Giải Sinh học 11 trang 90 Chân trời sáng tạo

Với Giải Sinh học 11 trang 90 trong Ôn tập Chương 1 Sinh 11 Chân trời sáng tạo hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời các câu hỏi & làm bài tập Sinh 11 trang 90.

Giải Sinh học 11 trang 90 Chân trời sáng tạo

Quảng cáo

Bài 1 trang 90 Sinh học 11: Vào mùa hè và mùa đông, chúng ta cần chế độ dinh dưỡng như thế nào để đáp ứng nhu cầu trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng của cơ thể?

Lời giải:

- Vào mùa hè: Nhiệt độ cao làm cơ thể toát nhiều mồ hôi dẫn đến mất nước và các chất khoáng. Do đó, cần uống đủ nước; bổ sung nhiều trái cây, rau củ; tránh ăn những thức ăn sinh nhiều nhiệt như thực phẩm nhiều đường, chất béo,…

- Vào mùa đông: Nhiệt độ thấp, cơ thể cần nhiều năng lượng để duy trì nhiệt độ. Do đó, cần sử dụng các loại thực phẩm giàu protein, vitamin A, một số chất khoáng (Mg, Zn, I,…) giúp tăng cường khả năng chịu lạnh và miễn dịch của cơ thể.

Quảng cáo

Bài 2 trang 90 Sinh học 11: Phát biểu nào sau đây là đúng khi nói về trao đổi nước và khoáng ở thực vật?

A. Rễ hấp thụ nước từ đất theo cơ chế thẩm thấu và vận chuyển chủ động.

B. Nước và các chất khoáng hòa tan được vận chuyển một chiều trong mạch rây của thân từ rễ lên lá.

C. Trao đổi nước gồm ba giai đoạn: hấp thụ nước ở rễ, vận chuyển nước ở thân và thoát hơi nước ở lá.

D. Quá trình thoát hơi nước ở lá được thực hiện chủ yếu qua bề mặt lá.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C.

A – Sai. Rễ hấp thụ nước từ đất theo cơ chế thẩm thấu.

B – Sai. Nước và các chất khoáng hòa tan được vận chuyển một chiều trong mạch gỗ của thân từ rễ lên lá.

D – Sai. Quá trình thoát hơi nước ở lá được thực hiện chủ yếu qua khí khổng.

Quảng cáo

Bài 3 trang 90 Sinh học 11: Thứ tự các bộ phận trong ống tiêu hóa của người là

A. miệng → ruột non → thực quản → dạ dày → ruột già → hậu môn.

B. miệng → thực quản → dạ dày → ruột non → ruột già → hậu môn.

C. miệng → ruột non → dạ dày → hầu → ruột già → hậu môn.

D. miệng → dạ dày → ruột non → thực quản → ruột già → hậu môn.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Thứ tự các bộ phận trong ống tiêu hóa của người là: miệng → thực quản → dạ dày → ruột non → ruột già → hậu môn.

Bài 4 trang 90 Sinh học 11: Có bao nhiêu ví dụ sau đây thể hiện sự cân bằng nội môi?

Quảng cáo

(1) Khi áp suất thẩm thấu trong máu tăng cao, thận tăng cường tái hấp thu nước, tăng uống nước.

(2) Ở người, pH máu được duy trì khoảng 7,35 – 7,45 nhờ hoạt động của hệ đệm, phổi và thận.

(3) Phổi và ruột non đều có diện tích bề mặt rộng.

(4) Nồng độ glucose trong máu người được duy trì trong khoảng 3,9 – 6,4 mmol/L.

A. 4.

B. 1.

C. 2.

D. 3.

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

Ví dụ thể hiện sự cân bằng nội môi là: (1), (2) và (4).

Bài 5 trang 90 Sinh học 11: Khi chơi thể thao hoặc lao động nặng, chúng ta thường có hiện tượng thở gấp và bị mất nước. Tại sao?

Lời giải:

Khi chơi thể thao hoặc lao động nặng, chúng ta thường có hiện tượng thở gấp và bị mất nước vì: Khi vận động, cơ thể cần nhiều năng lượng để cung cấp cho các hoạt động của cơ thể, hệ hô hấp và hệ tuần hoàn tăng cường hoạt động để cung cấp đủ lượng oxygen cho các tế bào tiến hành quá trình hô hấp tạo ra ATP và nhiệt, do đó, cơ thể có hiện tượng thở gấp. Sự giải phóng nhiệt làm cho thân nhiệt tăng lên, cơ thể toát nhiều mồ hôi để điều hòa thân nhiệt dẫn đến mất nước.

Bài 6 trang 90 Sinh học 11: Tại sao chạy thận nhân tạo được xem là giải pháp tối ưu cho các bệnh nhân bị suy thận mãn tính?

Lời giải:

Chạy thận nhân tạo được xem là giải pháp tối ưu cho các bệnh nhân bị suy thận mãn tính vì: Bệnh nhân bị suy thận mãn tính có chức năng thận bị suy giảm đến mức không thể phục hồi, thận không thể thực hiện chức năng gây ứ đọng các sản phẩm thải trong máu. Do đó, chạy thận nhân tạo là giải pháp tối ưu giúp thay thế chức năng của thận, đảm bảo sự sống của người bệnh. Chạy thận nhân tạo (hay lọc thận nhân tạo) là quá trình lọc máu ngoài cơ thể theo một quy trình nghiêm ngặt. Máy chạy thận sẽ được kết nối vào vòng tuần hoàn máu của cơ thể, máu từ cơ thể sẽ đi qua máy lọc thận để lọc bỏ các chất độc, muối và nước thừa tránh làm cho các chất này tích tụ gây nguy hiểm đến sức khỏe của người bệnh; sau đó, máu sẽ trả máu sạch về cơ thể.

Bài 7 trang 90 Sinh học 11: Trong quá trình phát triển của tế bào lympho, một số tế bào lympho T hỗ trợ sau khi được hoạt hóa sẽ biệt hóa thành tế bào T nhớ. Các tế bào này đóng vai trò như những “người lính canh gác” để hạn chế trường hợp tái nhiễm tác nhân gây bệnh. Hãy cho biết:

a. Các tế bào T nhớ sẽ hoạt động khi nào?

b. Sau khi kháng nguyên đã bị loại trừ hoặc sau khi khỏi bệnh, tế bào T nhớ còn tồn tại trong cơ thể không? Giải thích.

Lời giải:

a. Các tế bào T nhớ hoạt động sau khi cơ thể đã bị nhiễm tác nhân gây bệnh, lúc này các tế bào T nhớ đã tiếp xúc với kháng nguyên ít nhất một lần. Khi các tác nhân gây bệnh tái xâm nhập, cơ thể sẽ tạo đáp ứng miễn dịch thứ phát nhanh hơn và mạnh hơn.

b. Sau khi kháng nguyên đã bị loại trừ hoặc sau khi khỏi bệnh, tế bào T nhớ vẫn tiếp tục tồn tại trong cơ thể để khi các kháng nguyên tái xâm nhập, chúng sẽ hoạt hóa quá trình đáp ứng miễn dịch đặc hiệu để tiêu diệt các tác nhân gây hại. Nhờ đó, cơ thể thường không mắc lại các bệnh đã từng mắc phải.

Bài 8 trang 90 Sinh học 11: Tại sao việc bú sữa mẹ có tác dụng tăng cường miễn dịch ở trẻ sơ sinh?

Lời giải:

Việc bú sữa mẹ có tác dụng tăng cường miễn dịch ở trẻ sơ sinh vì trong sữa mẹ có chứa nhiều loại kháng thể cùng nhiều dưỡng chất quan trọng khác có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch cho trẻ, tạo điều kiện giúp trẻ chống lại sự tấn công của các tác nhân gây bệnh (virus, vi khuẩn,…), nhờ đó giúp cơ thể trẻ phát triển khỏe mạnh.

Bài 9 trang 90 Sinh học 11: Ở cơ thể một người bình thường:

- Sau một bữa ăn có nhiều carbohydrate, lượng đường đo được trong máu ở tĩnh mạch cửa gan (tĩnh mạch dẫn máu từ ruột non về gan) có thể lên đến 3 g/L; nhưng lượng đường trong máu ở tĩnh mạch cánh tay vẫn không tăng quá 1,2 g/L.

- Khi hoạt động thể lực nhiều cần nhiều năng lượng tạo ra do sự phân giải glucose trong máu, lượng đường trong máu ở tĩnh mạch cánh tay cũng không giảm xuống dưới mức 0,9 g/L.

Hãy giải thích các hiện tượng trên.

Lời giải:

- Sau khi ăn một bữa ăn có nhiều carbohydrate: Gan nhận nhiều glucose từ tĩnh mạch cửa gan → Phần lớn glucose được biến đổi thành glycogen dự trữ trong gan và cơ, phần còn lại được gan biến đổi thành mỡ dự trữ trong mô mỡ → Đường huyết trong máu được giữ ổn định.

- Khi hoạt động thể lực nhiều: Sự tiêu dùng năng lượng của cơ thể làm glucose trong máu có xu hướng giảm, gan chuyển hóa glycogen dự trữ thành glucose; gan còn sử dụng các chất hữu cơ (lactic acid được giải phóng từ cơ, glycerol từ quá trình phân giải lipid,…) để tạo thêm glucose đưa vào bổ sung cho máu → Nồng độ glucose huyết tương được giữ ở mức ổn định.

Bài 10 trang 90 Sinh học 11: Có ý kiến cho rằng: “Tất cả thực vật đều có chlorophyll a”. Dựa vào vai trò của chlorophyll a, em hãy cho biết ý kiến này đúng hay sai. Giải thích.

Lời giải:

Ý kiến này là đúng. Vì chlorophyll a (ở trung tâm phản ứng) có vai trò trực tiếp tham gia vào quá trình biến đổi năng lượng ánh sáng thành năng lượng hóa học tích trữ trong ATP và khử NADP+ thành NADPH trong chuỗi truyền electron quang hợp, do đó, thiếu diệp lục a cây không thể quang hợp được.

Xem thêm lời giải bài tập Sinh học lớp 11 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 11 hay khác:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH LUYỆN THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 11

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi, sách dành cho giáo viên và gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Giải bài tập lớp 11 Chân trời sáng tạo khác
Tài liệu giáo viên