SBT Ngữ văn 11 Cánh diều Bài tập viết và nói - nghe trang 20, 21

Với giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 11 Bài tập viết và nói - nghe trang 20, 21 sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 11.

Giải SBT Ngữ văn 11 Cánh diều Bài tập viết và nói - nghe trang 20, 21

Quảng cáo

Câu 1 trang 20 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Em hiểu thế nào là nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật?

Trả lời:

Nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật là phân tích, bình luận một tác phẩm văn học hoặc một vở kịch, bộ phim, bài hát, bức tranh, pho tượng,…Bài nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật thường nêu lên những cảm nhận, suy nghĩ về nội dung và hình thức, những ưu điểm, hạn chế của tác phẩm nghệ thuật. Từ đó, người viết nhận xét, đánh giá về tác phẩm được bàn luận.

Câu 2 trang 20 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Đọc phần ngữ liệu bài viết Vở kịch “Thuý Kiều – một kiếp đoạn trường” (SGK, trang 54 – 55) và trả lời các câu hỏi:

- Đối tượng được bàn luận trong bài viết trên thuộc ngành nghệ thuật nào? Nội dung chính của mỗi phần trong văn bản trên là gì? Nội dung ấy liên quan đến phần đọc hiểu văn bản trong Bài 2 ra sao?

- Tác giả đã nêu lên những nội dung và một số nét nghệ thuật đặc sắc gì của tác phẩm?

- Qua văn bản, có thể rút ra được những lưu ý gì khi phân tích một tác phẩm nghệ thuật?

Trả lời:

– Đối tượng được bàn luận trong bài viết trên thuộc ngành nghệ thuật sân khá điện ảnh. Văn bản Vở kịch "Thuỷ Kiều – một kiếp đoạn trường” gồm hai phần ý chính của phần I: Nêu lên các thành công chính của vở diễn với diễn xuất của các diễn viên chính Tổ Uyên (vai Thuý Kiều) và Tiến Huy (vai Từ Hải), Phần 2: Nêu lên các thành công về lời thoại, vũ đạo, âm nhạc và một số hạn chế của vở diễn Toàn bộ nội dung của bài viết về vở kịch liên quan đến tác phẩm Truyện Kiều đang học trong phần Đọc hiểu văn bản của Bài 2. Ở bài này, Truyện Kiều được học với các đoạn trích Trao duyên, Anh hùng tiếng đã gọi rằng là hai đoạn trích khai thác chiều sâu hai nhân vật Thuý Kiều và Từ Hải, cũng là hai nhân vật được nói nhiều trong bài viết về vở kịch Thuỷ Kiều – một kiếp đoạn trường. Như thế bài viết này góp phần soi sáng thêm cho các văn bản đọc hiểu về Truyện Kiều. Và ngược lại, do đã học Truyện Kiều với các đoạn trích trên, các em sẽ hiểu sâu hơn nội dung mà bài viết về vở kịch đã đề cập.

Quảng cáo

– Tác giả bài viết Vở kịch “Thuý Kiều – một kiếp đoạn trường" đã nêu lên đặc sắc về nội dung vở diễn, ví dụ: “Vai chính Thuý Kiều do Tố Uyên đảm nhận đã phần nào thể hiện tốt những biến đổi tâm lí phức tạp của Thuý Kiều qua từng câu thơ của Nguyễn Du. Từ ấn tượng về một Thuý Kiều tài sắc với tâm hồn trắng trong khi gặp Kim Trọng, người xem đã xúc động trước sự tủi nhục, chịu đựng một cách bất lực thể hiện qua từng câu thoại và biểu cảm của nàng Kiều trong những phân cảnh chốn

lầu xanh hoặc cảnh đánh ghen của Hoạn Thư.”.

+ Bài viết cũng nêu lên một số nét nghệ thuật đặc sắc của kịch, ví dụ: “Các diễn viên trẻ đóng vai phụ ở tuyến chính diện như Kim Trọng, Từ Hải hay phản diện như Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh đều có sự nhập tâm, đem lối diễn cá nhân thổi hồn vào nhân vật mà vẫn trung thành với nguyên tác [...] Các diễn viên đã cảm nhận và thấu hiểu tinh thần nhân vật từ câu chữ của Nguyễn Du, để rồi diễn xuất trên sân khấu theo tưởng tượng của riêng mình.”.

+ Người viết đã nhận xét, đánh giá về ưu điểm của vở kịch, Ví dụ: “Ngoài sự nhập tâm của các diễn viên, lời thoại, vũ đạo và âm nhạc của vở diễn cũng là một số điểm đáng chú ý. Trước tiên, lời thoại hầu như đã được giản lược các điển cố, điển tích so với nguyên tác. Tuy nhiên, vẫn có sự lồng ghép hợp lí và tự nhiên các câu thơ quen thuộc, nổi tiếng từ trong nguyên tác Truyện Kiều, kết hợp lối nói vẫn điệu và ngôn từ truyền thống. Đây là cách hợp lí để tác phẩm dễ nghe, dễ hiểu hơn với đông đảo công chúng mà không đánh mất đi hồn cốt quan trọng của tác phẩm..

Quảng cáo

+ Nhận xét về hạn chế của vở kịch, ví dụ: “Nếu có điều gì để nuối tiếc, có lẽ là hợp chưa thật sự “nhuyễn” giữa âm nhạc và vũ đạo. Trong khi âm nhạc của vở kịch để lại ấn tượng với sự kết hợp đa dạng nhưng có chọn lọc của nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như chầu văn, tuồng, chèo, thì vũ đạo của Thuý Kiều – Một kiếp đoạn trường lại chưa khớp và hơi nhiều hơn mức cần thiết, như sự lặp lại các cảnh múa cánh bướm ở chốn lầu xanh hay màn múa quạt ở một số phân cảnh giới thiệu Từ Hải và Thuý Kiều, cảnh Bạc Hạnh và Bạc Bà lừa Thuý Kiều,... Ngoài ra, vở kịch dường như chưa thật sự mạnh dạn đẩy sự sáng tạo tới mức phá cách, làm điểm nhấn vượt ra khỏi cái khung nội dung đã biết của Truyện Kiều”.

Qua văn bản, có thể rút ra được những lưu ý gì khi phân tích một tác phẩm nghệ thuật? Câu này HS tự rút ra, ví dụ: Khi phân tích một tác phẩm nghệ thuật cần chú ý nếu lên cả những ưu điểm và hạn chế của tác phẩm ấy. Hoặc cần chú ý đặc điểm của tác phẩm nghệ thuật thuộc các chuyên ngành khác nhau, nên cần có một số hiểu biết tối thiểu về ngành nghệ thuật ấy,...

Câu 3 trang 21 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Để viết bài nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật, các em cần chú ý những gì?

Trả lời:

Để viết bài nghị luận phân tích tác phẩm nghệ thuật, các em cần chú ý:

- Tìm hiểu kĩ về tác phẩm nghệ thuật được phân tích (đặc điểm thể loại, tác giả, hoàn cảnh sáng tác, bối cảnh thời đại,…)

- Nắm được những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm thông qua một số chi tiết cụ thể.

- Nêu được nhận xét cá nhân về thành công và hạn chế của tác phẩm.

- Thực hiện các bước theo quy trình tạo lập văn bản.

Quảng cáo

Câu 4 trang 21 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Tìm hiểu các yêu cầu của đề 1 trong SGK, trang 56: “Trình bày suy nghĩ về vẻ đẹp của một bức tranh hoặc một pho tượng mà em cho là có giá trị.” theo quy trình bốn bước.

Trả lời:

– Xác định bức tranh hoặc pho tượng mà em sẽ phân tích.

Tìm hiểu đề văn để xác định các yêu cầu cơ bản trước khi viết:

+ Trọng tâm cần làm rõ: vẻ đẹp nội dung, hình thức của bức tranh hoặc pho tượng.

+ Kiểu văn bản chính: phân tích một tác phẩm nghệ thuật (bức tranh hoặc pho tượng).

+ Phạm vi dẫn chúng: nội dung của bức tranh hoặc pho tượng đã chọn.

- Đọc kĩ các yêu cầu viết bài nghị luận phân tích một tác phẩm nghệ thuật đi nêu ở mục 1. Định hưởng. Tham khảo văn bản Vở kịch "Thuý Kiều – một kiếp đoạn trường " để biết cách viết bài phân tích một bức tranh hoặc pho tượng.

Câu 5 trang 21 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Chọn một ý của đề bài trong mục 2. Thực hành (SGK, trang 56); từ đó, viết hai đoạn văn:

– Diễn đạt bằng các câu văn suy luận lô gích.

– Diễn đạt bằng các câu văn có hình ảnh.

Trả lời:

Đề 1. Trình bày suy nghĩ về vẻ đẹp của một bức tranh hoặc pho tượng mà em cho là có giá trị.

Van Gogh đã vẽ bức Đêm Đầy Sao (Starry Night) vào năm 1889, khi ông đang điều trị trong một trại tâm thần ở Saint Rémy. Điều thú vị là ông đã vẽ bức tranh này từ trí nhớ của mình, và khung cảnh trong tranh được cho là dựa theo bầu trời đêm của Provence. Starry Night có lẽ là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất và có chiều sâu nhất của danh họa.

Chọn một ý của đề bài trong mục 2. Thực hành (SGK, trang 56)

(Đêm Đầy Sao (Starry Night), 1889, tranh sơn dầu, Vincent van Gogh, MoMA, New York)

Điều đầu tiên tôi nhận thấy khi ngắm nhìn bức tranh này là bầu trời đêm choáng ngợp, chiếm gần hết hậu cảnh. Các đường xoáy tựa dòng chảy đang chuyển động nhẹ nhàng, dập dìu, dường như đang hợp nhất ở trung tâm tạo thành hình xoắn ốc. Mười một ngôi sao màu vàng rực rỡ trông giống như những quả cầu lửa khổng lồ, chiếu sáng toàn bộ khung cảnh. Chúng hoàn toàn tương phản với bầu trời đêm trong mát với nhiều sắc thái xanh lam và xám. Ngoài ra, ở góc trên cùng bên phải còn có vầng trăng lưỡi liềm đang tỏa ra ánh sáng màu cam đậm và còn sáng hơn so với các vì sao. Tầm nhìn ra bầu trời đêm và ngôi làng bị chặn một phần bởi cụm cây hoàng đàn khổng lồ phía trước. Bóng cây to lớn, màu xanh đen nổi bật hẳn so với tông màu nhẹ nhàng chủ đạo của tác phẩm. Những ngôi nhà nhỏ xíu được vẽ kín đáo ở góc dưới bên phải của bức tranh, như hòa với cảnh núi rừng. Kiến trúc của ngôi làng cổ kính, đơn sơ và không có ánh sáng chiếu vào ngôi làng, tạo cảm giác rằng tất cả mọi người ở đó có lẽ đang chìm trong giấc ngủ. Nhìn chung, nét vẽ của ông nặng, dày và có nhịp điệu dồn dập đầy dứt khoát. Vậy nên, tác phẩm tạo cho người thưởng tranh có ảo giác các nét cọ như đang liên tục chuyển động.

Chọn một ý của đề bài trong mục 2. Thực hành (SGK, trang 56)

(Nét cọ trong bức họa Đêm Đầy Sao (Starry Night))

Việc Van Gogh vẽ bức tranh này dựa theo trí nhớ của mình đã giúp cho ta thấy phần nào về sự lệch lạc tinh thần và cường độ cảm xúc lớn của ông tại thời điểm đó. Người ta cảm thấy như thể danh họa đã khó có thể kiềm chế cảm xúc của mình, rằng tất cả nỗi tức giận và niềm đam mê của ông đã bao trùm toàn bộ tác phẩm. Mặt trăng và các ngôi sao lớn đến nỗi dường như cả bầu trời đêm sắp sụp xuống. Cây hoàng đàn, một loại cây có hình tượng kín đáo, trang trọng và tang tóc, có vẻ như nham hiểm khi chắn tầm nhìn của chúng ta ngay trước bức tranh. Cứ như thể Van Gogh đang tự tạo ra một thực tại của riêng mình. Ông chọn cách nhấn mạnh những vật thể mà mình cảm thấy là quan trọng, mặc kệ điều đó sẽ dẫn đến việc các góc nhìn bị bóp méo.

Bức tranh như sục sôi sự sống nhờ những nét vẽ tạo ấn tượng về sự chuyển động. Đặc biệt, bầu trời đêm dường như chính là nguồn sống của tác phẩm, nhờ sự năng động bùng nổ. Có vẻ như các thiên hà đang chuyển động và các vì sao sẽ lao vào thị trấn bình yên này bất cứ lúc nào. Các ngôi sao và bầu trời tạo nên một cảm xúc mãnh liệt với nhiều nét vẽ và màu sắc khác nhau, tất cả hòa vào nhau tạo thành một màn sương tựa như hình xoắn ốc ở trung tâm tác phẩm.

Mặt khác, cây hoàng đàn phần nào làm giảm bớt hiệu ứng chói lóa của bầu trời đêm với những chiếc lá sẫm màu, quằn quại vươn lên ở phía bên trái của bức tranh. Thân cây trông rắn rỏi và dường như nhàm chán so với phần còn lại. Nó làm xáo trộn toàn bộ trạng thái cân bằng của một đêm đầy sao, cảnh tượng mà đáng lẽ ra sẽ được khắc họa một cách đầy huyền diệu và trọn vẹn. Dondis từng nói rằng mắt người thường ưu tiên khu vực phía dưới bên trái của bất kỳ trường thị giác nào và có vẻ như Van Gogh đã cố ý vẽ bụi cây hoàng đàn ở vị trí nổi bật ấy. Có thể giải thích rằng bụi cây là đại diện cho nỗi thống khổ bên trong mà danh họa đang phải trải qua vào thời điểm đó. Sự hỗn loạn mà ông ấy đang trải qua có thể đã làm hao kiệt thứ khát vọng sống trong ông.

Bên cạnh đó, những ngôi nhà nhỏ có vẻ khá yên tĩnh. Tất cả các đèn đều đã tắt và mọi người hẳn đang say ngủ. Không ai để ý đến bầu trời đêm đang bừng lên sức sống và bụi cây hoàng đàn đang quằn quại. Điều đó lột tả sự xa lánh và hiểu lầm mà danh họa phải chịu đựng. Tôi cảm thấy rằng ngôi làng đang say giấc đại diện cho phần còn lại của thế giới, những con người không biết về những đam mê cuồng nhiệt và nỗi thống khổ mà Van Gogh đang phải trải qua. Có lẽ ấy là lý do tại sao những ngôi nhà trông như ở rất xa mặc dù chúng thực sự khá gần.

Giải thích của tôi chỉ là một trong số rất nhiều cảm nhận của những người thường thức nghệ thuật khác về Đêm Đầy Sao. Đây vẫn sẽ luôn là một tác phẩm khó nắm bắt đối với các nhà phê bình nghệ thuật cũng như các sinh viên. Bởi vì chẳng một ai thực sự biết ý định của Van Gogh về bức tranh đây. Mọi người dường như đang sử dụng các mật mã khác nhau để giải mã những gì Van Gogh đang cố gắng thể hiện. Có nhà phê bình cho rằng đây là một tác phẩm tôn giáo, mô tả một câu chuyện trong Kinh thánh. Trong sách Sáng thế ký, Joseph có một giấc mơ về mười một ngôi sao, mặt trời và mặt trăng (mặt trăng và mặt trời dường như được kết hợp với nhau ở đây), tượng trưng cho anh em và cha mẹ của mình, đang cúi đầu trước ngài. Một học giả khác cho rằng bức tranh này thể hiện sự hội tụ thiên văn, vì thực tế là vào thời ấy, có một hiện tượng thiên văn rất nổi tiếng. Khi đó, những người yêu thích thiên văn học và chiêm tinh học như Jules Verne đã sáng tác nhiều tác phẩm về du hành lên mặt trăng. Đối với tôi, tôi luôn có một ý nghĩ đa cảm này về Van Gogh, rằng tôi thấy ông như một nghệ sĩ bi kịch, đầy nỗi đau khổ, là người thực sự muốn làm rất nhiều điều cho nhân loại (ông đã từng là một nhà truyền giáo) nhưng liên tục bị xã hội khước từ. Bức tranh này đã truyền đạt đến tôi thứ tình yêu mà ông dành cho những tạo phẩm tuyệt đẹp của Chúa. Ấy thế mà, tôi cũng cảm nhận được một cảm giác cô đơn rõ rệt, như thể không ai có cái nhìn về thế giới như cách mà ông đã thấy.

Tất nhiên, để hiểu rõ hơn phong cách vẽ của danh họa trong Đêm Đầy Sao, chúng ta phải nhìn vào toàn cảnh. Vincent Van Gogh là một trong những nghệ sĩ theo trường phái Hậu ấn tượng vĩ đại, cùng với những cá nhân như Cézanne và Gauguin. Trường phái Hậu ấn tượng về cơ bản là một phản ứng chống lại chủ nghĩa ấn tượng, vốn thể hiện niềm tin rằng nghệ thuật nên phản ánh chính xác hiện thực bằng màu sắc và ánh sáng tự nhiên. Những người theo trường phái Hậu ấn tượng tin rằng nghệ thuật không phải để bắt chước hình thức, mà là để tạo ra hình thức. Có nghĩa là, các nghệ sĩ thời kỳ này đã có một cái nhìn chủ quan về thế giới thị giác và vẽ về thế giới của họ, theo nhận thức nghệ thuật của riêng mình. Như chính Van Gogh đã nói, “Chúng ta có thể thành công hơn trong việc tạo ra một bản chất thú vị và thoải mái so với những gì chúng ta có thể nhận ra chỉ bằng một cái nhìn thoáng qua về thực tại”. Đó là lý do tại sao các nghệ sĩ theo trường phái Hậu ấn tượng không có phong cách cố định – các tác phẩm của họ phản ánh cá tính và nhận thức độc đáo của mỗi cá nhân.

Trong trường hợp của Van Gogh, các tác phẩm của ông dường như phản ánh một cường độ cảm xúc lớn, giống như trong Starry Night. Ông ấy từng nói với anh trai Theo rằng, thay vì sử dụng màu sắc một cách chuẩn xác, ông muốn sử dụng chúng “tùy tiện hơn để thể hiện bản thân một cách gượng ép hơn”. Đặc biệt, ông thích vẽ phong cảnh phản ánh cảm xúc và tâm hồn của chính mình. Theo một cách nào đó, ông có cảm giác được giải phóng khi vượt ra ngoài ranh giới của nghệ thuật truyền thống. Đêm Đầy Sao là hiện thân của phong cách và lối thể hiện độc đáo của Van Gogh. Và thế đấy, những tác phẩm như thế đã gây sức ảnh hưởng lớn đến nghệ thuật hiện đại ngày nay.

Đề 2: Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim, vở kịch hoặc một bài hát mà em yêu thích.

 “Nhà bà Nữ” là một trong những bộ phim chiếu rạp đem lại doanh thu lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại. Phim xoay quanh những vấn đề đều đến từ sự ích kỉ, việc không ai chịu thấu hiểu cho ai, cho đến khi dẫn đến cao trào của sự bùng nổ của việc nhẫn nhịn, bởi vậy phim đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều về nội dung và cách dàn dựng phim.

Khác xu hướng làm phim Tết với chủ đề nhẹ nhàng, nhiều tiếng cười, đạo diễn đi vào nội tâm nhân vật. Phim chọn góc nhìn chính từ Ngọc Nhi - một người con vốn phải sống theo định hướng của mẹ từ nhỏ. Mê làm gốm, cô vẫn phải học ngân hàng, phụ mẹ buôn bán. Cô chưa bao giờ đi chơi quá 10 giờ đêm, không thể xếp đồ lót theo ý mình. Từ các cãi vã nhỏ nhặt, mẹ con bà Nữ dần nảy sinh nhiều rạn nứt khó cứu vãn. Mâu thuẫn được đẩy lên là khi cô cãi lời mẹ khi lén lút quen John - Việt kiều mới về nước. Cao trào xảy ra khi Nhi có bầu, bỏ nhà ra đi, sống cùng John song nhanh chóng nhận trái đắng”.

Ngoài chuyện mẹ con bà Nữ, chuyện tình Nhi và John đại diện cho những đôi nhiều hoài bão nhưng thiếu thực tế. Họ mơ mộng với cuộc sống lứa đôi và sớm bị ghì chặt bởi cơm áo gạo tiền. Chuyện vợ chồng Phú Nhuận và Ngọc Như - con gái bà Nữ - là nỗi buồn của người đàn ông ở rể, bị nhà vợ lấn lướt. Yêu chồng nhưng thích kiểm soát, Ngọc Như để tuột mất hạnh phúc theo cách cô khó ngờ nhất.

Ở một phần ba thời lượng đầu, phim gây cười theo lối hài sân khấu. Về sau, phim dồn dập tình tiết, đẩy cao mâu thuẫn nhân vật. Những cảnh tranh cãi giữa mẹ con Nhi được lồng ghép tự nhiên, lời thoại dễ khơi gợi đồng cảm từ người xem. Những đoạn nhân vật Nhi bộc bạch, thoại phim đơn giản nhưng vẫn mang sức nặng về thông điệp: "Trong một mối quan hệ, sợ nhất là không ai đúng cũng không ai sai, vấn đề chỉ khác nhau ở góc nhìn, rồi họ lặng lẽ tổn thương, rời xa nhau".

Tuy nhiên, bộ phim vẫn còn nhiều điểm chưa “đã” khiến em cảm giác không được như mong đợi. Phim có nhiều góc máy về ẩm thực theo lối duy mỹ nhưng về sau, phim mang dáng dấp của một tác phẩm truyền hình, thiếu lối đặc tả, ghi dấu cá tính của đạo diễn và đặc biệt phim lồng lời thoại “chửi thề” vào quá nhiều. Bởi vậy, khi xem, không có những phân đoạn không để lại nhiều ấn tượng trong em.

Mặc dù có những điểm hạn chế nhưng em không thể phủ nhận rằng nội dung rất “đời”, kết cấu chặt chẽ, diễn xuất tự nhiên phần nào cũng đã tạo nên góc nhìn về cuộc sống đời thường. Qua đó, cũng gửi gắm được những bài học về cuộc sống để giúp chúng ta trưởng thành hơn trong suy nghĩ, để khi nhìn về sẽ không còn đọng lại những “tiếc nuối” như những nhân vật trong phim.

Đề 3. Phân tích đoạn trích trong “Truyện Kiều” (Nguyễn Du).

Trả lời:

Trong dòng chảy văn học trung đại, mỗi nhà văn, nhà thơ đều góp phần làm nên diện mạo của nền văn học Việt Nam qua nhiều tác phẩm xuất sắc thuộc nhiều thể loại khác nhau. Và khi nhắc đến Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, bạn đọc mọi thế hệ không thể không nhắc tới tác phẩm “Truyện Kiều”. Đọc những trang Kiều, người đọc như thấm thía nỗi đau mà Kiều phải chịu đựng nhưng ẩn sau đó chính là vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách của nàng. Có thể nói, đoạn trích trích từ câu “Khi tỉnh rượu lúc tàn canh” đến “Ai tri âm đó mặn mà với ai?” là một minh chứng tiêu biểu cho điều đó.

Trước tình cảnh đầy trớ trêu nơi chốn lầu xanh, trong Thúy Kiều luôn hiện lên bao nỗi niềm đau đớn, xót thương cho thân phận, cuộc đời của mình.

Khi tỉnh rượu lúc tàn canh,

Giật mình mình lại thương mình xót xa.

Câu thơ “Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh” đã mở ra thời gian ban đêm, khi những cuộc vui đã tàn, đó là thời điểm hiếm hoi Kiều được sống là chính mình, đối diện với chính mình cùng bao nỗi niềm, suy tư, trăn trở. Trong chính khoảnh khắc ít ỏi ấy, Kiều “giật mình” bởi sự bàng hoàng, thảng thốt trước thực tại cuộc sống của mình. Để rồi, sau cái giật mình ấy chính là nỗi thương mình, xót xa cho chính bản thân mình và nỗi thương mình, sự xót xa ấy của Kiều xét đến cùng chính là sự tự ý thức về nhân cách của Thúy Kiều. Trong nỗi niềm xót xa, sự cô đơn đến tột cùng ấy, Thúy Kiều đã đi tìm nguyên nhân để lí giải chúng.

Khi sao phong gấm rủ là,

Giờ sao tan tác như hoa giữa đường.

Mặt sao dày gió dạn sương

Thân sao bướm chán ong chường bấy thân.

Nghệ thuật đối đã được tác giả sử dụng thành công thông qua việc sử dụng hàng loạt các hình ảnh đối lập nhau, giữa một bên là “phong gấm rủ là” gợi những tháng ngày quá khứ êm đềm, hạnh phúc với một bên là những hình ảnh “tan tác”, “hoa giữa đường”, “dày gió dạn sương”, “bướm chán ong chường” để gợi lên hiện tại phũ phàng, bị chà đạp, vùi dập. Thể hiện sự đối lập giữa quá khứ với hiện tại, tác giả Nguyễn Du đã tô đậm cuộc sống cùng tâm trạng ê chề, nhục nhã, chán chường của Thúy Kiều trong hoàn cảnh đầy trớ trêu. Thêm vào đó, với việc sử dụng hàng loạt từ để hỏi “khi sao”, “giờ sao”, “mặt sao”, “thân sao” đã tạo nên giọng điệu chất vấn, Thúy Kiều như đang tự hỏi, tự dằn vặt chính bản thân mình. Trong nỗi niềm chua xót, đầy giày vò ấy, Thúy kiều đã nhận thức rõ sự đối lập đau xót và chua chát giữa ta và người.

Mặc người mưa Sở mây Tần

Những mình nào biết có xuân là gì.

Không chỉ đối lập giữa cuộc sống ở quá khứ và hiện tại, mà giờ đây, trong Thúy Kiều còn hiện hữu rõ nét sự đối lập giữa cảnh vật bên ngoài với nỗi niềm tân trạng của chính mình. Bi kịch ấy của Thúy Kiều được thể hiện rõ nét trong những tám câu thơ cuối của đoạn trích.

Đòi phen gió tựa hoa kề

Nửa rèm tuyết ngậm bốn bề trăng thâu.

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?

Đòi phen nét vẽ câu thơ,

Cung cầm trong nguyệt nước cờ dưới hoa

Vui là vui gượng kẻo là

Ai tri âm đó mặn mà với ai?

Cuộc sống nơi chốn lầu xanh ở khung cảnh bên ngoài với đầy đủ những nét thanh cao, tao nhã, phong lưu được tác giả tái hiện lại thông qua các hình ảnh giàu sức gợi “gió tựa hoa kề”, “tuyết ngậm”, “trăng thâu”, “nét vẽ”, “câu thơ”, “cung cầm”, “nước cờ”. Nhưng ẩn sâu bên trong đó là bản chất phũ phàng và đầy xót xa, đầy tủi nhục và nhơ nhớp. Và bởi vậy, cảnh vật ở nơi đây đối với Thúy Kiều chính là một sự giả tạo và nàng không thể tìm thấy bầu bạn, không thể tìm thấy tri âm và nàng thờ ơ với mọi thứ xung quanh mình. Đặc biệt, với nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, tác giả Nguyễn Du đã cho thấy tâm trạng của Thúy Kiều khi sống ở nơi đây, đó chính là sự gượng gạo, tự thương, tự xót xa cho số phận của chính mình. Đặc biệt, tâm trạng đau đớn như xé lòng của Kiều được thể hiện qua việc sử dụng hàng loạt các câu hỏi tu từ.

Tóm lại, đoạn trích với việc sử dụng thành công nghệ thuật đối cùng những hình ảnh giàu sức gợi đã thể hiện một cách rõ nét và sâu sắc nỗi niềm tâm trạng, sự xót thương số phận của Thúy Kiều. Đồng thời, ẩn sau đó người đọc cũng cảm nhận được vẻ đẹp nhân cách của nàng.

Câu 6 trang 21 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Để giới thiệu một tác phẩm nghệ thuật tự chọn có hiệu quả, các em cần chú ý những gì?

Trả lời:

Để giới thiệu một tác phẩm nghệ thuật tự chọn có hiệu quả, các em cần chú ý:

- Xác định rõ mục đích, đối tượng người nghe và nội dung tác phẩm cần giới thiệu: tác phẩm văn học hay tác phẩm âm nhạc, điện ảnh, kiến trúc, điêu khắc, hội họa,…

- Lựa chọn cách trình bày phù hợp.

- Có thái độ phù hợp, tôn trọng người nghe,…

Câu 7 trang 21 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Dựa vào văn bản ngữ liệu giới thiệu bài hát Làng tôi của nhạc sĩ Văn Cao (SGK, trang 59 – 60), hãy trả lời các câu hỏi trong ý b) Tìm ý và lập dàn ý:

+ Nội dung của bài hát là gì?

+ Hình thức nghệ thuật của bài hát có gì đặc sắc?

+ Vì sao em thích bài hát này?

Trả lời:

+ Nội dung của bài hát: ngợi ca vẻ đẹp làng quê và nói lên “lòng căm thù giặc, quân và dân đã dũng cảm chiến đấu bảo vệ quê hương, tin tưởng mãnh liệt vào ngày mai chiến thắng”.

+ Hình thức nghệ thuật của bài hát: “Bài hát được viết ở nhịp 6/8, điệu van-xơ (valse) nhịp nhàng, sâu lắng, giàu tình cảm, bố cục gọn gàng, chặt chẽ. Nét nhạc chủ đạo phỏng theo nhịp điệu đung đưa của tiếng chuông nhà thờ. Bài hát gồm có ba lời, như một câu chuyện kể có mở đầu, có dẫn dắt tình tiết, có phần kết thúc đầy lạc quan và tin tưởng vào ngày mai xán lạn.”.

+ Em có nhận xét và đánh giá gì về giá trị bài hát?

+ Vì sao em thích bài hát này?

Lời giải sách bài tập Ngữ Văn 11 Bài 2: Thơ văn Nguyễn Du hay khác:

Xem thêm giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 11 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Săn SALE shopee Tết:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH LUYỆN THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 11

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi, sách dành cho giáo viên và gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Tài liệu giáo viên