30+ Thuyết minh một kinh nghiệm học văn (hay, ngắn gọn)

Đề bài: Thuyết minh một kinh nghiệm học văn

Dàn ý mẫu

Quảng cáo

I. Mở bài

- Giới thiệu về đối tượng thuyết minh: Chia sẻ một kinh nghiệm học văn (cụ thể là học văn theo đặc trưng thể loại).

- Thể hiện đánh giá của bản thân: Đây là kinh nghiệm quan trọng và cần thiết đối với việc học văn.

Quảng cáo

II. Thân bài

1. Thực trạng của việc học văn hiện nay.

- Học sinh chán học văn, lười học văn, xem đây là một bộ môn nhàm chán, có học sinh còn làm đơn li dị đối với môn văn.

- Xem đây là môn học khó, không tìm ra được phương pháp học tập văn hiệu quả.

- Điểm số môn văn trong các kì thi, kì kiểm tra của học sinh thường rất thấp

- Người học không có niềm đam mê, hứng thú với môn Văn

2. Vì sao cần học văn theo đặc trưng thể loại.

- Văn học không chỉ là bộ môn khoa học mà còn là một loại hình nghệ thuật, vì thế cách học văn cũng có sự khác biệt với nhiều cách học đa dạng khác nhau

- Bất cứ một bài văn nào cũng được làm theo đặc trưng riêng của thể loại riêng, cách giáo viên hướng dẫn học sinh đọc hiểu một tác phẩm văn học bao cũng theo đặc trưng thể loại ấy. Chính vì thế, một trong những kinh nghiệm học văn hiệu quả đó là học văn theo đặc trưng thể loại.

Quảng cáo

3. Kinh nghiệm học văn theo thể loại

- Nắm vững đặc trưng của mỗi thể loại: Tất cả các tác phẩm văn học đều được quy vào một trong ba thể loại tự sự, trữ tình, kịch. Mỗi thể loại lại có phương pháp tiếp cận riêng:

    + Đối với thể loại tự sự: cốt truyện, tình huống truyện, nhân vật,..

    + Đối với thể loại trữ tình: Ngôn ngữ, nhịp điệu, tứ thơ, mạch cảm xúc,...

    + Đối với thể loại kịch: Xung đột kịch, đối thoại giữa các nhân vật, ý nghĩ,....

- Soạn bài trước khi lên lớp theo những câu hỏi có liên quan đến thể loại

    + Tự chuẩn bị cho mình những câu hỏi có liên quan đến thể loại của tác phẩm

    + Áp dụng những câu hỏi đó vào từng tác phẩm để thấy được đặc sắc của văn bản.

- Phân chia các tác phẩm theo nhóm thể loại.

    + Từ những bài phân tích của thầy cô trên lớp, học sinh tự phân chia thành các nhóm tác phẩm thuộc những thể loại khác nhau để dễ dàng học tập, so sánh, liên hệ giữa các tác phẩm.

    + Mô hình hóa cách phân chia thành đề cương hoặc sơ đồ tư duy để học tập hiệu quả hơn.

Quảng cáo

4. Ý nghĩa của việc học văn theo thể loại

- Giúp người học phát huy được tính tích cực, chủ động trong học tập.

- Người học có thể tự học, tự khám phá, chiếm lĩnh tri thức dựa trên mẫu số chung đã có

- Nắm bắt tác phẩm một cách dễ dàng, không bị lúng túng trước một tác phẩm mới, xa lạ chưa từng được tiếp xúc.

III. Kết bài

- Khái quát lại kinh nghiệm học văn vừa trình bày

- Mở rộng vấn đề: Đây là một kinh nghiệm học văn khá hiệu quả, bên cạnh đó còn nhiều kinh nghiệm học văn khác như theo phong cách tác giả, theo từng nhóm thời kì,....

- Đưa ra lời khuyên: Học tập chủ động, tìm ra cho mình phương pháp học văn hiệu quả, phù hợp nhất.

Bài văn mẫu 1

    Hiện nay, hiện tượng sợ học văn ngày càng trở nên phổ biến ở các bạn học sinh. Nhưng thực tế học văn không đáng sợ như vậy. Khi tìm được phương pháp học văn đúng đắn, chắc chắn sẽ khiến bạn thích thú bộ môn này. Sau đây tôi xin chia sẻ cách học văn bằng sơ đồ tư duy.

    Học bằng sơ đồ đang là phương pháp học tập phổ biến, hiện đại và được áp dụng ở rất nhiều môn học khác nhau. Đây là cách học nhanh chóng, dễ dàng nhưng đem lại hiệu quả cao. Môn Văn cũng không nằm ngoài quy luật đó. Các bạn đừng nghĩ rằng môn văn hoa mĩ, lắm ý, nhiều lời thì không thể biến chúng thành các sơ đồ tư duy đơn giản dễ hiểu. Việc này hoàn toàn có thể làm được nếu các bạn có phương pháp học để tạo sơ đồ tư duy chính xác.

    Trước hết, để tạo được sơ đồ tư duy các bạn cần phải nắm chắc kiến thức tác phẩm. Đây là khâu đầu tiên và quan trọng nhất để có thể hình thành được sơ đồ tư duy. Chúng ta hãy thử tưởng tượng khi bạn không nắm chắc kiến thức bắt tay vào lập sơ đồ sẽ lúng túng, không biết nên chia các phần ra sao, khi tạo xong sẽ thiếu phần này, phần kia. Vậy là sơ đồ tư duy đã thất bại ngay từ khâu đầu tiên. Nắm chắc kiến thức tác phẩm bằng cách mỗi văn bản các bạn nên đọc ba lần: lần một nắm được tinh thần chung của tác phẩm; lần hai nắm được nội dung, phân chia bố cục, ý chính; lần ba cảm nhận cái hay cái đẹp của văn bản. Các bạn nhớ nhé, chúng ta có thể tận dụng phần bài giảng của giáo viên trên lớp, kết hợp với việc đọc của bản thân để phân chia ý hợp lý.

    Sau khi đã nắm được tinh thần bài học, nội dung chính của tác phẩm chúng ta hãy cùng bắt tay vào tạo sơ đồ duy. Bước đầu tiên xác định các từ khóa. Từ khóa là những từ chủ chốt, thâu tóm được nội dung chính. Vậy làm cách nào để chúng ta xác định đúng từ khóa trong nội dung văn bản. Các bạn hãy đọc kĩ văn bản, lọc từ ngữ chủ chốt, không thể thiếu trong đoạn văn, văn bản đó. Đây là bước vô cùng quan trọng, chỉ khi xác định đúng từ khóa thì các phần tiếp theo mới có thể triển khai hoàn hảo được. Chúng ta cần tự tạo lập thói quen tìm và ghi nhớ từ khóa của mỗi bài. Bởi từ khóa sẽ theo chúng ta trong suốt quá trình tạo lập sơ đồ tư duy.

    Bước thứ hai, hãy lấy một tờ giấy lớn, bút màu, thật nhiều màu nhé, bởi sau khi chúng ta hoàn thành sơ đồ các bạn sẽ tạo ra một bức tranh vô cùng thú vị và đặc biệt đấy. Các bạn hãy vẽ chủ đề chính ở trung tâm tờ giấy trắng, bạn có thể lấy một chiếc bút màu nổi bật nhất mà bạn yêu thích để tô màu cho chủ đề trung tâm. Làm như vậy sẽ giúp các bạn dễ chú ý và nhìn nhận vấn đề nhanh chóng hơn. Các bạn lưu ý nên sử dụng giấy trắng không dòng kẻ và xoay ngang chúng ra nhé. Không có những dòng kẻ làm chúng ta phân tâm, cản trở tư duy, giấy ngang còn giúp các bạn thỏa sức sáng tạo nữa.

    Xong bước thứ ba, bạn hãy tiếp tục dùng chiếc bút màu mực khác vẽ thêm các tiêu đề phụ cấp độ một. Các tiêu đề phụ này các bạn nên vẽ cách những khoảng trống bằng nhau, và kết nối với chủ đề trung tâm bằng một đường kẻ, để làm nổi bật các bạn cũng có thể ghi bằng các chữ in hoa nhé.

    Sau khi đã xác định được các ý chính chúng ta sẽ triển khai các ý con của mỗi tiêu đề đó, mà thường vẫn được gọi là các nhánh cấp 2, cấp 3,… hoặc nhiều hơn, phụ thuộc vào nội dung bài học ngắn hay dài của các bạn. Các bạn cũng cần lưu ý, ở các nhánh này cũng chỉ nên để các từ khóa, tránh làm sơ đồ trở nên rối rắm, khó hiểu. Màu sắc của nhánh cấp 2, cấp 3,… nên để cùng màu với nhánh cấp 1, như vậy các bạn vừa tiện theo dõi, vừa khiến bức tranh không bị loạn bởi các màu sắc.

    Vậy là chúng ta đã gần hoàn thành bức tranh sơ đồ tư duy. Bước cuối cùng để làm bức tranh đó thêm phần sinh động, hãy vận dụng sự khéo léo, tài năng hội họa của mình vẽ những hình thù ngộ nghĩnh khác nhau vào bức tranh đó. Những hình ảnh đó giúp bạn tiếp thu bài nhanh hơn, bởi cơ chế hoạt động của não bao giờ cũng hướng đến tiếp thu nhanh các hình ảnh.

    Tạo lập sơ đồ tư duy không hề khó. Nếu lần đầu còn nhiều bỡ ngỡ, chỉ cần làm hai ba lần là các bạn đã thuần thục trong các thao tác để tạo lập sơ đồ. Trung bình mất khoảng bốn lăm phút cho mỗi sơ đồ tư duy cho mỗi bài học, thời gian có thể dài, ngắn khác nhau tùy thuộc vào độ dài và độ khó của bài học. Mặc dù phải bỏ thời gian và công sức nhưng cách học này lại hiệu quả hơn rất nhiều. Kiến thức được tiếp thu dễ dàng, giúp các bạn rèn luyện tư duy, đồng thời trong quá trình tạo sơ đồ các bạn còn được thể hiện tài năng hội họa của mình, đó cũng là một cách giải trí hữu hiệu.

    Không có gì khó, chỉ là bạn dành bao nhiêu thời gian, công sức cho nó mà thôi. Khi bạn có quyết tâm và ý thức học tập thì không chỉ môn Văn mà bất cứ môn học nào khác cũng sẽ trở nên đơn giản và dễ dàng hơn. Học văn bằng sơ đồ tư duy là một trong rất nhiều phương pháp học tập hiện đại. Hãy áp dụng để thấy được những kết quả ngoài mong đợi nhé.

Bài văn mẫu 2

    Trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa - thời kì mà con người như bị cuốn hút vào đồng tiền, cơn vũ bão của vật chất, văn chương, chữ nghĩa gần như trở thành một trang sức tầm thường, có cũng đc mà không có cũng chẳng sao. Hiếm người nhận thức được giá trí đích thực của việc học văn. Vậy thì, để nhận ra những giá trị của văn chương, cần có những phương pháp hiệu quả để tiếp cận, để học, để có những bài văn hay, thuyết phục những con người mù quáng đó.

    Điều đầu tiên, chúng ta cần chọn thầy để học. Nếu được thầy cô giỏi, tâm huyết giảng dạy và hướng dẫn, chúng ta sẽ vẫn thấy văn học hấp dẫn và thú vị hơn, hiểu vấn đề sâu sắc hơn. Hiện nay, tài liệu tham khảo tràn ngập thị trường, để mua được những cuốn sách tốt, chúng ta nên nhờ thầy cô có uy tín giới thiệu. Khi đọc tài liệu tham khảo, chúng ta không nên "bê" nguyên một bài viết của người khác vào làm bài của mình. Những người cầm bút nên nhớ không bao giờ được Đạo Văn. Đọc sách tham khảo không phải chỉ để chép mà còn để xem cách thức làm bài, triển khai vấn đề ...

    Thứ hai, để có thể hiểu được một tác phẩm văn học, chúng ta cần khám phá tác phẩm trong các mối liên hệ. Tác phẩm văn học là đứa con tinh thần của nhà văn, nhưng cũng là con đẻ của hoàn cảnh lịch sử, thời đại và là nơi ghi dấu ấn tâm hồn, tư tưởng, tài năng của và tâm huyết của nhà văn trong một thời điểm nhất định. Muốn nắm bắt tác phẩm cần phải biết tác phẩm đó gắn liền với hoàn cảnh lịch sử nào. Khi tìm hiểu văn học cũng phải đặt nó trong mối liên hệ mật thiết với giai đoạn văn học, trào lưu văn học, thời kì hoặc phương pháp sáng tác... Mỗi tác phẩm văn chương thường có hai phần nổi bật là nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật. Tìm hiểu nội dung là nhằm chỉ ra tư tưởng và quan niệm của nhà văn về con người và cuộc sống, tìm hiểu hình thức là chỉ ra tài năng nghệ thuật của nhà văn, cũng như sự thống nhất và phù hợp của hình thức với nội dung. Nên từ hình thức tìm ra nội dung và tránh diễn xuôi tác phẩm, văn thơ. "Mọi chân lí sẽ trở nên sai lầm, nếu chúng ta cứ xét đoán nó trên cơ sở của nhưng kinh nghiệm hằng ngày" (Ph.Angghen ). Thế giới hình tượng trong tác phẩm được xây dựng nên từ các chi tiết nghệ thuật. Tìm hiểu tác phẩm phải luôn xuất phát từ chi tiết. Mỗi chi tiết trong tác phẩm là một ô cửa mở ra cả thế giới, bởi nó có khả năng sinh nở ra những ý nghĩa mới.

    Nói chung, về văn xuôi, chúng ta nhất định phải nắm đc diễn biến câu chuyện, cách kể và giọng điệu của nhà văn, nhân vật trung tâm và những chi tiết, sự kiện xoay quanh nhân vật trung tâm đó.

    Về thơ, cần phải nắm được cảm hứng chủ đạo của thơ, kết cấu cảm hứng của bài thơ, đoạn thơ, những chi tiết, hình ảnh mà nhà thơ sử dụng để bộc lộ cảm xúc.

    Về kịch, phải nắm được những mâu thuẫn, xung đột, các lời thoại quan trong... Từ các chi tiết nghệ thuật ấy, tìm ra tư tưởng và tình cảm mà nhà văn gửi gắm cũng như tài năng nghệ thuật của nhà văn.

    Còn làm sao để có thể viết được một bài văn hay? Văn chương không phải là chuyện cứ làm cho câu cú cầu kỳ, chữ nghĩa đến một bay bổng, uốn éo là hay. Một câu văn hay là một câu văn đơn giản, khúc chiết, rõ ràng và đủ ý. Chỉ có những lúc khi tâm hồn thăng hoa thì văn chương sẽ đạt đến một mức độ thuần túy, thanh khiết, chứ không bao giờ "bay bổng". Muốn diễn đạt đến mức tinh tế thì phải chuẩn xác ngôn ngữ. Đơn giản nhưng chính là cái phức tạp nhất. Bằng cách nào? Đọc nhiều sách, và một cách đơn giản và thiết thực hơn là có một cuốn từ điển Tiếng Việt. Trong số chúng ta, phần lớn ai cũng có những cuốn từ điển ngoại ngữ mà không hề xuất hiện một cuốn từ điển Tiếng Việt, kể cũng nực cười. Chúng ta chỉ nên đọc chứ không nên tra. Chỉ có những người không hiểu gì về văn học và việc làm văn mới cho là văn chương lai láng, mơ mộng, càng dài càng tốt, muốn viết thế nào thì tùy .

    Văn học là một môn khoa học nghệ thuật ngôn từ. Vì vậy, cần kết hợp tăng cường chất văn vừa tăng cường chính xác trong bài văn, nhất là tỏng việc trích dẫn kiến thức và dẫn chứng. Từ xưa, cụ Tú Xương đã dạy "Văn chương nào phải đơn thuốc / Chớ có khuyên xằng, chết bỏ bu."

    Khi viết văn, cần tuân thủ các nguyên tắc. Để đạt điểm cao, bài văn phải được trình bày sáng sủa, sạch đẹp. Vì vậy, trong quá trình triển khai ý làm bài, các em nên trình bày mỗi ý thành một đoạn văn, được phân biệt với dấu chấm xuống dòng. Cách trình bày như thế vừa giúp bài văn sạch đẹp hơn, gây thiện cảm đới với thầy cô giáo, các ý trong bài nổi bật hơn, thầy cô không thể bỏ sót ý, nên bài văn có lợi hơn về điểm số.

    Diễn đạt là quá trình vô cùng quan trọng, sánh ngang với việt tìm ý cho bài văn. Không có ý, thì ko có gì để viết, nhưng có ý đầy trong đầu, mà không biết cách nói ra, thì ý dù hay, dù sâu sắc đến đâu cũng trở thành vô nghĩa. Cũng cần tránh trình trạng diễn đạt mập mờ, dễ gây hiểu nhầm cho người đoc. Vì vậy, chúng ta cần rèn luyện cho mình một cách diễn đạt đúng, nghĩa là nói và viết đúng ngữ pháp. Nếu chưa giỏi diễn đạt, hãy viết các câu văn ngắn, ít thành phần câu, tránh cầu kì, rườm rà và dễ bị mắc lỗi ngữ pháp. Và sau đó, khi đã tiến bộ, cần sử dụng linh hoạt các kiểu câu, linh hoạt các hình ảnh, các phép tu từ, chuyển nghĩa để lời văn có cảm xúc và chất văn.

    Giống như quá tình tư duy, quá trình nhận thức của con người, khi học và làm văn, cũng cần qua ba bước là "HIỂU – NHỚ - VẬN DỤNG". Muốn nhớ được kiến thức thì trước hết phải hiểu nó. Muốn hiểu thì phải chịu khó tìm tòi, suy nghĩ. Học văn không phải là cắm đầu ghi cho đầy vở, mà là phải hiểu, nhớ và ghi lại các ý hay, quan trọng. Gặp những vấn đề chưa hiểu, chúng ta cứ mạnh dạn hỏi, chắc chắn không thầy cô giáo nào từ chối. Kiến thức càng sắp xếp khoa học, chặt chẽ, rành mạch bao nhiêu thì càng dễ nhớ bấy nhiêu. Để tránh học vẹt, khi học văn, chúng ta không nên cầm sách học thuộc lòng, mà nên học theo phương pháp tái hiện.

    Sau giờ học trên lớp, hãy dành thời gian tĩnh tâm (khoảng 20- 30 phút) để nhớ lại kiến thức vừa học. Việc hệ thống kiến thức theo các bảng, theo mô hình nhánh cây... và việc liên hệ giữa văn học và cuộc sống cũng giúp chúng ta nhớ kiến thức lâu và sâu sắc.

    Sau khi đã hiểu và nhớ, cần vận dụng lại bằng cách làm bài tập,.. Để dễ nhớ dẫn chứng và học văn đạt kết quả tốt, cần đọc tác phẩm. Ta nên đọc tác phẩm trước khi được học trên lớp, khi chưa hề nghe giảng. Điều này rất quan trọng, bởi những ấn tượng bạn đầu của các em khi tiếp xúc với tác phẩm sẽ được nhớ lâu và giúp định hướng tác phẩm.

    Nhìn chung, để học văn đạt hịêu quả, chúng ta phải học văn bằng chính trái tim và cái đầu của mình, tự tìm một con đường riêng cho mình.

    Maxim Gorky đã từng nói "văn học là nhân học". Đến với văn học, chúng ta sẽ tự mình đến với những cung bậc và cảm xúc khác nhau của đời thường. Đến với văn học, chúng ta sẽ nhìn đời sâu sắc hơn cũng như khám phá thêm nhiều điều bổ ích lí thú của cuộc sống. Vậy thì, chúng ta hãy học vằn một cách khoa học ngay từ hôm nay để có những kiến thức vững chắc và những bài văn hay.

Bài văn mẫu 3

    Không chỉ môn văn mà bất cứ môn học nào nếu chúng ta nghiêm túc, nỗ lực chắc chắn sẽ đạt được kết quả tốt. Tuy nhiên để có được điều đó mỗi chúng ta đều phải học hỏi lẫn nhau từ kinh nghiệm của những người khác và rút ra kinh nghiệm của chính bản thân mình. Môn văn cũng vậy, việc chia sẻ kinh nghiệm học và làm văn rất cần thiết và bổ ích. Kinh nghiệm tự học văn, làm văn được chia sẻ dưới đây sẽ giúp chúng ta điều đó.

    Thực ra tự học không chỉ đối với môn văn mà tất cả các môn học hay những thứ cần học đều rất cần thiết và tốt. Tự học giúp chúng ta chủ động trong việc chiếm lĩnh, ghi nhớ kiến thức hơn gấp nhiều lần so với cách học khác. Người có khả năng tự học sẽ gia tăng nhu cầu và xác định được tốt hơn mục đích học so với người khác. Hẳn rất nhiều người vẫn nhớ các nhà khoa học nổi tiếng thế giới như Anh-xtanh, Niu-tơn,… hay những tỉ phú, những tài năng thế giới như Bill Gates, Steve Jobs,… đều thành danh bởi họ có năng lực tự học. Vậy tự học môn văn sẽ như thế nào?

    Tự học đối với môn văn không quá khó như các bạn tưởng tượng. Trước hết bạn cần xác định mục đích tự học môn văn để làm gì? Bạn cần tự học những cái gì? Bạn tự học vào những thời gian nào? Trước khi bạn tiến hành học cụ thể cần phải xác định được những yếu tố đó trước, vì đây là mục tiêu bạn cần đặt ra trong quá trình tự học. Đối với môn văn, đa số các bạn học sinh xác định học văn là để đạt kết quả cao trong các bài kiểm tra, trong các kì thi, số còn lại yêu thích môn văn thực sự thì mục đích không phải chỉ là kết quả. Nhưng dù là mục đích gì thì khi học văn đều cần xác định các vấn đề bạn cần học. Đối với môn văn có hai vấn đề cần học đó là kiến thức văn học và kĩ năng viết bài văn. Khi đã xác định được mục đích và nội dung học, bạn sẽ cố gắng sắp xếp thời gian sao cho hợp lí để đáp ứng được điều đó.

    Đầu tiên bạn phải tự học kiến thức môn văn trước. Việc tự tìm hiểu kiến thức môn văn thông qua nhiều nguồn mà có thể tổng hợp. Đầu tiên, bạn cần khai thác kĩ trong sách giáo khoa. Bao giờ trong sách giáo khoa cũng có hai phần bạn nên chú ý, đó là mục Kết quả cần đạt và Ghi nhớ. Ở đây bạn sẽ xác định được kiến thức trọng tâm bạn cần học là gì. Dựa vào đó bạn sẽ xây dựng kiến thức trọng tâm của bài học, kết hợp với phần giảng và cho ghi của thầy cô ở trên lớp để hoàn thiện. Khi đã xác định đầy đủ kiến thức cơ bản, sử dụng các câu hỏi gợi ý trong sách giáo khoa để tìm hiểu kiến thức, bạn tiến hành tìm hiểu các tài liệu bên ngoài. Sách tham khảo, internet là lựa chọn tiếp theo của bạn. Hiện nay có một thực trạng là có quá nhiều sách tham khảo, quá nhiều trang điện tử về môn văn, mà rất khó kiểm soát được.

    Vậy làm thế nào tự học qua những tài liệu này? Trước hết hãy nhớ, không phải điều gì trong sách tham khảo, trên các trang web bạn cũng xem hết, cũng tin mà cần phải chọn lọc. Muôn vậy bạn cần phải dựa trên những kiến thức trọng tâm bạn đã xác định được ở trong sách giáo khoa rồi mới tìm và đọc những thứ liên quan. Sau đó hãy sử dụng một cuốn sổ tay, có cách ghi mục rõ ràng để chắt lọc các kiến thức đó, sao cho làm sáng tỏ nội dung mình cần ghi nhớ. Chẳng hạn khi đi tìm hiểu về thể loại truyện cổ tích thần kỳ để phục vụ cho việc học tác phẩm Tấm Cám, bạn cần chú ý hai vấn đề là đặc điểm nội dung và nghệ thuật của thể loại này. Cho nên chỉ cần khoanh vùng trong sách tham khảo và trên các trang mạng để đọc, vừa đỡ mất thời gian mà lại trọng tâm. Hay khi tìm hiểu về vua An Dương Vương trong truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy việc tìm đọc về lịch sử Việt Nam ở thời Âu Lạc sẽ rất bổ ích cho các bạn khi tìm hiểu về công lao cũng như tội lỗi của vị vua này, giúp chúng ta đánh giá tốt hơn. Việc tự học kiến thức văn học bởi vậy sẽ có hiệu quả mà không mất nhiều thời gian.

    Có được kiến thức với việc viết được bài văn là hai điều hoàn toàn khác nhau. Tiêu chí đánh giá một học sinh học văn tốt hiện nay vẫn chủ yếu dựa trên kết quả bài làm. Nhưng trên lớp những giờ học làm văn thời lượng ít, mà chỉ vận dụng được phần nào đó để viết văn. Trong khi đó số lượng bài viết trong một năm chỉ có 7 bài, trong đó bao gồm cả 2 bài học kỳ. Vậy việc viết văn và được các thầy cô chấm và chữa cho là khá ít. Chưa kể có thầy cô chậm trả bài, trả bài qua loa, lời phê ít. Nên nhiều bạn học sinh chưa thể tự mình rút ra được những sai sót lần sau khắc phục được. Vậy chỉ có cách tự học rèn kĩ năng viết văn mới có thể khắc phục được.

    Việc rèn kĩ năng viết đòi hỏi đầu tiên là phải chăm chỉ. Nhiều người nói rằng văn học là một bộ môn nghệ thuật, nên viết được văn phải có năng khiếu. Đúng là như thế, nhưng nếu bạn học văn để có điểm tốt thì đó không phải là yếu tố quyết định. Bên cạnh đó, khi luyện tập viết văn cũng như học kiến thức, bạn phải xác định viết một bài văn là viết những gì? Trước tiên là phải nắm được dạng đề, bởi một dạng đề có cách triển khai khác nhau. Hiện nay đa số các bạn sẽ học và thi ở dạng văn nghị luận, nên sẽ chú tâm vào dạng văn này. Bạn tìm hiểu thật kĩ các kiểu văn nghị luận, bố cục, dàn ý bài văn nghị luận, các thao tác nghị luận, lập luận… Sau đó, bạn tìm cách đọc những bài văn mẫu. Việc đọc văn mẫu giúp ích cho bạn rất nhiều trong cách triển khai, tổ chức bố cục, diễn đạt, hành văn trong bài viết. Tiếp tục là bạn phải tự mình tập viết những đoạn văn ngắn, những bài văn nhỏ. Có một lưu ý là khi mới tập không được viết cái gì quá lớn, quà dài sẽ dễ gây tâm lý chán nản. Khi tập bạn nên bắt đầu bằng những cái dễ, sau đó mới đến những cái khó.

    Việc học kĩ năng viết bài văn rất khó khăn, nhiều bạn chán nản và bỏ cuộc. Vậy các bạn có thể tham khảo ở một hình thức đó là “30 phút mỗi ngày”. Tức là mỗi ngày bạn dành ra 30 phút, ban đầu bạn viết cái gì cũng được, những hãy viết những thứ có mục đích, chứ không viết lung tung. Việc này thực hiện rất dễ, vì nhiều bạn sử dụng luôn việc đăng trạng thái lên facebook cá nhân để rèn luyện cũng là một cách. Sau đó bạn hãy ứng dụng vào việc viết văn. Cũng chỉ mỗi ngày 30 phút về một vấn đề văn học nào đó. Dần dần bạn viết vào những vấn đề trọng tâm của bài học hơn, rồi rèn kĩ năng viết nhanh, viết nhiều hơn… Bạn thử nghiêm túc thực hiện, sau một tháng chắc chắn kĩ năng viết văn của bạn sẽ tốt lên đáng kể.

    Dù bạn học hỏi kinh nghiệm ở đâu, thì người học vẫn là bạn. Vì vậy kinh nghiệm tốt nhất là do tự chúng ta tạo ra. Cách thức tự học thực ra không quá mới mẻ, nhưng tự học sẽ giúp bạn tích lũy, trau đồi kiến thức tốt nhất. Nhiều người hiện giờ vẫn lao đầu, chạy xô đi học thêm. Điều này không phải là không tốt, nhưng vấn đề là về nhà chẳng có hoặc chẳng dành thời gian cho tự học nên việc đi học thêm không có nhiều tác dụng. Vậy nên, qua việc chia sẻ về kinh nghiệm tự học văn trên đây phần nào sẽ giúp các bạn sẽ tìm ra được cho mình cách học văn tốt nhất.

Đã có lời giải bài tập lớp 10 sách mới:

Tủ sách VIETJACK shopee lớp 10-11 cho học sinh và giáo viên (cả 3 bộ sách):

Săn shopee siêu SALE :

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, GÓI THI ONLINE DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 10

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi dành cho giáo viên và gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.

viet-bai-lam-van-so-4-lop-10.jsp

Giải bài tập lớp 10 sách mới các môn học
Tài liệu giáo viên