Top 30 Viết bài văn thuyết minh về quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động

Tổng hợp các bài văn thuyết minh về quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động hay nhất với dàn ý chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Top 30 Viết bài văn thuyết minh về quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động (hay nhất)

Quảng cáo

Viết bài văn thuyết minh về quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động - mẫu 1

Những trò chơi không chỉ mang tính giải trí mà còn giúp rèn luyện sức khỏe. Một trong những trò chơi rất phổ biến đối với học sinh là nhảy dây tập thể.

Cũng như những trò chơi khác, nhảy dây tập thể có luật lệ riêng. Về dụng cụ, trò chơi này sẽ sử dụng một sợi dây thừng có bề ngang bằng ngón tay cái, dài khoảng tám đến mười mét.

Về số lượng người tham gia không giới hạn. Nhưng mỗi lần chơi sẽ có tối đa mười người. Hai người phụ trách quay dây, những người còn lại sẽ tham gia nhảy. Người chơi cần có sức khỏe, sự linh hoạt và sức bền tốt. Khi tham gia chơi, người chơi cần mặc trang phục gọn gàng, thoải mái.

Trò chơi này có luật chơi khá đơn giản. Người chơi sẽ chia làm các đội để thi đấu với nhau. Mỗi đội có mười thành viên. Hai bạn phụ trách quay dây theo chiều kim đồng hồ. Tám bạn còn lại sẽ lần lượt nhảy vào theo thứ tự. Người trước thành công nhảy vào dây, nhảy tại chỗ được năm cái thì người thứ hai mới được nhảy vào. Cứ như vậy lần lượt đến khi cả tám thành viên đều đã vào được dây, cùng nhảy tại chỗ năm lần thì thành công. Đội thành công với số lần thử ít nhất sẽ là đội dành chiến thắng.

Quảng cáo

Trò chơi nhảy dây tập thể giúp người chơi rèn luyện sức khỏe, sự khéo léo và bền bỉ. Không chỉ vậy, trò chơi còn giúp củng cố tinh thần đoàn kết giữa người chơi bởi đây là trò chơi có tính tập thể cao.

Trò chơi nhảy dây tập thể được nhiều học sinh yêu thích, lựa chọn chơi vào mỗi giờ giải lao bởi những lợi ích của trò chơi này.

Dàn ý Viết bài văn thuyết minh về quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động

1. Mở bài

- Nêu tên quy tắc, luật lệ của hoạt động/trò chơi.

- Nêu lí do của việc thuyết minh về quy tắc, luật lệ.

2. Thân bài

- Giới thiệu vắn tắt mục đích, bối cảnh, không gian, thời gian, diễn ra hoạt động/trò chơi và sự cần thiết thực hiện hoạt động, trò chơi theo quy tắc.

- Trình bày các điều khoản, nội dung của quy tắc, luật lệ:

+ Điều khoản/nội dung 1

+ Điều khoản/nội dung 2

Quảng cáo

+ Điều khoản/nội dung 3…

+ Một vài lưu ý đặc biệt (nếu có)

3. Kết bài

- Khẳng định ý nghĩa của việc tuân thủ quy tắc, luật lệ.

- Đưa ra khuyến nghị với người đọc (nếu có).

Viết bài văn thuyết minh về quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động - mẫu 2

Hội thi thổi cơm ở Đồng Vân tổ chức vào ngày rằm tháng giêng (âm lịch) hằng năm, tại làng Đồng Vân, xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng.

Nguồn gốc là từ các cuộc trẩy quân đánh giặc của người Việt cổ bên dòng sông Đáy xưa. Những người tham dự được tuyển chọn từ các xóm trong làng, chia thành các nhiều đội. Đây là dịp trai gái trong làng đua tài khỏe mạnh, thông minh khi lấy lửa, dịp trai gái thể hiện bàn tay khéo léo để có cơm dẻo tiếp binh lương.

Quảng cáo

Mở đầu, trống chiêng điểm ba hồi, các đội hình dự thi xếp hàng trang nghiêm làm lễ dâng hương trước cửa đình để tưởng nhớ vị thành hoàng làng có công cứu dân độ quốc. Quá trình thổi cơm bắt đầu bằng việc lấy lửa trên ngọn cây chuối cao. Tiếng trống hiệu vang lên, bốn thanh niên của bốn đội sẽ leo lên thân cây chuối được bôi mỡ. Khi lấy được nén hương mang xuống, ban tổ chức phát cho ba que diêm châm vào hương chảy thành ngọn lửa. Những người khác thì giã thóc, giần sàng thành gạo, lấy nước và thổi cơm. Những nồi cơm nho nhỏ treo dưới những cành cong hình cánh cung được cắm rất khéo léo từ dây lưng uốn về trước mặt. Tay cầm cần, tay cầm đuốc đung đưa cho ánh lửa bập bùng. Sau một giờ, những nồi cơm lần lượt được đem trình bày. Tiêu chí chấm điểm theo ba tiêu chuẩn: gạo trắng, cơm dẻo và không có cơm cháy.

Hội thi là một nét đẹp văn hóa truyền thống, thể hiện nền văn minh lúa nước lâu đời của dân tộc Việt. Đồng thời, chúng ta cũng thấy được truyền thống đánh giặc ngoại xâm cùng với tinh thần đoàn kết của nhân dân ta.

Viết bài văn thuyết minh về quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động - mẫu 3

Trò chơi dân gian là một trong những nét văn hóa đặc sắc của đất nước Việt Nam. Rất nhiều trò chơi vẫn còn được phổ biến cho đến ngày nay. Một trong số đó có thể kể đến nhảy bao bố.

Nhảy bao bố thường được tổ chức chơi trong các dịp lễ hội. Như các trò chơi khác thì trò chơi này cũng có những luật lệ riêng. Về dụng cụ, để chơi trò này, mỗi người chơi đều cần có một cái bao bố (hay chính là bao tải thường được dùng để đựng thóc, gạo). Bao bố được lựa chọn để chơi cần phải có kích thước đủ rộng, chiều cao tối thiểu đến ngang bụng người chơi. Ngoài ra, nó cũng cần có một độ dày để khi nhảy không bị rách hoặc bục ra gây cản trở và nguy hiểm cho người chơi.

Luật chơi bao bố rất đơn giản và dễ hiểu. Những người tham gia chơi sẽ thi đấu với nhau. Người chơi cần đứng sẵn ở vạch xuất phát. Hai chân để trong bao bố, hai tay cầm sẵn vành bao. Sau tiếng còi của trọng tài, người chơi cần dùng sức bật hai chân lên để nhảy về phía trước, sao cho không rơi ra ngoài bao. Nếu trên đường đua, người chơi bị rơi ra ngoài bao thì cần trở về vạch đích để nhảy lại từ đầu. Người đến đích trước sẽ giành chiến thắng chung cuộc. Phần thưởng dành cho người thắng tùy theo ban tổ chức cuộc chơi.

Lưu ý khi chơi trò bao bố là cần đảm bảo an toàn khi chơi. Người chơi cần phải cẩn thận khi nhảy trong bao, giữ được thăng bằng. Vì trò chơi này khiến hai chân bị giới hạn trong cái bao bố, dễ gây vướng víu, mất cân bằng khi nhảy. Chúng ta không nên quá vội vàng, mà cần ưu tiên sự chắc chắn. Trò chơi này giúp chúng ta giải trí sau những giờ học tập và làm việc căng thẳng. Bên cạnh đó, con người sẽ rèn luyện được sự khéo léo, kiên nhẫn và kiên trì.

Hiện nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, nhiều trò chơi điện tử hấp dẫn đã ra đời. Các trò chơi dân gian ít được chơi hơn. Điều này đã đặt ra một vấn đề về việc giữ gìn các trò chơi dân gian trong đời sống sinh hoạt của con người. Chúng ta cần phải giữ gìn và tích cực quảng bá để trò chơi dân gian luôn gần gũi với cuộc sống của con người.

Viết bài văn thuyết minh về quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động - mẫu 4

Từ xưa, các trò chơi dân gian đã giúp con người, đặc biệt là trẻ em giải trí, thư giãn. Một trong những trò chơi thú vị, hấp dẫn nhất mà chắc hẳn nhiều người sẽ biết đến là cướp cờ.

Trò chơi cướp cờ có quy tắc, luật chơi khá đơn giản. Về số lượng người, trò chơi này không hạn chế. Tuy nhiên, người chơi phải chia làm hai đội nên tổng số người chơi phải là chẵn. Mỗi đội thường có từ ba đến năm thành viên. Một người sẽ được cử làm quản trò.

Không gian chơi thường ở những nơi rộng rãi, thoáng mát và bằng phẳng như sân trường, nhà thể chất… Đầu tiên, người chơi sẽ phải chọn vật làm “cờ”. Đây là vật mà hai bên đội sẽ phải cạnh tranh để giành được. Người chơi thể sử dụng khăn đỏ, cành cây… làm “cờ”. Tiếp đến, người chơi sẽ phải kẻ sân chơi. Giữa sân chơi vẽ một vòng tròn có đường kính khoảng 20 - 25cm. Ở giữa vòng tròn, đặt vật làm cờ. Ở mỗi đầu sân, kẻ hai đường thẳng song song, đối xứng với nhau qua vòng tròn, cách vòng tròn khoảng 6 đến 7m. Đây là vị trí đứng của mỗi đội.

Sau khi chuẩn bị xong, trò chơi sẽ được bắt đầu. Mỗi đội sẽ đứng theo đường đã kẻ. Các thành viên lần lượt điểm danh từ một đến hết và phải nhớ chính xác số của mình. Quản trò đứng giữa sân chơi, là người có vai trò điều khiển, sẽ lần lượt hô các số của các người chơi. Khi quản trò hô tới số nào, thành viên nào ở hai đội có số tương ứng sẽ là được quyền chạy qua vạch tới đường tròn giữa sân để giành lấy “cờ”. Quản trò có thể được phép gọi nhiều số cùng lên. Hoặc gọi hai ba số cùng về. Người đầu tiên cướp được “cờ” phải nhanh chóng chạy lại về vạch xuất phát của đội mình. Người chơi còn lại phải tìm cách đuổi theo và chạm vào người đang cầm “cờ”. Nhưng đảm bảo chỉ được người chơi cùng số mới được chạm vào nhau. Nếu chạm được vào người đó, điểm sẽ thuộc về đội của người chơi đuổi theo. Còn không, để cho đội cướp cờ về đích an toàn, đội cướp cờ giành được điểm. Quản trò tiếp tục tiến hành các lượt chơi tiếp theo. Số lượt chơi sẽ được giới hạn nhất định. Sau một số lượt nhất định, cộng điểm thắng mỗi đội lại. Đội nào giành được nhiều điểm hơn là đội chiến thắng chung cuộc.

Một số lưu ý khi chơi cướp cờ như: Chỉ có người chơi được gọi số đúng với số của mình mới được chạy lên cướp cờ. Người chơi chạy sai số sẽ trừ một điểm vào điểm của đội mình. Nếu người chơi đã qua vạch đích, không được tiến hành đập vào người nữa…

Trò chơi cướp cờ giúp rèn luyện phản xạ, sự dẻo dai và nhanh nhẹn của mỗi người. Không chỉ vậy, trò chơi này còn giúp rèn luyện tinh thần đồng đội, khả năng hợp tác của mỗi người. Đây là một trò chơi rất hấp dẫn, thú vị.

Viết bài văn thuyết minh về quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động - mẫu 5

Dân tộc Việt Nam vốn giàu truyền thống văn hóa. Điều đó được thể hiện qua nhiều phương diện khác nhau. Một trong số đó có thể kể đến các trò chơi dân gian.

Bịt mắt bắt dê là một trò chơi đã xuất hiện từ lâu. Trong những bức tranh xưa, chúng ta đã thấy được hình ảnh cô bé, cậu bé đang trò này. Đây là một trò chơi mang tính tập thể cao, với sự tham gia của nhiều người chơi. Cách gọi “bắt dê” cũng có ý nghĩa riêng. Loài dê có bản tính hiền lành, nhút nhát nhưng khá linh hoạt và rất thích vận động. Vì vậy, người bắt được dê cần có sự nhanh nhẹn, tinh ý và chiến thuật. Mở mắt để bắt dê đã khó, bịt mắt để bắt được dê lại càng khó khăn hơn.

Trò chơi này thường được chơi ở những nơi rộng rãi, ví dụ như sân trường, công viên… Những người chơi sẽ nắm tay nhau để tạo ra một vòng tròn. Tất cả những người chơi sẽ oẳn tù xì để quyết định xem ai là người làm. Người thua sẽ phải bịt mắt lại bằng một chiếc khăn để không nhìn thấy. Những người còn lại đứng thành vòng tròn quanh người bị bịt mắt. Mọi người chạy xung quanh người bị bịt mắt đến khi nào người đó hô “đứng lại” thì họ phải đứng lại, không được di chuyển nữa. Nếu người làm bắt được “dê” và đoán đúng tên thì người đó sẽ phải ra “bắt dê”.

Bịt mắt bắt dê là trò chơi giúp rèn luyện phản xạ, cũng như sự nhanh nhẹn của người chơi. Không chỉ vậy, trò chơi này còn giúp gắn kết mọi người với nhau.

Viết bài văn thuyết minh về quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động - mẫu 6

Những trò chơi giúp con người thư giãn, giải trí. Mỗi trò chơi đều có những quy tắc và luật lệ riêng, trò chơi chuyền cũng vậy.

Chơi chuyền, hay còn gọi là đánh chắt, đánh thẻ là một trò chơi dân gian phổ biến với trẻ em, nhưng chủ yếu là các bạn nữ. Trò chơi này xuất hiện từ rất lâu về trước và có luật chơi khá đơn giản.

Số lượng người chơi có thể là một người, hoặc có thể từ hai đến năm người chơi thay phiên nhau. Để chơi chuyền cần chuẩn bị dụng chơi bao gồm mười que nhỏ gọi là que chuyền và một quả nặng. Que chuyền có thể được vót bằng tre hoặc nứa, thân nhỏ và dài. Quả nặng để chơi chuyền ngày xưa được sử dụng bằng quả cà, quả bưởi còn nhỏ...

Người chơi chuyền chỉ cần ngồi tại chỗ không cần di chuyển. Vì vậy, trò chơi ở bất cứ đâu như trong nhà, lớp học hoặc sân trường… Tuy nhiên trò chơi chuyền có hành động tung và đỡ bóng nên cần tránh các không gian bị vướng ở phía trên, để bóng không đánh trúng.

Trò chơi chuyền gắn liền với bài đồng dao cùng tên với lời thơ khá dài. Vì vậy trước khi chơi, người chơi nên được học thuộc trước lời đồng dao. Khi chơi, chúng ta sẽ oẳn tù tì để sắp xếp thứ tự chơi. Ở mỗi lượt, người chơi cần trải qua mười bàn chuyền một tay và mười bàn chuyền hai tay.

Mỗi bàn chuyền một tay cần tiến hành hai hành động là giải que truyền xuống chân và nhặt que truyền. Giải que chuyền là hành động đầu tiên của mỗi bàn. Người chơi sẽ duỗi thẳng một chân, dùng tay ngược lại với chân cầm cả quả nặng và mười que chuyền. Sau đó, người chơi sẽ tung quả nặng lên cao (nhưng không làm rơi que chuyền). Trong lúc quả nặng bay lên không trung, người chơi nhanh chóng dùng tay chải mười que chuyền dọc ống chân đang duỗi. Khi quả nặng rơi xuống, lại nhanh tay dùng chính tay ban đầu để đỡ quả nặng. Tiếp đến, người chơi cần tiến hành nhặt que chuyền. Quả nặng được cầm ở một tay, sau đó tung lên không trung. Trong lúc quả nặng trên không trung, người chơi nhanh chóng dùng chính tay vừa cầm để lấy số que cần nhặt ở mỗi bàn. Sau khi hết mười bàn chuyền một tay, người chơi sẽ chuyển sang chuyền bằng hai tay cũng bằng cách tung quả năng lên cao, đồng thời dùng hai tay nắm mười que chuyền ở giữa và xoay một đến hai vòng tại chỗ. Bàn chuyền này cũng sẽ thực hiện mười lần.

Trò chơi chuyền giúp rèn luyện trí nhớ, tư duy và cùng với đó mang đến cho trẻ sự nhanh nhẹn, dẻo dai, khéo léo. Có thể khẳng định, chơi chuyền là một trò chơi bổ ích, thú vị.

Viết bài văn thuyết minh về quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động - mẫu 7

Việt Nam là một nước giàu truyền thống văn hóa với những giá trị đời sống tinh thần rất đa dạng phong phú. Trong đó, những trò chơi dân gian cũng được xem như là những nét đẹp văn hóa làm nên bản sắc cho dân tộc Việt Nam. Một trong những trò chơi thú vị và khá phổ biến là trò chơi kéo co.

Chẳng biết từ bao giờ, trò chơi kéo co đã được phổ biến, len lỏi vào trong đời sống văn hóa giải trí của nhân dân ta một cách rất tự nhiên. Trò chơi kéo co vốn đã xuất hiện từ thời cổ đại. Những hình chạm trổ trên tường ngôi mộ cổ ở Ai Cập cho thấy người Ai Cập cổ đại đã từng tổ chức những cuộc thi đấu kéo co từ năm 2500 trước Công Nguyên. Dần dần trò chơi kéo co là một trò chơi quen thuộc của trẻ em nông thôn Việt Nam. Kéo co là môn thể thao mang tính đồng đội và là môn trọng vào sức mạnh. Nó không chỉ là môn thể thao rèn luyện sức khỏe, mà còn là trò chơi thể hiện tinh thần và mang tính đồng đội cao, đem lại niềm vui, sự thoải mái cho mọi người khi tham gia những trò chơi trong các dịp lễ hội. Ở Việt Nam, kéo co là một trò chơi dân gian truyền thống. Trong các hội hè dã ngoại, trò chơi này luôn hấp dẫn nhiều người tham gia. Vào các dịp lễ tết, kéo co lại là một phần quan trọng trong các lễ hội cổ truyền.

Để chơi kéo co thì rất đơn giản, không phải chuẩn bị gì nhiều, chỉ cần một cái dây thừng chắc chắn, dài khoảng 10 mét hoặc có thể dài hơn cũng được. Tùy thuộc vào số lượng người chơi để chuẩn bị độ dài dây thừng cho phù hợp. Luật chơi kéo co thì mỗi nơi một khác nhưng nhìn chung thì đều được chia làm hai phe, mỗi phe cùng dùng sức mạnh để kéo cho được bên kia ngã về phía mình, giữa sợi dây có buộc một cái khăn đỏ,bên nào kéo đoạn dây có buộc khăn đỏ qua vạch của mình trước là thắng. Trò chơi kéo co thì không yêu cầu người chơi là nam hay nữ, ai cũng có thể chơi được chỉ cần có sức khỏe tốt là được. Có nơi người ta lấy tay người, sức người trực tiếp kéo co. Hai người đứng đầu hai bên nắm lấy tay nhau, còn các người sau ôm bụng người trước mà kéo. Ðang giữa cuộc, một người bên nào bị đứt dây là thua bên kia. Kéo co cũng kéo ba keo, bên nào kéo thắng hai keo trước là thắng.Trong quá trình thi đấu giữa hai đội người ta cũng cử một người là trọng tài để phân định rõ ràng, thắng thua, khi tiếng còi cất lên hay có tiếng hiệu lệnh, thì cả hai bên phải dồn hết sức mạnh để kéo dây về phía mình. Một trận thi đấu chỉ diễn ra vài giây nhưng cũng có khi căng thẳng hơn kéo dài đến cả vài phút. Trong quá trình chơi phải cần có chiến thuật, kéo hết mình, nhiệt tình dùng hết sức lực . Trò chơi cũng đòi hỏi tinh thần đoàn kết cao, nếu tay hơi bị phồng hoặc bị rát thì người ta vẫn không ngại vất vả, bỏ qua những nỗi đau nhỏ và thi đấu hết mình. Các cổ động viên thì nhiệt tình hò reo, khua chống, chiêng để cổ vũ. Đôi khi sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả cũng khiến cho đội chơi chiến thắng nhanh chóng hơn.

Trò chơi kéo co đem lại cho con người rất nhiều sự bổ ích, đem lại niềm vui tiếng cười, biết được tinh thần đoàn kết trong quá trình tham gia thi đấu. Hiện nay xã hội ngày càng phát triển, con người dần bị cuốn theo công nghệ hiện đại, giới trẻ cũng dần chơi những trò chơi hiện đại mà quên đi những trò chơi dân gian truyền thống, bổ ích. Thế nhưng trò chơi dân gian kéo co vẫn đem lại những giá trị tinh dần của văn hóa dân tộc Việt và trở thành một nét đẹp mang bản sắc dân tộc.

Trò chơi kéo co vẫn sẽ mãi là thú vui của những trẻ em. Mỗi lần nhìn thấy trò chơi này, em cũng như được sống lại với kí ức tuổi thơ. Hi vọng rằng mọi người hãy chung tay trân trọng, níu giữ nét đẹp truyền thống này.

Viết bài văn thuyết minh về quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động - mẫu 8

Đời sống văn hóa của con người Việt Nam từ bao đời nay vô cùng phong phú và đa dạng. Trước khi có sự xuất hiện của Internet, các hình thức giải trí online, những trò chơi dân gian luôn dành được sự yêu thích của rất nhiều người. Một trong những nét đẹp văn hóa ấy là trò chơi kéo co.

Chẳng biết từ bao giờ, trò chơi kéo co đã được phổ biên, len lỏi vào trong đời sống văn hóa giải trí của nhân dân ta. Đây là một trò chơi mang tính đồng đội, tập thê, phù hợp với mọi lứa tuổi, không phân biệt già trẻ gái trai. Trò chơi ấy không chỉ phổ biến ở vùng đồng quê, nông thôn mà người dân thành phố cũng có thể tham gia. Đặc biệt trong các dịp lễ hội, thi đua,... đều không thể có sự vắng mặt của trò chơi kéo co.

Để tổ chức chơi kéo co, người chơi cần chuẩn bị một chiếc dậy thừng dài, chắc chắn. Tùy thuộc vào số lượng người chơi để chuẩn bị độ dài của dây cho phù hợp. Phần giữa của sợi dây được buộc dấu bằng vải màu. Cách vạch trung tâm về hai phía khoảng một mét là vạch xuất phát của hai đội. Thông thường, mỗi đội chơi thường có 10-15 người ngang sức ngang tài.

Sẽ có một người được cử ra làm trọng tài, khi tiếng còi cất lên hay có tiếng hiệu lệnh, thì cả hai bên phải dồn hết sức mạnh để kéo dây về phía mình. Bên nào kéo phần vải để được đánh dấu trên dây về nhiều hơn thì sẽ dành chiến thắng. Khi kéo, cũng có rất nhiều luật lệ được đặt ra cho người chơi, như không được phép nằm, đè lên dây, không được phép gian lận. Thông thường, các đội sẽ có những cách bố trí chiến thuật chơi khác nhau, người đội trưởng thường đứng đầu làm chỗ dựa cho các thành viên. Những tiếng hô vang: một, hai, ba,... được vang lên dõng dạc như một biện pháp nam khích lệ tinh thần cho các thành viên.

Để phân chia thắng bại công minh, trò chơi thường được chia làm ba vòng thi đấu. Mỗi vòng thi kéo dài có thể chỉ vài giây cho đến vài phút. Trò chơi đòi hỏi sức bền rất lớn, tinh thần đoàn kết của đồng đội. Trong quá trình chơi, tay có thể dễ bị phồng rộp, đau rát do lực ma sát của dây thừng. Thế nhưng, bỏ qua những mệt mỏi mà cảm giác dành được chiến thắng cũng rất vui vẻ. Trò chơi tuy đơn giản nhưng luôn nhận được sự ủng hộ, hô hào của cả người chơi và các cổ động viên. Mọi người khi tham gia cổ vũ đều hò hét, khua chiêng đánh trống vang dội để tiếp sức mạnh tinh thần cho người chơi.

Trò chơi kéo co được sử dụng qua rất nhiều các dịp lễ hội, trại hè. Như các ngày lễ tại trường học, nhà trường cũng thường tổ chức chơi kéo co cho các bạn học sinh, nhằm rèn luyện sức khỏe và tăng tính đồng đội, hợp tác cho các bạn học sinh.

Hiện nay, có rất nhiều trò chơi dân gian đã bị thay thế bởi những trò chơi game hiện đại, cuốn hút. Thế nhưng, trò chơi kéo co chắc chắn vẫn luôn được yêu mến, giữ gìn bởi những thế hệ về sau.

Viết bài văn thuyết minh về quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động - mẫu 9

Các trò chơi dân gian không chỉ giúp con người giải trí, mà còn đem lại nhiều lợi ích. Một trong những trò chơi dân gian được yêu thích có thể kể đến như cướp cờ.

Trò chơi cướp cờ được chơi ở nơi rộng rãi, sạch sẽ. Ví dụ như các khoảng sân, khu vui chơi… Về số lượng, trò chơi này không hạn chế người chơi. Tuy nhiên, người chơi cần chia làm hai đội để thi đấu nên số người chơi cần phải chẵn. Mỗi đội chơi gồm có khoảng ba đến năm thành viên. Một người được cử làm quản trò.

Luật chơi cướp cờ khá đơn giản. Đầu tiên, chúng ta cần chuẩn bị cờ (có thể sử dụng vật thay thế như khăn đỏ, cành cây nhỏ…). Tiếp đến, việc cần làm là kẻ sân chơi: vẽ một vòng tròn nhỏ giữa sân có đường kính khoảng 20 - 25cm, giữa vòng tròn sẽ đặt cờ. Ở mỗi đầu sân, kẻ hai đường thẳng song song, đối xứng với nhau qua vòng tròn, đó sẽ là vị trí xuất phát của mỗi đội.

Về cách chơi, đầu tiên, người chơi của hai đội sẽ đứng thành hàng ngang theo thứ tự trước vạch mốc tại hai đầu sân chơi. Các thành viên lần lượt điểm danh từ một đến hết và phải nhớ chính xác số của mình. Khi quản trò sẽ hô số thứ tự nào, thì người chơi có số thứ tự đó của mỗi đội sẽ cùng chạy thật nhanh lên vị trí cắm cờ, tìm cách để giật được cờ. Người chơi cướp được cờ thi rồi chạy thật nhanh về phía đội mình. Người của đội bạn sẽ tìm cách chặn lại để cướp cờ bằng cách đập (vỗ) vào người chạy cầm cờ. Người cầm cờ bị đập (vỗ) phải bỏ cờ xuống đất và người kia cướp cờ chạy về đội của mình. Cuộc rượt đuổi cứ thế tiếp tục, cho đến khi người chơi nào về đến đội của mình với cờ trên tay là thắng cuộc và được tính điểm.Sau đó, cờ được đặt lại vị trí đã quy định để trọng tài gọi người chơi tiếp theo của hai đội. Trò chơi tiếp tục, lần lượt đến khi hết người chơi của hai đội.

Một số lưu ý khi chơi cướp cờ như: Người chơi chỉ được chạy lên khi được gọi số đúng với số của mình. Chỉ được đập (vỗ) nhẹ vào người chơi đối phương khi họ đang cầm cờ. Khi người chơi đã cầm cờ chạy qua được vạch của đội mình thì người chơi của đội kia không được đập vào người bạn chơi. Người chơi chạy sai số sẽ trừ một điểm vào điểm của đội mình. Quản trò có thể gọi nhiều cặp đôi của hai đội cùng lên cướp cờ. Kết thúc cuộc chơi, đội nào được nhiều điểm hơn sẽ thắng cuộc.

Như vậy, cờ giúp rèn luyện phản xạ, sự dẻo dai và nhanh nhẹn của mỗi người. Không chỉ vậy, trò chơi này còn giúp rèn luyện tinh thần đồng đội, khả năng hợp tác của mỗi người.

Cướp cờ là một trò chơi thú vị, hấp dẫn. Chúng ta cần phải tích cực gìn giữ trò chơi dân gian này, để góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Viết bài văn thuyết minh về quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động - mẫu 10

Từ xưa đến nay, các trò chơi dân gian đã trở thành một phần giải trí không thể thiếu. Một trong những trò chơi thú vị có thể kể đến đó là rồng rắn lên mây.

Không thể khẳng định chắc chắn rằng trò chơi rồng rắn lên mây xuất hiện từ bao giờ. Nhưng có thể khẳng định, trò chơi này đã xuất hiện từ rất lâu, được trẻ con yêu thích. Đây cũng là trò chơi đã được phổ biến rộng rãi ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Điểm khác nhau giữa ba miền là bài hát đồng dao dùng để hát khi chơi.

Số lượng người chơi phải từ năm người trở lên, càng đông sẽ càng vui. Người chơi cần phải oẳn tù tì hoặc bốc thăm để chọn người làm thầy thuốc. Những người còn sẽ xếp thành một hàng. Người sau túm lấy áo người trước. Người đứng đầu gọi là đầu đàn (còn gọi là khúc đầu). Người này cần phải có ngoại hình cao to, khỏe mạnh để bảo vệ được những người đứng sau. Người đứng cuối gọi là khúc đuôi. Những người còn lại ở giữa gọi là khúc giữa. Thầy thuốc sẽ đứng đối diện với đội rồng rắn, có nhiệm vụ phải bắt được người cuối cùng của đội rồng rắn. Người đi đầu phải giang rộng hai tay để ngăn thầy thuốc, không cho thầy bắt được khúc đuôi. Những người làm khúc giữa phải túm chặt áo và chạy nhanh chân để che khúc đuôi. Người làm khúc đuôi phải chạy thật nhanh để tránh thầy thuốc bắt được.

Khi trò chơi bắt đầu, tất cả người chơi trong đội rồng rắn hát bài đồng dao sau:

“Rồng rắn lên mây

Có cây núc nác

Có nhà điểm binh

Hỏi thăm thầy thuốc

Có nhà hay không?”

Nếu thầy thuốc trả lời là không, với một lí do nào đó thì đoàn rồng rắn sẽ lại tiếp tục hát bài đồng dao. Nếu thầy thuốc trả lời là có, thầy thuốc và đoàn rồng sẽ thay phiên nhau hỏi đáp:

“Thầy thuốc: Có, mẹ con rồng rắn đi đâu?

Rồng rắn: Rồng rắn đi lấy thuốc cho con.

Thầy thuốc: Con lên mấy?

Rồng rắn: Con lên một.

Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon.

Rồng rắn: Con lên hai.

Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon.

Rồng rắn: Con lên ba.

Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon.

Rồng rắn: Con lên bốn.

Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon.

Rồng rắn: Con lên năm.

Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon.

Rồng rắn: Con lên sáu.

Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon.

Rồng rắn: Con lên bảy.

Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon.

Rồng rắn: Con lên tám.

Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon.

Rồng rắn: Con lên chín.

Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon.

Rồng rắn: Con lên mười.

Thầy thuốc: Thuốc ngon vậy, xin khúc đầu.

Rồng rắn: Cùng xương cùng xẩu.

Thầy thuốc: Xin khúc giữa.

Rồng rắn: Cùng máu cùng me.

Thầy thuốc: Xin khúc đuôi

Rồng rắn: Tha hồ mà đuổi.”

Khi đoàn rồng rắn hát tới câu “tha hồ mà đuổi” thì thầy thuốc bắt đầu đuổi đoàn rồng rắn. Thầy thuốc cần phải chạm được khúc đuôi, có nghĩa là chạm vào người cuối cùng của đoàn rồng rắn để loại người đó. Cả những người bị đứt ra khỏi đoàn rồng rắn, cũng được xem như là thua cuộc và bị loại khỏi cuộc chơi.

Trò chơi rồng rắn lên mây giúp rèn luyện phản xạ, sự nhanh nhẹn. Đồng thời, trò chơi này còn tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó. Đây là một trò chơi thú vị, hấp dẫn.

Viết bài văn thuyết minh về quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động - mẫu 11

Các trò chơi dân gian đã giúp con người, đặc biệt là trẻ em giải trí, thư giãn. Một trong những trò chơi thú vị, hấp dẫn nhất mà chắc hẳn nhiều người sẽ biết đến là trốn tìm.

Trốn tìm còn có tên gọi khác là “trò ú tim” (cách gọi ở miền Trung) và “trò năm mươi năm mươi” (cách gọi ở miền Nam). Trò chơi này thường được diễn ra vào buổi chiều tối, tại những không gian rộng lớn nhưng phải có nhiều chỗ ẩn nấp. Điều này sẽ tăng thêm độ khó cho người tìm.

Số lượng người chơi trốn tìm sẽ không bị giới hạn, khoảng từ sáu đến mười người. Đầu tiên, người chơi cần oẳn tù xì. Ai thua sẽ phải đi tìm. Người đó cần bịt mắt lại, đứng im một chỗ và đếm từ một đến ba mươi. Trong khoảng thời gian đó, những người còn lại sẽ đi trốn.

Sau ba mươi giây, người đi tìm sẽ mở mắt, bắt đầu quá trình tìm kiếm. Người bị tìm thấy sẽ thua cuộc. Nếu như toàn bộ người chơi bị tìm ra thì người đi tìm sẽ chiến thắng. Theo luật, người bị tìm thấy đầu tiên sẽ phải là người đi tìm tiếp theo. Còn người đi tìm không thấy mọi người trốn ở đâu, người đó sẽ phải hô “tha gà” và chấp nhận thua cuộc. Ở lượt chơi tiếp theo, người đi tìm này sẽ tiếp tục phải làm. Trong quá trình chơi, người trốn có thể bất ngờ đến đập vào vai người đi tìm. Khi đó, người trốn sẽ thắng và có quyền cứu những người đã bị tìm thấy.

Cần lưu ý khi chơi trốn tìm là không trốn quá xa khỏi không gian diễn ra trò chơi. Trò chơi trốn tìm giúp con người có những phút giây thư giãn. Không chỉ vậy, trò chơi này còn giúp tăng thêm sự gắn kết giữa người chơi.

Như vậy, trốn tìm là một trò chơi dân gian bổ ích. Chúng ta cần có những biện pháp tích cực để giữ gìn những trò chơi dân gian như trốn tìm.

Viết bài văn thuyết minh về quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động - mẫu 12

Một trong những trò chơi dân gian đã có từ lâu đời là trốn tìm (hay còn gọi là ý tim). Trò chơi này rất thú vị và bổ ích.

Trốn tìm có từ rất sớm trong đời sống sinh hoạt của người dân Việt Nam. Trò chơi còn có tên gọi khác là ú tim (theo cách gọi ở khu vực miền Trung) và năm mươi năm mươi (theo cách gọi ở khu vực miền Nam). Địa điểm chơi thường là nơi rộng rãi như đầu làng, gốc đa, ngoài đồng,...

Trò chơi này phải chơi theo tập thể, khoảng từ năm người trở lên. Người chơi sẽ cùng oẳn tù xì. Ai thua phải đi tìm. Người đi tìm sẽ nhắm mắt lại, đếm từ một đến ba mươi. Những người chơi còn lại sẽ đi trốn ở xung quanh. Hết ba mươi giây, người đi tìm sẽ đi xung quanh khu vực chơi để tìm những những người khác. Những người bị tìm thấy sẽ bị loại bỏ khỏi cuộc chơi. Nếu toàn bộ người chơi bị tìm ra thì người đi tìm sẽ thắng và người đầu tiên bị tìm thấy sẽ phải làm thay. Nếu người đi tìm không phát hiện ra mọi người trốn ở đâu, người đó có thể hô “tha gà” và vẫn phải làm tiếp.

Trò chơi trốn tìm dường như rất phổ biến và trở thành một nét văn hóa ở nông thôn. Trò chơi này giúp con người thư giãn, giải trí sau những giờ học tập, lao động căng thẳng, mệt mỏi. Người chơi cũng được vận động nhiều hơn, tăng thêm sự gắn bó giữa mọi người.

Khi xã hội ngày càng phát triển, nhiều trò chơi điện tử mới lại, hấp dẫn ra đời. Trẻ em ít chơi trốn tìm hơn, điều này đặt ra vấn đề làm thế nào để giữ gìn các trò chơi dân gian.

Viết bài văn thuyết minh về quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động - mẫu 13

Trong các trò chơi dân gian Việt Nam, trò chơi ô ăn quan được rất nhiều người biết đến, đặc biệt là thế hệ của các bậc phụ huynh. Nếu ta để ý thì ta sẽ bắt gặp rất nhiều những nhóm trẻ nhỏ tụ tập ở một góc sân để cùng nhau rải những viên sỏi, đá theo thứ tự.

Tham gia trò chơi này thường có hai người chơi, mỗi người sẽ ngồi đối diễn người kia và ở giữa là bàn chơi ô ăn quan. Để chơi được trò chơi này, người chơi sẽ cần bàn chơi, quân chơi và hiểu được cách bố trí quân chơi. Bàn chơi thường được vẽ trên một mặt phẳng, trước đây được kẻ bằng gạch hoặc vẽ trên nền đất. Bàn chơi chứa 10 ô vuông bằng nhau, mỗi bên có 5 ô đối xứng, mỗi ô có 5 quân, đây cũng là hai phía của hai người chơi. Ở hai cạnh ngắn của hình chữ nhật được vẽ thêm hai hình bán nguyệt gắn liền với cạnh đó. Vậy một bàn chơi hoàn chỉnh sẽ có 10 ô vuông là ô dân, còn hai hình bán nguyệt bên ngoài được gọi là ô quan. Trò chơi bắt đầu khi hai người cùng oẳn tù xì để dành được lượt đi trước, người đi trước có quyền chọn bất cứ ô nào ở bên phía mình rải đều vào các ô, mỗi ô rải 1 quân. Khi rải đến quân cuối cùng thì tuỳ những tình huống khác nhau mà người chơi phải xử lí. Ví dụ nếu sau ô đó là một ô vuông có chứa quân thì tiếp tục dùng cả số quân của ô đó để rải. Còn nếu liền sau ô đó là ô trống, thì người chơi có quyền ăn được tất cả số quân ở sau ô trống đó (nếu ô sau ô trống có quân). Trong trường hợp ô quan có chứa quân hoặc có hai ô trống trở lên thì người chơi sẽ bị mất lượt và phải nhường quyền chơi cho đối phương. Về cơ bản sẽ có những trường hợp xảy ra như vậy. Cuộc chơi sẽ dừng lại khi toàn bộ dân và quan ở hai ô quan đã bị ăn hết.

Ô ăn quan là một trò chơi dân gian vô cùng hấp dẫn, nó mang đến cho người chơi tính kiên trì, thúc đẩy trí tuệ và sự nhanh nhạy của người chơi. Ngoài ra, trò chơi ô ăn quan còn giúp cho con người tránh xa khỏi những thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại, tivi, … Gần đây, trẻ em càng ngày càng biết đến trò ô ăn quan nhiều hơn, ta từng thấy những bàn chơi ăn quan trên nhiều con phố lớn nhỏ của Hà Nội.

Viết bài văn thuyết minh về quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động - mẫu 14

Đập niêu đất là một trò chơi truyền thống đã được tổ chức trong quê hương tôi từ rất lâu đời và hiện nay, nó đã trở thành một hoạt động không thể thiếu trong những ngày đầu xuân năm mới. Trò chơi này vô cùng thú vị và thu hút sự tham gia của nhiều người. Thường được tổ chức vào ngày mồng 4 Tết hàng năm, các thôn, xóm sẽ cử ra hai người để tham gia tranh tài.

Để bắt đầu trò chơi, người ta sẽ dựng một đoạn tre to, cao khoảng hai mét xuống đất và nối hai cây lại với nhau bằng một đoạn tre nằm ngang tạo thành hình giống như một cái cổng nhà. Trên thanh tre nằm ngang, ban tổ chức sẽ treo khoảng năm, sáu niêu đất lủng lẳng. Nhiệm vụ của các đội chơi là phải cầm gậy gỗ đập hết các niêu đất đó trong thời gian sớm nhất để giành chiến thắng. Để làm cuộc chơi thêm phần hấp dẫn, ban tổ chức đã yêu cầu một đội chơi phải có một người cõng một người trên lưng, cả hai người sẽ cùng bị bịt mắt và dựa vào trí nhớ của mình để đập niêu đất. Để công bằng, các đội chơi sẽ lần lượt chơi và có trọng tài bấm giờ. Mỗi khi có hiệu lệnh xuất phát, các đội chơi sẽ phải dựa vào trí nhớ của mình và sự chỉ dẫn của dân làng để xác định và tiến đến vị trí của niêu đất; người được cõng trên lưng sẽ cố gắng đập vỡ niêu đất, còn người cõng sẽ cố gắng đứng vững và di chuyển theo sự chỉ dẫn của dân làng. Vì thế, mỗi khi một đội chơi xuất phát là tiếng hò reo, cổ vũ lại vang lên tạo thành một bầu không khí rất vui nhộn.

Đập niêu đất là một trò chơi mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc, nó đã truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác và được đông đảo người dân yêu thích.

Xem thêm các bài viết Tập làm văn lớp 7 hay khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 7 hay khác:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH LUYỆN THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 7

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi, sách dành cho giáo viên và khóa học dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài soạn văn lớp 7 hay nhất dựa trên đề bài và hình ảnh của sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7 Tập 1, Tập 2 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống (NXB Giáo dục). Bản quyền soạn văn lớp 7 thuộc VietJack, nghiêm cấm mọi hành vi sao chép mà chưa được xin phép.

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Giải bài tập lớp 7 Kết nối tri thức khác
Tài liệu giáo viên