200 bài Văn tự sự lớp 5 hay nhất, chọn lọc

200 bài Văn tự sự lớp 5 hay nhất, chọn lọc

Tổng hợp trên 200 bài văn tự sự - văn kể chuyện lớp 5 với dàn ý chi tiết được chọn lọc, tổng hợp từ những bài viết tập làm văn của học sinh lớp 5 trên cả nước. Hi vọng với các bài văn mẫu này, các em sẽ biết cách triển khai ý, tích lũy thêm vốn từ để viết bài văn tự sự lớp 5 hay hơn.

Đề bài: Kể một câu chuyện em đã nghe hay đã đọc về môt anh hùng, danh nhân của nước ta.

Dàn ý Kể một câu chuyện em đã nghe hay đã đọc về môt anh hùng, danh nhân của nước ta

1. Mở bài: Giới thiệu câu chuyện về danh nhân văn hóa mà em đã được nghe, được đọc.

– Câu chuyện em được nghe kể hay đọc qua sách báo?

– Câu chuyện kể về danh nhân văn hóa nào?

2. Thân bài:

– Khái quát tiểu sử của danh nhân văn hóa:

+ Tên, tuổi, quê quán

– Khái quát cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân văn hóa

+ Những hoạt động và đóng góp

+ Vinh danh danh nhân văn hóa

– Kể lại câu chuyện về danh nhân văn hóa.

3. Kết bài: Cảm nghĩ của em về câu chuyện của danh nhân văn hóa:

- Những danh nhân văn hóa là tài sản vô cùng quý giá đối với mỗi một quốc gia, dân tộc, cần tôn vinh và học tập noi theo.

Kể một câu chuyện em đã nghe hay đã đọc về môt anh hùng, danh nhân của nước ta - Thánh Gióng

Ngày xưa, ở làng Gióng có một cậu bé kì lạ, đã lên ba tuổi mà vẫn không biết đi, không biết nói, chỉ đặt đâu nằm đấy trơ trơ.

Giặc Ân từ phương Bắc tràn sang xâm lấn bờ cõi nước ta. Nhà vua sai sứ giả đi khắp nơi, cầu người hiền tài đứng ra cứu nước. Nghe tiếng loa rao, cậu bé bỗng nhiên biết nói. Cậu nhờ mẹ gọi sứ giả vào rồi bảo: “Ông hãy về tâu với nhà vua, đúc cho ta một con ngựa sắt, một áo giáp sắt, một chiếc nón sắt. Ta sẽ đánh tan lũ giặc”.

Kể từ khi gặp sứ giả, cậu bé lớn nhanh như thổi. Cơm ăn mấy cũng chẳng no, quần áo vừa may xong đã chật. Mẹ cậu không đủ thóc gạo, cả làng phải góp lương thực để nuôi cậu.

Khi nhà vua cho mang các thứ tới, Gióng vươn vai vụt trở thành một tráng sĩ dũng mãnh. Tráng sĩ mặc áo giáp sắt, đội nón sắt, cầm roi sắt, cưỡi lên lưng ngựa sắt. Ngựa sắt hí vang, phun lửa, lao ra trận. Tráng sĩ dùng roi sắt quất túi bụi vào kẻ thù. Roi sắt gãy, tráng sĩ nhổ từng bụi tre bên đường đánh tiếp. Giặc chết như ngả rạ.

Dẹp xong giặc nước, Gióng cởi áo giáp sắt, nón sắt, bỏ lại dưới chân núi, lưu luyến nhìn lại quê hương một lần cuối rồi cưỡi ngựa từ từ bay lên trời. Nhân dân trong vùng ghi nhớ công ơn to lớn của Gióng, lập đền thờ và suy tôn là Thánh Gióng.

Truyền thuyết Thánh Gióng xuất hiện từ thời Hùng Vương dựng nước và được nhân dân ta lưu truyền từ đời này sang đời khác cho đến tận ngày nay.

Kể một câu chuyện em đã nghe hay đã đọc về môt anh hùng, danh nhân của nước ta - Nữ tướng Lê Chân

Ngày nay, du khách gần xa đến tham quan thành phố Hải Phòng sẽ được chiêm ngưỡng bức tượng nữ tướng Lê Chân đặt tại dải vườn hoa Trung tâm nội đô. Tượng bằng đồng cao 6m vô cùng tráng lệ, kỳ vĩ. Thanh bảo kiếm bên mình, Lê Chân uy nghiêm hướng về biển Đông với cặp mắt sáng ngời đầy uy dũng. Sử sách còn ghi rõ: Lê Chân là con gái của ông Lê Đạo, một thầy thuốc nhân đức nổi tiếng khắp vùng. Bà quê ở làng An Biên (tục gọi là làng vẻn) thuộc phủ Kinh Môn, nay thuộc huyện Đông Triều, Quảng Ninh.

Năm 16 tuổi, Lê Chân nổi tiếng tài sắc, giỏi võ nghệ, có chí lớn phi thường. Thái thú Giao Chỉ lúc ấy là một tên cực kì tham tàn, bạo ngược. Không ép được bà làm tì thiếp, hắn đã khép ông Lê Đạo vào tội phản nghịch đem giết đi! Lê Chân phải trốn về vùng ven biển An Dương nung nấu mối thù nhà nợ nước, quyết không đội trời chung với giặc Hán xâm lược.

Khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, cùng với bao anh hùng nữ kiệt khắp nơi nổi dậy hưởng ứng, Lê Chân chỉ huy đội nghĩa binh làng An Biên tiến về Luy Lâu vây đánh quân Đông Hán. Lửa cháy rực trời, ngựa hí quân reo, chiêng trống dậy đất của nghĩa quân làm cho bọn giặc bạt vía kinh hồn. Chính quyền đô hộ tan vỡ, sụp đổ tan tành; Thái thú Tô Định vội bỏ thành trì, ấn tín, cắt tóc, cạo râu, lẻn trốn về phương Bắc. Đó là giữa tháng 3 năm 40. Lê Chân chiêu mộ trai tráng, di dân lập ấp. Một vùng duyên hải dọc ngang trấn giữ được đặt tên là An Biên, đúng như tên quê cha đất tổ của bà. Nghề nông trang, nghề chài lưới đánh cá, đóng thuyền ngày một phát triển. Lương thảo được tích trữ, cung tên giáo mác được tập rèn, chỉ mấy năm sau, Lê Chân đã có hàng nghìn dũng sĩ chờ đợi thời cơ, mưu đồ đại sự.

Cuộc khởi nghĩa thắng lợi, 65 thành trì được giải phóng, Hai Bà lên làm vua xưng là Trưng Vương, đóng đô ở Mê Linh. Nước ta giành được độc lập.

Gần một trăm anh hùng nữ tướng được phong thưởng, được giao nhiều trọng trách. Trưng Vương sai nữ tướng Thánh Thiên đóng quân ở Hợp Phố phòng giữ mặt bắc, tướng Đô Dương giữ Cửu Chân phòng vệ mặt nam, nữ tướng Lê Chân được phong ‘Chưởng quản binh quyền nội bộ” đóng bản doanh ở Giao Chỉ, v.v..

Tháng 4 năm 42, vua nhà Hán sai Mã Viện mang đại binh sang xâm lược nước ta. Bà Trưng cùng các chiến tướng đem quân ra cự địch. Nhiều trận đánh lớn đã diễn ra ở Lãng Bạc, cẩm Khê, Hát Môn. Tháng 5-43, Hai Bà Trưng thất thế phải gieo mình xuống sông Hát Giang tự tận. Nhiều nữ tướng của Bà Trưng đã anh dũng hi sinh. Nữ tướng Lê Chân đã lấp suối, ngăn sông, chẹn đánh quyết liệt thủy binh giặc. Mãi đến cuối năm 43, Lê Chân anh dũng hy sinh tại chiến trường vùng Lạt Sơn, Kim Bảng (thuộc tỉnh Hà Nam ngày nay) nêu cao khí phách anh hùng của người phụ nữ Việt Nam.

Để ghi nhớ công ơn to lớn của nữ anh hùng Lê Chân, nhân dân An Biên đã lập đền thờ gọi là đền Nghè, một trong những di tích lịch sử cổ kính, trang nghiêm của thành phố Cửa Biển.

Kể một câu chuyện em đã nghe hay đã đọc về môt anh hùng, danh nhân của nước ta - Nguyễn Viết Xuân

rong công cuộc chống Mĩ cứu nước, Bác Hồ chúng ta thường nói: ''Ra ngõ gặp anh hùng", chắc chắn câu chuyện mà tôi kể cho các bạn nghe sẽ giới thiệu đầy đủ về một nhân vật anh hùng tiêu biểu cho tuổi trẻ Việt Nam.

Anh Nguyễn Viết Xuân sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phú. Năm bảy tuổi, anh di ở bế em cho một người bà con xa để kiếm sống. Đoạn đời đi ở ấy kéo dài tới mười năm liền.

Năm 18 tuổi, từ vùng tạm chiến, anh vượt ra vùng giải phóng xin vào bộ đội. Đó là năm 1952, anh trở thành chiến sĩ quân đội nhân dân và được bổ sung vào một trung đoàn cao xạ. Ở chiến, dịch Điện Biên Phủ, đơn vị anh đã bắn rơi hàng chục chiếc máy bay của giặc Pháp. Lần đầu bắn được loại máy bay B.24 tại chỗ, anh vui sướng quá, nói với anh Nguyễn Khắc Vĩ là chỉ huy của mình: "Em tưởng bắn B.24 khó lắm, thế mà nó cũng phải rơi anh nhỉ." Người chỉ huy nói: "Dũng cảm mà bắn thì nhất định máy bay nào của địch cũng phải rơi!".

Trong một trận đánh, hàng dàn máy bay giặc bổ nhào xuống trận địa. Bom rơi như sung rụng. Anh Vĩ hiên ngang đứng trên hầm pháo chỉ huy, dõng dạc hô: "Nhắm thẳng vào máy bay bổ nhào, bắn!"- Nhưng sau đó, anh hi sinh oanh liệt.

Hình ảnh người chỉ huy dũng cảm với tiếng hô đanh thép ấy dã dể lại ấn tượng sâu sắc trong lòng Nguyễn Viết Xuân. Noi gương, anh luôn luôn phấn đấu và được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam. Anh trở thành chính trị viên phó đại đội, rồi chính trị viên đại đội. Năm 1964 thiếu úy Nguyễn Viết Xuân đưa đơn vị cao xạ của mình lên đóng ở miền tây Quảng Bình để bảo vệ vùng trời biên giới của Tổ quốc.

Ngày 18 tháng 11 năm 1964, giặc cho máy bay xâm phạm vùng trời miền Bắc ở phía tây Quảng Bình, hết đợt này đến đợt khác. Trên các khẩu pháo, các chiến sĩ dũng cảm bắn tỉa máy bay địch. Tiếng Nguyễn Viết Xuân hô vang:

– Nhắm thẳng quân thù mà bắn!

Hai máy bay phản lực F.100 tan xác.

Lần thứ tư, máy bay địch lại tới, anh vội chạy về sở chỉ huy để truyền lệnh chiến đấu. Ba chiếc F.100 lao tới liên tiếp nhả đạn. Không may, anh bị đạn bắn trúng đùi. Anh ngã nhào trong hầm, một chân giập nát. Chiến sĩ Tình nhìn thấy định báo tin cho đồng đội, anh Xuân nghiến răng chịu đau, ra hiệu im lặng. Rồi anh dặn: "Đồng chí không được cho ai biết tôi bị thương. Đồng chí hãy giúp tôi truyền lệnh chiến dấu."

Y tá Nhu tới, thấy máu chính trị viên ra nhiều, vội lấy băng, nhưng anh gạt đi và nói: "Đi băng cho anh em bị thương khác đã…" Và anh yêu cầu cắt chân để khỏi bị vướng. Y tá trù trừ, anh giục: "Cứ cắt đi… và giấu chân vào chỗ kín hộ tôi…"

Chân cắt xong, Nguyễn Viết Xuân bảo đưa khán để anh ngậm. Người y tá quá thương cảm, vùng dứng dậy thét vang:

– Tất cả các đồng chí bắn mạnh lên, trả thù cho chính trị viên.

Các khẩu pháo nhất loạt rung lên, tạo thành lưới lửa quất vỡ mặt kẻ thù khi chúng vừa lao tới. Khói lửa mịt mù. Một chiếc F.100 nữa đâm đầu xuống núi kéo theo vệt lửa dài. Cả bọn hoảng hôt cút thẳng về hướng đông.

Khi bầu trời trở lại quang đãng, mọi người ùa tới bên người chiến sĩ, nhưng anh đã hi sinh.

Khẩu lệnh của người anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân "Nhắm thẳng quăn thù mà bắn!" đãtrở thành bất diệt. Khẩu lệnh tấn công ấy đã luôn luôn làm bạt vía, kinh hồn lũ giặc lái máy bay Mĩ khi chúng xâm phạm bầu trời miền Bắc của Tổ quốc mến yêu.

....................................

....................................

....................................

Đề bài: Kể một việc làm tốt góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Dàn ý Kể một việc làm tốt góp phần xây dựng quê hương, đất nước

1. Mở bài

- Nêu hoàn cảnh, thời gian diễn ra sự việc.

2. Thân bài

- Kể diễn biến sự việc:

+ Việc tốt đó là gì? Xảy ra ở đâu?

+ Suy nghĩ của em khi làm công việc đó.

+ Hành động cụ thể của em khi đó.

- Việc làm của em đã mang lại ích lợi như thế nào.

3. Kết bài

- Cảm giác của em sau khi làm được một việc tốt.

Kể một việc làm tốt góp phần xây dựng quê hương, đất nước - mẫu 1

Không ai ở xã em mà không biết ông Tùng, dù đã ngoài 60 tuổi, vẫn ngày ngày miệt mài đạp xe cọc cạch đi khắp nơi để vận động mọi người xây trường học cho trẻ em nghèo trong xã.

Từ giã chiến trường trở về quê hương, ông Tùng là một thương binh. Ông chứng kiến cảnh các bạn thiếu nhi nghèo trong xã không được đến trường, không được dạy dỗ tử tế nên nói tục, chửi bậy, lại có bạn sa vào trộm cắp ... Nghĩ đến bản thân mình ngày trước, ông càng thương các bạn và đi đến quyết định: “Phải giúp chúng thay đổi cuộc đời. Chỉ có cái chữ mới giúp lũ trẻ thoát nghèo!”.

Từ đó, ông Tùng bắt tay vào việc vận động xây trường học cho xã. Ông đề nghị Ủy ban xã cho phép xây trường học và được ủng hộ nhiệt tình. Ông Tùng tự nguyện hiến mảnh vườn nhỏ của mình do ông bà để lại xây trường học. Đất xây trường có rồi, còn kinh phí đâu mà xây dựng? Ông mất ăn, mất ngủ, âm thầm suy nghĩ, trăn trở tìm mọi cách. Nhân dân trong xã biết vậy, mỗi người xin đóng góp một ít cùng ông xây trường. Nhưng quê ông còn nghèo, số tiền quyên góp của bà con chẳng thấm vào đâu. Đã vậy, bà con chỉ quyên góp một lần, hai lần, chứ nhiều cũng ... khổ cho họ. Nghe vậy, ông về nhà đốn tre, chia thành ngàn ống, đưa đến từng hộ dân trong xã. Ông kêu gọi mọi người, mỗi tháng bỏ vào ống hai lon gạo. Chỉ hai lon thôi nhưng cũng đóng được vài bộ bàn ghế, vài cái bảng đen...

“Nhưng xã này còn nghèo quá, mà tiền xây dựng trường học bán từ gạo quyên góp thì như muối bỏ biển. Đã góp phần xây dựng quê hương thì phải nghĩ ra nhiều chuyện, phải có nhiều tiền mới xây được trường” - Ông cười ...

Rồi ông bắt đầu đi ... xin. Lúc đầu, phạm vi của ông là những gia đình khá giả trong xã, trong huyện ... Dần dần, ông lên thành phố. Ông nhắm vào những người cùng làng, cùng xã nay làm ăn khấm khá ở các thành phố lớn, vậy mới có thể đủ tiền xây dựng trường. Chiếc xe đạp cọc cạch theo chân ông đi khắp hang cùng ngõ hẻm. Nhiều người không hiểu, cười bảo ông làm chuyện bao đồng; cứ tỉnh, huyện rót kinh phí xuống bao nhiêu thì làm bấy nhiêu, chứ đi xin kiểu ấy, vừa hành xác, vừa giống ... ăn mày. Nhưng ông Tùng quả quyết:

- Mình ăn mày mà đem lại cho lũ trẻ nơi học hành tử tế, có được cái chữ để giúp thân thì chẳng đáng gì!

Sau hai năm, bằng tấm lòng cùng sự chân thành, ông đã thu được kết quả ngoài mong đợi. Không những ông xây được ngôi trường hai tầng khang trang mà còn sửa lại đường xá, cầu cống cho các bạn đến trường thuận tiện.

Nhìn bộ mặt của quê hương thay đổi, khuôn mặt ông Tùng càng thêm rạng rỡ. Tiếng đọc bài của các bạn vang lên hàng ngày làm ông Tùng mãn nguyện. Ông thấy mình như trẻ lại.

Việc làm tốt đẹp của ông Tùng đã góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Đó là việc làm cao cả được mọi người khâm phục và kính trọng.

Kể một việc làm tốt góp phần xây dựng quê hương, đất nước - mẫu 2

Hôm ấy là một ngày đẹp trời lại là ngày nghỉ học, em cùng với Việt Hà rủ nhau ra công viên hóng mát. Tình cờ chúng em gặp được bốn bạn trai cùng lớp.

Đó là Phát, Hoàng, Độ, Dũng. Sau khi dạo một vòng quanh công viên, chúng em lại ngồi đối diện nhau trên hai dãy ghế, ngắm nhìn cảnh vật xe cộ qua lại và kể cho nhau nghe những chuyện cười đọc được trang báo “Nhi Đồng” và “Khăn quàng đỏ”. Cả bọn cười nói rôm rả. Bỗng, Độ phát hiện thấy dưới ghế ngồi có mấy ông chích (ống kim tiêm). Độ lấy que hất ra ngoài rồi nói: “Có lẽ đây là mấy ống chích của mấy người ghiền xì ke đây”. Em suy nghĩ một lát rồi đề nghị: “Tụi mình về nhà lấy que gắp, rồi ra đây chúng mình đi khắp công viên gom lại bỏ vào thùng rác đi. Để thế này nguy hiểm lắm! Mọi người đều đồng ý. Sáng đó, chúng em gom được một bọc, ước chừng vài chục ống chích, đem bỏ vào thùng rác.

Việc làm của chúng em tuy không lớn nhưng đứa nào đứa nấy đều cảm thấy vui, vì mình đã làm được một việc tốt, góp phần bảo vệ môi trường.

....................................

....................................

....................................

Đề bài: Kể lại một câu chuyện em đã nghe hay đã đọc ca ngợi hòa bình, chống chiến tranh.

Dàn ý Kể lại một câu chuyện em đã nghe hay đã đọc ca ngợi hòa bình, chống chiến tranh

* Gợi ý cách kể chuyện ca ngợi hòa bình

- Giới thiệu câu chuyện (đọc ở đâu hoặc nghe ai kể, tên câu chuyện là gì, câu chuyện nói về ai, về việc gì,...)

- Kể diễn biến câu chuyện, tập trung vào những tình tiết thể hiện ước vọng hòa bình, tinh thần chống chiến tranh.

- Nêu cảm nghĩ của bản thân về câu chuyện

Kể lại một câu chuyện em đã nghe hay đã đọc ca ngợi hòa bình, chống chiến tranh - mẫu 1

Từ xưa tới nay, nền hòa bình luôn là vấn đề thiết yếu ở khắp mọi nơi trên thế giới. Tôi đã từng nghe câu chuyện về một cô bé thơ ngây, yêu chuộng hòa bình. Câu chuyện mang tên “Những con sếu bằng giấy”.

Ngày 16-7-1945, nước Mỹ chế tạo thành công bom nguyên tử. Hơn nửa tháng sau, chính phủ Mỹ quyết định ném cả hai quả bom mới chế tạo xuống đất nước mặt trời mọc - Nhật Bản.

Hai quả bom ném xuống các thành phố Hi-rô-si-ma và Na-ga-xa-ki. Chúng đã cướp đi mạng sống của gần nửa triệu người. Đến năm 1951, lại có thêm gần 100000 người ở Hi-rô-si-ma bị chết do nhiễm phóng xạ nguyên tử. Hậu quả do bom nguyên tử gây ra quả thực rất nặng nề và đau thương.

Khi thành phố Hi-rô-si-ma bị ném bom, cô bé Xa-xa-cô Xa-xa-ki mới hai tuổi đã may mắn thoát nạn. Nhưng nào ngờ cơ thể em đã bị nhiễm phóng xạ. Mười năm sau đó, em lâm bệnh nặng. Gương mặt nhỏ nhắn ngày càng hốc hác đi. Khi nằm trong bệnh viện nhẩm đếm từng ngày còn lại của cuộc đời mình, cô bé ngây thơ tin vào một truyền thuyết nói rằng nếu gấp đủ một nghìn con sếu bằng giấy treo quanh phòng, em sẽ khỏi bệnh. Em liền lặng lẽ gấp sếu. Ngày qua ngày, em vẫn miệt mài gấp từng chú sếu nhỏ. Một chú sếu hoàn thành là em lại nở nụ cười bởi niềm tin tăng lên. Biết chuyện, trẻ em toàn nước Nhật và nhiều nơi trên thế giới đã tới tấp gửi hàng nghìn con sếu giấy đến cho Xa-xa-cô. Nhưng Xa-xa-cô mới gấp được 644 con thì em đã mãi mãi lìa xa cõi đời này.

Xúc động trước cái chết của em, học sinh thành phố Hi-rô-si-ma đã quyên góp tiền xây dựng một tượng đài tưởng nhớ những nạn nhân bị bom nguyên tử sát hại. Trên đỉnh tượng đài cao chín mét là hình một em gái giơ cao hai tay lên trời để nâng một con sếu. Dưới tượng đài khắc dòng chữ: "Chúng tôi muốn thế giới này mãi mãi hòa bình".

Khi nghe câu chuyện về cô bé Xa-xa-cô, hẳn ai ai cũng xúc động trước lòng yêu chuộng hòa bình của em. Sẽ chẳng có phép màu nào gìn giữ được cuộc sống hòa bình mà mỗi con người, mỗi quốc gia cần phải nỗ lực chung tay để gìn bảo vệ nền hòa bình vốn có và đẩy lùi chiến tranh phi nghĩa.

Kể lại một câu chuyện em đã nghe hay đã đọc ca ngợi hòa bình, chống chiến tranh - mẫu 2

Năm 1958, Bác đi thăm Ấn Độ, Người rời Thủ đô Niu Đê li bằng xe lửa đặc biệt để thăm thành phố Bombay. Đông đảo đại diện ngoại giao các nước và quần chúng Thủ đô Niu Đê li ra tiễn Bác. Các thành viên của đoàn ta lên các toa trước để khi Bác đến là tàu có thể chuyển bánh được ngay.

Bác đến, rồi đi chào các đại diện ngoại giao đang xếp hàng ngang trong phòng khách của nhà ga. Khi ra sân ga chỉ có Bác, Thủ tướng Ấn Độ Nê ru và ông Vụ trưởng Vụ lễ tân của Ấn Độ. Bước đến toa dành riêng cho Bác, Bác không vào ghế ngồi ngay mà đứng lại ở cửa, nói một vài câu chuyện với Thủ tướng Nê ru. Khi còi tàu nổi lên báo hiệu tàu sắp chuyển bánh, Thủ tướng Nê ru thân mật và ân cần nói với Bác:

- Chủ tịch hãy cẩn thận, tàu sắp chuyển bánh đó.

Tươi cười và rất hiền hòa, Bác Hồ nói với Thủ tướng Nê ru:

- Ông bạn thân mến cứ yên tâm, đây là cửa của hòa bình.

Nghe Bác nói, Thủ tướng Nê ru cười vui vẻ, cảm kích và trả lời Bác:

- Thưa Chủ tịch, cửa hòa bình luôn luôn rộng mở.

Câu chuyện rất thân mật này diễn ra giữa hai người đứng đầu hai quốc gia, đồng thời cũng là hai người bạn yêu chuộng hòa bình, luôn luôn đấu tranh cho hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa các dân tộc đã làm cho các nhà báo Ấn Độ và nước ngoài có mặt hôm ấy rất chú ý.

Sáng hôm sau các báo lớn của Ấn Độ đăng lại cuộc đối thoại lý thú này và đã tạo dư luận rất tốt trong quần chúng. Nhiều báo nhắc lại câu nói của Bác: Đây là cánh cửa hòa bình.

....................................

....................................

....................................

Săn shopee siêu SALE :

ĐỀ THI, BÀI TẬP CUỐI TUẦN,GÓI THI ONLINE DÀNH CHO KHỐI TIỂU HỌC

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi dành cho giáo viên và bài tập cuối tuần, gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Tổng hợp 500 bài văn hay lớp 5 được chọn lọc từ những bài văn hay của học sinh tiểu học trên cả nước.

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Tài liệu giáo viên