Top 11 phân tích, dàn ý bài thơ Tức cảnh Pác Bó (hay, ngắn gọn)



Phần dưới tổng hợp trên 11 bài văn mẫu phân tích, dàn ý tác phẩm Tức cảnh Pác Pó của Hồ Chí Minh hay nhất giúp các sĩ tử học tốt môn Văn lớp 8 và đạt điểm cao trong các bài kiểm tra, bài thi môn Văn.

Bài giảng: Tức cảnh Pác Pó - Cô Phạm Lan Anh (Giáo viên VietJack)

Mục lục phân tích, dàn ý tác phẩm Tức cảnh Pác Pó

Dàn ý Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó

I. Mở bài: 

- Giới thiệu về Tức cảnh Pác bó của Hồ Chí Minh.

II. Thân bài: Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác bó của Hồ Chí Minh

1. Cảnh sinh hoạt và làm việc của Bác ở Pác bó:

– Cảnh sinh hoạt của Bác:

     + Về thời gian thì Bác thể hiện tối, sáng, Bác ở đó mỗi ngày

     + Về không gian sinh hoạt của Bác là suối và hang

     + Bác cứ ra - vào hang và suối

     + Thể hiện một lối sống sinh hoạt giản dị, đều đặn và nề nếp

– Cảnh làm việc của Bác:

     + Bàn đá chông chênh

     + Điều kiện làm việc hết sức khó khăn

     + Ăn măng, bẹ

     + Một cuộc sống đạm bạc, khó khăn

2. Cảm nghĩ của Bác về cuộc sống Pác bó:

     + Người cảm thấy rất vui với cuộc sống ấy vì Bác đã cống hiến sức mình cho dân tộc

     + Bác sống rất giản dị, chân thành và cống hiên sức mình, sức người cho dân tộc

III. Kết bài: 

- Nêu cảm nhận của em về Tức cảnh Pác bó của Hồ Chí Minh.

Tức cảnh Pác Pó của Hồ Chí Minh

Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó

Bác Hồ không chỉ là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, Bác còn là một đại thi gia của dân tộc. Những tác phẩm mà người để lại cho kho tàng văn học dân tộc tuy không cầu kì, chau chuốt nhưng đều là những viên dạ minh châu không thể thay thế, là niềm tự hào của nước nhà. Một trong số những bài thơ như thế là “Tức cảnh Pác- bó” được viết vào tháng 2 năm 1941, tại hang Pác- bó(Cao Bằng), khi Người trở về Việt Nam hoạt động và làm việc sau hơn ba mươi năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài.

Đến với bài thơ ta đã nhận thấy một sự vô tư từ ngay trong cách diễn đạt:

Sáng ra bờ suối, tối vào hang

Nhịp thơ 3/3 với dấu phẩy ở giữa dòng chia câu thơ làm hai vế cân xứng như là một lời kể tự nhiên về nhịp sống thường ngày của Bác nơi núi rừng Pác- bó. Hoạt động và sinh sống ở nước ngoài nhiều năm, Bác vốn đã quen với một nếp sống có kỉ luật, ở tại hang Pác- bó cũng vậy, Bác sinh hoạt và làm việc điều độ theo thời gian phân bố. Sáng thì ra suối, để sinh hoạt, để làm việc rồi đến tối trở về hang để nghỉ ngơi. Bác sinh hoạt có nề nếp và đồng thời ăn uống cũng đạm bạc:

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng

Hai từ “sẵn sàng” thốt lên nghe thì có vẻ như gợi ra một sự đủ đầy, muốn là có ngay mà không hề thiếu thốn một điều gì. Nhưng thực chất, bữa cơm hàng ngày của người chỉ có bẹ chuối và măng rừng, những thức rất đỗi là giản dị, nếu không muốn gọi là kham khổ. Ở nơi núi rừng Pác- bó này không thể tìm đâu ra một thứ gì tốt hơn là cháo bẹ, là rau măng, điều này đã chứng tỏ Bác đang phải làm việc và sinh hoạt trong một hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn, ăn uống chỉ có thể gọi là đủ no. Nhưng những khó khăn ấy lại được Hồ Chủ Tịch thốt lên bằng giọng nhẹ nhàng sảng khoái chứng tỏ, Bác đối với những khó khăn vật chất tầm thường đều không coi là quan trọng. Đối với Bác, việc quan trọng nhất lúc này là dân, là nước, là đánh đuổi quân xâm lược:

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

Sau ba mươi năm hoạt động cách mạng quay về nước, Bác Hồ vẫn ngày ngày tiếp tục con đường tìm ánh sáng cho dân tộc. Trong cái lạnh của núi rừng, trong sự thiếu thốn của vật chất, trên một chiếc bàn đá không mấy chắc chắn, Người đang tỉ mẩn dịch lịch sử Đảng Cộng Sản Liên Xô làm tài liệu cho các chiến sĩ cách mạng học tập. Hai hình ảnh đối lập, một bên là chiếc bàn đá “chông chênh” bấp bênh, không chắc chắn với một bên là công việc trọng đại mà Bác đang làm: mở đường cho tri thức cách mạng đến với những người chiến sĩ cách mạng. Điều này càng làm nổi bật lên sự thiếu thốn trong hoàn cảnh sống và làm việc của Bác đồng thời nổi bật được trọng trách to lớn mà Bác đang gồng gánh trên vai. Sau bao nhiêu những những khó khăn về vật chất, những điều quan trọng phải làm, Bác Hồ đã kết thúc bài thơ:

Cuộc đời cách mạng thật là sang

Chỉ một từ “sang” làm cho tư tưởng bài thơ vụt sáng. Phải chăng người đọc thắc mắc vì sao Bác gọi cuộc đời cách mạng gian khổ là “sang”. Cái sang ở đây không phải là cái sang về vật chất mà mà giàu có về rất nhiều điều khác. “Sang” là ở một cuộc sống hòa mình với thiên nhiên, tuy không xa hoa nhưng giản dị, hòa hợp với thiên nhiên khiến cho tâm hồn tươi tắn thanh thản. “Sang” ở đây là một tấm lòng hạnh phúc khi được hoạt động và làm việc vì nhân dân, vì đất nước, làm công việc có ý nghĩa cho cuộc đời. “Sang” ở đây là tuy thiếu về vật chất nhưng tinh thần thì luôn tràn trề đủ đầy một niềm lạc quan vào ngày giải phóng dân tộc đang dần tới.

Với lời thơ giản dị, tự nhiên, giọng thơ sảng khoái mang đầy tinh thần lạc quan, Hồ Chủ Tịch đã cho ta thấy cái “thú lâm tuyền” của Người nhưng không phải là cái thú vui của Nguyễn Trãi, Nguyễn BỈnh Khiêm năm xưa “lánh đục về trong” mà là sự tạo nhã, hòa hợp với thiên nhiên ngay trong cuộc đời người lính. Ở Hồ Chí Minh, niềm vui hòa hợp với thiên nhiên vẫn gắn với cuộc đời cách mạng, cuộc đời hoạt động sôi nổi không ngừng nghỉ vì dân vì nước.

Bài thơ là sự diễn tả những hoạt động thường nhật của Bác Hồ trong những ngày hoạt động cách mạng ở hang Pác- bó, Cao Bằng. Qua bài thơ, hình ảnh Bác Hồ trong lòng người đọc càng thêm đẹp, thêm sáng lấp lánh trong sự giản dị, lạc quan, tình yêu thiên nhiên sâu sắc, tinh thần cách mạng và tài năng thơ ca tuyệt diệu. Nhân cách cao khiến của Người còn sáng mãi trong lòng mọi con dân nước Việt.

Dàn ý Cảm nhận về bài thơ Tức cảnh Pác Bó

1. Mở bài

- Giới thiệu bài thơ: Đến với "Tức cảnh Pác Pó", em càng kính trọng và yêu quý Bác hơn bởi một tâm hồn sống chan hoà, xem thiên nhiên như người bạn tri âm tri kỉ cùng một nếp sống giản dị và lạc quan trong gian khó của Người.

2. Thân bài

- Cuộc sống khó khăn vất vả, thiếu thốn về vật chất:

     + Nơi ở: hang sâu Pác Pó chật hẹp

     + Bữa ăn:cháo bé, rau măng->đạm bạc, bình dị

     + Điều kiện hoạt động cách mạng:bàn ghế chông chênh->thiếu thốn

→ Nếp sống giản dị,thích nghi với mọi hoàn cảnh của Bác

- Tinh thần sống lạc quan trong con người Bác

     + Niềm vui tìm thấy từ những điều bình dị

     + Giọng thơ hài hước,hóm hỉnh

- Tinh thần yêu nước, niềm tin cách mạng, tấm lòng thiết tha với dân tộc của Bác

     + Miệt mài với công việc "dịch sử Đảng"

     + Một lòng vì lý tưởng cách mạng

3. Kết bài

- Bài thơ giúp em hiểu rằng không có thiếu thốn nào hơn thiếu thốn mục đích, lí tưởng sống cả. Không có nghèo nàn nào hơn nghèo nàn trong tâm hồn cả. Chỉ cần có lý tưởng sống cao đẹp, mọi gian nan, khó khăn chỉ là bản lề để ta vượt qua và thành công hơn mà thôi.

Cảm nhận về bài thơ Tức cảnh Pác Bó

Sau 30 năm bôn ba khắp năm châu bốn bể hoạt động cứu nước, tháng 2 - 1941, Nguyễn Ái Quốc đã bí mật về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người sống trong hang Pác Bó, điều kiện sinh hoạt vật chật rất gian khổ, nhưng tất cả thiếu thốn đó đối với Bác không phải là gian khổ mà đều trở thành sang trọng, mà còn thật là sang. Bởi niềm vui vô hạn của người chiến sĩ yêu nước vĩ đại Hồ Chí Minh là được sống cuộc đời cách mạng cứu dân, cứu nước. Bài thơ Tức cảnh Pác Bó đã ra đời trong hoàn cảnh đó.

Bài thơ bốn câu, theo thể thất ngôn tứ tuyệt thật tự nhiên, bình dị, giọng điệu thoải mái pha chút vui đùa hóm hỉnh. Tất cả cho ta thấy một cảm giác vui thích sảng khoái. Ý nghĩa tư tưởng của bài thơ cũng toát lên từ đó. Đi tìm hiểu bài thơ chính là đi tìm hiểu niềm vui của nhân vật trữ tình.

Mở đầu bài thơ là câu thơ có giọng điệu rất tự nhiên, rất ung dung và thoải mái, hòa điệu với cuộc sống của núi rừng:

Sáng ra bờ suối tối vào hang

Câu thơ là sự khái quát của một nhịp sống đã trở thành nếp rất chủ động. Cách ngắt nhịp 4/3 đã tạo thành thế đôi sóng đôi rất nhịp nhàng: sáng ra - tối vào. Nếp sống ở đây chủ động mà đàng hoàng. Đàng hoàng vì ban ngày Bác làm việc đời thường. Tối mới trở về hang để ngủ. Với Bác, còn gì thú vị hơn khi ngày ngày được làm việc bên bờ suối, làm bạn với thiên nhiên, tối trở về nhà (nhà vẫn là hang núi) để nghỉ ngơi và lắng nghe tiếng suối chảy. Thật thú vị, thoải mái khi con người được sống giao hòa với thiên nhiên. Phải chăng quy luật vận động ấy là Bác đã vượt lên được hoàn cảnh. Đó chẳng phải là tinh thần lạc quan hay sao?

Chính sự cân đối ở câu thơ thứ nhất đã làm nền cho các câu thơ sau xuất hiện.

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng

Nhịp 4/3 là nhịp thông thường ở thơ tứ tuyệt, nhưng ở câu này, nhịp 4 được chuyển thành nhịp 2/2 tạo thành một sự đều đặn cùng với hai thanh trắc liền nhau ở nhịp 3 (vẫn, sẵn) càng khẳng định thêm điều đó. Câu thơ toát nên một sự yên tâm về cuộc sống vật chật của Bác. Thơ xưa thường biểu lộ thú vui vì cảnh nghèo như Nguyễn Trãi đã từng viết: Nước là cơm rau hay tri tức. Điều khác biệt của Bác, với các nhà thơ xưa như Nguyễn Trãi là ở chỗ: Nguyễn Trãi sống ở chốn núi rừng vui với thiên nhiên (ở Côn Sơn) để quên đi nỗi đau không được giúp nước, giúp đời. Còn Bác Hồ sống ở chốn núi rừng, bằng lòng với cuộc sống đạm bạc nơi đầu nguồn để đem ánh sáng cứu dân cứu nước. Vì thế câu thơ thứ ba của bài thơ là một sự chuyển biến đột ngột:

Bàn đá chông chềnh dịch sử Đảng

Hai câu nói về chuyện ăn, chuyện ở thong dong bao nhiêu, thoải mái bao nhiêu thì câu nói về chuyện làm việc vất vả bấy nhiêu. Không có bàn, người chiến sĩ cách mạng phải dùng dạ làm bàn, lại là bàn đá chông chếnh. Rõ ràng là với từ chông chếnh, Bác đã lột tả được điều kiện làm việc rất khó khăn. Công việc lại càng khó khăn hơn, đòi hỏi người chiến sĩ cách mạng phải cố gắng hết sức, không ngừng không nghỉ. Ba tiếng cuối cùng sử dụng toàn thanh trắc để thể hiện sự vất vả, nhưng khỏe khoắn, kiên quyết. Như vậy đối với Bác lúc này, việc cách mạng là cần thiết nhất, phải vượt lên tất cả mọi khó khăn. Kết thúc bài thơ là một nhận xét, một kết thúc rất tự nhiên, bất ngờ và vô cùng thú vị:

Cuộc đời cách mạng thật là sang

Ba câu đầu của bài thơ nói về việc ở, việc ăn và việc làm. Câu thứ tư là một lời đánh giá làm người đọc bất ngờ. Và bằng phép loại suy, ta có thể khẳng định việc ăn, việc ở khộng phải là sang, chỉ có việc làm dịch sử Đảng là sáng nhất vì nó đem ánh sáng của chu nghĩa Mác – Lê Nin để phát động đấu tranh giải phóng dân tộc, đem lại cơm no, áo ấm và hạnh phúc cho toàn dân. Ở đây ta bắt gặp câu thơ có khẩu khí, nói cho vui, phần nào khoa trương (thường gặp trong hàng loạt những bài thơ xưa nói cho vui cảnh nghèo đã trở thành truyền thống) trong văn học phương Đông:

Ao sâu nước cả khôn chài cá,

Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà…

(Bác đến chơi nhà - Nguyễn Khuyến)

Đúng là nói cho vui! Thật đấy mà lại đùa đấy! Nghèo nhưng mà lại chẳng nghèo! Giọng điệu thơ rất tự nhiên, dí dỏm thể hiện niềm vui của Nguyễn Khuyến khi có bạn đến nhà chơi.

Ta thấy ở đây niềm vui thích của Bác Hồ là rất thật, không chút gượng gạo, lên gân vì thế nên giọng thơ sảng khoái, ngân vang: Thật là sang. Rõ ràng trong cái sang của Bác, của người cách mạng không phải là điều kiện ăn ở, sinh hoạt mà chính là tri thức cách mạng để giải phóng đất nước, đem lại sự giàu sang, hạnh phúc cho cả dân tộc. Ý nghĩa của bài thơ thật lớn lao.

Tức cảnh Pác Bó là một bài thơ Đường rất đúng niêm luật có lẽ bởi ý thứ hai của nó là nói chơi, còn ý đầu tiên vẫn là nói thật. Tính nghiêm túc của bài thơ phải chăng là sự phản ánh nghiêm túc những đòi hỏi có thật của cuộc đời đối với con người cách mạng. Nhưng một khi đã đáp ứng được nó, trụ vững trước nó thì ai có thể cấm được cái quyền nói trêu của người đã biết tự rèn luyện mình mà vượt lên tất cả. Bài thơ đã vượt qua hành trình hơn 60 năm nhưng đến nay vẫn giữ nguyên được giá trị.

Dàn ý Phân tích Hình ảnh Bác Hồ qua bài thơ Tức cảnh Pác Bó

1. Mở bài

- Giới thiệu bài thơ Tức cảnh Pác Pó: "Tức cảnh Pác Pó" là bài thơ ngắn gọn, cô đúc và giàu ý nghĩa, qua bài thơ, ta thấy được hình ảnh Bác với những nét đẹp đáng học hỏi ở cách sống ngay cả trong những lúc gian khổ, khó khăn nhất.

2. Thân bài

- Lối sống giản dị và khả năng thích nghi với mọi hoàn cảnh của Bác

     + Sống và làm việc trong hang sâu nơi núi rừng hiểm trở, hoang sơ

     + Bữa cơm giản dị với cháo bẹ rau măng

     + Nơi làm việc thiếu thốn

- Con người yêu nước, thương dân, gắn bó với cách mạng:

     + Miệt mài bên bàn làm việc "chông chênh" với sứ mệnh "dịch sử Đảng"

     + Lý tưởng cách mạng là lý tưởng "sang" và cao đẹp nhất

- Lạc quan, tin yêu trong mọi hoàn cảnh → Vượt lên mọi nghịch cảnh, sống và chiến đấu → Tâm thế ung dung.

3. Kết bài: Khái quát giá trị bài thơ:

- Thơ Bác vốn bình dị như thế nhưng lại thấm đẫm cốt cách trong lối sống và tâm hồn của Người.

- Tức cảnh Pác Pó bằng giọng điệu chân tình, nhẹ nhàng, hóm hỉnh, bức chân dung về Bác được khắc họa rõ nét , đầy tự nhiên.

Phân tích Hình ảnh Bác Hồ qua bài thơ Tức cảnh Pác Bó

Nhắc đến Bác Hồ - người Cha vĩ đại của dân tộc là nhắc đến một người cách mạng thao lược tài ba, một nhà chính trị lỗi lạc, một nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc. Và khi nghĩ đến Người, ta cũng không sao quên được nếp sống giản dị và một tâm hồn thanh cao trong con người Bác. Điều đó được thể hiện rõ nhất qua bài "Tức cảnh Pác Pó", bài thơ ngắn gọn, cô đúc và giàu ý nghĩa. Qua bài thơ, ta thấy được hình ảnh Bác với những nét đẹp đáng học hỏi ở cách sống ngay cả trong những lúc giận khổ, khó khăn nhất.

"Sáng ra bờ suối, tối vào hang

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng"

Trở về quê hương tiếp tục con đường làm cách mạng, cuộc sống của Bác cũng như bao nhiêu người chiến sĩ lúc bấy giờ. Trong hang Pác Pó, Bác sống với đời sống quá đỗi giản dị, bình thường. Bữa cơm ngon không phải là cao lương mỹ vị, bữa cơm ngon chỉ có cháo bẹ, rau măng, hai từ " sẵn sàng" ánh lên sự đủ đầy, sẵn có chứ không có nét gì thiều thốn, nghèo đói nơi đây cả. Nơi ở của Bác cũng bình thường, không phải là chốn chăn ấm, không phải nhà cao cửa rộng mà chính là hang Pác Pó. Giữa núi rừng hoang sơ, trong hàng có chật hẹp, tù túng, song ở Người vẫn toát lên phong thái ung dung, thoải mái dẫu có khó khăn, khổ sở nhất.

"Bàn ghế chông chênh dịch sử Đảng"

Nơi ăn, chốn ở , chỗ làm cần đủ đầy nhất để có một tình thần thoải mái, làm việc có chất lượng. Thì với Bác, cuộc sống dù vất vả, điều kiện việc làm cũng không mấy thuận lợi, "bàn ghế chông chênh", khắc họa sự gian khổ, thiếu thốn vô cùng, sống không vì thế mà khiến Người nản chí, vẫn miệt mài với công việc cách mạng" dịch sử Đảng".

Không chỉ là người có nếp sống giản dị, Bác còn là một chiến sĩ yêu nước vô bờ. Trong mọi hoàn cảnh, Người vẫn đặt công cuộc cách mạng lên đầu tiên, đó là điều cấp thiết và quan trọng nhất. Ngày qua ngày Bác vẫn hoạt động cách mạng, vẫn chăm chú, nghiêm túc với công việc của mình, vì một ngày đất nước được yên bình, thống nhất, nhân dân được ấm no, đủ đầy. Ở Bác, ta còn thấy một tinh thần lạc quan, vui vẻ yêu cuộc sống, thiên nhiên. Trong thiếu thốn, vất vả Bác vẫn dành cho mình những khoảnh khắc đẹp bên thiên nhiên, vẫn làm thơ với tâm thế thoải mái nhất. Câu thơ: "Cuộc đời cách mạng thật là sang" như một lời khẳng định cho cuộc chiến đấu vì dân vì nước luôn là lý tưởng đẹp đẽ, không gì sánh nổi. Đồng thời cho thấy được niềm lạc quan trọng cảnh khốn khó của Người, đó cũng là động lực giúp Bác trải qua tất thảy những hiểm nguy, khó khăn, thách thức trên con đường cách mạng của mình.

Thơ Bác vốn bình dị như thế nhưng lại thấm đẫm cốt cách trong lối sống và tâm hồn của Người. "Tức cảnh Pác Pó" bằng giọng điệu chân tình, nhẹ nhàng, hóm hỉnh ,bức chân dung về Bác được khắc họa rõ nét , đầy tự nhiên. Đó là con người sinh ra vì dân, vì nước, trọn một đời sống vì dân tộc, hy sinh vi nhân dân.

Tổng hợp các bài văn mẫu phân tích, dàn ý tác phẩm Tức cảnh Pác Pó hay khác:

Xem thêm các bài Văn mẫu thuyết minh, phân tích, dàn ý tác phẩm lớp 8 khác:

Mục lục Văn mẫu | Văn hay lớp 8 theo từng phần:

Săn shopee siêu SALE :

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, GÓI THI ONLINE DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 8

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi dành cho giáo viên và gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài Tuyển tập những bài văn hay | văn mẫu lớp 8 của chúng tôi được biên soạn một phần dựa trên cuốn sách: Văn mẫu lớp 8Những bài văn hay lớp 8 đạt điểm cao.

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.




Giải bài tập lớp 8 sách mới các môn học
Tài liệu giáo viên