Phân tích bài thơ Tôi yêu em (cực hay)



Đề bài: Phân tích bài thơ Tôi yêu em của Puskin

Phân tích bài thơ Tôi yêu em (cực hay)

Bài giảng: Tôi yêu em - Cô Thúy Nhàn (Giáo viên VietJack)

Phân tích bài thơ Tôi yêu em - mẫu 1

Quảng cáo

Nếu Việt Nam có “Ông hoàng thơ tình” là Xuân Diệu với những hồn thơ da diết, cháy bỏng, rạo rực thì “Mặt trời của thi ca Nga” là Puskin cũng là một nhà thơ tình nổi tiếng với hơn 800 bài thơ về đề tài tình yêu. Trong đó “Tôi yêu em” là tác phẩm nổi tiếng, có thể coi là bài thơ tình hay nhất, là lời giãi bày tình cảm yêu đương trong sáng, chân thành, mãnh liệt, nhân hậu và vị tha mà thấm đượm nỗi buồn đau vô vọng của thi nhân khi tình yêu chưa được trọn vẹn.

Bài thơ được sáng tác ở thời kì Puskin sống ở Pê-téc-bua ông thường đến nhà của vị Chủ tịch Viện Hàn lâm nghệ thuật Nga để gặp gỡ, đàm đạo cùng những người làm nghệ thuật. Ông đã phải lòng người con gái xinh đẹp của vị Chủ tịch, nên mùa hè 1828 Puskin ngỏ lời cầu hôn cô gái nhưng không được chấp nhận. Năm 1829 bài thơ đã ra đời trên cơ sở mối tình có thực của thi nhân. Bài thơ vốn không có tên, nhan đề “Tôi yêu em” là do người dịch tự đặt.

Quảng cáo

Thơ tình yêu của Puskin thường được bắt nguồn từ tình cảm chân thành có thực trong chính trải nghiệm cảm xúc của tác giả nên lời thơ rất giản dị, tinh tế thể hiện những vẻ đẹp đa dạng trong tâm hồn thi sĩ. Mở đầu bài thơ là cụm từ “Tôi yêu em” để khẳng định tình yêu của mình:

    “Tôi yêu em: đến nay chừng có thể

    Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai”.

Lời yêu chân thành đã được thốt lên từ một trái tim trung thực, một tình cảm trong sáng. Thi sĩ đã thể hiện rằng tình yêu đó đã có từ trước và đến giờ vẫn còn, nhà thơ đã để tình cảm ấy hiện lên với hình ảnh là “Ngọn lửa tình” cháy âm ỉ, dai dẳng “chưa hẳn đã tàn phai”. Lời thơ chậm rãi, ý thơ thâm trầm, kín đáo tuy là khẳng định tình yêu chưa lụi tắt, tàn phai trong trái tim “tôi” nhưng vẫn dè dặt với cụm từ “có thể”, “chưa hẳn” biểu hiện những cảm xúc bền vững xuất phát từ trái tim yêu thương dành cho người tình. Nhưng mạch thơ đột ngột bị rẽ hướng bởi suy nghĩ của tác giả không chỉ biết nghĩ cho mình mà còn nghĩ cho đối phương nên kèm theo lời khẳng định ấy là lời giã từ vì không muốn gây phiền muộn cho cô gái:

    “Nhưng không để em bận lòng thêm nữa

    Hay hồn em phải gợn bóng u hoài”

Quảng cáo

Đó là một quyết định dứt khoát của lí trí mâu thuẫn với cảm xúc của trái tim. Yêu em tha thiết nhưng buộc lòng phải từ chối tình cảm của bản thân vì không muốn em phải “bận lòng” hay phải “gợn bóng u hoài”. Khi con người ta yêu không phải chỉ biết nghĩ cho cảm xúc của riêng mình mà muốn chiếm đoạt, muốn sở hữu đó là một tình yêu ích kỉ, còn Puskin ông chấp nhận những nỗi buồn và tổn thương để người con gái mình yêu được hạnh phúc. Ông hạnh phúc khi người ấy cũng được vui vẻ hạnh phúc, không muộn phiền. Như vậy bốn câu thơ đầu đã thể hiện tình yêu mãnh liệt, mang đẫm vẻ nhân văn của nhân vật trữ tình để lại cho ta suy ngẫm về thế nào là tình yêu chân thành nó khác xa với cách yêu của một số bạn trẻ hiện nay khi đã yêu bằng mọi giá phải có được tình cảm của đối phương.

Điệp khúc “Tôi yêu em” một lần nữa được điệp lại ở đầu khổ thơ thứ hai để cho thấy tình cảm, cảm xúc được nâng lên ở một cung bậc cao hơn, mãnh liệt hơn:

    “Tôi yêu em âm thầm không hi vọng

    Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen

    Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm

    Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”.

Dù bị từ chối, không được chấp nhận tình cảm này nhưng thi sĩ vẫn yêu “âm thầm không hi vọng”. Dù đã cố dặn lòng để em không cảm thấy buồn phiền, dù lí trí đã ngăn cản nhưng trái tim vẫn trỗi dậy mãnh liệt, vẫn tha thiết yêu thương với những cảm xúc của một người đang yêu ấy là “Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng nghen”. Nhịp thơ trở nên nhanh hơn, gấp hơn với các từ “lúc”, “khi”. Đó là rụt rè, e thẹn khi đối diện với “em”, vẫn ghen nhưng chỉ dám “hậm hực” ở trong lòng không dám nói ra, nó gợi lên tâm trạng u tối, nặng nề. Ghen tuông là mùi vị của tình yêu, tuy nhiên nó dễ khiến cho con người ta dễ hành động thấp hèn, ích kỉ, nhỏ nhen nhưng với thi sĩ vẫn là tình yêu “chân thành, đằm thắm”. Điệp khúc “tôi yêu em” lần thứ ba được nhắc lại để khẳng định lại tình yêu thêm dứt khoát và trào dâng cảm xúc như là lời giải thích cho câu thơ thứ hai ở trên, tất cả cũng chỉ là bởi một chữ yêu. Câu thơ cuối xuất hiện mang đến một ấn tượng bất ngờ hàm chứa nhiều ý vị, nó là sự vụt sáng lên của một tình yêu cao đẹp cho thấy tấm lòng cao thượng, nhân văn của thi nhân. Tôi mong cầu cho em được người khác yêu cũng chân thành, đằm thắm như tôi đã yêu em. Tình yêu ở đây rất nồng nhiệt và vị tha, không phải ai cũng có thể chân thành chúc phúc cho người từ chối tình cảm của mình được hạnh phúc. Đó là lời chúc thiêng liêng và cao cả làm rạng rỡ lên nhân cách Puskin. “Yêu là chết ở trong lòng một ít” có lẽ là như vậy, chỉ cần được ngắm nhìn người phụ nữ mình yêu thương được người khác yêu thương như mình đã là mãn nguyện đối với tình yêu chân thành không vụ lợi cá nhân. Tình yêu ấy khiến cho những ai đã đọc bài thơ “Tôi yêu em” của Puskin phải ngượng ngùng, e thẹn vì chưa làm được như thi sĩ, nó khác xa với tình yêu vị kỉ, với tư tưởng “Không ăn được thì đạp đổ” của một số người.

Quảng cáo

Về nghệ thuật của bài thơ thật đơn giản, nhà thơ rất ít dùng thủ pháp tu từ ngoại trừ điệp ngữ “tôi yêu em” và lối so sánh “như tôi đã yêu em” thì không có gì nổi bật đúng như quan niệm của Puskin về cách viết: “Còn như về bút pháp thì càng giản dị càng tốt. Điều chủ yếu là chân lí, sự chân thành. Đối tượng tự nó hấp dẫn đến mức chả cần gì tới sự tô điểm cả. Những tô điểm đó thậm chí làm hại đối tượng” chính điều đó đã làm nên vẻ đẹp và sức hấp dẫn riêng biệt của bài thơ được nhà nghiên cứu văn học Gô-rô-đét-xki đánh giá là “bài thơ hay đến mức nó đủ để thừa nhận tác giả của nó là nhà thơ vĩ đại”.

Những câu thơ tình yêu của thi sĩ Puskin thật chân thành, tha thiết, đằm thắm mà thấm đượm nỗi buồn của một mối tình đơn phương vô vọng, ý thơ thì giản dị, trong sáng, tinh tế cả về ngôn từ lẫn nội dung ý tưởng. Thi hào Puskin xứng đáng là nhà thơ vĩ đại “Có ý nghĩa to lớn không chỉ trong lịch sử văn chương mà cả trong lịch sử thức tỉnh của dân tộc Nga”.

Phân tích bài thơ Tôi yêu em - mẫu 2

Mỗi chúng ta có một Puskin của mình, và chỉ có một Puskin với tất cả mà thôi. Ông đã đi vào cuộc sống chúng ta với ngay từ đầu của nó và mãi mãi không từ bỏ chúng ta (Alếch-xan-đrơ Tra-đốp-xki). Nhận định này không chỉ khẳng định sức sống và khả năng tác động mạnh mẽ của thơ ca Puskin đối với đông đảo độc giả mà còn nói đến sự phong phú đa dạng trong sáng tác của ông.

Ở Puskin, chúng ta có thể gặp một thanh niên quý tộc với tư tưởng chán chường, muốn xa lánh xã hội thượng lưu giả dối để đến với cuộc sống thanh bình, tự do chốn thôn quê. Cũng có thể gặp một chiến sĩ cách mạng với khát vọng tự do hoặc một nhà cải cách xã hội có tư tưởng tiến bộ, và còn có cả một nhà văn hiện thực trong một nhà thơ tình lãng mạn.

Quá trình sáng tác của Puskin là một quá trình vận động tư tưởng theo chiều tiến bộ, từ một thanh niên quý tộc có tư tưởng tiến bộ nhưng còn xa rời nhân dân đến một chiến sĩ cách mạng ưu tú luôn vì quyền lợi của nhân dân lao động. Nhưng cao hơn tất cả chúng ta gặp một nhân cách Puskin – một Con người đích thực ở mọi phương diện sống.

Xuất thân trong một gia đình đại quý tộc với rất nhiều điều kiện thuận lợi cho một cuộc sống vinh hoa nhưng là một con người, nhà thơ đã không chấp nhận, đã nguyện làm một ca sĩ của tự do, trở thành kẻ thù của bọn cầm quyền. Ông đã cống hiến cả cuộc đời mình cho khát vọng về một xã hội tốt đẹp, tự do và bình đẳng. Sáng tác của Puskin là lí tưởng cao cả về những điều tốt đẹp nhất của cuộc sống, trong đó có tình yêu – tình cảm tuyệt vời nhất của cuộc đời.

Tình yêu là một đề tài lớn của thơ ca nhân loại. Không có nhà thơ nào lại không nói đến tình yêu trong thi phẩm của mình. Mọi cung bậc tình cảm, mọi biến thái của tinh vi và những rung động tinh tế của tâm hồn con người đều xuất hiện trong thơ ca. Tình yêu là một thứ tình cảm rất phức tạp, có khả năng đưa con người trở thành thiên thần nhưng cũng có thể biến con người trở thành quỷ dữ. Và điều mà thơ ca hướng đến là lí tưởng về những tình yêu đẹp, tình yêu thánh thiện. Puskin là một nhà thơ tình yêu như thế.

Thơ tình của ông là sự kết hợp của tình yêu nhân loại và tình yêu con người. Ông sáng tác cả thơ trữ tình và văn xuôi và đều thành công. Ở mảng thơ trữ tình, nhà thơ quan tâm đến hai đề tài lớn: đề cao khát vọng tự do và khám phá đời sống tinh thần, tình cảm của nhân dân lao động (thể hiện ở mảng thơ về tình yêu).

Những trải nghiệm của chính bản thân và sự nhạy cảm của một tâm hồn nhân hậu đã giúp nhà thơ phát hiện và thể hiện vẻ đẹp của tình yêu chân chính. Nhà thơ đã phát hiện và xử lí các tình huống của tình yêu theo chuẩn mực đạo đức của nhân dân lao động. Những tình cảm cao đẹp mà nhà thơ ca ngợi đối lập hoàn toàn với cuộc sống nhơ nhớp bẩn thỉu của xã hội thượng lưu, cái xã hội mà tình yêu chỉ là sự chiếm đoạt, ích kỉ.

Trong các trường ca như Ép-ghê-nhi Ô-nhê-ghin, Đoàn người Tsưgan, Người tù Cáp-ca-dơ, nhân vật chính của Puskin đều là những thanh niên quý tộc chán ghét tình yêu chốn thượng lưu đi tìm tình yêu ở nơi khác, nhưng rồi bản tính ích kỉ trong tình yêu của những thanh niên quý tộc mà họ không bỏ được vẫn đưa họ đến những bi kịch.

Tình yêu với họ đã từng chỉ là những trò chơi, những cuộc chinh phục, sự ghen tuông có thể dẫn đến những cuộc đấu súng một mất một còn (E. Ô-nhê-ghin và Len-xki trong Ép-ghê-nhi Ô-nhê-ghin), họ sẵn sàng giết chết người yêu khi cảm thấy bị phản bội (A-lê-cô trong trường ca Đoàn người Tsư-gan), có lẽ tấn bi kịch cuối đời của Puskin cũng xuất phát từ chính những thành kiến kiểu quý tộc ấy mà Puskin đã không thể tự vượt qua.

Những mối tình thượng lưu kiểu ấy đã khiến nhà thơ suy ngẫm về một tình yêu đích thực. Cảm hứng về một tình yêu cao thượng đã được gửi gắm trong hình tượng nhân vật trữ tình của bài thơ Tôi yêu em. Dưới hình thức một lời tỏ tình là khát vọng về một tình yêu chân chính với tình cảm cao thượng. Bài thơ là sự kết hợp tuyệt vời của một lí trí sáng suốt và một trái tim biết yêu thương thực sự.

Mạch cảm xúc của bài thơ tự nó đã chia thành hai phần dưới hình thức hai câu, mỗi câu bốn dòng thơ. Và trong mỗi câu thơ lại có hai vế. Một kết cấu hài hòa cân đối đã làm nên vẻ đẹp của bài thơ nhưng không làm suy giảm sự tinh tế của cảm xúc.

Thơ Puskin vốn rất giản dị, gần gũi cuộc sống. Những hình ảnh biểu tượng trong thơ ông thường dễ hiểu nhưng rất có chiều sâu. Hiểu ở mức độ nào phụ thuộc vào sự đồng cảm và rung động của trái tim người đọc. Thế nhưng điều mà bất cứ độc giả nào cũng cảm nhận được chính là những giá trị đạo đức trong thơ Puskin.

Những vần thơ trong sáng và đầy cảm hứng nhân văn của ông có khả năng tác động rất mạnh mẽ đến tâm hồn người đọc. Và tình cảm cao đẹp của nhân vật trữ tình trong Tôi yêu em có thể tạo nên khả năng thanh lọc tâm hồn đối với nhiều thế hệ bạn đọc. Mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình tôi được bắt đầu bằng một lời thổ lộ rất chân thành:

Tôi yêu em đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai

Có thể nhận ra một sự không bình thường trong lời bày tỏ của nhân vật trữ tình. Đó không phải là một lời tỏ tình ở một giai đoạn bắt đầu một mối tình. Có vẻ như là một sự xác nhận về một tình cảm đơn phương từ phía tôi.

Một tình cảm như đã từng bị cố làm cho lụi tàn nhưng nó lại chưa hẳn đã tàn phai. Hai dòng thơ, đơn giản là một lời xác nhận sự tồn tại của một tình yêu. Một tình yêu mà dù muốn cũng không thể nguôi quên. Nhưng điều đáng nói là mục đích của lời bày tỏ ấy. Mong muốn được đáp lại tình cảm hay thể hiện một điều gì khác:

Nhưng không để em bận lòng thêm nữa,
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài.

Một mong muốn cao thượng chỉ có thể xuất phát từ một tình cảm chân thành của một trái tim biết yêu thương, biết hi sinh. Câu thơ đã xác nhận một chân lí của tình yêu là đã yêu thì không đòi hỏi, yêu là mong muốn những điều tốt lành đến với người mình yêu thương: Tôi chẳng muốn em buồn vì bất cứ lẽ gì.

Quả thực tình yêu đã nâng con người lên cao hơn. Mặc dù nhân vật em không xuất hiện trong bài thơ nhưng qua cảm nhận của nhân vật trữ tình thì đó phải là một người con gái rất đáng yêu. Chấp nhận âm thầm chịu đựng tình yêu đơn phương, nhân vật trữ tình đã nâng mình lên cao hơn.

Câu thơ đầu có sự tham gia rất mạnh mẽ của lí trí. Đây là giai đoạn mà lí trí vẫn điều khiển được trái tim. Ý thơ thẳng thắn, minh bạch và rất rõ ràng: còn yêu và rất yêu nhưng không muốn làm em phải suy nghĩ. Câu thơ như lời tự nhủ với chính mình với một quyết tâm rất cao. Nhưng nếu chấp nhận dễ dàng như vậy thì có vẻ lí trí quá và tình yêu của tôi đối với em chưa đủ sức thuyết phục, còn kém mãnh liệt. Sự mãnh liệt của tình yêu được thể hiện ở bốn dòng thơ tiếp theo:

Tôi yêu em âm thầm, không hi vọng,
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen,
Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm,
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em.

Dường như lí trí đã nhường chỗ cho cảm xúc. Những trạng thái cảm xúc phức tạp và đầy mâu thuẫn của trái tim đang yêu đã được bày tỏ rất chân thành. Sự tăng tiến của tình cảm, cảm xúc khiến câu thơ có khả năng truyền tải tình cảm mãnh liệt của nhân vật trữ tình. Sức nặng của tâm trạng và trung tâm thẩm mĩ của bài thơ nằm ở câu thơ thứ hai này:

Tôi yêu em âm thầm không hi vọng
Lúc rụt rè khi hậm hực lòng ghen

Một lần nữa, mối tình đơn phương lại được xác nhận. Vì không muốn em phải bận lòng thêm nữa nên phải âm thầm. Yêu không hi vọng, yêu đơn phương vẫn là tình yêu, thậm chí còn là một tình yêu rất sâu sắc. Có rụt rè có ghen tuông thì đích thị là tình yêu. Nhưng sự hờn ghen và không hi vọng ấy không làm giảm đi vẻ đẹp của tình cảm mà nhân vật trữ tình dành cho em. Đó là một lời bày tỏ chân thành. Nhịp thơ dồn dập, liên tiếp xuất hiện các tính từ chỉ trạng thái cảm xúc, đã bộc lộ mức độ mãnh liệt của tình yêu.

Trong bài thơ có tới ba cụm từ tôi yêu em thì hai cụm tập trung ở câu thứ hai và được gắn với những tính từ cảm xúc (âm thầm, không hi vọng, chân thành, đằm thắm).

Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm

Chân thành, đằm thắm là hai phẩm chất mà mọi tình yêu đều muốn đạt tới, đó là tiêu chuẩn lí tưởng của mọi mối tình. Nếu thiếu hai tiêu chuẩn thì không còn là tình yêu nữa. Và mức độ chân thành, đằm thắm được xác nhận và cụ thể hóa một cách khéo léo và đầy thuyết phục ở dòng thơ cuối cùng:

Cầu em được người tình như tôi đã yêu em.

Tư tưởng và giá trị của bài thơ được cô đọng ở câu thơ này. Chỉ một lời cầu chúc thôi nhưng nói được bao điều. Nó khẳng định tấm tình chân thành của tôi, đồng thời thể hiện tôi yêu em là tình yêu mãnh liệt và chân chính. Câu thơ hội tụ vẻ đẹp của cảm xúc và cảm hứng của nhân vật trữ tình. Lời cầu chúc giản dị mà thể hiện được cả một nhân cách. Đó là lời cầu chúc tuyệt vời nhất của nhân loại. Thói thường tình yêu thường kèm theo sự ích kỉ, ai đã yêu mà không từng hậm hực lòng ghen.

Nhân vật tôi cũng như vậy. Nhưng sự ích kỉ không thể chiến thắng được sự cao thượng của một trái tim biết yêu thương. Nếu chỉ là lời cầu mong cho người mình yêu những điều tốt đẹp nhất thì đơn giản quá và không có khả năng thể hiện tình yêu như “Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”.

Bài thơ là lời bày tỏ tình cảm, vì vậy cái ẩn ý đằng sau câu thơ, làm cho cảm xúc thơ chân thực hơn chính là ở lời cầu mong này. Lời cầu chúc cũng chính là lời khẳng định tình yêu chân thành và đằm thắm của mình, đó là tình yêu thực sự, tình yêu xứng đáng nhất với em. Đây không chỉ là một lời cầu chúc tuyệt vời nhất, thể hiện hay nhất tình cảm của tôi mà còn là một lời thổ lộ thật thông minh.

Chấp nhận yêu đơn phương, chấp nhận sự thực là em sẽ có người khác nhưng lại nhấn mạnh và xác nhận tình yêu mãnh liệt của mình, liệu có mâu thuẫn không? Liệu có cô gái nào yên lòng trước lời cầu chúc chân thành và đáng yêu như thế. Quả thực bài thơ thật đẹp, thật trong sáng. Với một tình yêu như thế dù được đáp lại hay không thì vẫn là một tình yêu lí tưởng, những trái tim yêu như thế sẽ giúp con người ngày càng người hơn.

Nhìn lại mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình trong bài thơ thì đây là bài thơ về một mối tình đơn phương nhưng qua đó lại thể hiện một quan niệm rất nhân văn về tình yêu. Và mạch cảm xúc của bài thơ được phát triển theo lôgíc tâm trạng nhưng có sự kết hợp rất khéo với lí trí. Sự hài hòa giữa cảm xúc và lí trí đã tạo nên vẻ đẹp và sức hấp dẫn cho bài thơ. Tâm trạng được thể hiện không quá bản năng nhưng cũng không quá nặng nề khô cứng.

Cảm xúc có khi mâu thuẫn với lí trí nhưng lại được giải quyết một cách rất hợp lí, hợp với sự phát triển của mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình. Một tình yêu chân thành của một trái tim biết yêu thương thực sự đã thể hiện một tư tưởng nhân văn cao đẹp. Một vấn đề thuộc về đạo đức và nhân cách con người đã được nhà thơ thể hiện dưới một hình thức giản dị và giàu khả năng gợi cảm. Đây cũng chính là một trong những thành công nổi bật nhất trong sự nghiệp sáng tác của Puskin.

Phân tích bài thơ Tôi yêu em - mẫu 3

Tình yêu vốn là chủ đề quen thuộc trong thi ca Việt Nam và thi ca thế giới. Bởi tính chất muôn màu, muôn vẻ, đa dạng nhiều chiều trong tình yêu là thứ cảm xúc cao cấp khó lý giải nhất mọi thời đại của con người, thế nên bao đời nay giới văn nhân nghệ sĩ vẫn luôn dành cho nó một tình cảm thiết tha sâu nặng. Việt Nam ta có Xuân Diệu, có Xuân Quỳnh sâu nặng với lẽ yêu, thì nền thi ca Nga cũng có Puskin – biểu tượng rực rỡ của nền văn học lãng mạn với bài thơ tình bất hủ Tôi yêu em.

Có lẽ rằng chỉ những người đã thật sự yêu, đã trải qua đủ những cung bậc cảm xúc của tình yêu mới có thể viết được những vần thơ chân thành, giản dị và đầy xúc cảm như thế. Người ta chẳng yêu nhau vì những điều lý tưởng, mà người ta đến với nhau bằng những cảm xúc bất ngờ vỡ ra từ những điều nhỏ nhặt của đối phương, rồi người ta yêu như một định mệnh của tạo hóa, tự nhiên, nồng nàn.

Tình yêu đến từ hai phía đôi lúc còn gặp phải cảnh trái ngang, đứt gánh giữa đường thì xưa nay không hiếm, nhưng chí ít nó vẫn cho người ta những hy vọng thật đẹp đẽ. Còn tình đơn phương, chỉ có thể nói một điều ngọt bùi thì ít mà đắng cay thì nhiều, thậm chí kẻ đơn phương còn chẳng có quyền được hy vọng.

Puskin chính là có một tình yêu đau đớn như thế, ông cầu hôn người con gái mình yêu tha thiết, nhưng nàng đã từ chối một cách phũ phàng bởi nàng chẳng có tí xúc cảm nào với ông. Điều ấy làm nhà thơ đau khổ khôn nguôi, thế nhưng ông không dám níu kéo, ông vẫn yêu nàng, nhưng quyết định từ bỏ để nàng được thanh thản sống hạnh phúc. Sự từ bỏ ấy chính là minh chứng rõ nhất cho tình yêu cao thượng và tấm lòng tôn trọng phụ nữ của Puskin.

Trong bốn câu thơ đầu tiên người thi sĩ đã bộc lộ tình yêu sâu sắc của mình với người con gái ông hằng nhớ nhung, tuy nhiên ông cũng bộc lộ cả sự từ bỏ đầy nuối tiếc và đau đớn của mình với mối tình vô vọng.

“Tôi yêu em: đến nay chừng có thể.
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai;
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa,
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài”

Trên đời có đến hàng vạn cách bày tỏ tình cảm khác nhau, thế nhưng “tôi yêu em” vẫn là lời tỏ tình kinh điển, đủ tính chân thực, sự khẳng định chắc chắn của người nói, thể hiện bản năng nguyên sơ của loài người từ bao đời nay. Bởi không có một động từ nào khác có thể giản dị và rung động hơn từ “yêu” nữa.

Puskin đã thú thực nỗi lòng của một cách rất thẳng thắn, rất tự tin, rất tha thiết:“Tôi yêu em: đến nay chừng có thể”, nghĩa rằng bản thân ông từ lúc bắt đầu cho đến giờ vẫn chỉ yêu một mình người con gái ấy. Dẫu rằng đó là mối tình đơn phương, chỉ có một mình ông nguyện trao ra, thế nhưng người ta chưa từng muốn nhận lấy, dẫu rằng bản thân ông đã phải chịu những lời tổn thương cay đắng, phải nếm trải sự thờ ơ lạnh nhạt từ nàng, thế nhưng cho đến tận bây giờ dẫu đã hết hy vọng, nhưng ông vẫn một lòng yêu.

Tình yêu của ông cháy bỏng, nồng nàn được ví như “ngọn lửa tình”, đó là một ngọn lửa cháy đượm, cháy mãnh liệt, sâu sắc trong trái tim của một người đàn ông trưởng thành. Để rồi khi nhận những lời cay đắng, lời từ chối phũ phàng như chậu nước mùa đông hất thẳng vào đốm lửa ấy, nó vẫn rất mạnh mẽ kiên cường âm ỉ cháy “chưa hẳn đã tàn phai”.

Biểu hiện ấy trước là thể hiện tình yêu chân thành, tha thiết và sâu nặng của Puskin dành cho cô gái, hai nữa là thể hiện sự nghiêm túc, đúng đắn, sự chú tâm của tác giả trong mối quan hệ, dẫu rằng nó chỉ là tình đơn phương. Bộc lộ sự khao khát, hy vọng mãnh liệt về tình yêu của một người đàn ông trưởng thành, chứ không phải là thứ tình cảm vụng dại, ngây ngô, gặp dịp thì chơi của tuổi trẻ.

Rõ ràng chàng thi sĩ tài năng đã yêu vô cùng người con gái ấy và muốn cùng nàng có một mái ấm hạnh phúc bằng lời cầu hôn chân thành mong nàng gật đầu. Tuy nhiên, phụ lại tấm chân tình, cô gái ấy đã lắc đầu từ chối, tuy đau thương những Puskin không hề hối hận khi yêu nàng, cũng không tỏ ra tức tối hay hận thù, ông vẫn giữ cho mình một trái tim yêu trong sáng và thủy chung nhất, qua bao nhiêu thời gian vẫn không đổi dời, vẫn không thôi hướng về bóng hồng nay đã xa tầm với.

Mặc dù còn yêu và bản thân Puskin cũng bị tình yêu làm tổn thương sâu sắc, thế nhưng người lại có một cách yêu thật cao thượng, thật tuyệt vời. Ông yêu thương người con gái ấy nên cũng muốn dành cho nàng sự tôn trọng tuyệt đối và những điều tuyệt vời nhất để nàng được một cuộc đời thoải mái và bình yên.

“Nhưng không để em bận lòng thêm nữa
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài”

Đang chìm đắm trong tình yêu một cách day dứt và vô vọng buồn rầu, Puskin đã nhanh chóng thức tỉnh, lập tức đưa ra quyết định một cách dứt khoát và mạnh mẽ. Ông sẽ rời khỏi cuộc đời của người con gái ấy, ông sẽ không khiến trái tim nàng phải “bận lòng thêm nữa”, cũng không muốn tâm hồn cô phải “gợn bóng u hoài” vì sự xuất hiện của một kẻ cái tấm chân tình tha thiết trong cuộc đời của nàng, khiến nàng phải áy náy và day dứt mỗi khi trông thấy sự thất vọng và tình yêu tràn ngập trong đáy mắt ông.

Ông cũng không muốn sự theo đuổi của mình trở thành đá cản chân nàng tìm đến với tình yêu định mệnh, không muốn trở thành kẻ đeo bám, van cầu tình yêu một cách hèn mọn. Thế nên ông quyết định từ bỏ, quyết định đè xuống cái tình yêu vẫn còn nồng nàn, ấm nóng trong trái tim, quyết định giả vờ quên đi cô gái ấy, để nàng thấy mà được vui lòng thanh thản.

Đó chính là một tình yêu thật cao thượng biết mấy, người còn yêu nhưng quyết định lùi bước, để giải thoát tâm hồn người con gái ấy, thể hiện sự tôn trọng tuyệt đối với quyết định từ chối của nàng. Tình yêu của Puskin lúc này thật lý trí và cao thượng biết bao, chẳng có gì hơn việc hy sinh bản thân để người mình yêu được hạnh phúc nữa.

Mà như Xuân Diệu đã viết “Yêu là chết ở trong lòng một ít, vì mấy khi yêu mà chắc được người yêu”, tình yêu là phải chấp nhận hy sinh và rủi ro, Puskin quả thực là người đàn ông có nhân phẩm cao đẹp, lại cũng hiểu được đạo lý của tình yêu.

Thế nhưng những kẻ khi yêu thì mấy khi được bình thường, vừa ban nãy Puskin còn rất lý trí, dứt khoát chấp nhận lùi một bước, từ bỏ tình yêu đã đi vào tuyệt vọng, thì ngay sau đó dường như không kiềm giữ được thi nhân lại bộc lộ tiếng lòng của một một cách da diết và đau đớn.

Tôi yêu em âm thầm không hy vọng
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen”

Hai câu thơ là nỗi lòng của tác giả trong tình yêu, cũng chính là những cung bậc cảm xúc khốn đốn của một tình yêu đơn phương nồng thắm. Yêu người nhưng không dám nói, chỉ dám “âm thầm” nhìn theo bóng lưng người ấy, người cười, ta cười, người khóc ta khóc, sợ rằng nếu không âm thầm, lặng lẽ người con gái ấy biết được tình cảm này sẽ trở nên khó xử mà ngày càng rời xa hơn nữa.

Một nỗi đau khác của yêu đơn phương ấy là kẻ yêu muốn hy vọng mà lại không thể hy vọng, tình cảm chỉ đến từ một phía, phía còn lại hoặc là không biết hoặc là dửng dưng thì biết hy vọng thế nào về một kết quả tốt đep và viên mãn mai sau? Yêu đơn phương lại còn là loại yêu đương ngọt ít, đắng nhiều, những lúc được gần người con gái ấy, trái tim người thi vui mừng, hạnh phúc đến tột cùng, người sợ đó là giấc mơ nên “rụt rè” sợ hãi chỉ cần mình vọng động mọi thứ sẽ tan biến vào hư không mất.

Nhưng lại có những lúc ghen đến phát điên, ghen đến “hậm hực” vì bao kẻ vây xung quanh người con gái ấy, nhìn người ấy dịu dàng đáp lại họ những nụ cười xinh xắn. Thế rồi người thi sĩ lại nhận ra sự đau đớn bất lực của mình trước thứ tình cảm đơn phương này rằng dù có ghen tuông hay gì đi chăng nữa thì cuối cùng chỉ có mình ông biết, nàng vốn dĩ chẳng để tâm, bởi ông thì có quyền gì mà ghen tức, đau đớn và xót xa lắm.

Sau lời giãi bày tâm sự, bộc lộ tình yêu vô vọng của mình, người nghệ sĩ đã lấy lại bình tĩnh và lý trí, lúc này đây đối với ông yêu không còn là việc trông đợi người con gái ấy đáp lại, mà yêu tức là khiến nàng hạnh phúc. Lòng tự tôn của một người đàn ông có bản lĩnh đã đưa ông về đúng vị trí của một người quyết tâm từ bỏ tình yêu bị từ chối, điều ông cần làm lúc này chính là chúc cho cô gái ấy có được một hạnh phúc xứng đáng.

“Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”

Puskin một lần nữa khẳng định lại tình yêu của mình dành cho cô gái “Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm” một cách tự tin và đầy trân trọng, tự hào. Đồng thời người nghệ sĩ cũng rất thông minh và khéo léo trong lời chúc phúc cho cô gái “Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”.

Thứ nhất đó là tấm lòng cao thượng trong tình yêu và sự tôn trọng tuyệt đối dành cho cô gái, ông thực lòng mong cô có thể kiếm tìm được một nửa hạnh phúc cho mình, rồi sống một cuộc sống vui vẻ, thoải mái. Thứ hai nữa trong lời chúc của tác giả nó còn là một lời nhấn mạnh, khẳng định thêm tình yêu sâu sắc của ông dành cho nàng. Ông có một sự tự tin tuyệt đối và niềm tự hào rằng tình yêu của ông chắc chắn sẽ khiến cô gái ấy được hạnh phúc hơn tất cả.

Tôi yêu em là một bài thơ tình chân thực và gần gũi, ngôn ngữ, giản dị và tự nhiên, bộc lộ rất rõ tâm trạng của một người có tình yêu đơn phương trong vô vọng, cũng như thể hiện rõ được tấm lòng chân thành, sâu nặng của Puskin dành cho người con gái ông yêu. Đồng thời bài thơ cũng thể hiện một nhân cách rất đẹp của tác giả sự cao thượng, bao dung trong tình yêu, sẵn sàng hy sinh bản thân để người con gái mình yêu được hạnh phúc, và tấm lòng tôn trọng phụ nữ hết mực.

Đây có thể xem là một bài học đối nhân xử thế rất hữu ích cho những ai đang, đã và sẽ yêu, giúp ta xử lý thật tốt các mối quan hệ trong tình yêu của bản thân.

Phân tích bài thơ Tôi yêu em - mẫu 4

Nhắc đến nền văn học Nga không thể không nhắc tới một nhà văn, nhà thơ nổi tiếng là vị thiên tài Puskin. Ông được mệnh danh là “Mặt trời thi ca Nga” với những cống hiến to lớn, vĩ đại trong sự nghiệp. Thơ ông là sự kết hợp hài hoà giữa một tâm hồn khát khao yêu đương và một lí trí hết mực sáng suốt. Bài thơ Tôi yêu em là một trong những tuyệt tác bất hủ của ông. Một bài thơ ngợi ca vẻ đẹp của tình yêu chân chính, cao thượng của một trái tim khao khát yêu và được yêu:

“Tôi yêu em đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai”

Lời bộc bạch nhẹ nhàng nhưng khẳng định được tình yêu của “tôi” dành cho “em” theo thời gian là không thay đổi “tôi yêu em – đến nay chừng có thể”. Đó là tình yêu đã từ lâu rồi và giờ vẫn còn vẹn nguyên, đó là tình cảm rất chín chắn dài lâu chứ không phải là thứ tình cảm bồng bột của tuổi trẻ nữa. Tôi đã yêu em như thế, như một cuộc hành trình đơn phương độc bước một mình trên con đường tình yêu gửi đến “em”. Một tình cảm chẳng thể phai mờ, theo thời gian ngọn lửa tình ấy vẫn bùng cháy và da diết, trọn vẹn trong trái tim “tôi”.

Tình yêu ấy dù đã từng muốn quên đi, muốn chôn sâu vẫn không thể nguôi nỗi nhớ, vẫn chẳng thể phai tàn chỉ bởi “tôi” vẫn còn yêu. Ngọn lửa ấy vẫn âm ỉ trong sâu thẳm tâm hồn để rồi phải bật lên lời thổn thức từ trái tim, từ chính lí trí đang giằng xé giữa yêu và từ bỏ tình yêu ấy:

Nhưng không để em bận lòng thêm nữa
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài”

“Tôi yêu em” là thật, tôi mong em hạnh phúc cũng là thật, tôi mong em không phải đau khổ cũng là thật. Bởi có ai yêu mà muốn người mình thương phải khóc lóc, khổ đau, phải bận lòng. Trái tim tôi yêu em nhưng cũng không hề muốn em phải khó xử, phải bận lòng hay áy náy vì tôi. Dù tôi có phải chịu đựng bao nhiêu nỗi ấm ức, chờ đợi của tình yêu ấy thì vẫn không muốn em phải khổ đau, phải dằn vặt, chẳng muốn em phải buồn vì bất cứ điều gì cả.

Đó là một tình yêu chân thành, một tình yêu không chỉ nghĩ đến cảm xúc của mình mà còn biết trăn trở, chua xót, suy tư khi nghĩ đến xúc cảm của người thương. Đó là một tình yêu cao thượng, không toan tính, giàu lòng bao dung. Nhà thơ đấu tranh giữa tình cảm và lý trí, giữa cảm xúc và sự rạch ròi. Lý trí tưởng như đã điều khiển được trái tim, nhưng sự mãnh liệt của tình yêu tôi dành cho em đã vượt lên cả lý trí vốn rạch ròi kia, cảm xúc chiếm lĩnh lấy lý trí kia, để phải thốt lên những tâm tình tự tận đáy lòng gửi đến em:

“Tôi yêu em âm thầm không hy vọng
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen”

Đó là những tâm trạng, những hỗn độn của trái tim tôi khi được yêu em. Tình yêu ấy không mong cầu sự đền đáp từ em. Tôi biết đó là tình yêu không hy vọng có quả ngọt lành, vậy mà tôi vẫn cứ âm thầm, âm thầm yêu em. Khi rụt rè trước vẻ xinh đẹp của em, khi lại lo sợ sẽ mất em, có khi ghen tuông, hậm hực, nhưng tất cả những cung bậc cảm xúc ấy chỉ bởi tôi dành trọn tình yêu của mình cho em. Càng yêu em mãnh liệt, tôi càng mong em có được yên bình, hạnh phúc:

“Tôi yêu em yêu chân thành đằm thắm
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”

Tình yêu đằm thắm, dịu dàng, chân thành tôi dành cho em. Một mối tình lý tưởng và ngọt ngào gửi đến em dù cho đó chỉ là tình cảm đơn phương của tôi. Và bằng trái tim yêu thương dành cho em mà tác giả đã gửi đến em lời chúc phúc đầy cao thượng như thế: “Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”. Hoá ra, yêu không chỉ là dành cho nhau nhưng cử chỉ ngọt ngào, dành cho nhau những lời hát yêu thương, những quan tâm thực tại.

Mà yêu còn là sự hi sinh, sẵn sàng buông bỏ để chúc em có được hạnh phúc. Bởi khi em hạnh phúc rồi thì tôi mới được an lòng. Một lời chúc chân thành mà nói lên được bao điều nơi tâm hồn nhân vật trữ tình. Có lời chúc ấy thôi mà ẩn chứa bao nét đẹp nơi trái tim của tác giả. Mong cầu em sẽ gặp được người tình yêu em như chính tình yêu của tôi dành cho em, mãnh liệt, chân thành và cao đẹp. Và lời mong cầu ấy còn khẳng định thêm một lần nữa tình yêu duy nhất, xứng đáng và đẹp đẽ nhất mà “tôi” gửi đến “em”.

Bài thơ thật nhẹ nhàng, giản dị mà tinh tế, không chỉ đẹp trong ngôn ngữ, trong câu từ mà nó đẹp bởi trái tim hồn hậu, tha thiết của nhân vật. Một tình yêu vị tha, giàu hi sinh và cao thượng, một tình yêu khiến bao trái tim phải thổn thức, suy ngẫm và càng thêm trân trọng những khoảnh khắc đẹp đẽ trong tình yêu.

Xem thêm các bài Văn mẫu phân tích, dàn ý tác phẩm lớp 11 khác:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH LUYỆN THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 11

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi, sách dành cho giáo viên và gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


toi-yeu-em.jsp


Giải bài tập lớp 11 sách mới các môn học
Tài liệu giáo viên