Top 30 Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm văn học (kịch bản văn học) hoặc tác phẩm nghệ thuật (bộ phim)

Tổng hợp trên 30 bài Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm văn học (kịch bản văn học) hoặc tác phẩm nghệ thuật (bộ phim) hay nhất giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Top 30 Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm văn học (kịch bản văn học) hoặc tác phẩm nghệ thuật (bộ phim)

Quảng cáo

Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm văn học (kịch bản văn học) hoặc tác phẩm nghệ thuật (bộ phim) - (mẫu 1)

Những vở kịch của Sếch-xpia luôn là nguồn tài nguyên giá trị để các thế hệ sau khai thác, khám phá. Không chỉ lột tả được bức tranh chân thực của thời đại, ông còn đem đến cho nhân loại vô vàn thông điệp, giá trị nhân sinh sâu sắc. Điều đó cũng được thể hiện rất rõ qua văn bản "Sống hay không sống - đó là vấn đề", trích trong vở bi - hài kịch "Bi kịch của Hăm-lét, hoàng tử Đan Mạch".

Quảng cáo

Về nội dung, tác phẩm mang đến rất nhiều thông điệp giá trị, ý nghĩa đối với nhân loại. Theo các nhà nghiên cứu nhận xét, "Sống hay không sống - đó là vấn đề" đã phản ánh được tinh thần của thời đại. Trong xã hội nơi sự mưu mô, xấu xa bao trùm, vẫn có những con người luôn hướng tới cái lương thiện, tốt đẹp. Ở đó, ta thấy cuộc đấu tranh không hồi kết giữa cái thiện và cái ác, giữa lí tưởng sống cao cả của con người với thực tại đổ vỡ, tối tăm. Qua đây, tác giả muốn hướng con người tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Đồng thời, đưa ra được câu hỏi mang bản chất triết học của loài người: "Sống hay không sống?". Đây là vấn đề đề cập đến mục đích sống của từng cá nhân. Để trả lời câu hỏi ấy, con người cần ý thức được thực tại vô định, bất công. Từ đó suy xét và hình thành suy nghĩ: "Hành động hay không hành động?". Tất cả đều nhằm hướng tới một cuộc sống tốt đẹp, công bằng và hạnh phúc cho nhân loại.

Về nghệ thuật, đầu tiên phải kể tới nghệ thuật xây dựng nhân vật vô cùng tài hoa của Sếch-xpia. Đó là Hăm-lét- người suy nghĩ bằng cả trái tim và trí óc, dám lên tiếng hoài nghi cả xã hội; là tên vua Clô-đi-út nham hiểm, được ngụy tạo bằng những lời nói đường mật; tên Pô-lô-ni-út giả dối, độc đoán hay nàng Ô-phê-li-a thủy chung nhưng sợ lễ giáo, cường quyền;... Tất cả đã tạo nên một hệ thống các nhân vật điển hình với những màu sắc rõ ràng, riêng biệt. Ngôn ngữ kịch cũng được Sếch-xpia sử dụng vô cùng điêu luyện. Nhìn vào những cuộc đối thoại trong văn bản, ta thấy rất rõ sự biến chuyển linh hoạt: từ đau đớn, tự vấn đến giễu cợt, gay gắt, mỉa mai. Bên cạnh đó, ngôn ngữ độc thoại đặc sắc đã góp phần quan trọng thể hiện tư tưởng, góc nhìn của nhân vật cũng như của tác giả. Không chỉ vậy, những xung đột trong kịch cũng được gắn liền với xung đột nội tâm nhân vật Hăm-lét. Từ niềm tin mãnh liệt vào con người, Hăm-lét dần chuyển sang hoang mang, lo sợ trước thực tại đổ vỡ. Từ đó, có thái độ hoài nghi, chán nản với nhân sinh. Sau cùng, trải qua bao sóng gió, chàng đã nhận thức lại thế giới và nảy sinh nghị lực phản kháng.

Quảng cáo

Như vậy, có thể nói tác phẩm "Sống hay không sống - đó là vấn đề" đã thể hiện vô cùng rõ nét tài năng cũng như tầm nhìn mang tính vĩ mô của đại văn hào Sếch-xpia. Qua đó, để lại cho nhân loại một kiệt tác mà đến tận bây giờ vẫn còn nguyên giá trị.

Dàn ý Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm văn học (kịch bản văn học) hoặc tác phẩm nghệ thuật (bộ phim)

- Mở bài:

+ Giới thiệu kịch bản văn học, tác giả.

+ Nêu luận đề của bài viết

- Thân bài:

Triển khai ít nhất hai luận điểm nhằm làm sáng tỏ luận đề của bài viết về kịch bản văn học.

Quảng cáo

Ví dụ:

1. Thành công/ hạn chế về xây dựng nhân vật, hành động, xung đột kịch…

2. Thành công/ hạn chế về ngôn ngữ kịch

- Kết bài:

+ Khẳng định lại luận đề.

+ Nêu kết luận bao quát về giá trị, đóng góp nổi bật của kịch bản văn học.

Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm văn học (kịch bản văn học) hoặc tác phẩm nghệ thuật (bộ phim) - (mẫu khác)

Tham khảo thêm các bài viết văn bản nghị luận về một tác phẩm văn học (kịch bản văn học) hoặc tác phẩm nghệ thuật (bộ phim) hay khác:

Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm văn học (kịch bản văn học) hoặc tác phẩm nghệ thuật (bộ phim) - (mẫu 2)

Để một tác phẩm văn học trở nên thành công thì cần có rất nhiều yếu tố tác động vào như nội dung, nghệ thuật, cùng các giá trị nhân văn mà nó mang lại. Một trong những yếu tố quan trọng đó chính là cách xây dựng tình huống truyện. Một truyện ngắn muốn hay, cuốn hút người đọc thì phải có được một cốt truyện hấp dẫn.

Một trong số ít nhà văn được mệnh danh là bậc thầy trong xây dựng cốt truyện đó chính là Kim Lân. Các tác phẩm của ông đều có những nét riêng biệt, đặc sắc, nội bật trong số đó chính là tác phẩm “Vợ nhặt”. Truyện ngắn phản ánh sự thật về nạn đói những năm 1945 và cuộc sống nghèo khổ của nhân dân thời bấy giờ.

Truyện ngắn nói về nhân vật Tràng, một người dân ngụ cư nghèo khổ sống cùng mẹ. Nhà văn Kim Lân đã miêu tả Tràng như một sản phẩm vội vàng của tạo hóa “hai con mắt nhỏ tí gà gà đắm vào bóng chiều, hai quai hàm bạnh ra, cái mặt bặm lại lúc nào cũng nhấp nhỉnh những ý nghĩ vừa lý thú vừa dữ tợn. Cái đầu trọc nhẵn chúi về đằng trước, cái lưng dài rộng như là lưng gấu lại thêm tật vừa đi vừa ngẩng mặt lên trời cười hềnh hệch". Quả thực Tràng là một thanh niên rất xấu xí, chả ai thèm ngó ngàng. Chẳng những vậy, cái nghèo, cái đói luôn đeo bám, quẩn quanh hai mẹ con Tràng. Kim Lân đã dùng những từ ngữ chân thật để miêu tả cuộc sống và ngôi nhà mà Tràng đang ở “những búi cỏ dại lổn nhổn”, “đống quần áo rách vắt khươm mươi niên trong một góc nhà”, “hai cái ang nước để khô cong trơ trọi dưới gốc cây ổi”…. Cuộc sống túng thiếu của hai mẹ con hiện lên thật giản dị, tội nghiệp, khiến người khác không khỏi cảm thấy xót thương cho hai số phận. Nhưng điều làm cho Tràng cảm thấy tủi nhục nhất đó chính là mang trong mình cái danh dân ngụ cư, bị dân làng khinh miệt, coi thường.

Tuy nghèo đói nhưng chàng vẫn có một công việc để làm, để trông mong, đó chính là phu xe, hàng ngày bốc vác, chở gạo ra các chợ. Công việc thì vất vả, đói khát nhưng quả thật anh ta lúc nào cũng có thể vui vẻ, lạc quan. Giữa trời trưa nắng gắt, phải kéo cả một xe gạo đầy nặng trĩu, nhưng chàng ta vẫn có sức cất lên những câu hò:

“Muốn ăn cơm trắng mấy giò này

Lại đây mà đẩy xe bò với anh nì”

Những câu hò này không hẳn là có ý trêu ghẹo những cô gái ngồi bên đường, mà chủ yếu để giúp chàng ta quên đi những mệt mỏi, đói khát mà mình đang phải chịu. Ấy vậy mà chỉ bằng vài ba lời hát vu vơ mà khiến Tràng được một người con gái để ý và đi theo đẩy giúp. Tràng là ngưởi hiểu rõ hơn ai hết những gì mà mình hát ở trên không phải là sự thật, làm gì mà có gạo trắng mà ăn chứ nói gì đến giò chả. Để rồi đến khi gặp người con gái ấy lần thứ hai, Tràng đã rất đỗi ngạc nhiên trước sự thay đổi ngoại hình của Thị “Thị hôm nay rách quá, trên khuôn mặt lưỡi cày chỉ trơ lại hai con mắt”.

Quả thực Thị đã gầy đi rất nhiều, có lẽ vì đói, vì khát mà cơ thể con người Thị đã bị tàn phá nhanh đến như vậy. Thị chạy đến sưng sỉa trước mặt Tràng “Điêu! người thế mà điêu”, mới đầu hắn ta chẳng hiểu gì nhưng rồi một lúc cũng ngộ ra rồi mời Thị đi ăn “thích ăn gì thì ăn”. Thị ta chẳng ngại ngùng gì mà cắm đầu ăn liền một chặp bốn bát bánh đúc, quả thực lúc này thị ta nhìn rất trơ trẽn. Người ngoài nhìn vào có người sẽ khinh bỉ, cho rằng thị ta đang vứt hết cả lòng tự trọng đi để ăn, nhưng cũng sẽ có những người xót thương, đồng cảm cho một con người đang phải chịu cơn đói hành hạ. Khi ấy, con người ta chẳng còn bận tâm đến danh dự, hay nhân phẩm gì nữa, ăn no mới là điều quan trọng trước hết. Đợi đến khi Thị ăn xong, Tràng có nói câu nửa vui nửa đùa rằng “về với tớ thì khuôn hàng lên xe rồi cùng về”. Tưởng Thị sẽ cười chê mình, nào ngờ Thị về thật, về làm dâu nhà Tràng. Một đám cưới diễn ra.

Việc một con trai lớn lên, xây nhà, cưới vợ là việc quá đỗi bình thường, nhưng nhân vật Tràng lại là một thanh niên xấu xí, nghèo đói, gia cảnh khó khăn, đặc biệt là dân ngụ cư nữa nên việc Tràng có được vợ làm rất nhiều người ngạc nhiên. Qua đây, ta đã thấy được nghệ thuật xây dựng tình huống truyện độc đáo của Kim Lân: vợ đáng lẽ ra là người ta yêu, qua tìm hiểu, đính ước mà đến với nhau, nhưng ở đây, Tràng ta lại “nhặt” được vợ theo đúng nghĩa đen và của hồi môn chắc có lẽ chỉ là vài bát bánh đúc mà thị ta vừa ăn lúc trước.

Việc Tràng có vợ khiến rất nhiều người ngạc nhiên, cụ Tứ – mẹ Tràng cùng tất cả những người thôn ngụ cư, người trong xóm lạ lắm: Họ đứng cả trong ngưỡng cửa nhìn ra bàn tán. Đến khi hiểu ra là Tràng có vợ theo về, thì họ lại càng ngạc nhiên hơn nữa. Người thì “cười lên rung rúc", người lại lo dùm cho anh ta "Ôi chao! Giời đất này còn rước cái của nợ dài về". Biết có nuôi nổi nhau sống qua được cái thì này không?”. Người đời cười chê, chế nhạo thế nhưng chẳng làm hai vợ chồng Tràng cảm thấy tủi nhục, xấu hổ. Cho đến khi dẫn Thị về nhà, cả cụ Tứ lẫn Tràng đều không tin nhà mình có con dâu.

Cụ Tứ vừa vui vừa buồn, vừa cảm thấy thương xót cho con trai mình. Bà vui vì con trai mình đến tuổi trưởng thành đã cưới được vợ, bà mừng cho hai đứa chúng nó, nhưng bà cũng buồn, buồn vì gia đình nhà mình quá nghèo. Đám cưới gì mà chẳng có cờ có hoa, không một mâm cỗ, không kèn trống, không người đưa đón, chỉ đơn giản là đưa dẫn nhau về ở chung, cùng nhau vun vén, xây dựng gia đình. Bước vào căn nhà lụp xụp mà hai mẹ con Tràng đang ở mà Thị chỉ biết thở dài, bắt tay vào công việc dọn dẹp. Đến bữa ăn về nhà chồng cũng chỉ là nồi cháo loãng với chút muối trắng, cuộc sống của ba con người quả thực rất nghèo khổ.

Qua câu chuyện, nhà văn đã dành những tình cảm tốt đẹp nhất đối với con người nghèo khổ bằng cả tấm lòng nhân hậu của mình. Ông xót thương cho dân tộc trước thảm họa đói chết. Ông cũng ái ngại cho người con gái bị nạn đói cướp đi gần hết (gia đình, nhan sắc, tính cách, tên tuổi…).

Không những vậy, nhà văn còn rất tinh tế khi phát hiện ra khát vọng hạnh phúc và niềm vui khi nhặt vợ của Tràng; cái duyên thầm của thị qua cái liếc mắt với Tràng…Có thể nói, nhà văn rất trân trọng và tự hào về vẻ đẹp nhân tính của con người lao động nghèo trước thảm họa đau thương, chết chóc.

Đồng thời nhà văn còn tập trung ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của nhân dân lao động qua hình ảnh của bà cụ Tứ: một người mẹ giàu tình thương con, giàu lòng nhân hậu và niềm tin vào cuộc sống và đây cũng chính là niềm tin của nhà văn vào phẩm chất tốt đẹp của con người.

Thông qua tình huống truyện, nhà văn lên án và tố cáo tội ác của Nhật – Pháp đã đẩy nhân dân ta vào thảm họa đói nghèo, chết chóc. Chính chúng đã làm cho giá trị con người trở thành rẻ rúng như rơm như rác: vợ mà nhặt được.

Đúng là một tình huống truyện rất lạ mà Kim Lân đã dựng nên. Nhà văn đã đặt nhân vật của mình vào một tình huống éo le để làm nổi bật lên những giá trị nhân văn sâu sắc. Ông không chỉ muốn nói lên nét đẹp trong tính cách con người Việt Nam là dù có ở trong hoàn cảnh khó khăn như thế nào, lúc nào cũng có thể đối mặt với cái chết nhưng họ vẫn yêu thương, quan tâm nhau mà ông còn muốn lên án chế độ thực dân độc ác đã khiến nhân dân ta trở nên nghèo đói, lầm than.

Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm văn học (kịch bản văn học) hoặc tác phẩm nghệ thuật (bộ phim) - (mẫu 3)

Kim Lân được mệnh danh là nhà văn của người nông dân, của làng quê Việt Nam bởi trong các tác phẩm của ông luôn hướng tới hình ảnh người nông dân. Với văn phong giản dị, mộc mạc nhưng sâu sắc thấm đẫm tinh thần nhân văn, tác giả Kim Lân đã gửi tới người đọc một tác phẩm kinh điển thể hiện tình cảm đậm đà của ông dành cho những số phận người nông dân nghèo khổ trong xã hội cũ.

Tác phẩm “Vợ nhặt” là một trong những tác phẩm đặc sắc đại diện cho văn phong, cũng như nhân sinh quan của tác giả Kim Lân. Vợ nhặt ra đời khi nước ta đang trong giai đoạn một cổ hai tròng vừa bị thực dân Pháp đô hộ, vừa bị phát xít Nhật cai trị, kèm theo chế độ phong kiến trong thời kỳ suy tàn, thối nát làm cho người dân vô cùng khốn khổ. Câu chuyện xoay quanh bối cảnh nạn đói kinh điển năm 1945 làm chết hai triệu đồng bào ta. Tại một xóm ngụ cư nghèo nơi tập trung những gia đình đi di tản từ khắp nơi kéo tới đây, tạo thành một khu ngụ cư mới. Ngay cái nhan đề của tác phẩm “Vợ nhặt” đã gợi lên cho người đọc nhiều suy nghĩ về nội dung câu chuyện, thể hiện một việc trọng đại của đời người chính là việc dựng vợ gả chồng nhưng lại được làm rất qua loa, như việc nhặt một món đồ, một viên gạch ngoài đường mang về nhà.

Mở đầu tác phẩm tác giả Kim Lân đã phác họa lên hình ảnh nhân vật anh cu Tràng “hắn bước đi ngật ngưỡng, vừa đi vừa tủm tỉm cười, hai bên quai hàm bạnh ra…” Chỉ bằng vài chi tiết nho nhỏ tác giả Kim Lân đã khiến cho người đọc hình dung ra được hình ảnh nhân vật. Nhân vật Tràng là người có ngoại hình thô kệch, xấu xí, gia cảnh thì mẹ góa con côi, bần hàn. Hắn chẳng có điểm nào thu hút phụ nữ. Công việc của Tràng làm nghề kéo xe bò thuê chở hàng cho người ta, một công việc lao động tay chân, bán mồ hôi sức lao động để kiếm vào đồng xu lẻ. “Hắn bước đi từng bước mệt mỏi, cái áo nâu tàng vắt sang một bên cánh tay. Hình như những lo lắng, cực nhọc đè nặng lên cái lưng gấu của hắn”.

Sự đói nghèo bần hàn, vây quanh lấy hắn, nhưng trong đầu hắn luôn hiện lên những suy nghĩ lạ lùng thỉnh thoảng lại thấy hắn ngửa mặt cười cười một cái gì đó. Tràng thật sự là một con người kỳ quái. Giữa khung cảnh nghèo đói, cùng cực ấy. Một con người xấu xí, thô kệch nghèo khổ như Tràng những tưởng vĩnh viễn phải sống kiếp cô độc vì chả có gì thu hút người khác thì làm sao mà lấy được vợ. Nhưng không ngờ Tràng vẫn lấy được vợ, mà con lấy được một cách dễ dàng “nhặt” được vợ như nhặt một cục đá mà thôi.

Chỉ bằng những câu nói bông đùa vu vơ, mà Tràng nhặt được vợ “Muốn ăn cơm trắng với giò, thì ra đây đẩy xe bò với anh nào” Chỉ có như thế thôi nhưng một cô gái ngoan ngoãn ra đẩy xe với hắn. Rồi theo hắn về nhà làm vợ. Tác giả Kim Lân đã xây dựng tình huống truyện vô cùng thú vị, độc đáo làm thay đổi số phận của nhân vật Tràng. Làm cho câu chuyển sang một hướng rẽ mới thú vị và thu hút người đọc. Hành động nhặt được vợ của Tràng khiến người ta phải suy nghĩ, bởi việc lấy vợ lấy chồng là việc vô cùng quan trọng trong đời người, bình thường người ta phải làm thật cẩn thận suy tính trước sau. Cô gái làm vợ Tràng cũng thật thiệt thòi biết bao, làm vợ người ta mà không có một lễ cưới, không được làm dăm ba mâm ra mắt họ hàng, không có giấy đăng ký kết hôn, không có chứng nhận của hai bên họ hàng.

Sự nghèo khó đã đẩy những con người khốn khổ xích lại gần nhau hơn. Họ tìm đến với nhau để nương tựa vào nhau trong lúc khó khăn, cho bớt cơ cực. Họ cũng hy vọng khi có nhau rồi cuộc sống của họ sẽ thay đổi ít nhiều có thêm niềm vui vào tương lai. Hình ảnh vợ Tràng hiện lên làm người đọc không khỏi xúc động “thị cắp cái thúng con, đầu hơi cúi xuống, cái nón rách tàng nghiêng nghiêng che khuất đi nửa mặt. Thị có vẻ rón rén, e thẹn”.

Khi đưa thị về nhà khung cảnh xóm ngụ cư hiện lên đìu hiu, buồn bã, ảm đạm như những con người sống trong xóm nghèo đó “từng trận gió từ cánh đồng thổi vào, ngăn ngắt. Hai bên dãy phố, úp sụp, tối om, không nhà nào có ánh đèn, lửa. Dưới gốc đa, gốc gạo xù xì bóng những người đói dật dờ đi lại lặng lẽ như những bóng ma…” Những người hàng xóm tò mò hỏi Tràng về người phụ nữ đi bên cạnh Tràng. Họ tò mò vì một người nghèo khổ xấu xí như Tràng mà cũng có gái theo. Nhưng có người cũng thực tế hơn họ cho rằng trong thời kỳ đói khổ miếng ăn không có như hiện nay mà còn cưới vợ vác thêm một miệng ăn về nhà thì khác nào vác một cục nợ.

Cứ như thế Tràng và thị đi trong những tiếng xì xào, bàn tán nhưng họ cứ mặc kệ cứ bước đi bên nhau và hy vọng vào ngày mai tươi sáng hơn. Cuộc gặp gỡ giữa mẹ chồng nàng dâu cũng khiến nhiều người phải ám ảnh bà cụ Tứ mẹ Tràng “bà lão phấp phỏng bước theo con vào nhà, đến giữa sân bà sững lại vì thấy có một người đàn bà ở trong…”

Lúc đầu bà cụ lo lắng lắm nhưng rồi bà cụ Tứ cũng nhận ra vấn đề “bà lão cúi đầu nín lặng, bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán, vừa xót xa cho số kiếp con mình. Chao ôi người ta dựng vợ gả chồng cho con là trong lúc làm ăn nên nổi, còn mình…” Những suy nghĩ đau đớn chua xót của một người mẹ thương con, được tác giả Kim Lân tái hiện qua những trang viết vô cùng xúc động làm lay động trái tim người đọc.

Bà cụ Tứ vui mừng chấp nhận người vợ của con trai mình. Hình ảnh bữa cơm đầu tiên sau đêm tân hôn hiện ra khiến nhiều người không khỏi nghẹn ngào đắng ngắt trong cổ họng. Đó chính là “nồi cháo cám” với đĩa muối trắng, hoa chuối thái vội. Một hình ảnh đại diện cho cái nghèo, hiện lên chân thực, mộc mạc. Tuy nhiên, trong bữa cơm ấy ba con người trong câu chuyện lại ăn uống rất ngon. Họ còn nói chuyện với nhau về tin đồn Việt Minh phá kho thóc Nhật chia cho dân nghèo. Trong bữa cơm ấy, ba con người khốn khổ cùng mơ ước có một ngày được thấy ngọn cờ đỏ sao vàng, được sống một kiếp sống khác. Họ cùng nhau tin tưởng vào tương lai.

Nhân đạo trong tác phẩm Kim Lân cũng thật đặc biệt. Ông đẩy mỗi nhân vật đến tận cùng của khổ sở, để rồi sau đó mở ra con đường, tương lai cho họ. Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện cuối tác phẩm, đã mở ra một tương lai tươi sáng, giải thoát cuộc đời của những con người dưới đáy xã hội. Giá trị nhân đạo của tác phẩm được thể hiện rõ nét nhất ở chia tiết này.

Những dòng văn cuối cùng đã kết đọng tinh thần nhân đạo sâu sắc của nhà văn Kim Lân. Ông trân trọng, yêu thương từng cá nhân, từng số phận. Đồng thời ta cũng thấy được nghệ thuật miêu tả, và tạo dựng tình huống bậc thầy của nhà văn này.

Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm văn học (kịch bản văn học) hoặc tác phẩm nghệ thuật (bộ phim) - (mẫu 4)

So sánh về tuổi đời, điện ảnh thuộc lớp những ngành nghệ thuật còn non trẻ ở Việt Nam. Thế nhưng, không vì thế mà điện ảnh ít được đón nhận. Bộ phim “Mùi cỏ cháy” chính là một minh chứng cho sức hấp dẫn của phim điện ảnh chất lượng tại Việt Nam.

“Mùi cỏ cháy” được công chiếu vào năm 2012. Sức hấp dẫn của bộ phim được thể hiện trên nhiều khía cạnh, đầu tiên là về mặt đề tài. Đề tài chiến tranh không phải là đề tài mới mẻ, xa lạ với các sáng tạo nghệ thuật. Có biết bao những tác phẩm văn chương, âm nhạc, nhiếp ảnh về đề tài này đã trở nên nổi tiếng và đi vào đời sống tinh thần của con người Việt Nam. Thế nhưng, người dân nước ta khi ấy vẫn còn ít tiếp xúc với điện ảnh. Việc khai thác một đề tài kinh điển bằng chất liệu mới đã thu hút được sự chú ý và khơi gợi sự trân trọng ở công chúng. Không chỉ vậy, chính tên tuổi biên kịch cùng nguyên tác, đơn vị sản xuất cũng là yếu tố góp phần gây tiếng vang cho tác phẩm. Kịch bản của bộ phim được viết bởi nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm – một nhà thơ và cũng là một người chiến sĩ từng từ giã mái trường để lên đường chống Mỹ. Xúc động hơn, tác phẩm được dựa trên cuốn nhật kí bất hủ “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Đơn vị sản xuất là Hãng phim truyện Việt Nam. Chỉ từng ấy yếu tố thôi, “Mùi cỏ cháy” đã hứa hẹn là tác phẩm lấy đi nhiều nước mắt của khán giả khi tái hiện những năm kháng chiến hào hùng của đất nước cùng vẻ đẹp con người Việt Nam giữa lửa đạn chiến tranh.

Nếu những yếu tố trên thu hút công chúng đến với phòng vé thì chính nội dung hấp dẫn, chân thực và cảm động đã khiến “Mùi cỏ cháy” có sức sống lâu bền. Từ Hà Nội cổ kính rêu phong đến Quảng Trị kiên cường máu lửa, tất cả đều hiện lên vô cùng sống động. Nhân vật chính của tác phẩm là những chàng sinh viên đang độ tuổi đôi mươi, quyết tâm gác lại việc học để lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Bốn chàng trai Hoàng, Thành, Thăng, Long mang trong mình bầu nhiệt huyết tuổi trẻ, tâm hồn ngây thơ trong sáng, sự tinh nghịch lạc quan, khát khao hạnh phúc và trên hết và tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm, tinh thần quyết tâm xả thân vì độc lập tự do của dân tộc. Những sự kiện, địa danh trong phim như 81 ngày đêm khốc liệt tại Thành cổ, dòng sông Thạch Hãn, những đợt ném bom của Mĩ,… đều là những điều có thật. Hơn hết, “Mùi cỏ cháy” không dừng lại ở mức tái hiện khô cứng hiện thực lịch sử. Tác phẩm không khoác lên chiến tranh bộ chiến bào lấp lánh, oai hùng mà khắc họa tận cùng những mất mát, đau thương của con người. Ta tìm thấy trong tác phẩm nỗi buồn khi rời xa gia đình, sự đau xót khi chứng kiến đồng đội lần lượt hi sinh của những người lính kiên cường hơn sắt thép. Ngày ra đi, bốn chàng trai cùng nhau chụp một tấm ảnh hẹn ngày chiến thắng trở về. Đến khi đất nước đã không còn bóng giặc thì Thành, Thăng, Long cũng đã nằm lại nơi chiến trường, chỉ còn lại mình Hoàng. Mỗi nụ cười, mỗi ánh mắt của các nhân vật trong bộ phim đều để lại trong tâm hồn người xem biết bao day dứt, khắc khoải. Tác phẩm thực sự là khúc bi hùng ca về con người và đất nước Việt Nam.

Không chỉ thành công về mặt nội dung ý nghĩa truyền tải đến người xem, “Mùi cỏ cháy” còn là tác phẩm thành công về nghệ thuật làm phim. Tiến trình của phim đi theo mạch hồi tưởng của nhân vật Hoàng – khi ấy đã là một cựu chiến binh già tạo nên sự chân thực và gây xúc động mạnh cho người xem. Bên cạnh đó, đây còn là tác phẩm kết hợp hài hòa giữa chất thơ và chất hiện thực. Trong phim xuất hiện nhiều hình ảnh ẩn dụ như dòng máu chảy trên tượng cô gái khi Thành, Thăng, Long hy sinh hay tấm ruy đô Long mang từ nhà,...Bối cảnh của phim cũng được chau chuốt kĩ lưỡng để tái hiện đầy đủ vẻ đẹp làng quê Việt Nam với giếng nước, đốc ga. Các cảnh chiến trận được đoàn làm phim chuẩn bị vô cùng kì công với khoảng thời gian lên tới bốn tháng.

Với những nét hấp dẫn trên, “Mùi cỏ cháy” đã xứng đáng “Bông sen Bạc” tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 cùng 4 giải “Cánh diều vàng” tại Lễ trao giải Cánh Diều Vàng 2011. Đến nay, câu chuyện về bốn chàng thanh niên Hoàng, Thành, Thăng, Long vẫn được yêu mến và lấy đi nước mắt của khán giả. Lời nhận xét của đạo diễn Hữu Mười có lẽ đã đủ tổng kết giá trị của bộ phim: “Vinh danh Mùi cỏ cháy, là vinh danh quá khứ... Chúng ta không bao giờ được pphesp quên quá khú, nếu quên quá khứ sẽ không có tương lai”.

Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm văn học (kịch bản văn học) hoặc tác phẩm nghệ thuật (bộ phim) - (mẫu 5)

Trong dòng chảy văn học trung đại, mỗi nhà văn, nhà thơ đều góp phần làm nên diện mạo của nền văn học Việt Nam qua nhiều tác phẩm xuất sắc thuộc nhiều thể loại khác nhau. Và khi nhắc đến Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, bạn đọc mọi thế hệ không thể không nhắc tới tác phẩm “Truyện Kiều”. Đọc những trang Kiều, người đọc như thấm thía nỗi đau mà Kiều phải chịu đựng nhưng ẩn sau đó chính là vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách của nàng. Có thể nói, đoạn trích trích từ câu “Khi tỉnh rượu lúc tàn canh” đến “Ai tri âm đó mặn mà với ai?” là một minh chứng tiêu biểu cho điều đó.

Trước tình cảnh đầy trớ trêu nơi chốn lầu xanh, trong Thúy Kiều luôn hiện lên bao nỗi niềm đau đớn, xót thương cho thân phận, cuộc đời của mình.

Khi tỉnh rượu lúc tàn canh,

Giật mình mình lại thương mình xót xa.

Câu thơ “Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh” đã mở ra thời gian ban đêm, khi những cuộc vui đã tàn, đó là thời điểm hiếm hoi Kiều được sống là chính mình, đối diện với chính mình cùng bao nỗi niềm, suy tư, trăn trở. Trong chính khoảnh khắc ít ỏi ấy, Kiều “giật mình” bởi sự bàng hoàng, thảng thốt trước thực tại cuộc sống của mình. Để rồi, sau cái giật mình ấy chính là nỗi thương mình, xót xa cho chính bản thân mình và nỗi thương mình, sự xót xa ấy của Kiều xét đến cùng chính là sự tự ý thức về nhân cách của Thúy Kiều.

Trong nỗi niềm xót xa, sự cô đơn đến tột cùng ấy, Thúy Kiều đã đi tìm nguyên nhân để lí giải chúng.

Khi sao phong gấm rủ là,

Giờ sao tan tác như hoa giữa đường.

Mặt sao dày gió dạn sương

Thân sao bướm chán ong chường bấy thân.

Nghệ thuật đối đã được tác giả sử dụng thành công thông qua việc sử dụng hàng loạt các hình ảnh đối lập nhau, giữa một bên là “phong gấm rủ là” gợi những tháng ngày quá khứ êm đềm, hạnh phúc với một bên là những hình ảnh “tan tác”, “hoa giữa đường”, “dày gió dạn sương”, “bướm chán ong chường” để gợi lên hiện tại phũ phàng, bị chà đạp, vùi dập. Thể hiện sự đối lập giữa quá khứ với hiện tại, tác giả Nguyễn Du đã tô đậm cuộc sống cùng tâm trạng ê chề, nhục nhã, chán chường của Thúy Kiều trong hoàn cảnh đầy trớ trêu. Thêm Thêm vào đó, với việc sử dụng hàng loạt từ để hỏi “khi sao”, “giờ sao”, “mặt sao”, “thân sao” đã tạo nên giọng điệu chất vấn, Thúy Kiều như đang tự hỏi, tự dằn vặt chính bản thân mình. Trong nỗi niềm chua xót, đầy giày vò ấy, Thúy kiều đã nhận thức rõ sự đối lập đau xót và chua chát giữa ta và người.

Mặc người mưa Sở mây Tần

Những mình nào biết có xuân là gì.

Không chỉ đối lập giữa cuộc sống ở quá khứ và hiện tại, mà giờ đây, trong Thúy Kiều còn hiện hữu rõ nét sự đối lập giữa cảnh vật bên ngoài với nỗi niềm tân trạng của chính mình. Bi kịch ấy của Thúy Kiều được thể hiện rõ nét trong những tám câu thơ cuối của đoạn trích.

Đòi phen gió tựa hoa kề

Nửa rèm tuyết ngậm bốn bề trăng thâu.

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?

Đòi phen nét vẽ câu thơ,

Cung cầm trong nguyệt nước cờ dưới hoa

Vui là vui gượng kẻo là

Ai tri âm đó mặn mà với ai?

Cuộc sống nơi chốn lầu xanh ở khung cảnh bên ngoài với đầy đủ những nét thanh cao, tao nhã, phong lưu được tác giả tái hiện lại thông qua các hình ảnh giàu sức gợi “gió tựa hoa kề”, “tuyết ngậm”, “trăng thâu”, “nét vẽ”, “câu thơ”, “cung cầm”, “nước cờ”. Nhưng ẩn sâu bên trong đó là bản chất phũ phàng và đầy xót xa, đầy tủi nhục và nhơ nhớp. Và bởi vậy, cảnh vật ở nơi đây đối với Thúy Kiều chính là một sự giả tạo và nàng không thể tìm thấy bầu bạn, không thể tìm thấy tri âm và nàng thờ ơ với mọi thứ xung quanh mình. Đặc biệt, với nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, tác giả Nguyễn Du đã cho thấy tâm trạng của Thúy Kiều khi sống ở nơi đây, đó chính là sự gượng gạo, tự thương, tự xót xa cho số phận của chính mình. Đặc biệt, tâm trạng đau đớn như xé lòng của Kiều được thể hiện qua việc sử dụng hàng loạt các câu hỏi tu từ.

Tóm lại, đoạn trích với việc sử dụng thành công nghệ thuật đối cùng những hình ảnh giàu sức gợi đã thể hiện một cách rõ nét và sâu sắc nỗi niềm tâm trạng, sự xót thương số phận của Thúy Kiều. Đồng thời, ẩn sau đó người đọc cũng cảm nhận được vẻ đẹp nhân cách của nàng.

Xem thêm các bài văn mẫu 11 Chân trời sáng tạo hay khác:

Tủ sách VIETJACK shopee lớp 10-11 cho học sinh và giáo viên (cả 3 bộ sách):

Săn shopee siêu SALE :

CHỈ CÒN 250K 1 KHÓA HỌC BẤT KÌ, VIETJACK HỖ TRỢ DỊCH COVID

Đăng ký khóa học tốt 11 dành cho teen 2k4 tại khoahoc.vietjack.com

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Tài liệu giáo viên