Top 20 Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim, vở kịch hoặc một bài hát mà em yêu thích

Tổng hợp trên 20 bài Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim, vở kịch hoặc một bài hát mà em yêu thích hay nhất giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Top 20 Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim, vở kịch hoặc một bài hát mà em yêu thích

Quảng cáo

Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim, vở kịch hoặc một bài hát mà em yêu thích - mẫu 1

“Nhà bà Nữ” là một trong những bộ phim chiếu rạp đem lại doanh thu lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại. Phim xoay quanh những vấn đề đều đến từ sự ích kỉ, việc không ai chịu thấu hiểu cho ai, cho đến khi dẫn đến cao trào của sự bùng nổ của việc nhẫn nhịn, bởi vậy phim đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều về nội dung và cách dàn dựng phim.

Khác xu hướng làm phim Tết với chủ đề nhẹ nhàng, nhiều tiếng cười, đạo diễn đi vào nội tâm nhân vật. Phim chọn góc nhìn chính từ Ngọc Nhi - một người con vốn phải sống theo định hướng của mẹ từ nhỏ. Mê làm gốm, cô vẫn phải học ngân hàng, phụ mẹ buôn bán. Cô chưa bao giờ đi chơi quá 10 giờ đêm, không thể xếp đồ lót theo ý mình. Từ các cãi vã nhỏ nhặt, mẹ con bà Nữ dần nảy sinh nhiều rạn nứt khó cứu vãn. Mâu thuẫn được đẩy lên là khi cô cãi lời mẹ khi lén lút quen John - Việt kiều mới về nước. Cao trào xảy ra khi Nhi có bầu, bỏ nhà ra đi, sống cùng John song nhanh chóng nhận trái đắng”.

Quảng cáo

Ngoài chuyện mẹ con bà Nữ, chuyện tình Nhi và John đại diện cho những đôi nhiều hoài bão nhưng thiếu thực tế. Họ mơ mộng với cuộc sống lứa đôi và sớm bị ghì chặt bởi cơm áo gạo tiền. Chuyện vợ chồng Phú Nhuận và Ngọc Như - con gái bà Nữ - là nỗi buồn của người đàn ông ở rể, bị nhà vợ lấn lướt. Yêu chồng nhưng thích kiểm soát, Ngọc Như để tuột mất hạnh phúc theo cách cô khó ngờ nhất.

Ở một phần ba thời lượng đầu, phim gây cười theo lối hài sân khấu. Về sau, phim dồn dập tình tiết, đẩy cao mâu thuẫn nhân vật. Những cảnh tranh cãi giữa mẹ con Nhi được lồng ghép tự nhiên, lời thoại dễ khơi gợi đồng cảm từ người xem. Những đoạn nhân vật Nhi bộc bạch, thoại phim đơn giản nhưng vẫn mang sức nặng về thông điệp: "Trong một mối quan hệ, sợ nhất là không ai đúng cũng không ai sai, vấn đề chỉ khác nhau ở góc nhìn, rồi họ lặng lẽ tổn thương, rời xa nhau".

Tuy nhiên, bộ phim vẫn còn nhiều điểm chưa “đã” khiến em cảm giác không được như mong đợi. Phim có nhiều góc máy về ẩm thực theo lối duy mỹ nhưng về sau, phim mang dáng dấp của một tác phẩm truyền hình, thiếu lối đặc tả, ghi dấu cá tính của đạo diễn và đặc biệt phim lồng lời thoại “chửi thề” vào quá nhiều. Bởi vậy, khi xem, không có những phân đoạn không để lại nhiều ấn tượng trong em.

Quảng cáo

Mặc dù có những điểm hạn chế nhưng em không thể phủ nhận rằng nội dung rất “đời”, kết cấu chặt chẽ, diễn xuất tự nhiên phần nào cũng đã tạo nên góc nhìn về cuộc sống đời thường. Qua đó, cũng gửi gắm được những bài học về cuộc sống để giúp chúng ta trưởng thành hơn trong suy nghĩ, để khi nhìn về sẽ không còn đọng lại những “tiếc nuối” như những nhân vật trong phim.

Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim, vở kịch hoặc một bài hát mà em yêu thích - mẫu 2

Forrest Gump là một nhân vật hiếm gặp trong điện ảnh, cũng hiếm bộ phim nào như "Forrest Gump" (1994). Phim ra mắt đã gần 3 thập kỷ, nhưng cho tới giờ vẫn là một tượng đài trong điện ảnh, là một phim truyền cảm hứng đáng xem trong đời, và là tác phẩm truyền nghị lực sống nhân hậu, sống mạnh mẽ cho nhiều thế hệ người xem.

Quảng cáo

Để gọi ra chất của bộ phim cũng khó. Phim vừa hài, vừa bi, giàu xúc cảm, nhiều thông điệp ý nghĩa. Đó là lý do tại sao bao nhiêu năm trôi qua, "Forrest Gump" vẫn là một đỉnh cao trong sự nghiệp diễn xuất của tài tử Tom Hanks.

Nhân vật chính trong phim - người hùng Forrest Gump được đảm nhận bởi tài tử Tom Hanks. Forrest Gump là một người đàn ông luôn gọn gàng, tươm tất, có chỉ số IQ ở mức 75. Cuộc đời nhân vật Forrest Gump được khắc họa trong phim từ thập niên 1950 - 1980, với biết bao biến động thời cuộc xảy ra với nước Mỹ.

Forrest Gump đã chứng kiến và trải nghiệm những biến động, đã sống sót vượt qua tất cả chỉ với... lòng trung thực và sự tử tế.

Nếu nói "Forrest Gump" là một câu chuyện ấm áp kể về một người đàn ông có những hạn chế về trí tuệ, sẽ khiến bộ phim và nhân vật trở nên nhỏ bé và giới hạn. Bộ phim quả thực nói về một anh chàng "khờ khạo", nhưng cũng chính là nói về mỗi chúng ta - những con người nhỏ bé và nhiều khi tưởng như bất lực trước cuộc đời, trước những xoay vần, biến động.

Trước muôn vàn đổi thay, trước những khó khăn, khắc nghiệt, nếu chúng ta không phải những cá nhân rất xuất sắc, liệu có thể chống đỡ và trụ vững được không? "Forrest Gump" là một câu trả lời đầy ý nghĩa, là một bài thiền dành cho những ai đang cảm thấy mình quay cuồng giữa biến thiên cuộc đời.

Có thể nói, Forrest Gump là bộ phim thể hiện thành công những tình cảm đẹp đẽ, tình gia đình, tình yêu,tình bạn, tình đồng chí và cả tình cảm giữa những con người xa lạ. Điều này đã giúp bộ phim mang ý nghĩa vô cùng nhân văn và cao cả.

Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim, vở kịch hoặc một bài hát mà em yêu thích - mẫu 3

So sánh về tuổi đời, điện ảnh thuộc lớp những ngành nghệ thuật còn non trẻ ở Việt Nam. Thế nhưng, không vì thế mà điện ảnh ít được đón nhận. Bộ phim “Mùi cỏ cháy” chính là một minh chứng cho sức hấp dẫn của phim điện ảnh chất lượng tại Việt Nam.

“Mùi cỏ cháy” được công chiếu vào năm 2012. Sức hấp dẫn của bộ phim được thể hiện trên nhiều khía cạnh, đầu tiên là về mặt đề tài. Đề tài chiến tranh không phải là đề tài mới mẻ, xa lạ với các sáng tạo nghệ thuật. Có biết bao những tác phẩm văn chương, âm nhạc, nhiếp ảnh về đề tài này đã trở nên nổi tiếng và đi vào đời sống tinh thần của con người Việt Nam. Thế nhưng, người dân nước ta khi ấy vẫn còn ít tiếp xúc với điện ảnh. Việc khai thác một đề tài kinh điển bằng chất liệu mới đã thu hút được sự chú ý và khơi gợi sự trân trọng ở công chúng. Không chỉ vậy, chính tên tuổi biên kịch cùng nguyên tác, đơn vị sản xuất cũng là yếu tố góp phần gây tiếng vang cho tác phẩm. Kịch bản của bộ phim được viết bởi nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm – một nhà thơ và cũng là một người chiến sĩ từng từ giã mái trường để lên đường chống Mỹ. Xúc động hơn, tác phẩm được dựa trên cuốn nhật kí bất hủ “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Đơn vị sản xuất là Hãng phim truyện Việt Nam. Chỉ từng ấy yếu tố thôi, “Mùi cỏ cháy” đã hứa hẹn là tác phẩm lấy đi nhiều nước mắt của khán giả khi tái hiện những năm kháng chiến hào hùng của đất nước cùng vẻ đẹp con người Việt Nam giữa lửa đạn chiến tranh.

Nếu những yếu tố trên thu hút công chúng đến với phòng vé thì chính nội dung hấp dẫn, chân thực và cảm động đã khiến “Mùi cỏ cháy” có sức sống lâu bền. Từ Hà Nội cổ kính rêu phong đến Quảng Trị kiên cường máu lửa, tất cả đều hiện lên vô cùng sống động. Nhân vật chính của tác phẩm là những chàng sinh viên đang độ tuổi đôi mươi, quyết tâm gác lại việc học để lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Bốn chàng trai Hoàng, Thành, Thăng, Long mang trong mình bầu nhiệt huyết tuổi trẻ, tâm hồn ngây thơ trong sáng, sự tinh nghịch lạc quan, khát khao hạnh phúc và trên hết và tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm, tinh thần quyết tâm xả thân vì độc lập tự do của dân tộc. Những sự kiện, địa danh trong phim như 81 ngày đêm khốc liệt tại Thành cổ, dòng sông Thạch Hãn, những đợt ném bom của Mĩ,… đều là những điều có thật. Hơn hết, “Mùi cỏ cháy” không dừng lại ở mức tái hiện khô cứng hiện thực lịch sử. Tác phẩm không khoác lên chiến tranh bộ chiến bào lấp lánh, oai hùng mà khắc họa tận cùng những mất mát, đau thương của con người. Ta tìm thấy trong tác phẩm nỗi buồn khi rời xa gia đình, sự đau xót khi chứng kiến đồng đội lần lượt hi sinh của những người lính kiên cường hơn sắt thép. Ngày ra đi, bốn chàng trai cùng nhau chụp một tấm ảnh hẹn ngày chiến thắng trở về. Đến khi đất nước đã không còn bóng giặc thì Thành, Thăng, Long cũng đã nằm lại nơi chiến trường, chỉ còn lại mình Hoàng. Mỗi nụ cười, mỗi ánh mắt của các nhân vật trong bộ phim đều để lại trong tâm hồn người xem biết bao day dứt, khắc khoải. Tác phẩm thực sự là khúc bi hùng ca về con người và đất nước Việt Nam.

Không chỉ thành công về mặt nội dung ý nghĩa truyền tải đến người xem, “Mùi cỏ cháy” còn là tác phẩm thành công về nghệ thuật làm phim. Tiến trình của phim đi theo mạch hồi tưởng của nhân vật Hoàng – khi ấy đã là một cựu chiến binh già tạo nên sự chân thực và gây xúc động mạnh cho người xem. Bên cạnh đó, đây còn là tác phẩm kết hợp hài hòa giữa chất thơ và chất hiện thực. Trong phim xuất hiện nhiều hình ảnh ẩn dụ như dòng máu chảy trên tượng cô gái khi Thành, Thăng, Long hy sinh hay tấm ruy đô Long mang từ nhà,...Bối cảnh của phim cũng được chau chuốt kĩ lưỡng để tái hiện đầy đủ vẻ đẹp làng quê Việt Nam với giếng nước, đốc ga. Các cảnh chiến trận được đoàn làm phim chuẩn bị vô cùng kì công với khoảng thời gian lên tới bốn tháng.

Với những nét hấp dẫn trên, “Mùi cỏ cháy” đã xứng đáng “Bông sen Bạc” tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 cùng 4 giải “Cánh diều vàng” tại Lễ trao giải Cánh Diều Vàng 2011. Đến nay, câu chuyện về bốn chàng thanh niên Hoàng, Thành, Thăng, Long vẫn được yêu mến và lấy đi nước mắt của khán giả. Lời nhận xét của đạo diễn Hữu Mười có lẽ đã đủ tổng kết giá trị của bộ phim: “"Vinh danh Mùi cỏ cháy, là vinh danh quá khứ (…) Chúng ta không bao giờ được phép quên quá khứ, nếu quên quá khứ sẽ không có tương lai".

Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim, vở kịch hoặc một bài hát mà em yêu thích - mẫu 4

Nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ tuy đã ra đi nhưng những "gia tài" ông để lại cho nền văn học nước nhà vẫn còn nguyên giá trị cho đến tận ngày hôm nay. Những tác phẩm kịch ông viết mang ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc. "Lời thề thứ 9" là một trong những tác phẩm hay và nổi bật nhất của tác giả, đã được dựng lại nhiều lần trong những năm qua.

Trong 10 lời thề của Quân đội nhân dân Việt Nam, lời thề thứ 9 chính là: "Kính trọng dân, giúp đỡ dân, bảo vệ dân", "Không lấy của dân, không quấy nhiễu dân, không dọa nạt dân". Dựa trên lời thề này, Lưu Quang Vũ đã sáng tác ra vở kịch "Lời thề thứ 9". Tác phẩm kể về Đôn và Xuyên - hai anh bộ đội trong một lần làm nhiệm vụ đã gặp một ông chú, nghi là buôn lậu nên tịch thu túi xách của ông chú này. Sau đó, khi trở về, hai người mới biết đó là bố của Hiến - bạn thân hai người. Bố Hiến chính là Chủ tịch Tỉnh đương nhiệm, Cựu chỉ huy trưởng của Trung đoàn. Trong lúc này, ở quê nhà, bố Xuyên bị Chủ tịch Xã ức hiếp, bắt giam trong hầm tối. Mẹ Xuyên đi kêu oan khắp nơi không được. Ba người Đôn, Xuyên, Hiến quyết định dùng số tiền tịch thu được từ bố Hiến để về quê giúp đỡ gia đình Xuyên. Mọi chuyện vỡ lở, trung đoàn quyết định truy nã ba anh lính về chịu kỉ luật. Vở kịch kết thúc khi Trung đoàn trưởng, bố Hiến, mẹ Xuyên và mọi người gọi họ trở về, tất cả mọi người nhận ra lỗi lầm của mình.

Các diễn viên trong đoàn kịch đã thể hiện cực kì tròn vai. Đôn có tính cách tếu táo, hay ca cải lương nhưng trong chiến đấu cực kì anh dũng, dám đánh giáp la cà với địch và lưu lại vết sẹo trên mặt. Xuyên hiền lành, yêu thương gia đình nhưng cũng rất dũng cảm, đã lấy thân mình che chắn để cứu Hiến trong một trận đánh. Hiến là cậu con trai của Chủ tịch Tỉnh, Cựu chỉ huy trưởng của Trung đoàn với tính cách cương trực, thẳng thắn, luôn chiến đấu hết mình. Điểm sáng của vở kịch nằm ở diễn xuất của hai diễn viên NSƯT Đức Khuê trong vai bố Hiến - Chủ tịch Tỉnh và NSƯT Lê Khanh trong vai mẹ Xuyên. NSƯT Đức Khuê rất ra dáng một vị thủ trưởng cũ, hơi cứng nhắc, bảo thủ, hay phê bình mọi người và không nhận ra lỗi sai của mình. Cô Lê Khanh cũng toát lên mình dáng vẻ của một bà mẹ bộ đội lam lũ, kiên cường, giàu lòng yêu thương và nhân hậu. Từ cách hóa trang, dáng đi, điệu bộ cử chỉ, nhất là trong những lời thoại đầy triết lí đều cho người xem thấy rõ điều đó.

Xung đột kịch là sự xung đột giữa bộ đội và người dân, giữa nhân dân và chính quyền. Khi những người lính đang chiến đấu bảo vệ đất nước thì chính gia đình họ lại bị ức hiếp. Đau đớn, mất niềm tin, họ phải thốt lên rằng: "Thế mà bảo nhân dân ta anh hùng, đất nước ta tươi đẹp", "Không, đất nước không đẹp, nhân dân cũng không anh hùng. Nhân dân nhát... Nhân dân thế này, quê hương đất nước thế này, chúng con không tha thiết giữ đâu. Đấy, ai có giỏi thì lên biên giới mà đánh giặc.". Những suy nghĩ đó đã được mẹ Xuyên gỡ rối trong phân cảnh cuối: "Khó mấy rồi cũng xong, rối mấy rồi cũng sẽ gỡ ra, nhưng hễ động một tí chúng mày về thì bỏ nước cho ai?". Ngoài ra, nhân vật này cũng có những câu nói giàu tính hiện thực. Khi bị Chánh văn phòng Tỉnh hỏi "Nếu lên Trung ương không kiện được, bà định lên giời à", người mẹ này đã trả lời "Vâng, nếu như lên được. Nhưng khốn nỗi, không có giời. Xưa thì còn đổ lỗi cho giời được, nhưng nay biết rằng chỉ toàn con người thôi.". Câu nói vang lên vừa đanh thép, vừa thể hiện sự chua chát, đắng cay về hiện thực đáng buồn của xã hội. Từ xung đột ấy, tác giả muốn đặt ra câu hỏi cho mọi người, nhất là cho những người nắm quyền: Vậy ai phải là người chịu trách nhiệm cho câu chuyện này, khi mà quân và dân không còn chung một lòng, chính quyền thờ ơ, vô cảm với nỗi oan của nhân dân?

Rất nhiều vấn đề đã được đặt ra trong "Lời thề thứ 9". Những điều đó đều mang tính thời đại mà đến ngày nay, chúng ta vẫn còn phải suy ngẫm rất nhiều. Chính bởi vì nội dung của vở kịch đã quá đặc sắc nên phần âm nhạc, phối cảnh sân khấu cũng không cần cầu kì. Những chiếc thùng gỗ được phủ vải xanh quân đội cùng hàng cây chằng chịt cho người đọc biết đấy là khung cảnh chiến trường. Hay bàn làm việc của ông Chủ tịch Xã có chiếc điện thoại mới, chiếc đồng hồ xịn to oành nhưng chẳng có mấy công văn giấy tờ đã cho ta biết đây là người như thế nào. Hay như khi mới gặp mẹ Xuyên, Chủ tịch Tỉnh vẫn ung dung ngồi trên ghế, chỉ đến khi nghe lời bà bộc bạch, ông mới đứng dậy, thể hiện thái độ tôn trọng.

Tuy đã có tuổi đời đến 35 năm nhưng những vấn đề mà vở kịch nói đến vẫn còn giữ nguyên giá trị. Tính thời đại tác phẩm mang lại cũng chính là minh chứng cho tài năng nghệ thuật độc đáo của Lưu Quang Vũ.

Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim, vở kịch hoặc một bài hát mà em yêu thích - mẫu 5

Cứ mỗi dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trên các phương tiện thông tin đại chúng lại vang lên những giai điệu trầm hùng của những bài ca bất hủ đã truyền lửa đến trái tim người nghe nhiều thế hệ. Mỗi khúc ca mang một câu chuyện gắn liền với lịch sử, để qua những giai điệu đó, thế hệ sau này hiểu rõ hơn giá trị của một chiến thắng đã làm nên một Việt Nam của thời đại mới. Trong đó, có “Đất nước trọn niềm vui” của nhạc sĩ Hoàng Hà.

Bài hát “Đất nước trọn niềm vui” được nhạc sĩ Hoàng Hà sáng tác vào đêm 26/4/1975 tại nhà riêng ở Hà Nội. Nhạc sĩ Hoàng Hà từng kể, từ giữa tháng 4/1975, không khí Hà Nội rất sôi động. Tình hình chiến sự được người dân theo dõi từng giờ, từng phút. Nhiều hôm, ông không về nhà mà ở lại cơ quan - Đài Tiếng nói Việt Nam để tiếp cận với tin tức nhanh hơn, đầy đủ hơn. Không khí Hà Nội trong thời điểm lịch sử vào những ngày đó hừng hực một quyết tâm, một niềm tin tất thắng.

Khi nghe tin quân ta đang thẳng tiến về Sài Gòn, nhạc sĩ đã dâng trào cảm xúc để viết nên những giai điệu đầy cảm xúc, thể hiện niềm hạnh phúc vô biên về một ngày vui của dân tộc đang đến rất gần: “Hội toàn thắng náo nức đất nước/ Ta muốn bay lên say ngắm sông núi hiên ngang/ Ta muốn reo vang hát ca muôn đời Việt Nam/ Tổ quốc anh hùng”.

Ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” được Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên thể hiện trên Đài Tiếng nói Việt Nam đúng sáng 30/4. Dù được sáng tác trong một thời gian ngắn, dù nhạc sĩ không có mặt ở Sài Gòn vào thời khắc lịch sử để chứng kiến cảnh: “Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay! Rộn ràng bao mê say những bước chân dồn về đây”, nhưng bằng sự trải nghiệm niềm hân hoan của một người nghệ sĩ mong ngóng ngày chiến thắng và hân hoan với ngày khải hoàn của dân tộc, lời ca, tiếng hát của ca khúc như là tiếng lòng của những người con nước Việt trong thời khắc quan trọng của lịch sử.

Sức sống mãnh liệt của ca khúc không phải dĩ nhiên mà có. Nó được đúc kết trong chính giá trị mà ca khúc tạo ra, xuyên qua năm tháng, vượt qua thời gian để chạm đến trái tim của bao thế hệ người nghe.

Về giá trị lịch sử, ca khúc đã khẳng định giá trị đích thực của nó trên nhiều khía cạnh, mà có thể nhìn nhận rõ nhất ở hai giá trị tiêu biểu là lịch sử - tư tưởng và nghệ thuật (nghệ thuật ngôn từ và nghệ thuật âm nhạc).

Dù đã trải qua bao nhiêu năm kể từ khi ca khúc ra đời, tác giả của bài hát đã trở thành người thiên cổ, nhưng âm hưởng của bài hát vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự và niềm hân hoan như thủa ban đầu của nó.

Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim, vở kịch hoặc một bài hát mà em yêu thích - mẫu 6

Trong bối cảnh tuổi đời còn trẻ trung của ngành điện ảnh tại Việt Nam, không dừng lại với sự trẻ trung đó, điện ảnh đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm và lòng yêu mến từ khán giả. Trong đám đông tác phẩm xuất sắc, bộ phim "Mùi cỏ cháy" nổi bật lên như một minh chứng rõ ràng cho sức hấp dẫn của điện ảnh chất lượng tại Việt Nam.

Bộ phim "Mùi cỏ cháy" đã ra mắt vào năm 2012 và đã chinh phục khán giả ở nhiều khía cạnh khác nhau. Điểm đầu tiên đáng chú ý là đề tài của phim. Mặc dù đề tài chiến tranh không phải là điều mới mẻ đối với nghệ thuật, nhưng với một nền điện ảnh đang bước chân vào giai đoạn phát triển, việc tạo ra một tác phẩm về đề tài này đã thu hút sự quan tâm và tạo nên sự trân trọng từ phía công chúng. Đặc biệt, tác phẩm đã tái hiện kháng chiến hào hùng của dân tộc Việt Nam và vẻ đẹp của con người Việt trong cuộc chiến tranh bằng một cách mới mẻ. Tác phẩm này đã chứng tỏ sự đặc biệt của điện ảnh Việt Nam.

Không chỉ có đề tài hấp dẫn, tác phẩm còn ghi điểm với tên tuổi của biên kịch và đơn vị sản xuất. Kịch bản của bộ phim được viết bởi nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, một người chiến sĩ từng tham gia vào kháng chiến chống Mỹ. Tác phẩm này còn được lấy cảm hứng từ cuốn nhật ký bất hủ "Mãi mãi tuổi hai mươi" của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Đơn vị sản xuất là Hãng phim truyện Việt Nam. Những tên tuổi này đã tạo ra một tác phẩm đầy ý nghĩa và gây ấn tượng mạnh mẽ cho khán giả. "Mùi cỏ cháy" không chỉ là một tác phẩm điện ảnh bình thường mà còn là một tác phẩm lịch sử về con người và đất nước Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh.

Bên cạnh đó, nội dung của bộ phim cũng ghi điểm với tính chân thực và sâu sắc. Từ Hà Nội cổ kính với những tấm rêu phong đến Quảng Trị kiên cường với máu lửa, mọi thứ đều được tái hiện một cách sống động. Nhân vật chính của bộ phim là những chàng sinh viên ở độ tuổi đôi mươi, họ mang trong mình nhiệt huyết trẻ thơ, tinh nghịch, khao khát hạnh phúc, và trên hết là tinh thần yêu nước và quyết tâm hy sinh cho độc lập và tự do của dân tộc. Tất cả những diễn biến và địa điểm trong phim như Thành cổ kính trong 81 ngày đêm, dòng sông Thạch Hãn, và các cuộc tấn công của Mỹ đều là sự thật lịch sử. Bên cạnh việc tái hiện sự kiện lịch sử, "Mùi cỏ cháy" còn không ngừng vươn xa để khám phá tận cùng những mất mát và nỗi đau của con người. Phim không chỉ là một bức tranh chiến tranh hùng cỡ lớn mà còn là một câu chuyện đau đáu về con người và đất nước Việt Nam.

Ngoài ra, "Mùi cỏ cháy" cũng là một thành công nghệ thuật. Cách diễn xướng theo mạch hồi ức của nhân vật Hoàng, một cựu chiến binh già, đã làm cho phim trở nên chân thực và gây xúc động mạnh mẽ đối với khán giả. Tác phẩm này kết hợp một cách tinh tế giữa chất thơ và hiện thực. Phim có nhiều hình ảnh ẩn dụ, như tượng cô gái bị nát đi khi Thành, Thăng, Long hy sinh, hay tấm ruy đô Long từ nhà, tạo thêm chiều sâu cho tác phẩm. Bối cảnh của phim được thiết kế tỉ mỉ để tái hiện đẹp đẽ làng quê Việt Nam với giếng nước, đốc ga. Cảnh quay chiến trận được chuẩn bị kỹ lưỡng trong suốt bốn tháng.

Với những yếu tố trên, "Mùi cỏ cháy" xứng đáng nhận "Bông sen Bạc" tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 và 4 giải thưởng "Cánh diều vàng" tại Lễ trao giải Cánh Diều Vàng 2011. Đến ngày nay, câu chuyện về bốn chàng thanh niên Hoàng, Thành, Thăng, Long vẫn được yêu mến và làm xúc động khán giả. Điều này đã được đạo diễn Hữu Mười tỏ ý khi ông nói: "Vinh danh Mùi cỏ cháy, là vinh danh quá khứ (…) Chúng ta không bao giờ được phép quên quá khứ, nếu quên quá khứ sẽ không có tương lai."

Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim, vở kịch hoặc một bài hát mà em yêu thích - mẫu 7

Dù nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ đã ra đi, nhưng những "gia tài" ông để lại cho văn học nước nhà vẫn giữ được giá trị đến ngày nay. Những tác phẩm kịch ông sáng tác chứa đựng tinh thần nhân văn sâu sắc. Trong đó, "Lời thề thứ 9" là một trong những tác phẩm nổi bật và đáng nhớ của ông, và đã được trình diễn nhiều lần trong nhiều năm qua.

Lời thề thứ 9 của Quân đội nhân dân Việt Nam, "Kính trọng dân, giúp đỡ dân, bảo vệ dân," và "Không lấy của dân, không quấy nhiễu dân, không dọa nạt dân," đã trở thành nguồn cảm hứng cho Lưu Quang Vũ khi ông sáng tác vở kịch "Lời thề thứ 9." Câu chuyện xoay quanh Đôn và Xuyên, hai lính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã xảy ra một tình huống không may, tịch thu túi xách của một người đàn ông, người sau này họ mới nhận ra là cha của Hiến - một người bạn thân. Hiến là con của Chủ tịch Tỉnh, Cựu chỉ huy trưởng của Trung đoàn. Trong quá trình này, bố Xuyên bị ức hiếp bởi Chủ tịch Xã, và mọi nỗ lực để tìm kiếm công lý cho bố Xuyên đã gây ra nhiều xung đột và bi kịch gia đình. Những sự kiện này cuối cùng kết thúc bằng việc tất cả mọi người nhận ra lỗi lầm của họ.

Diễn viên trong vở kịch đã thể hiện vai diễn một cách tròn trịa. Đôn với tính cách tươi tắn, sở thích ca cải lương, nhưng khi cần, anh lại dũng cảm đối diện với nguy hiểm và để lại vết sẹo trên mặt. Xuyên là một người hiền lành, yêu thương gia đình, nhưng cũng dũng cảm và hy sinh bản thân để bảo vệ Hiến trong một trận chiến. Hiến, con trai của Chủ tịch Tỉnh, thể hiện tính cách cương trực, thẳng thắn, và luôn sẵn sàng chiến đấu.

Tuy phần âm nhạc và phối cảnh của vở kịch không cần thiết phức tạp, nhưng nội dung sâu sắc của nó đã chứa đựng nhiều vấn đề xã hội mà chúng ta vẫn phải đối mặt và suy ngẫm. Câu chuyện thể hiện sự xung đột giữa quân đội và dân cư, cũng như giữa chính quyền và nhân dân. Nó đặt ra câu hỏi về trách nhiệm trong tình huống khi quân và dân không còn đồng lòng, và chính quyền thờ ơ đối với nỗi oan của nhân dân.

Vở kịch này đã mang lại nhiều tư duy và thách thức mà vẫn còn phù hợp với thời đại hiện tại. Điều này chứng tỏ tài năng nghệ thuật độc đáo của Lưu Quang Vũ đã để lại dấu ấn sâu sắc trong văn hóa và nghệ thuật của nước ta.

Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim, vở kịch hoặc một bài hát mà em yêu thích - mẫu 8

Bộ phim "Inception" không chỉ là một bộ phim, mà nó còn là một hành trình khám phá sâu vào tầm tưởng tượng của con người. Đó chính là lý do tại sao tôi yêu thích nó, và tại sao nó luôn giữ vị trí đặc biệt trong trái tim của tôi.

Điều đầu tiên khiến "Inception" trở nên hấp dẫn đó là kịch bản đầy phức tạp và sáng tạo. Phim xoay quanh việc đánh cắp thông tin từ trong tâm trí của người khác thông qua giấc mơ, và câu chuyện này được kể qua nhiều tầng lớp khác nhau, từ thế giới hiện thực đến thế giới của giấc mơ và thậm chí là giấc mơ trong giấc mơ. Điều này tạo nên một cấu trúc tình tiết đầy kỳ diệu và đòi hỏi sự tập trung của người xem. Mỗi lần xem, bạn luôn phát hiện ra điều mới mẻ và thú vị, và việc giải mã câu chuyện trở thành một thách thức đáng kể.

Bên cạnh đó, "Inception" cũng có sự tham gia của các diễn viên xuất sắc, trong đó Leonardo DiCaprio, Joseph Gordon-Levitt và Ellen Page thực sự tỏa sáng. Họ không chỉ đóng vai một cách xuất sắc mà còn mang đến sự chi phối tuyệt vời cho nhân vật của họ. Diễn xuất tự nhiên và đầy cảm xúc khiến người xem tin tưởng vào mọi tình huống mà các nhân vật phải đối mặt.

Tuy nhiên, điều thú vị nhất về "Inception" chính là cách đạo diễn Christopher Nolan đã xây dựng thế giới giấc mơ. Những cảnh quay trong giấc mơ là những tượng đài của sự sáng tạo điện ảnh. Từ việc thành phố cuốn trôi vào biển đầy ảo diệu cho đến những màn trốn chạy trong các tầng của giấc mơ, mọi thứ đều được thể hiện một cách rất sáng tạo và đầy sức mạnh. Bất kể bạn có thể đánh đồng với bất kỳ tình huống nào trong phim, bạn đều không thể phủ nhận sự hấp dẫn và tinh tế trong cách Nolan làm cho giấc mơ trở nên sống động và thách thức.

"Inception" cũng đặt ra nhiều câu hỏi thú vị về thực tế và ý thức. Liệu thế giới của chúng ta có phải là một giấc mơ, và chúng ta có kiểm soát được nó hay không? Câu hỏi này khiến người xem suy tư và đặt ra những câu chuyện tưởng tượng riêng của họ. Phim không chỉ đơn thuần là giải trí, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật sâu sắc và đầy ý nghĩa.

Tóm lại, bộ phim "Inception" có sức hấp dẫn không giới hạn từ kịch bản phức tạp đến diễn xuất xuất sắc và thế giới giấc mơ đầy ảo diệu. Nó không chỉ là một bộ phim mà là một trải nghiệm tưởng tượng đầy mê hoặc, mở ra nhiều cửa sổ vào tâm trí của con người. Đó là lý do tại sao nó luôn nằm trong danh sách các bộ phim yêu thích của tôi và tại sao tôi luôn sẵn sàng xem nó một lần nữa, để khám phá thêm những chi tiết và sự thú vị mà nó mang lại.

Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim, vở kịch hoặc một bài hát mà em yêu thích - mẫu 9

Biệt động Sài Gòn là một bộ phim tái hiện lịch sử những năm đấu tranh giải phóng miền Nam. Bộ phim với nhiều tập kịch tính, hấp dẫn, dàn diễn viên ấn tượng đã thực sự để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc. Dù thời gian kể từ ngày công chiếu đầu tiên của bộ phim đã lùi xa. Ngày nay cũng có rất nhiều những tác phẩm phim mì ăn liền nổi tiếng ra đời, song bộ phim này vẫn là một tác phẩm ấn tượng khiến tôi không thể nào quên.

Biệt động Sài Gòn gồm có 4 phần: Điểm hẹn, Tĩnh lặng, Cơn giông, Trả lại tên cho em, do Lê Phương và Nguyễn Thanh viết kịch bản, đạo diễn Long Vân. Bộ phim bắt đầu bấm máy từ năm 1982, không lâu sau ngày hoà bình độc lập. Thực hiện các cảnh quay cuối cùng vào năm 1986. Đây là một bộ phim màu và có nội dung duy nhất phản ánh về lực lượng biệt động Sài Gòn. Vượt trên tất cả những cái đầu tiên ấy bộ phim vẫn mang về doanh thu lớn cho phòng vé và trở thành một trong những bộ phim nổi tiếng nhất về đề tài biệt động lúc bấy giờ. Hơn 10 triệu lượt quan tâm đón xem của khán giả trên màn ảnh rộng, bộ phim này đã tạo nên một cú hích cho lịch sử của phim Việt Nam thời kỳ bấy giờ.

Phải nói đầu tiên của bộ phim này chính là một kịch bản chất lượng, kịch tính. Tiếp đến là tài năng đạo diễn của Long Vân. Bằng tài năng và tư duy nhạy bén Long Vân đã khai thác chân thực trên từng góc quay, với tư cách là người ở giữa hai chiến tuyến. Ông không đứng về bên nào mà chủ yếu chỉ muốn tái hiện lịch sử đấu tranh, hiện thực cuộc chiến để phơi bày cho người xem. Sau đó chính là tài năng diễn xuất xuất thần của dàn diễn viên thực lực như Thanh Loan, Thương Tín, Thuý An, Quang Thái… họ đều là những diễn viên trẻ đẹp, được tuyển chọn casting kỹ càng. Nhân vật mà họ được chọn mặt gửi vàng như được đo ni đóng giày cho họ. Họ đã lột tả được trọn vẹn cái thần thái, tư tưởng của nhân vật, tạo nên ấn tượng khó phai trong lòng độc giả.

Cho đến bây giờ tôi vẫn ấn tượng với phân cảnh diễn viên Ngọc Mai do Hà Xuyên đóng ngồi trước gương, dùng chai nước hoa đập vỡ gương trước mặt. Trên gương mặt của cô là hai hàng nước mắt rưng rưng rơi xuống và chỉ còn sót lại những mảnh gương vỡ. Nhưng cần đó đã đủ để lột tả gương mặt đau khổ của nhân vật khi tình cảm không được đáp lại. Có thể nói diễn viên Hà Phương đã lột tả ấn tượng sự đau khổ, dồn nén của nhân vật, gây ấn tượng đậm nét trong lòng độc giả.

Song ám ảnh hơn chính là phân đoạn Ni cô Huyền Trang bị bắt vào nhà tù và bị tra tấn dã man. Phân đoạn bọn giặc xung điện áp vào người cô, cô run lên từng tiếng bần bật, đau đớn da thịt, tiếng kêu rên thảm thiết, đau đớn vô cùng nhưng không hề khuất phục. Trước sự tra tấn dã man của kẻ thù trước sau cô chỉ hé một lời “Không biết”, “Tôi không biết” Bọn giặc hoàn toàn bất lực, không thể làm gì được cô gái bé nhỏ, mỏng manh nhưng trái tim kiên trung và bất khuất. Chúng trả cô ra ngoài với bộ dạng tàn tạ, trên người đầy những vết thương, thật xót xa vô cùng.

Biệt động Sài Gòn không giống như bộ đội hay đặc công được đào tạo chính quy, bài bản mà họ làm việc một cách tự nguyện, nương náu trong dân, nhận nhiệm vụ từ cấp trên. Dạng vai khó nhập vì đa phần diễn viên không được đào tạo bài bản về công việc này. Vì thế diễn viên phải có sự tìm tòi, nhập vai và hoá thân vào nhân vật để có thể lột ra được cái thần của các nhân vật trong tác phẩm. Tác phẩm ca ngợi chiến thắng nhưng không hề vụng về mà rất khách quan. Bộ phim như đứng giữa chiến tuyến, ghi lại sự thật một cách chân thành, xúc động

Có thể nói bộ phim kinh điển này đã lột tả chân thực về quá trình hoạt động quả cảm, quên mình của nhóm biệt động trong thành phố Sài Gòn. Đây là một trong những tác phẩm đáng đã làm nên tên tuổi của đạo diễn cùng dàn diễn viên.

Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim, vở kịch hoặc một bài hát mà em yêu thích - mẫu 10

Trung Quốc là một đất nước phát triển về mảng điện ảnh. Những bộ phim nổi tiếng của những đạo diễn lớn mang đậm chất thơ và phong vị Trung Quốc. "Chuyện tình cây táo gai" của Trương Nghệ Mưu là một tác phẩm như thế. Ông đã kể cho chúng ta một câu chuyện tình yêu trong sáng và hết sức sâu sắc.

Bộ phim lấy bối cảnh đất nước Trung Quốc những năm diễn ra Cách mạng văn hóa. Tịnh Thu là một cô bé 16 tuổi, có bố phải đi học tập cải tạo. Mẹ cô đang làm giáo viên cũng phải xuống làm một lao công. Cô theo mọi người về nông thôn sinh sống theo định hướng thời đó của Nhà nước. Kiến Tân là một chàng trai 24 tuổi, xuất thân từ một gia đình có địa vị, bố là cán bộ cấp cao, bản thân anh cũng là chàng trai kĩ sư địa chất có tương lai rộng mở. Hai nhân vật này đại diện cho hai giai cấp khác biệt lúc đó, thế nhưng giữa họ lại nảy nở tình yêu. Bằng tài kể chuyện của mình, đạo diễn Trương Nghệ Mưu đã kể lại chuyện tình trong sáng, sâu sắc, mãnh liệt bị gia đình, xã hội ngăn cấm.

Hai diễn viên chính trong tác phẩm này là Châu Đông Vũ trong vai Tịnh Thu và Đậu Kiêu trong vai Kiến Tân đã thể hiện hết sức tròn trịa. Nhất là Châu Đông Vũ, khuôn mặt nhỏ nhắn, hiền lành đã giúp cô dễ dàng hóa thân vào nhân vật. Lối diễn nhẹ nhàng đầy chất thơ đã dẫn dắt người xem đi qua từng cung bậc cảm xúc của Tịnh Thu. Từ một cô gái mới lớn với những rung động thầm kín đến những khi ghen tuông, trút giận lên chiếc chậu mới mua. Đặc sắc nhất là cảnh Tịnh Thu ngồi ngắm nhìn dòng sông, tuy nhân vật không có biểu hiện gì nhưng ánh nhìn của cô thể hiện rất rõ nội tâm giằng xé, băn khoăn. Những cảnh khóc của nhân vật cũng chạm tới trái tim của người xem, gây cho ta những cảm xúc bâng khuâng, khó nói thành lời.

Một điểm khá ấn tượng trong bộ phim đó là sự đối lập giữa khung cảnh. Hai nhân vật chính thường gặp gỡ nhau ở bờ sông hay cánh đồng hoa. Góc máy lúc này lấy trọn thiên nhiên rộng lớn và sáng trong, như tình yêu đơn thuần, đẹp đẽ của hai người. Thế nhưng, khi quay cảnh gia đình Tịnh Thu, không gian bỗng trở nên u tối, chật hẹp như đại diện cho số phận của đôi uyên ương không thể đến với nhau vì những rào cản xã hội. Sự đối lập này càng làm rõ được thông điệp và ý nghĩa của bộ phim.

Khi mới ra mắt, "Chuyện tình cây táo gai" đã trở thành hiện tượng bởi những thước phim rất thơ mộng và diễn xuất ăn ý của hai diễn viên chính. Tác phẩm này cũng đã xuất sắc giành được hai giải thưởng trong liên hoan phim Quốc tế là Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông cho phim Châu Á hay nhất và Giải thưởng Điện ảnh Châu Á cho Diễn viên mới xuất sắc nhất.

"Chuyện tình cây táo gai" là một tác phẩm nghệ thuật tái hiện hiện thực xã hội và cũng chứa đầy chất thơ. Nếu có thời gian, bạn hãy xem bộ phim này một lần để thấy được những giá trị mà nó mang lại.

Xem thêm các bài Soạn văn 11 Cánh diều hay nhất, ngắn gọn khác:

Tủ sách VIETJACK shopee lớp 10-11 cho học sinh và giáo viên (cả 3 bộ sách):

Săn shopee giá ưu đãi :

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH LUYỆN THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 11

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi, sách dành cho giáo viên và gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Giải bài tập lớp 11 Cánh diều khác
Tài liệu giáo viên