5+ Hình tượng Đan Thiềm trong Vĩnh biệt cửu trùng đài (học sinh giỏi)

Phân tích hình tượng Đan Thiềm trong Vĩnh biệt cửu trùng đài gồm dàn ý chi tiết, sơ đồ tư duy và các bài văn mẫu hay nhất, ngắn gọn được tổng hợp và chọn lọc từ những bài văn hay đạt điểm cao của học sinh lớp 11.

5+ Hình tượng Đan Thiềm trong Vĩnh biệt cửu trùng đài (học sinh giỏi)

Quảng cáo

Hình tượng Đan Thiềm trong Vĩnh biệt cửu trùng đài - mẫu 1

Nếu viên quản ngục trong tác phẩm “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân say mê cái đẹp là nét chữ ông Huấn và biết trân trọng người tài thì Đan Thiềm nữ nhân vật phụ trong vở kịch “Vũ Như Tô” của Nguyễn Huy Tưởng cũng là một con người như vậy. Dù chỉ là một cung nữ hầu hạ vua nhưng cô có trái tim khao khát cái đẹp, biết quý trọng người tài đáng tiếc lại gặp phải bi kịch trong đời. Sự xuất hiện của cô có ý nghĩa với Vũ Như Tô cũng như cả câu chuyện đặc biệt là trong đoạn trích “Vĩnh biệt cửu trùng đài”.

Đan thiềm là người con gái say mê trước đẹp và biết trân trọng người tài. Chính cô là người đã thuyết phục Vũ Như Tô lợi dụng tiền bạc, quyền lực của vua trổ hết tài năng để xây dựng cửu trùng đài_tác phẩm nghệ thuật vĩ đại “bền như sao trăng” có thể “tranh tinh xảo với hóa công” để cho “dân ta nghìn thu còn hãnh diện”. Cô mong mỏi có thể cùng Vũ Như Tô làm nên điều đó để điểm tô cho đất nước. Đan Thiềm một lòng sùng bá,tôn thờ cái đẹp và biết trân quý người có tài năng tạo ra nó. Vũ Như Tô con người có một không hai của thời ấy được Đan Thiềm giúp đỡ hết mực thậm chí là nguyện hi sinh cả tính mạng để bảo vệ người tài.

Quảng cáo

Khi đám thợ thuyền cùng đám tạo phản làm loạn, truy tìm Vũ Như Tô đến cùng thì cô là người hoảng loạn “hớt hơ hớt hải, mặt bà cắt không còn hột máu” nhanh chóng báo tin và khẩn khoản khuyên Vũ Như Tô hãy bỏ trốn bởi lo cho tài năng của ông sẽ bị bỏ phí, với tấm lòng chân thành chân thật Đan Thiềm hết lời khuyên nhủ, chắp tay van xin , van nài và có khi là hoảng hốt thúc giục Vũ Như Tô chỉ xin ông hãy trốn đi nếu không bọn chúng bắt được thì nguy. Bị bắt cô sẵn sàng quỳ gối cầu xin bọn chúng tha chết cho ông, sẵn sàng đem thân mình để chết thay cho Vũ Như Tô. Hiếm có người cung nữ nào lại sẵn lòng làm được điều đó chỉ vì yêu quý cái đẹp và mến mộ nhân tài. Tình yêu của nàng đối với cái đẹp và người tài xuất phát từ tấm lòng yêu mến của một người con yêu nước có tinh thần tự tôn dân tộc, cô muốn mình có thể giúp nhà kiến trúc ấy hoàn thành công trình điểm tô đất nước.

Quảng cáo

Đan thiềm còn là một người khéo léo, có suy nghĩ thấu đáo và nhận thức rõ được thời thế lúc bấy giờ. Ngay từ chi tiết nàng thuyết phục được nhà kiến trúc họ Tô xây dựng cửu trùng đài cho thấy tài năng của cô cung nữ có tầm nhìn xa trông rộng. Vũ Như Tô từ chối quyết không xây cửu trùng đài thì sớm muộn cũng bị vua ép vào tội làm phản và bị giết chết vậy sao không nhân cơ hội khuyên ông Tô xây dựng công trình kiến trúc tuyệt mĩ “xây cho nòi giống một tòa đài hoa lệ, thách thức cả công trình trước sau, tranh tinh xảo với hóa công”. Chính cô cũng là người lí giải nguyên nhân cho Vũ Như Tô hiểu tại sao nhân dân căm ghét ông và cửu trùng đài là bởi “ai ai cũng cho ông là thủ phạm. Vua xa xỉ là vì ông, công khố hao hụt là vì ông, dân gian lầm than là vì ông, man di oán hận là vì ông, thần nhân trách móc là vì ông” Đan Thiềm thật sáng suốt khi nhận thức rõ mâu thuẫn của nhân dân với Vũ Như Tô. Vậy mà ông Tô quyết một lòng sống chết cùng cửu trùng đài đứng ở một góc độ nào đó ta thấy ông là người có bản lĩnh quân tử nhưng xét trên hoàn cảnh thực tại Vũ Như Tô thật ngang ngược, bảo thủ và mù quáng vô cùng.

Quảng cáo

Đan Thiềm nhận thức được tài năng của ông lo cho vận mệnh của đất nước “Ông mà có mệnh hệ nào thì nước ta không còn ai điểm tô nữa”. Cô nhận rõ thời thế đại sự đã hỏng chỉ mong Vũ Như Tô bỏ trốn chờ cơ hội khác, “Đợi chờ là thượng sách đừng để phí tài trời”. Cô cũng có một tấm lòng dũng cảm vô cùng khi dám mạnh miệng buông lời khuyên Ngô Hạch: “Tướng quân hãy nghe tôi đừng phạm vào tội ác. Đừng giết ông cả. Kẻo tướng quân mang hận về muôn đời! Tha cho ông cả. Tôi xin chịu chết”. Tấm lòng của người cung nữ thật bao la rộng lớn, nguyện hi sinh và khuất phục trước cái đẹp.

Đan Thiềm trước sau đều hết lòng giúp Vũ Như Tô mà không màng đến tính mạng bản thân chính điều đó gây nên cái chết bi kịch cho cuộc đời nàng. Đúng như dân gian đã từng nói:

“Giúp người mà chẳng lo xa

Gây mầm tai họa máu sa ngập đường”

Cuối cùng chẳng một ai có thể được sống sót, cái đẹp nàng tôn thờ và người tài bị hủy diệt bởi bọn gian tà hung bạo. Đan Thiềm bị áp giải đi tàn nhẫn rồi chết, Vũ Như Tô cũng bị chém ngay sau đó. Tiếng khóc lớn thét lên lời cuối cùng vĩnh biệt cái đẹp khi chứng kiến cảnh tượng cửu trùng đài bị thiêu cháy. Bao nhiêu tâm huyết của người tài và cô cung nữ say mê cái đẹp cùng biết bao mồ hôi, công sức, xương máu, tiền của nhân dân đổ xuống sông xuống biển giờ chỉ còn là đống tro tàn và thây xác bao người bỏ mạng vì nó.

Trước bi kịch mà Đan Thiềm gặp phải ta cảm thương và đồng cảm cho số phận của nàng “hồng nhan bạc mệnh” lại lụy người tài nên thật đáng thương, đáng tiếc nhưng cũng đáng trách bởi nàng quá say mê cái đẹp mà mù quáng quên đi mất những khổ đau mà nhân dân phải gánh chịu, nàng chưa đứng trên lập trường của nhân dân để thấu hiểu và cảm nhận xem họ có thực sự cần thứ nghệ thuật cao sang xa hoa mà cướp đi hạnh phúc, sinh mạng của họ hay không?

Dù chỉ là nhân vật phụ nhưng sự xuất hiện của Đan Thiềm có ý nghĩa rất lớn thúc đẩy cao trào và bi kịch ngày một lên cao trước thái độ van lơn, khuyên nhủ của nàng đốivới Vũ Như Tô. Điều đó càng làm nổi bật lên tài năng hiếm có của nhân vật chính và nàng là nhân vật giúp cho tác giả truyền tải tư tưởng, mối quan hệ biện chứng giữa nghệ thuật với cuộc sống. Nghệ thuật vị nhân sinh mới đáng tôn thờ.

Như vậy với tài năng khắc họa nhân vật và lối sử dụng ngôn ngữ kịch sinh động, linh hoạt của nhà văn đã thể hiện được chân dung cô cung nữ có tấm lòng yêu mến, say mê cái đẹp, biết trân trọng người tài nhưng lại không may mắn gặp phải bi kịch trong cuộc đời không kém nhân vật chính. Cái chết của Đan Thiềm là bài học nghiêm túc cho độc giả về mối quan hệ giữa nghệ thuật với hiện thực đời sống.

Dàn ý Hình tượng Đan Thiềm trong Vĩnh biệt cửu trùng đài

I. Mở bài

- Trong văn chương, ta đã từng bắt gặp một con người say mê cái đẹp, đó là nhân vật quản ngục trong Chữ Người tử tù.

- Đến với vở kịch Vũ Như Tô (cụ thể là đoạn trích Vĩnh biệt Cửu trùng đài) của Nguyễn Huy Tưởng, một lần nữa ta bắt gặp nhân vật Đan Thiềm – nhận vật như một biểu tượng cho niềm say mê và yêu thích cái đẹp

II. Thân bài

1. Giới thiệu về nhân vật Đan Thiềm

- Đan Thiềm là một cung nữ trong cung vua

- Nếu Vũ Như Tô mê cái đẹp, Đan Thiềm mê cái tài

⇒ Đan Thiềm là tri kỉ, tri âm duy nhất ở triều đình của Vũ Như Tô

2. Đan Thiềm - con người say mê cái đẹp, cái tài

- Đan Thiềm ngưỡng mộ tài năng của Vũ Như Tô

- Chính bởi sự ngưỡng mộ người tài, không muốn tài năng uổng phí, Đan Thiềm đã khuyện Vũ Như Tô xây Cửu Trùng Đài, mong muốn để lại một tòa lâu đài vĩ đại “bền như trăng sao”

- Luôn động viên, khích lệ, giúp đỡ Vũ Như Tô xây đài, bảo vệ đài.

- Biết Đài không giữ được, Đan Thiềm hết lòng khuyên Vũ Như Tô chạy trốn: “Ông Cả! Ông chạy đi! Ông có nghe tiếng gì không? Quân giặc đang tìm ông đấy: trốn đi!”
 - Đan Thiềm tiếc cho người tài như Vũ Như Tô, không muốn ông phải chịu bi kịch: “Không được! Tôi chết đi không hại cho đời. Còn ông, ông phải đi đi mới được”

- Đan Thiềm yêu quý, trân trọng cái đẹp, cái tài còn được thể hiện qua mong muốn được chết hay cho Vũ Như Tô: “Bao nhiêu tội tôi xin chịu hết!”

⇒ Đau đớn vì không cứu được người tài

⇒ Đan Thiềm là hiện thân của một người say mê cái đẹp, cái tài chân chính

3. Đan Thiềm – con người yêu lẽ phải và say mê cái đẹp một cách tỉnh táo

- Đan Thiềm là người tỉnh táo, nhận thức được đám thợ thuyền nổi loạn ⇒ Biết Cửu Trùng Đài không giữ được ⇒ khuyên Vũ Như Tô

- Nhận rõ tình cảnh, khuyên Vũ Như Tô: “Ông đừng mơ mộng nữa. Dân chúng nông nổi, dễ sinh tàn ác. Họ không hiểu công việc của ông”

- Khi quân khởi loạn vu oan “Mày chết để chồng mày sống à.”, Đan Thiềm đã phản kháng: “Các người chỉ nói những điều quá quắt” ⇒ tôn trọng lẽ phải, không cho phép điều trái sự thật tồn tại

⇒ yêu lẽ phải, bảo vệ cái tài một cách tỉnh táo

III. Kết bài

- Khái quát những nét nghệ thuật tiêu biểu xây dựng thành công nhân vật Đan Thiềm: khắc họa tính cách qua ngông ngữ, hành động…

- Khẳng định Đan Thiềm là một nhân vật yêu cái đẹp, cái tài, yêu lẽ phải một cách tỉnh táo. Đó là nhân vật với những phẩm chất đáng quý

Sơ đồ Hình tượng Đan Thiềm trong Vĩnh biệt cửu trùng đài

 Phân tích hình tượng Đan Thiềm trong Vĩnh biệt cửu trùng đài

Hình tượng Đan Thiềm trong Vĩnh biệt cửu trùng đài - mẫu 2

Đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài ngoài nhân vật chính là Vũ Như Tô ta còn phải nhắc đến Đan Thiềm, một người say mê và tôn thờ cái tài mãnh liệt. Dù Đan Thiềm chỉ là nhân vật phụ nhưng đã góp phần tô đậm nhân vật trung tâm và làm nổi bật tư tưởng, chủ đề của tác phẩm.

Nếu như nhắc đến Vũ Như Tô ta nhớ ngay đến niềm đam mê, khao khát cái đẹp, sẵn sàng chết vì nghệ thuật, thì Đan Thiềm lại là người khao khát, say mê và trân trọng cái tài “mê đắm người có năng lực siêu việt”. Ban đầu, Vũ Như Tô không đồng ý xây dựng Cửu Trùng Đài, bởi đó là trốn ăn chơi sa hoa của vua Lê Tương Dực. Nhưng bằng lời khuyên chân thành của Đan Thiềm, hãy lợi dụng tiền bạc của Lê Tương Dực xây dựng Cửu Trùng Đài để dân tộc có một tuyệt tác tranh tinh xảo với hóa công. Cái đẹp mà nàng ta tôn thờ là cái đẹp có thể lưu giữ đến muôn đời, đó là lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

Đồng thời chính Đan Thiềm cũng là người nhận ra sự thay đổi của tình thế, ở hồi trước của tác phẩm, bà dường như không quan tâm đến vận mệnh, sự sống chết của bản thân, không quan tâm Cửu Trùng Đài còn hay mất chỉ một mực khuyên Vũ Như Tô hãy trốn đi. Tình thế ngày một nguy hiểm, quân phản loạn đốt phá khắp nơi, lùng tìm Vũ Như Tô đã bắt, Đan Thiềm hốt hoảng, tha thiết xin Như Tô hãy trốn đi: “Ông phải trốn đi, Ông phải trốn đi … trốn đi để chời cơ hội khác. Đại sự hỏng rồi” “Tài kia không nên để uổng. Ông mà có mệnh hệ nào thì nước ta không còn ai tô điểm nữa”. Bà liên tục nhắc Vũ Như Tô hãy bỏ trốn, giọng điệu, ngôn ngữ ngày càng trở nên gấp gáp, van nài. Tấm lòng của quý trọng, nâng niu người tài của bà thật đáng trân trọng, nhưng trong suy nghĩ của bà vẫn có phần nông nổi, bà chỉ có mục đích duy nhất là bảo vệ người tài, bảo vệ cái tài, bà chưa hề đặt mình vào vị trí của người dân để thấu hiểu nỗi thống khổ của họ khi phải xây dựng Cửu Trùng Đài.

Cho đến khi quân phản loạn ập đến, bà vẫn chẳng hề lo nghĩ cho tính mạng của bản thân mà chỉ lo sợ một điều Vũ Như Tô sẽ bị giết hại. Bà sẵn sàng quỳ xuống chân bọn phải loạn, van xin tha chết cho Như Tô: “Bao nhiêu tội tôi xin chịu hết. Nhưng xin tướng quân tha cho ông Cả. Ông ấy là một người tài …”. Không chỉ vậy bà sẵn sàng nhận cái chết về mình: “Tha cho ông Cả. Tôi xin chịu chết”. Bà yêu quý, tôn thờ cái tài, người tài hơn cả tính mạng của chính mình.

Đam Thiền còn là người hết sức tỉnh táo, thấu hiểu lẽ đời và nhận thức rõ tình hình thực tế đang xảy ra. Vũ Như Tô đã từng nhận xét Đan Thiềm là “trí sáng như vầng nhật nguyệt”. Bà là người tỉnh táo, sáng suốt trong mọi hoàn cảnh, dễ thích ứng với những biến đổi của cuộc sống xung quanh. Bà chính là người khuyên Vũ Như Tô hãy lợi dụng tiền bạc của Lê Tương Dực để xây dựng Cửu Trùng Đài. Và cũng chính bà đã khuyên Vũ Như Tô nên bỏ trốn, chờ thời cơ khác đến, bởi bây giờ ai cũng cho Vũ Như Tô là thủ phạm gây nên cuộc sống lầm than cho nhân dân, cũng bởi : “Khi dân nổi lên, họ nông nổi vô cùng. Họ không phân biệt phải trái”. Nếu Vũ Như Tô chết đi sẽ không còn ai tô điểm cho đất nước. Đan Thiềm là người phụ nữ hết sức nhạy bén, bà nắm bắt và hiểu tình thế đang diễn ra vô cùng nguy hiểm đến Vũ Như Tô, nếu ông Cả không trốn đi tất yếu sẽ bị giết hại, bởi không ai hiểu khát vọng cao cả của Như Tô. Bà chỉ rõ cho Vũ Như Tô thấy nguyên nhân ông cần phải trốn đi đó là: ông là thủ phạm trong mắt mọi người. Bà hiểu thấu tình hình hiện tại và luôn đưa ra những lời khuyên, cách ứng xử hết sức khôn ngoan, uyển chuyển phù hợp với tình hình thực tế.

Tuy nhiên, cũng giống như Vũ Như Tô, Đam Thiềm cũng vấp phải bi kịch vỡ mộng. Bà là con người tôn thờ tài năng, đặc biệt là thứ tài năng siêu việt. Khi có cơ hội bà đã khuyên Vũ Như Tô đem tài năng của bản thân phục vụ cho đời. Khi tình thế nguy biến bà tìm mọi cách bảo vệ Như Tô thậm chí nhận cả cái chết về phần mình. Nhưng tất cả những thứ bà tôn thờ đều bị tiêu hủy dã man. Còn gì đau đớn và xót xa hơn khi những điều mình yêu quý, điều mình trân trọng đều bị chà đạp, đều bị đốt thành tro tàn. Lời nói cuối cùng trước khi bị giết của bà chứa đầy nỗi uất hận, đau đớn: “Ông Cả! Đài lớn tan tành! Ông Cả ơn! Xin cùng ông vĩnh biệt!”. Đó là tiếng khóc đau đớn, xót xa của con người suốt đời tôn thờ cái đẹp, cái tài nhưng lại phải tận mắt chứng kiến cái đẹp, cái tài đó bị tận diệt không thương tiếc. Điều cần lưu ý ở nhân vật này chính là suốt quá trình bà khuyên, van lơn Vũ Như Tô bỏ trốn, mặc dù ông luôn cự tuyệt, từ chối lời khuyên chân thành của bà như bà không một lời oán trách, mà trái lại vẫn dành cho ông sự cảm phục và xót thương chân thành.

Miêu tả nhân vật Đan Thiềm, tác giả đi sâu vào miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật hết sức sinh động và đầy xúc động. Đặt nhân vật vào tình huống kịch đẩy lên cao trào, căng thẳng đến tột độ, đã góp phần bộc lộ tính cách của nhân vật đó là con người “biệt nhỡn liên tài” sẵn sàng dùng cái chết để bảo vệ người tài. Ngôn ngữ nhân vật mang tính tổng hợp cao, đặt nhân vật vào nhiều mối quan hệ, khiến nhân vật đa dạng trong tính cách, tâm trạng. Nhân vật đã góp phần đẩy xung đột kịch lên cao trào, góp phần làm nổi bật tài năng, bi kịch của nhân vật chính – Vũ Như Tô và giúp tác giả làm nổi bật chủ đề, tư tưởng của tác phẩm.

Với nhân vật Đan Thiềm, Nguyễn Huy Tưởng đã bày tỏ niềm tiếc thương cũng như trân trọng sâu sắc trước tài năng cũng như số phận của nhân vật. Đồng thời qua nhân vật này ông cũng làm sâu sắc thêm quan điểm nghệ thuật của mình, nghệ thuật phải gắn với cuộc sống mới có thể tồn tại lâu bền.

Hình tượng Đan Thiềm trong Vĩnh biệt cửu trùng đài - mẫu 3

Đan Thiềm trong đoạn trích “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” chỉ là một nhân vật phụ nhưng lại có đóng góp vô cùng to lớn trong việc thể hiện tư tưởng chủ đề, truyền tải được những thông điệp, trăn trở của tác giả Nguyễn Huy Tưởng về mối quan hệ của nghệ thuật là cuộc đời.

Đan Thiềm là người cung nữ thất sủng nhưng lại là con người có niềm đam mê cháy bỏng với cái đẹp,c ái tài. Hành trình sáng tạo nghệ thuật của Vũ Như Tô không đơn độc là nhờ có Đan Thiềm, người bạn, người tri kỉ luôn ở bên động viên, lắng nghe và trân trọng những cái đẹp mà người nghệ sĩ ấy sáng tạo ra.

Đan Thiềm là người “biệt nhớn liên tài”, say mê với cái đẹp, trân trọng người tài. Đây cũng là lí do vì sao Đan Thiềm lại khuyên Vũ Như Tô xây dựng Cửu Trùng Đài, đồng hành cùng ông trong suốt quá trình xây dựng công trình nguy nga tráng lệ ấy. Vũ Như Tô là người có tài lớn, có khát vọng nghệ thuật cao siêu , thuần túy nhưng lại không có đủ khả năng để tự thực hiện giấc mộng nghệ thuật của mình. Đan Thiềm đã thuyết phục Vũ Như Tô xây dựng Cửu Trùng Đài, vừa là cách bảo vệ cho tính mạng của bản thân, bảo vệ cái tài mà còn là cơ hội để thực hiện giấc mộng nghệ thuật lớn nhất trong cuộc đời của Vũ Như Tô.

Vì quá đam mê cái tài, cái đẹp mà Vũ Như Tô sáng tạo ra, người cung nữ ấy đã không ngại những hiểm nguy, thị phi, điều tiếng mà hết lòng giúp đỡ, bảo vệ Vũ Như Tô. Nếu như Vũ Như Tô chìm đắm trong giấc mộng nghệ thuật mà quên đi thực tại khắc nghiệt thì Đan Thiềm lại là một con người thức thời, tỉnh táo có khả năng nhận thức thời thế, hiểu đời , hiểu người.

Khi biến loạn xảy ra, trước sự cuồng nộ của đám quân bạo loạn, Đan Thiềmđã khuyên Vũ Như Tô bỏ trốn để bảo toàn tính mạng, bảo vệ cho cái tài để đợi thời  “Ông phải trốn đi. Ông phải trốn đi…Trốn đi để chờ cơ hội khác. Đại sự hỏng rồi”. Tuy nhiên trước một Vũ Như Tô quá cố chấp, mù quáng đòi sống với Cửu Trùng Đài, chết với Cửu Trùng Đài, Đan Thiềm đã không màng đến tính mạng của bản thân mà ở lại với hi vọng mong manh có thể bảo vệ cho Vũ Như Tô. Đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời mình, Đan Thiềm vẫn hết lời van xin và một mực lo lắng cho Vũ Như Tô “Tài kia không nên để uổng. Ông có mệnh hệ nào thì nước ta không còn ai mà điểm tô nữa”.

Cũng giống như Vũ Như Tô, bi kịch của cuộc đời Đan Thiềm cũng là bi kich vỡ mộng. Đan Tiềm vốn là người cung nữ bị thất sủng. Cả cuộc đời sống trong cung cấm, bị giam lỏng cả về thể xác về tinh thần lại phải đối mặt với những mưu mô hiểm ác của chốn hậu cung. Bi kịch đầu tiên của Đan Thiềm chính là bi kịch mất tự do, khát vọng hạnh phúc nhưng không thành của cuộc đời người phụ nữ.

Đan Thiềm là người phụ nữ xinh đẹp, thức thời nhưng lại mang số phận “hồng nhan bạc phận”, đến cuối cuộc đời mình bà lại một lần nữa rơi vào bi kịch lớn nhất cuộc đời mình vì cái tài, cái đẹp. Để bảo vệ cho Vũ Như Tô, Đan Thiềm đã không màng đến tự trọng, an nguy của bản thân mà van lơn đám quân khởi loạn nhưng đau đớn thay, trước những lời van xin của nàng, đám quân khởi loạn càng trở nên hung bạo, mắng chửi nàng bằng những lời lẽ tàn nhẫn nhất. Tuy nhiên, đau khổ nhất trong trái tim Đan Thiềm không phải bị xỉ nhục mà chính là nỗi tuyệt vọng bởi dù nàng có cầu xin như thế nào Vũ Như Tô vẫn một mực cố chấp không chịu bỏ trốn. Cái đẹp, cái tài mà nàng trân trọng cuối cùng đã bị tiêu diệt, giấc mộng bản thân tan vỡ. Tiếng than cuối cùng của nàng thật đau đớn, tuyệt vọng “Ông Cả…Vĩnh biệt”.

Đan Thiềm là con người có tấm lòng đẹp với niềm đam mê cháy bỏng với cái đẹp, cái tài. Qua nhân vật Đan Thiềm, tác giả Nguyễn Huy Tưởng cũng thể hiện được nỗi trăn trở khuôn nguôi về mối quan hệ giữa cái đẹp với cuộc sống, giữa nghệ thuật và cuộc đời “Than Ôi, Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải ta chẳng biết, cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm”.

Hình tượng Đan Thiềm trong Vĩnh biệt cửu trùng đài - mẫu 4

Nguyễn Huy Tưởng (1912-1960) là nhà văn Hà Nội viết thành công tiểu thuyết, kịch sân khấu, kịch bản phim, truyện thiếu nhi. “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, truyện “Sống mãi với Thủ Đô", kịch "Vũ Như Tô”, kịch “Bắc Sơn”, kịch “Những người ở lại” … của ông là những tác phẩm đầy tâm huyết, đem lại niềm vinh dự to lớn cho cây bút rất đỗi tài hoa này.

“Vũ Như Tô” là vở kịch lịch sử 5 hồi được Nguyễn Huy Tưởng sáng tác vào năm 1941. Vũ Như Tô, Lê Tương Dực, Nguyễn Vũ, Trịnh Duy Sản, An Hòa Hầu, Nguyễn Hoằng Dụ… là những nhân vật lịch sử, những nguyên mẫu mà tác giả đã dựa vào “Đại Việt sử kí toàn thư”  để sáng tạo nên. Nhân vật Đan Thiềm mang màu sắc lãng mạn, lí tướng nhằm làm nổi bật chất nghệ sĩ của Vũ Như Tô, đẩy xung đột kịch tới cao trào, đỉnh điểm. Trong lời đề tựa vở kịch “Vũ Như Tô”, Nguyễn Huy Tưởng có viết:

“Than ôi! Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải? Ta chẳng biết, cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm”.

Vở kịch “Vũ Như Tô” đã nêu lên một vấn đề lịch sử – xã hội để mọi người cùng suy nghĩ. Đó là chức năng, vai trò của người nghệ sĩ, và mục đích của nghệ thuật. Người nghệ sĩ đem tài năng phục vụ ai? Mọi công trình nghệ thuật đều vì ai? Đọc vở kịch “Vũ Như Tô”, ta càng cảm hiểu và thấm thìa về những nội dung và ý nghĩa ấy. Ở đây, chuyện lịch sử, chuyện sân khấu cũng là chuyện đời chuyện hôm qua và cả chuyện hôm nay.

Xung đột kịch ở Hồi V chủ yếu xoay quanh giữa Đan Thiềm với Vũ Như Tô giữa Trịnh Duy Sản với Lê Tương Dực, Nguyễn Vũ, giữa Kim Phượng và cả cung nữ với Đan Thiềm, giữa Nguyễn Hoằng Dụ, quân khởi loạn, những người thợ xây Cửu Trùng Đài với Vũ Như Tô và Đan Thiềm.

Bối cảnh lịch sử được phản ánh trong vở kịch “Vũ Như Tô” là từ năm 1510 đến năm 1516 dưới triều vua Lê Tương Dực, “vua lợn ” hoang dâm và xa hoa cực độ. Giặc giã nổi lên như ong. Thăng Long trở thành chiến địa. Lê Tương Dực giết vua Lê Uy Mục (vua quỷ) để giành ngôi báu. Trịnh Duy Sản giết Lê Tương Dực rồi đốt xác. Nguyễn Hoàng Dụ đốt phá kinh thành Thăng Long, bắt Vũ Như Tô là người xây Cửu Trùng Đài cho Lê Tương Dực, đem chém ở ngoại thành. Trần Cao khởi loạn, cướp phá lung tung. Triều đình chia thành năm bè bảy mối, ai cũng chỉ chăm chắm một điều “được làm vua, thua làm giặc”, dân bị “rán mỡ” vô cùng đau khổ điêu linh. Một câu ca được lưu truyền khắp làng quê, kẻ chợ thuở ấy:

“Trời làm một trận lăng nhăng,

Vua hóa ra thằng, thằng hóa ra vua”.

Giữa thời buổi hỗn quân, hỗn quan ấy, có bao chuyện buồn nôn. “Vua quỷ” vừa bị giết thì “Vua lợn" đã ủn ỉn bò lên ngai vàng. Em giết anh, thái tử thông dâm với thứ phi của cha, nghịch thần nhan nhản trong triều, gian phu dâm phụ nhung nhúc trong hậu cung. Có kẻ đem lòng thương muốn cứu người mà gây mầm tai họa. Có bao kẻ ngu trung làm đau khổ dân lành. Đan Thiềm và Vũ Như Tô là những con người đáng thương hại, luẩn quẩn mãi trong vòng chữ tình và chữ danh cuối cùng bị bao thế lực căm phẫn, bị khinh bỉ rồi bị giết chết, thật đáng thương!

Đan Thiềm là một cung nữ có chút ít nhan sắc và lòng nhân hậu, biết quý trọng nhân tài. Nàng đã dành cho Vũ Như Tô bao tình cảm đặc biệt. Vũ Như Tô lúc đầu không muốn đem tài năng phục vụ tên hôn quan “tướng lợn” vì hắn xa xỉ và hoang dâm. Người nghệ sĩ này có thể bị giết, bị tru di. Trước tình cảnh đó, Đan Thiềm đã mách đường cho Vũ Như Tô chạy trốn, đã khuyên “không nên trái lệnh vua”. Nhưng khi quân khởi loạn đốt phá kinh thành, lùng sục kẻ xây dựng Cửu Trùng Đài, cho đó là “thủ phạm” thì Đan Thiềm chạy hớt ha hớt hải, mặt cắt không còn hột máu đi tìm Vũ Như Tô. Đan Thiềm thiết tha van xin vị công trình sư tài ba: “Ông phải trốn đi. Ông phải trốn đi… trốn đi để chờ cơ hội khác. Đại sự hỏng rồi”.

Khi tiếng quân ầm ầm, tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng tù và, tiếng ngựa hí nổi lên, khi quân khởi loạn truy tìm “thủ phạm” để giết, để phá Cửu Trùng Đài, thi Đan Thiềm không hề lo đến tính mạng cùa mình mà chỉ lo Vũ Như Tô bị sát hại. Nàng đã hết lời van xin: “Tài kia không nên để uổng. Ông mà có mệnh hệ nào thì nước ta không còn ai tô điểm nữa”. Lòng nhân ái và sự quý trọng nhân tài của Đan Thiềm thật đáng trọng. Nhưng cách suy nghĩ của người cung nữ này thì nông nổi, phiến diện, đáng thương. Có đúng là, nếu Vũ Như tô bị giết chết thì “nước ta không còn ai tô điểm nữa” không? Có đúng là “khi dân nổi lên, họ nông nổi vô cùng. Họ không phân biệt phải trái?”.

Đan Thiềm có biết hay không biết, vua Lê Tương Dực đã ra sức vét thuế, đã “rán mỡ dân” xây dựng Cửu Trùng Đài để sống xa hoa, hưởng lạc giữa hàng trăm, hàng nghìn cung nữ. Đan Thiềm có biết hay không biết, vì xây dựng Cửu Trùng Đài mà hàng vạn dân phu, thợ thuyền bị lao dịch vất vả, bị đói rét, bị chết vì ốm đau, bị tai nạn, nhiều người bỏ trốn đã bị Vũ Như Tô bắt giết?

Đan Thiềm quá thương Vũ Như Tô, quá trọng cái tài của ông Cả, mà nàng như mê, càng ngày càng trở nên  “lẩn quẩn”. Khi quân khởi loạn đã đốt phá kinh thành, đập phá tan tành Cửu Trùng Đài, nhưng bà ta còn quỳ lạy, van xin Ngô Hạch (một võ sĩ, một đứa tiểu nhân): “Tướng quân tha cho ông Cả. Nước ta còn cần nhiều thợ tài để tô điểm”. Lửa đã cháy đến chân, đầu sắp lìa khói cổ, nhưng bà ta vẫn “lẩn thẩn", u mê, van lạy: “Tướng quân hãy nghe tôi, đừng phạm tội ác. Đừng giết ống Cả. Tôi xin chịu chết”.

Đan Thiềm quá thương Vũ Như Tô, quá quý trọng cái tài của Vũ Như Tô mới có ngôn từ và cách hành xử ấy. Nhưng tình cảnh đất nước loạn lạc, vua thì xa xỉ, hoang dâm, nhân dân lầm than đau khổ, một trong những "thủ phạm” làm cho dân chúng oán hận là Vũ Như Tô, kẻ đã xây Cửu Trùng Đài, bà ta có biết hay không? Trước dư luận, trước những lời khen chê của đồng loại (dù đó là lời thị phi) thì cũng phải biết lắng tai nghe mà suy ngẫm. Nhưng Đan Thiềm vẫn bỏ ngoài tai tất cả, Thậm chí cho đến lúc đầu sắp lìa cổ vẫn lẩn thẩn, u mê!

Xây Cửu Trùng Đài, phá Cửu Trùng Đài là chuyện đại sự quốc gia. Thế mà một cung nữ (cũng như hàng trăm hàng nghìn cung nữ khác chỉ biết đem nhan sắc thỏa mãn dục vọng bọn quân vương), trí lực có là bao, thế mà vẫn “nói nhảm”, vẫn “dây vào” những chuyện tày đình! Cái chết của Đan Thiềm là một bi kịch: bi kịch về tình thương và lẽ phải, bi kịch về nhận thức mơ hồ, bi kịch giữa nghệ thuật và tội ác! Cái chết của Đan Thiềm là một bi kịch. Đúng như câu ca của dân gian đã lưu truyền:

“Giúp người mà chẳng lo xa,

Gây mầm tai họa, máu sa ngập đường”.

Đan Thiềm đã “giúp”, đã “thương" Vũ Như Tô, bà ta đã quý trọng tài năng người thợ giỏi, bà ta muốn bảo vệ Cửu Trùng Đài, nhưng bà ta có biết hay không vì Vũ Như Tô xây Cửu Trùng Đài mà công khố hao hụt, dân gian lầm than! Xét cho cùng, Đan Thiềm cũng là một “đồng thủ phạm” với Vũ Như Tô, là kẻ đã “gây mầm tai họa”.

Nghệ thuật không phải là sự lừa dối. Nghệ thuật cũng không chỉ để thỏa mãn cuộc sống xa hoa, ăn chơi trụy lạc của những vua quỷ, vua lợn, của bọn cường quyền, của một thiểu số người trong xã hội. Nghệ thuật không phải là cái bánh vẽ. Nghệ thuật càng không thể gây đau khổ cho dân chúng. Và những chuyện đại sự quốc gia không phải ai cũng có thể can dự vào. Đó là bài học, không chỉ cho những Đan Thiềm xưa nay mà còn là những điều cần suy nghĩ nghiêm túc cho bất cứ ai trong xã hội. Bởi vậy, Đan Thiềm là một nhân vật đáng thương hại.

Trong bài thơ “Dại khờ” (Tập “Gửi hương cho gió”), thi sĩ Xuân Diệu có viết:

“Người ta khổ vi thương không phải cách,

Yêu sai duyên, và mến chẳng nhằm người.

Có kho vàng nhưng chẳng tặng tùy nơi,

Người ta khổ vì xin không phải chỗ”

Qua cuộc đời đầy bi kịch và cái chết của nhân vật Đan Thiềm trong lịch sử. trong vở kịch "Vũ Như Tô” của Nguyễn Huy Tưởng, ta càng thấm thìa những vần thơ trên đây của Xuân Diệu.

Xem thêm các bài văn mẫu lớp 11 hay, ngắn nhất khác:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH LUYỆN THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 11

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi, sách dành cho giáo viên và gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Giải bài tập lớp 11 sách mới các môn học
Tài liệu giáo viên