(40+ mẫu) Kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử

Tổng hợp trên 40 bài văn Kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử hay nhất với dàn ý chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

(40+ mẫu) Kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử (hay nhất)

Quảng cáo

Kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 1

Đất nước có được nền hòa bình ngày hôm nay, không biết bao cha anh đã ngã xuống, không tiếc máu xương để bảo vệ độc lập, tự do cho dân tộc. Anh Kim Đồng là một tấm gương sáng trong số những người anh hùng như vậy.

Anh Kim Đồng là người dân tộc Tày. Cha mất sớm, anh sống cùng mẹ - một người phụ nữ đảm đang nhưng ốm yếu. Sống trong cảnh đất nước bị xâm lược nên từ nhỏ, Kim Đồng đã dũng cảm, quyết đoán, mạnh mẽ, có tinh thần yêu nước, căm thù giặc. Tuy tuổi còn nhỏ nhưng anh rất hăng hái làm nhiệm vụ giao liên, đưa đón Việt Minh và chuyển thư từ. Anh được bầu làm đại đội trưởng đầu tiên của Đội Nhi đồng cứu quốc. Anh không ngại khó khăn, thử thách, nguy hiểm luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong một lần làm nhiệm vụ, anh bị giặc Pháp bắn và hi sinh. Khi ấy, anh mới chỉ 14 tuổi. Đã có rất nhiều bài thơ, bài hát được sáng tác để ghi nhớ công ơn của anh.

Hình ảnh anh Kim Đồng sẽ luôn sáng mãi, là tấm gương cho thanh thiếu niên Việt Nam về tinh thần yêu nước sâu sắc, sự thông minh, gan dạ, lòng dũng cảm, trung kiên với Tổ quốc.

Quảng cáo

(40+ mẫu) Kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử

Dàn ý Kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử

- Mở bài:

+ Nêu được sự việc có thật liên quan đến nhân vật, sự kiện lịch sử mà văn bản sẽ thuật lại

+ Nêu lí do hay hoàn cảnh người viết thu thập tư liệu liên quan

- Thân bài:

Gợi lại bối cảnh, câu chuyện, dấu tích liên quan đến nhân vật, sự kiện

+ Câu chuyện, huyền thoại liên quan đến nhân vật, sự kiện

+ Dấu tích liên quan

Thuật lại nội dung/ diễn biến của sự việc có thật liên quan đến nhân vật, sự kiện lịch sử

+ Bắt đầu - diễn biến - kết thúc

+ Sử dụng được một số bằng chứng (tư liệu, trích dẫn,...); kết hợp kể chuyện với miêu tả

Ý nghĩa, tác động của sự việc đối với đời sống hoặc đối với nhận thức về nhân vật/ sự kiện lịch sử

- Kết bài: Khẳng định ý nghĩa của sự việc hoặc nêu cảm nhận của người viết về sự việc.

Quảng cáo

Kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 2

Tháng tư vừa rồi, trường em có tổ chức một buổi tham quan nằm trong chuỗi hoạt động ngoại khóa của trường. Điểm đến lần này là Đền Hùng tại Việt Trì-Phú Thọ. Đây là nơi thờ phụng các đời Vua Hùng và tôn thất của nhà vua. Nơi đây gắn với Giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức hàng năm vào ngày 10 tháng 3 Âm lịch. Đây là một dịp để thế hệ con cháu đến viếng đền, tưởng nhớ đến những người đã có công dựng nước.

Em đã được nghe nhiều câu chuyện về các Vua Hùng qua các sự tích nổi tiếng như Sự tích bánh chưng bánh dày, Sơn Tinh Thủy Tinh… và thấy được sự uy nghiêm và trí tuệ của các vị vua. Điều đó khiến tôi càng mong đợi chuyến đi này hơn.

Dưới chân núi là khung cảnh uy nghiêm, hùng vĩ của núi Nghĩa Lĩnh với rừng cây và sương mù bao phủ. Nơi thờ các vị vua được đặt trên núi với ba đền chính là đền Hạ, đền Trung và đền Thượng. Đền Hạ tương truyền là nơi mẹ Âu Cơ đẻ ra một bọc trăm trứng. Trăm trứng ấy đẻ ra trăm người con, năm mươi người theo cha xuống biển, bốn chín người theo mẹ lên núi. Người con ở lại làm vua, lấy tên là Hùng Vương (thứ nhất). Đền Trung là nơi các vị vua họp bàn chính sự. Đền Thượng là lăng thờ Hùng Vương thứ sáu. Lễ hội đền Hùng được tổ chức hàng năm bao gồm những hoạt động văn hóa, văn nghệ mang tính chất nghi thức truyền thống và những hoạt động văn hóa dân gian khác… Các hoạt động văn hóa mang tính chất nghi thức còn lại đến ngày nay là lễ rước kiệu vua và lễ dâng hương. Dưới tán lá mát rượi của những cây trò, cây mỡ cổ thụ và âm vang trầm bổng của trống đồng, đám rước như một con rồng uốn lượn trên những bậc đá huyền thoại để tới đỉnh núi Thiêng.

Trước khi đi tham quan các đền, chúng tôi được làm lễ dâng hương và nghe diễn thuyết về các vị Vua Hùng. Không khí trang nghiêm, hào hùng ấy khiến tôi không khỏi tự hào về lịch sử dân tộc mình. Họ đã dựng nước, giữ nước để đời sau con cháu được hưởng thụ nền độc lập, hòa bình ấy. Và nay chúng em đến đây để thể hiện lòng biết ơn, sự tôn trọng của mình đối họ, thể hiện đúng truyền thống đạo lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Họ đã gây dựng nền móng cho nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa hiện tại và chúng em đều biết ơn điều đấy.

Sau đó, chúng em được đi thăm các đền thờ vua trên núi. Cách trang trí, sắp xếp các di vật đều được bố trí một cách ngay ngắn, trang nghiêm. Em ấn tượng với tấm bia ở đền Hạ khắc dòng chữ của Bác Hồ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta cùng nhau giữ lấy nước.” Nó như một lời hứa hẹn Bác thay thế hệ trẻ nói lên trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với đất nước.

Đó thực sự là một chuyến đi đầy bổ ích và ý nghĩa. Mặc dù nó chỉ kéo dài trong một buổi sáng ngắn ngủi nhưng nó đã giúp em hiểu ra trách nhiệm của mình đối với đất nước. Phải biết kính trọng, biết ơn thế hệ đi trước đặc biệt là các vị Vua Hùng và phải ghi nhớ:

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba.”

Quảng cáo

Kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 3

Vua Lý Thái Tổ (Lý Công uẩn) 

Lý Công Uẩn người làng cổ Pháp thuộc Đông Ngạn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Hiện nay ở làng Đình Bảng vẫn còn có lăng và đền thờ các vua nhà Lý. 

Tục truyền rằng Công uẩn không có cha; mẹ là Phạm Thị đi chơi chùa Tiên Sơn (làng Tiên Sơn, phủ Từ Sơn) , đêm về nằm mộng thấy "đi lại" với thần nhân, rồi có thai đẻ ra đứa con trai. Lên ba tuổi, đứa bé càng khôi ngô tuấn tú; gia đình đem cho nhà sư ở chùa cổ Pháp tên là Lý Khánh Văn làm con nuôi. Lý Công uẩn được học hành chữ Nho, kinh Phật và võ nghệ từ nhỏ, lớn lên dưới mái chùa, trở thành một tài trai văn võ siêu quần. 

Ngoài 20 tuổi, Lý Công uẩn đã làm võ tướng dưới triều vua Lê Đại Hành, từng lập công to trong trận Chi Lăng (981) đại phá quân Tống xâm lược, chém đầu tướng giặc Hầu Nhân Bảo. Về sau, ông giữ chức Tả thân vệ Điện tiền Chỉ huy sứ, nắm trong tay toàn bộ binh quyền. Đức trọng tài cao, ông được quần thần và tướng sĩ rất kính phục. Năm 1005, Lê Đại Hành băng hà. Ngôi vua được truyền cho Lê Long Việt. Chỉ 3 ngày sau, Lê Long Đĩnh giết anh, giành lấy ngai vàng. Lê Long Đĩnh là một tên vua vô cùng bạo ngược khác nào Kiệt, Trụ ngày xưa. Hắn hoang dâm vô độ, nên mắc bệnh không ngồi được; đến buổi chầu thì cứ nằm mà thị triều, cho nên tục gọi là Vua Ngọa Triều. Cuối năm 1009, Lê Ngọa Triều chết. Năm đó, Lý Công uẩn đã 35 tuổi. Bấy giờ lòng người đã oán giận nhà Tiền Lê lắm rồi; quân thần và tầng lớp tăng lữ suy tôn ông lên ngôi báu, mở đầu triều đại nhà Lý (1010- 1225). 

Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế vào đầu xuân 1010, tức là vua Lý Thái Tổ nhà Lý. Nhà vua trị vì được 19 năm, thọ 55 tuổi, băng hà năm 1028. 

Kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 4

Nhân dịp Tết năm Nhâm Dần, tôi đã có dịp ghé thăm Hội xuân Yên Tử ở thành phố Uông Bí (Quảng Ninh) để dự lễ dâng hương cầu nguyện quốc thái dân an Xuân Yên Tử 2022. Đây là một trong những lễ hội truyền thống mùa xuân lớn và kéo dài nhất cả nước. Lễ hội Xuân Yên Tử được diễn ra hằng năm, bắt đầu từ ngày mùng 10 Tết âm lịch kéo dài đến khoảng 3 tháng. Vào dịp này, hàng nghìn người dân ở khắp mọi nơi đến dâng hương, tưởng nhớ Phật Hoàng Trần Nhân Tông và người dân tham gia lễ hành hương lên Yên Tử.

Tôi được biết, Yên Tử là do Phật hoàng Trần Nhân Tông đã đến tu hành và sáng tạo ra Thiền phái Trúc Lâm mang đậm màu sắc dân tộc Việt. Ông là một vị vua hiền minh, đức độ và vô cùng thương yêu dân chúng.

Đến với buổi lễ dâng hương xuân Yên Tử lòng tôi có một cảm xúc bồi hồi khó tả. Nơi dâng hương bắt đầu từ vườn tháp Huệ Quang lên đến chùa Hoa Yên. Vườn tháp Huệ Quang với 64 gọn thóp và mộ với bề dày lịch sử. Sân tháp được bao quanh với những bức tường cao rộng. Vị trí trung tâm của tháp đặt tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông bằng chất liệu cẩm thạch, trong tư thế một nhà sư ngồi thiền định, mình khoác áo cà sa hở ngực phải, các nếp áo chảy tràn ra mặt bệ tượng. Hình ảnh ấy vô cùng trang nghiêm mà cổ kính. Trong không khí trang nghiêm ấy, các vị sư thầy cùng rước lễ lên đến chùa Hoa Yên. Nơi có các nền kiến trúc mang một màu sắc rêu phong, cổ kính. Người dân bao quanh buổi lễ, các sư thầy và lãnh đạo tỉnh bắt đầu chủ trì buổi lễ.

Trong không khí trang nghiêm ấy, bài diễn văn cầu bình an được diễn ra. Mọi người ai nấy cũng cầm một nén hương để dâng lên Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Mong năm nay sẽ là một năm an khang, nhiều may mắn, quốc thái dân an.

Sau khi dâng hương xong, mọi người bắt đầu tản ra người đi đi ngắm cảnh xung quanh, người thì kéo nhau bắt đầu hành hương Yên Tử. Họ nô nức kéo nhau đi lên đỉnh chùa Đồng nơi có bức tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông vô cùng Vĩ đại.

Quả thật, công lao của Trần Nhân Tông đến nay vẫn còn lưu giữ nghìn đời. Chính vì vậy, lễ hội Xuân Yên Tử cũng là một trong những lễ hội để tưởng nhớ công lao của ông. Lễ hội Xuân Yên Tử từ lâu đã trở thành một truyền thống không thể thiếu của người dân Quảng Ninh nói riêng và người dân cả nước nói chung. Lễ hội này luôn thu hút đông đảo người dân và khách du lịch tham gia.

Kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 5

Có một câu nói mà con người của muôn thời đại đều cần phải khắc ghi, đó là nếu đánh mất và bỏ mặc quá khứ, bạn không bao giờ có hiện tại và tương lai. Hay một cách ngắn gọn, nó đằm mình trong câu tục ngữ truyền thống bao đời của dân tộc ta "Uống nước nhớ nguồn”. Chính vì thế, hàng năm, vẫn có những lễ hội truyền thống để nhắc nhở con cháu đời đời về nguồn cội vĩnh hằng của cha ông, lễ hội đền hùng chính là mang ý nghĩa thiêng liêng ấy.

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”

Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3 trở thành ngày lễ trọng đại của dân tộc. Tôi cũng đã có dịp may mắn một lần được hành hương về đất Tổ, phong cảnh, những câu chuyện lịch sử về các vị vua Hùng - những người đã dựng xây đất nước đã in sâu trong tâm trí tôi.

Lễ hội đền Hùng là dịp những đứa con ở khắp nơi trên tổ quốc cùng trở về Phú Thọ quê tổ để cùng thể hiện lòng thờ kính thiêng liêng dành cho nguồn cội lịch sử của dân tộc ta, để tri ân các vị vua Hùng đã có công dựng nước để con cháu sau này đời đời được sống trên mảnh đất giàu truyền thống và mang những nét đẹp tâm hồn riêng. Hàng năm, cứ vào dịp này, những người con đất Việt từ khắp nơi trên tổ quốc, thậm chí cả kiều bào ta sinh sống công tác ở nước ngoài cũng luôn lắng lòng để tưởng nhớ về lễ hội truyền thống của dân tộc. Chính vì mang trong nó không chỉ tính nghi lễ mà còn bao chứa cả lớp trầm tích văn hóa lịch sử ngàn đời cùng đạo lí dân tộc sâu sắc, mà ngày lễ giỗ tổ Hùng Vương được xem là ngày quốc lễ của dân tộc ta.

Giỗ Tổ bao gồm có 2 phần riêng biệt đó là phần lễ và phần hội. Lễ Rước Kiệu với các đền, chùa trên núi, các vị lãnh đạo của đất nước dâng hương lên vua Hùng tổ chức tại đền Thượng. Các nghi thức tổ chức, dâng hương sẽ được tổ chức long trọng, thành kính và sẽ được báo chí, phát thanh truyền hình đưa tin. Đồng bào trong cả nước được dâng lễ trong các đền, chùa, với sự thành kính và cầu mong yên bình, làm ăn thành công.

Bên cạnh đó phải nhắc đến lễ Dâng Hương các đền, chùa trên núi. Lễ hội còn giúp người dân tham gia sinh hoạt văn hoá cổ xưa. Người dân sẽ được xem các trò chơi như đấu vật, chọi gà, rước kiệu, đánh cờ người…. Còn có sân khấu riêng của các đoàn nghệ thuật: chèo, kịch nói, hát quan họ,… Các nghệ sĩ, nghệ nhân từ nhiều nơi về đây để trình diễn những làn điệu hát xoan mượt mà, đặc sắc mang đến cho cho lễ hội đền Hùng đặc trưng riêng của Đất Tổ.

Những người đến đây không chỉ là xem lễ hội mà còn thể hiện sự tâm linh, thành kính với quê hương đất Tổ, ai cũng biết đây là nơi gốc gác linh thiêng, cội nguồn của dân tộc. Hàng năm, cứ đến mùng 10 tháng 3, người dân và du khách tham gia trẩy hội đền Hùng, đây là nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam. Lễ hội rất linh thiêng và thể hiện sự biết ơn công lao dựng nước và giữ nước của các vua Hùng.

Kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 6

Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Cuộc đời của người là một tấm gương sáng ngời cho mỗi người dân Việt Nam noi theo. Và những câu chuyện về Người cũng luôn để lại bài học giá trị cho chúng ta.

Truyện kể rằng trong những năm tháng sống ở Việt Bắc, mỗi lần đi công tác, Bác đều có hai đồng chí đi cùng. Sợ Bác mệt, hai đồng chí đã bày tỏ ý muốn mang ba lô giúp Bác. Nhưng Bác không đồng ý. Bác nói:

- Đi đường rừng, leo núi ai mà chẳng mệt, tập trung đồ vật cho một người mang đi thì người đó càng chóng mệt. Cứ phân đều ra cho cả ba người.

Hai đồng chí đành làm theo lời Bác, đem chia vật dụng vào ba chiếc ba lô. Bác hỏi lại:

- Các chú đã chia đều rồi chứ?

Hai đồng chí trả lời:

- Thưa Bác, rồi ạ!

Sau đó, cả ba cùng lên đường. Qua một chặng, lúc nghỉ, Bác đến chỗ các đồng chí và xách chiếc ba lô lên. Bác hỏi:

- Tại sao ba lô của các chú nặng mà của Bác lại nhẹ?

Bác liền mở ra xem thì thấy bên trong ba lô của mình chỉ có chăn màn.

Bác tỏ ra không hài lòng, rồi nói:

- Chỉ có lao động thật sự mới đem lại hạnh phúc cho con người.

Sau đó, Bác lại yêu cầu hai đồng chí chia đều vật dụng vào ba chiếc ba lô mới chịu tiếp tục lên đường.

Câu chuyện nhỏ nhưng để lại bài học lớn. Có thể thấy, Bác là một người yêu lao động. Bác suốt đời làm việc, suốt ngày làm việc, từ những việc lớn như cứu nước đến việc nhỏ như trồng cây trong vườn. Việc gì có thể tự làm, Bác đều tự mình hoàn thành. Cách sống của Bác giúp cho mỗi người nhận ra giá trị của lao động, cũng như có ý thức tự giác học tập và làm việc hơn.

Quả thật, những câu chuyện về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh thật ý nghĩa. Từ đó, chúng ta luôn nhận ra được nhiều bài học bổ ích cho bản thân.

Kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 7

Bấy giờ, giặc Nguyên cho sứ thần sang giả vờ mượn đường để xâm chiếm nước ta. Thấy sứ giặc ngang ngược, Trần Quốc Toản vô cùng căm giận.

Sáng nay, nhà vua họp bàn việc nước dưới thuyền rồng. Quốc Toản biết vậy nên quyết đợi gặp vua để nói hai tiếng “xin đánh”. Đợi từ sáng đến trưa, cậu vẫn không gặp được vua, bèn liều chết xô mấy người lính gác ngã chúi, xăm xăm xuống bến. Thấy vậy, quân lính ập đến. Quốc Toản đỏ bừng mặt, rút gươm và quát lớn:

- Ta xuống diện kiến bệ hạ, kẻ nào dám ngăn cản.

Đúng lúc, cuộc họp dưới thuyền rồng tạm nghỉ, vua và các quan ra ngoài mui thuyền.

Quốc Toản chạy đến, quỳ xuống tâu:

- Cho giặc mượn đường là mất nước. Xin bệ hạ hãy cho đánh!

Nói rồi, cậu đặt gươm lên gáy, xin chịu tội.

Nhà vua cho truyền Quốc Toản đứng dậy, ôn tồn nói:

- Quốc Toản làm trái phép nước, đáng lẽ phải trị tội. Nhưng xét nghĩ em còn nhỏ tuổi mà đã biết lo việc nên, ta có lời khen ngợi.

Nói rồi, vua sai người ban cho Quốc Toản một quả cam. Cậu tạ ơn vua rồi lên bờ mà ấm ức. Cậu thầm nghĩ: “Vua ban cho cam quý nhưng vẫn coi ta là trẻ con, không cho bàn việc nước”.

Quốc Toản nghĩ đến quân giặc đang bóc lột nhân dân, mà lòng đầy căm giận. Cậu bóp nát trái cam trong tay lúc nào không hay. Đến khi mọi người ùa tới hỏi han. Cậu xòe tay ra mới biết trái cam đã nát.

Kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 8

Tiến quân ca - bài hát được chọn làm quốc ca của nước Việt Nam. Và tôi chính là nhạc sĩ Văn Cao - người đã sáng tác bài hát này.

Bài hát được ra đời trong một bối cảnh lịch sử đặc biệt, có ý nghĩa trong đại với đất nước. Còn với riêng tôi, nó là một đứa con tinh thần, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc đời tôi.

Trước đó, tôi đã mất đi những khát vọng và ước mơ của tuổi trẻ. Hằng ngày, cuộc sống chỉ lặp lại trong vòng luẩn quẩn, chán chường. Giữa lúc tôi muốn từ bỏ tất cả, anh Ph. D. - một người bạn rất thân thiết đã xuất hiện khiến cuộc đời tôi thay đổi.

Qua anh Ph.D. tôi đã gặp được Vũ Quý. Anh đã theo dõi con đường hoạt động nghệ thuật của tôi từ lâu. Sau cuộc nói chuyện với anh, tôi đã tìm ra con đường mà bản thân có thể theo đuổi - con đường cách mạng.

Thời điểm đó, khóa quân chính kháng Nhật sắp mở, cần một bài hát để khích lệ tinh thần cho quân đội cách mạng. Tôi có rất nhiều bài hát viết về lòng yêu nước như Đống Đa, Thăng Long hành khúc ca, Tiếng rừng… Nhưng chưa có một bài nào viết về cách mạng. Vì lẽ đó, tôi đã sáng tác ra Tiến quân ca.

Anh Ph.D. là người đã chứng kiến toàn bộ quá trình sáng tác bài hát, anh Vũ Quý là người đầu tiên được biết đến bài hát và Nguyễn Đình Thi chính là người đầu tiên xướng âm ca khúc. Tất cả đều chung một cảm xúc, tự hào và xúc động khi lắng nghe ca khúc này.

Điều khiến tôi không ngờ tới là chỉ sau một thời gian rất ngắn ra đời, vào ngày 17 tháng 8 năm 1945, Tiến quân ca được hàng nghìn người hòa nhịp cất cao tiếng hát trước quảng trường Nhà hát Lớn. Bài hát thật sự đã gây ra một hiệu ứng lớn. Trong một lúc, những tờ truyền đơn in Tiến quân ca được phát cho từng người trong hàng ngũ công chức dự mít tinh. Khi ấy, tôi đứng lẫn vào trong đám đông quần chúng trước cửa Nhà hát Lớn. Tôi đã nghe thấy giọng hát quen thuộc của anh bạn tôi - Ph. D. qua loa phóng thanh. Vào ngày 19 tháng 8, ngày cách mạng tháng Tám thành công ở Hà Nội, tôi đã được nghe hàng ngàn người và các em thiếu nhi cùng hát Tiến quân ca.

Ca khúc Tiến quân ca đã ra đời như thế, trong thời đại lịch sử đất nước được đánh dấu bởi “một buổi bình minh mới” của dân tộc. Là tác giả của bài hát, tôi không khỏi sung sướng và tự hào.

Kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 9

Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Rất nhiều mẩu chuyện kể về cuộc đời của Người. Qua đó, chúng ta thấy được những đức tính tốt đẹp của người.

Vào giữa mùa thu năm 1954, Bác đến tham dự “Hội nghị rút kinh nghiệm cải cách ruộng đất” ở Hà Bắc. Tại hội nghị, khi biết có lệnh của Trung ương rút bớt một số cán bộ đi học lớp tiếp quản thủ đô. Ai cũng háo hức muốn đi, đặc biệt là những người quê ở Hà Nội. Sau nhiều năm xa cách quê hương, mọi người đều mong muốn được cấp trên chiếu cố. Tư tưởng cán bộ dự hội nghị có nhiều phân tán. Ban lãnh đạo ít nhiều thấy khó xử.

Trời đã vào thu nhưng vẫn còn khá nóng, mồ hôi ướt đẫm hai bên vai áo nâu của Bác. Mở đầu, Bác trò chuyện về tình hình thời sự. Khi nói đến nhiệm vụ của toàn Đảng, Bác bỗng rút trong túi áo giơ ra một chiếc đồng hồ quả quýt. Rồi Bác hỏi các đồng chí cán bộ về chức năng của từng bộ phận của đồng hồ. Thế rồi, Bác mới hỏi:

- Trong cái đồng hồ, bộ phận nào là quan trọng?

Mọi người đều im lặng, không ai trả lời:

- Trong cái đồng hồ, bỏ một bộ phận đi có được không?

- Thưa, không được ạ!- Các cán bộ lại đồng thanh đáp.

Nghe mọi người trả lời, Bác bèn giơ cao chiếc đồng hồ lên và kết luận:

- Các chú ạ, các bộ phận của một chiếc đồng hồ cũng ví như các cơ quan của một Nhà nước, như các nhiệm vụ của cách mạng. Đã là nhiệm vụ của cách mạng thì đều là quan trọng, điều cần phải làm. Các chú thử nghĩ xem: Trong một chiếc đồng hồ mà anh kim đòi làm anh chữ số, anh máy lại đòi ra ngoài làm cái mặt đồng hồ… cứ tranh nhau chỗ đứng như thế thì còn là cái đồng hồ được không?

Nghe xong, cả hội trường trở nên im lặng. Mỗi người đều có những suy nghĩ riêng về lời nói của Bác.

Vào một dịp cuối năm 1954, Bác đến thăm một đơn vị pháo binh đóng ở Bạch Mai đang luyện tập để chuẩn bị cho cuộc duyệt binh đón mừng chiến thắng Điện Biên Phủ. Thăm nơi ăn, chốn ngủ của các chiến sĩ bộ đội xong, Bác đã đã trò chuyện với họ. Bác lấy ở túi ra một chiếc đồng hồ quả quýt, chỉ vào từng chiếc kim, từng chữ số và hỏi anh em về tác dụng của từng bộ phận. Mọi người đều trả lời đúng cả. Song chưa ai hiểu tại sao Bác lại nói như vậy?

Bác vui vẻ nói tiếp:

- Đã bao nhiêu năm nay, chiếc kim đồng hồ vẫn chạy để chỉ cho ta biết giờ giấc, chữ số trên mặt vẫn đứng yên một chỗ, bộ máy vẫn hoạt động đều đặn bên trong. Tất cả đều nhịp nhàng làm việc theo sự phân công ấy. Nếu hoán đổi vị trí từng bộ phận cho nhau thì có còn là chiếc đồng hồ nữa không? Sau câu chuyện của Bác, anh chị em đều hiểu ý Bác dạy: Việc gì cách mạng phân công phải yên tâm hoàn thành.

Không chỉ vậy, chiếc đồng hồ quả quýt còn là một hiện vật vô giá thể hiện tình cảm Quốc tế đối với Bác, đó là chiếc đồng hồ do Tổ chức Quốc tế “Cứu Tế đỏ” tặng, Bác luôn giữ nó trong mình, trong những năm tháng bị cầm tù gian khổ cho đến ngày Việt Nam giành được độc lập.

Câu chuyện về chiếc đồng hồ đã cho thấy được những phẩm chất đẹp đẽ của Bác Hồ, cũng như bài học sâu sắc mà bác muốn dạy cán bộ, chiến sĩ của mình.

Kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 10

Quốc ca Việt Nam - một bài hát từ lâu đã trở thành một phần linh thiêng trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. Bài hát đã được sáng tác trong một hoàn cảnh rất đặc biệt.

Theo lời kể của nhạc sĩ Văn Cao, khi còn trẻ, ông là một thanh niên khá nổi. Bạn bè thường khen ngợi ông là tài hoa, am hiểu cả thơ ca và hội họa. Nhưng ít ai biết răng, ông cũng đã có một khoảng thời gian khá dài chìm trong tuyệt vọng, không tìm thấy lẽ sống cho cuộc đời mình. Cho đến khi đã gặp được anh Ph.D. Qua anh Ph.D., ông lại biết được anh Vũ Quý. Sau khi trò chuyện với Vũ Quý ông như được giác ngộ, tìm thấy ý nghĩa cuộc đời mình. Không còn sa vào những buồn chán, thất vọng, ông khao khát được tham gia cách mạng, mong muốn vào chiến khu cùng những người anh em đứng lên cầm súng giết quân thù. Nhưng nhiệm vụ ông nhận được là sáng tác nghệ thuật.

Lúc mới bắt đầu sáng tác “Tiến quân ca”, nhạc sĩ Văn Cao chưa một lần cầm súng cũng chưa từng được gia nhập đội vũ trang nào, tôi chỉ biết đang làm một bài. Ông chưa từng biết chiến khu, chỉ biết đến những con đường ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ theo thói quen tôi đi. Ông chưa gặp các chiến sĩ trong khóa quân chính đầu tiên để biết họ hát như thế nào. Nhưng bằng nhiệt huyết tuổi trẻ, trên căn gác nhỏ phố Nguyễn Thượng Hiền, ông đã hoàn thành bài hát “Tiến quân ca” trước sự chứng kiến của Ph.D. - người chứng kiến sự ra đời của Tiến quân ca,anh Vũ Quý - người đầu tiên biết đến bài hát và ông Nguyễn Đình Thi - người xướng âm ca khúc đã rất xúc động.

Bài hát ra đời và nhận được sự ủng hộ của mọi người. Ngày 17 tháng 8 năm 1945, bài hát lần đầu tiên được công bố rộng rãi trong một cuộc mít tinh của công chức Hà Nội. Trước Quảng trường Nhà hát lớn, hàng ngàn người cất cao tiếng hát, hòa vang đầy khí thế hào hùng. Những tờ truyền đơn in Tiến quân ca được phát đến tay mọi người trong hàng ngũ các công chức tham dự buổi mít tinh. Lần thứ hai Tiến quân ca được xuất hiện là trong một cuộc mít tinh diễn ra vào ngày 19 tháng 8. Hôm đó, hàng ngàn người cùng những em thiếu nhi cất cao lời ca, tiếng hát; thét lên tiếng căm hờn bè vào mặt lũ đế quốc tàn bạo với niềm tự hào về chiến thắng của cách mạng.

Tiến quân ca - Quốc ca Việt Nam đã ra đời như vậy, trong thời đại lịch sử đánh dấu buổi bình minh mới của đất nước. Tác phẩm mang một giá trị lịch sử to lớn đối với dân tộc Việt Nam.

Kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 11

Trong những năm tháng chiến tranh, rất nhiều người con của mảnh đất Việt Nam đã hy sinh để bảo vệ và đấu tranh cho nền độc lập của dân tộc. Một trong số đó là Võ Thị Sáu - nữ anh hùng huyền thoại vùng Đất Đỏ.

Võ Thị Sáu sinh năm 1933, mất năm 1952. Nguyên quán được ghi trên bia mộ chỉ ghi tại huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngay từ khi còn nhỏ, chị đã cùng với anh trai tham gia cách mạng. Chị tham gia vào đội công an xung phong, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ liên lạc, tiếp tế. Trong thời gian này, chị tham gia nhiều trận chiến đấu để bảo vệ quê hương. Không chỉ vậy, chị cũng nhiều lần phát hiện ra gian tế, tay sai Pháp, giúp đội công an thoát khỏi nguy hiểm, chủ động tấn công địch.

Một lần nọ, chị nhận nhiệm vụ mang lựu đạn phục kích giết tên cai Tòng - một tên Việt gian bán nước ngay tại xã nhà. Lựu đạn nổ, tên Tòng bị thương nặng nhưng không chết. Tuy nhiên, vụ tấn công khiến bọn lính đồn khiếp vía, không dám truy lùng Việt Minh ráo riết như trước. Sau này, trong một lần thực hiện nhiệm vụ, chị đã bị giặc bắt. Sau khi bị bắt, cô lần lượt bị đưa đi thẩm vấn và giam giữ tại các nhà tù Đất Đỏ, khám đường Bà Rịa và khám Chí Hòa. Thực dân Pháp đã cho mở phiên tòa, thời điểm này, chị vẫn chưa tròn mười tám tuổi. Luật sư biện hộ đã lấy đó làm căn cứ để giúp chị thoát khỏi án tử hình, nhưng tòa án vẫn tuyên án tử hình chị. Chúng chuyển chị cùng một số người tù cách mạng ra nhà tù Côn Đảo. Ở đây, thực dân Pháp đã lén lút đem chị đi tử hình.

Vào năm 1993, Nhà nước đã trân trọng truy tặng chị Huân chương chiến công hạng Nhất và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Chị Võ Thị Sáu chính là một biểu tượng về lòng dũng cảm, kiên cường.

Kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 12

Trần Quốc Tuấn (1231? - 1300), tước Hưng Đạo Vương là một danh tướng kiệt xuất của dân tộc thời Trần. Ông là một vị anh hùng của dân tộc, có công lớn trong chiến thắng chống quân Nguyên - Mông.

Ông là con của An Sinh Vương. Lúc mới sinh ra, có một thầy tướng xem cho và bảo: “Người này ngày sau có thể giúp nước cứu đời”. Đến khi lớn lên, dung mạo khôi ngô, thông minh hơn người, đọc rộng các sách, có tài văn võ. Cha của ông trước đây vốn có hiềm khích với Chiêu Lăng, mang lòng hậm hực, tìm khắp những người tài nghệ để dạy Quốc Tuấn. Lúc sắp mất, An Sinh cầm tay Quốc Tuấn dặn rằng:

- Con mà không vì cha lấy được thiên hạ thì cha dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được.

Ông ghi nhớ trong lòng, nhưng không cho điều đó là phải. Sau này, đến khi vận nước ở trong tay, quyền quân quyền nước đều do ở mình, ông đem lời cha dặn nói với gia nô là Dã Tượng, Yết Kiêu. Họ đã can ngăn ông:

- Làm kế ấy tuy được phú qu‎ một thời mà để lại tiếng xấu ngàn năm. Nay đại vương chẳng phải đủ phú và quý‎ hay sao? Chúng tôi thề xin chết già làm gia nô, chứ không muốn làm quan mà không có trung hiếu.

Trần Quốc Tuấn nghe vậy, lấy làm cảm phục lắm, liền khen ngợi hai người. Trong hai năm, 1285 và năm 1287, quân Nguyên - Mông xâm lược nước ta, lần nào ông cũng được Trần Nhân Tông cử làm Tiết chế thống lĩnh các đạo quân, cả hai lần đều thắng lợi vẻ vang. Sau này khi mất, nhân dân tôn thờ ông là Đức thánh Trần và lập đền thờ ở nhiều trên đất nước.

Qua sự này, có thể thấy được tấm lòng trung nghĩa với vua, với nước, không tư lợi của Trần Quốc Tuấn, ông là người thận trọng và quyết đoán và cũng chân thành.

Có thể khẳng định, Trần Hưng Đạo là một vị anh hùng lỗi lạc của dân tộc. Cuộc đời của ông đã có những đóng góp to lớn cho nhân dân, đất nước.

Kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 13

Mạc Đĩnh Chi (1272 - 1346), tự là Tiết Phu, người ở thôn Lũng Động, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ông là một nhân vật lịch sử mà tôi cảm thấy rất ngưỡng mộ và kính trọng.

Mạc Đĩnh Chi vốn thông minh hơn người. Vì văn hay chữ tốt, ông được Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc nhận làm môn đồ, chu cấp cho ăn học. Tháng 3, năm Giáp Thìn (1304), vua Trần Anh Tông đã cho mở khoa thi Thái học sinh để tìm kiếm nhân tài. Kỳ thi đó lấy đỗ được bốn mươi bốn người. Mạc Đĩnh Chi đỗ Trạng nguyên, được sung làm Nội thư gia. Dù vậy, Mạc Đĩnh Chi lại có hình dáng thấp bé, vua Trần Anh Tông thường chê ông xấu. Mạc Đĩnh Chi đã làm bài phú “Ngọc tỉnh liên phú” có nghĩa là “Sen trong giếng Ngọc” để tự nói mình. Vua Trần Anh Tông xem xong, không ngớt lời khen ngợi.

Khi đảm nhận chức Nội thư gia, Mạc Đĩnh Chi phụng mệnh đi sứ sang Trung Quốc. Nhà Nguyên có ý xem thường ông vì ngoại hình. Một hôm, quan Tể tướng cho mời ông vào phủ. Trong phủ có treo một bức tranh mỏng thêu con chim sẻ vàng đỗ cành trúc. Mạc Đĩnh Chi giả vờ nhận lầm con chim ấy là thật, vội nhảy tới chụp bắt. Cả triều thần nhà Nguyên cùng cười ồ cho ông là quê mùa. Ông liền kéo bức tranh xuống và xé nát. Mọi người lấy làm lạ, hỏi lý do. Ông đáp: “Theo chỗ tôi biết, cố nhân chỉ vẽ tranh mai – tước, chớ chưa bao giờ vẽ tranh trúc – tước. Vì trúc là biểu tượng của mẫu người quân tử, chim sẻ là biểu tượng của bọn tiểu nhân. Nay bức tranh này lại thêu trúc – tước, tức là đã đem tiểu nhân đặt lên trên quân tử. Tôi sợ rằng làm như vậy rồi đạo của tiểu nhân sẽ mạnh, đạo của quân tử sẽ bị suy. Bởi vậy tôi xin thánh triều trừ khử đi”. Lúc này, tất cả đều phải khâm phục tài năng của ông.

Một lần nọ, vào tiến triều vua Nguyên, đến khi vào chầu gặp người nước ngoài dâng quạt, vua Nguyên sai làm bài minh. Mạc Đĩnh Chi cầm bút viết xong ngay hoàng đế nhà Nguyên xem xong rất khen ngợi. Kể từ đó, triều Nguyên càng thêm thán phục và Mạc Đĩnh Chi đã được xem là “Lưỡng quốc Trạng nguyên”.

Có thể khẳng định rằng, Mạc Đĩnh Chi là một vị Trạng nguyên tài giỏi hơn người, có công lao rất lớn đối với đất nước.

Kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 14

Dân tộc Việt Nam đã trải qua những năm tháng chiến tranh. Rất nhiều vị anh hùng đã góp phần làm nên lịch sử của dân tộc. Một trong số đó phải kể đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tên khai sinh là Võ Giáp, bí danh là Văn. Ông sinh năm 1911, mất năm 2013. Quê tại làng An Xá, nay là xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ông sinh ra trong một gia đình nhà nho giàu truyền thống yêu nước, nên từ nhỏ đã được giáo dục về lòng căm thù giặc và tình yêu quê hương, đất nước.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng, giao cho nắm giữ trọng trách quan trọng. Chuyện kể rằng cuối năm 1954, Ban Thường vụ T.Ư quyết định thành lập Bộ Chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận. Trước khi ra mặt trận, Bác Hồ có hỏi: “Chú đi xa như vậy, chỉ đạo chiến trường có gì trở ngại?”. Đại tướng trả lời: “Thưa Bác, chỉ trở ngại là ở xa, khi có vấn đề gì quan trọng, khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị!”. Bác bảo: “Tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền quyết định rồi báo cáo sau”. Khi chia tay, Bác căn dặn: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh!”.

Nhờ có sự tin tưởng tuyệt đối của Bác Hồ đã củng cố quyết tâm thực hiện phương châm tác chiến phải “đánh chắc, tiến chắc” của Đại tướng. Kết quả là chiến dịch Điện Biên Phủ đã giành thắng lợi vẻ vang.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp được coi là người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông đã trở thành tấm gương sáng ngời để thế hệ sau noi theo.

Kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 15

Từ xưa đến nay, dân tộc Việt Nam vốn tự hào với truyền thống yêu nước của dân tộc. Trong bất cứ thời đại nào, đất nước cũng có những bậc anh hùng đứng lên lãnh đạo nhân dân đánh bại kẻ thù xâm lược, giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc. Một trong số đó phải kể đến Hưng Đạo Đại Vương - Trần Quốc Tuấn.

Trần Quốc Tuấn (1231? - 1300), tước Hưng Đạo Đại Vương. Ông là con trai của thân vương An Sinh Vương - Trần Liễu. Ông sinh ra trong một thời kì “hỗn loạn” của nhà Trần. Năm 1285 và năm 1287, quân Nguyên - Mông xâm lược nước ta, lần nào ông cũng được Trần Nhân Tông cử làm Tiết chế thống lĩnh các đạo quân, cả hai lần đều thắng lợi vẻ vang. Vào đời vua Trần Anh Tông, ông về trí sĩ ở Vạn Kiếp (nay là xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) rồi mất ở đấy. Nhân dân tôn thờ ông là Đức thánh Trần và lập đền thờ ở nhiều trên đất nước.

Trần Quốc Tuấn được biết đến là một người thông minh, văn võ song toàn. Ông chính là một danh tướng kiệt xuất của dân tộc thời Trần, góp công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên của dân tộc. Không chỉ vậy, ông cũng có nhiều tác phẩm hay, chủ yếu liên quan đến binh pháp. Các tác phẩm của ông gồm Dụ chư tỳ tướng hịch văn (Hịch tướng sĩ), Binh gia diệu lý yếu lược (Binh thư yếu lược), Vạn Kiếp tông bí truyền thư (Sách bí truyền của tông phái Vạn Kiếp, đã bị thất lạc).

Có rất nhiều tích truyện kể về Trần Quốc Tuấn. Trong đó, chúng ta có thể kể đến việc Trần Quốc Tuấn viết “Hịch tướng sĩ”. Bài hịch được viết vào khoảng trước cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên lần thứ hai (1285). Mục đích của Trần Quốc Tuấn nhằm khích lệ tướng sĩ học tập cuốn Binh thư yếu lược (Sách tóm tắt những điều cốt yếu về binh pháp) cũng do chính ông soạn.

Nội dung chính của “Hịch tướng sĩ” phản ánh tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Điều đó được thể hiện qua lòng căm thù giặc, ý chí quyết chiến quyết thắng kẻ thù xâm lược. đưa ra những tấm gương thể hiện sự trung thành của các vị tướng thời trước. Sau đó ông nêu lên tội ác của quân giặc, bộc lộ nỗi lòng của mình trước hoàn cảnh của đất nước. Ông chỉ ra sự sai trái trong hành động, suy nghĩ của các tướng sĩ. Cuối cùng là lời kêu gọi tướng sĩ học tập theo “Binh thư yếu lược”.

Có thể thấy rằng, Trần Quốc Tuấn không chỉ là một người tài ba anh dũng còn là một vị tướng hết lòng vì vận mệnh đất nước. Ông là một vị anh hùng kiệt xuất, được thế giới tôn vinh là một trong những vị tướng vĩ đại nhất mọi thời đại.

Kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 16

Có thể khẳng định rằng, Hai Bà Trưng được biết đến là những vị nữ anh hùng đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Vào đầu thế kỉ I, nước ta bị nhà Hán đô hộ. Thái thú quận Giao Chỉ là Tô Định nổi tiếng tham lam, tàn bạo. Hai chị em là Trưng Trắc, Trưng Nhị sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, nên sớm có lòng căm thù giặc. Bấy giờ, Trưng Trắc cùng chồng của mình là Thi Sách đã liên kết với các thủ lĩnh khác để chuẩn bị cho cùng nổi dậy. Ngay lúc này, Thi Sách lại bị Tô Định bắt và giết hại. Hai Bà Trưng quyết tâm khởi nghĩa để đền nợ nước, trả thù nhà.

Diễn biến cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng gồm có hai giai đoạn. Lần một vào năm 40, cuộc khởi nghĩa thu hút được hào kiệt khắp nơi về gia nhập. Nghĩa quân đã nhanh chóng đánh bại được quân nhà Hán, làm chủ Mê Linh, rồi tiến về Cổ Loa và Lụy Châu. Quan thái thú Tô Định bỏ thành, chạy trốn về Nam Hải (Quảng Đông, Trung Quốc). Quân Hán ở các quận huyện khác cũng gặp thất bại. Cuộc khởi nghĩa thắng lợi hoàn toàn.

Đến năm 42, nhà Hán tiếp tục trở lại xâm lược, cử Mã Viện chỉ đạo cánh quân xâm lược này gồm có hai vạn quân tinh nhuệ, hai nghìn xe thuyền và nhiều dân phu. Chúng tấn công quân ta ở Hợp Phố, nhân dân ở Hợp Phố đã anh dũng chống trả nhưng vẫn gặp thất bại. Sau khi chiếm được Hợp Phố, Mã Viện đã chia quân thành hai đạo thủy bộ tiến Lục Đầu và gặp nhau tại Lẵng Bạc. Sau khi nhận được tin tức, Hai Bà Trưng kéo quân từ Mê Linh về nghênh chiến với địch tại Lãng Bạc. Quân ta giữ vững được Cổ Loa và Mê Linh nhưng Mã Viện tiếp tục đuổi theo buộc quân ta phải lùi về Cẩm Khê. Tháng 3 năm 43, Hai Bà Trưng hy sinh ở Cẩm Khê. Cuộc kháng chiến vẫn kéo dài đến tháng 11 năm 43 sau đó mới bị dập tắt. Dù thất bại, nhưng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng vẫn có ý nghĩa to lớn.

Có thể khẳng định rằng, Hai Bà Trưng chính là tấm gương về sự dũng cảm, tấm lòng yêu nước để thế hệ sau noi theo.

Kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 17

Một trong những vị anh hùng dân tộc đáng ngưỡng mộ phải kể đến là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông được coi là người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Võ Nguyên Giáp, tên khai sinh là Võ Giáp, bí danh là Văn. Ông sinh năm 1911, mất năm 2013. Quê tại làng An Xá, nay là xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Có rất nhiều mẩu chuyện kể về vị tướng huyền thoại của nhân dân. Truyện kể rằng, cụ Võ Quang Nghiêm, thân sinh của Đại tướng là liệt sĩ. Sau khi tìm được mộ cụ và đưa từ Huế về (1977), hài cốt cụ được đưa vào nghĩa trang liệt sĩ huyện. Khi thiết kế nghĩa trang, huyện đã chừa hai ô ở khu các anh hùng, có ý sẽ an táng song thân Đại tướng ở đó. Nhưng lúc biết chuyện, Đại tướng nói:

- Cảm ơn thiện ý của lãnh đạo huyện, nhưng ông thân tôi là liệt sĩ bình thường nên không thể đặt ở khu vực dành cho các anh hùng. Còn thân mẫu tôi là người dân, không thể đặt vào nghĩa trang liệt sĩ

Vì vậy, theo lời Đại tướng, cụ thân sinh được đặt ở cạnh khu vực các anh hùng liệt sĩ, còn thân mẫu được an táng phía ngoài nghĩa trang, cách khuôn viên vài chục mét.

Từ câu chuyện nhỏ này, có thể thấy rằng Đại tướng đã nghiêm túc thực hiện lời dạy của Bác Hồ: Người cách mạng phải “dĩ công vi thượng”! Quả là người học trò gương mẫu của Bác.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng. Không chỉ vậy, ông còn là tấm gương về một nhân cách lớn cho thế hệ sau noi theo.

Kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 18

Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Cuộc đời của Người đã cống hiến cho đất nước và nhân dân. Có rất nhiều sự việc liên quan đến Bác đã được kể lại.

Sự việc dưới đây xảy ra trước khi Bác Hồ quyết định ra đi tim đường cứu nước. Hồi ấy, ở Sài Gòn, Bác Hồ có một người bạn tên là Lê. Một hôm, Bác Hồ hỏi bác Lê:

- Anh có yêu nước không?

Bác Lê trả lời:

- Có chứ!

- Anh có thể giữ bí mật không?

- Có!

- Tôi muốn đi ra nước ngoài xem Pháp và các nước khác họ làm như thế nào. Sau đó, trở về giúp đồng bào chúng ta. Nhưng đi một mình cũng mạo hiểm. Anh có muốn đi với tôi không?

Bác Lê sửng sốt:

- Nhưng chúng ta lấy đâu ra tiền mà đi?

- Đây, tiền đây!

Vừa nói. Bác Hồ vừa giơ hai tay ra và tiếp:

- Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi. Anh đi với tôi chứ?

Và sau đó, vào ngày 5 tháng 6 năm 1911, từ Bến Nhà Rồng, chỉ có người thanh niên tên Nguyễn Tất Thành (sau đổi thành Văn Ba ) lên đường sang Pháp. Bác đã xin làm nghề phụ bếp trên chiếc tàu buôn Đô đốc Latouche-Tréville.

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm tấm gương của sự dám nghĩ, dám làm. Bác đã ấp ủ ý định và quyết tâm thực hiện, điều đó cũng xuất phát từ chính tấm lòng yêu nước, thương dân sâu nặng.

Như vậy, Bác chính là tấm gương sáng người để mỗi người học tập theo. Mỗi câu chuyện về Bác đều ý nghĩa và đáng trân trọng.

Kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 19

Đất nước Việt Nam đã trải qua một nghìn năm Bắc thuộc. Rất nhiều vị anh hùng đã đứng lên đấu tranh, bảo vệ đất nước. Một trong số đó phải kể đến Hai Bà Trưng.

Hai Bà Trưng gồm hai chị em ruột là bà Trưng Trắc và bà Trưng Nhị. Họ đã ghi danh vào trang sử hào hùng với cuộc chiến chống ách đô hộ nhà Đông Hán (40 - 43). Chồng của bà Trưng Trắc bị thái thú Tô Định giết hại một cách dã man. Nợ nước, thù nhà nên bà quyết định nổi binh cùng em gái là Trưng Nhị chống lại kẻ thù. Trước khi xuất binh, hai bà đã đọc vang lời thề:

“Một xin rửa sạch nước thù
Hai xin nối lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kẻo oan ức lòng chồng
Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này”

Trong cuộc khởi nghĩa của hai bà, có rất nhiều nữ tướng tham gia và họ cùng nhau lập những chiến công khiến cho quân giặc khiếp hồn, thái thú Tô Định phải bỏ chạy về nước. Sau khi làm chủ đất Mê Linh, Trưng Trắc lên làm vua lấy hiệu là Trưng Vương, hoàn thành sứ mệnh nối nghiệp họ Hùng. Năm 43, quân giặc tiến quân xâm lược, Hai Bà Trưng kiên cường chống trả, song quân địch quá đông và mạnh, nghĩa quân thua trận.

Hai Bà Trưng là những vị tướng tài năng của dân tộc. Tuy là phụ nữ, nhưng lại có lòng dũng cảm, tài năng hơn người cùng với ý chí quyết tâm để lãnh đạo nhân dân chống lại kẻ thù xâm lược.

Có thể khẳng định rằng, Hai Bà Trưng chính là những nữ anh hùng đầu tiên trong lịch sử dân tộc, là tấm gương để mỗi người học tập và noi theo.

Kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 20

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Cuộc đời của ông là một tấm gương tiêu biểu để mỗi người dân Việt Nam noi theo.

Tháng 11 năm 1983, Đại tướng có về quê và ghé thăm trường cấp 3 Lệ Thủy. Ông nhận được sự chào đón của toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh trong trường. Lúc đó, Đại tướng đã rẽ đám đông đến trước một ông già thấp đậm, quắc thước, râu tóc bạc trắng và cất tiếng hỏi:

- Tôi trông cụ quen quen? Có phải cụ là Choạc không?

Cụ già mới lúng túng đáp:

- Thưa ngài… đúng ạ!

Đại tướng liền nói:

- Xin cụ đừng gọi như vậy. Năm nay cụ bao nhiêu tuổi?

- Dạ thưa, tôi đã bảy mươi mốt tuổi.

Đại tướng tiếp lời:

- Tôi bảy mươi ba, chúng ta là bạn đồng niên.

Đến khi Đại tướng rời đi, mọi người mới nghe kể lại. Ông Lê Choạc khi còn trẻ thường đi cấy, gặt thuê, trong đó có nhà cụ Võ Quang Nghiêm. Vào các dịp nghỉ hè, cậu Giáp học ở Huế thường về quê. Dù đã nửa thế kỉ trôi qua, trong đám đông, Đại tướng vẫn nhận ra người quen cũ.

Có thể thấy, Đại tướng là một con người trọng tình nghĩa, tài đức vẹn toàn. Ông chính là tấm gương sáng ngời cho thế hệ sau học tập.

Kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 21

Một trong những vị anh hùng của dân tộc Việt Nam là Võ Thị Sáu. Chị chính là một trong những biểu tượng cho lòng dũng cảm, sự gan dạ của người phụ nữ Việt Nam.

Võ Thị Sáu sinh năm 1933, mất năm 1952. Về nguyên quán, trên bia mộ chỉ ghi tại huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Chị tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn rất trẻ, đã hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ quan trọng.

Chị đã tham gia nhiều trận chiến đấu để bảo vệ quê hương, dùng lựu đạn tiêu diệt hai tên ác ôn và làm bị thương nhiều lính Pháp. Chị còn nhiều lần phát hiện gian tế, tay sai Pháp, giúp đội công an thoát khỏi nguy hiểm, chủ động trong việc tấn công địch…

Vào tháng 7 năm 1948, Công an Đất Đỏ được giao nhiệm vụ phá cuộc mít tinh kỷ niệm Quốc khánh Pháp. Dù nguy hiểm, nhưng chị Sáu vẫn chủ động xin được trực tiếp đánh trận này. Chị đã nhận lựu đạn, giấu vào góc chợ gần khán đài từ nửa đêm. Sáng hôm đó, địch lùa người dân vào sân. Khi xe của tỉnh trưởng tới, chị tung lựu đạn về phía khán đài, uy hiếp giải tán mít tinh.

Hai tổ công an xung phong ở gần đấy đồng loạt nổ súng yểm trợ tạo áp lực giải tán cuộc mít tinh, đồng thời hỗ trợ cho chị Sáu rút an toàn. Người của Việt Minh được bố trí trong đám đông hô to “Việt Minh tiến công” và hướng dẫn người dân giải tán. Sau chiến công này, chị Sáu được tổ chức tuyên dương khen ngợi và được giao nhiệm nhiều nhiệm vụ quan trọng khác. Khi bị giặc bắt giam tại nhà tù Côn Đảo, chuẩn bị xử tử hình, chị vẫn giữ được tinh thần của người chiến sĩ cách mạng.

Năm 1993, Nhà nước đã trân trọng truy tặng chị Huân chương chiến công hạng Nhất và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

Có thể khẳng định rằng, chị Võ Thị Sáu là một tấm gương về lòng dũng cảm, sự gan dạ, đáng để chúng ta học tập và noi theo.

Kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 22

Những sự kiện lịch sử có ý nghĩa lớn lao với một quốc gia, dân tộc. Và sự kiện mà tôi ấn tượng nhất chính là Cách mạng tháng Tám (1945) của dân tộc Việt Nam.

Năm 1945, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa để phá bỏ xiềng xích nô lệ hơn tám mươi năm dưới ách thống trị của thực dân Pháp, mở ra một bước ngoặt mới cho đất nước Việt Nam.

Ngày 9 tháng 3 năm 1945, trong đêm Nhật - Pháp bắn nhau, Hội nghị Thường vụ mở rộng dưới sự chỉ đạo của Tổng bí thư Trường Chinh. Đến ngày 12 tháng 3 năm 1945, Ban thường vụ trung ương Đảng đã họp hội nghị mở rộng, ra Chỉ thị nêu rõ “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”.

Từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 8 năm 1945, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, ra Quân lệnh số 1. Ngày 16 tháng 8 năm 1945, Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) thông qua Lệnh Tổng khởi nghĩa. Đến chiều cùng ngày, một đơn vị Quân giải phóng do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy từ Tân Trào tiến về giải phóng Thái Nguyên, mở đầu cho Cách mạng tháng Tám.

Ngày 17 tháng 8 năm 1945, Ủy ban giải phóng dân tộc ra mắt quốc dân và làm lễ tuyên thệ trước sân đình Tân Trào. Vào ngày 18 tháng 8 năm 1845, nhân dân bốn tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 19 tháng 8 năm 1945, cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi tại thủ đô Hà Nội. Từ ngày 20 tháng 8, cuộc tổng khởi nghĩa lan rộng ra trên khắp các tỉnh thành phố.

Ngày 30 tháng 8 năm 1945, Hoàng đế Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều đình nhà Nguyễn thoái vị. Cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám toàn thắng. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám đã có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với đất nước và nhân dân Việt Nam.

Kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 23

Đất nước Việt Nam đã sản sinh ra rất nhiều anh hùng. Trong số đó, Trần Quốc Toản là vị anh hùng đáng ngưỡng mộ và cảm phục.

Trần Quốc Toản (không rõ năm sinh, năm mất), hiệu là Hoài Văn hầu, là một tông thất nhà Trần.

Vào năm 1282, vua Trần Nhân Tông cho tổ chức Hội nghị gồm các Vương hầu và tướng lĩnh tại bến Bình Than để bàn kế sách chống giặc Mông - Nguyên. Vì còn ít tuổi nên Trần Quốc Toản không được tham dự. Quốc Toản trong lòng hổ thẹn, phẫn uất, tay cầm quả cam mà bóp nát lúc nào không biết.

Không nản lòng, Trần Quốc Toản lui về huy động hơn nghìn gia nô và thân thuộc sắm vũ khí, đóng chiến thuyền viết lên cờ sáu chữ “phá cường địch, báo hoàng ân” (Phá giặc mạnh, đền ơn vua). Tiếng vang của Quốc Toản với lá cờ thêu sáu chữ vàng lan truyền khắp mọi nơi.

Đến năm 1285, quân Mông - Nguyên tràn vào xâm lược nước ta. Lúc này, lá cờ thêu sáu chữ vàng của Hoài Văn hầu xuất hiện trên nhiều mặt trận. Ông đã trực tiếp chỉ huy quân đội sát cánh cùng quân chủ lực của triều đình góp phần làm nên những chiến thắng vang dội ở Hàm Tử, Tây Kết, Chương Dương. Quân giặc phải bỏ Thăng Long, chạy về Kinh Bắc (Bắc Ninh) để tìm đường về nước. Sau này, khi ông hy sinh, vua Trần hết sức thương tiếc, cho cử hành tang lễ và đích thân làm văn tế và truy tặng Trần Quốc Toản tước Hoài Văn Vương.

Trần Quốc Toản không chỉ có tài năng mà còn mang những phẩm chất tốt đẹp như dũng cảm, kiên cường và nghị lực. Ông đã trở thành tấm gương sáng ngời về ý chí và lòng yêu nước để các thế hệ trẻ Việt Nam noi theo.

Kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 24

Một trong những sự kiện lịch sử có ý nghĩa vô cùng quan trọng với dân tộc Việt Nam là Chiến thắng Điện Biên Phủ. Với sự kiện này, cuộc kháng chiến chống thực dân pháp đã chính thức giành thắng lợi.

Nhà thơ Tố Hữu đã từng viết:

“Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”

Từ đó, chúng ta mới thấy được ý nghĩa của chiến dịch này. Trước hết, chiến dịch Điện Biên Phủ là đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954. Ba đợt tiến công diễn ra trong năm mươi sáu ngày đêm. Đợt 1 (từ 13 đến 17 tháng 3), chúng ta tiêu diệt được hai cứ điểm quan trọng là Him Lam và Độc Lập, mở toang cánh cửa phía Bắc và Đông Bắc cho quân ta tiến xuống lòng chảo và khu trung tâm. Đợt 2 (từ 30 tháng 3 đến 30 tháng 4), ta đã kiểm soát các điểm cao, khu trung tâm Điện Biên Phủ nằm trong tầm bắn các loại sống của ta. Còn quân địch rơi vào thể bị động mất tinh thần cao độ. Đợt 3 (từ 1 đến 7 tháng 5), quân ta tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đến ngày 7 tháng 5 năm 1954, chiến dịch toàn thắng.

Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đã chấm dứt chín năm kháng chiến chống Pháp trường kỳ, gian khổ của nhân dân Việt Nam. Từ đó, thực dân Pháp buộc phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ (7/1954) về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình tại các nước Đông Dương. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ thể hiện niềm tự hào dân tộc, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và cổ vũ toàn Đảng, toàn dân một lòng chiến đấu dưới lá cờ vẻ vang của Đảng vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Đồng thời, chiến thắng này cũng cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, đặc biệt là các nước ở châu Á, châu Phi và Mĩ La-tinh.

Có thể khẳng định rằng, Điện Biên Phủ là một trong những chiến dịch vô cùng quan trọng, góp phần đánh bại kẻ thù xâm lược - thực dân Pháp.

Xem thêm các bài viết Tập làm văn lớp 7 hay khác:

Xem thêm các bài viết Tập làm văn lớp 7 Chân trời sáng tạo hay nhất, ngắn gọn khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 7 hay khác:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH LUYỆN THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 7

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi, sách dành cho giáo viên và khóa học dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài soạn văn lớp 7 hay nhất dựa trên đề bài và hình ảnh của sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7 Tập 1, Tập 2 bộ sách Chân trời sáng tạo (NXB Giáo dục). Bản quyền soạn văn lớp 7 thuộc VietJack, nghiêm cấm mọi hành vi sao chép mà chưa được xin phép.

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Giải bài tập lớp 7 Chân trời sáng tạo khác
Tài liệu giáo viên