Phân tích Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác (cực hay)



Đề bài: Phân tích bài thơ "Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác" của Phan Bội Châu.

Phân tích Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác (cực hay)

Dàn ý Phân tích bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác

Quảng cáo

1. Mở bài

- Trình bày khái quát những nét chủ yếu nhất về cuộc đời và sự nghiệp Phan Bội Châu: Đôi nét về cuộc đời hoạt động cách mạng và sự nghiệp văn chương…

- Giới thiệu khái quát nội dung và nhấn mạnh tầm quan trọng của bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác: Bài thơ ấy là tiêu biểu cho phong thái ung dung, kiên cường và khí phách Phan Bội Châu

2. Thân bài

a. Hai câu đề

- “Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu”: Hoàn cảnh nhân vật trữ tình ở tù nhưng cái cốt cách hào kiệt, phong thái phong lưu vẫn còn

⇒ Từ hán Việt được sử dụng ⇒ câu thơ mang ý nghĩa khẳng định tư thế cốt cách đàng của người chiến sĩ

- “Chạy mỏi chân thì hãy ở tù”: nhà tù chỉ là nơi nghỉ chân tạm trên chặng đường hoạt động cách mạng

⇒ Cách nói làm cho câu thơ khỏe khoắn, không hề mang màu sắc đau khổ u buồn

- Đối với nhân vật trữ tình, “ở tù” còn là nơi tôi luyện, thử thách để bộc lộ bản lĩnh và khí phách anh hùng

b. Hai câu thực

- “Khách không nhà trong bốn bể”: thực tế khó khăn, để hoạt động cách mạng, nhân vật trữ tình – tác giả đã từng phải bôn ba khắp nơi

- “Lại có tội giữa năm châu”: cảnh đế quốc thực dân đã kết tội Phan Bội Châu án tử hình vắng mặt

- Giọng thơ trầm xuống, mang vẻ cảm khái nhưng vẫn hiện lên khí chất của nhân vật: dẫu trong muôn nghìn gian khó, khí phách trượng phu vẫn hiện lên rõ nét

⇒ Nghệ thuật đối cân chỉnh giữa hai câu thơ: Đây là hai câu thơ giúp cho người đọc hiểu rõ những chông gai trên con đường cách mạng của Phan Bội Châu.

c. Hai câu luận

- “Bủa tay ôm chặt bồ kinh thế”: Ước vọng, lí tưởng không thay đổi, bất chấp mọi hoàn cảnh, đó là chí lớn: sự nghiệp kinh bang tế thế.

- “Mở miệng cười tan cuộc oán thù”: Tiếng cười cất lên sảng khoái, ngạo nghễ với mong muốn dẹp tan oán thù

⇒ Biện pháp khoa trương, cách xây dựng hình ảnh thơ theo lối chỉ tỏ lòng, từ ngữ mạnh, ấn tượng ⇒ hai câu thơ đã dựng lên hình ảnh người anh hùng tràn đầy khí phách đang hành đạo để cứu nước

Quảng cáo

d. Hai câu kết

- Khẳng đinh “thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp”: Khí phách anh hùng thể hiện ở niềm tin bất diệt vào sự nghiệp bản thân đang theo đuổi, đó cũng là ý chí theo đuổi đến cùng sự nghiệp

- Bởi ý chí theo đuổi lí tưởng đến cùng ấy đã khiến Phan Bội Châu: “bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu”: đây là thái độ coi thường hiểm nguy

⇒ Lời thơ dõng dạc, mạnh mẽ, dứt khoát ⇒ Khẳng định ý chí quyết tâm của tác giả

3. Kết bài

- Khái quát những nét tiêu biểu về giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm

- Trình bày niềm cảm phục ý chí phấn đấu vì lí tưởng của nhà cách mạng yêu nước Phan Bội Châu

- Rút ra bài học cho bản thân: Phấn đấu theo đuổi niềm mơ ước của mình dẫu gian nan, thử thách

Phân tích bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác - mẫu 1

   Phan Bội Châu nhà chí sĩ cách mạng Việt Nam, cả cuộc đời ông dùng để hoạt động cách mạng nhằm tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc. Bởi vậy các tác phẩm của ông viết ra đều thể hiện lòng yêu nước, thương dân tha thiết, khát vọng độc lập, tự do và ý chí kiên cường, bền bỉ. Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác là một trong những tác phẩm như vậy.

   Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác là một bài thơ Nôm được trích trong tác phẩm Ngục trung thư sáng tác năm 1914. Đây là thời gian Phan Bội Châu bị quân phiệt Quảng Đông, Trung Quốc bắt giam. Bài thơ bộc lộ cảm xúc của ông những ngày đầu mới vào ngục.

   Mở đầu bài thơ không phải tư thế của người tù khốn khổ, mà là tư thế đường hoàng, hiên ngang:

   Vẫn là hào kiệt vẫn phong lưu

   Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.

   Cách nói “vẫn là” được lặp lại hai lần ở ngay câu đầu mang ý nghĩa khẳng định, kết hợp với hai từ Hán Việt hào kiệt, phong lưu cho thấy tư thế hiên ngang, bất khuất lại có chút tài hoa của người tù trước hoàn cảnh bị đẩy vào ngục của mình. Câu thơ thứ hai tác giả đưa ra cách lí giải: do ông đã phiêu bạt nhiều, đã mỏi chân, nên vào tù cũng chỉ là nghỉ ngơi tạm thời, để chuẩn bị cho những lần di chuyển sau nhanh hơn, mạnh mẽ hơn. Giọng điệu vui đùa, khẩu khí của tác giả thật đáng ngưỡng mộ. Cách nhìn nhận của ông về hoàn cảnh của bản thân hết sức lạc quan, tác giả đã biến chuyện tù đầy trở thành một điều hết sức bình thường.

   Hai câu ba bốn có sự chuyển giọng, từ giọng vui đùa hóm hỉnh chuyển sang giọng điệu thống thiết, trầm lặng. Vừa là khách không nhà, vừa là kẻ có tội. Đến đây những lời ông nói đã được nhìn nhận sát với thực tế hơn. Từ khi Phan Bội Châu bắt đầu con đường cứu nước của mình ông không có một mái nhà, một gia đình, đi đâu cũng gặp kẻ thù, cũng bị bắt bớ, săn đuổi. Trong hai câu thơ này, giọng điệu pha chút trầm lặng, đầy màu sắc cảm khái nhưng không phải là giọng than thân. Nhà thơ có buồn cho thân phận mình nhưng cái mà ông quan tâm hơn chính là đau xót cho số phận dân tộc. Tiếp tục mạch thơ, hai câu tiếp thể hiện ý chí kiên cường, mạnh mẽ của người tù. Dù trong quá trình hoạt động gặp nhiều khó khăn, không nhà không cửa nhưng ông vẫn quyết theo đuổi sự nghiệp cứu nước, cứu dân. Câu này có quan hệ đối lập với câu thơ trên, cho thấy khí phách và ý chí của nhà cách mạng không hề nao núng.

   Hai câu kết đã gói lại toàn bộ tư tưởng của bài thơ, thể hiện tinh thần lạc quan, thái độ cứng cỏi của Phan Bội Châu trong cảnh tù đày, bị kết tội:

   Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp

   Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu.

Quảng cáo

   Đây là lời tự nhủ thầm, tự an ủi, động viên mình. Chỉ cần còn thân xác nhất định sẽ đem nó phục vụ cho sự nghiệp cứu nước, cứu dân. Ông sẵn sàng hi sinh tính mệnh vì tổ quốc. Cách lặp từ còn mang sắc thái khẳng định, lời thơ dõng dạc, thể hiện cái “chí” của bậc anh hùng.

   Tác phẩm đã cho thấy ý chí kiên cường sắt đá, đầy lạc quan của người anh hùng Phan Bội Châu trong cảnh tù đầy. Hơn nữa, qua tác phẩm còn cho thấy tình yêu quê hương đất nước sâu nặng của ông, sẵn sàng hi sính tính mạng vì tổ quốc.

Phân tích bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác - mẫu 2

Cuối thế kỷ XIX, khi các phong trào đấu tranh chống Pháp lần lượt bị thất bại, đất nước chìm ngập trong đau thương. Bước sang đầu thế kỷ XX, hưởng ứng luồng gió mới từ phương Tây thổi tới, những con người yêu nước, quyết chí dành tự do cho dân tộc lại náo nức bước vào một cuộc đấu tranh mới, theo khuynh hướng dân chủ tư sản.

Phan Bội Châu xuất thân nho học song lại là người sớm có tinh thần tiên tiến, bắt nhịp với thời đại mới. Cái chí khí "phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất" (giàu sang không thể làm cho mê đắm, nghèo khó không thể làm cho thay lòng đổi dạ, uy vũ không thể làm cho khuất phục) của một nho gia đã biến thành bản lĩnh vững vàng, thành cốt cách anh hùng trước cơn tai biến nguy nan của một chí sĩ cách mạng.

Ngày 19-1-1914, Phan Bội Châu bị bắt giam vào ngục Quảng Đông. Trước đó, thực dân Pháp đã kết án tử hình vắng mặt đối với ông. Bài thơ Cảm tác vào nhà ngục Quảng Đông nằm trong Ngục trung thư - một huyết tâm thư tuyệt mệnh. Ngay từ đêm đầu tiên vào ngục Phan Bội Châu đã làm hai bài thơ Nôm (Cảm tác vào nhà ngục Quảng Đông là một trong hai bài ấy): "Làm xong hai bài thơ tôi ngân nga lớn tiếng rồi cả cười, vang động cả bốn vành, hầu như không biết thân mình đang bị nhốt trong ngục".

Xem ra, tù ngục cũng chẳng mảy may khiến bậc trượng phu nao núng. Đây là bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Hai câu vào bài thể hiện ngay khẩu khí của bậc anh hùng:

"Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu

Chạy mỏi chân thì hãy ở tù".

Nhân vật trữ tình hiện ra với một phong thái đường hoàng, tự tin đến ngang tàng, ngạo mạn. Giọng đùa vui, tự trào làm tan biến đi cảm giác của một người tù, chỉ thấy một tư thế cao ngạo, xem thường hiểm nguy, cổ nhân nói: Trí hơn vạn người gọi là "anh", trí hơn nghìn người gọi là "tuấn", trí hơn trăm người gọi là "hào", trí hơn mười người gọi là "kiệt". Kẻ tài trí hơn người, phong thái ung dung, đường hoàng (phong lưu) đang ngân nga tỏ chí.

Hai từ vẫn trong câu thơ đầu mang đậm tính khẩu ngữ. Một sự việc nghiêm trọng (tù) được nói đến bằng một thái độ cười, cợt, xem thường. Bị giam hãm trong tù ngục (lại là tử tù!) mà cứ như khách tài tử tạm dừng chân trên chặng đường dài dặc. Hoàn cảnh dù có đổi thay, tai biến có thể đến bất cứ lúc hào nhưng chí khí thì chẳng khi nào dời đổi.

Quảng cáo

Hai câu tiếp, giọng thơ chợt chuyển:

Đã khách không nhà trong bốn biển,

Lại người có tội giữa năm châu

Tác giả tự nghiệm về thân thế của mình. Một cuộc đời bôn ba đầy sóng gió. Phan Bội Châu từng phiêu bạt khắp nơi (khi Trung Quốc, khi thì Nhật Bàn, Thái Lan). Trên hành trình lưu lạc ấy ông đã phải trải qua biết bao cay đắng, cực khổ. Chỉ vì hết lòng muốn tìm đường cứu nước, chỉ vì yêu đất nước, dân tộc mình mà người chí sĩ bị xem như một tội nhân, bị truy nã khắp nơi.

Phiêu bạt, lênh đênh, chẳng được yên ổn bao giờ, con người ấy cất tiếng than cho mình cũng là đau cho nỗi đau chung của một đất nước đang mất chủ quyền. Tiếng thở dài ấy là của bậc anh hùng. Cái buồn ấy là cái buồn của một người tù yêu nước, của một nhân cách phi thường. Một phút ngẫm ngợi về mình để rồi lại sang sảng ca lên âm giai lãng mạn:

Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế

Mở miệng cười tan cuộc oán thù.

Kinh tế - kinh bang tế thế, người chí sĩ chẳng lúc nào thôi ôm ấp hoài bão trị nước cứu đời. Đây là con đường Phan đã chọn, nguyện dấn thân, vẫn là cái khẩu khí hơn người, tiếng "cười" của một người tù sao mà khoáng đạt đến thế. Đến độ ta chỉ còn thấy âm hưởng hào hùng bao trùm tất cả, lấn át tất cả như cánh buồm thênh thênh lướt sóng đại dương. Lối nói khoa trương đã được sử dụng để biểu đạt cái chí lớn lao, khát vọng xoay chuyển càn khôn. Như trong bài thơ Chơi xuân, Phan viết:

Phùng xuân hội, may ra, ừ cũng dễ,

Nắm địa cầu vừa một tí con con.

Đạp toang hai cánh càn khôn,

Đem xuân vẽ lại trong non nước nhà...

Hai liên giữa câu 3 - 4 và câu 5-6 của bài thơ Cảm tác vào nhà ngục Quảng Đông đã tuân thủ khuôn mẫu của một bài thơ thất ngôn bát cú luật Đường trong đối ý, đối lời. Sự đăng đối, hài hòa ở những câu thơ này góp phần tạo ra ấn tượng về cái vững vàng. Các cặp từ đối: bốn biển - năm châu, bủa tay - mở miệng, bồ kinh tế - cuộc oán thù khiến cho tầm vóc của người chi sĩ trở nên phi thường phù hợp với âm hưởng chủ đạo của bài thơ.

Bản lĩnh và tư thế khác người của người anh hùng yêu nước được khẳng định dứt khoát trong hai câu thơ kết bài:

Thân ấy hãy còn, còn sự nghiệp,

Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu!

Con người ấy còn sống là còn tranh đấu đến cùng cho lý tưởng chính nghĩa của mình. Hai chữ còn ngắt ra, điệp lại càng tăng thêm sắc thái mạnh mẽ, dứt khoát cho câu thơ. Ý chí thép sẽ chiến thắng hiểm nguy.

Cả bài thơ toát lên một tinh thần bất khuất, một tư thế vững vàng của bậc trượng phu trong cơn sóng gió. Truyền thống yêu nước, chí khí anh dũng của dân tộc đang tiếp tục mạch chảy bất tận trong tâm huyết chí sĩ Phan Bội Châu. Hình ảnh người anh hùng đã tạc vào lịch sử như một minh chứng cho tinh thần yêu nước, xả thân vì lý tưởng chính nghĩa.

Xem thêm các bài Văn mẫu thuyết minh, phân tích, dàn ý tác phẩm lớp 8 khác:

Mục lục Văn mẫu | Văn hay lớp 8 theo từng phần:

Săn shopee siêu SALE :

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, GÓI THI ONLINE DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 8

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi dành cho giáo viên và gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài Tuyển tập những bài văn hay | văn mẫu lớp 8 của chúng tôi được biên soạn một phần dựa trên cuốn sách: Văn mẫu lớp 8Những bài văn hay lớp 8 đạt điểm cao.

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


vao-nha-nguc-quang-dong-cam-tac.jsp


Giải bài tập lớp 8 sách mới các môn học
Tài liệu giáo viên