng ta cần lên án lối sống thờ ơ, ghẻ lạnh nếu bạn không muốn làm một người vô cảm. Đừng quay lưng đi trước những cảnh ngộ khó khăn bởi vì đó là đồng bào ta. Họ cần lắm sự thông cảm. tình yêu thương của đồng loai.

Cuộc sống sẽ ngày một tốt đẹp hơn khi chúng ta biết sống vì nhau, cho nhau chứ không sống ích kỷ, hẹp hòi. Đừng cười trước nỗi đau khổ của người khác, hãy cúi xuống và thấu hiểu, ta sẽ nhận ra được trái tim biết yêu thương vẫn còn ẩn chứa đâu đó sâu xa bên trong tâm hồn mình. Mỗi người hãy nhân rộng trái tim ấy cho tất cả mọi người, sống nhân ái và bao dung với gia đình, bạn bè, người thân, đồng bào và đồng loại. Tất cả hãy vì mục đích xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người.

Viết bài nghị luận xã hội về một tư tưởng, đạo lí - mẫu 3

Nếu hỏi trên thế giới này nơi nào ấm áp hơn cả, tôi chỉ có một câu trả lời duy nhất ấy là hai chữ "gia đình". Gia đình bên ta từ khi ta thuở ấu thơ, cho ta những nhận thức đầu đời, cho ta được thứ tình cảm ấm áp nhất mà không một nơi nào có được. Có một câu nói rất hay của Euripides rằng: "Duy chỉ có gia đình, người ta mới tìm được chốn nương thân để chống lại tai ương của số phận" khiến mỗi một chúng ta phải trầm tư nhớ lại về "gia đình", hai tiếng thật thiêng liêng.

Gia đình là một tổ chức nhỏ, nơi một nhóm người có cùng huyết thống, cùng sinh sống, đùm bọc che chở lẫn nhau, cho nhau tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc. Ở đó ta thường nghe thấy những tiếng gọi cha, gọi mẹ thật ngọt ngào, những lời dạy bảo đầy ân cần cho con cái, ta cũng thấy viễn cảnh những đứa con đứa cháu hết mực hiếu kính ông bà cha mẹ. Và dù bằng cách nào người trong một gia đình cũng không bao giờ có thể từ bỏ nhau, bởi sợi dây liên hệ trong ấy không chỉ đơn thuần là huyết thống mà còn là tình thân, những kỷ niệm chung trong suốt đời người, không thể nói bỏ là bỏ. Gia đình chính là một phần tử cấu nên xã hội, gia đình có tốt đẹp thuận hòa thì xã hội mới có thể phát triển.

Về cụm từ "tai ương số phận", trong một đời người dài đến gần trăm năm, tôi khẳng định rằng chẳng có ai có thể bình bình an an vượt qua mà không gặp chút trắc trở nào cả. Nói xui xẻo, ví như bạn là một cô gái trẻ, vừa tốt nghiệp đại học quyết chí đi làm ăn bằng tất cả vốn liếng và kinh nghiệm ít ỏi, nhưng rồi bị phá sản, chẳng ai muốn chìa tay ra giúp bạn, duy chỉ có gia đình sẵn sàng trả hết nợ nần cho bạn bằng mọi giá, rồi đưa bạn về an ủi vỗ về. Hoặc khi bạn chẳng may gặp tai nạn thương tích, thì bạn bè đến thăm nom cũng được mấy đợt, chỉ có cha mẹ bạn là luôn ở bên chăm từng miếng ăn giấc ngủ, bạn đau một chút họ cũng xót lòng xót ruột rồi. Hay là khi đau đớn vì tình yêu, cũng chỉ có tình thân trong gia đình mới có thể vực dậy chúng ta mà thôi. Nói nhiều ví dụ như vậy là để khẳng định rằng gia đình chính là nơi cho chúng ta động lực, sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn trắc trở, gia đình cũng luôn là chiếc tổ ấm áp để chúng ta quay về ủ ấm bất cứ lúc nào. Từ đó chúng ta trở nên mạnh mẽ và có niềm tin hơn vào cuộc sống, có thể thấy vai trò của gia đình đối với mỗi một cá nhân là vô cùng quan trọng.

Gia đình là cái nôi sinh ra và nuôi lớn con người, những bước đi đầu đời, tiếng nói đầu tiên, những bài học về cung cách đối nhân xử thế, bài học về đạo đức đi thưa về gửi đều xuất phát từ gia đình. Mái ấm gia đình là nơi ươm mầm cho những tài năng, là nơi phát triển nhân cách của một con người, gia đình có êm ấm hạnh phúc thì ở đó con người mới có thể có được những nền tảng tốt, như là một loại phản xạ có điều kiện hình thành từ thuở ta còn ấu thơ, dần ngấm sâu vào máu thịt, thành một lẽ đương nhiên. Những tình cảm, những gì mà gia đình đã vun đắp dạy dỗ sẽ trở thành thứ hành trang quý giá mà bạc vàng cũng không bao giờ có thể mua được, theo bước chúng ta vào đời. Đó là những hành trang vững bền qua năm tháng, cũng là cơ sở ban đầu để định hình nhân cách và năng lực của mỗi chúng ta trên chặng đường đua trong tương lai.

Trong cuộc đời con người luôn xuất hiện 3 loại tình cảm ấy là tình yêu, tình bạn và tình thân, thì hai loại tình cảm kể trước là vô thường, có thể thay đổi bất cứ lúc nào mà ta không thể biết được. Riêng chỉ có tình thân, tình cảm gia đình là mãi mãi, đó là thứ tình cảm thật thiêng liêng, đẹp đẽ, không phải chỉ hình thành ngày một ngày hai, mà theo từng năm tháng, trong từng giai đoạn của đời người, tạo nên mối quan hệ khăng khít bằng huyết thống và những kỷ niệm gắn bó buồn vui đủ cả. Nếu như tình yêu là sự thu hút lẫn nhau của hai trái tim, thiên về cảm xúc, tình bạn là sự đồng điệu về tâm hồn là tri âm, tri kỷ vì có những điểm tương đồng bù trừ lẫn nhau. Thì ở tình thân ta thấy được một thứ tình cảm gắn bó không chỉ thiên về cảm xúc mà còn thiên về lý trí, về bản năng vốn có từ muôn đời nay, từ buổi đầu tiến hóa.

Dẫu biết rằng yêu gia đình là một suy nghĩ rất đúng đắn và tích cực, thế nhưng chúng ta cần phải biết phân biệt đúng sai, thương yêu không có nghĩa là bao che, dung túng, nuông chiều. Điều đó chỉ khiến con em chúng ta trở nên đổ đốn, ảo tưởng vị trí của mình trong xã hội, đôi khi chính sự bao che của gia đình chính là nguyên nhân đưa con em bước vào bước đường tội lỗi. Bởi họ ỷ có gia đình che chở, không biết hối cải, sửa chữa lỗi lầm, không nhận ra được khuyết điểm của bản thân, không thể phát triển được đó là một sai lầm vô cùng nghiêm trọng. Thế nên đúng thì tuyên dương, sai thì phải chỉ bảo dạy dỗ đàng hoàng, người trong một gia đình cần thấu hiểu lẫn nhau, chia sẻ lẫn nhau.

Xã hội hiện đại nhưng dường như nhận thức của một số con người vẫn còn đang ở thời nguyên thủy, họ sống một cách vô tâm, vô tình, lạnh nhạt với cha mẹ người thân, thậm chí là đánh mắng hành hạ người đã dưỡng dục họ. Có kẻ thì đánh đập bạo hành con cái, rồi thì đang tâm vứt bỏ gia đình, vứt bỏ con cái bơ vơ để đi tìm cuộc sống cho riêng mình một cách thật ích kỷ và tàn nhẫn. Tất cả những hành động ấy đều đã đi ngược lại với truyền thống tốt đẹp của dân tộc, khiến con người trở nên cô độc, tách biệt với gia đình, khó có thể thành công trong cuộc sống bởi những nền tảng tâm hồn đầu tiên của họ vốn dĩ đã bị khiếm khuyết đi rồi.

Bản thân mỗi chúng ta được sống trong một mái ấm gia đình đã là một điều rất may mắn, so với những người bơ vơ không gia đình không người thân. Thế nên chúng ta cần phải hết sức trân trọng, vun đắp tình cảm với những người thân trong gia đình, hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, yêu thương anh chị em. Lòng luôn hướng về gia đình, không nên khiến cho cha mẹ thất vọng hay phiền lòng, lỡ có rời xa gia đình đi học đi làm xa, thì gắng thường xuyên gọi điện về thăm hỏi, có thời gian thì tranh thủ trở về cùng cha mẹ ăn bữa cơm đoàn viên, quan tâm đến tình hình sức khỏe của cha mẹ đừng để khi đã muộn thì hối cũng không kịp nữa rồi. Ở lứa tuổi học sinh thì cần nhất là vâng lời cha mẹ, chăm ngoan học hành tu dưỡng đạo đức, trở thành niềm hy vọng, tương lai của gia đình và xã hội.

Hai tiếng "gia đình" thật thiêng liêng và cao cả, mỗi lúc chùn chân mỏi gối, nản chí ta lại nghĩ về gia đình để tiếp tục cố gắng, cố gắng không nổi nữa thì đã có gia đình sẵn sàng chờ đón ta trở về nghỉ ngơi sau những tháng ngày vất vả. Gia đình thân thương ấm áp đến thế, nên chúng ta cần phải gắng sức mà vun đắp, tạo dựng một gia đình một hậu phương thật vững chắc, để bản thân có thể yên tâm vững bước trên đường đời nhé các bạn trẻ.

Viết bài nghị luận xã hội về một tư tưởng, đạo lí - mẫu 4

Dân tộc ta có truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Thời phong kiến, trong bậc thang giá trị, nhà giáo xếp sau vua nhưng trước cha mẹ: “Quân – Sư – Phụ”. Dưới chế độ mới, nhà giáo được vinh danh “kỹ sư tâm hồn”, nghề dạy học là “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Lớp lớp nhà giáo đã đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp “trồng người” và khi Tổ quốc cần họ cũng sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do. Những ng` làm thầy thật đáng trân trọng biết nhường nào. Hiểu rõ vai trò của ng` thầy, dân tộc ta từ xưa tới nay luôn đề cao đạo lý “tôn sư trọng đạo”. Đạo lý đó dã thấm nhuần va ăn sâu vào tư tưởng của mỗi ng` dân Việt.

Tôn sư tức là người học trò thì phải biết tôn trọng, kính trọng và đề cao vai trò của người thầy trong quá trình học tập và trong cuộc sống. Còn trọng đạo có nghĩa là coi trọng đạo lý, đạo đức tốt đẹp của con ng`. Câu tục ngữ nhắc nhở mỗi ng` cần phải biết tôn trọng, lễ phép, kính trọng người thầy, vì người thầy đã giảng dạy, truyền dạy cho chúng ta biết thế nào là đạo nghĩa, đạo đức, đạo học làm người và những tri thức khác về mọi mặt của đời sống tự nhiên, đời sống xã hội,…

"Tôn sư trọng đạo" không chỉ còn là vấn đề đạo đức mà còn là một truyền thống văn hoá vô cùng tốt đẹp của nhân dân ta. Khi nào cuộc sống còn cần kiến thức, con người còn văn minh thì người thầy còn được tôn trọng. Mà chắc chắn rằng, con người không thể quay trở về với điểm xuất phát với cảnh sống ăn lông ở lỗ được. Vì thế, dù thời kì lịch sử nào, dù xã hội nào "Tôn sư trọng đạo" vẫn là truyền thống vô cùng tốt đẹp, và vô cùng cần thiết, cần được tiếp tục phát huy và gìn giữ. Đó là yếu tố quan trọng làm nên nền tảng đạo đức của xã hội văn minh.

Nhân dân ta từng có những câu nói vô cùng giản dị mà chứa đựng những ý nghĩa rất sâu sắc về vấn đề Đạo và Thầy. Những câu nói ấy vừa tôn vinh người Thầy, vừa nhắc nhở con người phải biết sống cho phải đạo làm người. Thầy là người vạch đường chỉ lối cho mối người "Không thầy đố mày làm nên". Vì thế vị trí của người thầy được đặt ngang hàng với vị trí của cha mẹ, "Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy". Chúng ta vẫn luôn tự nhắc mình:

Muốn sang thì bắc cầu Kiều

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy

Người làm thầy trong bất cứ xã hội nào luôn được xã hội tôn trọng "nhất tự vi sư, bán tự vi sư". Bởi vậy, "tôn sư trọng đạo" không còn là một vấn đề quan niệm sống hay quan niệm về cách cư xử mà đã trở thành một phạm trù đạo đức. Thời xưa Platôn, Aritxtôt, Khổng Tử… từ người thầy đã trở thành những bậc thánh trong lòng học trò. Ngày nay, người thầy tuy không có vị trí tuyệt đối như thế song thầy vẫn là người được xã hội tôn trọng và "nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý". Dù ở phương Đông hay phương Tây, dù mối quan hệ thầy trò có bình đẳng đến đâu, gần gũi đến đâu thì danh giới thầy trò, vị trí đáng kính của người thầy vẫn không hề bị mai một.

"Tôn sư trọng đạo" là một truyền thống văn hoá vô cùng tốt đẹp của loài người. Nếu trẻ em là tờ giấy trắng thì người cầm cây bút viết lên những tờ giấy trắng ấy những tráng thẳng hàng, rõ nét, rõ chữ nhất chính là thầy cô giáo. Tôn trọng những người giữ vai trò truyền đạt tri thức nhân loại cho thế hệ sau là biểu hiện của tình yêu tri thức, của lòng ham học hỏi, của ý chí và khát vọng vươn lên cuộc sống tốt đẹp hơn. Vì thế "tôn sư" không chỉ là vấn đề tôn trọng, kính yêu người làm nghề dạy học mà còn là biểu hiện của tình yêu tri thức, biểu hiện của văn minh, tiến bộ. "Đạo" cũng không chỉ dừng lại ở đạo làm trò, ở những hình thức, thái độ ứng xử với người thầy mà còn là cả vấn đề đạo đức xã hội. Đó là đạo làm người, là đạo học ở đời. Trọng đạo là coi trọng sự hiểu biết, coi trọng tinh thần ham học hỏi, đề cao truyền thống ham học.

Để xã hội ngày càng văn minh con người ngày càng phải chú ý đến chuyện học hành, tiếp thu tri thức. Vì thế, vai trò của người thầy trong xã hội hiện đại đã thay đổi, từ người truyền đạt tri thức đã chuyển thành người dẫn dắt học sinh tìm ra con đường đến với tri thức. Vai trò của người thầy ít nhiều thay đổi nhưng vị trí của người thầy thì không hề suy giảm. Thầy vẫn là thầy và ngày càng quan trọng hơn. Vì vậy, dù xã hội có đi đến đâu, xã hội ấy vẫn có những người muốn học và vẫn có những người thực hiện nhiệm vụ dạy bảo người đi sau. Trong cuộc sống ngày nay, khi mà vấn đề học hành ngày càng phức tạp và sự xuống cấp về đạo đức xã hội đang khiến nhiều người có lương tâm trách nhiệm phải quan tâm suy nghĩa thì vấn đề "tôn sư trọng đạo" càng phải tiếp tục được kế thừa và phát huy hơn nữa.

Mối quan hệ thầy – trò tượng trưng cho nét đẹp văn hóa ứng xử của nhân dân Việt Nam. Tìm trong lịch sử dân tộc ta có biết bao bậc thầy vĩ đại, cả đời tận trung vì dân vì nước. Cuộc sống của họ thanh bần mà được người đời ca tụng, lưu danh muôn thuở. Vậy mới có một thầy Chu Văn An (1370), sẵn sàng từ bỏ áo mũ, quan tước, dâng sớ lên triều đình xin chém đầu 7 kẻ quyền thần. Một thầy Đồ Chiểu mù hai mắt nhưng cả đời kiên trung, không chịu khuất phục trước sức mạnh xâm lược của ngoại bang. hay thầy Cao Bá Quát lấy việc dạy người cao hơn dạy chữ….Những người thầy đáng kính đó sẽ mãi đc bao thế hệ ng` Việt nam ca tụng

Trên thực tế, vấn đề "tôn sư trọng đạo" ngày nay đã có nhiều điều đáng phải bàn. Các thầy cô giáo dù phải đứng trước bao nhiêu khó khăn của cuộc sống vẫn đang ngày đêm lo lắng, nghiền ngẫm để truyền thụ cho học sinh những tri thức quý giá nhất. Còn học sinh, bên cạnh những học sinh chăm chỉ ngoan ngoãn, thực hiện đúng đạo làm trò, kính yêu và tôn trọng thầy cô giáo, đã có không ít bạn chót quên đi đạo nghĩa thầy trò. Những học sinh ấy đã vô tình hoặc cố ý vi phạm đạo làm trò, làm đau lòng các thầy cô giáo. Đã có những câu chuyện đau lòng mà chúng ta không muốn nhắc đến như hiện tượng học trò xúc phạm thầy cô giáo, vô lễ với những người đang ngày đêm dạy bảo mình những điều hay lẽ phải, truyền đạt cho mình những tinh hoa tri thức nhân loại. Xã hội đã, đang và sẽ tiếp tục lên án những học sinh đó.

Tôn sư trọng đạo là một truyền thống đạo đức vô cùng tốt đẹp của dân tộc ta. Đứng trước những hiện tượng đáng suy nghĩ hiện nay về vấn đề đạo đức học đường, chúng ta cần phải có những hoạt động cần thiết để nhắc nhở mỗi người nhìn lại thái độ và cách ứng xử của mình đối với những người làm thầy trong xã hội này. Tôn sư trọng đạo cần phải được quan tâm hơn nữa. Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta cũng đã đề ra nhiều chính sách nhằm ưu tiên cho phát triển giáo dục, coi trọng giáo dục là quốc sách hàng đầu. Cho phép đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Chủ trương đưa đất nước phát triển tiến lên bằng nền kinh tế tri thức. Mong rằng mỗi học sinh Việt Nam đều ý thức đc tầm quan trọng của người thầy và tôn trong, kính yêu các thầy cô hơn nữa. Hãy luôn nhớ rằng: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong tất cả các nghề cao quý”.

Viết bài nghị luận xã hội về một tư tưởng, đạo lí - mẫu 5

Từ thuở sơ khai đến giờ, dân tộc ta có biết bao truyền thống tốt đẹp vẫn luôn được duy trì cho đến tận ngày hôm nay, ví dụ như những truyền thống: Lòng yêu nước, tương thân tương ái, tình đoàn kết… Và cả sự hiếu học, ham tiếp thu những kiến thức mới của con người Việt Nam như một bản năng đặc biệt. Và việc coi trọng việc học ấy đã dấy lên đạo lí “Tôn sư Trọng Đạo” và đạo lí này được phát huy và duy trì như những truyền thống tốt đẹp khác.

“Tôn Sư Trọng Đạo” “Sư” nghĩa là thầy, “Tôn Sư” là coi trọng tôn trọng và tôn kính đối với thầy. Thầy ở đây là người chỉ dạy, người truyền đạt và người dìu dắt mỗi người. “Đạo” đạo ở đây là đạo lí, đạo làm người và đạo học chữ nghĩa, “Trọng Đạo” là coi trọng, trân trọng, quý trọng đạo học, đạo làm người.

Ta có thể nghĩ theo hai chiều như thế này: Trọng đạo ắt sẽ Tôn thầy, những người có nhu cầu học hỏi nhu cầu tiếp thu thì ắt sẽ sinh lòng tôn Thầy.Hoặc, Biết tôn Thầy thì mới coi trọng đạo học và quý trọng đạo làm người. “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” người dạy ta một chữ cũng là thầy dạy ta nửa chữ cũng là thầy. Phải chăng đây là câu thành ngữ nói rõ nhất về đạo lí “Tôn sư trọng đạo”.

Vai trò của người thầy luôn được đề cao và coi trọng, hình ảnh thầy giáo là hình ảnh tiêu biểu trong mọi tầng lớp xã hội và nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Vai trò của người thầy được khẳng định qua các câu ca dao như: “không thầy đố mày làm nên”, “công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”…. Thầy có vị trí quan trọng trong xã hội, được mọi người tôn vinh, là nơi cha mẹ gửi gắm sự tin tưởng để dạy dỗ con cái họ thành người, là tấm gương để mọi người noi theo, là người có chuẩn mực đạo đức, có tài đứng ra hổ trợ giúp đỡ tổ quốc đất nước thông qua việc dạy dỗ lớp người thành tài.

Còn học trò phải giữ đúng đạo làm trò, coi trọng những lời chỉ dạy của thầy cư xử đúng mực để làm vang danh dân tộc Việt Nam nghìn năm văn hiến.

Sau cách mạng tháng tám, đất nước ta đứng trước muôn vàn khó khăn đặc biệt là giặc dốt, nhận thức được sự ảnh hưởng của giáo dục Bác Hồ đã đề cao đến vấn đề nâng cao giáo dục, nâng cao trình độ dân trí trong cộng đồng. Bác Hồ luôn chăm lo cho sự nghiệp giáo dục đào tạo, quan tâm đến đời sống công tác của các nhà giáo.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, trong những năm qua Đảng và Nhà nước luôn đề cao và quan tâm tới giáo dục, cái gốc của trí tuệ và đạo đức đều từ giáo dục mà ra để tỏ sự trân trọng, lòng thành kính của xã hội dành cho nhà giáo. Truyền thống này ngày càng được trân trọng và tôn vinh qua việc coi giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, các chính sách, chế độ luôn được đề cao, quan tâm chăm lo người thầy trong sự nghiệp trồng người.

Trong xã hội ngày nay, mặc dù khoa học kỹ thuật phát triển, nhiều yếu tố hiện đại, tiện ích có thể tham gia vào quá trình giáo dục con người, nhưng vị trí quan trọng của thầy giáo vẫn không có gì thay đổi, vẫn là vị trí luôn được tôn vinh và coi trọng. Bởi lẽ, dù xã hội có phát triển như thế nào đi nữa, người thầy vẫn luôn là biểu tượng cho nhân cách, chuẩn mực đạo đức và là người truyền vào tâm hồn học trò những điều tốt đẹp, là tấm gương để mỗi một người trò noi và làm theo.

Ngày nay, truyền thống “Tôn sư trọng đạo” vẫn luôn được duy trì và phát huy, và được coi như là một trong những chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội, và chuẩn mực trong mỗi con người. Và trong mỗi người, mặc nhiên đạo lí “Tôn sư trọng đạo” luôn tồn tại và luôn luôn phát huy.

Tuy nhiên, khi xã hội phát triển, khi nhu cầu con người về kinh tế ngày càng cao cũng đã ảnh hưởng không ít đến nền giáo dục nước ta và nền giáo dục cũng có những biểu hiện đáng báo động. Một bộ phận giáo viên chất lượng chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số ít giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục có những vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống và cả đạo thầy trò.

Bên cạnh đó, do “bệnh thành tích”, không ít học sinh, sinh viên lười biếng học hành, không quý trọng tri thức văn hóa khoa học, nhiều học sinh, sinh viên có lối sống thực dụng thấp kém, quậy phá trong trường và ngoài xã hội, coi thường lễ nghĩa và cả hành hung thầy cô. Những hành động này cho thấy giá trị đạo đức trong giáo dục có hiện tượng xuống cấp. Tình trạng này cần được sự can thiệp mạnh mẽ của các nhà quản lý, của nhà trường, gia đình và cả toàn xã hội nhằm bồi đắp đạo lý thầy trò và phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo toàn diện.

Tôn sư trọng đạo là một truyền thống đạo đức vô cùng tốt đẹp của dân tộc ta. Đứng trước những hiện tượng đáng suy nghĩ hiện nay về vấn đề đạo đức học đường, chúng ta cần phải có những hoạt động cần thiết để nhắc nhở mỗi người nhìn lại thái độ và cách ứng xử của mình đối với những người làm thầy trong xã hội này. Tôn sư trọng đạo cần phải được quan tâm hơn nữa.

Những hiện tượng nêu trên chỉ là cá biệt. Và truyền thống “Tôn sư trọng đạo” dù ở ngày xưa hay hôm nay và mãi mãi mai sau vẫn là một nét đẹp của dân tộc Việt Nam, Đạo lý thầy trò là một trong những đạo lý thiêng liêng nhất của con người. Cũng như đạo trung của dân với nước và đạo hiếu của con cái đối với cha mẹ, đạo lý thầy trò góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc và cốt cách con người Việt Nam.

Vì vậy, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 được tổ chức hằng năm không chỉ là dịp để Ngành Giáo dục tôn vinh những người hoạt động trong ngành, học trò thể hiện lòng thành kính “tôn sư trọng đạo” mà còn là dịp để xã hội tôn vinh, tri ân những người đã, đang gắn bó với nghề dạy học.

Kết luận lại, dù trong xã hội nào, ngày xưa và ngày nay truyền thống “Tôn sư trọng đạo” vẫn luôn là truyền thống tốt đẹp thể hiện tình thầy trò, dù là người thầy những năm 45 hay người thầy năm 2021 thì vẫn luôn giữ vị trí quan trọng trong xã hội và trong mỗi con người chúng ta. Với cương vị là một tương lai của đất nước, tôi hi vọng những lớp trẻ như tôi luôn có những suy nghĩ đúng đắn về truyền thống tốt đẹp này, không những giữ gìn mà cần phát huy và lan tỏa sự kính trọng, sự tôn trọng đối với mỗi người thầy mà ta gặp qua trong cuộc đời. Và đặc biệt hơn nữa, những bậc phụ huynh cần định hướng đúng đắn cho con em mình:

“Muốn sang thì bắc cầu Kiều

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy!”

Bởi, trẻ em là những trang giấy trắng, sự định hướng đúng đắn của phụ huynh và sự chỉ dạy tận tình của một người thầy sẽ quyết định tương lai của những mầm xanh này.

Viết bài nghị luận xã hội về một tư tưởng, đạo lí - mẫu 6

“Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”

Ông cha ta đâu chỉ đang nhắc chuyện bầu, chuyện bí. Câu ca dao còn mang thông điệp nhân văn về lòng thương người, nhân ái, bao dung. Vậy thế hệ tiếp nhận bài học đó có còn hiểu và thực thi lòng bao dung trong cuộc sống đúng cách? Ba chữ “lòng bao dung” rất dễ hiểu. bao dung là sự rộng lòng tha thứ cho người có lỗi lầm. Tuy nhiên, nếu nói “lòng bao dung” thì bạn nên hiểu rộng hơn đó là bao dung, vị tha, biết đùm bọc, che chở, thậm chí hi sinh lợi ích cá nhân cho một điều gì đó xứng đáng. Đây là một đức tính tốt đẹp của con người.

Đúng như nghĩa chính nhất của nó, bao dung biểu hiện ở cách bạn biết tha thứ lỗi lầm. Không ai sinh ra mà hoàn hảo cả. Trong cuộc sống, ít nhiều sẽ mắc lỗi, bản thân mỗi chúng ta đều hiểu điều đó. Khi bản thân bạn mắc lỗi, bạn cũng cần được tha thứ. Do vậy, hãy tha thứ cho một ai đó khi họ mắc phải lỗi lầm. Lấy ví dụ trong lớp học, môi trường gần gũi với chúng ta nhất. Giả sử trong lớp có bạn bị phát hiện trộm cắp một món đồ của một học sinh khác. Bạn đó biết lỗi và đã trả lại món đồ. Cô giáo và các bạn khác đã tha thứ, bỏ qua và lại quan hệ hòa đồng với nhau trở lại. Biết tha thứ và từ bỏ ý niệm xấu xa trong mình, điều đó không gì khác ngoài lòng bao dung.

Bao dung biểu hiện cao cả hơn trong những vấn đề tế nhị hơn. Hãy nghĩ tới những ngày kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ bão lửa. Khi giặc thua, đầu hàng, quân dân ta đã tha tội, thậm chí lo toan đủ miếng ăn, áo mặc và trả lính về với quê hương họ. Việc làm ấy khiến không ít bạn bè quốc tế ngưỡng mộ. Bản thân quân lính thua trận cũng tôn trọng quân và dân ta hơn.

Tôi khá tâm đắc một câu nói của Nam Cao: “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thoả mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai của chính mình”. Có thể coi đây là một định nghĩa khác cụ thể hơn về bao dung. bao dung biểu hiện trong cách bạn đối xử với người khác, đặc biệt là người yếu thế. Bạn sinh ra có một hình hài hoàn thiện, bạn đã là “kẻ mạnh” so với những người khiếm khuyết cơ thể. Hãy thương yêu, bao bọc lấy họ giống như cách mà Thị Nở đã đến và yêu thương mảnh hồn tàn tạ, méo mó Chí Phèo. Đôi khi, một vài yêu thương nhỏ bé lại có khả năng cứu rỗi một đời người.

Như vậy, lòng bao dung đem lại cho chúng ta nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống. Nó giúp ta sống hòa đồng, thiện chí với mọi người hơn. bao dung sẽ tiếp thêm sức mạnh cho người khác, thúc đẩy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Tuy vậy, bao dung không đồng nghĩa với sự tha thứ mù quáng. Hãy đặt lòng bao dung đúng lúc, đúng chỗ. Bạn chỉ nên tha thứ cho những người thực sự muốn được tha thứ. Đối với những kẻ cố tình mắc sai lầm và không có ý định sửa chữa, bạn không nên đặt sự tha thứ nơi họ. Làm như vậy trái lại chỉ để cho lòng tốt của chúng ta bị lợi dụng mà thôi.

Có câu “Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”, hãy bao dung nếu có thể. Điều đó tốt cho bạn và tốt cho mọi người. Khi bạn sống bao dung, bạn sẽ nhận được nhiều thứ hơn so với những gì bạn nghĩ. Với tôi, sống bao dung giúp tôi thanh thản hơn.

Xem thêm các bài văn mẫu 11 Cánh diều hay khác:

Tủ sách VIETJACK shopee lớp 10-11 cho học sinh và giáo viên (cả 3 bộ sách):

Săn shopee siêu SALE :

CHỈ CÒN 250K 1 KHÓA HỌC BẤT KÌ, VIETJACK HỖ TRỢ DỊCH COVID

Đăng ký khóa học tốt 11 dành cho teen 2k4 tại khoahoc.vietjack.com

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Tài liệu giáo viên