Sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Ca dao Việt Nam - Cánh diều

Giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Ca dao Việt Nam Tập 1 - Cánh diều

Với giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Bài tập đọc hiểu: Ca dao Việt Nam bộ sách Cánh diều hay nhất, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 6.

Câu 1 (trang 19 Sách bài tập Ngữ Văn 6 Tập 1): Tìm các so sánh trong ba bài ca dao và lập bảng tổng hợp vào vở theo mẫu sau:

Bài

Điều được so sánh

Từ so sánh

Điều dùng để so sánh













Trả lời:

Các so sánh trong ba bài ca dao:

Bài

Điều được so sánh

Từ so sánh

Điều dùng để so sánh

1

Công cha, nghĩa mẹ

như

núi ngất trời, nước ở ngoài biển đông.

2

Con người có cố, có ông

như

cây có cội, sông có nguồn

3

Tình anh em ruột thịt

như

tay chân

Câu 2 (trang 19 Sách bài tập Ngữ Văn 6 Tập 1): (Câu hỏi 2, SGK) Hãy chọn và nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong một bài ca dao.

Trả lời:

(Câu hỏi 2, SGK Ba bài ca dao đầu sử dụng biện pháp tu từ so sánh. Ở bài ca dao thứ hai, so sánh con người "có cố", "có ông" với việc "cây có cội", "sông có nguồn” cho thấy sự hiển nhiên của việc con người có gốc nguồn, tiên tổ sinh thành, được thế hệ đi trước trao truyền cả sự sống và kế thừa tất cả những truyền thống tốt đẹp của ông cha. Mặt khác, so sánh hàm chứa sự nhắn nhủ về lòng biết ơ, kính nhớ tổ tiên, về bài học “uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Cây đơm hoa kết trái sum suê là nhờ gốc rễ bền vững, nhờ nguồn mà sông ăm ắp dâng đầy không bao giờ vơi cạn.

Câu 3 (trang 19 Sách bài tập Ngữ Văn 6 Tập 1): Sưu tầm hai bài ca dao về tình cảm gia đình được viết theo thể lục bát.

Trả lời:

Tìm đọc trong sách, báo và trên internet để sưu tầm những bài ca dao hay viết theo thể lục bát về tình cảm gia đình. 

Ví dụ: 

- Chiều chiều ra đứng ngõ sau,

Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.

- Mẹ già ở chốn lều tranh,

Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con

- Anh em như chân với tay

Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần.

Câu 4 (trang 20 Sách bài tập Ngữ Văn 6 Tập 1): Tìm và giới thiệu một bài viết về hình ảnh người mẹ trong ca dao để hiểu sâu hơn các bài ca dao về tình cảm gia đình đã học.

Trả lời:

Để tìm và giới thiệu một bài viết về hình ảnh người mẹ trong ca dao, các em có thể tìm từ nhiều nguồn khác nhau: sách, báo, internet,... nhưng chú ý ghi rõ nguồn dẫn, sau đó đọc và liên hệ với bài cùng chủ đề đã học để hiểu sâu hơn các bài ca dao về tình cảm gia đình. Sau đây là một bài viết về người mẹ trong ca dao:

HÌNH ẢNH MẸ TRONG CA DAO XƯA

     Công ơn trời bể của người mẹ từ xa xưa đã được ông cha ta đúc kết thành những lời ca dao ngọt ngào, thân thương nhất, để mỗi một người con đều biết kính yêu và nhớ đến công ơn to lớn của người mẹ. Người mẹ đã phải trải qua không biết bao nhiêu đau đớn của những ngày tháng mang nặng đẻ đau và chịu nhiều hi sinh để nuôi nấng, dạy dỗ cho mỗi đứa con nên người. Có lẽ, trên thế gian này không có tình yêu nào đẹp như tình yêu của cha mẹ dành cho con cái. Tình yêu ấy cao cả, vị tha, bao dung và hiền từ, tỏa ngời ánh sáng ấm áp mà tạo hoá đã ban tặng cho con người.

    Ai đã từng lớn lên trong gia đình nghèo khổ, chứng kiến cảnh ngoài trời mưa tuôn xối xả, bên trong căn nhà chỗ nước dột mẹ nằm, chỗ khô ráo mẹ nhường cho con, chắc hẳn sẽ thấu hiểu và cảm động đến rơi nước mắt trước tình mẫu tử thiêng liêng. Tình cảm sâu nặng ấy được gửi gắm qua câu ca dao:

Nuôi con chẳng quản chi thân

Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn.

    Người xưa thường mượn hình ảnh của thiên nhiên để so sánh với công lao to lớn của người mẹ như:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Hay:

Công cha nghĩa mẹ cao vời

Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta.

    Tình mẹ thiêng liêng và cao cả không chỉ được nhắc đến qua những lời ca dao mượt mà, sâu lắng, mà còn được kết thành những khúc ca thắm thiết, xao xuyến lòng người. Ai trong chúng ta không biết đến lời của ca khúc “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào / Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiển ngọt ngào,... Mẹ đã sinh con ra, nuôi con đến ngày lớn khôn và cả cuộc đời, cả trái tim mẹ đều dành trọn tình yêu thương cho những đứa con của mình.

    Bởi vậy, mỗi một người con đều cần phải biết ơn và hiếu thuận với mẹ trong cuộc đời này. Và để nhắc nhở mỗi người con phải biết kính yêu người mẹ, phải biết được tình yêu trào dâng và công ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ là không gì có thể sánh được, ca dao xưa như những bài học vô cùng quý báu gợi nhắc điều đó. Đó là những lời dạy, lời khuyên răn đầy ý nghĩa:

Tu đâu cho bằng tu nhà

Thờ cha kính mẹ mới là chân tu.

    Hai câu ca dao tuy ngắn gọn nhưng chứa đựng ý nghĩa sâu sắc. Chúng ta cũng biết một thực tế rằng, có nhiều người khi đi đến chốn linh thiêng như chùa chiền để tu hành, tu tâm nhưng khi về nhà lại coi khinh cha mẹ, bất hiếu với ông bà, cha mẹ, làm những việc vô đạo đức. Vậy nên, lời ca dao cũng là lời nhắc nhở sâu xa với mỗi người con hãy biết kính trọng cha mẹ khi họ còn sống bên chúng ta. Đừng để khi cha mẹ qua đời rồi mới khóc than thì cũng đã muộn rồi.

    Vai trò, tầm quan trọng của người mẹ đối với những đứa con còn được người xưa đúc kết qua lời ca dao, "Mồ côi cha ăn cơm với cá / Mồ côi mẹ lót lá mà nằm!”.

    Suy ngẫm từ thực tiễn cuộc sống, chúng ta đều nhận thấy ở người mẹ một sự chu đáo, tỉ mỉ, ân cần, tha thiết nhất. Lời ca dao đã cho ta thấy điều đó, người mẹ bao giờ cũng chăm lo cho con mọi thứ. Trên mỗi bước đường con đi đều có mẹ luôn bên cạnh dẫn dắt, chở che, soi đường để con có thể vững tin vào cuộc sống:

Mẹ già như ánh trăng khuya

Dịu dàng soi tỏ bước đi con hiền.

Tình yêu của mẹ dịu dàng, ngọt ngào tựa như “chuối ba hương”, “xôi nếp mật”, “đường mía lau” thể hiện qua lời ca dao:

Mẹ già như chuối ba hương

Như xôi nếp mật, như đường mía lau.

    Và năm tháng qua đi, mẹ của chúng ta càng ngày càng già yếu, tránh sao khỏi quy luật sinh, lão, bệnh, tử. Vậy nên, ai cũng có lúc trở nên “mồ côi” trong cuộc đời này. Mỗi một người con chúng ta cần phải biết kính trọng và hiếu thảo với mẹ nhiều hơn nữa để không bao giờ hối hận khi không còn mẹ:

Mẹ già như chuối chín cây

Gió đưa mẹ rụng, con này mồ côi

Mồ côi tội lắm ai ơi

       Đói cơm khát nước biết người nào lo.

    Dù đã qua bao thế kỉ, bao năm tháng, nhưng những lời ca dao viết về hình ảnh người mẹ vẫn còn sống mãi trong lòng mỗi người dân ta. Đó là kho tàng quý giá chứa đựng biết bao bài học có giá trị để dạy dỗ mỗi người hãy biết kính trọng, hiếu thảo và luôn luôn nhớ công ơn to lớn mà người mẹ đã dành cho mình. Hãy biết yêu mẹ bằng những việc làm thiết thực, không nên chỉ biết nói suông và ngợi ca cho hay.

                                                          (Theo Nguyễn Bích Kiều, phunungaynay.vn)

Xem thêm các bài giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 sách Cánh diều hay, chi tiết khác:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH LUYỆN THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 6

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi, sách dành cho giáo viên và khóa học dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài soạn, giải sách bài tập Ngữ văn lớp 6 Cánh diều hay nhất dựa trên đề bài và hình ảnh của sách bài tập Ngữ văn lớp 6 Tập 1, Tập 2 bộ sách Cánh diều (NXB Đại học Sư phạm). Bản quyền giải sách bài tập Ngữ văn lớp 6 thuộc VietJack, nghiêm cấm mọi hành vi sao chép mà chưa được xin phép.

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Giải bài tập lớp 6 Cánh diều khác
Tài liệu giáo viên