Bài 14: Những ngọn núi nóng rẫy - Tiếng Việt lớp 5 Kết nối tri thức

Lời giải Tiếng Việt lớp 5 Bài 14: Những ngọn núi nóng rẫy sách Kết nối tri thức giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Tiếng Việt lớp 5 Bài 14.

Bài 14: Những ngọn núi nóng rẫy Tiếng Việt lớp 5 Kết nối tri thức

Quảng cáo

Video Giải Tiếng Việt lớp 5 Bài 14: Những ngọn núi nóng rẫy - Cô Ngọc Hà (Giáo viên VietJack)

Đọc: Những ngọn núi nóng rẫy

Nội dung chính Những ngọn núi nóng rẫy:

Ngọn núi lửa nóng rẫy với những hình thù đa dạng, cách thức hoạt động đầy bí ẩn, không dễ đoán định là một phần thiên nhiên kì thú trên hành tinh của chúng ta – nhiều nguy hiểm và nhiều điều cần khám phá.

* Khởi động

Câu hỏi trang 68 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Theo em, những ngọn núi dưới đây có gì đặc biệt?

Những ngọn núi nóng rẫy lớp 5 (trang 68, 69) | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

Trả lời:

Những ngọn núi dưới có điểm đặc biệt là rất cao, có mây, tuyết bao quanh và hình thù trông rất lạ, khác với các ngọn núi cao và nhọn em thường thấy thì chúng có ngọn núi bằng, như bị cắt gọt và có một vùng đất khá bằng phẳng bên trên đỉnh.

Văn bản: Những ngọn núi nóng rẫy

Những ngọn núi nóng rẫy lớp 5 (trang 68, 69) | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

Nói đến núi lửa, đa số mọi người nghĩ đến một quả núi hình nón đang bốc lửa nóng rẫy. Nhưng thực tế, núi lửa không phải bao giờ cũng y như vậy. Có quả núi lửa hình nón, có quả lại hình tròn thoai thoải. Một số phun lửa, một số khác chỉ phun khói, khí hoặc các đám mây tro. Một số quả núi lửa nổ với tiếng động kinh hoàng, một số khác chỉ rít lên khe khẽ. Ngoài núi lửa trên mặt đất còn có những quả núi lửa hoạt động ngầm trong nước biển nữa.

Quảng cáo

Để hiểu núi lửa hình thành ra sao, bạn cần biết Trái Đất được tạo bởi nhiều lớp khác nhau, y hệt một củ hành khổng lồ với nhiều lớp áo.

Lớp ngoài cùng của Trái Đất là lớp vỏ rất cứng, chính là nơi mà bạn đang đi đứng nhảy nhót phía trên. Dưới lớp vỏ, có những chỗ đã bị sức nóng nung chảy thành một thứ mác-ma đặc quánh. Thứ mác-ma này giống như cháo đặc lục bục sôi ở khoảng 700 đến 1 300 độ C. Do nhiều nguyên nhân, dòng mác-ma sôi sùng sục này có thể len lên trên, xuyên qua kẽ nứt ở lớp vỏ và phun trào, tạo thành núi lửa.

Vậy là nếu mặt đất tự nhiên nứt ra và từ kẽ nứt đó trào ra một thứ đá nóng chảy, thì chắc chắn là chúng ta đang thấy một quả núi lửa đấy.

(Theo A-ni-ta Ga-nê-ri, Dương Kiều Hoa dịch)

* Trả lời câu hỏi

Câu 1 trang 69 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Những đặc điểm dưới đây của núi lửa được miêu tả như thế nào?

Những ngọn núi nóng rẫy lớp 5 (trang 68, 69) | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

Trả lời:

– Hình dáng: hình nón, hình tròn thoai thoải.

Quảng cáo

– Hoạt động: một số núi phun lửa, một số khác chỉ phun khói, khí hoặc các đám mây tro.

– Tiếng động: một số quả núi lửa nổ với tiếng động kinh hoàng, một số khác chỉ rít lên khe khẽ.

– Vị trí: núi lửa trên mặt đất, núi lửa hoạt động ngầm trong nước biển.

Câu 2 trang 69 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Vì sao Trái Đất được miêu tả “y hệt một củ hành khổng lồ”? Em nghĩ gì về hình ảnh đó?

Trả lời:

Trái Đất được miêu tả “y hệt một củ hành khổng lồ” vì Trái Đất được tạo bởi nhiều lớp khác nhau, giống với các lớp của củ hành.

Câu 3 trang 69 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1:  Lớp vỏ Trái Đất và mác-ma bên dưới được miêu tả như thế nào?

Trả lời:

Lớp vỏ Trái Đất và mác-ma bên dưới được miêu tả: Lớp ngoài cùng của Trái Đất là lớp vỏ rất cứng, chính là nơi mà bạn đang đi đứng nhảy nhót phía trên. Dưới lớp vỏ, có những chỗ đã bị sức nóng nung chảy thành một thứ mác-ma đặc quánh. Thứ mác-ma này giống như cháo đặc lục bục sôi ở khoảng 700 đến 1 300 độ C.

Câu 4 trang 69 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Núi lửa được hình thành ra sao?

Trả lời:

Quảng cáo

Núi lửa được hình thành do nhiều nguyên nhân, làm dòng mác-ma sôi sùng sục có thể len lên trên, xuyên qua kẽ nứt ở lớp vỏ và phun trào, tạo thành núi lửa.

Câu 5 trang 69 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Trao đổi với bạn về các thông tin trong bài đọc theo gợi ý.

Trả lời:

Những ngọn núi nóng rẫy lớp 5 (trang 68, 69) | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

Trả lời:

Em trao đổi với bạn về các thông tin trong bài đọc mà em đã biết; thông tin mới với em; thông tin em thấy thú vị nhất; thông tin em muốn biết thêm trong bài.

* Luyện tập theo văn bản đọc

Câu 1 trang 69 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Tìm những từ ngữ chỉ hiện tượng tự nhiên có thể gây thiệt hại nặng nề cho đời sống con người.

M: động đất,...

Trả lời:

Những từ ngữ chỉ hiện tượng tự nhiên có thể gây thiệt hại nặng nề cho đời sống con người: sóng thần, núi lửa, lốc xoáy, lũ lụt, hạn hán, thuỷ triều, siêu bão, tia cực tím, mưa đá, mưa axit.

Câu 2 trang 69 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Trong các cặp từ ngữ dưới đây, từ quả và từ lửa nào được dùng với nghĩa gốc, từ quả và từ lửa nào được dùng với nghĩa chuyển?

a. quả núi – quả cam

b. núi lửa – ngọn lửa ước mơ

Trả lời:

a. Trong cặp từ ngữ dưới:

+ Từ quả trong quả núi được dùng với nghĩa chuyển.

+ Từ quả trong quả cam được dùng với nghĩa gốc.

b. Trong cặp từ ngữ dưới: 

+ Từ lửa trong núi lửa được dùng với nghĩa gốc.

+ Từ lửa trong ngọn lửa ước mơ được dùng với nghĩa chuyển.

Viết: Viết đoạn văn tả phong cảnh

Câu 1 trang 70 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Đọc các đoạn văn dưới đây và trả lời câu hỏi.

a. Trong rừng trúc có một con suối nhỏ, nước rất trong. Suối chảy lững lờ, làm những sợi rêu xanh bám vào những tảng đá xám hai bên bờ nhảy múa nhịp nhàng. Ở giữa dòng, một bầy cá nhỏ chỉ bằng ngón tay út ve vẩy vây và đuôi, miệng khẽ há ra, lặng lẽ bơi đứng. Gần như không có một tiếng động nào báo hiệu sự có mặt của con suối ở quãng rừng có lẽ là đầu nguồn này. Bên kia suối, đã thấy những chiếc măng trúc non bị nhím ăn dở, chân chúng in lỗ chỗ như vết chân chuột. Những cây trúc vàng óng, vút cao, đã bắt đầu trổ hoa. Hoa trúc cứng và vàng, không có hương vị gì, vậy mà đâu đó, vẫn thoảng một mùi thơm nhẹ nhõm, xa ngái,...

(Theo Trần Nhuận Minh)

– Đoạn văn tả phong cảnh gì?

– Tác giả quan sát, cảm nhận vẻ đẹp của phong cảnh bằng những giác quan nào?

– Phong cảnh được miêu tả theo trình tự thời gian hay không gian?

b. Biển luôn thay đổi màu tuỳ theo sắc mây trời. Trời xanh thẳm, biển cũng thẳm xanh như dâng cao lên, chắc nịch. Trời rải mây trắng nhạt, biển mơ màng dịu hơi sương, Trời âm u mây mưa, biển xám xịt nặng nề. Trời ầm ầm dông gió, biển đục ngầu, giận dữ,... Như một con người biết buồn vui, biển lúc tẻ nhạt, lạnh lùng, lúc sôi nổi, hả hê, lúc đăm chiêu, gắt gỏng. Biển nhiều khi rất đẹp, ai cùng thấy như thế. Nhưng có một điều ít ai chú ý là: vẻ đẹp của biển, vẻ đẹp kì diệu muôn màu muôn sắc ấy phần rất lớn là do mây, trời và ánh sáng tạo nên.

(Theo Vũ Tú Nam)

– Tìm câu chủ đề của đoạn văn.

– Theo em, tác giả đã quan sát biển, trời vào những thời điểm nào?

– Tìm và nêu tác dụng của hình ảnh so sánh và nhân hoá trong đoạn văn.

Trả lời:

a. Trong đoạn văn này:

– Đoạn văn tả phong cảnh: trong rừng trúc.

– Tác giả quan sát, cảm nhận vẻ đẹp của phong cảnh bằng các giác quan: thị giác (mắt), thính giác (tai), khứu giác (mũi), vị giác (lưỡi).

– Phong cảnh được miêu tả theo trình tự: Không gian: trong rừng trúc – con suối – giữa dòng suối – bên kia suối – những cây trúc – hoa trúc. Là không gian từ xa đến gần rồi lại ra xa.

b. Trong đoạn văn này:

– Câu chủ đề của đoạn văn: Biển luôn thay đổi màu sắc tuỳ theo sắc mây trời.

– Theo em, tác giả đã quan sát biển, trời vào những thời điểm: Buổi sáng (trời xanh thẳm), buổi trưa (trời rải mây trắng nhạt), buổi chiều (trời âm u mây mưa…).

– Hình ảnh so sánh: Trời xanh thẳm, biển cũng thẳm xanh như dâng cao lên, chắc nịch; Như một con người biết buồn vui, biển lúc tẻ nhạt, lạnh lùng, lúc sôi nổi, hả hê, lúc đăm chiêu, gắt gỏng.

Tác dụng của hình ảnh so sánh: giúp ta liên tưởng và dễ hình dung về khung cảnh biển, trời với hình ảnh quen thuộc, đã biết (vế còn lại của so sánh).

– Hình ảnh nhân hoá: Trời rải mây trắng nhạt, biển mơ màng dịu hơi sương, Trời âm u mây mưa, biển xám xịt nặng nề. Trời ầm ầm dông gió, biển đục ngầu, giận dữ,...

Tác dụng của hình ảnh nhân hoá: giúp ta thấy biển như gần gũi, giống với con người, tả hình ảnh của biển và trời mây như nét tính cách của con người một cách đặc sắc, biểu cảm.

Câu 2 trang 70 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Dựa vào kết quả quan sát phong cảnh ở Bài 12 và dàn ý đã lập ở Bài 13, viết đoạn văn tả một đặc điểm nổi bật của cảnh ao hồ, sông suối hoặc biển đảo.

Trả lời:

Vào sáng sớm hay lúc chiều hoàng hôn, quần đảo Trường Sa đều được soi chiếu chói lọi bởi ánh Mặt Trời chiếu lên mặt biển. Những đợt sóng lăn tăn, những gợn, những đợt lấp la lấp lánh ánh Mặt Trời như kim cương rơi vào lòng biển rồi vỡ tan. Gió trên biển cũng thật khắc nghiệt, những đợt gió cả ngày cứ liên tục thổi vào các đảo, gió không ngừng như những đợt sóng vỗ bờ. Nhất là vào ngày mưa bão, gió thường rất to và đem theo mưa nhiều. Có khi gió quật đổ cây, tốc mái nhà. Do vậy, các chiến sĩ và người dân trên các đảo phải gia cố, nẹp và đổ rào quanh gốc cây. Có lẽ rễ cây cũng hiểu chuyện, lo lắng mà đâm rễ thật sâu vào lòng đất trên đảo. Thời tiết trên đảo chuyển mình rõ nhất có lẽ là hai mùa trong năm: mùa mưa và mùa khô. Tương tự như mùa mưa và mùa khô trên đất liền, ở đảo mùa khô cũng ít mưa, mùa mưa thì mưa rất nhiều, mưa như trút nước. Nơi đây thật sự rất khắc nghiệt.

Đọc mở rộng

Câu 1 trang 71 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Đọc phiếu đọc sách dưới đây:

Đọc mở rộng Bài 14 trang 71 lớp 5 | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

Trả lời:

Em đọc phiếu đọc sách đã cho.

Câu 2 trang 71 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Đọc sách báo về núi, hang động, đại dương, các hành tinh trong hệ Mặt Trời,... hoặc hiện tượng trong thế giới tự nhiên (núi lửa phun trào, lốc xoáy, mưa đá,...).

Trả lời:

Em đọc sách báo về núi, hang động, đại dương, các hành tinh trong hệ Mặt Trời,... hoặc hiện tượng trong thế giới tự nhiên.

– Trên báo điện tử Kenh14 có bài báo về hiện tượng tự nhiên nhan đề: Haiyan được đánh giá là siêu bão mạnh nhất trong lịch sử nhân loại (Viết năm 2013)

Về cường độ, siêu bão Haiyan được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trong lịch sử nhân loại, vượt qua cả những siêu bão khủng khiếp như Sandy hay Bopha. Haiyan có sức di chuyển nhanh hơn tốc độ của tàu hỏa siêu tốc.

Lịch sử thế giới đã từng ghi nhận rất nhiều những cơn bão có sức hủy diệt vượt xa thang đo cấp gió của nhiều quốc gia như trận siêu bão Katrina (2005), siêu bão Sandy (2012) hay siêu bão Bopha (Philippines)... Tất cả những trận siêu bão đi qua đều để lại những hậu quả to lớn về người và của, mà phải mất rất nhiều thời gian sau đó, người dân địa phương mới có thể phục hồi lại được phần nào sự tàn phá của thiên tai.

Tiêu biểu trong số những siêu bão gây kinh sợ của loài người là trận bão Katrina xảy ra vào năm 2005 tại Mỹ, tàn phá miền Đông Nam nước Mỹ và trở thành một trong những trận thiên tai gây tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ. Với sức gió 280km/h, cơn bão khiến 1.833 người chết và gây thiệt hại 108 tỷ USD. 

Tháng 10/2012, siêu bão Sandy cũng đổ bộ vào Mỹ, gây thiệt hại nặng nề cho quốc gia này. Trước khi đổ bộ vào Mỹ, siêu bão này cũng đã tấn công vào các quốc gia như Jamaica, Cuba, Bahamas, Haiti và Canada. Với sức gió lên đến 185km/h, bão Sandy khiến gần 300 người thiệt mạng, gây thiệt hại khoảng 65 tỷ USD.

Cũng vào năm 2012, cơn bão mạnh nhất năm 2012 có tên quốc tế Bopha với sức gió mạnh 280km/h đã tấn công vào đảo Mindanao, Philippines khiến  hơn 2.000 người thiệt mạng và gây thiệt hại 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, so về cường độ, siêu bão Haiyan vẫn được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trong lịch sử. Bằng chứng là vào sáng ngày hôm nay, sức gió ở vùng gần tâm bão lên tới trên 370km/h, và vào trưa nay sức gió vùng tâm bão dù đã suy yếu nhưng vẫn đạt 234km/h, gió giật lên tới 324km/h. Với vận tốc này, siêu bão được đánh giá là có sức di chuyển nhanh hơn cả tốc độ di chuyển của tàu hỏa siêu tốc.

Siêu bão Haiyan với hoàn lưu và mắt bão rộng gây nên nỗi sợ hãi cho người dân không chỉ ở Philippines mà còn cả những nước khác trên thế giới. Với sức gió khủng khiếp như dự báo, siêu bão Haiyan sẽ có thể phá hủy tất cả các căn nhà cấp 4 kiên cố, làm bật tung nóc nhà hay các khung sắt, cây cối cổ thụ cũng có thể bật tung gốc, cột điện đổ, cô lập các khu dân cư khiến người dân sống trong tình trạng thiếu nước lâu dài.

Tính đến thời điểm hiện tại, siêu bão Haiyan đã khiến ít nhất 3 người đã thiệt mạng và 7 người khác bị thương, đồng thời lật tung mái của rất nhiều tòa nhà, bật tung gốc cây và làm sạt lở đất, giao thông đình trệ. Một số khu vực ảnh hưởng nặng nề của bão đã mất liên lạc.

Dự kiến, sau khi đổ bộ vào Philippines, siêu bão Haiyan sẽ di chuyển vào biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam, Lào.

Câu 3 trang 71 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Viết phiếu đọc sách và dựa vào đó chia sẻ với các bạn những thông tin mà em đọc được.

Trả lời:

Em viết phiếu đọc sách và chia sẻ với các bạn những thông tin em đọc được.

* Vận dụng

Câu 1 trang 71 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Sưu tầm tranh ảnh về những địa điểm du lịch được hình thành từ núi lửa.

Trả lời:

Những địa điểm du lịch được hình thành từ núi lửa:

Đọc mở rộng Bài 14 trang 71 lớp 5 | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

Đọc mở rộng Bài 14 trang 71 lớp 5 | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

Đọc mở rộng Bài 14 trang 71 lớp 5 | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

Câu 2 trang 71 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Trao đổi với người thân về những ngọn núi lửa nổi tiếng trên thế giới.

Trả lời:

Em kể và trao đổi với người thân về những ngọn núi lửa nổi tiếng trên thế giới.

Xem thêm lời giải bài tập Tiếng Việt lớp 5 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 5 hay khác:

ĐỀ THI, BÀI TẬP CUỐI TUẦN, SÁCH ÔN TẬP DÀNH CHO KHỐI TIỂU HỌC

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi, sách dành cho giáo viên và bài tập cuối tuần, gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài Giải Tiếng Việt lớp 5 của chúng tôi được biên soạn bám sát nội dung sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1 và Tập 2 Kết nối tri thức (NXB Giáo dục).

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Giải bài tập lớp 5 Kết nối tri thức khác
Tài liệu giáo viên