Top 30 Viết văn bản thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên (hay nhất)
Tổng hợp trên 30 văn bản thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên hay nhất giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.
- Bài văn thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên (mẫu 1)
- Dàn ý Bài văn thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên
- Bài văn thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên (mẫu 2)
- Bài văn thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên (mẫu 3)
- Bài văn thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên (mẫu 4)
- Bài văn thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên (mẫu 5)
- Bài văn thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên (mẫu 6)
- Bài văn thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên (mẫu 7)
- Bài văn thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên (mẫu 8)
- Bài văn thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên (mẫu 9)
- Bài văn thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên (mẫu khác)
Top 30 Viết văn bản thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên (hay nhất)
Văn bản thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên: Mặt trời giả
Hiện tượng Mặt Trời giả hay Mặt Trời ma, có tên khoa học là parhelion (số nhiều là parhelia). Đây là một hiện tượng khí quyển, là các đốm sáng, thường thấy trên các cạnh của Quầng bên cạnh Mặt Trời.
Mặt Trời giả có thể xuất hiện như một đốm màu của ánh sáng ở bên trái hoặc bên phải của mặt trời, vị trí 22° và tại cùng một khoảng cách trên đường chân trời như Mặt Trời, trong quầng sáng băng. Chúng có thể được nhìn thấy ở bất cứ đâu trên thế giới trong bất cứ mùa nào, nhưng chúng không luôn luôn rõ ràng hoặc sáng. Mặt Trời giả dễ thấy nhất khi mặt trời ở vị trí thấp.
Hiện tượng Mặt Trời giả xuất hiện khi ánh sáng Mặt Trời trên cao đi qua các tinh thể băng trong không khí. Ngoài Mặt Trời thật ở vị trí trung tâm, người quan sát còn nhìn thấy hình ảnh phản chiếu ở hai bên.
Hiện tượng này xảy ra khi nhiệt độ thấp hơn -30 độ C, không khí có nhiều hơi nước và các tinh thể băng.
Quầng tinh thể được nhìn thấy khi Mặt Trời ở gần đường chân trời, trên cùng mặt phẳng theo phương ngang của người quan sát và các tinh thể băng. Khi ánh sáng xuyên qua tinh thể băng, nó bị bẻ cong một góc khoảng 22 độ trước khi phản chiếu đến mắt.
Mặt trời giả được hình thành khi những tinh thể băng hình lục giác trong những đám mây ti ở trên cao và lạnh trong điều kiện thời tiết rất lạnh, bởi những tinh thể băng trôi dạt trong không khí ở cao độ thấp. Những tinh thể này tác dụng như những lăng kính, làm bẻ cong các tia sáng đi qua chúng. Khi các tinh thể rơi trong không khí, chúng bị canh thẳng đứng, làm khúc xạ ánh sáng mặt trời theo phương ngang nên mặt trời giả xuất hiện.
Khi mặt trời dâng lên cao, mặt trời giả thật sự có thể trôi giạt ra khỏi điểm 22 độ. Cuối cùng, mặt trời leo lên đến một điểm đủ cao thì mặt trời giả hoàn toàn biến mất.
Người Hi Lạp cổ đại đã nhận ra rằng mặt trời giả là điềm báo mưa khá chính xác. Những tinh thể băng tạo ra vầng hào quang và mặt trời giả cũng hình thành nên những đám mây ti, chúng tạo nên loại mây tiêu biểu báo trước sự ngưng tụ nước ấm áp.
Ngoải hiện tượng Mặt Trời giả còn có hiện tượng Mặt Trăng giả xuất hiện bên cạnh mặt trăng và hình thành do ánh sáng mặt trời đi xuyên qua các tinh thể băng. Mặt trăng giả, hay paraselenae, không xuất hiện thường xuyên như mặt trời giả vì chúng chỉ được nhìn thấy khi mặt trăng chiếu sáng và vì chúng xuất hiện vào ban đêm.
Dàn ý Văn bản thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên
- Phần mở đầu: Giới thiệu khái quát về hiện tượng tự nhiên muốn giải thích.
- Phần nội dung: giải thích nguyên nhân xuất hiện và cách thức diễn ra của hiện tượng tự nhiên.
+ Vì sao hiện tượng tự nhiên đó xuất hiện.
+ Hiện tượng tự nhiên đó xuất hiện như thế nào?
+ Hiện tượng tự nhiên đó kết thúc như thế nào? Gây nên kết quả gì
+ Nhận xét:
Hiện tượng tự nhiên đó có diễn ra thường xuyên không?
Hiện tượng tự nhiên đó có ảnh hưởng, tác động tốt/xấu gì cho con người hay không?
- Phần kết thúc: có thể trình bày sự việc cuối/ kết quả của hiện tượng tự nhiên hoặc tóm tắt nội dung giải thích.
Văn bản thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên: Mưa đá
Mưa đá là gì?
Mưa đá là một hiện tượng mưa bất thường, trong đó những cục mưa đá dạng hạt hoặc cục băng kích thước khác nhau (từ 0,5 cm đến hàng chục cm) rơi từ trên trời xuống. Chúng là kết tủa rắn hình thành trong điều kiện đối lưu cực mạnh từ các đám mây dông gây ra. Mưa đá thường rơi xuống cùng với những cơn mưa rào. Trận mưa đá thường kết thúc nhanh trong vòng 5 -10 phút, lâu nhất khoảng 20 - 30 phút.
Hiện tượng mưa đá hay xảy ra nhất ở vùng núi, bán sơn địa giáp núi, giáp biển. Đồng bằng ít khi xảy ra hơn.
Nguyên nhân hình thành mưa đá
Thông thường, mưa đá hình thành nhiều nhất trong các tháng chuyển mùa, như từ mùa nóng sang lạnh (tháng 9, 10 và 11), và mùa lạnh sang nóng (tháng 4, 5 và 6) . Khi đó, hàm lượng hơi nước trong không khí rất cao các dòng không khí lên xuống mãnh liệt (đối lưu) là nguyên nhân chính gây nên hiện tượng mưa bất thường này.
Trong mùa nóng ẩm, nhiệt độ cao làm hơi nước bốc lên nhiều. Từ đó khí quyển tầng thấp sẽ nhận được lượng nhiệt lớn bị nóng lên, hình thành cột không khí dưới nóng trên lạnh. Các dòng không khí nóng lạnh lên xuống mạnh mẽ là nguyên nhân tạo ra những đám mây vũ tích có khả năng gây mưa đá.
Sau đó, các hạt mưa đá phát triển bằng cách va chạm với các giọt nước lỏng đóng băng trên bề mặt của hạt mưa đá. Nếu nước đóng băng ngay lập tức khi va chạm với mưa đá, nước đá sẽ vẩn đục do các bọt khí sẽ bị giữ lại trong lớp băng mới hình thành. Nếu nước đóng băng từ từ, nước đá sẽ trong do bọt khí có thể thoát ra ngoài.
Các dạng mưa đá
- Mưa đá nhỏ: là những hạt băng trong suốt rơi từ đám mây, các hạt có hình cầu, hình nón, đường kính xấp xỉ 5mm.
- Mưa đá: là những hạt nước đá, có thể trong suốt, có thể vẩn đục rơi từ đám mây hoặc rơi rời rạc. Cục đá thường hình cầu, hình nón, hoặc kích thước không đều. Đường kính từ 5-50mm.
Những nguy hiểm mà hiện tượng mưa đá gây ra
- Gây hư hỏng tài sản: xé toạc mái nhà, làm vỡ cửa sổ, đồ đạc, làm hỏng các cấu trúc có mái bằng kính, hỏng ô tô, hủy hoại mùa màng,…
- Gây thiệt hại người và vật nuôi: gây thương tích nặng hoặc tử vong cho người và động vật. Ngoài ra, mưa đá có thể mang theo độc tố, acid,… Nếu đám mây được hình thành từ vùng nước độc, ô nhiễm, những chất bẩn trong nước mưa có thể gây dị ứng, ngứa ngáy, mẩn đỏ, hại da người.
Cách phòng tránh rủi ro từ mưa đá hiệu quả
- Ở trong nhà đến khi mưa đá dừng: Nên tránh xa cửa sổ trần và cửa sổ. Nên kéo rèm cửa để ngăn kính vỡ bắn vào nhà.
- Nếu đang lái xe: hãy tấp vào nơi có mái che càng sớm càng tốt. Chẳng hạn như nhà để xe, siêu thị, trạm xăng.
- Nếu đang đi đường: hãy dừng lại và tìm ngay chỗ trú ẩn có mái hiên. Nên đổi mũ bảo hiểm để tránh đá rơi vào đầu. Chờ đá trên đường tan hết mới đi tiếp để tránh trơn ngã.
- Với cây trồng: có thể dùng giàn che dọc theo luống hình tam giác sẽ giúp giảm tác động của hạt mưa đá.
- Với mái nhà: Vào mùa thường xuyên xảy ra mưa dông nên chủ động gia cố mái nhà, sử dụng vật liệu chống chịu với va đập tốt như Polycarbonate.
Văn bản thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên: Sóng thần
Sóng thần là gì?
Sóng thần (tsunami) là một loạt các đợt sóng tạo nên khi một thể tích lớn của nước đại dương bị chuyển dịch chớp nhoáng trên một quy mô lớn. Động đất cùng những dịch chuyển địa chất lớn bên trên hoặc bên dưới mặt nước, núi lửa phun và va chạm thiên thạch đều có khả năng gây ra sóng thần.
Nguyên nhân hình thành sóng thần
Các trận sóng thần có thể hình thành khi đáy biển, đột ngột bị biến dạng theo chiều dọc, chiếm chỗ của lượng nước nằm trên nó. Những sự di chuyển lớn theo chiều dọc như vậy của vỏ Trái Đất có thể xảy ra tại các rìa mảng lục địa. Những trận động đất do nguyên nhân va chạm mảng đặc biệt hay tạo ra các cơn sóng thần. Khi một mảng đại dương va chạm với một mảng lục địa, đôi khi nó làm rìa mảng lục địa chuyển động xuống dưới. Cuối cùng, áp suất quá lớn tác dụng lên rìa mảng khiến nó nhảy giật lùi lại (snaps back) tạo ra các đợt sóng chấn động vào vỏ Trái Đất, khiến xảy ra cơn địa chấn dưới lòng biển, được gọi là động đất tại đáy biển.
Các đặc điểm của sóng thần
- Tốc độ di chuyển của các cột sóng cực lớn, có thể lên đến 800km/h
- Trong đại dương có độ sâu khoảng 6100m, sóng thần sẽ di chuyển với tốc độ 890km/h (bằng tốc độ máy bay) và có thể lướt từ bên này đến bên kia của Thái Bình Dương trong không đầy một ngày.
- Độ cao của cột sóng ở vùng nước nông có thể cao hơn 30 mét hoặc hơn.
- Đặc tính của sóng thần là sóng nước nông, cơn sóng thần khi đổ bộ vào đất liền chủ yếu là sóng tần nước nông.
- Sóng thần có chu kỳ từ 10 – 120 phút, bước sóng có thể lên đến 500km
- Sức tàn phá của sóng thần là cực kỳ lớn, có thể phá hủy cả một thành phố, kéo dài cả ngàn km.
- Sóng thần dịch chuyển ngầm trong đại dương, có thể đi cực nhanh mà không mất nhiều năng lượng. Đây chính là lý do vì sao khi đến đất liền, tốc độ của sóng giảm nhưng năng lượng của sóng gần như là giữ nguyên..
Dấu hiệu của một đợt sóng thần sắp tới
- Cảm thấy động đất. Nếu cảm thấy nền đất rung lắc mạnh đến mức không còn đứng vững được, thì nhiều khả năng sẽ xảy ra một trận sóng thần.
- Các bong bóng chứa khí gas nổi lên mặt nước làm ta có cảm giác như nước đang bị sôi.
- Nước trong sóng nóng bất thường.
- Nước có mùi trứng thối (khí hyđro sulfua) hay mùi xăng, dầu.
- Nước làm da bị mẩn ngứa.
- Nghe thấy một tiếng nổ như là: tiếng máy nổ của máy bay phản lực, tiếng ồn của cánh quạt máy bay trực thăng, hay là tiếng huýt sáo.
- Biển lùi về sau một cách đáng chú ý.
- Mây đen vần vũ đầy trời.
- Vệt sáng đỏ ở đường chân trời.
- Khi sóng thần ập vào bờ, sẽ có tiếng gầm rú giống như chuyến tàu hỏa đang đến gần.
- Hàng triệu con chim hải âu bay ngược biển.
- Nhiều đất nước khi có sóng thần, thường hay có những tiếng còi cảnh báo rú lên.
Tác hại của sóng thần
Sóng thần là những cột nước cao hàng chục mét, càn quét mọi thứ xung quanh chúng ta, gây ra nhiều thiệt hại không thể lường trước được. Ảnh hưởng của sóng thần vô cùng nặng nề.
Vùng chịu thiệt hại nặng nề nhất của sóng thần đó là vùng ben biển, có chiều cao thấp hơn 15 mét so với nước biển. Bên cạnh đó, vùng vịnh có cửa biển hẹp sẽ chịu tác động lớn hơn do sức mạnh của sóng thần được khuếch đại hơn.
Biện pháp ngăn chặn sóng thần
- Hiểu biết về sóng thần để biết rằng khi mực nước rút xuống lần đầu tiên, mức độ nguy hiểm sóng thần mang lại chưa hề qua.
- Những khu vực có nguy cơ sóng thần xảy ra cần có những hệ thống cảnh cáo để người dân nắm được.
- Một số biện pháp giảm bớt như xây dựng bức tường chắn sóng cao trước biển, trồng cây dọc bờ biển,..
- Khi tàu thuyền đang ở trên biển, nếu nhận được tin cảnh báo cần quay trở lại càng nhanh chóng, hoặc di chuyển tàu thuyền đến những vùng nước sâu, không ở lại trên tàu đang neo đậu.
- Nếu đang ở trên bãi biển, cần quay vào khu vực an toàn một cách nhanh nhất, báo cho mọi người biết để sơ tán kịp thời.
Văn bản thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên: Sao băng
Sao băng hay sao sa, sao đổi ngôi là sự bốc cháy của các thiên thạch hay vẩn thạch khi bay vào bầu khi quyển của Trái Đất với tốc độ khoảng 100.000km/h.
Tại sao lại có sao băng?
Khi di chuyển với vận tốc khoảng 100.000km/h, các phân tử không khí trên đường đi của thiên thạch bị nung nóng bởi sóng xung kích, hoặc bị nén quá mạnh đến mức khiến nhiệt độ của sóng xung kích tăng lên đến hàng ngàn độ và làm cho các thành phần vật chất của thiên thạch bị nung đến nóng sáng.
Thực chất, các sao chổi chính là nguyên nhân khiến mưa sao băng xuất hiện. Sao Chổi là những thiên thể quay quanh Mặt trời được cấu tạo bởi băng, bụi và đá. Khi chuyển động gần Mặt trời, các sao Chổi bị tan tạo thành những dải bụi trên quỹ đạo.
Nếu các sao Chổi đi qua hoặc ở gần quỹ đạo của Trái Đất, và Trái Đất chuyển động đến gần điểm giao nhau đó, các bụi khí của sao Chổi sẽ bay vào trong khí quyển làm xuất hiện rất nhiều sao băng. Khi đó, chúng được gọi là Mưa Sao băng.
Các giao điểm là xác định trên đường đi của Trái Đất và mỗi năm Trái đất sẽ đi qua những giao điểm nó tại thời điểm nhất định. Do vậy, các trận mưa sao băng đều có chu kỳ là 1 năm.
Cách xem mưa sao băng
Để xem được một trận sao băng hoàn hảo thì phải xác định được hướng các chòm sao. Do tâm điểm của các trận mưa sao băng sẽ nằm trên bầu trời nên ở nơi nào có thể nhìn được những chòm sao đó thì có thể nhìn được những trận mưa sao băng.
Càng đi dần về cực thì việc nhìn được về phía bên kia bán cầu rất là khó khăn cũng như rất khó quan sát được những trận mưa sao băng. Vì thế những nơi nằm ở càng gần vùng xích đạo thì càng dễ quan sát được những trận mưa sao băng.
Sao băng có ước được không?
Rất nhiều người tin rằng khi gặp được sao băng, nhắm mắt và chắp tay cầu nguyện thì lời ước đó sẽ thành hiện thực. Điều này xuất hiện ở nhiều nền văn hóa Châu Á dẫn đến việc hình ảnh sao băng, mưa sao băng xuất hiện nhiều trong những bộ phim truyền hình tình cảm lãng mạn và thu hút lượng người xem khổng lồ.
Tuy nhiên, đây chỉ là quan niệm dân gian, chưa được khoa học chứng minh tính chính xác của nó nên câu trả lời cho câu hỏi sao băng có ước được không sẽ tùy thuộc vào quan niệm và niềm tin của bạn.
Văn bản thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên: Động đất
Động đất là gì?
Động đất là hiện tượng rung động đột ngột của vỏ Trái đất, mạnh hay yếu tuỳ từng trận (xác định bằng độ Richter) do sự dịch chuyển các mảng thạch quyển hoặc các đứt gãy ở dưới mặt đất và truyền qua các khoảng cách lớn.
Một chấn động đơn độc thường kéo dài không quá vài giây, những trận động đất nghiêm trọng nhất cũng chỉ kéo dài tối đa là 3 phút.
Nguyên nhân dẫn đến động đất
Nguyên nhân nội sinh
- Động đất do sụp lở các hang động ngầm dưới mặt đất và động đất do các vụ trượt lở đất đá tự nhiên với khối lượng lớn (loại động đất này thường chỉ làm rung chuyển một vùng hẹp và chiếm khoảng 3% tổng số trận động đất thế giới).
- Động đất do núi lửa, chủ yếu liên quan với các hoạt động phun nổ của núi lửa (loại động đất này không mạnh lắm –chiếm khoảng 7%).
- Động đất kiến tạo (chiếm 90%) liên quan với hoạt động của các đứt gãy kiến tạo, đặc biệt là các đứt gãy ở rìa các mảng thạch quyển, vận động kiến tạo ở các đới hút chìm; liên quan đến hoạt động macma xâm nhập vào vỏ trái đất làm phá vỡ trạng thái cân bằng áp lực có trước của đá vây quanh làm đá phát sinh ứng suất và khi bị đứt vỡ thì xảy ra động đất; liên quan đến sự biến đổi tướng đá từ dạng tinh thể này sang dạng tinh thể khác gây co rút và dãn nở thể tích đá làm biến đổi lớn về thể tích cũng gây ra động đất.
Nguyên nhân ngoại sinh: gồm động đất do thiên thạch va chạm vào trái đất.
Nguyên nhân nhân sinh: động đất xảy ra do hoạt động làm thay đổi ứng suất đá gần bề mặt đặc biệt là các vụ thử hạt nhân, nổ nhân tạo dưới lòng đất hoặc tác động của áp suất cột nước của các hồ chứa nước, hồ thủy điện.
Mức độ nguy hiểm của động đất
Động đất là một nguyên nhân gây ra sóng thần. Khi xảy ra động đất ở trong lòng đại dương, sức địa chấn đẩy khối nước khổng lồ lên cao. Trong khoảng mấy trăm km2 khối nước bị đẩy lên cao rồi rơi xuống, tạo ra những đợt sóng lớn tràn qua các đạI dương rồi đổ bộ vào đất liền. Đôi khi động đất còn khiến núi lửa hoạt động, thậm chí là những núi lửa đã tắt từ lâu. Do lòng đất bị nứt ra tạo cơ hội cho nhũng dòng magma phun trào. Những hiện tượng này khi kết hợp với nhau sẽ tạo ra những tai họa không lường.
Vì động đất xảy ra rất bất ngờ cũng như tính chất nguy hiểm của nó, trong khi chúng ta không thể làm gì để ngăn chặn nó, nên cách duy nhất để đối phó là làm sao để giảm đến mức tối đa thiệt hại mà động đất gây nên.
Độ lớn của động đất
Độ lớn của động đất M hay còn gọi là độ Richter. Hình dung về độ richter như sau:
- Từ 1 - 2: Không nhận biết được.
- Từ 2 - 4: Có thể nhận biết nhưng thường không gây thiệt hại.
- Từ 4 - 5: Mặt đất rung chuyển, nghe tiếng nổ, thiệt hại không đáng kể.
- Từ 5 - 6: Nhà cửa rung chuyển, một số công trình có hiện tượng nứt.
- Từ 6 - 7: Nhà cửa bị hư hại nhẹ.
- Từ 7 - 8: Động đất mạnh phá hủy hầu hết các công trình xây dựng thông thường, có vết nứt lớn hoặc lún sụt trên mặt đất.
- Từ 8 - 9: Nhà cửa đổ nát, nền đất bị lún sâu đến 1m, sụp đổ lớn ở núi kèm theo thay đổi địa hình trên diện rộng.
- Trên 9: Rất hiếm khi xảy ra.
Những trận động đất có M > 7 không xảy ra khắp mọi nơi mà thường tập trung ở những vùng nhất định, gọi là đới hoạt động địa chấn mạnh.
Tác hại của động đất
- Tác động trực tiếp của các trận động đất là rung cuộn mặt đất, gây ra hiện tượng nứt vỡ, làm sụp đổ các công trình xây dựng, gây sạt lở đất, lở tuyết. Mức độ nghiêm trọng của nó dựa trên cường độ, khoảng cách tính từ chấn tâm, và các điều kiện về địa chất, địa mạo tại nơi bị ảnh hưởng.
- Động đất cũng thường gây ra hỏa hoạn khi chúng phá hủy các đường dây điện và các đường ống khí.
- Các trận động đất xảy ra dưới đáy biển có thể gây ra lở đất hay biến dạng đáy biển, làm phát sinh sóng thần (những đợt sóng lớn tràn qua các đại dương rồi đổ bộ vào đất liền). Đôi khi động đất còn khiến núi lửa hoạt động, thậm chí là những núi lửa đã tắt từ lâu...
Văn bản thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên: Núi lửa phun trào
Núi lửa là gì?
Núi lửa là gì? Khái niệm núi lửa có thể được hiểu một cách đơn giản đó là núi có miệng ở đỉnh, theo thời gian, các chất khoáng trong lòng đất nóng chảy với nhiệt độ và áp suất lớn sẽ bị phun ra ngoài qua miệng núi.
Hiện tượng núi lửa phun trào là một hiện tượng tự nhiên xảy ra trên Trái Đất hoặc ở một hành tinh khác vẫn còn hoạt động địa chấn, các vỏ thạch quyển di chuyển trên lớp chất khoáng nóng chảy.
Nguyên nhân hình thành núi lửa
Núi lửa là gì đã có câu trả lời rõ ràng, vậy, nguyên nhân sinh ra núi lửa là gì? Nhiệt độ bên dưới bề mặt Trái Đất rất nóng, càng xuống sâu trong lòng Trái Đất, nhiệt độ càng tăng lên cao, thậm chí lên đến 6000 độ C, có thể làm tan chảy hầu hết các loại đá cứng.
Khi đá được đun nóng và tan chảy, chúng giãn nở ra, do đó cần nhiều không gian hơn. ở một số khu vực trên Trái Đất, các dãy núi liên tục được nâng cao hơn. Áp suất ở phía dưới nó không lớn nên dòng mắc ma được hình thành. Khi áp lực của các dòng chảy mắc ma cao hơn áp lực tạo bởi lớp đá bên trên, dòng mắc ma phun trào lên trên qua miệng núi và tạo thành núi lửa.
Phân loại núi lửa
Dựa vào hình dáng, có 2 loại: núi lửa hình chóp và núi lửa hình khiên.
Dựa vào dạng thức hoạt động, có 3 loại: núi lửa thức, núi lửa ngủ, núi lửa chết.
Lợi ích núi lửa mang lại
Tạo ra mỏ khoáng sản phong phú
Dung nham mắc ma được phun trào từ trong lòng trái đất có chứa rất nhiều thành phần khoáng sản quý hiếm. Các khoáng sản này có thể là thiếc, bạc, vàng, đồng, đá quý hay thậm chí là kim cương cũng hiện diện trong đá của núi lửa. Khi núi lửa ngừng hoạt động, đây sẽ là địa điểm lý tưởng cho các hoạt động khai thác khoáng sản quy mô lớn, nhỏ.
Mang lại năng lượng địa nhiệt
Hơi nóng trong lòng đất ở miệng núi lửa thường được sử dụng để chạy các tuabin sinh ra điện năng, hoặc được ứng dụng cho nhu cầu sinh hoạt của các hộ gia đình tại địa phương có núi lửa hoạt động.
Giúp cho đất đai tơi xốp màu mỡ
Đá núi lửa chứa một lượng lớn các khoáng chất thiên nhiên, tuy nhiên, phải trải qua hàng ngàn năm, các khối đá này mới bị bể vụn trước tác động của thời tiết, môi trường… để tạo thành những mảnh đất vô cùng trù phú và màu mỡ, giúp ích rất nhiều cho các hoạt động trồng trọt của người nông dân.
Phát triển hoạt động du lịch
Vào nhiều thời điểm trong năm, các ngọn núi lửa đang hoạt động thu hút được hàng triệu du khách đến tham quan, để chờ đón thời khắc được tận mắt chứng kiến những khối tro bụi nóng màu đỏ lửa phun trào được bắn tung lên bầu trời. Những suối nước nóng tự nhiên xung quanh miệng núi lửa cũng có thể trở thành những địa điểm du lịch dưỡng sinh vô cùng thu hút.
Những tác hại của núi lửa hoạt động
Đối với con người
- Những dòng dung nham nóng chảy trên mặt đất, với khối lượng lớn và tốc độ nhanh, phủ kín trên diện rộng có thể gây hủy diệt hoạt toàn các vật thể sống xung quanh miệng núi lửa.
- Làm hư hại các công trình giao thông, thủy lợi… cũng như các tài sản khác do con người xây dựng tạo ra.
Đối với môi trường tự nhiên
- Gây ra hiện tượng cháy rừng, làm biến đổi hoàn toàn môi trường sinh thái, suy giảm tài nguyên sinh học của các vùng bị ảnh hưởng
- Gây ra thảm họa sóng thần
- Gây ra ô nhiễm môi trường.
- Tác động xấu đến khí hậu và tầng ozon.
Văn bản thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên: Thủy triều
Thủy triều là gì?
Thủy triều được dịch sang nghĩa thuần Việt với nghĩa là nước dâng cao hoặc rút xuống. Chiết tự câu chữ như sau “thủy” có nghĩa là nước, “triều” là cường độ mực nước thay đổi lên – xuống. Hiểu đơn giản hơn, thủy triều là hiện tượng nước biển hoặc nước sông,… thay đổi lên xuống theo một chu kỳ dựa vào thiên văn.
Nguyên nhân xuất hiện thủy triều
Thủy triều được hình thành do lực hấp dẫn của Mặt Trăng và lực li tâm gây ra. Có thể hiểu là thủy quyển có hình cầu dẹt nhưng bị kéo cao lên ở hai miền tạo thành hình elip.
Theo chu kỳ ngày và đêm của Trái Đất, nó sẽ tự một mình quay quanh nó một vòng. Đồng nghĩa với việc khi ở một điểm nào trên Trái Đất có một lần hướng về Mặt Trời sẽ xuất hiện thủy triều. Có 2 loại thủy triều:
- Thủy triều bán nhật triều: Mỗi ngày Trái Đất sẽ có 2 lần nước dâng cao và 2 lần nước xuống.
- Thủy triều toàn nhật triều: Chu kỳ mỗi ngày thủy triều dâng cao 1 lần và 1 lần thủy triều xuống.
Đặc điểm của thủy triều
Thủy triều được chia làm các giai đoạn khác nhau:
- Nước biển dâng nhanh trong vài giờ, làm ngập cả vùng biển. Hiện tượng này gọi là ngập triều.
- Khi nước biển hạ thấp trong vài giờ, nước rút làm lộ ra vùng gian triều thì gọi là triều rút.
Ứng dụng của thủy triều trong đời sống
Một số ứng dụng của thủy triều trong đời sống – xã hội như sau:
- Từ xa xưa, con người sống dựa sông dựa biển nên đã biết cách tính theo con nước. Chu kỳ lên xuống của nó. Chính nhờ yếu tố tự nhiên mà con người tìm được nguồn lương thực lớn từ thủy triều. Biết cách bắt hải sản như tôm, cua, cá,…
- Mỗi lần chu kỳ của thuỷ triều xuất hiện, mang theo nguồn thuỷ hải sản phong phú. Do đó hoạt động đánh bắt cá phụ thuộc vườn điều kiện, thời gian kéo dài mỗi chu kỳ thủy triều.
- Con người đã biết sử dụng thủy triều để phục vụ cho công nghiệp như sản xuất điện dựa vào triều cường. Góp phần to lớn cho ngành ngư nghiệp như đánh bắt hải sản. Tham gia vào quá trình nghiên cứu thủy văn.
- Con người tận dụng lợi thế thủy triều để đóng tàu thuyền.
Văn bản thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên: Vòi rồng
Lốc xoáy (vòi rồng) là gì?
Vòi rồng hay lốc xoáy là một cột khí xoáy dữ dội, hút từ bề mặt đất lên đám mây vũ tích, tạo thành hình phễu hoặc hình xoáy lủng lẳng từ một đám mây trông giống như cái vòi.
Quá trình hình thành của vòi rồng
Không khí nóng ẩm từ vịnh thổi vào gặp không khí lạnh, khô hình thành mây và dông. Nếu điều kiện thuận lợi, luồng không khí được nâng lên đột ngột sẽ quay xung quanh một miệng phễu trung tâm với tốc độ đôi khi hơn 160km/giờ. Vòi rồng được hình thành khi đám mây hình phễu này chạm mặt đất.
Vòi rồng có thể xảy ra bất kì lúc nào khi không khí nóng và lạnh xung đột, ngay cả trong đêm tối nhưng thường tập trung vào buổi chiều.
Mức tàn phá của lốc xoáy
Cấp độ của một trận lốc xoáy được xếp từ thang độ F0- F5 theo mức độ thiệt hại mà nó gây ra.
- F0: Lốc xoáy có cường độ yếu, tốc độ gió khoảng 64 - 116km/h, chỉ gây thiệt hại nhẹ như bẻ gãy cành cây, cần ăng-ten.
- F1: Lốc xoáy có cường độ trung bình, tốc độ gió khoảng 117 - 180km/h, có thể giật tung mái nhà, bẻ gãy cột đèn đường, làm lật xe.
- F2: Lốc xoáy gây ra thiệt hại đáng kể, với tốc độ gió khoảng 181 - 253k/h, có thể thổi bay các mái nhà, làm bật gốc các cây lớn, làm lật các toa chở hàng.
- F3: Lốc xoáy có cường độ mạnh và gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng, tốc độ gió 254-332km/h, có thể làm lật mái nhà, gây đổ tường, nhấc xe ô tô lên khỏi mặt đất, làm các cây to bật gốc.
- F4: Lốc xoáy với tốc độ gió 333 - 418km/h có sức mạnh hủy diệt, có thể phá hủy các ngôi nhà có nền móng yếu, cuốn bay ô tô.
- F5: Lốc xoáy với tốc độ gió từ 419 - 512 km/h có sức hủy diệt không thể tưởng tượng nổi, có thể thổi bay các ngôi nhà kiên cố, nhấc bổng và ném ô tô xa hàng trăm mét, làm các cây cổ thụ bật gốc.
Những điều nên và không nên làm khi xuất hiện vòi rồng
Nên làm
- Cần chú ý theo dõi các thông tin cảnh báo và quan sát các dấu hiệu báo hiệu.
- Cần tìm chỗ nấp an toàn ở trong nhà, nếu ở bên ngoài cần tránh dưới vật nặng và giữ nó thật chặt.
- Tìm những chỗ an toàn của các công trình kiên cố: tầng hầm, tầng trệt.
Không nên làm
- Không đứng trú hoặc đứng gần các cây to, cột điện hoặc nhà không vững chãi…để tránh bị đè bẹp.
- Không đứng gần cửa sổ, cửa ra vào và tường ngoài của căn nhà.
- Không đứng gần nóc nhà.
- Tuyệt đối không chạy cùng hướng với đường đi của vòi rồng.
Văn bản thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên: Tập tính di cư của loài chim
Những nghiên cứu mới nhất cho thấy rằng chim di cư để đi theo chuỗi thức ăn của chúng, vốn sẽ trở nên khan hiếm vào mùa đông. Các loài chim di cư sẽ đi theo sâu, bọ hoặc các loài động vật cỡ nhỏ… là nguồn thức ăn chính của chúng, để tránh việc khan hiếm thức ăn khiến chúng không thể vượt qua được mùa đông.
Chim di cư xác định phương hương như thế nào?
Có hai kỹ năng mà tất cả các loài chim di cư đều phải có: định hướng và điều hướng. Định hướng là khả năng xác định hướng đang đi. Loài chim không có la bàn hoặc thiết bị GPS, nhưng chúng có thể tự định hướng bằng cách quan sát vị trí của Mặt trời vào ban ngày và các vì sao vào ban đêm. Một số loài chim như bồ câu có thể tự định hướng nhờ vào từ trường của Trái đất.
Có một số giả thuyết đối với việc điều hướng của loài chim, nhưng không có câu trả lời nào chắc chắn. Một số loài chim được cho rằng đã “lái” từ điểm này sang điểm tiếp theo bằng cách sử dụng những mốc lớn như đường bờ biển, dãy núi và thậm chí cả đường cao tốc của con người. Các loài chim khác thì tìm đường để di trú bằng cách theo dõi những chú chim già hơn đã từng thực hiện các chuyến đi đó.
Các loài chim bay cao như diều hâu và bồ nông hầu hết đều bay trong ngày để tận dụng các luồng gia nhiệt. Các loài chim nhỏ hơn chủ yếu bay vào ban đêm khi bầu khí quyển ổn định hơn.
Các tuyến đường di cư của chim
Số lượng đường di cư rất đa dạng và mỗi loài chim sẽ có những hướng di cư giống hoặc khác nhau. Hầu hết tất cả các tuyến đường di cư đều theo hướng Bắc - Nam, vì hầu hết các loài chim có tập tính di cư đều đền từ khu vực sinh sản ở phía Bắc vào thời điểm cuối mùa thu để định cư ở những vùng lãnh thổ trú đông ở xa hơn về phía Nam.
Ở Bắc Mỹ, có bốn “đường bay” chính dẫn đường cho các loài chim từ Bắc Canada xuống Mexico và Nam Mỹ. Ở châu Âu, nhiều loài sinh sản gần Bắc cực và đi theo hàng chục tuyến đường để đến đồng bằng châu Phi vào mùa đông.
Các tuyến đường khác thì không dễ dàng như vậy. Chim hải âu đuôi ngắn đi theo một hình số 8, vòng qua vành đai Thái Bình Dương. Mòng biển California thì sinh sản trong Công viên quốc gia Yellowstone và bay về phía Tây trước khi quay về phía Nam để bay trở về nơi sinh sản ở Nam California.
Không con đường di trú nào có thể vượt qua đường di trú của loài nhạn biển Bắc cực nhỏ bé, khi chúng di chuyển từ Greenland ở gần Bắc cực để đến Nam cực dọc theo bờ biển châu Phi và Nam Mỹ. Mỗi con nhạn biển Bắc cực thường bay khoảng 81.000km mỗi năm.
Văn bản thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên: Lũ lụt
Lũ lụt là một hiện tượng tự nhiên xảy ra ở nhiều quốc gia, gây ra nhiều hậu quả cho con người.
Về khái niệm, chúng ta có thể hiểu đơn giản, lũ lụt được hiểu một cách đơn giản là hiện tượng mực nước trên sông, hồ quá lớn, quá mức quy định dẫn đến tình trạng ngập úng, nước tràn hoặc gây vỡ đê trực tiếp tràn vào khu dân cư.
Nguyên nhân gây ra lũ lụt đầu tiên có thể do bão và triều cường xảy ra tạo nên lượng nước lũ lớn, kèm theo đó là hiện tượng sạt lở đất khiến cho đất dâng lên làm tràn ngập nước vùng ven biển. Thứ hai, mưa lớn kéo dài ở các vùng đồng bằng khiến các con sông không kịp thoát nước, gây ngập úng. Thứ ba, thảm họa sóng thần hay thủy triều cũng gây ra hiện tượng này. Cuối cùng, nguyên nhân phải kể đến chính là do sự tác động của con người. Các hành vi như chặt phá rừng bừa bãi, khai thác tài nguyên một cách khiển đồi núi bị xói mòn, dễ gây nên tình trạng ngập lụt hay sạt lở đất mỗi khi mùa mưa bão đến.
Lũ lụt, trước hết, gây ra thiệt hại to lớn về tính mạng của con người. Chúng ta không thể nào thống kê được hết số người đã chịu thiệt mạng vì lũ lụt. Có thể kể đến trận lũ lụt đồng bằng sông Hồng năm 1971 khiến cho khoảng hơn năm trăm người chết và hơn một trăm nghìn người bị thương nặng. Tiếp đến, sau mỗi trận lũ lụt đi qua, nhiều của cải của con người cũng bị tàn phá nặng nề, ví dụ như nhà cửa, cây trồng, vật nuôi,... Nếu tình trạng bão lũ kéo dài còn khiến cho việc trồng trọt bị ảnh hưởng, các loại cây lương thực bị ngập úng mà chết, từ đó ảnh hưởng đến nguồn lương thực, thực phẩm phục vụ cho cuộc sống của con người. Ngoài ra, khu lũ lụt xảy ra, kéo theo những chất thải từ cống rãnh, ao hồ và các khu đổ rác làm ô nhiễm trực tiếp đến nguồn nước công cộng. Tình trạng ô nhiễm môi trường nước khiến cho con người dễ bị nhiều bệnh về đường ruột hay tạo điều kiện cho các loại vi-rút xuất hiện.
Con người cần ý thức được tác hại của lũ lụt, để phòng tránh lũ lụt xảy ra cũng như giải pháp khắc phục.
Xem thêm các bài viết Tập làm văn lớp 8 hay khác:
Bài văn thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên mà bản thân quan tâm
Trình bày nội dung thảo luận về chủ đề Thiên nhiên có vai trò gì đối với cuộc sống con người
Viết đoạn văn để trình bày cảm nhận của em về vẻ đẹp của thiên nhiên lúc giao mùa
Viết một bài văn nghị luận bày tỏ ý kiến về một vấn đề môi trường hoặc thiên nhiên mà em quan tâm
Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 8 hay khác:
- Soạn văn 8 Chân trời sáng tạo (hay nhất)
- Soạn văn 8 Chân trời sáng tạo (ngắn nhất)
- Giải lớp 8 Chân trời sáng tạo (các môn học)
- Giải lớp 8 Kết nối tri thức (các môn học)
- Giải lớp 8 Cánh diều (các môn học)
Tủ sách VIETJACK shopee lớp 6-8 cho phụ huynh và giáo viên (cả 3 bộ sách):
Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.
Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:Loạt bài Soạn văn 8 hay nhất, ngắn gọn của chúng tôi được biên soạn bám sát nội dung sgk Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo Tập 1 và Tập 2 (NXB Giáo dục).
Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.
- Soạn văn 8 (hay nhất) - CTST
- Soạn văn 8 (ngắn nhất) - CTST
- Giải sgk Toán 8 - CTST
- Giải Tiếng Anh 8 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh 8 Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 8 Friends plus
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 8 - CTST
- Giải sgk Lịch Sử 8 - CTST
- Giải sgk Địa Lí 8 - CTST
- Giải sgk Giáo dục công dân 8 - CTST
- Giải sgk Tin học 8 - CTST
- Giải sgk Công nghệ 8 - CTST
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 8 - CTST
- Giải sgk Âm nhạc 8 - CTST