Top 30 Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một bài thơ
Tổng hợp trên 30 văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một bài thơ hay nhất với dàn ý chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.
- Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một bài thơ (mẫu 1)
- Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một bài thơ (mẫu 2)
- Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một bài thơ (mẫu 3)
- Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một bài thơ (mẫu 4)
- Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một bài thơ (mẫu 5)
- Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một bài thơ (mẫu 6)
- Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một bài thơ (mẫu 7)
- Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một bài thơ (mẫu 8)
Top 30 Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một bài thơ (hay nhất)
Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một bài thơ - mẫu 1
Trong cuốn "Thi nhân Việt Nam", nhà phê bình Hoài Thanh có nhận xét: "Thơ Xuân Diệu còn là một nguồn sống dào dạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này. Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống quýt muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình. Khi vui cũng như khi buồn người đều nồng nàn tha thiết". Quả thực như vậy, đọc thơ Xuân Diệu, ta luôn lâng lâng cảm xúc yêu thương say đắm cùng tâm hồn tràn trề nhựa sống. Đặc biệt, đến với tác phẩm "Thơ duyên", người đọc không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp của tiết trời mùa thu mà còn là mối quan hệ, giao hòa đầy duyên tình giữa "anh" và "em".
Trước hết, nhan đề bài thơ gợi bao suy tư, tình cảm. "Duyên" ở đây chỉ sự giao duyên, gắn bó giữa thiên nhiên với thiên nhiên, thiên nhiên với con người và con người với con người trên nền bức tranh thu. Như vậy, bài thơ là những nét phác họa về cảnh sắc mùa thu cùng duyên tình của "anh" và "em". Qua đó, "Thơ duyên" cũng thể hiện sâu sắc khát khao giao cảm với thiên nhiên, cuộc đời mãnh liệt ở thi sĩ Xuân Diệu.
Bài thơ mở đầy bằng những hình ảnh trong trẻo vô ngần:
"Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên,
Cây me ríu rít cặp chim chuyền.
Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá,
Thu đến - nơi nơi động tiếng huyền."
Trong thời điểm chiều thu, khung cảnh thật nên thơ, chan chứa cái mộng ảo. Mọi thứ như vấn vương, giao hòa trên nhánh cây duyên dáng, mềm mại. Nhà thơ cũng thật tinh tế, nhạy cảm khi miêu tả cảnh vật bằng tất cả các giác quan. Phía trên cây me kia, từng cặp chim vừa chuyền cành, vừa líu lo hót vang như hò rèo, chào đón thu tới. Từ láy "ríu rít" đã gợi tả rõ nét sự sống động, vui nhộn ấy. Cùng lúc đó, bầu trời với màu xanh ngọc đang "đổ" xuống muôn vàn lá cây, tạo nên một khoảng không gian tươi mát, dịu êm. Lắng nghe, ngắm nhìn và tận hưởng bức tranh mùa thu trong trẻo như vậy, nhà thơ không khỏi cảm thấy "nơi nơi động tiếng huyền". Mùa thu đến không chỉ mang lại cảnh sắc hài hòa, êm ả mà còn gợi những âm vang rộn rã giống tiếng nhạc, tiếng đàn. Dường như, cảnh vật đã thấm đẫm tình thu của hồn thơ Xuân Diệu:
"Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu
Lả lả cành hoang nắng trở chiều;
Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn
Lần đầu rung động nỗi thương yêu."
Bằng các từ láy "nhỏ nhỏ", "xiêu xiêu", "lả lả", mọi vật trở nên uyển chuyển, nhẹ nhàng hơn bao giờ hết. Tất cả đều đang sóng đôi, giao duyên cùng nhau. Đó là con đường nho nhỏ đắm mình trong làn gió. Đó còn là cành lá lả lơi buông rủ trong nắng chiều. Đứng giữa khung cảnh đậm chất thu, tình thu, chủ thể trữ tình không khỏi bồi hồi nhớ về "Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn". Phải chăng, vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời đã hấp dẫn tâm hồn con người. Từ đây, con người lại thổn thức nỗi niềm "Lần đầu rung động nỗi thương yêu". Có thể thấy, đoạn thơ vừa khơi gợi sự gắn bó giữa con người và tự nhiên, vừa mở ra mối duyên tình của con người với con người. Thật sâu lắng, tha thiết làm sao!
Đến với khổ thơ thứ ba, ta thấy có sự chuyển biến, thay đổi trong cách xưng hô:
"Em bước điềm nhiên không vướng chân,
Anh đi lững đững chẳng theo gần
Vô tâm - nhưng giữa bài thơ dịu
Anh với em như một cặp vần."
Chủ thể trữ tình, hay chính là "anh" xao xuyến nhớ về những rung động đầu đời. Khi ấy, "em" điềm nhiên bước đi trên con đường mà "không vướng chân" còn "anh" lại "lững đững chẳng theo gần". "Em" một bước, "anh" một bước, khoảng cách đôi ta không xa cũng chẳng gần. Tưởng chừng là đối lập, khác biệt nhưng hai ta đã có sự gần gũi thân thiết "như một cặp vần" không thể tách rời. Như vậy, những ràng buộc mỏng manh, vô hình đã kéo "anh" và "em" đến sát bên nhau. Đất trời trở thành sợi dây tơ duyên, buộc hai người xa lạ, "vô tâm" thành một cặp không chia lìa.
Qua đôi mắt của chủ thể trữ tình, bức tranh thiên nhiên tiếp tục được mở rộng:
"Mây biếc về đâu bay gấp gấp
Con cò trên ruộng cánh phân vân
Chim nghe trời rộng giang thêm cánh
Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần."
Không còn là sự nhẹ nhàng, êm ái, cảnh vật đã bắt đầu bước vào trạng thái vội vã, gấp gáp. Trên bầu trời cao xa, từng đám mây biếc màu đang "gấp gấp" bay, chuẩn bị nhường chỗ cho ánh chiều tàn. Ngoài ruộng đồng, đàn cò cũng "phân vân" nên tiếp tục ở lại hay không. Dịch chuyển tầm mắt, không khó để phát hiện ra những chú chim giang rộng đôi cánh, tìm về tổ ấm. Dưới mặt đất, hoa cỏ đã hòa trong cái lạnh lẽo của sương chiều. Hoạt động dồn dập của vạn vật gợi một cảm giác gì đó vừa thúc giục, hối hả, vừa xao xuyến, bâng khuâng ở "anh":
"Ai hay tuy lặng bước thu êm
Tuy chẳng băng nhân gạ tỏ niềm
Trông thấy chiều hôm ngơ ngẩn vậy,
Lòng anh thôi đã cưới lòng em."
Đứng trước cảnh đẹp của bức tranh thu, "anh" và "em" trở nên hòa hợp, đồng điệu về tâm hồn, cảm xúc yêu thương mà chẳng cần "băng nhân" - những ông tơ bà nguyệt se kết duyên tình. Mặc dù tâm tư, lời nói chân tình chưa được gửi gắm nhưng "anh" vẫn cảm thấy hạnh phúc bởi "Lòng anh thôi đã cưới được lòng em". Mọi tình cảm diễn ra trong "ngấm ngầm" như một cuộc đính ước có thiên nhiên, cây cỏ, đất trời làm chứng.
Một trong những yếu tố làm nên thành công của bài thơ còn đến từ đặc sắc về hình thức nghệ thuật. Bằng việc sử dụng các biện pháp tu từ như nhân hóa "chim nghe trời rộng", so sánh "Anh với em như một cặp vần" kết hợp cùng các từ ngữ giàu sức gợi "liêu xiêu", "lả lả",... đã góp phần khắc họa sinh động vẻ đẹp thiên nhiên mùa thu. Không chỉ vậy, Xuân Diệu còn rất tài hoa trong xây dựng hình ảnh độc đáo "chiều mộng hòa thơ", "hoa lạnh chiều thưa". Giọng thơ nhẹ nhàng, sâu lắng cũng giúp cảm xúc, tâm tư tình cảm của "anh" được bộc lộ rõ ràng và sắc nét.
Qua bài thơ "Thơ duyên", Xuân Diệu đã đem tới cho người đọc khung cảnh chiều thu êm ái, dịu dàng với những đường nét, màu sắc tươi sáng, âm thanh rộn rã. Đồng thời, ta cũng cảm nhận được sự giao duyên, hòa hợp giữa vạn vật trong đất trời.
Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một bài thơ - mẫu 2
"Nắng đã hanh rồi" của nhà thơ Vũ Quần Phương là một tác phẩm hay và giàu ý nghĩa, được trích từ tập "Hoa trong cây, Những điều cùng đến, Vết thời gian". Với những đặc sắc về nội dung và hình thức nghệ thuật, bài thơ đã để lại trong lòng bạn đọc bao rung cảm sâu sắc.
Đọc tựa đề, ta dễ dàng hình dung ra khoảng thời gian mà tác giả muốn đề cập đến. Nắng hanh - hiện tượng thời tiết đặc trưng chỉ có ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ mỗi khi mùa đông tới. Đây là thời điểm trời vừa lạnh vừa nóng, mang đến cảm giác giá lạnh và hanh khô. Mượn hình ảnh "nắng hanh", Vũ Quần Phương đã phác họa sinh động bức tranh mùa đông trên nền không gian rộng lớn, qua đó, bộc lộ nỗi nhớ thương da diết của "anh".
Mở đầu bài thơ là hình ảnh:
"Nắng đã vàng hanh như phấn bay
Đã nghe tiếng sếu vọng sông gày
Trước sân mây trắng về đông lắm
Em ở xa nhà, em có hay"
Với đôi mắt tinh tế cùng giác quan nhạy bén, nhà thơ dễ dàng nhận ra trạng thái ở nắng "vàng hanh như phấn bay". Nắng bao trùm mọi không gian, trăng trắng như màu của phấn và nhẹ nhàng rơi xuống "như phấn bay". Không chỉ quan sát cảnh vật thông qua hình ảnh, đường nét, Vũ Quần Phương còn cảm nhận thiên nhiên bằng thính giác. Tiếng sếu kêu ngoài bờ sông như vọng lại thứ âm thanh da diết, khắc khoải. Ngoài kia, dòng sông tươi mát, trong trẻo ngày hè nay đã cạn kiệt sức sống, trở nên gầy mòn, ốm yếu. Vạn vật giờ đây đã nhuốm màu sắc u buồn, lẻ loi. Đám mây hôm nay cũng chỉ còn là sắc trắng nhạt nhòa, giăng kín bầu trời cao xa. Không biết mây kia có nhắn rủ tới "em" lời tâm tình thủ thỉ "Em ở xa nhà, em có hay"? Câu thơ vừa nhấn mạnh hiện thực "em" đang ở xa nhà, vừa là lời hỏi thăm của "anh" với chính mình và "em" nơi phương xa.
Thu lại tầm nhìn, chủ thể trữ tình nhạy bén phát hiện ra khung cảnh nên thơ:
"Em có hình dung những mái tranh
Nắng lên khói ủ mộng yên lành
Vườn sau tre mía xôn xao lá
Anh chẳng là cây cũng trĩu cành"
Chủ thể trữ tình nhắc lại cho "em" hình ảnh thân quen, yên bình nơi quê nhà "những mái tranh". Ngôi nhà đơn sơ được làm từ rơm rạ, tre nứa, bùn đất là nơi chất chứa bao kỉ niệm, khoảnh khắc vui buồn của "anh" và "em". Giờ đây, nắng hanh trời đông thức giấc cùng ngọn khói mềm mại, bao trùm lên ngôi nhà thân thương ấy. Ở phía sau vườn nhà, tre mía cũng trở nên ồn ào bởi cành lá đang đung đưa, xao động. Không gian yên tĩnh, trầm mặc quanh nhà như bị phá vỡ bởi âm thanh "xôn xao lá". Ngắm nhìn cây cối ngoài kia, "anh" lại cảm thấy lòng mình bồi hồi nhớ thương "Anh chẳng là cây cũng trĩu cành".
Tâm tư giấu kín trong nỗi lòng đã được "anh" trực tiếp bày tỏ qua lời mời mọc:
"Em có cùng anh lên núi không
Có nghe thầm thĩ tiếng rừng thông
Nắng chiều ngả bóng thông in đất
Anh ngả vào đâu nỗi nhớ mong"
Ở khổ thơ này, không gian đã có sự mở rộng. Bức tranh thiên nhiên như được trải dài vô tận, thêm cao và thêm xa. Câu thơ "Em có cùng anh lên núi không" đâu chỉ đơn thuần là lời mời mà còn là những khao khát có "em" gần bên. Dạo bước trong rừng thông, "anh" nghe thấy âm thanh thầm thì của núi non, của quê hương ta. Không biết ở nơi xa xôi ấy, "em" có nghe thấy chăng? Và ở nơi đó, em có thấy "nắng chiều ngả bóng thông in đất"? Điểm tựa của nắng là cây thông, điểm tựa của thông là mặt đất, còn điểm tựa của anh thì đang ở rất xa. Có thể nói, không gian rộng lớn đã khắc họa chân thực tình cảnh cô đơn, lẻ loi ở "anh". Ngay giây phút này, chủ thể trữ tình đang rạo rực thương nhớ, yêu thương nhưng lại không biết "ngả vào đâu nỗi nhớ mong".
Ngày qua ngày, "anh" vẫn chờ mong và hy vọng:
"Xuân sắp sang rồi, xuân sắp qua
Một năm năm tới, lại năm qua
Mà sao nắng cứ như tơ ấy
Rung tự trời cao xuống ngõ xa"
Rồi mùa đông sẽ qua đi, nhường chỗ cho trời xuân ấm áp. Điệp từ "xuân sắp" đã khắc họa sự phấn khởi, ngóng trông của chủ thể trữ tình. "Anh" mong rằng xuân đến cũng là lúc đôi ta được sum họp, đoàn tụ. Thế nhưng, ngước nhìn trời cao, "anh" thấy nắng vẫn đang buông xuống như mấy sợi tơ mềm mại. Lòng "anh" thì nóng vội mà thời gian lại chậm chạp.
Bằng việc sử dụng các hình ảnh gần gũi "mái tranh", "nắng hanh", "sông gày", "mây trắng",... kết hợp với những biện pháp tu từ như đảo ngữ "Vườn sau tre mía xôn xao", so sánh "Mà sao nắng cứ như tơ ấy", nhà thơ đã gợi tả sinh động bức tranh thiên nhiên mùa đông tĩnh lặng, yên bình, có chút man mác buồn. Không chỉ vậy, lời thơ nhẹ nhàng, sâu lắng cũng giúp người đọc thêm thấu hiểu tâm tư, tình cảm nhớ thương của chủ thể trữ tình.
Bài thơ "Nắng đã hanh rồi" đã gửi gắm tới tất cả chúng ta bài học ý nghĩa về việc sống giao hòa với thiên nhiên, đất trời. Cảm ơn nhà thơ Vũ Quần Phương đã mang đến một tác phẩm ý nghĩa và giàu cảm xúc như vậy.
Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một bài thơ - mẫu 3
"Hương Sơn phong cảnh" là một trong các sáng tác tiêu biểu của thi sĩ Chu Mạnh Trinh Bài thơ với những độc đáo về chủ đề và hình thức nghệ thuật đã để lại ấn tượng sâu đậm cho bạn đọc trước bức tranh thiên nhiên tuyệt sắc.
Nhà thơ thật tinh tế và khéo léo khi khắc họa cảnh đẹp Hương Sơn qua vỏn vẹn 19 câu thơ. Ông cũng vận dụng linh hoạt thể hát nói truyền thống trong việc làm nổi bật chủ đề, từ đó bộc lộ cảm xúc tự hào, yêu mến về quê hương, đất nước.
Mở đầu bài thơ, ta bắt gặp cảnh tượng:
"Bầu trời cảnh Bụt
Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay"
Đặt chân tới Hương Sơn, nhà thơ như lạc vào cõi tiên bụt. Bầu trời mờ mờ, ảo ảo, khoác trên mình màu sắc huyền diệu của chốn bồng lai. Nơi đây quả thật giống lời tương truyền, vô cùng đẹp đẽ, bình yên, không khỏi hút hồn vị khách ghé thăm. Sau khoảnh khắc ngỡ ngàng ấy, người khách mới bừng tỉnh nhận ra "Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay". Có thể thấy, niềm khao khát được tới thăm Hương Sơn đã trở thành chấp niệm của vị khách.
Càng ngắm nhìn, nhà thơ càng cảm thấy ngạc nhiên:
"Kìa non non, nước nước, mây mây
"Đệ nhất động" hỏi nơi đây có phải?"
Hình ảnh núi non hòa trong mây trời như tô đậm sự bồng bềnh, nhẹ nhàng cảnh vật. Biện pháp liệt kê cùng từ láy "non non", "nước nước". "mây mây" đã cho thấy Hương Sơn có không gian vô cùng rộng lớn, trải dài thành tầng tầng, lớp lớp, trập trùng cao thấp. Đứng trước phong cảnh tuyệt sắc ấy, nhà thơ không khỏi thảng thốt "Đệ nhất động" hỏi nơi đây có phải?". Câu hỏi tu từ cùng biện pháp đảo ngữ không chỉ bộc lộ tâm trạng lâng lâng, vui sướng của thi sĩ mà còn khẳng định Hương Sơn xứng đáng là "đệ nhất động".
Đi sâu tìm hiểu phía bên trong, chủ thể trữ tình nhập vai "khách tang hải" khám phá ra:
"Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái,
Lững lờ khe Yến cá nghe kinh.
Vẳng bên tai một tiếng chày kình,
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng"
Núi rừng Hương Sơn hiện lên thật sinh động nhờ sự hài hòa giữa hình ảnh và âm thanh. Trong rừng mai, từng đàn chim đang thỏ thẻ nhỏ nhẹ "chim cúng trái". Bên khe Yến, cá mải mê nghe giảng kinh Phật "cá nghe kinh". Nhờ biện pháp nhân hóa kết hợp với đảo ngữ, từ láy "thỏ thẻ", "lững lờ", thiên nhiên và con người hòa hợp hơn bao giờ hết. Dường như, sống nơi đất Phật, những loài vật này cũng được bồi dưỡng chân lí hướng thiện, giá trị cao đẹp. Giọng thơ trở nên nhịp nhàng, sâu lắng như bước chân ung dung, khoan thai ngắm nhìn cảnh sắc của vị khách. Và rồi, vị khách ấy ngỡ mình đang mơ một giấc mộng. Chỉ đến khi nghe thấy tiếng chày kinh nơi nhà chùa, chủ thể trữ tình mới bừng tỉnh "giật mình trong giấc mộng". Hóa ra, đây là vẻ đẹp đời thực chứ không phải ảo ảnh xa vời.
Vị khách tang hải tiếp tục thả hồn trong chốn bồng lai tiên cảnh.
"Này suối Giải Oan, này chùa Cửa Võng,
Này hang Phật Tích, này động Tuyết Quynh.
Nhác trông lên ai khéo họa hình,
Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt
Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt,
Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây
Chừng giang sơn còn đợi ai đây,
Hay tạo hóa khéo ra tay xếp đặt."
Vẻ đẹp muôn màu muôn vẻ, phong phú vô ngần nơi Hương Sơn được gợi nhắc qua "suối Giải Oan", "chùa Cửa Võng", "hang Phật Tích", "động Tuyết Quỳnh". Khung cảnh hoàn mĩ ấy mang đến cảm giác "nhác trông lên ai khéo họa hình". Vị khách cũng thật tinh tường khi phát hiện cảnh tượng "đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt". Viên nào viên nấy đều lung linh màu sắc, mềm mại, trong trẻo. Bên cạnh đó, hình ảnh "mấy lối uốn thang mây" đã phác họa chân thực vẻ đẹp vừa hùng vĩ vừa nên thơ của núi rừng cheo leo. Hòa mình với không khí trong lành cùng khung cảnh tươi mát, vị khách phương xa như rũ bỏ bụi trần tầm thường, tìm về nơi bình yên, trầm lặng. Sau giây phút tĩnh tâm ấy, chủ thể trữ tình đã trực tiếp bộc lộ suy nghĩ, tình cảm bản thân "Chừng giang sơn còn đợi ai đây". Cảnh sắc tuyệt mỹ của quê hương, đất nước cần đến những đôi tay tài ba, biết giữ gìn và phát huy vẻ đẹp vốn có.
Tới thăm ngưỡng cửa nhà Phật, chủ thể trữ tình không quên bày tỏ tấm lòng kính cẩn:
"Lần tràng hạt niệm Nam mô Phật
Cửa từ bi công đức biết là bao!
Càng trông phong cảnh càng yêu."
Vị khách phương xa thành tâm kính Phật, gột rửa và rũ bỏ vướng bận bên ngoài để hướng tới tâm hồn an yên. Đất Phật giúp con người trở nên thanh thản, nhẹ nhàng, không vướng khói lửa nhân gian. Nơi đây cũng nhắn nhủ đạo lí sống tốt đẹp, chân - thiện - mỹ, yêu thương, nhân ái "Cửa từ bi công đức biết là bao!". Với cặp quan hệ từ "càng-càng", nhà thơ như muốn nhấn mạnh phong cảnh sơn thủy hữu tình ở Hương Sơn, đồng thời khẳng định tấm lòng yêu quý tha thiết của bản thân.
Độc đáo về hình thức nghệ thuật cũng là yếu tố chi phối và làm nên thành công của tác phẩm. Bằng ngòi bút tài hoa, thi sĩ Chu Mạnh Trinh đã xây dựng nên rất nhiều hình ảnh đặc sắc "chim cúng trái", "lững lờ khe Yến", "hang lồng bóng nguyệt", "mấy lối uốn thang mây",... Các biện pháp nghệ thuật như so sánh "long lanh như gấm dệt", điệp ngữ "này" kết hợp với những từ láy "thỏ thẻ", "lững lờ", "long lanh", "gập ghềnh" cũng góp phần tô đậm cảnh sắc nơi đây. Tất cả đã tạo nên bức tranh thiên nhiên Hương Sơn vừa kì vĩ vừa thơ mộng.
Bài thơ "Hương Sơn phong cảnh" sẽ mãi để lại dấu ấn sâu đậm cho người đọc về phong cảnh hài hòa, yên bình nơi Hương Sơn. Qua đây, nhà thơ còn khéo léo bày tỏ sự yêu mến, tấm lòng tự hào tha thiết với quê hương, đất nước.
Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một bài thơ - mẫu 4
Hồ Chí Minh một vị lãnh tụ tài hoa của dân tộc Việt Nam, bên cạnh đó với tài năng của mình người đã sáng tác nên những áng thơ văn vô cùng nổi bật. Trong đó bài thơ “Cảnh Khuya” là một tác phẩm thơ văn được viết trong thời kì kháng chiến tiêu biểu. Bài thơ là sự miêu tả bức tranh thiên nhiên vào đêm trăng đẹp, qua đó cho ta thấy tâm tư, tình cảm của một chiến sĩ cộng sản luôn hết mình vì nhân dân, vì đất nước.
Mở đầu bài thơ miêu tả bức tranh thiên nhiên thật đẹp:
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa”
Với giọng thơ bình dị, vẻ đẹp của cảnh vật hiện lên trong thơ Hồ Chí Minh vừa có ánh sáng vừa có âm thanh. Thiên nhiên, cảnh núi rừng Việt Bắc vắng vẻ nhưng vô cùng huyền ảo và thơ mộng. Với việc sử dụng nghệ thuật nhân hóa, nhà thơ đã miêu tả vẻ đẹp của “tiếng suối trong”. Vào ban đêm, chỉ với ánh trăng mà nhà thơ cũng có thể thấy được sự trong veo của nước suối. Ánh trăng đêm quả thật rất đẹp, rất sáng. Ánh trăng còn nổi bật hơn ở hình ảnh “trăng lồng cổ thụ” ánh trăng sáng bao quát cả một cây đại thụ lớn kết hợp với tiếng tiếng suối thanh trong như điệu nhạc êm, hát mãi không ngừng.
Chỉ với hai câu thơ mở đầu mà bức tranh phong cảnh hiện lên vô cùng sinh động, với thật nhiều màu sắc.
Sau hai câu thơ tả cảnh, tiếp đến câu thơ thứ ba là sự khắc họa hình ảnh nhân vật trữ tình vô cùng tự nhiên.
“Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ,”
Cảnh đêm trăng tuyệt đẹp như bức họa thế kia thì làm sao mà ngủ được. Phải chăng Người đang thao thức về một đêm trăng sáng với âm thanh vang vọng trong trẻo của núi rừng.
“Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”
Câu thơ cuối càng làm nổi rõ hơn nguyên nhân không ngủ được của Bác đó là “lo nỗi nước nhà”. Câu thơ cuối nêu lên cái thực tế của nhân vật trữ tình và mở sâu và hiện thực tâm trạng của nhà thơ. Sự độc đáo của thơ Hồ Chí Minh là bài thơ kết thúc với một lời giải thích, vô cùng thẳng thắn và ngắn gọn nhưng cũng rất đáng quý trọng. Nghệ thuật ấy vô cùng chân thực, giản dị, đi thẳng vào lòng người nên cũng là nghệ thuật cao quí, tinh vi nhất.
Bài thơ khép lại một cách bất ngờ nhưng hết sức tự nhiên, trọn vẹn. Bài thơ Cảnh Khuya của Hồ Chí Minh miêu tả bức tranh đêm khuya thật đẹp, thật thơ mộng. Nhưng sâu hơn nữa là thể hiện tâm tư, tình cảm của một người chiến sĩ cách mạng luôn hết lòng vì nhân dân, lo cho dân, cho nước.
Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một bài thơ - mẫu 5
Hồ Chí Minh sáng tác bài thơ “Mộ” năm 1942, trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt đó là khi nhà thơ bị giải từ nhà lao Tĩnh Tây đến Thiên Bảo. Trong suốt thời gian bị đày ải bởi chính quyền Tưởng Giới Thạch người lính khổ sai Nguyễn Tất Thành thường xuyên bị áp giải từ nhà lao này đến nhà lao khác. Trong hoàn cảnh đặc biệt đó người bình thường chắc chỉ thấy tiếng kêu rên ai oán số phận, còn với Bác người lính cách mạng có tinh thần thép thì đó chỉ là cái cớ để tâm hồn thi sĩ vút cao lên thành những áng văn thơ trữ tình dạt dào cảm xúc. Chẳng thế mà toàn bài thơ chúng ta không thấy bất kỳ hình ảnh đau khổ của người tù mà chỉ thấy khung cảnh thiên nhiên, con người nơi miền sơn cước vô cùng bình dị, quen thuộc với cuộc sống lao động thường nhật.
Mở đầu bài thơ miêu tả bức tranh thiên nhiên đặc trưng của buổi chiều tối
Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không
Ánh mặt trời dần tắt hẳn, màn đêm chuẩn bị bao trùm lấy cảnh vật, đây là thời khắc con người, vạn vật sinh linh trên trái đất đều mệt mỏi và muốn tìm về với chốn bình yên để nghỉ ngơi. Đầu tiên là hình ảnh của chú chim đang mỏi cánh trên bầu trời, cánh chim ấy đã vất vả sau một ngày dài kiếm ăn khắp chốn, giờ là lúc nó tìm về với bóng cây, chốn yên bình để ngủ. Câu thơ thứ hai vẫn là nét chấm phá cảnh vật của thiên nhiên với hình ảnh của “cô vân”. Cô vân là chòm mây cô đơn, kết hợp với từ láy “mạn mạn” tức là trôi nhẹ, lơ lửng, vô định trên bầu trời. Chòm mây cô đơn lạc trôi trên bầu trời khá tương đồng với hoàn cảnh của người tù khổ sai, cô đơn, lạc lõng nơi đất khách quê người. Trong lòng vẫn luôn đau đáu một ngày được trở về với đồng bào, quê hương.
Hai câu thơ sử dụng thủ pháp đối khá quen thuộc trong thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật, đối giữa “cô vân” và “quyện điểu” để tạo nên một bức tranh thiên nhiên cân xứng, hài hòa. Một vài nét chấm phá đơn giản nhưng đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên thật hữu tình, nên thơ.
Hai câu thơ sau là hình ảnh của con người, con người của cuộc sống lao động hiện ra thông qua những nét vẽ thật khỏe khoắn, rắn rỏi
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng
Hình ảnh cô gái xóm núi đang xay ngô chuẩn bị cho bữa cơm tối xuất hiện trong bài thơ là một nét vẽ bất ngờ nhưng rất hợp lý. Nó được cảm nhận thông qua cái nhìn của người tù khổ sai, nó mang một sức sống thật mạnh mẽ, tiềm tàng. Động tác xay ngô của cô gái nhịp nhàng, khỏe khoắn, từng vòng quay của chiếc cối đều, dứt khoát, “ma bao túc” rồi lại”bao túc ma hoàn”; phép lặp từ trong hai câu thơ nhấn mạnh sự cần mẫn, chăm chỉ của người lao động trong cuộc sống thường nhật, qua đó thể hiện cái nhìn trân trọng của thi sĩ dành cho con người nơi đây. Đặc biệt là hình ảnh “lô dĩ hồng” xuất hiện ở cuối bài thơ, đó là một nhãn tự có sức nặng cân cả bài thơ. Chữ hồng xuất hiện đã xua tan không khí lạnh giá nơi xóm núi hoang sơ, nó như tiếp thêm sức sống và sức mạnh cho người tù khổ sai trên con đường đi tìm lối thoát cho dân tộc. Chữ “hồng” cũng thể hiện chất thép vốn rất đặc trưng trong tập “Nhật ký trong tù”. Nó cũng khẳng định vẻ đẹp vừa cổ điển vừa hiện đại trong thơ của Hồ Chủ Tịch
Bài thơ khép lại một cách bất ngờ nhưng hết sức tự nhiên, trọn vẹn.Thông qua bài thơ “Mộ” chúng ta cảm nhận vẻ đẹp của nghị lực phi thường, tinh thần mạnh mẽ không lên gân, không khoa trương mà giản dị, khiêm nhường trong thơ của Hồ Chí Minh.
Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một bài thơ - mẫu 6
Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ tài ba vĩ đại của dân tộc Việt Nam, lại vừa là một nhà thơ xuất sắc với nhiều tác phẩm có giá trị để lại cho đời. Một trong những tác phẩm ấy phải kể đến bài thơ Rằm Tháng Giêng. Bài thơ miêu tả bức tranh thiên nhiên vào đêm trăng mùa xuân, bên cạnh đó là hình ảnh người chiến sĩ ung dung, rạng ngời, một chiến sĩ cộng sản luôn hết mình vì nhân dân, vì đất nước.
Mở đầu bài thơ tác giả miêu tả bức tranh thiên nhiên thật đẹp:
“Rằm xuân lồng lộng trăng soi,
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân”.
Bức tranh thiên nhiên với không gian và thời gian tràn ngập vẻ đẹp và sức xuân. "Rằm xuân" là lúc mặt trăng tròn đầy, ánh trăng bao trùm, soi chiếu tỏ vạn vật trong đêm Rằm. Góc nhìn của tác giả mở rộng ra từ mặt sông mở ra lên trời và ánh trăng. Chỉ một nét chấm phá mở ra không gian bao la vô tận vừa có chiều cao của ánh trăng vừa có chiều rộng của sông nước tiếp giáp với bầu trời.
Sau hai câu thơ tả cảnh, tiếp đến là hai câu thơ giàu sức gợi hình ảnh:
“Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”
Trong khung cảnh nên thơ ấy, bao la ấy, Người vẫn không quên nhiệm vụ cao cả, không quên được việc quân đang chờ. Khuya rồi mà trăng vẫn ngân nga đầy thuyền. Trăng tràn ngập khắp nơi, tràn cả không gian rộng lớn, vẫn chờ, vẫn đợi cho dù Bác có bận đến đâu. Thuyền lờ lững xuôi dòng trong đêm có trăng đồng hành như một người bạn chung thủy sâu sắc. Ở đây ta thấy được sự giao cảm giữa thiên nhiên với con người. Điều đó làm cho bức tranh thơ trở nên có hơi thở, có linh hồn. Đặt trong hoàn cảnh đất nước còn khó khăn gian khổ, ta vẫn thấy được phong thái ung dung, một tinh thần lạc quan của vị lãnh tụ vĩ đại.
Bằng thể thơ lục bát, hình ảnh thơ cổ điển (trăng) nhưng cũng hết sức gần gũi, bình dị cho người đọc thấy được bức tranh thiên nhiên Tây Bắc khoáng đạt, nên thơ và tình yêu thiên nhiên, lòng yêu nước cũng như phong thái ung dung, lạc quan của Bác. Qua đây chúng ta cũng hiểu thêm tấm lòng yêu dân, yêu nước, yêu thiên nhiên sâu sắc của vị lãnh tụ vĩ đại, vị cha già kính yêu của dân tộc.
Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một bài thơ - mẫu 7
Hồ Chí Minh- vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc dù đã ra đi nhưng những điều ý nghĩa, tuyệt vời nhất về hình ảnh của Người vẫn còn mãi với con dân đát nước Việt Nam. Trong đó chính là kho tàng thơ ca mà bác đã sáng tác trong suốt cuộc đời chiến đấu, hy sinh cho dân, cho nước. Bài thơ Cảnh Khuya được sáng tác vào năm 1974 là một tình yêu nước, lo lắng cho dân tộc hòa cùng tình yêu thiên nhiên của Người. Từ đó ta cũng cảm nhận được những đựac sắc nghệ thuật của thể thơ thất ngôn tứ tuyệt
Mở đầu chính là cảnh bức tranh thiên nhiên ở núi rừng Việt Bắc .Chiến khu Việt Bắc – đó là đầu não của cuộc kháng chiến chống xâm lược, là nơi chỉ đạo đấu tranh của Cách mạng. Nhưng không phải vì vậy mà Việt Bắc chỉ trang nghiêm và bận rộn . Bức tranh Việt Bắc vào khuya đã được miêu tả hết sức đặc sắc
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa’’
Ở đây, Bác đã so sánh tiếng suối ‘’trong như’’ tiếng hát của người con gái. Cảnh khuya thanh vắng vang lên tiếng suối chảy như làm cảnh vật có thêm sức sống. Nghệ thuật lấy động tả tĩnh như phá vỡ sự im lặng, làm nổi bật cảnh rừng khuya. Trong khung cảnh đó, ánh trăng trên cao chiếu xuống tạo nên những điểm nhấn chi mặt đất nơi núi rừng. Điệp từ “lồng” như nhấn mạnh sự xuyên tỏa của ánh sáng trăng khuya, sự giao hòa, quấn quýt giữa cảnh vật. Ánh trăng chiếu xuống vạn vật như những bông hoa điểm xuyết, tạo nên sự hòa quyện của thiên nhiên Việt Bắc với mặt trăng đêm nay. Cảnh khuya Việt Bắc hiện lên với vẻ đẹp cổ điển, mộc mạc nhưng đầy sức sống qua tình yêu thiên nhiên, tân hồn hòa mình nơi núi rừng của Hồ Chí Minh
‘’Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà’’
Câu thơ thứ ba như một câu chuyển với dấu phẩy ngắt giữa câu ba và câu bốn. Điều này như làm rõ tâm trạng lúc này của Bác lúc này ‘’chưa ngủ’’. Cụm từ ‘’ chưa ngủ’’ ở đây chính là nỗi thao thức, tâm trang đầy sự lo âu. Trái ngược với cảnh khuya êm ả, dịu nhẹ, Hồ Chí Minh lúc này trong lòng tràn đầy nỗi băn khoăn, lo âu về nhân dân, đất nước và độc lập của dân tộc. Qua đây, ta cũng thấy rõ được tấm lòng yêu nước, luôn lo nghĩ cho dân, cho nước của vị cha kính yêu của đất nước Việt Nam
Bài thơ có sự kết hợp linh hoạt các biện pháp nghệ thuật: so sánh, điệp từ (lồng, chưa ngủ) nối kết hai tâm trạng, bộc lộ chiều sâu tâm hồn cao đẹp của Bác. Ngôn ngữ thơ hiện đại, giản dị mà cũng hết sức tinh tế, hàm súc.
“Cảnh khuya” đã cho ta thấy một tâm hồn yêu thiên nhiên tha thiết, sâu nặng. Cùng với đó là tấm lòng luôn lo nghĩ cho vận mệnh đất nước, dân tộc. Bài thơ là sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố cổ điển và yếu tố hiện đại, tạo nên nét đặc sắc cho tác phẩm. Ở tác phẩm còn có sự kết hợp linh hoạt các biện pháp nghệ thuật: so sánh, điệp từ nối kết hai tâm trạng, bộc lộ chiều sâu tâm hồn cao đẹp của Bác. Ngôn ngữ thơ hiện đại, giản dị mà cũng hết sức tinh tế, hàm súc.
Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một bài thơ - mẫu 8
Chu Mạnh Trinh (1862-1905) là một viên quan dưới triều Nguyễn, là người tài hoa, lại giỏi làm thơ Nôm, hơn thế nữa còn rất am hiểu kiến trúc. Hương Sơn là một là một quần thể kiến trúc và thắng cảnh nổi tiếng ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội, hằng năm thu hút biết bao nhiêu du khách ghé lại tham quan vãn cảnh.
Chính vì phong cảnh duy mỹ của Hương Sơn, mà trong lần tham gia trùng tu chùa Thiên Trù thuộc quần thể này, Chu Mạnh Trinh đã hết lời khen ngợi, thưởng thức mà viết nên bài thơ Hương Sơn phong cảnh ca hay còn gọi là bài ca phong cảnh Hương Sơn. Mở đầu bài thơ là một câu thơ bao quát khung cảnh Hương Sơn nghe có vẻ lạ: “Bầu trời cảnh Bụt”.
Sao lại là “cảnh Bụt” mà chẳng phải một thứ cảnh núi non, nước biếc nào khác, ấy là vì tác giả đang đứng trước một phong cảnh mà nơi ấy là chốn tâm linh Phật giáo thật linh thiêng, tác giả đứng giữa đất Hương Sơn mà tưởng như phía trên có thần phật đang chiếu xuống khắp núi rừng quang cảnh.
Câu “Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay” là niềm hạnh phúc vui sướng của nhà thơ khi cuối cùng cũng được một lần chiêm ngưỡng vẻ đẹp chốn Hương Sơn, để thỏa cái chí chu du, mãn nguyện cái tấm lòng đam mê kiến trúc và cảnh đẹp ở nơi tràn đầy màu sắc Phật giáo này.
Như nhiều phong cảnh khác nơi đây cũng “non non, nước nước, mây mây” vốn là những cảnh căn bản và hầu như dễ tìm gặp, thế nhưng ở Hương Sơn, những cảnh mây, cảnh núi ấy lại mang một phong thái khác hẳn, không những đẹp và còn nhuốm đầy phong vị phật pháp, đem lại cho người ngắm cảnh một cảm giác khác hẳn, ấy là cảm giác tĩnh tại, an yên từ tâm hồn. Quả đúng như lời chúa Trịnh Sâm một lần ghé thăm đã ban cho cái tên trứ danh “Nam thiên đệ nhất động”, âu cũng vì lẽ huyền diệu kể trên. Bốn câu thơ:
“Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái
Lững lờ khe Yến cá nghe kinh
Vẳng bên tai một tiếng chày kình
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng”
Gợi cho chúng ta liên tưởng đến sự tĩnh lặng và khoan thai của cảnh vật nơi đây, chim thì “thỏ thẻ” nhẹ nhàng vờn hoa trái, chay tịnh, dòng nước “lững lờ” trôi bình lặng, cá cũng chẳng tung tẩy trong dòng nước mà lại lặng lẽ “nghe kinh”. Khách đến viếng thăm như lạc vào nơi chốn Bồng lai tiên cảnh, lòng ngẫm nghĩ về thế sự đổi thay, rồi chỉ một “tiếng chày kình” văng vẳng đâu đây cũng làm bừng tỉnh đại mộng, khách vãng lai bỗng như được giác ngộ.
Trải qua bao trầm luân thế sự, nhưng chỉ một tiếng chuông nơi cửa phật cũng đủ để “Thương hải biến vi tang điền” – Biển xanh cuối cùng cũng nương dâu, những gì là chấp niệm cuối cùng cũng được rũ bỏ nhờ chốn linh thiêng đầy sinh khí tươi đẹp này. Trong những câu thơ tiếp bức tranh phong cảnh Hương Sơn được tác giả vẽ nên một cách thật tinh tế, vừa mang cái tình cái hồn thổi vào cảnh vật, khiến cho mọi thứ trở nên sinh động, trong trẻo đến lạ thường.
Tưởng như nơi đây là chốn ở của thần tiên thoát tục, rời xa khỏi chốn hồng trần hỗn tạp, để tìm kiếm sự thanh tịnh, khoáng đạt, yên ổn nơi tâm hồn. Và những vị khách du ngoạn đến đây hành hương, thưởng ngoạn cảnh đẹp cốt là để lấy cái thanh tịnh từ sâu trong tâm hồn, để được thư giãn thoải mái với một tấm lòng đầy thành kính dưới chân Phật, dưới cảnh Bụt.
“Này suối Giải Oan, này chùa Cửa Võng
Này hang Phật Tích, này động Tuyết Quỳnh
Nhác trông lên ai khéo họa hình
Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt
Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt
Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây”
Những câu thơ chỉ đơn giản là liệt kê những địa điểm nổi tiếng nằm trong quần thể Hương Sơn, nhưng lại nhấn một chút ở vài chữ “ai khéo họa hình”, chính tỏ phong cảnh Hương Sơn phải tuyệt mỹ lắm, tựa như được người họa sĩ khéo léo vẽ lên. Và đỉnh cao sự khen ngợi đó là câu “Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt”, đá mà lại có thể mịn màng xinh đẹp như gấm dệt long lanh.
Hai câu “Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt/Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây”, thể hiện một vẻ đẹp mơ màng, trữ tình nơi chốn thanh tịnh, vừa có trăng lại có mây, khung cảnh hang động trở nên hấp dẫn và huyền bí, càng làm tăng tính vị thiền vảng vất nhưng không kém phần quyến rũ mê say, cho cảnh vật.
“Chừng giang sơn còn đợi ai đây
Hay tạo hóa khéo ra tay sắp đặt
Lần tràng hạt niệm Nam mô Phật
Cửa từ bi công đức biết là bao
Càng trông phong cảnh càng yêu”
Có thể thấy, đứng giữa khung cảnh chốn linh thiêng, non nước hữu tình, trong tâm hồn của tác giả đã có những nỗi niềm mới bén rễ trong lòng.Tiếng chuông chùa văng vẳng từ xa, bỗng đánh thức người thi nhân từ trong mộng mị và thi nhân muốn một phút quên đi tạp niệm hồng trần mà bước vào cửa từ bi ăn chay niệm phật, tích chút công đức cho đời. Hương Sơn quả thực có sức hấp dẫn không thể chối từ, đi từ cái không khí thanh tịnh, chan hòa giữa thiên nhiên và Phật giáo, giữa hương khói và tâm hồn người khách vãng du.
Thi nhân hoàn toàn cảm nhận được vẻ đẹp của chốn Hương Sơn xinh đẹp bằng một tâm hồn thanh tịnh, rũ bỏ sạch bụi trần, để bản thân hoàn toàn chìm đắm vào cảnh sắc mà cảm nhận linh khí nơi thiền tu trầm tĩnh. Như vậy, những câu thơ với từ ngữ trong sáng vừa khẳng định vẻ đẹp của Hương Sơn vừa thể hiện lòng ngưỡng mộ của tác giả trước phong cảnh duy mỹ, đồng thời cũng thể hiện lòng yêu quê hương đất nước đầy sâu kín trong tâm hồn tác giả.
Xem thêm các bài viết Tập làm văn lớp 10 hay khác:
- Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một bài thơ
- Viết báo cáo kết quả nghiên cứu có sử dụng trích dẫn, cước chú và phương tiện hỗ trợ
- Trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu
- Viết một bản nội quy ở nơi công cộng
- Viết một bản hướng dẫn ở nơi công cộng
Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 10 hay khác:
- Soạn văn 10 Chân trời sáng tạo (hay nhất)
- Soạn văn 10 Chân trời sáng tạo (ngắn nhất)
- Soạn văn 10 Chân trời sáng tạo (siêu ngắn)
- Giải Chuyên đề học tập Văn 10 Chân trời sáng tạo
- Giải lớp 10 Chân trời sáng tạo (các môn học)
- Giải lớp 10 Kết nối tri thức (các môn học)
- Giải lớp 10 Cánh diều (các môn học)
Tủ sách VIETJACK shopee lớp 10-11 cho học sinh và giáo viên (cả 3 bộ sách):
Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.
Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.
- Soạn văn 10 (hay nhất) - CTST
- Soạn văn 10 (ngắn nhất) - CTST
- Soạn văn 10 (siêu ngắn) - CTST
- Giải Toán 10 - CTST
- Giải Tiếng Anh 10 Global Success
- Giải Tiếng Anh 10 Friends Global
- Giải sgk Tiếng Anh 10 iLearn Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 10 Explore New Worlds
- Giải sgk Vật lí 10 - CTST
- Giải sgk Hóa học 10 - CTST
- Giải sgk Sinh học 10 - CTST
- Giải sgk Địa lí 10 - CTST
- Giải sgk Lịch sử 10 - CTST
- Giải sgk Kinh tế và Pháp luật 10 - CTST
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 10 - CTST