Các dạng đề bài Đọc Tiểu Thanh kí (chọn lọc, cực hay)
Các dạng đề bài Đọc Tiểu Thanh kí chọn lọc, cực hay
Tài liệu tổng hợp các dạng đề văn bài Đọc Tiểu Thanh kí Ngữ văn lớp 10 chọn lọc, cực hay gồm các dạng đề đọc hiểu, đề văn phân tích, cảm nhận, nghị luận, ... xoay quanh tác phẩm Đọc Tiểu Thanh kí. Hi vọng với các dạng đề văn bài Đọc Tiểu Thanh kí này sẽ hỗ trợ Thầy/Cô tốt hơn trong quá trình giúp học sinh hiểu bài môn Ngữ văn 10 từ đó giúp các em ôn luyện để đạt điểm cao trong các bài thi môn Ngữ văn 10.
1. Dạng đề đọc – hiểu (3-4 điểm)
Đề 1: Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi bên dưới:
Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang,
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn.
Son phấn có thần chôn vẫn hận,
Văn chương không mệnh đốt còn vương.
Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi,
Cái án phong lưu khách tự mang.
Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,
Người đời ai khóc Tố Như chăng?
(Đọc Tiểu Thanh kí, Trang 131, Ngữ văn 10, Tập I,NXBGD, 2006)
a. Văn bản trên thể hiện tâm trạng gì của Nguyễn Du?
* Gợi ý trả lời
- Văn bản trên thể hiện tâm trạng xót thương, day dứt của Nguyễn Du đối với nỗi oan của những người tài hoa bạc mệnh.
b. Xác định thể thơ của văn bản?
* Gợi ý trả lời
- Thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật.
c. Xác định phép đối trong câu thơ 3 và 4? Nêu hiệu quả nghệ thuật của phép đối đó?
* Gợi ý trả lời
- Phép đối trong câu thơ 3 và 4 : Son phấn có thần- Văn chương vô mệnh ; Chôn vẫn hận-đốt còn vương
- Hiệu quả nghệ thuật của phép đối đó: Khẳng định cái đẹp văn chương sẽ không bao giờ chết, dẫu người sở hữu chúng thì luôn long đong, lận đận, thậm chí là chết trong buồn tủi, cô đơn.
Câu 2: Viết đoạn văn ngắn ( 5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ về sự đồng cảm trong cuộc sống hôm nay từ văn bản trên.
* Gợi ý trả lời
Đoạn văn đảm bảo các yêu cầu:
- Hình thức: đảm bảo về số câu, không được gạch đầu dòng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. Hành văn trong sáng, cảm xúc chân thành
- Nội dung: từ sự đồng cảm, sẻ chia của nhà thơ Nguyễn Du với cái đẹp và người làm ra cái đẹp ( nàng Tiểu Thanh), thí sinh suy nghĩ về sự đồng cảm trong cuộc sống hôm nay. Đoạn văn cần trả lời các câu hỏi : đồng cảm là gì ? Ý nghĩa của sự đồng cảm ? Phê phán lối sống vô cảm. Rút ra bài học nhận thức và hành động.
Đề 3: Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi nêu hiệu quả nghệ thuật của câu hỏi tu từ ở cuối văn bản?
Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang,
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn.
Son phấn có thần chôn vẫn hận,
Văn chương không mệnh đốt còn vương.
Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi,
Cái án phong lưu khách tự mang.
Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,
Người đời ai khóc Tố Như chăng?
(Đọc Tiểu Thanh kí, Trang 131, Ngữ văn 10, Tập I,NXBGD, 2006)
* Gợi ý trả lời
- Hiệu quả nghệ thuật của câu hỏi tu từ ở cuối văn bản : Đó là câu hỏi nhưng không có câu trả lời. Nguyễn Du xót thương Tiểu Thanh đồng nghĩa xót thương bản thân mình. Tiểu Thanh may mắn được nhiều người biết đến, trong đó có Nguyễn Du. Nguyễn Du thì không biết rồi đây có ai khóc mình như mình khóc Tiểu Thanh không ? Tâm sự của nhà thơ là tâm sự u hoài của một tài năng văn chương, của một nhân cách lớn, thể hiện tấm lòng nhân đạo bao la của một đại thi hào dân tộc.
2.Dạng đề viết bài văn (4-6 điểm)
Đề 1: Phân tích bài thơ “Đọc tiểu thanh kí” của Nguyễn Du.
* Gợi ý trả lời
a. Mở bài
- Giới thiệu về tác giả Nguyễn Du: Nguyễn Du là một thiên tài văn học, một nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn của dân tộc. Sự nghiệp sáng tác của ông gồm những tác phẩm có giá trị cả chữ Hán và chữ Nôm.
- Giới thiệu về “Đọc Tiểu Thanh kí” (Độc Tiểu Thanh kí): Đọc Tiểu Thanh kí là một trong số những sáng tác bằng chữ Hán tiêu biểu của Nguyễn Du, thể hiện cảm xúc, suy tư của ông về số phận bất hạnh của người phụ nữ. Đồng thời, qua đó giúp chúng ta có cảm nhận sâu sắc về tấm lòng nhân đạo của ông.
b. Thân bài
1. Hai câu đề
- Hình ảnh thơ đối lập giữ quá khứ và hiện tại: Tây Hồ hoa uyển(vườn hoa bên Tây Hồ) – thành khư (gò hoang)
- Động từ “tẫn”: đến cùng, triệt để, hết
→ Câu thơ gợi ra một nghịch cảnh giữa quá khứ và hiện tại: Vườn hoa bên Tây Hồ nay đã thành bãi đất hoang rồi. Từ đó, gợi sự xót xa trước sự đổi thay, sự tàn phá của thời gian đối với cái đẹp.
- Cách sử dụng từ ngữ: độc điếu (một mình viếng) – nhất chỉ thư (một tập sách).
→ Nguyễn Du như muốn nhấn mạnh sự cô đơn nhưng cũng nhấn mạnh cả sự tương xứng trong cuộc gặp gỡ này. Một trạng thái cô đơn gặp một kiếp cô đơn bất hạnh
⇒ Hai câu thơ diễn tả tâm trạng của Nguyễn Du trước cảnh hoang tàn, đó cũng chính là nỗi niềm xót xa, tiếc nuối cho số phận của nàng Tiểu Thanh.
2. Hai câu thực
- Nghệ thuật hoán dụ:
+ Son phấn: tượng trưng cho vẻ đẹp, sắc đẹp của người phụ nữ
+ Văn chương: tượng trưng cho tài năng.
- Từ ngữ diễn tả cảm xúc: hận, vương
- “Chôn”, “đốt” là những động từ cụ thể hóa sự ghen ghét, sự vùi dập phũ phàng của người vợ cả đối với nàng Tiểu Thanh ⇒ thái độ của xã hội phong kiến không chấp nhận những con người tài sắc.
→ Triết lí về số phận con người trong xã hội phong kiến: tài hoa bạc mệnh, tài mệnh tương đố, hồng nhan đa truân cái tài, cái đẹp thường bị vùi dập.
→ Hai câu thơ cực tả nỗi đau về số phận bất hạnh của nàng Tiểu Thanh đồng thời cũng là tấm lòng trân trọng, ngợi ca nhan sắc và đề cao tài năng trí tuệ của Tiểu Thanh; đồng thời có sức tố cáo mạnh mẽ.
3. Hai câu luận
- “Cổ kim hận sự”: mối hận xưa và nay, mối hận muôn đời, mối hận truyền kiếp. Đó chính là mối hận của những người tài hoa mà bạc mệnh.
- Thiên nan vấn: khó mà hỏi trời được.
→ Câu thơ mang tính khái quát cao. Nỗi hận kia không phải là nỗi hận của riêng nàng Tiểu Thanh, của Nguyễn Du mà của tất cả những người tài hoa trong xã hội phong kiến. Câu thơ thể hiện sự đau đớn phẫn uất cao độ trước một thực tế vô lí: người có sắc thì bất hạnh, nghệ sĩ có tài thường cô độc.
- Kì oan: nỗi oan lạ lùng
- Ngã: ta (từ chỉ bản thể cá nhân táo bạo so với thời đại Nguyễn Du sống). Nguyễn Du không đứng bên ngoài mà nhìn vào nữa mà giờ đây ông chủ động tìm sự tri âm với nàng, với những người tài hoa bạc mệnh.
⇒ Nguyễn Du không chỉ thương xót cho nàng Tiểu Thanh mà còn bàn ra tới nỗi hận của muôn người, muôn đời trong đó có bản thân nhà thơ. Qua đó, thể hiện sự cảm thông sâu sâu sắc đến độ “tri âm tri kỉ”
4. Hai câu kết
- Nghệ thuật: Câu hỏi tu từ. Nguyễn Du khóc nàng Tiểu Thanh và băn khoăn, khóc cho chính mình.
- “Khấp”: khóc. Tiếng khóc là dấu hiệu mãnh liệt nhất của tình cảm, cảm xúc thương thân mình, thân người trào lên mãnh liệt không kìm nén được. Ông không viết đơn thuần mà khóc cho Tiểu Thanh. Ông băn khoăn không biết hậu thế ai sẽ khóc ông.
→ Thể hiện nỗi cô đơn của nghệ sĩ lớn “Tiếng chim cô lẻ giữa trời thu khuya” (Xuân Diệu). Ông thấy mình lạc lõng ở hiện tại và đã tìm thấy được một người tri kỉ ở quá khứ nhưng vẫn mong ngóng một tấm lòng trong tương lai.
⇒ Tấm lòng nhân đạo mênh mông vượt qua mọi không gian và thời gian.
c. Kết bài
- Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật của văn bản: Thể hiện cảm xúc, suy tư của Nguyễn Du về số phận bất hạnh của người phụ nữ có tài có sắc trong xã hội phong kiến. Chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc trong sáng tác của Nguyễn Du
Đề 2: Bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí thể hiện cảm xúc và suy tư của Nguyễn Du về số phận của những người tài sắc trong xã hội phong kiến”. Hãy phân tích bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí để làm sáng tỏ nhận định trên
Bài mẫu tham khảo
Thương xót cho số phận bất hạnh của những người tài sắc là một cảm hứng lớn trong sáng tác Nguyễn Du. Mộng Liên Đường chủ nhân có viết: “Thúy Kiều thì là một, người đời sau thương người đời nay, người đời nay thương người đời xưa, hai chữ tài tình thật là một cái thông lụy của bọn tài tử khắp trong gầm trời và suốt cả xưa nay vậy”.
Bài thơ “Đọc Tiểu Thanh kí” thể hiện cảm xúc và suy tư của Nguyễn Du về số phận của những người tài sắc trong xã hội phong kiến.
Tiểu Thanh là vợ thiếp của một người ở Hổ Lâm, nhà ở Quảng Lăng, Giang Tô, cùng họ với chồng, nên chỉ gọi là Tiểu Thanh. Thuở bé thông tuệ khác thường. Năm mười tuổi, gặp một ni sư dạy cho Tâm kinh, chỉ qua một hai lượt là đã thuộc lòng, đọc lại không sai một chữ. Ni sư bảo: cô này thông tuệ sớm, phúc bạc, nếu không cho vào chùa làm đệ tử thì đừng cho học chữ, may ra sống đến ba mươi tuổi. Người nhà cho là nói bậy. Mẹ Tiểu Thanh vốn là gia sư nên cho con theo học. Được đi lại với nhiều nhà khuê các nên Tiểu Thanh sớm tinh thông nhiều nghề, kể cả âm luật. Năm 16 tuổi cô đi lấy chồng, làm lẽ một công tử quyền quý nhưng ngốc nghếch, không phải kẻ đào hoa phong nhã. Vợ cả lại là người độc ác, cả ghen, bắt cô ở riêng trên núi Cô Sơn, không cho tiếp xúc với chồng. Cô buồn khổ, uất ức, tấm lòng gửi cả vào thơ, từ Tiểu Thanh cô đơn, đau buồn mà sinh bệnh. Vợ cả sai thầy lang và con hầu mang thuốc đến, có lẽ là thuốc độc, nàng vờ cảm ơn, sau đem vứt đi. Nàng không ăn cơm, chỉ uống nước quả, nhưng chú ý trang điểm và ăn mặc đẹp. Có khi cho gọi cô gái đàn tì bà chơi ít bài mua vui. Một hôm cô nhắn chồng cho mời họa sĩ đến, bảo vẽ chân dung. Vẽ bức thứ nhất, Tiểu Thanh chê chỉ vẽ được hình mà chưa bắt được cái thần. Vẽ bức thứ hai, nàng khen đã nắm được thần, nhưng thiếu phong thái, lại bỏ đi. Nàng bảo họa sĩ ngồi chơi quan sát nàng pha trà, vẽ tranh, trò chuyện...
Hồi lâu bảo họa sĩ vẽ chân dung, được một bức sinh động như thật. Họa sĩ về, Tiểu Thanh đem bức tranh cúng trước sập, thắp hương, rót rượu. Nàng nói: “Tiểu Thanh ơi Tiểu Thanh, lẽ nào đây là duyên phận của mi?". Rồi ôm ghế mà khóc, nước mắt như mưa, một cơn xúc động dâng lên rồi chết. Năm đó nàng vừa mười tám tuổi. Chập tối chồng hay tin chạy lại, vén màn thấy dung nhan như sống, xiêm áo tinh tươm, đau đớn khóc to, thổ huyết một thăng. Sau đó, lục lọi tìm được thơ một quyển, chân dung một bức và một phong thư gửi một phu nhân. Bóc thư thấy lời lẽ cực kì đau đớn, bèn khóc to: “Nàng ôi, ta phụ nàng, ta phụ nàng!”. Vợ cả nghe thấy giận quá chạy lại đòi đưa tranh.
Chồng giấu bức thứ ba, chỉ đưa bức thứ nhất, vợ lấy ngay. Lại bảo đưa thơ, vợ lại đốt thơ. Đến khi tìm lần nữa thì không còn gì. Nhưng khi sắp chết Tiểu Thanh đem mấy thứ hoa hột trang sức làm quà cho con gái nhỏ của bà giúp việc, gói bằng hai tờ giấy. Đó chính là bản thảo thơ của nàng, gồm tuyệt cú chín bài, cổ thi một bài, từ một bài, kèm thêm một bài trong thư gửi cho phu nhân nào đó, tổng cộng là mười hai bài. Một người họ hàng nhà chồng sưu tập được đem cho khắc in, đặt tên là Phần dư. Chép đến đây, Trương Triều viết: “Hồng nhan bạc mệnh, nghìn năm đau lòng, đọc đến chỗ đưa thuốc độc, đốt tập thơ, tiếc là không thể băm nát xương mụ đàn bà ghen tuông ấy ra mà đem cho chó ăn!”. Lại viết: “Chuyện Tiểu Thanh có người bảo là vốn không có người ấy, chẳng qua là ghép hai chữ “Tiểu” và “Thanh” thành chữ “Tình” mà thôi. Đến khi đọc bài ca Ngô Tử Vân có một bài tựa ngắn, nói rằng Phùng Tiểu Thanh là em gái của Tiểu Thanh ở Duy Dương, lấy chồng là Mã Mạo Bá, người ở cối Kê, như thể tựa hồ như là có người ấy thật.
Thiết nghĩ nội dung tóm lược trên đây sẽ giúp ta hiểu thêm bài thơ, nhất là khía cạnh ngẫu nhiên, oan trái, khó hiểu của số phận.
Câu 1 "Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư": Nghĩa là vườn hoa bên Hồ Tây đã thành bãi hoang rồi. “Khư” chỉ di tích hoang phế, ở đây gợi cảnh đổi thay, thời gian trôi chảy. Câu 2 "Độc điếu song tiền nhất chỉ thư". Câu này có mấy cách dịch khác nhau về chi tiết. Nhóm Bùi Kỷ, Phan Võ, Nguyễn Khắc Hanh dịch là Trước song một mình viếng một tập giấy. Đào Duy Anh dịch Một mình ngồi trước cửa sổ viết một tờ thư viếng. Theo ngữ pháp Hán ngữ cổ, chữ “độc” làm trạng ngữ, chỉ có nghĩa là một mình. “Nhất chỉ thư” có thể hiểu là một tờ thư, ví như trong bài thơ “Sơn cư mạn hứng” của Nguyễn Du. Nhưng ở đây đang nói tới Tiểu Thanh kí, câu này “thừa đề” cho nên “nhất chỉ thư” là chỉ truyện Tiểu Thanh. “Điếu” đây là bằng điếu, hoài niệm người xưa. Cả câu nên dịch: Một mình nhớ tới nàng qua một tờ giấy chép truyện của nàng.
Câu 3 và câu 4:
"Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh lụy phần dư"
Hai câu này cũng được dịch rất khác nhau, thậm chí trái nhau, thể hiện tính mơ hồ, đa nghĩa của câu thơ. Nhóm Bùi Kỷ: “Son phấn như có thần, sau khi chết, người ta còn thương tiếc. Văn chương có số phận gì mà làm cho người ta phải bận lòng đến những bài thơ còn sót lại sau khi đốt”. Đào Duy Anh: “Son phấn có thần, nên để lại niềm xót thương sau khi chết. Văn chương không có duyên phận nên đốt rồi mà lụy vẫn còn sót lại”. Vũ Tâm Tập: “Son phấn có thần chắc phải xót xa vì những việc sau khi chết. Văn chương không có số mệnh mà cũng bị đốt dở”. Trường hợp thứ nhất hiểu “người ta” là chủ ngữ của hai động từ “liên”, “lụy”. Trường hợp thứ hai thì “liên”, “lụy” đã được hiểu là danh từ. Trường hợp thứ ba thì chủ ngữ lại là “son phấn”, “văn chương”. Ta hãy tìm hiểu từng cụm từ. “Son phấn có thần” là nói sắc đẹp có thần sắc, có tinh thần (thế mà lại chết oan), nên chết rồi vẫn khiến người ta thương tiếc mãi. Văn chương là nói các bài thơ, cũng là nói phần tài hoa của nàng. “Vô mệnh” là không có số mệnh, đã không có số mệnh mà lại chịu số phận bị đốt còn thừa lại! “phần dư” là đốt dở, là phần đốt còn sót lại. “Lụy” là mang lụy. Đây là hai câu “thực” nói tới nỗi oan trái của Tiểu Thanh. Cả hai câu đều nói tới số phận oan trái của sắc tài.
Câu 5 và câu 6:
"Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kì oan ngã tự cư"
Hai câu này tuy được dịch khác nhau, nhưng đại để gặp nhau. Nhóm Bùi Kỷ: “Sự oán hận xưa nay khó mà hỏi trời được. Nỗi oan phong vận lạ kia, tự mình ta buộc lấy mình”. Đào Duy Anh: “Mối hận cổ kim khó hỏi trời. Oan lạ của người phong vận ta cũng tự thấy có mình ở trong ấy”. Vũ Tam Tập: “Những mối hận cổ kim, khó mà hỏi trời được. Ta tự coi như người cùng một hội với kẻ mắc lỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã”. Đây là cặp câu “luận” bàn về sự đời, nhà thơ nói tới sự khó hiểu, vô lí của số phận. Đáng chú ý là câu sáu nhà thơ nói: Ta cũng tự coi như rơi vào cái oan lạ lùng của kiếp phong nhã (như của nàng). Hiểu theo ý trên thì Nguyễn Du hẳn phải có oan trái gì sâu sắc lắm, hiểu theo ý dưới thì tấm lòng nhà thơ hoàn toàn đồng cảm với Tiểu Thanh. Câu này với sự xuất hiện từ “ta” (ngã) báo hiệu chuyển mạch, nói tới “Tố Như” trong câu kết.
Câu 7 và câu 8
"Bất tri tam bách dư niên hậu.
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?"
Hai câu chữ nghĩa không khó hiểu, các bản dịch đại để đều như nhau. Hiện nay chưa có tài liệu để giải thích tại sao lại “ba trăm năm lẻ”, nhưng ta có thể hiểu nỗi hi vọng được lặp lại sự việc đã có của người trung đại - Con người do khí sinh tụ mà thành, khí vũ trụ vận chuyển và những con người đồng khí lại tái sinh hoặc gặp nhau. Tư Mã Thiên trừng nói cứ năm trăm năm trong lịch sử lại xuất hiện một con người vĩ đại. Trương Hành, nhà thiên văn học đời Hán (78 - 139) trong bài Đồ lâu phủ đã trò chuyện với đầu lâu của Trang Tử, người sống trước ông khoảng bốn trăm năm. Như người đồng điệu. Nguyễn Du đã thương khóc Thúy Kiều và Tiểu Thanh sống vào giữa và cuối thế kỉ XVI, hẳn ông cũng chờ mong sau mấy trăm năm có người lại xuất hiện để khóc ông?
Bài thơ còn có những điều chưa rõ, nhưng tấm lòng thương người, tiếc tài, mong gặp được người đồng điệu thông cảm là rất rõ. Tấm lòng ấy đương thời các bạn ông đã cảm phục và ngày nay cả dân tộc, cả nhân loại đã hiểu ông. Nguyễn Du, người đã tiếp nối và làm phong phú dòng chảy chủ nghĩa nhân đạo trong văn chương. Với Đọc Tiểu Thanh kí, Nguyễn Du xứng đáng là người bảo vệ, trân trọng cái đẹp, cái tài hoa trong chế độ phong kiến đầy bất công và lừa lọc.
Đề 3: Tiếng khóc của Nguyễn Du trong bài thơ “Đọc Tiểu Thanh kí”
* Gợi ý trả lời
I. MỞ BÀI: Giới thiệu vấn đề cần nghị luận (luận đề).
Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân Nguyễn Đăng Tuyển từng nhận xét Nguyễn Du: “có con mắt trông thấu sáu cõi, có tấm lòng nghĩ đến muôn đời”. Bởi vậy mà người nghệ sĩ ấy đã từng khóc thương, đồng cảm sâu sắc với số phận của những con người tài sắc mà bất hạnh. Đó là Thúy Kiều – một thân phận chìm nổi, là Tiểu Thanh – người con gái hồng nhan bạc mệnh,…Đặt trong dòng mạch chung ấy, “Đọc Tiểu Thanh kí” có thể xem là một tiếng khóc lớn Nguyễn Du khóc cho Tiểu Thanh, cho tất cả những người tài hoa mà bất hạnh trên đời và cho chính bản thân mình.
II. THÂN BÀI
1. Khái quát về tác giả, đề tài và cảm hứng chung:
Nguyễn Du (1765 – 1820) là đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Tuy xuất thân từ thành phần quý tộc nhưng Nguyễn Du trải qua một cuộc đời đầy thăng trầm, sóng gió trong một thời kì mà xã hội Việt Nam có nhiều biến động nên ông suy ngẫm nhiều và sâu sắc về số phận con người. Là nhà thơ có trái tim nhân đạo lớn, Nguyễn Du xót thương cho tất cả những nỗi đau đớn, bất hạnh của con người trong đó đối tượng được ông dành nhiều ưu ái nhất là phụ nữ và những người tài hoa mà bất hạnh. Tiểu Thanh là phụ nữ, lại là người tài sắc mà phải chịu nhiều nỗi đau đớn, uất ức nên dễ hiểu vì sao Nguyễn Du dành cho nhân vật này một tình cảm đặc biệt.
2. Phân tích, cảm nhận nội dung:
a. Nguyễn Du khóc người, thương người:
Nếu Thúy Kiều đến với Đạm Tiên qua nấm đất sè sè bên đường thì Nguyễn Du đến với Tiểu Thanh qua “mảnh giấy tàn” bên song cửa sổ:
“Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư,
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.”
(Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang,
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn.)
Bài thơ mở đầu bằng bức tranh tương phản giữa Tây Hồ xưa kia cảnh đẹp và Tây Hồ ngày nay đã thành gò hoang. Từ “tẫn” gợi ra sự thay đổi khốc liệt, triệt để. Niềm thương cảm, ngậm ngùi còn nhân lên gấp bội khi nơi gò hoang ấy được đặt trong nghịch cảnh trớ trêu giữa quá khứ và hiện tại, giữa cái đẹp huy hoàng và sự hoang phế. Từ vườn hoa đến gò hoang là một sự thay đổi lớn khiến thi sĩ đau lòng nhận ra cái đẹp bị hủy diệt bởi sự vô tình của tạo hóa. Vì vậy, đọc hai câu thơ đầu ta như nghe thấy tiếng thở dài của nhà thơ trước lẽ “biến thiên dâu bể” của cuộc đời và niềm thổn thức của một tấm lòng nhân đạo lớn: vạn vật đổi thay, Tiểu Thanh bị vùi lấp quên lãng nhưng nhà thơ đã nhớ và viếng nàng qua “nhất chỉ thư”.
Tiểu Thanh là người con gái tài sắc mà bạc mệnh. Nàng sống ở đầu đời Minh, có chồng nhưng chỉ làm vợ lẽ. Nàng bị vợ cả ghen tuông nên đày đọa, bắt sống cô độc trên núi Cô Sơn. Cô đơn, buồn bã, Tiểu Thanh gửi gắm tâm trạng của mình vào những vần thơ rồi chẳng bao lâu, nàng từ giã cuộc đời khi mới mười tám tuổi. Tiểu Thanh chết rồi nhưng thơ của nàng vẫn bị vợ cả đem đốt hết. Những bài còn sót lại trong đống tro tàn được người đời tập hợp thành tập thơ và gọi là “Phần dư cảo”. Từ “mảnh giấy tàn” còn sót lại của Tiểu Thanh, Nguyễn Du nghĩ tới cuộc đời nàng. Cuộc đời Tiểu Thanh là điển hình của bi kịch hồng nhan bạc mệnh, tài mệnh tương đố. Di cảo của nàng cũng chính là di hận:
“Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh lụy phần dư.”
(Son phấn có thần chôn vẫn hận,
Văn chương không mệnh đốt còn vương.)
Nguyễn Du nói đến Tiểu Thanh bằng những hình ảnh ước lệ, tượng trưng quen thuộc. “Son phấn” tượng trưng cho nhan sắc, “văn chương” tượng trưng cho tài năng. Hai vật thể vô tri ấy đã được nhà thơ nhân cách hóa, để trở nên có “thần”, có “hồn”. Tiểu Thanh là kết tinh của nhan sắc, trí tuệ, tâm hồn. Vậy mà nhan sắc thì bị chôn vùi dưới ba tấc đất, tài năng thì bị hủy hoại. Tạo hóa thật khéo trêu ngươi khi chính cái sắc, cái tài lại là nguyên nhân của những tai họa giáng xuống cuộc đời nàng. Giọt nước mắt xót thương Tiểu Thanh của Nguyễn Du bắt nguồn từ sự ngưỡng mộ sắc đẹp và tài năng của nàng. Có hiểu rằng xã hội phong kiến vốn phủ nhận tài hoa, trí tuệ của người phụ nữ thì mới thấy hết chiều sâu nhân đạo trong tiếng khóc của Nguyễn Du. Chính cảm hứng ngưỡng mộ sắc đẹp và tài năng là sợi dây kết nối Nguyễn Du với Tiểu Thanh và với những người tài hoa bạc mệnh trên đời.
b. Từ khóc người, thương người, Nguyễn Du trở về khóc thương cho chính thân phận mình. Trước nỗi đau của Tiểu Thanh, đại thi hào đặt ra những câu hỏi khắc khoải, xót xa:
“Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kì oan ngã tự cư.”
Nỗi hận của Tiểu Thanh cũng là nỗi hận muôn đời của những người tài sắc. Nỗi hận ấy dồn tụ lại như một câu hỏi treo lơ lửng giữa không trung. “Cùng một lứa bên trời lận đận” (Bạch Cư Dị), Nguyễn Du thấy mình, Tiểu Thanh và bao nhiêu người tài hoa khác trên đời đều mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã. Như vậy, bằng chính sự trải nghiệm của bản thân, Nguyễn Du thấu hiểu nỗi đau của Tiểu Thanh để rồi tự thương cho chính bản thân mình:
“Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”
(Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,
Người đời ai khóc Tố Như chăng?)
Hơn ba thế kỉ trôi qua sau cái chết của Tiểu Thanh, nàng đã tìm thấy sự đồng điệu, đồng cảm, xót thương của Nguyễn Du. Nhưng ba trăm năm sau, Nguyễn Du tự hỏi liệu ai sẽ là người khóc thương cho mình. Nhà thơ không hỏi quá khứ hay hiện tại mà hướng về tương lai và chính điều này gợi cho người đọc nhiều điều về cuộc sống hiện tại của Nguyễn Du: ông không tìm thấy sự đồng cảm, đồng điệu; không có ai là người tri âm tri kỉ. Nỗi trăn trở, day dứt của Nguyễn Du là vậy, nhưng không cần phải đợi đến ba trăm năm sau, năm 1965 nhân kỉ niệm hai trăm năm ngày sinh Nguyễn Du, nhà thơ Tố Hữu đã thay mặt các thế hệ hậu sinh khẳng định trước vong linh đại thi hào dân tộc:
“Tiếng thơ ai động đất trời,
Nghe như non nước vọng lời nghìn thu.
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du,
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày.
Hỡi người xưa của ta nay,
Khúc vui xin lại so dây cùng Người.”
(Tố Hữu – Kính gửi cụ Nguyễn Du)
III. KẾT BÀI: Đánh giá chung.
“Đọc Tiểu Thanh kí” là một tiếng khóc lớn trải dài theo không gian và thời gian. Nguyễn Du vừa khóc thương cho người vừa khóc thương cho chính mình. Từ bao đời nay, lòng thương người vẫn là biểu hiện của tấm lòng nhân đạo cao cả, còn tự thương mình là sự thể hiện của ý thức cá nhân. Đây là một điểm mới mẻ, thể hiện sự trỗi dậy của ý thức cá nhân ở Nguyễn Du, đối lập với quan niệm văn học “phi ngã”, “vô ngã” thời trung đại. Xét ở khía cạnh này, đây cũng là một đóng góp đáng ghi nhận của Nguyễn Du trong bài thơ “Đọc Tiểu Thanh kí”.
Xem thêm các các dạng đề văn lớp 10 chọn lọc, hay khác:
- Các dạng đề bài Nhàn
- Các dạng đề bài Vận nước
- Các dạng đề bài Cáo bệnh, bảo mọi người
- Các dạng đề bài Hứng trở về
- Các dạng đề bài Hoàng Hạc lâu, tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng
Lời giải bài tập lớp 10 sách mới:
- Giải bài tập Lớp 10 Kết nối tri thức
- Giải bài tập Lớp 10 Chân trời sáng tạo
- Giải bài tập Lớp 10 Cánh diều
Tủ sách VIETJACK shopee lớp 10-11 cho học sinh và giáo viên (cả 3 bộ sách):
Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.
Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.
- Giải Tiếng Anh 10 Global Success
- Giải Tiếng Anh 10 Friends Global
- Giải sgk Tiếng Anh 10 iLearn Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 10 Explore New Worlds
- Lớp 10 - Kết nối tri thức
- Soạn văn 10 (hay nhất) - KNTT
- Soạn văn 10 (ngắn nhất) - KNTT
- Soạn văn 10 (siêu ngắn) - KNTT
- Giải sgk Toán 10 - KNTT
- Giải sgk Vật lí 10 - KNTT
- Giải sgk Hóa học 10 - KNTT
- Giải sgk Sinh học 10 - KNTT
- Giải sgk Địa lí 10 - KNTT
- Giải sgk Lịch sử 10 - KNTT
- Giải sgk Kinh tế và Pháp luật 10 - KNTT
- Giải sgk Tin học 10 - KNTT
- Giải sgk Công nghệ 10 - KNTT
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 10 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục quốc phòng 10 - KNTT
- Lớp 10 - Chân trời sáng tạo
- Soạn văn 10 (hay nhất) - CTST
- Soạn văn 10 (ngắn nhất) - CTST
- Soạn văn 10 (siêu ngắn) - CTST
- Giải Toán 10 - CTST
- Giải sgk Vật lí 10 - CTST
- Giải sgk Hóa học 10 - CTST
- Giải sgk Sinh học 10 - CTST
- Giải sgk Địa lí 10 - CTST
- Giải sgk Lịch sử 10 - CTST
- Giải sgk Kinh tế và Pháp luật 10 - CTST
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 10 - CTST
- Lớp 10 - Cánh diều
- Soạn văn 10 (hay nhất) - Cánh diều
- Soạn văn 10 (ngắn nhất) - Cánh diều
- Soạn văn 10 (siêu ngắn) - Cánh diều
- Giải sgk Toán 10 - Cánh diều
- Giải sgk Vật lí 10 - Cánh diều
- Giải sgk Hóa học 10 - Cánh diều
- Giải sgk Sinh học 10 - Cánh diều
- Giải sgk Địa lí 10 - Cánh diều
- Giải sgk Lịch sử 10 - Cánh diều
- Giải sgk Kinh tế và Pháp luật 10 - Cánh diều
- Giải sgk Tin học 10 - Cánh diều
- Giải sgk Công nghệ 10 - Cánh diều
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 10 - Cánh diều
- Giải sgk Giáo dục quốc phòng 10 - Cánh diều