10+ Thuyết minh về một điểm du lịch (điểm cao)



Đề bài: Thuyết minh về một địa điểm du lịch.

10+ Thuyết minh về một điểm du lịch (điểm cao)

Quảng cáo

Dàn ý Thuyết minh về một địa điểm du lịch

1. Mở bài

- Giới thiệu đối tượng thuyết minh: Địa điểm du lịch mà em định giới thiệu.

- Cảm nghĩ khái quát của em về Địa điểm du lịch đó.

2. Thân bài

a) Giới thiệu khái quát:

- Vị trí địa lí, địa chỉ

- Diện tích

- Phương tiện di chuyển đến đó

- Khung cảnh xung quanh

b) Giới thiệu về lịch sử hình thành:

- Thời gian xây dựng, nguồn gốc hình thành

- Ý nghĩa tên gọi hoặc tên gọi khác (nếu có)

c) Giới thiệu về kiến trúc, cảnh vật

- Cấu trúc khi nhìn từ xa...

- Chi tiết...

Quảng cáo

d) Ý nghĩa về lịch sử, văn hóa của Địa điểm du lịch đó đối với:

- Địa phương...

- Đất nước...

3. Kết bài

- Khẳng định lại một lần nữa giá trị, ý nghĩa của đối tượng thuyết minh.

- Nêu cảm nghĩ của bản thân.

Thuyết minh về một địa điểm du lịch - Cố đô Huế

Cứ mỗi khi nhắc đến tỉnh miền trung, thì suy nghĩ đầu tiên trong đầu của mọi người đó là một vùng đất quanh năm mưa lũ, hạn hán, thiên tai, gắn với những con người cần mẫn, lam lũ, chân chất. Ấy vậy, mà miền Trung còn mang trong mình vẻ đẹp tinh tế ở phía Nam Trung Bộ với Đà Nẵng và phía Bắc Trung Bộ với tỉnh Thừa Thiên Huế đầy mơ mộng. Trong đó, không thể không kể đến quần thể di tích Cố Đô Huế nằm ở bộ phận bờ bắc con sông Hương xinh đẹp thuộc địa phận của thành phố Huế và nằm rải rác một vài vùng lân cận tỉnh Thừa Thiên Huế.

Cố Đô Huế có một chiều dài lịch sử hình thành lâu đời, đây từng là nơi ngự trị cai quản của 9 đời nhà chúa Nguyễn ở đàng trong ở thời kỳ phân chia giữa chế độ “vua Lê chúa Trịnh”. Nhắc đến quá trình tạo hóa, lịch sử lâu đời của vùng đất thiêng liêng này, không ai có thể quên được chúa tiên Nguyễn Hoàng, người đã có công trong việc mở mang bờ cõi nước nhà, tạo sự thịnh vượng và tiền đề vững chắc phát triển triều Nguyễn lâu dài. Nghe lời khuyên của trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân” và biết mình không được thuận ý trong mắt người ảnh rể Trịnh Kiểm, do đó ông nhanh chóng xin vào trấn thủ, cai quản vùng đất Thuận Hóa, và đó cũng chính là thời kì khởi đầu kéo dài dưới sự cai trị của 9 vị chúa Nguyễn ở đàng trong. Quần thể di tích Cố Đô Huế được nhà Nguyễn chủ trương khởi công xây dựng vào khoảng từ thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20. Nó được chính thức bắt đầu xây dựng nên từ năm 1805 và trải dài 27 năm nó được hoàn thành mỹ mãn vào dưới triều của nhà vua Minh Mạng. Cố Đô Huế là một công trình thiết kế và xây dựng kết hợp theo hai phong cách vừa pha một chút phương tây vừa một chút phương đông tạo nên một quần thể kiến trúc tuyệt đỉnh.

Quảng cáo

Quần thể di tích Cố Đô Huế xinh đẹp này là sự góp phần của các công trình tiêu biểu như Tử Cấm Thành, các lăng tẩm, đền đài, chùa chiền… Nằm dọc phía bờ bắc của con sông Hương êm ả là hệ thống kiến trúc quy mô, đồ sộ của chúa Nguyễn: Tử Cấm Thành, Hoàng Thành Huế và Kinh Thành Huế, nó vẫn kiên cường sừng sững giữa bao biến động của thời gian trải dài từ Tây sang Đông hùng vĩ. Kinh Thành Huế là nơi đầu tiên được vua Gia Long khảo sát vào năm 1803, và sau 2 năm thì nó được chính thức khởi công xây dựng dưới sự giám sát của nhà Nguyễn. Đây là nơi có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, phía đông giáp đường Phan Đăng Lưu, phía tây giáp giáp đường Lê Duẩn, phía nam giáp đường Trần Hưng Đạo. Phía bên trong của kinh thành cũng có vị trí vô cùng thuận lợi được giới hạn theo bản đồ gồm: phía tây là đường Tôn Thất Hiệp, phía đông là đường Xuân 68, phía nam là đường Ông Ích Khiêm và phía bắc giáp đường Lương Ngọc Quyến. Kinh thành Huế được thiết kế theo phong cách độc đáo kiến trúc Vauban, gồm 3 vòng thành bao quanh chặt chẽ kinh thành, hoàng thành, Tử Cấm Thành. Trong chiều dài lịch sử Việt Nam từ xưa đến nay có lẽ Kinh Thành Huế được coi là công trình có quy mô và sức ảnh hưởng lớn nhất, với cấu tạo gồm hàng triệu mét khối đất đá cấu thành kéo dài dưới hai triều vua trong vòng 30 năm khởi công xây dựng. Trong kinh dịch ghi “ Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ”, bởi kinh thành Huế hay Hoàng Thành, Tử Cấm Thành đều được quy hoạch bên bờ bắc của sông Hương và được xây dựng xoay mặt về phía Nam. Bên trong kinh thành là khu vực Hoàng Thành là nơi bàn chính sư của vua chúa triều đình và cũng là nơi ở của Hoàng gia, thờ tự tổ tiên. Hoàng Thành có tất cả 4 cửa được phân bổ đều ở cả 4 mặt, Ngọ Môn là cửa chính của nó. Năm 1804, Hoàng Thành được khởi công xây dựng nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh cho mãi đến năm 1833 vào thời vua Minh Mạng thì hệ thống cung điện quy mô tráng lệ này mới được hoàn tất. Đa số mọi người thường gọi Hoàng Thành và Tử Cấm Thành là Đại Nội vì đây vừa là nơi thiết triều mà còn là khu vực miếu thờ. Nằm ở phía bên trong Hoàng Thành và cũng là vòng thành phía trong cùng được gọi tên Tử Cấm Thành, nó còn bao gồm rất nhiều các công trình quy mô từ nhỏ đến lớn khác nhau và được phân chia ở nhiều khu vực riêng lẻ làm nhiệm vụ khác nhau. Đại nội hay còn được biết đến là một nơi bất khả xâm phạm, tuyệt mật tuyệt đối của vua chúa, không ai được phép đặt chân vào nếu không có sự cho phép của vua. Nằm ở phía tây của kinh thành dọc theo bờ sông Hương êm ả là hệ thống lăng mộ uy nghi của vua triều Nguyễn. Mỗi một lăng mộ tượng trưng cho sĩ khí, hành trình cuộc đời của các vị vua. Nếu lăng Minh Mạng mang trong nó sự hùng mạnh, uy nghi, tráng lệ giữa rừng núi hồ ao, thì lăng Tự Đức lại mang trong mình sự thoáng đãng, thơ mộng, gần gũi với thiên nhiên cứ tưởng chừng như một bức họa sơn thủy trong lành. Với chiều dài lịch sử hùng hồn vẻ vang, cùng với bề dày văn hóa lâu đời, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp hữu tình, từ lâu Huế đã và đang trở thành một trung tâm du lịch hấp dẫn đối với cả du khách trong nước và ngoài nước.Đặc biệt lễ hội Festival Huế là nơi khơi dậy và làm sống lại những giá trị văn hóa của Huế thông qua nhiều chương trình lễ hội đặc sắc, là sự kết hợp giữa văn hóa dân gian và văn hóa cung đình tinh tế.

Quần thể di tích Cố Đô Huế là một biểu tượng văn hóa độc đáo không chỉ của Việt Nam mà còn là thế giới, đánh dấu mốc son quan trọng trong sự nghiệp mở rộng bờ cõi của nước nhà. Đến đây, khách du lịch không chỉ được tận mắt chứng kiến những công trình kiến trúc lộng lẫy, uy nghi mà còn bị thu hút, ấn tượng bởi giọng nói ngọt ngào của các cô gái Huế, những bài thơ bài ca đã đi vào lòng người xao xuyến biết bao. Và mãi cho đến ngày hôm nay, Cố Đô Huế vẫn mãi trường kỳ theo thời gian, sánh vai với các kỳ quan trên thế giới, xứng đáng là biểu tượng tự hào của người dân Việt Nam trên khắp đất nước

Thuyết minh về một địa điểm du lịch - Phố cổ Hà Nội

Phố cổ Hà Nội – nơi mà từng chút rêu phong lặng lẽ nằm lại ở những ngách nhỏ nắng không rọi tới, nơi hàng ngày vẫn chật ních những người xe qua lại mà không lưu lại chút nào dấu chân của khách bộ hành. Người Hà Nội vẫn tự hào về những con phố nao nao nỗi nhớ ấy, như một chút dư vị được chắt lọc, còn lắng lại của một "Hà Nội ngây ngất nắng. Một Hà Nội run run heo may" đã bắt đầu vươn mình thay đổi từng ngày.

Khu phố cổ Hà Nội đã được hình thành từ thời Lý – Trần vào thế kỉ X, khi vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, đổi tên kinh thành là Thăng Long. Vị trí phố cổ Hà Nội nằm ở phía đông của hoàng thành Thăng Long ra đến sát sông Hồng. Năm 1995, nhà nước quy hoạch lại, khu phố cổ Hà Nội có phạm vi được xác định: phía Bắc là phố Hàng Đậu; phía Tây là phố Phùng Hưng; phía Nam là các phố Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ và Hàng Thùng; phía Đông là đường Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm với tổng diện tích khoảng 100 ha, gồm 76 tuyến phố thuộc 10 phường: phường Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Mã, Đồng Xuân, Cửa Đông, Lý Thái Tổ.

Tổng thể khu phố cổ Hà Nội là một quần thể kiến trúc độc đáo với khối không gian nhỏ bé, hình thức kiến trúc mặt đứng, những tuyến phố nhỏ hẹp, nối sát nhau, có thể đi thông từ phố nọ sang phố kia mà ca dao đã từng viết: "Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ". Một đặc trưng nữa của khu phố cổ Hà Nội là kiến trúc nhà cổ và nhà hình ống, với các lớp mái ngói "lô xô "nghiêng rêu phong, cổ kính, mặt tiền là cửa hàng buôn bán, tạo nên một tổng thể cảnh quan kiến trúc đặc trưng của đô thị cổ tiêu biểu với kiến trúc truyền thống của người Việt đồng bằng Bắc Bộ. Ngoài ra còn đan xen những biệt thự theo kiến trúc Châu Âu được người Pháp xây dựng từ thế kỉ 19, tạo cho kiến trúc phố cổ càng thêm đa dạng.

Do phố cổ Hà Nội tập trung dân cư hoạt động tiểu thủ công nghiệp và buôn bán giao thương, nên hình thành những phố nghề đặc trưng mang những nét truyền thống riêng biệt của cư dân thành thị, kinh đô. Sản phẩm được buôn bán đã trở thành tên phố, với chữ "Hàng" đằng trước như Hàng Gạo, Hàng Đường, Hàng Muối… Ngày nay, sau hàng thế kỉ, phố cổ Hà Nội không còn bán chỉ bán những mặt hàng đặc trưng như trước trừ Hàng Mã, Hàng Đồng, Hàng tre, Hàng Thiếc, Thuốc Bắc,… cộng với việc nhiều khách sạn lớn, nhỏ mọc lên đáp ứng nhu cầu du lịch khiến phố cổ phần nào mất dần nét đẹp cổ kính ấy.

Quảng cáo

Cảnh quan phố cổ Hà Nội hài hòa với nhà ở, đường phố đan xen công viên, vườn hoa, hồ nước mang lại không khí trong lành, thơ mộng cho không gian phố cổ.

Phố cổ Hà Nội còn hấp dẫn chúng ta bởi những giá trị văn hoá chứa đựng trong khoảng 100 công trình kiến trúc lâu đời gồm đình, đền, chùa, hội quán. Đền Bạch Mã ở phố Hàng Buồm là điển hình trong các di tích lịch sử và văn hoá, được coi là một trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long.

Người dân phố cổ phần lớn làm nghề kinh doanh. Cuộc sống của họ đầy náo nhiệt, đầy sức sống, không ngừng chuyển động nhưng cũng rất nên thơ. Cứ vào dịp cuối tuần, khi màn đêm buông xuống, tuyến phố đi bộ Hàng Đào – Đồng Xuân kết nối với chợ đêm Đồng Xuân đã tạo thành một không gian đi bộ phố cổ về đêm dài gần 3km. Đây thực sự đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, khai thác được nét văn hóa phố cổ đồng thời tạo điều kiện cho du khách khám phá Hà Nội về đêm. Hòa vào dòng người đi bộ trong không gian phố cổ và mua sắm hàng lưu niệm, hàng tiêu dùng tại chợ, hoặc thưởng thức ẩm thực đặc trưng của người Hà Nội mới cảm nhận được sức hấp dẫn của chợ đêm và phố cổ về đêm.

Song ngay cạnh những dãy hàng náo nhiệt, ta vẫn cảm nhận được một đêm phố cổ trầm mặc qua những căn nhà nhỏ lô xô nằm nép mình vào nhau gợi lên cảm giác xa xưa, hoài cổ.

Nói về giá trị văn hóa và du lịch, phố cổ Hà Nội chính là niềm tự hào của người dân Hà Nội. Là nơi tổ chức rất nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội lớn của thủ đô. Từ lâu, phố cổ Hà Nội đã là lựa chọn của nhiều du khách trong nước và quốc tế khi tới thăm Thủ đô. Trong con mắt của hầu hết du khách, phố cổ Hà Nội là di sản hiếm có, là một thực thể sống còn sót lại qua thử thách của thời gian, thăng trầm lịch sử đáng tự hào.

So với phố cổ Hội An – vùng đất ghi nhiều dấu ấn của sự pha trộn, giao thoa văn hóa, là biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế. Phố cổ Hà Nội là một di sản kiến trúc quý báu mang đậm bản sắc truyền thống văn hoá của dân tộc, là niềm tự hào và xứng đáng tượng trưng cho cốt cách linh hồn của Thủ đô ngàn năm văn hiến, là tấm gương phản chiếu lịch sử, kiến trúc và đời sống đô thị Hà Nội qua các thời kỳ. Do đó cần được bảo tồn và phát huy trong đời sống đô thị hiện đại.

Để bảo tồn, tôn tạo được khu phố cổ, chúng ta cần có quy hoạch không gian kiến trúc khu phố cổ Hà Nội hợp lý. Không xây dựng các công trình xây dựng vượt qua chiều cao quy định, che khuất tầm nhìn Hồ Gươm và các khu vực tâm linh khác. Thực hiện dự án giãn dân nơi phố cổ. Nâng cao ý thức người dân, không chỉ yêu cầu họ có trách nhiệm mà còn phải có quyền lợi bảo tồn phố cổ.

Trải qua bao thời gian và những đổi thay, nhưng phố cổ vẫn giữ được nét trầm mặc, vẻ cổ xưa như đã đóng rễ ấy. Đơn giản vì những trầm mặc mông lung đã trở thành điều tuyệt diệu của cuộc sống này. Đến độ, có nhộn nhịp và tấp nập, vẫn cảm thấy yên bình, có xô bồ và nhốn nháo, nhưng lại là điểm tựa vững chắc. Tựa như ngả lòng vào những ấm áp đã ủ kỹ nghìn năm, cho ta càng yêu thêm những con phố nghìn năm tuổi.

Thuyết minh về một địa điểm du lịch - Chùa Hương

Nói về văn hóa tâm linh của người Việt không thể không nhắc đến những đền chùa cổ kính, linh thiêng mang nét đẹp đặc trưng, trầm lắng, nơi bày tỏ niềm thành kính, biết ơn với người xưa, với tín ngưỡng tôn giáo. Một trong những ngôi chùa cổ, nổi tiếng của nước ta phải kể đến chùa Hương - danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa và tín ngưỡng của Việt Nam.

Chùa Hương hay còn gọi là Hương Sơn là cả một quần thể văn hóa - tôn giáo Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ thần, các ngôi đình, thờ tín ngưỡng nông nghiệp, nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 17 vào thời kỳ Đàng Trong - Đàng Ngoài, sau đó bị hủy hoại trong kháng chiến chống Pháp năm 1947, sau đó được phục dựng lại năm 1988 do Thượng Tọa Thích Viên Thành dưới sự chỉ dạy của cố Hòa thượng Thích Thanh Chân.

Nơi đây gắn liền với với tín ngưỡng dân gian thờ Bà Chúa Ba, theo phật thoại xưa kể lại rằng người con gái thứ ba của vua Diệu Trang Vương nước Hương Lâm tên là Diệu Thiện chính là chúa Ba hiện thân của Bồ Tát Quan Thế m, trải qua nhiều thử thách, gian nan với chín năm tu hành bà đã đắc đạo thành Phật để cứu độ chúng sinh.

Dưới đôi bàn tay khéo léo của người xưa cùng với những nét đẹp tạo hóa mà thiên nhiên ban tặng, mà vẻ đẹp của chùa Hương mang một dấu ấn rất riêng, đưa ta đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Quần thể chùa Hương có nhiều công trình kiến trúc rải rác trong thung lũng suối Yến.

Khu vực chính là chùa Ngoài, còn gọi là chùa Trò, tên chữ là chùa Thiên Trù. Chùa nằm không xa bến Trò nơi khách hành hương đi ngược suối Yến từ bến Đục vào chùa thì xuống đò ở đấy mà lên bộ. Tam quan chùa được cất trên ba khoảng sân rộng lát gạch. Sân thứ ba dựng tháp chuông với ba tầng mái.

Đây là một công trình cổ, dáng dấp độc đáo vì lộ hai đầu hồi tam giác trên tầng cao nhất. Tháp chuông này nguyên thủy thuộc chùa làng Cao Mật, tỉnh Hà Đông, năm 1980 được di chuyển về chùa Hương làm tháp chuông.Chùa Chính, tức chùa Trong không phải là một công trình nhân tạo mà là một động đá thiên nhiên.

Ở lối xuống hang động có cổng lớn, trán cổng ghi bốn chữ “Hương Tích động môn”. Qua cổng là con dốc dài, lối đi xây thành 120 bậc lát đá. Vách động có năm chữ Hán“Nam thiên đệ nhất động” là bút tích của Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm. Ngoài ra động còn có một số bia và thi văn tạc trên vách đá.

Lễ hội chùa Hương được tổ chức vào ngày mồng sáu tháng giêng, thường kéo dài đến hạ tuần tháng ba âm lịch. Vào dịp lễ, hàng triệu phật tử cùng du khách tứ phương lại nô nức trẩy hội chùa Hương.

Đỉnh cao của lễ hội là từ rằm tháng giêng đến 18 tháng hai âm lịch.Đây là ngày lễ khai sơn của địa phương nhưng ngày nay nghi lễ khai sơn được hiểu theo nghĩa mở- mở cửa chùa. Lễ hội chùa Hương trong phần lễ thực hiện rất đơn giản.

Một ngày trước khi khai hội, tất cả các đền, chùa, đình, miếu đều được thắp hương nghi ngút.Ở trong chùa Trong có lễ dâng hương, gồm hương, hoa, đèn, nến, hoa quả và thức ăn chay. Lúc cúng có hai tăng ni mặc áo cà sa mang đồ lễ chay đàn rồi mới tiến dùng đồ lễ lên bàn thờ.

Từ ngày mở hội cho đến hết hội, chỉ thỉnh thoảng mới có sư ở các chùa trên đến gõ mõ tụng kinh chừng nửa giờ tại các chùa, miếu, đền. Còn hương khói thì không bao giờ dứt. Về phần lễ có nghiêng về “thiền”. Nhưng ở chùa ngoài lại thờ các vị sơn thần thượng đẳng với đủ màu sắc của đạo giáo.

Đền Cửa Vòng là “chân long linh từ” thờ bà chúa Thượng Ngàn, người cai quản cả vùng rừng núi xung quanh với cái tên là “tì nữ tuý Hồng” của sơn thần tối cao. Chùa Bắc Đài, chùa Tuyết Sơn, chùa Cả và đình Quân thờ ngũ hổ và tín ngưỡng cá thần. Ta có thể thấy phần lễ là tổng hợp toàn thể hệ thống tín ngưỡng, gần như là tổng thể những tín ngưỡng tôn giáo của Việt Nam.

Trong lễ hội có rước lễ và rước văn. Người làng dinh kiệu tới nhà ông soạn văn tế, rước bản văn ra đền để chủ tế trịnh trọng đọc, điều khiển các bô lão của làng làm lễ tế rước các vị thần làng. Lễ hội chùa Hương còn là nơi hội tụ các sinh hoạt văn hóa dân tộc độc đáo như bơi thuyền, leo núi và các chiếu hát chèo, hát văn.

Không chỉ có vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc, phong cảnh chùa cùng với nét đặc sắc của ngày lễ mà chùa Hương còn chứa đựng những giá trị sâu sắc về văn hóa tâm linh, lịch sử dân tộc và còn là giá trị sống của chuỗi phát triển con người từ xa xưa đến ngày nay, cần được bảo tồn, duy trì và gìn giữ di sản mà ông cha ta để lại.

Như vậy, với những giá trị đó, chùa Hương chính là niềm tự hào của người Hà Nội nói chung và người Việt Nam nói riêng, đến với chùa Hương là đến với không gian thanh tịnh, sống chậm lại để cảm nhận sự nhẹ nhõm trong tâm hồn, buông bỏ mọi áp lực, căng thẳng trong cuộc sống ngoài kia.

Thuyết minh về một địa điểm du lịch - Chùa Bái Đính

Nhắc đến những địa điểm du lịch, thông thường, người ta sẽ nghĩ ngay đến những bãi biển nổi tiếng hay những hòn đảo với phong cảnh hữu tình. Tuy nhiên, tại Ninh Bình, có một địa điểm du lịch không ồn ào náo nhiệt nhưng từ lâu luôn được biết đến là một nơi linh thiêng để để con người tìm về thanh lọc tâm hồn - chùa Bái Đính.

Chùa Bái Đính từ lâu được biết đến là một khu du lịch với ngôi chùa lớn nhất và sở hữu nhiều kỉ lục nhất Việt Nam. Khu chùa tọa lạc tại địa chỉ xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

Về lịch sử hình thành, Khu du lịch chùa Bái Đính được khởi lập đầu tiên là khu chùa cổ vào năm 1136. Trong lịch sử, Ninh Bình là nơi có những triều đại vua nối tiếp nhau như nhà Đinh, Nhà Tiền Lê và nhà Lý. Điểm chung là ba triều đại này luôn luôn tôn sùng đạo Phật nên có sự ra đời của những ngôi chùa cổ này. Đến năm 2003, khu quần thể chùa Bái Đính được xây dựng lại từ khu chùa cũ, nằm trên một sườn núi. Giáo sư Hoàng Đạo Kính chính là người thiết kế khu chùa mới này.

Quần thể chùa Bái Đính có diện tích khoảng 1700 ha, bao gồm khu Bái Đính cổ, khu Bái Đính mới và các khu vực khác như: công viên, Học viện Phật giáo, cảnh quan, đường giao thông … Khu chùa Bái Đính cổ nằm cách điện tam thế của khu Bái Đính mới khoảng 800 m về phía Nam. Chùa nằm trên đỉnh vùng rừng núi khá yên tĩnh. Tại khu này có nhà tiền đường, nơi thờ Phật, đền thờ thần Cao Sơn, đền thờ thánh Nguyễn,.... Khu di tích chùa Cổ cũng là nơi lưu giữ lại những kiến trúc và cổ vật mang dấu ấn đậm nét của nhà Lý. Ngoài ra, ở khu chùa Cổ còn có giếng ngọc. Nằm ở chân núi Bái Đính, khu chùa mới Bái Đính là một quần thể nhiều công trình lớn như điện Tam thế, điện Quan Âm, tháp chuông, tượng phật,… cùng các công trình hạ tầng khác. Khu chùa mới nổi bật với kiến trúc hình khối và mang đậm dấu ấn của kiến trúc Việt Nam. Các chi tiết được trang trí trên chùa ở cũng là những chi tiết mang dấu ấn của các ngành nghề truyền thống dân tộc. Đây là một khu chùa với kiến thức phần kiến trúc thuần Việt, các trụ cột được thiết kế giả gỗ, tất cả các mái ngói của khu chùa đều được sử dụng là gạch Bát Tràng. Khu chùa có Tam quan với hai tượng Hộ Pháp, tiếp đến là tháp chuông ba tầng mái. Dưới tháp chuông là một quả chuông đồng và một chiếc trống đồng lớn nặng 70 tấn nằm trên nền tháp. Chính điện là nơi thờ Phật, đây còn là nơi lưu giữ vô tượng Phật Thích Ca bằng đồng lớn nhất Việt Nam, tượng Phật Di Lặc ở đây cũng là bức tượng được trung tâm kỉ lục Việt Nam công nhận là tượng lớn nhất Việt Nam với khối lượng 80 tấn, cao 10m. An vị trên ngọn đồi của chùa Bái Đính Chùa còn có bảo tháp cao 100 m và nhiều khu kiến trúc độc đáo khác...

Đây không phải chỉ là một địa điểm du lịch thu hút bởi kiến trúc và rất nhiều những những kỉ lục được lập mà còn là một khu du lịch với rất nhiều những sự kiện văn hóa khác nhau. Nơi đây đã từng thu hút sự chú ý của du khách trong và ngoài nước trong đại lễ phật đản lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam và là nơi đón tiếp rất nhiều nguyên thủ quốc gia về thăm. Đây cũng là nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo thế giới lần thứ 6….

Lễ hội chùa Bái Đính thường diễn ra vào mùa xuân, khai mạc vào ngày mùng 6 tết cho kéo dài hết tháng 3. Lễ hội gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ thường là những nghi thức như thắp hương thờ Phật, rước kiệu… Phần hội Chùa Bái Đính gồm những trò chơi dân gian có từ lâu đời và một số hoạt động khác như thăm thú cảnh chùa, thưởng thức một số nghệ thuật dân gian cổ như hát chèo, hát xẩm. Ngoài ra, du khách đến với lễ hội chùa Bái Đính còn có cơ hội thưởng thức những hoạt động sân khấu hóa do nhà hát chèo Ninh Bình tổ chức. Đây là lễ hội lớn và được đông đảo du khách trong và ngoài nước tham gia.

Quần thể chùa Bái Đính là một địa điểm mang nhiều ý nghĩa về lịch sử và văn hóa trọng điểm của dân tộc, cần được quảng bá để ngày càng nhiều du khách hơn nữa biết đến.

Thuyết minh về một địa điểm du lịch - Văn Miếu Quốc Tử Giám

Văn Miếu Quốc Tử Giám tọa lạc giữa thủ đô Hà Nội, được xem là trường đại học đầu tiên tại Việt Nam. Từ những năm đầu tiên, ngôi trường này đã tụ họp rất nhiều người tài, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Hiện nay Văn Miếu vẫn là điểm đến của nhiều du khách khi ghé thăm Hà Nội bởi kiến trúc độc đáo, ấn tượng.

Văn Miếu Quốc Tử Giám đã trải qua bao nhiêu biến động, thăng trầm của lịch sử nhưng nó vẫn giữ được nét đẹp truyền thống của con người Hà Nội. Đó là giá trị tinh thần cao đẹp được gìn giữ từ bao nhiêu năm. Văn Miếu nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long thời Lí. Văn Miếu được được vào hoạt động trong khoảng thời gian từ 1076 cho đến 1820, đào tạo ra nhiều nhân tài cho đất nước.

Văn Miếu bao gồm hai di tích chính là Văn Miếu thờ Khổng Tử, các bậc hiền triết và Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An, người thầy đầu tiên của trường học. Trải qua bao nhiêu năm nhưng Văn Miếu vẫn giữ được những nét đẹp cổ xưa. Ban đầu Văn Miếu là nơi học tập của các hoàng tử, sau này mới mở rộng ra cho những người tài trong cả nước. Văn Miếu có diện tích 54.331 m2 bao gồm Hồ Văn, vườn Giám và nội tự được bao quanh bằng tường gạch vồ. Với những kiến trúc được thiết kế từ thời xa xưa, in dấu biết bao nhiêu thăng trầm của thời gian, của những đổi thay đất nước. Khi bước vào khu Văn Miếu, du khách sẽ đến với cổng chính, trên cổng chính là chữ Văn Miếu Môn. Phía ngoài cổng có đôi rồng đá thời Lê, bên trong là rồng đá thời Nguyễn. Khu thứ hai chính là Khuê Văn Các được xây dựng năm 1805 gồm 2 tầng, 8 mái rất rộng rãi. Đây là nơi tổ chức bình các bài thơ và văn hay của sĩ tử thời xưa. Khu thứ ba chính là từ gác Khuê Văn tới Đại Thành Môn, ở giữa có một hồ vuông gọi là Thiên Quang Tĩnh. Ở hai bên hồ là nơi lưu giữ 82 bia tiến sĩ có ghi tên, quê quán, chức danh của những người nổi tiếng như Ngô Thì Nhậm, Lê Quý Đôn...

Cuối sân là nhà Đại bái và hậu cung; có những hiện vật quý hiếm được lưu truyền từ bao đời nay như chuông Bích Ung do Nguyễn Nghiêm đúc vào năm 1768. Đây được xem là chiếc chuông lớn, có giá trị lịch sử và văn hóa lâu đời. Tấm khánh mặt trong có hai chữ Thọ Xương, mặt ngoài khắc bài mình biết theo kiểu chữ lệ nói về công dụng loại nhạc cụ này. Khu thứ 5 chính là Trường Quốc Tử Giám. Ở đây là nơi dạy học, tuyển chọn người tài, đỗ đạt cao giúp cho vua nâng cao trí thức. Có rất nhiều người từ ngôi trường này đã gây nên tiếng vang lớn cho đến ngày nay như Chu Văn An, Bùi Quốc Khải...

Văn Miếu Quốc Tử Giám được xây dựng chủ yếu bằng gỗ lim, gạch đất nung, ngói mũi hàng mang nét nghệ thuật của triều Lê và Nguyễn. Những nét kiến trúc độc đáo ấy được xây dựng khéo léo bởi những bàn tay tài hoa.

Cho đến ngày nay Văn Miếu Quốc Tử Giám vẫn là địa điểm du lịch của rất nhiều người, vừa nhớ về cội nguồn, vừa khấn bái, vừa tìm hiểu được lịch sử của cha ông ta. Nơi đây còn được xem là tâm điểm của Hà Nội, của thủ đô nghìn năm văn hiến.

Thuyết minh về một địa điểm du lịch - Làng Văn hoá các Dân tộc Việt Nam

Trong số rất nhiều những địa điểm du lịch hiện nay, không phải địa danh nào cũng được nhiều du khách ghé đến. Tuy nhiên, nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng gần 40 phút lái xe, có một điểm du lịch đặc biệt thu hút các bạn trẻ tới thăm, đó chính là Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam là một phần của khu du lịch Đồng Mô, thuộc thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội, được khánh thành vào ngày 19-9-2010 nhân dịp chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Từ nội thành đi tới đây mất quãng đường dài khoảng 40 km. Đây là địa danh với nhiều điểm tham quan hấp dẫn. Với diện tích khoảng 198,61 ha, khu các làng dân tộc chia làm 4 cụm làng tương ứng với từng vùng miền khác nhau. Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam được thiết kế với kiến trúc tái hiện lại các làng, bản của các dân tộc nhằm giới thiệu và bảo tồn và phát triển giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo.

Từ cổng vào, du khách có thể thuê xe điện để được đưa đến những khu làng của các dân tộc khác nhau với mức vé phải chăng: 30000đ/người lớn và trẻ em dưới 6 tuổi thì được miễn phí vé vào. Hành trình đến thăm trình tự các làng tùy theo nhu cầu của du khách. Điểm cuối cùng là Tháp Chàm, chùa Khơ –me. Chùa Khơ me được xây dựng với màu vàng óng bao trùm. Chùa được thiết kế mái nhọn, trần rộng, có các cột trụ lớn, bên trong đặt một tượng Phật lớn. Tháp Chàm cao 21 m, nối cổng vào là tháp Đông, khu tháp này được thiết kế tương đối giống với tháp của người Chăm và được làm bằng đất sét nung. Tiếp theo du khách có thể tới tham quan khu nhà Tây Nguyên với các nhà sàn mô phỏng, bên trong khu nhà sàn rất mát mẻ, còn có khu nhà sàn phục vụ du khách nghỉ ăn trưa. Nhà rông được xây dựng rất to với cấu trúc mái cao đặc trưng. Từ đây du khách có thể di chuyển tới làng văn hóa các dân tộc Thái với cánh đồng hoa tam giác mạch, khu nhà chính và thưởng thức nhiều hoạt động vui chơi văn nghệ được biểu diễn bới chính nghệ nhân thuộc các dân tộc,… Phong cảnh nơi đây tương đối thanh bình và thoáng đáng, thích hợp để thư giãn.

Tại khu du lịch, du khách sẽ thường xuyên được tham gia lễ hội. Các lễ hội đặc biệt thu hút khách du lịch tham gia. Thông qua đó, giá trị của làng được quảng bá. Lễ hội mùa xuân thường được tổ chức vào dịp đầu năm, nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như đu quay, ném còn,..

Có thể khẳng định rằng, Làng Văn hoá – Du lịch các Dân tộc Việt Nam là nơi tái hiện những giá trị văn hoá đặc sắc của 54 dân tộc Việt Nam. Đây là điểm tham quan du lịch vô cùng lí tưởng cho du khách trong nước cũng như quốc tế. Thông qua khi du lịch này, chúng ta hiểu thêm nhiều hơn về đặc trưng dân tộc của Việt Nam, đáp ứng các nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh, hoạt động thể thao, dưỡng sinh, văn nghệ,...

Thông qua các địa điểm tham quan độc đáo cùng những hoạt động văn hóa, nghệ thuật có nội dung, hình thức phong phú và hấp dẫn, tái hiện chân thực bản sắc dân tộc, làng văn hóa các dân tộc đã giúp mỗi người khi đến đây bồi đắp thêm cho mình tình yêu đất nước và tinh thần đoàn kết với các dân tộc anh em.

Thuyết minh về một địa điểm du lịch - Vịnh Hạ Long

Nhắc đến danh lam thắng cảnh, những chốn có non nước hữu tình trên đất nước Việt nam ta khó lòng không nhắc đến vịnh Hạ Long. Cái tên ấy ai là người Việt nam cũng biết đến. Nó không chỉ đẹp trong hiện tại hay tương lai mà nó còn đẹp từ thời xưa trong câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm: "Con gà, con cóc quê hương cũng biến Hạ Long thành thắng cảnh". Mới đây vịnh Hạ Long còn được UNESCO công nhận là một trong bảy kì quan đẹp nhất thế giới. Vậy không biết rằng Hạ Long có những gì mà lại được tôn vinh đến như vậy?

Vịnh Hạ Long còn có truyền thuyết đó là Ngọc Hoàng sai Rồng Mẹ mang theo một đàn Rồng Con xuống hạ giới giúp người Việt đánh giặc. Thuyền giặc từ ngoài biển ào ạt tiến vào bờ vừa lúc đàn Rồng tới hạ giới. Đàn Rồng lập tức phun ra lửa thiêu cháy thuyền giặc, một phần nhả Châu Ngọc dựng thành bức tường đá sừng sững làm cho thuyền giặc đâm phải mà vỡ tan, chặn đứng bước tiến của ngoại bang.

Sau khi giặc tan, thấy cảnh mặt đất thanh bình, cây cối tươi tốt, con người nơi đây lại cần cù, chịu khó, đoàn kết giúp đỡ nhau, Rồng Mẹ và Rồng Con không trở về trời mà ở lại hạ giới, nơi vừa diễn ra trận chiến để muôn đời bảo vệ con dân Đại Việt. Vị trí Rồng Mẹ đáp xuống là Hạ Long; nơi Rồng Con đáp xuống là Bái Tử Long và đuôi đàn rồng quẫy nước trắng xoá là Bạch Long Vĩ (bán đảo Trà Cổ ngày nay, với bãi cát dài trên 15 km).

Lại có truyền thuyết khác nói rằng vào thời kỳ nọ khi đất nước có giặc ngoại xâm, một con rồng đã bay theo dọc sông xuôi về phía biển và hạ cánh xuống ở vùng ven biển Đông Bắc làm thành bức tường thành chắn bước tiến của thủy quân giặc. Chỗ rồng đáp xuống che chở cho đất nước được gọi là Hạ Long.

Tiếp nữa là về đảo ở đây thì có 1969 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó 989 đảo có tên và 980 đảo chưa có tên. Đảo nơi đây gồm có hai dạng đó là đảo đá vôi và đảo phiến thạch tập trung ở Bái tử long và Vịnh Hạ Long. Ở đây thì chúng ta thấy được hàng loạt những hang động đẹp và nổi tiếng. Vùng Di sản thiên nhiên được thế giới công nhận có diện tích 434 km2 bao gồm 775 đảo, như một hình tam giác với 3 đỉnh là đảo Ðầu Gỗ (phía tây), hồ Ba Hầm (phía nam), đảo Cống Tây (phía đông) vùng kế bên là khu vực đệm và di tích danh thắng quốc gia được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng năm 1962.

Đến với Hạ Long thì người ta không thể nào rời mắt khỏi những cảnh vật nơi đây. Nào là núi, nào là nước với những hang động thật sự hấp dẫn người ta muốn đi tới tận cùng để tìm thấy cái hữu hạn trong cái vô hạn của trời nước, núi non ấy. chúng ta cứ ngỡ rằng ngọn núi kia giống như những người khổng lồ vậy, ngồi trong thuyền mà ngước lên để đo tầm cao của những ngọn núi ấy thật sự là mỏi mắt. Đến đây ta mới biết hết thế nào là sự hùng vĩ, thế nào là sự hữu tình giữa nước và non. Làn nước biển mặn mà vị xa xăm của muối. Hang động với những nhũ đá như sắp rơi xuống nhưng thật chất lại là không rơi. Nó cứ tua tủa như muôn ngàn giọt ngọc dạng lỏng lấp lánh dính vào nhau nhưng không rơi xuống.

Con người nơi đây cũng thật sự là rất đáng yêu đáng quý. Họ không những mến khách mà còn như một người hướng dẫn viên du lịch vừa nói giới thiệu tả cảnh vừa vững tay chèo đẩy lái đến nơi khách muốn qua. Những con người ở đây nồng nhiệt mỗi khi có khách đến và khi khách đi thì để lại những ấn tượng khó phai về những con người miền non nước hữu tình với những tình cảm mặn mà như là muối biển vậy.

Qua đây ta thấy vịnh Hạ Long rất xứng đáng là một trong bảy kì quan của thế giới. Nếu những ai đã được đặt chân đến đây thì chắc hẳn rất ấn tượng bởi cảnh đẹp và con người nơi đây. Còn những ai chưa đến thì hãy nhanh chóng đến mà tận hưởng những gì là tạo hóa ban tặng, những gì là mẹ thiên nhiên.

Xem thêm các bài Văn mẫu thuyết minh, phân tích, dàn ý tác phẩm lớp 8 khác:

Mục lục Văn mẫu | Văn hay lớp 8 theo từng phần:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH LUYỆN THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 8

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi, sách dành cho giáo viên và gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài Tuyển tập những bài văn hay | văn mẫu lớp 8 của chúng tôi được biên soạn một phần dựa trên cuốn sách: Văn mẫu lớp 8Những bài văn hay lớp 8 đạt điểm cao.

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.




Giải bài tập lớp 8 sách mới các môn học
Tài liệu giáo viên