Top 30 Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (hay nhất)
Tổng hợp trên 30 bài văn Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội hay nhất giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.
- Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (mẫu 1)
- Dàn ý Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội
- Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (mẫu 2)
- Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (mẫu 3)
- Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (mẫu 4)
- Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (mẫu 5)
- Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (mẫu 6)
- Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (mẫu 7)
- Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (mẫu 8)
- Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (mẫu 9)
- Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (mẫu khác)
Top 30 Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (hay nhất)
Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội - (mẫu khác)
Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội: Giúp người cao tuổi - một việc làm đẹp
Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội: Hay đổ lỗi cho người khác - một thói hư tật xấu cần tránh
Suy nghĩ của em về lòng nhân ái trong cuộc sống sau khi học truyện “Gió lạnh đầu mùa”
Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội - mẫu 1
Mỗi chúng ta được xuất hiện trên cõi đời với hình hài khỏe mạnh là một diễm phúc. Thế nhưng, không phải ai cũng có may mắn sở hữu một cơ thể lành lặn. Họ phải chịu những khiếm khuyết và những di chứng bệnh tật đến suốt đời. Tuy nhiên, những khiếm khuyết đó không thể đánh gục được họ. Thay vì chấp nhận và đầu hàng với số phận của mình, họ luôn tìm cách vươn lên trong cuộc sống như những bông hoa hướng dương luôn hướng về ánh mặt trời.
Vượt lên số phận của chính mình là dũng cảm vượt qua mọi khó khăn, nghịch cảnh trong cuộc sống, luôn cố gắng, nỗ lực hoàn thiện bản thân, biến những khiếm khuyết của bản thân thành điểm mạnh. Những tấm gương vượt lên trên số phận thường được ví như những cây xương rồng trên sa mạc. Dù đất có cằn cỗi, khí hậu có khắc nghiệt thì xương rồng vẫn mạnh mẽ sống và vươn lên. .
Những nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần đã rèn luyện cho họ ý chí kiên cường, không chịu khuất phục trước gian nan để trở thành một cây xương rồng gai góc. Họ thường phải đối diện với những ánh mắt khinh bỉ, coi thường của mọi người khi sinh ra đã bị thiếu một bộ phận trên cơ thể. Chính vì vậy, họ buộc phải đối diện với nỗi sợ hãi trong chính bản thân để vượt lên trên số phận. Bên cạnh đó, sự giúp sức, động viên của gia đình, người thân chính là động lực to lớn giúp họ có thể đứng vững bằng sức lực của mình.
Họ là những thanh âm trong trẻo, nghị lực cất lên từ số phận bất hạnh và đau khổ nhưng vẫn giữ được tinh thần lạc quan, tràn đầy sức sống. Họ không nản chí, đầu hàng trước mọi khó khăn, luôn kiên định với mục tiêu mình đề ra và nỗ lực tìm cách khắc phục những yếu điểm của bản thân để tiếp thêm sức mạnh cho những mảnh đời kém may mắn. Và hơn hết, họ tự ý thức sâu sắc về số phận và quyết tâm vượt lên hoàn cảnh để tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp cho bản thân, gia đình, cộng đồng. .
Có lẽ, câu chuyện cảm động về thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đã khiến cho bao bạn đọc phải cảm thấy khâm phục vì tài năng và sức mạnh phi thường của thầy. Thầy bị bại liệt cả hai tay từ nhỏ, thuở đi học thường bị bạn bè chê cười nhưng thầy đã dùng đôi chân của mình để "viết số phận", chẳng những vậy mà thầy còn viết chữ rất đẹp. Chắc hẳn các bạn đã từng nghe qua câu chuyện "Người hùng chinh phục đỉnh Phan - xi - păng cùng chiếc nạng gỗ"? Đó chính là anh Nguyễn Sơn Lâm, một người mắc hội chứng loãng xương từ nhỏ, bị teo cả hai chân nhưng đã trở thành một diễn giả nổi tiếng và đã chinh phục được đỉnh Phan - xi - păng cùng chiếc nạng gỗ của mình. Chúng ta là một người khỏe mạnh nhưng việc chinh phục "nóc nhà Đông Dương" là một điều rất khó khăn vì nó đòi hỏi con người phải có sức khỏe và sự kiên trì. Anh Nguyễn Sơn Lâm đã tạo nên chiến tích của chính cuộc đời mình, anh chỉ nặng 27 kg và không thể di chuyển bằng hai chân như người bình thường nhưng anh đã làm nên một điều phi thường.
Vượt lên trên số phận của chính mình sẽ giúp cho bạn trở thành một phiên bản tốt nhất có thể, từ đó thấy được rằng này cuộc sống này sẽ vô cùng ý nghĩa và đáng sống. Những tấm gương vượt lên số phận của chính mình là những người truyền lửa, họ đem đến cho chúng ta niềm tin, niềm hi vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn. Khi bạn dám bước ra khỏi vùng an toàn của mình cũng chính là lúc bạn thấy rằng chân trời phía trước luôn rộng mở để chào đón bạn khám phá.
Thế nhưng, bên cạnh những tấm gương sáng về nghị lực vượt lên trên số phận của chính mình thì vẫn còn một bộ phận nhỏ những người sống không có ý chí nghị lực, thấy khó khăn đã vội chùn bước. Chúng ta cần phê phán những người luôn giữ trong mình những suy nghĩ tiêu cực, không dám hành động và sống không có ước mơ.
Cuộc sống của chúng ta luôn ẩn chứa vô vàn điều thú vị cho nên bạn hãy thật mạnh dạn để thoát ra khỏi chiếc vỏ bọc của chính mình. Hãy trở thành người dám nghĩ dám làm, dám ước mơ thì chắc chắn bạn sẽ nhận được những thành quả xứng đáng. Bạn cần cảm thấy may mắn khi mình là một người "bình thường" cho nên nhất định không nên kì thị mà phải biết giúp đỡ những người kém may mắn hơn trong cuộc sống. Bạn hãy vạch ra cho mình những mục tiêu cần hoàn thành và không được ỷ lại vào người khác khi bản thân có thể làm được, khi đó thành công sẽ mỉm cười với chính bạn.
"Không có số phận, chỉ có những quyết định của con người làm nên số phận mà thôi". Quả đúng là như vậy, những tấm gương vượt lên số phận chính mình chính là những tấm gương sáng mà chúng ta cần noi theo. Chính những suy nghĩ và hành động đúng đắn của những tấm gương vượt lên trên số phận đã giúp họ khẳng định giá trị của bản thân mình rằng họ không thua kém bất kì ai trong thế giới rộng lớn này.
Dàn ý Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội
- Mở đầu: Nêu vấn đề cần trình bày.
- Nội dung chính: Lần lượt trình bày các nội dung chính đã chuẩn bị trong phần tìm ý.
Ví dụ 1: Hiện tượng đổ lỗi cho người khác: “Đổ lỗi” là hành vi con người cố tình chối bỏ lỗi lầm của mình, hoặc viện cớ do lí do khách quan, hoặc đổ tội cho người khác. Đây là một hiện tượng đáng buồn thường gặp trong cuộc sống hằng ngày.
+ Biểu hiện:
Các nhà thầu xây dựng yếu kém, ăn bớt vật liệu khiến công trình sụp đổ, gây tai nạn, không chịu nhận trách nhiệm mà đổ lỗi do địa hình, khí hậu. VD: Vụ sập cầu Chu Va ở tỉnh Lai Châu năm 2014.
Thất bại trong cuộc sống, nhiều người đổ lỗi do hoàn cảnh khó khăn, nghèo khó mà quên mất rằng cũng nhiều người nhờ nỗ lực không ngừng mà làm giàu từ hai bàn tay trắng.
Học sinh lười biếng, không chăm chỉ học tập đạt kết quả kém lại đổ lỗi cho chương trình sách giáo khoa nặng nề…
+ Nguyên nhân: Do sự lười nhác, không cống hiến mà chỉ mong thụ hưởng của nhiều người. Khi nhìn thấy sai lầm của người khác hoặc bản thân gây ra sai lầm, họ vẫn vô tâm, không tích cực ngăn chặn hoặc khác phục để hạn chế tổn hại.
+ Hậu quả: Hiện tượng đổ lỗi gây mất đoàn kết trong tập thể, khi không ai nhận trách nhiệm về mình cứ cứ đùn đẩy cho người khác, khiến chúng ta trở thành kẻ vô trách nhiệm, tự huyễn hoặc bản thân rằng mình không bao giờ sai, từ đó không thể tiến bộ, hoàn thiện mình,…
+ Giải pháp: Mỗi cá nhân cần biết tự ý thức, có tinh thần trách nhiệm, dũng cảm nhận lỗi, sửa lỗi…
Ví dụ 2: Với văn bản Gió lạnh đầu mùa:
+ Văn bản Gió lạnh đầu mùa của Thạch Lam kể về chuyện gì?
→ Văn bản Gió lạnh đầu mùa kể về kể về hai chị em sinh ra trong một gia đình khá giả tên là Sơn và Lan, luôn hòa đồng và gần gũi với những đứa trẻ trong phố huyện. Trong ngày trời chuyển lạnh, hai chị em ra chợ chơi thì thấy Hiên - cô bé hàng xóm đang co ro bên cột quán với manh áo mong manh, rách tả tơi. Sơn bàn với chị Lan đem chiếc áo bông cũ. Về đến nhà, người vú già nói với chị em Sơn mẹ đã biết chuyện. Sợ bị mắng, Sơn và Lan đến nhà Hiên đòi áo nhưng không thấy ai. Đến khi về nhà đã thấy mẹ con Hiên đem áo sang trả. Mẹ Sơn đã cho mẹ Hiên vay tiền để may áo cho con.
+ Nội dung của truyện đặt ra vấn đề về lòng nhân ái như thế nào?
→ Hai chị em đã tặng cho Hiên chiếc áo bông cũ để sưởi ấm qua mùa đông giá rét. Chi tiết này đã thắp sáng tình yêu thương, che chở và giúp đỡ lẫn nhau giữa người với người. Đồng thời, truyện đã để nhiều cảm xúc trong lòng độc giả, thấm thía từng nỗi khổ đau, bất hạnh với hoàn cảnh éo le của người nghèo khổ. Qua đó thể hiện tình yêu thương bao la, sâu sắc, nồng ấm và thiêng liêng, giúp con người thêm trân quý cuộc sống này hơn.
+ Em hiểu như thế nào là lòng nhân ái?
→ Lòng nhân ái là sự yêu thương, là phẩm chất yêu thương giữa người với người, là sự chia sẻ, cảm thông cho nhau những lúc hoạn nạn, khó khăn.
+ Tại sao trong cuộc sống cần có lòng nhân ái?
→ Để gắn kết bản thân với xã hội, con người sống rất cần phải có tấm lòng nhân ái. Nhân ái giúp ta nâng cao giá trị của bản thân mình, làm cho mối quan hệ giữa con người với con người càng trở nên tốt đẹp. Cuộc sống trở nên khó khăn hơn khi chúng ta sống vì người khác, nhưng nó cũng trở nên đẹp đẽ và hạnh phúc hơn.
+ Em sẽ làm gì để thể hiện lòng nhân ái?
→ Luôn sẵn sàng đồng cảm, chia sẻ, thấu hiểu và giúp đỡ người khác khi người ta gặp khó khăn; Luôn yêu thương mọi người, sẵn sàng cho đi mà không mong nhận lại, không ích kỉ nhỏ nhen, tính toán thiệt hơn với người khác; Sống chan hòa với mọi người xung quanh, luôn mang những điều tích cực đến cho mọi người và lan tỏa được những thông điệp, hành động tốt đẹp ra xã hội.
- Kết thúc: Khái quát, khẳng định lại vấn đề.
Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội - mẫu 2
Trên thế giới, có rất nhiều người đã đạt được thành công của riêng mình, họ đều có bí quyết, nhưng họ cũng không ngần ngại mà chia sẻ cho mọi người để học tập theo. Công thức thành công của họ cũng vô cùng đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện được: "Thành công chỉ đến khi chúng ta cố gắng hết sức và không ngừng hoàn thiện bản thân mình".
Thành công là thành tựu, kết quả tốt đẹp mà ai cũng mong muốn đạt được. Khi thành công, con người ta sẽ cảm thấy tự hào, hạnh phúc với chính bản thân mình. Muốn thành công đến, thì bạn ít nhất cũng phải trang bị cho chính mình hai yếu tố: Cố gắng hết sức và luôn hoàn thiện bản thân.
Cố gắng hết sức là khi bạn không bao giờ bỏ cuộc khi khó khăn ập tới, luôn tìm ra những cách giải quyết để vượt qua những thử thách đó. Bởi hành trình để đến thành công vô cùng gian lao và vất vả, hết khó khăn này, khó khăn kia lại kéo đến, cứ chồng chất lên nhau. Thất bại không chỉ đến lần một, lần hai mà còn nhiều hơn thế nữa, vậy nên bạn vẫn phải tiếp tục đối mặt, bền bỉ, kiên trì mà vượt qua nó. Kết hợp với sự cố gắng đó là một nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc hoàn thiện bản thân mình. Dù bạn có cố gắng tới mức nào mà không chịu hoàn thiện bản thân, thì thành công cũng khó mà đến nhanh với bạn được. Vì sao? Vì xã hội ngày càng phát triển, con người ta không thể chỉ giỏi về một lĩnh vực mà có thể thành công ngay được, bạn cần phải có những kỹ năng mềm cần thiết như sự tự tin, tinh thần tự lực tự cường,... Rồi không ngừng trau dồi thêm kiến thức, tìm tòi sáng tạo ra cái mới để làm sao phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại. Khi bạn nắm vững được kiến thức cơ bản này hãy bắt tay vào hành động tức khắc, rồi thành công sẽ gõ cửa.
Có rất nhiều tấm gương về quá trình dẫn đến thành công, Bác Hồ thân yêu của chúng ta là một trong những tấm gương sáng đó. Người đã phải trải qua bao nhiêu năm bôn ba nước ngoài, nhiều lần bị bắt vào tù, nhưng Người không hề nản chí mà vẫn tiếp tục đấu tranh tìm con đường giải phóng cho dân tộc. Trong những năm tháng đó, Người cũng không ngừng nỗ lực rèn luyện bản thân, học tập nhiều cái mới của đất nước phát triển để áp dụng cho dân tộc mình. Hay một nhân vật đang rất nổi tiếng trên thế giới hiện nay, ông Jack Ma - một tỷ phú người Trung Quốc, là người đã phải trải qua hàng nghìn lần thất bại. Ông trượt đại học hai lần, nhưng ông vẫn không bỏ cuộc mà vẫn ôn thi tiếp và đỗ. Sau khi tốt nghiệp, ông đã nộp đơn cho hơn 30 công việc và lại bị từ chối tiếp. Nhưng không dừng lại ở đó, ông tiếp tục nỗ lực và phát triển công ty của chính mình và giờ nó trở thành một tập đoàn lớn mạnh của Trung Quốc. Bác Hồ hay Jack Ma hay những người thành công khác, tất cả họ đều là những người truyền cho ta cảm hứng. Ta học hỏi ở họ sự cố gắng bền bỉ, kiên trì, nỗ lực không ngừng nghỉ để rồi ta cũng có thành công của riêng mình.
Sự cố gắng, nỗ lực để đạt được thành công là vô cùng đúng nhưng không có nghĩa là bạn bất chấp đúng sai để đạt được điều bạn muốn, điều mà bạn cho đó là thành công. Bên cạnh đó, cũng cần chê trách một số người hễ cứ thấy khó khăn là bỏ cuộc hay khi đã đạt được một điều mình mong muốn mà lại trì trệ, không chịu trau dồi thêm, khi đó thành công của họ sẽ không thể đứng vững lâu được mà nó chỉ là tạm thời mà thôi. Là học sinh, thế hệ trẻ tương lai của đất nước, việc đầu tiên chúng ra cần làm đó là học tập thật tốt, rèn luyện đạo đức không ngừng và quan trọng hơn cả là trang bị cho mình những kỹ năng sống để sau này có thể tự tin bước vào đời.
Cố gắng hết sức và không ngừng nỗ lực, hai tiền đề này sẽ mang ánh sáng thành công đến với bạn, bởi "Thành công chỉ đến khi chúng ta cố gắng hết sức và không ngừng hoàn thiện bản thân mình". Từ đó, khi bạn đạt được thành công mình mong muốn, bạn đã khẳng định được bản thân trong cuộc đời, hơn thế nữa bạn còn góp phần giúp cho gia đình và xã hội ngày một tươi đẹp hơn.
Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội - mẫu 3
Trong cuộc sống đang bộn bề, biến chuyển hằng ngày như hiện nay thì xã hôi, đất nước đang cần đến một lực lượng thanh niên học sinh giỏi giang, tài đức. Ngay từ bây giờ, học sinh được xem là những mầm non tương lai, là người kế thừa công cuộc phát triển đất nước đang ra sức học tập, rèn luyện hết sức mình. Nhưng trái lại bên cạnh đó, lại có một số học sinh đang học không đúng với khả năng của mình, và điều này đã tạo điều kiện cho một "căn bệnh" xâm nhập vào học đường hoành hoành, gây xôn xao ngành giáo dục nói riêng và xã hội nói chung. Đó chính là bệnh thành tích trong giáo dục cùng với những tiêu cực trong thi cử.
Thành tích là kết quả có thể đánh giá được của nỗ lực con người. Kết quả đó không chỉ là một lợi ích vật chất hay tinh thần cá nhân, tuy rằng phần lớn yếu tố tạo nên động lực khiến con người phải nỗ lực nhiều hơn, tốt hơn để đạt thành tích chính là lợi ích cho mình. Nhưng con người vẫn có thể làm hết sức mình vì lợi ích chung, lợi ích của xã hội, của đất nước.
Theo định nghĩa đó, nỗ lực đạt thành tích của một cá nhân hay một tập thề là một phẩm chất đạo đức tốt, đáng biểu dương và nhân rộng. Hãy tưởng tượng một xã hội mà trong đó mọi thành viên đều nỗ lực để đạt những thành tích cao hơn trong các lĩnh vực hoạt động: thể thao, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, sản xuất, thương mại, công nghệ... vì lợi ích cho mình và cho cả cộng đồng. Xã hội đó chắc chắn tiến bộ, nền kinh tế nước đó chắc chắn phát triển, đời sống nhân dân nước đó chắc chắn giàu có, quốc gia đó chắc chắn cường thịnh. Nhưng đến một lúc nào đó, khi chính những nỗ lực đạt thành tích, một phẩm chất tốt và cần thiết của mỗi thành viên trong xã hội lại trở thành một căn bệnh, mà ngày nay chúng ta gọi nó là bệnh thành tích.
Điều lo ngại chung hiện nay là căn bệnh thành tích đang lan tràn trong ngành giáo dục của nước ta, không phải chỉ lây nhiễm cho một bộ phận những người công tác trong ngành mà còn cho nhiều gia đình trong xã hội. Với bệnh thành tích, các phương pháp đánh giá, kiếm tra kết quả học tập trở nên dày đặc, nặng nề, phức tạp nhưng lại mang tính chất rập khuôn, không có chỗ dành cho sự sáng tạo của học sinh, sinh viên. Xét từ phía ngành giáo dục, thành tích giáo dục là thước đo sự thành công trong nghề nghiệp của giáo viên nói riêng, của nhà trường và địa phương nói chung. Đáng tiếc thay, trong thời gian qua, chính ngành giáo dục lại "thiết kế" ra thước đo trên bằng các chỉ tiêu giáo dục khô cứng. "Bệnh thành tích giáo dục" chính là việc nhà trường và địa phương cố gắng đạt được các chỉ tiêu giáo dục bằng mọi giá. Chúng ta đều nhận thức rõ ràng rằng một xã hội muốn phát triển tiến bộ phải có nhiều nhân tài, mà nhân tài phải là người có chân tài thực học, được tiếp thu những kiến thức và các phẩm chất đạo đức tinh hoa của nhân loại và của dân tộc thông qua hệ thống giáo dục của cộng đồng. Giáo dục chính là điểm xuất phát, là nơi sản sinh ra nguồn năng lực cho sự cường thịnh của một nước, một cộng đồng dân tộc. Một nền giáo dục tốt và trung thực sẽ tạo nên những con người đạt những thành tích tốt và trung thực. Những thành tích tốt và trung thực sẽ tạo nên những bước tiến mạnh mẽ cho cộng đồng dân tộc trên con đường phát triển.
Cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục'' ngay từ khi mới phát động đã được xã hội quan tâm, nhân dân đồng tình hưởng ứng. Bởi ai cũng biết rằng, nếu cứ để ''nạn tiêu cực trong thi cử'' hoành hành và ''bệnh thành tích trong giáo dục'' trở thành một căn bệnh ''mãn tính" thì sẽ dẫn đến lãng phí thời gian, sức lực, tuổi đời của học sinh; lãng phí tiền bạc, công sức chăm sóc con cái của phụ huynh; của thầy cô và lãng phí của cải xã hội. Điều đó sẽ là hệ quả tất yếu của những suy thoái đạo đức trong học sinh; đạo đức trong quan hệ thầy, trò và sẽ góp phần làm suy thoái những mối quan hệ xã hội khác. Cuộc vận động này là cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt. Điều đáng mừng là nhân dân, xã hội đều quyết liệt tham gia chống lại những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, sẵn sàng lên tiếng phê phán những cá nhân hoặc tổ chức có thái độ không hưởng ứng. Sự khởi đầu tốt đẹp báo hiệu sự thành công của một cuộc vận động mang tính nhân văn sâu sắc.
Trên tiến trình đổi mới giáo dục, bệnh thành tích phải được xóa bỏ. Đó không phải là một việc quá khó, nhưng chắc chắn cũng không dễ dàng. Điều trước nhất là phải thay đổi từ những sai phạm của ngành giáo dục, phải kiên quyết thực hiện cuộc vận động đã đề ra, vì đó sẽ làm gương để thế hệ trẻ ngày nay tin tưởng và noi theo. Học sinh chúng ta, ngay từ bây giờ phải hết mình phấn đấu học tập bằng chính bản thân, tuyệt đối nói không với tiêu cực trong thi cử đồng thời giúp sức với nhà trường khuyên bảo va ngăn chặn các hành vi tiêu cực ấy.
Đất nước chúng ta đang tiến bước trên con đường đổi mới, mở cửa, hội nhập và tranh đua với thế giới đề giành lấy một vi trí xứng đáng trên hành tinh này. Cuộc đấu tranh kinh tế sắp đến rất quyết liệt và mang tính chất thắng bại sinh tử không khác gì trên thao trường hay trên võ đài. Ở đó, một võ sĩ chỉ chỉ có thể chiến thắng đối chủ bằng tài năng thực sự của chính mình, không phải vì bất kì văn bằng chứng nhận đẳng cấp cao hơn nào. Đất nước chúng ta sau này có cường thịnh hay không tùy thuộc vào việc nền giáo dục của chúng ta có đổi mới để có thể sản sinh ra những chân tài thực học hay không. Vì vậy, chúng ta hãy cùng chung tay góp sức để đẩy lùi những tiêu cực và bệnh thành tích ấy, để đưa nước Việt Nam ta ngày càng phát triển vững mạnh.
Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội - mẫu 4
Không ai có thể đi đến thành công mà không qua những sai lầm. Sai lầm, lỗi lầm là điều tất yếu trong cuộc sống. Thế nhưng, khi xảy ra lỗi lầm, nhiều người không dám nhận lấy lỗi để sữa chữa, khắc phục mà thường đổ lỗi lỗi cho người khác.
“Đổ lỗi” là hành vi con người cố tình chối bỏ lỗi lầm của mình, hoặc viện cớ do lí do khách quan, hoặc đổ tội cho người khác. Đây là một hiện tượng đáng buồn thường gặp trong cuộc sống hằng ngày.
Hiện tượng này xảy ra ở mọi môi trường, mọi lứa tuổi và là biểu hiện của thói vô trách nhiệm, ích kỉ. Có nhiều người thất bại trong cuộc sống, nhiều người đổ lỗi do hoàn cảnh khó khăn, nghèo khó mà quên mất rằng cũng nhiều người nhờ nỗ lực không ngừng mà làm giàu từ hai bàn tay trắng. Hay những học sinh lười biếng, không chăm chỉ học tập đạt kết quả kém lại đổ lỗi cho chương trình sách giáo khoa nặng nề…
Tất cả là do sự lười nhác, không cống hiến mà chỉ mong thụ hưởng của nhiều người. Khi nhìn thấy sai lầm của người khác hoặc bản thân gây ra sai lầm, họ vẫn vô tâm, không tích cực ngăn chặn hoặc khác phục để hạn chế tổn hại. Do con người hèn nhát, không dám đối mặt với lỗi lầm của mình. Nhiều người chỉ vì quá hèn nhát, sợ hãi khi xảy ra sai lầm, họ đã trốn tránh, thoái thác trách nhiệm, đổ lối cho người khác khiến cho hậu quả của hành động ấy còn lớn hơn hậu quả do sai làm ấy gây ra. Do con người ích kỉ, thiếu trách nhiệm, chỉ muốn đùn đẩy phần khó khăn cho người khác. Nhiều người chỉ biết đến lợi ích của bản thân mình, không quan tâm đến người khác. Khi sai lầm xảy ra, họ chỉ cố sức bảo vệ mình, bỏ mặc người khác dù hậu quả có thế nào đi chăng nữa. Những kẻ vô tâm ấy thường gây nên những tổn thất rất lớn cho xã hội.
Hiện tượng đổ lỗi gây mất đoàn kết trong tập thể, khi không ai nhận trách nhiệm về mình cứ cứ đùn đẩy cho người khác. Hiện tượng đổ lỗi không giúp khắc phục hậu quả gây ra, mà trái lại càng làm việc khắc phục hậu quả thêm trì trệ, khiến hậu quả càng nghiêm trọng. Hiện tượng đổ lỗi khiến chúng ta trở thành kẻ vô trách nhiệm, tự huyễn hoặc bản thân rằng mình không bao giờ sai, từ đó không thể tiến bộ, hoàn thiện mình. Nếu xã hội ai cũng chỉ biết đổ lỗi mà không có tinh thần trách nhiệm, khắc phục sai lầm, thì xã hội đó sẽ trở nên trì trệ, chậm phát triển.
Vì thế, mỗi cá nhân cần biết tự ý thức, có tinh thần trách nhiệm, dũng cảm nhận lỗi, sửa lỗi. Gia đình, nhà trường giáo dục con em hình thành ý thức nhận lỗi; người lớn phải làm gương cho trẻ em, không ngần ngại nói “Xin lỗi” khi mình mắc sai lầm và có cách thức cụ thể, thiết thực để sửa chữa lỗi lầm. Ngoài ra, mọi người cũng nên khoan dung tạo điều kiện cho người mắc sai lầm sửa sai. Dám nhận lỗi là một hành động dũng cảm, là sống có trách nhiệm đối với công việc, bản thân và người khác.
Không có lỗi lầm sẽ không có thành công. Mỗi lỗi lầm sẽ giúp bạn trưởng thành hơn. Hãy dũng cảm nhận lỗi, tích cực khắc phục sai lầm càng nhanh càng tốt để làm giảm bớt những tổn hại do hành động nhút nhát của chúng ta gây ra.
Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội - mẫu 5
Xin chào thầy cô và các bạn. Ở phần Đọc của Bài 1 Truyện ngắn chúng ta đã từng được tìm hiểu về truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa”. Đây là tác phẩm nổi tiếng của Thạch Lam đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc và gợi ra nhiều suy ngẫm cho mỗi người về tình yêu thương trong cuộc sống.
Với giọng văn nhẹ nhàng, sâu lắng, nhà văn đã khắc họa một cách rõ nét hình ảnh các nhân vật xuất hiện xuyên suốt truyện ngắn với chân dung đẹp đẽ, sống động. Hai chị em Lan và Sơn vì thương đám trẻ nghèo mà mang áo của em gái mình ra cho cô bạn nhỏ. Để rồi sợ mẹ mắng mà khép nép không dám nhìn mẹ. Đó chính là khoảnh khắc đẹp đẽ của trẻ em – khoảnh khắc chứa chan tình người khiến cho người đọc chúng ta cũng rưng rưng xúc động. Con người thường chỉ nghĩ đến mình mà khó nghĩ được cho người khác, và người mà có cuộc sống đủ đầy lại càng khó nghĩ cho những người khốn khó hơn mình vì họ không hiểu được những gánh nặng của những người khó khăn. Thế nhưng, những em bé trong câu chuyện dù sống trong nhung lụa vẫn hiểu và thương những mảnh đời khó khăn thì đó thực sự là vẻ đẹp quý giá của tình người.
Truyện không dừng lại ở đó. Phần cuối truyện, mẹ Hiên đã đem cái áo bông đến trả mẹ của Sơn. Hành động này thể cho thấy có những con người trong xã hội xưa, dù sống khó khăn, khổ cực nhưng vẫn giữ vững phẩm chất tốt đẹp: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Mẹ Sơn sau khi nghe rõ việc, đã cho mẹ Hiên mượn năm hào về may áo ấm cho con. Còn với hai chị em Sơn, bà chẳng những không tức giận mà còn “vẫy hai con lại gần, rồi âu yếm”. Cả mẹ Sơn hay mẹ Hiên đều là những người phụ nữ đức hạnh, giàu lòng tự trọng. Có thể khẳng định rằng truyện ngắn là một câu chuyện nhẹ nhàng, nhưng lại chan chứa tình yêu thương và lòng nhân ái giữa con người với nhau trong xã hội.
Có thể thấy, bức tranh đầu mùa đông được nhà văn Thạch Lam miêu tả rất chính xác, tinh tế. Cảnh vật như nổi hình, nổi khối trước mắt người đọc. Còn bức tranh tình người hiện lên vừa ấm áp, vừa đơn sơ, vừa quen thuộc nhưng rộn ràng, hạnh phúc, dạt dào tình cảm, cảm xúc.
Với ngòi bút tài hoa của nhà văn Thạch Lam, truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả trong suốt mấy mươi năm qua vì vẻ đẹp tình người.
Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội - mẫu 6
Trong cuộc đời chúng ta ai cũng sẽ mắc phải những lỗi lầm, nhưng sau khi mắc lỗi chúng ta cần phải biết nhận lỗi và sửa lỗi không thể chỉ biết đổ lỗi cho người khác. Nếu việc đổ lỗi diễn ra thường xuyên nó sẽ trở thành một thói xấu khiến ta trở nên xấu xí trong mắt người khác.
Hay đổ lỗi cho người khác là một thói hư tật xấu cần tránh. Khi chúng ta mắc lỗi, dù là lớn hay nhỏ thì điều đầu tiên cần làm đó là nhìn nhận, xem xét lại chính bản thân mình. Những lỗi lầm trong cuộc đời ta luôn xuất phát từ chính bản thân ta, chính vì vậy ta cần phải biết nhận lỗi và sửa lỗi có như thế ta mới có thể vững vàng, trưởng thành hơn trong cuộc sống. Thói hư tật xấu là tổng hợp của nhiều thói xấu khác nhau trong đó có đổ lỗi. Chúng ta luôn luôn phải nhìn nhận sự việc dưới nhiều góc độ để nhận thức rõ những sai lầm của mình. Nếu ta chỉ biết đổ lỗi thì mãi mãi ta sẽ không thể khá lên được. Thử tưởng tượng nếu một người cả đời chỉ biết đổ lỗi thì liệu rằng anh ta có thể trở nên cứng cáp, vững chãi trước cuộc sống đầy những bất trắc này? Nếu chỉ biết đổ lỗi ta mãi mãi không thể trưởng thành và sẽ chẳng có ai muốn ở cạnh người hay đổ lỗi cả. Khi ta biết nhận lỗi cuộc sống của ta trở nên yên bình hơn rất nhiều, không cần phải lo lắng hay làm người khác khó chịu khi tiếp xúc. Người hay đổ lỗi là người không bao giờ nhận ra khuyết điểm của mình, luôn tự cho mình là đúng và đổ lỗi cho người khác sau mọi thất bại của mình. Một lời xin lỗi không khiến chúng ta trở nên kém cỏi, một hành động thể hiện sự biết lỗi không khiến chúng ta trở nên hèn mọn. Có sai có sửa, ta luôn cần cố gắng phát huy những điều này để hoàn thiện bản thân ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.
Khi chúng ta biết nhận lỗi, sửa lỗi chúng ta sẽ trưởng thành hơn rất nhiều. Vì vậy mong rằng sẽ không có ai mắc phải căn bệnh “đổ lỗi” này nữa.
Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội - mẫu 7
Truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa là một truyện ngắn xuất sắc của Thạch Lam viết về đề tài trẻ em. Truyện đã giúp người đọc hiểu rõ hơn về phong cách nghệ thuật của Thạch Lam.
Tác giả đã khắc họa trước mắt người đọc hình ảnh thiên nhiên lúc giao mùa thật tinh tế. Chỉ sau một đêm mưa rào, trời bắt đầu nổi gió bấc, rồi cái lạnh ở đâu đến khiến con người tưởng rằng mình đang ở giữa mùa đông rét mướt. Sơn tung chăn tỉnh dậy, cậu thấy mọi người trong nhà, mẹ và chị đã trở dậy, ngồi quạt hỏa lò để pha nước chè uống. Mọi người đều “đã mặc áo rét cả rồi”. Ở ngoài sân “Gió vi vu làm bốc lên những màn bụi nhỏ, thổi lăn những cái lá khô lạo xạo. Bầu trời không u ám, toàn một màu trắng đục”. Những cây lan trong chậu “lá rung động và hình như sắt lại vì rét”. Chỉ vài chi tiết nhưng người đọc đã thấy được sự chuyển biến về thời tiết, thiên.
Câu chuyện tiếp tục diễn biến, đem đến cho người đọc niềm đồng cảm sâu sắc. Mẹ Sơn đã bảo Lan - chị gái của Sơn vào buồng lấy thúng áo ra. Mẹ Sơn lật cái vỉ buồm, lục đống quần áo rét. Bà giơ lên một chiếc áo bông cánh xanh đã cũ nhưng còn lành. Đó chính là chiếc áo của Duyên - đứa em gái đáng thương của Sơn đã mất năm lên bốn tuổi. Người vú già đã “với lấy cái áo lật đi lật lại ngắm nghía, tay mân mê các đường chỉ”. Khi nghe mẹ nhắc về em gái, Sơn cũng cảm thấy “nhớ em, cảm động và thương em quá”. Cậu xúc động khi thấy mẹ “hơi rơm rớm nước mắt”. Chiếc áo bông chính là kỉ vật gợi nhớ về người em gái đã mất với biết bao tình yêu thương sâu sắc. Điều đó cho thấy tình cảm gia đình thắm thiết, sâu sắc.
Trái ngược với cuộc sống sung túc của gia đình Sơn. Những nhân vật trẻ em trong xóm trọ lại có hoàn cảnh thật bất hạnh. Nào tằng Cúc, thằng Xuân, con Tí, con Túc - những đứa trẻ em nghèo khổ vẫn phải mặc những bộ quần áo nâu bạc đã rách vá nhiều chỗ. Môi chúng nó “tím lại”, chỗ áo quần rách “da thịt thâm đi”. Gió lạnh thổi đến, chúng nó lại “run lên, hai hàm răng đập vào nhau”. Khi nhìn thấy Sơn và Lan trong những bộ quần áo ấm áp, chúng cảm thấy xuýt xoa, ngưỡng mộ. Hai chị em Sơn tỏ ra thân thiết với chúng chứ không khinh khỉnh như các em họ của Sơn.
Câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn khi Lan nhìn thấy Hiên đang đứng “co ro” bên cột quán, trong gió lạnh chỉ mặc có manh áo “rách tả tơi”, “hở cả lưng và tay”. Cả hai chị em đều cảm thấy thương xót cho con bé. Sơn chợt nhớ ra mẹ cái Hiên rất nghèo, nhớ đến em Duyên ngày trước vẫn cùng chơi với Hiên ở vườn nhà. Một ý nghĩ tốt thoáng qua trong tâm trí Sơn - đó là đem chiếc áo bông cũ của em Duyên cho Hiên. Nghĩ vậy, cậu đã nói với chị gái của mình, nhận được sự đồng tình của chị. Chị Lan đã “hăm hở” chạy về nhà lấy áo. Còn Sơn thì đứng yên lặng đợi chờ, trong lòng tự nhiên thấy “ấm áp vui vui”.
Kết thúc đem đến cho người đọc nhiều điều ấn tượng. Hai chị em Sơn lo lắng khi người vú già biết mẹ đã biết chuyện hai chị em lén mang áo cho Hiên. Sơn cảm thấy lo lắng, sợ hãi và sang nhà tìm Hiên để đòi lại áo. Nhưng đó là một phản ứng bình thường của một đứa trẻ khi mắc lỗi và bị phát hiện. Đến khi trở về nhà, chị em Sơn vô cùng ngạc nhiên khi thấy mẹ con cái Hiên đang ở nhà mình. Mẹ Hiên đem chiếc áo bông đến trả mẹ của Sơn. Có thể thấy dù sống khó khăn, khổ cực nhưng bà vẫn giữ vững phẩm chất tốt đẹp: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Còn người mẹ của Sơn, sau khi nghe rõ việc, bà đã cho mẹ của Hiên mượn năm hào về may áo ấm cho con. Điều đó thể hiện mẹ Sơn là một người trái tim nhân hậu. Sau khi mẹ con Hiên về, mẹ Sơn không tức giận, đánh mắng con mà còn “vẫy hai con lại gần, rồi âu yếm”.
Truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa” giàu giá trị nhân văn sâu sắc. Tác phẩm đã để lại những dấu ấn nhất định trong lòng độc giả.
Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội - mẫu 8
Cổ nhân có câu: "Nhân bất thập toàn", tức là trong cuộc sống, không ai sinh ra đã là hoàn hảo, sai lầm là biểu hiện thường thấy của con người. Sẽ có những sai lầm giúp con người hướng đến thành công, và cũng sẽ có những sai lầm sẽ người ta gục ngã. Dẫu cho bạn có một người bình thường hay là một vĩ nhân của nhân loại thì việc gặp những sai lầm trong cuộc sống cũng vẫn xảy đến. Khi có sai lầm thì lời xin lỗi sẽ luôn là hành động thực tế giúp hạn chế phần nào đó những hậu quả đáng tiếc xảy ra, đồng thời phần nào xoa dịu được tâm hồn người bị tổn thương.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc một người mở lời xin lỗi thường sẽ khó hơn so với việc họ đổ lỗi. "Đổ lỗi" được hiểu là hành vi của một người đang cố tình chối bỏ sai lầm của mình bằng cách viện ra đủ lý do khách quan hay thậm chí tồi tệ hơn là họ đổ lỗi sai cho một cá nhân khác. Điều đáng buồn là hiện tượng đổ lỗi này lại thường xuyên diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. Còn "nhận lỗi" được hiểu là hành động tự nhìn nhận về cái sai của bản thân, là sự chia sẻ đối với người bị tổn thương, thiệt hại và cụ thể hóa bằng lời xin lỗi. Việc biết nhận lỗi là thể hiện sự mong muốn được đền bù và mong muốn được tha thứ.
Trong đời sống, sẽ có những lúc con người ta sẽ gặp những tình huống éo le và phạm phải sai lầm theo từng mức độ khác nhau, việc nhận lỗi và sửa chữa chúng sẽ khiến bản thân ta tốt hơn từng ngày, hoàn thiện nhân cách và đồng thời lấy lại niềm tin của người khác với mình. Lỗi lầm sẽ khiến cho cuộc sống của chúng ta đi theo chiều hướng tiêu cực như: gây tổn thương cho người khác, làm mất đi niềm tin, khiến cho bản thân cảm thấy day dứt, ân hận, ... Nhưng việc ta biết nhận lỗi và sửa chữa lỗi sẽ giúp cho những cảm xúc tiêu cực sẽ được giảm bớt và tạo dựng thêm nhiều bài học bổ ích. Người biết nhận lỗi và sửa chữa lỗi lầm sẽ là người có cái nhìn nhận thực tế vào đời sống cũng như nhận được sự đánh giá cao của người khác. Người biết nhận lỗi sẽ là người có bản lĩnh, bởi họ biết bước ra khỏi "cái tôi" của chính mình để phát triển bản thân theo một chiều hướng tốt đẹp hơn, họ xứng đáng được tin tưởng, được tha thứ và được noi gương. Tuy nhiên, trong xã hội thì vẫn còn rất nhiều những cá nhân khi mắc sai lầm lại lựa chọn phương án giải quyết là đổ lỗi, chối bỏ trách nhiệm của mình về sự sai sót đó; hay có những người vì lợi ích của bản thân mà cố tình gây ra tổn thương cho người khác; hay có khi là đổ lỗi lầm cho một cá nhân không liên quan nào đó; ... Những con người như thế rất đáng bị xã hội lên án, chỉ trích.
Chúng ta chỉ được sống một lần trên đời, khi còn cơ hội thì hãy cố gắng hoàn thiện và phát triển bản thân để có thể trở thành một người có đạo đức, có trách nhiệm, biết nói cảm ơn và biết nói xin lỗi đúng thời điểm, đúng con người để phấn đấu thành một công dân có ích cho xã hội.
Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội - mẫu 9
“Gió lạnh đầu mùa” là truyện ngắn tiêu biểu của nhà văn Thạch Lam. Đây không chỉ là tác phẩm tiêu biểu mà cho phong cách nghệ thuật Thạch Lam mà còn chứa đựng giá trị nội dung rất nhân văn, sâu sắc. Tác phẩm đã đem đến cho người đọc những suy tư về lòng nhân ái trong cuộc sống.
Bối cảnh của truyện là những năm trước Cách mạng của đất nước. Không có tiếng khói bom, lửa đạn, truyện mở đầu bằng khung cảnh mùa đông nơi làng quê Bắc Bộ. Đời sống nhân dân còn nghèo, không có manh áo ấm để mặc. Nhân vật chính là cậu bé Sơn. So với những đứa trẻ trong làng, Sơn có cuộc sống đầy đủ hơn. Cậu và chị gái có những chiếc áo ấm – mơ ước của đám trẻ nhà nghèo. Tưởng như sự ngây ngô của trẻ em, sự phân biệt giàu – nghèo sẽ khiến Sơn khinh thường đám trẻ. Thế nhưng, khi thấy Hiên chỉ có manh áo rách tả tơi, cậu bé đã sẵn sàng cùng chị gái đem cho Hiên chiếc áo của Duyên. Chiếc áo của người em quá cố là kỉ vật thiêng liêng, nay lại một lần nữa sưởi ấm trái tim con người thay vì nằm im trong tủ cũ. Dù rằng, với tâm lí non nớt của trẻ em, hai chị em sợ mẹ trách phạt nên sau đó lại tới nhà Hiên để đòi áo nhưng điều đó không làm lu mờ tấm lòng nhân hậu của Sơn và Lan. Không chỉ vậy, tình nhân ái của truyện còn được thể hiện ở tuyến nhân vật phụ. Mẹ Sơn đã tôn trọng mẹ Hiên, cho bà vay năm hào để may áo cho con gái. Tình thương được hiện lên dưới hình hài của sự tôn trọng. Hơn nữa, bà cũng không trách phạt các con mà lại khen ngợi hành động của hai chị em Sơn.
Từ “Gió lạnh đầu mùa”, ta thấy được ý nghĩa của lòng nhân ái trong đời sống hằng ngày. "Nhân" là người, "ái" là yêu. Lòng nhân ái, không gì khác chính vì tinh thần yêu thương con người, "Lá lành đùm lá rách". Sự nhân ái hiện hữu ngay trước mắt ta, đơn giản mà quý giá vô cùng. Biết cảm thông trước nỗi buồn của người khác, biết giúp đỡ khi người xung quanh gặp khó khăn, trân trọng những điểm khác biệt giữa người với người đều là biểu hiện cho tinh thần nhân ái. Nhân ái, yêu thương là sợi dây gắn kết con người một cách tự nhiên và bền chặt nhất, khiến sự tồn tại của ta trở nên ý nghĩa. Trong những giờ phút hoạn nạn, lòng nhân ái nâng đỡ và cho ta động lực sống. Niềm vui nhân đôi và nỗi buồn sẽ vơi bớt khi con người biết san sẻ vì nhau. Một xã hội được xây dựng trên cơ sở của tình yêu và sự công bằng là một xã hội văn minh. Nếu sống mà không có tình yêu thương, con người sẽ cô đơn, tẻ nhạt, ích kỉ biết bao!
Dù tồn tại trên trang sách hay giữa đời thực, lòng nhân ái luôn luôn sưởi ấm trái tim con người. Thế giới xô bồ đôi khi khiến ta quên đi rằng tâm hồn mình và những người xung quanh cũng cần được nâng niu. Sống không chỉ là “nhận” mà còn phải biết “cho” nên chúng ta hãy sống như Sơn, biết yêu thương và cảm thông.
Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội - mẫu 10
Những truyện ngắn của Thạch Lam thường nhẹ nhàng nhưng lại vô cùng sâu sắc. Một trong số đó phải kể đến Gió lạnh đầu mùa, gửi gắm bài học giá trị về lòng nhân ái.
Các nhân vật trong truyện đều hiện lên với tấm lòng nhân hậu bao dung, trước hết phải kể đến Sơn. Có thể thấy, Sơn là một cậu bé thân thiện, tốt bụng và giàu tình cảm. Cậu được sinh ra trong một gia đình khá giả, nhận được tình yêu thương của mọi người xung quanh. Nhưng không vì thế mà Sơn trở nên kiêu ngạo hay xa cách. Đối với bọn trẻ con trong xóm, Sơn vẫn thường xuyên chơi cùng và tỏ ra thân thiết.
Không chỉ riêng Sơn, Lan cũng là một cô gái tinh tế, tốt bụng. Câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn khi Lan nhìn thấy Hiên đang đứng “co ro” bên cột quán, trong gió lạnh chỉ mặc có manh áo “rách tả tơi”, “hở cả lưng và tay”. Cả Sơn và Lan đều cảm thấy thương xót cho con bé. Lúc này, Sơn chợt nhớ ra mẹ cái Hiên rất nghèo, nhớ đến em Duyên ngày trước vẫn cùng chơi với Hiên ở vườn nhà. Một ý nghĩ tốt thoáng qua trong tâm trí Sơn - đó là đem chiếc áo bông cũ của em Duyên cho Hiên. Nghĩ vậy, cậu đã nói với Lan. Hai chị em thảo luận một hồi rồi quyết định về nhà lấy chiếc áo bông đem cho Hiên. Chi tiết Lan đã “hăm hở” chạy về nhà lấy áo, còn Sơn thì đứng yên lặng đợi chờ, trong lòng tự nhiên thấy “ấm áp vui vui” gợi ra những tình cảm chân thành, đẹp đẽ của hai nhân vật này.
Kết thúc đem đến cho người đọc nhiều điều ấn tượng. Hai chị em Sơn lo lắng khi người vú già biết mẹ đã biết chuyện hai chị em lén mang áo cho Hiên. Sơn cảm thấy lo lắng, sợ hãi và sang nhà tìm Hiên để đòi lại áo. Nhưng đó là một phản ứng bình thường của một đứa trẻ khi mắc lỗi và bị phát hiện. Đến khi trở về nhà, chị em Sơn vô cùng ngạc nhiên khi thấy mẹ con cái Hiên đang ở nhà mình. Mẹ Hiên đem chiếc áo bông đến trả mẹ của Sơn. Có thể thấy dù sống khó khăn, khổ cực nhưng bà vẫn giữ vững phẩm chất tốt đẹp: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Còn người mẹ của Sơn, sau khi nghe rõ việc, bà đã cho mẹ của Hiên mượn năm hào về may áo ấm cho con. Điều đó thể hiện mẹ Sơn là một người trái tim nhân hậu. Sau khi mẹ con Hiên về, mẹ Sơn không tức giận, đánh mắng con mà còn “vẫy hai con lại gần, rồi âu yếm”. Rõ ràng, khi đọc truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa, người đọc cảm nhận được tình yêu thương giữa con người bao trùm lấy toàn bộ câu chuyện.
Lòng nhân ái rất quan trọng trong cuộc sống hiện nay. Bởi xã hội còn rất nhiều người có hoàn cảnh đáng thương. Đặc biệt hơn cả, khi chúng ta giúp đỡ người khác sẽ khiến bản thân cảm thấy hạnh phúc, thanh thản. Lòng nhân ái chính là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, chúng ta cần giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp đó.
Truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa” giàu giá trị nhân văn sâu sắc. Tác phẩm đã để bài học lớn về lòng nhân ái.
Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội - mẫu 10
Một trong những thói hư tật xấu thường gặp trong cuộc sống chính là hiện tượng đổ lỗi cho người khác. Hiện tượng này là một thói xấu có hậu quả khó lường, cần phải ngăn chặn và đẩy lùi.
Đổ lỗi cho người khác, là hành vi trốn tránh trách nhiệm với những việc mà bản thân gây ra hoặc liên quan. Hành vi ấy thể hiện sự hèn nhát, không dám đối mặt với sai lầm, khuyết điểm của bản thân mình. Khi bị truy cứu trách nhiệm, họ sẽ cho rằng bản thân không liên quan, không phải là người sai, rồi đùn đẩy trách nhiệm cho người khác. Khẳng định răng người đó mới là nguyên nhân của sự việc. Nhiều khi, bản thân người đó biết rằng lỗi sai là của mình nhưng vẫn nói dối, bịa đặt để đẩy trách nhiệm sang cho người khác. Điều này có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đối tượng. Như một bạn học sinh vì lười nhác không làm bài tập, mà bịa chuyện do nhà bị mất điện hoặc đổ lỗi do bài quá nhiều và khó để trốn tránh. Hay một vận động viên khi đi thi không đạt giải, thì lại đổ lỗi do thời tiết, cơ sở vật chất hay đối thủ đã ăn gian. Hay chuyện một cậu bạn trồng cây, quên không chăm sóc nên cây không phát triển tốt, thì đổ lỗi cho cây giống yếu, trời nắng quá to.
Hành vi đổ lỗi cho người khác ấy, trước hết khiến cho những người vô tội, không liên quan bị đổ vấy trách nhiệm và lời trách móc lên người trong khi bàn thân hoàn toàn vô tội. Ngoài ra, hành vi đấy còn khiến bản thân người đó trở nên xấu hơn trong mắt tập thể, tự khiến mình trở thành người không có phẩm chất tốt. Dễ bị mọi người cô lập, tẩy chay. Nhưng quan trọng nhất, là ảnh hưởng trực tiếp đến người đó. Việc đổ lỗi cho người khác, trốn tránh trách nhiệm khiến họ trở nên thụt lùi vì mãi không thể nhận ra sai lầm, khuyết điểm của bản thân để sửa chữa. Người mà không bao giờ thừa nhận cái sai, cái chưa tốt của bản thân, thì làm sao mà thay đổi và hoàn thiện hơn được chứ. Như vây, là họ đang tự khước từ phát triển bản thân hơn.
Để đẩy lùi được thói hư tật xấu này, chúng ta cần phải thay đổi từ chính bản thân mỗi người. Phải rèn luyện cho bản thân phẩm chất trung thực và dũng cảm, dám làm dám nhận. Ngoài ra, việc giáo dục từ phía nhà trường, gia đình cũng vô cùng quan trọng. Thông qua các câu chuyện, bộ phim, bài hát mà chúng ta lắng nghe mỗi ngày. Việc uốn nắn từ khi còn nhỏ là việc rất cần thiết và quan trọng. Bởi vậy, cần có sự chung tay của cả cộng đồng, và sự tự ý thức của mỗi cá nhân.
Em tin rằng, chỉ cần mỗi chúng ta đều có ý thức tốt hơn mỗi ngày. Ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua một chút, thì sớm thôi, thói hư tật xấu đổ lỗi cho người khác sẽ sớm bị đẩy lùi.
Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội - mẫu 10
Đổ lỗi cho người khác là một thói hư tật xấu mà chúng ta dễ dàng bắt gặp ở trong đời sống. Với những hệ lụy mà mình mang lại, thói xấu này cần phải bị đẩy lùi.
Đổ lỗi cho người khác là hành động thể hiện sự nhu nhược, thiếu trách nhiệm của một người. Khi không chịu thừa nhận những sai lầm, thiếu sót của bản thân, mà đổ lỗi do hoàn cảnh, do những người xung quanh mình. Họ cho rằng bản thân không phải là người sai, những thất bại, tổn hại xảy ra là do điều kiện bên ngoài tác động vào.
Thói xấu này khiến những người vô tội, không liên quan bị kéo vào, phải chịu trách nhiệm dù bản thân không gây nên. Nhưng người chịu tác động lớn nhất, lại chính là những người có thói đổ lỗi cho người khác. Vì không chịu thừa nhận lỗi sai của bản thân, nên họ sẽ không thể nào sửa chữa, khắc phục được lỗi lầm của mình. Từ đó sẽ lại tiếp tục sai phạm, lỗi lầm nối tiếp lỗi lầm. Cùng với đó, họ sẽ bị những người xung quanh chán ghét, xa lánh, tách khỏi cộng đồng.
Hiện nay, một bộ phận không nhỏ trong chúng ta đều có biểu hiện của thói đổ lỗi cho người khác. Đó là hệ quả của sự bạc nhược về tinh thần, cùng với sai lầm trong giáo dục. Để đẩy lùi thói hư tật xấu này, chúng ta cần phải có những biện pháp quyết liệt, đặc biệt là đi từ sự giáo dục. Chúng ta nên đề cao tinh thần dũng cảm “dám làm dám chịu”. Khuyến khích tinh thần tự làm chủ bản thân cho mỗi người, đặc biệt là từ các bạn nhỏ. Vì thế, việc giáo dục về việc tránh đổ lỗi cho người khác cần được áp dụng từ lúc còn nhỏ, với sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường.
Để đẩy lùi thói hư tật xấu đổ lỗi cho người khác, quan trọng nhất, vẫn là sự tự ý thích của mỗi người. Bất kì ai trong chúng ta cũng cần vững tinh thần, đề cao trách nhiệm cho mỗi hành động, lời nói của bản thân. Khi đó thói xấu này sẽ tự động được đẩy lùi.
Xem thêm các bài viết Tập làm văn lớp 8 hay khác:
Sưu tầm những bài viết kể lại một chuyến đi hoặc một hoạt động xã hội
Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ sau khi đọc một bài thơ sáu chữ, bảy chữ
Hãy viết đoạn văn bộc lộ cảm nghĩ của em sau khi đọc bài thơ “Nắng mới” của Lưu Trọng Lư
Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ sau khi đọc một bài thơ Nếu mai em về Chiêm Hóa
Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 8 hay khác:
- Soạn văn 8 Cánh diều (hay nhất)
- Soạn văn 8 Cánh diều (ngắn nhất)
- Giải lớp 8 Cánh diều (các môn học)
- Giải lớp 8 Kết nối tri thức (các môn học)
- Giải lớp 8 Chân trời sáng tạo (các môn học)
Tủ sách VIETJACK shopee lớp 6-8 cho phụ huynh và giáo viên (cả 3 bộ sách):
Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.
Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:Loạt bài Soạn văn 8 hay nhất, ngắn gọn của chúng tôi được biên soạn bám sát nội dung sgk Ngữ văn 8 Tập 1 và Tập 2 Cánh diều (NXB ĐH Sư phạm).
Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.
- Soạn văn 8 Cánh diều (hay nhất)
- Soạn văn 8 Cánh diều (ngắn nhất)
- Giải sgk Toán 8 - Cánh diều
- Giải Tiếng Anh 8 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh 8 Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 8 Friends plus
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 8 - Cánh diều
- Giải sgk Lịch Sử 8 - Cánh diều
- Giải sgk Địa Lí 8 - Cánh diều
- Giải sgk Giáo dục công dân 8 - Cánh diều
- Giải sgk Tin học 8 - Cánh diều
- Giải sgk Công nghệ 8 - Cánh diều
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 8 - Cánh diều
- Giải sgk Âm nhạc 8 - Cánh diều