5+ Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc (điểm cao)



Đề bài: Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường năm học đầu tiên sau Cách mạng Tám 1945, Bác Hồ viết:

   "Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là một phần lớn ở công học tập của các cháu"

   Em hiểu lời dạy đó như thế nào?

5+ Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc (điểm cao)

Quảng cáo

Dàn ý Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không

A. MỞ BÀI

- Giới thiệu xuất xứ: Bác viết thư nhân ngày khai trương đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám.

- Giới thiệu câu văn: “Non sông... các em”.

- Đây là nhiệm vụ Bác trao cho học sinh chúng ta phải tìm hiểu kĩ để thực hiện.

B. THÂN BÀI

1. Giải thích ý: Non sông Việt Nam có được tươi đẹp và được sánh vai với các cường quốc năm châu?

a) Thế nào là non sông tươi đẹp?

- Non sông Việt Nam là đất nước Việt Nam yêu quý của ta.

- Non sông tươi đẹp là đất nước giàu có, phồn vinh (đẹp cả về vật chất lẫn tinh thần).

Đó là non sông độc lập, tự do, dân chủ, giàu mạnh.

Đó là đất nước của nhân dân no ấm, văn minh, hạnh phúc.

Quảng cáo

b) Thế nào là dân tộc sánh vai với các cường quốc?

- Cường quốc là một đất nước hùng mạnh.

- Dân tộc sánh vai với các cường quốc là dân tộc có uy tín, có nền kinh tế giàu mạnh, trình độ văn hoá, khoa học kĩ thuật cao.

- Dân tộc có hoạt động ảnh hưởng lớn đến khu vực, toàn cầu.

VD: Nhật Bản...

2. Tại sao tiền đồ của non sông, dân tộc lại một phần nhờ vào công lao học tập của học sinh?

a) Muốn kinh tế và các mặt khác phát triển phải có văn hoá, khoa học kĩ thuật cao.

b) Muốn có nền văn hoá cao thì phải học tập.

c) Các em học sinh hôm nay là chủ nhân ngày mai của đất nước. Do đó non sông trông đợi ở khả năng học tập của các em;

3. Suy nghĩ làm thế nào để thực hiện lời Bác dạy?

a) Xác định mục đích học tập: học để xây dựng đất nước, phục vụ nhân dân.

b) Xác định nội dung học tập: rèn đạo đức, nắm vững tri thức, rèn thể lực...

Quảng cáo

C. KẾT BÀI

- Bác đã chỉ ra trách nhiệm to lớn cho học sinh.

- Phải thực hiện tốt lời Bác dạy.

Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không - mẫu 1

        Sau gần 30 năm chiến tranh giải phóng, Tổ quốc đã giành được độc lập, hoà bình. Việt Nam là một trong những nước kém phát triển, chúng ta đã ngẩng cao đầu bước vào thế kỉ XXI. Các kì thi quốc tế về toán, lí, hóa,... học sinh Việt Nam đã giành được nhiều thành tích vẻ vang. Chặng đường đi tới để dân tộc ta, đất nước ta "sánh vai các cường quốc năm châu" đâu thuận lợi, dễ dàng, một sớm một chiều mà thực hiện được? Cho nên câu nói của Bác vẫn mang ý nghĩa thời sự nóng bỏng, có giá trị giáo dục và động viên các thế hệ học sinh Việt Nam vươn lên.

        Suốt đời Bác Hồ chỉ có "một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, dồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành". Bác đã dạy: “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người". Trong thư Trung thu Bác đã viết:

"Các cháu hãy xứng đáng

Cháu Bác Hồ Chí Minh”.

        Ôn lại những lời dạy của Bác Hồ, đọc lại bức thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám, chúng ta vô cùng cảm động trước sự thương yêu, chăm sóc, giáo dục của Người đối với thế hệ trẻ Việt Nam. Còn gì hạnh phúc hơn được học tập và đem tài năng phục vụ Tổ quốc, làm vẻ vang cho dân tộc. Thi đua học tập tốt là chúng ta đã tự giác làm đúng lời Bác dạy. Câu nói trên là tình yêu lớn toả sáng tâm hồn tuổi thơ. Học tập cũng là yêu nước.

Quảng cáo

Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không - mẫu 2

Bác Hồ kính yêu đã dành cho thế hệ trẻ Việt Nam bao tình cảm thiết tha sâu nặng. "Ai yêu các nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh?". Tình yêu đằm thắm ấy được biểu hiện qua nhiều bức thư Bác gửi các cháu nhân ngày khai trường hoặc Tết trung thu:

"Trung thu trăng sáng như gương,

Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng".

        Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám, Hổ Chủ tịch có viết: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu".

        Hơn nửa thế kỉ trôi qua, trên đất nước Việt Nam yêu quý của chúng ta đã có bao đổi thay lớn lao, bao biến cố lịch sử trọng đại, nhưng câu nói của Bác vẫn sáng ngời giá trị giáo dục và khích lệ tuổi trẻ trên mọi miền Tổ quốc.

        Ý tưởng sâu sắc của Bác Hồ được diễn đạt bằng một câu văn giàu hình tượng và cảm xúc. Vế thứ nhất Bác hỏi: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không?" có nghĩa là Bác hỏi về tiền đồ của Tổ quốc ta, tương lai của dân ta có được tốt đẹp, rỡ ràng, có trở nên giàu mạnh, văn minh như các cường quốc Anh, Nga, Pháp, Mĩ, Nhật,... hay không? Vế thứ hai là sự gợi ý, là cách trả lời của Bác: "chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu", hay nói một cách khác, Bác nêu lên nghĩa vụ học tập của học sinh đối với Tổ quốc và dân tộc. Qua câu văn ấy, Bác giáo dục học sinh về nhiệm vụ học tập, về trách nhiệm nặng nề, vẻ vang đối với tương lai tươi sáng của non sông Việt Nam, của dân tộc Việt Nam.

        Học tập là nghĩa vụ vẻ vang của học sinh đối với Tổ quốc và dân tộc. Học sinh là mầm non, là tương lai của gia đình và dân tộc; là thế hệ nối bước cha anh để xây dựng và bảo vệ đất nước "mười lần đẹp hơn" như Bác Hồ mong muốn. Bằng tính cần cù sáng tạo và chí dũng cảm, bằng tâm hồn và trí tuệ, tài năng, học sinh - thanh thiếu niên nhi đồng - sẽ đảm đương sứ mệnh lịch sử vẻ vang mà Bác Hồ giao phó. Muốn hoàn thành nghĩa vụ ấy, học sinh phải đủ đức, tài. Muốn có đức tài chỉ có con đường học tập và rèn luyện để nâng cao trình độ văn hóa, khoa học kĩ thuật, trở thành công dân tốt, người lao động giỏi, những chuyên gia... tài năng, giàu nhiệt huyết để phục vụ Tổ quốc, đóng góp "một phần lớn" vào mục tiêu dân giàu nước mạnh, mới kì vọng làm cho "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu".

        Học tập là trách nhiệm nặng nề nhưng vô cùng vẻ vang của học sinh. Sau gần một thế kỉ bị thực dân Pháp thống' trị, "nhà tù nhiều hơn trường học", nước ta xơ xác tiêu điều, dân ta đói khổ, hơn 90% dân số bị mù chữ! Việt Nam là một trong những nước lạc hậu trên thế giới. Thanh toán quá khứ nặng nề ấy, "diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm" là nhiệm vụ của toàn dân, nhưng học sinh phải là những chiến sĩ xung kích, như Bác dạy "chính một phần lớn là nhờ ở công học tập của các cháu".


        Câu nói trên đây là lời dạy, là tấm lòng, là tình thương của Bác đối với học sinh. Bác mong các cháu phải gắng sức, phải siêng năng học hành, biết học tập một cách thông minh sáng tạo. Có học tốt, học giỏi mới thành tài, có học vấn cao, có tri thức tiên tiến hiện đại. Có học tập tốt mới thực hiện được ước mơ, hoài bão của mình.

        Bác giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam phải có mục tiêu, động cơ học tập đúng đắn. Học để làm gì? Học tập không phải để làm quan, để vinh thân phì gia, mà là vì một mục đích cao cả: học tập để làm người, có nhân cách văn hoá, đem tài năng phục vụ sự nghiệp hiện đại hoá, công nghiệp hoá đất nước, góp phần xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, văn minh.

        Câu nói trên biểu lộ một phần tin yêu sâu sắc của lãnh tụ đối với thế hệ trẻ Việt Nam. Lời của Bác là lời non nước. Bác thay mặt nhân dân nói lên tiếng nói của Tổ quốc để động viên, khích lệ học sinh ra sức thi đưa học tập giỏi. Bác chỉ cho học sinh thấy con đường sáng đi tới ngày mai. Hạnh phúc của tuổi trẻ gắn liền với tiền đồ, tương lai xán lạn của đất nước và của dân tộc. Bức tin yêu học sinh - con em của một dân tộc cần cù và dũng cảm, thông minh và hiếu học.

Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không - mẫu 3

   Tục ngữ Việt Nam có nhiều lời khuyên về học tập như: "Đi một ngày học một sàng khôn", "Học ăn, học nói, học gói, học mở". Truyền thống hiếu học là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta thế nhưng thời Pháp thuộc, đa số nhân dân ta sống trong tăm tối, mù chữ do chính sách ngu dân của thực dân Pháp. Do vậy, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, trong ngày khai trường năm học đầu tiên của chế độ mới, Bác Hồ đã ân cần nhắn gửi học sinh:

   "Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là một phần lớn ở công học tập của các cháu"

   Lời dạy của Bác quả có nguyên cớ và ý nghĩa sâu xa.

   Thực vậy, trước hết, Bác đã cho ta rõ mối quan hệ chặt chẽ giữa việc học tập của học sinh và tiền đồ của đất nước. Thế nào là một đất nước vẻ vang? Đó là một đất nước độc lập và giàu mạnh về kinh tế, quân sự, văn hóa. Ta thường nghe dân giàu nước mạnh. Dân giàu có ắt phải ấm no, đầy đủ cả vật chất lẫn tinh thần, tiến bộ về văn hóa, xã hội an ninh, lành mạnh. Đó là một đất nước phát triển, một đất nước vẻ vang.

   Tiếp theo, niềm mơ ước của Bác được nhấn mạnh gắn liền với hình ảnh sánh vai với các cường quốc năm châu. Đây là một chuẩn mực cụ thể hơn, gần gũi hơn cho chúng ta suy ngẫm. Đã có rồi các cường quốc trên năm châu, ta chưa sánh vai cùng họ, ta còn thua kém họ. Ta tự hỏi họ hơn ta những gì? Đó là nền kinh tế giàu mạnh, khoa học kĩ thuật và văn hóa tiên tiến, vừa tiếp nhận tinh hoa nhân loại vừa góp mình vào trong sự phát triển của thế giới, về mặt tình cảm, đó là ước mơ, về mặt lí trí, đó là chỉ tiêu phấn đấu, là cái đích cao đẹp mả nhân dân ta cần nỗ lực vươn tới.

   Tại sao Bác không nêu rõ vấn đề như ta vừa giải thích trên đây? Tại sao lại nói: chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu?

   Xuất phát từ tầm nhìn xa trông rộng, Bác cho rằng sự nghiệp lớn lao như vậy cần huy động sức lực của toàn dân trong một thời gian dài. Điều đó có ý nghĩa Bác nhấn mạnh: thực hiện việc đổi mới đất nước ấy là lớp thanh thiếu niên, học sinh, những thế hệ làm chủ đất nước tương lai.

   Hơn thế nữa, Bác còn nhìn thấy sự chênh lệch giữa đất nước ta và đất nước phát triển khác. Đất nước ta vừa trải qua hàng nghìn năm phong kiến, hàng trăm năm nô lệ thực dân, chiến tranh liên miên, đất nước mới độc lập nên còn nghèo nàn lạc hậu. Trong khi đó, các nước phát triển trên thế giới đã tiến bộ vượt bậc về khoa học kĩ thuật. So với các nước tiên tiến, ta thua kém xa. Muốn theo kịp họ, sánh vai cùng họ, ta phải nỗ lực học tập, học theo cách làm của họ, kinh nghiệm của họ, kho kiên thức khoa học mới mẻ của họ và những cuộc cách mạng từng giờ trên thế giới văn minh.

   Muốn quốc phòng vững mạnh và kinh tế phát triển, ta phải nói đến khoa học, kĩ thuật. Thật vậy, đồng ruộng và tài nguyên chưa phải là tất cả. Muốn có năng suất cao, muốn khai thác tài nguyên, phải có kĩ thuật tiến bộ. Có kĩ thuật mới mong có năng suất cao và sản phẩm đẹp. Muốn nắm vững khoa học kĩ thuật không gì khác hơn học tập để có kiến thức vững vàng, có trình độ cao. Không học tập, làm sao có trình độ văn hóa cao?

   Tóm lại, Bác đã khẳng định nhiệm vụ học tập cho các thanh thiếu niên, học sinh là rất quan trọng đối với tương lai của đất nước ta. Bác không chỉ quan tâm đến hiện tại mà còn có đôi mắt nhìn xa trông rộng tới tương lai.

   Hiểu được lời dạy của Bác, ta thấy hết trách nhiệm của người học sinh trong việc học tập. Vì vậy ta cần xác định đúng đắn mục đích và động cơ học tập. Học để nắm vững kiến thức khoa học kĩ thuật, làm cho dân giàu nước mạnh. Ta phải kiên trì, vượt qua mọi khó khăntrong học tập. Ta phải có phương pháp học tập tốt. Cuối cùng, yêu nước, muốn đất nước sánh vai cùng với cường quốc năm châu, em tự nhù phải vượt khó trong học tập hôm nay.

Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không - mẫu 4

       Là người nhìn xa trông rộng, là người có mong muốn to lớn vào vận mệnh và lương lai của đất nước, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Bác Hồ đã chăm lo giáo dục và đặt niềm tin to lớn vào thế hệ trẻ, những người của tương lai. Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên, Bác viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công lao học tập của các cháu”.

       Đất nước chúng ta đã trải qua gần một thế kỉ dưới sự đô hộ của thực dân Pháp. Việc giành chủ quyền, độc lập đã đưa dân tộc ta lên một địa vị mới đầy vẻ vang-địa vị làm chủ đất nước mình trong độc lập, tự do. Tuy thế, một đất nước vẻ vang là phải giữ vững quyền độc lập tự do ấy. Mặt khác, đất nước vẻ vang còn phải hùng mạnh, giàu có, phải có nền quốc phòng hùng hậu đủ sức đánh bại mọi kẻ thù xâm lược để giữ vững chủ quyền, để xây dựng một nền kinh tế phát triển dân giàu nước mạnh. Đất nước như thế sẽ được các dân tộc khác yêu mến, kính trọng. Đất nước như thế là đất nước vẻ vang. “Dân tộc Việt Nam có sánh vai các cường quốc năm châu hay không?”, đấy là một vấn đề khác mà Bác đề ra. Một cường quốc phải là một nước giàu mạnh, hùng cường, đạt trình độ cao về mọi mặt kinh tế, văn hóa, quốc phòng, có trình độ khoa học kĩ thuật tiên tiến, một nền quốc phòng hùng hậu có thể sánh vai được với những cường quốc trên thế giới, có thể góp phần mình vào sự tiến bộ chung của nhân loại.

       Hai vấn đề to lớn trên là mong muốn của Bác Hồ, của toàn dân tộc ta. Mong muốn đó là hoàn toàn cần thiết và chính đáng, là mục tiêu to lớn và khát vọng của dân tộc chúng ta từ bao đời vươn tới tương lai. Nguyện vọng chính đáng đó chỉ có thể thực hiện được phụ thuộc vào phần lớn công lao học tập của thế hệ trẻ.

       Chúng ta biết rằng, dân tộc ta đã trải qua tám mươi năm nô lệ. Chúng ta xác định đất nước, giữ gìn độc lập với một gia tài nghèo nàn từ tay chế độ phong kiến lạc hậu hàng ngàn năm và chế độ thực dân khai thác thuộc địa. Muốn làm cho dân tộc ta vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu, có những bước tiến nhảy vọt cách xa chúng ta hàng thế kỉ, không có con đường nào khác là phải học tập để tiếp thu những tiến bộ và kinh nghiệm mà các quốc gia tiên tiến đã làm. Muốn thế, không chỉ dũng cảm và cần cù là đủ mà phải có trình độ học vấn cao để tiếp thu khoa học và những bí quyết thành công. Còn ai hơn tuổi trẻ đảm đương sứ mệnh đó. Thế hệ đang ngồi trên ghế nhà trường hôm nay, ngày mai sẽ là đội ngũ hùng hậu, tài năng xây dựng đất nước. Những kiến thức mà tuổi trẻ học tập được hôm nay sẽ áp dụng vào trong việc làm của nhiều năm sau. Đặt lòng tin và giao trách nhiệm đó cho tuổi trẻ chính là lòng yêu mến, trân trọng và một nhận thức đúng đắn, sáng suốt của một vị lãnh tụ đất nước.

       Nửa thế kỉ đã qua, lời nói cua Bác đã và đang trở thành hiện thực. Tuổi trẻ Việt Nam chúng ta trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đã học tập tốt và làm chủ được các phương tiện vũ khí chiến đấu hiện đại như xe tăng, tên lửa, máy bay..., đã góp phần to lớn vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc. Trong xây dựng đất nước mấy chục năm qua từ sau ngày thống nhất và trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, tuổi trẻ Việt Nam đã và đang thực hiện được mong ước và niềm tin to lớn của Bác Hồ. Tuy nhiên, những năm đầu của thể kỉ XXI, việc phấn đấu để đưa đất nước ta lên một tầm cao mới, để có thể “sánh vai các cường quốc năm châu”, lại là nhiệm vụ của lớp trẻ chúng ta trong học tập và rèn luyện, làm việc từ trong các nhà trường hôm nay.

       Lời dạy của Bác là niềm tin của đất nước, là sứ mệnh lịch sử vẻ vang dân tộc giao phó cho tuổi trẻ chúng taHọc tập tốt, học tập không ngừng, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, vươn tới đỉnh cao của khoa học để xây dựng đất nước, sánh vai cùng các cường quốc năm châu là vinh dự, là trách nhiệm to lớn của tuổi trẻ chúng ta.

Xem thêm các bài Văn mẫu thuyết minh, phân tích, dàn ý tác phẩm lớp 8 khác:

Mục lục Văn mẫu | Văn hay lớp 8 theo từng phần:

Săn shopee siêu SALE :

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, GÓI THI ONLINE DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 8

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi dành cho giáo viên và gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài Tuyển tập những bài văn hay | văn mẫu lớp 8 của chúng tôi được biên soạn một phần dựa trên cuốn sách: Văn mẫu lớp 8Những bài văn hay lớp 8 đạt điểm cao.

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.




Giải bài tập lớp 8 sách mới các môn học
Tài liệu giáo viên