5+ Nghị luận Có học phải có hạnh (điểm cao)



Đề bài: Ông cha ta thường nói: "Có học phải có hạnh". Em hiểu gì về lời dạy trên?

5+ Nghị luận Có học phải có hạnh (điểm cao)

Quảng cáo

Nghị luận Có học phải có hạnh - mẫu 1

Trong chúng ta, không ít người mải mê học tập mà quên cả rèn luyện nhân cách, đạo đức. Nhằm nhắc nhở con người trau dồi cả đức, cả tài, tục ngữ có câu: “Có học phải có hạnh”.     

    “Học” là việc tiếp thu kiến thức, mở rộng hiểu biết qua sự truyền đạt của thầy cô và tri thức từ sách vở. “Hạnh” là nết tốt, là đạo đức con người. Người có “hạnh” là người có nhiều đức tính như: lễ phép, khiêm nhường, cầu tiến, chăm chỉ, thật thà, dũng cảm, Câu tục ngữ “Có học phải có hạnh” nêu lên tầm quan trọng và sự cần thiết về đạo đức của một người có học thức.

      Đạo đức của một con người là vô cùng quan trọng để hình thành nhân cách, giá trị của người đó. Người có học, có hiểu biết càng phải nhận thức sâu sắc giá trị của đạo đức để tu dưỡng bản thân. Bởi, suy cho cùng, ta thấy rằng tuy học vấn là chìa khóa mở cửa văn hóa nhưng đạo đức làm người mới thực sự là nền tảng để kiến tạo giá trị con người.(Người có đạo đức sẽ là người biết sử dụng những điều được học đúng chỗ, vào những mục đích cao đẹp, có lợi cho bản thân, gia đình và xã hội. Ngược lại, người vô đạo đức sẽ dễ trở thành kẻ phá hoại. Người có học và có hạnh sẽ được mọi người yêu mến, kính trọng. Ngược lại, người vô đạo đức sẽ bị xã hội xa lánh, ruồng bỏ, cô lập. Bác Hồ kính yêu của chúng ta cũng đã từng dạy rằng: “Có tài mà không có đức là người vô dụng”) Vậy nên, đánh giá một con người, trước tiên người ta thường nhìn vào cách cư xử, nói năng, hành động của người đó để đánh giá về đạo đức; sau đó người ta mới tìm hiểu xem người ấy học hành ra sao, tài năng như thế nào.

      Thế mà trong xã hội hiện nay có bao nhiêu thanh thiếu niên chỉ chăm chăm cắm đầu cắm cổ vào việc học, cốt lấy được thật nhiều bằng cấp để tìm cho được một công việc có thu nhập cao. Để đạt được những bằng cấp ấy, nhiều người không những không rèn luyện hạnh kiểm mà còn thực hiện những hành vi thiếu đạo đức. Có nhiều người vì quyền lợi cá nhân, chạy theo vật chất để rồi tha hóa, biến chất. Ghê gớm hơn nữa là những người có trình độ chuyên môn cao nhưng lại vô lương tâm nên đã gây họa cho bao người. Thật đáng lên án. Vậy nên, người có học cần phải có đạo đức. Học càng nhiều thì đạo đức phải càng cao. Học và hạnh, tài và đức là hai yếu tố không thể tách rời nhau được. Nói như vậy không có nghĩa là người có học mới tu dưỡng rèn luyện đạo đức mà cả người ít học cũng cần phải có đạo đức tốt. Bởi, đạo đức luôn là cái gốc của nhân cách mỗi người. 

Quảng cáo

       Câu tục ngữ “Có học phải có hạnh” là một bài học đạo đức quý giá mà mỗi học sinh chúng ta cần ý thức sâu sắc để tu dưỡng, rèn luyện từng ngày.

Nghị luận Có học phải có hạnh - mẫu 2

Xã hội đang trên đà phát triển, đất nước ta đang thời kì mở cửa. Bởi thế sự hiểu biết, trình độ khả năng chuyên môn rất cần cho mọi người; đồng thời hạnh kiểm, đạo đức cũng là yếu tố rất quan trọng cho việc xãy dựng xã hội chủ nghĩa thành công tốt đẹp. Mối quan hệ giữa học vấn và hạnh kiểm một lần nữa được nhấn mạnh qua câu tục ngữ:

“Có học phải có hạnh”

Lời dạy trên dạy ta điều gì?

“Học” là sự hiểu biết, là vốn kiến thức của mỗi con người. Con người có học là người biết suy nghĩ, có nhận thức, có hiểu biết. “Hạnh” là hạnh kiểm, là phẩm chất đạo đức. Người có hạnh kiểm là con người có tư cách đúng đắn, đạo đức tốt. Do vậy, người có học thức cao cần phải có đạo đức, có hạnh kiểm tốt mới được.

Từ lúc sinh ra tới lúc bập bẹ biết nói rồi đến khi tới trường ta đã được tập tành dạy dỗ nhiều bài học về đạo đức. Lớn lên, song song với việc học văn hóa, mở rộng kiến thức thì bài học làm người càng cao hơn nữa. Một người có văn hóa, có trình độ thì được mọi người kính nể. Nhưng nếu chỉ có kiến thức sâu rộng mà thiếu đạo đức, thiếu tư cách thì không những làm giảm bớt sự kính nể mà còn bị mọi người xa lánh, khỉnh thường. Làm người ở đời phải có học, cần am tường hiểu biết mọi vấn đề ngoài xã hội, đó là điều cần thiết cho mỗi chúng ta. Nhưng hạnh kiểm đạo đức của con người cũng không kém phần quan trọng. Nó là thước đo giá trị của con người. Chúng ta dồng ý rằng văn hóa là chìa khóa để mở các cửa khoa học kĩ thuật, là những viên gạch để xây dựng nền văn minh cho đất nước. Còn hạnh kiểm đạo đức cũng là tường thành để giữ vững, để bảo vệ nền độc lập, tồn tại của một thể chế Quốc gia. Điều này càng khẳng định một chân lí có học phải có hạnh” vì “học” và “hạnh”, “tài” và “đức” là hai yếu tố cần thiết cho mỗi con người. Một người vừa có học vừa có tài vừa có đạo đức, có tư cách tốt thì quả là người đáng quý, đáng cho mọi người nể phục mến yêu.

Bác Hồ cũng đã từng nhắc nhở chúng ta qua lời dạy ân cần và thắm thiết: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó”, thật là quý báu! Đó là bài học về đạo đức làm người.

Quảng cáo

Tóm lại, câu tục ngữ trên nêu rõ tầm quan trọng của học vấn và hạnh kiểm. Có được cả hai yếu tố trên ta sẽ trở thành người toàn diện. Đó là ta thực hiện tốt lời nhắc nhở của ông cha, đồng thời ta cũng góp phần tích cực vào việc xây dựng một đất nước phồn vinh tiến bộ.

Nghị luận Có học phải có hạnh - mẫu 3

   "Cái nết đánh chết cái đẹp". Đó là câu ca dao mà ông bà ta truyền lại để khuyên nhủ cháu con. Đồng quan điểm ấy, ông cha ta thường nhắn nhủ ngắn gọn qua câu tục ngữ:

   "Có học phải có hạnh".

   Đây là một tư tựởng vạch hướng rèn luyện phẩm chất đạo đức cần thiết cho chúng ta hôm nay, chúng ta thử tìm hiểu xem.

Quảng cáo

   Trước hết có học mới có tri thức, có hiểu biết, suy nghĩ, nhận thức. Học tập giúp ta hiểu sâu hơn, hiểu nhiều hơn các kiến thức trong khoa học, trong xã hội và trong nghề nghiệp của ta. Có "hạnh" là có nết tốt, có phẩm chất đạo đức mẫu mực, có sự rèn luyện, nhận thức và ứng xử theo tiêu chuẩn đạo đức. Đó là những điều đúng, điều thiện được mọi người công nhận. Có hạnh là có đức. Tóm lại câu tục ngữ trên nhấn mạnh sự kết hợp của hai mặt tài và đức. Để học tập rèn luyện kiến thức tài năng, ta không thể quên rèn luyện nhân cách, lẽ sống.

   Từ ấu thơ, ta đã được học những bài học vỡ lòng trong cách ứng xử. Khi đến trường, ta thường được nghe: Tiên học lễ, hậu học văn. Song song với việc học văn hóa mở rộng kiến thức, bài học làm người càng cần thiết. Một người có văn hóa, có trình độ được mọi người kính nể. Nhưng nếu chỉ có kiến thức sâu rộng mà thiếu đạo đức thì không những làm giảm bớt sự kính nể mà còn bị mọi người xa lánh, khinh thường. Đạo đức là thước đo giá trị con người.

   Người có học mà không có hạnh, thì có thể dùng tài năng ấy vào mục đích không chính đáng, chỉ vinh thân phì gia hoặc làm tay sai cho ngoại bang. Người có tài năng và đạo đức vẹn toàn càng được kính nể, yêu mến. Thực vậy, nếu văn hóa là cánh cửa dẫn ta vào khoa học kĩ thuật và văn minh, mở ra một xã hội ấm no và tiến bộ thì đức hạnh như bông hoa quý nhẹ nhàng mà thơm lâu, tỏa rộng. Để được như vậy, ta phải chú tâm rèn luyện, không phải dễ dàng có được. "Có học phải có hạnh" là chân lí, là hai yếu tố làm nên giá trị một con người toàn diện.

   Tóm lại, câu tục ngữ trên là một phương châm vạch hướng rèn luyện cho học sinh chúng ta rèn luyện toàn diện. Ta cần hiểu rõ sự cần thiết của hai mặt học tập kiến thức và rèn luyện hạnh kiểm. Thiếu một trong hai mặt ấy thật đáng tiếc, ta chưa thể là con người toàn diện, đáng yêu mến kính trọng được. Thực hiện lời dạy của cha ông, ta mới có thể trở nên người tốt, hữu ích và thành công trong xã hội, không hổ thẹn với ông bà, cha mẹ:

    "Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy

   Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao".

Xem thêm các bài Văn mẫu thuyết minh, phân tích, dàn ý tác phẩm lớp 8 khác:

Mục lục Văn mẫu | Văn hay lớp 8 theo từng phần:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH LUYỆN THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 8

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi, sách dành cho giáo viên và gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài Tuyển tập những bài văn hay | văn mẫu lớp 8 của chúng tôi được biên soạn một phần dựa trên cuốn sách: Văn mẫu lớp 8Những bài văn hay lớp 8 đạt điểm cao.

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.




Giải bài tập lớp 8 sách mới các môn học
Tài liệu giáo viên