Sơ đồ tư duy Tinh thần yêu nước của nhân dân ta (dễ nhớ, hay nhất)

Nhằm mục đích giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa được kiến thức, nội dung các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 7, chúng tôi biên soạn bài viết Sơ đồ tư duy Tinh thần yêu nước của nhân dân ta dễ nhớ, hay nhất với đầy đủ các nội dung như tìm hiểu chung về tác phẩm, tác giả, bố cục, dàn ý phân tích, bài văn mẫu phân tích, .... Hi vọng qua Sơ đồ tư duy Tinh thần yêu nước của nhân dân ta sẽ giúp học sinh nắm được nội dung cơ bản của Tinh thần yêu nước của nhân dân ta.

Sơ đồ tư duy Tinh thần yêu nước của nhân dân ta (dễ nhớ, hay nhất)

Quảng cáo

Bài giảng: Tinh thần yêu nước của nhân dân ta - Cô Trương San (Giáo viên VietJack)

Sơ đồ tư duy Tinh thần yêu nước của nhân dân ta - mẫu 1

A. Sơ đồ tư duy Tinh thần yêu nước của nhân dân ta

Tinh thần yêu nước của nhân dân ta

B. Tìm hiểu Tinh thần yêu nước của nhân dân ta

I. Tác giả

- Hồ Chí Minh (1890-1969), quê tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An

- Người là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc và cách mạng Việt Nam, người đã lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh và giành độc lập dân tộc, xây dụng chủ nghĩa xã hội.

- Hồ Chí Minh là một nhà thơ lớn của dân tộc và là Danh nhân văn hóa thế giới

- Sự nghiệp sáng tác: Hồ Chí minh sáng tác nhiều thể loại, để lại một khối lượng tác phẩm lớn:

+ Văn chính luận: Bản án chế độ thực dân Pháp, Tuyên ngôn độc lập, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến…

+ Truyện, kí: Vi hành, Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu

+ Thơ: Nhật kí trong tù,…

II. Tìm hiểu chung tác phẩm

1. Thể loại: Văn nghị luận

2. Xuất xứ

- Bài văn trích trong Báo cáo Chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội lần thứ II, tháng 2 năm 1951 của Đảng Lao động Việt Nam (tên gọi từ năm 1951 đến năm 1976 của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay).

- Tên bài do người soạn sách đặt.

3. Bố cục

- Phần 1 (từ đầu đến “lũ bán nước và cướp nước”): Nhận định chung về lòng yêu nước

- Phần 2 (tiếp đó đến “lòng nồng nàn yêu nước”): Chứng minh lòng yêu nước của nhân dân ta

- Phần 3 (còn lại): Nhiệm vụ của mọi người

4. Giá trị nội dung

Bằng những dẫn chứng cụ thể, phong phú, giàu sức thuyết phục trong lịch sử dân tộc và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bài văn đã làm sáng tỏ một chân lí: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta”.

5. Giá trị nghệ thuật

- Bố cục chặt chẽ, luận điểm ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc

- Dẫn chứng được chọn lọc, trình bày hợp lí, giàu sức thuyết phục

- Cách diễn đạt trong sáng, nhiều hình ảnh so sánh độc đáo

III. Dàn ý bài phân tích

1. Nhận định chung về lòng yêu nước

- Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước

+ Sử dụng kiểu câu khẳng định, nêu vấn đề trực tiếp, giọng điệu mạnh mẽ, dứt khoát, từ ngữ gợi cảm, giàu hình ảnh

⇒ Khẳng định mạnh mẽ tinh thần yêu nước quý báu của dân tộc ta.

- Từ xưa đến nay, mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành 1 làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước

+ Kiểu câu dài, nhiều vế, trùng điệp; hình ảnh ẩn dụ: làn sóng – sức mạnh của tinh thần yêu nước; Động từ kết thành, lướt, nhấn chìm

⇒ Gợi tả sức mạnh to lớn, vô tận của lòng yêu nước trong công cuộc chống ngoại xâm.

2. Những biểu hiện của lòng yêu nước

- Trong lịch sử, có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của nhân dân ta: Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,…

⇒ Dẫn chứng tiêu biểu, liệt kê theo trình tự thời gian.

- Lòng yêu nước ngày nay của nhân dân ta:

+ Từ cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng, trẻ thơ…ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc

+ Những chiến sĩ ngoài mặt trận chịu đói mấy ngày để bám sát lấy giặc tiêu diệt giặc

+ Những công chức ở hậu phương nhịn ăn để ủng hộ bộ đội

+ Những phụ nữ khuyên chồng tòng quân mà mình thì xung phong giúp việc vận tải

+ Những bà mẹ yêu thương bộ đội như con đẻ của mình

+ Nam nữ nông dân và công nhân hăng hái tăng gia sản xuất

+ Những đồng bào điền chủ quyên ruộng cho Chính phủ…

- Cách nêu dẫn chứng theo: Lứa tuổi, không gian, nhiệm vụ, công việc, cụ thể, sinh động, toàn diện, giàu sức thuyết phục.       

- Nghệ thuật: Lặp cấu trúc ngữ pháp với cặp quan hệ từ Từ… đến….; liệt kê.

⇒ Làm sáng tỏ lòng yêu nước của dân ta trong qua khứ, hiện tại dũng cảm, sôi nổi biểu hiện sinh động ở mọi thời đại, tầng lớp, giai cấp, mọi đối tượng nhân dân.

3. Nhiệm vụ của mọi người

- Nghệ thuật: So sánh giàu hình ảnh (lòng yêu nước như của quý được trưng bày hay giấu kín)

- Lòng yêu nước có 2 dạng tồn tại:

+ Có thể nhín thấy được (trưng bày)

+ Có thể không nhìn thấy (giấu kín)

⇒ Giúp người đọc có thể hình dung rất rõ ràng hai trạng thái của tinh thần yêu nước: tiềm tàng, kín đáo và biểu lộ rõ ràng, đầy đủ. Cả hai đều đáng quý.

⇒ Cần phải thể hiện lòng yêu nước bằng những việc làm cụ thể

IV. Bài phân tích

Chúng ta đã biết: Văn nghị luận viết ra nhằm xác lập cho người đọc, người nghe một tư tưởng, quan điểm nào đó. Muốn thế, văn nghị luận phải có luận điểm rõ ràng, có lí lẽ, dẫn chứng thuyết phục. Những tư tưởng, quan điểm trong bài nghị luận phải hướng tới giải quyết những vấn đề có thực trong đời sống thì mới có ý nghĩa, có tác dụng. Trong kho tàng văn nghị luận Việt Nam, bài Tinh thần yêu nước của nhân dân ta (Hồ Chí Minh) đã được đánh giá là một trong những áng văn nghị luận chứng minh tiêu biểu, mẫu mực nhất. Áng văn ấy đã làm sáng tỏ một chân lí: Dân tộc Việt Nam nồng nàn yêu nước. 

Bài Tinh thần yêu nước của nhân dân ta (tên bài do người biên soạn đặt) là một đoạn trích trong Báo cáo Chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày trong Đại hội lần thứ II của Đảng Lao động Việt Nam (tên gọi từ năm 1951 đến 1975 của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay) ở Việt Bắc tháng 2 năm 1951, trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp. Tuy là đoạn trích, nhưng văn bản ấy vẫn khá đầy đủ các yếu tố cần thiết của một bài nghị luận chứng minh. Qua đoạn trích này, tác giả khẳng định lòng yêu nước là một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Lòng yêu nước đó được thể hiện rõ ràng nhất, rực rỡ nhất trong những cuộc chiến đấu chống ngoại xâm. Đoạn trích cũng phản ánh thái độ trân trọng, tự hào của tác giả trước truyền thống ấy.

Ngay ở phần mở bài, Hồ Chí Minh – trong cương vị Chủ tịch nước – thay mặt toàn Đảng, toàn dân ta đã khẳng định một chân lí: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta”. Lời văn ngắn gọn, vừa phản ánh lịch sử vừa nhìn nhận, đánh giá và xúc cảm về lịch sử, về đạo lí của dân tộc. Cách nêu luận đề cũng ngắn gọn, giản dị, mang tính thuyết phục cao. Tiếp liền sau, Người dùng một so sánh bất ngờ. Khi Tổ quốc bị xâm lăng, tinh thần yêu nước của dân ta “kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Mạch văn mạnh mẽ, kéo dài cùng các tính từ mạnh mẽ, to lớn các động từ kết thành, lướt qua, nhấn chìm tả đúng hình ảnh và sức công phá của một làn sóng. Văn nghị luận dễ khô khan nhưng văn của Bác không khô khan. Dùng hình ảnh làn sóng để giải thích tác dụng lớn lao của tinh thần yêu nước, người viết vừa ca ngợi một truyền thống quý báu của dân tộc, vừa phát hiện một nguyên nhân quan trọng giúp dân tộc ta chiến thắng ngoại xâm, vừa kích thích sự suy nghĩ, tìm hiểu của người đọc, người nghe.

Để khẳng định sức mạnh vĩ đại của lòng yêu nước, tác giả đã mượn một hình ảnh hoành tráng có tính chất tượng trưng để so sánh: lòng yêu nước kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước. Lòng yêu nước được nhắc lại nhiều lần (bằng đại từ thay thế ), kết hợp với các động từ có khả năng gợi cảm lớn như: kết thành, lướt qua, nhấn chìm… làm nổi bật sức mạnh không gì ngăn cản nổi của lòng yêu nước. Âm hưởng hào hùng của câu văn làm rung động trái tim muôn người. Cảm xúc sôi nổi, nhiệt thành, khâm phục và rất đỗi tự hào của Chủ tịch Hồ Chí Minh bộc lộ rõ trong từng câu, từng chữ.

Ở phần thân bài, để chứng minh cho nhận định trên, tác giả đã đưa ra những chứng cứ hùng hồn trong lịch sử giữ nước và trong thực tế cuộc kháng chiến chống Pháp để chứng minh. Đó là những tấm gương yêu nước sáng soi muôn đời của các vị anh hùng dân tộc nổi tiếng: Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta. Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,... Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng. Từ đó, tác giả bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc cụ thể: “Chúng ta có quyền tự hào… Chúng ta phải ghi nhớ… một dân tộc anh hùng”. Rõ ràng, văn nghị luận của Hồ Chí Minh không chỉ đơn thuần nêu dẫn chứng để chứng minh mà còn biểu ý, những ý tưởng sâu sắc, biểu cảm, những tình cảm chân thành, rung động. Những ý và tình đó được tiếp nối và phát triển trong những dẫn chứng thực tế ở đoạn sau rất tự nhiên, nhẹ nhàng và thấm thía. Lịch sử dân tộc anh hùng mang truyền thống yêu nước tự ngàn xưa được nối tiếp theo dòng chảy của thời gian, của mạch nguồn sức sống dân tộc được biểu hiện bằng một câu văn chuyển ý tự nhiên và chặt chẽ: “Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước”. Ở phần chứng minh thứ hai này, tác giả Hồ Chí Minh dùng kiểu câu ghép theo công thức liên kết “từ… đến…”, không phải đạt một cách tuỳ tiện mà kết hợp chặt chẽ, hài hoà với phép dẫn chứng liệt kê, nêu những tấm gương yêu nước của nhân dân ta trong kháng chiến lúc bấy giờ theo các bình diện: lứa tuổi, tầng lớp, giai cấp, nghề nghiệp, địa bàn cư trú,… Chẳng hạn: “Từ các cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ, từ những kiều bào ở nước ngoài đến những đồng bào ở vùng tạm bị chiếm, từ nhân dân miền ngược đến miền xuôi, ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc”. Trong dẫn chứng, tác giả đã lựa chọn những việc làm, những hành động, cử chỉ của mọi giới, mọi tầng lớp, mọi địa phương, mọi hoàn cảnh trong toàn thể nhân dân cả nước ta. Đồng thời, tác giả cũng đi từ nhận xét khái quát đến các dẫn chứng cụ thể rồi từ những dẫn chứng cụ thể, đúc lại bằng một nhận xét khái quát: “Những cử chỉ cao quý đó, tuy khác nhau nơi việc làm, nhưng đều giống nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước”. Mô hình câu “từ… đến...” và phép liệt kê vốn là cách hành văn, cách dẫn chứng không dễ người non tay dễ phạm khuyết điểm viết câu rườm rà, dẫn chứng đơn điệu, trùng lặp, lan man. Vậy mà, qua tài năng của Hồ Chí Minh, kiểu câu ấy, cách liệt kê ấy vẫn tự nhiên, rất sinh động, vừa bảo đảm tính toàn diện của dẫn chứng vừa giữ được mạch văn trôi chảy thông thoáng, cuốn hút người đọc, người nghe. Qua đoạn văn này của Bác, chúng ta học tập được nhiều điều về kiểu văn nghị luận chứng minh.

Xuống phần cuối – kết thúc vấn đề – tác giả dùng lí lẽ để xoáy sâu, nhấn mạnh luận đề. Nhưng lí lẽ không khô khan nhờ một hình ảnh so sánh rất độc đáo. Bác Hồ so sánh lòng yêu nước của dân ta – một khái niệm trừu tượng – với một hình ảnh cụ thể “Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm…”. Qua ba câu văn ngắn, trong đó có hai câu rút gọn sinh động, tượng hình này, người đọc, người nghe dễ dàng hiểu rằng: lòng yêu nước của đất nước ta biểu hiện bằng hai trạng thái: tiềm tàng, kín đáo và bộc lộ rõ ràng, trực tiếp. Bác đã phân tích rõ hai trạng thái của tinh thần yêu nước là tiềm tàng, kín đáo và sôi nổi, mãnh liệt.

Bằng nghệ thuật lập luận chặt chẽ, bố cục rõ ràng và hệ thống dẫn chứng chân thực, bài văn có sức thuyết phục rất lớn. Nhiều thủ pháp nghệ thuật được tác giả sử dụng như so sánh, liệt kê, lặp cấu trúc câu và hàng loạt động từ có khả năng gợi cảm cao... làm cho câu văn trở nên nhịp nhàng, cân đối, khỏe khoắn. Do vậy mà âm hưởng bài văn hào hùng như âm hưởng của một lời hịch kêu gọi, khích lệ toàn dân đoàn kết một lòng đánh đuổi xâm lăng, bảo vệ chủ quyền độc lập thiêng liêng của Tổ quốc.

Bài văn đã thổi bùng ngọn lửa yêu nước trong lòng mỗi người dân. Truyền thống anh dũng, bất khuất là cơ sở vững chắc bảo đảm cho cuộc kháng chiến chống Pháp đi đến thắng lợi cuối cùng. Ngày nay, bài văn trên vẫn còn nóng bỏng tính thời sự, có tác dụng động viên nhân dân Việt Nam vững bước trên con đường xây dựng và bảo vệ đất nước thân yêu.

V. Một số lời bình về tác phẩm

Nước Việt Nam ta có quyền được hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững tự do, độc lập ấy.

(Hồ Chí Minh, Tuyên ngôn độc lập)

Sơ đồ tư duy Tinh thần yêu nước của nhân dân ta - mẫu 2

Tinh thần yêu nước của nhân dân ta

Xem thêm sơ đồ tư duy của các tác phẩm, văn bản lớp 7 hay, chi tiết khác:

Lời giải bài tập lớp 7 sách mới:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH LUYỆN THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 7

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi, sách dành cho giáo viên và khóa học dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài Tuyển tập những bài văn hay | văn mẫu lớp 7 của chúng tôi được biên soạn một phần dựa trên cuốn sách: Văn mẫu lớp 7Những bài văn hay đạt điểm cao lớp 7.

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Giải bài tập lớp 7 sách mới các môn học
Tài liệu giáo viên