20+ Phân tích khổ cuối Vội vàng (điểm cao)
Phân tích khổ cuối bài thơ Vội vàng (hay 10 câu cuối Vội vàng) gồm dàn ý chi tiết, sơ đồ tư duy và các bài văn mẫu hay nhất, ngắn gọn được tổng hợp và chọn lọc từ những bài văn hay đạt điểm cao của học sinh lớp 11.
- Phân tích khổ cuối Vội vàng - mẫu 1
- Dàn ý Phân tích khổ cuối Vội vàng
- Sơ đồ Phân tích khổ cuối Vội vàng
- Phân tích khổ cuối Vội vàng - mẫu 2
- Phân tích khổ cuối Vội vàng - mẫu 3
- Phân tích khổ cuối Vội vàng - mẫu 4
- Phân tích khổ cuối Vội vàng - mẫu 5
- Phân tích khổ cuối Vội vàng - mẫu 6
- Phân tích khổ cuối Vội vàng - mẫu 7
- Phân tích khổ cuối Vội vàng - mẫu 8
- Phân tích khổ cuối Vội vàng - mẫu 9
- Phân tích khổ cuối Vội vàng (mẫu khác)
20+ Phân tích khổ cuối Vội vàng (điểm cao)
Bài giảng: Vội vàng - Cô Thúy Nhàn (Giáo viên VietJack)
Phân tích khổ cuối Vội vàng - mẫu 1
Thời gian chẳng bao giờ chiều lòng người, con người thì nhỏ bé nhưng khát khao lại lớn lao, càng yêu đời, yêu người bao nhiêu thì lại càng thảng thốt khi nhận ra quy luật khắc nghiệt của tạo hóa. Là một nhà thơ mới có cái nhìn tinh tế và trái tim dễ say đắm nhưng cũng bộn bề lo sợ – Xuân Diệu hơn ai hết luôn dằn dặt trước sự trôi chảy của thời gian và tuổi xuân. Có lẽ thế mà nhà thơ luôn sống vội vàng, sống gấp gáp và cũng yêu đắm say. Bài thơ Vội Vàng được xem là châm ngôn sống của Xuân Diệu cũng là tác phẩm thể hiện cái tôi mãnh liệt trong cảm xúc và nhiều khám phá mới mẻ ở hình ảnh thơ. Trong đó khổ thơ cuối bài với tiết tấu nhanh và mạnh như một lời kết luận cho châm ngôn sống vội của ông.
Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,
.....
– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi !”
Ông hoàng thơ tình Xuân Diệu luôn khao khát sống và sống gấp, sống vội. Nếu ở khổ thơ đầu và khổ thứ hai là tình yêu mãnh liệt cùng với sự nuối tiếc chia lìa thì đoạn thơ cuối bài là lời giải đáp cho câu hỏi: sống vội vàng là như thế nào. Cụm từ “mau đi thôi” như một lời thúc giục khi tác giả nhận ra rằng vẫn còn kịp để yêu thương và sống trọn vẹn với tuổi xuân cho đến phút cuối cùng. Phải rồi! “mùa chưa ngả chiều hôm”, xuân vẫn còn đó, người đang yêu tha thiết thì tại sao phải nghĩ nhiều đến chia lìa để hao hụt niềm vui hiện tại. Vì thế mà Xuân Diệu bừng tỉnh và giọng điệu thơ trở lại sự nồng nhiệt thiết tha.
Điệp từ “ta muốn” tạo thành một cấu trúc câu đều đặn, hối hả như thúc giục mọi người hãy yêu quý tuổi trẻ của mình, hãy làm những điều mà chỉ có tuổi trẻ mới làm được và trước hết là say đắm với thiên nhiên, tình yêu của mùa xuân. Thêm vào đó là các động từ chỉ tâm thế: ôm, riết, say, thâu, cắn diễn tả được tình cảm vồ vập và niềm khao khát tận hưởng đến tham lam. Các động từ này có sự tăng tiến rõ rệt trong ước muốn. Ban đầu chỉ là một cái ôm nhẹ nhàng nhưng đủ cho sự khát khao, phải siết mạnh thì mới cảm nhận được tình yêu. Khi gần nhà thơ say sưa thâu tóm tất cả vào mình và cuối cùng là hành động mạnh nhất là cắn, như muốn chiếm hữu làm của riêng.
Những câu thơ tiếp theo, Xuân Diệu sử dụng điệp từ cho kết hợp với tính từ “no nê, chếnh choáng, đã đầy” để khẳng định tâm thế của một con người lúc nào cũng hòa mình vào thiên nhiên, cuộc sống. Không phải chỉ vừa đủ mà để cuộc đời hóa thân thành tâm hồn, tâm hồn thì chan chứa tình yêu.
Sự cộng hưởng của điệp từ “và” tạo nên sự rộng lớn, bao quát như chính vòng tay tham lam muốn ôm trọn tất cả của nhà thơ. Bài thơ khép lại trong sự hóa thân từ cái tôi cá nhân nhỏ bé thành cái ta chung. Nhà thơ đi từ những khát vọng riêng tư vươn lên thành khát vọng muốn được sông đẹp và cống hiến trọn vẹn với vũ trụ, đất trời. “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào người“, câu thơ mới lạ và táo bạo. Cảm xúc được cụ thể hóa bằng hành động cũng là điều hợp lí trong trái tim của nhà thơ đang yêu điên cuồng.
Khổ thơ cuối của bài khép lại bằng những sáng tạo độc đáo trong cách dùng từ, đặt câu. Nhà thơ bộc lộ quan điểm sống của mình cũng là quan điểm chung của tuổi trẻ: sống là phải biết tận hưởng, yêu đời nhưng cũng phải dâng hiến và trân trọng những điều tốt đẹp mà cuộc đời ban tặng.
Dàn ý Phân tích khổ cuối bài thơ Vội vàng
1. Mở bài: Giới thiệu đoạn 3 bài thơ Vội vàng
Ví dụ: Xuân Diệu có những tác phẩm rất nổi tiếng, một tác phẩm thơ có sự kết hợp nhuần nhuyễn và độc đáo về mạch cảm xúc và triết lý sâu sắc là bài thơ Vội vàng. Bài thơ thể hiện niềm say mê cái đẹp của thiên nhiên, niềm yêu thiên nhiên sâu sắc của tác giả trong cuộc sống. Bên cạnh niềm say mê thiên nhiên và cuộc sống thì tác giả còn thể hiện khát vọng sống, khát vọng tình yêu cuồng nhiệt và hối hả của cuộc sống. Chúng ta cùng đi tìm hiểu đoạn 3 của bài thơ để hiểu rõ về khát vọng sống, khát vọng tình yêu cuồng nhiệt và hối hả của cuộc sống.
2. Thân bài:
2.1. Bức tranh thiên nhiên được hiện lên một lần nữa:
- Câu cảm thán “mau đi thôi” thể hiện sự tận hưởng thiên nhiên, cuộc sống , tận hưởng thời gian và cuộc sống
- Khát vọng sống mãnh liệt, khát vọng được yêu thương
2.2. Sự cảm nhận của tác giả qua các giác quan của cơ thể:
- Các hình ảnh mây, gió, nước, bướm,
Tác giả cảm nhận cuộc sống và thiên nhiên qua thị giác, khứu giác, thính giác,…
+ Thị giác cảm giác mơn trớn của thiên nhiên
+ Khứu giác cảm nhận được mùi hương đẹp đẽ của thiên nhiên
+ Thính giác cảm nhận được âm thanh của thiên nhiên
+ Tình yêu cuồng nhiệt, mãnh liệt của tác giả
3. Kết bài: Nêu cảm nhận của em về đoạn 3 bài thơ Vội vàng
Ví dụ: Đoạn 3 bài thơ vội vàng thể hiện khát vọng sống, khát vọng tình yêu cuồng nhiệt và hối hả của cuộc sống. Tình yêu ấy được tác giả cảm nhận qua các giác quan cơ thể hết sức tinh tế và sâu sắc.
Sơ đồ Phân tích khổ cuối bài thơ Vội vàng
Phân tích khổ cuối Vội vàng - mẫu 2
“Vội vàng” là bài thơ tiêu biểu trích trong tập thơ “Thơ và Thơ” của nghệ sĩ tài năng Xuân Diệu. Bài thơ là tiếng nói tâm hồn yêu đời, yêu cuộc sống, thiết tha với tuổi trẻ của Xuân Diệu. Mười câu thơ cuối bài chính là khúc hát khép lại bài thơ với những quan niệm nhân sinh sâu sắc.
“Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn”
Nếu như ở những vần thơ trên tác giả dùng “tôi” thì ở đây Xuân Diệu lại dùng “Ta”. Theo như Chu Văn Sơn lý giải: “Ở trên, tác giả xưng ”tôi” để đối thoại với đồng loại, ở dưới lại xưng “ta” để đối diện với sự sống”. Dưới con mắt của tác giả, sự sống hiện lên “mơn mởn”. Từ láy “mơn mởn” miêu tả sức sống căng tràn, tươi mới. Chính cái “mơn mởn” của sự sống khiến tác giả như tham lam “muốn ôm” lấy tất cả. Sự sống ấy rộng lớn lắm, bao la lắm nhưng nghệ sĩ ấy vẫn muốn ôm lấy, giữ chặt lấy.
Nhịp thơ như gấp rút, giọng thơ như dồn dập, cảm xúc như dâng trào bật lên thành những ước nguyện cao đẹp:
“Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng"
Những gì thi sĩ muốn là được giao cảm với thiên nhiên, với sự sống: từ mây, gió, cánh bướm đến tình yêu, cỏ cây, non nước. Mức độ giao cảm cũng dần mãnh liệt hơn: từ “ôm”, “riết”, đến “say”, “thâu”, và sau cùng là “cắn”. Từng lần từ “ Ta muốn” vang lên là từng ước nguyện được nói lên. Nhân vật trữ tình như muốn ôm hết vào lòng mình “mây đưa và gió lượn”, muốn đắm say với “cánh bướm tình yêu”, muốn gom hết vào lồng ngực trẻ trung ấy “một cái hôn nhiều”. Muốn thu hết vào hồn nhựa sống dạt dào “Và non nước, và cây, và cỏ rạng”. Điệp từ “ta muốn” cùng nhịp thơ dồn dập như diễn tả hơi thở gấp gáp của thi nhân và nhịp điệu hối hả của trái tim vội vàng. Phải chăng thi sĩ Xuân Diệu của chúng ta đang nồng nhiệt đối rối rít, cuống quýt, như muốn cùng lúc giang tay ôm hết cả vũ trụ, cả cuộc đời, mùa xuân vào lòng mình? Phải chăng sống vội vàng, sống hối hả, sống nhiệt huyết như thế với Xuân Diệu mới được gọi là sống trọn vẹn?
Lý giải cho những ham muốn của mình, thi nhân có viết:
“Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi”
Điệp từ “cho” với nhịp độ tăng tiến diễn tả Xuân Diệu muốn tận hưởng cuộc sống cho đến “no nê”, “chếnh choáng”, “đã đầy”. Trong cảm xúc dạt dào, trước cuộc sống “mơn mởn” ấy, Xuân Diệu nhận ra cuộc đời chỉ đẹp khi sống hết mình, khi đam mê hết mình, khi hòa hết mình vào cái khoảnh khắc tươi đẹp nhất của tuổi đời con người – tuổi trẻ.
Mỗi một lần khao khát “Ta muốn” thì lại đi liền với một động từ chỉ trạng thái yêu đương mỗi lúc một mạnh mẽ, nồng nàn hơn và rồi đến cuối cùng, tác giả phải thốt lên:
“– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi !”
“ Xuân hồng” hai từ thôi mà nghe sao mềm mại thế, nghe đằm thắm thế. Mùa xuân không chỉ còn là tên gọi mà mùa xuân trong thơ Xuân Diệu trở nên có hồn, có sức sống. Mùa xuân ấy đẹp, ngọt ngào như đôi môi người thiếu nữ khiến “ Ta muốn cắn vào ngươi”. Mùa xuân là cái hữu hình, làm sao thi nhân có thể cắn? Đúng thi nhân không thể cắn nhưng thi nhân có thể hòa mình vào mùa xuân, có thể say đắm trong cơn tình dịu ngọt của mùa xuân.
Khổ thơ cuối với ngôn từ đậm chất thơ Mới, thoát khỏi những vi phạm của quy luật chặt chẽ thơ ca trung đại đã diễn tả không chỉ cảm xúc mãnh liệt của Xuân Diệu trước cuộc đời, trước tuổi trẻ mà còn ẩn ý về một cái tôi trữ tình tràn đầy sự thèm khát được sống, được tận hưởng một cách cuồng nhiệt những thanh sắc của cuộc đời.
Phân tích khổ cuối Vội vàng - mẫu 3
Xuân Diệu được mệnh danh là ông hoàng thơ tình Việt Nam, là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” (Hoài Thanh). Ông đem đến cho thơ ca đương thời một sức sống mới, một nguồn cảm xúc mới mẻ, thể hiện quan niệm sống mới, quan niệm thẩm mĩ độc đáo cùng nữ các tân nghệ thuật táo bạo. Được in trong tập “Thơ thơ”, “Vội vàng” là bài thơ tiêu biểu cho nhịp sống vội vàng, cuống quýt của Xuân Diệu. Là người yêu đời, ham sống tha thiết, mãnh liệt nên trong bất cứ hoàn cảnh nào, Xuân Diệu không bao giờ bỏ cuộc, vẫn cứ bám chặt vào cuộc đời. Trong tâm thế sống “Chẳng bao giờ chán nản”, Xuân Diệu đã có giải pháp tích cực khi ước muốn níu giữ mùa xuân không thành. Sau lời hối thúc, giục giã phải sống mau, sống vội, Xuân Diệu say sưa cụ thể hóa lẽ sống vội vàng bằng lẽ sống thiết thực. Với thi sĩ, vội vàng không đơn thuần chỉ là sống gấp sống vội mà còn là sống với cường độ cao nhất: “Sống toàn tâm, toàn trí, toàn hồn”:
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn;
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
– Hỡi xuân hồng! Ta muốn cắn vào ngươi”
Mở đầu khúc thơ cuối là câu thơ ba chữ được tách riêng ra đặt chính giữa khổ thơ. Câu thơ làm nổi bật lên hình ảnh một cái tôi ham hố đang dang rộng cánh tay ôm hết, ôm khắp, ôm trọn tất cả sự sống mơn mởn non tơ đang bày ra trước mắt. Điệp ngữ “ta muốn” còn lặp đi lặp lại với mật độ dày đặc ở những câu tiếp theo. Khát khao tận hưởng cuộc sống non tơ đang trào dâng mãnh liệt ngày càng nồng nàn và cháy bỏng hơn trong trái tim yêu đời đến tham lam của Xuân Diệu. Đại từ nhân xưng “tôi” bất ngờ chuyển hóa thành “ta”. Trước sự sống rộng lớn bao la của vũ trụ, thi sĩ cần xưng ta chăng? Hay ở đây thi sĩ đang nói lên khát vọng của bao người, hối thúc, lay tỉnh bao người hãy sống mãnh liệt, hãy sống tận độ trong từng phút giây cho nên phải xưng “ta”?
Say đắm thiên nhiên, cảnh trời, Xuân Diệu muốn tận hưởng thiên nhiên và sự sống. Dĩ nhiên, với một trái tim xanh non biếc rờn, thiên nhiên và sự sống mà Xuân Diệu khát khao phải là thiên nhiên giữa thời tươi, phải là sự sống mới bắt đầu mơn mởn, phải là xuân hồng căng mọng, quyến rũ. Điều ấy có nghĩa là Xuân Diệu tham lam, ham hố tận hưởng tất cả những gì ngon nhất, đẹp nhất của sự sống. Nàng xuân mà Xuân Diệu đắm đuối hết sức thanh tân quyến rũ, rạo rực xuân sắc, đắm đuối xuân tình. Đến với thiên nhiên, đến với mùa xuân như đến với người tình tuyệt vời của mình, thi sĩ tình tự với thiên nhiên, ái ân cùng sự sống. Hàng loạt động từ mạnh theo trình tự tăng tiến lần lượt xuất hiện trong các dòng thơ: “ôm”, “ riết”, “say”, “thâu”, “cắn” là biểu hiện của tình yêu ngày càng say đắm mãnh liệt. Ôm chọn khắp, riết thật chặt, say sưa mê đắm và đỉnh điểm là cắn. Xuân Diệu đã tận hưởng thiên nhiên như tận hưởng ái tính. Hình ảnh “thâu trong một cái hôn nhiều” rất Tây. Đi liền đó là câu thơ thừa thãi liên từ “và”: “và non nước, và cây, và cỏ rạng”. Chính sự lặp lại có vẻ như thừa thãi ấy lại là một sáng tạo rất hiện đại của Xuân Diệu. Sự lặp lại liên tiếp liên từ “và” trong một dòng thơ đã truyền đến người đọc một cảm xúc hăm hở cuồng nhiệt của một gã suy tình trước tình nhân đắm đuối.
Xuân Diệu tận hưởng sự sống mơn mởn như tận hưởng ái tình và phải đạt đến độ no nê, đã đầy, chênh choáng. Nghĩa là phải thỏa thuê, ngây ngất, mê đi, lịm đi:
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
Xuân Diệu hiện ra đúng là một gã si tình chếnh choáng men say. Hàng loạt điệp từ “cho” liên tiếp lặp lại dồn đầy cảm xúc yêu đương cuồng nhiệt, mãnh liệt đến vô biên, tuyệt đích. Lời yêu cháy bỏng không thể kìm nén trong lòng, thì thầm trong trái tim mà vang lên thành lời đối thoại dõng dạc, trực tiếp: “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”. Đọc câu thơ, ta tưởng nhu thi sĩ đang muốn hét lo lên để cả đất trời, vũ trụ hiểu được niềm yêu cuồng nhiệt của mình. Ôm, riết, say, thâu chưa đủ, no nê, đã đầy, chếnh choáng vẫn chưa thỏa mà phải cắn vào xuân hồng, phải tận hưởng bằng cả tâm hồn, bằng cả trái tim đắp đuối, ham hố mới thỏa niềm khát khao. Ở đây, dường như có để biểu đạt niềm yêu đời cuồng nhiệt vô biên của mình, Xuân Diệu đã dùng đến yếu tố phi lí, phi hiện thực. Cũng chính vì thế mà câu thơ: “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!” trở thành một trong những vần thơ độc đáo, táo bạo nhất trong thơ hiện đại. Cùng với “Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần”, Xuân Diệu đã làm cả một cuộc cách mạng lớn trong thi ca để trở thành nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới.
“Với những nguồn cảm hứng mới, yêu đương và tuổi xuân, dù lúc vui hay lúc buồn, Xuân Diệu cũng ru thanh niên bằng giọng yêu đời, thấm thía”. Và khúc thơ cuối trong “Vội vàng” là một trong những khúc thơ tiêu biểu trong giọng thơ yêu đời nhát. Đọc đoạn thơ, ta như nghe thấy giọng nói, hơi thở, nhịp đập sôi nổi bồng bột trong trái tim thi sĩ. Qua bài thơ “Vội vàng”, ta thấy được phần nào cái nhịp sống vội vàng, niềm say mê cuộc đời mãnh liệt của Xuân Diệu. Đồng thời, ta còn thấy được một thông điệp vô cùng ý nghĩa, sâu sắc của Xuân Diệu: Hãy sống vội vàng, sống hết mình trong những khoảnh khắc tuyệt đẹp nhưng lại mong manh của tuổi thanh xuân bởi thời gian trôi đi sẽ kéo theo mùa xuân và tuổi trẻ, cả những ước mơ, khát vọng.
Phân tích khổ cuối Vội vàng - mẫu 4
Đến với Xuân Diệu, nhà thơ có cội nguồn hòa hợp giữa vùng gió Lào cát trắng cùng với sự cần cù của xứ Nghệ.
“Cha đàng ngoài, mẹ đàng trong
Ông đồ nghề lấy cô hàng nước mắm”.
Cả đời Xuân Diệu là cả đời lao động nghệ thuật không lúc nào ngừng bút. Đối với ông sự sống không bao giờ chán nản. Là con người xứ Nghệ cần cù, kiên nhẫn, lao động và sáng tạo nghệ thuật. Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất cả về nội dung lẫn nghệ thuật trong nền văn học hiện tại. “Vội vàng” là một trong những tác phẩm thơ xuất xắc của ông. Bài thơ cũng là lời giục giã sống mãnh liệt, sống hết mình. Hãy quý trọng từng giây từng phút của cuộc đời mình, thể hiện khát vọng sống của tác giả. Tiêu biểu là 10 câu cuối của đoạn thơ. Chính là lời giục giã mọi người và cũng chính là lời giục giã cho chính mình. Vì vậy mà tác giả đã nói:
Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,
.....
– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi !”
Vội vàng” được in trong tập “Thơ thơ”, là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất của Xuân Diệu trước cách mạng tháng tám. Ở phần trên của bài thơ, thi sĩ luận giải cho người đọc thấy được tạo hóa có sinh ra con người để mãi mãi hưởng lạc thú ở chốn trần gian này đâu. Đời người ngắn ngủi, tuổi xuân có hạn và thời gian trôi đi vĩnh viễn không trở lại. Vì vậy thi nhân “giục giã” chúng ta phải “nhanh lên”, “vội vàng lên” để tận hưởng bữa tiệc của trần gian khi mà “mùa chưa ngả chiều hôm”, khi mà xuân đang non, xuân chưa già:
“Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm”
Đoạn thơ mở đầu bằng ba chữ “Ta muốn ôm” như phơi bày ra hết sự ham hố và cuồng nhiệt của Xuân Diệu với cuộc sống trần thế: Trước đó nhà thơ xưng “tôi” với ước muốn táo bạo “tắt nắng, buộc gió” nhưng ở đoạn thơ cuối này cái tôi ấy đã hòa thành cái ta chung để tận hưởng hết những hương sắc của cuộc đời. Ngay liền đó là câu thơ thể hiện cái tươi non của “Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn”. “Mơn mởn” là từ láy rất gợi cảm và giàu ý nghĩa diễn tả. Nó gợi cảm sự vật, cây cối đang ở độ non mướt, tươi tốt đầy sức sống “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”, Và đằng sau khao khát “ôm cả sự sống mơn mởn” ấy là những câu thơ mạnh bạo, gấp gáp, giục giã tràn đầy nỗi yêu:
“Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
.........
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;”
Một đoạn thơ ngắn mà có tới bốn, năm từ “ta muốn” được lặp đi, lặp lại như nhịp điệu hối hả, như hơi thở gấp gáp của thi nhân. Chứng tỏ Xuân Diệu nồng nhiệt đối rối rít, cuống quýt, như muốn cùng lúc giang tay ôm hết cả vũ trụ, cả cuộc đời, mùa xuân vào lòng mình. Sống như thế với Xuân Diệu mới thực là sống, mới đi đến tận cùng của niềm hạnh phúc được sống. Điệp ngữ “Ta muốn” như ý nghĩa của nó đã nói lên được cái ham muốn khát thèm đến hăm hở, cuồng nhiệt của nhà thơ. Thi nhân như muốn ôm hết vào lòng mình “mây đưa và gió lượn”, muốn đắm say với “cánh bướm tình yêu”, muốn gom hết vào lồng ngực trẻ trung ấy “một cái hôn nhiều”. Muốn thu hết vào hồn nhựa sống dạt dào “Và non nước, và cây, và cỏ rạng”Để rồi, chàng như con ong bay đi hút nhụy đời cho đến say “chếnh choáng” hút cho đã cho đầy ánh sáng, “Cho no nê thanh sắc của thời tươi” mới lảo đảo bay đi.
“Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;”
Điệp từ “cho” với nhịp độ tăng tiến nhấn mạnh các cấp độ khát vọng hưởng thụ đạt đến độ thỏa thuê, sung mãn, trọn vẹn. Xuân Diệu muốn tận hưởng cuộc sống cho đến “no nê”, “chếnh choáng”, “đã đầy”. Trong niềm cảm hứng ở độ cao nhất, Xuân Diệu nhận ra cuộc đời, mùa xuân như một cái gì quý nhất, trọn vẹn như một trái đời đỏ hồng, chín mọng, thơm ngát, ngọt ngào, xuân hồng, để cho nhà thơ tận hưởng trong niềm khao khát cao độ.
Thơ Xuân Diệu có đặc trưng là sự vồ vập, cuồng nhiệt, mạnh bạo. Mỗi một lần khao khát “Ta muốn” thì lại đi liền với một động từ chỉ trạng thái yêu đương mỗi lúc một mạnh mẽ, nồng nàn hơn “ôm - sự sống” - “riết - mây đưa, gió lượn” - “say - cánh bướm, tình yêu” - “thâu - cái hôn nhiều”, để cuối cùng là một tiếng kêu của sự cuồng nhiệt, đắm say thể hiện niềm yêu đời, khát sống chưa từng có trong thơ ca Việt Nam: “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”. Đây chính là đỉnh điểm của sự khao khát cháy bỏng của nhà thơ.
Dưới ngòi bút của Xuân Diệu và trong ánh mắt “xanh non”, “biếc rờn” của thi sĩ, mùa xuân hiện lên rõ rệt và sống động như có hình có dáng, có hồn có sắc “Xuân hồng”. Mùa xuân như môi, như má của một người thiếu nữ trẻ trung, tràn trề nhựa sống và đẹp xinh, trinh nguyên đang rạo rực yêu đương, hay như một quả chín ngọt thơm trong vườn “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”. Đứng trước cái hấp dẫn của mùa xuân, cuộc sống, thi sĩ hình như không nén nỗi lòng yêu đã đi đến một cử chỉ cũng thật đáng yêu:
“Ta muốn cắn vào ngươi!”
Có lẽ trong các bài thơ của Xuân Diệu trước Cách mạng thì đây là những vần thơ Xuân Diệu nhất. Vì mỗi câu, mỗi chữ đều mang hơi thở nồng nàn, đắm say, ham sống của “một nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”.
Bài thơ là một quan niệm sống mới mẻ và táo bạo mà trước đây chưa từng có. Đến với “Vội Vàng” Xuân Diệu kêu gọi mọi người hãy biết yêu và tận hưởng những thứ cuộc sống ban tặng. Xuân Diệu đã bộc lộ một cái tôi tràn đầy sự thèm khát được sống, được tận hưởng một cách cuồng nhiệt những thanh sắc của cuộc đời. Thi sĩ như muốn giang rộng cả đôi tay, cả lồng ngực của mình để đón nhận mùa xuân của tình yêu, của tuổi trẻ. Nỗi khát thèm ấy là xuất phát từ một quan niệm nhân sinh tiến bộ, tích cực của Xuân Diệu trước cuộc đời: “Mau với chứ, vội vàng lên với chứ – Em, em ơi, tình non đã già rồi” . Đoạn thơ đã giúp ta hình dung được tâm hồn Xuân Diệu, một cái tôi yêu đời, giàu xúc cảm, một nhân sinh quan tiến bộ về cuộc đời. Với những gì thể hiện ở trên, Xuân Diệu rất xứng đáng với danh hiệu: “Nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”.
Phân tích khổ cuối Vội vàng - mẫu 5
Đến với thế giới thi ca là đến với thế giới của muôn vàn cảm xúc. Ta từng biết đến một Thế Lữ "rộng mở", một Nguyễn Bính "quê mùa", một Hàn Mặc Tử "kì dị". Và thật thiếu sót khi nhắc đến đỉnh cao Thơ mới khi ta quên mất cái tên Xuân Diệu - "nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới" (Theo Thi nhân Việt Nam - Hoài Thanh). Ông đã thổi vào nền văn học đương đại một luồng gió mới đầy độc đáo, mới lạ và mang đầy tính nhân văn. Và một trong những vần thơ thể hiện rõ nhất quan niệm ấy là khổ cuối bài "Vội vàng".
Xuân Diệu quê ở Hà Tĩnh "cha đàng ngoài, mẹ đàng trong". Cha ông là ông đồ Nghệ dạy học ở Bình Định, mẹ là cô gái lao động làm nước mắm quê ở Gò Bồi (Bình Định). Những câu hát ví dặm quê cha, điệu hò lý quê mẹ nuôi dưỡng hồn thơ Xuân Diệu cùng với đó là biển xanh cát trắng Quy Nhơn với cơn gió nồm nam mát rươi tạo nên một hồn thơ say đắm với chất giọng mượt mà. Ông là một trí thức Tây học, chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Pháp một cách có hệ thống trên ghế nhà trường nên con người ông có sự kết hợp giữa cổ điển - hiện đại. Tư tưởng chi phối toàn bộ sự nghiệp thơ Xuân Diệu là niềm khao khát giao cảm với đời nhưng ông vẫn muốn cái tôi được khẳng định chói lọi. Thoát khỏi hệ thống ước lệ của thơ cũ, Xuân Diệu nhìn đời bằng cặp mắt xanh non, biếc rờn để phát hiện ra vẻ đẹp cuộc đời mà ít ai để ý tới. Và "Vội vàng" là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất.
"Vội vàng" in trong tập "Thơ thơ" (1938) gồm bốn mươi lăm bài sáng tác từ năm 1933 đến 1938, là tập thơ đầu thể hiện rõ tư tưởng và phong cách thơ Xuân Diệu trước Cách mạng. "Thơ thơ" được xem là đỉnh cao của phong trào Thơ mới. Hai chữ "Vội vàng" chứa đựng cả một tâm thế sống: Hãy mở rộng tâm hồn đón nhận mọi vẻ đẹp của cuộc đời trần thế vừa chứa đựng triết lý sống: Cuộc đời con người là hữu hạn, vì vậy cần sống tích cực, đủ đầy và ý nghĩa, chạy đua với thời gian để không phải tiếc nuối điều gì.
Nếu ở đoạn thơ đầu, tác giả xưng tôi nhằm thể hiện bản lĩnh cá nhân và đối thoại với đồng loại thì đến khổ cuối, nhà thơ xưng ta để đối diện với sự sống, để tìm sự đồng điệu, đồng cảm cùng cái ta cộng đồng, khát khao chiếm giữ sự sống trọn vẹn, đủ đầy:
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Câu thơ "Ta muốn ôm" thắt lại giữa bài khiến ta liên tưởng đến vòng tay của thi nhân ôm giữ cuống quýt cả sự sống non tơ. Không giống như người bạn thân Huy Cận lấy cảm hứng từ những không gian rộng lớn, bị ám ảnh bởi "sầu không gian" thì Xuân Diệu luôn ám ảnh bởi thời gian trôi chảy không ngừng. Với thời gian, nếu Chế Lan Viên chối bỏ mùa xuân hiện tại để quay về quá khứ "Làm cánh chim thu lạc cuối ngàn" thì Xuân Diệu say sưa, gắn bó với mùa xuân, với cuộc đời bằng cách thâu tóm mọi sự sống nhân gian. Ông theo đuổi hạnh phúc bằng lối sống cuống quýt, vội vàng để tận hưởng mọi vẻ đẹp của đất trời.
Trước thiên nhiên bao la rộng lớn, Xuân Diệu như mở rộng tầm mắt của mình để thâu tóm. Sau bao đau đớn, tuyệt vọng về sự hữu hạn của đời người, về sự trôi chảy tuyến tính của thời gian đất trời, những câu thơ tiếp nối nhau như để góp phần làm bùng cháy lên một khát vọng mãnh liệt:
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng
Điệp ngữ "Ta muốn" lặp lại năm lần, mỗi lần lại tha thiết, mạnh mẽ hơn tạo âm hưởng dồn dập, khẩn thiết trở thành cao trào của khát vọng sống. Các động từ phát triển theo cấp độ từ thấp đến cao như ôm, riết, thâu, cắn nhằm thể hiện một cảm xúc ngày càng mãnh liệt. Hồn thơ Xuân Diệu như cánh buồm giương to, căng phồng nhịp tình sống. Ta cảm giác nhà thơ không chỉ giục giã mà còn hăm hở lao vào, ôm ghì sự sống để tận hưởng sắc hương và mật ngọt của đời. Bổ ngữ cho hệ thống động từ là một loạt những hình ảnh mây đưa, gió lượn, cánh bướm, non nước, cây cỏ. Phép liệt kê khiến bức tranh hiện lên có hình dáng, màu sắc. Mùa xuân như đôi môi người thiếu nữ trẻ trung, tràn đầy năng lượng sống và thi sĩ muốn dành nụ hôn để thâu tóm non nước, cỏ cây. Liên từ "và" lặp lại ba lần trong một câu thơ nhằm nhấn mạnh cảm xúc dâng trào mãnh liệt trong trái tim yêu đời của thi sĩ. Phân tích khổ cuối bài thơ "Vội vàng", ta có thể cảm nhận được rằng mọi khung cảnh của thiên nhiên đều được nhìn qua lăng kính của một trái tim yêu vì thế cảnh vật không hề u buồn như "Gió theo lối gió, mây đường mây" của Hàn Mặc Tử mà rạo rực, duyên dáng giữa đất trời. Cho dù đã tận hưởng, tận hiến đầy vòng tay nhưng vẫn không ngừng bởi đã tận hưởng thì phải lên tới tột đỉnh:
Cho chếnh choáng mùi hương, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
Điệp từ "cho" lặp lại ba lần kết hợp với biện pháp liệt kê nhằm diễn cả sự ham sống, muốn tận hưởng thiên nhiên một cách cao nhất, mãnh liệt nhất. Thời tươi đó với ông là khoảng thời gian của tình yêu và tuổi trẻ. Không thể tắt nắng, buộc gió, không thể can dự vào quy luật tất yếu của tạo hóa cũng như kéo dài tuổi xuân của mỗi đời người, cái duy nhất ta có thể chọn là một lối sống cho mình. Sống tận hưởng, tận hiến để không phí hoài thời gian, ôm trọn mọi khoảnh khắc của đời người. Tất cả như tròn đầy trong tâm hồn thi nhân, tràn ra từng câu chữ:
Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi
Nghệ thuật làm thơ khó nhất là ở câu cuối vì nó vừa phải nâng cao cảm xúc vừa chứng tỏ sự vận động của tứ thơ đạt tới độ hoàn hảo không thể thêm bớt. Xuân Diệu đã vượt qua được ranh giới đó khi bật lên tiếng thơ chân thành, đầy khao khát. Ta từng biết "Mùa xuân chín" trong thơ Hàn Mặc Tử, "Mùa xuân xanh" trong thơ Nguyễn Bính nay ta bắt gặp trái xuân hồng trong thơ Xuân Diệu. Nó như một trái quả ngọt lành mà thi sĩ muốn cắn ngập răng để tận hưởng. Với câu thơ này, một nhà phê bình đã tinh tế nhận ra rằng: "Xuân Diệu giống như một con ong hút nhụy đã no nê đang lao đao bay đi". Đây quả là sự giao cảm táo bạo, mãnh liệt của một trái tim căng tràn tình yêu, sức sống.
Một sự chuyển đổi cảm giác tinh tế không chỉ gợi được sức sống mà còn gợi được cả cháy khao rực cháy hối hả cuốn quýt trong tâm hồn thi nhân. Nếu trong thi ca trung đại, thiên nhiên là tiêu chí đánh giá cho mọi vẻ đẹp của cuộc đời, là thước đo thẩm mĩ của vũ trụ thì Xuân Diệu lại đưa ra tiêu chí mới, giàu tính nhân văn sâu sắc. Con người hồng hào, tươi trẻ giữa tuổi trẻ và tình yêu mới là chuẩn mực cho mọi vẻ đẹp trên thế gian. Mùa xuân như đôi môi ửng hồng của người thiếu nữ, tràn đầy sự trinh nguyên và một chút rạo rực của tình yêu.
"Vội vàng" là một bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ Xuân Diệu, toàn bộ bài thơ nói chung và khổ cuối nói riêng là một khúc ca say đắm yêu đời của một trái tim trẻ trung, sôi nổi; của cặp mắt xanh non, biếc rờn; ở sự bày tỏ khát vọng chân thành, thiết tha. Với sự kết hợp giữa việc sử dụng ngôn từ tăng theo cấp bậc tăng tiến và hình ảnh thơ đa sắc màu, lời thơ nhẹ nhàng, say đắm, "Vội vàng" đã đi vào trong lòng người đọc và để lại nhiều dư ba về một lối sống tích cực, khát khao giao cảm với đời.
Phân tích khổ cuối Vội vàng - mẫu 6
Như người ta đã nói, Xuân Diệu chính là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”. Đặc biệt bài thơ Vội vàng, với khổ thơ cuối đã cho ta thấy rõ một tâm thế “rất mới” của Xuân Diệu:
Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi !”
Nếu như ở đầu bài thơ, Xuân Diệu đã nhấn mạnh mới ước mơ rất lạ, vượt quyền tạo hóa và gần như không thể có thực:
Tôi muốn tắt nắng đi
.........
Cho hương đừng bay đi
Gần như đó là một khát khao, một ước vọng quá sức mơ hồ và phi lý. Chẳng ai có thể vượt quyền tạo hóa được bằng cách đó, một sự thiết tha và mãnh liệt tột cùng của cái tôi thơ mới, cái tôi Xuân Diệu. Hơn ai hết, một người đam mê tình yêu, đam mê khát khao và sống trọn vẹn với đời. Vì vậy ở những khổ thơ cuối, Xuân Diệu không thể thực hiện được những khát khao ước vọng như vậy. Nên Xuân Diệu đã thúc giục chúng ta, mỗi người hãy “vội vàng” nữa lên.
Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,
....
– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi !”
Câu đầu tiên là Xuân Diệu đang tự thúc giục chính mình. Muốn được sống được yêu, được cống hiến và không sống hoài sống phí. Điều duy nhất ta làm được là phải tăng tốc nhịp sống lên, sống vội vàng, cuống quýt lên, hãy cố gắng sống trọn vẹn từng cảm xúc, từng khoảnh khắc, nhiệt huyết với cuộc đời này hơn nữa.
Cuộc đời đẹp thế, “mơn mởn” là thế, vậy chẳng có nghĩa gì ta lại để nó trôi qua một cách uổng phí cả. Xuân Diệu thay xưng hô, tôi bằng ta, là đổi cách để giao cảm, nói với đời. Đó là thái độ của một chàng thanh niên như muốn đối thoại với cuộc đời này, đối diện với toàn bộ những sự sống, những khát khao mãnh liệt mà mình còn muốn thực hiện. Thật sự Xuân Diệu đã cho ta thấy rõ một cái tôi rạo rực say sưa, và yêu đời thắm thiết làm sao.
Xuân Diệu qua đó cũng sử dụng những động từ mạnh, cùng với việc mở rộng những giác quan để tận hưởng cuộc đời. Nếu phần đầu là ước ao được sống thì phần sau đây thực sự là một sự lí giải tại sao phải sống vội. Cuộc đời còn đẹp thế, những “cánh bướm” “tình yêu” và “cây, và cỏ rạng” thiên đường trong cuộc sống là đây chứ đâu.
Xuân Diệu là một nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ mới, vì thế tâm hồn ông luôn có những khao khát ham sống đến tột cùng, thể hiện một tâm hồn trẻ trung, năng động và nhiệt huyết với đời. Nếu muốn được giao cảm với đời nhiều hơn nữa, không còn cách gì khác ta phải tăng tốc độ và cường độ sống lên nhiều hơn nữa. Một cái tôi không những trẻ trung mà còn rất tích cực. Đó cũng là một trong những châm ngôn sống mà thế hệ trẻ cần học hỏi từ Xuân Diệu.
Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt
Còn hơn le lói suốt trăm năm
Xuân Diệu chính là đây, hồn thơ Xuân Diệu vì sao luôn được coi là trẻ trung nhất là đây. Cảm ơn Xuân Diệu đã dạy cho ta một cách sống ý nghĩa và tích cực. Cuộc đời ngắn ngủi, vì thế mỗi chúng ta hãy luôn vận động, nhiệt huyết tối đa với cuộc đời. Cảm ơn những lời thơ của Xuân Diệu, đó sẽ mãi là bài học muôn đời dành cho muôn thế hệ.
Xuân Diệu đã thực sự sống trong sự trẻ trung của mình, đây cũng là khổ thơ cuối cùng của bài thơ, khép lại cả một tràng cảm xúc về vội vàng. Nhờ đoạn thơ này, tác giả đã làm nổi bật lên vì sao và làm thế nào để ta được hưởng trọn vẹn thanh sắc cuộc sống. Bằng việc sử dụng những biện pháp nghệ thuật đắt giá, như điệp từ, điệp cấu trúc, liệt kê, các biện pháp tương giao đầy nghệ thuật. Khiến cho ta như cảm nhận rõ hơn một tư tưởng lớn, một trái tim không khi nào vơi cạn tình yêu với cuộc đời – là Xuân Diệu.
Phân tích khổ cuối Vội vàng - mẫu 7
Mỗi nhà thơ đều lấy cho mình nhũng dư vị để làm chất riêng cho chất thơ của mình. Nếu Huy Cận là say mê bất tận với cảnh sắc và không gian, Xuân Quỳnh là những rạo rực đắm chìm trong tình yêu thì khi đến với Xuân Diệu ta lại thấy được sự hưng phấn, cuồng si tột độ với những khoảnh khắc lí thú chảy trôi của thời gian. Nỗi niềm ấy được bộc lộ rõ nét qua lời thơ Vội vàng, và đặc biệt qua 9 câu thơ cuối:
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
Guồng chảy của thời gian cứ thế chảy trôi, cuốn đi những thanh sắc tươi đẹp của cỏ cây đất trời. Vì yêu vì đắm say mà hơn ai hết Xuân Diệu cảm nhận xiết bao từng khoảnh khắc quý giá ấy để rồi bâng khuâng:
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Những câu thơ 8 chữ bỗng ngắt lại nhường chỗ cho câu thơ 3 chữ. Giọng thơ trở lên giục giã, rạo rực như chính nỗi lòng thiết tha của nhà thơ. Danh từ xưng hô Tôi đến đây đã chuyển sang ta, ta vừa là cái tôi thi nhân vừa chỉ cái ta chung của tất cả mọi người. Cái tôi cá nhân đã hòa chung với cái ta chung cộng đồng nói lên khát vọng, hoài bão lớn lao. Cuộc đời người mấy ai chả mong được sống mãi với tuổi trẻ căng tràn, mơn mở như nụ xuân mới nhú; ai chả ước ao được níu giữ mãi tuổi xuân nồng nàn, đời xanh hừng hực đam mê cháy. Song nào đâu cứ ôm là được cứ giữ là trọn vẹn nên ta cần phải “riết” để níu giữ gần hơn nữa:
“Ta muốn riết mây đưa và gió lượn”
Ôm là chưa đủ để níu giữ bước chân chuyển dịch thời gian mà chúng ta phải xiết chặt cái đáng giá vào lòng. Mây đưa gió lượn là sự chuyển dịch tuần hoàn của thời gian, là thứ hữu hình, lớn lao thế nhưng nhà thơ lại muốn riết chặt vào tim. Phải chăng nhà thơ muốn ôm cho kì hết những gì của thiên nhiên đất trời vào trong lòng. Và rồi ôm rồi riết thôi vẫn chỉ là những biểu hiện bên ngoài nhà thơ còn muốn cả tâm hồn mình ngự trị:
“Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,”
Bướm và tình yêu là biểu trưng cho sự ngọt ngào, nồng cháy, lãng mạn. Xuân Diệu khao khát biết mấy được đắm say trong ly rượu dịu nhẹ, nồng nàn của tình yêu đất trời. Nhưng dù say đến mấy thì vẫn là sự tồn tại độc lập giữa hai chủ thể chỉ cho đến câu thơ tiếp theo người và cảnh mới thực sự quấn quýt, hòa điệu cùng nhau:
“Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cỏ cây và cỏ rạng”
Không chỉ là cảm giác, xúc giác nhà thơ dùng cả vị giác để lột tả hết cái đam mê tột độ của mình. Nhà thơ dùng “cái hôn nhiều” để thưởng thức cảnh vật để thu vào lòng hết hương vị của cỏ cây, hơi thở của núi sông, vạn vật.
Nhưng với một tâm hồn đầy thi vị và nhạy cảm như Xuân Diệu thì điều đó đâu là đủ để thỏa mãn ông. Đã tận hưởng thì phải tận hưởng cho kì hết, cho thỏa cái thú vui lãng mạn. Bởi thế mà suy nghĩ cũng biến thành ý thơ:
“Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi”
Tình cảm của nhà thơ đến đây đã dâng lên đến tột độ. Xuân Diệu như muốn ôm, muốn riết cho hết và muốn say muốn thâu với tạo hóa để được cảm nhận những dư vị ngọt ngào, để được ánh sáng và thanh sắc đời xuân tắm mát. Tâm hồn nhà thơ như được tắm táp hả hê, thỏa thê, trọn vẹn, sung mãn với âm thanh, mùi vị, ánh sáng, hương vị rạo rực đất trời.
Trong niềm hưng phấn tột độ ấy, nhà thơ bất chợt buông một dấu chấm lửng:
“Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi”
Nhà thơ nhận ra mùa xuân, tuổi trẻ giống như một trái chín đỏ mọng, căng tràn, quyến rũ, ngọt ngào, và đầy hấp dẫn khiến nhà thơ không nén nổi lòng mình mà thẳng thắn mạnh bạo, khao khát được “cắn”. Càng say mê quấn quýt với thiên nhiên Xuân Diệu lại càng sợ thiên nhiên biến mất và càng sợ mất lại càng mãnh liệt được làm chủ, níu giữ vĩnh cửu.
Với cách sử dụng ý thơ theo cấp độ tăng tiến, sử dụng từ ngữ mạnh bạo, giàu sức gợi sức tả kết hợp với nhịp điệu hồ hởi, vồ vập, giục giã đoạn thơ đã diễn tả quan niệm nhân sinh tiến bộ và mới mẻ của Xuân Diệu. Với ông thiên nhiên đẹp nhất vào mùa xuân cũng giống như đời người đẹp nhất là tuổi trẻ, tuổi trẻ được tô vẽ với tình yêu mãnh liệt. Con người sống là phải biết trân trọng từng giây phút đáng giá được sống đừng để đến khi chực trào mất đi mới thấy quý báu, thấy hối tiếc và đớn đau. Nhịp tim và nỗi lòng trăn trở của tác giả đã được gửi gắm vào từng câu từng chữ và từng ý trong bài thơ, trở thành quan niệm sống có ý nghĩa và sức lan tỏa lâu bền.
Phân tích khổ cuối Vội vàng - mẫu 8
Mỗi nhà thơ đều có một cảm hứng riêng cho mình. Ở Huy Cận là cảm hứng về không gian với những “sầu không gian”, “nhớ không gian”, còn Xuân Diệu lại là cảm hứng về thời gian. Thời gian chi phối tất cả nhịp điệu của đất trời và cuộc sống con người. Xuân Diệu là người yêu cuộc sống đến đắm say, cuồng nhiệt, nhưng éo le thay lại “Không được dài thời trẻ của nhân gian” để mà yêu. Cho nên, thi nhân muốn níu giữ lấy thời gian để tận hưởng. Song có ai níu giữ được thời gian bao giờ. Nên tâm hồn trẻ ấy sợ thời gian và đuổi theo thời gian một cách “cuống quít”, “vội vàng” để hưởng thụ cho hết mọi vẻ đẹp hạnh phúc của trần gian.
Bài thơ “Vội vàng“, in trong tập “Thơ thơ” (1938), đã thể hiện nhân sinh quan mới và tiến bộ ấy. Đây là phần kết thúc của bài thơ Vội vàng nói lên khát vọng tận hưởng:
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
Thời gian cứ lạnh lùng, tàn nhẫn mang theo mọi vẻ đẹp của cỏ cây, hoa lá lẫn với tiếng chim trời cùng tuổi trẻ ra đi để cho lòng tiếc nuối. Xuân Diệu như muốn dang tay ra ôm lấy tất cả:
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Đang từ những câu thơ 8 chữ, bỗng rút ngắn lại với câu thơ 3 chữ – câu ngắn nhất trong toàn bài thơ, làm cho giọng thơ đanh lại, rắn chắc như một mệnh lệnh đòi hỏi hiện thực hoá những khát vọng. “Ta” ở đây là “cái tôi” đầy kiêu hãnh của thi nhân, đồng thời cũng là cái tôi của mỗi con người chúng ta. Bởi ai mà chẳng có nỗi niềm khát khao như khao khát của nhi nhân. Mỗi người đọc hãy cảm nhận lấy khát vọng của mình trong cái “ta” ấy. Ai mà chẳng muốn ôm giữ lấy những vẻ đẹp non tươi của cuộc sống đang diễn ra quanh mình: từ cái mơn mởn của một nụ hoa xuân hoặc một nụ đời và tất cả những sự sống đang bắt đầu hé nhú, để nó khỏi trôi đi, song dù có ôm chặt được tất cả, nhưng chắc gì đã giữ được cho chọn vẹn. Vì vậy cần phải “riết” cho chặt hơn nữa:
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Nghĩa là “riết” cho chặt cả những thứ không thể ôm. Mây đưa và gió lượn là những vẻ đẹp lớn lao của tạo vật nhưng đồng thời cũng là hình ảnh biểu trưng đó thôi. “Ôm” rồi “riết”, dù có chặt đến mấy đi nữa thì vẫn chỉ ở bên ngoài nên còn đòi hỏi phải “say” cho đến tận hồn:
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Cho dù say đến mấy đi nữa thì vẫn còn là mối quan hệ giữa khách thể và chủ thể. Nên cần phải “thâu tóm” mọi vẻ đẹp kia về phía mình”:
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
“Cái hôn nhiều” ở đây, muốn nói về độ dài của thời gian. “Cái hôn” không phải là mục đích mà chỉ là một phương tiện để thu hút lấy tất cả mọi hương sắc. Mọi thần khí, thần hồn về phía mình cho thỏa mãn.
Những điệp ý “ta muốn” kết hợp với hành động ngày càng tăng: “ôm, riết, say thâu” đã thể hiện được lòng ham muốn đến cuồng nhiệt của thi nhân. Con người như muốn trải lòng ra với tất cả muôn cảnh, muôn lòng. Khi là sự sống non tươi, khi là mây đưa gió lượn, khi là cánh bướm tình yêu, khi là non nước, cỏ cây, hoa lá rực lên trong ánh sáng. Cho dù có đầy vòng tay, đầy hồn khát mà vẫn chẳng ngừng: Bởi đã tận hưởng thì phải tới tột đỉnh:
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
“Chếnh choáng”, “đã đầy”, “no nê” là những từ biểu thị sự hưởng thụ đến mức tối đa. Ấy thế mà xem chừng vẫn còn chưa hả. Cuối cùng còn đòi hỏi cao hơn nữa:
– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
“Xuân hồng” là mùa xuân đương độ với hoa lá măng tơ đầy hương sắc. “Xuân hồng” cũng có thể là hình ảnh biểu trưng cho tuổi trẻ và cũng có thể là một dáng xuân đời. “Cắn vào ngươi”, tưởng như thô thiển mà lại đầy chất thơ. Đó chỉ là cách nói về sự hưởng thụ cả tinh thần lẫn vật chất đến mức cuồng nhiệt. Đến với hoa xuân đừng đứng ở bên ngoài, xin hãy vào giữa vườn xuân cho hương sắc tràn đầy mọi giác quan của ta. Với tuổi trẻ cũng vậy, xin đừng chỉ nhìn ngắm gương mặt tuổi trẻ của chính mình ở trong gương mà hãy biến nó thành sức mạnh, thành giá trị vật chất để làm cho đời thêm ý nghĩa.
Đây cũng không chỉ là ham muốn hưởng thụ mà còn là nỗi buồn, là sự hoảng hốt trước sự ra đi của mọi vẻ “xuân hồng”. Vì vậy mà cuống quít, phải “cắn” để giữ lấy, không để cho nó rơi đi và trôi đi. Phải “cắn” để giữ lấy thời gian, tuổi trẻ, đừng để cho nhanh về cái bến già nua tuổi tác.
Đặc biệt trong tình yêu lứa đôi, con người luôn luôn có khát vọng đi tìm sự hòa đồng đến vô biên, tuyệt đích giữa hai cá thể, cả về tâm hồn lẫn thể chất. “Cắn vào ngươi” là đòi hỏi được hóa thân trong tình yêu,
Nhìn chung lại, đây là nhân sinh quan mới, có nét tích cực. Trong khi những cái tôi lãng mạn khác lại xa lánh cuộc sống trần gian, đi tìm cõi bồng lai ở chốn hư vô, thì Xuân Diệu không đi đâu cả mà coi trần gian chính là thiên đường và sống hết mình trong cõi trần gian ấy. Hãy biết hướng đời mình về phía ánh sáng, đừng để cho tuổi xanh trôi đi một cách uổng phí. Bởi “tuổi xanh… trở về” song nếu chỉ biết tận hưởng một cách vội vàng, cuống quít mà không biết làm gì để cho sự tận hưởng ấy thì lại là tiêu cực.
Về nghệ thuật, nét nổi bật ở khổ thơ này là cách dùng một loạt động từ và tính từ ngày cành mạnh, càng tăng, tạo nên một giọng điệu liên hoàn, sôi nổi như khát vọng mãi không thôi.
Phân tích khổ cuối Vội vàng - mẫu 9
Xuân Diệu được mệnh danh là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới. Thơ của ông mang màu sắc tươi mới, tràn trề sức sống và một khát khao mãnh liệt được tận hưởng cuộc đời với những gì đẹp nhất, tươi tắn nhất. Tình yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp và yêu cuộc đời của Xuân Diệu được thể hiện sâu sắc và rõ ràng nhất trong bài thơ “Vội vàng” và đặc biệt là ở 9 câu thơ cuối của tác phẩm.
“Vội vàng” là một bài thơ nổi tiếng, gắn liền với tên tuổi của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu. Ngôn ngữ thơ giản dị, tươi mới với những hình ảnh gần gũi và thân quen trong cuộc sống của con người. Bài thơ không chỉ vẽ nên một bức tranh mùa xuân xinh đẹp, căng tràn sức sống mà còn thể hiện một quan niệm nhân sinh mới mẻ về cách sống, cách cảm nhận cuộc đời. Chính vì tình yêu mãnh liệt với thiên nhiên và sự nhận biết rằng thời gian trôi qua không bao giờ trở lại nên nhà thơ đã có một thái độ sống nhanh hơn, vội vàng hơn để không bỏ lỡ bất kì một khoảnh khắc tươi đẹp nào. Và khổ thơ thứ ba của bài thơ là những vần thơ sinh động nhất thể hiện khát khao được sống, được hòa mình vào thiên nhiên.
Với Xuân Diệu, đẹp đẽ và đáng sống nhất chính là tuổi trẻ cùng tình yêu và đam mê rực cháy. Tuổi trẻ là quãng thời gian con người tràn trề sức sống nhất. Ở đó, ta có những cảm xúc yêu đương rực lửa, những ước mơ và hoài bão cao xa. Ai cũng muốn sống, muốn cống hiến hết mình khi còn trẻ nhưng quy luật của thiên nhiên, của dòng thời gian lại một đi không trở lại. Tuổi trẻ đẹp là vậy nhưng nó cũng chỉ có giới hạn nhất định.
Bao cảm xúc dồn nén, bao khát khao cháy bỏng cùng với tình yêu nồng nhiệt đã đẩy mạnh những ham muốn tột cùng của người thi sĩ.
Ta muốn ôm
Cả sự sống đang bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi
Cụm từ “ta muốn” được Xuân Diệu nhắc đến nhiều lần như làm cho nhịp thơ nhanh hơn, dồn dập hơn. Nó thể hiện một cách mãnh liệt nhất khao khát của nhà thơ muốn được ôm trọn vẻ đẹp của thiên nhiên, của đất trời. Nhà thơ không còn xưng “tôi” để nói lên ước muốn của chính mình mà dùng “ta” nhằm chỉ đó là khát khao cháy bỏng của tất cả mọi người, những ai đang trào dâng khát khao sống mãnh liệt của tuổi trẻ. Nhà thơ muốn ôm, muốn riết tất cả những gì đẹp đẽ nhất của đất trời. Đến đây sự vội vàng sống như được đẩy cao hơn, gấp gáp hơn. Xuân Diệu muốn ôm trọn tất cả, muốn tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp vô tận của thiên nhiên một cách no nê, đã đầy. Niềm khát khao ấy như mạnh mẽ hơn, cháy bỏng hơn trước những cảnh vật quyến rũ nhất của đất trời. Đó là những áng mây nhẹ nhàng đang bồng bềnh trôi trên bầu trời, là làn gió thanh mát đem theo hương thơm ngạt ngào của thiên nhiên, là nhưng cánh bướm chập chờn cùng tình yêu rực lửa… Tất cả những vẻ đẹp ấy như thôi thúc nhà thơ phải sống gấp gáp hơn nữa. Động từ “cắn” ở câu thơ cuối như là điểm nhấn ấn tượng nhất của bài thơ. Nhà thơ không chỉ dùng xúc giác, thị giác hay khứu giác để tận hưởng đất trời nữa mà ông muốn dùng hành động thô bạo hơn, mạnh mẽ hơn. Xuân Diệu muốn cắn, muốn chiếm hữu một cách tối đa nhất vẻ đẹp của mùa xuân. Nhà thơ muốn nhai, muốn ngấu nghiếm và nuốt trọn hương sắc của đất trời vào trong mình, không muốn nó bay đi và biến mất. Cắn như một hành động thể hiện tình yêu và khát khao chiếm hữu của chủ thể để từ đó ta hiểu được tình yêu của Xuân Diệu đối với thiên nhiên, với mùa xuân và tuổi trẻ lớn lao biết nhường nào.
Như vậy, chỉ với 9 câu thơ ngắn ngủi trong khổ cuối bài thơ “Vội vàng” đã nêu ra một quan niệm nhân sinh mới mẻ. Đó là thái độ sống tích cực, khát khao được tận hưởng vẻ đẹp tuyệt vời của cuộc sống. Chúng ta hãy sống gắn bó với thiên nhiên, hòa cùng thiên nhiên và sống bằng chính tình yêu và tuổi trẻ của bản thân mình.
Phân tích khổ cuối Vội vàng - mẫu 10
Xuân Diệu chính là ông hoàng thơ tình yêu với rất nhiều bài thơ về tình yêu, con người, tổ quốc rực rỡ, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc. Có rất nhiều thi sĩ viết về mùa xuân, mà có nhẽ ko có mùa xuân nào lại gấp gáp, vội vàng như mùa xuân của Xuân Diệu. Với những nhà thơ khác, mùa xuân là sự sống là tận hưởng chồi non, là sống chậm, bình an. Còn với Xuân Diệu mùa xuân vừa là sự sống mà lại trôi rất nhanh, nên phải vội vàng tận hưởng, nếu ko mùa xuân qua mau. Bài thơ Vội Vàng trích trong tập Thơ Thơ là bài thơ hay, lạ, lạ mắt về cách nhìn nhận mùa xuân, con người, sự sống của tác giả. Đặc thù trong khổ 3 bài thơ Vội Vàng, mùa xuân tới cũng chính là đang đi, do ấy hãy hưởng thụ, sống toàn vẹn từng phút giây như bữa nay chính là giây rốt cuộc của cuộc đời. Khổ 3 cũng chứa đựng nhiều châm ngôn, triết lí của thi sĩ gửi gắm trong ấy.
Bắt đầu đoạn thơ là lời hối thúc gấp gáp “mau đi thôi” trình bày sự hấp tấp.
Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới mở đầu mơn mởn;
Nếu ở khổ thơ thứ nhất tác giả như dụng ngôi số 1 là Tôi, thì sang khổ thơ thứ 3 tác giả lại sử dụng đại từ nhân xưng “Ta”. Cách sử dụng chuyển ngôi mang 1 ý nghĩa thâm thúy ấy chính là sự đồng điệu giữa các tâm hồn. Ta rộng hơn cái tôi rất nhiều. Ta là tất cả mọi người, hãy nhanh lên thôi, mỗi ngày trôi qua rất nhanh cần phải gấp gáp vội vàng để có thể hưởng thụ những phút chốc hạnh phúc của cuộc đời.
Khi này đây, ta – muốn ôm cả sự sống mới mở đầu mơn mởn. Mùa xuân là thế, ấy là mùa của sự hồi sinh và đâm chồi nảy lộc theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng. Cây cối, hoa lá vào mùa xuân đua nhau khoe sắc, tỏa hương, mọi sự trong mắt tác giả đều mơn mởn sự sống, chan chứa tươi mới. Chính điều này làm cho tác giả muốn ôm lấy tất cả, dù cho sự sống đó hết sức bự lao mà ông vẫn muốn giữ cho riêng mình. Hay nói đúng hơn, ông đang muốn sống hưởng thụ toàn vẹn từng phút giây của sự sống, của hạnh phúc của sự mơn mởn.
Sang tiếp 4 câu thơ sau, nhịp độ thơ càng gấp gáp, dập dồn hơn trình bày nguyện vọng mãnh liệt của tác giả:
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong 1 cái hôn nhiều
Và non sông, và cây, và cỏ rạng,
Trong đoạn thơ này tác giả như dụng nhiều động từ mạnh như “riết, say, thâu” trình bày khát khao mãnh liệt về sự sống, về ước muốn sống toàn vẹn từng phút giây. Qua đây ta cũng cảm thu được bức tranh tự nhiên mùa xuân mới tươi đẹp, đầy nhựa sống làm sao. Ấy là mây gió, là cánh bướm, là non sông, cỏ cây. 1 bức tranh với đầy đủ cảnh vật mùa xuân và xen lẫn trong ấy là tình yêu và những nụ hôn ngọt ngào. Bức tranh mùa xuân của Xuân diệu mới toàn vẹn làm sao, vừa có hơi thở của tự nhiên mùa xuân, vừa có hơi thở của tình yêu. Mùa xuân và tình yêu là 2 điều đẹp hoàn hảo đem đến cho con người ta cảm giác hạnh phúc lâng lâng.
Đặc thù những câu thơ cuối càng khẳng định được những khát vọng và nguyện ước của ông về mùa xuân:
Cho ngà ngà mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
Vậy là những câu thơ cuối chính là kết quả của sự khao khát sống vội vàng ở trên. Mục tiêu rốt cuộc là tác giả chỉ muốn hưởng thụ cuộc sống ngà ngà tới nô nê, tới mê say. Trước sự mơn mởn của mùa xuân, ông nhìn thấy rằng lúc sống hết mình mới có thể thấy được cuộc đời này tươi đẹp làm sao. Nếu sống hết với ham mê mới biết rằng ta sống xứng đáng và ko uổng phí từng phút giây nào. Nhất là lúc ta có tuổi xanh, ta đang hưởng thụ những mùa xuân hấp dẫn nhất của cuộc đời, vậy ta phải hưởng thụ, phải sống hết mình để sống và hưởng thụ cuộc sống như những phút giây cuối cuộc đời.
Khao khát mãnh liệt đó khiến tác giả phải thốt lên rằng: “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi”. Từ Xuân hồng nghe rất thắm và mềm mại, đầy sự sống. Xuân hồng chính là mùa xuân, mùa xuân ở độ 9 hồng, mang đậm khát vọng tuổi xanh, khao khát sống mãnh liệt. Mùa xuân đẹp tới nỗi nhưng mà tác giả chỉ muốn cắn vào, hay xác thực hơn là muốn đắm chìm vào sự ngọt ngào đó. Tác giả chỉ muốn đắm mình vào hưởng thụ những phút giây hạnh phúc hoàn hảo của xuân hồng.
Qua phân tách khổ 3 bài thơ vội vàng chúng ta càng hiểu phần nào khao khát của tác giả. Qua đây, chúng ta càng trân quý hơn cuộc sống, trân quý thời kì. Thời gian trôi qua rất nhanh mỗi mùa xuân cũng qua rất nhanh, hãy sống toàn vẹn từng phút giây nhất có thể. Đoạn thơ hết sức lạ mắt với những ý thơ mạnh bạo đầy khát vọng, trình bày rõ tâm sự của tác giả muốn gửi gắm tới mọi người.
Phân tích khổ cuối Vội vàng - mẫu 11
Thời gian chẳng bao giờ chiều lòng người, con người thì nhỏ bé nhưng khát khao lại lớn lao, càng yêu đời, yêu người bao nhiêu thì lại càng thảng thốt khi nhận ra quy luật khắc nghiệt của tạo hóa. Là một nhà thơ mới có cái nhìn tinh tế và trái tim dễ say đắm nhưng cũng bộn bề lo sợ - Xuân Diệu hơn ai hết luôn dằn dặt trước sự trôi chảy của thời gian và tuổi xuân. Có lẽ thế mà nhà thơ luôn sống vội vàng, sống gấp gáp và cũng yêu đắm say. Bài thơ Vội vàng được xem là châm ngôn sống của Xuân Diệu cũng là tác phẩm thể hiện cái tôi mãnh liệt trong cảm xúc và nhiều khám phá mới mẻ ở hình ảnh thơ. Trong đó khổ thơ cuối bài với tiết tấu nhanh và mạnh như một lời kết luận cho châm ngôn sống vội của ông.
Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi !”
Ông hoàng thơ tình Xuân Diệu luôn khao khát sống và sống gấp, sống vội. Nếu ở khổ thơ đầu và khổ thứ hai là tình yêu mãnh liệt cùng với sự nuối tiếc chia lìa thì đoạn thơ cuối bài là lời giải đáp cho câu hỏi: sống vội vàng là như thế nào. Cụm từ “mau đi thôi” như một lời thúc giục khi tác giả nhận ra rằng vẫn còn kịp để yêu thương và sống trọn vẹn với tuổi xuân cho đến phút cuối cùng. Phải rồi! “mùa chưa ngả chiều hôm”, xuân vẫn còn đó, người đang yêu tha thiết thì tại sao phải nghĩ nhiều đến chia lìa để hao hụt niềm vui hiện tại. Vì thế mà Xuân Diệu bừng tỉnh và giọng điệu thơ trở lại sự nồng nhiệt thiết tha.
Điệp từ “ta muốn” tạo thành một cấu trúc câu đều đặn, hối hả như thúc giục mọi người hãy yêu quý tuổi trẻ của mình, hãy làm những điều mà chỉ có tuổi trẻ mới làm được và trước hết là say đắm với thiên nhiên, tình yêu của mùa xuân. Thêm vào đó là các động từ chỉ tâm thế: ôm, riết, say, thâu, cắn diễn tả được tình cảm vồ vập và niềm khao khát tận hưởng đến tham lam. Các động từ này có sự tăng tiến rõ rệt trong ước muốn. Ban đầu chỉ là một cái ôm nhẹ nhàng nhưng ôm nào đủ cho sự khát khao, phải siết mạnh thì mới cảm nhận được tình yêu. Khi gần bên, nhà thơ say sưa thâu tóm tất cả vào mình và cuối cùng là hành động mạnh nhất là cắn, như muốn chiếm hữu làm của riêng.
Những câu thơ tiếp theo, Xuân Diệu sử dụng điệp từ cho kết hợp với tính từ “no nê, chếnh choáng, đã đầy” để khẳng định tâm thế của một con người lúc nào cũng hòa mình vào thiên nhiên, cuộc sống. Không phải chỉ vừa đủ mà để cuộc đời hóa thân thành tâm hồn, tâm hồn thì chan chứa tình yêu.
Sự cộng hưởng của điệp từ “và” tạo nên sự rộng lớn, bao quát như chính vòng tay tham lam muốn ôm trọn tất cả của nhà thơ. Bài thơ khép lại trong sự hóa thân từ cái tôi cá nhân nhỏ bé thành cái ta chung. Nhà thơ đi từ những khát vọng riêng tư vươn lên thành khát vọng muốn được sông đẹp và cống hiến trọn vẹn với vũ trụ, đất trời. “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào người“, câu thơ mới lạ và táo bạo. Cảm xúc được cụ thể hóa bằng hành động cũng là điều hợp lí trong trái tim của nhà thơ đang yêu điên cuồng.
Khổ thơ cuối của bài khép lại bằng những sáng tạo độc đáo trong cách dùng từ, đặt câu. Nhà thơ bôc lộ quan điểm sống của mình cũng là quan điểm chung của tuổi trẻ: sống là phải biết tận hưởng, yêu đời nhưng cũng phải dâng hiến và trân trọng những điều tốt đẹp mà cuộc đời ban tặng.
Phân tích khổ cuối Vội vàng - mẫu 12
Thời gian trôi nhanh và chẳng bao giờ hợp ý người. Nó trôi theo đúng quy luật của nó, chẳng hề quan tâm đến việc con người đã làm được gì. Càng như vậy, khao khát được sống, được tự do, yêu đời và yêu người trỗi dậy mạnh mẽ. Cái khắc nghiệt của tạo hóa, cùng sự nên thơ, trữ tình đã được Xuân Diệu bắt gặp được. Bài thơ Vội vàng là cái tôi mãnh liệt trong cảm xúc cùng nhiều khám phá mới mẻ. Đoạn thơ cuối của bài là lời thúc giục sống vội để cảm nhận cái đẹp của lẽ đời:
“Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi !”
Với hồn thơ như Xuân Diệu, mỗi lần xuất thơ đều cho người ta cái cảm giác vồ vập, hứng khởi. Trong lòng ông luôn trỗi dậy khát khao được sống vội, sống gấp để cảm nhận hết cái đẹp của đất trời. Nếu như hai khổ đầu là lời bộc bạch về tình yêu mãnh liệt và sự nuối tiếc khi phải chia rời. Thì đến khổ cuối, tác giả đã tìm ra đáp án để cho việc sống vội sao cho đúng.
Cụm từ “mau đi thôi” như một lời giục giã dành cho con người. Có lẽ, dù thời gian có trôi nhanh đến đâu thì cuộc đời vẫn còn một lối đi để cảm nhận. “Mùa chưa ngả chiều hôm” muốn thể hiện thời gian vẫn chưa phải lúc tàn cuộc, mùa xuân vẫn còn đọng lại trên cành lá. Mọi người cứ thế cảm nhận niềm vui, cái đẹp của những phút giây xuân còn bên mình. Sự buồn bã ở khổ thứ hai đã được thay thế bằng hồ hởi, nhiệt thành ở đây.
“Ta muốn” được điệp lại đến ba lần ở đầu mỗi câu thơ càng làm tăng thêm sự thúc giục. Hãy cứ yêu đi, cứ trải nghiệm và làm những điều mình thích. Tuổi trẻ căng tràn nhựa sống, tuổi của những đam mê, lý tưởng. Các động từ chỉ tâm thế như ôm, riết, say, thâu, cắn được nâng cao theo từng cấp độ. Giống như tình cảm tăng tiến rõ rệt, vồ vập và sự tận hưởng có vẻ tham lam. Một cái ôm nhẹ chưa đủ mang lại cảm giác đã. Phải là siết mạnh mới diễn tả hết nỗi khát khao bên trong. Sự cắn nghiến chính là đỉnh cao của khát khao chiếm hữu.
Sau những cái ôm siết thật mạnh, Xuân Diệu đưa đến những cảm giác ngất ngây, đê mê sung sướng đến run người. Điệp từ cho kết hợp với “no nê”, “chếnh choáng”, “đã đầy” càng thể hiện tâm thế hòa mình vào cuộc sống, thiên nhiên. Non nước, cỏ rạng, cây, mùi thơm, ánh sáng, thanh sắc của thời tươi đều là những gì đẹp nhất của thiên nhiên.
Điệp từ “và” như thể muốn thêm, thêm nữa. Đó là cả một thế giới bao trọn trong lồng ngực. Tình yêu thiên nhiên, cuộc sống này cho phép lòng ta được tham lam đến tột cùng. Không chỉ là vài cảm xúc mà là cả một bầu trời xúc cảm. Từ những xúc cảm chỉ của riêng nhà thơ, người đã nâng lên thành cảm xúc chiếm hữu non sông của cả vũ trụ này. Ước mơ thật to lớn. Kết bài, Xuân Diệu như hú vang lên “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi”. Câu thơ lạ và thật táo bạo. Cảm xúc giờ đây đã biến thành hành động. Cái “ta” đại diện cho cả một lớp người chứ không chỉ là một mình nhà thơ nữa. Mọi cảm xúc đều trở nên dạt dào, dâng cao đến đỉnh điểm. Điều này cũng thật dễ lý giải với một người đang yêu say đắm khung cảnh đất trời.
Có lẽ, thành công của tác phẩm này không thể bỏ qua những đặc sắc nghệ thuật. Đó là sự sáng tạo, biến hóa khôn lường trong từng câu chữ, hình tượng. Câu chữ gấp gáp, giọng thơ hồ hởi khiến người đọc càng cảm nhận rõ hơn cảm xúc của tác giả. Nhịp thơ nhanh mạnh, biến hóa linh hoạt, dứt khoát. Sử dụng điệp từ, điệp ngữ để làm tăng thêm sự hối hả, dồn dập.
Cảm nhận khổ thơ cuối bài thơ Vội vàng để hiểu hơn về hàm ý sâu xa bên trong tác phẩm. Từ đó, ta thêm yêu thêm cái vẻ đẹp của đất trời này. Quan điểm sống đẹp, sống vội để thấy hết cái thú vị của đất trời chính là lý tưởng mà nhiều người trẻ hướng đến. Sống là để cảm nhận, để tận hưởng và để hiến dâng và trân trọng những giá trị tốt đẹp mà tạo hóa ban tặng.
Phân tích khổ cuối Vội vàng - mẫu 13
Bài thơ Vội Vàng được trích từ tập “Thơ thơ” của tác giả Xuân Diệu. Bài thơ thể hiện được phong cách sống mãnh liệt, hết mình, không bỏ lỡ mất một giây phút nào. Đặc biệt là con người vào những thời điểm còn trẻ, khỏe, tràn đầy sức sống. Xuân Diệu luôn mang một hồn thơ yêu đời, tận dụng hết mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Xuân Diệu được ví là ông hoàng thơ tình, luôn có những dòng thơ lãng mạn. Trong đó, khổ thơ thứ nhất và thứ 2 đã tôn vinh tình yêu nồng cháy, mãnh liệt, hết mình. Khi phân tích 10 câu cuối bài Vội Vàng, chúng ta trả lời được câu hỏi như thế nào là sống vội?
Trong đoạn thơ cuối bài Vội Vàng, 6 câu trên tác giả thúc đẩy mọi người bằng lối thơ rất tự nhiên:
Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Cụm từ “mau đi thôi” thể hiện giọng điệu, thái độ thúc giục tất cả chúng ta. Nhà thơ Xuân Diệu muốn nói rằng chúng ta vẫn còn thời gian để sống hết mình, yêu thương. Đặc biệt là bạn đang trong thời gian tuổi thanh xuân, sức trẻ nồng cháy. Tiếp theo là “mùa chưa ngả chiều hôm”, đừng nghĩ đến việc chia xa, hãy trân trọng tình yêu đang có.
Điệp từ “ta muốn” được nhắc đi nhắc lại 4 lần, khuyên chúng ta hãy luôn trân trọng tuổi trẻ. Có những điều chỉ có tuổi trẻ mới có năng lực làm, luôn biết yêu thiên nhiên, cuộc sống. Nhà thơ nhấn mạnh vào các động từ như: Ôm, riết, cắn, thâu, thể hiện sự tấn công mãnh liệt, sự khát khao vô cùng lớn về tình yêu. Các động từ này thể hiện hành động từ cấp độ thấp đến cao. Từ việc ban đầu là ôm ấp, tiếp theo là riết chặt, muốn hòa quyện vào nhau thì hãy cắn.
4 câu thơ cuối, Xuân Diệu gửi gắm ý nghĩa rằng hãy hòa mình cùng thiên nhiên tươi đẹp:
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”
Thông qua việc phân tích 10 câu cuối bài Vội Vàng, chúng ta hiểu kỹ hơn về tình yêu của nhà thơ. Tác giả sử dụng điệp từ “và” kết hợp với “non nước, cây, cỏ rạng” để miêu tả tổng thể cảnh quan thiên nhiên hoang dã. Tiếp theo là điệp từ “cho” một cách no nê, chếnh choáng, đã đầy, để dâng hiến hết thanh xuân cho thiên nhiên. Mùi hương thơm của thiên nhiên cây cỏ làm con người có cảm giác dễ chịu, thoải mái. Ánh sáng bao phủ khắp mọi nơi, soi đường chỉ lối cho chúng ta.
Bao quát của thiên nhiên vô cùng rộng lớn, tuy nhiên tác giả lại muốn ôm trọn trong vòng tay. Đây không phải là sự tham lam, mà là khát khao chiếm hữu trọn vẹn thiên nhiên. Từ 1 cá thể hòa chung với thiên nhiên rộng lớn. Từ những ham muốn riêng của bản thân, tác giả muốn được cống hiến, đóng góp với xã hội, đất trời. Cuối bài thơ tác giả viết “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi” rất mạnh mẽ và táo bạo.
Chúng ta có thể thấy cảm xúc của tác giả rất mãnh liệt, chi tiết đến từng hành động. Chứng tỏ rằng, nhà thơ đang yêu điên cuồng, nồng cháy, hết mình với khả năng. Xuân Diệu đưa cách sống của ông vào thơ, luôn vội vàng như tuổi trẻ. Chúng ta sống, làm việc và biết tận hưởng, luôn lạc quan, yêu đời. Mặt khác, chúng ta cũng cần phải đóng góp, dâng hiến và trân quý những việc làm tốt đẹp mà cuộc sống ban tặng.
Về hình thức nghệ thuật thì cực kỳ điêu luyện, cảm xúc và lý luận xen lẫn nhau. Bài thơ có sự sáng tạo, mới lạ về ngôn từ, phong cách viết với thể thơ tự do. Qua bài thơ, Xuân Diệu muốn nhắn nhủ rằng hãy luôn sống vội vàng, xứng đáng nhất.
Phân tích 10 câu cuối bài Vội Vàng, chúng ta không những được học hỏi lối thơ độc đáo. Qua đó, chúng ta còn thấy được tình yêu cuộc sống, thiên nhiên, con người mãnh liệt nhất. Sự thôi thúc mãnh liệt của tác giả, giúp chúng ta thấy được luôn cần phải sống hết mình.
Phân tích khổ cuối Vội vàng - mẫu 14
Xuân Diệu là nhà thơ trữ tình nổi tiếng của Việt Nam. Từ nhỏ, ông đã được nuôi dưỡng tâm hồn qua những điệu hò lý, câu hát ví dặm. Những yếu tố này đã tác động khiến cho hồn thơ và ngôn từ của ông mượt mà hơn. Chưa dừng lại ở đó, ông còn chịu ảnh hưởng của nền văn học cổ điển, hiện đại của Phương Tây. Tất cả những điều này đã khiến cho thơ của Xuân Diệu mang nét riêng đặc trưng không trộn lẫn.
Ông được nhiều độc giả biết đến với rất nhiều tập thơ hay. Trong đó, Vội Vàng chính là tác phẩm nổi bật được in trong tập Thơ Thơ vào năm 1938. Đây là tập thơ đầu thể hiện phong cách và tư tưởng của Xuân Diệu một cách rõ ràng. Chỉ với hai chữ “vội vàng” nhưng đã thể hiện rõ hết những châm ngôn, triết lý mà ông muốn gửi gắm.
Mở đầu đoạn cuối là lời thúc giục “mau đi thôi” để thể hiện sự vội vã. Trong khi mùa chưa ngả chiều hôm thì hãy tranh thủ tận hưởng, làm việc để có thể cảm nhận sự sống trọn vẹn.
Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ở đoạn thơ đầu, tác giả xưng “Tôi” thì đến đoạn cuối ông lại dùng “Ta”. Đây không chỉ là cách sử dụng mang ý nghĩa ẩn dụ mà còn tạo nên sự độc đáo cho đoạn thơ. tác giả muốn dùng từ ta để tìm kiếm sự đồng cảm cùng với mọi người. Qua cách nhìn của Xuân Diệu, sự sống có tính chất đó là sự mơn mởn, tràn đầy tươi mới. Chính cái sự mơn mởn ấy đã khiến tác giả nảy sinh ước mong muốn ôm hết tất cả. Mặc dù biết sự sông ấy rộng lớn, bao la thế nhưng ông vẫn muốn giữ chặt lấy cho riêng mình.
4 câu thơ tiếp theo với nhịp điệu gấp gáp, dồn dập thể hiện mong ước mãnh liệt hơn:
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Người thi sĩ muốn được hòa cùng với sự sống của thiên nhiên. Những hình ảnh như mây đưa, gió lượn, cỏ cây, non nước đã góp phần mang đến bức tranh tuyệt đẹp. Thông qua đó, chúng ta hoàn toàn có thể cảm nhận được bức tranh hùng vĩ mà tạo hóa ban cho.
Mức độ giao cảm được thể hiện rõ ràng hơn qua các từ “ôm”, “riết”, “say”. Tất cả ước nguyện còn được thể hiện rõ ràng hơn qua hai từ “tôi muốn”. Điệp từ này lặp lại ở hầu hết các câu thơ như lời thúc giục gấp gáp. Có chăng, Xuân Diệu đang muốn ôm cả sự sống vào mình. Như vậy mới là sống trọn vẹn với cuộc đời.
Những câu thơ đầu của đoạn cuối đã phần nào thể hiện được châm ngôn, ước nguyện của tác giả. Thế nhưng, chúng ta chẳng thể nào hiểu được vì sao ông lại có lối suy nghĩ ấy. Những câu thơ tiếp theo sẽ phần nào lý giải được khao khát của Xuân Diệu.
“Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi”
Thực tế, Xuân Diệu chỉ muốn tận hưởng cuộc sống đến chếnh choáng, đến no nê. Trước sự mơn mởn ấy, ông nhận ra rằng chỉ khi sống hết mình mới biết được cuộc đời đẹp thế nào. Chỉ khi ta hòa mình hết vào những gì tươi đẹp mới không cảm thấy uổng phí tuổi trẻ. Mỗi lần thể hiện khát khao của ông lại mạnh mẽ hơn với mục đích gửi gắm tâm tình đến mọi người.
Khao khát mãnh liệt ấy đã khiến tác giả phải thốt lên rằng “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi”. Từ Xuân Hồng nghe rất đằm thắm và mềm mại. Nó không chỉ khiến cho mùa Xuân trở nên tươi mới mà còn có hồn và sức sống hơn. Mùa xuân đẹp đến nỗi khiến cho chúng ta muốn cắn vào để say đắm trong sự ngọt ngào.
Phân tích 10 câu thơ cuối bài Vội Vàng, chúng ta đã phần nào hiểu rõ hơn về khát khao của tác giả. Qua đó, mỗi người sẽ cảm nhận và thêm trân quý sự sống. Mỗi phút giây trôi qua đừng nên bỏ phí mà hãy sống vội vàng hơn để tận hưởng hết những điều tươi đẹp. Với ngôn từ độc đáo cùng với các diễn tả đầy mới mẽ, đoạn thơ đã để lại dấu ấn riêng trong lòng người đọc.
Phân tích khổ cuối Vội vàng - mẫu 15
Phong trào thơ mới xuất hiện vào giai đoạn những năm 1932-1941, dù chỉ kéo dài chưa đến một thập kỷ thế nhưng nó đã trở thành khoảng thời gian vàng kim, nâng bước một loạt các nhà thơ trẻ tuổi tài năng, với những bài thơ đặc sắc cả về thể loại, lẫn đề tài. Một trong số đó nổi bật nhất phải kể đến Xuân Diệu, người được xem là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” bởi giọng thơ thiết tha, rạo rực.
Ông có một niềm say mê đặc biệt với tình yêu, bao gồm cả tình yêu con người, tình yêu thiên nhiên và cuộc sống, đồng thời cũng có chấp niệm sâu sắc với mùa xuân và tuổi trẻ. Vội vàng là một trong những bài thơ hay nhất của Xuân Diệu, đây cũng là tác phẩm thể hiện được tình yêu cuộc sống, sự nhạy cảm trong tâm hồn và những quan điểm của Xuân Diệu về mùa xuân, tuổi trẻ và tình yêu.
Vội vàng (1938) được in trong tập Thơ thơ, tác phẩm như một khu vườn rực rỡ tràn đầy hương sắc, ngào ngạt hương thơm của hoa cỏ, tràn trề sự sống, là bản giao hưởng nhiều âm sắc, thể hiện đầy đủ mọi cung bậc cảm xúc từ vui tươi, e ấp, đến nồng nàn, đắm say trong tình yêu của Xuân Diệu.
Có thể nói rằng Vội vàng chính là tình yêu tha thiết của tác giả dành cho cuộc đời, qua đó thể hiện những xúc cảm rất mới, rất lạ, xúc cảm đến từ “một nguồn sống rào rạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này”. Điều này được thể hiện rõ nét trong khổ thơ cuối cùng của tác phẩm:
“Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
-Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”
Ngay lúc này đây Xuân Diệu đã hoàn toàn ý thức được sự quý giá của tuổi trẻ và mùa xuân trước mắt thế nên người vội vã bước vào thưởng thức bữa tiệc mùa xuân ngay trước mắt một cách vồ vập, đầy khao khát mãnh liệt, dường như chỉ sợ chậm một giây thôi là bữa tiệc trước mắt sẽ biến mất.
Các động từ mạnh “ôm”, “riết”, “thâu” cùng với điệp từ “ta muốn” càng nhấn mạnh được cái khao khát muốn nuốt trọn thanh sắc tuyệt vời của mùa xuân, muốn được điên cuồng trong tình yêu, đến tận “no nê thanh sắc của thời tươi” để không còn nuối tiếc gì hơn nữa.
Có thể nói rằng thay vì chỉ thưởng thức một lần Xuân Diệu đã cố gắng thức dậy tất cả mọi giác quan, mọi sức lực trong cơ thể để hòa mình vào bữa tiệc đượm đà của thiên nhiên “chếch choáng” với mùi thơm, “đã đầy” với ánh sáng, ôm trọn vào lòng những cây, những cỏ, nhưng hương thơm nồng ấm.
Đoạn thơ này người ta thấy Xuân Diệu rất “tham”, dường như đang ra sức vơ vét, tận hưởng bằng hết chẳng chừa lại cho ai thứ gì, không những vậy mà người thi nhân thậm chí còn muốn tận hưởng mùa xuân ấy gấp đến mấy lần chứ không chỉ là một lần duy nhất.
Điều đó càng khẳng định rõ ý thức của Xuân Diệu về cái hữu hạn của đời người, cái ngắn ngủi của tuổi xuân, cũng như quy luật xoay vần đầy tàn nhẫn của tạo hóa. Xuân Diệu không chống lại được bước đi của thời gian thì ông tìm cách tận hưởng như thể mình có tận hai ba cuộc đời. Đấy là một giải pháp thực thông minh và rất nhân văn của người nghệ sĩ, mở ra cho độc giả những suy nghĩ và nhận thức mới mẻ.
Câu thơ kết “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi!” chính là tột đỉnh của tấm lòng yêu xuân, khao khát tận hưởng mùa xuân, tình yêu và tuổi trẻ một cách mãnh liệt và chân thành nhất, không chỉ là cái ôm, cái thâu, cái riết chặt mà là một ngụm cắn thật sâu, thật tình tứ mang cả tình xuân vào trong bụng, chiếm giữ cho riêng mình. Thực ích kỷ nhưng cũng thực đáng yêu cho cái tôi ngông cuồng và trẻ con của người nghệ sĩ.
Vội vàng là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Xuân Diệu trong phong trào thơ mới giai đoạn 1932-1941 không chỉ thể hiện được những quan niệm, triết lý nhân sinh mới mẻ về cuộc đời của người nghệ sĩ mà thông qua đó còn bộc lộ tấm lòng tha thiết, cuồng nhiệt của tác giả đối với mùa xuân, tuổi trẻ và tình yêu.
Xuân Diệu là làn gió mới đã thổi tan cái buồn lắng đọng suốt mấy năm trời của giới thơ mới, mở ra một chân trời mới, mang đến chất Pháp dịu dàng, lãng mạn, nhưng vẫn rất đậm đà hương sắc đất Việt, thật xứng với danh “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”.
Phân tích khổ cuối Vội vàng - mẫu 16
Xuân Diệu là cái tên không hề xa lạ trong văn đàn Việt Nam. Ông được mệnh danh là ” nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”. Thơ của ông mang màu sắc tươi mới, tràn trề sức sống và chứa đựng khát khao mãnh liệt được tận hưởng cuộc đời. Tình yêu cái đẹp và yêu cuộc sống của ông được thể hiện vô cùng sâu sắc qua trong bài thơ “Vội vàng”. Đặc biệt là 10 câu thơ cuối của tác phẩm với khát vọng tận hưởng mãnh liệt.
Hồn thơ Xuân Diệu cực kỳ nhạy cảm với những bước đi của thời gian. Bởi thời gian một đi sẽ không trở lại nên trong suy nghĩ của Với Xuân Diệu, khoảng thời gian đẹp đẽ và đáng sống nhất là tuổi trẻ với đam mê và tình yêu say đắm. Tuổi trẻ tràn trề sức sống và rực cháy những hoài bão, sống và cống hiến hết mình. Tuổi trẻ đẹp nhưng ngắn ngủi và trôi mau. Có lẽ vì vậy mà Xuân Diệu luôn sống vội vàng, có phần gấp gáp và luôn yêu say đắm.
Nếu ở những khổ thơ trước, Xuân Diệu giãi bày tâm sự về tình yêu mãnh liệt và nỗi nuối tiếc chia lìa thì đến đây, nhà thơ đưa ra câu trả lời cho châm ngôn sống vội, sống tận hưởng của mình:
“Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm “
Cụm từ “mau đi thôi” vang lên như một lời thúc giục. Tác giả nhận ra vẫn còn kịp để yêu và sống trọn vẹn tuổi xuân, với những gì đẹp đẽ nhất. “mùa chưa ngả chiều hôm” tức là xuân vẫn còn đó, giọng điệu nồng nhiệt, thiết tha theo cảm xúc ấy cũng vui tươi trở lại. Dấu chấm than đặt giữa câu càng nhấn mạnh thêm cảm xúc hối hả đang trào dâng trong lòng người thi sĩ.
Xuân Diệu vẫn ý thức được thời gian đang chảy trôi không ngừng, tuổi trẻ chưa hết nhưng chắc chắn nó sẽ biến mất. Phải khẩn trương và nhanh hơn nếu không muốn bản thân rơi phải hối hận khi thời gian qua đi. Đây là quan niệm sống vô cùng mới mẻ, thể hiện khát khao muốn sống và tận hưởng hết mình của con người. Nhà thơ vội vàng muốn sống, muốn chiến thắng cả dòng chảy của thời gian.
Tất cả những dồn nén và khát khao cùng đánh thức những ham muốn tột cùng của người thi sĩ.
“Ta muốn ôm
Cả sự sống đang bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng “
Cụm từ “ta muốn” được nhắc lại nhiều lần liên tiếp khiến nhịp thơ bỗng nhanh hơn, dồn dập hơn. Nó thể hiện khát khao mãnh liệt của nhà thơ, muốn ôm trọn vào lòng vẻ đẹp của thiên nhiên, ôm cả vũ trụ, cả mùa xuân của đất trời. “Tôi” đến đây đã chuyển hóa thành “ta”. Cái tôi cá nhân đã hòa chung với cái ta chung cộng đồng. Khát khao cháy bỏng kia không phải của riêng ai mà là của tất cả mọi người. Nó thôi thúc, gịuc giã những ai đang mang trong mình sức sống của tuổi trẻ.
Với một trái tim xanh non biếc rờn, thiên nhiên và sự sống mà Xuân Diệu khát khao là thiên nhiên giữa thời tươi, là sự sống mới bắt đầu mơn mởn. Sự vội vàng đến đây ngày càng trở nên rõ ràng. Hàng loạt động từ mạnh theo trình tự tăng tiến xuất hiện trong các dòng thơ: “ôm”, “riết”, “say”, “thâu”, “cắn”.
Nhà thơ muốn ôm sự sống bắt đầu chớm nở. Xiết chặt vào lòng để níu giữ bước chân chuyển dịch thời gian “mây đưa gió lượn”. Đắm say trong sự ngọt ngào, nồng cháy của tình yêu đất trời “cánh bướm với tình yêu”.
Đặc biệt, nhà thơ muốn dùng cả vị giác để lột tả hết khát khao tột độ của mình. “Thâu trong những xái hôn nhiều” để thưởng thức trọn vẹn hương vị và hơi thở của thiên nhiên, của vạn vật. Tất cả cùng truyền cho người đọc dòng cảm xúc hăm hở cuồng nhiệt của một tâm hồn say tình đắm đuối.
Xuân Diệu muốn tận hưởng mọi thứ:
“Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi “
Điệp từ “cho” liên tiếp kết hợp với tính từ “no nê, chếnh choáng, đã đầy” không chỉ thể hiện cảm xúc cuồng nhiệt, mãnh liệt mà còn khẳng định tâm thế của người luôn sẵn sàng hòa mình vào thiên nhiên, cuộc sống. Sự cộng hưởng của điệp từ “và” tạo hình ảnh rộng lớn, bao quát như khao khát muốn ôm trọn tất cả của nhà thơ.
Lời yêu cháy bỏng đã không thể kìm nén mà vang lên đầy tha thiết:
“- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi !”
Động từ “cắn” ở câu thơ cuối đồng thời khép lại bài thơ chính là điểm nhấn ấn tượng nhất của cả bài. Xúc giác, khứu giác hay vị giác cũng không đủ để tận hưởng. Nhà thơ muốn dùng hành động táo bạo mạnh mẽ hơn để chiếm hữu tối đa vẻ đẹp của mùa xuân, của cuộc đời. Nhà thơ muốn chạm vào nhiều hơn, muốn nuốt trọn hương sắc của đất trời không cho nó biến mất.
Có thể nói, với cách sử dụng ý thơ theo cấp độ tăng tiến. Cách sử dụng từ ngữ mạnh bạo, giàu sức gợi kết hợp với nhịp thơ biến hóa vui tươi, vồ vập, giục giã. Với 10 câu khép lại bài thơ “Vội Vàng” đã diễn tả chân thực quan niệm nhân sinh tiến bộ và mới mẻ của Xuân Diệu. Không chỉ bộc lộ cái tôi khát khao mãnh liệt sống, tận hưởng. Nhà thơ còn muốn gửi gắm tới mọi người thông điệp nhân sinh ý nghĩa. Sống phải biết trân trọng thời gian, sống phải biết tận hưởng, yêu hết mình và cũng phải hiến dâng hết mình.
Với những giá trị đó, đoạn thơ nói riêng, bài thơ “Vội vàng” nói chung đã thể hiện thái độ sống vô cùng tích cực. Đồng thời giúp người đọc cảm nhận được tâm hồn Xuân Diệu, một hồn thơ yêu đời, giàu xúc cảm và có nhân sinh quan tiến bộ về cuộc đời.
Phân tích khổ cuối Vội vàng - mẫu 17
Xuân Diệu nhà thơ của tình yêu, của tuổi trẻ. Vần thơ nào của ông cũng thấm đẫm lòng yêu, lòng thiết tha với cuộc sống. Đó là cuộc sống tươi non mơn mởn của thiên nhiên vạn vật. Vội vàng tuy chỉ có dung lượng khá nhỏ đề cập đến khung cảnh thiên nhiên, nhưng chỉ cần như vậy thôi ta cũng nắm bắt được trọn vẹn tinh thần, lòng yêu cuộc sống của ông.
Những vần thơ của Xuân Diệu càng giúp người đọc thấy được ý thức về thời gian và tuổi xuân. Ở khổ thơ cuối bài Vội vàng, Xuân Diệu nhận ra rằng chẳng thể sống mãi với thời gian vậy cớ gì ta không ngại, không tận hưởng cuộc sống bằng cả trái tim nồng cháy trước khi ta già nua cơ chứ?
“Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
…
-Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi!!”
Ba từ “Ta muốn ôm” được tách riêng biệt làm nổi bật hình ảnh nhân vật trữ tình đầy kiêu hãnh. Ông như muốn đứng trên cao, dang rộng vòng tay để cảm nhận, để ôm trọn trái đất này. Ta bỗng nhớ tới cái tôi “ngất ngưởng” của Nguyễn Công Trứ:
“Vũ trụ nội mạc phi phận sự”
(Với mọi việc trong trời đất này không việc gì không phải của ta)
Còn với Xuân Diệu, cái tôi của ông cũng thật kiêu hãnh, nếu đoạn mở đầu là điệp ngữ “tôi muốn” thì đến đây đã trở thành “ta muốn” nghe thật tự tin làm sao! Bởi vậy mà Viên Mai từng nói rằng: “Làm người thì không có cái tôi… nhưng làm thơ thì không thể không có cái tôi”. Trong thơ của mình, Xuân Diệu luôn khẳng định cái tôi cá nhân, có lúc ông bộc bạch một cách chân thành:
“Tôi chỉ muốn là một cây kim bé nhỏ”
Mà vạn vật là muôn đá nam châm”
Có lúc ông khẳng định mình là người đứng đầu duy nhất:
“Ta là một là riêng là thứ nhất”
Như vậy trong thơ Xuân Diệu luôn thể hiện được cái tôi cá nhân tự tin và đầy kiêu hãnh. Ba từ “Tôi muốn ôm” như một nốt nhấn để rồi từ đó âm thanh của khát vọng tuôn trào, dào dạt tràn qua cả ngôn từ.
Giữa những câu thơ dài đột ngột xen vào một câu thơ ngắn như thắt ngang giữa bài làm ta liên tưởng đến vòng tay đang níu giữ, quấn quít “cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn”. “Mơn mởn” là từ láy gợi cảm và giàu ý nghĩa gợi cảm giác cây cối, sự vật đang ở độ non mướt, tươi tốt, đầy sức sống. Lần theo bước chân vội vàng ta bước vào một thế giới đầy ắp những hình ảnh sinh động, đẹp đẽ:
“Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hồn nhiều”
Phép điệp cấu trúc “Ta muốn” đã khiến đoạn thơ trở nên dồn dập, gấp gáp tựa như những cơn sóng ào ạt nối tiếp nhau, như hơi thở gấp gáp của thi nhân đã diễn tả khát khao đến hàm hở cuồng nhiệt. Sau mỗi lần điệp lại đi liền với một động từ mạnh được sắp xếp theo trật tự tăng tiến: “riết”, “say”, “thâu”; cùng với đó là những hình ảnh nồng nàn, khỏe khoắn: “mây đưa và gió lượn”, “cánh buồm với tình yêu”.
Thiên nhiên rực rỡ sắc màu say nồng và đầy quyến rũ lại tràn ngập trong hồn thơ Xuân Diệu. Những hình ảnh ấy làm đoạn thơ đầy sinh khí và làm sống lại không khí tươi vui của toàn bài thơ. Trời xuân thì non tơ, tình xuân thì nồng nàn khiến nhà thơ trở nên “tham lam”, dường như lúc nào cũng muốn khát khao thêm:
“Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi”
Sự kết hợp giữa những từ “no nê”, “đã đầy” và điệp từ “và” đã thể hiện cảm xúc ham muốn đến tột cùng trong tâm hồn thi sĩ. Ở đây không chỉ là sự tận hưởng tinh thần mà còn là tận hưởng theo kiểu vật chất không có điểm dừng. Với ông, cuộc sống trần thế như bày ra cả một bàn tiệc đầy những hình ảnh non tơ và đầy hương sắc vì vậy Xuân Diệu đã khát khao đến tột cùng đúng như phong cách Xuân Diệu – một cái tôi không bao giờ chấp nhận sự lưng chừng, lỡ cỡ.
Với những khát khao ấy, nhà thơ đã nhìn mùa xuân giống như con người và thốt lên một tiếng kêu thể hiện niềm yêu đời, khát khao chưa từng có trong thơ ca Việt Nam:
“Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi”
“Hỡi” là tiếng gọi tha thiết vang lên cuối bài làm mạch cảm xúc của nhà thơ như vang lên không dứt. Ông khát khao tận hưởng mùa xuân, một mùa “xuân hồng” chứ không phải là “xuân xanh” như trong thơ Nguyễn Bính:
“Mùa xuân là cả một mùa xanh”
Xuân hồng là đôi má nồng nàn của thiếu nữ. Với Xuân Diệu con người mới là chuẩn mực của cái đẹp nên mùa xuân cũng giống như người thiếu nữ căng tràn sự sống. Nhà thơ muốn cắn vào nó cho thỏa mãn đam mê. Với cách sử dụng từ ngữ táo bạn, Xuân Diệu đã thể hiện một ham muốn không có giới hạn. Đứng trước sự hấp dẫn của mùa xuân dường như thi sĩ không nén nổi lòng yêu thiên nhiên đã đi đến một cử chỉ táo bạo nhưng cũng thật đáng yêu. Ta nhớ tới những câu thơ của Anh Thơ trong bài “Hôn con”:
“Mặt trăng của mẹ
Mẹ nâng trên tay
Mặt trăng tươi thế
Mẹ cắn vào đây”
Còn Xuân Diệu, ông từng định nghĩa mình là: “kẻ đưa răng bấu mặt trời”, một thi sĩ từng “ngoạm sự sống làm êm đói khát” đã thể hiện tình yêu cuồng nhiệt, si mê cuộc sống đúng như Hoài Thanh đã từng nhận xét: “Xuân Diệu là nguồn sống dào dạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này, khi vui cũng như khi buồn người đều nồng nàn tha thiết”
Nếu như Huy Cận, Chế Lan Viên hay Hàn Mạc Tử đều cùng nhau thoát li hiện thực, tìm về một cõi xa xăm nào đấy để ôm ấp những nỗi sầu u oải, mơ hồ thì “Thơ Xuân Diệu là một nguồn sống dào dạt chưa từng thấy… Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống quýt, muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình.
Khi vui cũng như khi buồn, người đều nồng nàn tha thiết”. (Hoài Thanh) Cũng là nỗi buồn nhưng nỗi buồn ấy, ngọt ngào, hồ hởi và háo hức, đó là sự tiếc nuối trước dòng chảy không ngừng của thời gian, là sự cô đơn giữa dòng đời của cái Tôi nhỏ bé đã tạo nên một hồn “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”.
“Chưa bao người ta thấy xuất hiện cùng một lúc một hồn thơ rộng lớn như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng trúng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên,… và tha thiết, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu” (Thi nhân Việt Nam). Chẳng lẽ tự nhiên mà Hoài Thanh lại ưu ái Xuân Diệu đến vậy, chỉ có thể là do những cống hiến to lớn của ông dành cho thi đàn văn học Việt Nam đặc biệt là qua thi phẩm “Vội vàng”.
Phân tích khổ cuối Vội vàng - mẫu 18
Hoài Thanh đã từng nhận xét rằng: “Thơ Xuân Diệu là một nguồn sống dạt dào chưa từng có ở chốn nước non lặng lẽ này”. Đúng thật vậy, Xuân Diệu luôn để lại những vần thơ gây thổn thức, tràn đầy năng lượng, nhiệt thành với cuộc sống cho người đọc. Vội vàng chính là bài thơ chuyển tải sâu sắc nỗi ám ảnh về thời gian và khao khát níu giữ, cuống quýt với cuộc sống tươi đẹp của thi nhân. Đó là tiếng lòng của một trái tim sục sôi sức sống của nhà thơ sẽ rõ ràng hơn trong đoạn thơ cuối của bài thơ Vội Vàng
Đoạn ba của bài thơ mở ra một trang sách của khát vọng tràn đầy, tâm hồn hết mình, vội vã với cuộc sống. Con người chẳng thể nào níu giữ lại mà chỉ còn cách chạy đua hết mình để bắt kịp trong cuộc chạy marathon này trước sự chảy trôi của thời gian. Và đó cũng là lí do nhà thơ gọi đây là vội vàng, những điều đổi thay quanh ta phải vội để nhận ra, vội đón những điều tươi đẹp của cuộc sống trước khi không còn cảm nhận thấy nó được nữa:
“Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm”
Câu cảm thán ở đầu đoạn cũng như một lời khẳng định, thúc giục sự tăng tốc cần phải nhanh chóng của con người để mọi điều tuyệt vời của cuộc sống, thiên nhiên nơi trần thế muôn màu muôn vẻ này đều có thể tận hưởng được tròn đầy.
Nhà thơ một lần nữa thể hiện khát vọng yêu và được yêu một cách mạnh mẽ, tràn đầy. Cụm từ “mau đi thôi” là lời thúc giục đầy chân thành của một người nhận thức được quy luật của cuộc sống, nhà thơ mong mọi người có thể kịp thời, kịp lúc để yêu thương và sống trọn vẹn với cái tuổi xuân tươi đẹp của đời người trước khi nó qua đi.
Thời gian của tạo hóa sẽ chẳng lúc nào chiều theo lòng người, nếu ngồi đó chờ đợi chì chẳng mấy chốc lại hối tiếc. Nhà thơ đặt sự nồng nhiệt, thiết tha vào trong câu thơ:
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
Đọc những câu thơ ta cảm nhận ngay được nhịp thơ, tiết tấu lúc này có sự tăng tốc nhanh hơn như chính châm ngôn nhà thơ muốn giục giã mọi vậy. thì đến với Ở đoạn thơ này ông khao khát sống vội, sống gấp và chúng ta thấy được Xuân Diệu khi đã nhận thức rõ về mọi thứ ở những dòng thơ trong khổ một, khổ hai.
Ý nghĩa của việc sống nhanh ở đây không phải chỉ là sống thật nhanh cho qua ngày một cách rỗng tuếch mà là sống vội từng giây từng phút để tận hưởng trọn vẹn hết tất cả tinh hoa, hương trời mà tạo hóa ban tặng cho con người. Điệp từ “ta muốn” được tạo thành một cấu trúc đều đặn, lặp lại nhưng rất tài tình để thấy được sự hối hả, niềm ước muốn từ sâu thẳm trái tim để mong được sống thật đẹp, trọn vẹn những ngày còn trẻ trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp.
Cùng với đó là những động riết, say, thâu, cắn càng chứng tỏ hơn nữa trái tim cuồng nhiệt đến điên dại, vồ vập của tác giả. Sự tăng tiến rõ rệt hơn trong từng ước muốn, bởi chẳng bao giờ là đủ để nắm trọn vẹn mọi thứ tươi đẹp của cuộc đời. Có thể quay lại nhiều mùa xuân kế tiếp nhưng khi đó chưa chắc rằng ta còn có thể ngắm nhìn mùa xuân tươi đẹp đấy lại lần nữa. Động từ cắn được đặt ở dòng cuối cùng là sự kết thúc của những ước muốn, lúc này nhà thơ như muốn được chiếm hữu mọi thứ vào trong lòng mình.
Xuân Diệu chưa dừng lại ở đó, các tính từ “no nê, choáng, đã đầy” thật sự rất rõ ràng, chân thực nhất khẳng định một tâm hồn của người không lúc nào ngừng suy nghĩ sẽ hòa mình vào thiên nhiên, đất trời, cuộc sống này. Sự cộng hưởng của cách dùng từ, nghệ thuật điệp từ, sắp xếp từ ngữ trong những dòng thơ ít ỏi nhưng mở rộng ra rất nhiều, bao quát như một cái dang tay khổng lồ dang ra thâu tóm hết trọn tất cả vào lòng cảm nhận, sống hết mình.
Ở đây Xuân Diệu đi từ những cái cá nhân, riêng tư rồi tinh tế mở nó ra thành cái chung, rộng lớn. Thi sĩ không phải ích kỷ chỉ muốn hưởng trọn cái đẹp của đất trời mà luôn không ngừng muốn sống đẹp, cống hiến hết lòng cho đất nước, vũ trụ.
Khổ thơ cuối khép lại nguyên bài thơ với những dòng thơ rất đặc biệt, lạ nhưng rất có tính kêu gọi, thuyết phục cao. Từ cách dùng từ, đặt câu, nghệ thuật đặt để vào khiến cho nỗi lòng của nhà thơ nhanh chóng được bộc lộ rõ ràng, đầy đủ. Tuổi trẻ hãy nên sống hết mình, làm điều mình, đi đến nơi mình chưa từng và không ngừng yêu thương nhiều hơn để thanh xuân sẽ trọn vẹn tươi đẹp.
Phân tích khổ cuối Vội vàng - mẫu 19
Xuân Diệu chính là ông hoàng thơ tình yêu với rất nhiều bài thơ về tình yêu, con người, đất nước đặc sắc, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả. Có rất nhiều nhà thơ viết về mùa xuân, nhưng có lẽ không có mùa xuân nào lại gấp gáp, vội vàng như mùa xuân của Xuân Diệu. Với những thi sĩ khác, mùa xuân là sự sống là hưởng thụ chồi non, là sống chậm, bình yên. Còn với Xuân Diệu mùa xuân vừa là sự sống nhưng lại trôi rất nhanh, nên phải vội vàng hưởng thụ, nếu không mùa xuân qua mau.
Bài thơ Vội Vàng trích trong tập Thơ Thơ là bài thơ hay, lạ, độc đáo về cách nhìn nhận mùa xuân, con người, sự sống của tác giả. Đặc biệt trong khổ 3 bài thơ Vội Vàng, mùa xuân đến cũng chính là đang đi, do đó hãy tận hưởng, sống trọn vẹn từng giây phút như hôm nay chính là giây cuối cùng của cuộc đời. Khổ 3 cũng chứa đựng nhiều châm ngôn, triết lí của nhà thơ gửi gắm trong đó.
Mở đầu đoạn thơ là lời thúc giục gấp gáp “mau đi thôi” thể hiện sự vội vã.
Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Phân tích vội vàng khổ 3 – Nếu ở khổ thơ thứ nhất tác giả sử dụng ngôi số 1 là Tôi, thì sang khổ thơ thứ 3 tác giả lại sử dụng đại từ nhân xưng “Ta”. Cách sử dụng chuyển ngôi mang một ý nghĩa sâu sắc đó chính là sự đồng điệu giữa các tâm hồn. Ta rộng hơn cái tôi rất nhiều. Ta là tất cả mọi người, hãy nhanh lên thôi, mỗi ngày trôi qua rất nhanh cần phải gấp gáp vội vàng để có thể tận hưởng những phút giây hạnh phúc của cuộc đời.
Lúc này đây, ta – muốn ôm cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn. Mùa xuân là thế, đó là mùa của sự hồi sinh và đâm chồi nảy lộc theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng. Cây cỏ, hoa lá vào mùa xuân đua nhau khoe sắc, tỏa hương, mọi sự trong mắt tác giả đều mơn mởn sự sống, tràn đầy tưới mới. Chính điều này khiến cho tác giả muốn ôm lấy tất cả, dù cho sự sống ấy vô cùng lớn lao nhưng ông vẫn muốn giữ cho riêng mình. Hay nói đúng hơn, ông đang muốn sống tận hưởng trọn vẹn từng giây phút của sự sống, của hạnh phúc của sự mơn mởn.
Sang tiếp 4 câu thơ sau, nhịp điệu thơ càng gấp gáp, dồn dập hơn thể hiện ước muốn mãnh liệt của tác giả:
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Phân tích vội vàng khổ 3 – Trong đoạn thơ này tác giả sử dụng nhiều động từ mạnh như “riết, say, thâu” thể hiện khao khát mãnh liệt về sự sống, về ước vọng sống trọn vẹn từng giây phút. Qua đây ta cũng cảm nhận được bức tranh thiên nhiên mùa xuân mới tươi đẹp, đầy sức sống làm sao.
Đó là mây gió, là cánh bướm, là non nước, cỏ cây. Một bức tranh với đầy đủ cảnh vật mùa xuân và xen lẫn trong đó là tình yêu và những nụ hôn ngọt ngào. Bức tranh mùa xuân của Xuân diệu mới trọn vẹn làm sao, vừa có hơi thở của thiên nhiên mùa xuân, vừa có hơi thở của tình yêu. Mùa xuân và tình yêu là hai điều đẹp tuyệt vời mang lại cho con người ta cảm giác hạnh phúc lâng lâng.
Đặc biệt những câu thơ cuối càng khẳng định được những khát vọng và ước nguyện của ông về mùa xuân:
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
Vậy là những câu thơ cuối chính là kết quả của sự khát khao sống vội vàng ở trên. Mục đích cuối cùng là tác giả chỉ muốn tận hưởng cuộc sống chếnh choáng đến nô nê, đến mê say. Trước sự mơn mởn của mua xuân, ông nhận ra rằng khi sống hết mình mới có thể thấy được cuộc đời này tươi đẹp làm sao.
Nếu sống hết với đam mê mới biết rằng ta sống xứng đáng và không uổng phí từng giây phút nào. Nhất là khi ta có tuổi trẻ, ta đang tận hưởng những mùa xuân đẹp nhất của cuộc đời, vậy ta phải tận hưởng, phải sống hết mình để sống và tận hưởng cuộc sống như những giây phút cuối cuộc đời.
Khao khát mãnh liệt ấy khiến tác giả phải thốt lên rằng: “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi”. Từ Xuân hồng nghe rất thắm và mềm mại, đầy sự sống. Xuân hồng chính là mùa xuân, mùa xuân ở độ chín hồng, mang đậm khát vọng tuổi trẻ, khát khao sống mãnh liệt. Mùa xuân đẹp đến nỗi mà tác giả chỉ muốn cắn vào, hay chính xác hơn là muốn đắm chìm vào sự ngọt ngào ấy. Tác giả chỉ muốn đắm mình vào tận hưởng những giây phút hạnh phúc tuyệt vời của xuân hồng.
Phân tích khổ cuối Vội vàng - mẫu 20
Có thể nói trong hàng trăm bài thơ nổi tiếng của Xuân Diệu, hiếm có bài nào đạt đến độ hoàn hảo như bài Vội vàng. Tác phẩm thu hút độc giả nhiều thế hệ không chỉ ở nội dung độc đáo mà còn ở hình thức nghệ thuật điêu luyện.
Thời gian cứ mênh mông nhưng mùa xuân và tuổi trẻ của con người cứ ngắn ngủi. Con người chẳng thể làm được gì để biến cái hữu hạn của đời người thành cái vô hạn trường tồn cùng vũ trụ. Chỉ còn mỗi cách, đó là phải hối hả, phải đắm say mãnh liệt hơn, phải vội vàng thâu nhận đến mức độ cao nhất, nhiều nhất những vẻ đẹp nhân gian, những thứ quý giá của đời sống, của tuổi trẻ, mùa xuân. Trong khổ thơ cuối, Xuân Diệu giục giã:
Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đàu mơn mởn,
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng.
Những câu thơ mạnh bạo, gấp gáp, giục giã như một dòng suối ào ạt tuôn chảy, tưởng chừng ngôn từ xô đẩy vào nhau, chen lấn nhau để cho kịp mạch cảm xúc đang bừng lên sôi nổi của nhà thơ. Những tiếng “ta muốn” láy đi láy lại mãi như một điệp khúc bất tận để khẳng định niềm khao khát cháy bỏng muốn sống đến tận cùng cảm giác của Xuân Diệu.
Một loạt điệp từ được sử dụng theo mức độ tăng dần của khao khát: muốn ôm – muốn riết – muốn say – muốn thâu – muốn cắn thể hiện tam trạng si mê đến cuồng nhiệt. Trong một câu thơ mà có đến ba hư từ “và” chứng tỏ Xuân Diệu nồng nhiệt đến rối rít, cuống quýt, như muốn cùng lúc dang tay ôm hết cả vũ trụ, cả cuộc đời, mùa xuân vào lòng mình. Sống như thế với Xuân Diệu mới thực là sống, mới đi đến tạn cùng của niềm hạnh phúc được sống.
Cho chuếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
Hạnh phúc của sự sống là mùi thơm, ánh sáng, thanh sắc. Tận hưởng cuộc đời chính là có dược cảm nhận về những điều ấy ở độ tràn trề nhất. Xuân Diệu muốn tận hưởng cuộc sống cho đến “no nê”, “chuếnh choáng”, “đã đầy”. Trong niềm cảm hứng ở độ cao nhất, Xuân Diệu nhận ra cuộc đời, mùa xuân như một cái gì quý nhất, trọn vẹn như một trái đời đỏ hồng, chín mọng, thơm ngát, ngọt ngào, để cho nhà thơ tận hưởng trong niềm khao khát cao độ:
Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi
Câu thơ là đỉnh cao của những khao khát sống, của tình yêu sống rạo rực trong con tim nồng cháy của Xuân Diệu.
Bài thơ Vội vàng thể hiện tam trạng đắm say bồng bột của một tấm lòng ham sống mãnh liệt. Bài thơ còn thể hiện một quan niệm sống sống gấp gáp vội vàng tận hưởng những hạnh phúc trần thế, một quan niệm sống lành mạnh và tích cực so với đương thời. Bài thơ là một sáng tác tiêu biểu cho phong cách thơ trẻ trung tươi mới của “nhà thơ của tình yêu”, bài thơ rất tự do, hình ảnh giàu sức gợi, giàu nhạc điệu và cách liên tưởng rất hiện đại.
Tâm trạng yêu đời, yêu sống đến cuồng nhiệt trong tác phẩm khẳng định tư tưởng nhân văn của nhà thơ. Cho đến nay, nội dung thúc giục mọi người sống có nghĩa trong cuộc sống thực tại của bài thơ vẫn còn bao ý nghĩa với thế hệ trẻ.
Xem thêm các bài văn mẫu lớp 11 hay, ngắn nhất khác:
Tủ sách VIETJACK shopee lớp 10-11 cho học sinh và giáo viên (cả 3 bộ sách):
Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.
Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.
- Giải Tiếng Anh 11 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh 11 Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 11 Friends Global
- Lớp 11 - Kết nối tri thức
- Soạn văn 11 (hay nhất) - KNTT
- Soạn văn 11 (ngắn nhất) - KNTT
- Giải sgk Toán 11 - KNTT
- Giải sgk Vật Lí 11 - KNTT
- Giải sgk Hóa học 11 - KNTT
- Giải sgk Sinh học 11 - KNTT
- Giải sgk Lịch Sử 11 - KNTT
- Giải sgk Địa Lí 11 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục KTPL 11 - KNTT
- Giải sgk Tin học 11 - KNTT
- Giải sgk Công nghệ 11 - KNTT
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 11 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục quốc phòng 11 - KNTT
- Giải sgk Âm nhạc 11 - KNTT
- Lớp 11 - Chân trời sáng tạo
- Soạn văn 11 (hay nhất) - CTST
- Soạn văn 11 (ngắn nhất) - CTST
- Giải sgk Toán 11 - CTST
- Giải sgk Vật Lí 11 - CTST
- Giải sgk Hóa học 11 - CTST
- Giải sgk Sinh học 11 - CTST
- Giải sgk Lịch Sử 11 - CTST
- Giải sgk Địa Lí 11 - CTST
- Giải sgk Giáo dục KTPL 11 - CTST
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 11 - CTST
- Giải sgk Âm nhạc 11 - CTST
- Lớp 11 - Cánh diều
- Soạn văn 11 Cánh diều (hay nhất)
- Soạn văn 11 Cánh diều (ngắn nhất)
- Giải sgk Toán 11 - Cánh diều
- Giải sgk Vật Lí 11 - Cánh diều
- Giải sgk Hóa học 11 - Cánh diều
- Giải sgk Sinh học 11 - Cánh diều
- Giải sgk Lịch Sử 11 - Cánh diều
- Giải sgk Địa Lí 11 - Cánh diều
- Giải sgk Giáo dục KTPL 11 - Cánh diều
- Giải sgk Tin học 11 - Cánh diều
- Giải sgk Công nghệ 11 - Cánh diều
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 11 - Cánh diều
- Giải sgk Giáo dục quốc phòng 11 - Cánh diều
- Giải sgk Âm nhạc 11 - Cánh diều