5+ Cảm nhận chi tiết bát cháo hành trong truyện Chí Phèo (siêu hay)

Đề bài: Cảm nhận về chi tiết bát cháo hành trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao.

5+ Cảm nhận chi tiết bát cháo hành trong truyện Chí Phèo (siêu hay)

Bài giảng: Chí Phèo (Phần 2: Tác phẩm) - Cô Thúy Nhàn (Giáo viên VietJack)

Dàn ý Cảm nhận chi tiết bát cháo hành trong truyện Chí Phèo

Quảng cáo

I. Mở bài

- Vài nét về tác giả Nam Cao và tác phẩm Chí Phèo: Nam Cao là tác giả của nhiều truyện ngắn hiện thực xuất sắc. Trong số những tác phẩm tiêu biểu của ông, không thể bỏ qua Chí Phèo, một truyện ngắn chứa đựng chiều sâu tư tưởng của nhà văn Nam Cao

- Trong mỗi tác phẩm văn học, chi tiết nghệ thuật tuy nhỏ nhưng có những chi tiết lại mang ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc thể hiện tư tưởng, chủ đề tác phẩm. “Bát cháo hành” trong Chí Phèo là một trong những chi tiết nghẹ thuật như thế!

Quảng cáo

II. Thân bài

1. Sự xuất hiện

- Chi tiết xuất hiện trong phần giữa truyện

- Sau cuộc gặp gỡ về thể xác giữa Chí Phèo và thị Nở ở vườn chuối, sáng hôm sau, Chí Phèo bị cảm. Chính Thị Nở là người đã chủ động về nhà nấu cháo sang mang sang cho Chí Phèo

2. Bát cháo hành trong sự cảm nhận của Chí Phèo

- Nồi cháo còn nóng nguyên….vừa sang thị đã đi tìm gạo, hành thì may nhà lại còn

- Bát cháo hành khiến Chí Phèo rất “ngạc nhiên” và thấy “mắt như ươn ướt”, bởi vì đây là lần đầu tiên hắn được một người đàn bà cho

- Bát cháo hành khiến Chí Phèo “bâng khuâng”

- Cảm nhận: “Cháo mới thơm làm sao!”- bát cháo là sự quan tâm của Thị Nở dành cho hắn

- Chỉ khói xông vào mũi cũng đủ làm người nhẹ nhõm

- Hắn nhận ra cháo hành rất ngon

⇒ Bát cháo hành giản dị trong cảm nhận của Chí Phèo là thứ rất ngon, đó là chi tiết khiến hắn lần đầu tiên và cũng là duy nhất cảm thấy được quan tâm, nó đánh thức nhân tính bấy lâu nay bị vùi lấp trong Chí Phèo

Quảng cáo

3. Ý nghĩa chi tiết bát cháo hành

– Về nội dung:

    + Thể hiện tình yêu thương của Thị Nở dành cho Chí phèo

    + Là hương vị của hạnh phúc, tình yêu muộn màng mà Chí Phèo được hưởng

    + Khơi dậy niềm khao khát được làm hoà với mọi người, hi vọng vào một cơ hội được trở về với cuộc sống lương thiện

– Về nghệ thuật:

    + Khắc họa sâu sắc nét tính cách, tâm lí và bi kịch của nhân vật Chí Phèo

    + Đây là chi tiết thúc đẩy cốt truyện phát triển

    + Là chi tiết tác giả gửi gắm niềm tin vào sức mạnh cảm hóa con người bằng tình người

III. Kết bài

- Khẳng định lại vai trò của chi tiết bát cháo hành trong việc đánh thức sự lương thiện trong tâm hồn Chí nói riêng và trong việc thể hiện chủ để, tư tưởng truyện nói chung

- Liên hệ cảm nhận của bản thân về chi tiết đặc sắc này

Quảng cáo

Cảm nhận chi tiết bát cháo hành trong truyện Chí Phèo - mẫu 1

    Nam Cao nhà văn hiện thực xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Nhắc đến Nam Cao là nhắc đến kiệt tác Chí Phèo với sự thành công xuất sắc về mặt nội dung. Nhưng bên cạnh đó, để tạo nên thành công cho tác phẩm, cũng không thể không nhắc đến những đóng góp về phương diện nghệ thuật. Trong đó các chi tiết nghê thuật có vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là chi tiết bát cháo hành Thị Nở mang cho Chí Phèo.

    Chí Phèo vốn là một đứa trẻ mồ côi, lớn lên là một anh nông dân lương thiện, có những ước mơ, khát vọng đẹp đẽ. Nhưng vì sự ghen tuông của Bá Kiến khi bắt gặp Chí bóp chân cho bà ba nên Chí đã bị Bá Kiến đẩy vào nhà tù thực dân bảy, tám năm. Nhà tù thực dân đã nhào nặn ra một Chí Phèo với ngoại hình gớm giếc: cái đầu cạo trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, trên người đầy những hình xăm trổ và lấy nghề rạch mặt ăn vạ để sống. Trên mặt hắn là những vết sẹo dài, lằn sâu không gì có thể xóa bỏ được. Chí đã bị xã hội thực dân nửa phong kiến làm cho tha hóa về nhân hình và nhân tính.

    Trong một lần Chí Phèo đi uống rượu từ nhà Tư Lãng trở về, hắn không về thẳng nhà như mọi lần mà ra bờ sông tắm. Cũng chính lúc ấy, Chí nhìn thấy Thị Nở đang nằm ở gốc chuối. Bất chấp những lời kêu la của Thị Nở, trong khung cảnh của đêm trăng sáng giữa Chí Phèo và Thị Nở đã nảy sinh mối tình đẹp đẽ, nhưng chỉ vẻn vẹn trong năm ngày. Nửa đêm hôm ấy, Chí Phèo bị cảm nặng, Thị Nở dìu Chí vào lều và sáng hôm sau mang cho Chí một bát cháo lớn với ý nghĩ: Thổ trận ấy thật là phải biết. Cứ gọi là hôm nay nhọc đừ. Phải cho hắn ăn tí gì mới được. Đang ốm thế thì chỉ ăn cháo hành, ra được mồ hôi thì là nhẹ nhõm người ngay đó mà … . Trong ý nghĩ ấy không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình thương, sự quan tâm, lo lắng rất đỗi chân thành giữa con người với con người. Chi tiết bát cháo hành chứa đựng nhiều ý nghĩa, thể hiện giá trị nhân đạo sâu sắc của tác giả.

    Đối với Thị Nở, bát cháo hành thể hiện ý thức trách nhiệm của Thị Nở với Chí Phèo: mình bỏ hắn lúc này thì cũng bạc. Dẫu sao cũng đã ăn nằm với nhau . Nhưng không chỉ vậy, bát cháo còn là tình yêu thương chân thành, thật lòng của Thị Nở dành cho Chí Phèo: Cái thằng liều lĩnh ấy kể ra cũng đáng thương, còn gì đáng thương bằng đau ốm mà nằm còng queo một mình. Như vậy vừa xuất phát từ trách nhiệm, nghĩa vụ, vừa xuất phát từ tình yêu thương, Thị Nở đã đem bát cháo đến cho Chí Phèo.

    Đối với Chí Phèo, trước hết nó là bát cháo giúp hắn giải cảm, giúp hắn vượt qua trận ốm. Nhưng nếu bát cháo hành chỉ có ý nghĩa như vậy thôi thì nó đã không xứng danh là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc. Bát cháo hành đã giúp Chí thức tỉnh, đi từ cõi quên trở về cõi nhớ, giúp Chí giải độc tâm hồn, dần lấy lại phần nhân tính trong mình. Thằng này rất ngạc nhiên. Hết ngạc nhiên thì hắn thấy mắt hình như ươn ướt, đó là sự xúc động tột cùng của Chí khi lần đầu tiên trong đời nhận được sự quan tâm, săn sóc từ một người khác, mà đây lại là một người đàn bà. Từ trước đến nay hắn chưa bao giờ tự nhiên có cái gì, mọi thứ đều do dọa nạt, cướp giật mà có. Từ đó cũng cho thấy sự thê thảm, bị gạt ra khỏi lề xã hội của Chí trong hoàn cảnh hiện tại. Không chỉ vậy, bát cháo hành còn gợi dậy trong Chí tình yêu, khát khao được làm hòa với mọi người, được trở về làm người lương thiện: Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao ! Thị Nở sẽ mở đường cho hắn. Như vậy, chỉ với một bát cháo hành nhưng đã góp phần thức tỉnh phần nhân tính bị vùi lấp bấy lâu nay của Chí Phèo. Đồng thời bát cháo hành cũng là hương vị hạnh phúc, tình yêu thương hiếm hoi, muộn màng mà Chí được nhận. Cùng với bát cháo hành, tình yêu thương đã giúp thức tỉnh bản chất lương thiện trong Chí Phèo.

    Bát cháo hành là chi tiết nghệ thuật đặc sắc, góp phần thúc đẩy mạch truyện tiếp tục phát triển. Qua đó còn khắc họa nét tính cách, tâm lí và bi kịch của cuộc đời Chí Phèo. Đồng thời chi tiết này cũng thể hiện giá trị nhân đạo sâu sắc của Nam Cao: ông luôn có niềm tin vào phần con người, phần nhân tính của mỗi con người, chỉ cần trong những điều kiện và hoàn cảnh thích hợp nhất định con người tha hóa cũng sẽ được cảm hóa.

Cảm nhận chi tiết bát cháo hành trong truyện Chí Phèo - mẫu 2

   Nam Cao là nhà văn hiện thực tiêu biểu của nền văn học Việt Nam trong giai đoạn 1930-1945. Ông thành công với tác phẩm “Chí Phèo” tái hiện lại hoàn cảnh của người nông dân trước cách mạng tháng Tám bị chèn ép đến mất hết nhân hình lẫn nhân tính. Tuy nhiên ông cũng là nhà văn giàu lòng nhân đạo đã dành cho nhân vật của mình tình thương con người được thể hiện qua chi tiết bát cháo hành mà thị Nở nấu cho Chí Phèo. Bát cháo ấy là hiện thân của tình người thức tỉnh lương tri Chí, cho hắn niềm tin và hy vọng. Đây là chi tiết nghệ thuật mang giá trị nhân văn nhân đạo sâu sắc, để lại cho độc giả nhiều suy tư, trăn trở.

   Mỗi một hình tượng nhân vật, một chi tiết nghệ thuật đều là tâm tư, tình cảm và dụng ý của tác giả gửi gắm. Không phải ngẫu nhiên mà Nam Cao để cho thị Nở xuất hiện với bát cháo hành bình dị mà lại có giá trị to lớn về cả nội dung và nghệ thuật đối với tác phẩm làm nên thành công và nét độc đáo riêng của nhà văn.

   Sau lần gặp nhau vô tình như duyên trời se đã cho hai tâm hồn đồng điệu tìm về với nhau. Trận nôn mửa và cơn sốt bất thường đêm hôm ấy ập đến với Chí khiến cho thị Nở có lòng thương với hắn. Thị nghĩ “Cái thằng liều lĩnh ấy kể ra thì đáng thương, còn gì đáng thương bằng đau ốm mà nằm còng queo một mình”, thị không thể quên chuyện đêm qua và cũng không nỡ bỏ hắn bởi: “bỏ hắn lúc này thì cũng bạc. Dẫu sao cũng đã ăn nằm với nhau! Ăn nằm với nhau như vợ chồng”. Chính lòng thương và tình cảm chân thành thôi thúc thị nấu nồi cháo hành cho Chí để rồi cho hắn được hồi sinh.

   Bát cháo hành của thị Nở dành cho Chí là biểu hiện của tình người. Bấy lâu nay Chí bị mọi người xa lánh, bị coi là con quỷ dữ của làng Vũ Đại nên ai cũng sợ, cũng tránh mặt mỗi khi hắn đi qua, không một ai quan tâm đến sự tồn tại và có mặt của Chí. Chính vì vậy hành động ân cần, chân thành của thị qua bát cháo hành khiến cho hắn ngạc nhiên và cảm động bởi đây là lần đầu tiên hắn được người khác cho, được săn sóc bởi tay một người đàn bà khiến hắn xúc động “mắt hắn hình như ươn ướt”. Giọt nước mắt của phần người trong Chí đã tan chảy, trái tim tưởng chừng như sắt đá đã bắt đầu sống dậy để cảm nhận hương vị cháo hành, hương vị cuộc sống, tình yêu bình dị mà lần đầu tiên hắn được hưởng. Nhờ có bát cháo hành mà thị Nở và Chí Phèo “Chúng sẽ làm thành một cặp rất xứng đôi”, chúng được sống đúng nghĩa làm người, sống đúng bản năng và phẩm chất của mình bấy lâu bị khuất lấp, bị lãng quên nay trỗi dậy mãnh liệt.

   Bát cháo hành và tình cảm chân thành của thị cho Chí niềm tin, hy vọng, khao khát muốn trở lại làm người lương thiện và sống một cuộc đời tử tế. “Bát cháo của thị làm hắn suy nghĩ nhiều. Hắn có thể tìm bạn được, sao lại chỉ gây thù?” thị Nở đã mở đường cho hắn để hoàn lương, thị chính là nhịp cầu kết nối hắn với thế giới bên ngoài. Chí đã hồi sinh với khao khát trở lại với cuộc đời bình dị làm một người bình thường như bao người: “Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao”.

   Tuy nhiên bát cháo hành cũng là sự tuyệt vọng của Chí khi hắn bi thị Nở từ chối, bị cự tuyệt quyền làm người. Trong giây phút đau đớn nhất hương cháo hành “thoang thoảng”, thoáng chốc hiện ra khiến cho Chí Phèo chìm sâu hơn vào nỗi tuyệt vọng. Hắn đã ở bên kia cái dốc cuộc đời nhưng đây mới là lần đầu tiên được ăn cháo hành, dù cho là bởi đôi bàn tay của người đàn bà xấu xí ma chê quỷ hờn nhưng dẫu sao vẫn có còn hơn không, dù muộn nhưng vẫn có ý nghĩa đối với cuộc đời hắn. Tưởng rằng được hồi sinh chìm trong hương cháo hành của riêng mình nhưng định kiến xã hội đã tước đoạt đi quyền làm người ấy. Hắn phải gào lên “Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những mảnh chai trên mặt này?” tiếng kêu ấy thống thiết và đau đớn đến vô cùng không còn cách nào khác để giải thoát ngoài cái chết. Không có gì bình thường, bình dị như hơi cháo hành đến vậy, bát cháo hành qua cái nhìn và tấm lòng nhân đạo của Nam Cao trở thành một nhát dao cứa rớm máu tâm hồn đã bị tổn thương chai sần nơi Chí để giờ đây hắn chìm đắm trong tuyệt vọng và cái chết. Viết được như vậy chỉ có ngòi bút tài hoa của thiên tài mới làm được điều đó.

   Qua chi tiết bát cháo hành cho thấy vẻ đẹp nhân cách, vẻ đẹp tâm hồn của người đàn bà dòng giống con nhà mả hủi, xấu ma chê quỷ hờn đã vậy lại còn nghèo và dở hơi. Cái xấu của ngoại hình đã hội tụ hết ở thị Nở. Xấu đau xấu đớn xấu xúc phạm người nhìn bởi “Cái mặt của thị đích thực là một sự mỉa mai của hóa công” ấy vậy mà con người ấy lại có tấm lòng nhân hậu, có lòng bao dung, sự cảm thông chia sẻ đối với Chí. Chính những phẩm chất tiềm ẩn ấy đã đưa Chí ra khỏi những tháng ngày tăm tối của quỷ dữ.

   Chi tiết bát cháo hành thể hiện cái nhìn nhân đạo nhân văn của Nam Cao. Ông luôn tin vào sự tốt đẹp trong con người lương thiện và khẳng định chỉ có tình người mới cảm hóa được tội ác. Bản chất lương thiện và khát khao hạnh phúc là bản tính tự nhiên tốt đẹp trong con người không bao giờ bị mất đi dù cho bị quỷ dữ tha mất linh hồn nhưng chỉ cần được thắp sáng bởi ngọn lửa tình người nó lại trỗi dậy đòi quyền sống mãnh liệt.

   Chi tiết bát cháo hành của thị Nở khiến cho ta liên tưởng nhớ đến bát cháo cám của bà cụ Tứ trong tác phẩm “Vợ nhặt” của Kim Lân đó đều là bát cháo bình dị thôn quê, bát cháo của tình người, tình thương ấm áp chỉ có con người mới có được và dành cho nhau. Bát cháo hành tuy chỉ xuất hiện với tư cách là một chi tiết nhỏ thể hiện nội dung tác phẩm nhưng có giá trị lớn, đánh dấu mở đầu cho sự thay đổi tâm lí nhân vật Chí Phèo, là cột mốc bước ngoặt thay đổi cho cuộc đời Chí được sống là chính mình.

   Như vậy với tài năng của nhà văn Nam Cao chi tiết bát cháo hành trong tác phẩm “Chí Phèo” có giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc. Một mặt tố cáo xã hội tàn nhẫn đẩy người nông dân đến bước đường cùng, một mặt ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của họ. Gập trang sách lại nhưng hình ảnh bát cháo hành với dư vị tình người để lại ám ảnh suy tư và bài học cho độc giả. Trong cuộc sống hãy biết yêu thương, sẻ chia và đùm bọc lẫn nhau và chỉ có tình thương chân thành mới có sức mạnh cảm hóa.

Xem thêm các bài Văn mẫu phân tích, dàn ý tác phẩm lớp 11 khác:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH LUYỆN THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 11

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi, sách dành cho giáo viên và gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.

chi-pheo-1.jsp

Giải bài tập lớp 11 sách mới các môn học
Tài liệu giáo viên