10+ Thuyết minh thuật lại hội làng (điểm cao)

Tổng hợp các bài văn thuyết minh thuật lại hội làng hay nhất, ngắn gọn với dàn ý chi tiết giúp học sinh lớp 6 có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

10+ Thuyết minh thuật lại hội làng (điểm cao)

Quảng cáo

Viết bài văn thuyết minh thuật lại hội làng - mẫu 1

Nói về văn hóa tâm linh của người Việt không thể không nhắc đến những đền chùa cổ kính, linh thiêng. Nơi để con người ta bày tỏ niềm thành kính, sự biết ơn với những người xưa. Một trong những ngôi chùa cổ, nổi tiếng của nước ta là chùa Hương - danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa và tín ngưỡng của Việt Nam. Quần thể Hương Sơn nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Quần thể văn hóa nổi tiếng bậc nhất này nằm trải dài ven bờ sông Đáy với nhiều động, đền, chùa khác nhau. Trung tâm đó là chùa Hương nằm tại động Hương Tích.

Hội chùa Hương là một trong những lễ hội lớn nhất ở miền Bắc nước ta, mỗi năm thu hút đến hàng triệu du khách cùng phật tử khắp mọi miền tổ quốc đổ về trẩy hội, thăm quan và dâng hương kính phật. Cứ mỗi độ xuân về, hoa mơ nở trắng núi rừng Hương Sơn thì cũng là lúc dòng người hành hương tụ hội về nơi đây. Lễ hội bắt đầu từ ngày mồng sáu tháng giêng âm lịch hằng năm, kết thúc vào khoảng hạ tuần tháng ba âm lịch. Đỉnh cao của lễ hội là từ ngày rằm tháng giêng đến 18 tháng 2 âm lịch. Đây là ngày lễ khai sơn của địa phương nhưng ngày nay nghi lễ khai sơn được hiểu theo nghĩa mở, tức là mở cửa chùa.

Quảng cáo

Lễ hội chùa Hương là sự kết hợp hài hòa giữa đạo giáo, Phật giáo và Nho giáo. Khai mạc lễ trẩy hội là tiết mục múa lân nghệ thuật như muốn thay lời kính chào đầy hiếu khách của bà con Hương Sơn cũng như trụ trì, tăng ni gửi đến các Phật tử gần xa đến nơi đây. Tiếp đó là lễ chính thức. Phần lễ của lễ hội diễn ra một cách đơn giản. Người đi dâng lễ chỉ chuẩn bị một ít nhang đèn, hoa quả và đồ ăn chay đặt lên điện thờ, thắp nén hương thơm, thành tâm khấn vái. Trong suốt lễ hội, định kỳ sẽ có các vị trụ trì thay nhau gõ mõ tụng kinh tại các chùa, miếu, đền. Tại các bàn thờ thánh lúc nào cũng nghi ngút khói hương và có người trông nom đèn dầu, nhang khói. Phần hội của lễ hội chùa Hương gồm có lễ rước và lễ văn. Người làng dinh kiệu tới nhà ông soạn văn tế, rước bản văn ra đền để chủ tế trịnh trọng đọc, điều khiển các bô lão của làng làm lễ tế rước các vị thần làng. Sau đó là các hoạt động vui chơi độc đáo bên ngoài như đua thuyền, rước rồng, hát chèo, hát văn... Có thể thấy, cả phần lễ và phần hội của lễ hội đều mang đến cảm giác yên bình, không quá nô nức, ồn ào và vẫn giữ được không khí thanh tịnh chốn cửa Phật.

Nét đẹp của chùa Hương không chỉ ở những kiến trúc cổ kính mà còn ở những giá trị văn hóa tâm linh, lịch sử của dân tộc từ xưa đến nay. Với những giá trị đó, chùa Hương chính là niềm tự hào của người dân Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung. Đến với chùa Hương là đến với sự thanh bình, sống chậm lại để cảm nhận sự nhẹ nhõm trong tâm hồn, buông bỏ hết những áp lực, những lo toan bộn bề trong cuộc sống ngoài kia. Giờ đây, chùa Hương đã và đang đóng góp một phần không nhỏ vào ngành du lịch nước nhà cũng như mang lại nguồn lợi không nhỏ cho người dân, giúp đất nước tăng trưởng, phát triển một cách toàn diện.

Quảng cáo

Viết bài văn thuyết minh thuật lại hội làng - mẫu 2

Nhắc đến lễ hội, chúng ta không thể không nhắc đến lễ hội Đền Hùng hay còn được gọi là giỗ tổ Hùng Vương. Lễ hội được bắt đầu từ chính thời đại của Hùng Vương trong quá trình dựng nước và giữ nước cho nên đây được coi là ngày lễ trọng đại của đất nước.

" Con người có tổ có tông

Như cây có cội, như sông có nguồn"

Trong tâm thức của nhân dân ta từ bao đời nay, vua Hùng là vị vua Thủy tổ dựng nước và là tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Ngày giỗ tổ Hùng Vương là ngày mà tất cả người Việt Nam tổ chức hằng năm nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của 18 đời Vua Hùng đã có công xây dựng, bảo vệ bờ cõi nước ta. Tính đến thời điểm hiện tại thì nghi lễ này vẫn đang được thể hiện một cách trang trọng theo nghi lễ quốc gia và mang đầy đủ bản sắc độc đáo của dân tộc Việt Nam ta. Lễ hội tổ chức vào ngày mùng 10 tháng 3 tại Đền Hùng - nơi thờ tụng những vị vua Hùng - nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Như mọi lễ hội khác ở đồng bằng Bắc Bộ, việc tổ chức lễ hội bao gồm hai phần là phần lễ và phần hội.

Quảng cáo

Phần lễ bao gồm lễ Rước Kiệu và lễ Dâng Hương, được duy trì trang nghiêm trong các đền, chùa trên núi Hùng. Nghi thức tế lễ đầu tiên là của triều đình, tức là của các đoàn đại biểu của Đảng, Chính phủ, sau đó là đến tế lễ của các địa phương trong toàn quốc. Sáng sớm ngày mùng 10, các đoàn đại biểu ăn mặc trang trọng, xếp hàng chỉnh tề ngay ngắn đi sau kiệu lễ, tới trước thềm và kính cẩn dâng lễ vào đền Thượng. Thường thì những người trong đoàn rước kiệu là những người có sức khỏe tốt, ưa nhìn được xã lựa chọn. Đoàn rước kiệu đi tới đâu, tiếng trống rộn ràng tới đó. Đồ tế lễ ngoài mâm ngũ quả còn có bánh chưng, bánh dày để gợi cho chúng ta nhớ lại sự tích Lang Liêu và đồng thời cũng nhắc nhở công đức các vua Hùng đã dạy dân trồng lúa. Toàn bộ thủ tục hành lễ được báo chí đưa tin hoặc tường thuật trực tiếp để đồng bào cả nước, những người không đến tận nơi tham dự được có thể theo dõi lễ hội một cách đầy đủ và kịp thời. Đồng bào dâng lễ trong cả nước đến dâng lễ một lòng hướng về tổ tiên, cầu mong tổ tiên chứng giám, phù hộ cho cuộc sống yên bình, làm ăn phát đạt.

Phần hội là phần diễn ra sau phần lễ với vô vàn hoạt động vui chơi, giải trí khác nhau. Khác hẳn với không khí phần lễ, không khí phần hội được dâng lên cao hơn hẳn, tưng bừng, náo nhiệt với những tiếng reo hò, tiếng cổ vũ, tiếng cười, tiếng nói chuyện của tất cả những người có mặt tại đây. Lễ hội ngày nay có nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa đa dạng, phong phú hơn xưa rất nhiều. Các hình thức văn hóa hiện đại xen lẫn với hình thức văn hóa truyền thống không làm mất đi bản sắc văn hóa dân tộc. Các dịch vụ ăn uống, các cửa hàng bán đồ lưu niệm cho khách tham quan được tổ chức chặt chẽ và an toàn hơn bao giờ hết . Mọi người sẽ cùng nhau tụ họp ở bên ngoài sân để tham gia vào các trò chơi dân gian từ lâu đời như chọi gà, đấu vật, ném còn, đánh cờ người... Đặc biệt, trong phần hội không thể thiếu đi những màn giao lưu văn hóa văn nghệ, nhất là những làn điệu dân ca mượt mà như hát xoan, ca trù, hát chèo... cũng được các nghệ nhân mang ra chiêu đãi người xem. Chính nhờ sự đa dạng các hoạt động mà hàng năm, lượng khách đến thăm đền Hùng vào dịp lễ vô cùng nhiều, không chỉ là khách trong nước mà còn cả khách nước ngoài. 

 Tiếp nối phong tục "Uống nước nhớ nguồn" của thế hệ cha ông đi trước, thời đại của chúng ta ngày nay đang ngày càng góp sức phát huy sự cao đẹp và ý nghĩa của ngày lễ giỗ tổ Hùng Vương. Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó. Vì vậy, ngày 6/12/2012, UNESCO đã chính thức công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ", biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Lòng biết ơn, thờ cúng tổ tiên đã trở thành nền tảng đạo đức và tín ngưỡng tâm linh không thể thiếu của người Việt Nam. Hướng về ngày giỗ tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng mọi năm, lớp lớp thế hệ người Việt Nam phải nỗ lực phấn đấu, phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa tốt đẹp hàng ngàn năm của dân tộc, xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, vươn tầm sánh vai với các nước trên thế giới.

Viết bài văn thuyết minh thuật lại hội làng - mẫu 3

Lễ hội là tín ngưỡng văn hóa của mỗi dân tộc. Hầu như làng, xã nào cũng có lễ hội được tổ chức vào đầu xuân. Mọi người dân Thuận Thành, Bắc Ninh thường có câu ca:

Dù ai buôn đâu, bán đâu
Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề
Nhớ ngày mồng tám thì về hội Dâu.

Câu ca dao như một lời nhắc nhở các tín đồ phật giáo hãy nhớ về hội Dâu được tổ chức vào đầu xuân hàng năm.

Hội Dâu được tổ chức vào mùng 8 tháng 4 âm lịch hàng năm. Chùa Dâu là một ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, được xây dựng vào những năm đầu thế kỉ XV. Mặc dù vậy chùa Dâu vẫn giữ được những nét nguyên bản từ khi được xây dựng tới nay. Hàng năm, chùa Dâu thu hút rất nhiều tín đồ đến thắp hương, đặc biệt là vào dịp lễ hội. Vào mỗi dịp lễ hội, người dân háo hức tổ chức sửa sang chùa chiền. Ngay từ chiều mùng 7 đã có lễ rước các bà Dâu, bà Đậu, bà Đàn, bà Keo mà theo truyền thuyết bốn bà được tạc từ một cây dâu, chị cả là bà Dâu nên chùa Dâu được xây dựng lớn nhất. Đặc biệt vào ngày mồng 7, các vãi đến để cúng, quét dọn và làm lễ rửa chùa. Ngày hội chính diễn ra rất sôi động, náo nhiệt. Mọi người đến đây với lòng thành kính, kính mong đức phật ban cho sự an lành, ấm no. Chùa có rất nhiều gian, điện, đặc biệt có pho tượng Kim Đồng - Ngọc Nữ đạt đến chuẩn mực nghệ thuật cao với các tỉ lệ của người thật. Hành lang hai bên có những pho tượng với nhiều tư thế, nét mặt khác nhau. Người ta đến lỗ hội không chỉ để thắp hương, cầu an mà còn để vui chơi, đón không khí ngày xuân. Có rất nhiều trò chơi được tổ chức trong lễ hội như: đu quay, hát quan họ đối đáp, giao duyên giữa các liền anh, liền chị dưới thuyền rồng với những trang phục mớ ba, mớ bảy cổ truyền. Khắp sân chùa là những hàng bán đồ cúng, những nén hương trầm, hay những đồ chơi dân gian cho trẻ em như sáo, trống... hoặc chỉ là những bông lan thơm ngát. Tất cả tạo ra một không khí cộng đồng ấm cúng. Mọi người quên đi sự bận rộn, quên đi sự bon chen, thách thức để nhớ tới đức phật cùng sự thánh thiện, nhớ tới cõi bình an của tâm hồn. Khoảng 7 giờ sáng ngày 8/4, người ta đã nghe thấy tiếng chiêng, tiếng trống và tiếng cúng tế dâng sớ cầu mong bình an, lạy tạ các vị thánh thần, phật pháp của đội tế lễ tứ sắc chùa lập ra. Đặc biệt, ở lễ hội Dâu thờ Tứ Pháp là Pháp Vân (bà Dâu), Pháp Vũ, Pháp Điện, Pháp Lôi.

Sau khi các cụ làm lễ xong, đoàn rước từ chùa Tổ bắt đầu quay về, hàng đoàn người kéo nhau đi theo hộ tống. Người đi đầu cầm bình nước, người thứ hai dâng hương, tiếp đó là đoàn kiệu được những trai tráng của lồng khiêng. Họ mặc những trang phục như quân tốt đỏ thời xưa, theo sau là các bà mặc áo nâu đội sớ. Người cầm nước vừa đi vừa cầm cành trúc vẩy nước vào những người xung quanh như ban sự may mắn cho mọi người. Người ta quan niệm rằng ai được vẩy nước vào sẽ may mắn, được Phật ban phước quanh năm và được Phật phù hộ, bảo vệ. Khi hội tan, mọi người về rồi thắp hương ở ngoài sân thờ nhớ lời hẹn gặp năm sau. Nhưng lạ lùng hơn hầu như năm nào sau hội trời cũng mưa và người dân cho đấy là lễ tẩy chùa, ở một khía cạnh nào đó thì đây được coi như một điều linh nghiệm huyền bí.

Lễ hội thể hiện trình độ tổ chức cao, sự kết hợp giữa làng xã và ý thức cộng đồng, cuốn hút khách thập phương với những nét nghệ thuật, văn hóa đặc sắc, phong phú. Đối với Bắc Ninh, cái nôi của Phật giáo thì đây là dịp thể hiện sự tài hoa, tinh tế, lịch lãm trong văn hóa ứng xử, giao tiếp. Là một người con của Bắc Ninh, em cảm thấy tự hào về truyền thống của quê hương mình và em sẽ luôn có ý thức bảo vệ và gìn giữ những nét văn hóa ấy, đặc biệt là những lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hóa dân tộc vào những ngày đầu xuân.

Viết bài văn thuyết minh thuật lại hội làng - mẫu 4

Tây Nguyên một vùng đất hùng vĩ với những cao nguyên đất đỏ xếp tầng, được mẹ thiên nhiên ưu ái ban tặng cho những cánh rừng xanh thẳm bạt ngàn, những mảnh đất bazan màu mỡ, khí hậu quanh năm ôn hòa. Nơi đây quy tụ nhiều dân tộc anh em cùng nhau sinh sống, những con người thật thà chất phác mang đậm bản sắc của núi rừng cao nguyên. Có thể nói Tây Nguyên là cái nôi của những sử thi huyền thoại, là vùng đất giàu có với những truyền thống văn hóa độc đáo, đậm chất núi rừng linh thiêng. Đua voi là một trong những lễ hội cuốn hút, độc đáo nhất của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Lễ hội được tổ chức vào tháng ba âm lịch, cứ hai năm lại có một lần lễ hội như vậy. Người ta chọn mùa xuân là mùa tổ chức lễ hội đua voi nhằm thể hiện mong muốn một khởi đầu năm mới, tốt đẹp, ấm no hạnh phúc cho người dân khắp các thôn bản, tạo nên một không khí tưng bừng, nhộn nhịp, làm say đắm bất kỳ những ai đã từng đặt chân đến nơi đây. Voi là con vật biểu tượng cho núi rừng Tây Nguyên, từ lâu đã được thuần hoá là vật nuôi rất có ích và chung sống thân thiện với con người. Chúng giúp người dân kéo gỗ, chở đồ, vận chuyển hàng hoá, và đặc biệt chúng còn được huấn luyện để biểu diễn trong các lễ hội, trong các sở thú. Voi là loài động vật to lớn nhưng hiền lành, thông minh và có khả năng ghi nhớ rất nhanh, chính vì lẽ đó mà chúng từ lâu trở thành người bạn thân tình, gắn bó với người dân Tây Nguyên cả trong chiến tranh và trong đời sống hàng ngày. Đây được coi là loài động vật linh thiêng và được nhân dân yêu quý, tôn kính như một biểu tượng mạnh mẽ của mảnh đất cao nguyên bạt ngàn nắng gió.

Quả thật Tây Nguyên là một vùng đất có không khí thích hợp để tổ chức các lễ hội vui tươi.Lễ hội Đua Voi được tổ chức tại Đăk-Lăk nhằm tôn vinh truyền thống văn hoá, tinh thần thượng võ và tài nghệ cưỡi voi của đồng bào Tây Nguyên. Hội Đua Voi được tổ chức cùng với các lễ hội khác như: Lễ cúng bến nước, Lễ cúng sức khỏe cho Voi, Lễ Ăn Trâu mừng mùa (Lễ Đâm Trâu), Lễ cúng lúa mới (Lễ mừng mùa), Văn hóa cồng chiêng... Đồng bào tin vào một năm mới tràn đầy niềm vui, mùa màng bội thu, nhà nhà được ấm no hạnh phúc.

Hội Đua Voi được tổ chức rất hoành tráng nhộn nhịp nhưng chỉ kéo dài trong vòng một ngày duy nhất. Tuy nhiên công việc chuẩn bị đã diễn ra từ trước đó vài tháng, những con voi dự thi sẽ được chủ của chúng đưa tới những bãi cỏ xanh ngát, được ăn uống no nê đủ các loại trái cây, rau cỏ như: Đu đủ, mía,...Chúng không phải làm việc mà nghỉ ngơi để dưỡng sức thi đấu thế nên chú voi nào cũng béo tốt, tràn đầy năng lượng. Tới ngày hội, đàn voi nô nức tập trung về một bãi đất trống rộng lớn để thi tài, tại những bãi đất bằng phẳng các chú voi phải trải qua ba phần thi gay cấn: Voi chạy tốc độ, Voi bơi vượt sông Sê-rê-pôk., Voi đá bóng. Người dân khắp các tỉnh Tây Nguyên kéo đến để thưởng thức lễ hội, các bộ y phục sặc sỡ màu sắc, tiếng vỗ tay cổ vũ náo nhiệt, khiến cho lễ hội thêm phần náo nhiệt, rộn rã. Ngoài ra khi du khách đến tham quan được hoà vào không khí hội, còn được thưởng thức những món ăn đặc sản đậm đà hương vị núi rừng Tây Nguyên.

Hội Đua Voi bắt đầu bằng khi vị trọng tài thổi một tiếng tù vang vọng báo hiệu trận đua sắp bắt đầu, những chú voi thông minh, mạnh mẽ, dưới sự chỉ huy dẫn dắt của các chàng trai dũng cảm, khỏe mạnh bậc nhất từng buôn làng lần lượt tiến vào vạch xuất phát, từ từ quỳ bốn chân xuống, như một lời chào thân thiện dành cho những người cổ vũ. Thông thường một đội đua gồm hai chàng trai gọi là các Man-gát, mang trên mình những bộ quần áo thổ cẩm có màu sắc sặc sỡ, có thể cột thêm một dải vải màu để phân biệt các đội. Sau khi xong thủ tục chào hỏi, trọng tài lại thổi tiếp một hồi tù khác, hồi tù này dứt khoát và mạnh mẽ hơn nhiều, để bắt đầu cuộc đua, những chú voi tiến lên phía trước trong sự cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả, tiếng gõ chiêng, tiếng reo hò vang dội như tăng thêm nhuệ khí cho từng vận động viên. Đàn voi cứ thế lao đi, chàng trai ngồi đầu dẫn voi, luôn cúi rạp mình áp sát vào lưng voi để ổn định cơ thể, tránh sức cản của không khí góp phần khiến voi chạy nhanh hơn. Đôi mắt lúc nào cũng thận trọng quan sát tứ phía và điều khiển chú voi bằng một thanh sắt nhọn dài khoảng 1 mét, mỗi khi voi chạy chậm lại họ lại dùng cây sắt đâm vào mông khiến voi đau, nó liền lồng lên và chạy nhanh hơn nữa. Nhưng không chỉ chạy nhanh là được, voi còn phải chạy đúng đường của mình, đây là nhiệm vụ của người ngồi phía sau, họ sẽ dùng một cái búa gọi là búa Kốc, nện vào mông voi để voi chạy thẳng hướng, tránh lấn sang làn của đội khác, theo đúng lộ trình đã vạch ra. Càng về gần đích, tiếng hò reo cổ vũ cùng tiếng chiêng, trống hòa nhịp gõ vang, rộn ràng náo nhiệt cả một vùng lại càng to, voi thấy thế lại càng hăng, cố sức phóng về đích. Hội đua kết thúc, các chú voi trở về buôn làng trong sự tự hào, kính trọng khôn xiết của người dân nơi đây.

Hội Đua Voi kết thúc buôn làng kéo nhau quây quần cùng nhau ăn uống, vui chơi. Tiếng cồng chiêng vang lên nồng cháy, những chàng trai cô gái nắm tay nhau nhảy múa quanh quanh đống lửa sáng rực. Những cụ già say sưa trò chuyện vui vẻ. Lễ hội dường như gắn kết con người lại với nhau, khiến họ trở nên gần gũi thân tình, mang một màu sắc tươi mới phủ lên vùng đất cao nguyên hùng vĩ.

Lễ hội Đua Voi từ lâu đã trở thành bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc anh em trên vùng đất Tây nguyên đầy nắng và gió, chứa đựng màu sắc anh hùng thượng võ, lối sống mạnh mẽ của đồng bào nơi đây từ thuở xa xưa. Đến với Bản Đôn du khách sẽ được thỏa sức thả hồn vào thiên nhiên núi rừng thơ mộng, được khám phá những nét văn hoá đặc sắc, độc đáo, được thưởng thức ẩm thực phong phú, đa dạng. Ngày nay lễ hội Đua Voi không còn chỉ gói gọn trong văn hoá buôn làng Bản Đôn mà đã được phát triển thành một lễ hội du lịch thú vị, hấp dẫn du khách gần xa.

Viết bài văn thuyết minh thuật lại hội làng - mẫu 5

“Làng quan họ quê tôi
Tháng giêng múa hát hội
Những đêm trăng hát gọi
Con sông Cầu làng bao xanh
Ngang lưng làng quan họ xanh xanh”

Chỉ bằng ngần ấy câu ca thôi đã hiện lên trong ta bao nhiêu cảm xúc xốn xang về một lễ hội truyền thống được rất nhiều người dân chờ đón - Hội Lim. Nơi mà những câu ca quan họ đã ăn sâu thấm nhuần vào từng mạch máu thớ thịt của người dân Kinh Bắc nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.

Nhắc đến vùng Kinh Bắc là nhắc đến một mảnh đất đã in đậm những dấu ấn đặc sắc của văn hóa và lịch sử dân tộc. Mỗi bước đi trên mảnh đất này, mỗi công trình kiến trúc đều in đậm dấu ấn của thời gian, của những thăng trầm mà dân tộc ta đã trải qua. Và Hội Lim chính là một dấu ấn khó phai ở đó.

Hội Lim là một lễ hội truyền thống thường được tổ chức thường niên mỗi năm vào ngày 13 tháng giêng âm lịch tại huyện Tiên Du. Đây được coi là một trong những đặc trưng văn hóa của vùng Kinh Bắc. Dù cho thời gian chuyển động không ngừng thì những giá trị đó vẫn không hề bị mai một và mất đi. Đến ngày nay Hội Lim không chỉ còn là một đặc trưng văn hóa trong vùng nữa mà nó đã vượt lên trên cả không gian trở thành một điểm dừng chân lí tưởng cho du khách buổi đầu năm.

Theo như truyền thuyết kể lại rằng lễ hội Lim được bắt nguồn từ hội chùa liên quan đến tiếng hát của chàng Trương ở làng quê vùng Lim. Giả thuyết này căn cứ dựa trên chuyện tình Trương Chi - Mỵ Nương và tính chất của Hội Lim cũng nghiêng về lễ hôi sinh hoạt văn hóa và hát quan họ.

Nói về tuổi thọ thì có lẽ hội Lim có lịch sử vô cùng lâu đời và phát triển từ quy mô hội hàng tổng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và chống Pháp hội Lim tạm ngưng hoạt động phải đến sau đổi mới nó mới bắt đầu quay trở lại với đời sống tinh thần người dân trong vùng.

Ngoài ra, hội Lim còn có một ý nghĩa đó là thể hiện sự kính trọng tưởng nhớ đến ông Hiếu Trung Hầu người sáng lập ra những làn quan họ ngọt ngào. Hội Lim diễn ra ở 3 xã chủ yếu là Nội Duệ, Liên Bảo và thị trấn Lim. Thời gian diễn ra lễ hội thường là 3- 4 ngày trong đó ngày 13 âm lịch là lễ chính bao gồm có nhiều hoạt động nhất như thi nấu cơm, hát quan họ, đấu vật....

Hội Lim mở đầu là màn rước kiệu với rất nhiều các thành viên mặc trang phục cổ trang, sau đó các liền anh liền chị sẽ đứng quanh lăng hát đối với nhau. Hội Quan họ được xem là phần hấp dẫn nhất của lễ hội Lim các liền anh liền chị sẽ ngồi trên thuyền thúng giữa ao sau đó hát đối những câu hát ngọt ngào. Đây cũng là dịp các bạn trẻ nam thanh nữ tú tụ họp để tìm ý trung nhân cho mình.

Hội Lim đã làm say lòng biết bao nhiêu du khách thập phương. Bằng những câu hát trao duyên ngọt ngào, trữ tình, những cử chỉ dịu dàng e ấp của các liền anh liền chị.... Nó không chỉ thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống mà hơn thế còn thể hiện truyền thống yêu nước nhớ nguồn đáng quý của dân tộc.

Viết bài văn thuyết minh thuật lại hội làng - mẫu 6

Dù ai đi đâu, ở đâu

Tháng giêng mười bảy chọi trâu thì về

Dù ai buôn bán trăm nghề

Tháng giêng mười bảy nhớ về chọi trâu

Bài ca dao trên nói về lễ hội chọi trâu Hải Lựu ở Vĩnh Phúc. Đây là lễ hội truyền thống, chứa đựng những nét văn hóa lâu đời của quê hương em.

Có rất nhiều sự tích liên quan đến các lễ hội dân gian và hội chọi trâu Hải Lựu cũng không nằm ngoài quy luật này. Đây là lễ hội chọi trâu cổ xưa nhất Việt Nam. Nhiều người cho rằng lễ hội này có từ thế kỷ 2 trước Công nguyên. Khi nhà Hán xâm lược nước Nam Việt thì Lữ Gia – một tướng của nước ta đã lui quân về vùng núi Hải Lựu, Sông Lô, Vĩnh Phúc để tổ chức đánh giặc. Sau mỗi trận thắng, Lữ Gia lại cho tổ chức chọi trâu để khích lêh tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường, quả cảm của quân sĩ. Trâu sau khi chọi đều được giết để khao quân. Sau khi Lữ Gia mất, dân làng Hải Lựu thờ làm thành hoàng làng và lễ hội chọi trâu cũng bắt đầu có từ đó.

Lễ hội chọi trâu Hải Lựu được mở hàng năm vào ngày 16 -17 tháng Giêng, thu hút rất nhiều du khách. Trước ngày lễ hội, xã Hải Lựu sẽ cử một đoàn người lên tế lễ tại Đền Hùng. Đêm trước lễ hội là lễ tế Thành Hoàng làng. Trong đêm ấy, nhân dân sẽ cùng nhau uống rượu, ca hát, cùng bàn chuyện làm ăn trong năm mới, cùng chuẩn bị cho trâu vào xới chọi ngày mai. Đây là hoạt động cho thấy tinh thần nhớ ơn tổ tiên, hướng tới cội nguồn, cầu mong năm mới an lành của nhân dân.

Sáng hôm sau, người dân sẽ tập trung rất đông đúc ở khu vực chọi trâu. Những cặp trâu sẽ lần lượt đấu chọi cho đến khi nào tìm ra chú trâu chiến thắng. Ví dụ như lễ hội năm 2004 là cuộc so tài của 24 "Ông Trâu", chia thành 12 cặp đấu vòng loại, 12 trâu thắng sẽ tiếp tục tham gia vòng loại thứ hai, 6 trâu thắng sẽ tiếp tục tham gia vòng loại thứ ba, 3 trâu thắng ở vòng loại thứ ba đấu vòng tròn để tranh giải nhất nhì.Điều đặc biệt ở lễ hội chọi trâu Hải Lựu chính là những chú trâu thường được các tập thể cùng tham gia nuôi dưỡng, huấn đã gắn bó lâu đời với nhau. Con trâu được chăm sóc, được cả cộng đồng yêu quí, trân trọng như một thành viên trong gia đình, làng xóm. Chính nhờ thế mà bà con làng xóm cũng gắn bó nhau hơn. Sau gần nửa năm được chăm sóc rèn luyện, trâu nào cũng béo tốt, tràn đầy sinh lực trước khi vào trận. Những chú trâu chọi luôn đấu nhau bằng lối đối mặt dùng sừng và sức khoẻ để chọn thế võ tấn công đối phương. Trâu không bao giờ trâu tấn công nhau từ phía sau lưng hay mạng sườn. Nhờ vậy mà lễ hội chọi trâu còn thể hiện tinh thần thượng võ, cao thượng của dân tộc ta. Nếu ai đã từng đến lễ hội chọi trâu Vĩnh Phúc một lần, hòa chung niềm vui đầu năm với những người dân nơi đây thì hẳn sẽ nhớ mãi một lễ hội đặc sắc mang đậm nét riêng mà vẫn giàu giá trị truyền thống dân tộc.

Có thể thấy rằng,, hiện nay lễ hội chọi trâu vẫn còn vướng nhiều bất cập, khó khăn nhưng những giá trị cao đẹp mà lễ hội mang lại và truyền tải đến người dân là không thể phủ nhận. Vì vậy, trong tương lai, chúng ta cần bảo vệ, phát huy lễ hội này đúng cách.

Xem thêm các bài văn hay Tập làm văn lớp 6 hay khác:

Mục lục Văn mẫu | Văn hay lớp 6 theo từng phần:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH LUYỆN THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 6

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi, sách dành cho giáo viên và khóa học dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài Những bài văn hay lớp 6 | văn mẫu lớp 6 của chúng tôi được biên soạn một phần dựa trên cuốn sách: Văn mẫu lớp 6Những bài văn hay đạt điểm cao lớp 6.

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Giải bài tập lớp 6 sách mới các môn học
Tài liệu giáo viên