Top 30 Thảo luận ý kiến về một hiện tượng trong đời sống (hay nhất)

Tổng hợp trên 30 bài văn Thảo luận ý kiến về một hiện tượng trong đời sống hay nhất giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Top 30 Thảo luận ý kiến về một hiện tượng trong đời sống (hay nhất)

Quảng cáo

Thảo luận ý kiến về một hiện tượng trong đời sống - mẫu 1

Cuộc sống hiện đại ngày càng phát triển, theo đó mà guồng quay công việc nhanh chóng đã gây ra áp lực lớn cho mỗi người. Để tìm cách giải tỏa áp lực, nhiều người lựa chọn chơi game online. Mặc dù trò chơi điện tử có thể đem lại nhiều lợi ích, như giúp người chơi thư giãn và rèn luyện tư duy, song nghiện game online lại gây nhiều tác hại đối với con người và cuộc sống.

Về mặt lợi ích, chơi game có thể giúp con người giải tỏa căng thẳng và mệt mỏi sau giờ học tập hoặc làm việc căng thẳng. Ngoài ra, có những loại game còn giúp người chơi rèn luyện tư duy và nâng cao kiến thức. Thậm chí, game còn trở thành một bộ môn được đưa vào giảng dạy và học tập cũng như tổ chức thi đấu chuyên nghiệp.

Quảng cáo

Tuy nhiên, sự phổ biến của game online cũng đã gây ra nhiều tác hại lớn đến sức khỏe và thành tích học tập của học sinh. Hiện tượng "nghiện game" là một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất trong xã hội hiện nay. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, chơi game quá nhiều có thể gây ra một loạt các vấn đề ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm lý của người chơi. Bên cạnh đó, chơi game còn tiêu tốn nhiều tiền bạc, gây ra những thói hư tật xấu như nói dối, trộm cắp, lừa lọc...

Nguyên nhân của tình trạng này đến từ nhiều phía. Trước tiên phải kể đến phụ huynh thường quá bận rộn với công việc và không dành thời gian để kiểm soát việc chơi game của con cái. Tiếp đến là trường học, giáo viên chưa giám sát chặt chẽ đối với học sinh và sinh viên của mình. Ngoài ra, sự rủ rê, lôi kéo từ bạn bè cũng góp phần làm nhiều người sa đà vào việc nghiện game online.

Quảng cáo

Trên hết, nguyên nhân chủ quan có lẽ là đóng vai trò quan trọng nhất. Bởi có nhiều cá nhân do quá đam mê với trò chơi và bỏ quên việc học tập. Họ có thể muốn chứng tỏ bản thân với bạn bè rằng mình là người giỏi nhất hay chỉ đơn giản là thích thú với thế giới ảo trong trò chơi. Có rất nhiều trường hợp những người trẻ tuổi bị mê hoặc bởi thế giới ảo của trò chơi, dẫn đến việc họ bỏ lỡ những cơ hội quan trọng trong cuộc sống thực. Những hệ lụy tiêu cực này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của cá nhân mà còn ảnh hưởng đến xã hội nói chung.

Do đó, mỗi học sinh và sinh viên nên có ý thức tránh xa các trò chơi độc hại, tập trung vào những hoạt động có ích, giúp bản thân ngày một tốt đẹp hơn. Chỉ khi có được sự cân bằng trong cuộc sống thực và ảo, ta mới có thể có một tương lai tươi sáng và phát triển.

Dàn ý Thảo luận ý kiến về một hiện tượng trong đời sống

Quảng cáo

1. Mở bài:

- Giới thiệu hiện tượng đời sống cần nghị luận

2. Thân bài:

- Khái niệm và bản chất của hiện tượng (giải thích); mô tả hiện tượng

- Nêu thực trạng và nguyên nhân (khách quan – chủ quan) của hiện tượng bằng các thao tác phân tích, chứng minh


- Nêu tác dụng – ý nghĩa (nếu là hiện tượng tích cực; tác hại – hậu quả (nếu là hiện tượng tiêu cực)

- Giải pháp khuyến mãi (nếu là hiện tượng tích cực); Biện pháp khắc phục (nếu có hiện tượng tiêu cực)

3. Kết bài:

- Bày tỏ ý kiến về hiện tượng xã hội vừa bàn luận

- Rút ra bài học về nhận thức và hành động cho bản thân

Thảo luận ý kiến về một hiện tượng trong đời sống - mẫu khác

Tham khảo thêm các bài Thảo luận ý kiến về một hiện tượng trong đời sống hay khác:

Thảo luận ý kiến về một hiện tượng trong đời sống - mẫu 2

Không biết từ bao giờ "bệnh thành tích" đã trở thành một căn bệnh gây tác hại không nhỏ đối với sự phát triển của xã hội ta hiện nay. Học tập, lao động, chiến đấu, cá nhân nào cũng có ước muốn chính đáng là lập được nhiều thành tích tốt đẹp. Nhưng vì hám thành tích mà có hiện tượng làm láo báo cáo hay. Thành tích được vẽ ra, được thổi phồng lên làm theo cấp số nhân, cấp số cộng để nhận huy chương, để lấy bằng khen, rước xách rầm rộ, liên hoan lu bù, báo công ầm ĩ.

Hầu như ngành nào cũng lắm "bệnh thành tích". Nhà máy thiếu nguyên liệu, công nhân thất nghiệp, nhưng năm nào cũng hoàn thành kế hoạch. Lâm trường nọ trồng cây gây rừng, thành tích được thổi phồng lên, nào là phủ xanh đồi trọc, nào là trồng được hàng triệu cây có bóng mát, cây ăn quả, cây gỗ quý, thông và bạch đàn bao la. Nhưng câu chuyện xảy ra như một vở bi hài kịch khi đoàn kiểm tra "sờ" đến. Những con số ấy, những cây cối ấy chỉ là số không. Rừng phòng vệ bị phá tan hoang. Diện tích hoang hóa, đồi trọc mênh mông. Rừng đầu nguồn bị chặt phá trơ trụi.

Ngành giao thông vận tải thì đường sá mới làm xong đã xuống cấp, tai nạn giao thông xảy ra đến chóng mặt, mỗi năm có hàng trăm người chết vì tai nạn ô tô, chẹt tàu. Hiện tượng lún móng cầu, sập cầu đâu còn là sự cố hiếm thấy nữa!

Ngành giáo dục, "bệnh thành tích" trở nên trầm kha. Thi cử gian dối, trường nào, địa phương nào cũng lo chạy theo thành tích nên đã buông lỏng kỉ cương. Bằng giả, học giả, tiến sĩ rởm không còn là hiện tượng hi hữu nữa. Khẩu hiệu: "Nói không với tiêu cực" tuy đã giảm bớt được một phần nào, nhưng bệnh tiêu cực không thể nào một sớm một chiều mà giảm bớt được, hạn chế được. Bệnh thành tích đã làm suy thoái đạo đức cán bộ, người lao động vì cái tệ làm láo báo cáo hay. Con số thống kê là con số ảo, không đúng với thực tế sản xuất của nước ta. Dịch cúm gà, cúm gia cầm, bệnh lợn tai xanh, có nơi, có lúc đã báo cáo sai. Do "bệnh thành tích" mà từng gây ra nhiều thảm họa! Phải thanh tra, kiểm tra thật chặt chẽ, xử phạt thật nghiêm minh mới có thể chữa được căn bệnh "ung thư" này.

Có chữa được "bệnh thành tích" thì sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước mới phát triển và giành được nhiều thành tựu rực rỡ. Có chữa được tận gốc "bệnh thành tích" mới chống các hiện tượng thi cử gian lận, mới xây dựng được con người mới, đạo đức mới xã hội văn minh.

Thảo luận ý kiến về một hiện tượng trong đời sống - mẫu 3

Gia đình là nơi ta sinh ra, lớn lên, là nơi gắn bó với chúng ta suốt cuộc đời. Chình vì vậy gia đình có vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của mỗi chúng ta.

Gia đình là một cụm từ, một khái niệm rất quen thuộc, gần gũi và gắn liền với cuộc sống của chúng ta. Vậy bạn có hiểu đúng về khái niệm gia đình này chưa? Chúng ta cùng tìm hiểu xem gia đình là gì, ý nghĩa của gia đình và vai trò của gia đình đối với mỗi người nhé! Gia đình là tập hợp những người quen thuộc, thân thương, gần gũi với chúng ta, gia đình chính là một cách thức tổ chức sống nhỏ nhất trong xã hội, trong gia đình có mối liên kết với nhau từ quan hệ huyết thống hoặc nuôi dưỡng. Có rất nhiều cách hiểu khác nhau về gia đình, nhưng chung quy lại thì đây là một nơi mà những con người liên kết với nhau, sinh sống với nhau tạo nên mối quan hệ mật thiết, gia đình là hình ảnh phản ảnh của một xã hội thu nhỏ. Đúng vậy, gia đinh chính là nơi bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn và tình cảm cho con người, nơi đó có những người thương yêu, quý giá như cha, mẹ, anh chị em, cô dì, chú bác, ông bà,…Cũng chính vì vậy, mà gia đình đóng góp một vai trò không nhỏ đối với quá trình trưởng thành của một người. Chẳng ai có thể khẳng định người ấy có thể sống tốt, vui vẻ mà hạnh phúc mà không có gia đình. Những ai không may mắn không có được một gia đình tử tế từ khi mới lọt lòng vẫn luôn đau đáu một nỗi đau tìm ra nguồn gốc người thân của mình, hoặc những ai khi mất đi những người mình yêu thương trong cuộc sống, sau đó chẳng phải sẽ tìm một gia đình khác làm bến đỗ tinh thần cho mình đấy thôi. Gia đình chính là tế bào của xã hội, cho nên chúng ta hãy vì hạnh phúc gia đình và tương lai phát triển của xã hội mà cùng nhau đóng góp xây dựng tình cảm của mình. Sẽ thật là may mắn khi bạn được sinh ra trong một gia đình hạnh phúc, êm ấm, tuy nhiên, dù chẳng được may mắn như vậy, hãy vẫn cho mình cơ hội tìm một gia đình đúng nghĩa nhé.

Tình cảm gia đình có thể khiến cho một người luôn tươi vui, rực rỡ và lạc quan hơn trong cuộc sống. Muốn gia đình hạnh phúc thì đòi hỏi mỗi cá nhân phải có tình cảm, biết vun đắp, sẻ chia, và đức hy sinh. Không những vậy, vai trò của mỗi gia đình còn giúp sức tạo nên một xã hội văn minh, phát triển hơn nữa trong tương lai.

Thảo luận ý kiến về một hiện tượng trong đời sống - mẫu 4

Hiện tượng học sinh đi xe máy có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên đến trường diễn ra khá phổ biến. Bất chấp quy định pháp luật, nhiều trường hợp không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, chở quá người quy định... khi tham gia giao thông.

Giờ tan học tại nhiều trường THPT, THCS, bên cạnh các phương tiện có phần "quen mắt" như xe đạp, hay mới hơn là xe đạp điện, xe máy điện thì tình trạng các bạn học sinh điều khiển mô tô trên 50cc, không đội mũ bảo hiểm, thậm chí "kẹp ba, kẹp bốn" trên đường dẫn tới nguy cơ cao tai nạn giao thông (TNGT), khiến nhiều người đi đường không khỏi giật mình.

Vì chưa được đào tạo, sát hạch để được cấp giấy phép lái xe, nên các kỹ năng lái xe an toàn cũng như hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ ở học sinh và trẻ vị thành niên hầu như không có; cộng với tâm lý muốn thể hiện nên thường vi phạm luật giao thông.

Luật Giao thông đường bộ đã quy định cấm người chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe máy, thế nhưng hiện nay, tình trạng trên vẫn đang diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Trong luật giao thông đường bộ hiện hành cũng đã có hình thức xử phạt vi phạm giao thông như phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 đồng đối với người chưa đủ tuổi đã điều khiển xe máy phân khối lớn. Nhưng mức phạt đó, nếu so với sự hậu thuẫn của cha mẹ thì như "muối bỏ biển"

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do nhiều gia đình không có thời gian đưa đón con đã chấp nhận, thậm chí cho con em mình tự điều khiển xe máy, xe máy điện đi lại, dù biết con em chưa đủ tuổi và tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm về tai nạn giao thông. Thêm vào đó, một số em học sinh, nhất là học sinh nam khi tham gia giao thông thích "thể hiện", ra khỏi cổng trường là nằm ngoài sự quản lý, nên có tâm lý coi thường, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách đánh võng, đi ngược chiều,...

Hơn nữa, việc giao thông đô thị như tình trạng tắc đường, thiếu các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm, tàu cao tốc hiện đại... có thể cũng chính là một trong những nguyên nhân mà nhiều bạn học sinh lựa chọn sử dụng các phương tiện cá nhân như xe máy để đến trường.

Tóm lại, việc học sinh, trẻ vị thành viên sử dụng xe máy có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên khi tham gia giao thông là hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Em mong rằng các nhà trường không chỉ giáo dục, nâng cao ý thức cho học sinh về ATGT, mà các bậc phụ huynh cũng sẽ nghiêm túc chấp hành quy định luật giao thông, không cho con em tự điều khiển các phương tiện giao thông có tốc độ cao, bị cấm khi chưa đủ tuổi.

Thảo luận ý kiến về một hiện tượng trong đời sống - mẫu 5

Cùng với sự thành công thái quá của con người trong lĩnh vực công nghiệp – dịch vụ, khoa học kĩ thuật thì nó cũng gây áp lực cho vấn đề môi trường của thế giới. Ở Việt Nam ngày nay, bên cạnh những vấn đề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như hiện tượng xả nước thải trực tiếp ra sông suối, khai thác sa khoáng làm ô nhiễm nguồn nước, còn có một vấn đề gây nhức nhối làm ô nhiễm môi trường do ý thức con người gây ra, đó là vứt rác bừa bãi. Có những người ngồi bên hồ ngắm cảnh, do lười ra chỗ thùng rác mà người ta cũng tiện tay vứt rác xuống bờ hồ.

Xả rác bừa bãi là thói quen từ lâu của nhiều người. Hiện tượng này có cả trong trường học, nhiều học sinh sau khi ăn quà không để rác vào sọt mà vứt lung tung trên sàn lớp, sân trường. Nhiều túi ni lông, giấy thải bay tứ tung nhìn rất bẩn và khó chịu. Ở một số gia đình, khi có xe đổ rác thì không mang rác ra xe mà khi xe đi qua rồi lại vứt ở góc tường, trước ngõ hay gần nơi họ sống. Một số người đi xe gắn máy, xe buýt, ô tô. Sau khi dùng thứ gì đó thì tiện tau mở của sổ vứt luôn vỏ đựng xuống lòng đường khi đang trên xe. Hay một số người ý thức kém, uống nước ngọt bên đường sẵn sàng vứt luôn que kem vỏ chai gần nơi họ ngồi. Và còn biết bao người thiếu ý thức bảo vệ môi trường. Họ vứt rác bừa bãi thành thói quen, xả rác bừa bãi nơi công cộng, đường phố.

Nhiều người đi du lịch các nước phát triển về khoe: Ôi đi Singapore sạch lắm, ôi qua Mỹ sạch lắm, họ đi du lịch không tiếc tiền. Nhưng chính tại nơi mình sống, họ lại tiếc 30 - 50 ngàn đồng tiền đổ rác, đem rác ném lung tung, gây ra một vấn nạn rác ô nhiễm.

Vậy, nguyên nhân của hành động thiếu văn hóa này xuất phát từ đâu? Khách quan, có thể thấy việc tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người dân của các cơ quan chuyên trách đối với việc bảo vệ môi trường chưa thực sự cao. Các qui định xử phạt lại thiếu và chưa thật nghiêm khắc. Về chủ quan, ta thấy rất nhiều người không có ý thức bảo vệ môi trường tiện tay thì vứt, cốt sao sạch nhà mình, còn ngoài đường ra sao thì kệ. Họ đâu ý thức rằng những việc làm tưởng như rất bình thường, đó lại có tác hại lớn thế nào đến môi trường sống của chính họ và những người xung quanh.

Vứt rác bừa bãi gây ra hậu quả vô cùng lớn. Hành động này làm xấu cảnh quan thiên nhiên gây mất mĩ quan đường phố. Nguy hại hơn, nó làm cho môi trường sống của chúng ta lại ô nhiễm: Vứt rác ra sông hồ làm ô nhiễm nguồn nước, chôn rác không phân hủy làm ô nhiễm đất, làm ô nhiễm không khí, ô nhiễm tầm nhìn. Gây ảnh hưởng xấu đến các loài sinh vật chứ không kể riêng con người. Sức khỏe của con người suy giảm, dễ mắc các bệnh về hô hấp, về tiêu hóa, ung thư. Các loại sinh vật sống ở biển, hồ sẽ chết vì nuốt phải rác không phân hủy, chết vì nguồn nước quá ô nhiễm gây hoang mang cộng đồng.

Bởi vậy, chúng ta phải có những giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng này. Ở Sing-ga-po, những người vứt rác ra đường hoặc những nơi công cộng dù là rác rất nhỏ như mẩu thuốc lá hay vỏ kẹo cao su. Cũng bị phạt rất nặng. Đó chính là một kinh nghiệm mà đất nước ta cần học tập. Cần có những hình thức xử phạt thật nghiêm hành động này. Bên cạnh đó, các ban ngành chính quyền, các cơ quan chức năng, đoàn thể. Cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho người dân để họ không vứt rác bừa bãi. Mặt khác chúng ta cần tích cực trồng cây xanh, phủ đồi trọc giữa môi trường Xanh – Sạch – Đẹp.

Tóm lại, hành vi vứt rác bừa bãi là một hành động xấu, gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan đô thị, thể hiện sự vô văn hóa. Vì vậy, hãy nâng cao ý thức, mỗi người hãy tiện tay mang rác đến đúng thùng rác và nơi quy định để vứt, giúp giữ cho môi trường sống luôn trong lành, sạch đẹp.

Thảo luận ý kiến về một hiện tượng trong đời sống - mẫu 6

Hiện nay, thói kiêu ngạo và thích chơi trội đã dần trở thành một xu hướng gây nhức nhối trong một bộ phân thanh thiếu niên.

Thói kiêu ngạo, thích chơi trội được thể hiện rõ nét qua ngoại hình, cách nói chuyện và hành động. Đó là những bạn thiếu niên thích sử dụng các món đồ hàng hiệu có giá trị xa xỉ, chưa thực sự phù hợp với lứa tuổi, môi trường học đường và cả điều kiện kinh tế gia đình. Các em còn thích chụp những bức ảnh, chia sẻ những nội dung mang nội dung ăn chơi, đua đòi không đúng với lứa tuổi của bản thân. Cùng vưới đó, là những hành động, lời nói bắt chước các thành phần bất hảo trong xã hội, cố gồng bản thân lên để trở thành một phiên bản nào đó.

Sự lệch chuẩn ấy đã tạo ra một nhóm các thanh thiếu niên có vẻ ngoài và hành động, lời nói thiếu chuẩn mực. Bản thân các em ấy đã dần trở nên lệch lạc cả trong tư duy của chính bản thân mình. Việc theo đuổi những giá trị vật chất, hơn thua về những điều vô bổ làm cho các em đánh mất chính mình. Đó sẽ trở thành tiền đề, bàn đạp dẫn dắt các em tới những lệch lạc khác về tư duy và tệ nạn xã hội. Ngoài ra, việc đua đòi, khoe khoang về vật chất, còn khiến các bạn chểnh mảng việc học hành, vì phải dành nhiều thời gian để soi xét về cái nhìn của người khác, về việc phải làm gì để trở nên nổi bật, về việc cần làm gì để có những món đồ đặc biệt hơn người khác. Và nếu gia đình không có đủ điều kiện, các bạn ấy sẽ bất chấp nhiều việc để có thể có các món đồ xa xỉ, để được khoe mẽ hơn thua với người khác, như ăn trộm, nói dối bố mẹ. Đặc biệt mong muốn được so bì, muốn được nổi bật đó dễ cấu thành tâm lí tiêu cực như ghen ghét, căm hờn những bạn hơn mình, dẫn đến việc bạo lực học đường. Ngoài ra, chính sự lệch lạc trong tư duy ấy, sẽ khiến các bạn đó bị bạn bè, thầy cô và xã hội đánh giá là học sinh hư, bị tẩy chay và không được yêu quý.

Chính vì vậy, chúng ta có thể xem thói kiêu ngạo và thích chơi trội là một tệ nạn của giới thanh thiếu niên. Từ đó, nghiêm túc hướng đến các biện pháp nhằm đẩy lùi, ngăn chặn hiện tượng này. Trước hết, nhà trường và phụ huynh cần kết hợp với nhau, để ngăn cản các bạn thiếu nhiên có những biểu hiện đua đòi, ăn mặc không phù hợp với lứa tuổi. Cùng với đó, cộng đồng cũng cần quan tâm hơn đến các xu hướng thời trang, ăn mặc của giới trẻ, để định hướng các bạn đến những xu hướng lành mạnh, phù hợp với lứa tuổi. Đối với các trường hợp cố tình ăn mặc, hành động đua đòi, ngông nghênh, cố tình phá cách không phù hợp ở trường học, cần phải có các biện pháp răn đe. Nhưng quan trọng nhất, vẫn là ý thức của chính các bạn thiếu niên. Bởi vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền và giáo dục về lý tưởng và thẩm mỹ, đạo đức cho những thanh thiếu niên đang trong giai đoạn hình thành thế giới quan. Có như vậy mới ngăn cản các bạn ấy theo đuổi nhầm những xu hướng lệch lạc, trở nên đua đòi, khoe khoang, hợm hĩnh.

Thói kiêu ngạo, thích chơi trội của một bộ phận thanh thiếu niên tuy không gây ảnh hưởng lớn đến xã hội, nhưng lại tác động mạnh mẽ đến thế giới quan của bản thân các thanh thiếu niên - tương lai của đất nước. Những lệch lạc về chuẩn mực sống đó cần được loại bỏ sớm, để đưa các bạn trở về con đường đúng đắn và lành mạnh.

Thảo luận ý kiến về một hiện tượng trong đời sống - mẫu 7

Con người sinh ra đều là số 0 tròn trĩnh. Mỗi chúng ta cần phải cố gắng vươn lên và tạo lập riêng cho bản thân mình một cuộc sống tốt đẹp hơn, rèn luyện cho mình những đức tính tốt đẹp. Tuy nhiên, một hiện trạng đáng buồn đó trong cuộc sống hiện nay vẫn còn có nhiều người sống với tính kiêu căng và tự mãn.

Kiêu căng là việc mỗi người tự nghĩ và tự cho bản mình hơn người khác, coi thường những người không bằng mình ở một khía cạnh nào đó. Còn tự mãn là tự cho bản thân mình là nhất không ai bằng. Kiêu căng và tự mãn là những tính cách xấu thường đi kèm với nhau khiến cho con người ta tưởng mình là nhất đâm ra coi thường những người xung quanh. Kiêu căng và tự mãn là hai tính cách hủy hoại một con người vô cùng nghiêm trọng.

Tính kiêu căng và tự mãn xuất phát từ tầm hiểu biết hạn hẹp của con người, chỉ mới được người khác khen ngợi chút xíu đã đâm ra huênh hoang, cao ngạo, cho mình là hơn người, đây là một tính cách vô cùng xấu của con người. Bên cạnh đó, tính kiêu căng và tự mãn còn bắt nguồn từ một số người tuy có năng lực hoặc có được một thành tựu nhỏ cho bản thân mình thì lại khoe khoang, cho mình hơn người, không ai có thể bằng mình, từ đó dẫn đến chủ quan và thất bại trong cuộc sống. Người kiêu căng và tự mãn sớm muộn cũng bị người khác xa lánh, không được tin tưởng, tín nhiệm, lâu dần trở nên cô lập, sẽ không nhận được sự giúp đỡ, tương trợ của mọi người. Nếu con người bỏ được tính kiêu căng và tự mãn sẽ trở nên khiêm tốn, đáng yêu, nhận được sự yêu quý của mọi người xung quanh, cuộc sống của người đó sẽ trở nên tốt đẹp hơn và cộng đồng cũng trở nên tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận rằng trong cuộc sống hiện nay vẫn còn có những con người sống với lòng khiêm tốn cùng nhiều đức tính tốt đẹp khác được mọi người yêu quý, tin tưởng và tín nhiệm. Lại có những người tuy trước đây họ kiêu căng tự mãn nhưng họ đã rút ra kinh nghiệm cho bản thân và sửa đổi để tốt hơn,… những người này xứng đáng là tấm gương để học tập theo.

Mỗi con người được sống một lần duy nhất và chúng ta được lựa chọn cho mình các sống. Hãy sống thật tích cực, ý nghĩa, tạo dựng cho cuộc đời những giá trị tốt đẹp.

Thảo luận ý kiến về một hiện tượng trong đời sống - mẫu 8

Một trong những thói xấu mà chúng ta thường gặp trong cuộc sống, chính là thói lười nhác, hay than vãn.

Chúng ta có thể gặp thói xấu này ở bất kì ai, ở độ tuổi nào. Đặc điểm chúng của họ là mỗi khi gặp phải khó khăn, rào cản trong cuộc sống, họ sẽ than vãn, ỉ ôi về những điều mình gặp phải, sau đó tiếp tục ngồi yên, mặc kệ mọi điều. Không chỉ vậy, thậm chí chỉ là những bất lợi nhỏ nhoi hay một vấn đề hơi phức tạp cũng đủ khiến họ bật chế độ đó. Thay vì đứng vậy, phân tích vấn đề, tìm ra giải pháp và vượt qua khó khăn đó, thì họ lại chọn cách than vãn, kể khổ, tự ghìm bước chân của mình lại, và không làm gì cả.

Thói lười nhác, hay than vãn là một thói xấu gây ảnh hưởng rất nhiều đến con người. Nó thể hiện sự nhu nhược trong ý chí, nghị lực của bản thân người đó. Đồng thời cũng là một cách lảng tránh, chối bỏ hoàn cảnh thực tại, và tự tìm cho bản thân một lý do để hợp thức hóa việc từ bỏ, việc bàn lùi và sự thấy bại của bản thân. Từ đó, khiến người có thói xấu này dễ dàng gặp thất bại và khó chinh phục được thành công, ước mơ trong cuộc sống. Bởi ngay từ khi bắt đầu, một chút gian nan đã làm họ chùn bước rồi. Khi đó, họ sẽ mãi dẫm chân tại chỗ, thậm chí là đi lùi về sau. Tựa như một bạn học sinh, thấy việc học toán thật là khó, thấy các bài văn thật là dài, bèn ngồi than thở về chúng, rồi lười nhác không chịu bắt đầu. Dần dần, bạn ấy sẽ bị mờ nhạt về kiến thức, đạt điểm kém trong các bài kiểm tra. Nhưng không chỉ như vậy. Những cá nhân có thói lười nhác, hay than vãn, ngoài tự gây ảnh hưởng tiêu cực cho bản thân, còn tạo ra những tác động tiêu cực cho cộng đồng. Bởi những người hay than thở, lại lười nhác sẽ dễ truyền cho người cạnh mình sự khó chịu, nhụt chí đó. Hơn cả như vậy, trong một tập thể có các cá nhân có thói xấu đó, thường sẽ bị kéo hiệu suất lùi về sau. Giống như một nhóm bốn người được giao nhiệm vụ tìm hiểu về các giai đoạn phát triển của giá đỗ, nhưng có một bạn lúc nào cũng than thở về việc thật khó để tự trồng ra giá đỗ. Rồi bạn đó lại chẳng muốn thăm gia vào công đoạn nào, được phân công việc gì cũng thấy khó, không muốn làm vì lười biếng. Điều đó vừa làm nhóm giảm hiệu suất công việc, mà tinh thần tập thể cũng bị kéo xuống.

Chính vì vậy, chúng ta cần phải nghiêm túc xem thói lười biếng, hay than vãn là một thói hư tật xấu của con người. Từ đó tìm cách đào thải, loại bỏ nó khỏi xã hội. Mà trước hết, chính là từ bản thân của mỗi người. Để khiến bản thân thoát ra khỏi vùng trì trệ của sự lười nhác, thì mỗi người nên bắt đầu từ những mục tiêu đơn giản và từ những điều mà họ yêu thích. Đồng thời tự thưởng cho bản thân những lời khen, những món quà nhỏ để khích lệ bản thân khi hoàn thành một mục tiêu nào đó. Ngoài ra, những người xung quanh như bố mẹ, thầy cô, bạn bè cũng cần phối hợp để giúp những cá nhân mắc phải thói xấu này vượt qua bản thân. Chẳng hạn như sự khích lệ tinh thần, những buổi tâm sự trò chuyện. Hoặc giao các nhiệm vụ phù hợp với năng lực của người đó. Tránh việc phân chia những nhiệm vụ quá khó, vượt xa khả năng người làm, khiến họ nhụt chí, lại trở về chu kì than vãn và lười nhác, mặc kệ mọi việc.

Thói lười biếng, hay than vãn nếu không được can thiệp và ngăn cản kịp thời, sẽ trở thành một mối nguy hại của cộng đồng và tập thể. Do đó, chúng ta nên có lối suy nghĩ và hành động tích cực, lành mạnh, tránh để bản thân mắc phải thói hư tật xấu này.

Thảo luận ý kiến về một hiện tượng trong đời sống - mẫu 9

Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển, một số người đã quên đi những chuẩn mực đạo đức để chạy theo những tiêu cực trong xã hội mà bệnh thành tích trong học tập là một ví dụ. Trước tình hình đó, Bộ Giáo Dục nước ta đã vận động nhân dân "nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục"

"Tiêu cực" là những biểu hiện không lành mạnh, có tác dụng không tốt đối với xã hội, làm cho xã hội ta ngày càng đi xuống. "Thành tích" là kết quả của sự nỗ lực mà con người đã bỏ ra. Kết quả đó không chỉ là một lợi ích vật chất hay tinh thần cá nhân, tuy rằng phần lớn yếu tố tạo nên động lực khiến con người phải nỗ lực nhiều hơn, tốt hơn để đạt thành tích chính là lợi ích cho mình. Nhưng con người vẫn có thể làm hết sức mình vì lợi ích chung, lợi ích của xã hội, của đất nước. Thế nhưng "bệnh thành tích" lại là kết quả của sự "nỗ lực" giả dối, ngụy tạo. Sự khác nhau căn bản giữa "thành tích" và "bệnh thành tích" chỉ là sự khác nhau giữa cái thật và cái giả. Và yếu tố then chốt làm nên sự khác biệt đó chính là tính trung thực. Chính vì thế mà nỗ lực để đạt thành tích của một cá nhân hay một tập thể là một phẩm chất đạo đức tốt, đáng biểu dương. Còn những tiêu cực và bệnh thành tích cần phải lên án và xoá bỏ.

Căn bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam, nhà trường vì muốn đạt chỉ tiêu của bộ đề ra, giáo viên muốn hoàn thành tốt thi đua của nhà trường nên đã lờ đi đạo đức nghề nghiệp mà cho điểm ảo. Phụ huynh vì muốn con em mình là học sinh giỏi, học sinh thì muốn lên lớp, có danh hiệu mà không cần phải tốn sức học bài. Vì những lý do đó mà ngày nay mới có hiện tượng chạy theo thành tích mà không cần quan tâm đến chất lượng. Đối với các vị phụ huynh, chắc chắn rằng chẳng ai muốn con mình học kém hay học mà không có chất lượng. Họ là những người đã bỏ ra tiền của thật, công sức thật, thời gian thật và những hy vọng thật về một tương lai tốt đẹp thật của con em mình khi lo cho chúng được ăn học đến thành tài. Vì thế, chẳng có lý do gì họ lại mong muốn nhận sự giả dối từ kết quả học tập của con em mình. Tuy nhiên, đứng trên quan điểm thực dụng, họ sẵn sàng làm mọi cách, kể cả những cách tệ hại nhất mà chúng ta đã được biết qua báo chí, để con em họ qua được một kỳ thi, có một tấm bằng đề tìm việc sau này. Có một tấm bằng đi đã, vì đó là tấm bằng được xã hội thừa nhận, rồi sau này khi có điều kiện sẽ cố mà học tiếp một cách chân thực. Như vậy, suy cho cùng, phụ huynh và học sinh chính là những người đã tiếp tay, để cho bệnh thành tích ngày càng lan rộng và nặng hơn.

Đầu năm 2006, tại trường trung học cơ sở Trần Phú, huyện miền núi Sông Hinh tỉnh Phú Yên đã phát hiện hai mươi sáu học sinh lớp sáu đọc chưa thông, viết chưa thạo nhưng vẫn cứ được lên lớp. Trong những kì thi tốt nghiệp phổ thông và đại học, hiện tượng mang tài liệu vào phòng thi, tài liệu vất trắng cả sân trường sau buổi thi đã từng được báo chí đề cập tới. Khi biết những thông tin này, bản thân chúng ta có suy nghĩ gì? Cả một thế hệ, cả một tương lai đất nước này phải để những con người như thế gánh vác thì chẳng có gì kinh khủng hơn. Nếu những con người giữ những chức vụ cao trong xã hội là những người "hữu danh vô thực" thì đó là những hạt sạn của xã hội, là nguyên nhân kéo nước ta chậm lại trên con đường phát triển.

Chúng ta đều hiểu rằng, một xã hội muốn phát triển phải có nhiều nhân tài, mà nhân tài phải là người có năng lực thực sự, là nguyên khí của quốc gia. Giáo dục chính là điểm xuất phát, là nơi sản sinh ra nguồn năng lực cho sự cường thinh của một nước, một cộng đồng dân tộc. Một nền giáo dục thực sự tốt sẽ tạo nên những con người đạt những thành tích tốt và trung thực. Những thành tích ấy sẽ tạo nên những bước tiến mạnh mẽ cho cộng đồng dân tộc trên con đường phát triển. Đất nước chúng ta đang tiến bước trên con đường đổi mới, mở cửa, hội nhập và tranh đua với thế giới để giành lấy một vị trí xứng đáng trên hành tinh này. Cuộc đấu tranh kinh tế sắp đến rất quyết liệt và mang tính chất thắng bại sinh tử không khác gì trên chiến trường hay trên võ đài. Ở đó, một võ sĩ chỉ có thể chiến thắng đối thủ bằng tài năng thực sự của chính mình, không phải vì có một văn bằng chứng nhận đẳng cấp cao hơn. Đất nước chúng ta sau này có cường thịnh hay không tùy thuộc vào nền giáo dục của chúng ta có đổi mới để có thể sản sinh ra những nhân tài thực học hay không.

Chúng ta cần phải học tập thật tốt, ra sức học tập và tu dưỡng đạo đức để sau này có thể giúp ích cho xã hội và cho bản thân. Cần phải đẩy lùi tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích. Đó không phải là việc quá khó nếu chúng ta cùng có quyết tâm "nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục".

Thảo luận ý kiến về một hiện tượng trong đời sống - mẫu 10

Trong thực tế, ai cũng thích, cũng mong muốn được khen ngợi, được ghi nhận, được thành danh. Có người vì thế mà nỗ lực phấn đấu để biến đổi về chất. Song đáng buồn lại có những người muốn rút ngắn con đường bước đến vinh quang mà tin xổi ở thì, không chăm lo cho thực tế chỉ cố tô vẽ bề ngoài để được khen được thưởng. Đáng buồn hơn, chúng ngày càng phổ biến và trở thành một hiện tượng “háo danh” và mắc bệnh thành tích

Thực chất, thành tích là kết quả được đánh giá tốt do nỗ lực mà đạt được. Như vậy, thành tích là nhóm để biểu dương, nêu gương những kết quả thực tế tốt đẹp. Điều đó động viên cố gắng của người được nêu gương, thúc đẩy họ tiếp tục cố gắng. Mặt khác thành tích của người này còn là “cú hích” cho người khác cùng “chạy đua” để tiếp tục đi lên. Rõ ràng, thành tích là điều tốt đẹp và nó cũng mang lại những điều tương tự cho cuộc sống.

Tuy nhiên, khi đặt trước từ “thành tích” một chữ “bệnh” – bệnh thành tích thì vấn đề đã khác. Bởi từ “bệnh” không gợi đến điều gì tốt đẹp. “Bệnh thành tích” là thói a dua, là chỉ chăm lo đến vẻ bề ngoài nhằm được tuyên dương khen thưởng nhưng thực chất bên trong vấn đề không đạt mong muốn. Nói khác đi, bệnh thành tích là tên gọi của sự không phù hợp giữa hình thức và bản chất: hình thức rất hào nhoáng, sáng bóng, lẫy lừng nhưng bản chất thì xuống cấp, gỉ sét, cong vênh.

Bệnh thành tích đã tồn tại từ lâu trong đời sống xã hội, đục sâu lan rộng vào nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Trong giáo dục, bệnh thành tích còn được gọi là bệnh hình thức. Có những trường vì thành tích mà luôn cố gắng tập trung luyện “gà” – luyện học sinh giỏi, tạo mọi điều kiện để các em có thời gian tập trung học môn mình thi nhằm đạt kết quả cao mang vinh dự cho trường. Hay trong mỗi kỳ thi tốt nghiệp, có những trường huy động giáo viên cùng làm với học sinh rồi ném bài cho các em. Trong các cơ quan, công ty, nhà máy, bệnh thành tích nằm ở những bản báo cáo được mài cho nhẵn viết cho đẹp. Trong thực tế người ta không màng đến chất lượng, chỉ chạy theo số lượng để đạt chỉ tiêu. Họ chỉ sung sướng khi nghe đến những con số 100%, 99%. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm trước, trường nào chỉ đạt 95%, 96% là đã lo lắng căng thẳng rồi. Nhưng một hai năm trở lại đây khi công tác kiểm tra, giám sát được thắt chặt hơn, trung bình cả nước chỉ đỗ khoảng 60% – 70%.

Rõ ràng kết quả xa nhau, nó phản ánh thực tế chất lượng giáo dục trong một thời gian dài bị o bế, làm nhiễu. Rõ ràng, bệnh thành tích sẽ để lại hậu quả vô cùng tai hại. Trước hết, nó khiến mỗi cá nhân tổ chức không hiểu rõ về thực lực của mình, tự mãn về thành tích, không có xu hướng vận động phát triển. Bệnh thành tích do đó tiếp tục “được” duy trì, phát triển. Dần dần nó sẽ ăn sâu, đeo bám vào tư tưởng, lối sống cách thức làm việc của xã hội, làm cho chất lượng thực bị bỏ bê, xuống dốc, chỉ có cái vẻ bề ngoài là hào nhoáng, đẹp đẽ. Nó thực chẳng khác nào một trái bí đỏ bị thối rữa bên trong. Dân gian ta nhắc nhở nhau tốt gỗ hơn tốt nước sơn vì sơn có thể tróc nhưng gỗ không được phép mục, gỗ mục sẽ làm sụp đổ cả một hệ thống quan trọng. Nhưng bệnh thành tích đã làm đảo lộn truyền thống đạo lý ấy và mỗi hệ thống xã hội đang có nguy cơ lung lay, suy sụp vì chất gỗ bên trong đang mối mọt dần.

Bệnh thành tích gây hại cho mọi ngành nghề, lĩnh vực. Và hậu quả dễ thấy nhất, tai hại nhất thể hiện ở ngành giáo dục. Có những trường lớp, vì thành tích mà cho học sinh lên lớp hàng loạt, bất chấp kết quả thực tế. Hậu quả là hàng trăm học sinh ngồi nhầm lớp, nhầm trường. Có em đã học lớp 7 mà chưa đọc thông viết thạo! Cũng vì thành tích mà các thầy cô “cấy điểm” cho học sinh giỏi ở những môn các em không thi học sinh giỏi, giúp các em tập trung ôn luyện cho thi cử. Và hàng trăm học sinh sa vào tình cảnh đạt giải học sinh giỏi quốc gia nhưng trượt tốt nghiệp, trượt đại học. Hậu quả trực tiếp học sinh là người gánh chịu. Nhưng hậu quả lâu dài là tương lai đất nước phải chấp nhận sự thui chột về đạo đức, tài năng của nhiều thế hệ.

Bệnh thành tích có căn nguyên sâu xa từ một thói xấu của con người: thói ghen ăn tức ở, “con gà tức nhau tiếng gáy”. Thấy cá nhân, đơn vị khác được nêu gương, cá nhân đơn vị mình cũng muốn được như vậy. Song, thay vì tập trung nâng cao chất lượng họ lại đốt cháy giai đoạn, đánh bóng hình thức để được tuyên dương. Nhưng công bằng mà đánh giá, bệnh cũng có nguyên nhân từ những sai lầm trong công tác quản lý tổ chức của nhiều cấp, ngành: trọng giấy tờ, hình thức, không gần gũi sâu sát thực tế và chỉ tiêu hoá, kế hoạch hóa cao độ mọi vấn đề thi đua. Bởi vậy, các tổ chức, cá nhân chỉ cốt lo sao cho bản báo cáo, cuốn sổ của mình được sạch sẽ đẹp đẽ. Rồi lo sao để chỉ tiêu kế hoạch trên giao ta “trăm phần trăm” hoàn thành.

Rõ ràng, để xảy ra căn bệnh ấy lỗi thuộc về tất cả chúng ta. Nhận rõ hậu quả của bệnh thành tích, xã hội cần đẩy mạnh công cuộc loại trừ nó. Các nhà lãnh đạo cần kiểm tra, giám sát sát sao hơn hoạt động của các tổ chức cá nhân trực thuộc, đồng thời điều chỉnh hệ thống, cơ chế quản lý tổ chức. Các cơ quan đoàn thể vì tương lai bản thân xóa bỏ bệnh hình thức để đi vào chất lượng thực tế. Chỉ khi nào làm được điều đó, xã hội ta mới thực sự trong sạch và đi lên.

Thảo luận ý kiến về một hiện tượng trong đời sống - mẫu 11

Ai cũng đều thích đạt được thành tích tốt, có danh tiếng tốt và nhận được sự khen ngợi của mọi người xung quanh. Thế nhưng hiện nay, xã hội đã xuất hiện hiện tượng háo danh và “bệnh” thành tích đang gây ra nhiều tác hại.

Trước hết, “háo danh” là một hiện tượng tiêu cực, chỉ việc coi trọng danh tiếng trên mức cần thiết cũng như trên mức mà chúng ta có. Còn “bệnh” thành tích là là chỉ chăm lo đến vẻ bề ngoài nhằm được khen ngợi nhưng thực chất bên trong không được như vậy. Hiện tượng háo danh đôi khi chính là nguyên nhân gây ra căn “bệnh” thành tích, bởi chúng ta chỉ quan tâm đến bên ngoài - cốt sao cho danh tiến được tốt đẹp mà không chú trọng đến bên trong.

Xét về hướng tích cực, mọi người đều mong muốn trở một một người có giá trị. Lập danh là một khát vọng chính đáng nếu xuất phát từ năng lực cá nhân, được xã hội công nhận. Danh tiếng đem đến cho chúng ta nhiều lợi ích. Nhưng ngược lại, nếu danh tiếng trở thành phương tiện thay vì mục tiêu, nó trở thành một thứ hàng hóa, từ đó lệch lạc giá trị đích thực. Điều đó sẽ dẫn đến hiện tượng háo danh. Chúng ta có thể kể đến nhiều ví dụ trong cuộc sống, một nam ca sĩ đã trở thành tâm điểm phê phán khi tổ chức sự kiện quảng bá bộ phim tiểu sử về cuộc đời mình lấy tên là Hào quang rực rỡ - The King. Khán giả cho rằng nam ca sĩ đã ngạo mạn khi tự xưng mình là The King - tạm dịch là vua. Năm 2019, một người đàn ông gây xôn xao dư luận khi nhận mình là một nhà báo quốc tế, Tổng biên tập tạp chí chống tham nhũng và hợp tác quốc tế, tiến sĩ danh dự từ Vương quốc Anh… Nhưng sau đó, người ta phát hiện ra rằng mọi thứ chỉ là khai man, không được xác thực…

Cũng như vậy, thành tích chính là kết quả từ sự nỗ lực không ngừng của con người. Nhưng khi con người trở nên quá coi trọng thành tích, nó sẽ trở thành một căn bệnh. Và “bệnh” thành tích đang xuất hiện trong hầu hết các ngành nghề. Nhưng đáng báo động nhất là ngành giáo dục - khi đây là ngành đào tạo nên những chủ nhân tương lai của đất nước. Việc tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục sẽ gây ra sự đối lập giữa hình thức và thực tế, vấn đề bản chất không được quan tâm mà chủ yếu tập trung vào “bề nổi”. Học sinh - những đối tượng chính của hoạt động giáo dục sẽ dần trở nên lười biếng, không chịu cố gắng học tập mà chỉ chạy theo những điểm số không có thật, trong khi kiến thức của bản thân vô cùng hạn hẹp. Thầy cô giáo chỉ biết chạy theo thành tích sẽ dẫn đến đánh mất đi nhiệt huyết với nghề nghiệp, không còn những bài giảng say sưa, tâm huyết. Đó còn là nguồn gốc của những sai trái, gian lận trong kiểm tra, đánh giá tiếp tay cho tham nhũng, quan liêu trong xã hội.

Hiện tượng háo danh và “bệnh” thành tích gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng cho xã hội. Nó sẽ làm mất đi sự trung thực của bản thân, đánh mất niềm tin của mọi người xung quanh. Chúng ta đều biết rằng một xã hội muốn phát triển thì cần có nhân tài, mà nhân thì phải có năng lực thực sự. Hiện tượng háo danh và “bệnh” thành tích khiến cho người ta chỉ xem trọng lượng mà không có chất. Ngoài ra, con người sẵn sàng lừa dối mọi người xung quanh và dần trở nên thoái hóa nhân cách, đánh mất đi những giá trị đạo đức tốt đẹp của bản thân.

Tục ngữ có câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” đã cho thấy rõ một điều rằng con người ta quan trọng chất lượng chứ không thể lấy cái bề ngoài, cái số lượng để đánh giá giá trị của một vấn đề. Do đó chúng ta cần có những biện pháp để ngăn chặn, đẩy lùi hiện tượng háo danh cũng như “bệnh” thành tích. Các bộ, ngành và cơ quan chức năng cần có những cuộc thanh tra, kịp thời phát hiện và ngăn chặn những thành tích ảo. Nếu cố ý vi phạm thì cần có biện pháp xử lý đích đáng. Bên cạnh đó, chúng ta cần tăng cường những biện pháp tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của mỗi người.

Đất nước chúng ta đang trên đường hội nhập và phát triển, mỗi người cần tự khẳng định được giá trị của bản thân mình để giành lấy một chỗ đứng nhất định. Mỗi người cần đi lên bằng chính khả năng của bản thân, tránh xa hiện tượng háo danh và “bệnh” thành tích.

Xem thêm các bài văn mẫu 8 Cánh diều hay khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 8 hay khác:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH LUYỆN THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 8

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi, sách dành cho giáo viên và gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài Soạn văn 8 hay nhất, ngắn gọn của chúng tôi được biên soạn bám sát nội dung sgk Ngữ văn 8 Tập 1 và Tập 2 Cánh diều (NXB ĐH Sư phạm).

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Giải bài tập lớp 8 Cánh diều khác
Tài liệu giáo viên