5+ Kể lại câu chuyện trong bài thơ có tính chất tự sự (điểm cao)

Kể lại nội dung câu chuyện trong bài thơ có tính chất tự sự gồm dàn ý chi tiết, sơ đồ tư duy và các bài văn mẫu hay nhất, ngắn gọn được tổng hợp và chọn lọc từ những bài văn hay đạt điểm cao của học sinh lớp 7.

5+ Kể lại câu chuyện trong bài thơ có tính chất tự sự (điểm cao)

Quảng cáo

Kể lại câu chuyện trong bài thơ có tính chất tự sự - mẫu 1

Chiến dịch Biên giới, mùa thu năm 1950, tôi hăm hở lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Là một anh lính mới (người chiến sĩ khi đó thường được gọi là đội viên), tôi đã có những ngày tháng đẹp nhất là được sống và chiến đấu bên cạnh Bác. Bên Bác, tôi đã có rất nhiều kỉ niệm không thể nào quên, nhưng có lẽ kỉ niệm mà tôi vô cùng xúc động đó là: Vào đêm trước khi diễn ra chiến dịch Biên giới, Bác đã đến thăm một đơn vị bộ đội và nghỉ lại trong lều trú quân của các chiến sĩ. Đêm đó, trời mưa lạnh, Bác thức suốt đêm, không ngủ.

Khoảng quá nửa đêm khi tất cả anh em chiến sĩ đã say sưa trong giấc ngủ thì không hiểu sao tôi lại bỗng nhiên chợt thức. Tôi chưa kịp nhổm dậy nhưng đã nhìn thấy khuôn mặt Bác. Bác còn thức và hình như Bác chưa hề ngủ. Bác ngồi trầm ngâm lặng yên bên bếp lửa. Ngoài trời mưa đã lác đác rơi. Tôi nhìn dáng Bác, càng nhìn tôi lại càng thương. Bác đang khơi ngọn lửa. Người cha già tóc bạc đang đốt lửa sưởi ấm cho tôi.

Quảng cáo

Tôi vẫn lặng yên và quan sát. Tôi thấy Bác đứng dậy. Bác đi dém lại những mảnh chăn một cách nhẹ nhàng. Nhìn Bác, tôi mơ màng như đang nằm trong giấc mộng. Bác mênh mông quá! Ấm nóng và cao quý quá! Tôi thổn thức và thì thầm hỏi nhỏ:

- Bác ơi! Bác chưa ngủ! Bác có lạnh lắm không?

Bác quay lại nhìn tôi trìu mến:

- Chú cứ việc ngủ ngon. Ngày mai đi đánh giặc.

Tôi vâng lời Bác nhắm mắt nhưng không sao ngủ được. Tôi bồn chồn, nằm và lo Bác Ốm. Chiến dịch vẫn còn dài và bao khó khăn vẫn đợi chờ phía trước.

Lần thứ ba thức dậy, trời đã gần về sáng, tôi hốt hoảng giật mình thấy Bác vẫn ngồi đó, đinh ninh, chòm râu im phăng phắc. Tôi nằng nặc mời Bác đi ngủ để giữ gìn sức khỏe. Vẫn bằng giọng trầm ấm dịu dàng, Bác nói với tôi: Chú cứ việc ngủ ngon. Bác thức thì mặc Bác. Bác ngủ không ngon vì Bác không thấy an lòng. Trời mưa như vậy không biết các cô chú dân công ăn ngủ làm sao. Ở trong rừng mà có mỗi manh áo mỏng thì chắc là ướt mất. Bác thấy nóng ruột quá. Bác mong sao trời sáng thật mau. Tôi nhìn Bác, lòng tôi ấm áp và vui sướng mênh mông. Đêm ấy, tôi thức luôn cùng Bác.         

Quảng cáo

Tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng bởi tôi đã nhận ra một điều dường như đã trở thành chân lý: Bác của chúng ta vĩ đại bởi Bác đã dành trọn cuộc đời cho những lo lắng và yêu thương.

Dàn ý Kể lại câu chuyện trong bài thơ có tính chất tự sự

I. Mở bài

- Giới thiệu câu chuyện mà mình định kể (câu chuyện đó thuộc bài thơ nào?)

- Xác định ngôi kể (có thể kể theo ngôi thứ nhất hoặc ngôi thứ ba)

II. Thân bài

- Hoàn cảnh (thời gian, địa điểm) xảy ra câu chuyện ấy là khi nào?

- Nhân vật chính trong câu chuyện là ai? (chú ý miêu tả một cách cụ thể nhân vật)

- Kể lại câu chuyện (dựa vào những sự kiện xảy ra trong bài thơ để kể)

+ Câu chuyện được mở đầu như thế nào?

+ Diễn biến câu chuyện ra sao?

Quảng cáo

+ Kết thúc câu chuyện như thế nào?

- Ý nghĩa của câu chuyện

III. Kết bài

- Những suy nghĩ, cảm xúc của bản thân khi là người tham gia hoặc chứng kiến câu chuyện.

Sơ đồ tư duy Kể lại câu chuyện trong bài thơ có tính chất tự sự

Kể lại câu chuyện trong bài thơ có tính chất tự sự

Kể lại câu chuyện trong bài thơ có tính chất tự sự - mẫu 2

Mùa thu năm 1950, Đảng và Chính phủ ta quyết định mở chiến dịch Cao - Bắc - Lạng (còn gọi là chiến dịch Biên giới) nhằm phá vỡ phòng tuyến bao vây căn cứ Việt Bắc của thực dân Pháp, mở đường liên lạc giữa nước ta với các nước anh em như Trung Quốc, Liên Xô… Quân ta chuẩn bị lực lượng tương đối kĩ, có sự phối hợp chặt chẽ trên các chiến trường để giành thắng lợi.

Trước khi chiến dịch mở màn, Bác đến thăm một đơn vị bộ đội và nghỉ lại nơi trú quân. Đêm mưa, trời lạnh, chiến sĩ ngủ quây quần bên Bác. Riêng Bác không ngủ. Người ngồi bên đống lửa, hai tay bó gối, đôi mắt trầm ngâm, những vết nhăn như sâu hơn trên vầng trán rộng.

Đêm đã khuya. Cảnh vật chìm trong bóng tối. Thỉnh thoảng văng vẳng đâu đó tiếng vỗ cánh của loài chim ăn đêm. Tiếng mưa rơi tí tách trên mái lán. Đồng đội của tôi đang ngủ say sau một ngày hành quân vất vả. Tôi trở mình, quay mặt về phía đông lửa và lặng lẽ nhìn Bác – người Cha già kính yêu của quân đội và nhân dân Việt Nam. Bác khơi cho bếp lửa cháy bùng lên, hơi ấm tỏa khắp căn lều dã chiến. Rồi Bác đi dém chăn cho từng chiến sĩ. Bác coi trọng giấc ngủ của bộ đội nên nhón chân rất nhẹ nhàng, cố gắng không gây ra tiếng động. Bác ân cần săn sóc các chiến sĩ, không khác gì bà mẹ hiền thương yêu lo lắng cho đàn con.

Tôi dõi theo từng cử chỉ của Bác mà trong lòng trào lên tình cảm yêu thương và biết ơn vô hạn. Ánh lửa bập bùng in bóng Bác lồng lộng trên vách nứa đơn sơ. Tình thương của Bác đã sưởi ấm trái tim chiến sĩ trước giờ ra trận. Tôi cảm thấy mình như được che chở trong tình thương bao la, nồng đượm ấy. Lòng tôi bồi hồi, rưng rưng một niềm xúc động. Tôi thì thầm hỏi nhỏ:

- Thưa Bác, sao Bác chưa ngủ ạ? Bác có lạnh lắm không?

Bác không trả lời câu hỏi của tôi mà ân cần khuyên nhủ:

- Chú cứ việc ngủ ngon, để lấy sức ngày mai đánh giặc!

Vâng lời Bác, tôi nhắm mắt mà lòng vẫn thấp thỏm không yên. Những chiến sĩ trẻ chúng tôi sức dài vai rộng, còn Bác vừa yếu lại vừa cao tuổi.

Thời gian vẫn âm thầm trôi qua. Trời đang chuyển dần về sáng. Lần thứ ba thức dậy, tôi giật mình thấy Bác vẫn ngồi im như pho tượng, đôi mắt trĩu nặng suy tư đăm đăm nhìn ngọn lửa hồng. Không thể đành lòng, tôi bèn lên tiếng:

- Thưa Bác! Xin Bác chợp mắt một chút cho khỏe ạ!

Bác cất giọng trầm ấm bảo tôi:

- Cháu đừng bận tâm! Bác không thể yên lòng mà ngủ. Trời thì mưa lạnh thế này, dân công ngủ ngoài rừng, tránh sao cho khỏi ướt? Bác nóng ruột lắm, chỉ mong trời mau sáng!

Nghe Bác nói, tôi càng hiểu tình thương của Người sâu nặng, bao la biết chừng nào! Bác lo cho chiến sĩ, dân công, cũng là lo cho chiến dịch, cho cuộc kháng chiến gian khổ mà anh dũng của toàn dân. Tình thương ấy bao trùm lên đất nước và dân tộc.

Sung sướng và tự hào biết bao, tôi được làm người chiến sĩ chiến đấu dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng, của Bác! Bác đã khơi dậy trong tôi tình đồng đội, tình giai cấp đẹp đẽ và cao quý. Không đành lòng ngủ yên trong chăn ấm, bên bếp lửa hồng, khi những đồng đội của mình còn phải chịu bao gian khổ, tôi thức luôn cùng Bác. Dường như hiểu được lòng tôi, những ngọn lửa hồng cũng nhảy múa reo vui và càng thêm rực sáng.

Kể lại câu chuyện trong bài thơ có tính chất tự sự - mẫu 3

Ông của em là một người lính đã từng tham gia chiến dịch ở Việt Bắc. Mỗi ngày, em luôn thích thú và tự hào lắng nghe những câu chuyện lúc ở Việt Bắc của ông. Nhưng câu chuyện em thích nhất chính là câu chuyện vào một đêm mưa, ông đã được thức cùng Bác Hồ.

Hồi ấy, trên đường hành quân giữa mùa đông buốt giá, ông cùng đồng đội của mình dựng lều ở giữa rừng để nghỉ ngơi. Và thật vinh dự, ông được ở cùng với Bác. Tối đó, sau khi ăn xong, mọi người đi ngủ sớm để dưỡng sức cho ngày mai. Đến khuya, trong lúc mọi người đang ngủ say, ông em tỉnh giấc. Bác Hồ vẫn đang ngồi trầm ngâm bên đống lửa. Ông em lặng lẽ nhìn Bác, càng nhìn ông càng thương. Bác đốt lửa sưởi ấm cho ông em nằm, rồi Bác đứng dậy, nhẹ nhàng dém chăn cho từng người. Cảm động, ông em lại gần, khẽ hỏi Bác: “Bác ơi, sao đêm khuya rồi mà Bác vẫn chưa ngủ ạ? Bác ngồi như vậy có lạnh lắm không?”. Trước sự quan tâm của ông, Bác mỉm cười trả lời: “ Chú cứ việc ngủ ngon, để giữ sức ngày mai còn đi đánh giặc”. Vâng lời Bác, ông em nằm xuống nhưng trong lòng bồn chồn, lo lắng không yên.

Đến lần thứ ba thức dậy, ông của em thấy Bác vẫn còn thức, vẫn tư thế ấy, vẫn vẻ mặt trầm ngâm ấy. Hốt hoảng, ông em liền mời Bác đi ngủ một cách tha thiết, khẩn khoản. Ấy vậy mà Bác vẫn không đi ngủ. Lúc này, thấy vẻ mặt lo lắng của ông, Bác chia sẻ:

- Chú cứ việc ngủ ngon để ngày mai còn đi đánh giặc, Bác thức thì mặc Bác, Bác không an lòng ngủ khi nghĩ đến dân công đang ngủ ngoài rừng. Cứ nghĩ đến các chú ấy phải nằm giữa trời mưa gió rét buốt, không chiếu, không chăn là bác không yên lòng, chỉ mong trời mau sáng.

Sau khi nghe những lời tâm sự của Bác, ông em vô cùng cảm động và càng thêm ngưỡng mộ Bác. Ông quyết định thức luôn cùng Bác. Tuy đêm đó không ngủ nhưng ông bảo: khoảnh khắc ấy, ông còn vui hơn cả khi được ngủ suốt một đêm dài. Ngày hôm sau, khi trời sáng, mọi người lại tiếp tục hành quân. Ông em tiếp tục thực hiện nhiệm vụ với tinh thần phấn khởi, vui sướng, tràn đầy hi vọng về tương lai phía trước.

Nghe ông kể xong, em lại thêm thấu hiểu được tấm lòng cao cả, vĩ đại của Bác Hồ - người cha già của dân tộc. Nhờ tấm lòng cao cả, tràn đầy tình yêu thương ấy của Bác mà dân tộc ta có được ngày hôm nay. Và cũng giống như bao người con Việt Nam khác, em luôn kính yêu và tự hào về Bác Hồ thân yêu.

Kể lại câu chuyện trong bài thơ có tính chất tự sự - mẫu 4

Năm 1946, thực dân Pháp trở mặt xâm lược nước ta một lần nữa. Hồ Chủ tịch thay mặt chính phủ lâm thời đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, động viên nhân dân quyết hi sinh để bảo vệ chủ quyền độc lập, tự do chúng ta đã phải đổ bao xương máu mới giành lại được. Từ Hà Nội, tôi trở về quê hương, đúng lúc giặc Pháp tấn công vào Huế. Không khí những ngày đó thật sôi sục. Người dân xứ Huế không phân biệt già, trẻ, gái, trai, đồng lòng đánh giặc, bảo vệ quê hương.

Đang rảo bước trên đường Hàng Bè, tôi chợt nghe tiếng gọi vô cùng quen thuộc: "Ôi chú Lành! Chú về hồi nào vậy?". Tôi ngẩng lên nhìn. Một chú bé loắt choắt, da sạm nắng, trên đầu là chiếc mũ ca nô đội lệch, trông mới tinh nghịch làm sao. Cháu cười, để lộ hàm răng trắng đều, sải bước thật nhanh về phía tôi, hai tay dang rộng, chiếc xắc cốt nhún nhảy trên lưng theo nhịp bước.

Ồ! Lượm! Đứa cháu bé bỏng của tôi! Xa cháu chưa lâu mà tôi thấy cháu khác trước nhiều quá! Cháu chững chạc hẳn lên, trông như một anh bộ đội thực thụ. Tôi ôm chặt Lượm vào lòng, vội vã hỏi thăm về những người thân. Cháu vui vẻ khoe:

– Cháu làm liên lạc. Ở với các chú bộ đội trong đồn Mang Cá, cháu được các chú ấy dạy chữ, dạy hát, dạy bắn súng, dạy cách làm việc… Vui lắm chú à!

Lượm hào hứng kể rồi cười thích thú, mắt sáng ngời, đôi má ứng đỏ như trái bồ quân chín. Tôi cũng vui lây trước niềm vui trẻ thơ, hồn nhiên của Lượm. Cháu giơ tay lên mũ, đứng nghiêm chào tôi: "Thôi, chào đồng chí!" kèm theo nụ cười tinh nghịch. Tôi đứng lặng nhìn theo bóng cháu đang thoăn thoắt nhảy chân sáo trên đường. Tiếng huýt sáo vui vẻ của Lượm vẫn còn văng vẳng bên tai. Tôi rất vui vì Lượm đã trở thành đồng đội của tôi, một đồng đội tí hon.

Ngày tháng trôi qua, hai chú cháu tôi chiến đấu trên hai mặt trận khác nhau. Vào một ngày hè tháng sáu, tôi bàng hoàng khi nhận được tin Lượm đã hi sinh trong một trận tấn công đồn giặc. Giữa lúc cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, Lượm nhận nhiệm vụ chuyển thư thượng khẩn ra mặt trận. Trong lửa đạn mịt mù, cháu lao lên như một mũi tên, không sợ hiểm nguy, quyết trao tận tay người chỉ huy trận đánh lệnh của cấp trên. Một viên đạn thù đã bắn vào cháu. Lượm ngã xuống trên quê hương, giữa đồng lúa thơm mùi sữa lên đòng. Lượm đã hi sinh ngay trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình. Cháu ra đi mãi mãi, để lại niềm thương cảm khôn nguôi trong lòng tôi…

Mỗi khi nghĩ đến Lượm, trong tâm trí tôi lại hiện lên hình ảnh một chú bé loắt choắt, vai đeo chiếc xắc cốt đựng tài liệu, đầu đội chiếc mũ ca nô, miệng huýt sáo vang, vừa đi vừa nhảy chân sáo trên con đường chan hòa ánh nắng.

Kể lại câu chuyện trong bài thơ có tính chất tự sự - mẫu 5

Chiến tranh là mất mát, là đau thương. Trong khói lửa đạn bom khốc liệt của cuộc chiến, có rất nhiều người đã mãi mãi nằm xuống. Có những người ra đi khi tuổi thanh xuân còn đang dang dở, cũng có những đứa trẻ chưa kịp trưởng thành. Lượm là một đứa trẻ như thế. Câu chuyện về Lượm – chú bé liên lạc dũng cảm là câu chuyện mà sau này, chúng tôi mãi mãi không thể quên. 

Nhớ lại những tháng năm lịch sử ấy, vượt lên những đau thương, cả dân tộc đều chung sức đồng lòng chiến đấu. Thực dân Pháp nhẫn tâm dìm nhân dân ta vào trong bể máu, phẫn nộ dâng cao, phong trào yêu nước cũng ngày càng mạnh mẽ. Lãnh đạo cấp trên truyền xuống công văn, lệnh cho tôi và một số đồng chí khác chuyển từ Huế về Hà Nội hoạt động. Một lần, tôi vô tình đến phố Hàng Bè. Lúc chìm trong dòng người xung quanh, một cậu bé dáng người nhỏ nhắn, thoạt nhìn tuổi còn nhỏ, nhanh nhẹn đến gần tôi. Cậu bé đi xa, tôi đã thấy trong tay xuất hiện mật khẩu và một bức mật thư. Cách mạng khi ấy còn hoạt động trong bí mật, lẩn tránh con mắt của thực dân, tôi cũng không gọi cậu bé lại hỏi thăm, chỉ cất kĩ lá thư, nhìn theo bóng người nhỏ bé, tung tăng nhảy chân sáo rồi khuất dần sau dòng người tấp nập. 

Một thời gian sau đó, trong một buổi họp mặt ở đơn vị, các đồng chí kể tôi mới biết cậu bé tên thật là Nông Văn Dền, mọi người hay gọi là Lượm, đang làm liên lạc cho mặt trận Việt Minh. Tôi gặp Lượm, vẫn mũ ca nô đội lệch và khuôn mặt trẻ con lanh lợi, thông minh. Lượm thấy tôi thì nhận ra ngay, lễ phép chào hỏi. Tôi ngồi cạnh Lượm, tò mò hỏi:

- Cháu năm nay bao nhiêu tuổi rồi? Lần trước cháu giao thư mà chú không tiện hỏi chuyện.

Lượm cười tươi, nụ cười của cậu bé trẻ tuổi đầy sức sống, làm tôi dường như cũng vui vẻ theo:

- Cháu 11 tuổi rồi chú ạ! Hôm ấy, cháu cũng lo lắng, truyền xong là vội đi luôn, sợ quân địch theo dõi, phát hiện ra. Chẳng may chúng bắt được, Cách mạng ta lại thêm bề khó khăn.

Tôi hơi giật mình nghe câu trả lời của Lượm, thầm khâm phục cậu bé nhỏ tuổi mà suy nghĩ chu đáo, dũng cảm. Sợ địch phát hiện bí mật, Cách mạng bại lộ, nguy hiểm chứ không sợ mình bị bắt, bị tra tấn, thậm chí bị giết. Tôi bèn vỗ vai khích lệ đồng chí liên lạc nhỏ tuổi mà yêu nước, nhanh trí:

- Khá lắm! Vậy cháu đi liên lạc có thấy vất vả không? 

Lượm nghịch cây cỏ mào gà trong tay, ánh mắt cậu bé mới 11 tuổi bừng sáng lên:

- Cháu thì không thấy vất vả chú ạ. Đi liên lạc, có lúc nguy hiểm gần kề, máy bay địch, đạn bắn bay vèo vèo trên đầu nhưng vui lắm ạ. Cháu nghĩ đến thắng lợi không xa, nghĩ đến Bác Hồ và các chú ngày đêm chiến đấu thì không thấy vất vả hay sợ hãi nữa. Cháu chỉ mong mình liên lạc được nhanh hơn để giúp Cách mạng sớm ngày thắng lợi, quân ta bớt hi sinh thôi ạ.

Chú cháu tôi cứ ngồi trò chuyện mãi đến khi có đồng chí đến gọi. Lượm lại tiếp tục đi liên lạc, cậu bé đứng dậy, nghiêm trang giơ tay chào tôi: “Chào đồng chí”. Tôi bật cười rồi cũng giơ tay chào lại. Tôi trở về hoạt động bí mật. Cách mạng đang bước vào giai đoạn gấp rút, cao trào và căng thẳng hơn. Nhưng tôi không nghĩ đến, lần đó lại là lần cuối cùng tôi nhìn thấy Lượm.

Một lần lâu sau đó, tôi gặp lại đồng chí từng giới thiệu Lượm với tôi ngày trước, hỏi thăm cậu bé loắt choắt ấy sao rồi. Đồng chí thở dài rồi nói Lượm đã hi sinh, vừa kể lại sự kiện đau xót ấy vừa hoài niệm dáng vẻ của Lượm ngày còn đi liên lạc. Tôi dần tưởng tượng ra hình ảnh chú bé nhanh thoăn thoắt, vừa đi vừa huýt sáo vang. Chú đeo cái túi xinh xinh, bên trong đựng thư thượng khẩn, thư liên lạc của Cách mạng. Con đường đưa thư phải đi qua những cánh đồng vắng. Một bên là đồn gác nhỏ của giặc, một bên là căn cứ của Cách mạng chúng ta. Lượm không chút mảy may lo sợ, tung tăng chụp bướm, chuồn chuồn, hồn nhiên che mắt giặc. Chiếc ca lô nhỏ nhấp nhô mãi trên cánh đồng.

Nhưng quân giặc tàn nhẫn nào tha cho chú bé mới mười mấy tuổi, chúng nổ súng, viên đạn xuyên qua trái tim hừng hực ý chí yêu nước kiên cường của Lượm. Lượm ngã xuống cánh đồng ngay khi còn cách căn cứ những bước chân cuối cùng. Dòng máu đỏ tươi cùng đôi mắt nhắm nghiền yên tĩnh của Lượm khiến những chiến sĩ lớn tuổi không nén được xót xa.

Trong khâm phục và nỗi tiếc thương vô hạn trào dâng, tôi bật thốt lên những câu thơ kể về chú bé liên lạc dũng cảm đã mãi mãi hi sinh cho Tổ quốc.

“Chú bé loắt choắt,

Cái xắc xinh xinh,

Cái chân thoăn thoắt,

Cái đầu nghênh nghênh,

Ca-lô đội lệch,

Mồm huýt sáo vang,

Như con chim chích,

Nhảy trên đường vàng...”

Xem thêm các bài văn mẫu lớp 7 hay, ngắn nhất khác:

Lời giải bài tập lớp 7 sách mới:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH LUYỆN THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 7

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi, sách dành cho giáo viên và khóa học dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài 500 bài văn hay lớp 7 được chọn lọc, tổng hợp từ những bài văn đạt điểm cao của học sinh lớp 7 trên cả nước nhằm mục đích giúp học sinh viết văn lớp 7 hay hơn.

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Giải bài tập lớp 7 sách mới các môn học
Tài liệu giáo viên