10+ Cảm nghĩ về truyện Thạch Sanh (điểm cao)



Đề bài: Cảm nghĩ của em về truyện Thạch Sanh.

10+ Cảm nghĩ về truyện Thạch Sanh (điểm cao)

Quảng cáo

Bài giảng: Thạch Sanh - Cô Trương San (Giáo viên VietJack)

Cảm nghĩ về truyện Thạch Sanh - mẫu 1

   Trong truyện cổ nước ta thường có những nhân vật độc đáo, tiêu biểu cho vẻ đẹp của trí tuệ, tài năng và tâm hồn của con người Việt Nam.

   Thạch Sanh là truyện kể về người dũng sĩ chém chằn tinh, diệt đại bàng, cứu người bị hại. Tiếng đàn của chàng vạch mặt kẻ vong ơn bội nghĩa và làm nhụt chí quân xâm lược.

   Truyện thể hiện ước mơ, niềm tin về đạo đức, công lí xã hội và lí tưởng nhân nghĩa, yêu hòa bình của nhân dân ta. Trong truyện có nhiều chi tiết thần kì độc đáo và giàu ý nghĩa (như sự ra đời kì lạ của Thạch Sanh, cung tên vàng, cây đàn thần, niêu cơm thần…). Có thể nói, trong những nhân vật chính diện mà truyện cổ tích Việt Nam xây dựng nên thì Thạch Sanh là nhân vật đẹp nhất và tiêu biểu nhất.

   Sự ra đời và lớn lên của Thạch Sanh có những nét vừa bình thường vừa khác thường.

Quảng cáo

   Xét về nguồn gốc thì Thạch Sanh không phải người thường. Theo truyện kể thì vợ chồng nhà họ Thạch (ở Cao Bằng), tuổi đã già mà chưa có con. Thấy họ tốt bụng, Ngọc Hoàng sai thái tử xuống trần đầu thai làm con. Bà mẹ mang thai nhiều năm mới sinh ra Thạch Sanh. Lớn lên, chàng lại được các vị thần dạy cho đủ các môn võ nghệ và mọi phép thần thông. Như vậy Thạch Sanh là "người trời".

   Những chi tiết về sự ra đời và lớn lên khác thường của Thạch Sanh có ý nghĩa tô đậm tính chất kì lạ, đẹp đẽ cho nhân vật lí tưởng, làm tăng sức hấp dẫn cho câu chuyện. Nhân dân quan niệm rằng, nhân vật ra đời và lớn lên kì lạ như vậy tất sẽ có khả năng, phẩm chất phi thường và sẽ lập được nhiều chiến công lừng lẫy.

   Bình thường ở chỗ Thạch Sanh là con của một gia đình nông dân tốt bụng, sống nghèo khổ bằng nghề kiếm củi. Khi đầu thai vào nhà họ Thạch, Thạch Sanh đã thành người cõi trần, có cha mẹ, họ tên, quê quán, nghề nghiệp cụ thể, rõ ràng. Cuộc đời và số phận Thạch Sanh rất gần gũi với nhân dân.

   Thạch Sanh mồ côi cha từ khi còn ở trong bụng mẹ, rồi vừa mới lớn đã mất luôn cả mẹ. Chàng sống một thân một mình từ tấm bé. Đó là đặc điểm có tính phổ biến của các nhân vật chính diện trong truyện cổ tích thần kì. Ngoài đặc điểm ấy, nhân vật Thạch Sanh còn có tính chất của nhân vật thần thoại và nhân vật anh hùng trong truyền thuyết.

Quảng cáo

   Thạch Sanh sống trong túp lều cũ ở dưới gốc đa. Cả gia tài chỉ có một lưỡi búa của cha để lại. Thân cô, thế cô, chàng phải chịu bao khó khăn thử thách của cuộc đời.

   Đầu tiên là chuyện chàng bị mẹ con Lí Thông lừa đi canh miếu thờ để thế mạng. Bằng tài năng của mình, Thạch Sanh đã diệt được chằn tinh.

   Sau đó là chuyện công chúa bị đại bàng khổng lồ quắp đi. Thạch Sanh đã xuống hang tiêu diệt đại bàng, cứu được công chúa. Chàng bị Lí Thông cố tình hãm hại, lấp mất cửa hang. Trong khi tìm lối thoát, chàng lại cứu được con vua Thủy Tề và được tặng cây đàn thần. Trở về gốc đa, bị hồn chằn tinh và đại bàng báo thù, Thạch Sanh bị bắt hạ ngục. Nỗi oan của chàng được giải. Mẹ con Lí Thông độc ác bị trừng trị, biến thành bọ hung. Thạch Sanh được kết hôn với công chúa. Hoàng tử mười tám nước chư hầu trước kia bị công chúa từ hôn lấy làm tức giận, họp nhau kéo quân sang đánh. Thạch Sanh lấy đàn thần ra gảy, quân sĩ mười tám nước rút lui. Thạch Sanh và công chúa từ đó sống hạnh phúc bên nhau.

   Trong truyện, khó khăn, trắc trở cứ tăng dần, thử thách sau bao giờ cũng gay go hơn thử thách trước. Thạch Sanh đã vượt qua tất cả nhờ tài năng, phẩm chất và sự giúp đỡ của các phương tiện thần kì.

   Qua thử thách, Thạch Sanh đã dần dần bộc lộ những phẩm chất quý báu. Đó là tính thật thà chất phác, tinh thần dũng cảm vì nghĩa quên thân, lòng nhân ái và yêu chuộng hòa bình.

   Chiến công, sự nghiệp to lớn của Thạch Sanh gắn liền với tài năng và phẩm chất đẹp đẽ của chàng. Tác giả dân gian đã phản ánh điều ấy rất thành công bằng nghệ thuật hoang đường, kì ảo của truyện cổ tích.

Quảng cáo

   Ngoại hình của Thạch Sanh được miêu tả đơn sơ nhưng rất rõ nét. Đó là một chàng trai khôi ngô, khỏe mạnh, quanh năm mình trần, đóng khố. Gia tài của chàng chỉ có hai thứ tầm thường là lưỡi búa đốn củi và túp lều nát dưới gốc đa.

   Tuy nghèo nhưng Thạch Sanh có đủ ba điều quý giá ban đầu: sức khỏe, tài năng, nghị lực; có công cụ lao động và mảnh đất quê hương để từ đó làm nên tất cả.

   Nhờ cây búa của cha để lại và phép thuật mà các vị thần dạy cho, Thạch Sanh đã chém được đầu chằn tinh. Sau khi đốt xác quái vật, chàng có thêm chiếc cung tên bằng vàng. Thạch Sanh đã dùng cung tên diệt đại bàng, cứu công chúa và Thái tử con vua Thủy Tề. Chàng được vua Thủy Tề tặng cho cây đàn thần.

   Ở nhân vật Thạch Sanh, yếu tố bình thường gắn liền với yếu tố phi thường, sức người kết hợp với sức thần một cách chặt chẽ, hài hòa.

   Những lần bị Lí Thông và yêu quái hãm hại, Thạch Sanh không được Tiên, Bụt hiện lên giúp đỡ nhưng chàng lại có trong tay những phương tiện kì diệu (cung vàng, đàn thần). Tài năng của chàng là tài năng của con người kết hợp với sức mạnh của thần thánh.

   Tiếng đàn thần vô cùng kì diệu đã giải oan cho Thạch Sanh, vạch tội Lí Thông, làm cho công chúa hết câm, khiến cho đội quân xâm lược của mười tám nước phải mềm lòng nhụt chí, buông giáo xin hàng. Đó là tiếng nói nhân nghĩa và công lí, đại diện cho cái thiện, cho tinh thần yêu chuộng hòa bình của nhân dân.

   Với cây đàn thần trong tay, Thạch Sanh được miêu tả như một nghệ sĩ tài hoa, một anh hùng trong cuộc đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác để bảo vệ cuộc sống yên vui cho mọi người.

   Giặc chấp nhận lui binh, được Thạch Sanh dọn một bữa cơm thết đãi. Niêu cơm thần kì của Thạch Sanh cứ vơi lại đầy, làm cho quân sĩ mười tám nước lúc đầu coi thường và chế giễu, sau đó phải ngạc nhiên khâm phục. Niêu cơm thần kì ấy tượng trưng cho sức mạnh tiềm tàng và tấm lòng nhân đạo cao cả, rộng lớn của nhân dân ta.

   Kết thúc truyện, Thạch Sanh được kết hôn cùng công chúa và lên ngôi vua. Đây là phần thưởng lớn lao, xứng đáng với những khó khăn, thử thách và tài năng của Thạch Sanh. Kết thúc có hậu ấy thể hiện quan điểm ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác, đồng thời phản ánh ước mơ công lí, ước mơ đổi đời của người lao động thuở xưa.

Cảm nghĩ về truyện Thạch Sanh - mẫu 2

Truyện Thạch Sanh thể hiện cho vẻ đẹp của trí tuệ, tài năng và tâm hồn của con người Việt Nam. Qua câu chuyện, cha ông muốn nhắc lại một chân lí đúng đắn rằng, cái thiện bao giờ cũng chiến thắng cái ác, người tốt bao giờ cũng đánh bại kẻ xấu.

Thạch Sanh là truyện kể về người dũng sĩ thật thà mộc mạc, có sức mạnh phi thường có thể chém chằn tinh, diệt đại bàng, cứu người bị hại. Ngoài sức mạnh phi thường ấy, tiếng đàn của chàng có thể vạch mặt kẻ vong ơn bội nghĩa và làm nhụt khí quân xâm lược.

Thông qua các nhân vật trong truyện câu truyện thể hiện ước mơ, niềm tin về đạo đức, công lí xã hội và lí tưởng nhân nghĩa, yêu hòa bình của nhân dân ta. Trong truyện có nhiều chi tiết độc đáo và giàu ý nghĩa (như sự ra đời kì lạ của Thạch Sanh, cung tên vàng, cây đàn thần, niêu cơm thần…). Có thể nói, trong những nhân vật chính diện mà truyện cổ tích Việt Nam đã xây dựng nên thì Thạch Sanh là nhân vật đẹp nhất và tiêu biểu nhất.

Nhân dân đã tưởng tưởng ra cái nguồn gốc xuất thân của chàng Thạch Sanh thật kì lạ. Xét về nguồn gốc thì Thạch Sanh không phải người thường. Theo truyện kể thì vợ chồng nhà họ Thạch (ở Cao Bằng), tuổi đã già mà chưa có con. Thấy họ tốt bụng, Ngọc Hoàng sai thái tử xuống trần gian đầu thai làm con. Bà mẹ mang thai nhiều năm mới sinh ra Thạch Sanh. Lớn lên, chàng lại được các vị thần dạy cho đủ các môn võ nghệ và mọi phép thần thông. Như vậy Thạch Sanh là "người trời".

Những chi tiết về sự ra đời và lớn lên khác thường của Thạch Sanh có ý nghĩa tô đậm tính chất kì lạ, đẹp đẽ cho nhân vật lí tưởng làm tăng sức hấp dẫn cho câu chuyện. Nhân dân quan niệm rằng, nhân vật ra đời và lớn lên kì lạ như vậy tất sẽ có khả năng, phẩm chất phi thường và sẽ lập được nhiều chiến công lừng lẫy.

Thạch Sanh là người trời nhưng khi làm con trong gia đình nông dân chàng đã thành người cõi trần, có cha mẹ, họ tên, quê quán, nghề nghiệp, cụ thể, rõ ràng. Cuộc đời và số phận Thạch Sanh rất gần gũi với nhân dân.

Thạch Sanh mồ côi cha từ khi còn ở trong bụng mẹ, rồi vừa mới lớn mất luôn cả mẹ. Chàng sống một thân một mình từ bé. Đó là đặc tính phổ biến của các nhân vật chính diện trong truyện cổ tích thần kì. Ngoài đặc điểm ấy, nhân vật Thạch Sanh còn có tính chất của nhân vật thần thoại và nhân vật anh hùng trong truyền thuyết.

Thạch Sanh sống trong túp lều cũ ở dưới gốc đa. Cả gia tài chỉ có một lưỡi rìu mà cha để lại. Thân cô, thế cô, chàng phải chịu bao khó khăn thử thách của cuộc đời. Chàng kết thân với Lí Thông và coi mẹ con Lí Thông như gia đình của mình. Thế nhưng chàng bị mẹ con Lí Thông lừa đi canh miếu thờ để thế mạng. Bằng tài năng của mình, Thạch Sanh đã diệt được chằn tinh.

Sau đó là câu chuyện công chúa bị đại bàng khổng lồ quắp đi. Thạch Sanh đã xuống hang tiêu diệt đại bàng, cứu được công chúa. Chàng bị Lí Thông cố tình hãm hại, lấp mất cửa hang. Trong khi tìm lối thoát, chàng lại cứu được con vua Thủy Tề và được tặng cây đàn thần. Trở về gốc đa, bị hồn của chằn tinh và đại bàng báo thù, bọn chúng bị Thạch Sanh hạ ngục. Nỗi oan của chàng được giải. Mẹ con Lí Thông độc ác bị trừng trị, biến thành bọ hung. Thạch Sanh được kết hôn với công chúa. Hoàng tử mười tám nước chư hầu trước kia bị công chúa từ hôn nay lấy làm tức giận, họp nhau kéo quân sang đánh. Thạch Sanh lấy đàn thần ra gảy, quân sĩ mười tám nước rút lui. Thạch Sanh và công chúa từ đó sống hạnh phúc bên nhau.

Những khó khăn, trắc trở với chàng Thạch Sanh cứ tăng dần, thử thách sau bao giờ cũng gay go hơn thử thách trước. Thạch Sanh đã vượt qua tất cả bằng tài năng, phẩm chất và sự giúp đỡ của các phương tiện thần kì. Điều đó thể hiện một lời khẳng định rằng, cái ác dù có mưu mô xảo quyệt đến đâu cũng không thể thắng được cái thiện cái đúng đắn.

Thạch Sanh được xây dựng lên là một chàng trai tuy nghèo nhưng có đủ ba điều quý giá ban đầu: sức khỏe, nghị lực và tài năng; có công cụ và mảnh đất quê hương để từ đó làm nên tất cả.Ở nhân vật Thạch Sanh, yếu tố bình thường gắn liền với yếu tố phi thường, sức người kết hợp với sức thần một cách chặt chẽ, hài hòa. Những lần bị Lí Thông và yêu quái hãm hại, Thạch Sanh không được Tiên, Bụt hiện lên giúp đỡ nhưng chàng lại có trong tay những phương tiện kì diệu cung vàng, đàn thần. Điều này thể hiện ý tưởng sâu xa của nhân dân, tài năng của chàng là tài năng của con người kết hợp với sức mạnh của thần thánh.

Tiếng đàn thần vô cùng kì diệu đã giải oan cho Thạch Sanh, vạch tội Lí Thông, làm cho công chúa hết câm, khiến cho đội quân xâm lược của mười tám nước phải mềm lòng nhụt chí, buông giáo xin hàng. Đó là tiếng nói nhân nghĩa và công lí, đại diện cho cái thiện, cho tinh thần yêu chuộng hòa bình của nhân dân.

Với cây đàn thần trong tay, Thạch Sanh được miêu tả như một nghệ sĩ tài hoa, một anh hùng trong cuộc đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác để bảo vệ cuộc sống yên vui cho mọi người.

Giặc chấp nhận lui binh, được Thạch Sanh dọn một bữa cơm thết đãi. Niêu cơm thần kì của Thạch Sanh cứ vơi lại đầy, làm cho quân sĩ mười tám nước lúc đầu coi thường và chế giễu, sau đó phải ngạc nhiên khâm phục. Niêu cơm thần kì ấy tượng trưng cho sức mạnh tiềm tàng và tấm lòng nhân đạo cao cả, rộng lớn của nhân dân ta.

Cái kết có hậu của câu chuyện đã đáp lại cái ao ước đổi đời cho những con người nghèo khổ nhưng có tấm lòng lương thiện của nhân dân ta. Đó là thành quả đáng được hưởng sau những khó khăn thử thách mà con người đã trải qua. Câu chuyện một lần nữa khẳng định triết lí sống ngàn đời của cha ông ta, cái thiện luôn thắng cái ác, ở hiền gặp lành.

Cảm nghĩ về truyện Thạch Sanh - mẫu 3

Cái thiện luôn thắng cái ác, người tốt bao giờ cũng đánh bại kẻ xấu, đó là những gì mà truyện cổ tích mang lại cho chúng ta thông qua những chi tiết, nhân vật thần kỳ, hư cấu. Truyện “Thạch Sanh” là một trong những câu chuyện cổ tích như vậy. Truyện Thạch Sanh thể hiện cho vẻ đẹp trí tuệ và tài năng của con người Việt Nam. Thông qua nhân vật Thạch Sanh, chúng ta có hiểu nhận ra điều nhiều điều lí thú từ câu chuyện.

Nhân vật Thạch Sanh được tác giả câu chuyện hư cấu thì việc một cặp vợ chồng lấy nhau đã lâu mà không có con. Ngọc hoàng thấy vậy bèn cử Thái Tử xuống làm con của họ. Từ đó người vợ có thai, khi người cha mất thì cậu bé chưa được sinh ra. Một thời gian sau đó, người vợ sinh hạ được một người con trai và đặt tên là Thạch Sanh. Không lâu sau đó, người vợ cũng mất, về thế giới bên kia với người chồng thì Thạch Sanh sống côi cút một dưới túp lều trong rừng. Tài sản duy nhất mà người cha để lại cho cậu đó là một cái rìu chặt củi. Ngày ngày cậu đi chặt củi để bán kiếm tiền mua gạo để ăn qua ngày. Qua chi tiết này, ta có thể thấy Thạch Sanh là một người khỏe mạnh, cần cù, chịu khó.

Có một lần, Ngọc Hoàng cử người xuống để dạy cho Thạch Sanh võ nghệ, nhiều phép biến hóa để sống sót, mưu sinh trong khu rừng đầy nguy hiểm rình rập. Nhận thấy Thạch Sanh khỏe mạnh, cần cù, Lí Thông đã lợi dụng thông qua nhiều sự việc đặc sắc, hấp dẫn người đọc. Thứ nhất là việc giết Chằn Tinh- một con trăn lâu năm phá hoại cuộc sống của người dân, hàng năm thì mỗi hộ gia đình phải nộp cho nó một mạng người để nó không quậy phá để dân làng yên ổn làm ăn. Đến lượt nhà Lí Thông thì hai mẹ con họ lừa Thạch Sanh vào thay thế. Với bản tính lương thiện và tin tưởng người khác thì Thạch Sanh đã đi thay Lí Thông. Tất nhiên, với tài năng và sức mạnh của mình, Thạch Sanh không thể nào chịu thua trước một con quái vật được. Bằng chiếc rìu của mình, Thạch Sanh đã chém đôi con Chằn Tinh. Công lao to lớn của Thạch Sanh lại bị Lí Thông cướp mất khi tên Lí Thông mang đầu Chằn Tinh mà Thạch Sanh đã đưa về để đến lập công với nhà vua. Lí Thông là đại diện của cái ác, người xấu trong câu chuyện.

Câu chuyện không dừng lại ở đó, tên Lí Thông thật độc ác, không có tính người khi Thạch Sanh đang cứu công chúa thì nó lại lấp hang lại, không có đường cho Thạch Sanh trốn thoát. Nhưng cũng may thay, cái thiện luôn chiến thắng, bằng sức mạnh và những phép biến hóa của mình, Thạch Sanh đã giết được con Đại Bàng, ngoài ra còn cứu sống được Thái tử của vua Thủy.

Nhân vật Thạch Sanh được xây dựng trong câu chuyện là một chàng trai tuy nghèo nhưng có đầy đủ ba điều quý giá ban đầu: sức khỏe, nghị lực và tài năng; có công cụ và mảnh đất quê hương để từ đó làm nên tất cả.Ở nhân vật, yếu tố bình thường gắn liền với yếu tố phi thường, sức người kết hợp với sức thần một cách chặt chẽ, hài hòa. Những lần bị Lí Thông và yêu quái hãm hại, Thạch Sanh không được Tiên hay Bụt hiện lên giúp đỡ nhưng chàng lại có trong tay những phương tiện kì diệu cung vàng, đàn thần. Nhân dân ta muốn khẳng định được tài năng và sức mạnh luôn đi kèm với nhau ở nhân vật thần kỳ có chút hư cấu này.

Tiếng đàn thần vô cùng kì diệu đã giải oan cho Thạch Sanh, vạch được tội ác Lí Thông, làm cho công chúa hết câm, khiến cho đội quân xâm lược của mười tám nước phải mềm lòng, không còn ý chí chiến đấu, buông giáo xin hàng. Đó là tiếng nói nhân nghĩa và công lí, đại diện cho cái thiện, cho tinh thần yêu chuộng hòa bình của nhân dân. Qua đó thể hiện rõ yếu tố đặc trưng của truyện cổ tích Việt Nam.

Với cây đàn thần trong tay, Thạch Sanh được miêu tả như một nghệ sĩ tài hoa, một anh hùng trong cuộc đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác để bảo vệ cuộc sống bình yên cho mọi người.

Cái kết của câu chuyện cũng là mong muốn của người đọc, của toàn thể nhân dân ta, chiến thắng của cái thiện luôn là cái kết tốt đẹp nhất cho mỗi câu chuyện cổ tích. Truyện “Thạch Sanh” đã khẳng định lại một lần nữa triết lý sống của ông cha ta, người tốt luôn chiến thắng kẻ ác.

Cảm nghĩ về truyện Thạch Sanh - mẫu 4

“Đàn kêu: Ai chém chằn tinh
Cho mày vinh hiển dự mình quyền sang?
Đàn kêu: Ai chém xà vương
Đem nàng công chúa triều đường về đây?
Đàn kêu: Hỡi Lí Thông mày
Cớ sao phụ nghĩa lại rày vong ân?
Đàn kêu: Sao ở bất nhân
Biết ăn quả lại quên ân người trồng?”

Chắc hẳn khi đọc những vần thơ này, một miền kí ức tuổi thơ của chúng ta lại hiện về với những trang truyện Thạch Sanh qua lời kể của bà, của mẹ bởi đây là câu chuyện cổ tích phổ biến, được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân. Truyện không chỉ hấp dẫn bởi những yếu tố li kì mà còn bởi giá trị nhân sinh mà nó mang lại. Một câu chuyện về thiện-ác ở đời, về cách đối nhân xử thế và trên hết là mong ước hòa bình, ước mơ về công lí xã hội của nhân dân.

Truyện kể về Thạch Sanh, một cậu bé mồ côi từ nhỏ, vốn là thái tử được Ngọc Hoàng sai xuống đầu thai làm con một gia đình tiều phu nghèo nhưng sống lương thiện. Chàng sống trong túp lều tranh với tài sản là chiếc rìu bố mẹ để lại. Được một người anh tên là Lí Thông kết nghĩa, vốn cuộc sống “tứ cố vô thân”, không nơi nương tựa nên Thạch Sanh vui vẻ nhận lời ngay và lấy làm cảm động vô cùng, nhưng cũng từ đó chàng phải chịu bao thách thức và khó khăn. Đó là khi phải thay hắn canh miếu thờ, giết chằn tinh mà thực chất là đem thân thế mạng.

Xuống hang diệt đại bàng cứu công chúa rồi bị chính người anh mình tin cậy nhốt trong hang và lần vào ngục định mệnh khi bị hồn chằn tinh và đại bàng báo thù. Đây cũng chính là nơi chàng giải oan cho chính mình bằng tiếng đàn được vua Thủy Tề tặng. Vượt qua bao thử thách, gian nan, ta thấy được trong tâm hồn một chàng trai bất hạnh ấy bao phẩm chất tốt đẹp. Một đứa trẻ sớm mồ côi, chàng ao ước biết bao tình thương của người thân, được Lí Thông ngỏ lời kết nghĩa anh em, chàng đồng ý ngay mà chẳng chút do dự. Một con người thật thà lương thiện, sống có tình nghĩa và đầy bản lĩnh, biết giúp đỡ người khi gặp khó khăn hoạn nạn.

Khi cứu công chúa và con vua Thủy Tề, chàng cũng không tham phú quý mà chỉ xin nhận một cây đàn thần rồi trở về gốc đa. Trái với một Thạch Sanh mưu trí, dũng cảm, lương thiện ấy là một Lý Thông- kẻ độc ác, hèn nhát, trục lợi, toan tính và đầy ích kỉ. Một kẻ kết thân với người khác chỉ để vụ lợi. Một kẻ sẵn sàng đẩy em mình vào chỗ chết chỉ để cứu sống bản thân mình. Một kẻ cướp công lao của người khác để lấy hư danh. Một kẻ giả nhân, giả nghĩa, vô dụng, cơ hội.

Và cuối cùng kẻ ác bao giờ cũng phải chịu hậu quả, người lương thiện sau cùng cũng có cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó là quy luật của cuộc sống. Thạch Sanh được giải oan, cưới được công chúa xinh đẹp nết na trước sự khâm phục của mười tám nước chư hầu. Kẻ bại trận nhục nhã là mẹ con Lí Thông, dù được sự bao dung của Thạch Sanh nhưng ông trời đã không lượng thứ cho tội lỗi mà họ gây ra, nửa đường về bị sét đánh và biến thành bọ hung.

Mỗi tác phẩm đều chứa đựng những tầng ý nghĩa lớn lao và giá trị sâu sắc. Tác phẩm văn học hay là những tác phẩm soi rọi và cứu rỗi tâm hồn con người, làm cho con người vươn tới những giá trị chân , thiện, mỹ. Bằng những chi tiết thần kì như niêu cơm thần, cây đàn thần,…cốt truyện tuy đơn giản nhưng hấp dẫn, xây dựng hệ thống nhân vật đối lập giữa thiện và ác, truyện cổ tích Thạch Sanh đã đưa lại cho chúng ta bài học về cách sống. Hãy sống thật thà và lương thiện, sống tình nghĩa với mẹ cha, anh em, bao dung với những lỗi lầm của người khác, ngay cả với những kẻ đối xử không tốt với mình.

Hãy là những con người dũng cảm, lạc quan, vươn lên trước nghịch cảnh, khó khăn của cuộc sống. Sự an nhiên thanh thản trong tâm hồn sẽ không dành cho những kẻ độc ác, ích kỉ, trục lợi trên công sức lao động của người khác. Truyện còn giáo dục cho chúng ta về lòng yêu chuộng hòa bình, tinh thần nhân ái và đạo lí “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Cảm nghĩ về truyện Thạch Sanh - mẫu 5

"Thạch Sanh" là một truyện cổ tích kì diệu nhất trong kho tàng truyện cổ dân gian Việt Nam. Hình ảnh chàng dũng sĩ chém Chằn tinh, bắn Đại bàng; và với cây đàn thần, niêu cơm thần, chàng dũng sĩ đã đem đến cho thế giới tuổi thơ bao kì thú, bao giấc mơ đẹp.

Thạch Sanh là con Trời. Vợ chồng tiều phu hiền lành, tốt bụng, gần xa ai cũng quý mến. Ngọc Hoàng đã thương tình cho Thái tử xuống trần đầu thai. Khác với người trần, Thạch Sanh nằm trong bụng mẹ nhiều năm mới cất tiếng chào đời. Yếu tố hoang đường ấy tạo nên chất kì diệu của truyện ca ngợi tính phi thường của Thạch Sanh. Vợ chồng tiều phu đã được Ngọc Hoàng thương cho đứa con trai khôi ngô tuấn tú nối dõi tông đường. Đó là niềm tin của dân gian: "Ở hiền thì gặp lành".

Mọi thứ hạnh phúc ở cõi trần đều có giá và phải trả giá. Con đường của Thạch Sanh cũng đầy gian truân. Phải chăng Ngọc Hoàng thử thách Thái tử? Mồ côi cả bố lẫn mẹ. Nhà nghèo, một túp lều ở gốc đa. Chỉ một chiếc búa cùn. Chỉ có một nghề kiếm củi độ thân. Tuổi thơ bơ vơ, thật đáng thương! Thiên thần đã đôn với đứa con mồ côi: dạy võ nghệ, các phép thần thông biến hóa, và trao cho chiếc búa thần. Thạch Sanh đã đổi đời, đã có ít nhiều sức mạnh. Sức mạnh vồ võ nghệ cao cường, về phép thuật thần thông biến hóa, về vũ khí, chiếc búa thần. Qua các chi tiết hoang đường ấy, nhân dân gửi gắm bao ước mơ: phải có sức mạnh vô địch để sông, để tồn tại, để chiến thắng trong một thê giới đầy ma quỷ!

Cuộc đời Thạch Sanh là những năm tháng đầy gian truân thử thách, chiến công nối tiếp chiến công. Thạch Sanh đến miếu thần là để thế mạng cho Lý Thông. Nhưng chàng đâu có biết? Chằn tinh là một yêu quái khổng lồ, có nanh sắc, có nọc độc, có sức mạnh ghê gớm, lại biết tàng hình, lắm phép lạ, người đời sợ khiếp, vua quan chịu bó tay. Chằn tinh xuất hiện bất ngờ khi Thạch Sanh đang lim dim mắt nằm ngủ… Trong thế bị động, nhưng Thạch Sanh cực kì dũng cảm, tài trí đã dùng phép và búa thần giáng trả quái vật. Chằn tinh bị Thạch Sanh chém chết, bị cắt đầu, bị bổ xác. Một bộ cung tên vàng hiện ra. Thạch Sanh đã diệt trừ quái vật, trừ hậu họa cho nhân dân. Chàng dũng sĩ có thêm vũ khí mới: cung tên thần. Thạch Sanh đã có búa thần để đánh gần, đánh ở tầm thấp, giờ đây lại có cung tên thần, để đánh ở tầm cao, tầm xa. Thử hỏi, kẻ thù nào địch nổi chàng dũng sĩ?

Đại bàng là một kẻ thù rất nguy hiểm vì nó ở trên trời, lại có hang ổ sâu kín bí mật. Thái tử con vua Thủy tề còn bị Đại bàng bắt sống, giam giữ trong cũi sắt! Công chúa con vua còn bị Đại bàng quắp đi giữa thanh thiên bạch nhật trong lễ hội kén phò mã trước mắt bách võ bá quan và đông đủ anh tài trong thiên hạ! Thạch Sanh chỉ bắn một mũi tên vàng mà đã làm cho Đại bàng bị trọng thương. Lần theo vết máu, dũng sĩ tìm đến hang ổ ác điểu. Đại bàng có mỏ sắc, vuốt nhọn, có sức mạnh ghê gớm lao tới mổ, cắn xé Thạch Sanh. Vung búa thần giáng trả, dùng cung tên bắn mù hai mắt quái vật. Đại bàng bị giết, bị phanh xác. Một kẻ thù nguy hiểm nữa của nhân dân đã bị chàng dũng sĩ tiêu diệt!

Chiến công diệt Đại bàng là một kì tích vì Thạch Sanh đã cứu được nàng công chúa và Thái tử con vua Thủy tề! Chiến công chân động cõi đời và còn vang dội tới vương quốc Thủy tề. Từ thủy phủ trở về, Thạch Sanh chỉ cầm trong tay một cây đàn thần làm kỉ niệm một chuyến viễn du thú vị. Chàng lại trở về gốc đa, chôn cũ yêu thương. Với chàng dũng sĩ thì vàng bạc châu báu cũng như dinh thự nguy nga, của ngon vật lạ đều trở nên xa lạ. Túp lều gốc đa là nơi đã sinh ra, lớn lên, với bao kỉ niệm buồn vui. Thạch Sanh trở về gốc đa tình tiết này, phải chăng nói lên quan niệm nhân sinh tốt đẹp của nhân dân thời xưa: "Một túp lều gianh, một trái tim vàng"?

Với Thạch Sanh, cây đàn thần không phải là một nhạc cụ để mua vui mà là một vũ khí vô cùng linh nghiệm. Nơi anh đánh đàn, gảy đàn là trong ngục. Tiếng đàn để giãi bày. Tiếng đàn như một thứ "thần dược" làm cho công chúa đang bị câm nghe tiếng đàn mà nói lên được! Nhờ tiếng đàn mà chàng dũng sĩ được gặp lại người đẹp, rồi được minh oan, để vạch trần bộ mặt thật của Lý Thông, tên bán rượu xảo quyệt, cướp công, độc ác, âm mưu hãm hại người…

Thạch Sanh không dùng búa thần, cung tên thần để giao tranh với tướng sĩ 18 nước chư hầu, mà chỉ dùng đàn thần đế lui giặc. Đó là tiêng đàn hóa bình. Niêu cơm Thạch Sanh là niêu cơm hàng vạn người ăn mãi không hết; niêu cơm ấm no, hạnh phúc. Đàn thần và niêu cơm thần đã góp phần tô đậm vẻ đẹp kì diệu truyện "Thạch Sanh". Thạch Sanh tha tội cho Lý Thông, kẻ đã cướp công và hãm hại mình. Hành động ấy thể hiện đức độ lượng, lòng nhân ái bao dung cao đẹp.

Nhân vật Thạch Sanh thật đẹp. Với búa thần, cung tên vàng, đàn thần, với võ nghệ và phép thần thông biến hóa, chàng dũng sĩ đã chém Chằn tinh, giết Đại bàng, trừ diệt cái ác, trừ mọi tai họa cho nhân dân, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, đem lại hòa bình. Thạch Sanh đã trải qua bao gian truân thử thách, lấp lánh bao chiến công hiển hách. Anh đã được kết duyên với công chúa. Anh đã được nhà vua nhường ngôi báu.

Chiến công và hạnh phúc ấy đã thể hiện ước mơ của nhân dân, những ước mơ hồn nhiên, trong sáng và rất đẹp. Thật vậy, truyện "Thạch Sanh" là một truyện cổ tích thần kì, nói lên một giấc mơ đẹp của nhân dân ta bao đời nay.

Cảm nghĩ về truyện Thạch Sanh - mẫu 6

Tuổi thơ của chúng ta luôn gắn liền với những câu chuyện cổ tích ly kỳ, hấp dẫn nhưng cũng đầy ý nghĩa. Đó là chuyện Cây Khế khi khuyên con người ta không được tham lam, đó là chuyện cổ tích Em bé thông minh để ca ngợi sự nhanh trí, thông minh của một em bé, một tài năng của đất nước. Và trong số đó ta không thể không nhắc đến câu chuyện Thạch Sanh, một câu chuyện khuyên mỗi chúng ta phải sống có nhân có nghĩa, không được gian dối và ác giả ác báo.

Truyện Thạch Sanh kể về một chàng trai vốn là con của Ngọc Hoàng được cử xuống dưới trần gian được đầu thai vào một gia đình hai vợ chồng hiếm muộn. Chàng trai càng lớn càng khỏe, luôn biết giúp đỡ cha mẹ và mọi người xung quanh. Một thời gian sau thì cha mẹ chàng qua đời, chồng chỉ sống một mình dưới gốc đa. Một tên bán rượu tên Lý Thông đi ngang qua, thấy Thạch Sanh to lớn, vạm vỡ nên bèn ý kết thân để hòng lợi dụng. Đó cũng chính là hôm Lý Thông phải trở thành vật tế thần cho Chằn Tinh. Vì quá lo sợ, Lý Thông đã nghĩ cách và đẩy cho Thạch Sanh đi hộ. Thạch Sanh do có phép thân thông và sức khỏe vô biên nên đã dùng rìu chém đứt đầu của Chằn Tinh. Vừa hoảng hốt nhưng ngay sau đó Lý Thông mưu mô đã nghĩ ra kế lừa lấy đầu của Chằn Tinh đem đến cho vua để lĩnh thưởng. Thạch Sanh thật thà không nghĩ gì bèn đưa đầu quái vật cho Lý Thông. Lý Thông đem đầu quái vật vào cung và được thăng chức làm Quận Công.

Không lâu sau đó, công chúa bị Đại Bằng bắt cóc. Lý Thông lại chính là người chém được Chằn Tinh – nên nhà vua quyết định cho Lý Thông đem theo quân đi cứu công chúa. Lo lắng, Lý Thông lại nghĩ đến Thạch Sanh. Ở đây mọi người có thể nhận ra, vinh hoa phú quý thì Lý Thông không nhớ đến Thạch Sanh mà chỉ khi nào có họa mới nhớ đến Thạch Sanh, vậy thì gọi như thế nào về tình an hem kết nghĩa này? Một lần nữa, Thạch Sanh lại đồng ý giúp Lý Thông. Nhân lúc Đại bàng ngủ say, Thạch Sanh đã chém chết Đại bàng, giải cứu được công chúa và hoàng tử của thủy cung. Lý Thông một lần nữa lại xen vào, cứu được công chúa và đưa nàng về cung. Bỏ lại Thạch Sanh lại. Không một câu cảm ơn người đã thế mạng mình để đi vào nơi nguy hiểm. Có thể chỉ có Thạch Sanh mới coi Lý Thông là anh trai còn Lý Thông thì chỉ lợi dụng Thạch Sanh mà thôi.

Thạch Sanh đã được hoàng tử mời xuống thủy cung, ở đây chàng được Vua Thủy tề ban cho rất nhiều báu vật để đáp ơn chàng, nhưng chàng không thiết gì mà chỉ xin nhà vua một cây đàn thần. Điều đó càng thể hiện chàng là một người không ham vinh hoa, phú quý hay danh lợi, chàng chỉ muốn đem sức mình ra giúp người, để người dân không bị những con quái thú kia làm hại. Thạch Sanh là một người tốt nhưng sao vẫn cho được trả ơn?

Hồn của Chằn Tinh và Đại Bằng bèn quay về báo thù chàng, khiến chàng bị đẩy vào nhà giam. Chàng dùng tiếng đàn của mình vang vọng trong cung, làm công chúa đang bị câm bèn cất tiếng nói là giải oan cho chàng. Đến đây, người đọc mới được hả hê khi người tốt đã được giải oan và đền đáp xứng đáng còn về tên Lý Thông mưu mô, gian ác khi đã bị trừng phạt. Nhưng nhà vua chỉ đuổi ra khỏi cung, còn tội tày trời của hắn lại để cho ông trời xét xử. Hai mẹ con Lý Thông trên đường đi về nhà đã bị sét đánh chết. Cái chết đó chính là sự trả giá cho những mưu mô, toan tính, xảo quyệt và hãm hại người của Lý Thông. Thế đó mà mới có câu: “Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo”.

Sau khi lấy công chúa và trở thành Phò Mã, Thạch Sanh lai đích thân ra chiến trường để đánh giặc, đem lại hòa bình và hạnh phúc cho nhân dân. Để khao quân sĩ chàng đã đem tặng một niêu cơm cho quân sĩ, điều kỳ lạ ở đây là niêu cơm cứ ăn lại đầy. Kết thúc câu chuyện, người tốt, người xấu đã được đặt về đúng vị trí của mình, đúng như các cụ ta đã nói: “Ông trời không bao giờ phụ lòng người tốt”, điều đó quả là không sai.

Cảm nghĩ về truyện Thạch Sanh - mẫu 7

Trong kho tàng truyện dân gian truyện cổ tích Việt Nam thì chuyện cổ tích Thạch Sanh là một câu chuyện cổ tích kì diệu nhất. Câu chuyện kể về người dũng sĩ tiêu biểu cho vẻ đẹp trí tuệ tài năng và tâm hồn của con người Việt. Truyện thể hiện ước mơ niềm tin vào công lí và tư tưởng nhân nghĩa yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Thạch Sanh là con của trời, vợ chồng một tiều phu tốt bụng mãi không có con nên Ngọc Hoàng lấy làm thương tình nên cho thái tử xuống đầu thai làm con. Mở đầu câu chuyện ta đã thấy quan niệm ở hiền thì gặp lành của nhân dân ta. Nhưng phải chăng Ngọc Hoàng muốn thử thách thái tử nên đã để cho cuộc đời chàng vào một gia đình nghèo khó rồi sau này mồ côi cả cha lẫn mẹ không có nhà cửa và sống trong một ngôi lều. Đây là cốt truyện thường thấy trong dân gian, người hiền lành có tài năng là nhân vật trung tâm của chuyện thường gắn với cuộc sống khổ cực bần cùng.

Chỉ có một chiếc búa cùn nên thiên thần thương tình mà dạy cho chàng các phép thuật thần thông biến hóa khôn lường. Nhưng cuộc đời của những người hiền lành thường gắn với những con người xấu xa muốn dồn chàng vào chỗ chết nên đã hãm hại chàng vào miếu thần làm thịt cho chằn tinh. Nhưng bằng tài võ nghệ hơn người chàng đã tiêu diệt được chằn tinh. Trong khi nó đang ngủ chàng đã dùng búa mà chém chết con chằn tinh bổ đôi người nó đem xác về. Điều đó thể hiện chàng là một chàng trai dũng cảm khôn ngoan không sợ bất cứ thứ gì.

Sau khi giết chết quái vật chàng có thêm một bộ vũ khí mới đó là cung tên. Bằng cung tên chàng đã cứu được công chúa và con vua thủy tề nên đã được vua ban cho cây đàn. Chiến công của chàng vang dội níu sông, cứu được con trai của vua được cho rất nhiều vàng bạc nhưng chàng lại chỉ xin một cây đàn. Điều đó thể hiện tấm lòng nhân nghĩa giúp người không chuộc lợi không tham lam những thứ hư danh. Chàng lại tiếp tục trở về gốc đa cũ sau khi lập được bao chiến công thử thách. Sau đó cũng chính bằng tiếng đàn chàng đã giúp công chúa bị câm nói được và giải oan cho mình đồng thời lật tẩy bộ mặt sảo quyệt gian trá của tên bán rượu Lý Thông.

Ở nhân vật Thạch Sanh nhân dân ta không để cho sức mạnh của phép thuật chi phối con người mà sức mạnh của thần trong chiếc cung và tiếng đàn chỉ là những công cụ thể hiện sức mạnh của chàng mà thôi. Ở nhân vật Thạch Sanh ta thấy yếu tố bình thường kết hợp với sức mạnh phi thường.

Những khó khăn thử thách mà Thạch Sanh phải vượt qua và lập nhiều chiến công đã bộc lộ những phẩm chất tốt đẹp thật thà dũng cảm nhân hậu tài năng. Đó cũng chính là những phẩm chất tốt đẹp của người lao động. Mẹ con Lý Thông được Thạch Sanh tha chết nhưng lại bị sét đánh giữa đường hóa thành con bọ hung loài côn trùng sống ở nơi nhơ bẩn. Điều này còn khẳng định chân lí ác giả ác báo con người tham lam tàn nhẫn xảo quyệt nhất định sẽ có ngày bị quả báo. Còn Thạch Sanh cưới được công chúa điều đó khẳng định cái thiện cái tốt luôn được đền đáp xứng đáng. Một chi tiết nữa khiến cho chúng ta cảm thấy kì lạ. Đó là sau khi chiến thắng, chàng đã thết đãi những kẻ thua trận bằng niêu cơm kì diệu “Ăn mãi không vơi”. Sự việc đó khẳng định Thạch Sanh đúng là người giàu lòng nhân ái, là người tha thiết yêu hòa bình. Thạch Sanh chính là biểu tượng tuyệt đẹp của con người Việt Nam trong lao động, trong chiến đấu, trong tình yêu và hạnh phúc gia đình.

Cuộc sống hiện tại, không có cây đàn thần kì, không có niêu cơm ăn mãi không hết, chỉ có tiếng nói và sức lao động của con người. Tiếng nói, sức lao động của con người mới chính là những yếu tố thần kì làm nên điều kì diệu. Truyện “Thạch Sanh” là một câu chuyện cổ tích mà chuyện cổ tích là để thể hiện ước muốn của nhân dân. Đó chính là cái thiện sẽ được báo đáp còn những kẻ tham lam bội bạc thì sơm muộn gì cũng sẽ bị trừng trị thích đáng nhất. Câu chuyện cũng thể hiện một phần nào đo ước muốn có cuộc sống ấm no hạnh phúc của nhân dân trong cuộc sống cực khổ ở xã hội đương thời.

Câu chuyện thể hiện ước mơ niềm tin của nhân dân về sự chiến thắng của những con người chính nghĩa và lương thiện. Đồng thời tác phẩm cũng thể hiện ước mơ của nhân dân vào đạo đức công lí xã hội và lí tưởng nhân đạo yêu hào bình của nhân dân ta.

Cảm nghĩ về truyện Thạch Sanh - mẫu 8

Chiếc niêu cơm thần, Thạch Sanh dùng cung bắn chết chằn tinh cứu công chúa, Lý Thông độc ác cướp công Thạch Sanh… là những hình ảnh luôn khắc sâu trong tâm trí của chúng ta của một thời thơ ấu tươi đẹp.

Ngay từ đầu tác phẩm là xuất hiện chi tiết hoang đường tạo nên sự lôi cuốn, hấp dẫn người đọc. Thạch Sanh là thiên tử. Vợ chồng tiều phu Thạch- Nghĩa đã xế chiều mà vẫn chưa có một mụn con để dựa dẫm lúc về già. Hai vợ chồng rất buồn nhưng ngày ngày vẫn làm rất nhiều việc nghĩa như làm đường, đắp đập, khơi mương. Trời cao đã thấu được nỗi lòng của vợ chồng lão tiều phu, Ngọc hoàng đã cử thái tử xuống hạ giới đầu thai làm con của hai vợ chồng họ Thạch. Và điểm kì lạ nữa là không phải chín tháng mười ngày bà đã sinh ra mà đến tận ba năm bà mới sinh ra được chàng trai khôi ngô, tuấn tú, bà đặt tên cho con trai mình là Thạch Sanh.

Qua chi tiết này, ta thấy được đạo lí làm người của dân ta “ở hiền gặp lành”, tiêu biểu là hìnhảnh vợ chồng tiều phu Thạch- Nghĩa. Chàng ra đời không được bao lâu thì bố mẹ chàng trai đều mất, chàng sống trong túp lều cũ dưới gốc đa, tài sản duy nhất đó là chiếc rìu đốn củi và cái khố che thân. Cuộc sống vô cùng thiếu thốn, khốn khổ, Ngọc hoàng đã cử một vị thần xuống dạy võ nghệ và nhiều phép thần thông biến hoá cho Thạch Sanh. Chi tiết hoang đường về các phép biến hoá, thần thông quảng đại, đó là sự gửi gắm của nhân dân ta: có phép biến hoá, biến hình thì mới có thể diệt trừ được bọn yêu ma, ác quỷ.

Tuy cuộc đời với nhiều gian truân khó khăn nhưng Thạch Sanh lập được nhiều chiến công. Tin lời Lý Thông, một tên độc ác, xảo quyệt, lọc lừa. Hắn đẩy Thạch Sanh vào thế mạng cho mình. Trong đêm khuya giữa động miếu trong rừng, chằn tinh xuất hiện bất ngờ, là một loài yêu quái nguy hiểm, chuyên ăn thịt người, có nhiều phép biến hình và sức mạnh ghê gớm, khiến vua quan cũng phải bó tay chịu thua. Bị tấn công đột ngột, Thạch Sanh dùng mọi sức lực, võ nghệ, mọi phép biến hoá và chiếc rìu duy nhất của chàng chiến đấu với con yêu quái vàđã giết được nó và có được bộ cung thần. Ta thấy được sức mạnh vôđịch, phi thường của anh hùng Thạch Sanh.

Lý Thông tiếp tục cướp công giết chằn tinh Thạch Sanh, đẩy chàng trở về túp lều xưa, tiếp tục cuộc sống đốn củi, còn mẹ con hắn ta thì hí hửng đến nhà vua để nhận thưởng. Tội nghiệp cho chàng Thạch Sanh hiền lành, dễ tin người. Người anh hùng càng vượt qua nhiều thử thách càng khẳng định được sức mạnh và tài năng của họ. Công chúa Quỳnh Nga bị đại bàng cắp đi về hang, Thạch Sanh thấy được liền giương cung bắn và lần theo vết máu đến hang ổ của nó. Đến tận hang, chàng dùng tất cả sự thông minh, sức mạnh võ nghệ và các phép thần thông biến hoá, giết được đại bàng độc ác, đầy phép biến hoá và sức mạnh diệt trừ ghê gớm và cứu công chúa. Lập được chiến tích, chàng trở về túp lều với cây đàn mua vui, chàng không hề đoái hoài, tơ tưởng gì đến phần thưởng, châu báu từ thuỷ phủ.

Tiếng đàn phát ra của chàng không chỉ mua vui mà còn có tác dụng thật kì là, dân gian đã nhân hoá tiếng đàn của Thạch Sanh. Công chúa bị câm bỗng nói được khi nghe được tiếng đàn của chàng. Tiếng đàn là nỗi lòng ai, là lời giãi bày, là cầu nối để chàng được gặp công chúa, được minh oan, có cơ hội vạch trần bộ mặt giả nhân giả nghĩa, lừa bịp của Lý Thông. 18 tướng sĩ nước chư hầu giao tranh, chàng đưa đàn ra vàđánh, tiếng đàn làm cho chân tay bọn giặc bủn rủn rút lui. Tiếng đàn của sự bình yên. Và với niêu cơm thần kì, ăn mãi không hết của Thạch Sanh đã phần nào tạo nên sức hấp hẫn và lôi cuốn của tác phẩm.

Thạch Sanh không chỉ là một người tài giỏi mà còn có tấm lòng độ lượng. Chàng tha tội cho Lý Thông, kẻ đã hết lần này lượt khác tìm cách hãm hại chàng để cướp công. Dân gian ta đã tạo dựng nên một nhân vật anh hùng thật đẹp và phi thường. Hìnhảnh Thạch Sanh càng đẹp, càng được mài nhẵn thông qua những thử thách và chiến tích lừng lẫy. Chàng kết duyên cùng công chúa và có cuộc sống hạnh phúc cũng là cái kết có hậu và mong chờ của nhân dân ta và khẳng định đạo lí làm người: “Ở hiền gặp lành”.

Cảm nghĩ về truyện Thạch Sanh - mẫu 9

Truyện cổ tích mượn hình tượng những nhân vật quen thuộc đối với nhân dân đó có thể là anh chàng thông minh có tài hô mưa gọi gió, cũng có thể là một chàng ngốc nghếch nhưng có biệt tài đặc biệt, là dũng sĩ, anh hùng,…nhưng chung quy lại là nói về hoạt động bình thường. Truyện cổ tích sử dụng yếu tố hoang đường, không có thật để nói với mong ước, nguyện vọng của người dân về cuộc sống ấm no, hạnh phúc, không có chiến tranh.

Thạch Sanh đặc biệt từ xuất thân, cậu là con trai của thái tử được đầu thai xuống trần gian làm con của một người nông dân nghèo, mẹ anh mang thai anh cũng phải mất nhiều năm liền, lớn lên và trường thành theo thời gian Thạch Sanh được các vị thần dạy võ nghệ và ban cho phép thần thông. Sự ra đời của anh đã cho thấy sự khác biệt về con người này. Chàng làm nghề đốn củi và sống ngay dưới gốc cây đa, vô tình quen biết Lý Thông, một kẻ xáo trả, hám lợi đã cố ý năm lần bảy lượt để giết hại anh. Một lần anh thấy chằn tinh cắp tha người vào hang, chàng liền đuổi theo, trong khi đó vua đang buồn đến đau đớn khi đứa con gái bị chính chằng tinh tha đi mất. Thạch Sanh đi theo và đánh nhau một trận thừ sông thiếu chết, cuối cùng anh hạ được chằn tinh và cứu được công chúa, trong hang còn một nhân vật khác là thai tử của long hải, chàng được mời xuống thủy tề và được đối đáp một cách tử tế và long trọng, vua bèn liền tặng vàng bạc châu báu nhưng chàng không nhận mà xin mỗi cây đàn thần.

Trong khi đó công chúa sau khi được cứ ra vì quá sợ hãi và bị chằn tinh lấy mất hồn nàng ta trở nên câm lặng và không nói gì, vua liền rao tin ai chữa được bệnh của công chúa sẽ gả cho, rồi Thạch Sanh đàn thì công chúa nói ngay. Sau đó, chàng cưới được công chúa, còn Lý Thông thì bị tù đày. Cây đàn thần còn giúp chàng xuôi đuổi quân thù nhờ chiếc niêu cơm ăn mãi không hết. Từ đó họ sống hạnh phúc bên nhau.

Tiếng đàn của Thạch sanh là chi tiết quan trọng và ý nghĩa nhất là tiếng nói thay cho chính nghĩa. Làm cho kẻ thù phải thức tỉnh nhận ra việc đi xâm lược là hoàn toàn sai trái, tiếng đàn chính là sự cải tạo, thay đổi được tâm tính của con người, là sự hoàn lương, nhớ tới quê hương khiến cho quân địch mất đi ý chí xâm lược, không cần đánh nhau, không có đổ máu, không có người chết, nhưng Thạch Sanh vẫn khiến cho kẻ thù tâm phục khẩu phục mà quy hàng.

Chi tiết chiếc niêu đó là chiếc niêu thần, chỉ với chiếc niêu nhỏ mà khiến cho quân sĩ của mười tám nước ăn mãi không hết, thể hiện nguyện vọng, mong ước của người nông dân về một mùa bội thu, mùa màng tươi tốt, lương thực đầy đủ. Với cái kết ngọt như mía lùi khi Thạch Sanh sống hạnh phúc và sung sướng còn mẹ con nhà Lý Thông độc ác thì phải chết. điều này cho thấy xã hội luôn công bằng, chính nghĩa luôn tồn tại. Kẻ xấu thì phải trừng trị con người lương thiện, thông minh thì sẽ được đền đáp.

Cảm nghĩ về truyện Thạch Sanh - mẫu 10

Truyện cổ tích “Thạch Sanh” thể hiện hình ảnh một người anh hùng, dũng cảm có trái tim lương thiện, nên được người đời giúp đỡ có được hạnh phúc với công chúa. Thạch Sanh là nhân vật anh hùng, có khả năng và sức mạnh phi thường có thể giết chằn tinh, đại bàng, và đánh tan quân giặc.Anh chính là ước mơ của người nông dân Việt Nam muốn có một vị anh hùng tài giỏi tốt bụng bảo vệ dân lành.

Thạch Sanh vốn là con của Ngọc Hoàng nhưng được đưa xuống hạ giới làm con của một gia đình bình dân, rồi chẳng may cha mẹ của anh qua đời, bỏ anh sống một mình không nơi nương tựa dưới gốc đa. Cuộc sống tự lập từ nhỏ nên Thạch Sanh vô cùng anh dũng, có sức mạnh hơn người cứng chắc kiên cường như núi đá. Rồi một hôm anh gặp Lý Thông một tên bán rượu nhìn thấy Thạch Sanh sống lủi thủi có một mình dưới gốc đa không người thân thích hắn âm mưu kết nghĩa huynh đệ với Thạch Sanh nhằm tận dụng nguồn lao động, biến anh thành nô lệ không công cho nhà mình.

Nhưng Thạch Sanh vốn là người cả tin, lương thiện, do anh quanh năm chỉ sống một mình, nên rất thèm có người thân. Thạch Sanh tưởng rằng Lý Thông yêu quý mình thật lòng nên đã tin lời hắn kết nghĩa anh em rồi về nhà hắn ở. Năm đó, trong làng có một con chằn tinh gian ác, hoành hành người dân, khiến cho dân chúng vô cùng lo lắng thường xuyên phải nộp gà, lợn, và người cúng tế cho nó. Lần đó, tới lượt Lý Thông đi nộp mạng cho chằn tình, hắn lừa Thạch Sanh đi vào miếu hoang thay mình, để cho Thạch Sanh chết thay hắn. Nhưng mà Thạch Sanh khỏe mạnh không những không bị chằn tinh ăn thịt, mà Thạch Sanh còn giết được chằn tinh, chặt đầu mang về.

Lý Thông thấy vậy muốn cướp công của Thạch Sanh nên lừa anh trốn vào rừng sâu đừng ra ngoài vì con chằn tinh đó chính là vật nuôi của nhà Vua. Hắn âm mưu đuổi Thạch Sanh trở lại gốc đa tránh xa dân làng để lấy công lao Thạch Sanh nhận làm của mình. Một âm mưu thâm độc, thể hiện tâm tính của kẻ chuyên lừa đảo xảo quyệt.

Sau khi Thạch Sanh đi Lý Thông thành anh hùng giết chằn tinh được phong chức quận công, có nhà cao cửa rộng, trong nhà của người hầu kẻ hạ. Hắn vô cùng hài lòng. Nhưng hắn vui mừng không bao lâu thì công chúa Quỳnh Nga con gái nhà vua bị đại bàng tinh bắt mất, Lý Thông phụng mệnh nhà vua đi cứu công chúa ở hang sâu, hắn lo lắng vô cùng. Trong lúc đại bàng bắt công chúa Quỳnh Nga, không may Thạch Sanh nhìn thấy nên ra tay bắn đại bàng bị thương, Thạch Sanh theo vết máu tìm tới tận hang sâu của đại bàng nhằm cứu cô gái lạ kia thì gặp được người anh kết nghĩa Lý Thông.

Lý Thông âm mưu lợi dụng Thạch Sanh lần nữa hắn lừa chàng xuống hang sâu cứu công chúa, rồi khi Thạch Sanh cứu được công chúa rồi hắn liền đóng cửa hang của đại bàng lại không cho Thạch Sanh thoát ra ngoài một mình đưa công chúa về cung nhận thưởng. Còn lại một mình trong hang sâu không thoát được Thạch Sanh buồn lắm nhưng anh lại gặp con vua Thủy Tề trong hang đã cứu được nàng rồi cả hai cùng thoát ra ngoài. Để báo đáp ơn cứu mạng con gái mình vua Thủy Tề tặng Thạch Sanh một cây đàn thần, tiếng đàn vô cùng ai oán, thê lương, làm rung động lòng người.

Nhờ tiếng đàn thần mà công chúa nghe được tìm thấy Thạch Sanh, công chúa kể hết cho vua cha nghe việc Thạch Sanh cứu mình như thế nào, còn Lý Thông chẳng có thành tích công lao gì. Nhà vua tức giận định chém Lý Thông nhưng Thạch Sanh nhân hậu đã xin tha mạng cho hắn, nhưng hắn và mẹ mình trên đường về quê nhà đã bị sét đánh chết như một sự quả báo cho những tội ác mà hắn gây ra.

Còn Thạch Sanh được gả công chúa trở thành phò mã của vua, rồi khi giặc xâm lược nước ta, Thạch Sanh đã giúp vua đánh tan quân giặc bình định đất nước, cho người dân một cuộc sống bình yên hạnh phúc. Thạch Sanh là một nhân vật lương thiện đại diện cho người tốt, cho ước mơ của người nông dân Việt Nam muốn có một vị anh hùng tài giỏi bảo vệ người dân. Cuộc chiến đấu giữa Thạch Sanh và Lý Thông là cuộc chiến tranh giữa cái thiện và cái ác, trong đó người hiền sẽ gặp lành, còn kẻ ác phải chịu hình phạt đích đáng.

Cảm nghĩ về truyện Thạch Sanh - mẫu 11

Truyện cổ tích này rất phổ biến ở nước ta, đã được đặt thành thơ. Có một truyện Nôm khuyết danh cũng có tên là truyện Thạch Sanh. Thạch Sanh là một dũng sĩ, có nhiều đức tính tốt và có hành động anh hùng. Rất nhiều sự việc đã diễn ra trong cuộc đời chàng.

Trước hết, Thạch Sanh bị Lý Thông lừa, thay hắn nộp mạng cho Xà Tinh. Chàng đã giết được Xà Tinh, chặt được đầu nó nhưng lại bị Lý Thông lừa xuống hang sâu. Xuống hang, chàng đánh nhau với Đại bàng, một con chim dữ đã thành tinh. Cuối cùng chàng giết được Đại bàng, cứu được công chúa.

Lập công nhưng chàng phải ở lại dưới hang vì Lý Thông đã lấp cửa hang không cho chàng lên. Chàng lùng sục chỗ ở của Đại bàng và cứu được thái tử con vua Thuỷ tề. Ở đây, Thạch Sanh lại bắt được con cáo đã thành tinh. Chàng được vua Thuỷ tế đưa về cõi trần, lại được tặng một chiếc đàn làm kỉ niệm. Mặc dù suốt thời gian nghèo khổ, thiếu thốn, Thạch Sanh vẫn là một người tốt, diệt được rắn độc, trừ được chim dữ, khuất phục được cáo ngạo ngược, giải thoát cho hai người - một công chúa, một thái tử - nhưng chàng không nhận sự đền ơn, không lấy vàng bạc, không ham chức tước. Vẫn là một con người bình thường, chuyên làm việc nghĩa, dù đạt nhiều thành tích huy hoàng, chàng vẫn bình dị, trong sáng.

Lý Thông là một con người gian ác. Hắn lừa Thạch Sanh nộp mang thay hắn. Thạch Sanh giết được yêu quái. Hắn tìm cách đánh lừa, nhờ chàng đi cứu công chúa. Hắn lại táng tận lương tâm, định chôn sống chàng và đưa công chúa về để lên ngôi phò mã. Ít người tàn ác đến như thế. Nhưng khi tội ác của hắn đã rõ, Thạch Sanh vẫn rộng lòng tha thứ cho hắn. Có điều người tha nhưng trời không tha. Sét đã đánh chết hắn, còn bắt hắn hoá thành bọ hung, suốt đời rúc trong đống phân.

Công chúa Quỳnh Nga cũng là một nhân vật đẹp. Nàng bị Đại bàng bắt giữ, rồi được Thạnh Sanh cứu. Nàng hẹn kết duyên với Thạch Sanh, nhưng đã bị Lý Thông lừa gạt. Không thể nói ra được câu chuyện với ai, vì nếu nói cũng chẳng ai tin. Lý Thông có bao nhiêu thế lực, bao nhiêu kẻ hầu người hạ, chỉ sẽ nói tốt cho Lý Thông. Nhà vua chỉ có thấy Lý Thông đưa được con mình về chứ có thấy Thạch Sanh đâu. Sự đau đớn và bất bình của công chúa đã khiến cho nàng thành con người câm. Nàng từ chối không chịu theo Lý Thông, cũng là để giữ mối tình cảm của mình trong im lặng. Câm, thực ra là sự chung thuỷ không diễn đạt được bằng lời. Nàng chỉ nói khi nghe tiếng đàn Thạch Sanh. Truyện dân gian đã có cách thể hiện tình duyên thật kì diệu. Tiếng đàn là bằng chứng của hai tấm lòng cảm thông. Tiếng đàn khơi gợi tình yêu chân thành say đắm. Tiếng đàn làm cho người câm biết nói. Tiếng đàn làm rõ được trắng đen. Tiếng đàn là tiếng tơ lòng mà cũng là tiếng nói của chân lí. Tiếng đàn lại có một sức mạnh thần kì hơn nữa. Khi quân ngoại xâm kéo đến, Thạch Sanh đã dạo đàn lên. Tiếng đàn làm cho giặc khủng khiếp, thấy được gây sự đánh nhau là vô ích. Chúng xin đầu hàng. Tiếng đàn hoá thành một lợi khí dẹp mọi nguy nan. Đó là tiếng đàn địch vận. Thạch Sanh biết dùng âm nhạc để chinh phục lòng người. Anh còn có một phép lạ: chỉ nấu một niêu cơm mà bọn giặc đông hàng vạn người, ăn mãi không hết.

Niêu cơm Thạch Sanh tượng trưng cho của cải vô tận của nước nhà. Tiếng đàn Thạch Sanh và niêu cơm Thạch Sanh là hai vật quý có ý nghĩa tiêu biểu cho tinh thần hoà bình, cho khả năng vô tận của con người và đất nước Việt Nam. Thạch Sanh là một chàng dũng sĩ tiêu biểu cho dân tộc ta. Người Việt Nam yêu mến Thạch Sanh vì chàng hào hiệp cứu khốn phò nguy. Gặp chuyện bất bình, thay bọn người lay bọn quỷ làm hại đồng bào là Thạch Sanh xông vào tiêu diệt, không tính toán và không ham của cải, không cầu danh lợi, làm ơn không cần báo đáp và sẵn sàng tha thứ cho những kẻ xấu, dù bọn xấu ấy chỉ một mực làm hại mình. Chàng còn tiêu biểu cho nguyện vọng yêu hòa bình, yêu tự do của dân tộc, và còn chứng minh cho sự bền bỉ, cho sự thịnh cường của đất nước. Hình ảnh Thạch Sanh với chúng ta luôn luôn hấp dẫn.

Bài giảng: Thạch Sanh - Cô Nguyễn Ngọc Anh (Giáo viên VietJack)

Xem thêm các bài Văn mẫu cảm nghĩ, kể chuyện, tả cảnh, tả người, miêu tả lớp 6 hay khác:

Mục lục Văn mẫu | Văn hay lớp 6 theo từng phần:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH LUYỆN THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 6

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi, sách dành cho giáo viên và khóa học dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài Những bài văn hay lớp 6 | văn mẫu lớp 6 của chúng tôi được biên soạn một phần dựa trên cuốn sách: Văn mẫu lớp 6Những bài văn hay đạt điểm cao lớp 6.

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.




Giải bài tập lớp 6 sách mới các môn học
Tài liệu giáo viên