Sơ đồ tư duy Khi con tu hú (dễ nhớ, ngắn gọn)

Nhằm mục đích giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa được kiến thức, nội dung các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 8, chúng tôi biên soạn bài viết sơ đồ tư duy bài thơ Khi con tu hú dễ nhớ, ngắn gọn với đầy đủ các nội dung như tìm hiểu chung về tác phẩm, tác giả, bố cục, dàn ý phân tích, bài văn mẫu phân tích, .... Hi vọng qua Sơ đồ tư duy Khi con tu hú sẽ giúp học sinh nắm được nội dung cơ bản của bài thơ Khi con tu hú.

Sơ đồ tư duy Khi con tu hú (dễ nhớ, ngắn gọn)

Quảng cáo

Bài giảng: Khi con tu hú - Cô Phạm Lan Anh (Giáo viên VietJack)

Sơ đồ tư duy bài thơ Khi con tu hú - mẫu 1

A. Sơ đồ tư duy bài thơ Khi con tu hú

Sơ đồ tư duy Khi con tu hú dễ nhớ, ngắn gọn

Sơ đồ tư duy Khi con tu hú dễ nhớ, ngắn gọn

Quảng cáo

B. Tìm hiểu bài thơ Khi con tu hú

I. Tác giả

- Tố Hữu (1920 - 2002) tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành

- Quê quán: Thừa Thiên Huế

- Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác:

+ Ông giác ngộ lí tưởng cách mạng khi còn đang học ở Huế

+ Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 ông được giữ nhiều chức vụ trong bộ máy lãnh đạo của Đảng, về mặt trận Văn hóa nghệ thuật.

+ Ông được tặng giải thưởng HCM về văn học nghệ thuật năm 1996

- Phong cách sáng tác: Thơ ông mang tính chất trữ tình chính trị có cảm hứng lãng mạn ngọt ngào.

II. Tác phẩm

1. Thể loại: thơ lục bát

2. Hoàn cảnh sáng tác

-Sáng tác vào tháng 7 năm 1939 tại nhà lao Thừa Phủ, khi tác giả bị bắt giam.

3. Xuất xứ: In trong tập “Từ ấy”

4. Bố cục

- Phần 1: 6 câu đầu: Khung cảnh thiên nhiên vào hè

Quảng cáo

- Phần 2: 4 câu cuối: Tâm trạng người chiến sĩ trong tù

5. Giá trị nội dung

Bài thơ thể hiện niềm tin yêu cuộc sống thiết tha và sự khao khát tự do mãnh liệt của người chiến sĩ trong cảnh tù đầy.

6. Giá trị nghệ thuật

- Thể thơ lục bát sử dụng uyển chuyển.

- Giọng điệu linh hoạt.

- Từ ngữ tự nhiên và gần gũi với đời thường.

III. Dàn ý phân tích tác phẩm

1. Bức tranh thiên nhiên mùa hè

- Âm thanh:

+ Tiếng chim tu hú kêu

+ Tiếng ve ngân

+ Tiếng diều sáo vi vu trên trời

⇒ Âm thanh báo hiệu hè sang, như một bản nhạc sôi động đầu mùa.

- Màu sắc:

+ Màu vàng của lúa chín, của bắp ngô

+ Màu vàng hồng của nắng mới

+ Màu xanh thẳm của bầu trời

⇒ Gam màu tươi sáng, màu của sức sống, đó còn là những màu tượng trưng cho sự tự do.

- Hình ảnh: cánh đồng lúa chín, trái cây bắt đầu chín

Quảng cáo

⇒ báo hiệu mùa hè, bước chuyển mình của thời gian từ xuân qua hạ.

- Đường nét: diều sáo “lộn nhào” giữa nền trời xanh thẳm

⇒ cảnh vật, đường nét có đôi có cặp, thể hiện sức sống.

Bức tranh đẹp; rộn rã âm thanh; rực rỡ sắc màu; ngọt ngào hương vị; bầu trời khoáng đạt, tự do; tràn đầy sức sống. Tác giả là người có tâm hồn tinh tế, nhạy cảm yêu cuộc sống, yêu tự do mới cảm nhận được như vậy.

2. Tâm trạng của người tù

- Trước khung cảnh tràn đầy sức sống của mùa hè, tâm trạng người tù cách mạng dường như đang bí bách, ngột ngạt hơn bao giờ hết.

+ Động từ mạnh: “đạp”, “ngột”, “chết uất”

+ Một loạt từ cảm thán: “ôi!”, “làm sao”, “thôi!”

+ Kết thúc bằng một câu cảm thán

+ Nhịp thơ thay đổi: 6/2, 3/3

⇒ Tâm trạng lên đến đỉnh điểm khiến nhà thơ phải liên tục thốt lên

- Kết cấu đầu cuối tương ứng: tiếng chim tu hú:

+ Mở đầu: tiếng tu hú gợi ra cảnh trời đất bao la, tưng bừng sự sống và tâm trạng náo nức bồn chồn của người tù chiến sĩ.

+ Kết thúc: tiếng tu hú gợi cảm xúc hết sức đau khổ, bực bội.

+ Tiếng chim tu hú hay chính là tiếng gọi của sự tự do, tiếng gọi của cuộc sống đang hối hả, dồn dập, thúc giục niềm khao khát tự do, thoát khỏi chốn ngục tù, và sâu xa hơn là khao khát đất nước được hòa bình độc lập đang cháy hừng hực trong lòng tác giả.

⇒ Khát khao tự do cháy bỏng của người tù - chiến sĩ trong cảnh ngộ tù đày.

IV. Bài phân tích

Từ ấy là tập thơ đầu tay của nhà thơ Tố Hữu, được sáng tác trong khoảng thời gian từ năm 1937 đến năm 1946. Phần lớn các bài thơ được đăng trên báo chí công khai và bí mật từ năm 1938, được tập hợp lại và xuất bản lần đầu năm 1946. Trong tập thơ có bài Khi con tu hú, được sáng tác vào năm 1939, khi ấy nhà thơ bị địch bắt giam tại lao Thừa Phủ – Huế. Bị giam cầm trong bốn bức tường vôi lạnh, tâm trạng người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi cảm thấy ngột ngạt, lòng lúc nào cũng hướng về bầu trời tự do bên ngoài. Nỗi ngột ngạt, u uất bị dồn nén đã biến thành niềm khát vọng tự do cháy bỏng khi ngoài song sắt nhà tù, nơi không gian tự do thoáng đãng bỗng vang lên tiếng chim tu hú gọi bầy.

Nhan đề Khi con tu hú của bài thơ không chỉ nói đến thời gian mà còn ẩn ý là một thời điểm bừng lên của thiên nhiên tạo vật bên cạch đó chỉ khát khao hoạt động cách mạng của con người. Tiếng chim tu hú có tác động mạnh mẽ đến nhà thơ bởi lẽ nó báo hiệu một mùa hè đến và là biểu tượng cho sự bay nhảy được tự do, do đó có ảnh hưởng lớn đến nhà thơ khi đang bị giam cầm.

Mở đầu bài thơ, Tố Hữu đã vẽ lên cho chúng ta thấy được một bức tranh thiên nhiên vào hè thật tươi đẹp, đầy sống động và thấy được những âm thanh sôi động ngày hè mà đặc biệt là tiếng chim tu hú đang cất lên từng hồi để gọi bầy:

Khi con tu hú gọi bầy

Lúa chiêm đang chín trái cây ngọt dần

Tiếng chim tu hú chính là dấu hiệu của mùa hè đến, của sự sống tưng bừng sinh sôi nảy nở, tiếng chim đã tác động đến tâm hồn người tù trẻ tuổi. Khi ở trong xà lim chật chội tối tăm tách biệt với thế giới bên ngoài nhà thơ lắng nghe tiếng chim rộn rã lắng nghe mọi âm thanh của cuộc đời bằng chính tâm hồn và trái tim nhạy cảm của một người nghệ sĩ. Một tiếng chim thôi cũng gợi cho nhà thơ cả một trời thương nhớ về những mùa hè của quê hương.

Như ta cũng đã biết mùa hè là mùa thu hoạch, là mùa của lúa chiêm đang rộ chín, trái cây dường như cũng ngọt dần dưới cái nắng của miền trung. Những âm thanh rạo rực và những hình ảnh tươi đẹp tràn đầy sức sống của mùa hè liên tục hiện lên trong kí ức của nhà thơ.

Vườn râm dậy tiếng ve ngân

Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào

Trời xanh càng rộng càng cao

Đôi con diều sáo lộn nhào từng không

Rồi là tiếng ve kêu tiếng ve ngân dài suốt thời thơ ấu, suốt những năm tháng học trò, làm sao có thể quên được, tiếng ve kêu gợi nhớ về những năm tháng ấy. Màu vàng của bắp màu hồng của nắng màu xanh của trời tạo nên những mảng sắc màu lung linh rực rỡ của bức tranh quê. Thoang thoảng đâu đây mùi hương lúa, hương thơm của trái chín đầu mùa. Xa xa là tiếng chim hót líu lo tiếng ve ngân nga trên cành lá…. đó là mùa hè mà chàng thanh niên mười tám còn được sống tự do gữa gia đình bè bạn và đồng chí thân thương. Phải gắn bó yêu mến quê hương lắm mới hình dung ra được một bức tranh quê xứ Huế sống động đến như vậy!

Trước vẻ đẹp của thiên nhiên và đặc biệt là tiếng chim tu hú rộn ràng, cái ước muốn thoát ra bên ngoài của người tù càng mạnh mẽ hơn:

Ta nghe hè dậy bên lòng

Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!

Ngột làm sao, chết mất thôi

Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu.

Bốn câu thơ cuối trực tiếp bộc lộ cảm xúc, tâm trạng của tác giả. Đó là tâm trạng đau khổ, bực bội, uất ức, ngột ngạt nhưng không hề có vẻ bi quan, chán chường, tuyệt vọng của một tâm hồn yếu đuối dễ bị gục ngã trước hoàn cảnh. Nhịp thơ đang đều đều, êm ái đến câu 8 và 9 bỗng bị ngắt bất thường 6/2, 3/3; các từ ngữ, hình ảnh đang vui tươi, đến đây bỗng trở nên mạnh mẽ, dữ dội: đập tan phòng, chết uất, ngột… Tất cả đều thể hiện khát khao cháy bỏng muốn thoát khỏi cảnh tù ngục của người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi khi đang phơi phới trên con đường cách mạng bỗng đâu gió cản cánh chim bằng.

Bài thơ mở đầu bằng tiếng chim tú hú và kết thúc cũng bằng tiếng chim tu hú. Mỗi tiếng kêu của nó là một tín hiệu gợi nhắc về cuộc sống tự do và thân phận tù tội. Nếu ở đầu bài, tiếng chim tu hú là tiếng báo mùa, một thứ âm thanh hay và đẹp thì ở cuối bài, nó là một thứ âm thanh nhức nhối, thúc giục hành động. Tố Hữu đã rất tinh tế khi chỉ bằng tiếng chim báo mùa đã gợi tả được nhiều nỗi niềm, tâm sự, cảm xúc của người tù cộng sản… Lắng nghe tiếng chim tu hú, tâm trạng của tác giả cũng chuyển biến từ niềm hân hoan trước mùa hè sôi động đến nỗi uất ức, bực tức, đau khổ khi bị giam cầm uổng phí và khát khao phá tan bức tường nhà giam ngột ngạt để trở về với cuộc sống tự do tươi đẹp. Bài thơ kết thúc bằng cách mở ra tiếng chim tu hú cứ kêu như giục giã những hành động sắp tới. Có thể nói, tiếng chim tu hú chính là tiếng gọi của tự do, của sự sống. Nó khiến cho người tù cách mạng phải bồn chồn, mong mỏi được thoát ra khỏi không gian ngột ngạt chốn lao tù để hòa mình vào thế giới của tự do. Sâu trong từng câu chữ hòa với tiếng chim tu hú là khát vọng được tự do trong một đất nước hòa bình độc lập.

Không chỉ thành công về mặt nội dung, Tố Hữu cũng thành công về mặt nghệ thuật khi sử dụng thể thơ truyền thống của dân tộc – thể thơ lục bát, vừa uyển chuyển lại dễ hiểu dễ nghe. Nhịp thơ được ông biến chuyển linh hoạt, được ngắt nhịp đều đặn xúc cảm và tâm trạng của nhà thơ. Ngôn ngữ ông sử dụng cũng giản dị, dễ hiểu, hình ảnh thơ mộc mạc, gần gũi, lời thơ da diết thể hiện niềm khát vọng cháy bỏng của người tù.

Bài thơ Khi con tu hú của Tố Hữu đã dựng lên bức tranh ngày hè thật đẹp đẽ với đầy đủ âm thanh và sắc màu. Tất cả đều toát lên một sức sống cực kì mãnh liệt. Tình cảm trong bài thơ được nhà thơ thể hiện sâu sắc và da diết qua thể thơ lục bát mộc mạc. Bài thơ là tình yêu cuộc sống tha thiết, sâu nặng của nhà thơ và niềm khao khát tự do tới cháy bỏng của người tù cách mạng trong hoàn cảnh tù đày.

V. Một số lời bình về tác phẩm

1. Ý thơ bắt đầu là tiếng chim tu hú như nhan đề bài thơ đã nêu lên: Khi con tu hú. Đó là tu hú kêu, tiếng kêu vang suốt bài thơ, ra ngoài thơ, vang mãi. Người bị giam trong tù, khép kín giữa bốn bức tường kín mít, chỉ còn có âm thanh là mối dây liên hệ với bên ngoài: chỉ có tiếng chim, tiếng chuông, tiếng bước chân, tiếng rao đêm,… là báo hiệu của cuộc sống bên ngoài. Tự nhiên, âm thanh bên ngoài trở thành biểu tượng của thế giới tự do. Cả bài thơ xây dựng trên hình ảnh âm thanh đó.

Ta nghe hè dậy bên lòng

Mà chân muốn đạp tan phòng hè ôi!

Nhà thơ thì thầm với mùa hè, đây cũng là một hình ảnh mới. Mùa hè của tự do, của nồng nàn, của đam mê. Tiếng kêu của chim tu hú ở đây trở thành tiếng gọi của tự do.

(Trần Đình Sử)

Sơ đồ tư duy bài thơ Khi con tu hú - mẫu 2

Sơ đồ tư duy Khi con tu hú

Sơ đồ tư duy bài thơ Khi con tu hú - mẫu 3

Sơ đồ tư duy Khi con tu hú

Sơ đồ tư duy bài thơ Khi con tu hú - mẫu 4

Sơ đồ tư duy Khi con tu hú

Sơ đồ tư duy bài thơ Khi con tu hú - mẫu 5

Sơ đồ tư duy Khi con tu hú

Sơ đồ tư duy bài thơ Khi con tu hú - mẫu 6

Sơ đồ tư duy Khi con tu hú

Xem thêm sơ đồ tư duy của các tác phẩm, văn bản lớp 8 hay, chi tiết khác:

Mục lục Văn mẫu | Văn hay lớp 8 theo từng phần:

Săn shopee siêu SALE :

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, GÓI THI ONLINE DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 8

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi dành cho giáo viên và gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài Tuyển tập những bài văn hay | văn mẫu lớp 8 của chúng tôi được biên soạn một phần dựa trên cuốn sách: Văn mẫu lớp 8Những bài văn hay lớp 8 đạt điểm cao.

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Giải bài tập lớp 8 sách mới các môn học
Tài liệu giáo viên