Top 30 Giới thiệu về một cuốn sách (truyện)
Tổng hợp trên 30 bài Giới thiệu về một cuốn sách (truyện) hay nhất giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.
- Giới thiệu về một cuốn sách (truyện) (mẫu 1)
- Dàn ý Giới thiệu về một cuốn sách (truyện)
- Giới thiệu về một cuốn sách (truyện) (mẫu 2)
- Giới thiệu về một cuốn sách (truyện) (mẫu 3)
- Giới thiệu về một cuốn sách (truyện) (mẫu 4)
- Giới thiệu về một cuốn sách (truyện) (mẫu 5)
- Giới thiệu về một cuốn sách (truyện) (mẫu 6)
- Giới thiệu về một cuốn sách (truyện) (mẫu 7)
- Giới thiệu về một cuốn sách (truyện) (mẫu 8)
- Giới thiệu về một cuốn sách (truyện) (mẫu 9)
- Giới thiệu về một cuốn sách (truyện) (các mẫu khác)
Top 30 Giới thiệu về một cuốn sách (truyện)
Giới thiệu về một cuốn sách (truyện) - mẫu 1
Mở đầu: Kính chào thầy cô và các bạn, tôi là…, học sinh lớp… . Sau đây, tôi xin được giới thiệu về cuốn sách Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Nguyễn Nhật Ánh (sinh năm 1955) là một tác giả quen thuộc của bạn đọc nhỏ tuổi. sinh năm 1955. Ông là một trong những nhà văn được độc giả lứa tuổi thiếu niên rất yêu thích. Một số tác phẩm tiêu biểu có thể kể đến như: Trước vòng chung kết, Chuyện cổ tích dành cho người lớn, Kính vạn hoa, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ,... Trong đó, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là cuốn tiểu thuyết tôi rất yêu thích và ấn tượng.
Sách được xuất bản lần đầu tại Việt Nam vào ngày 9 tháng 12 năm 2010 do Nhà xuất bản Trẻ phát hành. Tác phẩm giống như là một cuốn nhật ký của cậu bé Thiều - nhân vật chính của tác phẩm kể về cuộc sống của những đứa trẻ tại một vùng quê nghèo khó. Nổi bật nhất đó chính là tình anh em, tình bạn bè cùng những tâm tư của một đứa trẻ mới lớn. Cuốn sách còn được chuyển thể thành bộ phim điện ảnh cùng tên bởi đạo diễn Victor Vũ đã gây được tiếng vang lớn.
“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là những trang nhật ký về cuộc sống thường nhật của một cậu bé. Thiều đang là học sinh, sống ở một vùng quê nghèo. Cậu cùng với em trai là Tường thường xuyên bày trò quậy phá khiến cha mẹ phiền lòng. Tường là một cậu bé hiền lành, dễ thương và thích đọc sách. Cậu rất yêu thương và ngưỡng mộ anh trai của mình. Hai anh em Thiều thường cùng nhau chơi những trò cảm giác mạnh và Tường luôn là người phải chịu những tai bay vạ gió do anh gây ra.
Ngoài ra chuyện còn kể về mối quan hệ của hai anh em với những người bạn cùng lớp, những người dân trong làng… Biến cố xảy ra khi nhà của Mận - bạn cùng lớp của Thiều bị bốc cháy khiến ba Mận được người ta đoán là đã chết cháy. Mận phải chuyển đến ở nhà nhà của Thiều một thời gian. Trong suốt khoảng thời gian đó, Thiều đã nảy sinh những rung động đầu đời của một cậu bé mới lớn. Một thời gian sau, Mận biết được ba mình còn sống và mẹ sẽ được thả trong một ngày không xa.
Tuy nhiên, sự thân thiết giữa Tường và Mận lại khiến cho cơn ghen tức trong lòng Thiều tăng lên theo thời gian. Sau đó, Thiều đã liên tiếp có những hành động khiến cậu phải cảm thấy hối hận sau đó. Mùa lũ đến, cả làng chìm trong biển nước. Khi cơn lũ qua đi, nước rút cũng là lúc của đói kém, mất mùa. Sự hẹp hòi và đố kỵ trong lòng Thiều đã khiến cậu hiểu lầm và khiến em trai mình bị thương nặng, không thể ngồi dậy được. Thiều càng ân hận hơn khi nghe chính miệng Tường kể rằng người mà Mận thích chơi cùng chính là cậu. Kết thúc câu chuyện, Mận được mẹ đón lên thành phố để tìm cha. Còn Tường nhờ có sự xuất hiện của công chúa cũng dần ngồi dậy và đi được. Thiều đã cùng nhau khám phá ra bí mật về công chúa.
Khi đọc đến từng trang của câu chuyện, người đọc sẽ bị cuốn hút bởi lối kể chuyện vô cùng tự nhiên mà hấp dẫn. Những hình ảnh về tuổi thơ mà có lẽ không ai chưa từng một lần trải qua trong hiện ra trước mắt khiến người đọc. Nguyễn Nhật Ánh đã đưa chúng ta bước lên chuyến tàu du hành thời gian để tìm về với tuổi thơ hồn nhiên, ngây thơ. Đặc biệt nhất là tình cảm anh em khiến mỗi người cảm thấy thật xúc động.
Câu chuyện kết thúc lại nhưng dường như lại mở ra một câu chuyện mới. Không ai biết rằng rồi Mận có tìm lại được cha của mình. Tường có thật sự khỏe lại. Cũng như Thiều và Mận có gặp lại nhau. Nhưng có lẽ điều đó không quan trọng. Bởi thế giới tuổi thơ mà Nguyễn Nhật Ánh vẽ ra trước mắt chúng ta dường như đẹp đẽ biết chừng nào. Không điện thoại, máy tính - những thiết bị công nghệ hiện đại mà là những cánh diều tuổi thơ, những cánh đồng thơm ngát, rạp xiếc quen thuộc…
Trên đây là phần trình bày của tôi, cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe. Tôi rất mong nhận sẽ được sự góp ý từ thầy cô và các bạn.
Dàn ý Giới thiệu về một cuốn sách (truyện)
- Mở đầu: Nêu tên cuốn sách và lí do em giới thiệu cuốn sách với người nghe.
- Triển khai: Trình bày những thông tin quan trọng về cuốn sách (tác giả, năm xuất bản, nội dung của tác phẩm, một vài nét nổi bật về nghệ thuật, sự đón nhận của độc giả…)
- Kết luận: Nêu cảm nghĩ , đánh giá của em về cuốn sách, khích lệ người nghe tìm đọc.
Giới thiệu về một cuốn sách (truyện) - mẫu 2
Cuốn sách "Mắt biếc" của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh quả thực là một cuốn sách hay và ý nghĩa. Cuốn sách đã mang đến cho người đọc những cảm nhận thú vị về mối tình trẻ con của Ngạn và Hà Lan. Cả Ngạn và Hà Lan đều là những đứa trẻ ngây thơ , chúng yêu quý nhau bằng tình cảm hết sức hồn nhiên, trong sáng. Thế nhưng khi môi trường sống thay đổi, Hà Lan lớn lên, rời quê đi lên thành phố, cô đã dần cảm thấy ngôi làng Đo Đo trở nên nhàm chán, thấy cuộc sống ở thành phố sôi động và thích thú hơn nhiều. Chỉ còn mỗi Ngạn vẫn khư khư ôm mối tình cũ với Hà Lan. Câu chuyện được tiếp diễn với sự kiện Hà Lan sa chân vào một mối tình với cậu bạn Dũng, thế rồi có con với anh ta nhưng lại bị chính anh ta khước từ. Lúc này người duy nhất ở bên chăm sóc Hà Lan và con chỉ có Ngạn. Thế nhưng với những mặc cảm trong quá khứ , Hà Lan đã không thể nào đến với Ngạn, bỏ lại mối tình dang dở với anh chàng thầy giáo chân quê - Ngạn. Đọc truyện, người đọc như được cuốn vào một thế giới với những tình cảm trong sáng của hai nhân vật Ngạn và Hà Lan lúc còn nhỏ, được cảm nhận giá trị nhân văn sâu sắc của tình người, tình bạn và tình yêu. Nguyễn Nhật Ánh đã đưa bạn đọc cùng nhân vật trải qua những cảm xúc thật khó tả, mang đến cho ta một chân lý sâu sắc được kết lại ở cuối tác phẩm "Trên đời này có hai thứ không thể bỏ lỡ là chuyến xe cuối cùng trở về nhà và người thật lòng thương ta".
Giới thiệu về một cuốn sách (truyện) - mẫu 3
Kính thưa thầy/cô giáo cùng toàn thể các bạn học sinh.
Khi nhắc đến nhà văn Nguyên Hồng có lẽ chúng ta thường nghĩ đến những tác phẩm như THời thơ ấu, Bỉ Vỏ. Nhưng có lẽ ít người biết đến tác phẩm Núi rừng Yên Thế mới là tâm huyết, là trăn trở lớn nhất của nhà văn.
Nhà văn Nguyên Hồng đã xây dựng bộ tiểu thuyết lịch sử Núi rừng Yên Thế với tư tưởng đây là cuộc chiến tranh nhân dân với đường lối trường kỳ kháng chiến. Tư tưởng này thể hiện ngay từ nhan đề của tác phẩm.
Với tác phẩm này, nhà văn muốn khẳng định cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo là cuộc khởi nghĩa của quần chúng, được chuẩn bị, nung nấu từ trong quần chúng nhân dân. Để hiện thực hóa tư tưởng đó, tác giả đã bắt đầu tác phẩm từ những con người khốn khổ, gồng gánh, chui lủi, dắt díu nhau phiêu dạt khắp nơi. Mỗi con người là một cảnh đời, một số phận nhưng lại gặp nhau ở một điểm: bị truy đuổi, bị dồn ép buộc phải rời bỏ quê hương, buộc phải trốn chạy lên nơi thâm sơn cùng cốc, nơi mà họ hy vọng tính mạng có thể được bảo toàn. Trong trái tim những kẻ khốn khổ tha hương đó đều mang theo mối thù nhà nợ nước nung nấu đòi phải trả…
Vì đấu tranh cho độc lập tự do, cho những điều chính nghĩa nên cuộc khởi nghĩa đã có ảnh hưởng rất sâu rộng. Người tham gia khởi nghĩa thuộc mọi tầng lớp. Không chỉ những trai tráng mà "cả đàn bà, con gái, trẻ em mấy làng bên cũng đổ đến”, người dân "gánh thóc, gánh gạo cho kho lương…”, "có tế cờ thì cứ việc ngả ngay con trâu của nhà tôi…”, "Tây lên Yên Thế thì Yên Thế ta đánh, đánh!”.
Tiếc là những trang viết về Hoàng Hoa Thám khi lên làm chủ tướng cùng với nghĩa quân Yên Thế còn dang dở. Tuy nhiên nó cũng đã được xuất hiện ở những trang cuối của tập I "Việc đánh Tây, ta phải tính thế lâu dài, lấy đoản đánh trường, lấy ít đánh nhiều, lấy hư đánh thực, lấy kỳ bình mà đánh đại quân…”.
Mặc dù Nhà văn Nguyên Hồng đã ra đi khi những trang viết Núi rừng Yên Thế còn bộn bề, ngổn ngang. Nhưng tác phẩm Núi rừng Yên thế vẫn là những trang sử hào hùng về một thời kháng chiến oanh liệt của dân tộc.
Giới thiệu về một cuốn sách (truyện) - mẫu 4
Tôi đã từng nghe nói ở đâu rằng “sách là thế giới”. Quả thật đúng như vậy, sách là thế giới thu nhỏ, cho phép ta trải nghiệm, cảm nhận rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Qua những câu chuyện đầy xúc động mỗi người lại tự rút ra những bài học cho riêng mình. Đối với tôi cuốn sách gối đầu giường, cuốn sách tôi yêu thích nhất chính là “Cây chuối non đi giày xanh” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Câu chuyện được bắt đầu thật tự nhiên hợp lý. Nhân vật Đăng cũng là nhân vật chính trong tác phẩm nhận được lời đề nghị của người bạn: “Mày viết cho tao một bài về những kỉ niệm lúc mày còn ở đây… Mày viết thật thơ mộng vào. Như viết tiểu thuyết càng tốt”. Nhận lời đề nghị của người bạn, Đăng đã bắt tay vào viết, đó cũng là lúc biết bao kỉ niệm xưa cũ, trong trẻo, hồn nhiên của tuổi thơ ùa về: tình bạn, tình yêu, tình cảm thầy trò. Những kỉ niệm ấy thật đẹp đẽ, mơ mộng và đáng trân trọng biết bao. Trong cuốn truyện điều tôi ấn tượng nhất là hành trình tuổi thơ cũng là hành trình phát triển từ tình bạn thành tình yêu của Đăng và nhỏ Thắm. Những đứa trẻ con ngây thơ, hồn nhiên bên nhau trong suốt thuở thiếu thời: bị chết đuối hụt, chúng cùng đi học bơi, bảo vệ nhau trước những kẻ xấu, cùng nhau đi học, cùng nhau cười đùa,… và chúng ngượng ngùng, xấu hổ khi nghe thấy những lời chòng ghẹo, trêu đùa từ người khác. Nhưng trên hết đó là sự quan tâm, giúp đỡ nhau chân thành, tha thiết. Tôi đã vô cùng ngỡ ngàng, ngạc nhiên với hành động hồn nhiên mà cũng đầy chân thành của chú tiểu Khôi, Phan… khi Thắm buộc phải lấy người mà bố mẹ mai mối. Đó còn là sự yêu thương vô bờ của mẹ Thắm dành cho đứa con của mình. Chẳng phải ai khác mà chính là bà đã dán tờ giấy ấy trước nhà với nội dung phản đối hôn nhân lạc hậu. Bà mẹ ấy thật bao dung và vĩ đại biết bao. Bà biết rằng nếu bị phát hiện chắc chắn nhỏ Thắm sẽ bị ăn đòn, bởi vậy bà tình nguyện làm việc đó để đỡ đòn roi thay cho con.
Tác phẩm còn thể hiện tình người, tình làng nghĩa xóm đầm ấm, thân thiết. Ông hớt tóc chẳng khác nào ông Ba Bị mà bố mẹ vẫn dọa mỗi lần tôi hư. Ông hay chòng ghẹo những đứa bé trong làng, miệng ông nhai trầu đỏ lòm làm tất cả những đứa trẻ trong làng phải khiếp sợ. Nhưng khi thấy Đăng và Thắm bị ngã nước, sắp chết đuối ông đã vội vàng xuống cứu. Ẩn sau con người gàn dở ấy là cả một tấm lòng nhân hậu và lương thiện biết bao. Và còn rất nhiều câu chuyện nhỏ nhặt, vô cùng đời thường trong truyện khiến người ta đọc một lần rồi chẳng thể nào quên được. Có lẽ khi đọc cuốn sách này những đứa trẻ nông thôn sẽ như được sống lại những kí ức ngây thơ, hồn nhiên của mình. Chỉ là những câu chuyện vặt, câu chuyện nhỏ nhưng đầy chất nhân văn và thấm đẫm tình người. Truyện được viết bằng giọng văn nhẹ nhàng, sâu lắng, thấm đẫm chất trữ tình. Ngôn ngữ giản dị, tự nhiên, đậm chất Nam Bộ khiến người đọc cảm nhận được thân thương, gần gũi. Không chỉ vậy, Nguyễn Nhật Ánh còn tạo dựng tình huống đặc sắc, những chi tiết bất ngờ làm câu chuyện trở nên hấp dẫn, lí thú hơn.
Gấp cuốn sách lại, những gì đọng lại trong lòng mỗi người không chỉ là giọng văn đằm thắm, chân thành mà còn bởi tình người sâu sắc, cảm động, bởi những suy nghĩ hồn nhiên, ngây thơ nhưng hết sức chân thành. Qua tác phẩm, không chỉ tôi mà rất nhiều bạn khác sẽ rút ra cho mình bài học riêng cho mình: bài học về tình bạn, tình cảm hàng xóm, về tình cảm gia đình,…
Giới thiệu về một cuốn sách (truyện) - mẫu 5
Có những điều tưởng chừng giản dị trong cuộc sống con người, tuy nhiên mấy ai lại quan tâm, để ý đến. Có những ước mơ mới nhìn qua cảm thấy rất bình thường, nhưng có những người khao khát mãi cũng không với lấy được nó. Vì vậy, chúng ta hãy luôn trân trọng những điều bình dị nhất ngay xung quanh chúng ta và hãy làm những việc có thể làm khi ta còn sống. Cách nhìn cuộc sống của tôi đã thay đổi như thế từ khi tôi đọc cuốn sách này, tôi càng thêm trân trọng cuộc sống cũng như đồng cảm và yêu quý, nâng niu cuốn sách “bảo bối” của tôi, đấy là cuốn sách: “Một lít nước mắt”.
Cuốn sách “một lít nước mắt” quả là một câu chuyện cảm động, sâu lắng, dựa trên nhân vật có thật là cô bé Aya người Nhật Bản mắc phải căn bệnh nan y thoái hóa tiểu não khi mới vừa tròn mười lăm tuổi nhưng có một nghị lực phi thường. Nhan đề cuốn sách thật giàu hình ảnh và ý nghĩa nhưng phải chăng là một cách nói thậm xưng, nói quá. Không đâu, bởi khi đọc xong cuốn sách này, tôi lại nghĩ, một lít nước mắt thì vẫn chưa đủ, vẫn còn quá ít bởi lẽ câu chuyện này đã làm cảm động, rung cảm đến hàng triệu trái tim người đọc, khiến hàng triệu giọt nước mắt rơi, muôn đời chưa ráo. Cuốn sách được xuất bản dựa trên nhật kí của Aya với câu chuyện mười năm chống chọi với cái chết thật phi thường và ở tuổi hai mươi lăm, cái tuổi đẹp nhất đời người, cô đã gác bút nghìn thu, gác mọi ước mơ, hoài niệm, hi vọng về một tươi lai tốt đẹp.
Cô gái xinh đẹp ấy đã ra đi vì cơn bạo bệnh khi tuổi đời còn quá ngắn ngủi hai mươi lăm năm với những dự định cuộc sống còn nhiều dang dở. Và ước mơ lớn nhất của cô ngay lúc này đó là:” Liệu con có thể kết hôn được không?”. Cô luôn khao khát về tình yêu và hạnh phúc. Cô cần một hạnh phúc giống như bao người, thật sự rất cần… Ước mơ chưa thể thực hiện mà đã ra đi, một ước mơ, một niềm khát khao cháy bỏng làm nhức nhối tâm can người đọc.
“Con người ta ai cũng mang nặng những ưu phiền
Hễ nhớ về quá khứ là nước mắt tuôn rơi
Còn hiện thực quá phũ phàng và tàn nhẫn
Mơ ước nhỏ nhoi không cách nào thực hiện
Nghĩ đến tương lai lại sụt sùi nước mắt”.
Cuốn sách này chỉ có thể tái hiện được một phần nào đó nỗi đau của cô nhưng nó đã làm tôi xót xa khôn xiết. Khi bị bệnh, cô ăn uống khó khăn, tay chân không thể cử động như những người bình thường, tình yêu đến với cô rồi cũng xa cô khi biết cô bị bệnh, bạn bè ai cũng xa lánh vì sợ bị làm phiền, khi cận kề cái chết, mặt cô trở nên xấu xí, biến dạng. Nhưng nghị lực sống phi thường không để cô có thể gục ngã mà buộc cô phải tiếp tục sống. Bởi trong tận cùng của sự phũ phàng, tuyệt vọng, cô vẫn còn có cha mẹ yêu thương bằng cả tấm lòng, có cả Asou - một người bạn thân luôn bên cạnh cô, động viên, an ủi, khóc cùng cô những lúc khó khăn nhất. Cũng chính tình yêu thương đó đã tiếp thêm nghị lực để cô có thể tiếp tục sống thêm mười năm nữa.
Các bạn biết không, cách nhìn nhận cuộc sống của Aya rất khác biệt. Bên cạnh nghị lực phi thường, cô còn có cảm nhận khá sâu sắc về cuộc sống bên ngoài:” Mình muốn trở thành không khí”. Cô ấy ước ao mình có cuộc sống nhẹ nhàng êm dịu như bao người và muốn cho mọi người biết đến sự tồn tại của mình trên cuộc đời này. Có lẽ căn bệnh nghiệt ngã này đã khiến cho cô có cái nhìn sâu sắc hơn với thế giới, với những gì đang diễn ra xung quanh cô, tuy đơn sơ nhưng gần gũi, cần thiết trong cuộc sống hằng ngày. Và chính lúc này đây, cô đã cảm nhận được tình cảm gia đình dành cho mình, thiêng liêng và cao cả biết nhường nào. “Ở nơi đó, có lẽ tôi sẽ không còn nước mắt nữa”, ở thế giới hiện tại cô đã khóc thật nhiều nhưng tâm hồn vẫn luôn tiềm tàng một sức sống mãnh liệt, cô ước mong thi đậu vào trường Đại học nổi tiếng ở Nhật Bản. Nhưng có lẽ mong ước ấy mãi mãi không thể thực hiện được, cô giờ đã đi đến một thế giới khác, một thế giới không còn nước mắt nữa. Trước khi chết, cô đã có một ước nguyện:” con muốn mình được nằm giữa một rừng hoa, ba..mẹ..đừng quên con nhé”. Đúng như vậy, vào cái ngày cô ra đi, tất cả mọi người biết được câu chuyện nhật kí của cô, đều xúc động, thương tiếc đến chia buồn. Trên tay mỗi người đều cầm một bó hoa tạo thành một rừng hoa xung quanh cô Aya đầy nghị lực phi thường. Đóa hoa hướng dương mà cô đã viết trong những năm tháng cuối đời:” Con biết cha mẹ luôn cầu mong một điều kì diệu sẽ đến với con.
Nhưng nếu điều kì diệu không xảy ra, mong cha mẹ cũng đừng đau buồn..” Và một câu nói mãi làm nghẹn ngào tâm hồn người đọc:” Tại sao lại là con chứ ?” Có ai đọc những dòng chữ này mà không đau lòng? Phải chăng tất cả là do số phận như Nguyễn Du từng nói:
“Ngẫm hay muôn sự tại trời
Trời kia đã bắt thì người phải theo
Bắt phong trần, phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao”.
Đây là một cuốn sách đáng để chúng ta đọc và ngẫm nghĩ, tái hiện một câu chuyện thấm đẫm tính nhân văn và nghị lực phi thường. Đọc “ Một lít nước mắt “ để ta thêm trân trọng từng giây, từng phút trong cuộc đời này. Cuộc sống của tôi diễn ra vẫn bình thường như bao ngày, tôi vẫn cảm nhận được ánh nắng mặt trời, cát, gió, không khí. Nhưng chỉ khác là từ khi tôi đọc cuốn sách ấy, tôi càng thêm trân trọng những điều giản dị ấy mà trước đây tôi chẳng để ý đến. Và tôi cảm ơn cuốn sách yêu dấu này đã giúp tôi nhận ra và thêm trân trọng những khoảnh khắc đẹp trong cuộc đời khi còn có thể.
Giới thiệu về một cuốn sách (truyện) - mẫu 6
Từ xưa đến nay, sách luôn là kho tàng lưu trữ kiến thức, là một công cụ học tập hữu ích của con người. Sách cung cấp cho ta đầy đủ tri thức về mọi lĩnh vực trên thế giới, giúp ta thư giãn, giải trí và đôi khi còn làm thay đổi một phần nào đó trong cuộc sống của chính chúng ta. Trong đó cuốn sách giáo khoa Ngữ văn 8, tập một là một cuốn sách vô cùng bổ ích và không thể thiếu đối với mỗi học sinh Trung học cơ sở.
Sách giáo khoa Ngữ văn 8, tập một được trình bày rất đẹp và hợp lí. Bìa sách được làm bằng giấy cứng màu hồng nhạt trông rất sáng và đẹp. Ở góc dưới cùng bên phải của bìa là tên, lô-gô của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ở giữa cuốn sách là một khóm hoa thủy tiên đang đua nhau khoe sắc như đang đón chào chúng ta đến với kho tàng kiến thức dành cho học sinh lớp 8. Phía bên trên là dòng chữ “Ngữ văn” màu xanh dương kết hợp với con số 8 màu trắng được in nổi bật trên nền bìa màu hồng. Kích thước 17x24cm vừa vặn, phù hợp với tầm tay của học sinh.
Cuốn sách dày gần hai trăm trang chứa đựng biết bao kiến thức bổ ích. Bìa sau cuốn sách cũng được làm bằng chất liệu giấy cứng màu trắng. Phía trên cùng in hình biểu tượng chất lượng mà sách đạt được. Ở giữa là tên sách giáo khoa của mười một bộ môn. Sau trang bìa, trang đầu tiên là “Lời nói đầu” giới thiệu cho người đọc biết mục đích và nội dung chung mà cuốn sách sẽ mang lại cho học sinh. Giấy in sách màu trắng có độ sáng hài hòa, chữ viết in đậm rõ ràng giúp học sinh nhìn rõ, đảm bảo thị lực cho học sinh.
Cuốn sách có tất cả mười bảy bài, phía trên mỗi bài đều có nội dung kiến thức cần đạt được. Cấu trúc mỗi bài thường có ba phần: phần Văn bản, phần Tiếng Việt và phần Tập làm văn được in theo một thứ tự nhất định, rõ ràng. Sau mỗi bài học thường có phần Ghi nhớ được đóng khung rõ ràng, cẩn thận. Phía dưới là phần Luyện tập giúp học sinh củng cố lại kiến thức vừa học và nâng cao kiến thức hơn.
Ớ các văn bản văn học đều có các bức tranh minh họa giúp học sinh không cảm thấy khô khan, nhàm chán mà trái lại mỗi bài như một tri thức mới, hứng thú mới, kích thích sự thích thú, tò mò của lứa tuổi học trò. Không chỉ vậy, những bức tranh minh họa còn giúp học sinh có thể tưởng tượng, hiểu sâu hơn nội dung bài học. Kiến thức cuốn sách giáo khoa mang lại cho người đọc vô cùng phong phú và đa dạng. Phần truyện gồm nhiều loại như truyện ngắn, tiểu thuyết, hồi kí giúp ta hiểu được cuộc sống của người nông dân Việt Nam và phẩm chất cao quý của họ dưới xã hội thuộc địa phong kiến. Phần thơ gồm thơ yêu nước đầu thế kỉ XX của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Trần Tuấn Khải. Các tác phẩm thơ này không chỉ mang ý nghĩa giáo dục về tư cách đạo đức, về lòng yêu nước sâu sắc mà còn cho học sinh thấy được những vẻ đẹp khác nhau của các tác phẩm trữ tình. Bên cạnh các tác phẩm văn học Việt Nam là một phần văn học nước ngoài như đưa ta đến những chân trời mới lạ: Đan Mạch, Mĩ, Nga, Tây Ban Nha. Những truyện ngắn tuy nhẹ nhàng nhưng toát lên tinh thần nhân đạo cao cả, tình yêu thương những người cùng khổ, đồng thời cho ta hiểu được một phần nào về xã hội của các nước bạn trong thế kỉ XIX, XX. Phần Tiếng Việt rèn cho học sinh cách sử dụng từ ngữ, câu văn, dấu câu sao cho phù hợp với tình huống, hoàn cảnh giao tiếp. Phần Tập làm văn giúp học sinh nâng cao, củng cố một số kiến thức về văn bản, rèn luyện cho học sinh kĩ năng cơ bản về quá trình tạo lập văn bản như xây dựng bố cục, liên kết đoạn văn, các phương pháp để viết một bài văn. Ở lớp 8, học sinh tập trung học ba kiểu văn bản là tự sự, thuyết minh và nghị luận.
Sự kết hợp hài hòa giữa các phương thức biểu đạt là hình tượng phổ biến trong các tác phẩm văn chương. Bởi vậy nội dung học của phần Tập làm văn tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đọc hiểu văn bản. Ở cuối sách là trang mục lục giúp học sinh dễ tra cứu các bài học. Sách giáo khoa Ngữ văn 8 là một cuốn sách bổ ích bởi vậy ta cần giữ cho nó được sạch sẽ, không bị quăn mép bằng cách bọc bìa bằng ni lông.
Sách giáo khoa Ngữ văn 8, tập một là một cuốn sách quý giá, là một kho tàng kiến thức không thể thiếu đối với mỗi học sinh Trung học cơ sở chúng ta.
Giới thiệu về một cuốn sách (truyện) - mẫu 7
Cuốn "Việt Sử Yếu" của Hoàng Cao Khải là một tác phẩm quan trọng trong lịch sử văn học và lịch sử Việt Nam. Dưới đây là một phân tích chi tiết về nội dung và tầm quan trọng của cuốn sách. "Việt Sử Yếu" là một cuốn sách lịch sử quan trọng được viết bằng chữ Hán năm 1914 và sau đó chuyển sang chữ quốc ngữ để xuất bản trên Đông Dương tạp chí vào năm 1915. Cuốn sách này có thể coi là cuốn sách quốc ngữ đầu tiên mở ra lối viết hiện đại về lịch sử Việt Nam. Trước đó, các tác phẩm lịch sử chủ yếu là viết bằng chữ Hán và thường tuân theo lối viết truyền thống của các sử gia phong kiến.
"Việt Sử Yếu" là một tác phẩm khái quát và ngắn gọn nhưng tương đối đầy đủ về lịch sử Việt Nam từ thời Văn Lang cho đến thời điểm nó được hoàn thiện vào năm Duy Tân thứ tám, 1914. Cuốn sách này không chỉ liệt kê các sự kiện lịch sử theo thứ tự năm tháng và các đời vua chúa, mà còn đưa ra cách phân kỳ lịch sử mới. Tác giả hệ thống hóa lịch sử thành các chương và tiết, cung cấp một cái nhìn tổng quan và những thông tin quan trọng. Cuốn "Việt Sử Yếu" đánh dấu sự đổi mới trong viết sử của Việt Nam. Thay vì áp dụng lối viết chép sử biên niên truyền thống, Hoàng Cao Khải đã đưa ra một cách tiếp cận mới và hệ thống hóa lịch sử thành các phần chương có cấu trúc rõ ràng. Điều này đã tạo ra một cách nhìn hiện đại và hấp dẫn hơn về lịch sử Việt Nam.
Ngoài ra, trong cuốn sách này, tác giả cũng đưa ra những phê bình và nhận xét sắc bén về lịch sử, giúp độc giả hiểu sâu hơn về các sự kiện và nhân vật trong lịch sử. "Việt Sử Yếu" đã tạo ra cảm hứng và gợi ý quan trọng cho các tác phẩm lịch sử sau này. Công trình này đã đánh bại cách viết sử truyền thống và mở ra một cửa ngõ cho những tác phẩm lịch sử đương đại. Trong số những tác phẩm lịch sử quan trọng sau này, "Việt Nam Sử Lược" của Trần Trọng Kim cũng lấy cảm hứng từ "Việt Sử Yếu" và tiếp tục phát triển các nguyên tắc viết sử hiện đại.
Như vậy, "Việt Sử Yếu" vẫn được coi là một tác phẩm mang tính quyết định trong việc thay đổi cách tiếp cận và biên soạn lịch sử Việt Nam và là một phần quan trọng của di sản văn học lịch sử của nước ta.
Giới thiệu về một cuốn sách (truyện) - mẫu 8
"Sử Việt – 12 khúc tráng ca" là một tác phẩm vô cùng quan trọng trong lĩnh vực lịch sử nói chung và lịch sử Việt Nam nói riêng. "Sử Việt – 12 khúc tráng ca" là một cuốn sách lịch sử Việt Nam, được biên soạn và chọn lọc bởi những người nghiên cứu lịch sử uy tín. Cuốn sách này được thiết kế để giới thiệu 12 câu chuyện quan trọng trong lịch sử Việt Nam, những giai đoạn và những sự kiện mà người biên soạn cho là có tính chất quan trọng và hùng tráng.
Cuốn sách "Sử Việt – 12 khúc tráng ca" kể về 12 câu chuyện lịch sử quan trọng như cuộc kháng chiến chống lại quân xâm lược xưa, cuộc đấu tranh giữa các triều đại phong kiến, và những nhân vật nổi tiếng như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Khúc Hạo. Nó cũng tập trung vào những địa danh và bí ẩn trong lịch sử Việt Nam như thành Bình Lỗ, đầm Thi Nại, và kỹ thuật đóng cọc tại sông Bạch Đằng. Cuốn sách không chỉ đưa người đọc vào cuộc hành trình của những anh hùng lớn như Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo mà còn giới thiệu những nhân vật quan trọng khác như Khúc Hạo và những địa danh quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Cuốn sách cũng đặt ra những câu hỏi và đưa ra giải đáp về những nghi án lịch sử và tranh đoạt hoàng quyền.
"Sử Việt – 12 khúc tráng ca" không chỉ là một tập hợp các câu chuyện lịch sử, mà còn là một bức tranh sâu rộng về sự phát triển và đấu tranh của dân tộc Việt Nam qua các thời kỳ. Cuốn sách này cung cấp cho độc giả một cái nhìn sâu sắc và đa chiều về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Cuốn sách được viết một cách hấp dẫn và cuốn hút, không như một tài liệu chuyên khảo khô khan mà thay vào đó, nó là một cuốn sách dễ tiếp cận và thú vị cho mọi đối tượng độc giả.
Cuốn sách "Sử Việt – 12 khúc tráng ca" là một nguồn tài liệu quý báu về lịch sử Việt Nam, đồng thời cũng là một tác phẩm văn học có giá trị. Nó giúp hiểu sâu hơn về quá trình hình thành và phát triển của đất nước Việt Nam, cũng như sự đóng góp của các nhân vật và sự kiện quan trọng trong lịch sử dân tộc.
Giới thiệu về một cuốn sách (truyện) - mẫu 9
"Việt Nam Sử Lược" của Trần Trọng Kim là một tác phẩm lịch sử quan trọng của Việt Nam. "Việt Nam Sử Lược" xuất bản lần đầu vào năm 1920. Đây là một tác phẩm được biên soạn dựa trên nhiều nghiên cứu trước đó, như "Nam Sử Tiểu Học" và "Sơ Học An Nam Sử Lược" từ những năm 1914-1917. Cuốn sách này đánh dấu sự ra đời của bộ thông sử viết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam, theo phương pháp hiện đại.
"Việt Nam Sử Lược" là một trong những tác phẩm đầu tiên tại Việt Nam thoát ly khỏi lối chép sử biên niên truyền thống của Trung Quốc. Thay vì chỉ liệt kê các sự kiện riêng lẻ, Trần Trọng Kim biên soạn tác phẩm này như một câu chuyện liên tục và hấp dẫn, thể hiện mối liên hệ nhân quả và biện chứng giữa các sự kiện theo dòng thời gian.
Trong tác phẩm này, không chỉ tập trung vào việc ghi chép hành vi và hoạt động của vua chúa và quan lại, "Việt Nam Sử Lược" cũng quan tâm đến đời sống thực tế của dân chúng, sinh hoạt xã hội, phong tục, tín ngưỡng và nhiều khía cạnh khác của cuộc sống xã hội Việt Nam. Tất cả được thể hiện với một thái độ điềm tĩnh, khách quan và công bằng, đúng như một sử gia đáng tin cậy. "Việt Nam Sử Lược" đã lâu đã được coi là một kiệt tác trong lĩnh vực sử học Việt Nam và là cuốn sách lịch sử Việt Nam để đời của học giả Trần Trọng Kim. Được viết dễ hiểu, sinh động và hấp dẫn, cuốn sách này là một tài liệu quý báu về lịch sử và văn hóa Việt Nam và vẫn luôn được xem là một trong những cuốn sách lịch sử quan trọng nhất trong nền văn học Việt Nam.
Giới thiệu về một cuốn sách (truyện) - mẫu 10
Cuốn sách "Lịch sử thế giới qua truyện tranh" của tác giả Pascale Bouchié, Catherine Loizeau, và Béatrice Veillon thực sự là một tác phẩm đặc biệt và thú vị về lịch sử thế giới. Cuốn sách "Lịch sử thế giới qua truyện tranh" là một bức tranh tương tác về lịch sử nhân loại, bao gồm 60 câu chuyện từ 15.000 năm lịch sử được chia thành từng thời kỳ lớn. Những giai đoạn chính bao gồm Tiền sử, Cổ đại, Trung đại, Phục hưng, Hiện đại, thế kỷ 19, và từ thế kỷ 20 đến hiện tại. Mỗi câu chuyện đề cập đến những diễn biến, sự kiện quan trọng và nhân vật nổi bật trong thời đại đó.
Cuốn sách này không chỉ đơn thuần là một bài học lịch sử mà còn là một hành trình khám phá về những nền văn minh cổ đại, các cuộc cách mạng, và những con người ảnh hưởng đến thế giới. Điểm đặc biệt của cuốn sách là việc kết hợp giữa truyện tranh và thông tin lịch sử. Mỗi câu chuyện được minh họa bằng tranh vẽ sống động, các biểu đồ niên đại, bản đồ, và hình ảnh thực tế, giúp bạn đọc hình dung và hiểu rõ hơn về những sự kiện và người trong lịch sử. Điều khiến cuốn sách trở nên đặc biệt là lối kể chuyện hấp dẫn. Những câu chuyện được kể một cách súc tích và thú vị, giúp độc giả dễ dàng tiếp thu thông tin mà không cảm thấy nhàm chán. Lối viết đầy tinh tế và trình bày thông tin một cách rõ ràng.
Hình ảnh trong cuốn sách rất đặc sắc. Tranh vẽ sống động và minh họa hình ảnh của các sự kiện và nhân vật lịch sử một cách sinh động. Điều này giúp bạn đọc tạo được một hình ảnh rõ ràng và đồng cảm hơn với những diễn biến trong lịch sử. Cuốn sách "Lịch sử thế giới qua truyện tranh" rất phù hợp với lứa tuổi học sinh. Lối viết dễ hiểu và trình bày thông tin theo hình thức truyện tranh làm cho việc học lịch sử trở nên thú vị và hấp dẫn hơn bao giờ hết. Đây là một cách tuyệt vời để giúp học sinh hiểu rõ hơn về lịch sử và văn hóa của thế giới.
Cuốn sách "Lịch sử thế giới qua truyện tranh" là một tài liệu lý thú và bổ ích về lịch sử thế giới. Với cách kể chuyện hấp dẫn, tranh vẽ sống động và thông tin súc tích, nó sẽ giúp bạn đọc khám phá và hiểu sâu hơn về lịch sử vĩ đại của nhân loại. Đây là một tài liệu không thể thiếu đối với những người yêu thích lịch sử và muốn tìm hiểu về thế giới xung quanh mình.
Xem thêm các bài văn mẫu 8 Kết nối tri thức hay khác:
Top 30 Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (văn học trong đời sống hiện nay)
Top 30 Viết văn bản thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên
Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 8 hay khác:
- Soạn văn 8 Kết nối tri thức (hay nhất)
- Soạn văn 8 Kết nối tri thức (ngắn nhất)
- Giải lớp 8 Kết nối tri thức (các môn học)
- Giải lớp 8 Chân trời sáng tạo (các môn học)
- Giải lớp 8 Cánh diều (các môn học)
Tủ sách VIETJACK shopee lớp 6-8 cho phụ huynh và giáo viên (cả 3 bộ sách):
Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.
Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:Loạt bài Soạn văn 8 hay nhất, ngắn gọn của chúng tôi được biên soạn bám sát nội dung sgk Ngữ văn 8 Tập 1 và Tập 2 Kết nối tri thức (NXB Giáo dục).
Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.
- Soạn văn 8 (hay nhất) - KNTT
- Soạn văn 8 (ngắn nhất) - KNTT
- Giải sgk Toán 8 - KNTT
- Giải Tiếng Anh 8 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh 8 Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 8 Friends plus
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 8 - KNTT
- Giải sgk Lịch Sử 8 - KNTT
- Giải sgk Địa Lí 8 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục công dân 8 - KNTT
- Giải sgk Tin học 8 - KNTT
- Giải sgk Công nghệ 8 - KNTT
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 8 - KNTT
- Giải sgk Âm nhạc 8 - KNTT