50+ Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá (hay, ngắn gọn)



Tổng hợp 50+ Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận hay, chọn lọc từ những bài văn hay của học sinh lớp 9 trên cả nước giúp học sinh lớp 9 có thêm tài liệu tham khảo từ đó biết cách viết Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận dễ dàng hơn.

50+ Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá (hay, ngắn gọn)

Bài giảng: Đoàn thuyền đánh cá - Cô Nguyễn Ngọc Anh (Giáo viên VietJack)

Dàn ý Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá

Quảng cáo

1, Mở bài

Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

   - Huy Cận là một nhà thơ nổi tiếng trong phong trào thơ mới, có nhiều tác phẩm hay để lại cho nền thi ca Việt Nam.

   - Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá viết về vùng biển Quảng Ninh vào năm 1958 – thời kì miền Bắc giành được độc lập, tập trung xây dựng kinh tế.

2, Thân bài

a, Cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi

   - Thời gian lao động đặc biệt, không gian thiên nhiên hùng vĩ:

   + Thời gian: đêm tối

   + Cảnh tượng: Mặt trời lúc chiều tà được ví như hòn lửa; sóng biển như then cài còn đường chân trời là cánh cửa giao thoa giữa ngày và đêm.

⇒ Không gian hùng vĩ, có chút bí ẩn của đêm tối. Trong không gian đó, con người hiện lên với vẻ đẹp yêu đời, khỏe khoắn, hăng say:

   + Lại ra khơi: sự lặp lại hàng ngày của công việc đánh cá ban đêm.

   + Dù đối mặt với màn đêm, biển cả rộng lớn nhưng ngư dân vẫn ca hát, hào hứng ra khơi, thể hiện sự hi vọng vào một chuyến ra khơi bội thu.

b, Sự giàu có, hào phóng, mỹ lệ của biển khơi

Ông cha ta đã đúc kết ra câu thành ngữ “Rừng vàng biển bạc”, khổ thơ thứ 2 và thứ 4 của bài đã chứng minh điều này:

   - Sự giàu có của biển Đông: cá bạc lấp loáng trên biển, cá thu nhiều “như đoàn thoi”, “dệt biển muôn luồng sáng”.

   - Các loài cá ngon, quý hiếm được liệt kê với giọng tự hào: Cá nhụ, cá chim, cá đé, cá song.

⇒ niềm vui thích trước sự giàu có của biển cả khiến tác giả như reo lên: “Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!”

   - Vẻ đẹp của biển đêm: trăng và sao trời in trên mặt biển (bóng trăng “vàng chóe”), biển trời như tấm gương phản chiếu nhau, không gian được mở rộng, tăng thêm sức sống (“Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long”).

   - Nghệ thuật: thủ pháp liệt kê, so sánh (như đoàn thoi, đuốc đen hồng), nhân hóa (cái đuôi em quẫy, đêm thở) tạo nên một bức tranh thiên nhiên sống động.

c, Hình ảnh đoàn thuyền đánh cá trên biển (khổ thơ 3, 5, 6)

Tác giả cho bạn đọc thấy con tàu đánh cá như tàu chiến, những ngư dân như những người anh hùng trên biển khơi:

   - Hình ảnh mạnh mẽ, hùng tráng: con thuyền đi nhanh như “lái gió”, cánh buồm trắng ôm trọn mặt trăng, thuyền đi “giữa mây cao với biển bằng”

   - Động từ “lướt”: cảm giác đi như bay, mạnh mẽ

⇒ hình ảnh đẹp, con thuyền đi trên biển như thuyền có phép lạ bay trên mây.

Quảng cáo

   - Việc đánh cá tài tình và đầy chiến thuật như đánh giặc: thuyền ra “dặm xa dò bụng biển”, “Dàn đan thế trận lưới vây giăng”. Những công việc được thực hiện một cách hào hứng, vui vẻ: ngư dân gõ mạn thuyền cho cá bơi vào lưới, giống như “hát bài ca gọi cá vào”.

   - Khi bắt đầu ra khơi là ban đêm, lúc “sao mờ”, sắp sáng là thuyền trở về:

   + Cuộc đánh cá bội thu: “kéo xoăn tay chùm cá nặng”.

   + Thành quả to lớn, con người lao động hân hoan: đàn cá trên thuyền lấp lánh loé sáng dưới ánh rạng đông, ngư dân xếp lưới, căng buồm trở về trong “nắng hồng”.

⇒ Ba khổ thơ cho thấy con người luôn có khát vọng chiến thắng, làm chủ thiên nhiên nhưng cũng vô cùng biết ơn thiên nhiên: Biển cho ta cá như lòng mẹ/ Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.

   - Nghệ thuật: ba khổ thơ trên có giọng thơ nhanh, dồn dập thể hiện sự hăng say lao động. Sử dụng nhiều động từ mạnh (lái, lướt, gõ, kéo) cho thấy hình ảnh khỏe khoắn của người lao động; tính từ chỉ màu sắc: vàng, bạc, hồng gợi sự tươi vui, ấm no.

d, Cảnh đoàn thuyền trở về

Tác giả sử dụng những hình ảnh giống cảnh đoàn thuyền ra khơi ở khổ 1: câu hát, mặt trời nhưng với những sắc thái mới:

   - Ngư dân vẫn hát cùng gió khơi, bây giờ là khúc ca ăn mừng thành quả của một đêm lao động miệt mài.

   - Đoàn thuyền vẫn đi thật nhanh, như “chạy đua cùng mặt trời” để về cho kịp phiên chợ buôn bán.

   - Hình ảnh mặt trời mọc mang màu sắc mới, tươi vui, chiếu rọi lên thành quả lao động của ngư dân khiến nó càng trở lên rực rỡ: “Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi”.

3, Kết bài:

Tổng kết giá trị bài thơ:

   - Ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, vẻ đẹp của con người lao động. Thiên nhiên cho con người nhiều của cải, con người cũng cần biết ơn thiên nhiên, con người và thiên nhiên là bạn đồng hành; thể hiện niềm tin, niềm vui trước cuộc sống mới, cuộc sống tự do lao động.

   - Tác giả sử dụng kết hợp nhiều thủ pháp nghệ thuật đặc sắc.

Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá - mẫu 1

   Trước đây nửa thế kỉ, khi mới cầm bút, nhà thơ Huy Cận trình làng bài Tràng Giang với khổ thơ đầu rát đặc sắc:

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về, nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng ...

   Giữa cái mênh mông rộng dài của sông nước, con thuyền và cành củi khô – biểu tượng cho kiếp sống của con người – trôi xuôi, bơ vơ, vô định. Trước cái bơ vơ vô định ấy, thi sĩ đã bang khuâng thương mình, thương người, muốn chia sẻ tấm lòng "sầu trăm ngả" tới bạn đọc. Từ ấy trở đi, hình tượng thơ: "con người" và "vũ trụ" trở thành một nét riêng trong thi pháp thơ Huy Cận. Đến năm 1958, nét riêng ấy lại hiện lên thật rõ ràng trong bài Đoàn thuyền đánh cá.

   Hình ảnh: "Đoàn thuyền" – (những ngư dân) và "vũ trụ" – (mặt trời, biển cả, gió khơi, trăng sao) song hành, lung linh và rực rỡ từ chữ đầu đến chữ cuối bài thơ:

Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then đêm sập cửa

   Biển hoàng hôn – mặt trời lặn, như "hòn lửa" bị nhúng nước. Sóng cồn lên, cài chặt then, nhốt ánh sáng bằng một động tác "sập cửa" mau lẹ. Đêm bao trùm. Vũ trụ đẹp một vẻ đẹp huyền bí, mênh mang đầy thách thức. Vậy mà con người – những ngư dân – không ngần ngại, e sợ. Xưa kia khi đất nước chìm đắm trong bóng đen xâm lược, con người thấy rợn ngợp, hãi hùng trước cái rộng lớn bao la của vũ trụ. Ngày nay đất nước được giải phóng, con người được làm chủ thì vũ trụ thiên nhiên thành nơi đi tới để thử thách, để khai phá:

Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khơi

   Nhịp thơ nhanh mạnh như một quyết định dứt khoát. Đoàn thuyền ngư dân ào xuống, đẩy thuyền ra khơi và cất cao tiếng hát. Nhà thơ không ghi âm mà chỉ miêu tả, miêu tả bằng ẩn dụ "câu hát căng buồm ..." nhưng người đọc vẫn nghe văng vẳng những tiếng hát, vẫn thấm thía những niềm vui và quyết tâm lao động của con người.

   Niềm vui và quyết tâm tràn ngập không gian vũ trụ đánh thức tất cả. Họ gọi cá như bạn bè gọi nhau: "cá nhụ, cá chim cùng cá đé ..." Họ gọi biển, tiếng gọi trìu mến của con gọi mẹ Rồi họ gõ thuyền, thả lưới, kéo lưới ... Những cánh tay xoăn chắc cuồn cuộn sức người, sôi nổi hào hứng như trong một trận chiến đấu vậy. Gió khơi, biển cả, nhất là trăng sao – những vùng sáng thay thế mặt trời – tất cả đã hiệp đồng để động viên giú đỡ con người. Vũ trụ không đối lập mà trở thành bạn bè thân thương của con người, đền đáp sức con người một cách xứng đáng.

Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng
Vây bạc đuôi vàng lóe rạng đông
Quảng cáo

   Vây cá đuôi cá bắt ánh sáng, lóe sắc vàng, sắc bạc, hay chính bạc vàng trong kho trời vô tận thưởng công cho con người? Tài sử dụng ngôn từ, phép liên tưởng, ví von cùng với tình cảm mê say, hào hứng của nhà thơ dã hòa nhập với cuộc sống, đem lại cho thơ những hình ảnh thật thú vị!

   Thú vị hơn nữa là khung cảnh rạng đông rực rỡ khi đoàn thuyền hát khúc khải hoàn về bến:

Câu hát căng buồm với gió khơi
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời
Mặt trời đội biển nhô màu mới
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.

   Thi sĩ như người trọng tài, đang nhìn đoàn thuyền (hai câu trên), chuyển sang phía mặt trời (hai câu dưới), từ mặt trời nhìn lại. Đội biển nhô lên, mặt trời tới đích, thì ... ôi chao, đối thủ đã tới từ lâu rồi kìa! Không thấy con thuyền nào trên trước nữa. Trang trải mênh mông muôn dặm chỉ thấy cá và ... cá. Cá nhiều, xen khít, xếp dày không tách được từng con, từng loại chỉ thấy "mắt cá huy hoàng" nhấp nháy chào mặt trời, hóa thành triệu triệu mặt trời nhỏ, hồng nào ấm áp không gian. Nghệ thuật nhân hóa và điểm linh hoạt của thơ khiến cho hình ảnh mặt trời vốn xa xôi, khắc nghiệt thành gần gũi hiền hòa. Và chân dung con người bỗng trở nên cao lớn, cao rộng. Thêm vào là nhịp thơ cổ điển thất ngôn cân đối, trang trọng, toát ra một âm hưởng lãng mạn ngợi ca hùng tráng. Phải có một tình yêu sâu nặng, gắn bó dài lâu bền chặt với cuộc sống, với quê hương, đất nước, nhà thơ Huy Cận mới biểu hiện một cách thậm thía, sảng khoái đến thế niềm vui, lòng mến phục và tự hào trước nhiên nhiên kỳ ảo, trước sức sống và bàn tay lao động của con người.

   Kỷ niệm 70 tuổi đời, ngót chục năm tuổi làm thơ, trả lời phỏng vấn viên báo Văn nghệ về sự tâm đắc nhất trong sáng tác, nhà thơ Huy Cân nói: "Con người sống trong xã hội và sống trong vũ trụ. Đó là hai cực của cuộc sống, hai cực của tư tưởng, hai cực của thơ ..." Vẻ đẹp của vũ trụ và vẻ đẹp của con người, nhất là những con người đã được giải phóng đang làm chủ cuộc đời, hòa đồng với vũ trụ, nguồn cảm hứng lớn trong thơ Huy Cận, đã tạo nên những vần thơ đẹp, làm giàu làm đẹp thêm cho trí tuệ và tâm hồn mỗi chúng ta.

Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá - mẫu 2

   Bây giờ là lúc đất nước hòa bình đang bắt tay xây dựng CNXH. Khắp nơi nơi tưng bừng cuộc sống mới với cách làm ăn mới. Nhà thơ Huy Cận được đi thực tế sáng tác ở vùng Quảng Ninh bấy giờ "Cả một vùng than vùng biển đang hăng say lao động từ bình minh cho đến hoàng hôn và cả từ hoàng hôn cho đến bình minh".

   Không khí tưng bừng và phấn khởi đặc biệt này ùa vào bài thơ ngay từ những câu mở đầu:

"Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then đêm sập cửa 
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi 
Câu hát căng buồm với gió khơi".

   Sau một ngày, thiên nhiên dọn dẹp chuẩn bị nghỉ ngơi. Mặt trời đi ngủ. 'sóng đã cài then đêm sập cửa". Nhưng những con người đang náo nức xây dựngcuộc sống mới thì không ngủ. Khí thế tập thể thật bừng bừng: "Đoàn thuyền" có tổ chức nối nhau đi. Không phải là một chiếc thuyền câu bé tẻo teo, cũng không phái dăm ba lá thuyền, mà cả một đoàn thuyền hùng dũng. Cũng không phải hôm nay mới xuất phát buổi đầu tiên. "Lại ra khơi" cho biết trước đó đã từng có những cuộc ra di. Thế mà cái náo nức vẫn không hề vơi đi. Đoàn thuyền đánh cá ra khơi trong tiếng hát trong những câu hát khỏe khoắn thổi căng phồng những cánh buồm lộng gió. Người lao động hát vang bài ca tiến quân ra biển cả. Họ hát và nhà thơ cũng hát "khúc tráng ca, ca ngợi con người lao động với tinh thần làm chủ, với niềm vui" (cảm nghĩ cùa Huy Cận). Phơi phới trong tâm hồn như thế cho nên biển, thuyền, công việc đều được nhìn từ góc độ lãng mạn: đẹp giàu và thơ mộng. Biểu hiện ra trong tiếng hát:

"Cá bạc biển Đông lặng
Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng"

   Biển hiền hòa phẳng lặng như một tấm gương soi cảnh trời mây:

"Lướt giữa mây cao với biển bằng"
Biển thật nhân hậu, dịu dàng:

"Biển cho ta cá như lòng mẹ
Nuôi lớn đời ta tự thuở nào".
Quảng cáo

   Những con thuyền cũng hết sức kì lạ. Gió lái thuyền đi, buồm đầy trăng sáng. Nhưng nhà thơ viết "Thuyền ta lái gió với buồm trăng" thì hình như đã biến nó thành đoàn thuyền của tao nhân mặc khách rồi. Nhất là lại để cho con thuyền ấy "lướt giữa mây cao với biển bằng" để cho nó được gõ bằng nhịp trăng (gõ thuyền đã có nhịp trăng cao). Song rồi có thi vị hóa, thì con thuyền đánh cá vẫn là những con thuyền thực, có lưới, có buồm. đậu dặm xa. dàn đan thế trận. Trên con thuyền ấy là những người khẩn trương "kéo lưới kịp trời sang" và họ đã "kéo xoăn tay chùm cá nặng"... Thật và ảo, hiện thực và lãng mạn không tách rời hay đối lập, mà hòa quyện làm cho bài thơ có một vẻ độc đáo khác thường. Đặc sắc nhất của bài thơ là ở chỗ bằng tiếng hát nhà thơ đã khắc họa được cái hồn của không khí náo nức phơi phới của những con người say mê "tập làm chủ, tập làm người xây dựng. Dám vươn mình cai quản cả thiên nhiên" (Tố Hữu). Đâu phải họ chỉ hát khi ra di. Họ hát khi làm việc "ta hát bài ca gọi cá vào". Cho tận đến khi kết thúc công việc sau suốt một đêm khẩn trương làm việc, tiếng hát vẫn không dứt mà vẫn mạnh mẽ. vẫn hào hứng như lúc ban đầu "Câu hát căng buồm". Có điều, câu hát bây giờ vang lên trong không khí "chạy đua cùng mặt trời" và tỏa sáng trong thành quả lao động sáng ngời.

"Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi".

   Hình ảnh đầy chất lãng mạn và theo kích thước "vũ trụ" của Huy Cận. "Mắt cá huy hoàng" đâu phải chỉ là màu sắc thực của những khoang cá đầy lộng lẫy dưới ánh mặt trời? Đó còn là huy hoàng của thành quả lao động, huy hoàng cùa ánh mắt nhìn đầy rạo rực tự hào, và có lẽ sau hết, đó còn là màn "bạc" (cá bạc biển Đông lặng) những "luồng sáng" (đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng), những "lấp lánh", "đen hồng", những "vàng chóe''. những "vẩy bạc", "đuôi vàng"... ở các câu thơ trên hội tụ lại, ngưng kết lại tạo nên cái màu sắc huy hoàng lộng lẫy muôn dặm khơi của đoàn thuyền đang nối đuôi nhau ca hát khúc "khải hoàn".

Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá - mẫu 3

   Huy Cận là một trong những tên tuổi tiêu biểu của phong trào Thơ mới trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, với những tác phẩm nổi tiếng như Lửa thiêng, Vũ trụ ca ... Sau Cách mạng, ông nhanh chóng hòa nhập vào công cuộc kháng chiến vĩ dại của dân tộc chống thực dân Pháp. Hòa bình lập lại, từng trang thơ Huy Cận ấm áp hơi thở của cuộc sống mới đang lên. Đoàn thuyền đánh cá được sáng tác ở Hòn Gai, năm 1958. Sau một chuyến tác giả đi thực tế dài ngày, được đánh giá là một trong những bài hay của thơ ca Việt Nam hiện đại.

   Với đôi mắt quan sát sắc sảo, trí tưởng tượng phong phú, trái tim nhạy cảm và tài năng nghệ thuật điêu luyện, nhà thơ đã vẽ nên trước mắt chúng ta một khung cảnh lao động tuyệt vời trên biển. Cả bài thơ như một bức tranh sơn mài lộng lẫy với những màu sắc huyền ảo, cuốn hút vô cùng:

"Mặt trời xuống biển như hòn lửa.
Sóng đã cài then, đêm sập cửa.
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi."

   Đoàn thuyền đánh cá rời bến vào lúc hoàng hôn. Phía ấy mặt trời như một hòn lửa đỏ rực đang lặn dần vào lòng đại dương mênh mông. Màn đêm buông xuống, kết thúc một ngày. Chính vào thời điểm ấy ngư dân bắt tay vào công việc quen thuộc của mình: ra khơi đánh cá. Mặt biển đêm không lạnh lẽo mà ấm áp hẳn lên bởi tiếng hát âm vang náo nức, thể hiện niềm vui to lớn của con người lao động được giải phóng: Cậu hát căng buồm cùng gió khơi. Đây là cách nói độc đáo, sáng tạo của Huy Cận, khiến chúng ta tưởng như tiếng hát hòa cùng gió mạnh, thổi căng cánh buồm, đẩy thuyền phăng phăng rẽ sóng. Cánh buồm no gió tượng trưng cho khí thế phơi phới đi lên của công cuộc dựng xây đất nước.

   Lời hát ngợi ca sự giàu có và hào phóng của biển cả cùng vẻ đẹp lung linh, diệu kì của nó trong đêm. Bút pháp lãng mạn của nhà thơ vẽ nên khung cảnh vừa thực vừa ảo:

"Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng
Cá thu biển Đông như đoàn thoi 
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng.
Đến dệt lưới ta, đàn cá ơi !"

   Vẻ đẹp của biển đã làm giảm bớt nỗi nhọc nhằn vất vả, đem lại niềm vui và sức mạnh cho con người đang chinh phục thiên nhiên, làm chủ cuộc đời.

   Cảnh đánh cá trong đêm dược nhà thơ quan sát và miêu tả với một cảm hứng trữ tình mãnh liệt. Tác giả như nhập thân vào thiên nhiên, vào công việc, vào con người:

"Thuyền ta lái gió với buồm trăng 
Lướt giữa mây cao với biển bằng,
Ra đậu dặm xa dò bụng biển,
Dàn đan thế trận lưới vây giăng."

   Những hình ảnh lái gió, buồm trăng, mây cao, biển bằng phảng phất phong vị thơ cổ điển nhưng vẫn tươi mới chất hiện thực. Một chuyến ra khơi đánh cá cũng giống như một trận đánh. Cũng thăm dò tìm cho ra bãi cá; cũng dàn đan thế trận để giăng lưới, bủa lưới sao cho trúng luồng cá bạc, để sáng mai lúc trở về, thuyền nào thuyền nấy đầy ắp cá.

   Đã bao đời, người ngư dân có mối quan hệ chặt chẽ với biển cả. Họ thuộc biển như thuộc lòng bàn tay. Bao loài cá họ thuộc tên, thuộc dáng, thuộc cả thói quen của chúng:

"Cá nhụ cá chim cùng cá đé,
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng 
Cái đuôi em quẫy trăng vầng chóe.
Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long."

   Trên mặt biển đêm, ánh trăng long lanh dát bạc, cá quẫy đuôi, sóng sánh trăng vàng. Bài ca gọi cá vẫn tiếp tục ngân vang, lúc náo nức, lúc thiết tha. Trăng thức cùng ngư dân, trăng cùng sóng dập dờn bên mạn thuyền, như gõ nhịp phụ họa cho tiếng hát. Trăng chiếu sáng cho ngư dân kéo được những mẻ cá đầy. Thiên nhiên, con người thật là hoà hợp.

   Bóng đêm đang tan, ngày đang đến, nhịp độ công việc càng sôi nổi, khẩn trương:

"Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng,
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng.
Vảy bạc đuôi vàng lóe rạng đông,
Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng."

   Bao công lao vất vả đã được đền bù. Dáng người ngư dân đang choãi chân, nghiêng người, dồn tất cả sức mạnh vào đôi cánh tay cuồn cuộn để kéo lên những mẻ lưới nặng trĩu mới đẹp làm sao! Bóng dáng họ in trên nền trời hồng rực của buổi bình minh. Những tia nắng sớm chiếu trên khoang cá đầy làm lấp lánh thêm vảy bạc, đuôi vàng và màu sắc phong phú của bao loài cá cũng khiến cho cảnh rạng đông thêm rực rỡ. Nhịp điệu câu thơ cuối chậm rãi, gợi cảm giác thanh thản, vui tươi, phản ánh tâm trạng thoải mái của ngư dân trước kết quả tốt đẹp của chuyến ra khơi.

   Khố thơ cuối cùng miêu tả cảnh trở về của đoàn thuyền đánh cá:

"Câu hát căng buồm với gió khơi,
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.
Mặt trời đội biển nhô màu mới,
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi."

   Vẫn là tiếng hát khoẻ khoắn của người ngư dân dạn dày sóng nước đang vươn lên làm chủ cuộc đời. Tiếng hát hoà trong gió, thổi căng cánh buồm đưa đoàn thuyền ra khơi đêm trước, nay lại cùng đoàn thuyền đầy ắp cá hân hoan về bến. Hình ảnh Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời rất hiện thực mà cũng rất hào hùng. Nó phản ánh một thói quen lâu đời của ngư dân là đưa cá về bến trước khi trời sáng, đồng thời cũng thế hiện khí thế đi Lên mạnh mẽ của họ trong công cuộc xây dựng đất nước sau giải phóng.

   Hoà cùng niềm vui to lớn của mọi người, nhà thơ chắp cánh cho trí tưởng tượng của mình bay bổng. Đoàn thuyền lao vun vút trên mặt biển. Mặt trời đội biển nhô màu mới một màu hồng rạng rỡ, tinh khôi và ánh mặt trời phản chiếu trong muôn ngàn mắt cá trên thuyền khiến nhà thơ liên tưởng tới hàng ngàn mặt trời nhỏ xíu đang tỏa sáng niềm vui. Đến đây, bức tranh biển cả ngập tràn sắc màu tươi sáng và ăm ắp chất sống trong từng dáng hình, đường nét của cảnh vật, của con người.

   Đoàn thuyền đánh cá là một bài ca lao động hứng khởi, hào hùng. Nhà thơ ca ngợi biển cả mênh mông – nguồn tài nguyên bất tận của Tổ quốc, ca ngợi những con người lao động cần cù, gan góc, ngày đêm làm giàu cho đất nước. Cảm hứng trữ tình của Huy Cận và nghệ thuật điêu luyện của ông đã cuốn hút người đọc thực sự. Chúng ta cùng chia sẻ niềm vui to lớn với nhà thơ, với tất cả. Những người lao động mới đang kiêu hãnh ngẩng cao đầu trên con đường đi tới tương lai tươi sáng. Nửa thế kỉ đã trôi qua, bài thơ vẫn giữ nguyên vẹn giá trị ban đầu của nó. Phần nào, bài thơ giúp chúng ta hiểu được chân dung tinh thần mới của Huy Cận sau bao biến cố lịch sử trọng đại của đất nước và dân tộc – một Huy Cận trữ tình cách mạng.

Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá - mẫu 4

   Viết về đề tài lao động, bài thơ Bài ca vỡ đất của Hoàng Trung Thông và bài Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận,... được người đọc yêu thích nhất. Huy Cận viết Đoàn thuyền đánh cá vào năm 1958, tại vùng biển Quảng Ninh phản ánh không khí lao động sôi nổi của nhân dân miền Bắc trong xây dựng hòa bình. Nhà thơ ca ngợi tinh thần lao động phấn khởi và hăng say của những người dân chài trên vùng biển quê hương.

   Cảm hứng trữ tình được diễn tả theo mạch thời gian: hoàng hôn - đêm trăng – và bình minh. Cảnh bình minh như một biểu tượng mang ý nghĩa: một thời đại huy hoàng đang mở ra phía trước, cuộc sống cần lao của nhân dân ta đang nở hoa.

   Hai khổ thơ đầu nói về cảnh đoàn thuyền ra khơi đánh cá, cảnh biển vô cùng tráng lệ lúc hoàng hôn. Mặt trời được ví von với hòn than đỏ rực "hòn lửa " từ từ lăn xuống biển. Bầu trời và mặt biển bao la như ngôi nhà vũ trụ trong khoảnh khắc phủ bóng tối mịt mùng. Những con sóng, như những chiếc "then cài" của ngôi nhà vĩ đại ấy. Cảm hứng vũ trụ, biện pháp tu từ so sánh ẩn dụ (hòn lửa, cài then) đã tạo nên những vần thơ đẹp, cho người đọc nhiều ấn tượng:

Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then đêm sập cửa.

   Ngày đã chuyển sang đêm. Vừa lúc đó, đoàn thuyền ra khơi:

Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.

   Không phải từng chiếc thuyền lẻ tẻ đi biển mà là cả một "đoàn thuyền", một sức mạnh mới của cuộc đời đổi thay. Chữ "lại" trong ý thơ "lại ra khơi" là sự khẳng định nhịp điệu lao động của dân chài đã ổn định, đi vào nền nếp trong hòa bình. Khúc hát lên đường vang động. Gió biển thổi mạnh. Cánh buồm no gió "căng"lên. Tiếng hát, gió khơi, buồm căng là ba chi tiết nghệ thuật mang tính chất tượng trưng diễn tả tinh thần phấn khởi, hăng say và khí thế ra khơi của ngư dân vùng biển.

   Bốn câu thơ tiếp theo nói rõ về câu hát để làm nổi bật một nét tâm hồn của người dân chài. Tiếng hát cầu mong đi biển gặp nhiều may mắn:

Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng,
Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng
Đến dệt lưới ta đoàn cá ơi!

   Chuyện làm ăn thường có nhiều may rủi. Ra khơi đánh cá, họ cầu mong biển lặng sóng êm, gặp luồng cá, đánh bắt được nhiều. Niềm ước mong ấy phản ánh tấm lòng hồn hậu của ngư dân từng trải qua nhiều nắng, gió, bão tố trên biển. Giọng điệu thơ ngọt ngào, ngắn dài và vang xa: "cá bạc", "đoàn thoi", "dệt biển", "luồng sắng", "dệt lưới"… vẫn những hình ảnh so sánh ẩn dụ rất sáng tạo đem đến cho người đọc bao liên tưởng thú vị về vẻ đẹp thơ ca viết về lao động.

   Bốn khổ thơ tiếp nói về cảnh đánh cá vào một đêm trăng trên vịnh Hạ Long. Mỗi khổ thơ là một nét vẽ về biển trời, sông nước, trăng sao, trong đó con người hiện lên trong dáng vẻ khỏe mạnh, trẻ trung và yêu đời.

   Hạ Long là một thắng cảnh bậc nhất của đất nước ta. Hạ Long trong đêm trăng mang vẻ đẹp thần tiên. Huy Cận, với bút pháp lãng mạn tả cảnh đánh cá trên Hạ Long vào một đêm trăng bằng bao hình ảnh tuyệt vời.

   Đoàn thuyền có gió làm lái, có trăng làm buồm phóng như bay trên mặt biển về ngư trường "dò bụng biển", ngư dân khẩn trương lao vào công việc "dàn đan thế trận lưới vây giăng". Cuộc đánh cá thực sự là một trận đánh. Mỗi thủy thủ là một "chiến sĩ". Con thuyền, mái chèo, lưới, ngư cụ khác đều trở thành vũ khí của họ. Chữ "lưới" đặc tả đoàn thuyền ra khơi với vận tốc phi thường; thiên nhiên cùng góp sức với con người trên con đường lao động và khám phá. Nhịp thơ hối hả lôi cuốn:

Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng
Ra đậu dặm xa dò bụng biển
Dàn đan thế trận lưới vây giăng.

   Những câu thơ tả đàn cá là đặc sắc nhất. Biển quê ta giàu có với nhiều loại cá quý, cá ngon nổi tiếng như: "Chim, thu, nhụ, đé". Vận dụng sáng tạo cách nói của dân gian, ở phần trên, nhà thơ đã viết: "Cá thu biển đông như đoàn thoi", ở đây lại miêu tả: "Cá nhụ, cá chim cùng cá đé". Con cá song là một nét vẽ tài hoa: vẩy cá đen, hồng, lấp lánh trên biển nước chan hòa ánh trăng "vàng chóe". Cái đuôi cá quẫy được so sánh với ngọn đuốc rực cháy. Nghệ thuật phối sắc tài tình làm cho vần thơ đẹp như một bức tranh sơn mài rực rỡ. Bầy cá như những nàng tiên nhảy múa:

Cá nhụ, cá chim cùng cá đé
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe.

   Nhìn bầy cá bơi lượn, nhà thơ lắng nghe tiếng sóng vỗ rì rầm, mắt nhìn về xa. Câu thơ huyền ảo lung linh: "Đêm thở, sao lùa nước Hạ Long", như đưa người đọc đi vào cõi mộng. Phải có một tình yêu biển sâu nặng mới viết nên những vần thơ tuyệt bút như vậy.

   Sung sướng nhìn đàn cá "dệt lưới", những người dân chài cất lên tiếng hát ngọt ngào. Lần thứ hai tiếng hát vang lên trên biển. Tiếng gõ thuyền đuổi cá hòa cùng sóng biển. Vầng trăng soi xuống mặt biển, muôn ngàn ánh vàng tan ra theo làn sóng, vỗ vào mạn thuyền. "Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao". Biển hào phóng cho nhân dân nhiều tôm cá, muối và hải sản... Biển "như lòng mẹ" đã nuôi sống nhân dân ta từ bao đời nay. So sánh biển với lòng mẹ để nói lên lòng tự hào của dân chài đối với biển quê hương. Giọng thơ ấm áp, chứa chan nghĩa tình:

Biển cho ra cá như lòng mẹ,
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.

   Một đêm trôi nhanh trong nhịp điệu lao động hào hứng, hăng say. Trên bầu trời sao đã thưa và mờ. Cảnh kéo lưới được miêu tả đầy ấn tượng. Những cánh tay rắn chắc kéo lưới "xoăn tay". "Kéo xoăn tay" là một hình ảnh đặc tả động tác kéo lưới rất căng, khỏe và đẹp. Cơ man nào khiến cá mắc vào lưới như những chùm trái cây treo lủng lẳng. "Chùm cá nặng" là một hình ảnh ẩn dụ gợi tả được mùa cá. Khoang thuyền đầy ắp cá. Màu bạc của vẩy cá, màu vàng của đuôi cá "lóe rạng đông". Một lần nữa cho thấy nghệ thuật sử dụng màu sắc của nhà thơ rất điêu luyện, sắc cá dưới ánh trăng và sắc cá dưới áng rạng đông đều được miêu tả tuyệt đẹp:

Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng,
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng
Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông.

   Khổ thơ cuối nói về cảnh đoàn thuyền trở về bến lúc rạng đông. Lần thứ ba, ngư dân trên đoàn thuyền lại cất cao tiếng hát - tiếng hát thắng lợi hân hoan. Con thuyền và mặt trời được nhân hóa. Thơ được cấu trúc song hành diễn tả nhịp sống khẩn trương:

Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời,
Mặt trời đội biển nhô màu mới.

   Cảnh rạng đông với hình ảnh "mặt trời đội biển... "nhô lên, tỏa ánh sáng chan hòa, một "màu mới" bao trùm biển khơi. Đoàn thuyền phóng như bay về bến như cướp lấy thời gian, giành lấy thời gian. Biện pháp thậm xưng kết hợp với nghệ thuật hoán dụ trong việc tả "mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi " đã. vẽ lên cảnh được mùa cá và cuộc sống hạnh phúc ấm no của nhân dân vùng biển. Bằng lao động và mồ hôi, họ đã viết nên bài ca cuộc đời.

   Đoàn thuyền đánh cá là bài thơ tiêu biểu của Huy Cận sau Cách mạng tháng Tám. Nếu như trước đây, thơ Huy Cận thấm một nỗi buồn "vạn cổ sầu " vào vũ trụ và lòng người thì những bài thơ của ông từ năm 1945 đến nay, đặc biệt là bài Đoàn thuyền đánh cá mang âm điệu ngọt ngào, niềm vui say mê và phấn chấn của nhân dân lao động đang làm chủ cuộc đời.

   Qua thơ Huy Cận, chúng ta như được sống những đêm trăng đẹp trên Hạ Long, ta tự hào đất nước ta có trên ba nghìn cây số bờ biển; biển ta giàu có, bao la tiềm năng, dồi dào hải sản.

   Cảnh đánh cá trên biển được miêu tả với cảm hứng lãng mạn. Lao động thật sự là niềm vui cuộc đời. Trong xã hội ta, cái đáng quý nhất là lao động, người đáng quý nhất là người lao động. Hình ảnh người dân chài trong bài thơ là hiện thân của sức sống cần lao. Họ cần cù, dũng cảm và chịu khó. Cuộc đời của họ đã gắn liền với sóng gió mưa nắng biển khơi, khai thác nhiều hải sản. Chính họ đã đem lại muối mặn và hương vị biển cho mọi gia đình gần xa, bữa cơm trở nên đậm đà với con tôm, con cá. Cùng với nhà nông "một nắng hai sương", những người dân chài đã cho ta bài học về đức tính cần cù, tinh thần lạc quan trong lao động.

   Thật vậy, Đoàn thuyền đánh cá là một bài thơ hay. Những nét vẽ về đàn cá biển, về người dân chài đánh cá, kéo lưới, ca hát... cho thấy một hồn thơ đẹp.

Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá - mẫu 5

    Không khí xây dựng cuộc sống mới, đã khiến toàn bộ sáng tác của Huy Cận thay da đổi thịt. Ta không còn thấy cái buồn rớt của một trí thức tiểu tư sản trước cách mạng, mà thay vào đó là hồn thơ say đắm, tha thiết yêu cuộc sống mới, con người mới. Những vần thơ ca ngợi là vần thơ chủ yếu trong giai đoạn sáng tác này của ông, trong đó nổi bật hơn cả là bài thơ Đoàn thuyền đánh cá.

    Đoàn thuyền đánh cá được sáng tác trong chuyến đi thực tế dài ngày ở Quảng Ninh của ông. Từ chuyến đi thực tế này, hồn thơ Huy Cận mới thực sự nảy nở trở lại, dồi dào trong cảm hứng về thiên nhiên đất nước, về lao động và niềm vui trước cuộc sống mới. Bài “Đoàn thuyền đánh cá” được sáng tác trong thời gian ấy và in trong tập thơ “Trời mỗi ngày lại sáng” (1958).

    Huy Cận đã lựa chọn thời gian và không gian vô cùng đặc biệt, không phải là bình minh mà là khi hoàng hôn buông xuống, với không gian rộng lớn bao la với mặt trời, biển, trăng, sao, mây, gió:

    Mặt trời xuống biển như hòn lửa

   

    Sóng đã cài then đêm sập cửa

    Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi

    Câu hát căng buồm cùng gió khơi

    Lấy điểm nhìn trên con thuyền đang tiến ra phía biển, tác giả đã có cảm nhận độc đáo về hình ảnh mặt trời: mặt trời được ví như hòn lửa khổng lồ, đang dần dần lặn vào mặt biển. Huy Cận đã nắm bắt được khoảnh khắc chuyển động kì diệu giữa ngày và đêm, đồng thời cũng cho người đọc thấy vũ trụ như một ngôi nhà khổ lồ, là nơi để mặt trời nghỉ ngơi sau một làm việc. Khi màn đêm vừa mở ra khép lại không gian của một ngày. Giữa lúc vũ trụ, đất trời như chuyển sang trạng thái nghỉ ngơi thì con người ngược lại – bắt đầu hoạt động bằng những đoàn thuyền ra khơi đánh cá. Đoàn thuyền ra khơi với khí thế phơi phới, mạnh mẽ và niềm vui, sức mạnh của người lao động trên biển, làm chủ cuộc đời đang chinh phục biển khơi.

    Khổ thơ thứ hai là bài ca lao động tươi vui, rộn ràng: Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng,/ Cá thu biển Đông như đoàn thoi/ Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng./ Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!” . Đây là khúc ca say sưa và ngập tràn hạnh phúc về sự phong phú, giàu có của biển cả. Cá như đoàn thoi, dệt lên những chiếc lưới đánh cá khổi lồ. Tiếng hát ngân nga, say sưa, vừa để gọi cá vào, vừa để chứng minh niềm vui, hạnh phúc khi được lao động. Đồng thời Huy Cận cũng rất tinh tế khi dùng từ “ta” thay cho từ “tôi”, không còn dấu vết cái “tôi” nhỏ bé, cô độc trước thiên nhiên trước kia, Huy Cận đã hòa mình vào cuộc sống, hòa vào những con người lao động. Cảnh ra khơi thật huy hoàng, đầy khí thế hứa hẹn.

    Con thuyền lướt đi trong niềm vui lao động, giữa biển cả bao la mà con người không hề bị nhấn chìm nhỏ bé:

    Thuyền ta lái gió với buồm trăng

    Lướt giữa mây cao với biển bằng,

    Hình ảnh con thuyền vô cùng đặc biệt, gió là người cầm lái, trăng là cánh buồm no gió đang phăng phăng lướt trên mặt biển. Công việc đánh cá được nâng lên một tầm mới, nó như một trận đánh hào hùng mà trong đó con người đang chiến đấu, chinh phục biển cả bao la. Giữa con người và thiên nhiên, hòa nhập với nhau thật kì diệu, tầm vóc con người đã sánh ngang tầm vóc vũ trụ. Không còn cái cảm giác nhỏ bé khi con người đối diện với trời rộng sông dài như trong thơ Huy Cận trước cách mạng. Hình ảnh thơ thật lãng mạn, bay bổng và tâm hồn con người cũng thật vui vẻ, phơi phới. Công việc lao động nặng nhọc của người đánh cá đã trở thành bài ca đầy niềm vui, nhịp nhàng cùng thiên nhiên.

    Biển ca bao la, với sự trù phú vô bờ, với việc vận dụng biện pháp điệp ngữ, cùng trường liên tưởng thú vị, Huy Cận đã làm nổi bật vẻ đẹp nên thơ của biển cả về đêm: Cá nhụ cá chim cùng cá đé/ Cá song lấp lánh đuốc đen hồng/ Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe/ Đêm thở sao lùa nước Hạ Long. Tác giả liệt kê sự giàu có của biển cả bằng cách kể tên các loài cá và tập trung miêu tả màu sắc chủ chúng trong đêm trăng. Đó đều là những loài cá quý ở vùng biển nước ta, mang lại những giá trị kinh tế lớn. Hình ảnh ẩn dụ độc đáo: “Cá song lấp lánh đuốc đen hồng” gợi liên tưởng đến con cá dưới ánh trăng, cùng những chiếc vẩy trở nên lung linh, huyền ảo hơn. Nhưng đẹp nhất là hình ảnh “cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe”: Ánh trăng in xuống mặt nước, những con cá quẫy đuôi như quấy ánh trăng tan ra, hòa trộn vào làn nước. Bằng những sáng tạo nghệ thuật đặc sắc, thơ Huy Cận khiến cho cảnh thiên nhiên thêm sinh động. Tất cả hòa vào nhau, làm nên một bức tranh hòa nhịp kì diệu giữa thiên nhiên và con người lao động.

    Không chỉ ca ngợi sự giàu có của biển cả, mà những người dân chài lưới còn thể hiện lòng biết ơn với mẹ biển bao la:

    Biển cho ta cá như lòng mẹ

    Nuôi lớn đời ta tự buổi nào

    Câu thơ là lời cảm tạ, là lời biết ơn chân thành sâu sắc với biển cả quê hương. Đồng thời còn gợi lên sự giao hòa, thân thiết, ưu ái con người với biển quê hương rất ân tình, thể hiện sự biết ơn, trân trọng của con người với biển cả hùng vĩ. Biển được ví như người mẹ với người dân chài, thể hiện tình yêu, lòng biết ơn, trận trọng và gắn bó như ruột thịt.

    Không khí lao động càng trở nên khẩn trương hơn, khi ánh bình minh đã gần ló rạng. Hình ảnh con người nổi bật trên nền trời đang sáng dần, ửng hồng: Những đôi tay kéo lưới thoăn thoắt gợi lên sự khỏe khoắn, rắn rỏi, bắp tay cuồn cuộn của người dân chài khi kéo về mẻ lưới đầy cá nặng. Khổ thơ cuối cùng là bài ca vui vẻ và hào sảng nhất về thành quả lao động của những người dân chài lưới: Câu hát căng buồm cùng gió khơi/ Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời/ Mặt trời đội biển nhô màu mới/ Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi. Khúc ngân nga, nhấn mạnh niềm vui lao động làm giàu quê hương của những con người kiên cường, mạnh mẽ, tràn đầy sinh lực. Đoàn thuyền được đặt sánh ngang với hình ảnh mặt trời, cho thấy sức mạnh, sự kì vĩ của con người, họ tiến lên làm chủ thiên nhiên. Hai câu kết, mang đến hình ảnh thật đẹp, đó là một cảnh tượng huy hoàng giữa bầu trời và mặt biển, giữa thiên nhiên và thành quả lao động của con người.

    “Đoàn thuyền đánh cá” là khúc ca ca ngợi cuộc sống mới, con người mới, ngập tràn niềm vui phơi phới. Đồng thời cũng là bài ca ca ngợi vẻ đẹp kì vĩ lộng lẫy của thiên nhiên. Cùng với đó là sự kết hợp các hình ảnh thơ kì vĩ, giàu tính biểu tượng, ngôn ngữ, âm điệu vui tươi khỏe khoắn, phơi phới bay bổng đã tạo nên sức hấp dẫn cho tác phẩm.

Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá - mẫu 6

    Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của nhà thơ Huy Cận được sáng tác ngày 4-10-1958 trong chuyến đi thực tế tại Hòn Gai tỉnh Quảng Ninh, in trong tập thơ Trời mỗi ngày lại sáng, xuất bản năm 1958. Đó là những năm đất nước đã được hồi sinh sau chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Theo nhà thơ nhớ lại, "không khí lúc này thật vui, cuộc đời phấn khởi, nhà thơ cũng rất phấn khởi. Cả vùng biển, vùng than đang lao động hang say từ bình minh cho đến hoàng hôn và cả từ hoàng hôn cho đến bình minh". Nhà thơ muốn sáng tạo "một khúc tráng ca, ca ngợi con người lao động với tinh thần làm chủ, với niềm vui". Đó là đặc điểm quy định nội dung và phong cách nghệ thuật bài thơ.

    Thông thường người ta lao động ban ngày, ở đây Huy Cận chọn một thời điểm lao động đặc biệt. Chính khi mặt trời lặn xuống, màn đêm phủ trùm vùng biển thì một "ngày" lao động mới của người đánh cá mới bắt đầu. Như vậy tạo được ấn tượng về một cuộc sống khẩn trương rộn rịp ngày đêm, không lúc nào ngừng:

   Mặt trời xuống biển như hòn lửa

   Sóng đã cài then, đêm sập cửa

   Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi

   Câu hát căng buồm cùng gió khơi

    Hai câu đầu vẽ lên cảnh hoàng hôn và đêm tối trên biển thật lộng lẫy sinh động. Mặt trời xuống biển như hòn lửa vĩ đại, báo hiệu ngày tàn. Dĩ nhiên vịnh Hạ Long ở phía đông đất nước và nếu đứng từ bờ nhìn xa chỉ thấy mặt trời mọc chứ không thấy mặt trời lặn xuống biển được. Nhà thơ có thể đang đứng phía Hòn Gai hoặc xa hơn nhìn vào phía tây mới thấy được cảnh mặt trời lặn trên biển như vậy.

    Đối với Huy Cận, vũ trụ như một mái nhà, màn đêm sập xuống như cánh cửa cồn những làn sóng chạy qua như chiếc then cài vào màn đêm. Tất cả báo hiệu trời đã tối hoàn toàn.

    Chính lúc đó "Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi". Chữ "lại" cho biết đây là hoạt động thường nhật, lặp đi lặp lại mỗi ngày, chứ không phải là đột xuất cá biệt. Nhưng mặt khác, chữ "lại" còn biểu thị ý nghĩa ngược lại, ngược chiều so với hoạt động có trước, như thể nói: "trời biển đã nghỉ ngơi mà con người lại ra khơi. Ý này biểu thị mạnh mẽ tinh thần chủ động, sáng tạo của con người. Câu thơ cuối "câu hát căng buồm cùng gió khơi" gợi lên cảnh tượng càng hùng vĩ. Buồm ra khơi xa không chỉ nhờ no căng gió biển, mà tiếng hát của người lao động cũng có sức mạnh làm căng buồm. Đoàn thuyền ra đi bởi buồm gió và buồm vui, một hình ảnh chan hòa giữa con người và vũ trụ. Tính chất hành khúc của bài thơ đã biểu hiện rất rõ trong hình ảnh và câu chữ, nhịp điệu. Bài thơ là lời ca của chính người lao động ngợi ca niềm say sưa, hứng khởi lao động của mình.

    Khổ thứ hai trực tiếp thể hiện ca khúc say mê của người đánh cá:

   Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng

   Cá thu biển Đông như đoàn thoi

   Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng

   Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!

    Một khúc ca gọi cá vào lưới vui vẻ, rộn ràng. Cá bạc là loài vá cỡ nhỏ, thân bầu dục dài, dẹt hai bên, màu trắng đục, còn gọi là cá mắm mỡ, thuộc họ cá Ngãng, sống ở gần bờ tại độ sâu 30 -60m nước. Có lẽ vì vậy mà nhà thơ nhắc đến trước tiên, và là loài cá làm mặt biển lặng chăng? Khác với cá bạc là loài cá chim, cá thu là loài cá nổi điển hình của đại dương. Hàng năm chúng di cư vào gần bờ hàng đàn lớn để đẻ và vỗ béo. Chúng đi rào rào sát mặt nước như đoàn thoi, làm sóng biển chứa lân tinh nổi lên muôn luồng sáng. Lời mời gọi cuối khổ thơ mới thân thiết làm sao! Đoạn thơ cuối cho thấy nhà thơ miêu tả cực kỳ chính xác, nhưng không hề tẻ nhạt, lời thơ vẫn bay bổng trong tưởng tượng.

    Khổ thứ ba vẫn tiếp tục khúc ca vui, tự hào của người chủ đất nước:

   Thuyền ta lái gió với buồm trăng

   Lướt giữa mây cao với biển bằng

   Ta đậu dặm khơi dò bụng biển

   Dàn đan thế trận lưới vây giăng.

    Bây giờ hình như mặt trăng đã lên, làm cho cánh buồm hòa vào ánh trăng mà trở nên to rộng với tầm cỡ vũ trụ. Gió trăng, hình ảnh ước lệ trong thơ cổ chỉ sự thanh nhàn, ở đây đã mang một ý nghĩa hoàn toàn mới, mạnh mẽ. Thuyền lướt giữa mây cao với biển bằng cũng gợi ra một không gian bao la, phóng khoáng còn con người thì dò bụng biển, dàn trận bủa lưới như những chủ nhân đầy sức mạnh và quyền uy.

    Khổ thứ tư ngợi ca sự phong phú của biển. Biết bao nhiêu loài cá làm giàu cho quê hương. Phương thức liệt kê thích hợp với việc kể lể, nhưng nhà thơ không lạm dụng:

   Cá nhụ, cá chim cùng cá đé

   Cá song lấp lánh đuốc đen hồng

   Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe

   Đêm thơ: sao lùa nước Hạ Long

    Cá nhụ, còn gọi là cá lu, cá lận, là thứ cá thân thon dài, dẹt bên, mình dày, dài khoảng 25 – 50 phân, thịt ngon lành. Cá chim là loài cá thân det, rộng bản, thịt ngon, được xếp hàng đầu trong dãy chim, thu, nhụ,đé. Cá đé thân thon dài, chiều dài gấp 3,4 lần chiều cao thân. Đêm xuống, chúng thường nổi lên mặt nước hàng đàn cho đến rạng đông. Cá song thuộc họ cá với nhiều chủng loại, có tên gọi khác là cá mú, có loại bé chỉ dài 20 phân, lại có loại lớn nặng hàng trăm kilogram. Màu cá song thường rực rõ. Trên nền da sẫm có nhiều đốm, vằn đỏ hồng như lửa. Nhà thơ thật tài tình khi nói "cá song lấp lánh đuốc đen hông", một ẩn dụ chân thật đầy sức sống, tạo một hình ảnh hư ảo mà sau này nhà thơ Chế Lan Viên viết: "con cá song cầm đuốc dẫn thơ về". Hai câu cuối là một hình ảnh hùng vĩ và lộng lẫy của biển đêm: Những chiếc đuôi cá vẫy nước làm ánh trăng lấp lánh, "vàng chóe", một thứ ánh sáng chói mắt. Và cùng với biển, thủy triều tạo thành hơi thở của đêm, đốm sao trên mặt nước cũng nâng lên hạ xuống một cách hùng vĩ.

    Khổ thứ năm là lời ca ngợi biển của quê hương.

   Ta hát bài ca gọi cá vào

   Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao

   Biển cho ta cá như lòng mẹ

   Nuôi lớn đời ta tự thuở nào.

    Nhà thơ tiếp tục bài ca gọi cá bắt đầu từ khổ thứ hai. Câu "Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao" là một hình ảnh tinh vi. Trước đây, ở bài trăng, trong tập Thơ thơ, Xuân Diệu có nói tới "nhịp trăng" đang đàn những ánh tơ xanh do gió thổi làm lay động lá cành. Ở đây, nhịp hát và nhịp gõ thuyền đuổi cá đã làm ánh trăng rung động, có cảm tưởng như trăng ở trên cao giữ nhịp cho tiếng gõ của đoàn thuyền. Đây thực sự là bài ca lao động say sưa, hùng vĩ, thơ mộng, đầy lòng biết ơn. Biển rộng mênh mông vô tận, cho cá vô tư như lòng mẹ - một ví von thật mới mẻ và sâu sắc. Hình ảnh "Biển cho ta cá như lòng mẹ, Nuôi lớn đời ta tự thuở nào" đã đem lại một khúc ân tình hòa chung trong bài ca tráng ca.

    Khổ thứ sáu miêu tả hoạt động bắt cá để kết thúc một đêm lao động:

   Sao mờ kéo lưới kịp trời sáng

   Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng

   Vây bạc đuôi vàng lóe rạng đông

   Lưới xếp, buồm lên đón nắng hồng

    Đêm tàn, trời sắp sáng, sao trở nên mờ. Câu thơ thứ hai gợi lên một vẻ đẹp lao động đầy chất tạo hình, cơ bắp cuồn cuộn, dưới các bắp tay là mẻ lưới trĩu nặng cá bạc, cá vàng. "Vây bạc đuôi vàng lóe rạng đông. Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng" tạo nên một sự nhịp nhàng giữa lao động của con người với sự vận hành của vũ trụ. Chữ "lóe" rất hay, vừa gợi ánh bình minh đến, vừa gợi sự nhảy nhót của đàn cá trong mẻ lưới. Các màu sắc bạc, vàng tạo ánh hồng, tạo cho bức tranh gam màu lộng lẫy, rực rỡ.

    Khổ thơ cuối cùng khép lại bài thơ:

   Câu hát căng buồm với gió khơi

   Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời

   Mặt trời đội biển nhô màu mới

   Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi

    Câu thứ nhất lặp lại câu cuối khổ một, tạo cảm giác tuần hoàn: câu hát căng buồm đưa thuyền đi, nay vẫn câu hát ấy căng buồm đưa thuyền về. Nhưng bây giờ thuyền về với một tư thế mới: đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời. Và trong cuộc chạy đua này, con người đã về đích trước. Khi mặt trời vừa đội biển đem màu đỏ sáng cho đất trời, thì thuyền đã về bến từ lâu, cá đã dỡ xuống phơi dài muôn dặm. Ánh nắng ban mai chỉ làm cho thành quả lao động thêm rực rỡ huy hoàng. Lại thêm một sự hòa hợp nhịp nhàng giữa con người và vũ trụ. Câu chữ khổ thơ thực tinh vi: câu "Mặt trời đổi biển nhô màu mới" miêu tả chính xác chuyển động của mặt trời, một chuyển động từ từ, từ ánh sáng nhô lên, rồi mặt trời ló xuống. Mặt trời nhô lên kết thúc một đêm, hô ứng với cảnh mặt trời xuống biển như hòn lửa ở đầu bài thơ.

    Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận đúng là một tráng ca đẹp của người lao động ngợi ca lao động của chính mình, ngợi ca biển quê hương giàu đẹp, ngợi ca người chủ nhân chính của Tổ quốc. Bài ca đã khắc họa sự nhịp nhàng của con người với vận hành của thời khắc, với trăng gió, biển, mặt trời. Trong cảnh biển trời bao la, con người trở nên hùng vĩ, lãng mạn. Nhà thơ chứng tỏ một sự hiểu biết vùng biển chính xác, một đôi mắt quan sát tinh vi và một sức tưởng tượng bay bổng.

Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá - mẫu 7

    Huy Cận là một trong những tên tuổi nổi tiếng của phong trào Thơ Mới, trước cách mạng ông được mệnh danh là nhà thơ cả vạn lí sầu. Sau cách mạng, với sự giác ngộ lí tưởng của Đảng, Huy Cận đã tìm thấy ánh sáng cho mình, bởi vậy, những vần thờ thời kì sau tràn ngập niềm tin vào con người mới, cuộc sống mới. Đoàn thuyền đánh cá là tác phẩm tiểu biểu cho hồn thơ tài hoa, cho những biến chuyến sau cách mạng của ông.

    Đoàn thuyền đánh cá được sáng tác năm 1958 trong một chuyến đi thực tế dài ngày ở vùng biển Quảng Ninh. Tác phẩm được in trong tập Trời mỗi ngày lại sáng. Bài thơ vẽ lên không khí lao động nhộn nhịp khẩn trương của những ngư dân.

    Mở đầu tác phẩm là khung cảnh vô cùng huy hoàng, tráng lệ: Mặt trời xuống biển như hòn lửa/ Sóng đã cài then đêm sập cửa. Hình ảnh so sánh vừa độc đáo lại vừa gần gũi, mặt trời được ví như một hòn lửa khổng lồ, đang dần dần trở về ngôi nhà của mình sau một ngày lao động vất vả. Hình ảnh sóng cài then, đêm sập cửa khiến chúng ta liên tưởng thiên nhiên như một ngôi nhà vĩ đại, khi màn đêm buông xuống từ từ khép cửa, còn những con sóng là chiếc then cài cánh cửa ấy lại. Không gian vũ trụ bao la, rộng lớn mà vẫn vô cùng gần gũi, ấm áp với con người.

    Khi thiên nhiên đi vào giấc ngủ cũng chính là lúc con người hăng say lao động, họ bắt đầu một chuyến đi mới, một chuyến chinh phục biển khơi đang chờ đợi họ phía trước: Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi/ Câu hát căng buồm cùng gió khơi. Đoàn thuyền lại ra khơi cho thấy nhịp điệu lao động đều đặn, tuần hoàn của những con người nơi đây. Sau bao nhiêu năm kháng chiến vất vả, con người đã được sống cuộc sống bình yên, hăng say làm việc. Họ lên đường trong không khí hào hứng, khẩn trương, câu hát vang lên rộn rã. Hình ảnh câu hát căng buồm cùng gió khơi đã tái hiện vẻ đẹp tâm hồn, niềm vui lao động phơi phới của những người dân chài lưới. Đó là câu hát về vẻ đẹp trù phú của biển cả: cá bạc, cá thu kết hợp với biện pháp so sánh như đoàn thoi tạo thành một tấm lưới cá khổng lồ, qua đó ca ngợi sự giàu có của biển cả. Những câu hát đó cho thấy niềm vui, niềm lạc quan của những người dân về một vụ mùa bội thu, những khoang thuyền đầy cá. Hai khổ thơ đầu đã phác họa bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ và đầy mơ mộng. Cho thấy tâm hồn tự do, phóng khoáng và yêu lao động của họ.

    Bốn khổ thơ tiếp theo, hình ảnh đoàn thuyền trên biển cả mênh mông được tái hiện chân thực, sinh động. Không gian vũ trụ bao la được mở ra ở nhiều chiều kích khác nhau, đó là chiều cao của bầu trời, của mặt trăng lung linh, tỏa rạng; chiều rộng của mặt biển bao la, bát ngát và chiều sâu của đáy biển với kho tài nguyên phong phú, giàu có. Hệ thống động từ lái, lướt cho thấy tư thế làm chủ của đoàn thuyền trước thiên nhiên rộng lớn, kết hợp với đó là tư thế chủ động: Ra đậu dặm xa dò bụng biển/ Dàn đan thế trận lưới vây giăng, cho chúng ta thấy tầm vóc lớn lao, vĩ đại sánh ngang tầm vũ trụ của những người dân chài lưới.

    Với cảm hứng lãng mạn, Huy Cận đã phát hiện ra vẻ đẹp trù phú, giàu có của biển khi đêm về. Sử dụng biện pháp liệt kê kết hợp với nghệ thuật ẩn dụ, nhân hóa, hàng loạt các loài cá như đang vẫy vùng trước mắt người đọc: cá nhụ, cá chim, cá đé, cá song,… Hình ảnh những đoàn cá đẹp, lỗng lẫy, với những sắc màu rực rỡ: lấp lánh, đen hồng, vàng chóe. Dường như tác giả đã vẽ một bức tranh sơn mài tuyệt mĩ về vẻ đẹp của biển khơi. Biển về đêm không tĩnh lặng mà tràn ngập sức sống, tràn ngập sắc màu. Ở đây ông còn đặc biệt gọi những con cá bằng ngôn từ hết sức thân thương, gần gũi em, cho thấy cá không còn là đối tượng để đánh bắt mà là đối tượng để con người chinh phục. Biển khơi bao la cũng như một sinh thể sống, ánh trăng, sao lồng vào sóng nước nên khi cá quẫy ta có cảm giác không phải mặt nước đang chuyển động mà là màn đêm đang thở. Con người vui tươi, hăng say, cất lên bài ca thể hiện niềm hạnh phúc ngập tràn. Bài ca ấy là lời biết ơn sâu sắc đến người mẹ biển cả nuôi lớn họ: Biển cho ta cá như lòng mẹ/ Nuôi lớn đời ta tự buổi nào. Biển bao la mà gần gũi, ấm áp như lòng mẹ. Đằng sau những câu thơ ngập tràn khí thế là niềm vui, niềm hạnh phúc và lòng biết ơn vô hạn của tác giả với bà mẹ thiên nhiên.

    Đáp lại tấm lòng của bà mẹ biển cả, những đứa con càng hăng say lao động hơn: Sao mờ kéo lưới kịp trời sáng/ Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng. Thành quả họ đạt được thật xứng đáng với những gì họ bỏ ra, mẻ cá phải kéo xoăn tay gợi lên sự bội thu. Kết thúc một đêm đánh cá thành công, đoàn thuyền trở về trong câu hát, trong cánh buồm no gió và khoang thuyền đầy cá. Bình minh rạng rỡ chào đón họ trở về. Hình ảnh mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi vừa có thể hiểu là ánh sáng bình minh, vừa có thể hiểu là muôn ngàn ánh mắt cá lấp lánh ánh mặt trời. Đoạn thơ cuối mang âm hưởng của bản anh hùng ca lao động, thể hiện niềm vui phơi phới của những con người làm chủ thiên nhiên đất trời.

    Với ngòi bút tràn đầy cảm hứng vũ trụ, vận dụng những hình ảnh thơ phong phú. Giọng điệu vui vẻ, hào sảng thể hiện niềm vui, niềm hăng say lao động. Sử dụng linh hoạt biện pháp so sánh, nhân hóa, liệt kê,… khiến cho bức tranh biển khơi trở nên giàu có và đẹp đẽ hơn bao giờ hết.

    Đoàn thuyền đánh cá đã tái hiện thành công vẻ đẹp trù phú của biển cả quê hương và cuộc sống lao động đầy hăng say của nhân dân trong thời kì mới. Qua đó tác giả khẳng định sự hồi sinh của thiên nhiên, đất nước và con người sau chiến tranh, họ đứng lên xây dựng cuộc sống mới, ấm no, hạnh phúc.

Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá - mẫu 8

   Huy Cận là một trong các nhà thơ nổi tiếng trong phong trào thơ Mới với tập thơ “Lửa thiêng” (1940). Và sau năm 1945, Huy Cận cũng là một nhà thơ tiêu biểu cho nền văn học kháng chiến. Nếu trước cách cách mạng tháng 8, Huy Cận mang một hồn thơ của "cái tôi" ảo não sầu bi – “một mạch sầu ngàn năm ngấm ngầm trong cõi đất này” (Hoài Thanh) thì sau cách mạng tháng 8, Huy Cận hướng ngòi bút đến sự hòa hợp riêng - chung, biểu hiện niềm vui và sự hòa nhập với cuộc đời mới. Bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá" rất tiêu biểu cho cảm hứng vũ trụ của Huy Cận, đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp cầm bút của ông. Tác phẩm được in trong tập thơ “Trời mỗi ngày lại sáng” (1958). Qua bài thơ, chúng ta thấy được vẻ đẹp tráng lệ, hài hòa giữa thiên nhiên và con người lao động của ngư dân miền biển khi đứng trước cuộc sống mới, sau hòa bình lập lại.

   Bài thơ được sáng tác vào năm 1958, trong hoàn cảnh miền Bắc nước ta được giải phóng và đang từng bước xây dựng Chủ nghĩa xã hội, xây dựng cuộc sống mới trong không khí hào hứng, phấn khởi. Giữa năm 1958, trong chuyến đi thực tế dài ngày ở vùng mỏ Quảng Ninh, Huy Cận tận mắt chứng kiến sự hồi sinh của đất nước, của nhân dân, của con người lao động đang ra sức dựng xây làm đẹp cho quê hương xứ sở. Từ đó mà Huy Cận có cảm hứng viết nên bài thơ.

   Thi phẩm là một sự sáng tạo nghệ thuật độc đáo của nhà thơ trong việc xây dựng hình ảnh bằng sự liên tưởng, tưởng tượng phong phú, hấp dẫn. Âm hưởng chung của toàn bài: khỏe khoắn, tươi vui, hào hùng, lạc quan mạnh mẽ.

   Trước hết là Cảnh đoàn thuyền ra khơi và tâm trạng náo nức của con người lao động ở hai khổ thơ đầu. Đó là một bức tranh thiên nhiên vào lúc hoàng hôn buông xuống thật huy hoàng, tráng lệ:

   Mặt trời xuống biển như hòn lửa

   Sóng đã cài then đêm sập cửa

   Hình ảnh “mặt trời” đã được nhân hóa (xuống biển) và so sánh (như hòn lửa) trở nên sống động, huy hoàng. Đó là tín hiệu của sự vận động, chảy trôi của thời gian, báo hiệu thời khắc của ngày tàn đêm đến. “Sóng” và “đêm” cũng được nhân hóa với hành động “cài then” , “sập cửa”. Vũ trụ được hình dung như một ngôi nhà lớn đang vào đêm với động tác như con người: tắt lửa, cài then, sập cửa. Màn đêm như là tấm cửa khổng lồ đã sập xuống, còn những con sóng lượn là cái then cài. Thiên nhiên như dọn dẹp để nghỉ ngơi sau một chu trình hoạt động.

   Giữa lúc thiên nhiên chuyển sang trạng thái nghỉ ngơi thì đó lại là thời gian con người bắt đầu cuộc sống lao động:

   Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi

   Câu hát căng buồm cùng gió khơi.

   Từng đoàn, từng đoàn thuyền lần lượt nhổ neo đẩy thuyền ra khơi. Phụ từ “lại” như vừa diễn tả sự đối lập giữa hoạt động của vũ trụ với hoạt động của đoàn thuyền; đồng thời cũng gợi lên tư thế chủ động, hết sức khẩn trương, mau lẹ, tích cực trong công việc mà hằng ngày cứ diễn ra lặp đi lặp lại của người dân chài lưới: "lại ra khơi". Tuy nhiên, khí thế ra khơi của họ vẫn hăm hở, náo nức, rộn rã tiếng nói, tiếng hát vui cười. “Câu hát căng buồm” là một hình ảnh ẩn dụ cho tâm hồn lạc quan, niềm vui và sức mạnh của con người lao động. Và con người lao động như hiện lên làm chủ tự nhiên, làm chủ biển cả. Chính tiếng hát đã hòa cùng với gió trời thổi phồng cánh buồm, đẩy con thuyền tiến ra ra khơi xa. Tâm tư của người đánh cá gửi gắm trong tiếng hát: phấn khởi, say mê với công việc và niềm hi vọng tin tưởng sẽ bắt được nhiều cá tôm, đem về làm giàu cho tổ quốc.

   Hát rằng cá bạc biển Đông lặng

   Cá thu biển Đông như đoàn thoi

   Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng

   Đến dệt lưới ta đoàn cá ơi!

   Với hình thức liệt kê hình ảnh các loài cá: cá bạc, cá thu, Huy Cận đã cho người đọc thấy sự giàu có của biển Đông. Biển Đông có rất nhiều cá và đang chờ mọi người tới khai thác. Cá được nhà thơ so sánh “như đoàn thoi”. Đoàn thoi hoạt động rất nhanh và nhiều trên bến phà. Và cá ở biển Đông cũng nhiều và bơi rất nhanh như thoi đưa vậy. Câu thơ cất cao lên tiếng hát, tràn ngập niềm say mê, phấn khởi trước sự ưu ái của thiên nhiên ban tặng cho người dân vùng chài. Vì thế, hai câu thơ cuối, Huy Cận như nhập thân vào người lao động, thể hiện niềm mong mỏi của người ngư dân có thể bắt được nhiều cá tôm. Họ hi vọng, những đàn cá "đêm ngày dệt biển" ấy sẽ vào “dệt lưới” của đoàn thuyền. Vần "ơi" kết hợp với dấu chấm cảm ở câu thơ cuối khiến cho hình ảnh của những đàn cá hiện lên thật sinh động, thật gần gũi, thân thiết với con người.

   Với khả năng quát sát miêu tả tinh tế, hòa cùng với cảm hứng vũ trụ thật mãnh liệt, Huy Cận đã tái hiện vẻ đẹp cận cảnh đoàn thuyền ra khơi hùng tráng, thơ mộng trong đêm trăng:

   Thuyền ta lái gió với buồm trăng

   Lướt giữa mây cao với biển bằng

   Ra đậu dặm xa dò bụng biển

   Dàn đan thế trận lưới vây giăng

   Dưới sự hình dung và tưởng tượng bay bổng, hình ảnh con thuyền đánh cá hiện lên thật đẹp, thật độc đáo, mang tầm vóc vũ trụ: người lái thì là gió trời; cánh buồm thì là vầng trăng và con thuyền đang bay giữa không trung (lướt giữa mây cao), như có thể chạm vào mây trời. Nó khác hẳn với con thuyền cô đơn, nhỏ bé, lạc lõng giữa không cùng trời đất mênh mang trong bài thơ "Tràng Giang" trước cách mạng:

   Sóng gợn Tràng giang buồn điệp điệp

   Con thuyền xuôi mái nước song song

   Thuyền về nước lại sầu trăm ngả

   Củi một cành khô lạc mấy dòng.

   Còn ở đây, con thuyền không hề nhỏ bé, đơn độc mà lại rất lớn lao, làm chủ cả biển trời bao la, rộng lớn. Bức tranh không gian của biển cả được mở rộng ra ba chiều: chiều cao của mây, chiều sâu của bụng biển, chiều rộng của biển khơi có tác dụng tôn thêm tầm vóc lớn lao của con thuyền và con người lao động. Các động từ được sử dụng dày đặc: “lái – lướt- đậu – dò – dàn đan – vây giăng” có tác dụng diễn tả hành động đánh cá rất nhanh, rất khẩn trương của những đoàn thuyền đánh cá trên biển. Hình ảnh: “dàn đan thế trận” là một hình ảnh ẩn dụ cho hành động đánh cá của ngư dân. Đánh cá nhưng cũng cần phải bày binh bố trận, có chiến thuật, chiến lược thì mới có thể bắt được nhiều tôm cá. Chính vì thế, họ đã đưa con thuyền tiến ra tận khơi xa, dò bụng biển để tìm được nguồn cá lớn. Và nhưng con thuyền hiện lên như là những con tuấn mã, băng băng lướt qua sóng đèo, chinh phục tự nhiên. Và ngư dân thì làm việc với tinh thần dũng cảm, hăng say và trí tuệ nghề nghiệp với một tâm hồn phơi phới của người làm chủ thiên nhiên, vũ trụ.

   Sau khi đã đưa chiếc thuyền tiến ra xa, quăng lưới bủa vây thì tất cả cảnh đẹp giàu có của biển cả thu lại vào tầm mắt của người ngư dân đánh cá:

   Cá nhụ cá chim cùng cá đé

   Cá song lấp lánh đuốc đen hồng

   Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe

   Đêm thở sao lùa: nước Hạ Long.

   Biển đẹp và giàu có đã tô điểm cho sức sống của biển cả và làm cho bức tranh lao động thêm rực rỡ, tươi vui. Nghệ thuật liệt kê các loài cá: cá nhụ, cá chim, cá đé, cá song có tác dụng thể hiện sự giàu có của biển cả. Biển cả rất phong phú thủy hải sản, toàn loài cá hiếm, cá ngon ( chim, thu, nhụ, đé là tứ quí của biển Đông) đang đợi con người tới đánh bắt. Biển không chỉ giàu mà còn rất đẹp, rất thơ mộng. Điều đó được tạo nên bởi sự phối hợp màu sắc của thiên nhiên với sắc màu của các loài cá trên biển: lấp lánh, đen hồng, vàng chóe. Những con cá song hiện lên như những ngọn đuốc đen hồng đang bơi trong luồng nước dưới ánh trăng đêm. Những đàn cá tung tăng, bơi lội quẫy đuôi làm cho ánh trăng in xuống mặt nước như bị tan ra thành biển trăng “vàng chóe”. Không gian biển cả chao nghiêng vừa như thực, vừa như hư, đậm chất lãng mạn bay bổng. Câu thơ cuối qua phép nhân hóa, khiến cho thấy vũ trụ hiện lên như một người khổng lồ, biển cả như một cái lồng ngực đang phập phồng những hơi thở đều đặn. Những ánh sao đêm in xuống mặt nước, thủy chiều xô bóng sao dưới mặt nước mà tạo thành sao lùa nước Hạ Long. Và trong hình dung của nhà thơ, ấy chính là tiểng thở của đêm, của biển cả.

   Tiếp tục đến khổ năm, cảnh gõ thuyền xua cá vào lưới:

   Ta hát bài ca gọi cá vào

   Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao

   Biển cho ta cá như lòng mẹ

   Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.

   Nhà thơ cảm nhận thấy tiếng hát của người ngư dân làng chài như đang hòa cũng với âm thanh của biển cả tự nhiên. Dưới màn đêm, ánh trăng sáng soi trên bầu trời in hình xuống mặt nước và trở thành biển trăng, sóng xô bóng trăng như gõ vào mạn thuyền tạo thành nhịp trăng để xua cá vào lưới. Vì thế tiếng hát của con người hòa cũng với thiên nhiên vũ trụ, tạo cảm giác cho người đọc thấy rằng, công việc đánh bắt cá tưởng chừng vô cùng là nặng nhọc, vất vả nhưng chính âm thanh tiếng hát đã biến cái khó khăn, vất vả ấy trở thành bài ca lao động đầy mạnh mẽ, hăng say, vui sướng một cách lạ lùng. Đặc biệt trong cảm nhận của nhà thơ, biển được ví như người mẹ của thiên nhiên: “Biển cho ta cá như lòng mẹ/ Nuôi lớn đời ta tự buổi nào”. Nghệ thuật so sánh và nhân hóa vừa cho thấy được tình cảm bao la, vĩ đại, cao cả của người mẹ biển cả tự nhiên; lại vừa bộc lộ niềm biết ơn sâu sắc của con người ngư dân đối với người mẹ thiên nhiên, vũ trụ.

   Cảnh kéo lưới, bắt cá của ngư dân được miêu tả vừa chân thực, vừa giàu chất lãng mạn:

   Sao mờ kéo lưới kịp trời sáng,

   Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng.

   Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông

   Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.

   "Sao mờ" là khoảng thời gian chuẩn bị trời đã bắt đầu rạng sáng, đó cũng chính lúc công việc của người ngư dân càng trở nên khẩn trương, mau lẹ để kéo lưới cho kịp trời sáng. Cảnh lao động hiện lên như một bức tranh sống động, với những nét tạo hình đầy khỏe khắn, gân guốc với hình ảnh trung tâm là con người lao động. Cụm từ “kéo xoăn tay” không chỉ cho thấy những mẻ cá bội thu, nặng trĩu mà đây còn là một nét vẽ tạo hình với những bắp thịt săn chắc của những chàng thanh niên ngư dân cuồn cuộn nổi lên để kéo cá vào khoang thuyền. Từ đó khiến ta chợt nhớ tới câu thơ của nhà thơ Tế Hanh trong bài thơ “Quê hương” khi cũng viết về dân chài lưới quê mình:

   Dân chài lưới nàn da ngâm dám nắng

   Cả thân hình nồng thở vị xa xăm.

   Ánh nắng hồng của bình minh hòa cùng với sắc màu của cá: “bạc”, “vàng” có tác dụng tô đậm thêm sự giàu có và quí giá “rừng vàng bể bảng” của biển cả mà thiên nhiên ban tặng cho con người. "Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng” gợi tả công việc nhịp nhàng của ngư dân với sự vận hành của vũ trụ. Khi lưới xếp lên khoang cũng là lúc đoàn thuyền trở về đón ánh bình minh, kết thúc một ngày lao động vất vả, mệt nhọc. Hình ảnh “nắng hồng” ở cuối khổ thơ biểu tượng cho niềm vui, niềm lạc quan tin tưởng vào tương lai, sự hồi sinh mới mẻ của đất nước sau chiến tranh.

   Bài ca lao động khép lại trong khổ thơ cuối với hình ảnh đoàn thuyền trở về trong thắng lợi lúc bình minh lên:

   Câu hát căng buồm cùng gió khơi

   Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời

   Mặt trời đội biển nhô màu mới

   Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.

   Mở đầu bài thơ lúc ra khơi bắt cá là câu hát và khép lại bài thơ khi đoàn thuyền đánh cá trở về cũng là câu hát của con người lao động ngư dân làng chài, điều đó cho thấy cả hành trình đánh bắt cá của ngư dân đã trở thành bài ca lao động. Nếu tiếng hát mở đầu khi ra khơi là tiếng hát biểu trưng cho tinh thần lạc quan, niềm hi vọng, tin tưởng để rồi khi trở về sẽ bắt được nhiều cá tôm, làm giàu cho tổ quốc thân yêu thì câu hát ở cuối bài thơ lại biểu tượng cho niềm vui sướng, hạnh phúc trước thành quả lao động mà họ đã gặt hái được sau một đêm kéo lưới vất vả. Hình ảnh mặt trời cũng là hình ảnh được lặp lại khi mở đầu và kết thúc bài thơ. Tuy nhiên, sắc thái ý nghĩa của nó khác nhau hoàn toàn. Nếu như hình ảnh mặt trời ở khổ đầu là khoảng không gian và thời gian của buổi chiều hoàng hôn. Nó báo hiệu thời khắc của ngày tàn, biểu tượng cho sự lên ngôi của “bóng tối” của đêm đen. Ngược lại, mặt trời ở khổ cuối lại là khoảng không gian và thời gian vào buổi sáng bình minh. Nó báo hiệu thời khắc của một ngày mới, biểu tượng cho ánh sáng mới, cuộc sống mới, niềm vui, hạnh phúc của người ngư dân sau hành trình nhọc nhằn, gian khó, hiểm nguy. Trong bức tranh ấy, con người ngư dân xuất hiện trong tư thế sáng ngang với mặt trời, với thiên nhiên, vũ trụ: “Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời”. Đoàn thuyền là hình ảnh hoán dụ cho con người ngư dân. Nếu thơ xưa, con người thường chìm khuất trước thiên nhiên thì nay, dưới cái nhìn của người chiến sĩ cách mạng trong thời đại mới, con người hiện lên thật tự tin, mạnh mẽ trong tư thế “chạy đua” với vũ trụ, trời đất. Và sự thực thì con người đã chiến thắng. Bởi khi mặt trời lóe rạng đông thì cũng là lúc đoàn thuyền đã trở về bến đỗ. Ánh mặt trời đã điểm tô cho thành quả lao động thêm rực rỡ. Mặt trời chiếu rọi vào những mắt cá khiến muôn mắt cá như muôn mặt trời tỏa ánh huy hoàng. Như vậy khổ thơ cuối đã khắc họa thành công hình ảnh đoàn thuyền và con người ngư dân hiện lên thật lớn lao, kì vĩ, thể hiện niềm vui, niềm hân hoan vào thành quả lao động, niềm tin tưởng vào cuộc sống mới, vào ngày mai tương sáng của đất nước.

   Nét nghệ thuật đặc sắc và nổi bật của "Đoàn thuyền đánh cá" là hình ảnh thơ. Cả bài thơ được dệt bằng nhiều hình ảnh đẹp, đa dạng, rộng lớn và tinh tế với nhiều màu sắc. Hầu như ở khổ thơ nào cũng có những hình ảnh đặc sắc, mới mẻ. Nhà thơ đã sáng tạo hình ảnh từ sự quan sát, cảm nhận chính xác về sự vật kết hợp với sự liên tưởng và trí tưởng tượng mạnh bạo cùng với cảm hứng lãng mạn bay bổng. Phương thức nghệ thuật chủ yếu và phổ biến để xây dựng hình ảnh trong bài thơ này là so sánh và ẩn dụ, tượng trưng, thêm vào đó là lối phóng đại, khoa trương đã đạt được hiệu quả thẩm mĩ và tạo được dấu ấn riêng cho thi phẩm. Bên cạnh đó thì các yếu tố như lời thơ, nhịp điệu, vần... cũng tạo nên âm hưởng giọng điệu khỏe khoắn, tơi vui, mạnh mẽ... góp phần làm nên một bức tranh lao động thật đẹp, thật sống động.

   Tóm lại, bài thơ có thể coi là một bản anh hùng ca lao động tuyệt vời, thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người. lao động, bộc lộ niềm vui, niềm tự hào của nhà thơ trước sự hồi sinh của đất nước và cuộc sống mới sau hòa bình lập lại.

Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá - mẫu 9

   Huy Cận là một nhà thơ của tình yêu cuộc sống tha thiết và say đắm, cũng giống như người bạn thơ gần gũi nhất của ông "Không muốn đi, mãi mãi ở bườn trầu – Chân hóa rễ để hút màu dưới đất" (Xuân Diệu). Có khác chăng, một nét thường thấy trong thơ ông là cảm xúc về cuộc sống, về con người luôn gắn bó với cảm xúc về vũ trụ, dường như ông muốn tìm câu trả lời về ý nghĩa, sự tồn sinh của con người trong vũ trụ bao la, huyền bí, khôn cùng. Trong thơ ông trước Cách mạng tháng Tám, cảm nhận đó thật cô đơn, nhỏ bé, lạc long, bơ vơ qua hình ảnh một cành củi khô, những cánh bèo dập dềnh trôi nổi không biết về đâu giữa một không gian "Nắng xuống, trời lên, sâu chót vót – Sông dài, trời rộng bến cô lieu" qua hình ảnh "Lớp lớp mây cao đùn núi bạc – Chim nghiêng cánh nhỏ, bóng chiều sa" ("Tràng Giang"). Chính Cách mạng tháng Tám kỳ diệu và cuộc sống mới sau Cách mạng đã mang tới cho ông một cái nhìn ấm áp, tươi trẻ, tràn đầy niềm tin vào con người, con người trong sự giao cảm với đất trời, vũ trụ. Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của ông là một minh chứng về điều đó.

   Bài thơ ra đời năm 1958 trong nguồn mạch cảm xúc biết bao thương yêu, về cuộc sống "mỗi ngày lại sáng". Đó vừa là một bực tranh đẹp đẽ, vừa là một khúc ca hào hùng về những người đánh cá trên biển cả bao la của Tổ quốc, những người thật hào hứng, phấn khởi say mê với công việc của mình trong tư thế thực sự làm chủ biển trời, làm chủ cuộc đời mới. Mở đầu bài thơ là cảnh hoàng hôn trên biển vừa diễm lệ, huy hoàng vừa hùng vĩ, đầy sức sống:

Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then, đêm sập cửa

   Điểm nhìn của nhà thơ ở đây là điểm nhìn tưởng tượng, phải ở rất xa bờ mới thấy được vùng biển phía Tây, nơi mặt trời đang lặn xuống giống như một hòn lửa rực cháy khổng lồ - cảnh này chỉ có thể thấy vào một buổi chiều hè. Cảm quan vũ trụ của nhà thơ mở ra trong trí tưởng tượng người đọc những liên tưởng so sánh thật bất ngờ thú vị: Vũ trụ bao lao, huyền bí như một cái nhà khổng lồ mà đêm tối là cánh cửa sập xuống và những con sóng chạy ngang trên biển là những chiếc then cài. Cái quang cảnh kết thúc thật kì vĩ, tráng lệ của một chu kỳ thiên nhiên ấy lại là sự mở đầu "một ngày" lao động mới của con người:

Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm với gió khơi

   Từ "lại" cho thấy đây chỉ là sự tiếp diễn nhịp điệu lao động của họ, cảnh ra khơi khi hoàng hôn xuống này diễn ra thường xuyên trong nhiều đêm. Và trên "con đường mòn" vô hình mà xiết bao thân thuộc ấy, cũng như mọi lần, tiếng hát họ vút cao, vang xa trên sóng nước mênh mông. Ở đây "buồm căng" là có thật (vì gió mạnh trên biển khơi), nhưng "câu hát căng buồm" lại là hư ảo. Tuy vậy chính cái hư ảo ấy lại biểu hiện được một cái có thực, đó là khí thế mạnh mẽ của con người trong lao động tập thể. Tiếng hát chính là sự thể hiện niềm vui của nhuwgnx người đánh cá, khi họ cảm nhận rõ ràng sức mạnh vĩ đại của tập thể trong lao động, sức mạnh ấy sẽ tạo ra những điều kì diệu mà một vài cá nhân đơn lẻ không thể làm được. Chỉ một tiếng hát thôi mà nói được bao điều về thân phận, về sự tự ý thức của con người qua hai chế độ. Cũng không còn nữa cái cảm nhận từ nghìn xưa về sự nhỏ bé, yếu đuối của con người trước biển cả bí ẩn, chứa đầy sức mạnh tàn phá, hủy diệt vô cùng dữ dội. Tiếng hát của họ là tiếng hát của từng con người chinh phục biển khơi:

Hát rằng: cá bạc biện Đông lặng
Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng
Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!

   Biển cả thật đẹp đẽ, giàu có và thân thiết biết bao đối với con người. Trong câu thơ thứ nhất, từ "bạc" là một định ngữ nghệ thuật, có ý nghĩa số lượng cá nhiều, phong phú, tạo nên sự giàu có, quý giá của biển. Cái giàu có đó còn được cụ thể hóa ở câu thơ thứ hai. Hình ảnh so sánh rất đẹp này được xây dựng trên một liên tưởng thực tế: cá thu mình lấp lánh ánh trăng lướt rất nhanh trên mặt biển nhưu con thoi chạy đi chạy lại trên khung cửi dệt vải. Từ đó mới hiểu được hai câu thơ sau những biện pháp nhân hóa rất tinh tế. Trong sự tưởng tượng của những người đánh cá yêu quí biển cả quê hương mình, cá đi trên biển, cá dệt biển và cá vào lưới là cá dệt lưới. "Đến dệt lưới ta" bắt đầu từ đây từ "ta" sẽ vang lên đầy tự hào, kiêu hãnh trong suốt bài thơ, không còn là cái tôi nhỏ bé, đơn côi như những ngày xưa nữa mà lại là cái ta tập thể đầy sức mạnh, trong đó có sự nhân lên đến vô hạn tiềm lực mỗi cá nhân.

   Dường như đó mới là sức mạnh chính tạo nên cái phơi phới của đoàn thuyền đang lướt giữa trùng khơi:

Thuyền tai lái gió buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng
Ra đậu dặm xa dò bụng biển
Dàn đan thế trận lưới vây giăng

   Đoàn thuyền đánh cá như đi trong sự vây bọc, nâng đỡ của thiên nhiên đầy yêu thương, gắn bó. Biển cả bao la mà êm ả, hiền hòa; gió như người bạn thân thiết lái con thuyền ra khơi gió thổi phồng căng cánh buồm giống như vầng trăng khuyết; trời mây như cũng cao hơn, thoáng đãng hơn, tất cả được nhìn với con mắt chan chứa tình yêu thương của những con người đã giành được quyền làm chủ trời biển quê hương. Cảnh phóng khoáng, thoáng rộng bởi con người sảng khoái tự do. Trong mối quan hệ giao hòa, thiên nhiên càng huy hoàng, kì vĩ bao nhiêu thì càng làm tôn vẻ đẹp của con người lên bấy nhiêu. Tầm vóc của họ vượt lên cao, sánh ngang trời biển vũ trụ. Đoàn thuyền, hay cũng chính là những con người đi giữa cái bao la, hùng vĩ của biển trời – cảnh thực mà đẹp như trong mơ. Động từ "lướt" cho thấy đoàn thuyền chạy rất nhanh và rất nhẹ nhàng trên mặt biển, nó càng biểu hiện rõ hơn khí thế của những người lao động đang thực sự làm chủ cuộc sống mới. Họ đươc tự do, chủ động tìm đến những vùng biển xa (ra đậu dặm xa) để thăm dò nơi nào nhiều cá dò bụng biển. Cũng chính tư thế làm chủ khiến họ có được quyết tâm cao độ và khí thế chuẩn bị lao động mạnh mẽ như trong chiến đấu (Dàn đan thế trận lưới vây giăng).

   Huy Cận không chỉ tinh tế về cảm xúc thẩm mĩ mà còn phong phú về vốn sống. Bài thơ cho tháy ông hiểu biết khá tường tận công việc của những người đánh cá, ông cảm nhận được những gì đang diễn ra trong tâm hồn những người con hồn hậu, bình dị và rất đáng yêu mến ấy. Đoàn thuyền đã tìm đúng "bãi cá" lưới đã buông xuống. Những người đánh cá nghĩ gì trong giây phút đợi chờ ấy? Đây là cảnh thực hay là tưởng tượng?

Cá nhụ, cá chim cùng cá đé
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe
Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.

   Đúng ra ở đây có sự pha trộn cả thực tế và ảo mộng, làm cho biển đêm có vẻ đẹp thật lãng mạn, huyền ảo. Những con cá song lấp lánh như những ngọn đuốc hồng giữa biển đêm thăm thẳm. Họ như đã nhìn thấy cái đuôi cá song quẫy chẳng khác gì mảnh trăng vàng lóe sáng lên mặt biển. Hình ảnh thật nên thơ ấy cùng với cách gọi cá là "em" biểu hiện niềm say me cuộc sống thật hồn nhiên và mãnh liệt của những người đánh cá, và trước hết là của nhà thơ. Nhà thơ mở rộng hồn mình để đón nhận bao vẻ đẹp kì diệu của cuộc sống, để cảm thấy nhịp thơ của biển đêm qua những đợt sóng dâng lên và hạ xuống đầy ánh sao. Biển và trời như đã hòa vào nhau và hình thành con người càng hiện lên đẹp đẽ biết bao giữa cái vũ trụ lung và hình thành con người càng hiện lên đẹp đẽ biết bao giữa cái vũ trụ lung linh ấy. Một lần nữa tiếng hát của họ lại cất lên giữa bao la trời nước:

Ta hát bài ca gọi cá vào
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao
Biển cho ta cá như lòng mẹ
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào

   Có biết bao âu yếm và thân thiết với biển khơi, với vũ trụ mệnh mông, huyền diệu trong tiếng hát ấy. Tiếng hát còn biểu hiện niềm vui trong lao động tập thể của họ, biểu hiện niềm mong muốn của họ sẽ đánh bắt được thật nhiều cá để làm giàu cho Tổ quốc. Cảm xúc của họ thật phóng khoáng, bay bổng, chan chứa niềm yêu đời: họ lao động khẩn trương, luôn tay gõ nhịp dồn cá vào lưới mà vẫn không quên vẻ đẹp của biển cả, trăng gió, trời mây. Vầng trăng trên trời cao là được nhân hóa trở nên gần gũi, thân thiết; trăng như đồng cảm với tâm trạng của con người, trăng gõ nhịp cho tiếng hát của họ. Đó thật sự là một bài ca lao động vừa hào hùng vừa giàu chất thơ. Và bài ca say đắm nhất là bài ca về sự giao hòa xiết bao thân thiết, ưu ái giữa con người và biển cả. "Biển cho ta cá như lòng mẹ" – một so sánh thật đẹp: lòng biển bao la như lòng mẹ, nguồn tình cảm yêu thương vô hạn đã nuôi dưỡng mỗi con người. Biển không chỉ đẹp đẽ giàu có mà còn rất ân tình; biển không chỉ nuôi dưỡng con người hôm nay và mai sau; mà biển đã "Nuôi lớn đời ta tự buổi nào", từ khi con người mới xuất hiện trên trái đất Biển và ta thêm một lần nữa, tầm vóc những người đánh cá vụt lớn cao hơn, và càng gắn bó với biển cả yêu thương.

Nhưng đêm sắp tàn rồi, một ngày mới đang đến.
Sao mờ kéo lưới kịp trời sáng
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng
Vây bạc đuôi vàng lóe rạng đông
Lưới xếp, buồm lên đón nắng hồng.

   Khổ thơ gợi hình dung một bức họa thật khỏe, đẹp. Câu chữ gân guốc giàu sức tạo hình: "Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng". Chỉ một từ "xoăn" mà vừa tả được những bắp tay rắn chắc nổi cuồn cuộn khi kéo lưới, vừa nói được cái hăm hở, hồ hởi của những người lao động mong muốn thấy được kết quả công việc của mình. Và lưới rất nhiều quá, đúng với niềm mong muốn, ước ao của họ. Câu thơ thứ ba miêu tả thật đẹp hình ảnh những con cá đang được kéo từ biển lên; vẩy đuôi của chúng lấp lánh ánh bình minh rực rỡ. Ở những từ "bạc", "vàng" vừa là những định ngữ thông thường chỉ màu sắc, vừa là những định ngữ nghệ thuật tượng trưng cho sự quí giá, giàu có của biển cả, đồng thời cho thấy thái độ trân trọng của những người đánh giá cá đối với thành quả lao động của mình, dường như đó còn là niềm biết ơn của họ trước sự hào phóng ưu ái của biển cả đối với con người. Công việc đã kết thúc tốt đẹp, họ chuẩn bị trở về. Những từ "đón ánh hồng" biểu hiện tâm trạng sảng khoái, phấn chấn của họ, họ như muốn chia se niềm vui của mình với ánh bình minh, với mặt trời – một người bạn thiên nhiên cũng rất thân thiết với con người.

   Hay nhất trong toàn bộ bài thơ là khổ thơ cuối cùng, miêu tả đoàn thuyền đánh cá trở vể trong ánh bình minh. Bốn câu thơ dựng lên quang cảnh kì vĩ về cuộc chạy đua giữa đoàn thuyền đánh cá với mặt trời trên biển cả, qua đó thêm một lần nữa Huy Cận khắc họa thật đậm nét vẻ đẹp khỏe mạnh của những người đánh cá và vẻ đẹp giàu có, hùng vĩ của biển trời, của thiên nhiên Tổ quốc. Ý thơ phảng phất không khí thần thoại anh hùng ca trong lao động.

   Mở đầu là một câu thơ lặp lại gần nguyên văn câu cuối trong khổ thơ thứ nhất:

Câu hát căng buồm với gió khơi

   Có cảm giác đó là điệp khúc trong một bài hát, bài hát ca ngợi niềm say mê lao động trên biển quê hương. Đây là lần thứ ba tiếng hát vang lên, có khác chăng tiếng hát ở đây biểu hiện rõ hơn niềm vui của những người đánh cá khi họ thu được kết quả rực rỡ sau một đêm lao động vất vả, đó là niềm vui chiến thắng của con người khi thêm một lần nữa họ cảm nhận được sức mạnh vĩ đại, kì diệu của tập thể. Tiếng hát ấy vang lên say sưa, hùng tráng trên đoàn thuyền đang băng băng rẽ sóng trở về:

Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời

   Hình ảnh hào hùng của câu thơ này là một nhân hóa mang tính chất ngoa dụ, những người đánh cá thức suốt đêm làm việc không mệt mỏi nhưng họ vẫn quyết tâm trở về trước khi trời sáng. Động từ "chạy đua" cho thấy sức lực của họ vẫn dồi dào, khí thế lao động của họ vẫn mạnh mẽ, đó thật sự là khí thế của những con người tự do, những chủ nhân chân chính của cuộc sống mới. Họ chạy đua với thời gian, chạy đua với một đối tượng thiên nhiên thật hùng vĩ là mặt trời, cái đích của cuộc chạy đua là bình minh. Đặt trong sự tương ứng với một đối tượng hùng vĩ như thế, sức mạnh của đoàn thuyền đánh cá, cũng là của những người đánh cá, càng được thể hiện nổi bật hơn. Câu thơ cũng nâng cao tầm vóc của con người trước vũ trụ rộng lớn bao la.

   Vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ của bình minh trên biển được miêu tả thật gợi cảm sinh động ở câu thơ thứ ba:

Mặt trời đội biển nhô màu mới

   Nhân hóa này gợi cảm giác thần thoại, hư ảo: Sức mạnh của mặt trời thật vô cùng mạnh mẽ, dường như nó đang đội biển mà lên. Câu thơ làm toàn cảnh thiên nhiên sáng lên với màu mới, màu hồng của bình minh; và cái màu hồng rực rỡ tươi vui, đầy sức sống ấy chính là lời chào đón ân cần, thắm thiết của thiên nhiên với những người lao động cần cù, có nghị lực phi thường. Và "cái thần" của quang cảnh bình minh ấy là câu thơ cuối cùng:

Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi

   Câu thơ có thể gợi ra hai hình ảnh trong liên tưởng của người đọc. Một là hình ảnh đoàn thuyền nối đuôi nhau trở về, chiếc nào cũng cá đầy khoang, hàng triệu triệu mắt cá phản chiếu ánh mặt trời rực rỡ giống như vô vàn mặt cá trên muôn dặm khơi. Dù là hình ảnh nào thì câu thơ cũng thể hiện được vẻ đẹp bao la, hùng vĩ, và sự giàu có phong phú của biển cả, của thiên nhiên đất nước dưới con mắt của những con người được thực sự làm chủ biển trời Tổ quốc mình.

   Có thể nói, chính niềm tin yêu nồng nhiệt với cuộc sống mới, với những người lao động mới, chính khả năng suy tưởng sâu sắc trong cảm quan vũ trụ đã dẫn tới thành công của Đoàn thuyền đánh cá. Đây là một trong số không nhiều bài thơ hay về đề tài xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá - mẫu 10

Huy Cận là nhà thơ tiêu biểu của nền thơ hiện đại Việt Nam-một hồn thơ dạt dào cảm hứng lãng mạn về thiên nhiên đất nước, con người trong thời đại mới. Bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá" được nhà thơ sáng tác vào năm 1958 khi miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội. bài thơ là bức tranh thiên nhiên con người về cảnh đoàn thuyền ra khơi đánh cá vào lúc hoàng hôn, cảnh đoàn thuyền đi trên biển đánh bắt cá và cảnh đánh bắt cá vào lúc bình minh.

Đề tài " Con người lao động" đã khơi gợi cảm hứng bất tận cho tất cả các nhà thơ nhưng đối với Huy Cận ông cũng chọn đề tài ấy để viết về ngư dân trên vùng biển Hạ Long tươi đẹp:

"Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then đêm sập cửa
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khơi."

Câu thơ mở đầu miêu tả cảnh mặt trời như hòn lửa khổng lồ đang từ từ lặn xuống dưới đáy đại dương để lại trên biển và phía chân trời một màu tím của hoàng hôn. Nghệ thuật so sánh "Mặt trời như hòn lửa" gợi tả cảnh mặt trời lúc hoàng hôn trên biển với bao màu sắc rực rỡ một vẻ đẹp kì vĩ tráng lệ. Trong khoảnh khắc bao sắc màu rực rỡ đã thay vào màu đen của màn đêm. Với trí tưởng tượng phong phú cùng với nghệ thuật ẩn dụ những con sóng giống như chiếc then cài, màn đêm là cánh cửa.Vũ trụ bao la rộng lớn giống như một ngôi nhà trong trạng thái nghỉ ngơi, yên tĩnh và màn đêm kia như thử thách lòng can đảm của con người. Thế nhưng trong hoàn cảnh ấy ta lại bắt gặp hình ảnh: "Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi." Phép tu từ hoán dụ "đoàn thuyền đánh cá" chỉ những người ngư dân họ đang bắt đầu một ngày lao động mới. Từ "lại" chỉ sự lặp đi lặp lại nhiều lần liên tục đã trở thành thói quen. Đó là tinh thần lao động hăng say quên cả mệt mỏi, quên cả thời gian của những người ngư dân, của những con người lao động mới của miền Bắc trong thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong đêm tối mặt biển bỗng trở nên nhộn nhịp bởi tiếng hát của những người ngư dân cất lên. Câu hát hòa cùng với làn gió mát của biển khơi thổi căng cánh buồm để đưa con thuyền ra khơi nhanh hơn. Bút pháp khoa trương "Câu hát căng buồm" tác giả muốn nói tới sức mạnh của những con người lao động. Câu hát hòa cùng với gió khơi là muốn nói đến sự hòa hợp giữa thiên nhiên với con người. Thiên nhiên đang góp sức ủng hộ con người. Câu hát thể hiện tinh thần lạc quan yêu đời, niềm vui lao động, sôi nổi hào hứng trong niềm khí thế cùng với buổi đầu ra khơi trong niềm tin vào một chuyến ra khơi thành công, tốt đẹp:

"Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng
Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng
Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!"

Trong câu hát của những người ngư dân có gọi tên các loài cá: cá bạc, cá thu... Phép tu từ so sánh "Cá thu như đoàn thoi" vừa gợi về hình ảnh sống động vừa là lời ca ngợi nguồn tài nguyên phong phú ở vùng biển tỉnh Quảng Ninh. Với trí tưởng tượng độc đáo kết hợp với ngòi bút vừa hiện thực vừa lãng mạn để rồi đôi mắt của nhà thơ như đang được ngắm nhìn đoàn cá thu như những chiếc thoi đưa dệt nên những tấm vải lớn lấp lánh muôn màu sắc. "Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi" câu thơ như lời mời gọi đoàn cá vào lưới. Câu hát của những người ngư dân không chỉ thổi căng cánh buồm vừa thể hiện sức mạnh, vừa thể hiện tinh thần lạc quan yêu đời. Câu hát ấy không chỉ ngợi ca về vùng biển giàu có nước ta mà nó còn hữu ích trong công việc đánh bắt cá. Nó đã trở thành bài ca trong lao động.

Với trí tưởng tượng phong phú cùng với ngòi bút thơ đầy lãng mạn bay bổng nhà thơ đã đưa người đọc đến hình ảnh thật là đẹp:

"Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng
Ra đậu dặm xa dò bụng biển
Dàn đan thế trận lưới vây giăng."

Đoàn thuyền đánh cá ra khơi có gió làm bánh lái vầng trăng khuyết trên trời cao đã trở thành cánh buồm. Gió và trăng đã trở thành hai bộ phận của con thuyền giúp sức cùng ngư dân đưa đoàn thuyền ra khơi. Sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên. Trước mắt nhà thơ đoàn thuyền đánh cá giống như những con thuyền thơ lướt nhẹ trên mặt biển và in đầy trăng sao. Và giờ đây đoàn thuyền ấy cùng với những người ngư dân đang"Ra đậu dặm xa dò bụng biển". Những người ngư dân của thời đại mới thực sự làm chủ biển khơi, làm chủ cuộc đời, trang bị phương tiện tiên tiến, hiện đại, những con người ra khơi để thăm dò "bụng biển" đánh bắt tài nguyên đem về xây dựng đất nước. Bằng trí tưởng tượng kết hợp cách nói khoa trương gợi ra trước mắt người đọc hình ảnh đoàn thuyền đánh cá đang "Dàn đan thế trận lưới vây giăng." Những con thuyền to lớn, tư thế hùng dũng, hiên ngang, giống như những thuyền chiến còn con người đang thả lưới vây giăng chuẩn bị bước vào trận chiến đấu mới trên mặt trận lao động. Nhà thơ đã nâng tầm vóc con người lên sánh ngang cùng biển rộng vũ trụ.

Đã bao đời, người ngư dân có mối quan hệ chặt chẽ với biển cả. Họ thuộc biển như thuộc lòng bàn tay. Bao loài cá họ thuộc tên, thuộc dáng, thuộc cả thói quen của chúng:

"Cá nhụ cá chim cùng cá đé,
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng.
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe,
Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long."

Trên mặt biển đêm, ánh trăng long lanh dát bạc, cá quẫy đuôi, sóng sánh trăng vàng. Bài ca "gọi cá "vẫn tiếp tục ngân vang, lúc náo nức, lúc thiết tha. Trăng thức cùng ngư dân, trăng cùng sóng dập dờn bên mạn thuyền, như "gõ nhịp" phụ họa cho tiếng hát. Trăng chiếu sáng cho người kéo được những mẻ cá đầy. Thiên nhiên con người thật là hòa hợp.

Bóng đêm đang tan, ngày đang đến, nhịp độ công việc càng sôi nổi, khẩn trương:

"Sao mờ kéo lưới kịp trời sáng
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng
Vảy bạc đuôi vàng lóe rạng đông
Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng."

Bao công lao vất vả đã được đền bù. Dáng người ngư dân đang choãi chân nghiêng người, dồn tất cả sức mạnh vào đôi cánh tay cuồn cuộn để kéo lên những mẻ lưới nặng trĩu mới đẹp làm sao! Bóng dáng họ in trên nền trời hồng của buổi bình minh. Những tia nắng sớm chiếu trên khoang cá đầy làm lấp lánh thêm "vẩy bạc, đuôi vàng" và màu sắc phong phú của bao loài cá cũng khiến cho cảnh rạng đông thêm rực rỡ. Nhịp điệu câu thơ cuối của khổ thơ trên chậm rãi, gợi cảm giác thanh thản, vui tươi, phản ánh tâm trạng thoải mái của ngư dân trước kết quả tốt đẹp của chuyến ra khơi.

Nếu những người ngư dân ra khơi cất cao tiếng hát thì khi hoàn thành họ cũng cất cao tiếng hát:

"Câu hát căng buồm với gió khơi
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời
Mặt trời đội biển nhô màu mới
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi."

Với bút pháp khoa trương lại một lần nữa nhà thơ tưởng tượng câu hát của người ngư dân, câu hát cùng gió thổi căng cánh buồm đưa con thuyền về bến nhanh hơn. Dường như thiên nhiên và con người có sự hòa hợp. Tiếng hát còn thể hiện tinh thần lạc quan yêu đời niềm vui trước thành quả lao động của những ngày vất vả trên biển. Câu hát xuất hiện ở khổ đầu giờ lại lặp lại ở khổ cuối tạo cho bài thơ đầu cuối tương ứng. Bút pháp khoa trương cùng trí tưởng tượng nhà thơ đã hình dung trước mặt mình là khung cảnh tráng lệ, sôi động. Mặt biển rộng lớn trở thành trường đua với hai đối thủ là con người và mặt trời. Và chắc hẳn con người sẽ thắng bởi họ đã một lần chiến thắng biển khơi với những khoang thuyền đầy cá. Đặt con người trong cuộc tranh tài với thiên nhiên là nhà thơ khẳng định tầm vóc của con người có thể sánh ngang thiên nhiên. Hòa cùng niềm vui to lớn của mọi người, nhà thơ chắp cánh cho trí tưởng tượng của mình bay bổng. Đoàn thuyền lao vun vút trên mặt biểu, "Mặt trời đội biển nhô màu mới" một màu hồng rạng rỡ, tinh khôi, và ánh mặt trời phản chiếu trong muôn ngàn mắt cá trên thuyền, khiến nhà thơ liên tưởng tới hàng ngàn mặt trời nhỏ xíu đang tỏa sáng niềm vui. Đến đây, bức tranh biển cả ngập tràn sắc màu tươi sáng và ăm ắp chất sống trong từng dáng hình, đường nét của cảnh, của người.

Bài thơ đã thể hiện rõ tinh thần của nhân dân lao động lúc bấy giờ và cũng thể hiện rõ cảnh đẹp quê hương đất nước với nguồn tài nguyên phong phú. Tác giả với tình yêu thiên nhiên, yêu con người lao động đã thể hiện được không khí sôi nổi, hào hùng của đất nước ta khi miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá - mẫu 11

50+ Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá (hay, ngắn gọn)

Nếu trước cách mạng, Huy Cận đi tìm nỗi buồn rơi rải rác để kết thành những trang thơ âu sầu ảo não, thì sau cách mạng cái tôi Huy Cận đã hòa nhập hơn với cuộc sống, nguồn thơ ông trở nên tươi vui, tràn đầy không khí của thời kì xã hội đổi mới, Đoàn thuyền đánh cá chính là những câu thơ thể hiện đậm nét sự lột xác trong hồn thơ ông.

“Mặt trời xuống biển như hòn lửa.
Sóng đã cài then, đêm sập cửa.
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
 Câu hát căng buồm cùng gió khơi”

Không gian hoàng hôn rực rỡ mà cũng diễm lệ như một bức tranh thủy mặc. Trên nền của bức tranh ấy là hình ảnh mặt trời như khói lửa đỏ rực khổng lồ đang từ từ lặn xuống, để đi vào thế nghỉ ngơi. Cách so sánh của Huy Cận khiến cho hình ảnh mặt trời trở nên đẹp, hùng vĩ tráng lệ, khối lửa nóng đỏ rực giống như khí thế hừng hực của đoàn thuyền đánh cá ra khơi. Đại dương bao là giờ bỗng trở thành bến đỗ bình yên, giang tay đón những người con của biển cả trên hành trình vượt biển xa xăm. Biện pháp nhân hóa khiến cho hình ảnh vũ trụ đại dương bao la vốn rộng lớn, hùng vĩ nay bỗng trở nên gần gũi, nó không còn là nỗi ám ảnh không gian của hồn thơ với nỗi sầu thiên cổ Huy Cận nữa, mà bình dị hơn, mộc mạc hơn, hòa vào cuộc sống của người dân lao động. Đoàn thuyền đánh cá “lại” ra khơi, từ lại phần nào nhấn mạnh rằng hành trình ấy của những người dân lao động là cuộc hành trình dài, thường xuyên, đồng thời cho thấy khát vọng chinh phục đại dương thẳm sâu mãnh liệt của họ. Cánh buồm no gió như sự hình tượng cho không khí rạo rực, hăng say lao động của người dân trong thời kỳ đổi mới. Cánh buồm ấy thắm đượm tình yêu lao động, và cũng đầy niềm tự hào về sự giàu có của đại dương bao la:

“Hát rằng: Cá bạc biển Đông lặng
Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng.
Đến dệt lưới ta, đàn cá ơi!”
Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng,
Ra đậu dặm xa dò bụng biển,
 Dàn đan thế trận lưới vây giăng".

Những người dân lao động căng buồm ra khơi, đánh cá, không đơn thuần chỉ là công việc lao động chân tay nặng nhọc mà thấm đẫm lời ca tiếng hát reo vui, như một khúc hùng ca rạo rực. Công cuộc lao động ấy không chỉ đòi hỏi sự miệt mài chăm chỉ, mà nó cũng phần nào cho ta thấy sự trí tuệ của họ đặt vào đó, khi dàn trận quăng lưới bắt những mẻ cá. Những người dân lao động không chỉ hăng say trong công việc mà còn đang hòa cùng vẻ đẹp hùng vĩ thơ mộng của thiên nhiên để biến cuộc hành trình của mình trở thành cuộc hành trình đi tìm cái đẹp, chất thơ nơi đại dương sâu thẳm, họ như đang tái hiện hình tượng cha ông ta ngày trước trong những cuộc chiến đấu, chinh phục tự nhiên, đào núi lấp biển, luôn hăng say, hào hùng, tráng kiện như vậy:

“Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng,
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng.
Vảy bạc đuôi vàng lóe rạng đông,
 Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng”

Bằng những nét vẽ khỏe khoắn gân guốc, nhưng lấp lánh vẻ đẹp lãng mạn, Huy Cận đã giúp người đọc phần nào hình dung được vẻ đẹp khỏe khoắn, tráng kiện của người thanh niên trai tráng trong hành trình chinh phục biển khơi, “kéo xoăn tay chùm cá nặng”. Đó là động tác vừa thể hiện sự bền bỉ, cường tráng, mà cũng phần nào thấy được sự nhọc nhằn trong đó. “Chùm cá nặng” chính là món quà của đại dương bao la gửi tặng tấm chân tình của những người lao động đã hăng say trong cuộc hành trình đầy mệt nhoài của mình. Con người hăng say lao động, tỏa sáng một niềm tin vào công cuộc lao động của xã hội mới, thiên nhiên cũng như rạo rực trước khí thế ấy của con người, như muốn đồng điệu cùng với nhịp sống vội vàng, khẩn trương, reo vui ấy khi đoàn thuyền đánh cá trở về:

“Câu hát căng buồm với gió khơi,
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.
Mặt trời đội biển nhô màu mới,
 Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi”.

Tiếng hát hòa cùng điệu tâm hồn tươi vui, nhịp đập rộn ràng hối hả của con người, khiến cho bức tranh lao động vừa đẹp vừa hùng vĩ mà cũng mang đậm hơi thở của cuộc sống. Tưởng như thiên nhiên với con người đang hòa làm một, không còn thấy sự cô đơn quạnh hiu, đôi ngả giữa thiên nhiên và con người như trong thế giới thơ âu sầu ảo não của Huy Cận trước đó, tiếng hát ấy là sự cổ vũ của thiên nhiên, là tiếng reo vui của hồn người, cũng là tiếng lòng hối hả, tràn đầy sức sống mới của hồn thơ Huy Cận sau những chặng bế tắc, lạc lối. Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời, đó chính là việc nhân hóa sức mạnh của những người dân lao động, cho thấy vẻ đẹp dũng mãnh của họ, họ chính là đại diện tuyệt đẹp cho tư thế và tâm thế của con người trong công cuộc lao động xã hội mới. Mặt trời đội biển nhô màu mới, đoàn thuyền đánh cá ra đi khi vũ trụ đã vào thế nghỉ ngơi, họ dong buồm trở về khi thiên nhiên đã bừng tỉnh giấc, con người thiên nhiên, nối vòng nhau cùng hát lên bài ca bất tận về công cuộc lao động, xây dựng, phát triển.

Đoàn thuyền đánh cá là bài thơ nhỏ Huy Cận gửi tặng chính Huy Cận của những năm trước cách mạng, cô đơn, chán nản, bế tắc. Nay cái tôi ấy đã tìm thấy sự thức ngộ, tìm thấy niềm tin vào công cuộc xây dựng cuộc sống mới, nên những câu thơ hứng khởi lạc quan như đang reo vui, như tâm hồn nhà thơ đang tỏa nắng trên trang hoa của mình.

Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá - mẫu 12

Huy Cận là một trong những tên tuổi tiêu biểu của phong trào Thơ mới trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, với những tác phẩm nổi tiếng như “Lửa thiêng”, “Vũ trụ ca”... Sau khi hòa bình được lặp lại, ông nhanh chóng hòa mình vào cuộc sống sinh hoạt của con người với một niềm tin tươi sáng. Một trong những sáng tác tiêu biểu của ông thời kì này là bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” được sáng tác ở Hòn Gai, năm 1958 sau khi tác giả có một chuyến đi thực tế dài ngày. Tác phẩm được đánh giá là một trong những bài hay của thơ ca Việt Nam hiện đại.

Bốn câu thơ đầu tác giả miêu tả cảnh đoàn thuyền ra khơi đánh bắt cá:

“Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then đêm sập cửa
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
 Câu hát căng buồm cùng gió khơi”

Mở ra trước mắt người đọc đầu tiên là khung cảnh mặt trời xuống biển. Bằng việc sử dụng nghệ thuật so sánh “xuống biển như hòn lửa” gợi hình dung vầng mặt trời to tròn đỏ rực đang từ từ đi xuống, khép lại một ngày và mở ra một màn đêm. Tác giả đã sử dụng nghệ thuật nhân hóa “sóng cài then đêm sập cửa” khiến cho câu thơ trở nên sinh động : biển cả như một ngôi nhà có then có cửa đang từ từ đóng lại, bóng tối đã tràn ngập khắp muôn nơi, ngự trị trên vạn vật. Và đây cũng là thời điểm đoàn thuyền đánh cá bắt đầu ra khơi. Từ “ lại” cho thấy đây là công việc lặp đi lặp lại hàng ngày và đã trở thành nếp sống của người dân nơi đây. Họ hát vang câu hát của mình như thể hiện niềm tin vào một chuyến ra khơi đầy thuận lợi.

Những khổ thơ tiếp theo nhà thơ sử dụng để miêu tả cảnh đoàn thuyền đánh bắt cá trên biển:

Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng,
Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng.
 Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!

Câu hát của họ vang vọng khắp biển. Nghệ thuật liệt kê kết hợp với nghệ thuật so sánh đã làm hiện lên trước mắt người đọc một khung cảnh vô cùng sinh động với muôn vàn các loài cá đủ loại màu sắc đang tung tăng bơi lội trên biển. Đồng thời câu hát cũng thể hiện mong muốn niềm tin của người dân chài vào một vụ đánh bắt đầy bội thu.

Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng,
Ra đậu dặm xa dò bụng biển,
Dàn đan thế trận lưới vây giăng.
Cá nhụ cá chim cùng cá đé,
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,
Cái đuôi em quẫy trăng vàng choé,
Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.

Ta hát bài ca gọi cá vào,
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao,
Biển cho ta cá như lòng mẹ,
 Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.

Hình ảnh đoàn thuyền đánh bắt cá trên biển vào buổi đêm được hiện lên thật cụ thể dưới ngòi bút tài năng của Huy Cận. Họ hiện lên thật điêu luyện với “ lái gió với buồm trăng”, “ lướt”,” dò bụng biển”… Những người dân chài lưới hiện lên giống thật to lớn vĩ đại, sánh ngang tầm với thiên nhiên vũ trụ và dường như còn trở thành những người chế ngự thiên nhiên vũ trụ rộng lớn. Dưới biển khơi, các loại cá cũng hiện lên thật đẹp huyền diệu biết bao: nào là cá nhụ cá chim cá đé, rồi có cả cá song lấp lánh với cái đuôi quẫy dưới nước được phản ánh bởi ánh trăng mới đẹp làm sao… Những người dân chài bắt đầu gõ thuyền dụ cá vào lưới, từng động tác điêu luyện nhịp nhàng làm sao. Dưới ánh trăng vàng, hình ảnh người dân chài cùng với tiếng gõ mõ khiến cho khung cảnh nơi đây mới sinh động tuyệt đẹp làm sao, nó như một bức tranh thủy mặc hữu tình. Vẻ đẹp lãng mạn của bài thơ có lẽ được toát lên từ chính những hình ảnh này.

Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng,
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng,
Vảy bạc đuôi vàng loé rạng đông,
Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.

Câu hát căng buồm với gió khơi,
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.
Mặt trời đội biển nhô màu mới
 Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.

Khi ông mặt trời chuẩn bị thức giấc thì cùng là lúc chuyến đánh bắt cá sắp sửa hoàn thành. Hình ảnh “ kéo xoăn tay chùm cá nặng” vừa gợi liên tưởng đến những cánh tay mạnh mẽ khỏe khoắn vừa ngụ ý về một chuyến đánh bắt cá đầy thành công. Câu hát lại một lần nữa được vang lên. Nếu như ở đầu bài thơ đó là câu hát thể hiện niềm tin của người dân chài thì đến bây giờ đó là bài ca chiến thắng trở về. Hình ảnh “ đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời” thật đẹp cho thấy con người đã thực sự sánh ngang tầm với thiên nhiên vũ trụ và thực sự đã chiến thắng chế ngự được thiên nhiên biển khơi.

Như vậy, bằng ngòi bút đầy tài hoa của mình, tác giả đã phác họa cho chúng ta một chuyến ra khơi đầy thắng lợi với những hình ảnh thật sinh động và đẹp đẽ. Đồng thời qua đây cũng thế hiện niềm tin của nhà thơ vào một tương lai tươi sáng của đất nước trong thời kì dựng xây xã hội chủ nghĩa.

Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá - mẫu 13

Đoàn thuyền đánh cá được Huy Cận sáng tác năm 1958, trong chuyến đi thực tế tại vùng mỏ Hòn Gai. Bài thơ là khúc tráng ca ca ngợi con người lao động với tinh thần làm chủ và niềm vui, niềm tin trước cuộc sống mới trong những năm đầu xây dựng đất nước.

Bài thơ là sự kết hợp của hai nguồn cảm hứng: cảm hứng lãng mạn, tràn đầy niềm vui, sự hào hứng trong thời kỳ miền Bắc bước vào xây dựng cuộc sống mới và cảm hứng vũ trụ vốn là nét nổi bật trong hồn thơ Huy Cận. Sự gặp gỡ, giao hoà của hai nguồn cảm hứng đó đã tạo nên những hình ảnh rộng lớn, tráng lệ, lung linh như những bức tranh sơn mài của bài thơ.

Đoàn thuyền ra khơi được miêu tả trong một khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp:

Mặt trời xuống biển như ngọn lửa.
 Sóng đã cài then đêm sập cửa.

Nghệ thuật so sánh và nhân hoá được sử dụng thật độc đáo. Mặt trời được ví như hòn lửa đang lặn dần vào lòng biển. Vũ trụ như một ngôi nhà lớn, màn đêm xuống mau khép lại ánh sáng như đóng sập cánh cửa khổng lồ mà những lượn sóng là chiếc then cài. Ngày đã khép lại, vũ trụ như đang bước vào trạng thái thư giãn sau một ngày lao động thì chính lúc ấy một ngày lao động mới của người dân đánh cá lại bắt đầu:

Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
 Câu hát căng buồm cùng gió khơi.

Khi vị chủ nhân thứ nhất của thiên nhiên là mặt trời đi ngủ thì vị chủ nhân thứ hai – những người dân chài của cuộc sống mới lại mở cửa đêm để ra biển đánh cá. Công việc của những người dân chài diễn ra như một nhịp sống đều đặn trở thành quen thuộc, nền nếp. Nếu như sức sống của thiên nhiên như ngừng lại thì sự có mặt của đoàn thuyền như nối tiếp nhịp sống đó. Dù đã cài then, sập cửa nhưng biển không chìm trong lạnh lẽo hoang vu mà trái lại biển đang là chứng nhân cho sự làm việc hăng say, không nghỉ của những người lao động:

Câu hát căng buồm cùng gió khơi.

Câu thơ xuất hiện ba sự vật khác biệt là câu hát, căng buồm và gió khơi nhưng lại được gắn kết, hoà quyện với nhau. Tiếng hát khỏe khoắn của cả tập thể hoà với tiếng gió thổi căng buồm đẩy thuyền phăng phăng rẽ sóng. Câu hát là niềm tin, sự phấn chấn của người lao động. Sự kết hợp của nhịp điệu gấp gáp khẩn trương ở hai câu đầu với cái thanh thoát, đĩnh đạc của nhịp thơ hai câu sau đã vẽ nên bức tranh hào hùng về cảnh đoàn thuyền ra khơi. Khổ thơ còn là sự kết hợp của những liên tưởng táo bạo với những phép tu từ so sánh, nhân hoá đặc sắc đã giúp tác giả thể hiện khúc ca ra khơi hào hùng của người dân chài.

Không chỉ hát khi ra khơi mà những con người lao động luôn cất tiếng hát hòa cùng với công việc của mình. Tiếng hát là mong ước, là niềm tin thu hoạch:

Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng,
 Cá thu biển Đông như đoàn thoi.

Từ con cá bạc báo biển lặng, biển hiện lên trong đêm như một khung cửi lớn và đẹp. Cá thu từng đoàn rẽ nước toả sáng, di chuyển như những con thoi. Sự liên tưởng từ khung cửi dệt đến khung cửa biển là sự liên tưởng độc đáo, là kết quả của sự quan sát thực tế. Qua sự liên tưởng ấy, trong cảm xúc vũ trụ của Huy Cận biển không còn xa lạ mà trở nên gần gũi. Trong lời hát của người ngư dân, biển thật giàu có:

Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng.
 Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!

Nguyên liệu biển dồi dào, chỉ cần một tiếng gọi để thu cá vào lưới. Khổ thơ mang âm hưởng của dòng cảm hứng vũ trụ với sự lãng mạn của tâm hồn đã làm nên những khúc ca hoành tráng của người lao động.

Trên cái nền tráng lệ của thiên nhiên là sức mạnh của cánh buồm, sức mạnh của con người làm chủ biển cả:

Thuyền ta lái gió với buồm trăng
 Lướt giữa mây cao với biển bằng,

Thuyền có lái, có buồn nhưng lái bằng gió, buồm là buồm trăng. Đoàn thuyền lướt đi trong đêm không phải bằng sức mạnh của con người mà bằng sức mạnh của câu hát hòa cùng sức mạnh của gió, cộng hưởng sức mạnh của trăng. Bởi thế mà thuyền như lướt đi, như bay lên. Con thuyền đánh cá còn nhỏ bé qua cảm hứng vũ trụ đã trở nên kì vĩ, khổng lồ, sánh ngang tầm với vũ trụ. Và trên con thuyền ấy, người như dần hiện lên trong tư thế làm chủ:

Ra đậu dặm xa dò bụng biển,
 Dàn đan thế trận lưới vây giăng.

Đã qua rồi thời con người còn nhỏ bé, đơn độc trước sức mạnh bí ẩn của biển cả. Mang trong mình khí thế của người làm chủ, biển như hẹp lại để con người ra đậu dặm xa, dàn đan thế trận và dò bụng biển để con người tìm tòi, khám phá. Họ đàng hoàng ra những nơi xa để bắt thiên nhiên phục vụ. Họ – những dân chài mang theo cả sức trẻ, sức khỏe, mang theo cả sự tìm tòi, khám phá để tung phá thế giới bí hiểm của thiên nhiên. Việc đánh bắt ấy như một trận chiến mà mỗi người lao động như một chiến sĩ.

Hát khi ra khơi, hát cho cuộc hành trình và những người lao động còn hát để ca ngợi sự giàu đẹp của biển cả:

Cá nhụ cá chim cùng cá đé,
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,
 Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe.

Các loài cá được kể tên: cá nhụ, cá chim, cá đé, cá song đã nói lên sự phong phú, giàu có của biển. Không chỉ, giàu mà biển còn rất đẹp:

Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,

Dưới ánh trăng, cá song quẫy mặt nước. Thân cá có khoang màu hồng lấp lánh như ánh sáng chuyển động dưới làn nước biển. Đoạn thơ mang nhiều màu sắc, ánh sáng: ánh sáng đen hồng, lấp lánh của cá song, ánh sáng vàng chóe của trăng vỡ trên mặt nước. Những gam sắc ánh sáng hòa cùng bóng tối của màn đêm tạo ra bức tranh sơn mài lóng lánh sắc màu, biển lại như thấy hơi thở.

Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá - mẫu 14

Đoàn thuyền đánh cá được coi là khúc tráng ca ca ngợi cuộc sống mới. Tác giả Huy Cận sau chuyền đi thực tế tại vùng mỏ Quảng Ninh. Bài thơ có nhiều đặc sắc về mặt nghệ thuật. Bài thơ có hình ảnh tráng lệ về thiên nhiên và con người lao động thể hiện sự hòa giữa thiên nhiên và con người.

Khổ thơ đầu tiên trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá thể hiện lên bước đi chầm chậm của thời gian: Cảnh biển vô cùng tráng lệ lúc hoàng hôn cũng là thời điểm đoàn thuyền nhô lên tách bến ra khơi.

Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then, đêm sập cửa.
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
 Câu hát căng buồm cùng gió khơi.

Với tài năng bút pháp già dặn. Tác giả Huy Cận miêu tả thiên nhiên bằng sức tưởng tượng phong phú, 2 dòng thơ đầu hình ảnh thiên nhiên với sự kết hợp nối nhân hoá và so sánh thú vị. Mặt trời xuống biển nghĩa là mặt trời đang chìm dần về phía tây. Lúc đấy mặt trời được ví von với hòn than đỏ rực từ từ lặn xuống biển. Vũ trụ được ví như một ngôi nhà đồ sộ. Sóng biển thành gia chủ cài then sập cửa. Vũ trụ yên nghỉ, thiên nhiên đi vào cõi yên tĩnh, còn đoàn thuyền thì sao? Đoàn thuyền đánh cá ra khơi không phải từng chiếc thuyền lẻ tẻ đi biển mà là cả 1 đoàn thuyền, 1 sức mạnh lớn của cuộc đời đổi thay. Chữ hai là sự khẳng định nhịp điệu lao động của dân chài đã ổn định đi vào nề nếp trong hoà bình. Họ ra đi trong lời ca tiếng hát hâm hở, sôi nổi hào hứng. Gió biển thổi mạnh cánh buồm no gió căng lên. Tiếng hát ra khơi, buồm căng là 3 chi tiết nghệ thuật mang tính chất tượng trưng diễn tả tinh thần phấn khởi hăng say và khí thế ra khơi của ngư đoàn vùng biển. khổ thơ thứ nhất hiện lên hai hình ảnh đối lập thiên nhiên yên nghỉ còn con người lao động hào hứng.

Đoàn thuyền ra khơi trong khí thế hào hùng vui tươi, sảng khoái lời ca tiếng hát ra khơi không dứt vì sự giàu có tiềm ẩn trong lòng biển quê hương:

Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng,
Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng.
 Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!

Điệp ngữ biển đông nhằm xác định chủ quyền dân tộc, nghệ thuật ẩn dụ, so sánh diễn tả chính xác màu sắc và hình dáng của cá mà còn nói nói đến giá trị và sự đông đúc của cá thu trên biển. Nhà thơ còn nhân hoá các loài cá dưới biển bằng lời mời gọi thân thương, cá ơi, dệt lưới ta. Lời thơ thể hiện mơ ước niềm tin chuyến ra khơi này thắng lợi.

Khổ thơ thứ 3 của bài thơ nói về cảnh đánh cá một đêm trăng trên vịnh Hạ Long. Đoàn thuyền đang làm chủ vùng biển, họ tích cực trình tự trên biển của mình.

Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng,
Ra đậu dặm xa dò bụng biển,
 Dàn đan thế trận lưới vây giăng.

Hình ảnh mới lạ với bút pháp nhân hoá giàu tưởng tượng thiên nhiên kết hợp hài hoà với con người trăng làm buồm, gió cầm lái hướng dẫn thuyền đi, Vậy là trời mây nước cùng hợp lực đưa thuyền ra xa. Đoàn thuyền thực hiện công việc theo trình tự, Thuyền đầu dò tìm luồng cá rồi giăng lưới. Họ là những con người lao động tích cực giữa bao la biển trời. Khổ thơ diễn tả tâm trạng vui tươi của đoàn thuyền khi đánh cá trên biển.

Khổ 3 trong bài thơ thể hiện tư thế con người tự do làm chủ cuộc sống, làm chủ biển trời thì khổ 4 nhà thơ hướng tầm nhìn xuống lòng biển. Vẻ đẹp và tiềm năng dồi dào của biển hiện lên giữa đêm trăng. Nhà thơ liệt kê khá đa dạng các loài cá với đầy màu sắc. đuối đen hồng, là hình ảnh gợi tả bầy cá sóng phản chiếu ánh trăng như lễ hội rước đuốc, Đồng thời tác giả còn nhân hoá các loài cá đuôi em quẫy, làm ánh lên màu sắc của cá. Sau cùng là nhịp thở của vũ trụ về đêm “Đêm thở”. Là nối nhân hoá sinh động diễn tả cảnh sóng vỗ rì rào. Hàng triệu giọt nước tung bay chiếu ánh sáng trắng tạo lên ngàn sao leo đỉnh đầu đoàn thuyền vẫn cất cao tiếng đây là lời ngợi ca sự giàu có của biển.

Ta hát bài ca gọi cá vào,
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao,
 Biển cho ta cá như lòng mẹ,

Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.Qua nhịp thở của vũ trụ về đêm. Đoàn thuyền hứng khởi cất cao tiếng hát mời gọi cá vào lưới. Vẫn với biện pháp nhân hoá quen thuộc trăng soi bóng nước sáng lăn tăn bóng trăng đập vào thuyền. Tạo thành tác động trăng gõ thuyền để giúp người xua cá vào. Nghệ thuật nhân hoá kết hợp so sánh biển với lòng mẹ để nói lên niềm tự hào. Giọng thơ ấm áp chứa chan tình nghĩa.

Khổ 6 khi trăng đã xế ngang đầu, vũ trụ đi đến nửa đêm về sáng cũng là thời điểm chín muồi để đoàn thuyền thu hoạch mẻ cá đầy lưới.

Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng,
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng,
Vảy bạc đuôi vàng loé rạng đông,
 Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.

Bầu trời sao đã thưa và mờ, cảnh kéo lưới được miêu tả đầy ấn tượng, Những cánh tay rắn chắc kéo lưới, xoăn tay. “Chùm cá nặng” là hình ảnh ẩn dụ được mùa cá. Trên khoang thuyền đầy ắp các loại cá vẩy bạc, đuôi vàng. Một lần nữa cho thấy nghệ thuật sử dụng màu sắc của nhà thơ rất điêu luyện. Sắc cá dưới ánh trăng, đuôi cá được miêu tả thật tuyệt vời.

Khổ thơ cuối thể hiện cảm xúc mạnh mẽ, hình ảnh con người vội đưa thuyền quay về bến cũ.

Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá - mẫu 15

Nếu trước cách mạng, hồn thơ Huy Cận mang nỗi buồn vạn kỷ thì sau chuyến đi thực tế ở vùng mỏ Quảng Ninh làm nảy nở trở lại thi hứng của nhà thơ. Bài thơ “ Đoàn thuyền” ra đời trong thời gian ấy, đó là niềm vui trước cuộc sống hối hả và thiên nhiên đất nước.

Cuộc hành trình của đoàn thuyền đánh cá mở ra ba khoảng không, thời gian khác nhau: ra khơi, đánh cá và khi trở về. Không gian đất trời rộng lớn được khắc họa qua vài nét chấm phá tài hoa, hình ảnh một ngày tàn hiện lên thơ mộng nơi biển cả mênh mông:

“Mặt trời xuống biển như hòn lửa
 Sóng đã cài then đêm sập cửa”

Hình ảnh so sánh độc đáo ông mặt trời khổng lồ như hòn lửa đang từ từ lặn xuống phía đại dương và gồng mình gom lại những tia nắng trong ngày tạo nên không gian hùng vĩ. Liên tưởng táo bạo của tác giả kết hợp với biện pháp nhân hóa biến “ sóng” như một sinh thể cài cửa khi màn đêm buông xuống. Qua đó giúp người đọc hình dung vũ trụ như một ngôi nhà lớn chứa đầy bí ẩn sau bức màn đen huyền bí. Bóng tối bao trùm là lúc các hoạt động tạm dừng lại nhưng hình ảnh đoàn thuyền đánh cá phác họa trên nền bức tranh rộng lớn:

“Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
 Câu hát căng buồm cùng gió khơi”

Hình ảnh hoán dụ “ đoàn thuyền, câu hát” chỉ người dân chài lưới bắt đầu cuộc hành trình khám phá đại dương bao la. Câu ca ngân vang gợi khí thế hào sảng, tươi vui tràn đầy năng lượng. Tinh thần lạc quan ấy ta từng bắt gặp trong dòng suy nghĩ của ông lão đánh cá trong tiểu thuyết “ Ông già và biển cả”. Lời hát cất lên thật ý nghĩa:

“Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng,
Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng.
 Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!”

Câu hát luôn đồng hành cùng chặng đường gian nan phía trước của người dân chài. Họ ngợi ca sự giàu có của biển Đông “ cá bạc, cá thu như đoàn thoi”, ý thơ gợi sự trù phú của biển cả “ rừng vàng biển bạc”, như thuyền trưởng Ne-mo trong tiểu thuyết “ Hai vạn dặm dưới đáy biển” từng tự hào về nguồn tài nguyên bất tận đó. Trong câu ca còn chứa đựng mong ước của người dân về một chuyến ra khơi bình an: biển lặng, bội thu : dệt lưới, từng đoàn cá như người bạn gần gũi song hành cùng đoàn thuyền. Chúng kết thành luồng sáng để dẫn đường cho họ và lời gọi “ đoàn cá ơi!” cũng khẳng định tình cảm đặc biệt giữa người dân và biển mẹ. Con thuyền no gió biển khơi lướt đi hiên ngang giữa lòng biển vô cùng khơi dậy hình ảnh sống động:

“Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng,
Ra đậu dặm xa dò bụng biển,
 Dàn đan thế trận lưới vây giăng.”

Những chuyến ra khơi cô đơn bởi thiên nhiên ưu ái cũng kề vai sát cánh cùng con người. Bút pháp phóng đại gợi trong ta trưởng liên tưởng: sức gió làm bánh lái đưa con thuyền ra biển căng tràn năng lượng như con tuấn mã, vầng trăng làm cánh buồm, thiên nhiên cũng góp sức cùng con người và người lao động đã làm chủ thiên nhiên. Một loạt động từ “ lướt, ra đậu, dò, dàn thế trận” không chỉ gợi tốc độ phi thường mà còn hành động dứt khoát của đoàn thuyền trước thế trận của biển cả. Điểm nhìn thay đổi, nhà thơ ghi lại sức sống của biển với vô vàn loài cá quý “ cá nhụ, cá chim, cá đé, cá song”, khoảng không im lặng như nghe được tiếng thở của đại dương. Hình ảnh nhân hóa sáng tạo “ sao lùa nước Hạ Long” dường như những vì sao rơi xuống dòng chảy tạo nên nhịp sống bất tận. Lời ca vang lên gọi cá vào lưới có sự giúp đỡ của vầng trăng gõ vào mạn thuyền. Đồng thời câu hát thể hiện lòng biết ơn sâu sắc với biển mẹ hiền từ đã nuôi lớn những người con vùng biển:

“Biển cho ta cá như lòng mẹ
 Nuôi lớn đời ta tự thuở nào”

Cuộc hành trình đầy vất vả nhưng niềm tin tưởng vào sức mình đã giúp họ vượt lên tất cả. Hình ảnh đoàn thuyền kéo lưới là lúc người dân chài gặt hái thành quả lao động:

“Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng
Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông,
 Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.”

Sức khỏe cường tráng của cơ bắp dồn lại để cất mẻ cá nặng, đó là món quà hậu hĩnh của thiên nhiên đáp trả công lao của người dân. Những chú cá nằm trong lưới ánh lên sắc tươi sáng rạng đông được liên tưởng như những sản vật quý hiếm “ vàng, bạc” của biển cả. Hình ảnh “ nắng hồng” gợi nét duyên dáng, trẻ trung của buổi bình minh trên biển. Trải qua một đêm dài trên biển, giờ đây đoàn thuyền lại chạy hết tốc lực trở về đất liền cho kịp phiên chợ sáng:

“Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời
Mặt trời đội biển nhô màu mới
 Mắt cá huy hoàng muôn dặm khơi”

Lời hát đầy lạc quan lại ngân vang chứa niềm tin, nghị lực sống bền bỉ của người dân làng chài. Chi tiết “ mặt trời” tỏa vầng sáng tươi mới khắc tạc một bình minh diễm lệ, huy hoàng. Nơi khoang thuyền đầy ắp cá cũng chứa đựng hàng ngàn mặt trời bé con, nới thắp sáng niềm vui sống mãnh liệt.

Bằng thể thơ thất ngôn mang âm hưởng hào hùng, khỏe khoắn, nhà thơ Huy Cận không chỉ phác họa hình ảnh tráng lệ của thiên nhiên đất nước và cuộc sống lạc quan, hối hả của người dân lao động mà còn thể hiện tình yêu, niềm tự hào của một thi nhân.

Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá - mẫu 16

Người ta nói: thời đại nào, văn học ấy. Khi đất nước đang hồ hởi đi lên xây dựng xã hội chủ nghĩa với một niềm vui lớn, niềm tin vào tương lai thì văn học chính là tiếng hát vui say, cất cao của con người thời đại. Cứ nghe những câu thơ của Huy Cận trong “Đoàn thuyền đánh cá” là có thể cảm nhận được.

“Đoàn thuyền đánh cá” là thành quả thu hoạch của Huy Cận sau chuyến công tác dài ngày ở vùng biển Quảng Ninh năm 1958. Đây là thời kì miền Bắc tích cực đi lên xây dựng xã hội chủ nghĩa, làm hậu phương vững chắc cùng miền Nam kháng chiến chống Pháp. Không khí lúc này, được chính Huy Cận chia sẻ, trời đất vui tươi, cuộc sống vui tươi, ai cũng tích cực lao động, tích cực cống hiến. Phải chăng chính không khí sôi nổi và tích cực ấy đã thôi thúc ngòi bút Huy Cận viết lên những câu thơ này?

Mở đầu bài thơ đưa ta đến với khung cảnh hùng vĩ của biển cả đại dương:

“Mặt trời xuống biển như hòn lửa.
 Sóng đã cài then, đêm sập cửa.”

Cảnh hoàng hôn hiện lên thật tráng lệ. Mặt trời đang dần khuất sau phía chân trời, những đợt sóng để nhường chỗ cho màn đêm. Trong cảm quan của nhà thơ, thiên nhiên như một ngôi nhà khổng lồ. Sau một ngày làm việc vất vả, nó đang bắt đầu hành trình nghỉ ngơi của mình. Mặt trời được so sánh như hòn than khổng lồ sáng rực trước khi tàn lụi mà mặt biển chính là cánh cửa để những con sóng cài then, đợi màn đêm đến “sập” cửa lại. Biện pháp so sánh “như hòn lửa” và nhân hóa “sóng cài then”, “đêm sập cửa” làm cho thiên nhiên rộng lớn trở nên thân thuộc, gần gũi và ấm áp như trong chính cuộc sống của chúng ta vậy. Lúc thiên nhiên chuẩn bị nghỉ ngơi, lại chính là khi hành trình của đoàn thuyền bắt đầu:

“Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
 Câu hát căng buồm cùng gió khơi.”

Không phải là một con thuyền lẻ loi, đơn độc mà là cả một “đoàn thuyền” với sức mạnh lớn, khát vọng lớn chinh phục biển khơi, phục vụ cuộc sống. Từ “lại” đã khiến cuộc hành trình lớn lao thành hoạt động thường nhật, những hoạt động đã lặp đi lặp lại có tính thường xuyên. Khi ấy, khúc hát lên đường lại được cất cao. Câu hát lạc quan, yêu đời của con người có thể cất cao cùng cánh buồm hay chính sức mạnh của câu hát đã cùng gió khơi đã thổi căng cho cánh buồm để mau chóng đến với những vùng trời mơ ước?

Họ hát gì trong những câu hát ấy?

“Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng,
Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng
 Đến dệt lưới ta đoàn cá ơi!”

Một loạt những danh từ về các loài cá cùng với phép liệt kê tạo cho đoạn thơ giọng gấp gáp, dồn dập. Những mẻ lưới đầy ắp cá tôm với: nào là cá bạc biển Đông, cá thu biển Đông như đoàn thoi,… Câu thơ không chỉ ngợi ca thiên nhiên giàu đẹp, trù phú mà còn là mong ước một chuyến ra khơi đầy bội thu và thành công. Thiên nhiên trong mắt con người chính là những người bạn. Và họ hát để mời gọi cá vào lưới: “Đến dệt lưới ta đoàn cá ơi”.

Bốn khổ thơ tiếp theo chính là hình ảnh của đoàn thuyền trong không gian đêm trăng thơ mộng Vịnh Hạ Long. Mỗi khổ là một nét vẽ tài hoa về biển trời bao la, trăng nước hữu tình và đặc biệt con người hiện lên với tầm vóc lớn lao, với tư thế hiên ngang, yêu đời:

“Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng,
Ra đậu dặm xa dò bụng biển,
 Dàn đan thế trận lưới vây giăng.”

Câu thơ sử dụng những chất liệu cổ điển: “gió, trăng, mây, biển” nhưng câu thơ không hề cũ, mà ngược lại, được thổi một luồng không khí tươi mát, khỏe khoắn bởi giọng thơ nhẹ tênh, thư thái. Thiên nhiên hiện lên rộng lớn với gió, trăng, mây, biển. Nhưng tất cả chỉ làm nền cho sự xuất hiện của con thuyền. Con thuyền ấy có gió làm bánh lái, có trăng làm buồn, lướt giữa “mây cao và biển bằng”. Thiên nhiên chính là một công cụ, là phương tiện để con thuyền thể hiện sức mạnh và tầm vóc của mình. Hãy nhìn cách nó chinh phục thiên nhiên: “dò bụng biển, dàn đan thế trận, lưới vây giăng” – chiến thuật đầy chi tiết và hùng tráng. Con thuyền như con chiến mã đã sẵn sàng bước vào trận chiến.

Nhưng cũng có lúc, họ lặng yên để cảm nhận vẻ đẹp sóng nước:

“Cá nhụ cá chim cùng cá đé,
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe.
 Đêm thở: Sao lùa nước Hạ Long.”

Cổ nhân có câu: “Thi trung hữu họa” thật không sai. Bức tranh biển có sự trù phú của cá nhụ, cá chim, cá đé, cá song; có màu lấp lánh của đuốc, không hề tĩnh mà động với hành động “quẫy” và “thở” của thiên nhiên. Trong cái nhìn tác giả, những đàn cá nối đuôi nhau trên biển, đông đúc như đoàn người đang đốt đuốc trong đêm: sáng rực. Đẹp và thanh bình làm sao khi tâm hồn ta nghe được tiếng quẫy nước của cá và lấp lánh ánh trăng chiếu xuống, gần gũi gọi một tiếng “em”, còn nghe được cả tiếng nước dập dờn mặt biển mà liên tưởng là tiếng “Đêm thở”.

Thời gian trôi qua, một ngày mới đang đến cùng với nhịp điệu sôi nổi, khẩn trương:

“Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng,
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng.
Vảy bạc đuôi vàng lóe rạng đông,
 Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.”

Một chữ “kịp” là thời cơ thích hợp để con người tận hưởng thành quả của mình: những chùm cá nặng, với “vảy bạc đuôi vàng lóe rạng đông”. Một thành quả thật đáng mong đợi với hành động “kéo xoăn tay”. Một từ “xoăn” không chỉ thể hiện sức nặng của thành quả mà còn là vẻ đẹp khỏe khoắn của những chàng trai trong tư thế chiếm lĩnh, chinh phục. Đẹp nhất là hình ảnh những mẻ cá cứ xếp xếp đầy lên, ánh nắng ngày mới chiếu vào thành luồng ánh sáng lấp lánh của ban mai: “lóe rạng đông”. Câu thơ cuối ngắt nhịp 2/2/3 chậm rãi như sự thư thái của con người đang tận hưởng thành quả và chờ đón tương lai.

Đoạn thơ cuối là hình ảnh đoàn thuyền trở về trong chiến thắng:

“Câu hát căng buồm với gió khơi,
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.
Mặt trời đội biển nhô màu mới,
 Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.”

Câu hát lại một lần nữa được cất cao cùng với gió khơi, làm căng những cánh buồm. Đoàn thuyền lại hiện lên trong tư thế hiên ngang của nó: “chạy đua cùng mặt trời”. Đó là cuộc chạy đua về thời gian để kịp tham gia và công cuộc xây dựng cuộc sống mới hay cũng có thể là cuộc chạy đua về sức mạnh. Con người bây giờ đang sánh ngang tầm với thiên nhiên rồi. Nếu đầu bài thơ là hình ảnh mặt trời xuống biển thì cuối bài lại là một mặt trời mới, với màu mới: màu của tương lai, của tự do, ấm no và hạnh phúc. Câu thơ cuối mở ra bát ngát với hình ảnh những mặt trời nhỏ xíu đang tỏa sáng: “Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi”.

“Đoàn thuyền đánh cá” thực sự là một khúc tráng ca về thiên nhiên và con người lao động mới trong công cuộc dựng xây và phát triển đất nước. Hồn thơ Huy Cận từ “nỗi sầu vạn kỷ đã ngàn đời ngấm ngầm trong cõi đất này” nay gặp được cuộc đời mới, như được hồi sinh, để cất lên những khúc ca về con người, về đất nước.

Niềm vui say lao động ấy, vẫn đọng lại trong người đọc một sự hân hoan, dù bài thơ đã kết thúc. Đó chính là dư vang của tác phẩm nghệ thuật…

Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá - mẫu 17

Năm 1958, trong không khí phấn khởi thi đua của toàn miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhà thơ Huy Cận trong một dịp đi thực tế ở vùng biển Quảng Ninh đã sáng tác bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”. Với âm hưởng vừa khỏe khoắn, vừa sôi nổi lại vừa phơi phới bay bổng, bài thơ đã ca ngợi sự giàu đẹp của vùng biển quê hương và tinh thần lao động hăng say, phấn khởi của người lao động được giải phóng hăng hái làm việc cho đất nước.

Với đôi mắt quan sát tinh tế, trí tưởng tượng phong phú, trái tim nhạy cảm và nghệ thuật điêu luyện, nhà thơ đã vẽ ra một khung cảnh lao động tuyệt đẹp. Mở đầu bài thơ, tác giả gắn liền không gian và thời gian đoàn thuyền đánh cá ra khơi:

Mặt trời xuống biển như hòn lửa
 Sóng đã cài then, đêm sập cửa.

Một bức tranh thiên nhiên đẹp, có cái thoáng rộng của không gian và thời gian của một ngày đang khép lại. Trong cái mênh mông ấy nổi bật lên hình ảnh mặt trời được ví “như hòn lửa” đỏ rực gợi tả màu sắc sinh động của buổi hoàng hôn trên biển đang chuyển về đêm. Đó cũng là cảnh tượng ấn tượng nhất của đại dương trước khi đi vào yên nghỉ trong đêm. Miêu tả mặt trời, nguyễn tuân cung có điểm nhìn tương như thế: “Tròn trĩnh phúc hậu như lòng đỏ một quả trứng. Lòng đỏ trứng khổng lồ đặt lên một cái mâm bạc rộng bằng cả một cái chân trời màu ngọc trai nước biển hửng hồng. Y như một mâm lễ phẩm tiến ra từ trong bình minh để mừng cho sự trường thọ của tất cả những người chài lưới trên muôn thuở biển Đông”.

Bầu trời và mặt biển bao la như ngôi nhà vũ trụ trong khoảnh khắc đã phủ bóng tối mịt mùng, còn những con sóng như chiếc “then cài” của ngôi nhà vĩ đại ấy. Biện pháp nhân hóa “sóng đã cài then, đêm sập cửa” khiến thiên nhiên như những con người biết hoạt động, biết nghi ngơi. Cảm hứng vũ trụ, biện pháp tu từ so sánh, nhân hóa đã tạo nên những vần thơ đẹp cho người đọc nhiều ấn tượng. Khi vũ trụ đi vào trạng thái nghỉ ngơi thì con người bắt đầu hoạt động :

Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
 Câu hát căng buồm cùng gió khơi.”

Không phải từng chiếc thuyền lẻ tẻ mà là cả một “đoàn thuyền”, một sức mạnh mới của cuộc đời đổi thay đang bắt đầu căng buồm. Từ “lại” trong cụm từ “lại ra khơi” là sự khẳng định nhịp điệu lao động của người dân chài đã ổn định, đã đi vào nề nếp. Đoàn thuyền ra khơi với khí thế căng trào.

Cảnh tượng ấy thể hiện qua nghệ thuật tương phản: giữa cảnh ngày tàn với đêm mở ra, giữa cái tĩnh (vũ trụ) và cái động (con người). Nhạc điệu cũng có sự đối lập: tả vũ trụ với những vần trắc liên tiếp (lửa-cửa) như khép lại, và những vần bằng (khơi – khơi) như mở ra, ngân nga kéo dài. Sự đối lập ấy giúp người đọc cảm nhận được nỗi vất vả của việc đánh cá về đêm. Công việc đánh cá ban đêm trên biển là công việc nặng nhọc, đầy bất trắc nhưng đoàn quân xông trận vẫn cất cao tiếng hát. Tiếng hát vút lên cùng với những cánh buồm lộng gió: “Câu hát căng buồm cùng gió khơi”.

Một chi tiết lãng mạn đầy sáng tạo được xây dựng bằng trí tưởng tượng, liên tưởng, khiến ta tưởng như tiếng hát hòa cùng gió mạnh thổi căng cánh cánh buồm đẩy thuyền rẽ sóng – ra khơi. Cánh buồm no gió, tràn căng tiếng hát biểu hiện niềm lạc quan, tin tưởng, phấn khởi, nhiệt tình tác động của đoàn thuyền.

Vẫn nhịp thơ sôi nổi, hào hứng, khổ thơ tiếp theo là nội dung lời hát thể hiện tâm tư người lao động:

Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng,
Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng.
 Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!

Đó chính là ước mơ của bất kỳ người dân biển nào, ước mơ trời yên bể lặng, mong mỏi đánh bắt được nhiều cá và là niềm say mê sự giàu đẹp của quê hương. Niềm ước mong ấy phản ánh tấm lòng đôn hậu của những ngư dân từng trải qua nhiều nắng gió, bão tố trên biển. Lời thơ là một trường liên tưởng nối tiếp với những hình ảnh so sánh, nhận hóa sinh động.

Từng đàn cá thu lao trên mặt biển như “đoàn thoi” dệt biển. Con thoi mang sợi tơ dệt vải thì cá thu mang ánh sáng phản chiếu lấp lánh dệt nên muôn luồng sáng lung linh, kỳ ảo trên thảm biển. Và từ đó, tác giả liên tường tiếp: “Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!”. Thật là một sự tưởng tượng độc đáo. Từ hình ảnh đoàn cá “dệt biển” mà kêu gọi “đến dệt lưới ta” đã nói lên ước vọng đánh bắt được thật nhiều cá. Quả thật, sự say mê vẻ đẹp của biển đã làm giảm bớt bao nỗi nhọc nhằn, vất vả, đem lại niềm vui và sức mạnh cho con người chinh phục thiên nhiên. Những từ ngữ trong khổ thơ là bạc”, “cá thu”,”đoàn cá”, “dệt biển”, “dệt lưới” khiến câu hát như một điệp khúc nhấn mạnh sự giàu đẹp của biển cả quê hương.

Hai khổ thơ có giá trị tạo hình đặc sắc, vẽ lại bức tranh lao động hoành tráng, tràn ngập ánh sáng và màu sắc, tràn đầy sức sống mãnh liệt. Trong đó con người đã hòa hợp với thiên nhiên hùng vĩ, bao la và thậm chí, vượt qua cả thiên nhiên nữa.

Mở đầu khổ thứ ba là hình ảnh đoàn thuyền lướt đi giữa trời cao biển rộng có cái lân lân, sảng khoái lạ thường:

Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng,
Ra đậu dặm xa dò bụng biển,
 Dàn đan thế trận lưới vây giăng.

Lời thơ vẽ ra một bức tranh lông lộng trời mây, mênh mông biển cả. Hình ảnh đoàn thuyền được làm đẹp thêm bởi một sức tưởng tượng kỳ lạ, giàu chất lãng mạn: thuyền lái gió, trăng là cánh buồm. Cách nói như vậy giúp ta cảm nhận được thuyền và con người như hòa nhập vào thiên nhiên bát ngát, lâng lâng trong cái thơ mộng của trời, biển, gió, trăng.

Từ “lướt” đặc tất cảnh đoàn thuyền ra khơi với vận tốc phi thường; thiên nhiên cùng góp sức với con người trên con đường lao động và khám phá. Tư thế ra khơi nhẹ nhàng, thoải mái, đầy khí thế đó chỉ có ở những con người vừa thoát khỏi kiếp sống nô lệ, được làm chủ sản xuất, làm chủ đất trời, sông biển của mình. Nhưng lao động không phải là một cuộc du ngoạn. Hai câu thơ tiếp khắc họa hình ảnh một trận đánh, một cuộc chiến đấu với thiên nhiên bằng tất cả trí tuệ và năng lực nghề nghiệp. Nhịp thơ càng hối hả lôi cuốn.

Bên cạnh cái ung dung, sảng khoái của người dân chài, ta vẫn cảm nhận được nỗi vất vả của người lao động. Họ phải vượt bao dặm biển trong trời đêm, rồi phải “dò bụng biển”, tìm ra bãi cả, “dàn đan thế trận” để bủa lưới bắt cá. Lúc này, mỗi thủy thủ là một chiến sĩ, một chiến sĩ trên biển và con thuyền, mái chèo, lưới, các ngư cụ khác chính là vũ khí của họ. Huy Cận phải có sự am hiểu sâu sắc về nghề chài lưới này và lòng thông cảm với người lao động mới vẽ được bức tranh vừa hiện thực, sinh động mà lãng mạn ấy.

Bức tranh lao động được tô điểm bằng vẻ đẹp của thiên nhiên. Cái nhìn của nhà thơ đối với biển và cá cũng có những sáng tạo bất ngờ, độc đáo:

Cá nhụ cá chim cùng cá đé,
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,
Cái đuôi em quẫy trăng vàng choé,
 Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.

Bút pháp lãng mạn và trí tưởng tượng của nhà thơ dẫn ta vào một cõi huyền ảo của biển trời với bao nhiêu loài cá mang màu sắc lung linh kì ảo dưới ánh trăng. Nghệ thuật liệt kê và điệp từ “cá” như khắc họa rõ từng đường nét, góp phần làm biển trở nên thơ mộng vô cùng. Cách diễn tả như vậy giúp ta cảm nhận được cái giàu đẹp của biển, vì tất cả ánh sáng, màu sắc đều là của cá và do cá tạo nên. Con cá song là một nét vẽ tài hoa. Vảy đen, hồng, lấp lánh trên biển, chan hòa trong ánh trăng “vàng choé”. Cái đuôi cá quẫy được so sánh với ngọn đuốc rực cháy. Nghệ thuật phối màu tài tình làm cho vần thơ đẹp như một bức tranh sơn mài rực rỡ.

Bầy cá như những nàng tiên trong vũ hội Cảnh đẹp không chi ở màu sắc, ánh sáng, mà còn ở âm thanh. Nhìn đàn cá bơi lượn, nhà thơ lẳng nghe tiếng sóng vỗ rì rầm. Đêm được nhân hóa như một sinh vật của đại dương; “Đêm thở”. Nhịp thở của đêm là tiếng sóng vỗ rì rào, cao thấp. Sao phản chiếu lấp lánh trên từng đợt sóng “lùa”, mặt nước càng làm tiếng thở có vẻ kỳ ảo. Nó là sự độc đáo, mới lạ trong sáng tạo nghệ thuật. Lao động trong một khung cảnh nên thơ như vậy quả là thú vị.

Cùng với chất lãng mạn, bay bổng, người dân chài cất lời hát tả lại công việc lao động với niềm tự tin và yêu đời mãnh liệt:

Ta hát bài ca gọi cá vào,
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao,
Biển cho ta cá như lòng mẹ,
 Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.

Bài hát căng buồm đưa đoàn thuyền ra khơi, bài hát lại vang lên trong công việc, biến lao động cực nhọc thành niềm vui. Lời ca gọi cá vào lưới nâng cao thêm chất thơ mộng của bức tranh. Người dân chài gõ thuyền xua cá vào lưới, ng đây không phải là con người mà ánh trăng: trăng in xuống dòng nước, sóng vỗ vào mạn thuyền thành hình ảnh “nhịp trăng” gõ thuyền. Hiện thực được trí tưởng tượng sáng tạo thành hỉnh ảnh lãng mạn, giàu chất thơ. Cái nhìn của nhà thơ đối với biển cả và con người là cái nhìn tươi tắn, lạc quan, ông như hòa nhập vào công việc, vào con người, vào biển cả. Từ đó, cảm xúc dâng trào, không thể không cất lên tiếng hát ca ngợi biển:

“Biển cho ta cá như lòng mẹ
 Nuôi lớn đời ta tự thuở nào”

Biển ta giàu đẹp. Biển ta bao dung. Biển đem hạnh phúc đến cho con người. Biển hào phóng cho con người nhiều tôm cá, muối, hải sản… Biển như lòng mẹ đã nuôi sống dân chài từ bao đời nay. Giọng thơ tự nhiên, tha thiết, chân thành có âm hưởng ca dao. Hình ảnh so sánh “như lòng mẹ” quen thuộc, có sức truyền cảm mãnh liệt, thể hiện tình yêu biển, yêu đời chan chứa của những con người gắn bó với biển từ bao đời, bao thế hệ.

Bóng đêm đang dần tàn, một đêm trôi qua thật nhanh trong nhịp điệu lao động hào hứng, hăng say. Trên bầu trời, sao đã thưa và mờ. Ngày đang đến, nhịp độ lao động ngày càng khẩn trương, cảnh kéo lưới được miêu tả đầy ấn tượng.

Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng,
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng,
Vảy bạc đuôi vàng loé rạng đông,
 Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.

Nhịp thơ 2-2-3 phù hợp với nhịp lao động khẩn trương. Hình ảnh “kéo xoăn tay” miêu tả dáng người dân chài mạnh mẽ, nghiêng mình trụ vững, dồn tất cả sức mạnh vào đôi cánh tay cuồn cuộn trông mới đẹp làm sao! Trong cái “chùm cá nặng”như có sức ẩn chứa bao niềm vui tươi, sung sướng của người ngư dân trước thành quả mà họ đã tốn bao công sức mới thu hoạch được.

Lưới kéo lên, những tia nắng sớm chiếu trên khoang” cá đầy làm lấp lánh màu sắc. Khoang thuyền đầy ắp cá. Màu của vẩy cá, màu vàng của đuôi cá “lóe rạng đông”. Nghệ thuật dùng từ của tác giả thật điêu luyện, sắc cá dưới ánh trăng và sắc cá dưới ánh bình minh đều được miêu tả tuyệt đẹp . Những câu thơ có màu sắc rực rỡ, nó mang lại thi vị, vẻ hấp dẫn riêng cho việc kéo lưới bình thường. Câu thơ cuối nhẹ thơ gọn, dứt khoát kết thúc một cuộc hành trình gian nan.

Lời thơ giản dị biểu hiện niềm thư thái của con người: lưới xếp nghỉ, kéo buồm lên, trở về trong buổi bình minh. “Nắng hồng” không những khắc họa được vẻ đẹp tươi sáng của bầu trời mà còn thể hiện được lòng yêu đời, yêu thiên nhiên. Màu hồng của một ngày mới, một cuộc đời mới đang chào đón mọi người.

Câu hát căng buồm với gió khơi,
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.
Mặt trời đội biển nhô màu mới
 Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.

Bài thơ kết thúc bằng một hình ảnh đẹp của một ngày mới, đoàn thuyền trở về với cá đầy áp: mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi. Mở đâu bài thơ là hình ảnh “mặt trời xuống”, giờ là “mặt trời đội biển” nhô lên giữa những sóng nước mênh mông. Không khí lao động cực kỳ phấn khởi bởi niềm vui chiến thắng, bởi thái độ nhiệt tình, yêu lao động. Bài thơ khép lại nhưng mở ra một tương lai tươi sáng hơn trong công cuộc xây dựng đất nước.

“Đoàn thuyền đánh cá” là một bài ca lao động hăng say, hào hùng. Băng bút pháp lãng mạn, nhịp thơ khỏe với trí tưởng tượng mới mẻ, độc đáo, Huy Cận đã ca ngợi sự giàu đẹp của biển quê hương, và đặc biệt là hình ảnh người lao động được miêu tả với nhiêu vẻ đẹp: sự sảng khoái của người làm chủ đất nước, nhiệt tình lao động với tất cả tình yêu biển, yêu nghề. Vì vậy, đọc bài thơ ta càng thêm yêu đất nước và con người lao động Việt Nam.

Bài thơ lặp lại 4 lần chữ “hát” thực chất là một bài ca, một tráng khúc vê lao động và vê thiên nhiên đất nước giàu đẹp. Khúc ca ấy vừa hào hứng, vừa phơi phới và khỏe khoắn, mạnh mẽ, kết hợp với sự vận động tuần hoàn của thiên nhiên vũ trụ. Chính vì vậy, “Đoàn thuyền đánh cá” được xem như bước khởi đầu trong cảm hứng mới về thiên nhiên đất nước và niềm tin ở cuộc sống mới đang sôi động. Niềm tin ấy đã giúp nhà thơ có tinh thần lạc quan và yêu đời hơn.

Đoàn thuyền đánh cá thể hiện nguồn cảm hứng lãng mạn ngợi ca biển cả lớn lao, giàu đẹp, ngợi ca nhiệt tình lao động vì đất nước giàu đẹp của những người lao động mới. Bài thơ khắc hoạ thành công hình ảnh đẹp đẽ, tráng lệ, thể hiện sự hài hoà giữa thiên nhiên và người lao động, đồng thời bộc lộ niềm tự hào của tác giả trước sự hồi sinh của đất nước và cuộc sống con người.

Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá - mẫu 18

“Đoàn thuyền đánh cá” được đánh giá là một trong những bài thơ ca ngợi lao động rất hay và đẹp. Từ hình ảnh, các biện pháp tu từ đều đầy chất thơ lãng mạn. Dưới đây là bài phân tích bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” để các bạn học sinh tham khảo.

Chỉ với 4 câu thơ đầu tiên, Huy Cận đã vẽ nên một khung cảnh hoàng hôn rực rỡ. Có mặt trời như “hòn lửa”, có màn đêm ập xuống nhanh như “sập cửa”. Và đó cũng là lúc đoàn thuyền đánh cá ra khơi cùng những “câu hát căng buồm” đầy sức sống. Đó cũng là khí thế hừng hực xây dựng đất nước. Người dân chài ca ngợi sự giàu đẹp của biển, của các loài cá tôm đầy ắp biển nuôi sống mình mỗi ngày.

Hát rằng: Cá bạc biển Đông lặng
Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng.
 Đến dệt lưới ta, đàn cá ơi!

Vẻ đẹp của biển đã xoa dịu đi nỗi vất vả của công việc chài lưới. Tác giả sử dụng những từ ngữ rất thơ “lái gió”, “buồm trăng”, “lướt”, “dò bụng biển”… Công việc dù có nặng nhọc nhưng giữa biển trời bao la lại giống một cuộc dạo chơi đầy thi vị. Huy Cận ca ngợi từng loại cá như gọi những gì thân thương, quý báu nhất. Đó là châu ngọc của biển cả, là món quà mẹ biển ban tặng cho mỗi người con của mình:

Cá nhụ cá chim cùng cá đé,
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe.
 Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.

Ánh trăng “vàng chóe” lóng lánh trên mặt nước, hòa cùng ánh bạc của vảy cá lấp lánh. Bài ca của những ngư dân vẫn thiết tha mạnh mẽ. Cả biển cả và con người như hòa vào làm một.

Hai khổ thơ cuối là cảnh bình minh ngày mới rạng rỡ trên biển. Ngư dân khẩn trương kéo lưới “chạy đua” vào bờ. Bóng họ in trên bình minh buổi sớm đầy mạnh mẽ: “kéo xoăn tay chùm cá nặng”. Khoang tàu đầy ắp cá thể hiện sự hân hoan và giàu có của biển khơi. Hình ảnh đoàn tàu “chạy đua cùng mặt trời” vừa khỏe khoắn, vừa hào hùng. Đó là sức mạnh của con người chinh phục thiên nhiên, làm giàu quê hương, xây dựng đất nước.

Phân tích bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” để thấy đây là bài ca lao động đầy hăng say, hứng khởi. Là những lời ngợi ca người dân lao động cần cù, thiện lương và mạnh mẽ. Đây cũng là hình tượng con người thời đại mới kiêu hãnh và vững vàng với tương lai tươi sáng.

Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá - mẫu 19

Nổi tiếng từ phong trào Thơ mới, Huy Cận đến với nền thơ với lời thơ thấm thía bao nỗi buồn, tràn ngập cái sầu nhân thế. Thiên nhiên trong tập thơ thường bao la, hiu quạnh, đẹp nhưng thường buồn. Nỗi buồn đó dường như vô cớ, siêu hình. Nhưng xét đến cùng, chủ yếu là buồn thương về cuộc đời, kiếp người, về quê hương đất nước. Hồn thơ "ảo não", bơ vơ đó vẫn cố tìm được sự hài hòa và mạch sống âm thầm trong tạo vật và cuộc đời.Sau Cách mạng, thơ Huy Cận dạt dào niềm vui, là bài ca vui về cuộc đời, là bài thơ yêu thiên nhiên, con người và cuộc sống. Ông tìm được nguồn sống từ cuộc sống mới của dân tộc và say mê sáng tạo. Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá là một trong những tác phẩm nổi bậc của ông trong giai đoạn này.

Đoàn thuyền đánh cá được viết vào giữa năm 1958, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đã kết thúc thắng lợi, miền Bắc được giải phóng và bắt tay vào công cuộc xây dựng cuộc sống mới. Niềm vui dạt dào tin yêu trước cuộc sống mới đang hình thành. Đất nước đang thay da đổi thịt đã trở thành nguồn cảm hứng lớn của thơ ca lúc bấy giờ.Nhiều nhà thơ đã đi tới các miền đất xa xôi của Tổ quốc để sống và để viết. Tố Hữu, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Tuân, lên miền núi, đến với nhà máy, nông trường... Huy Cận có chuyến đi thực tế dài ngày ở vùng mỏ Quảng Ninh. Từ chuyến đi ấy, hồn thơ của ông mới thực sự nảy nở trở lại và dồi dào cảm hứng về thiên nhiên đất nước, về lao động và niềm vui trước cuộc sống mới.Xuyên suốt bài thơ là bút pháp sáng tác lãng mạn, bay bổng, cảm xúc vũ trụ độc đáo tuôn trào. Thi phẩm đã để lại cho người đọc nhiều bất ngờ thú vị, những ấn tượng sâu sắc.Mở đầu bài thơ là khung cảnh đoàn thuyền ra khơi đánh cá lúc hoàng hôn buông xuống:

"Mặt trời xuống biển như hòn lửa.

Sóng đã cài then, đêm sập cửa.

Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,

Câu hát căng buồm cùng gió khơi".

Bốn câu thơ có kết cấu gọn gàng, cân đối như một bài tứ tuyệt. Hai câu đầu tả cảnh, hai câu sau nói về con người. Buổi chiều không mang nét buồn; không gian, mặt biển bao la, hoành tráng; thiên nhiên tràn đầy sức sống. Hình ảnh mặt trời rực rỡ từ từ xuống biển chói lòa ánh sáng. Phép nhân hóa và ẩn dụ "Sóng đã cài then đêm sập cửa" gợi cho người đọc cảm nhận thiên nhiên, vũ trụ,biển cả như đi vào trạng thái tĩnh lặng, nghỉ ngơi, thư giãn. Vũ trụ giờ đây như một ngôi nhà khổng lồ, sẵn sàng che chở cho tất cả.Thế nhưng vũ trụ đi vào yên nghỉ nhưng không hề thấy nét lụi tàn mà ngược lại càng trở nên huy hoàng, mỹ lệ. Ánh sáng mặt trời bừng lên mãnh liệt ngỡ như có thể khiến cho cả đại dương sôi sục trong sức nóng bỏng khủng khiếp. Thủ pháp so sánh độc đáo, khiến người đọc bất ngờ, thú vị. Những con sóng lăn tăn trên mặt biển như khép lại cánh cửa của ngày. Màn đêm biển cả mở ra, sâu thẳm và huyền bí.Trước khi vũ trụ đi vào lặng lẽ, đoàn thuyền đánh cá căng buồm ra khơi. Nhịp thơ vừa chùng xuống lập tức căng lên theo cách buồm ngược gió:

"Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,

Câu hát căng buồm cùng gió khơi".

Từ "lại" cho ta thấy đây không phải là lần đầu tiên đoàn thuyền ra khơi mà đã rất nhiều lần và trở nên quen thuộc. Một tư thế chủ động mạnh mẽ, đầy tin tưởng trong bài ca lao động tươi vui. Cảnh và người tưởng như đối lập song lại hòa hợp. Cảnh làm nền để cho hình ảnh con người nổi bật lên như tâm điểm của một bức tranh lao động khỏe khoắn. Khung cảnh vui tươi tràn ngập âm thanh và rực rỡ sắc màu, hứa hẹn một chuyến ra khơi thắng lợi.Trong câu hát, đoàn thuyền vượt sóng ra khơi, băng mình trên biển cả tìm kiếm những luồng cá. Tiếng hát vang vọng trong đại dương, tràn đầy khí thế:

"Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng,

Cá thu biển Đông như đoàn thoi

Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng.

Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi".

Biện pháp so sánh đầy hình ảnh kết hợp với lối chơi chữ độc đáo. "Cá thu biển Đông như đoàn thoi" khiến cho câu thơ nhộn nhịp theo từng đoàn cá chạy. Phép nhân hóa: "đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng" lập tức phá tan vẻ đơn điệu của biển đêm. Huy Cận đã hết sức chú ý đến việc xây dựng hình ảnh đặc sắc cho đoạn thơ nhằm tạo nên sự hài hòa giữa con người và biển cả. Đại dương không còn đáng sợ nữa. Đại dương giờ đây chính là ngôi nhà vĩ đại, là nguồn sống của con người.Lời ca tiếng hát là những ước mơ đẹp, ước mơ về một chuyến đi với những thành quả lao động cao, góp phần tích cực vào việc xây dựng cuộc sống mới tươi đẹp. Hình ảnh của sự liên tưởng sáng tạo, giàu ý nghĩa; hình ảnh mang chất thơ, thi vị hóa công việc đánh bắt cá nặng nhọc. Câu hát yêu đời, thiết tha, trìu mến, ca ngợi sự giàu đẹp của biển Đông Việt Nam, thiên nhiên Việt Nam.Cảm hứng lãng mạn giúp nhà thơ phát hiện vẻ đẹp của cảnh đoàn thuyền đánh cá trên biển trong đêm trăng với niềm vui phơi phới, khỏe khoắn khi con người làm chủ cuộc đời, làm chủ biển trời quê hương. Cảnh đoàn thuyền lướt sóng ra khơi, từng luồng cá bủa lưới vây giăng mang vẻ đẹp vừa hoành tráng, vừa thơ mộng

Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá - mẫu 20

Nhắc đến phong trào thơ mới trước Cách mạng tháng tám năm 1945, ta không thể nào không nhắc đến nhà thơ Huy Cận. Ông là một nhà thơ với tâm hồn tươi trẻ, dạt dào tình yêu thiên nhiên và lúc nào cũng nhìn thấy những sự sôi nổi, tươi vui từ trong những hình ảnh của đất nước, con người ở thời đại mới. Đoàn thuyền đánh cá chính là một bài thơ nói lên cái chất riêng trong thơ của ông. Bài thơ được sáng tác năm 1968, trong một chuyến đi thực tế của tác giả ở vùng biển Quảng Ninh. Đọc bài thơ, ta thấy được một bức tranh thiên nhiên tràn đầy sức sống, đây cũng là một khúc ca hùng tráng về đất nước, về con người.

Khác với cuộc sống của những người bình thường, khi họ đi làm vào ban ngày và trở về vào buổi tối thì những người ngư dân trên biển lại bắt đầu làm việc khi mọi người ai nấy đã trở về nhà:

"Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then, đêm sập cửa
 Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi"

Một hình ảnh thiên nhiên thật đẹp được tác giả gợi tả qua câu thơ đầu tiên của bài thơ. Đó là lúc hoàng hôn buông xuống, mặt trời đỏ rực như một quả cầu lửa đang chìm dần xuống đáy đại dương. Sóng khi ấy cũng đã cài then, để màn đêm buông xuống với cái cửa tối đóng sầm lại. Hình ảnh so sánh giàu tính nghệ thuật, gợi liên tưởng thật thú vị qua hai câu thơ đầu tiên. Chính trong hoàn cảnh vào ban đêm ấy, người ngư dân phải ra khơi, bắt đầu công việc của mình. Từ "lại" cho thấy đây không phải công việc bất chợt mà nó được lặp đi lặp lại, có tính thường nhật. Người ngư dân vốn đã quen với cái nghề "lênh đênh sóng nước" này rồi. Bắt đầu làm việc, họ cũng bắt đầu cất lên tiếng hát yêu đời, say mê: "Câu hát căng buồm cùng gió khơi". Người ngư dân cất lên những câu hát về cuộc sống trong suốt hành trình làm việc kéo dài từ đêm tới sáng của mình. Họ hát về những thứ:

"Hát rằng: Cá bạc biển Đông lặng
Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng
 Đến dệt lưới ta, đàn cá ơi!

Trong câu hát của những người ngư dân, ta thấy được hình ảnh của các loài cá. Nào là cá bạc, cá thu.. là những sự hiện thân sáng rõ nhất của biển cả, của đại dương mênh mông. Hình ảnh so sánh "Cá thu biển Đông như đoàn thoi" cho thấy một tài nguyên biển vô cùng phong phú, giàu có ở vùng biển Quảng Ninh. Vô vàn những loài cá tươi ngon ấy, hãy đến dệt lưới cho người ngư dân ngay thôi nào! Câu hát thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời của người ngư dân trên biển. Dù vất vả, khó khăn nhưng không gì có thể khiến họ đầu hàng được.

Với câu hát yêu đời, người ngư dân có một đêm làm việc hăng say trên biển:

"Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng
Ra đậu dặm xa dò bụng biển
 Dàn đan thế trận, lưới vây giăng"

Nhà thơ Huy Cận đã rất khéo léo khi sử dụng hình ảnh thơ đầy thi vị: "Thuyền ta lái gió với buồm trăng". Con thuyền được con người làm chủ tay lái, làm chủ tự nhiên "lái gió" và thiên nhiên "buồm trăng". Lái gió và chở cả trăng, chắc có lẽ ta không thể tìm được ở đâu một hình ảnh thơ độc đáo đến như vậy. Con thuyền tự do lướt giữa bầu trời và biển cả, cũng là một hình ảnh sáng tạo như ở câu thơ trên. Người ngư dân đang dàn thế trận, chờ đón kết quả của một buổi tối làm việc chăm chỉ.

Khổ thơ thứ tư càng làm rõ hơn tâm thế làm chủ thiên nhiên của con người:

"Ta hát bài ca gọi cá vào
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao
Biển cho ta cá như lòng mẹ
 Nuôi lớn đời ta tự buổi nào"

Một lần nữa, câu hát của người ngư dân lại cất lên, nhưng đó không phải câu hát thúc đẩy, khích lệ nhau bắt đầu làm việc nữa mà có lẽ là câu hát yêu đời, tha thiết gọi đàn cá đến đây để kéo được một mẻ lưới tươi ngon. Lời hát cùng với tiếng sóng gõ vào mạn thuyền như bắt nhịp với nhau, vừa hát vừa có tiết tấu, gợi hình ảnh đầy lãng mãn của con người lao động. Họ làm việc tuy vất vả nhưng vẫn luôn tươi vui. Câu thơ thứ ba là hình ảnh so sánh "Biển cho ta cá như lòng mẹ". Biển được so sánh với "lòng mẹ", mà lòng mẹ thì bao la, rộng lớn biết bao, biển đem đến cho ta thức cá tươi ngon, là thành quả cũng như nguồn sống của người ngư dân. Không những thế, mẹ thiên nhiên còn nuôi dưỡng ta, từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Sau cả một đêm làm việc vất vả, trời lúc này cũng đã sáng:

"Sao mờ kéo lưới kịp trời sáng
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng
Vảy bạc đuôi vàng lóe rạng đông
 Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng"

Trời đã sáng rồi, và thành quả của người ngư dân đang ở ngay trước mắt. Họ kéo được một mẻ cá đầy, đến mức "xoăn tay", và hiện lên trước mắt họ là những vảy cá lóe sáng lấp lánh dưới ánh nắng hồng. Có thể nói, nhà thơ đã không bỏ sót bất kì một hành động nào của người ngư dân. Những hành động rất đỗi quen thuộc hằng ngày của họ cũng có thể trở thành một hình ảnh thơ đầy tính nghệ thuật dưới con mắt của nhà thơ Huy Cận.

Cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về được miêu tả thật đẹp ở khổ thơ cuối:

"Câu hát căng buồm cùng gió khơi
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời
Mặt trời đội biển nhô màu mới
 Mắt cá huy hoàng muôn dặm khơi."

Đây là lần thứ ba câu hát được lặp lại trong bài thơ. Câu hát lúc này như trở thành một điệp khúc, nó được cất lên mỗi khi đoàn thuyền đánh cá đang muốn truyền tải một điều gì đó. Ở trong lời thơ cuối này thì có lẽ nhà thơ muốn truyền tải đến người đọc tinh thần lạc quan, yêu đời, tự tin chạy đua cùng với thiên nhiên của người ngư dân. Đoàn thuyền đang chạy đua thật nhanh với biển cả, để trở về trước khi bình minh lên cho kịp đưa những mẻ cá tới tay người bán. Hai câu thơ cuối là hình ảnh thơ đẹp nhất trong bài:

"Mặt trời đội biển nhô màu mới
 Mắt cá huy hoàng muôn dặm khơi."

Mặt trời được nhân hóa đang "đội" cả biển lớn, mở ra một ngày mới tràn đầy sôi động, đầy sức sống. Câu thơ sau với hình ảnh "Mắt cá huy hoàng" cho thấy sự tươi ngon, mặn mà của hải sản - cái mà mẹ thiên nhiên đã trao tặng cho chúng ta. Có thể nói, toàn bộ bài thơ là một bức tranh lao động đầy nhiệt huyết, tươi vui của người ngư dân ở vùng biển Quảng Ninh. Bức tranh ấy mở ra trước mắt người đọc một cuộc sống mới của đất nước khi bắt đầu xây dựng lại nền kinh tế sản xuất.

Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của nhà thơ Huy Cận đã cho thấy một cảm hứng lãng mạn, một bức tranh thiên nhiên tràn đầy sức sống, mang âm hưởng hào hùng. Không chỉ vậy, nó còn làm hiện lên hình ảnh đẹp đẽ của người dân lao động và sự giàu có, phong phú của biển cả dành cho con người. Qua bài thơ, ta hiểu thêm về hồn thơ Huy Cận và tấm lòng của ông đối với quê hương, đất nước.

Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá - mẫu 21

Huy Cận là một trong những nhà thơ tiêu biểu của nền thơ hiện đại Việt Nam, đồng thời cũng là một nhà thơ nổi tiếng trong phong trào Thơ Mới. Thơ ông dồi dào cảm hứng về thiên nhiên, vũ trụ, và con người lao động. “Đoàn thuyền đánh cá” là một trong những bài thơ đặc sắc của Huy Cận, khi bằng bút pháp lãng mạn bay bổng, thi phẩm đã tái hiện sự hài hòa của vẻ đẹp thiên nhiên và con người lao động, qua đó bộc lộ niềm tự hào, niềm vui của tác giả trước cuộc sống mới. “Đoàn thuyền đánh cá” quả thực đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc.

“Đoàn thuyền đánh cá” ra đời vào năm 1958 in trong tập “Trời mỗi ngày lại sáng”, khi đó miền Bắc đang bắt tay vào xây dựng xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh đó, Huy Cận có chuyến đi thực tế dài ngày ở vùng mỏ Quảng Ninh. Từ chuyến đi này hồn thơ Huy Cận mới thực sự nảy nở trở lại và dồi dào cảm hứng về thiên nhiên đất nước và con người lao động, niềm vui trước cuộc sống mới.Bài thơ có bảy khổ thơ, được triển khai theo hành trình một chuyến ra khơi. Đó là cảnh đoàn thuyền ra khơi, tiếp nối là cảnh đánh cá trên biển và cảnh đoàn thuyền trở về. Cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi khi hoàng hôn xuống được tác giả miêu tả sinh động trong hai khổ thơ đầu:

“Mặt trời xuống biển như hòn lửa

Sóng đã cài then, đêm sập cửa

Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi

Câu hát căng buồm cùng gió khơi”

Mở đầu bài thơ là hình ảnh thiên nhiên, hình ảnh “mặt trời” vào cuối ngày, đang từ từ lặn vào dòng biển khơi, dưới sự liên tưởng phong phú của thi sĩ, mặt trời lại được nhân hóa như con người đang xuống biển, được so sánh như “hòn lửa” rực rỡ. Hình ảnh ấy đã gợi ra một không gian lung linh, tráng lệ tuyệt đẹp, mà rất ấm áp, gần gũi với con người. Cùng với “mặt trời”, “sóng” và “đêm” cũng được nhân hóa thực hiện những hành động “cài then”, “sập cửa” đánh dấu sự chuyển giao giữa ngày và đêm. Đây là những liên tưởng rất thú vị và đặc sắc. Thiên nhiên, vũ trụ như một ngôi nhà khổng lồ, với màn đêm là những cánh cửa đang đóng sập xuống, những con sóng đang chuyển động là chiếc then cài cửa. Lúc ấy, cũng là lúc đoàn thuyền đánh cá ra khơi. Ta có thể dễ dàng thấy một không khí tập thể đầy khí thế và ra khơi là hoạt động thường xuyên diễn ra khi nhà thơ sử dụng hình ảnh “đoàn thuyền” kết hợp từ “lại”. Một không gian đông vui tấp nập đã được gợi ra qua những tiếng hát của người ngư dân làng chài trên biển khơi rộng lớn.

“Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng,

Cá thu biển Đông như đoàn thoi

Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng,

Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!”

Nhà thơ đã sử dụng phép liệt kê và nghệ thuật so sánh tinh tế ngợi ca sự giàu có của biển cả quê hương đêm ngày, từng đoàn cá đã dệt nên bức tranh tươi đẹp của biển khơi với muôn luồng sáng ngoài biển. Lời thơ đã thể hiện mong muốn công việc đánh cá thu được thành quả tốt đẹp. Tiếng ca trên biển mang theo khao khát chinh phục biển rộng của những người ngư dân nơi đây.Tiếp theo cảnh ra khơi, bốn khổ thơ sau, tác giả miêu tả cảnh đoàn thuyền đánh cá trên biển bao la, hùng vĩ. Mỗi khổ thơ là một nét vẽ về biển, trời, trăng, sao được thể hiện qua những liên tưởng, sáng tạo mà cũng rất đời sống, hiện thực:

“Thuyền ta lái gió với buồm trăng

Lướt giữa mây cao với biển bằng

Ra đậu dặm xa dò bụng biển

Dàn đan thế trận lưới vây giăng”

Bằng bút pháp lãng mạn, thi sĩ đã vẽ ra trước mặt người đọc một hình ảnh thật kỳ vĩ, khi trên biển cả mênh mông, vốn là chiếc thuyền sẽ càng trở nên nhỏ bé, thì ở đây chiếc thuyền như hóa lớn hòa nhập với không gian rộng lớn của thiên nhiên. Gió là người cầm lái, trăng là cánh buồm như đưa đoàn thuyền chạm tới mây trời. Trên nền ấy, những người ngư dân cũng như trở thành những người anh hùng của biển khơi. Họ ra đậu tận dặm xa dò trong lòng biển luồng cá để khai thác, và rồi dàn đan thế trận thả lưới vây giăng. Các động từ mạnh được nhà thơ sử dụng đã gợi tả vẻ đẹp lao động, khỏe khoắn, của người ngư dân. Công việc lao động nhọc nhằn của người đánh cá đã trở thành bài ca đầy hứng khởi giữa thiên nhiên. Và người lao động vừa hăng say làm việc vừa chiêm ngưỡng vẻ đẹp của biển cả với bao loài cá:

“Cá nhụ cá chim cùng cá đé,

Cá song lấp lánh đuốc đen hồng

Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe,

Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long”

Nghệ thuật liệt kê “cá chim, cá nhụ, cá đé, cá song” đã phát huy triệt để tác dụng để ngợi ca sự giàu có, thật nhiều tài nguyên của biển khơi đất nước. Biển cả không chỉ giàu mà còn rất đẹp, với ngọn “đuốc đen hồng” cá song đang lao đi trong biển cả dưới ánh trăng lấp lánh. Tác giả đã rất tinh tế khi phát hiện ra chấm tròn đen, hồng trên thân cá song tựa như những ngọn đuốc rực rỡ. Tô thêm vẻ đẹp nơi biển cả, chính là ánh trăng vàng chóe, ánh trăng như dát vàng trên mặt nước để cá quẫy đuôi như quẫy ánh trăng tan ra. Trí tưởng tượng của Huy Cận là vô hạn với tiếp một hình ảnh nhân hóa, “đêm thở”, “sao lùa”. Sao trên trời in hình xuống dòng nước, những con sóng đánh lên, mà tưởng như sao đang lùa dưới đáy đại dương như một sinh vật đang di chuyển, tiếng rì rào của sóng biển chính là tiếng thở của đêm.Sau khi thả lưới và đợi chờ, người ngư dân bắt đầu gõ thuyền, dồn cá vào lưới trong tiếng hát ngân vang:

“Ta hát bài ca gọi cá vào

Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao”

Đó là tiếng hát khỏe khoắn, vang xa đầy sự lạc quan, niềm vui phấn khởi đã tạo động lực cho người dân chài gọi cá đến mắc lưới. Thiên nhiên dường như cũng thức dậy góp phần sức lực trợ giúp con người. Trong đêm trăng sáng, vầng trăng in mình trên mặt nước, sóng xô bóng trăng vào mạn thuyền khiến nhà thơ tưởng tượng mặt trăng đang giữ nhịp cho tiếng gõ thuyền đều đặn. Hòa với khúc ca lao động, người dân chài cũng cất khúc ca biết ơn, tri ân với biển cả:

“Biển cho ta cá như lòng mẹ

Nuôi lớn đời ta tự buổi nào”

Biển được nhân hóa như lòng mẹ ân nghĩa, thủy chung bao la. Biển cho con người cá, đem đến cuộc sống ấm no bao đời nay, lời hát đã thể hiện tình cảm biết ơn chân thành, sâu sắc của người ngư dân với biển cả quê hương.. Khi sao mờ dần, màn đêm dần dần nhường chỗ cho ánh sáng của một ngày mới thì cũng là lúc người ngư dân bắt đầu kéo lưới, thu hoạch thành quả:

“Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng,

Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng,

Vảy bạc đuôi vàng lóe rạng đông

Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.

Chi tiết đặc tả “ta kéo xoăn tay” đã khắc họa trực tiếp vẻ đẹp khỏe khoắn của con người lao động miền biển. Con người như đang khẩn trương chạy đua với thời gian, những động tác kéo lưới rất căng, rất khỏe, kéo thật mạnh, thật đều tay để thu hoạch được những thành quả tốt nhất. Thành quả ấy chính là “chùm cá nặng”, một hình ảnh tượng trưng cho mùa cá bội thu, một thành quả vô cùng xứng đáng với công sức của những người ngư dân. Cùng lúc ấy, từ phía chân trời bắt đầu bừng sáng, những con cá quẫy dưới ánh sáng rạng đông và lóe lên màu hồng gợi khung cảnh thật rực rỡ, huy hoàng. Phải chăng biển bạc, biển vàng đang ban tặng cho tinh thần lao động miệt mài, hăng say, không biết mệt mỏi của người dân làng chài?Bài thơ kết thúc bằng cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về bến, sau một ngày lao động. trên biển tràn ngập âm thanh tiếng hát của những người ngư dân:

“Câu hát căng buồm với gió khơi

Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời

Mặt trời đội biển nhô màu mới

Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi”.

Câu hát vang lên như một điệp khúc suốt từ đầu tới cuối bài thơ, suốt hành trình của người ngư dân. Âm hưởng lời thơ trở nên mạnh mẽ hơn, khỏe khoắn hơn, vút cao bay bổng trong niềm hứng khởi khi tác giả thay chữ “cùng” thành chữ “với”. Tác giả sử dụng bút pháp nhân hóa kết hợp phóng đại khi đặt “đoàn thuyền” sánh ngang, tham gia vào “cuộc đua” với mặt trời. Trong cuộc đua ấy, hình ảnh con người được nâng cao, tầm vóc lớn lao sánh ngang vũ trụ. Đây cũng chính là nét thay đổi trong phong cách sáng tác Huy Cận từ trước Cách mạng tháng Tám đến thời kỳ miền Bắc đã giành hòa bình, đang xây dựng xã hội chủ nghĩa. Khi con người về bến, mặt trời cũng bắt đầu một ngày mới. Những tia nắng hồng ban mai khiến mắt cá lấp lánh như những mặt trời nhỏ trải dài bờ biển đến muôn dặm. Bằng lao động, người dân làng chài đã viết nên bài ca chiến thắng, bài ca cuộc đời mới tươi đẹp.Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” là một bài thơ đặc sắc thể hiện rõ phong cách của Huy Cận. Bằng bút pháp hiện thực kết hợp lãng mạn, bay bổng, liên tưởng phong phú, sáng tạo, nhà thơ đã ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên hài hòa với vẻ đẹp con người lao động, tạo nên khúc tráng ca hùng tráng, mĩ lệ. Qua đó, Huy Cận đã thể hiện tấm lòng ca ngợi, niềm tự hào về con người mới, cuộc sống mới trong thời kì miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá - mẫu 22

Huy Cận là một trong những tên tuổi tiêu biểu của phong trào Thơ mới trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, với những tác phẩm nổi tiếng như “Lửa thiêng”, “Vũ trụ ca”... Sau khi hòa bình được lặp lại, ông nhanh chóng hòa mình vào cuộc sống sinh hoạt của con người với một niềm tin tươi sáng. Một trong những sáng tác tiêu biểu của ông thời kì này là bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” được sáng tác ở Hòn Gai, năm 1958 sau khi tác giả có một chuyến đi thực tế dài ngày. Tác phẩm được đánh giá là một trong những bài hay của thơ ca Việt Nam hiện đại.Bốn câu thơ đầu tác giả miêu tả cảnh đoàn thuyền ra khơi đánh bắt cá:

“Mặt trời xuống biển như hòn lửa

Sóng đã cài then đêm sập cửa

Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi

Câu hát căng buồm cùng gió khơi”

Mở ra trước mắt người đọc đầu tiên là khung cảnh mặt trời xuống biển. Bằng việc sử dụng nghệ thuật so sánh “xuống biển như hòn lửa” gợi hình dung vầng mặt trời to tròn đỏ rực đang từ từ đi xuống, khép lại một ngày và mở ra một màn đêm. Tác giả đã sử dụng nghệ thuật nhân hóa “sóng cài then đêm sập cửa” khiến cho câu thơ trở nên sinh động : biển cả như một ngôi nhà có then có cửa đang từ từ đóng lại, bóng tối đã tràn ngập khắp muôn nơi, ngự trị trên vạn vật. Và đây cũng là thời điểm đoàn thuyền đánh cá bắt đầu ra khơi. Từ “ lại” cho thấy đây là công việc lặp đi lặp lại hàng ngày và đã trở thành nếp sống của người dân nơi đây. Họ hát vang câu hát của mình như thể hiện niềm tin vào một chuyến ra khơi đầy thuận lợi.Những khổ thơ tiếp theo nhà thơ sử dụng để miêu tả cảnh đoàn thuyền đánh bắt cá trên biển:

“Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng,

Cá thu biển Đông như đoàn thoi

Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng.

Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!”

Câu hát của họ vang vọng khắp biển. Nghệ thuật liệt kê kết hợp với nghệ thuật so sánh đã làm hiện lên trước mắt người đọc một khung cảnh vô cùng sinh động với muôn vàn các loài cá đủ loại màu sắc đang tung tăng bơi lội trên biển. Đồng thời câu hát cũng thể hiện mong muốn niềm tin của người dân chài vào một vụ đánh bắt đầy bội thu.

Hình ảnh đoàn thuyền đánh bắt cá trên biển vào buổi đêm được hiện lên thật cụ thể dưới ngòi bút tài năng của Huy Cận. Họ hiện lên thật điêu luyện với “ lái gió với buồm trăng”, “ lướt”,” dò bụng biển”… Những người dân chài lưới hiện lên giống thật to lớn vĩ đại, sánh ngang tầm với thiên nhiên vũ trụ và dường như còn trở thành những người chế ngự thiên nhiên vũ trụ rộng lớn. Dưới biển khơi, các loại cá cũng hiện lên thật đẹp huyền diệu biết bao: nào là cá nhụ cá chim cá đé, rồi có cả cá song lấp lánh với cái đuôi quẫy dưới nước được phản ánh bởi ánh trăng mới đẹp làm sao… Những người dân chài bắt đầu gõ thuyền dụ cá vào lưới, từng động tác điêu luyện nhịp nhàng làm sao. Dưới ánh trăng vàng, hình ảnh người dân chài cùng với tiếng gõ mõ khiến cho khung cảnh nơi đây mới sinh động tuyệt đẹp làm sao, nó như một bức tranh thủy mặc hữu tình. Vẻ đẹp lãng mạn của bài thơ có lẽ được toát lên từ chính những hình ảnh này.

“Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng,

Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng,

Mặt trời đội biển nhô màu mới

Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi”

Khi ông mặt trời chuẩn bị thức giấc thì cùng là lúc chuyến đánh bắt cá sắp sửa hoàn thành. Hình ảnh “ kéo xoăn tay chùm cá nặng” vừa gợi liên tưởng đến những cánh tay mạnh mẽ khỏe khoắn vừa ngụ ý về một chuyến đánh bắt cá đầy thành công. Câu hát lại một lần nữa được vang lên. Nếu như ở đầu bài thơ đó là câu hát thể hiện niềm tin của người dân chài thì đến bây giờ đó là bài ca chiến thắng trở về. Hình ảnh “ đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời” thật đẹp cho thấy con người đã thực sự sánh ngang tầm với thiên nhiên vũ trụ và thực sự đã chiến thắng chế ngự được thiên nhiên biển khơi.Như vậy, bằng ngòi bút đầy tài hoa của mình, tác giả đã phác họa cho chúng ta một chuyến ra khơi đầy thắng lợi với những hình ảnh thật sinh động và đẹp đẽ. Đồng thời qua đây cũng thế hiện niềm tin của nhà thơ vào một tương lai tươi sáng của đất nước trong thời kì dựng xây xã hội chủ nghĩa.

Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá - mẫu 23

Huy Cận là một nhà thơ nổi tiếng trong phong trào Thơ mới giai đoạn 1930 và của nền văn học Việt Nam thế kỷ 20. Đoàn thuyền đánh cá được Huy Cận sáng tác trong một chuyến đi thực tế dài ngày ở vùng mỏ Quảng Ninh. Bài thơ tái hiện cảnh sắc thiên nhiên và không khí lao động của một vùng biển giàu đẹp ở miền Bắc trong những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Không khí lao động vui tươi, sôi nổi, khẩn trương của những người ngư dân được thể hiện rõ qua khổ thơ đầu và khổ thơ cuối của bài thơ.

Khổ đầu và khổ cuối của bài thơ là hai bức tranh thiên nhiên lúc hoàng hôn và bình minh, cảnh đoàn tàu ra khơi và trở về, tuy cảnh khác nhau nhưng đều góp phần làm nổi bật hình ảnh con người mới: yêu lao động, có tinh thần trách nhiệm, yêu cuộc sống…

Hình ảnh đoàn thuyền hừng hực khí thế ra khơi đánh cá qua khổ thơ đầu:

“Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then, đêm sập cửa.
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
 Câu hát căng buồm cùng gió khơi”.

Cảnh hoàng hôn từ trên biển được miêu tả thật ấn tượng, rực rỡ ánh sáng. Hình ảnh so sánh “như hòn lửa ” gây sự chú ý mạnh mẽ. Cách so sánh độc đáo, sáng tạo bất ngờ gợi cho ta cảnh mặt trời từ từ lặn xuống biển, để lại những tia nắng cuối ngày trong khoảng không gian bao la của vũ trụ. Mặt trời như một quả cầu lửa khổng lồ, thật rực rỡ, huy hoàng đang chìm dần xuống biển. Phép so sánh độc đáo càng nâng cao hơn nữa sự kì vĩ, huy hoàng rực rỡ của mặt trời.

Phép nhân hóa “sóng cài then, đêm sập cửa” diễn đạt bước di của thời gian: vũ trụ đi vào trạng thái nghỉ ngơi, không gian yên tĩnh chuyển từ trạng thái động sang tĩnh. Màn đêm buông xuống thật nhanh. Cách cửa vũ trụ đã khép lại mở ra một không gian mới: không gian của cuộc sống lao động của con người.

Trên nền cảnh cảnh thiên nhiên hùng vĩ là hình ảnh người lao động trên biển. Hình ảnh đoàn thuyền hừng hực khí thế ra khơi biểu hiện sức mạnh của người ngư dân, của tập thể lao động đoàn kết, với sức mạnh làm chủ hoàn cảnh. Khi ánh sáng ban ngày dần tắt, màn đêm chiếm ngự không gian, vũ trụ đi vào yên nghỉ thì cũng là lúc họ bắt đầu công việc, bắt đầu một ngày lao động mới

Bút pháp lãng mạn, hình ảnh tưởng tượng độc đáo, bay bổng: “Câu hát căng buồm cùng gió khơi”. Tiếng hát là biểu tượng của niềm vui, niềm lạc quan yêu đời, niềm hân hoan trong cuộc sống. Chi tiết tưởng tượng đó thể hiện niềm hân hoan bất tận trong tâm hồn con người. Niềm vui đó lan tỏa vào không gian, tạo hứng khởi cho con người bắt tay vào công việc lao động.

Đoàn thuyền ra đi trong một không khí vô cùng hào hứng, một hình ảnh đẹp và nên thơ. Ta thấy hình ảnh chiếc buồm căng không chỉ vì “gió” mà còn do ngập cả không gian bao la, tiếng hát vang lên trong tâm tư người đánh cá, trong niềm mê say sự giàu đẹp của biển cả mênh mông. Từ “lại” diễn tả sự lặp lại nhiều lần, tính chất đều đặn, thường xuyên của một công việc…

Khổ thơ đầu ngợi ca sự khỏe khoắn của con người trong lao động, với cảnh ra khơi đầy khí thế, hăng say, phấn khởi và thiên nhiên biển cả đẹp đẽ, bao la.

Sau một đêm làm việc miệt mài, hăng say giữa biển khơi, con người đã thu hoạch được những thành quả mỹ mãn. Niềm hy vọng, ước mơ lúc ra khơi giờ đây đã trở thành hiện thực. Cảnh bình minh trên biển mở ra một không gian mới. Chi tiết tưởng tượng lãng mạn “câu hát căng buồm” được lặp lại thể hiện niềm vui bất tận, sảng khoái của người ngư dân sau một đêm lao động vất vả. Tầm vóc con người trở nên lớn lao phi thường. Họ hoàn toàn chủ động, làm chủ tình huống, làm chủ cuộc sống và thiên nhiên.

Biện pháp tu từ nhân hóa “Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời” khiến cho hình ảnh hào hùng, vừa chân thực vừa lãng mạn. Nếu ở khổ thơ đầu, thiên nhiên đối lập với hoạt động của con người thì ở đây thiên nhiên đồng hành cùng con người, hỗ trợ con người hoàn thành công việc lao động và nâng đỡ con người về với đất liền.

Hình ảnh bình minh hoành tráng, rực rỡ và gợi cảm hơn nhờ phép nhân hóa “mặt trời đội biển nhô màu mới”. Dưới ánh bình minh báo hiệu một ngày mới tinh khôi, con người đã trở về. Thiên nhiên hòa quyện vào công việc lao động của con người, chứng kiến thành quả lao động tốt đẹp của con người.

Bài thơ có giọng điệu tươi tắn, khí thế khẩn trương cũng góp phần bộc lộ sâu sắc cảm xúc chủ đạo xuyên suốt các khổ thơ: niềm vui trước cuộc sống mới, niềm tự hào của con người được làm chủ cuộc đời của chính mình.

Hai khổ thơ là sự kết hợp giữa bút pháp hiện thực và lãng mạn đặc sắc. Bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ, cuộc sống lao động sinh động phản ánh hiện thực cuộc sống lao động khẩn trương, sôi nổi tràn ngập niềm vui của những năm đầu hòa bình lập lại ở miền Bắc nước ta. Trung tâm của bức tranh là hình ảnh con người mới với tinh thần lạc quan, yêu đời, không khí hăng say lao động, với tư thế của người làm chủ thiên nhiên, đất nước, làm chủ cuộc sống, làm chủ bản thân. Hai khổ thơ còn là một bài ca lao động, một khúc ca ca ngợi cuộc sống mới và phẩm chất con người mới trong lao động.

Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá - mẫu 24

Huy Cận tên khai sinh là Cù Huy Cận, quê ở Hà Tĩnh là một nhà thơ nổi tiếng trong phong trào thơ Mới. Sau cách mạng, ông tiếp tục sáng tác và trở thành nhà thơ tiêu biểu của nền thơ hiện đại Việt Nam. Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” được sáng tác năm 1958 nhân một chuyến đi thực tế ở vùng mỏ Quảng Ninh. Bài thơ là khúc tráng ca ca ngợi vẻ đẹp khỏe khoắn của con người lao động trong sự hài hòa với vẻ đẹp tráng lệ của thiên nhiên kỳ vĩ.

Mở đầu bài thơ là cảnh hoàng hôn trên biển vừa diễm lệ, huyền ảo, lộng lẫy, rực rỡ nhưng cũng không kém phần huy hoàng, hùng vĩ, tràn đầy sức sống:

“Mặt trời xuống biển như hòn lửa
 Sóng đã cài then đêm sập cửa”

Câu thơ mở đầu với biện pháp nghệ thuật so sánh gợi ra cảnh mặt trời xuống biển thật ngoạn mục, rực rỡ, tráng lệ, khác hẳn cái thê lương thường thấy trong thơ cổ: “Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn”. Khi mặt trời nhập vào lòng biển thì cũng là lúc bóng đêm bao phủ khắp nơi. Vũ trụ bao la rộng lớn như ngôi nhà khổng lồ mà màn đêm là cánh cửa sập xuống, mỗi lượn sóng như những chiếc then cài. Biện pháp nghệ thuật nhân hóa khiến thiên nhiên trở nên gần gũi với con người.

Khi thiên nhiên vào trạng thái nghỉ ngơi thì con người bắt đầu một ngày lao động mới:

“Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
 Câu hát căng buồm cùng gió khơi”

Đến đây ta nhận thấy có sự đối lập giữa hoạt động của thiên nhiên và con người, Điều đó tạo nên tư thế làm chủ cuộc sống của người dân chài. Hình ảnh “Đoàn thuyền” gợi ra không khí đông vui tấp nập đầy khí thế của cảnh ra khơi. Từ “lại” cho thấy đây là công việc hằng ngày. Nổi bật trong khổ thơ là hình ảnh ẩn dụ: “Câu hát căng buồm cùng gió khơi” thật thơ mộng, khỏe khoắn và lãng mạn. Đó là tiếng hát chan chứa niềm vui, niềm lạc quan của người dân chài khi được làm chủ thiên nhiên đất nước, làm chủ công việc mà họ yêu thích, gắn bó. Đoàn thuyền ra khơi với khí thế khẩn trương, hăm hở và niềm vui phơi phới hứa hẹn vào những thành quả tốt đẹp.

Không chỉ hát để đưa con thuyền ra khơi mà ngư dân còn hát để đưa cá vào lưới:

“Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng
Cá thu biển Đông như đoàn thoi
 Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng”

Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!”Câu hát là lời cầu mong biển lặng sóng yên để đoàn thuyền ra khơi được an toàn. Câu hát còn là lời cầu mong cho ngư dân bắt được nhiều cá. Giọng thơ ngọt ngào, ngân dài, vang xa ẩn chứa tấm lòng đôn hậu của người dân chài.

Bốn khổ thơ tiếp theo tả cảnh đánh cá trên biển vào đêm trăng. Trên cái nền hùng vĩ, mĩ lệ, đoàn thuyền hiện lên thật đẹp:

“Thuyền ta lái gió với buồm trăng
 Lướt giữa mây cao với biển bằng”

Câu thơ tả thực đậm chất lãng mạn, biển cả bao la hiền hòa, con thuyền có gió làm bánh lái, có trăng làm cánh buồm đang lướt đi như bay lên giữa trời cao biển rộng. Vẫn con người lao động ấy nhưng cảm hứng lãng mạn và bút pháp phóng đại đã đưa hình ảnh quen thuộc đến kì vĩ, lớn lao. Cả vũ trụ như quây quần bên đoàn thuyền, không còn cảm giác nhỏ bé, lẻ loi của con người như trước cách mạng, mà ở đây con người lao động được tôn vinh mang tầm vóc và sức mạnh phi thường sánh ngang cùng vũ trụ. Đoàn thuyền bước vào trận đánh hừng hực khí thế và niềm tin:

“Ra đậu dặm xa dò bụng biển
 Dàn đan thế trận lưới vây giăng”

Nhịp thở dồn dập, hối hả, lôi cuốn, con người chủ động dò bụng biển tiến vào khơi xa và thiên nhiên biển cả cũng góp sức với con người trên con đường lao động khám phá.

Khổ bốn là lời bài hát của người lao động ca ngợi sự phong phú giàu có của biển cả:

“Cá nhụ cá chim cùng cá đé,
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng.
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe,
 Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long”

Biện pháp nghệ thuật liệt kê và miêu tả đã làm rõ vẻ đẹp muôn màu của biển cả lúc về đêm. Biển cả như một bức tranh sơn mài rực rỡ sắc màu với ánh sáng của trăng, của sao, của đuôi cá quẫy lấp lánh. Câu thơ cuối gợi về nhịp sống của vũ trụ trong màn đêm huyền ảo. Nhà thơ dường như đang mở rộng lòng mình để đón nhận những điều kì diệu của cuộc sống.

Tiếng hát khỏe khoắn, cường tráng lại vang lên giữa bao la trời đất:

“Ta hát bài ca gọi cá vào
 Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao”

Người dân chài vừa làm việc vừa hát bài ca gọi cá vào lưới. Tiếng hát đã làm khuấy động bầu trời đêm, vừa ngợi ca vẻ đẹp của người lao động vừa như mời gọi thiên nhiên tham gia vào buổi lao động. Một lần nữa, Huy Cận sử dụng yếu tố lãng mạn. Trăng lên cao như sà xuống, muôn vàn ánh trăng tan theo làn sóng vỗ vào mạn thuyền, như gõ nhịp cho lời bài ca. Chất lãng mạn bao trùm bức tranh lao động khiến công việc trở nên nhẹ nhàng, đẹp và nên thơ. Biện pháp nghệ thuật so sánh: “Biển cho ta cá như lòng mẹ. Nuôi lớn đời ta tự buổi nào” nhấn mạnh vẻ đẹp đẽ, giàu có, phong phú và biết bao ân tình, nhân hậu của biển cả quê hương. Ẩn chứa trong từng dòng thơ là tấm lòng biết ơn của người dân chài với biển mẹ bao dung.

Khổ thơ thứ sáu tạo dựng về hình ảnh của người lao động và màu của bình minh. Hình ảnh người lao động khỏe mạnh, vạm vỡ được gợi ra từ câu thơ: “Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng”. Chỉ với một từ “xoăn”, nhà thơ vừa miêu tả những bắp tay rắn chắc, cuồn cuộn đầy sức mạnh của người dân chài vừa nói lên được kết quả tốt đẹp của chuyến ra khơi.

Hay nhất bài thơ là khổ thơ cuối cùng. Tác giả đã sử dụng kết cấu đầu cuối tương xứng để làm hoàn thiện chuyến ra khơi của người dân chài. Câu hát vui tươi, khỏe khoắn một lần nữa được cất lên, đó là khúc ca khải hoàn chiến thắng. Đoàn thuyền trở về trong ánh bình minh:

“Mặt trời đội biển nhô màu mới”

Câu thơ gợi lên không gian bao la sắc hồng của bình minh tràn ngập màu mới của một ngày tươi đẹp, đó là ánh sáng của công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Trong không gian tươi đẹp của bình minh, đoàn thuyền đánh cá trở về:

“Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời”

Nghệ thuật nhân hóa cùng lối nói khoa trương, cường điệu đặc biệt là hình ảnh thơ liên tưởng độc đáo, kì vĩ đã vẽ ra tư thế, tầm vóc của đoàn thuyền đặt ngang tầm với mặt trời, chủ thể của vũ trụ. Tư thế của đoàn thuyền cũng là tư thế của người lao động hiên ngang, hào hùng, mạnh mẽ. Nghệ thuật phóng đại “Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi” gợi ra vẻ đẹp bao la, hùng vĩ, phong phú, giàu có của biển cả quê hương, của thiên nhiên đất nước dưới con mắt con người giữa cuộc sống mới.

Bài thơ có sự kết hợp hài hòa giữa hiện thực và lãng mạn, hình ảnh thơ tươi sáng, đẹp đẽ, cảm xúc mãnh liệt. Các biện pháp nghệ thuật được sử dụng linh hoạt tạo cho hình ảnh thơ nhiều ý nghĩa.

Bài thơ là một bức tranh đẹp, một bản hùng ca hoành tráng và phấn khởi về thiên nhiên và con người. Phải có tình yêu sâu nặng, sự gắn bó bền chặt giữa con người với thiên nhiên, Huy Cận mới có thể biểu hiện được một cách sảng khoái đến thế.

Bài giảng: Đoàn thuyền đánh cá - Cô Nguyễn Dung (Giáo viên VietJack)

Mục lục Văn mẫu | Văn hay 9 theo từng phần:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH ĐỀ THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 9

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi dành cho giáo viên và sách dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài Tuyển tập những bài văn hay | văn mẫu lớp 9 của chúng tôi được biên soạn một phần dựa trên cuốn sách: Văn mẫu lớp 9Những bài văn hay lớp 9 đạt điểm cao.

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


doan-thuyen-danh-ca.jsp


Giải bài tập lớp 9 sách mới các môn học
Tài liệu giáo viên