5+ Vẻ đẹp mùa xuân đất nước qua bài thơ Mùa xuân nho nhỏ (điểm cao)

Vẻ đẹp mùa xuân đất nước qua bài thơ Mùa xuân nho nhỏ hay nhất, ngắn gọn gồm dàn ý chi tiết, sơ đồ tư duy và các bài văn mẫu được tổng hợp và chọn lọc từ những bài văn hay đạt điểm cao của học sinh lớp 9 trên cả nước.

5+ Vẻ đẹp mùa xuân đất nước qua bài thơ Mùa xuân nho nhỏ (điểm cao)

Quảng cáo

Bài giảng: Mùa xuân nho nhỏ - Cô Nguyễn Ngọc Anh (Giáo viên VietJack)

Vẻ đẹp mùa xuân đất nước qua bài thơ Mùa xuân nho nhỏ - mẫu 1

Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ là tác phẩm cuối cùng của nhà thơ Thanh Hải, được viết vào tháng 11 năm 1980 khi nhà thơ đang nằm trên giường bệnh, bài thơ của ông đã nêu bật lên một cảm hứng đón nhận thanh sắc, trời đất mùa xuân, cảm nhận được sự tự hào về bước đi lên thanh xuân của đất nước. Đồng thời, bài thơ là tiếng lòng tha thiết, yêu mến và gắn bó với đất nước, gắn bó với cuộc đời và thể hiện chân thành một ước nguyện hiến dâng.

Mở đầu bài thơ là bức tranh thiên nhiên xứ Huế đặc sắc. Bức tranh xuân được mở ra với không gian thoáng đạt: dòng sông, mặt đất, bầu trời. Dòng sông xanh, dòng sông thơ mộng hòa sắc một bông hoa tím biếc trên cao những cánh chim chiền chiện chao liệng hết vang trời làm xáo động cả bức tranh xuân. Dòng sông, tiếng chim là những hình ảnh thực nhưng lại được xen vào hình ảnh ảo…

"Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc”

Cảm xúc của tác giả trước cảnh mùa xuân thiên nhiên được diễn tả tập chung ở chi tiết rất giản dị:

Quảng cáo

"Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng.”

Lời thơ có hai cách hiểu… Dù hiểu theo cách nào thì lời thơ vẫn biểu hiện niềm say sưa ngây ngất của nhà thơ trước vẻ đẹp thiên nhiên đất trời vào xuân.

Khổ thơ 2, 3 từ mùa xuân thiên niên nhà thơ hướng cảm xúc của mình về mùa xuân đất nước:

"Mùa xuân người cầm súng

Lộc giắt đầy trên lưng

...

Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước.”

Quảng cáo

Mùa xuân trước hết là mùa xuân của người cầm súng, người ra đồng những con người tiêu biểu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Những con người gieo mùa xuân hòa bình ấm lo cho đất nước, ý nghĩa ấy kết đọng ở chữ "lộc” được lặp lại hai lần. Chữ “lộc” nghĩa thực là mùa xuân cây cối đâm chồi nảy lộc. Chuyển nghĩa: Lộc trong câu thơ là búp non trên cành lá ngụy trang của người chiến sĩ ra trận, là lộc non của mạ gieo khắp cánh đồng, lộc ấy chính là sức sống vươn lên phát triển của thế giới. Hình ảnh sóng đôi, điệp từ, điệp ngữ, phép ẩn dụ, so sánh tạo lên nhịp điệu mùa xuân hối hả hào hùng và diễn tả trực tiếp không khí lên đường khẩn trương rộn ràng háo hức.

Mặc dù đất nước bốn ngàn năm vất vả gian lao của những người bền bỉ vững vàng. Ngôi sao ấy luôn tỏa sáng soi đường cho thế hệ này nối tiếp thế hệ kia chung tay góp sức xây dựng đất nước. Trong không khí tưng bừng hối hả của mùa xuân đất nước nhà thơ muốn hòa vào cống hiến cùng mọi người. Nguyện ước của nhà thơ được làm con chim mang giọng hát trong trẻo tươi vui dâng cho đời một tiếng ca vui muốn làm cành hoa tỏa hương sắc trong muôn sắc màu, muốn làm nốt trầm xao xuyến tha thiết đầy ý nghĩa trong bản hòa ca cuộc đời, muốn làm một mùa xuân nho nhỏ góp vào mùa xuân lớn lao dân tộc mà không phô trương lặng lẽ dâng cho đời.

Quảng cáo

“Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc”

Nghĩa là ngay cả lúc này sự sống đang vơi dần vẫn muốn cống hiến. Đó là lẽ sống cao đẹp, sống có ích biết dâng hiến cho cuộc đời tất cả những gì tinh túy nhất. Vậy là cái tôi chữ tình bộc lộ cảm xúc riêng tư trước mùa xuân thiên nhiên đất trời chuyển sang xưng ta diễn tả sự hòa hợp của cái tôi nhỏ bé với cái ta rộng lớn. Nguyện ước của nhà thơ không chỉ riêng một người mà còn là nguyện ước chung của tất cả mọi người. Những câu thơ năm chữ kết hợp điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc cú pháp tạo ra nhịp thở liền mạch sôi nổi, trẻ trung diễn tả cảm xúc vừa chân thành vừa thiết tha trào dâng với khát vọng mãnh liệt. Trước lúc đi xa nhà thơ vẫn cháy lên khát vọng sống và tình yêu quê hương đất nước.

"Mùa xuân – ta xin hát

Câu Nam ai, Nam bình

Nước non ngàn dặm mình

Nước non ngàn dặm tình

Nhịp phách tiền đất Huế.”

Nhà thơ muốn hát câu Nam ai, Nam bình để đón mùa xuân, ngợi ca đất Huế biểu hiện niềm tin yêu gắn bó sâu nặng của tác giả với quê hương đất nước, trở thành khúc ca xuân. Bằng sự rung cảm và mãnh liệt của mình, nhà thơ Thanh Hải đã để lại trong lòng người đọc những suy nghĩ, những bài học vô cùng sâu lắng. Càng đọc thì người ta càng cảm thấy cuộc sống có rất nhiều ý nghĩa, bởi vì khi ta sống, chúng ta được hết mình và cống hiến cho tổ quốc Việt Nam dấu yêu. Cảm ơn tác giả Thanh Hải đã cho chúng ta có một cái nhìn mới mẻ, có một cảm nhận tinh tế về cuộc sống tươi đẹp này.

Dàn ý Vẻ đẹp mùa xuân đất nước qua bài thơ Mùa xuân nho nhỏ

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả Thanh Hải và bài thơ Mùa xuân nho nhỏ.

2. Thân bài

a. Khổ thơ thứ nhất

- Vẻ đẹp mùa xuân qua cảm nhận của tác giả: Bông hoa tím biếc, con chim chiền chiện hót vang trời, tác giả cô đọng giọng hót của con chiền chiện thành giọt long lanh và giơ tay ra để cảm nhận.

→ Vẻ đẹp mùa xuân qua cách cảm của tác giả trở nên đẹp đẽ, nhiều màu sắc và đáng yêu, đáng mến.

b. Khổ thơ thứ hai

- Ở khổ thơ này, tác giả cảm nhận về vẻ đẹp của con người lao động: Hình ảnh con người lao động trong mùa xuân gắn liền với với màu xanh của chồi lộc, một màu sắc tràn đầy sức sống, cả đất trời như được sinh sôi nảy nở.

c. Khổ thơ thứ ba

- Sau khi cảm nhận về mùa xuân của thiên nhiên và con người, tác giả cảm nhận về mùa xuân của cả đất nước.

- Đất nước tuy còn nhiều gian lao, khổ cực nhưng vẫn hướng về phía trước với niềm phấn khởi, hào hứng.

d. Ba khổ thơ cuối - Ước nguyện của nhà thơ

- Ước muốn của tác giả: trở thành con chim, làm cành hoa để nhập vào bản hòa tấu chung của đất nước, của dân tộc một giai điệu trầm ấm.

- Khao khát cống hiến của tác giả: muốn được dâng hiến tuổi trẻ của mình cho đất nước dù là khi còn trẻ hay lúc về già.

- Tâm trạng của tác giả vào mùa xuân: hát vang câu hát Nam ai, Nam bình để hòa chung không khí vui vẻ cho cả dân tộc.

3. Kết bài

- Khái quát lại giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm.

Sơ đồ Vẻ đẹp mùa xuân đất nước qua bài thơ Mùa xuân nho nhỏ

 Vẻ đẹp mùa xuân đất nước qua bài thơ Mùa xuân nho nhỏ

Vẻ đẹp mùa xuân đất nước qua bài thơ Mùa xuân nho nhỏ - mẫu 2

Mùa xuân là mùa của cái đẹp đâm chồi là mùa của sự căng tràn đầy sức sống, là mỗi sớm mai thức dậy được hít hà cái không khí dịu nhẹ tươi mát, là mùa của chồi non lộc biếc cùng những câu hát dân ca quan họ trữ tình. Có lẽ vì thế mà mùa xuân đã mang lại rất nhiều cảm hứng sáng tác cho với văn nghệ sĩ, đã đi vào lăng kính của thơ văn như một sự tất yếu và trữ tình.

Với nhà thơ Thanh Hải, mùa xuân vừa là tiếng lòng tha thiết, yêu mến, khát khao gắn bó với cuộc đời, với quê hương đất nước và khát vọng được hiến dâng, chính vì vậy mà bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” đã ra đời như thế. Bài thơ mở đầu bằng bức tranh thiên nhiên nhiều màu sắc và rất tươi đẹp:

Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng.

Cảm xúc về thiên nhiên thật tươi mới và thân thuộc trong khung cảnh đồng quê. Màu tím biếc của bông hoa lục bình soi dưới bóng của dòng sông xanh mát, tiếng chim chiền chiện đang ca lên bài ca xuân bằng tiếng hát trong trẻo của mình, đây là loài chim báo hiệu một tương lai ấm no hạnh phúc cho con người. Lời thơ như tiếng hát, tiếng gọi say đắm trước khung cảnh thiên nhiên, trước bức tranh xuân đẹp dịu dàng. Hai tiếng “hót chi” là giọng điệu quen thuộc của người dân xứ Huế được tác giả đưa vào trong trang thơ để diễn tả lên cảm xúc thiết tha, yêu đời của người với cảnh vật. Chỉ ngắm dòng sông xanh, ngắm bông hoa bé nhỏ, nghe tiếng chim hót và bất giác thấy giọt sương long lanh trên tán lá cũng đủ làm trái tim của chúng ta thổn thức theo nhịp thở của mùa xuân. Đó là vẻ đẹp và sức sống mặn mà của sắc trời khi bước vào xuân.

Khổ thơ thứ hai chuyển sang cảm nhận về mùa xuân của đất nước:

Mùa xuân người cầm súng

Lộc giắt đầy trên lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài hương lúa.

Sự chuyển mạch rất nhẹ nhàng và hợp lý. Bởi mùa xuân ấy đâu chỉ riêng là lộc của một vùng miền nào mà là của cả đất nước, của tất cả mọi người. Từ ”lộc” được nhắc lại hai lần ở đầu mỗi câu có thể hiểu như sức mạnh của dân tộc. Khi lộc đang “trải dài" trên những thửa ruộng những cánh đồng xanh ngát, bạt ngàn hương vị dịu ngọt của lúa.

Người ra đồng và người cầm súng là hai lực lượng chính để xây dựng Tổ Quốc. Mùa xuân ở đây đã bắt đầu gắn với ý thức và tinh thần bảo vệ dân tộc cùng với trách nhiệm của mỗi người đối với việc giữ gìn mùa xuân hoà bình cho dân tộc và đất nước. Máu, mồ hôi và nước mắt của nhân dân Việt Nam đã góp phần xây dựng và bảo vệ những mùa xuân tươi đẹp mãi cho dân tộc.

Đất nước bốn ngàn năm

Vất vả và gian lao

Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước.

Biết bao mùa xuân đã trôi qua, biết bao mùa xuân của dân tộc với những chiến công hiển hách đã in dấu ấn vàng son của dân tộc. Bao “vất vả” và “gian lao”, bao khó khăn khi trải qua thời kỳ bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đất nước Việt Nam ấy giờ đang tỏa sáng, phát triển và đi lên như những ngôi sao sáng rực rỡ trên bài trời của hòa bình, của tự do. Từ “cứ” thể hiện ra ý chí, quyết tâm, thể hiện một chân lý đơn giản mà thiêng liêng về khát khao của cả một dân tộc. Có thể nói những nỗi vất vả ấy bây giờ đã được đền đáp lại bằng những mùa xuân tươi đẹp, dài vô tận. Ước nguyện của nhà thơ thật chân thành:

Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến

Tác giả muốn trở thành con chim hót để gọi mùa xuân về, để mang tiếng hót trong trẻo, hạnh phúc để tô điểm thêm cho núi sông. Tác giả cũng muốn làm một” nốt trầm xao xuyến” trong bản hòa ca vĩ đại của dân tộc để động viên và khích lệ tinh thần nhân dân. Chữ “ta” thể hiện tinh thần hào sảng, đầy hứng khởi và cảm xúc đang hòa mình vào cuộc sống tươi đẹp của mọi người trong tiết trời xuân đầy ấm áp, hạnh phúc.

Một mùa xuân nhỏ nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là khi hai mươi

Dù là khi tóc bạc

Một người cống hiến một mùa xuân nho nhỏ sẽ là cả một mùa xuân lớn, vĩ đại, đầy đủ và trọn vẹn. Mùa xuân nhỏ ở đây là một ẩn dụ rất thông minh và đầy sâu sắc. Nhà thơ muốn nhắc nhở mỗi chúng ta hãy khiêm tốn, chân thành, hãy biết cách sống cho tất cả, sống cho tình thân ái bao la và sống để cống hiến cho đất nước, đó là lẽ sống đẹp và lẽ sống cao cả. Khổ cuối là tiếng hát yêu thương:

Mùa xuân - ta xin hát

Câu Nam ai, Nam bình

Nước non ngàn dặm mình

Nước non ngàn dặm tình

Nhịp phách tiền đất Huế

Trong khổ thơ tác giả đã nói đến hai giai điệu nổi tiếng của xứ Huế bao đời này đó là giai điệu: Nam ai và Nam bình. Câu hát truyền thống và thiêng liêng ấy vẫn mãi đi sâu vào trái tim con người của chính tác giả đến phút cuối đời cùng khát vọng sống và cống hiến cho đất nước. 

Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải chính là viên ngọc sáng trong chùm thơ xuân của dân tộc.

Vẻ đẹp mùa xuân đất nước qua bài thơ Mùa xuân nho nhỏ - mẫu 3

Mở đầu bài thơ là bức tranh mùa xuân của thiên nhiên được phác hoạ bằng vài nét chấm phá:

Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc,

Ơi! con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời.

Chỉ bằng vài nét đơn sơ mà đặc sắc, với những hình ảnh nho nhỏ, thân quen, bình dị, nhà thơ đã vẽ lên bức tranh xuân thơ mộng, đậm phong vị xứ Huế. Bức tranh có không gian thoáng đãng, sắc màu tươi tắn, hài hoà và âm thanh rộn rã tươi vui của tiếng chim chiền chiện. Cách lựa chọn hình ảnh "dòng sông xanh", "bông hoa tím", cách sử dụng các từ ngữ "ơi", "chi" đi liền sau động từ "hót" khiến người đọc liên tưởng đến quê hương xứ Huế và cả tâm trạng say đắm hân hoan của tác giả

Dường như thấp thoáng đâu đó trong câu thơ là màu xanh của dòng Hương Giang mềm mại và những tà áo dài tím biếc của những cô gái Huế mộng mơ, cùng với âm thanh rộn rã, tươi vui của tiếng chim chiền chiện, khiến mùa xuân của cố đô trầm mặc, chợt trở nên rực rỡ, rộn ràng. Cảm xúc của tác giả trước mùa xuân còn được miêu tả ở chi tiết rất tạo hình:

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng

Giọt âm thanh của tiếng chim thật trong, thật tròn, vang ngân giữa không gian, đọng lại thành từng giọt hữu hình long lanh như hạt ngọc, nhà thơ đưa tay hứng với tất cả sự trân trọng, đắm say. Sự chuyển đổi cảm giác khiến hình ảnh thơ trở nên lung linh, đa nghĩa góp phần diễn tả trọn vẹn hơn niềm say sưa, ngây ngất của tác giả trước vẻ đẹp của thiên nhiên, trời đất vào xuân

Từ mùa xuân của thiên nhiên, trời đất nhà thơ chuyển sang cảm nhận về mùa xuân của đất nước. Tác giả hướng tình cảm của mình tới những con người đang làm đẹp mùa xuân:

Mùa xuân người cầm súng

Lộc dắt đầy trên lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ.

Những câu thơ tạo ra hình ảnh sóng đôi đẹp như hai vế của câu đối mừng xuân nói về những người chiến sĩ bảo vệ và những người lao động dựng xây đất nước. "Lộc" theo bước chân người cầm súng ra trận, theo bàn tay người lao động ra đồng và gieo mùa xuân đến khắp mọi miền đất nước. Có lẽ bởi vậy mà không khí khẩn trương, rộn ràng, náo nức lan toả khắp tứ thơ:

Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao.

Điệp từ "tất cả", từ láy "hối hả", "xôn xao" tạo nên nhịp điệu mùa xuân hối hả, hào hùng, mở ra những cảm nhận chan chứa tự hào về đất nước:

Đất nước bốn ngàn năm

Vất vả và gian lao

Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước

Hình ảnh so sánh đẹp: "đất nước như vì sao" toả sáng, luôn vận động và phát triển không ngừng, có ý nghĩa định hướng, giục giã mọi người hăng say cống hiến xây dựng quê hương

Trước mùa xuân của đất nước, nhà thơ tâm niệm về mùa xuân riêng của mỗi cuộc đời và dạt dào một khát vọng hiến dâng:

Ta làm con chim hót

Ta làm một canh hoa

Ta nhập vào hoà ca

Một nốt trầm xao xuyến.

Nếu ở đầu bài thơ tác giả miêu tả những hình ảnh làm đẹp thêm, tô điểm thêm cho mùa xuân là âm thanh náo nức vang trời của tiếng chim chiền chiện và sắc màu tím biếc dịu dàng của cánh lục bình nhỏ trên sông thì ở đây tứ thơ được lặp lại, tạo ra sự đối ứng chặt chẽ. Tác giả mong muốn được làm bông hoa toả ngát hương, con chim mang tiếng hót và nốt trầm xao xuyến để hiến dâng nhưng không làm mất đi nét riêng của mỗi người. Đó thực sự là lời tâm niệm chân thành, tha thiết, khiêm nhường và khát khao được cống hiến phần tinh tuý nhất của mình làm đẹp thêm mùa xuân của quê hương, xứ sở mà không bị giới hạn bởi thời gian, tuổi tác:

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc

"Mùa xuân nho nhỏ" là một sáng tạo bất ngờ, độc đáo mà tự nhiên, hợp lý của nhà thơ, bởi mùa xuân vốn là một khái niệm chỉ thời gian thế mà ở đây "mùa xuân" lại có khối, có hình, một hình hài nho nhỏ thật xinh xắn. Mùa xuân đã trở thành một ẩn dụ nói về khát vọng, một lẽ sống cao đẹp, một ý thức khiêm nhường góp sức mình làm đẹp thêm mùa xuân của thiên nhiên, đất nước. Điệp từ "dù là" đặt ở đầu hai câu thơ liên tiếp có ý nghĩa khẳng định cho khát vọng dâng hiến miệt mài, không mệt mỏi của tác giả. Thể thơ năm chữ có nhạc điệu trong sáng, tha thiết, gần gũi với dân ca nhiều hình ảnh đẹp, giản dị, gợi cảm, những so sánh và ẩn dụ sáng tạo đã góp phần tạo nên thành công không nhỏ cho bài thơ

Bài thơ kết thúc khi đã làm lay động trái tim mỗi người bởi chất hoạ gợi cảm, chất nhạc vấn vương và ước nguyện thiết tha chân thành của tác giả. Dường như ước nguyện nhỏ bé khiêm nhường ấy không còn là của riêng Thanh Hải mà đã trở thành tiếng lòng chung của nhiều người. Bởi vậy mà đọc xong bài thơ em muốn tự hỏi mình một điều giản dị:

"Ôi sống đẹp là thế nào hỡi bạn?

Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình!"

Xem thêm các bài văn mẫu lớp 9 hay, ngắn nhất khác:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH ĐỀ THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 9

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi dành cho giáo viên và sách dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài 500 bài văn hay lớp 9 được chọn lọc, tổng hợp từ những bài văn đạt điểm cao của học sinh lớp 9 trên cả nước nhằm mục đích giúp học sinh viết văn lớp 9 hay hơn.

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Giải bài tập lớp 9 sách mới các môn học
Tài liệu giáo viên