Đề thi thử tốt nghiệp THPT môn Lịch Sử năm 2021 có đáp án (trường THPT Nguyễn Viết Xuân - Vĩnh Phúc)

Đề thi thử tốt nghiệp THPT môn Lịch Sử năm 2021 có đáp án (trường THPT Nguyễn Viết Xuân - Vĩnh Phúc)

Xem thử Bộ 78 đề Xem thử Bộ 39 đề

Chỉ từ 150k mua trọn bộ Đề thi tốt nghiệp THPT môn Lịch Sử năm 2024 bản word có lời giải chi tiết:

Link tải PDF Đề thi thử tốt nghiệp THPT môn Lịch Sử năm 2021 có đáp án (trường THPT Nguyễn Viết Xuân - Vĩnh Phúc)

Bộ Giáo dục và Đào tạo

Kì thi tốt nghiệp tốt nghiệp THPT

Năm học 2021

Bài thi môn: Lịch Sử

Thời gian làm bài: 50 phút

(không kể thời gian phát đề)

Câu 1: Lễ ký hiệp định đình chiến tại Bàn Môn Điếm (7/1953) trên bán đảo Triều Tiên chứng tỏ:

A. CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc đi theo định hướng khác nhau

B. mở ra quá trình thống nhất trên bán đảo Triều Tiên.

C. cuộc nội chiến giữa hai miền Triều Tiên kết thúc.

D. hai nước cùng bắt tay xây dựng đất nước.

Câu 2: Mục tiêu của chiến lược kinh tế hướng nội của nhóm năm nước sáng lập ASEAN là

A. xây dựng nền kinh tế thị trường.

B. trở thành nước công nghiệp mới.

C. tăng cường nhập khẩu.

D. nhanh chóng xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu.

Câu 3: Quốc gia đầu tiên phóng thành công tàu vũ trụ có người lái bay vòng quanh Trái Đất là

A. Anh.

B. Pháp.

C. Mỹ.

D. Liên Xô.

Câu 4: Điểm nào dưới đây là sự khác biệt giữa phong trào giải phóng dân tộc ở Châu Á, Châu Phi với khu vực Mĩ Latinh:

A. Châu Á, Châu Phi đấu tranh để giải phóng dân tộc, khu vực Mĩ Latinh đấu tranh để giải phóng giai cấp.

B. Phong trào giải phóng dân tộc ở Châu Á, Châu Phi làm hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân lung lay tận gốc, khu vực Mĩ Latinh chưa làm được điều đó.

C. Châu Á, Châu Phi đấu tranh chống lại bọn đế quốc thực dân cũ, khu vực Mĩ Latinh đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân mới.

D. Châu Phi và Châu Á đấu tranh bằng vũ trang, khu vực Mĩ Latinh đấu tranh ôn hòa

Câu 5: Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, quốc gia nào ở châu Âu trở thành tâm điểm đối đầu giữa hai cực Xô - Mỹ?

A. Anh.

B. Đức.

C. Pháp.

D. Hy Lạp.

Câu 6: Tháng 4 - 1994, Nenxơn Manđêla trở thành Tổng thống da đen đầu tiên của cộng hòa Nam Phi, đã đánh dấu:

A. Sự chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc dã man ở châu Phi.

B. Chấm dứt chế độ độc tài quân sự ở châu Phi.

C. Bãi bỏ chính sách phân biệt chủng tộc trên toàn thế giới.

D. Chấm dứt chế độ thống trị của chủ nghĩa thực dân ở châu Phi.

Câu 7: Nội dung của học thuyết “Tam dân” của Tôn Trung Sơn là

A. Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc.

B. Dân tộc bình đẳng, dân quyền công bằng, dân sinh hạnh phúc.

C. Dân tộc tự do, dân quyền bình đẳng, dân sinh hạnh phúc.

D. Dân tộc độc lập, dân sinh tự do, dân quyền hạnh phúc.

Câu 8: Vai trò lớn nhất của Liên hợp quốc hiện nay là:

A. là trung gian giải quyết các tranh chấp trên lĩnh vực kinh tế.

B. góp phần gìn giữ hòa bình an ninh và các vấn đề mang tính quốc tế.

C. thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, văn hóa giữa các quốc gia, khu vực.

D. là trung tâm giải quyết những mâu thuẫn vê dân tộc, sắc tộc trên thế giới.

Câu 9: Từ sau chiến tranh thế giới II, Liên Xô đạt được thành tựu nào là quan trọng nhất?

A. Năm 1949, chế tạo thành công bom nguyên tử.

B. Năm 1972, sản lượng công nghiệp tăng 321 lần.

C. Năm 1957, phóng thành công vệ tinh nhận tạo của Trái đất.

D. Đến nửa đầu những năm 70 là cường quốc công nghiệp đứng thứ 2 thế giới.

Câu 10: Nước nào đã phát minh ra hệ thống chữ cái A, B, C?

A. Rô-ma.

B. Ai Cập.

C. Hi Lạp.

D. Ai Cập, Ấn Độ.

Câu 11: Chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX có đặc điểm?

A. Chủ nghĩa thực dân.

B. Chủ nghĩa đế quốc cho vay lãi.

C. Chủ nghĩa đế quốc phong kiến quân phiệt.

D. Chủ nghĩa quân phiệt.

Câu 12: Những câu thơ sau nói đến sự kiện lịch sử nào? “Khi anh chưa ra đời/ Trái đất còn nức nở/ Nhân loại chưa thành người/ Đêm ngàn năm man rợ/Từ khi anh đứng dậy/ Trái đất bắt đầu cười/...”?

A. Nguyễn Ái Quốc gửi bản yêu sách đến hội nghị Vecxai.

B. Cách mạng tháng Mười Nga thành công.

C. Nguyễn Ái Quốc đọc bản Sơ thảo luận cương của Lê nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa.

D. Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam thành công.

Câu 13: Trong quá trình thực hiện chiến lược toàn cầu từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến năm 2000, Mỹ đạt được kết quả nào dưới đây?

A. Chi phối được nhiều nước tư bản đồng minh phụ thuộc vào Mỹ.

B. Duy trì vị trí cường quốc số một thế giới trên mọi lĩnh vực.

C. Trực tiếp xóa bỏ hoàn toàn chế độ phân biệt chủng tộc.

D. Duy trì sự tồn tại và hoạt động của tất cả các tổ chức quân sự.

Câu 14: Trung Quốc là nước đứng thứ mấy có tàu và người bay vào vũ trụ?

A. thứ ba.

B. thứ tư.

C. thứ hai.

D. thứ nhất.

Câu 15: Chiến thắng Điện Biên Phủ ở Việt Nam (1954) đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong trào giải phóng dân tộc của nước nào ở châu Phi?

A. Angiêri.

B. Tuynidi.

C. Ăngôla

D. Ai Cập.

Câu 16: Nét nổi bật trong sự phát triển của nền kinh tế Mĩ sau Chiến tranh thế giới thứ hai là

A. thiệt hại nặng nề do sự tàn phá của chiến tranh.

B. phát triển ngang bằng với các nước châu Âu.

C. phát triển mạnh mẽ, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

D. suy giảm nghiêm trọng vì đầu tư quá lớn cho quốc phòng.

Câu 17: Các quốc gia tham gia sáng lập tổ chức ASEAN là

A. Inđônêxia, Malaixia, Xingapo, Thái Lan, Brunây.

B. Inđônêxia, Malaixia, Xingapo, Thái Lan, Campuchia

C. Inđônêxia, Malaixia, Xingapo, Thái Lan, Mianma

D. Inđônêxia, Malaixia, Xingapo, Thái Lan, Philippin.

Câu 18: Nhận xét nào sau đây không đúng về khu vực Đông Bắc Á?

A. Là khu vực rộng, đông dân nhất thế giới và có nguồn tài nguyên phong phú.

B. Hàn Quốc, Hồng Công, Đài Loan là ba trong bốn con rồng kinh tế của châu Á.

C. Những năm đầu thế kỷ XXI, Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.

D. Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản không bị chủ nghĩa thực dân nô dịch.

Câu 19: Từ năm 1995, Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo đứng thứ ba trên thế giới nhờ tiến hành cuộc cách mạng

A. xanh

B. công nghiệp.

C. khoa học kĩ thuật.

D. chất xám.

Câu 20: Điểm giống nhau cơ bản giữa Cách mạng Lào và nước ta từ năm 1945 - 1975 là

A. Chung kẻ thù và những mốc thắng lợi quan trọng .

B. Chung kẻ thù, do Đảng cộng sản Đông Dương lãnh đạo.

C. Buộc Pháp công nhận các quyền dân tộc cơ bản.

D. Giành độc lập và đi lên XHCN.

Câu 21: Nguyên nhân đầu tiên, quan trọng nhất dẫn tới sự ra đời của các quốc gia cổ đại phương Đông là gì?

A. Sự xuất hiện công cụ kim khí.

B. Chống ngoại xâm.

C. Trị thủy.

D. Điều kiện tự nhiên thuận lợi.

Câu 22: Bốn phát minh kĩ thuật quan trọng của Trung Quốc thời phong kiến là

A. giấy, kĩ thuật in, luyện sắt, thuốc súng.

B. luyện sắt, đúc súng, thuốc súng, men gốm.

C. luyện sắt, làm men gốm, la bàn, thuốc súng.

D. giấy, kĩ thuật in, la bàn, thuốc súng.

Câu 23: Lợi thế cơ bản mà cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai đã đem lại cho nước Mĩ là

A. Liên Xô – đối thủ của Mĩ bị chiến tranh tàn phá nặng nề.

B. thu được nhiều lợi nhuận từ buôn bán vũ khí.

C. các nước tư bản châu Âu trở thành con nợ của Mĩ.

D. không bị chiến tranh tàn phá.

Câu 24: Cuộc cách mạng tháng Hai năm 1917 ở Nga đã lật đổ được

A. chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản, xây dựng giai cấp công nhân.

B. chính quyền của giai cấp tư sản, giành chính quyền cho giai cấp vô sản.

C. chế độ phong kiến, mở đường cho CNTB Nga phát triển.

D. chế độ Nga hoàng Nicôlai II, chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế ở Nga

Câu 25: "Phương án Maobáttơn" của thực dân Anh có nội dung chia đất nước Ấn Độ thành hai quốc gia nào trên cơ sở tôn giáo?

A. Ấn Độ của người theo Hồi giáo, Ápganixtan của người theo Hinđu giáo.

B. Ấn Độ của người theo Ấn Độ giáo, Pakistan của người theo Hồi giáo.

C. Ấn Độ của người theo Hồi giáo, Pakistan của người theo Ấn Độ giáo.

D. Ấn Độ của người theo Ấn Độ giáo, Ápganixtan của người theo Hồi giáo.

Câu 26: Nguyên nhân sâu xa dẫn đến chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 -1918) là

A. chính sách trung lập của Mĩ.

B. mâu thuẫn giữa các nước đế quốc về thuộc địa

C. Thái tử Áo - Hung bị ám sát.

D. sự hiếu chiến của đế quốc Đức.

Câu 27: Cho các sự kiện: (1). Đại hội XII của Đảng Cộng sản Trung Quốc. (2). Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra đường lối mới. (3). Đảng Cộng sản Trung Quốc chủ trương cải cách lấy phát triển kinh tế làm trung tâm. Hãy sắp xếp các sự kiện trên theo trình tự thời gian.

A. (2), (3), (1).

B. (3), (1), (2).

C. (2), (1), (3).

D. (3), (2), (1).

Câu 28: Ý nào dưới đây không phải là nguyên nhân dẫn đến sự phát triển nền kinh tế Mĩ sau chiến tranh thế giới thứ hai?

A. Lợi dụng chiến tranh để làm giàu.

B. Tận dụng những thành tựu của khoa học kĩ thuật để cải tiến cơ cấu hợp lí, nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm.

C. Chi phí cho quốc phòng thấp nên có điều kiện tập trung phát triển kinh tế .

D. Vai trò quản lí điều tiết của nhà nước

Câu 29: Mục tiêu bao trùm trong chính sách đối ngoại của Mĩ sau Chiến tranh thế giới thứ hai là

A. xâm lược các nước ở khu vực châu Á.

B. bao vây, tiêu diệt Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa

C. lôi kéo các nước Tây Âu vào khối quân sự NATO.

D. thực hiện chiến lược toàn cầu với tham vọng làm bá chủ thế giới.

Câu 30: Từ những năm 60 - 70 của thế kỉ XX trở đi, nhóm các nước sáng lập ASEAN đã thực hiện chiến lược gì?

A. Công nghiệp hóa lấy xuất khẩu làm chủ đạo.

B. Hòa bình, trung lập.

C. Công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu.

D. Cam kết và mở rộng.

Câu 31: Việt Nam có thể rút ra kinh nghiệm gì từ sự phát triển kinh tế của Mĩ sau Chiến tranh thế giới thứ hai để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước?

A. Tăng cường đẩy mạnh hợp tác với các nước khác

B. Khai thác và sử dụng hợp lí nguồn tài nguyên

C. Nâng cao trình độ tập trung vốn và lao động.

D. Ứng dụng các thành tựu khoa học – kĩ thuật.

Câu 32: Trong 20 năm đầu (1885-1905) Đảng Quốc đại ở Ấn Độ chủ trương đấu tranh bằng phương pháp:

A. Vũ trang.

B. Bạo động.

C. Bạo lực.

D. Ôn hòa.

Câu 33: Từ năm 1954 đến đầu năm 1970, Chính phủ Campuchia thực hiện chính sách ngoại giao như thế nào?

A. Mâu thuẫn gay gắt với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

B. Hòa bình, trung lập

C. Liên minh chặt chẽ với Mĩ.

D. Đoàn kết với Lào và Việt Nam trong mặt trận chung chống đế quốc Mĩ.

Câu 34: Nét đặc sắc và nổi bật của vương triều Gup-ta ở Ấn Độ là

A. có 9 đời vua qua 150 nắm quyền.

B. miền bắc Ấn được thống nhất lại và bước vào thời kì phát triển cao.

C. sự định hình và phát triển của văn hóa truyền thống Ấn Độ.

D. đạo Phật phát triền mạnh dưới thời Gup-ta.

Câu 35: Một trong những nguyên nhân khách quan dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô là

A. sự khủng hoảng về kinh tế.

B. sự chống phá của các thế lực thù địch trong và ngoài nước.

C. thực hiện chính sách đa nguyên, đa đảng.

D. ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng dầu mỏ.

Câu 36: Mĩ Latinh được gọi là “lục địa bùng cháy” sau Chiến tranh thế giới thứ hai vì

A. Khởi nghĩa vũ trang là hình thức chủ yếu trong cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài thân Mĩ.

B. thường xuyên xảy ra cháy rừng.

C. có nhiều núi lửa hoạt động.

D. có cách mạng Cuba bùng nổ và 17 nước giành được độc lập năm 1960.

Câu 37: Biến đổi quan trọng nhất của các nước châu Á sau CTTG II là gì?

A. Trở thành 1 trong 3 trung tâm kinh tế - tài chính thế giới.

B. Đã giành được độc lập.

C. Một số nước trở thành nước công nghiệp mới (NIC).

D. Là thành viên của tổ chức ASEAN.

Câu 38: Từ năm 1996 đến năm 2000, kinh tế Liên bang Nga

A. phát triển với tốc độ cao.

B. kém phát triển và suy thoái.

C. có sự phục hồi và phát triển.

D. lâm vào trì trệ và khủng hoảng.

Câu 39: Quốc gia nào trở thành nước cộng hòa da đen đầu tiên ở Mĩ Latinh?

A. Li-bê-ri-a

B. Cu-ba

C. Ha-i-ti.

D. Ê-ti-ô-pi- a.

Câu 40: Chính sách kinh tế mới ra đời khi nước Nga Xô viết

A. bị các nước đế quốc bao vây kinh tế.

B. đã hoàn thành cải cách ruộng đất.

C. bước vào thời kỳ hòa bình, xây dựng đất nước trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.

D. bước vào thời kỳ ổn định kinh tế, chính trị.

Đáp án

1 A 11 C 21 D 31 D
2 D 12 B 22 D 32 D
3 D 13 A 23 D 33 C
4 C 14 A 24 D 34 C
5 B 15 A 25 B 35 B
6 A 16 C 26 B 36 A
7 A 17 D 27 C 37 B
8 B 18 C 28 C 38 C
9 D 19 A 29 D 39 C
10 A 20 B 30 A 40 C

LỜI GIẢI CHI TIẾT

Câu 1: A

Bàn Môn Điếm là một ngôi làng ở tỉnh Gyeonggi (Nam Triều Tiên) hoặc tỉnh Hwanghae Bắc (Bắc Triều Tiên), là giới tuyến phân cách Bắc Triều Tiên và Nam Triều Tiên. Tại đây, vào năm 1953, Hiệp định ngừng Chiến tranh Triều Tiên được ký kết. Tòa nhà nơi Hiệp định được ký kết vẫn còn tồn tại đến ngày nay, mặc dù nó nằm ở phía bắc giới tuyến, nằm giữa Khu phi quân sự Triều Tiên (DMZ).

Bàn Môn Điếm thường được dùng để chỉ Khu vực An ninh Chung gần đó, nơi các cuộc gặp giữa hai miền Triều Tiên vẫn thường diễn ra. Ngoài ra, tòa nhà này còn được xem là một trong những di tích cuối cùng của Chiến tranh lạnh.

Vào năm 1947, Đại Hội Đồng LHQ tuyên bố rằng cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức trên khắp đất nước Triều Tiên để chọn ra một chính quyền cho cả nước. Liên Xô đã phản đối đề nghị này và không cho phép bầu cử tại miền bắc. Vào ngày 10/5/1948, dân chúng Nam Triều Tiên đã bầu ra một quốc hội rồi từ đây có chính phủ của nước Cộng Hòa Triều Tiên (the Republic of Korea), với Lý Thừa Vãn (Syngman Rhee) làm Tổng Thống và nền cai trị dân chủ này bị tham nhũng và không hữu hiệu. Tới ngày 9/9, các người Cộng Sản tại miền bắc Triều Tiên cũng lập nên nước Dân Chủ Cộng Hòa Nhân Dân Triều Tiên (the Democratic People’s Republic of Korea) bị cai trị dưới sự độc tài của Kim Nhật Thành (Kim Il Sung). Cả hai miền này đều coi là mình hợp pháp trên toàn lãnh thổ và quân đội của hai phía đã từng nhiều lần đụng độ với nhau dọc theo miền biên giới trong thời gian từ 1948 tới 1950. Trong năm 1949, Hoa Kỳ đã di chuyển quân lực khỏi Nam Triều Tiên và cho biết rằng từ đầu năm 1950, Triều Tiên nằm bên ngoài ảnh hưởng của lực lượng phòng thủ của Hoa Kỳ tại châu Á. Vì thế các người Cộng Sản tin rằng đây là lúc phải hành động quân sự.

=> Lễ ký hiệp định đình chiến tại Bàn Môn Điếm (7/1953) trên bán đảo Triều Tiên chứng tỏ: CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc đi theo định hướng khác nhau

Câu 2: D

Mục tiêu của chiến lược kinh tế hướng nội của nhóm năm nước sáng lập Asean là nhanh chóng xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu.

Nội dung về chiến lược kinh tế hướng nội ở các nước thuộc nhóm nước sáng lập ASEAN bao gồm:

- Phát triển các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng nội địa thay thế hàng nhập khẩu.

- Lấy thị trường trong nước làm chỗ dựa để phát triển sản xuất.

Sai lầm và chú ý: Không nhớ hết được những nội dung chính của chiến lược hướng nội

Câu 3: D

Ngày 12-4-1961, nhà du hành vũ trụ Liên Xô Yuri Gagarin đã trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ, thực hiện ước mơ hàng nghìn năm của nhân loại. Sự kiện này đã đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử chinh phục không gian vũ trụ của loài người.

=>Quốc gia đầu tiên phóng thành công tàu vũ trụ có người lái bay vòng quanh Trái Đất là Liên Xô

Câu 4: C

Điểm khác biệt giữa phong trào giải phóng dân tộc ở Châu Á, Châu Phi với khu vực Mĩ Latinh là Châu Á, Châu Phi đấu tranh chống lại bọn đế quốc thực dân cũ, khu vực Mĩ Latinh đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân mới.

Câu 5: B

Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, quốc gia Đức ở châu Âu trở thành tâm điểm đối đầu giữa hai cực Xô - Mỹ.

Câu 6: A

Vào 27/04/1994, hơn 22 triệu người dân Nam Phi đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội đa sắc tộc lần đầu tiên ở đất nước này. Đại đa số đã chọn lãnh đạo chống phân biệt chủng tộc Nelson Mandela làm người đứng đầu chính phủ liên minh mới bao gồm Đại hội Dân tộc Phi (ANC) của Mandela, Đảng Quốc gia của cựu Tổng thống Frederik Willem de Klerk, và Đảng Tự do Inkatha (IFP) của lãnh đạo tộc người Zulu Mangosuthu Buthelezi. Tháng 5, Mandela được tấn phong làm tổng thống, trở thành vị nguyên thủ quốc gia da màu đầu tiên của Nam Phi.

=>Tháng 4 - 1994, Nenxơn Manđêla trở thành Tổng thống da đen đầu tiên của cộng hòa Nam Phi, đã đánh dấu sự chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc dã man ở châu Phi.

Câu 7: A

Chủ nghĩa Tam Dân hay Tam Dân Chủ nghĩa là một cương lĩnh chính trị do Tôn Dật Tiên đề xuất, với tinh thần biến Trung Quốcthành một quốc gia tự do, phồn vinh và hùng mạnh. Việc kế thừa và hiện thực ngày nay thể hiện rõ nhất trong tổ chức chính quyền của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan). Triết lý này cũng xuất hiện trong dòng đầu tiên của Quốc ca Trung Hoa Dân Quốc. Cương lĩnh (hay học thuyết) chính trị này bao gồm: Dân tộc độc lập, dân quyền tự do và dân sinh hạnh phúc.

=> Nội dung của học thuyết “Tam dân” của Tôn Trung Sơn là dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc.

Câu 8: B

Phương pháp: liên hệ.

Cách giải:

Trước tình hình cụ thể của thế giới hiện nay là tình trạng mâu thuẫn dân tộc, xung đột sắc tộc đang diễn ra ở nhiều nơi, chủ nghĩa khủng bố đang là mối đe dọa lớn đối với nhân loại. Liên hợp quốc ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề trên.

Mục đích hàng đầu của Liên hợp quốc là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, đồng thời xác định những mục đích quan trọng khác cho các hoạt động của LHQ là tăng cường quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc, thúc đẩy hợp tác để giải quyết các vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hóa, nhân đạo và bảo đảm quyền con người. Các quốc gia cũng trao cho Liên hợp quốc vai trò là trung tâm điều hòa các hành động của các dân tộc hướng theo những mục đích đó.

Tại Hội nghị cấp cao thế giới năm 2005, các nhà lãnh đạo các quốc gia đã nhất trí về ý nghĩa sống còn của việc xây dựng một hệ thống đa phương hữu hiệu, lấy LHQ làm trung tâm nhằm đối phó với những thách thức đa dạng, toàn cầu như hiện nay.

=>Vai trò lớn nhất của Liên hợp quốc hiện nay là: góp phần gìn giữ hòa bình an ninh và các vấn đề mang tính quốc tế.

Câu 9: D

Phương pháp: liên hệ

Cách giải:

– Với tinh thần tự lực tự cường, nhân dân Liên Xô đã hoàn thành kế hoạch 5 năm khôi phục kinh tế (1946 – 1950) trước thời hạn 9 tháng. Đến năm 1950, sản lượng công nghiệp tăng 73%, sản lượng nông nghiệp đạt mức trước chiến tranh. Năm 1949, Liên Xô chế tạo thành công bom nguyên tử, phá vỡ thế độc quyền vũ khí hạt nhân của Mĩ.

– Liên Xô từ năm 1950 đến đầu những năm 1970: đạt được nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội với việc hoàn thành các kế hoạch kinh tế – xã hội dài hạn

Liên Xô trở thành cường quốc công nghiệp đứng thứ hai thế giới (sau Mĩ), chiếm khoảng 20% tổng sản lượng công nghiệp toàn thế giới; đi đầu trong nhiều ngành công nghiệp quan trọng.

Liên Xô cũng thu được nhiều thành tựu trong sản xuất nông nghiệp, sản lượng nông phẩm trong những năm 60 (thế kỉ XX) tăng trung bình 16%/năm.

Liên Xô là nước đầu tiên phóng thành công vệ tinh nhân tạo (1957), phóng tàu vũ trụ Phương Đông đưa nhà du hành vũ trụ I.Gagarin bay vòng quanh Trái Đất (1961), mở đầu kỉ nguyên chinh phục vũ trụ của loài người. Liên Xô chiếm lĩnh nhiều đỉnh cao của khoa học – kĩ thuật thế giới: vật lí, hoá học, điện tử, điều khiển học, khoa học vũ trụ…

– Về đối ngoại, Liên Xô thực hiện chính sách đối ngoại hoà bình và tích cực ủng hộ phong trào cách mạng thế giới; đấu tranh cho hoà bình, an ninh thế giới, kiên quyết chống chính sách gây chiến của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động; tích cực giúp đỡ các nước xã hội chủ nghĩa trong công cuộc xây dựng đất nước; ủng hộ các phong trào đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Câu 10: A

Câu 11: C

Tóm tắt:

- Biểu hiện: Xuất hiện công ty độc quyền. Mở rộng chiến tranh xâm lược.

- Thời gian:Cuối thế kỷ XIX - Đầu thế kỷ XX

- Đặc điểm: Là chủ nghĩa đế quốc phong kiến quân phiệt.

Cụ thể :

    + Kinh tế :

- Sự phát triển nhanh chóng của các ngành kinh tế, nhất là công nghiệp nặng

- Sự xuất hiện công ty độc quyền, chi phối mạnh mẽ đến nền kinh tế, chính trị Nhật Bản.

    + Chính trị - đối ngoại

- Giới cầm quyền thi hành chính sách bành trướng, xâm lược lãnh thổ

Năm Xâm lược :

1874 Đài Loan (Lưu cầu kiều)

1894 - 1895 Trung Quốc (Vùng Đông Bắc)

1904 - 1905 Nga (Chiếm 1/2 đảo Xakhalin)

Có Tác dụng thúc đẩy nhanh nền kinh tế Nhật Bản

- Tầng lớp quý tộc Samurai có ảnh hưởng lớn trong nền chính trị Nhật Bản. Họ chủ trương xây dựng Nhật Bản bằng sức mạnh quân sự (chủ nghĩa đế quốc phong kiến quân phiệt).

Câu 12: B

Câu 13: A

Phương pháp: phân tích.

Cách giải:

Kết quả: Trong quá trình thực hiện chiến lược toàn cầu, Mĩ đạt được một số mưu đồ nhất định:

- Lôi kéo nhiều nước tư bản đồng minh đi theo, ủng hộ Mĩ, trong đó có các nước Tây Âu.

- Khống chế, chi phối các nước tư bản đồng minh phụ thuộc vào Mĩ

- Làm cho nhiều nước bị chia cắt lâu dài: tiêu biểu là chia cắt hai miền Triều Tiên.

- Ngăn chặn đẩy lùi được chủ nghĩa xã hội trên thế giới: năm 1991, hệ thống chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ.

=>Chi phối được nhiều nước tư bản đồng minh phụ thuộc vào Mỹ.

Câu 14: A

Đẩy mạnh chương trình không gian là ưu tiên đối với Trung Quốc và Bắc Kinh khẳng định mục tiêu này mang tính chất dân sự thuần túy. Trung Quốc là nước thứ ba, sau Nga (Liên Xô cũ) và Mỹ, đưa người vào không gian.

Câu 15: A

Năm 1954, nhân dân Việt Nam đã đấu tranh kiên cường làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, phá sản hoàn toàn kế hoạch Nava của Pháp. Sự kiện này đã tác động mạnh mẽ tới phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định chiến thắng Điên Biên Phủ: “Là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới”.Trong số ấy, Angieri có số phận giống Việt Nam nhất, trong điều kiện cuộc kháng chiến ở quốc gia nà đang đi vào vế tắc thì Điện Biên Phủ giống "kim chỉ nam" cho con đường cách mạng phía trước.

Cũng tại châu Phi xa xôi, tháng 11/1954, chỉ vài tháng sau khi Việt Nam giành thắng lợi tại Điện Biên Phủ, một nước thuộc địa khác của Pháp là Angiêri đã phát động khởi nghĩa vũ trang giành độc lập dân tộc.

Chiến thắng Điện Biên Phủ giúp họ tin rằng Việt Nam có thể chiến thắng đế quốc thực dân thì Angiêri cũng có thể làm được. 8 năm sau đó, Chính phủ Pháp đã buộc phải thừa nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Angiêri, chấm dứt nền thống trị 132 năm của chủ nghĩa thực dân ở đây.

Câu 16: C

Phương pháp: Sgk 12 trang 42

Cách giải:

* Giai đoạn 1945-1973: phát triển mạnh mẽ

Giá trị tổng sản lượng công nghiệp của Mĩ chiếm hơn một nửa công nghiệp thế giới (56,5%) (1948).

Giá trị sản lượng nông nghiệp Mĩ bằng 2 lần giá trị tổng sản lượng nông nghiệp của 5 nước Anh, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản (1949).

50% tàu bè đi lại trên mặt biển là của Mĩ, 3/4 dự trữ vàng của thế giới tập trung ở Mĩ (1949).

Mĩ chiếm gần 40% giá trị tổng sản phẩm kinh tế thế giới.

Trong khoảng 20 năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Mĩ trở thành trung tâm kinh tế - tài chính duy nhất trên thế giới

=> Nét nổi bật trong sự phát triển của nền kinh tế Mĩ sau Chiến tranh thế giới thứ hai là phát triển mạnh mẽ, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Câu 17: D

Ngày 8 – 8 – 1967, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập tại Băng Cốc ( Thái Lan) với sự tham gia của 5 nước : Inđônêxia, Malaixia, Xingapo, Thái Lan, Philippin.

Câu 18: C

C. Những năm đầu thế kỷ XXI, Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. = > Trung Quốc không phải khu vực Đông Nam Á, vì trung quốc thuộc Đông Á

Câu 19: A

Nhờ cuộc “cách mạng xanh” trong nông nghiệp từ giữa những năm 70, Ấn Độ đã tự túc đẩy được lương thực và từ 1995 là nước xuất khẩu gạo đứng thứ ba.

Câu 20: B

Điểm giống nhau cơ bản giữa Cách mạng Lào và nước ta từ năm 1945 - 1975 là chung kẻ thù, do Đảng cộng sản Đông Dương lãnh đạo.

Câu 21: D

Nguyên nhân đầu tiên, quan trọng nhất dẫn tới sự ra đời của các quốc gia cổ đại phương Đông là điều kiện tự nhiên thụận lợi.

* Điều kiện tự nhiên

- Thuận lợi: Đất đai phù sa màu mỡ, gần nguồn nước tưới, thuận lợi cho sản xuất và sinh sống.

- Khó khăn: Dễ bị lũ lụt, gây mất mùa, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

- Do thủy lợi,… người ta đã sống quần tụ thành những trung tâm quần cư lớn và gắn bó với nhau trong tổ chức công xã. Nhờ đó nhà nước sớm hình thành nhu cầu sản xuất và trị thủy.

Câu 22: D

Bốn phát minh lớn của Trung Quốc thời phong kiến đó chính là: giấy viết, mực in, thuốc súng và La bàn.

Giấy viết: Người phát minh ra nghề làm giấy là hoạn quan Thái Luân. Ông dùng vỏ cây, sợi gai, vải rách… dùng để chế tạo ra giấy. Thực ra trước Thái Luân đã có nghề làm giấy ở Trung Quốc, có thể là từ thế kỷ thứ II trước Công nguyên, sớm hơn Thái Luân tới 100 năm. Cho nên Thái Luân chỉ được coi là người có công cải tiến kỹ thuật làm giấy ở Trung Quốc. Vào thời Triều Tống, tiền giấy Giao Tử phát hành sớm nhất ở Trung Quốc.

Thuốc súng: Thuốc nổ được phát minh ở Trung Quốc từ cách đây trên 1.000 năm. Đầu tiên là từ kali nitrát, diêm tiêu và than gỗ. Các nhà luyện đan triều Đường đã phát minh ra thuốc súng. Cuối triều Đường, đầu triều Tống lần đầu tiên thuốc nổ được dùng trong quân sự. Thời Bắc Tống đã có công binh xưởng tương đối lớn. Thuốc nổ Trung Quốc về sau được truyền qua Ấn Độ rồi sang Ả Rập, qua Tây Ban Nha rồi đến nhiều nước ở châu Âu.

Mực in: Nghề in bắt nguồn từ thói quen kí tên bằng triện (con dấu) của người Trung Hoa cổ đại. Khởi nguồn của nghề in có liên quan đến những ký tự khắc trên ngọc hoặc đá. Người Trung Quốc xưa khi sử dụng con dấu vẫn phải bôi lên mặt con dấu một lớp mực in. Từ sự gợi ý của con dấu này, người ta đã khắc những con chữ lên tấm gỗ giống như khắc những con dấu, rồi phủ một lớp mực mỏng lên bề mặt tấm gỗ, đặt tờ giấy lên, dùng một cái gạt và gạt nhẹ lên trên tờ giấy. Bản in cổ nhất theo cách này còn lưu lại đến bây giờ là cuốn “Kinh Kim Cương” vào đời nhà Đường.

Khắc chữ lên bảng gỗ rất tốn kém và mất công, khi hỏng một ký tự phải làm lại cả khuôn in. Chính vì vậy người ta đã nghĩ ra việc ghép các chữ rời lại với nhau.

Thời Tống chuyển sang kĩ thuật in chữ, khắc trên đất sét rồi đem nung, trong khi châu Âu đến thế kỉ 15 kĩ thuật in chữ mới ra đời. Kĩ thuật in này có hạn chế là chữ xấu, không rõ màu. Kĩ thuật này sau đó được cải tiến, thay chữ rời bằng đất sét nung rồi bằng gỗ, sau đó đến chữ rời bằng đồng.

Sự xuất hiện của nghề in đã giúp cho việc phổ biến, truyền bá văn hóa, tín ngưỡng cũng như kiến thức của con người ngày càng thuận tiện và nhanh chóng hơn.

La bàn: La bàn là công cụ định hướng Nam, Bắc phổ biến được ứng dụng nhiều khi người ta đi trên biển, vào rừng hoặc đi trong sa mạc.

La bàn do người Trung Hoa phát minh từ thời Chiến quốc sau khi tìm ra đá nam châm, còn gọi là “từ thạch”. Người ta dùng đá nam châm thiên nhiên mài gọt thành hình dáng như một cái thìa, sau đó đặt trên một cái đế bằng đồng được mài nhẵn và quay chiếc thìa. Đế đồng (như hình vẽ) được phân chia theo các cung quẻ, 4 phương 8 hướng. Khi chiếc khi thìa dừng lại, hướng của cán thìa sẽ quay về hướng Nam. Vì vật người Trung Quốc gọi là "kim chỉ Nam" . Hướng Nam xưa vốn được coi là hướng của quân vương.

Đến thời nhà Đường thì La bàn đã khá hoàn chỉnh và đến khoảng thời nhà Tống, nhà Nguyên thì được truyền bá sang châu Âu qua các cuộc chinh phạt. Nhờ có La bàn, người châu Âu mới thực hiện được những phát kiến địa lý mới như chuyến hải hành của Cristoforo Colombo tìm ra châu Mỹ.

Về sau La bàn được cải tiến dần bằng cách nhân tạo, từ hóa kim loại. Trung Hoa sử dụng La bàn trong hàng hải sớm hơn phương Tây tới gần 100 năm.

=> giấy, kĩ thuật in, la bàn, thuốc súng.

Câu 23: B

Lợi thế cơ bản mà cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai đã đem lại cho nước Mĩ là thu được nhiều lợi nhuận từ buôn bán vũ khí.

Câu 24: D

Phương pháp : sgk 11 trang 49, 50

Cách mạng dân chủ tư sản tháng 2/1917

Ngày 23/2/1917 cách mạng bùng nổ bằng cuộc biểu tình của 9 vạn nữ công nhân ở Pê-tơ-rô-gơ-rát.

-Phong trào nhanh chóng chuyển từ tổng bãi công chính trị sang khởi nghĩa vũ trang.

Lãnh đạo là Đảng Bôn-sê-vích

- Kết quả:

    + Chế độ quân chủ chuyên chế Nga hoàng bị lật đổ.

    + Xô viết đại biểu công nhân và binh lính được thành lập (tháng 3/1917 toàn nước Nga có 555 Xô viết)

    + Cùng thời gian giai cấp tư sản cũng thành lập Chính phủ lâm thời.

    + Nga trở thành nước Cộng Hoà

Câu 25: B

– Sau chiến tranh thế giới thứ 2, cuộc đấu tranh chống thực dân Anh của nhân dân Ấn Độ phát triển mạnh mẽ.

– Trước sức ép của phong trào đấu tranh, thực dân Anh buộc phải nhượng bộ, hứa sẽ trao quyền tự trị theo “phương án Maobáttơn” chia đất nước này thành hai quốc gia trên cơ sở tôn giáo.

=> Ấn Độ của người theo Ấn Độ giáo, Pakistan của người theo Hồi giáo.

– Đảng Quốc đại tiếp tục lãnh đạo nhân dân đấu tranh trong những năm 1948-1950. Ngày 26/1/1950, Ấn Độ tuyên bố độc lập và thành lập nước Cộng hòa.

Câu 26: B

Nguyên nhân sâu xa:

    + Đầu thế kỷ XX, ở châu Âu đã hình thành hai khối quân sự đối đầu nhau. Cả hai tập đoàn đều ôm mộng xâm lược, cướp đoạt lãnh thổ và thuộc địa của nhau, điên cuồng chạy đua vũ trang.

    + Mâu thuẫn giữa các nước đế quốc về vấn đề thuộc địa, mà trước tiên là giữa đế quốc Anh với đế quốc Đức, là nguyên nhân cơ bản dẫn đến chiến tranh.

Duyên cớ: Tình hình căng thẳng ở Ban – căng từ năm 1912 đến năm 1913 tạo cơ hội cho chiến tranh bùng nổ. Ngày 28 – 6 1914 Thái tử Áo – Hung bị một người Xéc – bi ám sát tại Bô – xni-a. Giới quân phiệt Đức, Áo bèn chộp lấy cơ hội đó để gây ra chiến tranh.

=> Như vậy, do quy luật phát triển không đều của chủ nghĩa đế quốc, giữa các nước đế quốc tồn tại mâu thuẫn không thể điều hòa được về vấn đề thuộc địa. Điều đó quy định tính tất yếu của cuộc chiến tranh. Còn duyên cớ - sự kiện Thái tử Áo – Hung bị ám sát – chỉ có tác dụng làm chiến tranh nổ ra sớm hay muộn.

=> mâu thuẫn giữa các nước đế quốc về thuộc địa

Câu 27: C

Sắp xếp các sự kiện trên theo trình tự thời gian.

(2). Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra đường lối mới.

(1). Đại hội XII của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

(3). Đảng Cộng sản Trung Quốc chủ trương cải cách lấy phát triển kinh tế làm trung tâm.

Câu 28: C

Nguyên nhân dẫn đến sự phát triển nền kinh tế Mĩ sau chiến tranh thế giới thứ hail à Chi phí cho quốc phòng thấp nên có điều kiện tập trung phát triển kinh tế .

Câu 29: D

Phương pháp: Sgk 12 trang 44.

Cách giải: Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Mĩ triển khai chiến lược toàn cầu với tham vọng bá chủ thế giới.

Câu 30: A

Phương pháp: Sgk 12 trang 29, suy luận

Cách giải:

Chiến lược kinh tế hướng nội của nhóm các nước sáng lập ASEAN sau khi thực hiện bộc lộ những hạn chế sau:

- Thiếu nguồn vốn, nguyên liệu và công nghệ.

- Chi phí cao dẫn tới tình trạng thua lỗ.

- Tệ tham nhũng, quan lieu phát triển.

- Đời sống nhân dân lao động khó khăn.

- Chưa giải quyết được mối quan hệ giữa tăng trưởng với công bằng xã hội.

Xuất phát từ những hạn chế đó của chiến lược kinh tế hướng nội, từ những năm 60-70 của thế kỉ XX, nhóm các nước sáng lập ASEAN đã chuyển sang chiến lược công nghiệp hóa lấy xuất khẩu làm chủ đạo (chiến lược kinh tế hướng ngoại).

=> Từ những năm 60-70 của thế kỉ XX, nhóm các nước sáng lập ASEAN phải chuyển sang chiến lược kinh tế hướng ngoại xuất phát từ những hạn chế của chiến lược kinh tế hướng nội.

=> Chọn A. Công nghiệp hóa lấy xuất khẩu làm chủ đạo.

Câu 31: D

Đáp án D

Phương pháp: liên hệ.

Cách giải: Sau chiến tranh thế giới thứ hai, các nước tư bản phát triển mạnh mẽ: Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản. Sự phát triển này tác đông bởi những nhân tố khác nhau nhưng chung nhất là áp dụng thành tựu Khoa học - kĩ thuật vào sản xuất. Việt Nam có thể rút kinh nghiệm từ sự phát triển này của các nước tư bản ứng dụng thanh tựu Khoa học - kĩ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động, hiện đại hóa đất nước.

Câu 32: D

Phương pháp: Sgk 11 trang 10

Cách giải:

Trong 20 năm đầu (1885 - 1905), Đảng Quốc Đại chủ trương dùng phương pháp đấu tranh ôn hòa để đòi chính phủ thực dân tiến hành cải cách và phản đối phương pháp đấu tranh bằng bạo lực

Chọn D. Ôn hòa.

Câu 33: B

Phương pháp: Sgk 12 trang 28

Cách giải:

Từ năm 1954 đến năm 1970, Chính phủ Xihanuc thực hiện đường lối hòa bình, trung lập, không tham gia bất cứ khối liên minh quân sự hoặc chính trị nào; tiếp nhận viện trợ từ mọi phía, không có điều kiện ràng buộc.

-> Hòa bình, trung lập.

Câu 34: C

- Đến đầu Công nguyên, miền Bắc Ấn Độ đã được thống nhất lại, bước vào một thời kỳ mới, thời kỳ phát triển cao và rất đặc sắc của lịch sử Ấn Độ - thời Vương triều Gúp-ta.

- Vương triều này do vua Gúp-ta lập, có vai trò tổ chức kháng cự, không cho các tộc ở Trung Á xâm lấn từ phía tây - bắc, thống nhất miền Bắc Ấn Độ; tiếp đó, tấn công chiếm cao nguyên Đê-can, làm chủ gần như toàn bộ miền Trung Ấn Độ.

- Vương triều Gúp-ta có 9 đời vua, trải qua gần 150 năm (319 – 467) vẫn giữ được sự phát triển và nét đặc sắc, cả dưới thời Hậu Gúp-ta (467 – 606) và Vương triều Hác-sa tiếp theo (606 – 647), tức là từ thế kỉ IV đến thế kỉ VII. Nét đặc sắc nổi bật của thời kỳ này là sự định hình và phát triển của nền văn hoá truyền thống ở Ấn Độ.

- Ở bắc Ấn Độ - thành phố Ka-pi-la-va-xtu là quê hương của nhà hiền triết Sít-đác-ta tự xưng là Sa-ky-a Mu-ni (Thích Ca Mâu Ni), sau trở thành Phật tổ. Đạo Phật được truyền bá dưới thời vua A-sô-ca, tiếp tục dưới triều Gúp-ta và cả dưới triều Hác-sa đến thế kỉ VII.

- Cùng với sự truyền bá Phật giáo và lòng tôn sùng đối với Phật, người ta đã làm nhiều ngôi chùa hang bằng cách đục đẽo hang đá thành hàng chục ngôi chùa rất kì vĩ, là những công trình kiến trúc đá rất đẹp và rất lớn. Cùng với chùa là những pho tượng Phật điêu khắc bằng đá hoặc trên đá.

- Ngoài ra ở Ấn Độ, đạo Hindu (hay Ấn Độ giáo) cũng ra đời và phát triển. Đây là tôn giáo bắt nguồn từ tín ngưỡng cổ xưa của người Ấn. Xã hội Ấn tôn thờ rất nhiều thần thánh, mà chủ yếu là 4 thần: Bộ ba Bra-ma (thần Sáng tạo), Si-va (thần Huỷ diệt), Vi-snu (thần Bảo hộ) và In-đra (thần Sấm sét) là những lực lượng siêu nhiên mà con người phải sợ hãi. Người ta cũng xây dựng nhiều ngôi đền bằng đá rất đồ sộ, hình chóp núi, là nơi ngự trị của thần thánh và cũng tạc bằng đá hoặc đúc bằng đồng rất nhiều hình tượng thần thánh để thờ, làm thành những phong cách nghệ thuật tạc tượng rất độc đáo.

- Người Ấn Độ sớm có chữ viết, như chữ cổ vùng sông Ấn có từ 3000 năm trước Công nguyên, chữ cổ vùng sông Hằng có khoảng từ 1000 năm trước Công nguyên. Ban đầu là kiểu chữ đơn giản Bra-mi (Brahmi), được dùng để khắc trên cột A-sô-ca, rồi sáng tạo thành hệ chữ Phạn (Sanskrit), được hoàn thiện từ thời A-sô-ca cả chữ viết và ngữ pháp. Ngôn ngữ Phạn dùng phổ biến dưới thời Gúp-ta trong việc viết bia. Ngôn ngữ và văn tự phát triển là điều kiện để chuyển tải, truyền bá văn học, văn hoá Ấn Độ.

- Thời Gúp-ta đã có những công trình kiến trúc, tượng, những tác phẩm tuyệt vời, làm nền tảng cho văn hoá truyền thống Ấn Độ, có giá trị vĩnh cửu xuyên suốt thời gian lịch sử của loài người

=> sự định hình và phát triển của văn hóa truyền thống Ấn Độ.

Câu 35: B

Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô là sự chống phá của các thế lực thù địch trong và ngoài nước.

1. Đích nhắm của phương Tây

2. Gorbachev chống phá Liên Xô

3. Sự lươn lẹo của Gorbachev

4. Chống phá Đảng từ bên trong

5. Cái gọi là tư duy chính trị mới

Câu 36: A

Mĩ Latinh được gọi là “lục địa bùng cháy” sau Chiến tranh thế giới thứ hai vì

- Từ sau cách mạng Cu Ba 1959 thành công 1 cao trào đấu tranh bùng nổ => Mĩ La Tinh được mệnh danh "Lục địa bùng cháy"

- Cuối những năm 80 Mĩ La Tinh đã đạt nhều thành tựu: củng cố độc lập chủ quyền , tiến hành cải cách kinh tế, thành lập các tổ chức liên minh khu vực về hợp tác và phát triển kinh tế.

Cơn bão táp cách mạng đã làm thay đổi cục diện chính trị ở nhiều nước:

- Trước kia bị rơi vào vòng lệ thuộc nặng nề và trở thành sân sau của Mĩ.

- Bây giờ phong trào giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ, cuồn cuộn như những ngọn núi lửa tấn công vào chủ nghĩa thực dân mới của Mĩ, thành lập chính phủ, giành được quyền dân tộc thực sự.

=> Khởi nghĩa vũ trang là hình thức chủ yếu trong cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài thân Mĩ.

Câu 37: B

Đã giành được độc lập.

Câu 38: C

Phương pháp: đánh giá, nhận xét.

Cách giải:

* Về kinh tế

- Từ 1990 - 1995, GDP là số âm.

- Giai đoạn 1996 - 2000 kinh tế phục hồi (năm 1997 tốc độ tăng trưởng là 0,5 %,năm 2000 là 9%).

* Về chính trị

- Tháng 12.1993, Hiến pháp Liên bang Nga được ban hành, quy định thể chế Tổng thống Liên bang.

- Tình hình chính trị không ổn định do sự tranh chấp giữa các đảng phái và xung đột sắc tộc, nổi bật là phong trào ly khai ở Tréc-ni-a.

* Về đối ngoại: một mặt ngả về phương Tây, mặt khác khôi phục và phát triển các mối quan hệ với châu Á.

* Từ năm 2000 kinh tế dần hồi phục và phát triển, chính trị và xã hội ổn định, vị thế quốc tế được nâng cao. Tuy vậy, nước Nga vẫn phải đương đầu với nhiều thách thức như nạn khủng bố, li khai, việc khôi phục và giữ vững vị thế cường quốc Á-Âu ...

Câu 39: C

Cuộc đấu tranh giành độc lập của các nước Mĩ Latinh diễn ra quyết liệt và nhiều nước đã giành được độc lập ngay từ đầu thế kỉ XIX. Năm 1791 ở Ha-i-yi bùng nổ cuộc đấu tranh lớn của người da đen dưới sự lãnh đạo của Tút-xanh Le-véc-a. Năm 1804, cuộc đấu tranh giành thắng lợi. Ha-i-ti trở thành nước cộng hoà da đen đầu tiên ở Mĩ latinh.

Câu 40: C

Năm 1921, nước Nga Xô viết bước vào thời kì hòa bình xây dựng đất nước trong hoàn cảnh cực kì khó khăn. Nền kinh tế quốc dân bị tàn phá nghiêm trọng, tình hình chính trị không ổn định, các lực lượng phản cách mạng điên cuồng chống phá, gây bạo loạn ở nhiều nơi.

Trong bối cảnh đó, tháng 3-1921, Đảng Bônsêvích Nga quyết định thực hiện Chính sách kinh tế mới (NEP) do V.I Lê-nin đề xướng, bao gồm các chính sách chủ yếu về nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp về tiền tệ.

Trong nông nghiệp, Nhà nước thay thế chế độ trưng thu lương thực thừa bằng thu thuế lương thực. Thuế lương thực nộp bằng hiện vật. Sau khi nộp đủ thuế đã quy định từ trước mùa gieo hạt, nông dân toàn quyền sử dụng số lương thực thừa và được tự do bán ra thị trường.

Trong công nghiệp, Nhà nước tập trung khôi phục công nghiệp nặng, cho phép tư nhân được thuê hoặc xây dựng những xí nghiệp loại nhỏ (dưới 20 công nhân) có sự kiểm soát của Nhà nước; khuyến khích tư bản nước ngoài đầu tư, kinh doanh ở Nga. Nhà nước nắm các ngành kinh tế chủ chốt như công nghiệp, giao thông vận tải, ngân hàng, ngoại thương. Nhà nước chấn chỉnh việc tổ chức, quản lí sản xuất công nghiệp, phần lớn các xí nghiệp chuyển sang chế độ tự hạch toán kinh tế, cải tiến chế độ tiền lương nhằm nâng cao năng suất lao động.

Trong lĩnh vực thương nghiệp và tiền tệ, tư nhân được tự do buôn bán, trao đổi, mở lại các chợ, khôi phục và đẩy mạnh mối liên hệ giữa thành thị và nông thôn. Năm 1924, Nhà nước phát hành đồng rúp mới thay cho các loại tiền cũ.

Bằng việc thực hiện Chính sách kinh tế mới, chỉ sau một thời gian ngắn, nền kinh tế quốc dân của nước Nga Xô viết đã có những chuyển biến rõ rệt.

Sự thành lập Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết

Công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước đòi hỏi các dân tộc trên lãnh thổ Xô viết phải liên minh chặt chẽ với nhau nhằm tăng cường sức mạnh về mọi mặt. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Lê-nin, Đại hội lần thứ nhất các xô viết toàn Liên bang, diễn ra cuối tháng 12-1922, đã tuyên bố thành lập Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (gọi tắt là Liên Xô), gồm 4 nước Cộng hòa Xô viết đầu tiên là Nga, U-crai-na, Bê-la-rút-xi-a và Ngoại Cáp-ca-dơ.

Mặc dù có sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế, về dân số và diện tích giữa các nước cộng hòa, nhưng tư tưởng chỉ đạo cơ bản của Lê nin trong việc thành lập Liên Xô là sự bình đẳng về mọi mặt và quyền tự quyết của các dân tộc, sự giúp đỡ lẫn nhau vì mục tiêu chung là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Ngày 21-1-1924, Lê-nin, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản, người đứng đầu Đảng và Nhà nước Xô viết qua đời. Đó là một tổn thất to lớn đối với nhân dân Liên Xô, giai cấp công nhân quốc tế và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Sau khi Lê-nin mất, Xta-lin lên thay, tiếp tục lãnh đạo công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước Liên Xô trong những năm 1924-1953.

Xem thử Bộ 78 đề Xem thử Bộ 39 đề

Xem thêm bộ đề ôn thi tốt nghiệp THPT môn Lịch Sử năm 2021 có đáp án, chọn lọc, hay khác:

Săn shopee siêu SALE :

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, GÓI THI ONLINE DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 12

Bộ giáo án, đề thi, bài giảng powerpoint, khóa học dành cho các thầy cô và học sinh lớp 12, đẩy đủ các bộ sách cánh diều, kết nối tri thức, chân trời sáng tạo tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official


Tài liệu giáo viên