Cảm nhận bài thơ Quê hương của Tế Hanh (hay, ngắn gọn)



Tổng hợp bài văn Cảm nhận bài thơ Quê hương của Tế Hanh hay nhất, ngắn gọn với dàn ý chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Cảm nhận bài thơ Quê hương của Tế Hanh (hay, ngắn gọn)

Quảng cáo

Bài giảng: Quê hương - Cô Phạm Lan Anh (Giáo viên VietJack)

Cảm nhận bài thơ Quê hương của Tế Hanh - mẫu 1

   Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã từng hỏi rằng: “Quê hương là gì hở mẹ?/ Mà cô giáo dạy phải yêu”. Quê hương hai tiếng thiêng liêng, da diết khắc khoải, tự thân mỗi người đều có những định nghĩa riêng về nó, nhưng có thể tựu chung lại quê hương chính là những gì gần gũi, thân thuộc nhất đối với mỗi chúng ta. Viết về đề tài quê hương đã có không ít bài thơ hay, xuất sắc và một trong những bài thơ đó chính là bài Quê hương của nhà thơ Tế Hanh.

Quảng cáo

   Quê hương được ông viết vào năm 1939 khi ông còn là học sinh của trường Trung học tại Huế. Những ngày tháng xa quê hương, nỗi nhớ gia đình khắc khoải đã giúp ông hun đúc nên những vần thơ tràn đầy cảm xúc thiết tha, thương nhớ nơi chôn rau cắt rốn.

   Làng tôi hai tiếng gọi chao ôi là thân thương, gần gũi để mở đầu nỗi nhớ da diết về quê hương:

   Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới

   Nước bao vây cách biển nửa ngày sông

Quảng cáo

   Hai câu thơ thật ngắn gọn mà cũng chứa biết bao tình cảm, giới thiệu đôi nét về nơi Tế Hanh được sinh ra, là một làng chài ven biển. Giọng thơ tâm tình, tha thiết, rất đỗi dân dã như một lời kể nể chân thành với những người xung quanh. Làng tôi gợi nhắc biết bao kỉ niệm đẹp đẽ, kỉ niệm vể thiên nhiên, cuộc sống lao động của con người nơi đây:

   Khi trời trong gió nhẹ sớm mai hồng

   Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá

   Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã

   Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang

   Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng

   Rướn thân trắng bao la thâu góp gió

Quảng cáo

   Khung cảnh thiên nhiên hiện lên thật trong sáng, đẹp đẽ, chúng làm ta bất giác nhớ đến những câu văn của Nguyễn Tuân khi được ngắm nhìn cảnh mặt trời mọc trên đảo Cô Tô: “chân trời, ngấn bể sạch như tấm kính lau hết mây hết bụi….”. Trong khung cảnh trong lành và thanh bình ấy, những người dân lao động cường tráng, khỏe mạnh trên những chiếc thuyền nhẹ mình băng ra biển. Chỉ trong vài câu thơ ngắn ngủi nhưng Tế Hanh đã sử dụng hàng loạt các hình ảnh so sánh, nhân hóa: như con tuấn mã, như mảnh hồn làng, rướn thân trắng,… diễn tả khung cảnh lao động hăng say, đầy khí thế của cả con người và sự vật. Đặc sắc nhất chính là hình ảnh so sánh cánh buồm được ví với mảnh hồn làng. Ở một làng nghề chài lưới, cánh buồm vốn là biểu tượng cho làng xóm, cho quê hương. Với hình ảnh này, còn ngầm ẩn lòng tự hào và sức mạnh của dân làng chài với ước mơ về một cuộc sống đủ đầy, no ấm, hạnh phúc. Đồng thời nó cũng là biểu tượng cho khát vọng chinh phục biển cả của con người.

   Sau một ngày lao động hăng say, vất vả, con người trở về trong niềm vui, hạnh phúc của những chiếc ghe đầy cá:

   Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe

   Những con cá tươi ngon thân bạc trắng

   Câu thơ đầu mang đậm âm hưởng dân gian: “Ơn trời mưa nắng phải thì Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu/ Nhờ trời hạ kế sang đông/ Làm nghề cày cấy, vun trông tốt tơi” . Câu thơ cho thấy lời cảm tạ chân thành, sâu sắc đến đất trời đã cho một thời tiết thuận lợi, để thu về những mẻ cá đầy khoang. Những con cá tươi ngon, tiếng ồn ào trên bến đỗ đã cho thấy không khí lao động khẩn trương, niềm vui, hạnh phúc về một cuộc sống đủ đầy.

   Đằng sau thành quả lao động ấy là sự lao động chăm chỉ, cần cù của những người dân chài lưới. Chân dung họ hiện lên thật đẹp đẽ, tựa như những đứa con của biển cả:

   Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng

   Cả thân hình nồng thở vị xa xăm

   Chỉ với hai chữ nồng thở nhưng cũng đủ để khái quát nhịp sống lao động hăng say, khẩn trương của những người con biển cả. Hai câu thơ sau thật đẹp và lãng mạn, những chiếc thuyền được nhân hóa thành một sinh thể sống, mỏi mệt về nằm nghỉ ngơi sau một ngày hăng say lao động: “Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm/ Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ” . Những câu thơ cuối cùng của bài là nỗi nhớ khôn nguôi của tác giả về những thứ thân thuộc, gần gũi: màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi,… cả một đời sâu nặng gắn bó trong kí ức tuổi thơ ông. Tiếng thơ trở nên ngân vang, da diết, giàn trải hơn, đầy nhờ thương.

   Bài thơ Quê hương đã ra đời hàng chục năm nhưng mỗi lần đọc lại ta vẫn không ngừng thổn thức, và tìm thấy nỗi nhớ thương quê nhà của chính bản thân trong từng câu chữ ấy. Với ngôn ngữ thơ giản dị, giọng điệu hồn hậu tha thiết kết hợp với các hình ảnh so sánh, nhân hóa đặc sắc, Tế Hanh đã tạo nên một thi phẩm xuất sắc về quê hương và tình yêu đất nước.

Dàn ý Cảm nhận bài thơ Quê hương của Tế Hanh

1. Mở bài:

- Giới thiệu về tác giả Tế Hanh và tình yêu quê hương trong thơ ông.

- Giới thiệu bài thơ “Quê hương” – một bài thơ thể hiện nỗi nhớ da diết về làng chài ven biển.

2. Thân bài:

a. Hình ảnh quê hương trong tâm trí tác giả:

- Bài thơ mở đầu bằng những câu thơ giản dị, như một lời giới thiệu mộc mạc nhưng đầy tình cảm về quê hương.

- Không gian rộng lớn, làng chài giữa biển cả bao la.

- Những hình ảnh quen thuộc như cánh buồm, con thuyền, màu nước xanh… đều gợi lên ký ức sâu đậm.

b. Tình cảm nhớ quê hương qua từng hình ảnh:

- Cảnh lao động của người dân làng chài hiện lên qua từng chi tiết sống động.

- Cảnh đoàn thuyền ra khơi, hình ảnh những người ngư dân vạm vỡ, dẻo dai.

- Cảnh đoàn thuyền trở về với niềm vui chiến thắng, báo hiệu một ngày bội thu.

c. Nỗi nhớ da diết qua câu thơ cuối:

- Câu thơ “Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!” đầy xúc động.

- “Mùi nồng mặn” không chỉ là mùi của biển mà còn là hương vị quê hương không thể nào quên.

- Cảm xúc chân thành, giản dị nhưng sâu sắc, thể hiện sự gắn bó của tác giả với quê nhà.

3. Kết bài:

- Khẳng định bài thơ là một bản tình ca về quê hương.

- Tế Hanh đã truyền tải nỗi nhớ quê hương bằng những hình ảnh chân thực, giàu cảm xúc, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc.

Cảm nhận bài thơ Quê hương của Tế Hanh - mẫu 2

Bài thơ “Quê hương” của Tế Hanh là một trong những tác phẩm tiêu biểu viết về quê hương với hình ảnh làng chài ven biển. Tế Hanh đã tái hiện một bức tranh sinh động, giàu cảm xúc về thiên nhiên, con người nơi miền biển, đồng thời thể hiện tình cảm yêu thương sâu sắc đối với quê hương của mình.

Bài thơ mở đầu bằng những câu thơ giới thiệu về làng chài một cách tự nhiên, giản dị nhưng cũng đầy trìu mến:

                                    “Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới

                                    Nước bao vây, cách biển nửa ngày sông.”

Chỉ với hai câu thơ, Tế Hanh đã vẽ nên không gian đặc trưng của một làng chài ven biển. Những từ ngữ như “vốn làm nghề chài lưới” và “nước bao vây” không chỉ khắc họa một làng quê miền biển mà còn cho thấy sự gắn bó lâu đời của con người nơi đây với nghề đánh bắt cá. Đây không chỉ là một nơi chốn đơn thuần, mà còn là nơi nuôi dưỡng những con người khỏe khoắn, cần cù, gắn liền với nhịp sống biển cả.

Khung cảnh lao động của người dân chài lưới hiện lên tràn đầy sức sống và khí thế:

                                    “Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng

                                    Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá.”

Thời điểm ra khơi được miêu tả bằng hình ảnh đẹp đẽ của thiên nhiên với “trời trong”, “gió nhẹ” và “sớm mai hồng”, mang đến một không khí đầy hứa hẹn. Những chàng trai của làng chài xuất hiện khỏe khoắn, nhiệt huyết, sẵn sàng lao động với niềm tin vào một chuyến đi bội thu.

Chiếc thuyền của họ không chỉ đơn thuần là một phương tiện đánh cá, mà còn được nhân hóa và gắn liền với sức sống của cả làng quê:

                                    “Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã

                                    Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang.

                                    Cánh buồm trương, to như mảnh hồn làng

                                    Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…”

Hình ảnh so sánh “hăng như con tuấn mã” gợi lên sự dũng mãnh, kiêu hãnh của những chiếc thuyền khi ra khơi. “Cánh buồm trương, to như mảnh hồn làng” là một hình ảnh đặc biệt giàu ý nghĩa. Nó không chỉ đơn thuần là một hình ảnh thị giác, mà còn mang giá trị biểu tượng về tâm hồn của người dân biển, về tinh thần vươn khơi mạnh mẽ.

Sau những ngày lênh đênh trên biển, đoàn thuyền trở về mang theo thành quả lao động. Không khí của bến cảng khi ấy vô cùng nhộn nhịp:

                                    “Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ

                                    Khắp dân làng tấp nập đón ghe về.

                                    'Nhờ ơn trời, biển lặng cá đầy ghe',

                                    Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.”

Hình ảnh “ồn ào trên bến đỗ” không chỉ miêu tả sự tấp nập của làng chài mà còn thể hiện niềm vui sướng, hạnh phúc của người dân khi có một chuyến đi thuận lợi. Đặc biệt, câu thơ “'Nhờ ơn trời, biển lặng cá đầy ghe'“ cho thấy sự gắn bó giữa con người với thiên nhiên. Người dân chài luôn biết ơn biển cả, biết ơn trời đất đã mang đến cho họ những chuyến đi suôn sẻ.

Bức tranh cuộc sống của ngư dân tiếp tục được khắc họa qua hình ảnh những người lao động:

                                    “Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng

                                    Cả thân hình nồng thở vị xa xăm.”

Làn da rám nắng, cơ thể mang hương vị biển cả là dấu ấn của những ngày lênh đênh ngoài khơi, thể hiện sự gắn bó bền bỉ của họ với biển. Đó là vẻ đẹp của những con người lao động chân chất, kiên cường và mạnh mẽ.

Sau những ngày lênh đênh trên biển, những con thuyền cũng trở về nghỉ ngơi, mang trên mình dấu ấn của những chuyến đi dài:

                                    “Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm

                                    Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.”

Con thuyền được nhân hóa như một người lao động đang thấm mệt sau những ngày dài làm việc. “Chất muối thấm dần trong thớ vỏ” không chỉ là một hình ảnh tả thực mà còn là một biểu tượng cho sự gắn bó bền bỉ giữa con người và biển cả.

Xa quê, tác giả nhớ về quê hương với những hình ảnh thân thuộc, gắn bó suốt tuổi thơ:

                                    “Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ

                                    Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi,

                                    Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi,

                                    Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!”

Sự tiếc nuối, nhớ nhung hiện rõ trong từng câu chữ. Hình ảnh “màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi” là những hình ảnh đặc trưng của làng chài, được tác giả ghi nhớ và khắc sâu trong lòng. Đặc biệt, câu thơ cuối “Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!” như một tiếng lòng đầy cảm xúc. “Mùi nồng mặn” không chỉ là mùi của biển, của cá tôm, mà còn là mùi của quê hương, của những kỷ niệm đã in sâu trong trái tim người con xa quê.

Bài thơ “Quê hương” không chỉ là một bức tranh tươi sáng về cuộc sống làng chài, mà còn là tiếng lòng da diết của một người con xa quê, luôn mang trong tim hình ảnh thân thương của nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Với thể thơ tám chữ trầm lắng, những hình ảnh giàu sức gợi cùng cảm xúc chân thành, tác phẩm đã chạm đến trái tim của biết bao người yêu quê hương, yêu đất nước.

Cảm nhận bài thơ Quê hương của Tế Hanh - mẫu 3

Bài thơ “Quê hương” của Tế Hanh là một trong những tác phẩm tiêu biểu của phong trào Thơ Mới, mang đậm tình yêu quê hương tha thiết của nhà thơ. Được sáng tác vào năm 1939, khi Tế Hanh đang học tại Huế, bài thơ thể hiện nỗi nhớ da diết về làng chài ven biển quê hương, nơi ông đã sinh ra và lớn lên. Với những hình ảnh sinh động, những câu thơ tràn đầy cảm xúc, tác phẩm không chỉ phác họa bức tranh thiên nhiên tươi sáng mà còn khắc họa tinh thần lao động hăng say của con người miền biển.

Ngay từ những câu thơ đầu tiên, tác giả đã giới thiệu một cách giản dị nhưng đầy yêu thương về quê hương mình:

                                    “Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới

                                    Nước bao vây cách biển nửa ngày sông.”

Hai câu thơ mở đầu như một lời giới thiệu mộc mạc, chân chất về làng quê của tác giả. Một làng chài nhỏ bé, nơi sinh kế của người dân gắn liền với nghề đánh bắt cá. Từ “vốn” gợi lên truyền thống lâu đời của làng, nơi những người dân chài qua bao thế hệ đã gắn bó với biển khơi. Không chỉ vậy, hình ảnh “nước bao vây” càng nhấn mạnh sự gắn kết không thể tách rời giữa con người và biển cả, nơi mà cuộc sống của họ phụ thuộc vào những con sóng, những chuyến ra khơi đầy nắng gió.

Cảnh ra khơi được miêu tả bằng những câu thơ đầy sức sống, thể hiện tinh thần mạnh mẽ, phấn chấn của người dân chài lưới:

                                    “Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng,

                                    Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá.”

Thời gian bắt đầu một chuyến ra khơi là vào buổi sáng sớm, khi trời quang đãng, gió nhẹ nhàng, không gian trong trẻo và đầy hứa hẹn. “Sớm mai hồng” không chỉ tả cảnh sắc bình minh rực rỡ mà còn gợi lên sự hy vọng về một chuyến đi biển bình an, bội thu. Đặc biệt, hình ảnh “dân trai tráng” mang đậm màu sắc khỏe khoắn, tràn đầy sức sống. Họ chính là đại diện cho những con người gắn bó với biển cả, mạnh mẽ, kiên cường và đầy nhiệt huyết.

Bằng những hình ảnh so sánh giàu sức gợi, tác giả đã miêu tả sinh động về chiếc thuyền ra khơi:

                                    “Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã

                                    Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang.”

Chiếc thuyền không chỉ đơn thuần là phương tiện lao động mà còn hiện lên với dáng vẻ oai phong như một “con tuấn mã” mạnh mẽ, hừng hực khí thế lao về phía trước. Phép so sánh này khiến cho cảnh ra khơi không chỉ mang tính chất tả thực mà còn trở nên giàu chất thơ, thể hiện sức sống mãnh liệt của biển cả và con người miền biển. Hình ảnh cánh buồm cũng được tác giả miêu tả đầy lãng mạn:

                                    “Cánh buồm trương, to như mảnh hồn làng

                                    Rướn thân trắng bao la thâu góp gió...”

Cánh buồm không chỉ đơn thuần là vật dụng để căng gió mà còn là “mảnh hồn làng”, là biểu tượng của quê hương. Nó chuyên chở ước vọng, khát khao của những con người lao động luôn mong mỏi một chuyến đi biển thuận buồm xuôi gió, một cuộc sống ấm no. Hình ảnh nhân hóa “rướn thân trắng” càng khiến cho cánh buồm như có linh hồn, như một sinh thể sống động hòa cùng biển cả.

Không chỉ có cảnh ra khơi, bài thơ còn khắc họa cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về với niềm vui và sự náo nhiệt:

                                    “Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ

                                    Khắp dân làng tấp nập đón ghe về.

                                    'Nhờ ơn trời, biển lặng cá đầy ghe',

                                    Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.”

Không khí lao động không còn sự phấn khích, mạnh mẽ như khi ra khơi mà chuyển sang sự hân hoan, vui vẻ trong lúc trở về. Cả làng vui mừng đón ghe, niềm vui hiện lên trong từng câu thơ đầy ắp hình ảnh và âm thanh. Đặc biệt, câu thơ “Nhờ ơn trời, biển lặng cá đầy ghe” cho thấy tấm lòng biết ơn của người dân chài đối với thiên nhiên, với biển cả. Họ không chỉ lao động bằng sức lực mà còn bằng cả niềm tin, sự kính trọng đối với đất trời.

Những con người lao động hiện lên thật khỏe khoắn, cường tráng:

                                    “Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng,

                                    Cả thân hình nồng thở vị xa xăm.”

Làn da rám nắng, thân hình rắn rỏi chính là dấu ấn của cuộc sống gắn bó với biển khơi, chịu đựng sương gió. “Nồng thở vị xa xăm” là một hình ảnh đầy chất thơ, thể hiện hương vị đặc trưng của biển cả đã thấm đẫm vào từng con người nơi đây.

Nhưng có lẽ, câu thơ cuối mới chính là điểm nhấn cảm xúc, kết tinh nỗi nhớ quê hương da diết của tác giả:

                                    “Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!”

Không phải cảnh sắc hay con người mà chính “mùi nồng mặn” – hương vị của biển khơi, của quê hương – đã ám ảnh và khắc sâu trong tâm hồn nhà thơ. Câu thơ không hoa mỹ, không cầu kỳ, chỉ là một lời thốt lên chân thành nhưng lại chạm đến trái tim của người đọc. Đó là tình cảm chân thành của một người con xa quê, luôn mang trong lòng nỗi nhớ thương và sự gắn bó không thể phai mờ.

Bài thơ “Quê hương” của Tế Hanh không chỉ đơn thuần là một bức tranh về cảnh sắc thiên nhiên hay cuộc sống lao động của người dân miền biển, mà còn là một bài ca về tình yêu quê hương sâu sắc. Thông qua những hình ảnh giàu sức gợi, những câu thơ tràn đầy cảm xúc, tác giả đã truyền tải một cách tinh tế nỗi nhớ nhung, sự tự hào về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Bài thơ không chỉ khiến người đọc yêu hơn cảnh sắc làng chài mà còn khơi dậy trong lòng mỗi người tình cảm tha thiết với quê hương, nơi luôn có một phần ký ức không bao giờ phai nhòa.

Xem thêm các bài Văn mẫu thuyết minh, phân tích, dàn ý tác phẩm lớp 8 khác:

Mục lục Văn mẫu | Văn hay lớp 8 theo từng phần:

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài Tuyển tập những bài văn hay | văn mẫu lớp 8 của chúng tôi được biên soạn một phần dựa trên cuốn sách: Văn mẫu lớp 8Những bài văn hay lớp 8 đạt điểm cao.

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


que-huong.jsp


Giải bài tập lớp 8 sách mới các môn học